Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI: Tóm lược Giáo huấn Xã hội của ĐTC Phanxicô

Thời sự Thần học - Số 91, Tháng 2 Năm 2021, tr. 192-217. 

_Marcel Rémon, S.J._ 

Tác giả là giám đốc Trung tâm CERAS, Paris, đọc thông điệp Fratelli tutti trong bối cảnh của các giáo huấn xã hội của Đức thánh cha Phanxicô, đã được phát biểu nhiều lần với một vài đề tài then chốt, tựa như : tình huynh đệ phổ quát, tôn trọng phẩm giá con người, chính trị và công ích, đối thoại, tha thứ và hòa giải, án tử hình[1].
Nguồn : Fratelli tutti véritable Compendium de la pensée du pape François : https://www.doctrine-sociale-catholique.fr/la-doctrine-sociale- en-debat/369-fratelli-tutti-veritable-compendium-de-la-pensee-du-pape-francois


Trong tám năm làm giáo hoàng, ĐTC Phanxicô chỉ viết ba thông điệp, Lumen Fidei năm 2013, Laudato Si’ năm 2015, đây là thông điêp thứ ba. Văn kiện này được xếp vào giáo huấn xã hội (GHXH) của Giáo hội. Đọc thoáng qua, ta thấy như là một thứ tóm lược những lần can thiệp của ngài liên quan đến hòa bình, đối thoại xã hội và liên tôn, tình huynh đệ và chính trị. Đối với Đức Phanxicô, thông điệp tiếp nối lời kêu gọi đối thoại và hòa bình đã ký chung với Đại Iman Admad Al-Tayyeb tại Abou Dhabi, tóm lại những diễn từ nói với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, với quốc hội châu Âu và với LHQ, nhắc lại các sứ điệp dành cho các phong trào xã hội hoặc nhân ngày hòa bình thế giới. Như đã quen, ĐTC muốn đi theo truyền thống của thánh Phanxicô Assisi đến gặp Sultan Malik-el-Kamil trong thời kỳ thập tự quân. Cũng như Laudato Si’, thông điệp này mang trong tựa đề một câu nói của thánh Phanxicô “Fratelli tutti”


Tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội đang gặp khủng hoảng


Kể từ thông điệp Laudato Si’, người ta đã biết nhân luận của ĐTC Phanxicô : con người là một hữu thể được liên kết với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính mình và với vũ tru. Vài độc giả của Fratelli tutti có thể thất vọng vì thông điệp này ít khi nhắc đến mối dây liên kết với vạn vật. Người ta có thể tưởng tượng được rằng, theo gót thánh Phanxicô Assisi, một bản văn về tình huynh đệ cũng sẽ đề cập đến mối tương quan giữa loài người chúng ta với sinh vật và trái đất. Biết như vậy đó, nhưng chúng ta cần đọc thông điệp như nó đã được viết ra, nghĩa là một thông điệp về sự liên kết xã hội, cộng đồng nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng, trong suốt thông điệp này, ĐTC xác tín rằng sự liên kết xã hội chỉ có thể hiểu được khi móc nối với cách thức mà ta sống trong ngôi nhà chung : “Mọi sự đều liên kết với nhau” (LS, 92), “Cần phải lắng nghe tiếng rên siết của trái đất cũng như tiếng rên siêt của người nghèo khổ” (LS, 49).

Tận gốc rễ của thông điệp Fratelli tutti là một ý muốn chia sẻ một giấc mơ : “một giấc mơ về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội mà không chỉ dừng lại ở lời lẽ”[6], một giấc mơ cùng làm với nhau “giống như những người lữ hành cùng chia sẻ một thân xác con người, như những đứa con mà trái đất nuôi dưỡng tất cả, mỗi người với sự phong phú của niềm tin hoặc những xác tín của mình, mỗi người có tiếng nói riêng, tất cả là anh em với nhau.”[8] Giấc mơ là một phạm trù rất thân thuộc với ĐGH Phanxicô. Thực vậy, 50 số đầu tiên gợi lên sự chấm dứt của các giấc mơ và những dự án “cho tất cả mọi người”[10-14], sự loại trừ hàng loạt dân tộc ra khỏi những phúc lợi của việc toàn-cầu-hóa [18-21], sự suy thoái của các nhân quyền, càng lúc càng bớt phổ quát [22-24], sự tăng gia những nỗi lo sợ và xung đột [25-28], những sự bất bình đẳng đứng trước sự tiến bộ [29-30], những cơn đại dịch và các đại họa khác của xã hội [32-36], thảm trạng những người di dân [37-41], sự bùng nổ những bài diễn từ gây oán ghét hoặc những tin thất thiệt trên mạng lưới xã hội và các tuyên bố chính trị [42-50], những sự thống trị văn hóa [51-53]. Chừng ấy đã đủ để mà thất vọng. Thế nhưng từ đó lại nảy lên lời kêu gọi hãy “bước đi trong hy vọng”[55], giống như biết bao nhiêu người nam người nữ, đồng hành trên chuyến đi, giữa lúc hốt hoảng sợ [trong cơn đại dịch mới đây], đã phản ứng bằng cách hiến dâng chính mạng sống của mình.”[54]
 

Tình huynh đệ của người Samari nhân từ


Trước khi đề cập đến các chủ đề của thông điệp, ĐTC đề nghị một bài suy niệm về dụ ngôn người Samari nhân từ, theo đúng phương pháp của linh đạo dòng Tên qua việc nhấn mạnh đến hậu trường của quang cảnh, những phản ứng của mỗi nhân vật và sự chất vấn cá nhân rút ra từ đó : “Đôi khi, tôi ngạc nhiên khi thấy phải trải qua nhiều thời gian, Giáo hội mới lên án mạnh mẽ chế độ nô lệ và các hình thức bạo lực (…) Vẫn còn những người xem ra được khuyến khích, hay ít là được đức tin cho phép để bảo vệ những hình thức khác nhau của chủ nghĩa quốc gia cực đoan, dựa trên việc khép kín bản thân và bạo lực, những thái độ bài ngoại, sự khinh bỉ, thậm chí ngược đãi đối với những người khác biệt với mình.”[86]
 

Tình huynh đệ kêu gọi sự cởi mở


Nếu thiếu cởi mở với người khác, và cách riêng với người khác biệt, thì không thể có tình huynh đệ. Tình yêu tuân theo một “luật xuất thần”[88], một việc bước ra khỏi chính mình để mở rộng dần dần đến tầm phổ quát. Cái nhìn về một thế giới cởi mở kêu gọi chúng ta hãy tiếp đón người khác lạ, hãy tỏ lòng yêu thương cho phép “trân trọng tha nhân”[93], tiếp đón những người yếu ớt và khuyết tật [98]. “Khi nào trở nên chân chính, tình thân hữu xã hội giữa một cộng đồng là điều kiện cho khả năng cởi mở phổ quát thật sự.”[99-100]

Khi nguyên tắc phẩm giá bất khả nhượng của mỗi người “không được duy trì, thì chẳng có tương lai cho tình huynh đệ hoặc cho sự tồn tại của nhân loại.”[107] Các nguyên tắc về tình liên đới và về mục tiêu phổ quát của tài nguyên được tái khẳng định trong thông điệp Fratelli tutti bởi vì nếu không có chúng thì sẽ không thể nào có sự phát triển toàn diện, của toàn thể con người và tất cả mọi người. Như Thượng hội đồng giám mục về Amazonia đã nhấn mạnh, ĐTC Phanxicô rất nhạy cảm đến những quyền lợi của các dân tộc; tất cả các quốc gia đều đồng trách nhiệm về sự phát triển toàn cầu. Ngài lặp lại sự phản đối những người đang vơ vét “các tài nguyên thiên nhiên của cả một xứ sở bằng những hệ thống tham nhũng làm ngăn chặn sự phát triển xứng đáng của các dân tộc”[125], cũng như những món nợ “đe dọa sự sống còn và tăng trưởng của các dân tộc”[126].

Công thiện (công ích) được định nghĩa như là toàn thể những điều kiện cho cuộc sống tốt, một cuộc sống xứng đáng và huynh đệ. ĐTC Phanxicô lấy lại chương trình “ba chữ T” của các Giáo hội Mỹ châu Latinh : bảo đảm một mảnh đất (Tierra), một mái nhà (Techo) và công ăn việc làm (Trabajo) cho mỗi người [127]. 

Hướng đến tình huynh đệ phổ quát


Thử hỏi có thể mơ ước một tình huynh đệ không chỉ riêng đối với người thân cận, kể cả với người Samari, mà còn với tầm kích phổ quát không ? Vấn đề rất phức tạp : chúng ta hãy nghĩ đến những cuộc di dân [129], sự hiện diện ồ ạt của những dân Latinh ở Hoa kỳ [135] hoặc những mối tương quan căng thẳng giữa Đông và Tây [136]. Tình huynh đệ không phải là cái gì trừu tượng, nhưng nó bén rễ trong một địa phương, một lãnh thổ. “Không thể nào mang tính địa phương cách lành mạnh nếu không có sự cởi mở chân thành đến tính phổ quát, nếu không để chất vấn bởi điều đang xảy ra ở nơi khác, nếu không để cho mình được nên phong phú nhờ các nền văn hóa khác, nếu không liên đới với những thảm cảnh của các dân tộc khác.” [146] Người ta gặp lại ở đây những điều đã được nhấn mạnh trong tông huấn Querida Amazonia về hội nhập văn hóa [148] và lời kêu gọi chính sách đa phương trong diễn từ ĐTC đọc tại Liên Hợp Quốc. [153]

Chính trị và tình huynh đệ


Sau khi nhắc lại rằng mình ưa thích “dân tộc và nhân dân” (popolo, populare) nhưng chống lại “chính sách dân túy và mị dân” (populisme et populiste)[2], ĐTC đề cập đến vấn đề lao động : “Điều thực sự là thuộc về nhân dân, nghĩa là góp phần vào điều thiện của dân tộc – đó là bảo đảm cho mỗi người khả năng làm việc (…) Mục tiêu chính của các chính sách xã hội luôn luôn phải là cho phép những người nghèo có một cuộc sống xứng đáng nhờ lao động”, [162] Fratelli tutti tái khẳng định quyền lợi của mỗi người được có một việc làm xứng đáng, bởi vì “làm việc là một điều kiện bất khả nhượng của đời sống xã hội”.[162]

Đối lại với những lập luận mang tính cá nhân chủ nghĩa hoặc tình liên đới liên bản vị, thông điệp nhắc nhở rằng chiều kích định chế là điều cốt yếu : “Ngay cả người Samari nhân hậu cũng cần một quán trọ để giúp cho ông giải quyết điều mà tự mình riêng rẽ không thể bảo đảm vào lúc ấy.”[165] Thông điệp lặp lại rằng chính trị đứng trên kinh tế bởi vì “thị trường, riêng một mình nó, không thể giải quyết được tất cả, cho dù, một lần nữa, người ta muốn bắt chúng ta phải chấp nhận tín điều ấy của chủ nghĩa tân tự do”[168] Chống lại “học thuyết chảy tràn”, ĐTC bênh vực “thác của năng lực luân lý phát sinh từ sự tham gia của những người bị gạt bỏ vào việc xây dựng một tương lai chung, (…) những phong trào, những kinh nghiệm liên đới lớn lên từ nền tảng, từ đất ngầm của hành tinh.”[169] ĐTC không nhẹ lời đối với các khuôn mẫu của chủ nghĩa kỹ trị và tân tự do.

Như đã từng tuyên bố tại LHQ, tình huynh đệ đòi hỏi những định chế quốc tế mạnh mẽ hơn và được tổ chức hữu hiệu hơn, “có thẩm quyền bảo đảm công ích quốc tế, triệt hủy cảnh đói khổ cũng như bảo vệ thực sự những quyền lợi căn bản của con người”.[172] Thật đáng ngạc nhiên thì danh sách này không liệt kê việc bảo vệ trái đất.

Trích dẫn tuyên ngôn của các Giám mục nước Pháp, Phục hồi quyền cho chính trị, thông điệp nhấn mạnh rằng các Kitô hữu cần dấn thân vào chính trị. “Một lần nữa, tôi kêu gọi phục hồi quyền cho chính trị là ‘một ơn gọi cao quý, một trong những hình thức quý báu nhất của đức bác ái, bởi vì nó tìm kiếm công ích’.”[180] Thông điệp trích dẫn nhiều bản văn của các hội đồng giám mục ở châu Mỹ Latinh, Hàn quốc, Congo, Ấn độ, ... Tính đồng nghị không phải là một hạn từ rỗng nghĩa trên miệng ĐTC Phanxicô. Ngài tiếp tục dường hướng của các vị tiền nhiệm và thêm những nét riêng khi bàn đến nhân đức âu yếm (tendresse) trong chính trị. [194]

Văn hóa đối thoại


Tình huynh đệ đạt được nhờ đối thoại, nhưng truyền thông có thể trở thành một nơi của quyền lực, “xuyên tạc, bóp méo, che đậy sự thật..”[208] Sự đồng thuận thì chưa đủ, bởi vì nó có thể tách xa sự thật nếu nó chỉ được tìm kiếm một cách hời hợt. “Không cần phải đối chọi giữa sự thuận tiện xã hội, sự đồng thuận với chân lý khách quan. Cả ba điều này có thể hòa hợp với nhau khi mà, nhờ đối thoại, người ta dám đi sâu vào cốt lõi của một vấn đề.”[212] Có một chân lý phổ quát : “Tất cả mọi nhân sinh đều có một phẩm giá bất khả nhượng. Đây là một chân lý tương ứng với bản tính con người, không lệ thuộc vào các biến đổi văn hóa”[213].

“Hòa bình xã hội là điều khó xây dựng, nó mang tính cách thủ công”[217]. Người ta lại thấy dấu vết cá nhân của ĐTC Phanxicô, bởi vì ngài nói đến niềm hạnh phúc được làm việc cho hòa bình bằng thủ công, vun trồng sự ân cân bằng “những lời nói an ủi, củng cố, nâng đỡ, khích lệ”[223] và tìm lại nhân đức lịch thiệp [224].
 

Khi vết thương còn nóng bỏng, con đường là tha thứ


Làm thế nào hòa giải sau một cuộc xung đột ? Không có hòa giải rẻ tiền, cần phải đối diện với các vết thương trong chân lý. “Chân lý là một người bạn không thể nào tách rời khỏi công bình và lân tuất.”[227] Đôi khi cuộc xung đột là điều không thể tránh được, và các cuộc giao tranh là chính đáng. Một chú thích ở cuối trang nhắc đến nước Colombia, nhưng cũng có thể nhắc đến nhiều cuộc xung đột khác nữa. Phúc âm dạy chúng ta phải yêu thương hết mọi người, không trừ ai. “Nhưng yêu thương một kẻ áp bức không có nghĩa là chấp nhận để cho người ấy tiếp tục thao túng… nhưng là sử dụng những phương thế khác nhau để làm cho họ ngừng áp bức, đó là rút lại cái quyền lực mà họ không biết sử dụng, và họ đã làm biến dạng nó không còn là con người nữa”[241] “Sự hòa giải đích thực không phải là trốn tránh xung đột nhưng là diễn ra ngay trong sự xung đột, bằng cách vượt lên nó nhờ đối thoại và thương lượng cách trong sáng, thành thật và kiên nhẫn.”[244] Cũng vậy, sẽ không có hòa bình và tha thứ mà không có ký ức [250]. Sự báo thù, sự miễn trừ hình phạt hoặc quên lãng đều làm bế tắc công cuộc chữa lành các vết thương.[252]

Hòa bình nêu lên vấn đề chiến tranh chính đáng. ĐTC không tin vào một cuộc chiến tranh chính đáng (công bình) vào thời nay : “Chúng ta không còn có thể nghĩ đến chiến tranh như là một giải pháp, bởi vì những rủi ro của nó có lẽ còn lớn hơn ích lợi giả định mà người ta gán cho nó” [258] Đó là một tiêu chuẩn để cho một cuộc chiến tranh được coi là chính đáng. Xét theo lý trí, ngày nay không thể chấp nhận tiêu chuẩn ấy nữa, thông điệp nói như vậy. Cũng vì lý do ấy, không thể ủng hộ các chủ thuyết về vũ khí răn đe hạt nhân, hóa học và sinh học. Người ta không thể xây dựng hòa bình dựa trên sợ hãi. [262]

Nếu chiến tranh liên can đến các dân tộc, thì án tử hình muốn loại trừ những kẻ phạm tội ác “Án tử hình là điều không thể nào chấp nhận được, và Giáo hội cam kết sẽ can thiệp để loại bỏ hình phạt ấy trên khắp thế giới.”[263] Cũng vậy, Giáo hội cũng chống lại việc giam cứu, việc cầm tù không xét xử. Giáo hội cũng chống lại mọi hình thức hành hình ngoại tư pháp hoặc phi luật pháp [266-267] Đối với ĐTC Phanxicô, “án chung thân cũng là một thứ tử hình ám tàng.”[268]

Các tôn giáo phục vụ tình huynh đệ


Thông điệp kết thúc bằng một lời kêu gọi và một lời nguyện đề nghị cho hết mọi tín đồ ngõ hầu họ dấn thân phục vụ tình huynh đệ, nhân danh phẩm giá siêu việt chung của tất cả chúng ta..[273] “Chúng tôi muốn là một Giáo hội phục vụ, đi ra khỏi nhà mình, khỏi các đền thờ của mình, khỏi các phòng thánh, để tháp tùng sự sống, nâng đỡ hy vọng, trở nên dấu hiệu hợp nhất [...] nối các nhịp cầu, đập phá tường ngăn, gieo rắc hòa giải.”[276]

Để kết luận


Thông diệp này, bàn về tình huynh đệ giữa loài người, rất súc tích, và cần được đọc để bổ túc cho Laudato Si’ (tương quan với trái đất) và Lumen Fidei (tương quan với Thiên Chúa). Nó đề cập đến những đề tài cổ điển của các thông điệp xã hội, nhưng với một cung giọng bi thảm và chính trị hơn là thông điệp Caritas in Veritate, có lẽ vì tác giả xuất thân từ châu Mỹ Latinh. Người ta thấy gần gũi với thánh Phanxicô Assisi, tầm quan trọng của đối thoại và gặp gỡ giữa các văn hóa và tôn giáo trong sự đa dạng muôn sắc, sự dấn thân chính trị vào công ích, khước từ não trạng cặn bã, mị dân và tân tự do, việc ưu tiên chọn lựa người nghèo. Ước mong rằng thông điệp này, cũng như thông điệp trước đây, sẽ gợi hứng cho các thế hệ trẻ của Kitô giáo đi phục vụ tình huynh đệ phổ quát và tình thân hữu xã hội.

[1] [ND] Thông điệp có 288 chú thích cuối trang, với 292 nguồn trích dẫn, trong đó 172 lần là các tác phẩm của chính ĐTC Phanxico (Laudato Si 23 lần, Evangelii Gaudium 22 lần, các sứ điệp ngày hòa bình thế giới 11 lần). ĐGH Bêneđictô XVI được trích dẫn 22 lần (trong đó 19 lần thông điệp Caritas in veritate) ; các vị giáo hoàng khác 29 lần ; 12 lần trích dẫn các hội đồng giám mục.
[2] [ND]. Thông điệp dùng nhiều từ ngữ chuyên môn của khoa chính trị học và kinh tế học, khá xa lạ với tư tưởng người Việt. Từ “popolo” có thể hiểu là “dân tộc, nhân dân, dân chúng”. Thế nhưng từ đó có thể nảy sinh hai chính sách khác nhau: popolare / popolarismo hoặc populista / populismo (xem các số 155-161 trong bản tiếng Ý). Một cách tương tự như vậy, từ libero/ libertà tự do) có thể đưa đến liberalismo hoặc liberismo. Thông điệp này chống lại “populismo” và “liberismo” (xem số 163; 168).