Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

MỤC VỤ DI DÂN VIỆT NAM : Thần học Di dân và “Đối thoại Người nghèo”

Thời sự Thần học - Số 91, Tháng 2 Năm 2021, tr. 193-218. 

_LM Nguyễn Trung Tây_ 

Nguyễn Trung Tây (NTT) hay LM Nguyễn Trung Tây thuộc Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời Tỉnh dòng Chicago, Hoa Kỳ. Nguyễn Trung Tây, tên thật là Michael Quang Nguyen, SVD, hiện đang sinh hoạt truyền giáo tại Úc Châu. NTT trung học Nguyễn Thượng Hiền 1979, đại học San Jose State University năm 1989, văn bằng Master Kinh Thánh đại học Catholic Theological Union tại Chicago năm 2002, và dự trù nhận văn bằng Tiến Sĩ Thần Học của Học Viện Truyền Giáo Ngôi Lời tại Philippines năm 2021.
NTT dạy Kinh Thánh tại Đại Chủng Viện Ngôi Lời, Hoa Kỳ; đại học Yarra Theological Union, Úc Châu; và nghiên cứu Thần Học Bối Cảnh Việt Nam. Luận án Tiến Sĩ, “Âm Hưởng Truyền Giáo trong Văn Hóa Việt Nam của Tin Mừng Hóa Bánh Mì Ra Nhiều trong Gioan 6,” đề nghị một cái nhìn trong lăng kính văn hóa Việt Nam về Tin Mừng Hóa Bánh Mì của người Do Thái.

I. Giới Thiệu


Di dân không phải là một vấn đề mới. Từ những ngày đầu tiên trong dòng lịch sử thế giới, hiện tượng di dân đã xảy ra. Khi môi trường sống biến đổi, những người đầu tiên đã rời bỏ Phi Châu; có nhóm đi lên Âu Châu, có nhóm đi tới Á Châu. Kể từ những ngày di dân đầu tiên đó, lịch sử thế giới thay đổi. Việt Nam cũng thế, từ những ngày đầu tiên của dòng lịch sử lập quốc, tổ phụ Lạc Long Quân và tổ mẫu Âu Cơ đã di dân. Một nửa đàn con di dân đi theo Mẹ Âu Cơ lên núi, nửa còn lại di dân theo Bố Lạc Long xuống đồng bằng. Vào thời Hậu Lê, bởi Nguyễn Hoàng rời Thăng Long di dân xuống Thuận Hóa, lập ra 9 đời Chúa Nguyễn, lãnh thổ Việt Nam phát triển xuống hướng Nam kéo dài tới Hà Tiên. Tương tự như thế, lịch sử ơn cứu độ tiếp nối bằng những bước chân di dân của tổ phụ Abraham, người đã rời phố “Uz của Chaldeans”[1] di dân sang Canaan (St 11:31).

Bài tham khảo “Mục Vụ Di Dân Việt Nam” bàn về thần học di dân, một nét thần học được minh họa qua những câu chuyện di dân đặc trưng xuất hiện trong Kinh Thánh. Bởi đối tượng bài nghiên cứu hướng tới là người Việt Nam, tác giả cũng nhắc đến nét di dân trong lịch sử Việt Nam. Sau cùng, tác giả sẽ trình bày quan điểm Giáo Hội về di dân qua những văn kiện của Công đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Sau cùng, tác giả sẽ đưa ra một vài đề nghị mục vụ tới di dân Việt Nam hiện đang sinh sống trên toàn thế giới.

II. Thần Học Di Dân


A. Định Nghĩa Danh Từ Di Dân


Trước khi bàn luận về thần học di dân, danh từ di dân cũng cần được định nghĩa. Theo như Clement John, di dân là những người rời bỏ nơi định cư quen thuộc để đến một vùng đất mới bởi nhiều lý do; những lý do chủ yếu bao gồm đại dịch, hạn hán, kinh tế, chính trị, và tôn giáo.[2] Theo định nghĩa này, hiện tượng di dân xảy ra khi con người đối diện thiên tai và nhân tai. Khi gặp thiên tai, thí dụ như đại dịch và hạn hán, con người rời bỏ thôn làng, di dân tới vùng đất mới để tránh nạn dịch hoặc để tìm kiếm lương thực. Khi đối diện nhân tai, thí dụ như chiến tranh, diệt chủng, và chính trị, con người rời bỏ nơi định cư sang vùng đất mới để bảo tồn mạng sống, hoặc trốn chạy hiểm họa diệt chủng, hoặc tìm kiếm tự do.[3]

Tổ Chức Di Dân Thế Giới – IOM (International Organization for Migration) của Liên Hợp Quốc định nghĩa danh từ di dân theo một cách khác. Theo như IOM, “di dân là một người nào đó [đã rời bỏ] chỗ định cư thường trú của họ, [hiện] đã hoặc đang di chuyển qua đường biên giới quốc tế hoặc trong phạm vi của quốc gia [sở tại].”[4] Nếu hội đủ hai điều kiện vừa liệt kê, người này được coi là một người di dân “bất luận (1) tình trạng pháp lý của người đó, (2) hành trình di dân là tự nguyện hay không tự nguyện, (3) nguyên nhân tại sao di dân, hoặc (4) thời gian dự tính lưu trú trong vòng bao lâu.”[5] Theo như định nghĩa của IOA, di dân căn bản là những người đã và đang di dời từ vùng đất thường trú sang một vùng đất mới. Trong bài tiểu luận này, cả hai định nghĩa về người di dân đều được sử dụng.

Lịch sử ơn cứu độ giới thiệu tới độc giả Kinh Thánh một Thiên Chúa của di dân. Nét thần học di dân này có thể nhận ra qua những câu truyện di dân được ghi lại trong Cựu Ước và Tân Ước. Tương tự như thế, nét thần học di dân cũng có thể nhận ra trong lịch sử Việt Nam nếu phân tích lịch sử Việt dưới lăng kính thần học.

B. Di Dân Thời Cựu Uớc


Sau khi Abraham và con cháu di dân sang Ai Cập, dân Do Thái sinh sôi nảy nở đông đúc tới nỗi đất Ai Cập tràn ngập ngoại kiều Do Thái (Xh 1:7). Vua Pharaô, người không biết Giuse, quyết định can thiệp. Nhà vua ra lệnh cho các bà mụ Ai Cập và tất cả người Ai Cập giết bỏ các bé trai sơ sinh, chỉ giữ lại các hài nhi nữ (Xh 1:15, 22). Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp. Ngài sai ngôn sứ Môsê – lúc đó đang chăn chiên ở Midian quay về lại Ai Cập, lãnh đạo dân Do Thái di dân vượt biên giới Ai Cập tới vùng đất hứa Canaan (Xh 3:1, 10, 17). Martin Ueffing nhận xét: một trong những điều kiện căn bản của giao ước ký kết giữa Thiên Chúa và dân riêng là người Do Thái phải chăm sóc người hàng xóm ngoại kiều sống đời di dân trên vùng đất hứa, đặc biệt những người di dân có đời sống khó khăn.[6] Điều kiện này bắt nguồn từ lịch sử của dân Do Thái; bởi đã có một thời họ sống đời di dân với nhiều thử thách tại Ai Cập. Theo như sách Xuất Hành và Đệ Nhị Luật, Thiên Chúa đã truyền lệnh tới dân Do Thái, “Các ngươi không được áp bức người ngoại kiều; chính các ngươi đã biết thân phận của người ngoại kiều, vì các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai Cập” (Xh 23:9); bởi thế “các ngươi phải yêu thương người ngoại kiều bởi các ngươi đã từng là ngoại kiều ở đất Ai Cập” (Đnl 10:19).

C. Di Dân Thời Tân Ước


Câu truyện di dân điển hình thời Tân Ước được ghi lại trong bản Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Theo như Mt 2:13-15, sứ thần Thiên Chúa đã hiện ra trong giấc mộng, ra lệnh trưởng gia Giuse chạy trốn/di dân sang Ai Cập bởi vua Hêrôđê đang lùng kiếm hài nhi thánh. Ngay trong đêm đó, trưởng gia Giuse đã mang hài nhi và Mẹ ngài di dân sang Ai Cập. Gia đình hài nhi Giêsu theo như thánh sử Mátthêu đã sống đời ngoại kiều tại Ai Cập cho tới khi vua Hêrôđê băng hà (Mt 2:19-21). Nhân vật khởi đầu và tạo ra cuộc di dân của gia đình thánh chính là Thiên Chúa. Bởi âm mưu đen tối của vua Hêrôđê, Ngài đã can thiệp. Bởi cuộc di dân sang đất Ai Cập, mạng sống của hài nhi Giêsu được bảo tồn.

Một câu chuyện di dân khác nổi bật trong dòng lịch sử Tân Ước được ghi lại trong Tông Đồ Công Vụ. Trước khi Ngài về trời, theo như cả bốn thánh sử Máccô 16:15, Mátthêu 28:19, Luca 24:4, và Gioan 20:21, Đức Giêsu Phục Sinh truyền lệnh cho các môn đệ hãy đi “rao giảng Tin Mừng tới mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15).

Từ phố Giêrusalem, Giáo Hội tiên khởi nhận được Chúa Thánh Linh. Tiếp theo sau đó, Giáo Hội bị bách hại. Thầy Phó tế Stêphanô đã bị những nhà lãnh đạo Do Thái ném đá (Cv 7:58). Bởi thế, theo như Công Vụ Tông Đồ 7, những tín hữu tiên khởi đã rời bỏ thủ đô Giêrusalem, di dân tới Samaria, Phoenicia, Cyprus, và Antioch (Cv 8:1, 11:19). Tại thành Antioch, cộng đồng tiên khởi phát triển tới nỗi người tín hữu được biết đến với danh tính Kitô hữu/người theo Đức Kitô (Cv 11:26). Bởi di dân Kitô, thành Antioch trở thành trung tâm truyền giáo lớn thứ hai sau thủ đô Giêrusalem. Từ Antioch, tông đồ dân ngoại Phaolô và những nhà truyền giáo tiên khởi đã ba lần lên đường mang ánh sáng Tin Mừng tới dân ngoại (Cv 13-14, 15:36-18:22, 18:23-21:15).[7] Những cộng đồng Kitô hữu tại Galát, Thêsalônica, Côrintô của đế quốc Rôma lần lượt được thành lập theo những bước chân truyền giáo của tông đồ Phaolô.

Từ năm trung tâm lớn của Kitô giáo, Giêrusalem, Antioch, Constantinốp, Rôma, và Alexandria, hành trình truyền giáo vừa đường bộ vừa đường biển đã mang những nhà truyền giáo tới bốn phương trời. Tông đồ Tôma theo như truyền thống đã đặt chân tới nam Ấn Độ năm 52,[8] tông đồ dân ngoại Phaolô mang Phúc Âm tới đế quốc Rôma,[9] và Alopen của giáo hội Nestorian đặt chân tới kinh đô Trường An, nhà Đường để giảng thuyết năm 635.[10] Sau cùng, Giáo Hội theo dòng thời gian đã di dân tới bốn phương trời. Tin Mừng qua những bước chân truyền giáo di dân đã được giới thiệu tới nhiều sắc dân trên toàn thế giới.

D. Lịch Sử Di Dân của Việt Nam


Phân tích dưới lăng kính thần học, lịch sử Việt Nam cũng là một dòng lịch sử di dân dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa.

Từ những ngày đầu tiên, hiện tượng di dân đã xảy ra sau cuộc chia tay của tổ phụ Lạc Long Quân và tổ mẫu Âu Cơ. Trong khi tổ phụ dẫn 50 con xuống đồng bằng, tạo ra người Kinh Việt; tổ mẫu dẫn 50 người con lên núi, phát triển ra người Việt miền núi. Người Việt sau đó tiếp tục di dân đi xuống phương nam, đặc biệt từ thời nhà Trần với bước chân di dân của Công chúa Huyền Trân vào năm 1306 để đổi lấy Châu Ô và Châu Rí.[11] Nổi bất nhất, từ khi tướng quân Nguyễn Hoàng cùng đại gia đình vượt Hoành Sơn di dân xuống Ái Tử, tỉnh Quảng Trị vào năm 1558,[12] lịch sử Việt Nam viết thêm nhiều trang sử mới với lãnh thổ kéo dài xuống tận Cà Mau và Hà Tiên.

Cũng bởi những bước chân di dân, văn hóa Việt Nam trở nên phong phú bởi những giao tiếp với nhiều nền văn hóa mới. Người dân Nam Hà/Đàng Trong, đặc biệt qua những triều đại thời Chúa Nguyễn, bởi điều kiện địa dư và lịch sử, không đóng nhưng mở cửa giao thương với người ngoại quốc trong vùng Á Châu và với cả phương Tây. Phố cổ Hội An pha trộn nét văn hóa Trung Hoa, Nhật, Việt và Tây phương trở thành một biểu tượng đặc thù cho một sắc thái phóng khoáng và hòa trộn của người di dân. Bởi di dân, nước Việt Nam được Thiên Chúa chúc phúc với nền văn hóa Việt Nam cộng vào thêm nhiều sắc thái mới, thí dụ như: văn hóa Trung Bộ với kinh đô Huế, văn hóa Nam Bộ với thành phố Sài Gòn. Nhìn dưới lăng kính bức tranh tổng thể văn hóa, trong khi Bắc Bộ có Chèo, Quan Họ Bắc Ninh; Trung Bộ có hò Huế, Nam Bình; và Nam Bộ với Cải Lương, Hát Bội.

E. Di Dân: Lời Chúc Lành của Thiên Chúa


Bởi thế, nhìn dưới lăng kính thần học, di dân chính là hoa trái nẩy sinh từ lời chúc lành của Thiên Chúa. Thật vậy, từ buổi đầu theo trình thuật Sáng Thế Ký, Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa, và Ngài chúc phúc con người, “Hãy sinh sản và bao phủ trái đất” (St 1:28). Để “bao phủ trái đất” như lời phán truyền của Thiên Chúa, con người không chỉ ngồi yên và định cư tại một chỗ, nhưng di dân và tái định cư trên những vùng đất mới. Bởi thế, “con người phân tán trên trái đất là một yếu tố tạo nên [một trong những] phép lành đầu tiên của Thiên Chúa.”[13]

Nhưng Thiên Chúa không chỉ “ngồi yên” theo dõi vết chân của di dân. Nói một cách khác, Ngài không để mặc con người một mình di dân. Thật sự ra Ngài cũng đã đồng hành với con người trên mọi nẻo đường di dân. Khi Ngài đưa con người “di dân” vào sống ở khu đất mới trong Vườn Địa Đàng, Thiên Chúa ghé vào ngôi vườn thăm viếng đôi vợ chồng đầu tiên của dòng lịch sử ơn cứu độ. Ngài di dân theo Cain, Nôê (St 4, 6, 9), và con cháu của Nôê sau khi họ bị “phân tán trên khắp cùng mặt đất” (St 11:8). Sau cùng Ngài chọn tổ phụ Abraham, mang ông di dân sang đất Canaan (St 12). Từ Abraham, Isaac, Giacóp, và rồi Môsê, Thiên Chúa vẫn đồng hành di dân cùng dân Ngài tuyển chọn. Đặc biệt nhất, Ngài đã dựng lều sinh sống và đồng hành cùng di dân du mục Do Thái. Ngay cả khi di dân Do Thái đã định cư trên vùng đất hứa, Thiên Chúa vẫn đồng hành cùng dân riêng. Ngài ra mặt trận với họ. Ngài lập Quan Án và vương triều đại diện Ngài chăm sóc và hướng dẫn dân Do Thái.

Ngay cả khi dân riêng từ bỏ Thiên Chúa thờ phượng tà thần, Ngài luận phạt dân tuyển chọn; nhưng Ngài vẫn không hề bỏ rơi mà vẫn đồng hành với dân riêng. Sau cùng, khi ngày giờ ấn định đã tới, Ngôi Lời nhập thể, dựng lều sống giữa con người (Ga 1:14). Sau khi Đức Giêsu Phục Sinh quay về trời, Chúa Thánh Linh được gửi xuống trần gian để hướng dẫn và đồng hành với Giáo Hội trên con đường lữ hành tiến về nước trời.[14]

Bởi thế, Thiên Chúa chính là Thiên Chúa của di dân. Di dân là dự tính và là lời chúc lành của Ngài. Giáo Hội thuộc về Đức Giêsu, nhận vai trò đại diện Ngài tại trần thế. Giáo Hội, do đó, cũng đại diện Thiên Chúa của di dân để đón nhận, đồng hành với và can thiệp khi người di dân gặp những khó khăn trong đời sống di dân.

III. Văn Kiện Giáo Hội – Mục Vụ Di Dân


A. Di Dân Dân Ngoại – Redemtoris Missio 37


Thiên Chúa là Thiên Chúa không phân biệt dân ngoại hay dân riêng. Khi Chúa gọi tổ phụ Abraham, ông ta chưa biết Chúa. Nhưng tin vào lời hứa của Thiên Chúa, Abraham và gia đình bỏ lại tất cả sau lưng, lên đường di dân về vùng đất hứa. Cho nên không lạ chi, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong văn kiện Redemptoris Missio nhắc đến di dân dân ngoại, những người không chia sẻ chung niềm tin Kitô. Những người di dân dân ngoại, Đức Giáo Hoàng đề nghị, Giáo hội địa phương phải mở rộng vòng tay, tiếp đón họ trong tình huynh đệ.

Trong số những thay đổi lớn đang diễn ra trong thế giới đương đại, di dân đã tạo ra một hiện tượng mới: những người ngoài Kitô giáo đang trở nên một con số đông ở các quốc gia Kitô giáo truyền thống, [họ] tạo ra những cơ hội mới để tiếp xúc và trao đổi văn hóa, và kêu gọi Giáo hội tiếp đãi, đối thoại, hỗ trợ, trong một từ: tình huynh đệ… Giáo hội phải biến họ trở thành một phần của chương trình mục vụ tông đồ của mình.[15]

Lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã được các Linh mục và Tu sĩ Việt Nam ở Đài Loan thực hành từ “những năm đầu tiên của thập niên [90].”[16] Cô dâu và công nhân người Việt được Văn phòng Trợ Giúp Di Dân và Công Nhân Đài Loan do LM Nguyễn Văn Hùng phụ trách, và nhiều Linh mục và Tu sĩ Việt Nam khác trên đảo quốc giúp đỡ vừa về mặt pháp lý vừa về mặt mục vụ. Rất nhiều di dân Việt Nam trên xứ Đài Loan không phải người Công giáo. Nhưng các Linh mục và Tu sĩ Việt Nam đã tận tình giúp đỡ khi họ gặp khó khăn, đặc biệt về mặt pháp lý.[17]

B. Di Dân bởi Suy Thoái Môi Trường – Laudato Si’ 25


Văn kiện Laudato Si’ bàn về trái đất, ngôi nhà chung tuyệt đẹp, một người mẹ yêu thương, chăm sóc và nuôi dưỡng. Theo như Sáng Thế Ký, Thiên Chúa trong những ngày đầu tiên của dòng lịch sử đã lập ra Vườn Địa Đàng. Ngài tạo ra con người và đặt con người vào trong Vườn để “cấy trồng và chăm sóc [khu Vườn]” (St 2:15). Nhưng, thay vì chăm sóc và giữ gìn, con người lại đối xử với trái đất trong một mối tương quan “chủ-[tớ],”[18] với lý luận Thiên Chúa đã truyền lệnh con người phải làm chủ “thống trị mặt đất” (St 1:28).[19] Bởi thế, thay vì tôn trọng và chăm sóc, con người hành hạ và ngược đãi trái đất khiến Mẹ Đất “cất tiếng kêu gào.”[20] Biển cả và sông ngòi bị hóa chất thải ra từ những nhà máy công nghệ đầu độc, giết chết thủy sản. Đất canh tác bị thay thế bởi nhà máy công nghệ khiến nông dân không còn đất đai trồng trọt. Khí thải công nghệ và sản phẩm công nghiệp ô nhiễm bầu không khí, dẫn đến thay đổi khí hậu. Khí hậu trái đất đổi thay tạo nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của nhiều người trong nhiều ngành nghề khác nhau, thí dụ như: “nông nghiệp, hải sản và lâm sản.”[21] Khi môi trường sống quen thuộc biến mất, thú vật phải di cư, bỏ đi tìm kiếm môi trường sống mới. Tương tự như thế, khi môi trường sinh nhai hằng ngày biến mất, nhiều người phải bỏ quê cha đất tổ di dân tìm kiếm những vùng đất mới để kiếm sống. Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong văn kiện Laudato Si’ xác nhận điều này, và ngài gọi hiện tượng này “suy thoái môi trường/ environmental degradation,”

Có sự gia tăng bi thảm về số lượng người di dân tìm cách chạy trốn khỏi nghèo đói ngày càng tăng do suy thoái môi trường... Họ phải chịu tổn thất về cuộc sống mà họ đã bỏ lại, mà không được hưởng bất kỳ sự bảo vệ pháp lý nào. Buồn thay, có một sự dửng dưng trước sự bi đát này đang diễn ra trên thế giới. Sự thiếu sót về mặt phản ứng trước bi kịch này của anh em, chị em của chúng ta là một dấu chỉ [chúng ta] đánh mất cảm nghiệm về trách nhiệm với tha nhân, mà xã hội phải được xây dựng dựa vào đó.[22]

Bàn về hiện tượng và con số di dân, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (Federation of the Asian Bishops’ Conferences – FABC) nhận xét, “Philippines nói riêng với khoảng 600.000 người di dân ghi nhận hàng năm là quốc gia xuất khẩu lao động lớn nhất trên thế giới.”[23] Thật vậy, người di dân Philippines gần như có mặt khắp nơi trên trái đất, từ những quốc gia thuộc khối Hồi giáo tại Trung Đông; Bắc Mỹ; Tây Phương; Đông Á: Nhật, Nam Hàn, Hong Kong, Đài Loan; cho tới khu vực Nam Bán Cầu: Úc Châu và New Zealand. Một trong những lý do dẫn đến hiện tượng Philippines có số lượng di dân đông đảo và là quốc gia xuất khẩu lao động lớn nhất thế giới liên quan đến điều mà văn kiện Laudato Si’ 25 nhắc đến: suy thoái môi trường. Philippines với nhiều đồng ruộng trên hai đảo lớn, Luzon và Mindanao, bị công nghiệp quặng mỏ khai thác đại trà, khiến người dân bản địa dần dần mất đất đai canh tác. Chưa hết, sông ngòi và biển cả bị đầu độc bởi hóa chất thải ra từ những nhà máy lọc kim khí phá hủy môi trường sống của cả con người lẫn thủy sản. Một khi môi trường canh tác mất đi bởi công kỹ nghệ, nhiều người dân Philippines không còn chọn lựa nào khác nhưng di dân sang những quốc gia lân bang khu vực Châu Á: Mã Lai, Thái Lan, Hong Kong, và sau cùng là toàn thế giới.

FABC ghi nhận vào năm 1995, Hong Kong có khoảng 130.000 người Philippines giúp việc nhà.[24] Đài Loan với con số khoảng 45.000 người Philippines làm việc trong các nhà máy. Tại Thái Lan, con số di dân Philippines làm việc tại những công xưởng và giúp việc nhà là một con số rất lớn.[25] Ngay tại sa mạc Úc Châu mênh mông của Thổ dân Úc, cộng đồng di dân Philippines cũng là một cộng đồng lớn. Trong nhiều thôn làng hẻo lánh tại sa mạc Úc Châu, thầy cô giáo tại trường học hoặc y tá trong những trạm y tế thường là người di dân Philippines.

C. Di Dân: Văn Hóa Mới và Phát Triển Kinh Tế


– Evangelii Gaudium 210

Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc đến vai trò từ mẫu của Giáo Hội. Là vị lãnh đạo đại diện Đức Giêsu của một Giáo Hội toàn cầu không biên giới, ngài tự đặt mình vào vị thế của một bà mẹ của tất cả mọi người. Bởi thế, ngài kêu gọi tất mọi quốc gia nên mở cửa đường biên giới để đón nhận người di dân tới tái định cư. Sự xuất hiện của di dân, theo như vị đại diện Đức Giêsu, sẽ làm giàu thêm bằng cách cộng vào nền văn hóa địa phương những nền văn hóa mới. Ngoài văn hóa, không thể từ chối một điều rằng di dân cũng góp thêm nhiều bàn tay lao động cho công cuộc phát triển của nền kinh tế địa phương.

Những người di cư đặt ra cho tôi một thách đố đặc biệt vì tôi là mục tử của một Hội Thánh không biên giới, một Hội Thánh cảm thấy mình là mẹ của tất cả mọi người. Vì vậy, tôi kêu gọi các quốc gia hãy đại lượng mở rộng cửa, thay vì lo sợ bị mất căn tính địa phương, việc di dân sẽ có khả năng tạo ra một tổng hợp văn hóa mới. Đẹp thay các thành phố vượt qua được sự ngờ vực không lành mạnh, và hội nhập những người khác biệt, cùng biến việc hội nhập này thành một yếu tố mới trong việc phát triển! Đẹp thay các thành phố, mà thậm chí trong thiết kế kiến ​​trúc của chúng, có đầy những không gian kết nối, liên kết, khuyến khích việc nhìn nhận những người khác![26]

Đóng góp thêm vào “tổng hợp văn hóa mới” và “việc phát triển” nền kinh tế địa phương có thể nhìn thấy qua đời sống đa văn hóa tại thung lũng điện tử ở bang San Jose, nước Mỹ. Những người di dân Việt Nam đã tới định cư tại thành phố điện tử San Jose vào cuối thập niên 70. Những di dân Việt đã dựng nên những khu phố Việt mang nét đặc thù văn hóa Việt. Như lời Đức Thánh Cha vừa được trích dẫn ở trên, những khu phố Việt này góp thêm một nét văn hóa mới vào “tổng hợp văn hóa” của một thành phố vốn đã có sẵn những “thiết kế kiến trúc” của Mexico và Nhật Bản cũng như những nền văn hóa khác. Chưa hết, ẩm thực Việt Nam, thí dụ, Bánh mì Việt Nam đã trở thành một tên gọi quen thuộc với nhiều người Mỹ thuộc phố San Jose, bang California và toàn nước Mỹ. Andrew Lam nhận xét, “[bánh mì] đã di dân từ Sài Gòn tới Califonia, và từ đó, tới toàn thể địa cầu. [Phần lớn những] thành phố [lớn] của Bắc Mỹ giờ đây đều có tiệm bánh mì.”[27] Thêm vào đó, di dân Việt vốn mang sẵn nét tỉ mỉ, khéo tay, kiên nhẫn, siêng năng, và hiếu học đã góp một số lượng rất lớn nhân công và chất xám cho những đại công ty điện tử của vùng thung lũng.

D. Di Dân: FABC – Đối Thoại Người Nghèo


Á Châu là một châu đa văn hóa và đa tôn giáo. Nơi đây đã phát sinh ra hai nền văn minh lớn: Trung Hoa và Ấn Độ. Bởi thế Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô nhận xét, “Á Châu là cái nôi của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới – Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo.”[28] Á Châu, không thể từ chối, đã đạt được những tiến bộ kinh tế đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Từ một nước chậm tiến, Hàn Quốc giờ đây trở thành một nước phát triển vượt bậc. “Mặc dù vậy, [Á Châu vẫn] là nơi sinh sống của gần một nửa số người nghèo nhất trên thế giới.”[29] Nói một cách khác, Á Châu là nơi có số đông người nghèo với mức sống “chuẩn nghèo” của 1.9 đô-la Mỹ một ngày. Bởi nét đa văn hóa, đa tôn giáo và đời sống kinh tế đặc thù của Á Châu, các Đức Giám Mục Á Châu thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu – FABC trong lần họp tại Đài Bắc vào ngày 27/4/1974, qua văn kiện Truyền Giáo Á Châu Thời Hiện Đại (Evangelization in Modern Day Asia), đã đề nghị một trong những phương cách truyền giáo hữu hiệu ở khu vực Á Châu là Tam Thoại (Triple Dialogue), danh từ nói tắt của ba cuộc đối thoại truyền giáo: Đối Thoại Văn Hóa, Đối Thoại Tôn Giáo, Đối Thoại Người Nghèo (Dialogue with Culture, Dialogue with Religion, Dialogue with the Poor).[30]

Theo con số thống kê được Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) ghi nhận vào năm 2018, trên thế giới có tất cả là 783 triệu người sống với với mức sống chuẩn nghèo của 1.9 đô-la Mỹ một ngày. Trong số đó, 33% của con số 783 triệu đến từ vùng Đông Nam Á, và 9% đến từ Tây Á.[31] Nói tóm lại, Á Châu, đặc biệt các quốc gia khu vực Đông Nam Á, là một trong những vùng có rất nhiều người nghèo. Và bởi người nghèo sống một đời sống chuẩn nghèo là một thực thể và chiếm một con số đông đảo ở Á Châu, FABC đề nghị Giáo Hội Á Châu phải đối thoại với người nghèo. “Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo (preferential option for the poor) [cũng] là một lựa chọn ưu tiên của người Kitô. Đó là một lựa chọn ưu tiên diễn tả mối quan tâm của Đức Kitô, Đấng đã đến thế gian để rao giảng ơn cứu rỗi tới người nghèo.”[32] Nói một cách ngắn gọn, lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, FABC đề nghị, phải là kim chỉ nam cho công tác và đời sống mục vụ của Giáo Hội Á Châu. Thật vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong văn kiện Evangelii Gaudium nhấn mạnh, “[Nếu] không có lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, ‘công cuộc loan báo Tin Mừng, nguyên thủy vốn là hình thức bác ái, có nguy cơ bị hiểu lầm hoặc nhấn chìm trong đại dương ngôn từ’.”[33]

Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là người di dân thật sự có phải là người nghèo theo như định nghĩa phổ thông và mức sống chuẩn nghèo của 1.9 đô-la Mỹ hay không?

Nhiều người di dân Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng sự thực hằng năm gửi về cho gia đình ở quê hương và Việt Nam những đồng tiền lương nhận được ở quốc gia nơi họ di dân tới. Từ những số tiền này, gia đình di dân tại quê nhà đã xây nhà mới, mua TV, xe máy, cải thiện bữa ăn hằng ngày, gửi con cái theo học những trường học phí cao. Giáo xứ gốc của di dân Việt Nam cũng được hưởng những lợi ích tài chánh từ những người di dân này. Khi được kêu gọi, những ngôi nhà thờ mới được trùng tu tại Việt Nam không thiếu những đồng tiền đóng góp từ bàn tay di dân Việt Nam. Bởi thế, FABC cũng đặt vấn đề: liệu di dân có thuộc về nhóm người nghèo của cụm từ chuyên môn “lựa chọn ưu tiên cho người nghèo”[34] hay không, bởi “người di dân không xuất hiện như những người nghèo.”[35]

Bởi không thuộc diện người nghèo, người di dân dễ rớt vào tình trạng không thuộc tầm nhắm mục vụ tại những giáo xứ nơi di dân sinh sống. Di dân thông thường bị bỏ rơi hoặc bị đối xử như ngoại kiều xa lạ, bởi họ không phải là con chiên “chính thức” của giáo xứ địa phương. Chưa kể, di dân dễ bị người địa phương dõi nhìn với ánh mắt không thiện cảm, bởi di dân lấy mất công việc của người bản xứ. Hơn nữa, bởi di dân không thông thuộc ngôn ngữ địa phương, mục tử bản xứ gặp nhiều khó khăn khi muốn đối thoại với người di dân. Bởi thế, di dân dễ bị đẩy sang những mục tử cùng gốc di dân. Nhưng thông thường, những mục tử di dân cũng rất bận rộn với những công tác truyền giáo chuyên biệt. Bởi thế, mục vụ cho người di dân do chính mục tử di dân phụ trách, FABC nhận xét, thông thường cũng rơi vào tình trạng chỉ là tạm bợ, ngày một ngày hai.[36]

IV. Di Dân: Những Đề Nghị Mục Vụ


Người di dân không thuộc diện người nghèo nếu phân tích dưới lăng kính vật chất. Nhưng FABC khẳng định và kết luận di dân vẫn thuộc diện người nghèo bởi ba lý do.

Thứ nhất, di dân chính là nạn nhân của một bối cảnh xã hội, nơi đó, họ bị đòi hỏi hoặc cài đặt vào tình thế bắt buộc phải duy trì hoặc cải thiện đời sống kinh tế của chính họ và gia đình. Bởi thế họ phải rời bỏ quê cha đất tổ! Bởi thân phận di dân, nơi đất khách quê người, họ sẵn sàng làm việc dưới những điều kiện và hoàn cảnh khắc nghiệt, bình thường người bản xứ sẽ không làm, hoặc nếu làm, mức lương tối thiểu cũng không phải mức lương di dân thông thường nhận được. Thứ hai, người di dân thuộc diện người nghèo, bởi họ bị chia cách với gia đình, bởi thế di dân sống nơi đất khách không thể hoàn thành thiên chức làm cha mẹ hoặc vợ chồng. Nơi quê nhà, con cái họ thiếu vắng hình ảnh và sự chăm sóc của bố mẹ. Sống nơi đất khách, di dân thiếu vắng tình thương của gia đình, sự bảo vệ của họ hàng, và tình liên đới với hàng xóm. Thứ ba, di dân thuộc diện người nghèo bởi chính hoàn cảnh di dân của họ. Bởi đời sống di dân đặc thù, người di dân sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước những thử thách liên quan tới giá trị đạo đức và đời sống tôn giáo.[37] Nói một cách ngắn gọn, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu – FABC khẳng định di dân thuộc diện người nghèo không phải dưới lăng kính vật chất, nhưng thuộc về lãnh vực của tâm lý và tâm linh.

Bởi thuộc diện người nghèo, di dân xứng đáng nhận được sự hỗ trợ của giáo hội địa phương. Thiên Chúa, như đã phân tích ở trên, là Thiên Chúa của di dân; và di dân đã được Thiên Chúa chúc lành từ những ngày đầu tiên trong dòng lịch sử ơn cứu độ. Và bởi di dân là người nghèo, họ được Đức Giêsu chúc lành trong Tám Mối Phúc Thật, “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5: 3). Chính Đức Giêsu cũng đã từng là di dân, và chính Ngài cũng đã tự khoác trên mình thân phận của người di dân khi Ngài phán, “Ta là khách lạ, và ngươi đã tiếp đón ta” (Mt 25:35).[38] Bởi thế, như các văn kiện di dân của Giáo Hội và FABC đề nghị, người di dân xứng đáng nhận được sự hỗ trợ mục vụ của giáo hội địa phương.

Liên quan tới mục vụ cho người di dân, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu – FABC đã đưa ra 5 đề nghị tới các Hội đồng Giám Mục địa phương và 10 đề nghị tới các Địa phận Á Châu.[39] Riêng bài tiểu luận này chỉ gợi ra hai đề nghị: Tinh Thần Dấn Thân và Sinh Hoạt Mục Vụ với Di Dân. Hai đề nghị này liên hệ tới một trong Tam Thoại Truyền Giáo của FABC: “Đối Thoại Người Nghèo.”

A. Tinh Thần Dấn Thân


Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong văn kiện Evangelii Gaudium 49 đề nghị: “Cha thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của chính mình.”[40] Theo như Đức Thánh Cha, người tín hữu nói chung và những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội nói riêng không chỉ là “môn đệ” và “người truyền giáo,” nhưng là những “môn đệ truyền giáo.”[41] Căn tính của Giáo Hội lữ hành, qua văn kiện Ad Gentes, công đồng Vatican II khẳng định là một căn tính truyền giáo.[42] Nói một cách khác, Giáo Hội đã được Đức Giêsu Phục Sinh khai sinh như là một phương tiện, mà qua Giáo Hội, mọi người trên trái đất lãnh nhận được hồng ân cứu chuộc của Thiên Chúa. Bởi thế, Giáo Hội không chỉ sinh hoạt trong bốn bức tường, “bám víu vào sự an toàn của chính mình,”[43] tất cả những “môn đệ truyền giáo” còn phải bước ra ngoài, gặp gỡ tha nhân trên những nẻo đường để loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu. Để trung thành với căn tính truyền giáo của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị, mọi người tín hữu hay mọi “môn đệ truyền giáo” của Đức Giêsu phải có tinh thần dấn thân, “sẵn sàng bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc”[44] vì ơn cứu độ của Thiên Chúa.

B. Sinh Hoạt Mục Vụ với Di Dân Việt Nam


Trong tinh thần dấn thân được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở, các Linh mục và Tu sĩ Việt Nam hiện đang sinh hoạt tại Châu Á ở những vùng có di dân Việt Nam đang sinh sống phải đại diện Thiên Chúa của di dân chăm lo mục vụ tới di dân Việt Nam. Mục vụ di dân Việt Nam có thể phân chia ra trong hai trường hợp đặc trưng: trong một giáo xứ và trong một khu vực có di dân Việt.

Trong một Giáo xứ – Mục tử Việt Nam có thể lập Ban Di Dân trực thuộc Hội đồng Giáo xứ. Ban Di Dân đặc trách mục vụ tới di dân Việt Nam sinh sống trong giáo xứ và trong vùng. Ban Di Dân có thể lập Văn Phòng chuyên lo (1) vấn đề di dân, thí dụ, cung cấp vấn đề pháp lý cho di dân, mở những lớp ngoại ngữ hằng tuần để di dân có thêm cơ hội học hỏi và trau dồi khả năng đối thoại trong ngôn ngữ địa phương, (2) đối với những bạn trẻ, trại hè chủ đề “Tuổi Trẻ Việt Nam trong Đức Kitô Di Dân” là những sinh hoạt khả thi và thích hợp, (3) Chúa Nhật Truyền Giáo hoặc Chúa Nhật Hiện Xuống là những cơ hội Ban Di Dân có thể giới thiệu người di dân tới giáo dân bản xứ, và người bản xứ tới người di dân. Ban Di Dân có thể tổ chức ngày Hội Văn Hóa cho giáo dân và di dân trong giáo xứ và trong vùng vào hai ngày Chúa Nhật đặc biệt này.

Những khu vực không phải giáo xứ – Linh mục hoặc Tu sĩ Việt Nam có thể tổ chức những ngày sinh hoạt văn hóa cho di dân, thí dụ, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và Lễ Giáng Sinh. Nếu cơ hội cho phép, Lớp Hướng dẫn và Giới thiệu Văn hóa mới tới được tổ chức vào ngày Chúa Nhật giúp di dân hiểu nhiều hơn về văn hóa địa phương. Lớp ngoại ngữ cũng là một cơ hội tốt cho di dân học hỏi và trở nên thông thạo tiếng địa phương cho những lợi ích cấp thời trong công việc hằng ngày tại quán xá, hãng xưởng và giao tiếp với dân địa phương.

C. Truyền Giáo: Đối Thoại Người Nghèo


Từ những ngày đầu tiên của Giáo Hội, các Kitô hữu đầu tiên dưới sự hướng dẫn của các tông đồ đã bước ra khỏi căn phòng đóng kín để đối thoại với dân Do Thái và dân ngoại để giới thiệu Tin Mừng của Đức Giêsu Phục Sinh. Như đã trình bày ở trên, để loan báo Tin Mừng tới muôn dân như lời phán truyền của Đức Giêsu Phục Sinh, các môn đệ đã rời bỏ thành phố Giêrusalem, đi tới khắp vùng Giuđêa, Samaria, và sau cùng tới nhiều vùng đất của đế quốc Rôma để đối thoại với nhiều sắc dân trên thế giới. Dựa vào bối cảnh tôn giáo đa thần đặc thù của thủ đô Athens, Vị Tông Đồ dân ngoại đã đối thoại với người dân Athens tại Areopagus về một Đức Kitô Phục Sinh qua tượng đài thờ vị thần tên gọi “Thần Vô Danh” (Cv 17:23).

Tương tự như thế, FABC đã đưa ra một phương thức truyền giáo mới: “Đối Thoại Người Nghèo” dựa vào bối cảnh kinh tế của Á Châu. Qua những sinh hoạt mục vụ tới người di dân Việt Nam và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, hy vọng rất nhiều các mục tử, Linh mục và Tu sĩ Việt Nam trên thế giới có cơ hội đối thoại với và giới thiệu Phúc Âm tới những người Việt chưa có cơ hội nhận được ánh sáng Tin Mừng của Đức Kitô.

D. Lịch Sử Di Dân Việt Nam Nối Dài


Nếu người Việt Nam theo chân tổ mẫu Âu Cơ di dân lên núi khai phá lam sơn lập ra những sắc dân thiểu số, di dân theo chân tổ phụ Lạc Long đi xuống đồng bằng lập ra nhà Hồng Bàng. Theo chân đoàn người di dân của tướng Nguyễn Hoàng, di dân Việt Nam đi xuống phương Nam, khai phá và lập nên Trung Bộ, rồi Nam Bộ, hai vùng đất mới. Bởi những bước di dân thời Chúa Nguyễn, Việt Nam có thêm một vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Và trong vòng gần 50 năm mới đây, bước chân di dân Việt Nam đã vượt biên giới, tái định cư tại nhiều quốc gia trên thế giới. Những nơi người Việt tái định cư, bởi lời chúc lành của Thiên Chúa, di dân Việt góp văn hóa Việt làm đẹp thêm bức tranh “tổng hợp văn hóa” của địa phương, và nhân lực chất xám cho “việc phát triển” nền kinh tế của quốc gia sở tại, đúng như lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu trong văn kiện Evangelii Gaudium 120. Bởi thế, Linh mục và Tu sĩ Việt Nam, những môn đệ truyền giáo, đại diện Thiên Chúa di dân có nhiệm vụ góp phần và thúc đẩy, đồng thời tạo ra những sinh hoạt đáp ứng nhu cầu mục vụ và sinh hoạt tới tất cả mọi người di dân không phân biệt tôn giáo như lời đề nghị của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô trong văn kiện Redemptoris Missio 37.

V. Kết Luận


Từ những ngày đầu tiên trong dòng lịch sử ơn cứu độ, hiện tượng di dân đã xảy ra. Trên tất cả, bởi di dân là một đề nghị của Thiên Chúa; vì thế, hiện tượng di dân và người di dân được Thiên Chúa chúc lành. Do bởi tin tưởng vào lời chúc lành của Ngài, tổ phụ Abraham đã lên đường di dân. Tổ phụ Lạc Long và tổ mẫu Âu Cơ cũng đã di dân. Từ những bước chân di dân đầu tiên của tổ phụ Abraham, tổ phụ và tổ mẫu Lạc Long Âu Cơ, Do Thái và Việt Nam đã xuất hiện trên bản đồ thế giới. Bởi di dân được Thiên Chúa chúc phúc và Đức Giêsu đã xác định thân phận của Ngài như một người di dân, Giáo Hội của Đức Kitô không có chọn lựa nào khác, nhưng nối bước Đức Giêsu lên đường dấn thân, tiếp đón di dân và chăm sóc mục vụ tới người di dân Việt Nam tại bản địa. Qua Văn phòng Di Dân sinh hoạt với tinh thần dấn thân, Linh Mục và Tu sĩ Việt Nam tại hải ngoại đã và đang chia sẻ và giới thiệu Tin Mừng của Đức Giêsu tới những di dân chưa nhận được ánh sáng Phúc Âm, một điều FABC đề nghị qua phương thức truyền giáo Đối Thoại Người Nghèo.

Thư Mục Tham Khảo

  1. Battistell, Graziano. “Journeying Together in Faith with Migrant Workers in Asia.” FABC Papers, no. 73 (Jannuary 1995): 1-34.
  2. Bevans, Stephen B. and Roger P. Schroeder. Constants in Context: A Theology of Mission for Today. Maryknoll, New York: Orbis Books, 2004.
  3. Edwards, Denis. Ecology at the Heart of Faith (Maryknoll, New York: Orbis Books, 2006.
  4. Elwell, Walter A. and Robert W. Yarbrough. Encountering the New Testament: A Historical and Theological Survey. Grand Rapids, Michigan: Baker Books, 1998.
  5. Federation of the Asian Bishops’ Conferences. “Evangelization in Modern Day Asia.” In Gaudencio Rosales and C.G. Arévalo, For All the Peoples of Asia, Vol. 1. Quezon City: Claretian Publications, 1997.
  6. ________. “Total Human Development and the Church as a Community of Faith in Asia,” FABC Papers 33d (October 1982): 1-8.
  7. Huard, Pierre and Maurice Durand. Vietnam, Civilization and Culture. Trans. Vũ Thiên Kim. Paris: Imprimerie Nationale, 1998.
  8. John, Clement John. “Migration, Displaced and Transient Peoples: A Challenge and Moment of Choice for the Churches.” In Feliciano V. Carino and Marian True, eds. Faith and Life in Contemporary Asian Realities. Hong Kong: Christian Conference of Asia, 2000.
  9. Lam, Andrew. “The Marvel of Bánh Mì: From France to Vietnam and Beyond: Journey of a Sandwitch.” Cairo Review 18 (2015): 65-71.
  10. Nguyễn Trung Tây. Bên Ni Bên Nớ: Cô Dâu và Công Nhân Đài Loan. June 16, 2006. https://www.nguyentrungtay.net/bennibenno.html (accessed August 13, 2020).
  11. _______. Bên Ni Bên Nớ II: Hơn Một Năm Sau. June 1, 2007. https://www.nguyentrungtay.net/bennibennoii.html (accessed August 13, 2020).
  12. Pope Francis. Apostolic Exhortation on the Proclamation of the Gospel in Today’s World Evangelii Gaudium. AAS 107 (2013).
  13. ________. Encyclical Letter on Care for Our Common Home Laudato Si’. AAS 112 (2015).
  14. Pope John Paul II. Apostolic Exhortation on Jesus Christ the Savior and His Mission of Love and Service in Asia Ecclesia in Asia. AAS 92 (2000).
  15. _________. Encyclical Letter on the Permanent Validity of the Church’s Missionary Mandate Redemptoris Missio. AAS 83 (1990).
  16. Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Sài Gòn: Bộ Giáo Dục-Trung Tâm Học Liệu, 1920.
  17. Ueffing, Martin. “Divine Hospitality and Migration.” In Jacob Kavunkal and Christian Tauchner, eds, Mission beyond Ad Gentes. Siegburg: Franz Schmitt Verlag, 2016.
  18. United Nations. “Global Issues: Migration.” https://www.un.org/en/sections/issues-depth/migration/index.html (accessed August 12, 2020).
  19. Vatican II. Decree on the Church’s Missionary Activity Ad Gentes. AAS 58 (1966).
  20. World Vision. Poverty in Asia. https://www.worldvision.org.hk/en/learn/poverty-in-asia (accessed August 13, 2020).
  21. Zatel, Tomas. “Toward a Theology of Migration.” RAYS 15 (June 2016): 183-210.
[1] Uz, Chaldeans nay thuộc về quốc gia Iraq.
[2] Đọc Clement John, “Migration, Displaced and Transient Peoples: A Challenge and Moment of Choice for the Churches,” in Feliciano V. Carino and Marian True, eds., Faith and Life in Contemporary Asian Realities (Hong Kong: Christian Conference of Asia, 2000), 188-189.
[3] Tomas Zatel, “Toward a Theology of Migration,” RAYS 15 (June 2016): 184.
[4] United Nations, “Global Issues: Migration,” https://www.un.org/en/sections/issues-depth/migration/index.html, accessed August 16, 2020.
[5] Ibid.
[6] Đọc Martin Ueffing, “Divine Hospitality and Migration,” in Jacob Kavunkal and Christian Tauchner, eds, Mission beyond Ad Gentes (Siegburg: Franz Schmitt Verlag, 2016), 171.
[7] Đọc Walter A. Elwell and Robert W. Yarbrough, Encountering the New Testament: A Historical and Theological Survey (Grand Rapids, Michigan: Baker Books, 1998), 239-244.
[8] Đọc Thomas C. Fox, Pentecost in Asia: A New Way of Being Church (Maryknoll, New York: Orbis Books, 2002), 215.
[9] Đọc Elwell and Yarbrough, Encountering the New Testament, 239-244.
[10] Đọc Stephen B. Bevans and Roger P. Schroeder, Constants in Context: A Theology of Mission for Today (Maryknoll, New York: Orbis Books, 2004), 105.
[11] Đọc Pierre Huard and Maurice Durand, Vietnam, Civilization and Culture, trans. Vũ Thiên Kim (Paris: Imprimerie Nationale, 1998), 38.
[12] Đọc Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược (Sài Gòn: Bộ Giáo Dục – Trung Tâm Học Liệu, 1920), 200.
[13] Zatel, “Toward a Theology of Migration,” 195.
[14] Vatican II, Decree on the Church’s Missionary Activity Ad Gentes, AAS 58 (1966), no. 2.
[15] Pope John Paul II, Encyclical Letter on the Permanent Validity of the Church’s Missionary Mandate Redemptoris Missio, AAS 83 (1990), no 37.
[16] Nguyễn Trung Tây, Bên Ni Bên Nớ: Cô Dâu và Công Nhân Đài Loan, https://www.nguyentrungtay.net/bennibenno.html, accessed August 21, 2020.
[17] Đọc Nguyễn Trung Tây, Bên Ni Bên Nớ: Cô Dâu và Công Nhân Đài Loan, accessed August 21, 2020 ; và Nguyễn Trung Tây, Bên Ni Bên Nớ II: Hơn Một Năm Sau, https://www.nguyentrungtay.net/bennibennoii.html, accessed August 21, 2020.
[18] Pope Francis, Encyclical Letter on Care for Our Common Home Laudato Si’, AAS 112 (2015), no. 2.
[19] Đọc Denis Edwards, Ecology at the Heart of Faith (Maryknoll, New York: Orbis Books, 2006), 19-21, để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của “sự thống trị” trong bối cảnh lịch sử và văn hóa của tác giả và cộng đồng Sáng Thế Ký, đặc biệt 12 chương đầu tiên. Theo như Edwards, cụm từ “sự thống trị” phải được hiểu trong mối tương quan “Chúa chăn nuôi tôi” của Thánh Vịnh 23.
[20] Pope Francis, Laudato Si’, no. 2.
[21] Pope Francis, Laudato Si’, no. 25.
[22] Ibid.
[23] Graziano Battistell, “Journeying Together in Faith with Migrant Workers in Asia,” FABC Papers, no. 73 (Jannuary 1995): 3.
[24] Ibid.
[25] Ibid., 4.
[26] Pope Francis, Apostolic Exhortation on the Proclamation of the Gospel in Today’s World Evangelii Gaudium, AAS 107 (2013), no. 210.
[27] Andrew Lam, “The Marvel of Bánh Mì: From France to Vietnam and Beyond: Journey of a Sandwitch,” Cairo Review 18 (2015): 65.
[28] Pope John Paul II, Apostolic Exhortation on Jesus Christ the Savior and His Mission of Love and Service in Asia Ecclesia in Asia, AAS 92 (2000), no. 6.
[29] World Vision, Poverty in Asia, https://www.worldvision.org.hk/en/learn/poverty-in-asia, accessed August 13, 2020.
[30] Federation of the Asian Bishops’ Conferences, “Evangelization in Modern Day Asia,” in Gaudencio Rosales and C.G. Arévalo, For All the Peoples of Asia, Vol. 1 (Quezon City: Claretian Publications, 1997), nos. 9 – 24.
[31] World Vision, Poverty in Asia, accessed August 13, 2020.
[32] Federation of the Asian Bishops’ Conferences, “Total Human Development and the Church as a Community of Faith in Asia,” FABC Papers 33 (October 1982): 2.
[33] Pope Francis, Evangelii Gaudium, no. 199.
[34] Battistell, “Journeying Together in Faith with Migrant Workers in Asia,” 7.
[35] Ibid.
[36] Ibid.
[37] Battistell, “Journeying Together in Faith with Migrant Workers in Asia,” 8.
[38] Ibid., 9.
[39] Battistell, “Journeying Together in Faith with Migrant Workers in Asia,” 11-13.
[40] Pope Francis, Evangelii Gaudium, no. 49.
[41] Ibid., no. 120.
[42] Vatican II, Decree on the Church’s Missionary Activity Ad Gentes, AAS 58 (1966), no. 2.
[43] Pope Francis, Evangelii Gaudium, no. 49.
[44] Ibid.