Thứ Hai, 14 tháng 8, 2023

ĐỌC LỜI CHÚA - LECTIO DIVINA

Thời sự Thần học - Số 23, tháng 3/2001, tr. 108-126. 

Nguyên tác: Marc Sevin, La Lecture Sainte: Guide pour une lecture croyante de la Bible, Cahier No 1 Hors série. Prions en Eglise.
Chuyển ngữ: Tri Ân. 

Chương Bốn : GIAI ĐOẠN ĐỌC 


Khi đọc Sách thánh để tìm lương thực thiêng liêng, cám dỗ lớn nhất thường gặp phải là làm sao cho giai đoạn thứ nhất này càng mau xong càng tốt, tức là đọc vội vàng, đọc lướt qua bản văn, là đốt giai đoạn vì cho rằng mình đã quá quen bản văn, để bước sang phần suy niệm và chiêm niệm càng nhanh càng tốt. Thế nhưng muốn cho suy niệm và chiêm niệm phong phú, nỗ lực phần lớn hệ tại đã đọc, đã quan sát chính bản văn một cách kỹ lưỡng, cẩn thận, chăm chút. Các bản văn Sách thánh không phải là những đường bay, và thực hiện việc đọc cũng không giống như tàu bay càng rời đường bay sớm thì càng hiện đại!

Nhưng thời giờ coi như không ích lợi dành để đọc bản văn là đều rất cần thiết. Xin đừng rút ngắn thời gian này. Chính đây là một khoảnh khắc vắn vỏi dành để học hỏi. Thời gian này dài hay ngắn là tùy khả năng của mỗi người. Nhưng không nên lấy làm lạ khi thấy thời gian đó có thể chiếm mất một nửa hay thậm chí hai phần ba thời gian của một buổi đọc và suy niệm Sách thánh. Việc suy niệm và chiêm niệm có thể đòi hỏi ít thời gian hơn là việc đọc. Nhưng không phải vì thế mà giai đoạn suy niệm và chiêm niệm không quan trọng. Không phải hễ cứ dài lâu là suy niệm hay chiêm niệm sốt sắng, nhưng chính mật độ của suy niệm và chiêm niệm lại do việc đọc (quan sát) bản văn Sách thánh hỗ trợ. Vì thế, khi đọc và suy niệm Sách thánh, đừng ngại dành thời giờ để đọc thong thả và kỹ lưỡng (quan sát) bản văn.

Có nhiều “phương pháp” để quan sát một bản văn. Năm 1993, Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng công bố một văn kiện (Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các phương pháp đối với việc giải thích Kinh Thánh. Những phương pháp được trình bày vừa nhiều vừa khác nhau, thay vì cho thấy sự phức tạp lủng củng, lại là dấu hiệu cho thấy sức sống. Tiến hành tỉ mỉ các phương pháp này là công việc dành cho những nhà chuyên môn, những người lo phục vụ Hội thánh bằng công tác chú giải Kinh Thánh. Nhưng do nỗ lực làm việc của các nhà chú giải, đã có các phương tiện dễ dàng và vừa tầm tay của một số rất đông các tín hữu, giúp họ có thể tự mình đi vào trong kho tàng vô tận của các bản văn. Trong các chương trước, đã có những gợi ý về việc quan sát bản văn.

Chương này và các chương kế tiếp sẽ khai triển thêm những gợi ý đó. Nhưng vẫn cần phải nhắc lại rằng đức tin của mỗi cá nhân là một dụng cụ bất khả thay thế để tiến vào gặp gỡ các bản văn Kinh Thánh. Và điều đó thì không có một phương pháp nào có thể cống hiến cho ta được.

Việc đọc Sách thánh ở đây là đọc với lòng tin và cầu nguyện. Hai thì “suy niệm” và “chiêm niệm” là hai thì thích ứng nhất với mục đích của việc đọc này. Tuy nhiên, thì thứ nhất là “quan sát” cũng là thì không thể thiếu.

Vài lời khuyên tổng quát


Đây là vài lời khuyên tổng quát để thực hành giai đoạn quan sát cho hiệu quả:

- Xem kỹ bản văn, nhất là đừng muốn lấp đầy những khoảng thời gian thinh lặng bằng những giả thiết kiểu “có lẽ”, “có thể”… Một bản văn chỉ nói điều nó nói : bắt nó nói điều nó không nói là vô ích.

- Chịu mất thời giờ để quan sát bản văn mà thôi. Đừng đi quá nhanh sang giai đoạn “suy niệm” và “chiêm niệm”, cho dù không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt một cách rõ rệt các giai đoạn trong

việc đọc Sách thánh, vì quả thật là việc quan sát bản văn có thể đưa rất sớm tới việc suy niệm hay chiêm niệm hoặc cầu nguyện, và đừng bỏ qua !

- Cố đừng đưa những quan tâm riêng của mình vào bản văn. Tránh muốn tìm bằng bất cứ giá nào một mối dây liên hệ trực tiếp giữa bản văn Kinh Thánh với đời sống cụ thể hiện tại.

- Tìm trong bản văn điều có thể là chứng tá cho một Tin Mừng xuất phát từ Thiên Chúa. Chỉ sau đó ta mới có thể tìm những đòi hỏi cho ngày hôm nay xuất phát từ Tin Mừng ấy.

Lời Thiên Chúa trong Sách thánh đến với con người qua những lời của con người. Đó là qui luật Nhập Thể. Thiên Chúa không viết sẵn Sách thánh từ trời cao rồi gửi xuống cho con người ! Thiên Chúa nói qua chính chứng từ đức tin của những người đã viết nên Kinh Thánh. Thế nhưng, có cả một khoảng cách về thời gian, não trạng, hình thức diễn tả giữa người đọc ngày hôm nay với những cộng đoàn đã sản sinh ra các cuốn sách làm thành Kinh Thánh. Kinh Thánh gồm những bản văn cổ kính, không phảilúc nào cũng đọc là hiểu ngay. Thế cho nên, cần phải bỏ thời gian để quan sát các bản văn mà ta muốn suy niệm và ngay cả muốn theo để thực hiện một phương pháp đơn giản vừa tầm tay.

Trường hợp đặc biệt của các sách Tin Mừng


Các sách Tin Mừng phản ánh nhiều chiều kích riêng. Tìm lại được những chiều kích ấy giúp cho việc quan sát được dễ dàng hơn. Đây là bốn chiều kích đáng ghi nhớ hơn cả:

1. Niềm tin vào Chúa Ki-tô phục sinh


Các sách Tin Mừng đã được viết ra dưới ánh sáng của biến cố Phục sinh. Cách này hay cách khác, tất cả các sách này đều làm chứng về Chúa Kitô phục sinh.

2. Đời sống của các cộng đoàn


Các sách Tin Mừng được viết ra cho các cộng đoàn rõ rệt. Các sách này phản ánh những lo lắng quan tâm, những khó khăn của các cộng đoàn này.


3. Sự thành toàn của Sách thánh


Các sách Tin Mừng cho thấy rằng Đức Giêsu đến để làm cho Sách thánh được thành toàn. Mỗi một trang Tin Mừng, qua các từ ngữ, các kiểu nói, các hình ảnh, các đề tài, các nhân vật… , đều trực tiếp hoặc ngầm nhắc đến Cựu Ước.

4. Kỷ niệm về Đức Giêsu


Các sách Tin Mừng được viết ra vì các môn đệ nhìn nhận Đức Giêsu Nadarét là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Các sách Tin Mừng kể lại những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của Đức Giêsu. Các sách này làm chứng về những xác tín của chính mình.

Tóm lại, các sách Tin Mừng kể lại biến cố Phục sinh, đồng thời cũng cho thấy đời sống của các cộng đoàn, Kinh Thánh và Đức Giêsu Nadarét. Ta theo dõi từng điểm một.

Các sách Tin Mừng tường thuật


Cái gì khi đã thành nếp thật khó mà bỏ đi ! Đó là điều xảy ra với các sách Tin Mừng khi ta coi các sách đó như là những bài tường thuật, những thiên phóng sự trực tiếp nói về cuộc đời của Đức Giêsu Nadarét. Làm sao để có thể hiểu rằng các sách Tin Mừng còn hơn thế nhiều, và mục đích chính là làm chứng về đức tin của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi o?

Các sách Tin Mừng tường thuật biến cố Vượt qua


Làm sao các tác giả sách Tin Mừng có thể quên biến cố Vượt qua huy hoàng được. Biến cố ấy có nghĩa là một thế giới mới từ Thiên Chúa mà đến, dành cho mọi người nay đã tỏ hiện rồi ? Niềm tin Phục sinh phảng phất trong mỗi một quang cảnh trong sách Tin Mừng. Khi các sách Tin Mừng thuật lại một phép lạ Đức Giêsu thực hiện, đó không phải chỉ là một cử chỉ Đức Giêsu Nadarét đã làm ngày xưa, xa xưa lắm rồi, nhưng đó còn là cử chỉ mà Đấng phục sinh đang làm cho mọi người, trong hiện tại này. Chúng ta được Đức Giêsu mời gọi sống như Người đã mời gọi ông Ladarô. Chúng ta được Người mời gọi tham dự vào yến tiệc Nước Trời như các môn đệ ở Ca-na. Chúng ta được sáng soi như ông Bác-timê đã được… Niềm tin vào Đấng Phục Sinh chiếu sáng mỗi hàng chữ trong các sách Tin Mừng.

Các sách Tin Mừng tường thuật đời sống của Hội thánh


Các sách Tin Mừng tiết lộ cho biết những mối bận tâm, những âu lo của các cộng đoàn ki-tô hữu, qua đó các sách Tin Mừng được biên soạn. Một số kỷ niệm về Đức Giêsu được ưu tiên giữ lại vì những kỷ niệm ấy phù hợp hơn với những gì các tác giả sách Tin Mừng muốn truyền đạt cho các độc giả. Những kỷ niệm được sửa chữa hoặc bỏ qua là vì chúng không còn phù hợp với tình trạng mới của những cộng đoàn nhiều thập niên sau biến cố Vượt qua. Các sách Tin Mừng đã được viết ra để giúp cho các ki-tô hữu hiểu rõ và sống tốt hơn đức tin của mình.

Các sách Tin Mừng tường thuật Cựu Ước


Một khía cạnh thường bị bỏ quên , đó là tầm quan trọng của Cựu Ước trong các sách Tin Mừng. Các Kitô hữu đầu tiên xuất thân từ Do thái giáo. Họ không có từ ngữ để diễn tả đức tin của họ ngoài những từ ngữ họ đã có trong truyền thống Do thái. Thế nên, họ đã diễn tả lòng tin của họ vào Chúa Kitô bằng những từ ngữ, những hình ảnh ấy từ trong Kinh Thánh Do thái của họ. Họ muốn cho thấy Đức Giêsu không phải là không trung thành với Kinh Thánh, nhưng Người còn đưa Kinh Thánh đến chỗ thành toàn. Chính vì thế, mỗi trang sách Tin Mừng đều có ám chỉ, cách rõ rệt hay kín đáo, đến Cựu Ước.

Các sách Tin Mừng tường thuật Đức Giêsu


Làm sao các ki-tô hữu có thể nhận biết và yêu mến Đức Giêsu, Chúa của họ, mà không có các sách Tin Mừng ? Các sách Tin Mừng đưa chúng ta vào trong mối tình thân của người con của Đức Maria. Người con ấy, sau một thời gian sống và lao động, đã hoàn toàn hiến thân loan báo Vương quốc của Thiên Chúa. Nhờ có các sách Tin Mừng, chúng ta có thể đi vào mối dây trung tín không phai của Đức Giêsu với Thiên Chúa là Cha của Người.

Nhưng cần chú ý là các sách Tin Mừng không thoả mãn tính tò mò của chúng ta được đâu, ví dụ ta muốn biết, khuôn mặt, hình dong của Đức Giêsu, Người to lớn hay gầy còm ? Tóc màu gì ? Mắt màu gì ? Có hói đầu không ? Bình thường Người ăn mặc như thế nào ? Người có hay về thăm thân mẫu của Người không ? Có lần nào Người gặp gỡ bạn bè cũ ở Nadarét ? … Những thắc mắc đại loại như thế không phải là những điểm các sách Tin Mừng chú ý và lo cung cấp câu trả lời. Các sách Tin Mừng chỉ lưu tâm đến điều cốt lõi thôi.

Bù lại, các sách Tin Mừng nói dài về những gì Đức Giêsu đặc biệt quan tâm : loan báo Vương quốc giải phóng của Cha Người, phục vụ những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi, qui tụ và huấn luyện các môn đệ… Các sách Tin Mừng dẫn tới chính tâm hồn của Đức Giêsu và mời gọi hiệp thông với những điều Người xác tín sâu xa.

Ví dụ:


Ta thử áp dụng bốn chiều kích trên vào một vài bản văn Tin Mừng

Sóng gió lặng yên (Mt 8,23-27)

Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người, và kìa biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền. Nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói : “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất !” Đức Giêsu nói : “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin !” Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển : biển liền lặng như tờ. Người ta ngạc nhiên và nói : “Người này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
Bản văn này tường thuật lòng tin của các Kitô hữu Bản văn có những công thức đã được hình thành vào thời của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.

Tước hiệu “Chúa” chẳng hạn, là tước hiệu các ki-tô hữu dành để chỉ Đức Giêsu phục sinh. Như vậy, chính Chúa phục sinh là Đấng thánh Mátthêu muốn làm nổi bật lên. Đức Giêsu chỗi dậy và “ngăm đe” gió và biển. Trong các sách Tin Mừng, động từ “ngăm đe” là động từ thường được dùng khi Đức Giêsu đối diện với ma quỉ. Như thế, người đọc hiểu là bản văn muốn nói đến một cuộc chiến giữa Đấng phục sinh với kẻ dữ, sự dữ. Đấng phục sinh chiến thắng. Và như thế, ở đây, bản văn muốn trình bày đức tin của Kitô giáo.

Bản văn này tường thuật đời sống của các Kitô hữu tiên khởi

Trong con thuyền có các môn đệ, Đức Giêsu lại đang ngủ. Người có mặt đó, nhưng lại ra như vắng mặt. Nỗi kinh hoàng ập tới khi sóng gió nổi lên. Các ki-tô hữu sợ hãi trong khi họ tin rằng Đấng phục sinh đang ở giữa họ ! Họ có cảm tưởng là Chúa của họ không động tĩnh gì để giúp họ trong khi họ gặp những khó khăn thử thách nặng nề như cuộc bách hại. Bản văn của thánh Mátthêu trách họ “kém lòng tin” ! Đức Giêsu đang ở trong con thuyền của các cộng đoàn ki-tô hữu, của Hội thánh. Vì Đức Giêsu đã phục sinh, tại sao lại phải sợ, ngay cả khi ta có cảm giác là thuyền Hội thánh đang ở trong tình trạng nguy ngập ! Sợ hãi là dấu chỉ của một lòng tin yếu kém.

Bản văn này tường thuật Cựu Ước

Theo biểu tượng của Kinh Thánh Cựu Ước, biển là nơi ở của các sức lực sự dữ. Các môn đệ của Đức Giêsu phải đương đầu với sự dữ và họ sợ hãi. Thế những, nhờ cuộc phục sinh của Đức Giêsu, họ phải nhớ lại rằng Đức Giêsu đã chiến thắng cái chết, sự dữ. Chính vì thế, biển bị ngăm đe lại lặng yên. Bình thường, Thiên Chúa điều khiển các yếu tố của tạo thành, ở đây Đức Giêsu giữ vị trí của Thiên Chúa. Như thế lại thấy một điểm nữa trong đức tin của các ki-tô hữu tiên khởi : Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Người đến để giải thoát chúng ta khỏi sự dữ.

Trình thuật sóng gió lặng yên không phải thuần túy là một bản sao kỷ niệm của một sự kiện của quá khứ, nhưng đúng là một chứng từ của đức tin vẫn mãi mãi có tính cách hiện tại : “Đức Kitô đã phục sinh. Thế thì tại sao anh em lại hoảng sợ, hỡi những con người kém lòng tin ?”

Bản văn này tường thuật Đức Giêsu Nadarét

Đức Giêsu ở nhà, tại Ga-li-lê. Người làm nghề thợ mộc ở Nadarét. Người đã chọn các bạn hữu và những người cộng tác trong số những người ở Ga-li-lê và đặc biệt trong số những người thuyền chài ở hồ Ghen-nê-xa-rét. Hồ này dân địa phương quen gọi là “biển”. Ta biết là sóng gió ở Biển Hồ này có thể đến bất chợt và dữ dội. Như vậy, trình thuật rất ứng hợp với tình trạng Đức Giêsu và các môn đệ đã gặp trên “biển” này. Nhưng trình thuật muốn dạy cho ta biết rằng Đức Giêsu đã đào tạo các môn đệ của Người và đã truyền thông cho họ lòng tín thác của Người vào Chúa Cha.

Mẻ cá lạ lùng (Lc 5,1-11)

Một hôm, đám đông chen lấn nhau đến sát bên Đức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, mà Người thì đang đứng bên bờ hồ Ghen-nê-xa-rét. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-mon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
Giảng xong, Người bảo ông Si-mon : “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-mon đáp : “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới. Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. Thấy vậy, ông Si-mon Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-mon và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-mon, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ, Đức Giêsu bảo ông Si-mon : “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta.”
Thế là họ đưa thuyền vào bờ, và bỏ hết mọi sự mà theo Người.
Đám đông dân chúng xô lấn nhau chung quanh Đức Giêsu. Ông Si-mon và các bạn của ông không thích như thế và tiếp tục công việc nghề nghiệp của mình cho đến khi Đức Giêsu lên một trong các thuyền của các ông. Ông Si-mon thi hành điều Đức Giêsu truyền, không thắc mắc. Ông ở trong thuyền khi Đức Giêsu dạy dỗ đám đông dân chúng.

Thánh Lu-ca nói về lòng tin của các ki-tô hữu

Lòng tin vào Đấng phục sinh lấp lánh trong tước hiệu ông Si-mon gọi Đức Giêsu : “Chúa”. Tước hiệu này thường dành cho Vua-Mêsia hay cho chính Thiên Chúa, đã giúp các ki-tô hữu tiên khởi diễn tả lòng tin của mình vào Đức Giêsu. Trước mặt Đức Giêsu, Đấng Kitô-Chúa, ta chỉ có thể nhìn nhận mình là tội lỗi mà thôi.

Đám đông xô lấn nhau chung quanh Đức Giêsu để nghe “Lời Thiên Chúa”. Gẫm suy sứ điệp của Đức Giêsu, chiêm ngắm con người của Người, là ta nhận ra chính Lời của Thiên Chúa. Nghe Đức Giêsu, chính là Nghe Lời Thiên Chúa.

Thánh Lu-ca tường thuật về Hội thánh

Không phải chỉ có “Si-mon”, nhưng là “Si-mon – Phê-rô”, người mà Đức Giêsu trao cho trách nhiệm đặc biệt. Như vậy, bản văn nhắc đến các ki-tô hữu tiên khởi, đến vai trò đặc biệt của thánh Phê-rô trong Hội thánh theo chính ý của Đức Giêsu.

Lúc thánh Lu-ca viết sách Tin Mừng, các cộng đoàn ki-tô hữu có thể nghĩ là kết quả sứ mạng họ thực hiện là mong manh yếu ớt. Họ vất vả “chài lưới con người”. Họ có cảm tưởng là ở trong đêm tối và chẳng bắt được gì. Trình thuật biến thành một lời khích lệ tiếp tục công việc. Đấng phục sinh đang ở trong con thuyền Hội thánh. Đừng nản lòng bỏ cuộc. Sau đêm đen là ngày và phép lạ diễn ra.

Thánh Lu-ca đọc Sách thánh

Để làm cho trình thuật của mình có hình dạng, thánh Lu-ca lấy cảm hứng từ Kinh Thánh. Ông uốn nắn trình thuật của mình theo khuôn mẫu văn chương quen thuộc để nói về “ơn gọi”. Trong thể loại này, điều quan trọng là sứ mạng được trao phó cho người được gọi. Mẻ cá lạ lùng cho thấy rõ sứ mạng của ông Si-mon–Phê-rô: “Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta (Lc 5,10b).

Trong các trình thuật Kinh Thánh có tường thuật việc Thiên Chúa tỏ hiện, bao giờ cũng có nói sự sợ hãi. Khi nói đến sự sợ hãi của các môn đệ, thánh Lu-ca cho thấy rằng Thiên Chúa tỏ mình ra nơi bản thân Đức Giêsu.

Trong Kinh Thánh, biển thường là nơi ở của các sức mạnh tác hoạ, là nơi cư trú của ma quỉ. Khi “chài lưới con người”, thánh Phê-rô sẽ cộng tác vào hoạt động cứu thoát của Đức Giêsu.

Ngày xưa, ông Mô-sê đã cứu những con người đang chạy trốn khỏi nước. Nay một thời kỳ mới mở ra, thời kỳ Đức Giêsu cứu khỏi nước không phải chỉ có một dân, nhưng toàn thể các dân.

Các môn đệ bỏ mọi sự mà theo Đức Giêsu, theo kiểu ngôn sứ Ê-li-sa đã bỏ mọi sự để theo ngôn sứ Ê-li-a. Thánh Lu-ca thích đồng hoá Đức Giêsu với ngôn sứ Ê-li-a, người phải trở lại để khai mạc thời mới của Thiên Chúa. Với sự hiện diện của Đức Giêsu, thời mới đã mở ra.

Thánh Lu-ca nhắc lại điều đã xảy ra trước biến cố Vượt qua

Thánh Lu-ca không sáng tạo một trình thuật chỉ khởi đi từ những xác tín trong lòng tin của mình hoặc bằng cách đọc lại Kinh Thánh. Ông tường thuật điều đã xảy ra vào thời của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã chọn các môn đệ để theo Người đi giảng. Ông Si-mon là một trong những người được kêu gọi đầu tiên. Trước khi theo Đức Giêsu, ông làm nghề chài lưới ở hồ Ti-bê-ri-a. Chính ông Si-mon này cũng là người sau này được Đức Giêsu trao cho một trách nhiệm rõ ràng là phục vụ toàn thể các môn đệ của Người.

Thánh Lu-ca trình bày cảnh mẻ cá lạ lùng này ở đầu cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu (Lc 5,1-11), tác giả sách Tin Mừng Gio-an lại đặt vào sau cuộc Phục Sinh (21,4-17). Ai đúng ? Điểm chính yếu không phải ở chỗ đó, vì cả hai sau cùng đều nói đến cùng một chuyện : Đức Giêsu phục sinh đã giải thoát chúng ta khỏi sự dữ để kêu gọi chúng ta đến hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Loan báo Tin Mừng ấy chính là sứ mạng của Hội thánh.

Tóm lại


Vài thập niên sau biến cố Vượt qua, các sách Tin Mừng một khi đã có hình thức cố định, trước hết thông truyền đức tin của các ki-tô hữu tiên khởi. Các tác giả sách Tin Mừng vừa tường thuật biến cố Vượt qua, đời sống của Hội thánh, Kinh Thánh và kỷ niệm về Đức Giêsu Nadarét. Cố tìm lại các chiều kích khác nhau này giúp cho khám phá ra rõ hơn chứng từ đức tin mà các sách Tin Mừng muốn chuyển đạt. Cũng có thể thêm nhiều chiều kích khác như niềm hy vọng và lòng xác tín rằng với sự hiện diện của Đức Giêsu, thời cuối cùng đã đến. Thực vậy, thành quả của cuộc Phục Sinh có lợi không phải chỉ cho Đức Giêsu, nhưng còn cho toàn thể tạo thành đã được đổi mới nhờ cuộc Phục Sinh. Hết thảy mọi người đều được kêu gọi chỗi dậy với Đức Giêsu, tiến về gặp gỡ Thiên Chúa, tham dự vào thiên giới. Viễn ảnh được chia sẻ cuộc Phục sinh của Đức Giêsu là một niềm hy vọng rất to lớn không thể tưởng tượng nổi đối với các người tin. Niềm hy vọng này người ta gặp thấy ở trong mỗi trang sách Tin Mừng.

Với Đức Giêsu, người ta có thể nói rằng sự tận cùng của thế giới đã tới để nhường chỗ cho chính cái thế giới của Thiên Chúa. Tất cả những gì các tác giả sách Tin Mừng sẽ nói đều đi vào trong xác tín là thế giới mới hay Vương quốc của Thiên Chúa được cống hiến cho hết thảy mọi người. Ở đây nữa, xác tín rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta sống trong vương quốc của Người là màu là sắc của mỗi một trang sách Tin Mừng cũng như nó là màu là sắc của mỗi một bức thư của các tông đồ và của sách Khải huyền. Chỉ cho thấy những dấu của niềm hy vọng này, của xác tín rằng Thiên Chúa mời gọi chúng ta chia sẻ cuộc sống của Người, khi ta đọc các bản văn Tân Ước, đó chính là chuẩn bị để đón nhận tốt hơn chứng từ đức tin nơi các trang sách đó.

Thế còn Cựu Ước thì sao ?


Các bản văn Cựu Ước cũng có những chiều kích của chúng. Đặt các chiều kích ấy vào giai đoạn quan sát khi đọc Sách thánh làm phong phú các giai đoạn tiếp sau, đó là suy niệm và chiêm niệm.

1. Niềm tin vào một Đấng Thiên Chúa hữu ngã và giải phóng


Phần được truyền thống Do thái coi là phần quan trọng nhất trong Cựu Ước, đó là “Thorah”, tức là Lề Luật, gồm trong năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh. Vậy mà bốn trong số năm cuốn Thorah này lại được dành để đọc với con mắt đức tin về thời của ông Mô-sê, tức là thời Xuất hành. Xuất hành hay việc ra khỏi Ai-cập là cái trục đầu tiên của kinh tin kính theo Kinh Thánh. Các sách này diễn tả lòng tin của các người tin đã viết ra Cựu Ước. Thiên Chúa của Ít-ra-en không giống như các thần của các dân lân bang. Người không phải là một vị thần của các sức mạnh tự nhiên, một vị thần của gió, của bão.

Nhưng người là một Vị Thiên Chúa đồng hành với dân của Người. Thiên Chúa của Ít-ra-en là một Vị Thiên Chúa hữu ngã, là Đấng đã tỏ mình ra cho các tổ phụ và cho ông Mô-sê. Người là một Vị Thiên Chúa muốn đem đến cho dân của Người ơn cứu thoát, ơn giải phóng.

2. Đời sống của các cộng đoàn những người tin


Cũng giống như trường hợp các sách Tin Mừng, các bản văn Cựu Ước đã được viết ra và được giữ lại nhằm để cho các cộng đoàn những người tin, hầu kêu gọi họ tin và nâng đỡ họ sống niềm tin này. Nếu tiếp đó, các bản văn này có được đề nghị cho các thế hệ mới, đó là vì các bản văn ấy luôn phù hợp với nhu cầu thiêng liêng của họ.

Điểm nền tảng này có thể giúp giải gỡ được một số khó khăn. Chẳng hạn như khi một số bản văn nói dài dòng về “cơn giận của Thiên Chúa”, thì người ta hay thắc mắc không biết tại sao các tác giả Kinh Thánh lại cần phải nhấn mạnh đến cơn giận của Thiên Chúa làm gì, các tác giả ấy muốn đáp ứng những ưu tư nào của các cộng đoàn những người tin? Thay vì thấy chướng bởi vì quan niệm về cơn giận không phù hợp với tư tưởng hiện nay ta có về Thiên Chúa, ta hiểu được những lo lắng của các cộng đoàn bấy giờ cần người ta nói cho họ biết về “cơn giận của Thiên Chúa” để đề cao khía cạnh này khía cạnh kia trong đức tin của họ.

3. Các kỷ niệm cổ xưa


Theo những gì vừa nói trên, ta hiểu được rằng điểm chính yếu của các bản văn Cựu Ước nhằm vào đức tin của những người đã viết ra các bản văn đó và của những người đã truyền lại các bản văn đó. Các tác giả cổ xưa không có cùng một quan niệm về “lịch sử” như chúng ta, và họ không hề có ý thực hiện những bản tường trình về các sự kiện cổ xưa. Chẳng ai có mặt vào lúc vũ trụ được sáng tạo, và các bài thơ nói về cuộc sáng tạo không hề có tham vọng vén bức màn bí mật để cho thấy thế giới đã thành hình như thế nào. Cũng vậy, chẳng ai có mặt vào thời các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Các trình thuật về các tổ phụ không được thực hiện nhằm cho biết chi tiết về mỗi vị tổ phụ, nhưng là để cho biết lòng tin của những người đã viết hay truyền đạt lại các trình thuật ấy. Có thể, trong một số điều kiện nào đó, theo cách của một sử gia để “thiết lập lại một cách lịch sử” cuộc đời của các tổ phụ hoặc của ông Mô-sê. Dĩ nhiên bản văn này bản văn kia có thể cho biết nhiều chi tiết về cổ sử, và cho biết là có các tổ phụ! Nhưng quan tâm chính của các tác giả Kinh Thánh không phải là cung cấp những chi tiết lịch sử mà là giúp người đọc tin vào Thiên Chúa hằng sống và là Đấng giải phóng dân của Người.

Kỷ niệm đầu tiên mà các bản văn này tường thuật lại, chính là lòng tin của những người tin đã viết ra các bản văn đó. Trước một bản văn Cựu Ước, người đọc Kitô hữu phải bỏ đi cái ưu tư của những nhà chuyên môn muốn tái lập lại biến cố đang được tường thuật. Trước tiên, phải cố gắng tìm lấy cho mình đức tin mà các bản văn này muốn nêu lên cho thấy. Thay vì cứ thắc mắc không biết nhân vật Áp-raham cổ xưa là ai, người đọc phải chú ý đến những xác tín thuộc về đức tin xuất hiện trong các trình thuật về ông Áp-ra-ham.

4. Đọc Cựu Ước theo tinh thần Kitô giáo


Chiều kích này khó nhận ra hơn. Nó được các ki-tô hữu thêm vào khi họ đọc Cựu Ước. Cần phải xác định sự hài hoà giữa Cựu Ước và Tân Ước. Sau khi quan sát bản văn Cựu Ước như chính nó có, Kitô hữu không thể nào không liên kết nó với lòng tin của mình vào Đức Giêsu . Đọc mỗi một trang Tân Ước đã là đọc Cựu Ước theo tinh thần Kitô giáo rồi, tức là cố gắng làm sáng lên chứng từ đức tin của các Ki-tô hữu tiên khởi nhờ vào Cựu Ước. Đối với các Kitô hữu, Đức Giêsu đến để hoàn thành Sách thánh. Xác tín ấy giúp họ thiết lập những mối liên hệ giữa Tân Ước với Cựu Ước.

Ví dụ:


1. Đọc sách Sáng thế (12,1-4)

Bấy giờ ông Áp-ra-ham đang ở Can-đê.
Đức Chúa phán với ông : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.
Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi, ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.”
Ông Áp-ram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông. Và có ông Lót cùng đi với ông.
Các trình thuật Kinh Thánh liên quan đến ông Áp-ra-ham bắt đầu như vậy, một cách hơi kỳ lạ. Không có vị tổ phụ nào được trình bày như thế. Không có chi tiết gì cho thấy nguồn gốc, con người, hình dáng, tính tình… Vừa mở đầu đã thấy lệnh của Đức Chúa, một lệnh truyền thuộc thiên giới. Mà cũng không có chi tiết nào cho thấy làm cách nào ông Áp-ra-ham có thể nghe thấy Thiên Chúa nói với ông ! Không cáu kỉnh, không gắt gỏng, ông Áp-ra-ham lên đường ngay lập tức, đúng như Thiên Chúa yêu cầu. Hoàn toàn không có gì cho biết những sự chuẩn bị, những cách thức thu xếp để lên đường. Người ta chỉ biết có mỗi một chuyện là ông dẫn theo ông Lót, cháu của ông, cùng đi.

Đọc lướt qua, thật nhanh : đức tin của ông Áp-ra-ham


Đọc trình thuật này thoáng qua, lần đầu thường hay dừng lại ở thái độ của ông Áp-ra-ham. Thiên Chúa yêu cầu và ông Áp-ra-ham thực hiện ngay lời yêu cầu, không thắc mắc hay phản đối. Ông lên đường dấn thân vào cõi hoàn toàn xa lạ : “Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8). Cách hiểu bản văn như thế là cách hiểu của truyền thống và đã chịu ảnh hưởng của nhiều trình thuật khác, trong những trình thuật ấy hiển nhiên lòng tin của ông Áp-ra-ham được nêu bật lên , chẳng hạn như trong đoạn văn nói về việc ông sẵn sàng hiến tế người con trai duy nhất của ông, bởi vì Thiên Chúa yêu cầu ông như thế (St 22).

Nhưng, để ý hơn, ta sẽ đi đến chỗ nhận thấy rằng bản văn ít chú ý đến tâm lý của ông Áp-ra-ham cũng như những trạng thái của tâm hồn ông. Suy cho cùng cũng là hay. Thật vậy, đức tin không có gì cho thấy đó là một sự vâng phục mù quáng, cho dù là vâng phục Thiên Chúa ! Ông Gióp đã đòi hiểu tại sao ông lại phải khổ, ông tìm xem Thiên Chúa muốn gì ở ông. Như vậy đối với chúng ta, ông Gióp dễ thương và gần gũi chúng ta hơn là ông Áp-ra-ham cứ lầm lũi và thinh lặng. Thực ra, bản văn Kinh Thánhở đây không nói gì đến tình cảm riêng tư của ông Áp-ra-ham. Bù lại, bản văn nhấn mạnh đến điều Thiên Chúa nói.

Giai đoạn quan sát


Trình thuật xoay quanh ba trục : quê hương xứ sở, gia đình, phúc lành.

Chuyện quê hương xứ sở : Can-đê là xứ sở hiện thời của ông Áp-ra-ham. Trong một tương lai gần, ông Áp-ra-ham sẽ tới một xứ khác, xứ Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông. Rồi sau cùng Thiên Chúa nhắc đến toàn thể cõi đất : “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc”. Như thế ta đi từ Can-đê đến xứ sở do Thiên Chúa hứa để tới mọi xứ sở, tức là toàn cõi đất này.

Chuyện gia đình, gia tộc : ông Áp-ra-ham từ bỏ không phải chỉ có xứ Can-đê mà thôi, nhưng còn gia tộc, bà con họ hàng hiện thời của ông nữa. Trong một tương lai gần, ông sẽ thấy một gia tộc mới : Thiên Chúa sẽ làm cho ông thành một “dân tộc lớn”. Rồi sau cùng là toàn thể các gia tộc trên cõi đất : Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc”. Ta đi từ cái gia tộc hiện thời của ông Áp-raham đến cái gia tộc tương lai để tới đến mọi gia tộc trên mặt đất. Các tình trạng tiếp nối nhau và tiến triển dần dần : tình trạng hiện thời của ông Áp-ra-ham sắp biến chuyển để đi tới một tình trạng chung cuộc và xa hơn, liên can đến toàn thể cõi đất!

Từ chúc phúc và các từ liên hệ cứ trở đi trở lại nhiều lần ở phần trọng tâm tức là lời Thiên Chúa nói với ông Áp-ra-ham. Sự nguyền rủa chỉ được nhắc đến có một lần. Chính ông Áp-ra-ham sẽ trở thành lời chúc phúc nhưng trong một hướng nhìn rõ rệt chính xác : thành lời chúc phúc cho mọi gia tộc trên mặt đất. Lời chúc phúc nối hai yếu tố đã được nhắc đến rồi, đó là quê hương xứ sở và gia đình gia tộc : “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc”.

Suy niệm khởi đi từ các chiều kích của bản văn


- Lòng tin vào một Thiên Chúa hữu ngã và giải phóng

Nhờ các trình thuật nói về ông Áp-ra-ham, ai đọc các trang Kinh Thánh nói về lịch sử thánh của Thiên Chúa với dân của Người không được quên rằng mục đích sau cùng của Thiên Chúa là phúc lành được ban cho hết mọi người. Ta có “kinh tin kính” của Cựu Ước : Thiên Chúa muốn ban lời chúc phúc cho dòng dõi ông Áp-ra-ham, Người muốn cứu thoát dân Người. Đấng Thiên Chúa ấy ngỏ lời trực tiếp với ông Áp-ra-ham. Như thế, đó không phải là một vị thần vô ngã không hề quan tâm đến đường đi nước bước, đến thân phận của con người. Cùng niềm tin ấy vang vọng trong các bản văn của sách Xuất hành.

- Đời sống của các cộng đoàn

Hai lời hứa liên quan trực tiếp đến ông Áp-ra-ham : một quê hương mới, một gia tộc mới. Hai lời hứa ấy nhằm tới một lời hứa thứ ba : phúc lành dành cho mọi gia tộc trên toàn cõi đất.

Khi nhắc đến tổ tiên của mình, con cháu ông Áp-ra-ham chứng nhận rằng hai lời hứa đầu đã được thực hiện. Họ đã thành một “dân tộc lớn” xuất phát từ ông Áp-ra-ham. Họ đã sở hữu đất mà Thiên Chúa hứa ban cho họ. Nhưng lời hứa thứ ba còn đang chờ được thành toàn : đem lời chúc phúc cho toàn thế giới, cho hết mọi dân tộc trên thế giới. Lời mà Đức Chúa ngỏ với ông Áp-ra-ham trở thành một chương trình đang được thực hiện. Phúc lành của Thiên Chúa cũng liên can đến các dân tộc khác như thế nào?Qua trình thuật về ông Áp-ra-ham, các người tin nói lên lòng tin của mình. Thiên Chúa của ông

Áp-ra-ham là Đấng Thiên Chúa của toàn thể vũ trụ và của hết mọi người. Phúc lành của Thiên Chúa không dành riêng cho một dân tộc sở đắc, nhưng còn phải được mở rộng ra, phải lan tỏa cho hết mọi dân tộc chia sẻ. Thiên Chúa chọn cho mình một dân tộc nhất định để làm cho dân ấy thành chứng nhân cho lòng yêu thương của người đối với toàn thể nhân loại.

Ông Áp-ra-ham được gọi là “cha của mọi dân tộc”. Đối với một cộng đoàn, tường thuật lịch sử các bậc tổ tiên của mình là một cách để cho thấy mình có liên lập, mình có một căn nguyên, đặc sắc. Những người tin trong dân Ít-ra-en giải thích rằng khởi điểm của con đường họ đi là lời Thiên Chúa hứa với ông Áp-ra-ham về một phúc lành còn đang được thực hiện nhằm tới “mọi người”.

- Kỷ niệm cổ xưa

Chẳng ai có mặt ở đấy, vào thời của vị tổ phụ xa xưa cổ kính này. Trình thuật này dựa trên sự kiện là các bộ tộc qui tụ lại với nhau dưới tên tuổi của cùng một vị tổ phụ. Khó mà nói nhiều hơn về nhân vật lịch sử là ông Áp-ra-ham, nếu chỉ dựa trên một bản văn ngắn ngủi như trên đây. Bù lại, trình thuật này có liên hệ tới các người tin đang tường thuật chuyện ông Áp-ra-ham. Bản văn cho biết những xác tín của họ vào lúc họ viết lên câu chuyện vị tổ phụ lên đường phiêu lưu theo lời gọi của Thiên Chúa.

- Đọc theo tinh thần Kitô giáo


Vương Quốc của Thiên Chúa được Đức Giêsu công bố cho hết mọi người. Nhờ biến cố Vượt qua của Đức Giêsu, phúc lành của Thiên Chúa nay được ban cho hết mọi người, dĩ nhiên còn cần phải đón nhận và tiến tới chỗ thành toàn. Cũng như đối với ông Áp-ra-ham, cũng như đối với dân của Kinh Thánh, cũng như đối với các ki-tô hữu thuở đầu, Đức Chúa đòi phải tham dự vào việc mở rộng phúc lành của Người cho mọi gia tộc trên cõi đất. Đức Chúa đã cần ông Áp-ra-ham, Người cũng cần dân của Người, Người cũng cần những người tin vào Người để làm cho điều Người muốn đi tới chỗ thành toàn. Vậy thì câu trả lời sẽ như thế nào đây?

2. Ơn gọi của ông Mô-sê (Xh 3,1-12)

Bấy giờ, ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi.
Ông tự bảo : “Mình lại xem cảnh tượng kỳ kạ này mới được : vì sao bụi cây lại không cháy rụi ?” Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây, Thiên Chúa gọi ông : “Mô-sê ! Mô-sê !” Ông thưa : “Dạ, tôi đây!” Người phán : “Chớ lại gần ! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” Người lại phán : “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.
Đức Chúa phán : “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, một miền đất tràn trề sữa và mật, xứ sở của người Ca-na-an, Khết, Ê-mô-ri, Pơ-rít-di, Khi-vi và Giơ-vút. Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta ; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập. Bây giờ, ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập.”
Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa : “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập ?” Người phán: “Ta sẽ ở với ngươi… Ta là Đấng Hiện Hữu…”
Đang là mục tử chăn bầy súc vật cho nhạc phụ, ông Mô-sê – sau khi được Thiên Chúa gọi – đã trở thành vị mục tử của một dân tộc để dẫn dắt dân ấy trên con đường giải phóng. Cấu trúc của trình thuật làm nổi bật cuộc giải phóng trong đó ông Mô-sê là khí cụ của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu của dân Người và Người đã nhìn thấy cảnh áp bức dân Người phải chịu. Lúc đầu, ông Mô-sê chỉ thấy một biến cố kỳ lạ. Sau đó ông hướng con mắt lỗ tai về phía các người anh em đồng bào. Ông sẽ nhìn theo cách nhìn của Thiên Chúa.

Các chiều kích của bản văn


- Lòng tin vào một Thiên Chúa hữu ngã và giải phóng

Bản văn nói lên lòng tin của những người đã viết ra bản văn. Thiên Chúa của họ là một Đấnghoàn-toàn-khác, như hình ảnh lửa không thiêu rụi và đất là “đất thánh” cho thấy. Vị Thiên Chúa này đồng thời cũng gần gũi và cứu thoát. Người dấn thân đến gặp gỡ dân Người. Người đã thấy cảnh áp bức dân Người phải chịu và đã nghe thấy tiếng họ kêu than. Người giải phóng họ không phải bằng cây đũa thần, nhưng bằng cách đồng hành với họ. Người tỏ cho họ biết danh của Người. Vị Thiên Chúa của tổ tiên, Đấng đã chọn ông Mô-sê làm ngôn sứ của Người, không chịu được cảnh người yếu bị áp bức.

Những người đã viết lên hay đã truyền đạt lại trình thuật này biết rằng vị Thiên Chúa của Kinh Thánh không phải là đối tượng để thoả mãn tính tò mò muốn tìm xem cho biết Người là ai. Người chính là vị Thiên Chúa bênh vực những người bị áp bức. Người kêu gọi các tín hữu tiếp tục làm việc cho ơn cứu thoát mà Người đã cống hiến cho họ.

- Đời sống của các cộng đoàn

Đấng đã giải phóng dân của Người ngày xưa nhờ tay ông Mô-sê có khả năng làm lại một hành vi mới ở ngày hôm nay. Các người tin không được quên rằng sự tự do họ có được là một hồng ân do Thiên Chúa ban tặng.

Đấng Thiên Chúa cứu thoát đã giữ các lời Người hứa. Dân giờ đây phải nhớ và cần phải tín trung.

- Kỷ niệm cổ xưa

Những người viết lên bản văn này nhớ rằng trong các truyền thống của dân tộc họ, có một ông Mô-sê kia lãnh đạo một nhóm người, đã thành công trong việc giải thoát dân. Kỷ niệm này vẫn còn khắc ghi trong tâm khảm họ, họ đã chọn để làm một lá cờ, một biểu tượng cho toàn dân tộc.

- Đọc theo tinh thần Kitô giáo

Người Kitô hữu đã nhận ra nơi Đức Giêsu những đường nét của ông Mô-sê. Đức Giêsu đã đến để giải phóng và dẫn dắt nhân loại về Vương Quốc của Thiên Chúa. Người là “Vị Ngôn Sứ”, là chính Lời của Thiên Chúa.