Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2023

KINH THÁNH VÀ VIỆC CẦU NGUYỆN

Thời sự Thần học - Số 24, Tháng 6 Năm 2001, tr. 61-65.

_Hoa Trang_ 


Văn kiện của Uỷ ban Giáo hoàng Thánh Kinh bàn về việc giải thích Kinh Thánh đặc biệt nhấn mạnh rằng việc chú giải Kinh Thánh không thể dừng lại ở chỗ tìm ra ý nghĩa của bản văn dựa theo ý định của tác giả khi viết ra nó, nhưng làm sao để giúp cho cộng đồng tín hữu nhờ Kinh Thánh để tiếp xúc được với Lời Chúa hôm nay. Phải nhìn nhận rằng từ công đồng Vaticanô II đến nay, các tín hữu công giáo đã có dịp làm quen với Kinh Thánh hơn trước nhiều. Không kể các lớp thần học phải quy chiếu về Kinh Thánh như là nền tảng, các tín hữu cũng lĩnh nhận Lời Chúa nhiều hơn qua các buổi cử hành Thánh Lễ, những lớp học hỏi Thánh Kinh, những buổi chia sẻ Lời Chúa. Bài này giới thiệu việc dùng Kinh Thánh trong việc cầu nguyện công và tư.

Chúng tôi đã nhận xét rằng các phương pháp được áp dụng gần đây trong khoa chú giải Kinh Thánh thường lấy từ các ngành khảo cứu văn chương hay ngôn ngữ học. Tuy nhiên, cũng nên thêm rằng có một ngành đang chớm nở, đó là “lịch sử của khoa chú giải” nghĩa là xét xem một bản văn nào đó của sách thánh đã được hiểu và giải thích như thế nào trải qua 20 thế kỷ của lịch sử của Giáo hội. Chính trong khi khảo cứu lịch sử của khoa chú giải mà các học giả đã trở lại với vấn đề các nghĩa của Sách thánh, được sách Giáo lý Hội thánh công giáo trình bày ở số 115-117. Và cũng chính khi khảo cứu lịch sử của khoa chú giải, đặc biệt là thời các giáo phụ, mà người ta đã học phương pháp sử dụng Thánh kinh trong việc cầu nguyện. Có hai đường lối đáng được lưu ý:
  • Việc giải thích các ý nghĩa khác nhau của Thánh vịnh;
  • Lectio divina.

I. Các ý nghĩa khác nhau của thánh vịnh


Thánh vịnh được phụng vụ sử dụng nhiều nhất cho việc cầu nguyện, đặc biệt là trong Giờ kinh Phụng vụ và trong các đáp ca. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đã hơn một lần cảm thấy khó khăn khi cầu nguyện với các thánh vịnh. Chính vì vậy mà đã có nhiều sáng tác trong lãnh vực này, nhằm giúp vượt qua những trở ngại đó. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nói tới vấn đề này trong những số 2585-2589.

1. Bước đầu tiên là tìm hiểu nghĩa văn của các thánh vịnh. Tuy rằng các thánh vịnh đều là thể thơ (nghĩa là một lối hành văn khác với văn xuôi), nhưng trong thể thơ lại còn có những hình thức khác nhau nữa, tỉ như: ngợi khen, khẩn cầu, tín thác, tạ ơn, ca thán, dạy khôn. Mỗi hình thức tuân theo một khung diễn tả riêng của nó.

2. Tuy nhiên, ngoài việc tìm hiểu nghĩa văn, để cho thánh vịnh trở thành kinh nguyện Kitô giáo, chúng ta cần phải giải thích nó trong khung cảnh của Tân Ước, như là lời của Đức Kitô, của Hội thánh, của mỗi Kitô hữu. Đây là cách thức cầu nguyện bằng thánh vịnh mà các giáo phụ đã áp dụng. Vì thế, dựa theo sự gợi ý của văn kiện trình bày sách Giờ kinh Phụng vụ số 109, nhiều tác giả đã xuất bản những chú giải đi kèm các thánh vịnh dựa theo tư tưởng của các giáo phụ. Thí dụ, thánh vịnh thứ 1: ta có thể áp dungj hình ảnh người công chính là Đức Kitô, đấng hằng tuân giữa luật Chúa; ta cũng có thể áp dụng cho Hội thánh và các tín hữu, nếu được tháp nhập và Đức Kitô là cây nho và tuân giữ luật đức ái, thì sẽ sinh ra nhiều hoa trái phúc lộc.

II. Lectio divina


Một cách thức khác nữa để cầu nguyện với sách thách là Lectio divina. Thường thì người ta không muốn dịch từ này ra sinh ngữ (thí dụ Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1177), bởi vì muốn duy trì nội dung phong phú của nó. Thực vậy, “lectio” không phải chỉ là đọc; theo nguyên ngữ latinh, “legere” có nghĩa là: hái, thu lượm; do đó lectio có nghĩa là hái tư tưởng gói ghém trong đoạn sách, thu lượm sứ điệp chứa đựng trong đó. Thêm vào đó tính từ “divina” muốn nêu bật rằng đối tượng của nó là Thiên Chúa; đồng thời con người cũng nhờ Thiên Chúa mở hco thấy chân lý chứa đựng trong Lời của Ngài. Từ ngữ “lectio divina” (hay lectio sacra) đã xuất hiện trong các tác phẩm của các giáo phụ từ thế kỷ 4-5, và được ghi vào thời khoá biểu hằng ngày của các đan sĩ, thí dụ như trong luật thánh Biển Đức. Các giáo phụ quan niệm rằng Sách thánh là nơi hẹn hò chính yếu của con người với Chúa: khi đọc sách thánh là ta lắng nghe Chúa nói, còn khi cầu nguyện là ta thưa chuyện với Ngài. Khi đọc Sách thánh, ta không phải chỉ lo tìm hiểu ý nghĩa của các từ ngữ trong đó, nhưng mà, dưới sự hướng dẫn của Thánh thần, ta còn khám phá ra Đức Kitô, nội dung và đối tượng của toàn Sách thánh. Sang thời Trung cổ, các đan sĩ dần dẫn đã truyền lại những kinh nghiệm thực hành của họ, đặc biệt là Guigô II, viện phụ dòng Chartreux hồi thế kỷ 12 (1173-1180), đã tóm lại bốn động tác chính của lectio divina: lectio, meditatio, oratio, contemplatio, và được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trích ở số 2654: “Hãy tìm qua việc đọc, và sẽ tìm qua việc gẫm suy; hãy gõ qua việc cầu khẩn và sẽ mở nhờ chiêm ngắm”. Dĩ nhiên, giả thiết là tiên vàn đã phải chuẩn bị tâm hồn, tỉ như thanh tẩy lương tâm khỏi tội lỗi, khung cảnh thinh lặng để có thể gặp gỡ Chúa. Bây giờ chúng ta đã xét tới bốn động tác:

1. Động tác đầu tiên là “lectio”: nó không hệ tại việc đọc cho bằng việc chăm chú lắng nghe Chúa qua đoạn Sách thánh.

2. Tiếp đó là “meditatio”, có nghĩa là để cho Lời Chúa thấm nhập toàn thể các quan năng của ta. Một vài tác giả gọi là “nhai đi nhai lại” (ruminatio), nhằm để cho Lời Chúa thấm nhiễm vào tư tưởng, tâm tình của ta, thấm nhập vào đời sống của ta.

3. “Oratio” là lời cầu nguyện bộc phát lên từ con tim sau khi đã được Lời Chúa đánh động; lời nguyện ấy có thể mang lấy hình thức của chính Lời của Chúa. Khi ta thưa lại với Chúa bằng chính Lời của Người thì tất nhiên là ta đã chấp nhận: Amen, xin vâng theo Lời Người.

4. Sau cùng “Contemplatio” nói lên tâm tình biết ơn, thán phục, thờ lạy, ngợi ca, khi nếm được vẻ ngon ngọt của Lời Chúa.

Dĩ nhiên, trải qua các thế kỷ, cái sườn đơn giản của Guigo được thêm bớt châm chế. Một cái lược đồ tương tự đã có thể tìm thấy trong Phụng vụ Lời Chúa:
  • Công bố Lời Chúa với đôi lời chú giải tiếp theo;
  • Thinh lặng để suy niệm’
  • Đáp ca bằng lời của thánh vịnh;
  • Tung hô ngợi khen “alleluia”.
Một lược đồ khác đã muốn bổ túc thêm vài động tác khác nữa.
  • Lectio
  • Meditatio
  • Collatio
  • Oratio
  • Contemplatio
  • Operatio
Như vậy sau khi đã chú ý đón nghe lời Chúa, và suy gẫm, các đan sĩ chia sẻ với nhau (collatio), hoặc giúp nhau đào sâu hơn những ý nghĩa của sách thánh. Ngoài ra, người ta còn thêm một động tác chót nữa (operatio), nhằm kéo dài buổi cầu nguyện ra cuộc sống, cố gắng tìm gặp Thiên Chúa hiện diện qua công việc bổn phận, đồng thời đem thực hành điều mà Chúa đã soi sáng trong lúc cầu nguyện. Dù sao chăng nữa, ta thấy “lectio divina” là một thức giải thích Kinh Thánh, khi mà không để cho nó thành chữ chết, cũng không phải chỉ tìm hiểu ý nghĩa văn chương của các câu văn, nhưng là khám phá ra cái nghĩa sống động của Sách thánh, như là lời nói của Chúa làm ánh sáng và nuôi dưỡng tín hữu trên đường lữ hành.

Việc trở về với đường lối giải thích Sách thánh của các giáo phụ (tức là đọc thánh vịnh theo nhãn giới Kitô, và lectio divina), không có nghĩa là hạ giá những phương pháp chú giải cận đại. Những kết quả của những phương pháp giải thích hiện đại mở cho ta thấy nghĩa văn (sensus litteralis) của Kinh Thánh. Thế nhưng, nhưng ta đã biết, ngoài nghĩa văn còn có nghĩa tinh thần nữa (sensus spiritualis), nghĩa là đọc mỗi đoạn văn Kinh Thánh trong bối cảnh của toàn thể lịch sử mạc khải, nhờ đó mà một bản văn của Cựu Ước sẽ sáng nghĩa hơn trong Tân Ước, cũng như toàn thể Cựu Ước lẫn Tân Ước phải dẫn đưa con người tới cứu cánh tối hậu của mạc khải, đó là sự thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực vậy, Thiên Chúa đã muốn cho Kinh Thánh được viết ra không phải chỉ như làm chứng tích của những lời nói và hành động của Người đã tỏ ra trong quá khứ; Người còn muốn sao cho con người nhờ Kinh Thánh có thể nghe lời sống động của Người, và đáp lại bằng trót cả tâm tư và đời sống.

Sau cùng, chúng tôi xin thêm một ghi chú nữa. Các đan sĩ và tu sĩ cho đến đầu thời Trung cổ vẫn nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện bằng “Lectio divina” vừa nói trên. Dần dần, vì tiếng latinh trở nên xa lạ với đời sống thường ngày khiến cho các tu sĩ không thể đọc Sách thánh cách dễ dàng được nữa, nên họ đã thay thế bằng việc đọc sách thiêng liêng (lectio spiritualis).