Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2023

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG ISLAM TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Thời sự Thần học – Số 21 – Tháng 09/2000, tr. 103-119. 

_Châu Trần_ 
LTS: Islam giáo là tên gọi của một tôn giáo có gốc tiếng Arah là Islam, có nghĩa là phục tùng. Vì Islam được truyền bá vào Trung Hoa thông qua người Hồi, một bộ lạc sinh sống ở vùng Trung Á xưa, một người Trung Hoa gọi là đạo Hồi. Do đó, từ “Hồi Giáo” được dùng để chỉ tôn giáo này. Nhưng, thực ra ngay chính những người theo tông giáo này cũng không đồng ý với tên gọi như thế. Trong hướng đối thoại liên tôn, chúng tôi trân trọng giới thiệu nhiều kỳ một nghiên cứu xã hội học về cộng đồng Islam tại Thành Phố Hồ Chí Minh với ước mong “nối vòng tay lớn”.


Quá trình du nhập của Islam vào Việt Nam và sự phân bố các cộng đồng Islam


Đạo Islam du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường và vào nhiều thời điểm khác nhau. Căn cứ trên thời điểm, ta có thể phân kỳ các giai đoạn du nhập đạo Islam vào Việt Nam thành ba thời kỳ: Thế kỷ thứ 8 – 9, thế kỷ 14 và thời kỳ cận hiện đại.

Có học giả như S. Q. Fatima dẫn từ nguồn tư liệu của Ba Tư và Arab cho biết rằng vào thế kỷ thứ 8 đã có những người Islam định cư ở trung tâm đô thị Champa.

Có một số tác giả đưa ra giả thuyết rằng vào thế kỷ thứ 9, đạo Islam đã hiện diện trên địa bàn nước Việt Nam ngày nay. Để chứng minh cho quan điểm này, người ta đưa ra một đoạn ở Tống sử, hai bìa đã tìm thấy ở miền Trung và vào các truyện truyền kỳ lịch sử của người Chăm.

Đoạn viết trong Tống sử được nhiều tác giả dẫn lại như G. Maspéro trong Le royaume de Champa. Nguyễn Văn Luận trong Người Chàm Islam miền Tây Nam phần Việt Nam, có nhắc đến câu cầu nguyện “A la hòa cập bạt” (Ollo hu Akbar) của người Chăm trước lúc giết trâu để tế thần: “Cũng có (ở xứ Chàm) nhiều trâu sống trên núi. Nhưng người ta không dùng để cày bừa mà chỉ để tế thần. Lúc giết trâu để cúng, họ đọc lời nguyện A la hòa cập bạt”. Theo các tác giả này, Ollo hu Akbar là lời cầu đấng Allah của người Islam, và như vậy chứng tỏ là người Chăm thời ấy đã theo đạo Islam rồi.

Truyện truyền kỳ liên quan đến đạo Islam của người Chăm kể về ông vua Ovlah đã từng cư trú 37 năm ở Thánh địa Mecca, trở về vương quốc Champa trị vì từ năm 1000 đến 1036: “Vào năm Tý, một người thuộc dòng họ Ovlah đã tu hành theo giáo lý đạo Islam, song đã làm cho xứ sở này bất mãn. Con người này đã hiến dâng cả thể xác và linh hồn của ông cho Chúa trên trời và ông đã đến ở Mokah trong 37 năm, sau đó ông lại trở về vương quốc Chàm. Việc này phù hợp với hai tấm bia, một tấm có niên đại 1039, tấm kia được xem là vào khoảng từ 1025 đến 1035, ghi về một nhóm người ở miền Trung Việt Nam thường hành lễ theo nghi thức đạo Islam. Nhóm người này bao gồm thương gia, thợ thụ công, học giả, các nhà lãnh đạo tôn giáo. Maspéro cho biết là cộng đồng Islam này có Seith-es-suq, là người đại diện của nhóm này trong việc tiếp xúc với giới lãnh đạo người Chăm. Ngoài ra còn có một người lãnh đạo tinh thần gọi là Seith-el-Islam hoặc Mufti, là người đứng đầu một thánh đường Islam ở địa phương, còn có imam Hatib, một số quan tòa Islam và những người giữ trật tự cho giáo luật Islam gọi là qudi và muhtasib

Như vậy, đã có một số chứng cứ liên quan đến việc xuất hiện của Islam từ thế kỷ 9 và 11. Tuy nhiên, những chứng cứ ấy vẫn còn rời rạc và ít ỏi, không cho biết có thật chăng chính cộng đồng người Chăm có tiếp thu đạo Islam, hay đó chỉ là những nhóm người không phải bản xứ?

Đi theo dòng lịch sử, về sau, có nhiều sự kiện và dữ liệu liên quan đến đạo Hồi tại vương quốc Champa. Đó là sự kiện vua Chế Mân (Jaya Sinhavarman III, có một người vợ là một công chúa Java (ngoài Huyền Trân Công chúa), sự kiện vua Chế Năng, trong mâu thuẫn với Đại Việt, đã liên kết Java và nhất là việc trao đổi thương mại giữa vương quốc Champa và Java. Tất cả những sự kiện trên chứng tỏ giữa vương quốc Champa và Java đã có một mối quan hệ mật thiết, và từ đó thâu nhận ảnh hưởng của Islam.

Vào thế kỷ 17, sự hiện diện của đạo Islam trong vương quốc được ghi nhận rõ ràng hơn qua bức thư của vua Chăm gửi cho Toàn quyền Batavia vào năm 1680 với cách tự xưng là Padura Siri Sultan. Sultan là tước hiệu dùng để chỉ các tiểu vương Islam. Thêm nữa, truyền thuyết về vua Pô Rômê (1627-1851) óc nhắc đến người vợ thjeo đạo Bà Ni.

Vào thế kỷ 19, bức tranh về người Islam đã rõ ràng và chi tiết hơn. Báo cáo của A. Labussière, một viên chức thanh tra của Pháp vào năm 1880 đề cập đến cộng đồng Islam Chăm và Mã Lai ở Châu Đốc. Vào thời ấy, ở Châu Đốc, người Chăm và người Mã Lai còn sống riêng lẻ thành hai vùng cư trú dọc bờ sông, kênh, rạch và không tách biệt khỏi cộng đồng người Kinh và người Khmer. Nhóm nguời Mã Lai không đông và chỉ cư trú trong một làng còn người Chăm thì có đến 14 làng. Ngoài ra còn có một cộng đồng Islam khác cư trú tại Tây Ninh. Họ là hậu duệ của người Chăm vì chiến tranh đã chạy sang di trú ở Chân Lạp. Họ đi đến vùng Kampongcham ngày nay để sinh sống. Sau đó, vì những biến động lịch sử khác, họ đến sinh sống tại vùng đồng bằng Nam bộ. Đó là vào thế kỷ 18, họ được chúa Nguyễn đưa về đấy, một phần để giúp họ tránh sự bạc đãi của vương quyền Chân Lạp, một phần để làm phên dậu cho cương vị của Đàng trong dưới thời chúa Nguyễn trong kế hoạch “tàm thực” của Nguyễn Cư Trinh. Có giả thuyết cho rằng những nhóm người này đã đến vùng đồng bằng Nam bộ trước đó nữa với cứ liệu là tại xã Nhơn Hội có một ngôi mộ của một vị tướng người Chăm theo đạo Islam là Tuôn Ku Umar có ghi năm mất là 1650. Có thể có một nhóm người Chăm Islam đã đến vùng Châu Đốc ngày nay vào thế kỷ 18, nhưng những đợt sau, vào thế kỷ 18, thì mới thật sự là những chuyến thiên di đông đảo. Khi đến đất Việt Nam, những nhóm này vẫn còn hai vị thủ lĩnh. Cộng đồng này còn giữ được tiếng nói của mình, nhưng chữ viết thì đã thất truyền.

Công trình nghiên cứu Marcel Ner vào những năm 30 của thế kỷ 20 cho ta một bức tranh rõ rệt hơn về sự phân bố của các cộng đồng Islam trên đất Đông Dương. Công trình này đề cập không những đến cộng đồng Chăm Islam mà còn đến cả các cộng đồng khác.

1. Cộng đồng Islam ở Châu Đốc


Đó là hậu duệ của hai cộng đồng Islam gồm người Chăm và người Mã Lai ở Châu Đốc mà Labussière đã nghiên cứu. Theo thời gian, tôn giáo và tập quán đã làm cho hai nhóm này gần gũi với nhau, từ từ hòa nhập vào nhau và trở thành một cộng đồng vào khoảng nửa thế kỷ sau đó. Những người Mã Lai nếu đã từng sống lâu ở đây thì thường tự gọi là Chăm để phân biệt với những người Melayu mới đến sau này. Trong gia đình, họ nói tiếng Chăm, nhưng phần lớn, nhất là nam giới vẫn còn nói tiếng Mã Lai và họ tự cho mình là một nhóm người Chăm lai Mã Lai. Họ gìn giữ những cuốn sách cổ viết bằng mẫu tự Chăm bên cạnh ngôn ngữ Arab.

Làng Châu Giang ở Châu Đốc là một trung tâm tôn giáo không những chỉ đối với người Islam tại chỗ mà còn đối với cộng đồng Islam ở Nam Kỳ. Số gia đình Islam ở Châu Giang vào năm 1936 có khoảng 200 đến 300 hộ với 1428 dân. Ngoài ra, trong làng này còn có 277 người Việt và 9 người Hoa. Phương thức kiếm sống chủ yếu của cộng đồng này là buôn bán. Họ mua thóc từ những vùng thôn quê lân cận đem về xay xát, cho lên thuyền rồi chở đi bán dạo. Họ còn dem thêm bắp, thuốc lá và thổ cẩm. Những chuyến đi ấy có khi kéo dài từ hai đến ba tháng, từ làng này đến làng khác, có khi đến tận Sài Gòn. Họ cũng có ruộng và cùng khai thác với những người đồng đạo. Có người mua đất đai ở những làng người Việt và thuê người Việt cày cấy. Họ còn hành nghề chài lưới. Cuộc sống kinh tế của họ có vẻ được bảo đảm tốt.

Làng có hai thánh đường và một trường dạy đạo. Mỗi thánh đường có hai hoặc ba Imam, bốn hoặc năm Khotip và một Bilal. Trường học thì có khoảng 40 học sinh từ những gia đình khá giả khoảng từ 15 đến 20 tuổi. Những học sinh này phải là những người đã học xong tập Kidam (căn bản chữ Arab) và biết đọc chữ Arab. Học sinh không phải trả học phí. Giáo viên sống trong những căn nhà do tổ chức Islam cung cấp. Thầy giáo rất được nể trọng, được mời dự hầu hết các buổi lễ và được phụ huynh học sinh thay phiên nhau nuôi dưỡng. Vào thời đó ở Châu Giang có ba vị Hadji (Hại) đọc được kinh Qur’an và nhiều giáo cả đã từng đi học ở Kelantan hay Mecca. Số người đi hành hương ở đây khá đông. Ner cho biết vào năm 1936, số người đi hành hương là 7. Vào năm 1937, con số cũng không thay đổi.

Ngoài làng Châu Giang ra còn có những làng của cộng đồng Islam khác ở làng Phum Soai, Katambong, Habao, Đông Coki, Tam Hội. Những làng này cũng nằm trong vùng Châu Đốc (tỉnh An Giang) và không xa làng Châu Giang.

Người Chăm Jawaku Châu Đốc rất sùng đạo. Cộng đồng nào cũng có thánh đường (Majid), trường học đạo (Madarasah) và hàng đẳng cấp tôn giáo. Cộng đồng này thể hiện sự hòa nhập cao giữa người Chăm và người Melayu. Kinh sách Qui’an được viết bằng chữ Arab, nhưng những bài bình luận được viết bằng chữ Jawi và chính khu người Melayu ở La Meque là nơi người Islam Châu Đốc đến ở mỗi khi hành hương.

2. Cộng đồng Islam ở Tây Ninh


Cơ cấu của cộng đồng này đơn giản hơn cộng đồng Islam ở Châu Đốc. Họ chỉ gồm toàn người Chăm, chia thành ba nhóm. Nhóm đông nhất sống ở làng Đông Tắc. Hai nhóm khác sống ở làng Tra Vang và Cadat.

Nhóm Islam ở làng Đông Tắc có khoảng 1000 người, sống trên những ngôi nhà sàn, bên cạnh một Masjid và một Madarasah, cộng đồng này phần nhiều là nông dân, thợ đốn củi hay người đi săn. Cộng đồng này có một Haji nam và hai Haji nữ.

3. Những người Islam ngoại quốc


Có khoảng 4 nhóm căn cứ vào quốc tịch, tiếng nói và điều kiện sinh sống.

- Người Melayu: Cộng đồng này có khoảng 40 người sống xung quanh thánh đường tọa lạc tại đường Mac Mahon (số 45 Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay), Sài Gòn. Thánh đường này được thành lập vào năm 1885, có tên gọi là Thánh đường Tình thương – Hội Thánh đường Islam – Masjidir Rahim, thường được gọi là Rahim. Ngoài ra, thánh đường còn được gọi là chùa Bà Lai, hay chùa Mã Lai. Cộng đồng cư trú ở đây là những người làm nghề đánh xe ngựa, gác dan hoặc bán hàng rong. Họ kết hôn với những phụ nữ Chăm Islam hoặc phụ nữ Việt cải đạo. Có một số sống rải rác khắp nơi ở Nam Kỳ. Dù số lượng ít ỏi, nhưng cộng đồng này giữ được một vị trí quan trọng trong tôn giáo, chính trị. Nhờ vào gốc gác Melayu, họ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cộng đồng Islam khác trên toàn cõi Đông Dương. Họ thành lập được Hội thánh đường Islam Malaysia-Indonesia và được chính quyền Pháp cho phép hoạt động hợp pháp. Hội sở đặt ngay trong thánh đường Rahim. Chính tại thánh đường Rahim ở đường Mac Mahon mà những người đi hành hương sẽ phải ghé đến trước khi lên đường sang Mecca. Trong thời gian hành hương tại Mecca, họ ở tại khu người Mã Lai và trở về thì ngôi thánh đường Rahim ở Mac Mahon là nơi đón tiếp họ đầu tiên. Chính những vị giáo cả của họ là nhunữg người đã từng theo học tại trường đạo ở Kelantan, và những vị thầy của các giáo cả vẫn thỉnh thoảng đến viếng để kiểm tra việc giảng dạy tại Sài Gòn như thế nào.

- Người Ấn thuộc Anh: Nhóm này đông hơn nhóm Mã Lai, đến từ vùng Coromandel, Madras hoặc Bombay. Họ giàu có hơn nhóm trên, là các thương gia buôn vải, đồ trang sức, đổi tiền. Họ có cửa hàng lớn tọa lạc trên những con đường chính. Chính nhóm người này đã xây nên những ngôi thánh đường lớn tại Việt Nam. Lộng lẫy nhất là ngôi thánh đường ở đường Amiral Dupré với tên gọi thánh đường Islam Ấn Độ (ở số 66 đường Đông Du ngày nay), sau đó là Chợ Lớn (Nguyễn Trãi) và ở Hà Nội. Nhóm người này có một lối sống khác biệt với đồng đạo. Hầu hết họ lập gia đình ở Ấn Độ, nhưng không đem vợ con theo. Khoảng hai năm họ về thăm gia đình một lần và sống ở Sài Gòn với mục đích kinh tế là chính. Trường hợp lập gia đình với phụ nữ địa phương rất hiếm. Vì thế, trong cộng đồng này ít có con lai. Cộng đồng này thuờng tổ chức các việc từ thiện giúp đỡ cho người đồng đạo nghèo khó và từ đó hình thành nên một lớp người Islam quý tộc. Họ thành lập được hiệp hội của mình với tên gọi là “Hiệp hội Ấn kiều Islam Nam Kỳ (Congrégation des Musulmans de Cochinchine). Hiệp hội này có một vai trò quan trọng trong cộng đồng Islam Ấn Độ. Hiệp hội có nhiều tài sản quan trọng gồm có nhà phố, đất đai, nhiều nguồn thu là cơ sở tài chính cho những hoạt động của Hiệp hội và chính Hiệp hội là tổ chức quản lý toàn thể cộng đồng Islam Ấn kiều.

- Người Ấn thuộc Pháp: Nhóm này không có quan hệ chặt chẽ với người Pháp vốn đang nắm mọi quyền hành tại xứ thuộc địa. Họ gần gũi với nhóm Ấn thuộc Anh vì cùng ngôn ngữ, tôn giáo và đẳng cấp xã hội. Vào thời ấy họ có khoảng 200 người trên toàn cõi Đông Dương, bao gồm khoảng 50 người ở Sài Gòn, 20 người ở Chợ Lớn và một số ở Hà Nội. Tại Hà Nội, cộng đồng Islam được chính một người Ấn thuộc Pháp phụ trách.

- Người Arab và Afganistan: Đây là nhóm người bình dân, mỗi nhóm có khoảng 50 người, thường làm nghề gác đêm, khuân vác, bán hàng rong. Những nhóm này phần nhiều lấy vợ Việt. Những phụ nữ Việt lấy chồng có đạo Islam đều cải đạo theo Islam. Con cái của họ đều trở thành người Islam và được xem như là người Afganistan.

Ngoài ra còn có một số ít người Islam, có nguồn gốc Bắc Phi hoặc Tây Phi. Đó là những người tham gia vào bộ máy quân sự hoặc hành chính của Pháp. Nhóm người này dù không thân thiết với các tín đồ Islam kể trên, vẫn duy trì thường xuyên quan hệ với họ.

Nhóm người Islam ngoại quốc tại Sài Gòn, tuy có số lượng khiêm nhường, nhưng lại có vai trò quan trọng trong cộng đồng Islam thời ấy, vì chinh shọ là điểm tựa về tôn giáo, tài chính và quan hệ thế giới Islam bên ngoài.

4. Người Bà Ni ở Ninh Thuận, Bình Thuận


Nhóm người này tiếp thu Islam từ những thế kỷ trước. Họ sống quây quần trong các Papei, chung quanh thánh đường xây theo kiểu riêng của họ. Thánh đường của họ là những căn nhà tranh, vách tre đơn giản. Cách hành lễ của họ cũng khác với các tín đồ Islam khác. Họ không hành lễ 5 lần mỗi ngày. Vào tháng ramadan, chỉ các tu sĩ (achar, imum) mới thực hiện chế độ nhịn ăn và đến hành lễ tại thánh đường. Đạo Islam của người Bà Ni đã được biến đổi, hàm chứa nhiều yếu tố tôn giáo của người Chăm địa phương và tín ngưỡng dân gian. Chế độ mẫu hệ cổ truyền cũng có ảnh hưởng trên tín ngưỡng này. Cộng đồng này không có quan hệ tín ngưỡng chặt chẽ với các cộng đồng Islam đã kể.

Như vậy, vào những thập niên 30, các cộng đồng Islam chủ yếu sống ở Châu Đốc, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận. Còn ở Sài Gòn, Hà Nội thì chỉ rải rác mà phần đông là người nước ngoài. Ngoài ra cũng có một số ít người Chăm Islam sống tại Sài Gòn. Một số tư liệu cho biết vào năm 1936, số người Chăm Islam tại Châu Đốc là 6.000 người, ở Tây Ninh là 1.000 người.

Cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nam bộ đã có ảnh hưởng ít nhiều đến sự phân bố của các cộng đồng người Islam tại Việt Nam. Thực dân Pháp thi hành chính sách khủng bố, đẩy hành loạt người dân phải chạy loạn. Có nhiều người tìm đến Sài Gòn, nơi được thực dân Pháp gìn giữ xứng với tên gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông. Trong nhóm người bị xua đuổi khỏi làng mạc ấy, có người Islam. Như vật, cộng đồng Islam tại Sài Gòn được lớn lên về số lượng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng có tác động lôi kéo người Chăm Islam về trú ngụ tại Sài Gòn. Số người Chăm Islam được ước lượng khoảng 1.000 người vào năm 1964. Con số này tăng lên khá nhanh, là 6.575 vào năm 1968. Trong khi ấy, tại Châu Đốc và Tây Ninh, số lượng bị giảm đi, không chỉ vì có số di dân lên Sài Gòn mà còn có một số đến ở nương nhờ bà con ở Campuchea nữa. Vào năm 1963, số người Chăm Islam ở Châu Đốc là 12.700 người. Còn cộng đồng Bà Ni ở Ninh Thuận và Bình Thuận thì không có biến động gì lớn.

Những năm 60 cùng với sự ra đời của Hiệp hội Chàm Islam Việt Nam vào năm 1961. Trước nhu cầu đoàn kết các cộng đồng cùng tôn giáo, một số người Cham Islam, đứng ra vận động thành lập Hiệp hội để tìm tiếng nói chung của cộng đồng. Công việc vân động không được dễ dàng vì chính quyền Sài Gòn không khuyến khích việc thành lập các đoàn thể, hiệo hội. Sau gần một năm lo thủ tục, cuối cùng Hiệp hội Chàm Islam Việt Nam ra đời, trụ sở đặt tại Sài Gòn, dù nơi đây số người theo Islam không cao, nhưng lại năng động và là giao điểm giữa Châu Đốc Tây Ninh với Ninh Thuận, Bình Thuận.

Hiệp hội Chàm Islam Việt Nam hoạt động theo những điều lệ được viết thành văn bản cụ thể với hai mục đích chính là:

- Duy trì và phát huy giữa Chăm Islam, tinh thần đạo đức trong lề lối sinh hoạt, theo tập tục cổ truyền Islam quy định trong thánh kinh “Qur’an”.

- Giúp phương tiện cho người Chàm Islam thực hiện Islam điều nhân dịp hôn, tang, tế.

Các hoạt động của Hiệp hội cũng được xác định rõ ràng thành 5 điều: Liên lạc với chính quyền những việc liên quan đến đạo, thành lập các chi hội, tổ chức giảng kinh tập thể, tiến hành các nghi thức Islam trong cưới hỏi, tang chế, và thành lập các nghĩa trang Islam.

Mỗi chi hội của Hiệp hội phải có ít nhất là 30m người cùng cư trú trong một xóm đạo có thánh đường. Các hội viên bầu lên một Chi trưởng và Chi phó. Hai vị này là người đại diện cho cộng đồng nhỏ của mình để làm việc, nhận chỉ thị với Ban Quản trị Trung ương.

Ban Quản trị gồm có 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch, 1 Ủy viên phụ trách giáo lý, 1 Ủy viên Xã hội, 1 Thư ký, 1 Thủ quỹ và từ 1 đến 4 cố vấn.

Trong việc hình thành Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam cũng có sự đóng góp đáng kể của những người Ấn Islam. Nhờ vào nguồn tài chính dồi dào, họ đã bỏ ra một số tiền lớn để giúp Hiệp hội trong những bước đầu của hoạt động. Hiệp hội đã thống nhất được cách hành lễ, chấn chỉnh lại giáo luật và nhất là đã thành lập được ba chi hội.

Vào những năm sau, đã lên đến con số 11 chi hội với chừng 15.000 hội viên, gồm các tín đồ Islam ở khắp miền Nam thời ấy (1964). Ở Sài Gòn có 3 chi hội với 1.000 hội viên, ở Châu Đốc có 5 chi hội với 12.000 hội viên, ở Ninh Thuận có 3 chi hội với 2.000 hội viên. Về sau, số chi hội càng tăng. Những nơi nào số người Islam không đạt tới con số 30 – là số tối thiểu để thành lập chi hội – thì thành lập nên đơn vị là Khu, và cũng có người đại diện làm việc với ban Quản trị của Hiệp hội. Vào thời gian trước khi Sài Gòn được giải phóng. Hiệp hội Chàm Islam Việt Nam có đến 16 chi hội và 3 Khu đại diện. Con số các chi hội và khu đại diện được phân bổ như sau.

- Sài Gòn – Chợ Lớn : 4 chi hội, 3 khu đại diện

- Châu Đốc : 8 chi hội

- Ninh Thuận : 4 chi hội

- Tây Ninh : 1 chi hội

Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một sự thống nhất giữa các cộng đồng Islam. Nhưng dù thế, vẫn chưa có sự đoàn kết cao độ giữa các cộng đồng Islam, đáng kể nhất là mâu thuẫn giữa hai nhóm Chăm Bà Ni và Chăm Islam ở miền Trung, và mâu thuẫn giữa phái Islam mới (Mudơ) và cũ (Tua) ở Châu Đốc.

Hai nhóm Chăm Bà Ni và Chăm Islam ở miền Trung, dù có cùng một tôn giáo, nhưng việc thực hiện giáo luật và hành lễ rất khác nhau. Tín đồ Chăm Bà Ni vẫn còn giữ những tập tục cổ truyền của người Chăm, đồng thời, trong cuộc sống tôn giáo, họ lại không cầu nguyện hàng ngày, cũng không ăn chay trong tháng Ramadan như nhóm Islam. Những nghi thức ấy đều dồn cho hàng Imam (Imưm), Khotip thực hiện. Còn nhóm Chăm Islam lại muốn cải cách các nghi thức, hành vi cho đúng với Islam Việt Nam có khuyến cáo các thầy Imam, Khotip của Bà Ni nên hòa nhập vào Islam. Việc này làm cho hàng giáo sĩ Bà Ni không bằng lòng và đã từng có những việc phản đối Hiệp hội như việc ngăn chặn phái đoàn của Hiệp hội ra dự lễ khánh thành thánh đường xã Phước Nhơn ở Ninh Thuận (8.12.1963).

Tại Châu Đốc cũng có sự mâu thuẫn giữa những tín đồ Islam. Có nhóm chủ trương vẵn giữ những tập tục trong hành lễ, niềm tin cũ, được gọi là Islam cũ (Tua). Một nhóm khác, chịu ảnh hưởng của việc học đạo tại Mã Lai, Arab, chủ trương có thay đổi một ít nghi thức, điều chỉnh một vài chi tiết trong giáo lý được gọi là Islam Mới. Nhóm Islam Mới (Mudơ) cho rằng từ Adam đến Muhammad chỉ có 23 Thiên sứ, trong khi phái Cũ vẫn cho là 25. Phái Mới khồng đồng ý việc đọc lên tiếng “Amin” sau mỗi lần cầu nguyện của thầy Imam, hoặc việc đưa hai bàn tay ngang ngực sau khi cầu nguyện là không bắt buộc. Những sửa đổi này không được người Islam Cũ chấp nhận, đưa đến những bất đồng, đến nỗi chính quyền địa phương thời ấy phải can thiệp.

Tuy có những bất đồng giữa các nhóm tín đồ, những hoạt động của Hiệp hội Chàm Islam Việt Nam vẫn mang lại một số kết quả trong việc tạo nên sự thống nhất giữa các cộng đồng. Hoạt động của Hiệp hội không những chỉ mang tính chất tôn giáo mà còn mang ý nghĩa xã hội nữa. Hiệp hội thường xuyên cung cấp tài liệu về giáo lý, cử các thầy giảng về địa phương giúp các tín đồ hiểu rõ hơn về giáo luật, khuyến khích các địa phương xây thánh đường. Những gia đình tín đồ nào có việc tang, hôn nhân đều được Hiệp hội cho người đến hướng dẫn tiến hành mtheo đúng nghi thức cảu đạo Islam. Gia đình nào gặp chuyện hoạn nạn thì được Hiệp hội cứu trợ cụ thể bằng tiền, thuốc, vật dụng... Hiệp hội còn chú trọng đến các quyền lợi vật chất cho cộng đồng, đã đứng ra can thiệp với chính quyền để các tín đồ Islam người Chăm được hưởng những chính sách ưu đãi đối với người thiểu số trong việc học, thi cử, xuất ngoại, đi lính... Một số nghĩa trang dành riêng cho người Chăm Islam cũng được thiết lập tại Sài Gòn và một số nơi.

Hòa nhập vào các hoạt động Islam quốc tế. Hiệp hội thường tổ chức những cuộc thi đọc kinh Qur’an để tuyển chọn ứng viên tham gia vào các cuộc thi ở Kuala Lumpur hoặc vận động các nguồn tài trợ cho những chuyến hành hương đến Mecca. Những lần có đoàn hành hương lên đường hay trở về. Hiệp hội đều tổ chức đón rước chu đáo, tạo nên một không khí trọng thể cho đời sống tôn giáo.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Hiệp hội Chàm Islam Việt Nam ngưng hoạt động. Đồng thời, Hiệp hội Ấn kiều Islam và Hội Thánh đường Tình thương của cộng đồng Islam Malaysia – Indonesia cũng giải thể. Tín đồ Islam Ấn Độ về nước, chỉ còn lại không quá 100 người. Họ cử ra một Ban Quản trị Thánh đường Islam Ấn Độ để quản lý thánh đường, trông coi các buổi lễ... Hội Thánh đường Tình thương cũng thế, họ cử ra một Ban quản trị Thánh đường để lãnh đạo cộng đồng.

Về Islam người Chăm thì vào lúc ấy, toàn Nam bộ có 34 thánh đường, trong đó Châu Đốc có 12, Thành phố Hồ Chí Minh có 7, Tây Ninh có 2, Phan Rang có 4. Những thánh đường ở Châu Đốc, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh đều có trường dạy chữ Arab và kinh Qur’an. Việc cai quản tín đồ được ban Hakim của mỗi thánh đường đảm nhiệm. Đơn vị sinh hoạt tôn giáo của từng thánh đường được gọi là “Jammaah” Ban Hakim gồm có một vị Hakim, một vị Naeb và một số Ahly. Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh thì còn có thêm các vị phụ trách về tài chính, giao tế, giáo dục. Hakim phải là người giỏi về giáo lý, có uy tín và được cộng đoàn bầu lên. Lĩnh vực hoạt động của ban Hakim khá rộng, ngoài việc trông coi thánh đường và các nhà nguyện, theo dõi cuộc sống tôn giáo của tín đồ trong “Jammaah”, họ còn phân xử các vụ kiện tụng hoặc quản lý các hoạt động văn hóa của tín đồ thuộc khu vực của thánh đường.

Sau khi Hiệp hội Chàm Islam Việt Nam ngưng họat động, một số nhân vật muốn xây dựng lại một tổ chức giống Hiệp hội trước. Vào những năm 80, các cộng đồng Islam ở Malaysia và Indonesia tài trợ cho cộng đồng Thành phố Hồ Chí Minh số tiền 10.000 USD để phát triển đạo. Từ đó xuất hiện vấn đề ban Hakim nào sẽ quản lý số tiền trên. Cuối cùng các ban Hakim họp lại và quyết định thành lập Ban Quản lý tài chính của cộng đồng Islam Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở của Ban Tài chính này, vào năm 1992, Ban Đại diện Cộng đồng Islam Thành phố Hồ Chí Minh ra đời. Lĩnh vực hoạt động của Ban đại diện không rộng lớn như Hiệp hội Chàm Islam Việt Nam trước đây, mà chỉ gói trọn trong Thành phố Hồ Chí Minh mà thôi. Trong khi ấy, tại các địa phương khác, các ban Hakim vẫn hoạt động và liên lạc thường xuyên với ban Đại diện. Nhưng những liên lạc ấy chỉ dựa trên mối quan hệ đồng đạo và dòng tộc là chính, chứ không có tính chất ràng buộc giữa mỗi thành viên trong một tổ chức.

Hiện nay, người Islam sống ở An Giang, Tây Ninh (4 thánh đường), Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai (2 thánh đường, 2 nhà nguyện), Bình Thuận, Ninh Thuận, Huế, Hải Phòng và đặc biệt là ở Hà Nội với thánh đường quốc tế gần chợ Đồng Xuân. Ngôi thánh đường này là nơi mà các đại sứ, lãnh sự, thương gia Islam ở Hà Nội đến cầu nguyện, đông nhất là vào ngày thứ sáu.

Tín đồ Islam ở các địa phương khác nhau vẫn quan tâm đến nhau và vẫn thường đi thăm viếng nhau. Cuộc điều tra định lượng được tiến hành vào tháng 4 năm 1999 cho biết sự quen biết lẫn nhau giữa các cộng đồng Islam và những cuộc thăm viếng giữa các đồng đạo.
Ta nhận thấy rằng, mối quan hệ quen biết vẫn sâu đậm đối với các cộng đồng Islam ở những địa phương xuất cư như Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh và nhất là An Giang, chiếm đến 75.6% trên tổng số đối tượng (bảng 1). Và cũng như thế, việc đi lại thăm hỏi nhau vẫn diễn ra với các địa phương xuất cư trên, và đều đặn nhất vẫn là An Giang, chiếm 69.3% trên tổng số chuyến viếng thăm (Bảng 2). Những nơi xa xôi và ít tín đồ Islam như Hà Nội, Huế thì sự viếng thăm không đáng kể.
Những cuộc thăm viếng giữa các đồng đạo đều có liên quan chặt chẽ đến những thánh đường tại nơi đến. Trường hợp đi viếng thăm người quen biết mà không quan tâm đến thánh đường tại chỗ là chuyện rất hiếm hoi. Trong những chuyến viếng thăm ấy, hầu như người đến thăm đều có dự lễ tại thánh đường tại nơi ấy vì cầu nguyện là nếp sinh hoạt hàng ngày của họ. Nếu là người Islam Thành phố Hồ Chí Minh về lại quê hương như An Giang, Tây Ninh, thì hẳn nhiên họ sẽ đến thăm lại thánh đường, vốn là chốn thiêng liêng mà họ thường đến hành lễ trước khi xuất cư.
Ta nhận thấy rằng tỷ lệ biểy lộ sự quan tâm đến thánh đường nơi mình thăm viếng là rất cao, dịch chuyển từ 90-100%. Ta có thể đưa ra nhận xét rằng, người Islam gắn bó với niềm tin của mình và tuân theo giáo luật dù bất kỳ ở đâu. Mật độ dân số của các cộng đồng Islam vẫn tập trung ở những địa phương trước đây là An Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận. Nhưng, đồng thời có hiện tượng chuyển cư của tín đồ Islam. Hiện tượng này có hướng chủ yếu vào Thành phố Hồ Chí Minh. Mối giao lưu giữa các cộng đồng cũng phong phú hơn. Nhờ vào việc đất nước được thống nhất, họ đã có được mối quan hệ với các tín đồ khác ở Hà Nội, Hải Phòng, và nhờ vào chính sách mở cửa, họ có thêm được điều kiện giao lưu với các tín đồ Islam nước ngoài qua các tòa lãnh sự Malaysia, Indonesia... ở Thành phố Hồ Chí Minh và các sứ quán thuộc các nước Islam ở Hà Nội. Bức tranh về cộng đồng Islam tại Việt Nam, nhờ thế, cũng đa dạng và phong phú hơn.