Thời sự Thần học - Số 91, Tháng 2 Năm 2021, tr. 161-181.
_Felix Körner, S.J._
Bài này giới thiệu văn kiện được ký kết giữa ĐTC Phanxicô và Đại Imam al-Tayyeb về tình huynh đệ. Sau khi ôn lại hoàn cảnh ra đời của văn kiện, tác giả, một linh mục Dòng Tên, giáo sư thần học tín lý tại đại học Gregoriana Roma, tóm lược nội dung, và cách riêng trả lời cho những vấn nạn được nêu lên liên quan đến thần học các tôn giáo. Nguồn: Fratellanza umana. Una riflessione sul Documento di Abu Dhabi in: Civiltà Cattolica, Quaderno 4054 (8 Maggio 2019) pag. 313 – 327.
Trong quá khứ, nhiều bản văn tương tự đã được ký kết, trong đó nổi bật nhất là những tuyên ngôn đúc kết bốn khóa hội thảo của “Diễn đàn Công giáo – Islam” diễn ra vào năm 2008, 2011, 2014 và 2017. Thế nhưng, khác với những lần trước, lần này, những người ký tên vào bản tuyên ngôn không phải là các đại biểu nhưng chính là Đức Giáo hoàng và một lãnh đạo Islam. Vì thế những lời lẽ không chỉ quan trọng về nội dung mà còn do những thẩm quyền tuyên bố nữa.
Ai ký kết về phía Islam?
Kể từ năm 1924, khi chức vụ Califfo bị bãi bỏ (do chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ), thì không còn một vị đại diện của Islam có tầm mức hoàn vũ (ít là thuộc phái Sunni). Vì thế Al-Tayyeb không phải là lãnh đạo của Islam. Tuy nhiên ngài giữ một trong những trách vụ quan trọng nhất của Islam: ngài là Sheikh (Niên trưởng) của al-Azhar; nói cách khác, ngài là Đại Imam của Moskê-Đại học tại al-Azhar, một định chế có tầm ảnh hưởng lớn về mặt tôn giáo cũng như về mặt học thuật, trụ sở tại Cairo (Ai cập) và là trung tâm của một mạng lưới giáo dục quốc tế. Chức vụ Đại Imam, do chính phủ Ai-cập chỉ định, được tại vị suốt đời.
Ngài Al-Tayyeb sinh măm 1946, đã được thụ huấn theo giáo dục cổ truyền tại al-Azhar, và sau đó du học bên Pháp với bằng tiến sĩ Sorbonne (Paris). Ngài giữ chức Đại Imam từ năm 2010. Ngài không ngừng bày tỏ ý muốn hiện-đại-hóa Islam, Ngài chống lại chủ nghĩa Khai sáng và tục hóa Nhà Nước bởi vì nó được xem như tương đương với mưu tính loại trừ tôn giáo ra khỏi lãnh vực công và để cho chính quyền kiểm soát các cộng đồng tôn giáo. Tuy nhiên ngài ủng hộ một đạo lý Islam cởi mở hơn về nội dung và hình thức: không ai còn nghi ngờ về lập trường này, bởi vì trung tâm Cairo đã đón nhận nhiều ý tưởng canh tân Islam, và ngài đã bị nhiều người chỉ trích về mặt này.
Giữa Ahmad al-Tayyeb và ĐGH Phanxicô đã có những cuộc gặp gỡ trước đó: Đại Imam viếng thăm Vaticanô (ngày 23/5/2016) và ĐTC viếng thăm Cairo (28-29/4/2017).
Văn kiện được thai nghén
Trước khi đọc văn kiện, chúng ta nên theo dõi tiến trình thành hình. Bốn lần tuyên bố của ĐTC Phanxicô trước đây đã cho thấy rằng văn kiện này không phải thành hình do ngẫu hứng.
Không lâu sau khi nhậm nhiệm vụ lãnh đạo, ĐTC đã khẳng định rằng Giáo hội phải được coi như một “bệnh viện dã chiến”[3]. Nói cách khác, ngày nay ưu tiên được dành cho biết bao nhiêu người bị thương tích. Kế đó, trong tông huấn Evangelii gaudium (EG), ĐTC đã nhìn đến “thành phố”, và nói rằng nó có thể được nhìn như là một nơi Thiên Chúa cư ngụ. Thiên Chúa cư ngụ giữa dân chúng và cổ vũ tình liên đới và huynh đệ (x. EG 71). Trong chuyến tông du đến Giêrusalem năm 2014, khi đến viếng thăm Đại Mufti, ĐTC đã phát biểu lời kêu gọi khẩn cấp trong bốn điểm: “Chúng ta hãy tôn trọng nhau và yêu thương nhau như là các anh chị em! Chúng ta hãy học hỏi và hiểu biết nỗi khổ của tha nhân! Đừng ai lợi dụng danh Đức Chúa Trời vào việc khủng bố! Chúng ta hãy cùng nhau làm việc cho công lý và hòa bình!”[4]. Vài ngày sau đó, nhân ngày lễ Ngũ tuần, ĐTC đã tiếp lãnh đạo Palestine Maḥmūd Abbās và thủ tướng Isarael lúc ấy là ông Shimon Peres trong vườn Vaticanô, dưới bầu trời trong xanh, ngài đã nhắc nhở tất cả các nhà chính trị về trách nhiệm của họ trước mặt Thiên Chúa là phải bẻ gãy vòng xoắn thù hận. Điều đó có thể làm được bằng một lời nói “anh em”, nhưng để nói được lời này, tất cả chúng ta phải ngước mắt lên trời, và nhìn nhận nhau như là con cái của một Cha duy nhất”[5].
Đó là hậu trường mà ta cần lưu ý khi đọc bản tuyên ngôn năm 2019, kỷ niệm 800 năm cuộc gặp gỡ giữa thánh Phanxicô Assisi và Sultano ayyubide al-Malik al-Kāmil.
Tựa đề và nội dung văn kiện
Tựa đề của văn kiện là “tình huynh đệ nhân loại”. Khi nói đến “tình huynh đệ” thì liền nảy lên một vấn nạn thần học: trong truyền thống Công giáo, có được gọi những người thuộc các tôn giáo khác là “anh em” và “chị em” không? Chúa Giêsu đã minh thị nhắc nhở rằng đừng sử dụng những từ ngữ họ hàng thân thuộc để đòi hỏi đặc ân: “Bởi vì bất kỳ ai thi hành ý muốn của Cha tôi trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và mẹ của tôi” (Mt 12,50). Thư thứ nhất của thánh Phêrô yêu cầu các Kitô hữu: “Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu mến tình huynh đệ” (1 Pr 2,17).
Vào cuối thông điệp Pacem in terris (PT), ĐTC Gioan XXIII đã dâng lên Chúa Kitô một lời nguyện thống thiết cho hòa bình; rồi ngài thêm “Nhờ tác động của Chúa Kitô, ước mong sao cho các dân tộc trên địa cầu hãy coi nhau như anh em” (PT 91).
Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế Gaudium et spes (GS) đã ca ngợi hoạt động của các định chế quốc tế như là công cụ phát triển và hòa giải với những lời như sau: “ Giáo hội hân hoan vì tinh thần huynh đệ chân thành nảy sinh giữa các Kitô hữu và các người ngoài Kitô giáo, và vì nỗ lực tăng cường những kế hoạch nhằm giảm bớt sự khốn khổ của nhân loại” (GS 84). Và trong những lời kết thúc, hiến chế khẳng định rằng Giáo hội “muốn giúp đỡ mọi người thời nay, - dù đã tin vào Thiên Chúa hoặc chưa minh nhiên nhận biết Ngài -, nhận thức rõ ràng hơn về ơn gọi toàn diện của mình, tìm kiếm một tình huynh đệ đại đồng được thiết lập vững chắc hơn, và đáp lại những đòi hỏi khẩn thiết của thời đại hôm nay trong một nỗ lực quảng đại hợp tác dưới sự thúc đẩy của tình yêu” (GS 91).
Sáu tuần lễ trước đó, ở kết luận của tuyên ngôn Nostra aetate (NA) về tương quan với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Công đồng đã tuyên bố với những lời tương tự: “Chúng ta không thể kêu cầu Thiên Chúa như là Cha của tất cả mọi người, nếu chúng ta khước từ đối xử như là anh em đối với một số người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. (NA 5).
Kể từ đó, tình huynh đệ đã trở thành một phạm trù định hướng cho giáo huấn xã hội của Giáo hội, thường là được xếp gần gũi với khái niệm “liên đới” dễ biện minh hơn dưới khía cạnh thần học.
ĐTC Gioan Phaolo II đã có lần tuyên bố tại Paris rằng tình huynh đệ (fraternité) không phải là một khái niệm độc đáo của chủ nghĩa Khai sáng. Nói cho cùng, bộ ba “tự do, bình đẳng, huynh đệ” là những ý tưởng Kitô giáo[6].
Trong thông điệp Caritas in veritate (CV), ĐTC Bênêđictô XVI đã ôn lại giáo huấn của vị tiền nhiệm Phaolô VI và tóm lại như là “lý tưởng Kitô giáo về một gia đình các dân tộc, liên đới với nhau trong tình huynh đệ chung” (CV 13). Thuật ngữ “tình huynh đệ đại đồng” (fraternité universelle) đã được sử dụng bốn năm về trước, liền sau khi phong chân phước cho cha Charles de Foucauld, một người đã trải qua suốt đời làm chứng nhân giữa các tín đồ Islam, theo khẩu hiệu đã chọn cho mình “Chúa Kitô mời gọi chúng ta sống tình huynh đệ đại đồng”[7].
Như vậy đề cập đến tình huynh đệ cách riêng đối với tín đồ đạo Islam – “người anh em của tất cả mọi người” là một diễn ngữ đặc trưng của linh đạo dòng Phan-sinh – đã trở thành ngôn ngữ của Giáo hội Công giáo kể từ ĐTC Gioan XXIII. Nhưng về phía Islam, người ta nghĩ thế nào? Thưa rằng họ dùng những thuật ngữ tương đương, nhưng không với lý do là tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa. Thực vậy, họ không gọi Thiên Chúa là “Cha”, bởi vì hạn từ này xem ra quá nhân loại. Trong Kinh Coran, ông Ađam và bà Eva đã giải thích như sau: “Hỡi các chúng sinh, chúng ta đã tạo ra các người từ một người nam và một người nữ, và chúng ta đã lập các người thành các dân tộc và bộ lạc, ngõ hầu các người biết nhau” (Sura 49,13). Từ cùng một nguồn gốc chung của tất cả mọi người, đoạn văn đã rút ra hệ luận là tất cả đều bình đẳng với nhau: phẩm giá không gắn với dòng họ cao cấp hơn, nhưng là với “Thiên Chúa, Đấng cao trọng nhất mà các người phải kính sợ Ngài”.
Cấu trúc của văn kiện
Sau khi đã tìm hiểu động lực căn bản của tình huynh đệ, được nêu lên ở tựa đề, bây giờ chúng ta đi vào bản văn. Cấu trúc của nó như thế nào? Nhập đề vạch ra ba nét chính: thần học, thời sự, cá nhân.
Nền tảng thần học. Qua đức tin vào một Thiên Chúa, con người nhận thấy rằng các sinh linh khác là anh chị em: chính nhờ phẩm giá được Thiên Chúa ban cho toàn thể vạn vật mà chúng ta được mời gọi bảo vệ và thăng tiến các thụ tạo giống như chúng ta. Tính thời sự cho thấy thời nay đã chứng kiến nhiều tiến bộ tích cực, nhưng cũng cho thấy nhiều kinh nghiệm bất nhân của nghèo đói và chiến tranh. Sự tương phản này chỉ có thể giải thích do sự suy thoái về xã hội, luân lý và chính trị, dẫn đến cảnh khủng bố. Khung cảnh ra đời của văn kiện mang tính cá nhân, nhờ cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo. Nó được quan niệm như một lời mời gọi tất cả mọi tín đồ hãy hợp tác với nhau hướng đến một nền văn hóa biết tôn trọng lẫn nhau.
Tiếp theo là chính bản văn, được chia thành ba mục, tạm đặt tên là “chân trời trách nhiệm”, “sứ điệp” và “cam kết cụ thể”.
Chân trời trách nhiệm
Cũng như hai mục kia, mục “chân trời trách nhiệm” gồm có hai phần. Văn kiện sử dụng thuật ngữ “Nhân danh Thiên Chúa”, nằm trong các basmala mở đầu các chương trong kinh Coran và nhiều công thức của Kitô giáo. Lời nói này muốn dâng cho Thiên Chúa điều sắp nói, cầu xin Ngài phù hộ và cho thấy điều sắp nói phù hợp với ý muốn của Ngài. Ở đây Thiên Chúa được kêu cầu như là Đấng tạo dựng nên loài người và mời gọi con người hãy sống ngay lành.
Sau lời khẩn cầu ấy, thuật ngữ “nhân danh …” còn được lặp lại 10 lần. Hai vị lãnh đạo không chỉ ý thức rằng mình đang nói trước mặt Thiên Chúa, nhưng còn muốn giải trình trách nhiệm về hành vi của mình trước mặt những con người đang chịu đau khổ, cũng như trước mặt những con người mang theo những giá trị của mình. Lời khẩn cầu cuối cùng tóm tắt những điều trên đây như một chương trình dấn thân: “lộ trình” chung trong tương lai sẽ là đối thoại; “cách ứng xử” sẽ là hợp tác với nhau; “phương pháp và tiêu chuẩn” sẽ là hiểu biết lẫn nhau.
Đọc theo đường hướng này, bản văn vọng lại lời mời gọi của ĐTC Phanxicô trong cuộc viếng thăm Giêrusalem, “hãy thấu hiểu nỗi khổ của tha nhân”[8]. Khi nói đến “hiểu biết lẫn nhau”, bản văn bằng tiếng Ả-rập viết là ta’āruf, một hạn từ trích từ Kinh Coran: vì có chung một nguồn gốc chúng ta có thể và phải “hiểu biết lẫn nhau” (Sura 49,13).
Sứ điệp
Đến đây, văn kiện về tình huynh đệ chuyển sang phần kêu gọi. Tất cả những ai có thể gây một tầm ảnh hưởng gì trên thế giới cần phải nhớ rằng nhân loại là một gia đình duy nhất. Do đó, cần phải sớm chấm dứt sự tàn phá do con người gây ra: sự tàn phá vì lý do chiến tranh, vì lý do môi trường, vì lý do suy đồi văn hóa và luân lý.
Nhưng sứ điệp không chỉ dừng lại ở danh sách những lời đòi hỏi. Tiếp theo đó là phần phân tích khá quan trọng. Các tác giả không chỉ suy nghĩ điều gì là tốt, nhưng còn tự hỏi cái xấu từ đâu mà đến. Chúng ta không chỉ gặp thấy những lời lên án tổng quát; trái lại ĐTC và Đại Imam ghi nhận những bước tiến tích cực của những sự phát triển hiện nay. Nhưng, khi tìm hiểu những nguồn gây ra đau khổ mà con người tự gây cho mình, trước khi đưa mắt nhìn vào các lãnh vực chính trị và kinh tế, các ngài đã tập trung chú ý vào bên trong con người, nghĩa là vào lương tâm con người: rất nhiều quyết định của thời nay có thể giải thích như là sự sa sút của “ý thức trách nhiệm”.
Hai vị lãnh đạo nhận định rằng ở đâu mà đời sống tư nhân, đời sống công cộng và các tiến trình quyết định không tuân theo ý thức về trách nhiệm con người, thì người ta dễ rơi vào tuyệt vọng. Điều này có thể dẫn đến hai hệ luận: hoặc không còn bất cứ quy chiếu nào về tôn giáo nữa (tâm trí dễ nghĩ đến sự tàn bạo của các chế độ độc tài vô thần) hoặc gia nhận những nhóm tôn giáo cực đoan cũng gây tai hại không kém[9].
Tiếp theo việc chẩn bệnh là đề nghị trị liệu. Hai cột trụ mà Đại Imam và ĐTC tựa vào để xây dựng tương lai là gia đình và tôn giáo. Các ngài tuyên bố rằng “tôn giáo không bao giờ kích động bạo lực”. Câu nói này xem ra ngây thơ khi biết rằng biết bao nhiêu máu đã đổ ra nhân danh tôn giáo và điều ấy cũng còn dễ xảy ra. Nhưng các ngài phân biệt giữa “chân lý “ của tôn giáo và việc “lợi dụng” tôn giáo. Họ lên án việc lạm dụng danh Thiên Chúa để biện minh cho bạo lực bằng một luận cứ thần học sâu sắc: “Thiên Chúa, Đấng Toàn năng, chẳng cần ai bảo vệ, và Ngài không muốn cho danh Ngài bị sử dụng để làm cho dân chúng hốt hoảng”.
Những quyết tâm cụ thể
Dựa trên lời tuyên xưng ấy, bản văn chuyển sang kết luận, với hai chuỗi những quyết tâm cụ thể. Trước hết, hai nhà lãnh đạo nêu ra 12 luận đề pháp-lý chính trị; kế đó các ngài chỉ cách thức áp dụng văn kiện này.
12 luận đề nói lên điều gì? Chúng tôi xin tóm tắt vắn gọn, kèm theo một chú giải tích cực, rồi sau đó, chúng tôi sẽ nói đến những phê bình chỉ trích.
1) Các tôn giáo cổ võ tình huynh đệ. Văn kiện dùng một thứ đối chữ nhằm diễn tả việc chuyển đổi từ ích kỷ sang liên đới; nêu bật sự đối chọi giữa “luật của sức mạnh và sức mạnh của luật” (qānūn al-qawm/qawm al-qanūn).
2) Tự do tín ngưỡng và tôn giáo được bảo đảm cho mỗi nhân sinh, và điều này có thể được biện minh bằng niềm tin.
3) Duy chỉ sự tương tác giữa công bình và lân tuất mới có thể tạo ra điều kiện nhân bản cho cuộc sống.
4) Các vấn đề trên thế giới có thể được giải quyết bằng đường lối đối thoại.
5) Cuộc đối thoại liên tôn cần được diễn ra trong một cuộc gặp gỡ về những giá trị có thể chia sẻ cho nhau và thăng tiến điều thiện, tránh những cuộc tranh luận vô bổ.
6) Tất cả những nơi thờ phượng đều phải được che chở về pháp luật và tôn giáo. Không bao giờ được tấn công các nơi thờ phượng dưới chiêu bài tôn giáo.
7) Sự khủng bố cần phải bị lên án, ngay cả về phía các tôn giáo.
8) Tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền lợi. Các cá nhân không phải là chủ thể của quyền lợi bởi vì thuộc về một nhóm nào nhất định, chẳng hạn một tôn giáo hay một bộ tộc: thực vậy, điều này sẽ dẫn đến một giai cấp thấp kém, mang tên là “thiểu số”. Đúng ra, họ có quyền lợi bởi vì là những công dân.
9) Những văn hóa khác nhau có thể và cần phải giúp nhau nên phong phú. Nhưng cần phải loại bỏ một chủ nghĩa độc tôn văn hóa, dựa trên vài truyền thống để biện minh cho các thực trạng mà trên thực tế đang vi phạm các quyền lợi của con người. Tuy nhiên những quyền lợi cũng không được phép sử dụng để biện minh cho sự phân biệt khác nhau đứng trước một tình huống . Có lẽ các tác giả đang nghĩ đến việc lên án các cuộc tấn công của dân Palestine nhưng đồng thời lại chấp nhận những sự chiếm đất của dân Do thái.
10-11-12) Ba luận đề cuối cùng phát biểu những quyền lợi của vài nhóm người cụ thể, đó là các phụ nữ, các nhi đồng, các người già lão và khuyết tật.
Văn kiện được kết thúc với cái nhìn hướng về tương lai, và hai nhà lãnh đạo nói đến ba điều: thứ nhất là “hứa hẹn”, thứ hai là “yêu cầu”, thứ ba là “ước mong”. Họ hứa sẽ dấn thân phổ biến bản Tuyên ngôn này cùng với những nội dung của chúng. Họ yêu cầu bản văn này được đưa vào các chương trình giáo dục. Họ ước mong rằng bản văn được đón nhận cách nghiêm chỉnh, nghĩa là như lời mời gọi hòa giải, như một tiếng nói đánh thức lương tâm, như một chứng tá của niềm tin vào Thiên Chúa, và cuối cùng, như một cử chỉ thân ái, biểu lộ qua từ ngữ “ôm choàng nhau” giữa các dân tộc trong những sự khác biệt của mình.
Những công kích
Tuyên ngôn Abu Dhabi đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi ngay từ khi được ký. Có người ca ngợi nó như là một dấu hiệu của sự hiểu biết nhau, điều rất cần thiết lúc này, do những nhà lãnh đạo ở cấp cao. Nhưng những lời chỉ trích cũng không thiếu. Chúng tôi đã nghiên cứu văn kiện cùng với các chuyên viên và các sinh viên, thuộc Kitô giáo và Islam, tại Giêrusalem và tại Rôma. Sau đây là những điểm thường bị chỉ trích hơn cả, và chúng tôi cố gắng trả lời cho các vấn nạn được nêu lên.
Có người nói rằng văn kiện đã không biện minh cho các lời khẳng định của mình bằng các lời của Kinh Thánh.
Nên lưu ý là các Kitô hữu không chấp nhận kinh Coran như là thành phần của Quy thư hoặc nền tảng cho lập luận thần học. Về phía mình, các tín đồ Islam cũng nhìn Kinh Thánh cách tương tự như vậy: họ nhìn nhận rằng ông Môsê, ông Đavid và ông Giêsu đã nhận được một “quyển sách” được mặc khải với nội dung trùng hợp với kinh Coran, nhưng điều mà ngày nay được ghi lại trong Kinh Thánh của Kitô giáo thì không tương ứng hoàn toàn với điều được mặc khải (x. Sura 2,75). Văn kiện này muốn là “Một tuyên ngôn chung của những ý định tốt đẹp và thành thực”. Những trích dẫn Sách thánh của bên này hoặc bên kia sẽ trở thành trở ngại cho mục tiêu này. Tuy vậy, bản văn rất hòa hợp với tư tưởng Kinh Thánh.
Có người nói rằng văn kiện này chỉ có ý nghĩa khi chấp nhận một thần học về sự tạo dựng.
Sự chỉ trích này bắt nguồn từ nỗi lo ngại rằng một cuộc đối thoại liên tôn được dựa trên một thần học tự nhiên (nghĩa là hoàn toàn dựa trên những lập luận rút từ bản tính con người và luận lý) thì sẽ khép kín đối với những viễn tượng mới của tương lai nhân loại, tựa như sự cứu chuộc và những can thiệp của Thiên Chúa qua các giao ước với Israel và nơi Đức Kitô. – Về điểm này nên ghi nhận hai điều. Các tác giả muốn soạn một bản văn có thể được chấp nhận bởi các tín đồ của Islam và Kitô giáo, cho nên không nói đến những sự khác biệt giữa hai tôn giáo. Tuy nhiên, văn kiện đã dứt khoát đề cập đến vận mạng của nhân loại qua việc sử dụng từ ngữ “ơn gọi”. Hạn từ này đề cao sự can thiệp tự do và mới mẻ của Thiên Chúa cũng như sự đáp trả cá nhân và tự do của chúng ta.
Một vấn nạn khác: văn kiện này thu gọn tôn giáo vào luân lý, giống như quan điểm của chủ nghĩa Khai sáng.
Đối với Đức Giáo hoàng và Đại Imam, tôn giáo mang theo chiều kích hành động. Nhưng “mục tiêu tiên khởi và quan trọng nhất của các tôn giáo là tin vào Thiên Chúa, tôn thờ Ngài và mời gọi hết mọi người hãy tin”. Thực ra, văn kiện sử dụng vài từ ngữ đặc trưng của chủ nghĩa Khai sáng của châu Âu, như là “phẩm giá con người”, “quyền lợi con người”, “tư cách công dân”; tuy vậy, “tình huynh đệ” giữa tất cả mọi nhân sinh không chỉ là ý tưởng của chủ nghĩa Khai sáng, nhưng có thể trích dẫn từ các bản văn của Kinh Coran và Kinh Thánh như trên đây đã nói. Sự kiện là các “quyền lợi của con người” được sử dụng như quy phạm cho thấy một bước tiến quan trọng. Nhiều khi các tín đồ Islam cho rằng các nhân quyền không có giá trị phổ quát, nhưng đó là do một sự hiểu lầm: họ cho rằng Thiên Chúa có nhiều quyền lợi hơn loài người[10].
Dưới khía cạnh thần học, ta có thể nói rằng ý tưởng nền tảng của các nhân quyền phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, bởi vì chúng bảo vệ con người khỏi những kẻ bắt chẹt người đồng loại của mình, xét vì tất cả đều là những thụ tạo của Thiên Chúa. Về phía Islam, “phẩm giá” của mỗi người thường được hiểu theo ý nghĩa của câu sách Coran, trong đó Thiên Chúa dạy rằng “Chúng ta đã tôn trọng các con cái của ông Ađam” (karramnā, Sura 17,70). Và nhất là cần nêu bật việc nhắc đến tư cách công dân, một ý tưởng quan trọng trong cuộc tranh luận hiện nay trong pháp luật Islam.
Bản Tuyên ngôn Marrakesh (27/1/2016) là văn kiện quốc tế đầu tiên được các học giả Islam ký kết, trong đó có sử dụng hạn từ muwāṭana. Đây là một từ ngữ mới mẻ muốn chuyển sang tiếng Ả-rập quan niệm citoyenneté trong tiếng Pháp. Ahmad al-Tayyeb đã nhiều lần phát biểu ủng hộ quan niệm muwāṭana, và do đó đi ngược lại việc áp dụng luật pháp về dimma của Kinh Coran. Luật về dimma nhìn nhận cho các phần tử của các tôn giáo được hưởng sự bảo vệ qua việc nộp thứ thuế, nhưng họ không được hưởng sự bình đẳng về tất cả mọi quyền lợi (x. Sura 9,29).
Ngài Đại Imam chủ trương rằng ngày nay không thể nào áp dụng quy định này được nữa, bởi vì nó ra đời trong một hoàn cảnh pháp luật và chính trị đã lỗi thời. Thực vậy “tư cách công dân” là một từ ngữ mới – được sử dụng kể cả bên ngoài Cách mạng nước Pháp – để nói rằng có thể sống tôn giáo trong những điều kiện pháp luật tân thời, nghĩa là trong một bối cảnh trong đó mỗi Quốc gia cần phải bảo đảm cho hết thảy mọi công dân những quyền lợi tự do ngang nhau, thay vì dựa trên việc làm thành phần của một nhóm nào đặc biệt.
Có người nói rằng tôn giáo đi theo quan niệm về “bản chất” của tôn giáo, để đối chọi giữa bản tính của tôn giáo với những giải thích lệch lạc hoặc những lạm dụng nhân danh tôn giáo.
Thực ra không có chỗ nào xác định thế nào là “tôn giáo” theo nghĩa nguyên tuyền hoặc những “đạo lý chân chính” của tôn giáo. Tuy nhiên, các tác giả của văn kiện không định nghĩa đạo Kitô và đạo Islam dưới khía cạnh lịch sử hoặc xã hội học. ĐGH và Đại Imam trình bày tôn giáo dưới khía cạnh quy phạm, như là những nhà thần học. Hai vị lãnh đạo muốn nói như là những thầy dạy về lòng tin khi tuyên bố rằng: “Thật là sai lầm khi người ta tìm cách biện minh cho việc sử dụng bạo lực nhân danh Thiên Chúa”[11]. Văn kiện về tình huynh đệ không muốn lập luận theo ngôn ngữ triết học; đúng ra, nó muốn tránh cho tôn giáo khỏi bị lợi dụng như công cụ.
Có người nói rằng văn kiện nhằm đến các thành phần ưu tú của xã hội, và bỏ qua giới bình dân.
Đúng là ở đầu của phần chính, văn kiện ngỏ lời với các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, tiếp theo đó hai tác giả của văn kiện cam kết phổ biến văn kiện, và nhắm tới các địa phương, các tổ chức của xã hội dân sự. Và nhất là trong phần cuối, văn kiện ngỏ lời với các bạn trẻ, và thậm chí các trường học.
Văn kiện yêu cầu sự khoan dung (tolerance). Có người cho rằng ngôn từ này quá nhẹ nhàng, bởi vì điều mà chúng ta đang cần là tự do tôn giáo.
Thực ra văn kiện được ký kết do ĐTC và Đại Imam al-Tayyeb đề nghị những thái độ xích lại gần nhau hơn nữa giữa những người thuộc tín ngưỡng khác nhau: tôn trọng, trao đổi, đối thoại, hợp tác và nhất là tình huynh đệ. Tự do tôn giáo được nêu bật như là “tự do tin tưởng, tư tưởng, phát biểu và hành động”, rồi kế đến là “tự do được làm khác”; và nói như vậy có nghĩa là ám chỉ tự do thay đổi tôn giáo, xét vì văn kiện lên án bất cứ hình thức cưỡng bách trong phạm vi tôn giáo. Một tháng sau khi ký kết văn kiện Abu Dhabi, khi ngỏ lời với nhân dân Maroc, ĐTC Phanxicô nói đến “tự do lương tâm” và “tự do tôn giáo”[12].
Người ta nói rằng, văn kiện đã coi chiều kích thần học trong cuộc đối thoại liên tôn như là “tranh luận vô bổ”.
Thực ra, cụm từ này được nêu lên nhằm đối lại với một cuộc đối thoại đặt những điểm chung về tâm linh và đạo đức lên hàng đầu. Dĩ nhiên là các tác giả muốn cảnh giác một thứ “đối thoại” chỉ nhằm đến hộ giáo và tranh luận. Chắc chắn một cuộc đối thoại, có lập luận phân minh, đặc biệt là giữa những nhà chuyên môn, thì mang lại nhiều kết quả phong phú cho thần học. Thật là điều dễ hiểu khi mà những người đã cảm nghiệm niềm tin của mình như là nguồn vui sâu xa thì cũng chia sẻ niềm vui ấy với những người bạn thuộc các tín ngưỡng khác. Nhưng khó mà người tín đồ khác sẽ tự chất vấn về niềm tin của mình[13]. Do đó, khi có những sự khác biệt, thì cần phải xét lại các mục tiêu, các giá trị và các ý định chung.
Sau cùng, người ta nói rằng văn kiện là một sự kết nghĩa giữa Islam và Kitô giáo; và gạt ra ngoài các tôn giáo khác và những người vô tín ngưỡng.
Thực ra, rất dễ cho thấy rằng đó là một sự hiểu lầm. Khi văn kiện tuyên bố cần bảo vệ những nơi thờ phượng, thì không chỉ giới hạn vào các môskê và các thánh đường mà gồm cả các “đền thờ” (maʿābid) [14] nữa. Ngoài ra, các tác giả ước mong rằng văn kiện này là “một tiếng gọi hướng đến mọi lương tâm sống động”, và bày tỏ niềm hy vọng rằng bản văn sẽ được hiểu như lời mời gọi hòa giải “giữa những người có tín ngưỡng và vô tín ngưỡng, giữa hết mọi người thành tâm thiện chí”. Như thế nó cũng nằm trên chiều hướng của ĐTC Gioan XXIII, người đã gửi thông điệp Pacem in terris đến hết mọi người thiện chí.
Sự khác biệt tôn giáo trong lịch sử cứu độ
Có một câu trong điều cam kết cụ thể thứ hai thường bị chỉ trích gay gắt về phía Kitô giáo. Câu văn muốn chứng tỏ rằng tự do tôn giáo có thể được biện minh dưới khía cạnh thần học, và được phát biểu như thế này: “Sự đa nguyên và đa dạng về tôn giáo, màu da, phái tính, chủng tộc[15] và ngôn ngữ là điều hợp với ý muốn khôn ngoan của Thiên Chúa, khi Ngài dựng nên loài người”.
Chúng ta cần khảo sát lời khẳng định này dưới ba góc độ khác nhau: a) nó đã được đón nhận như thế nào về phía Islam? b) Nó gây ra vấn đề gì cho thần học Kitô giáo? c) Có thể hiểu như là một tuyên bố hợp với thần học Công giáo không?
a) Về phía Islam, đoạn văn này không gây ra sự xúc phạm gì hết mà còn diễn tả một tư tưởng của Kinh Coran nữa. Để hiểu điều này, cần xét đến hai câu. Kinh Koran đã minh nhiên nói đến sự khác biệt về “ngôn ngữ” và “màu sắc” của con người là điều do Thiên Chúa dựng nên. Trong bối cảnh nào? Kinh Coran thường nói đến những “dấu tích của Thiên Chúa”: qua cách đó, Kinh Coran giải thích thế giới cho các thính giả, và khiến cho nó có thể được hiểu như là tạo dựng và mạc khải. Nơi sự việc xảy ra trong thế giới, ta có thể nhận ra công trình quyền năng của Thiên Chúa. “Và sự tạo dựng trời đất, sự khác biệt của các ngôn ngữ và màu sắc của các người làm nên thành phần của các dấu tích của Thiên Chúa” (Sura 30,22).
Nhưng cái nhìn của Kinh Koran về lịch sử mặc khải cũng bao gồm sự kiện là những sách được mặc khải đã được truyền lại cho các “tiên tri” như là Môsê, Đavid, Giêsu và Mohamet, và mỗi quyển sách trở thành một “đạo” khác nhau, mặc dầu về nội dung thì chúng giống nhau về thực chất. Vì thế, theo Sura, Thiên Chúa nói với Mohamet về các tín ngưỡng xem ra khác nhau giữa những người Do thái và những người Kitô hữu, và nói về kinh Koran thế này :
Chúng ta đã ban xuống trên ngươi Quyển Sách cùng với Chân lý, để củng cố Kinh Thánh đã được ban trước đó […]. Chúng ta đã chỉ định cho mỗi người trong các ngươi một con đường và một lộ trình. Giả như Thiên Chúa muốn, ắt Ngài đã làm các người nên một cộng đồng. Nhưng Ngài đã muốn cho các người được cảm nghiệm điều mà Ngài đã ban. Các ngươi đã thi đua trong các công việc tốt (Sura 48).
b) Chuyện giữa loài người có những kẻ da đen và da trắng, đàn ông và đàn bà có lẽ sẽ còn kéo dài cho đến tận thế. Ta có thể nói đến sự khác biệt muôn màu và phong phú của công trình tạo dựng. Nhưng câu chuyện giữa loài người có những tín đồ Islam và Kitô hữu chắc là có những lý do và hậu quả khác. Các dân tộc và các cá nhân đã trở lại đạo. Đối với một số người, điều này diễn ra trong tự do, đối với một số khác thì không.
Giữa các tín đồ Islam và các Kitô hữu có những căng thẳng, cách riêng liên quan đến Đức Giêsu: có phải Người đã chết trên thập giá và đã sống lại từ cõi chết? Có phải “vì vinh quang Thiên Chúa” mà chúng ta tuyên xưng người là “Đức Chúa”, thậm chí chúng ta khẩn cầu Người như là “Đức Chúa và Thiên Chúa” (Pl 2,11; Ga 20,28) hay không? Về điểm này, đôi bên không đồng ý với nhau. Và nếu những sự khác biệt căn bản này là do “ý muốn của Thiên Chúa”, thì xem ra là điều trái ngược với ý muốn Thiên Chúa khi các Kitô hữu tuyên xưng đức tin rằng kể cả những người khác cũng đều có thể nhìn nhận Đức Kitô là Đấng Cứu thế.
c) Trong Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại, câu nói trên đây dùng để biện mình cho tự do tôn giáo. Tuy nhiên, dưới khía cạnh thần học, sự tự do có thể biện minh bằng những con đường khác, chẳng hạn như bằng cách giải thích rằng niềm tin như là sự đón nhận tin tưởng dưới hình thức “Xin vâng” cá nhân và vì thế một cách tự do[16]. Nên nhớ là ngay cả Kinh Koran cũng dạy rằng không được cưỡng bách con người trong những vấn đề tôn giáo (x. Sura 2,256).
Hơn nữa, cách phát biểu của văn kiện có thể coi là quan trọng dưới khía cạnh thần học. Thực vậy, nó theo sát tuyên ngôn Nostra aetate của Công đồng về liên lạc giữa Giáo hội và các tôn giáo: “Giáo hội tẩy chay mọi hình thức kỳ thị giữa loài người và các cuộc bách hại vì lý do chủng tộc và màu da, điều kiện xã hội hoặc tôn giáo, bởi vì nó trái ngược với ý muốn của Đức Kitô” (NA 5). Vì vậy, khi mà những sự khác biệt về tôn giáo và sắc tộc được nhắc đến trong cùng một câu văn, thì điều này không có nghĩa đặt chúng ngang hàng với nhau, nhưng là cả hai đều dễ trở thành nguồn gốc của sự kỳ thị, và chúng ta được mời gọi hãy ngăn chặn nguy cơ ấy.
Nhưng khi Văn kiện về tình huynh đệ nói đến “ý muốn khôn ngoan của Thiên Chúa” thì còn gợi lên một tư tưởng khác nữa. Nhiều lần cách thức mà Thiên Chúa điều hành lịch sử đặt chúng ta trước những tình huống mà xem ra rất khó hiểu. Tại sao ông Giuse bị bán sang Ai-cập do lòng ghen ghét của các người anh? Tại sao Đức Giêsu phải chịu đóng đinh trên thập giá? Tại sao không phải tất cả mọi người đều nhìn nhận sự sung mãn của ơn cứu độ nơi Đức Kitô? Cuối cùng, chính ông Giuse tiết lộ cho các anh của mình: “Thiên Chúa đã sai em ra đi trước các anh để giữ các anh được sống” (St 45,5). Thiên Chúa cũng hành động xuyên qua lòng ghen ghét của các người anh.
Về sự khác biệt giữa các tôn giáo, cả ĐTC Benêđictô XVI lẫn ĐTC Phanxicô đều có những lời tuyên bố đầy ý nghĩa: khi những con người thuộc tôn giáo khác gặp gỡ nhau, điều này có thể nói lên rằng cả hai bên đều có cơ hội để “thanh luyện và thêm phong phú”[17]. Điều này có nghĩa là nhìn nhận sự khác biệt giữa các tôn giáo có vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ. Tại Rabat, ĐTC Phanxicô đã nêu bật rằng “đây là câu chuyện khám phá và đón tiếp người khác trong đặc trưng của tín ngưỡng của họ, và giúp nhau thêm phong phú nhờ sự khác biệt, trong mối tương quan được đánh dấu bằng tình thân hữu và tìm kiếm điều gì chúng ta có thể làm chung với nhau”[18].