Thời sự Thần học - Số 91, Tháng 2 Năm 2021, tr. 135-160.
_José-Román Flecha-Andrés_
Tác giả, giáo sư thần học luân lý tại đại học Salamanca (Tây Ban Nha), điểm qua những khía cạnh lý thuyết của đạo lý Kitô giáo về tình huynh đệ (theo giáo phụ và huấn quyền), và phân tích vài khía cạnh thực hành dựa theo Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo.
Bố cục
1. Một cuộc khám phá không dễ dàng
1.1. Những khác biệt giữa anh chị em và nguyên tắc cảm thông
1.2. Những khuôn mẫu huynh đệ
2. Một truyền thống đức tin
2.1. Anh em trong Con Thiên Chúa
2.2 .Công đồng Vaticanô II
2.3. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo
3. Tin Mừng của tình huynh đệ
3.1. Loan báo
3.2. Cử hành
3.3. Phục vụ
Nguồn: “La fraternidad como vocación ética”, in: El Dios y Padre de nuestro Señor Jesucristo (XX Simposio Internacional de Teología de la Universidad de Navarra, Servicio de Publicaciones de la Universidad de Navarra, 2000, pp.409-425.
Thần học Luân lý Kitô giáo cần đặt tình huynh đệ làm nền tảng và đối tượng cho những suy tư của mình. Tình huynh đệ vừa là chìa khóa giải thích lý thuyết luân lý vừa là trách vụ phải diễn ra cuộc sống.
Nếu Thiên Chúa là Cha của chúng ta, thì loài người chúng ta cần phải chấp nhận nhau và đối xử với nhau như là con cái của Ngài. Ý thức về tình cha phát sinh ước muốn sống tình con thảo đối với Ngài. Thế nhưng tình cha của Thiên Chúa không có giới hạn. Thiên Chúa là Cha của hết mọi người. Tình cha của Thiên Chúa ấn định hồng ân và ơn gọi của tình anh em[2].
Đó là một đặc điểm chung cho mọi cảm nghiệm tôn giáo. Tất cả những ai tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa thì, như hệ luận, cũng phải tuyên xưng đức tin vào tình huynh đệ nhân loại.
Nhưng đó cũng là một đặc điểm chung cho những phong trào nặn hình lên văn hóa cận đại. Trong những lý tưởng của cách mạng Pháp, có ghi khẩu hiệu “huynh đệ”. Một cách tương tự như vậy, trong một cuộc đại cách mạng khác, tức là cách mạng của chủ nghĩa xã hội, người ta cũng nêu bật tình huynh đệ giữa các cá nhân và các dân tộc, vượt lên trên các chủng tộc, ngôn ngữ và biên cương.
Có thể nói rằng cuộc cách mạng Tây phương đã thất bại bởi vì khi tranh đấu cho tự do, người ta đã không nỗ lực để cổ võ sự bình đẳng giữa con người với nhau. Còn cuộc cách mạng thứ hai đề cao quyền lợi và nghĩa vụ về sự bình đẳng, nhưng để đạt tới điều đó, người ta thường đè bẹp tự do của hàng triệu con người và hàng trăm dân tộc. Xem ra cả hai cuộc cách mạng đều quên giá trị của tình huynh đệ, là điều có khả năng dung hợp hai giá trị kia. Đó là điều thất bại của cách mạng: cuộc cách mạng huynh đệ. Hai thế kỷ sau cuộc cách mạng Pháp, vài chính trị gia còn ngạo nghễ tuyên bố rằng thời kỳ huynh đệ đã qua rồi, và cần phải tranh đấu cho tình liên đới. Phải nhận rằng phần nào họ có lý. Không thể nào rao giảng tình huynh đệ được nữa bởi vì trước đó người ta đã loại bỏ tình phụ tử rồi. Một khi đã quyết tâm chọn lựa cảnh sống mồ côi thì tuyên bố tình huynh đệ quả thật là chuyện phi lý[3].
Điều trớ trêu là ngay cả giữa các cộng đồng tôn giáo, những người tin vào một Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn vật và Cha của mọi người thì cũng dễ bị thu hút bởi tình liên đới và đôi khi thẹn thùng khi nói đến tình huynh đệ giữa mọi người.
Như ta đã biết, ông John Rawls thú nhận rằng “so với tự do và bình đẳng, thì huynh đệ giữa một chỗ đứng kém quan trọng trong các lý thuyết dân chủ” [4]. Vì đâu nó bị lãng quên như vậy?
1. Một cuộc khám phá không dễ dàng
Việc khám phá và thực hành tình huynh đệ diễn ra chậm chạp và quanh co. Tình huynh đệ giữa con người thường được hô hào, nhưng lại bị phủ nhận trên thực hành cũng như trên lý thuyết.
Tình huynh đệ đại đồng được hô hào để biện minh cho những liên minh chính trị quân sự, để lên án những cuộc diệt chủng hoặc những hành vi khủng bố, hoặc để cổ động cho những chiến dịch liên đới nhằm giúp đỡ các nhóm thiểu số sống bên lề xã hội, hoặc các lý tưởng phát triển kinh tế và xã hội.
Nhưng tình huynh đệ rất thường bị phủ nhận. Trên thực hành, mỗi khi người ta khước từ cơm bánh cho người đói, nước uống cho người khát. Trên bình diện cá nhân, sự khước từ này ít khi xảy ra, nhưng có những loại tẩy chay khác không làm cho lương tâm xao xuyến nữa bởi vì nó nằm trên bình diện cơ cấu và thể chế.
Tuy nhiên, sự phủ nhận tình huynh đệ không chỉ giới hạn vào lãnh vực thực hành nhưng đôi khi đã biến thành chủ thuyết hoặc chính sách. Điều này xảy ra rõ rệt trong mọi hình thức kỳ thị chủng tộc. Việc bài ngoại và loại trừ người khác mang nhiều hình thức khác nhau. Màu da, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa trở thành những thần tượng bất khả vi phạm và khắc nghiệt. Sau khi đã sụp đổ bức màn phân cách thế giới trong thời chiến tranh lạnh, người ta lại dựng lên những tấm phên tách rời miền này khỏi miền kia. Trước kia, người ta thần thánh hóa các ý thức hệ, bây giờ người ta thần thánh hóa các chủ nghĩa quốc gia.
Một lần nữa, tình huynh đệ không còn là một dữ kiện nguyên thủy gắn liền với phẩm giá con người nữa, để trở thành một đặc ân được ban cấp hoặc khước từ cách độc đoán. Tình huynh đệ không còn là một dữ kiện thuộc về hữu thể nữa, nhưng trở thành một chìa khóa. Ông John Rawls nêu bật rằng tình huynh đệ không được coi như là một nguyên lý đặc trưng của chính trị: hoặc nó được đồng hóa với một sự bình đẳng nào đó trong cách đối xử xã hội hoặc nó chỉ là một cảm tình cao quý. Lẽ ra nguyên tắc huynh đệ phải được coi như nguyên tắc khác biệt, giống như trong đời sống gia đình. Trong định chế gia đình, “những ai được cơ hội may mắn thì sẵn sàng chấp nhận được hưởng những lợi lộc với một điều kiện là nhằm giúp đỡ những kẻ kém may mắn hơn”.
1.1. Sự khác biệt giữa các anh chị em và nguyên tắc cảm thông
Trong gia đinh, các anh chị em giống nhau. Có những nét làm cho họ trở nên giống nhau và có những nét làm cho họ khác nhau. Chủ trương sự đồng nhất tuyệt đối thì cũng nguy hiểm như là đề cao sự khác biệt đến nỗi xóa bỏ gia sản chung. Trong tình yêu huynh đệ, gia đình nâng đỡ việc sống chung liên đới, duy trì những nét riêng của các phần tử và tạo nên sự quân bình giữa những dị biệt”[5].
Một điều tương tự cũng xảy ra trong đại gia đình nhân loại. Có những khác biệt bẩm sinh, có những khác biệt do thủ đắc. Những sự khác biệt về chủng tộc dễ làm chúng ta quên đi bản tính chung của con người mà chúng ta đều chia sẻ. Những sự khác biệt về văn hóa đôi khi được thổi phồng đến nỗi tạo ra lý do cho sự đố kỵ tranh chấp[6].
Tuy vậy sự khai trừ còn thương tâm hơn nữa khi nguyên nhân của nó là một sự khó khăn, bệnh tật hoặc yếu ớt. Nhiều khi con người được đánh giá qua vài thuộc tính, tựa như phái tính hoặc chủng tộc, hoặc có khi do tuổi tác hay sức khỏe. Những nhãn hiệu ấy vi phạm đến “chân lý” của con người, khi bẻ cong bản tính của nhân vị theo những khuôn đúc do ta chế ra. Tất cả những thứ bóp méo ấy đều xâm phạm đến nguyên tắc về tình huynh đệ, đi ngược lại với những điều mà họ rêu rao. Sự khác biệt giữa các cá nhân cần được xem như một sự phong phú chứ không phải như một sự đe dọa. Hơn thế nữa, nó cần thúc đẩy một thứ luân lý “cảm thông”, chú ý tới những người anh chị em yếu kém.
1.2. Những khuôn mẫu tình huynh đệ
Một sự khó khăn lớn lao để hiểu và sống tình huynh đệ là do việc khuếch đại các khác biệt, như vừa thấy. Tuy nhiên, ngay từ khi khởi đầu tư tưởng làm cách mạng thì đã nảy ra những khó khăn khác. Sự khó khăn quan trọng hơn cả là việc trình bày một thứ tình huynh đệ “thuộc căn tính”, dẫn tới sự phủ nhận giá trị của các quyền lợi cá nhân. Qua con đường này, người ta đề cao căn tính của dân tộc, quốc gia, vùng miền, và nhiều lần cổ súy bạo lực.
Tình huynh đệ đôi khi cũng bị lẫn lộn với “phe nhóm” của các đoàn thể công nhân hoặc công dân, tiến tới sự bảo về các quyền lợi hoặc đặc quyền của nhóm. Trong những trường hợp ấy, tiêu chuẩn tình huynh đệ được đồng hóa với sự liên kết tự nguyện để tranh đấu giành quyền lực. Tình huynh đệ mang tính cách chọn lựa chứ không phải là nguyên tắc luân lý.
Đối lại với quan điểm vừa nói là quan niệm coi tình huynh đệ như một nhân đức, chủ trương gắn bó với nhau, để tránh cho xã hội khỏi bị tan rã. Quan điểm này không chấp nhận những sự đấu tranh tương tàn.
Đứng giữa hai quan điểm ấy là chủ trương tình huynh đệ hợp đồng, vừa tranh chấp vừa thỏa thuận, nhằm thực hiện công bình và liên đới[7].
2. Một truyền thống đức tin
Tuy nhiên, mặc dù tình huynh đệ trở thành một lý tưởng khúc mắc đối với triết lý xã hội và chính trị đi nữa, nhưng nó là một dữ kiện hiển nhiên trong kho tàng đức tin và thần học. Có lẽ vì quá hiển nhiên cho nên nó không lôi kéo chú ý[8].
2.1. Anh chị em trong Con Thiên Chúa
1. Bởi vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, tất cả mọi người đều thông dự vào sự sống và quyền năng của Ngài trên vũ trụ. Tính cách “hình ảnh” là nguồn gốc của phẩm giá con người và trách nhiệm của nó[9].
Mầu nhiệm nhập thể mang lại một sự củng cố cho niềm xác tín vừa nói. “Trong Đức Kitô, việc tuyển chọn (“Con Thiên Chúa” và sự phục vụ con người với tình huynh đệ (“tôi tớ của Thiên Chúa” và của loài người) đạt thêm một ý nghĩa thâm sâu hơn (…) Nhờ đó nhân loại được ơn cứu độ nhờ sự phục vụ huynh đệ của một người trong chúng ta, Đức Kitô Giêsu, kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn: Con của Chúa Cha”[10].
Tất cả các môn đệ của Đức Kitô đều là anh em với nhau[11]. Trong cuộc đời dưới thế, Đức Giêsu luôn giữ một khoảng cách nào đó với các môn đệ. Người gọi họ là “bạn hữu”, có thể thôi. Kể cả khi nói về Thiên Chúa, đôi khi Người gọi là “Cha của anh em” (Mt 5,48; 6,15; 7,11) và lúc khác thì gọi là “Cha của tôi” (Mt 7,21; 10,32; 11,27; 12,50; 18,10; 24,36). Qua những tuyên bố ấy, Người đã khẳng định một thứ thân thuộc nào đó với những kẻ đi theo Người[12].
Cuộc phục sinh xem ra bộc lộ minh nhiên tình huynh đệ giữa các môn đệ với Chúa Kitô. Người nói với các phụ nữ: “Các bà đừng sợ; hãy về nói với các anh em của tôi rằng hãy đi Galilê; ở đó họ sẽ thấy tôi” (Mt 28,10).
Tình huynh đệ mới mẻ không đóng khung trong cộng đồng đức tin, hy vọng và yêu thương được thành hình từ cuộc phục sinh. Đức Giêsu đã tuyên bố tình huynh đệ của mình đối với hết mọi người nam nữ, cách riêng với những người sống ở biên cương, bị gạt bỏ. Dụ ngôn về ngày phán xét vào cuối lịch sử loài người đã nhắc nhớ điều ấy: “Ta bảo thật các người: mỗi lần các người làm điều này cho một người em bé nhỏ nhất của ta là các ngươi làm cho ta” (Mt 25,40)[13].
Trong sự liên kết huyền nhiệm này, mạnh mẽ hơn cả dây ràng buộc máu mủ, tất cả mọi người nam nữ thông dự vào tình con với Thiên Chúa và tình huynh đệ kết hợp họ trong Đức Giêsu. Người đã tự đồng hóa với tất cả mọi người, từ đó Thiên Chúa nhìn nhận tất cả như là “con cái trong Con của Chúa”.
Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài... Những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài tiền định cho họ trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Người trở nên trưởng tử giữa một đàn em đông đúc; những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Ngài cũng kêu gọi: những ai Ngài đã kêu gọi, thì Ngài cũng làm cho nên công chính; những ai Ngài làm cho nên công chính, thì Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang (Rm 8, 28-30)[14].
2. Niềm xác tín này đã chảy xuyên qua dòng lịch sử Kitô giáo. Tình huynh đệ là một hồng ân và trọng trách. Giáo hội cần phải đón nhận và ấp ủ nó. Các nhà thần học, các nhà giảng thuyết, các giáo lý viên không ngừng trở lại với đề tài này.
Ở đây chỉ cần gợi lên một vài lời của thánh Augustinô:
“Kẻ thù của anh thì như anh; hãy coi họ như anh em. Nguyên tổ của chúng ta là ông Ađam và bà Eva. Ông là cha, bà là mẹ. Vì thế tất cả chúng ta là anh em. Nhưng chúng ta bỏ qua nguồn gốc đầu tiên đi. Chúng ta có Thiên Chúa là Cha và Hội thánh là Mẹ”; như vậy chúng ta là anh em với nhau” (Sermo 56,14).
Tất cả mọi người là anh em của chúng ta, bởi chúng ta có cùng cha mẹ: ông Ađam và bà Eva (Enarr 72,3).
Người thân cận của anh là kẻ, giống như anh, sinh ra bởi ông Ađam và bà Eva. Tất cả chúng ta đều là thân cận do điều kiện sinh ra dưới đất, nhưng chúng ta cũng là anh em, do niềm hy vọng sự thừa kế trên trời (Enarr 25,2,2).
Quả vậy, trong bài giảng kế tiếp, thánh Augustinô lại trở về với tư tưởng ấy:
Khi bắt đầu kinh nguyện, chúng ta nói “Cha chúng con”, điều này có nghĩa là tất cả chúng ta thuộc về một dòng dõi nổi tiếng. Nơi người Cha ấy, ông chủ và đầy tớ, hoàng đế và anh lính, người già và kẻ túng đều là anh em (Sermo 59,2).
3. Thần học Kitô giáo không thể nào chỉ giới hạn lời tuyên bố về tình huynh đệ nhân loại vào tín điều tạo dựng. Cần phải nhắc đến các mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc của Đức Kitô nữa. Thánh Gioan Avila[15] viết như sau:
Chắc hẳn là Chúa Giêsu có đức yêu mến vượt xa tất cả mọi sự hiểu biết của chúng ta, như thánh Phaolô đã nói, bởi vì Người coi điều tốt của chúng ta làm như của mình. Và bởi vì chúng ta có nhiều điều tốt, cho nên Người đã bỏ mạng sống của mình trên thập giá. Người là Con thật của Thiên Chúa, còn chúng ta trở nên dưỡng tử nhờ Người. Và, bởi vì là Con Một, Người đã coi chúng ta là em, trao ban Thiên Chúa của Người làm Chúa chúng ta và Cha của Người làm Cha chúng ta; như Người đã nói: “Thầy lên cùng Cha của Thầy và Cha của anh em; Thiên Chúa của Thầy, và Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17)[16].
Cha Luis de León viết rằng:
Chúng ta là con cái Chúa có nghĩa là mang Con của Ngài trong chúng ta. Bởi vì Cha chỉ có Người là Con, cho nên chỉ yêu thương như con cái những người mang Người trong mình và trở thành một với Người, một thân thể, một linh hồn, một tinh thần”[17].
2.2. Suy tư của công đồng Vaticanô II
Con người, thụ tạo duy nhất trên mặt đất được Thiên Chúa yêu thương vì nó, chỉ có thể tìm thấy sự sung mãn của mình nơi sự trao hiến mình cho tha nhân[18].
Mỗi người có bổn phận bảo toàn nhân vị toàn vẹn của mình, trong đó trổi vượt nhất chính là các giá trị của trí tuệ, ý chí, lương tri và tình huynh đệ; tất cả những giá trị này đều do Thiên Chúa thiết lập, được phục hồi và nâng cao cách kỳ diệu trong Đức Kitô (GS 61 a).
Phần thứ nhất của lời tuyên bố dựa trên trật tự tự nhiên (tuy rằng không sử dụng thuật ngữ này): con người là một ngôi vị. Phần thứ hai bước sang lãnh vực đức tin (tuy không phủ nhận trật tự tự nhiên), công đồng nói đến con người trong trật tự Tạo dựng và Cứu chuộc. Trong lịch sử cứu độ, con người là một hữu thể được Thiên Chúa nghĩ đến và dựng nên, một hữu thể được Đức Kitô cứu chuộc, một hữu thể được Thánh Linh cư ngụ và linh hoạt. Vì thế tình huynh đệ “tự nhiên” (nghĩa là hợp với bản tính con người) đã được Đức Kitô nâng lên hàng siêu nhiên. Trong Đức Kitô, là Con của Cha, chúng ta là con cái của Cha. Nhờ Đức Kitô, người anh của chúng ta, chúng ta là anh em trong đời sống thần linh phong phú và trong niềm hy vọng được thừa hưởng vinh quang và tình thương của Thiên Chúa.
Công đồng Vaticanô II đã đặt phẩm giá con người ở đúng chỗ của nó (GS 26, 27, 40, 41), tức là ở giá trị cao quý mà nó cần thể hiện cách tự do. Khởi đi từ niềm xác tín ấy, Công đồng cảnh báo mối nguy cơ là con người bị sử dụng như là phương tiện cho mục tiêu ngoại lai (GS 27). Tất cả mọi người được mời gọi hãy nhìn nhận và đối xử với nhau như là những anh chị em.
2.3. Huấn giáo về tình huynh đệ
a) Ngay từ phần thứ nhất, Sách GLCG nhắc nhở rằng tất cả những người tin vào Chúa Kitô đều được mời gọi hãy truyền đạt Tin Mừng bằng cách loan báo đức tin, sống đức tin trong sự hiệp thông huynh đệ và cử hành đức tin trong phụng vụ và cầu nguyện (GLCG 3). Biết rằng mình là những người thừa kế của dân tộc đàn anh trong đức tin của ông Abraham (GLCG 63).
Do cùng chung một nguồn gốc, nhân loại họp thành một toàn bộ duy nhất. Thiên Chúa “đã tạo dựng nên tất cả dòng dõi loài người từ một nguyên ủy” (Cv 17, 26; x Tb 8, 6). Mọi nhân sinh đều chia sẻ một bản tính, một cứu cánh và sứ mạng trên trần đời và một nơi cư ngụ. Đức tin đưa chúng ta đến việc khám phá ra sự hợp nhất về bản tính, sự hợp nhất về cứu cánh siêu nhiên, sự hợp nhất về những phương thế để đạt tới cứu cánh ấy và sự hợp nhất của sự cứu chuộc được thực hiện nhờ Đức Kitô (GLCG 360). Quy luật liên đới và bác ái bảo đảm cho chúng ta rằng tất cả mọi người đều là anh em thực sự (GLCG 361)[20].
Con người được tiền định phải họa lại hình ảnh của Con Thiên Chúa làm người – “Hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), ngõ hầu Đức Kitô trở thành trưởng nam của một đàn em đông đảo (x. Ep 1,3-6; Rm 8, 9) (GLCG 381). Con Thiên Chúa đã làm người, là anh của chúng ta, mà không vì thế mà không còn là Thiên Chúa, Chúa chúng ta (GLCG 469). Chúng ta là các em của Người không do bản tính, nhưng là do ân sủng, bởi vì việc trở nên nghĩa tử ban cho chúng ta được thông dự thực sự vào đời sống của Con Một, đời sống được mặc khải sung mãn trong cuộc phục sinh của Người (GLCG 654.660).
b) Trong phần thứ hai, Sách GLCG khẳng định rằng hoa trái của Thánh Linh trong phụng vụ là hiệp thông với Thiên Chúa Tam Vị và hiệp thông huynh đệ (x. 1 Ga 1, 3-7) (GLCG số 1108). Ngay từ buổi đầu, Hội thánh đã trung thành với mệnh lệnh của Chúa. Tại Hội thánh Giêrusalem, các tín hữu “chuyên chăm lắng nghe lời giảng của các thánh Tông đồ, trung thành với sự hiệp thông huynh đệ, việc bẻ bánh, và cầu nguyện” (Cv 2, 42) (GLCG 1342). Trong bối cảnh này, liên kết Thánh lễ với việc phục vụ các anh chị em, sách GLCG lặp lại những lời rất đẹp của thánh Gioan Kim khẩu:
Bạn đã hưởng nếm máu của Chúa thế mà bạn không nhìn nhận người anh em của mình. Bạn đã làm ô uế cái bàn này, khi kẻ được coi là xứng đáng tham dự bàn này thì bạn lại cho là không đáng được chia sẻ lương thực của mình. Thiên Chúa đã giải thoát bạn khỏi tội lỗi và đã mời bạn vào bàn này. Thế mà bạn lại không trở nên lân tuất hơn (T. Gioan Kim khẩu, Hom. in 1 Co 27, 4).
Điều này được nói về bí tích Thánh Thể, nhưng ta cũng có thể nói đến sự hoán cải cần được thực hiện hàng ngày qua những cử chỉ giao hòa, việc quan tâm đến người nghèo, việc thực thi và bảo về công lý và luật pháp (x Am 5, 24; Is 1,17), qua việc nhìn nhận những lỗi lầm của chúng ta đối với anh chị em, việc sửa bảo huynh đệ (GLCG 1435).
Tội lỗi làm suy giảm hay phá hủy sự hiệp thông huynh đệ. Bí tích Thống hối chỉnh đốn hoặc phục hồi sự hiệp thông ấy. Sự hòa giải với Thiên Chúa cũng kéo theo những cuộc hòa giải khác: hối nhân được tha thứ thì được hòa giải với chính mình; hòa giải với các anh chị em; hòa giải với Hội thánh, hòa giải với tất cả vạn vật (GLCG 1469).
Gia đình là trường học đầu tiên của đời sống Kitô giáo và “trường nhân bản phong phú nhất” (GS 52, 1). Nơi đây, ta học đức kiên nhẫn, niềm vui của lao công, sự tha thứ rộng lượng và nhất là sự thờ phượng Thiên Chúa bằng việc cầu nguyện và dâng hiến cuộc sống (GLCG 1657).
c) Trong phần thứ ba dành cho luân lý, Sách GLCG khẳng định rằng, “khi khước từ luật luân lý, con người làm tổn thương sự tự do của mình, tự buộc trói mình, cắt đứt tình huynh đệ với người đồng loại và chống lại chân lý của Chúa” (CEC 1740;1879)[21].
Trong những quy tắc đào tạo lương tâm, Sách GLCG nhắc nhở rằng đức mến luôn luôn cần được thực thi đối với tha nhân và đối với lương tâm của mình: “Khi phạm tội như thế, làm tổn hại lương tâm của anh em mình, thì các bạn đã phạm tội chống lại Đức Kitô” (1Cr 8,12). “Điều tốt là … đừng làm gì có thể gây cớ vấp ngã cho người anh em của mình” (Rm 14, 21) (GLCG 1789).
Đức mến phát sinh những hoa trái là hân hoan, bình an và lân tuất. Đức mến đòi hỏi phải làm điều tốt và sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ. Đức mến thì nhân hậu; nó khơi dậy sự tương thân tương ái; đức mến là tình bằng hữu và sự hiệp thông (GLCG 1829). Không có một luật pháp nào tự mình có thể xóa bỏ được các nỗi sợ hãi, thành kiến, những thái độ kiêu căng và ích kỷ, vốn là những ngăn trở việc xây dựng những xã hội thật sự huynh đệ. Những thái độ ấy chỉ chấm dứt nhờ đức mến là nhân đức nhận ra mỗi người là “thân cận”, là anh em (GLCG 1931). Tất cả mọi người đều được kêu gọi trở về cùng một cứu cánh: Thiên Chúa. Có một sự tương đồng nào đó giữa sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa với tình huynh đệ mà loài người cần phải kiến tạo cho nhau, trong chân lý và tình yêu (x. (x. GS 24, 3). Tình yêu đối với tha nhân không thể nào tách rời khỏi tình yêu đối với Thiên Chúa (GLCG 1878. 1890. 1932).
Nhắc đến các thông điệp xã hội, sách GLCG lưu ý rằng nguyên tắc liên đới, hoặc cũng được gọi là “thân hữu” hay “bác ái xã hội”, là một đòi hỏi trực tiếp của tình huynh đệ nhân bản và Kitô hữu (thông điệp Sollicitudo rei socialis 38-40; GLCG 1939).
Một tóm lược của đức tin, cử hành và luân lý nhắc nhở chúng ta rằng: “Khi chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô, khi chúng ta thông dự vào các mầu nhiệm của Người và chúng ta tuân giữ các mệnh lệnh của Người, thì chính Đấng Cứu Thế đến trong chúng ta để yêu thương Cha của Người và các anh em của Người, cũng là Cha của chúng ta và anh em của chúng ta (GLCG 2074).
Đi vào các mệnh lệnh cụ thể, tình huynh đệ xuất hiện như là lý tưởng của buổi cử hành ngày Chúa nhật (GLCG 2186) và như là tóm lược của đời sống xã hội, được phản ánh trong gia đình (GLCG 2207. 2212. 2213. 2219). Lệnh truyền: “Ngươi không được giết người” nêu bật phẩm giá của nhân vị và những tội chống lại các anh em (GLCG 2269). Gương xấu cũng là một sự xúc phạm đến các anh em (GLCG 2284). Tình huynh đệ là chìa khóa của hòa bình giữa các dân tộc (CEC 2304).
Hợp với điều răn thứ bảy, đời sống Kitô hữu cố gắng dùng của cải trần thế để phục vụ Thiên Chúa và tình bác ái huynh đệ (GLCG 2401). Tình trạng nô lệ, dưới bất cứ hình thức nào, cũng là điều ghê tởm. Đây là một tội chống lại phẩm giá nhân vị và các quyền lợi căn bản của con người bởi vì dùng bạo lực biến họ thành một vật dụng hoặc nguồn lợi tức. (GLCG 2414)[22]. Trong số những công tác thương xót, việc bố thí cho người nghèo là một trong những chứng tá của tình bác ái huynh đệ và thực hành đức công bình đẹp lòng Thiên Chúa (GLCG 2447. 2462). Với những đám đông không có cơm ăn, nhà ở, quê quán, Đức Giêsu đồng hóa mình với họ: “Khi các ngươi không làm cho họ là các ngươi không làm cho Ta” (Mt 25, 45) (GLCG 2463).
Liên quan đến điều răn thứ tám, sách GLCG nhắc nhở rằng quyền truyền thông chân lý không phải là vô điều kiện, nhưng cần phải tôn trọng mệnh lệnh Tin Mừng về tình yêu huynh đệ. Điều này đòi hỏi rằng, trong những hoàn cảnh cụ thể, cần phải lượng định có nên hay không nên tiết lộ chân lý cho người yêu cầu (GLCG 2488).
d) Trong phần thứ bốn dành cho việc cầu nguyện, sách GLCG lưu ý rằng Đức Giêsu trong lời nguyện theo nhân tính của mình đã chia sẻ những gì “các anh em của mình” đang sống (GLCG 2602), và đòi hỏi phải hòa giải với người anh em trước khi tiến dâng lễ vật lên bàn thờ (GLCG 2608).
Trong kinh “Lạy Cha”, vị Thầy dạy chúng ta cầu nguyện chứng tỏ hiểu biết trong tâm hồn con người những nhu cầu của các anh chị em mình, và nói ra cho chúng ta được biết: đó là Khuôn mẫu của lời cầu nguyện của chúng ta (GLCG). Chúa không nói “Cha của con” ở trên trời, nhưng là “Cha của chúng con”, ngõ hầu lời cầu của chúng ta phát ra từ một linh hồn duy nhất cho toàn thân thể Giáo hội:
Theo ngữ pháp, “của chúng con” nói lên một thực tại chung cho nhiều người. Chỉ có một Thiên Chúa, Ngài được nhận biết là Cha bởi những kẻ, nhờ tin vào Con độc nhất của Ngài, đã được Ngài tài sinh nhờ nước và Thánh Linh (x. 1 Ga 5, 1; Ga 3, 5). Hội thánh chính là sự hiệp thông mới này giữa Thiên Chúa với con người: vì được kết hợp với Người Con độc nhất, Đấng đã trở nên “trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8, 29), Hội thánh được hiệp thông với cùng một Cha, trong cùng một Thánh Linh (x. Ep 4, 4-6). Khi cầu nguyện với Cha “của chúng con”, mỗi người đã được rửa tội đều cầu nguyện trong sự hiệp thông đó: “Các tín hữu … tuy đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý (Cv 4,32)” (GLCG 2790).
Đàng khác, việc cầu xin lương thực mỗi ngày nhắc nhở các Kitô hữu về trách nhiệm hữu hiệu đối với các anh em của mình, trong cách hành động cá nhân của mình cũng như trong sự liên đới giữa họ với gia đình nhân loại. Lời cầu xin này trong Kinh Lạy Cha không được tách biệt với các dụ ngôn về anh Ladarô nghèo khó (x. Lc 16, 19-31) và cuộc phán xét chung thẩm (x. Mt 25, 31-46) (GLCG 2831).
Lời cầu xin ơn tha thứ cũng đưa chúng ta đối diện với lý tưởng tình huynh đệ. Khi khước từ tha thứ cho các anh chị em của ta, thì con tim khép lại, sự cứng cỏi không để cho tình yêu lân tuất của Cha thâm nhập; khi thú nhận tội lỗi của mình, con tim mở ra với ơn huệ của Ngài (GLCG 2840).
3. Tin Mừng về tình huynh đệ
Vì thế, ta có thể nói rằng tình huynh đệ là một tin mừng. Một tin mừng đã được ủy thác cho chúng ta. Một tin mừng mà chúng ta phải công bố mỗi ngày. Một tin mừng mà chúng ta sẽ phải xét xử liên quan đến cách thức công bố và thực hành. Tin mừng này cần được công bố, cử hành và thực hiện bởi tất cả những ai tin vào Đức Kitô Phục sinh.
3.1. Loan báo tình huynh đệ
Trước hết, cần phải loan báo tin mừng về tình huynh đệ trong nội bộ của Hội thánh. Chúng ta là những người tín hữu được mời gọi hãy tin vào lời của tình yêu và ngồi vào bàn của hợp nhất. Cần phải nhớ rằng “Kitô giáo được mở rộng đến tình huynh đệ phổ quát, bởi vì tất cả mọi người đều là con cái của một cha và anh em với nhau trong Đức Kitô”[23].
Một khi đã đón nhận tin mừng rồi, đến lượt Giáo hội phải lên đường để loan báo cho toàn thế giới biết tin mừng về tình huynh đệ:
Khi công bố ơn gọi cao quý của con người và mầm mống thần linh ẩn tàng trong đó, Công đồng cống hiến cho nhân loại sự hợp tác của Giáo hội để đạt đến tình huynh đệ phổ quát đáp ứng với ơn gọi ấy (GS 3b).
– Loan báo rằng Thiên Chúa đã ban tình cha cho tất cả mọi người nam nữ, không phân biệt chủng tộc hoặc quốc gia. Loan báo về tính khả thể và khẩn trương của việc thăng tiến tình huynh đệ giữa tất cả mọi người trên thế giới. Trong việc loan báo Đức Giêsu và trong viễn cảnh của Vương quốc Thiên Chúa, “tình huynh đệ này mang một ý nghĩa khác với tình huynh đệ dựa trên huyết nhục do cùng chung tổ tiên”[24].
– Tố giác những hành vi và thái độ, những phản bội và thiếu sót làm phá hủy việc nhìn nhận mọi người là anh chị em.
– Từ bỏ tất cả những gì phân cách và ly tán các cá nhân, các cộng đồng, các dân tộc. Từ bỏ những gì làm chúng ta thờ ơ với những đau khổ và niềm vui của người khác.
Đàng khác, việc loan báo tình huynh đệ kèm theo một xác tín về tín lý và một xác tín về luân lý.
Liên quan đến tín lý, cần cảnh giác đối với nguy cơ của một luồng thần học truyền giáo chủ trương lấy “vương quốc Thiên Chúa làm trung tâm” (reinocentrismo; kingdomcentrism), coi Đức Giêsu như là “một-con-người-sống-cho-tha-nhân”, và coi sứ mạng của Giáo hội là cổ võ “những giá trị của vương quốc”, tựa như hòa bình, công lý, tự do, huynh đệ”, cũng như “những đối thoại giữa các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo, để giúp cho thế giới được canh tân và tiến tới Vương quốc Thiên Chúa”. Khuynh hướng này đề cao trật tự tạo dựng, nhưng bỏ qua trật tự cứu chuộc và công trình của Chúa Kitô và của Giáo hội[25].
Liên quan đến luân lý, cần nhớ rằng việc tuyên xưng tình huynh đệ giả thiết một tiêu chuẩn khách quan ấn định điều gì là xấu và điều gì là tốt. Trong thông điệp Veritatis splendor (số 83b), ĐTC Gioan Phaolô II viết rằng nếu không chấp nhận một trật tự luân lý khách quan có hiệu lực mọi nơi mọi thời, thì cũng chẳng có thể tuyên bố điều gì là trái nghịch với tình huynh đệ.
3.2. Cử hành tình huynh đệ
Việc loan báo Tin Mừng chân thật thúc đẩy việc cử hành Tin Mừng, trong sự hợp nhất về tinh thần và tình cảm, trong một tâm hồn hợp nhất và cảm thông, như thánh Augustinô đã nói :
Linh hồn của bạn không còn là của bạn mà là của tất cả các anh em của bạn. Các linh hồn của các anh em của bạn cũng là của bạn; hay nói đúng hơn, các linh hồn của họ và của bạn là một linh hồn, và linh hồn này là của Chúa Kitô (Thư 243, 8)Cử hành tình huynh đệ hàm ngụ là tránh những dấu hiệu gây chia rẽ giữa con người. Tránh những buổi cử hành xem ra tuyên dương sự thù hận và kỳ thị, sự phân biệt và loại trừ.
Nó cũng hàm ngụ cổ vũ cuộc gặp gỡ hân hoan, trước hết là trong gia đình, rồi đến trong cộng đồng Kitô giáo, và sau cùng, giữa các phần tử của các tôn giáo khác.
Nó hàm ngụ việc suy nghĩ lại cách thức cử hành các bí tích Kitô giáo: tính cách trung thực, nghiêm túc của những cam kết và cách diễn tả ra cuộc sống. Việc góp tiền trong khi tham dự không chỉ là một nghĩa cử biểu tượng. Một khi đã chia sẻ lời Chúa và bánh của Chúa, chúng ta cũng muốn chia sẻ những của cải mà Chúa đã trao cho chúng ta nhằm tới các con cái của Ngài
Việc cử hành tình huynh đệ đừng nên rơi vào một hình thức rút gọn của mầu nhiệm. ĐTC Gioan Phaolô II đã viết rằng: “Tuy Thánh Thể thật sự đã và mãi mãi là sự biểu lộ và cử hành tình huynh đệ của các môn đệ và những người tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô, nhưng không thể nào chỉ coi Thánh Thể như là một “cơ hội” để biểu lộ tình huynh đệ ấy” (Thông điệp Redemptor hominis số 20d.
3.3. Phục vụ tình huynh đệ
Khỏi cần nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa phụng tự và bác ái. Thực hành công tác phục vụ bác ái là một bổn phận tất yếu của đời sống luân lý của các Kitô hữu. Công đồng Vaticanô II đã nói:
Tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành anh chị em. Nhờ vậy, với một ơn gọi chung vừa trên bình diện nhân bản vừa trên bình diện thần linh, chúng ta có thể và phải hợp tác với nhau, không bằng vũ lực, không bằng lừa đảo, vào việc xây dựng thế giới trong hòa bình đích thực (GS 92e).
Nhưng nó cũng cần mở ra đến một chuỗi các thái độ tích cực, chẳng hạn như tạo ra những mối dây thân ái và liên đới, chia sẻ cơm bánh (GS 69a), nước uống và văn hóa (x. GS 60a). Chia sẻ với những người túng thiếu những của cải dư thừa cũng như những của cải cần thiết (GS 88b).
Những người không nhà cửa, không giấy tờ, không công ăn việc làm, không có gia đình, không có sức khỏe là tiếng chất vấn liên lỉ đối với những kẻ tin vào một Thiên Chúa của tình yêu (xem GS 27b; AA 8d; AG 12c; UR 12).
Đừng quên rằng những người nghèo là những người chịu sa sút, những người vô sản là những người bị bóc lột. Vì thế cần có một hoạt động rộng lớn bao trùm các cá nhân cũng như các cơ chế.
Liên quan đến các cá nhân, cần giáo dục các thiếu nhi và thanh niên hướng nhìn về một nền văn hóa của tình thương và hòa bình, của tự do – bình đẳng và huynh đệ.
Liên quan đến các cơ chế, cần phải tranh đấu ngõ hầu tình huynh đệ về tâm tình cũng như về thực tế được thể hiện giữa các cá nhân, các dân tộc và các nền văn hóa.
Dù sao, cần phải tránh hai nguy cơ: tính vụ luật và óc đô hộ.
Về nguy cơ thứ nhất, cần nhớ rằng lòng thương xót mà thôi thì chưa đủ, cần có công bình nữa. Tuy nhiên, công bình mà chỉ giới hạn vào việc tuân giữ pháp luật mà thôi thì sẽ khó nhìn nhận tình huynh đệ. Lòng thương xót vượt trên đức công bình và mang lấy sự bình đẳng tuy vẫn không xóa bỏ những sự khác biệt giữa các cá vị. ĐTC Gioan Phaolô II viết trong thông điệp Dives in misericordia (số 141) như sau:
Lòng thương xót là một yếu tố không thể nào thiếu trong các tương quan giữa con người với nhau, trong tinh thần tôn trọng điều phù hợp với nhân đạo và tình huynh đệ. Không thể nào thiết lập những mối dây bền chặt giữa con người nếu ta chỉ muốn quy định các mối tương quan duy chỉ dựa trên công bằng mà thôi.
Việc Đức Kitô chịu chết vì chúng ta có mục tiêu và tương lai ở chỗ là Người ở cùng chúng ta và chúng ta cười, sống và hiển trị với Người. Việc Người sống cho tha nhân có mục tiêu là ở cùng những người khác trong tự do. Phát bánh cho những người đói trên thế giới có mục tiêu là ăn bánh của mình cùng với thế giới. Nếu đó không phải là mục tiêu, thì sự trợ giúp chỉ là một hình thức đô hộ.[26]
Tóm lại, tình huynh đệ là nền tảng của luân lý Kitô giáo, và đồng thời là khu đặc quyền của nó. ĐTC Gioan Phaolô II (thông điệp Redemptoris missio số 37i) đã nhắc nhở rằng vào thời buổi hiện nay, các cuộc di dân đòi hỏi Giáo hội phải đón tiếp, đối thoại, giúp đỡ, và nói tắt, là tỏ tình huynh đệ đặc biệt với hàng triệu người bó buộc phải di cư trên khắp thế giới.
Chính trong thông điệp ấy, trong những dấu chỉ hy vọng nhận thấy trên thế giới ngày nay người ta nhận thấy khát vọng tự do, công lý và huynh đệ (Redemptoris missio 86 a).
Làm anh em với mọi người có nghĩa là trở nên bánh cho những người đói, lời cho những người không có tiếng nói, đối thoại cho những người đã tuyệt giao, trở nên bàn tay, nụ cười, sự âu yếm và quyết tâm, đồng hành và bảo vệ. Tất cả những điều ấy là các yêu sách cho những người tin vào một Thiên Chúa là Cha của một đoàn con đông đảo, Cha của nhiều người anh chị em.