Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

QUYỀN BÍNH

Thời sự Thần học - Số 45, tháng 9 năm 2006. tr. 33-53. 

_Phạm Duy Khánh, OP._👨 


Nếu như sau một bữa ăn no, con vật ngủ vùi cho đến khi cơn đói xuất hiện, thì nơi con người, nhu cầu không chỉ giản đơn như vậy. Với trí tưởng tượng, con người vẽ ra bao ước vọng hòng thoả mãn đam mê, thoả mãn lòng tham dục[1] của mình. Và nỗi đam mê nơi con người thì sâu khôn dò. Đến nỗi mà mỗi người đều muốn làm Thượng Đế, nếu điều này có thể xảy ra. Chúng ta thường ưa thích mối quan hệ giữa Thượng Đế và những kẻ tôn kính Ngài, và chúng ta muốn ở vào vị trí của Thượng Đế. Ai cũng muốn mình trở nên người trên kẻ khác. Chính thái độ này làm cho mối liên kết, tương tác xã hội trở nên khó khăn. Từ khuynh hướng này nảy sinh các cuộc cạnh tranh, nổi loạn, khủng bố… để đạt được mục đích đó. Điển hình như Xerxes[2] không thiếu thực phẩm hoặc cung tần mỹ nữ vào lúc ông ta lên đường viễn chinh Athenes, và Alexandre Đại đế hay Thành Cát Tư Hãn hẳn không thể đi hết các thành phố của mình nhưng họ vẫn có tham vọng mở rộng biên cương. Ham muốn sử dụng quyền bính không chỉ giới hạn ở lãnh vực chính trị nhưng chúng còn tiềm ẩn trên nhiều phương diện khác nhau của đời sống. Có thể nói bất cứ nơi đâu có mối tương quan giữa người với người đều có thể nảy sinh lòng ham muốn này. Quả thực ham muốn danh vọng và quyền bính nơi con người không thể đo đếm được.

Nhìn vào bối cảnh thế giới hiện nay, khi mà cuộc chiến giữa Ít-ra-el và Li-băng đang diễn ra, khi tình hình vũ khí hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên vẫn còn nóng bỏng, và khi tiến trình toàn cầu hoá đang tăng tốc từng ngày thì việc phân định, điều phối những luồng quyền bính, quyền lợi của các tổ chức, cá nhân trên thế giới đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi thì vấn đề quyền bính quả là vấn đề đáng quan tâm. Rằng ai có quyền ấy ? Phải chăng tổ chức Liên Hiệp Quốc có quyền này ? Nếu có, quyền ấy được tuân thủ ra sao ? Quả thực quyền bính là điều cần thiết để duy trì xã hội. Nhưng thực tế có như vậy không hay chúng lại là nguồn gốc sinh ra những chuyện lôi thôi khác, những vấn đề bắt nguồn từ lòng ham muốn không giới hạn của con người ?

Khởi đi từ lòng ham muốn không giới hạn, người có chút quyền bính lại ham muốn sự chi phối lớn hơn ; người đã có quyền bính lớn hơn rồi lại ham thích thứ quyền bính lớn hơn nữa[3]. Để đạt được chỗ đứng cao hơn ấy, họ phải xoay sở mọi cách, tận dụng mọi khả năng, quyền hạn đang có của mình để lũng đoạn. Cám dỗ quyền bính ngày một lớn hơn và việc lạm dụng cũng thường tỉ lệ thuận với việc cám dỗ ấy. Vậy quyền bính nghĩa là gì, quan niệm của Kinh thánh cũng như truyền thống thần học ra sao, là những vần đề mà bài viết này muốn đề cập. Song song đó, một vài phân tích việc sử dụng quyền bính trong lịch sử Giáo hội đã gợi hứng cho những suy nghĩ về những thái độ cần có trong việc sử dụng quyền bính.

1. Nhận diện quyền bính


1.1. Thuật ngữ


Gắn liền với đời sống con người, hiện tượng quyền bính là một điều phổ biến, có mặt trong tất cả các nhóm, các tổ chức. Từ ngữ quyền bính (Authority) được bắt nguồn từ tiếng La-tinh, Auctor có nghĩa là : tác giả, người thủ xướng, người đại diện… ; hay từ động từ Augere với ý nghĩa : tăng tiến, khuyếch trương, nảy nở. Về mặt cơ cấu, quyền bính có thể mang tính pháp lý (de jure) hoặc thực tiễn (de facto)[4]. Quyền bính là một thực thể pháp lý khi chúng gắn bó hoặc được hỗ trợ bởi quyền bính hoặc tổ chức nào đó mang tính công khai, được phần đông người thừa nhận. Với ý nghĩa này ta có thể thấy các cơ quan cảnh sát, quân đội có quyền bính pháp lý này. Còn về mặt thực tiễn, quyền bính mang một không gian rộng lớn hơn. Hiện nay người ta thường cho rằng các hoạt động truyền thông đại chúng có một thứ quyền nhất định nào đó, không thể đo lường được. Chỉ bằng một bài báo hoặc một tin vắn, chúng có thể buộc tổng thống hay thủ tướng phải từ chức. Hẳn ta vẫn còn nhớ hồi đầu năm 2006 vừa qua, vụ một bức biếm hoạ của báo chí phương Tây đã làm cộng đồng người Hồi giáo công phẫn. Quả thực xét về khía cạnh thực tiễn này, quyền bính không có giới hạn. Một người hộ lý trong bệnh viện có khả năng hạch sách, quát tháo còn hơn cả bác sĩ, một giáo viên trường điểm có thể yêu sách phụ huynh học sinh đủ điều… . Hơn nữa, chúng ta còn thấy quyền bính ẩn chứa trong một số vật vô tri khác như : Sách thánh, sách luật, biểu tượng, … Nhưng cũng cần lưu ý những vật kể trên có quyền bính chỉ khi chúng mang lại lợi ích, phục vụ con người và sống trong cộng đồng người nào đó.

Nói về quyền bính, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo định nghĩa rằng : “Quyền bính là tư cách để những người hoặc những cơ chế đưa ra những khoản luật và ban hành những mệnh lệnh để người ta tuân theo” (1897). Trong truyền thống Giáo hội, quyền bính thường được chỉ cho một khả năng để thực hiện một hành động nào đó[5]. Trong Tân ước, từ này dùng để chỉ việc thực hành quyền bính. Thiên Chúa được xem như nguồn mạch của tất cả mọi quyền bính cũng như quyền bính (xc. Lc 12,5). Và như thế, Đức Kitô được ban cho quyền bính và quyền bính như là khả năng nội tại để tha tội (Mt 9, 6-8), để trừ quỷ (Mc 3, 15) ; và cũng như Ngài đã nói rằng mọi quyền bính trên trời dưới đất đều đã được trao cho Ngài (xc. Mt 28,18). Quyền bính cũng được trao cho chính quyền, những người lãnh đạo quốc gia, vì thế con người buộc phải tuân lệnh theo những quyết định của chính quyền (xc. Rm 13,1-3) miễn là những lời ấy không đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa. Ngày nay quyền bính được gán cho những người có khả năng đặc biệt, uy thế hoặc đóng một chức năng nào đó trong xã hội. Dạng trước thường có ở nơi những cá nhân, chủ thể ; dạng sau thường chỉ những tổ chức hoặc tập thể[6]. Quyền bính của cá nhân được có bởi sự công nhận của những người trao cho họ thẩm quyền ấy.

1.2. Phân loại và vai trò của quyền bính


Người ta thường phân chia quyền bính thành hai loại, đó là thần quyền và thế quyền[7]. Dẫu rằng trong quá khứ ta đã từng chứng kiến sự nhập nhằng giữa chúng, kể cả việc cố gắng loại trừ nhau cũng như thoả hiệp hoặc tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau. Quyền bính là một công cụ thiết yếu để duy trì sự ổn định trong một cơ cấu tổ chức hay xã hội. Xét về vai trò, quyền bính trong mỗi nhóm thường có những cá nhân hoặc nhóm người đại diện để giải quyết, bắt buộc người khác thi hành những quyết định họ đưa ra theo quyền hạn được phép. Trong một nhóm, nếu không có quyền bính được đặt ra như là những nguyên tắc, luật lệ phải tuân thủ hay để hướng dẫn hành vi của cá nhân, thì dường như chúng ta có thể đoán rằng nhóm ấy sẽ khó tồn tại lâu được. Bởi dẫu cho mọi người có trưởng thành, nhiệt thành với lý tưởng bao nhiêu đi nữa, nếu không có quyền bính như là thiết chế “giữ cương”, hướng các thành viên tiến đến mục đích chung của nhóm thì người ta hay có khả năng đi vào con đường phóng túng, cá nhân chủ nghĩa. Phải chăng một thế giới không quyền bính là thế giới không tưởng?

Bên cạnh đó, nếu quyền bính chỉ gói gọn trong một mục đích duy nhất là ổn định xã hội, và chúng chẳng mang lại quyền lợi gì, ngoại trừ trách nhiệm cho người sử dụng thì chẳng có gì để bàn. Đằng này, dường như trong cuộc sống con người, quyền bính lại có một hấp lực thoả mãn nhiều đam mê thầm kín nơi con người, là những nguyên nhân gây ra những cảnh bất hoà, “nồi da xáo thịt”, và những nỗi khốn khổ cho nhau. Quyền bính thường gắn với những quyền lợi vượt trên người khác mà người có quyền bính được hưởng. Chính vì thế, trong lịch sử, những cuộc đấu tranh, giết chóc luôn gắn với việc cuối cùng ai sẽ là người nắm quyền bính.

2. Quyền bính như điều Thiên chúa muốn


2.1. Từ trong Cựu Ước…


Thiên Chúa, Đấng tạo nên vạn vật, do đó mọi quyền bính nơi con người đều do Ngài ban phát. Trong Cựu ước, quyền bính của Thiên Chúa được trao ban cho con người để cai quản vạn vật (xc. St 1,28), cũng như quyền của người chồng trên người vợ (xc. St 3,18) hay là quyền của cha mẹ trên con cái (xc. Lv 19,3). Thiên Chúa cũng chứng tỏ cho thấy nơi dân ngoại Ngài cũng là chủ của họ như việc phong vương cho Kha-da-ên làm vua xứ A-ram (xc. 1V 19,15 ; 2V 8,9-13) hoặc như trao những vùng đất rộng lớn vào tay vua Na-bu-cô-đô-nô-xo (xc. Gr 27,6).

Cũng cần lưu ý rằng những quyền bính ấy, con người được sử dụng, không có tính tuyệt đối, nhưng bị giới hạn bởi những bổn phận luân lý[8], ví dụ như quyền của cha mẹ là để giúp giáo dục con cái trở nên người tốt (xc. Cn 23,13 ; Hc 7,23 ; 30,1…). Tương tự thế, đối với những người nô lệ, dân Do thái tuy sở hữu họ nhưng không vì thế họ được đối xử mà không lưu tâm đến quyền lợi của người nô lệ (xc. Xh 21,1-6 ;26-27 ; Đnl 15,12-18). Những người nắm quyền cần hướng người khác đến việc tôn thờ Thiên Chúa là Đấng nắm mọi quyền trong tay hơn là suy phục mình, kẻo họ sinh ra lòng kiêu ngạo, báng bổ Đức Chúa (xc. Đn 11,36 ; 7,3-8,19-25). Kết cục của chúng sẽ được nhìn thấy trong ngày Thiên Chúa đứng lên hạch tội (xc. Đn 7,11-12,26).

Quyền bính được xem như niềm vui thích của dân chúng nếu như chúng được trao vào tay những người chính nhân hòng phục vụ dân Chúa (xc. Cn 29,2) ; điều này đã được thể hiện rõ trong những văn thư phê chuẩn lễ Pu-rim mà ông Moóc-đô-khai và hoàng hậu Ét-te đã làm (xc. Et 9,29). Sách Đa-ni-en lại cho chúng ta thấy mọi quyền bính của vua chúa trần gian đều do tay của Thiên Chúa ban phát (Đn 4,17), và trong cái nhìn khải huyền, sách này đã mô tả quyền thống trị muôn đời sẽ được trao cho Đức Kitô (xc. Đn 7,13-14).

2.2. …đến Đức Giêsu Kitô “quyền uy”.


Vì là Thiên Chúa thật nên khi xuống thế mặc lấy xác phàm, Đức Kitô không thiếu hoặc mất đi quyền năng đã có nơi Ngài. Suốt cuộc sống công khai, Đức Giêsu đã tỏ ra Người là Đấng có uy quyền trong giảng dạy (xc. Mt 7, 29), trên bệnh tật (xc. 8, 8t), trên tội lỗi (xc. Mt 9, 6t), thậm chí trên ngày Sabát (xc. Mc 2, 28), bởi trời đất muôn vật đều được đặt dưới quyền của Ngài (xc. Mc 4, 41).

Dẫu đầy uy quyền, thế nhưng Đức Giêsu không tỏ ra kiêu căng tự phụ. Trong quá trình rao giảng, Đức Giêsu loan báo một triều đại Thiên Chúa chứ không phải triều đại của mình. Tính cách khiêm hạ, chối từ quyền bính ấy thể hiện trong việc nhập thể, chịu khổ hình và chịu chết trên thập giá của Ngài. Trong khi các kẻ thống trị trần thế muốn người ta phục vụ thì Ngài đến là để phục vụ (xc. Lc 22, 25t). Tuy Người là Thầy và là Chúa (Ga 13, 13) nhưng Người đến để hy sinh mạng sống mình làm giá cứu chuộc (xc. Mc 10, 42t). Ngài chối từ những cám dỗ quyền bính của Satan (xc. Lc 4, 5t).Trong giao tiếp, Đức Giêsu không biểu lộ một thái độ gượng gạo, kiểu cách. Ngôn ngữ của Ngài thật bình dân, dễ hiểu. Tất cả mọi lời Người nói chỉ có một mục đích là chữa lành. Tất cả mọi hành động của Người chỉ có mục đích đề cao nhân vị của người khác. Chính vì thế Ngài đã phá tan “cơ chế phòng vệ” của người thiếu phụ xứ Samari (xc. Ga 4,1-30), cảm giác bị ruồng bỏ của Giakêu (xc. Lc 19,1-10). Ngài chú ý đến từng động thái rất nhỏ của người khác để đưa ra nhận xét, hành động một cách tinh tế. Ví như tại Đền thờ, giữa quang cảnh đông đúc, Ngài vẫn nhận ra tấm lòng chân thành của bà goá nghèo với hai đồng xu (xc. Mc 12,41) ; hay tại bể tắm Bezala, Ngài đã để ý đến và chữa lành cho một bệnh nhân bại liệt đã 38 năm (xc. Ga 5,5-6)…

Song song đó, hình ảnh vua Kitô cũng không phải là hình ảnh kênh kiệu nhưng là một vị vua thầm lặng, khác xa với hình ảnh thông thường nơi trần thế. Đức Giêsu tỏ ra hết mực yêu thương con người. Ngài đồng cảm đặc biệt với những người chân lấm tay bùn, ốm đau, tàn tật, tội lỗi (xc. Mt 4, 23-25 ; 9,10-13 ; 9, 36 ; 10,6-8 ; 11,25-30 ; Mc 1,32-34). Tuy nhiên không vì thế mà Ngài khinh chê những người giàu có (xc. Lc 8,1-3 ; 19,1-10 ; Ga 12,1-8), giới tri thức, Luật sĩ hoặc Pharisêu (xc. Lc 2, 46 ; Ga 3,1-21), giới quân nhân (xc. Mt 8, 5-13) hay khách ngoại kiều (xc. Lc 7,1-10 ; 17,11-20 ; Ga 4,1-43). Tất cả mọi người đều được Ngài đón tiếp. Nếu có làm phép lạ thì đó là Ngài chứng tỏ lòng thương yêu con người chứ không phải là một hành động khoe khoang. Để rồi sau đó Ngài đã phải đi trốn trước những dự kiến tôn phong mà dân chúng dành cho Ngài (xc. Ga 6,15 ; Mt 21, 1-17) vì Vương quyền của Ngài không thuộc về thế gian này (xc. Ga 18, 36).

Khi đối diện với quyền bính thế gian, Ngài phân biệt rạch ròi chúng với quyền bính của Thiên Chúa (xc. Ga 18,36). Và Ngài cũng tỏ ra tôn trọng những quy định của luật thế quyền (xc. Mt 17,27). Thế nhưng đứng trước những bất công của quyền bính thế quyền Ngài cũng không khuất phục (xc. Lc 13, 32). Đức Giêsu không bao giờ chấp nhận những thể chế, những loại quyền bính vượt lên trên con người, đè bẹp con người. Con người có những phẩm giá và sứ mạng riêng mà mọi quyền bính trần gian phải tôn trọng. Nếu như người Do thái thần thánh hoá ngày “hưu lễ”, đóng khung nó, biến nó thành bất khả xâm phạm, thì đối với Đức Giêsu, Ngài đã thẳng thắn xác định – một lời xác định thái độ chung của Ngài đối với phẩm giá của con người : “Ngày Sabát vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabát”. Nói cách khác, đối với Đức Giêsu, quyền bính trần gian chỉ có ý nghĩa làm triển nở và phục vụ con người chứ không có giá trị tiêu diệt tính nhân vị của con người.

Tóm lại, ta dễ nhận thấy quyền bính không thể cám dỗ Đức Giêsu. Khi còn tại thế, Đức Giêsu chỉ sử dụng quyền bính của mình để diễn tả sứ vụ, mang lại hạnh phúc cho con người, xoa dịu nỗi đau của những con người bị người khác bỏ rơi[9]. Và cuối cùng, quyền bính mà Ngài sử dụng là để người ta đọc ra dấu chỉ cho thấy Ngài chính là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Chuộc hầu mọi người có thể quay trở về mà cất tiếng ca ngợi Thiên Chúa.

Vậy dù thần quyền và thế quyền mỗi thứ có một lãnh vực riêng, trên nguyên tắc đều thuộc về Đức Giêsu, nhưng Người vẫn thừa nhận sự phân biệt rõ ràng của chúng, và Người để cho thấy tạm thời thế quyền vẫn giữ tính chất bền vững thật sự. Đó là tình trạng của những sự việc sẽ kéo dài đến ngày Người trở lại trong vinh quang[10].

3. Quyền bính trong truyền thống Giáo hội


Từ việc nhận thức sự khác biệt giữa thần quyền và thế quyền trong việc thực thi quyền bính, các tông đồ đã luôn noi theo Đức Kitô trong cách hành xử. Ở lãnh vực thần quyền, quyền bính nơi các cộng đoàn Kitô hữu không phải là thứ quyền bính của “dân ngoại”, nhưng chúng thể hiện “như người phục vụ” (xc. Lc 22,24-27), đó là hoạ lại hình ảnh người thầy đã rửa chân cho các môn đệ (xc. Ga 13,1-7). Nơi các tông đồ, không quyền gì khác hơn là rao truyền Tin Mừng cứu độ, về cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô như Ngài đã trao cho các ông trước khi về trời.

Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em (Mt 28,18-20).

Song song với quyền giảng dạy trên là quyền cứu chữa, ủi an những người khốn khổ, bệnh tật tuỳ theo khả năng Chúa ban cho mỗi người, nhưng quan trọng hơn hết chúng phải được sử dụng để phục vụ cộng đoàn chứ không phải để vênh vang (xc. 1Cr 12,4-31 ; Ep 4,11 ; Rm 12,6-8 ).

Tất cả những điều trên đã được thánh Phao-lô ý thức rất rõ[11]. Trong các thư của ngài, ta có thể nhận thấy một vài khía cạnh của quyền bính thể hiện nơi ngài. Thứ nhất, quyền bính của thánh Phao-lô có nguồn gốc từ sự kiện Đức Giêsu phục sinh và trao cho ngài sứ vụ riêng. Sứ vụ hay quyền này không gì khác ngoài việc rao giảng Tin Mừng và lôi kéo người khác tin vào Tin Mừng. Thứ đến, quyền này có một đặc điểm đó là liên kết, hiệp thông với truyền thống của các tông đồ và ngay chính với các tông đồ[12]. Vì vậy, việc triển khai hạn từ Trung Tín được thánh Phao-lô rất chú trọng. Kế đến ta cũng nhận thấy Chúa Thánh Thần đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi quyền bính của các tông đồ. Cuối cùng, dù quyền bính được gắn kết qua việc phục vụ Lời, nhưng chúng được thực hiện thông qua mối tương quan với những phán quyết đặc biệt về đạo đức và thực hành, gắn liền với chứng tá sống động về đời sống của Đức Kitô.

Nhìn về lãnh vực thế quyền, Giáo hội luôn nhìn nhận vai trò của chúng trong đời sống của con người, miễn rằng chúng dựa trên sự công bằng và hợp pháp. Thánh Phao-lô cũng khuyên các tín hữu phục tùng quyền bính thế trần, “vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa” (Rm 13,1). Ta nên nhớ rằng trong hoàn cảnh ấy, hoàng đế Nê-rô đang cai trị đế quốc. Chú giải điều này, thánh giáo phụ Gio-an Cơ-ry-sốt-tô-mô đã nói :

Ngài muốn nói gì? Phải chăng mỗi vị trong chính quyền đã được Thiên Chúa tôn phong vào chức vụ? Dĩ nhiên, thánh Phaolô sẽ đáp : đấy không phải là điều tôi muốn quả quyết. Tôi không nói đến từng cá nhân trong chính quyền, nhưng có ý nói về chính việc cai quản. Tức là bảo : chính sự kiện có công quyền, một bên có người chỉ huy, một bên có người phục tùng, cái đó không phải ngẫu nhiên mà có, nhưng bởi Chúa khôn ngoan xếp đặt[13].

Một giáo phụ khác là thánh Âu-tinh đã có một sự phân biệt giữa quyền bính thật là thứ quyền bính xây dựng chính quyền vì người dân và tạo sự an bình cho cộng đồng. Còn thứ quyền bính sai lạc là thứ hướng chiều về những tham vọng xấu, mong ước sự thống trị. Và nền chính trị thế trần như chúng ta thấy hiện nay thường rơi vào loại quyền bính thứ hai. “Anh em biết : những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân” (Mc 10,42 ; Lc 22,25). Trong tác phẩm “Thành đô của Thiên Chúa”, thánh Âu-tinh đã liệt kê sự tiến triển của nền chính trị Rô-ma, từ việc yêu tự do đến việc thích vinh quang, và rồi là sức mạnh, thống trị. Trong hướng nhìn trái ngược, thánh Âu-tinh cho rằng:
“Những người công chính truyền khiến không phải vì ham muốn thống trị, mà vì bổn phận bàn bạc : trật tự tự nhiên đòi hỏi như thế, và Thiên Chúa cũng tạo dựng con người như thế”[14].
“Dựa trên triết thuyết của A-rít-tốt và thánh Âu-tinh, thánh Tô-ma A-qui-nô đã phân biệt giữa quyền bính của chính phủ trên người dân và thứ quyền bính trên tôi tớ. Chỉ có loại quyền bính thứ nhất mới có thể hiện diện trong đời sống gia đình và chính trị” [15].

Luận giải về quyền bính nơi con người, thánh Tô-ma cho rằng dẫu con người không mắc tội nguyên tổ đi nữa thì sự tồn tại của quyền bính dân sự hoặc chính quyền vẫn là điều cần thiết cho đời sống con người. Ở đây Thánh thiên thần đã đưa ra hai luận cứ. Thứ nhất con người là một con vật xã hội, đòi hỏi một sự hướng dẫn bởi người cai trị nhắm vào công thiện hòng điều phối những ham muốn của những người khác tập trung vào một điều tốt nào đó. Thứ đến, một số người trổi vượt hơn về trí khôn và sự công chính thì thật đáng dùng vào việc hướng dẫn người khác[16]. Vì những lẽ như vậy, nên việc tồn tại quyền bính là điều cần thiết. Vấn đề còn lại là “Ơn riêng Thiên Chúa ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa”(1Pr 4,10).

Tiếp nối tư tưởng ấy, trong Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes), Giáo hội cũng tuyên bố rằng : “Cộng đoàn chính trị chỉ hiện hữu là vì công ích” [17]. Và “Để tránh cho cộng đoàn chính trị khỏi tan rã, cần phải có một quyền bính để hướng dẫn mọi nỗ lực của công dân nhắm tới công ích”[18]. Nhưng Hiến chế cũng lưu ý rằng những quyền bính trong xã hội phải nằm trong giới hạn của luân lý để đem lại kết quả và mưu cầu công ích. Chúng không được vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân. Có lẽ rất cần thiết để đi đến việc tìm ra một số nguyên tắc nền tảng cho việc thực thi quyền bính nơi trần thế. Thế nhưng trước khi đi vào tìm hiểu một vài thái độ nền tảng, ta cũng cần lược qua một vài nét lịch sử việc lạm dụng quyền bính để nhận định rõ hơn nhưng khiếm khuyết mà con người đang gặp phải.

4. Những vấn đề lớn


4.1. Lạm dụng quyền bính, hay quyền bính “thép”


Lịch sử Giáo hội cho thấy không dễ gì sử dụng quyền bính “cách tốt nhất” và công ích nhất. Ngay như thánh Âu-tinh (354-430) cũng gặp phải sự lúng túng như thế[19]. Ngài đã tỏ ra vô cùng kiên nhẫn với những người theo lạc giáo và chỉ muốn dùng những biện pháp của Tin Mừng đối với họ. Ban đầu, thái độ của ngài với những người theo phái Đô-na-tô cũng vậy. Để thuyết phục họ, ngài chỉ dùng những lời giảng dạy và các buổi nói chuyện. Ngài chỉ xin cơ quan công quyền giúp đỡ khi cần bảo vệ người Công giáo trước những sự lạm dụng thái quá của các phe đó. Nhưng khi thấy phe nhóm đó tiếp tục có thái độ quá đáng, thậm chí còn làm những tội ác vi phạm luật chung, ngài bắt đầu tự hỏi có cần phải dùng các biện pháp khác không, kể cả sức mạnh, sự can thiệp nghiêm khắc của chính quyền. Cuối cùng ngài đã đi tới chỗ cổ võ một hình thức “cưỡng bức tốt” và đưa ra những nhận định mà nếu khi tiếp cận, tách ra khỏi bối cảnh lúc bấy giờ hẳn sẽ có những ảnh hưởng tai hại.

Bước sang thời Thập tự quân, thời kỳ mà việc lẫn lộn giữa chính trị và tôn giáo[20], tình trạng lạm dụng quyền bính ngày một gia tăng. Theo cách đánh giá của lịch sử cho thấy những quyết định, hoạt động trong thời kỳ này thực quá hàm hồ[21], và mục đích trần thế là chiếm lại Đất Thánh cũng không thực hiện được[22]. Việc lạm dụng quyền bính không chỉ dừng lại tại đó mà còn kéo dài qua thời Trung Cổ với Toà Tra[23], gây bao nỗi khốn khó cho nhiều người. Nhận xét về Toà Tra, tác giả Rê-nê Cốt-tê cho rằng[24] :

Khách quan mà nói, riêng về điểm này, thế kỷ XIII là thế kỷ lương tâm Công giáo bị thụt lùi một cách nghiêm trọng nhất. Chúng ta phải khoan dung với từng vị trong Giáo hội thời Trung cổ vì các ngài đã hành động một cách thành tín. Nhưng ta cũng buộc lòng phải nhìn nhận rằng các vị ấy đã sai lầm, thiếu sự sáng suốt của Tin Mừng, cách cư xử tàn bạo của họ đối với các người lạc đạo tự căn bản thật đáng lên án.

Dưới cái nhìn lịch sử, chúng ta chẳng có gì đóng góp hơn cho bằng tấm lòng khoan dung cũng như ghi nhận những sự kiện hầu có thể tránh đi vào những vết xe cũ. Chính vì thế, vào ngày 12/03/2000, đức Gio-an Phao-lô II đã thay mặt Giáo hội chính thức lên tiếng xin lỗi đối với những lỗi lầm trong quá khứ mà Giáo hội đã mắc phải, bởi mỗi ngày chúng ta khám phá ra rằng Tin Mừng của Đức Kitô không khuyến khích con cái Ngài lạm dụng quyền bính. Cách nhìn quyền bính nơi Ngài rất khác.

Rút tỉa từ những kinh nghiệm kể trên cho thấy, khi mong muốn đạt được mục đích hầu thoả mãn nhu cầu đang có, đôi khi chúng ta sử dụng những phương tiện không đúng và tìm cách biện minh cho những hoạt động chưa đúng đó. Đây là hình ảnh dễ thấy nhất thể hiện sự cám dỗ của quyền bính. Trong lĩnh vực chính trị thời xa xưa, thậm chí ngay thời hiện đại, hay như khoa học kĩ thuật hiện nay, con người có khuynh hướng vượt quá quyền hạn cho phép và say mê với quyền bính của mình. Chính lúc này, con người tự nhận cho mình công trạng như trường hợp đế quốc Assyria thắng trận (xc. Is 10, 7-11). Họ thần tượng hoá chính mình (xc. Ed 28, 2-5) và đứng lên chống lại Thiên Chúa (xc. Is 14, 13t), lộng ngôn báng bổ Ngài (xc. Đn 11, 36).

Những hình thái của việc lộng ngôn chống lại Thiên Chúa không chỉ bó hẹp trong việc sử dụng ngôn từ, tuyên xưng niềm tin, chúng còn thể hiện rất rõ trong mối tương quan giữa người với người. Thời gian gần đây Giáo hội lên tiếng nhiều về vấn đề sự sống, vấn đề nhân quyền, về nguyên tắc bổ trợ giữa các nước, các tổ chức hay giữa những người sống chung với nhau – là những vấn đề vốn ẩn chứa sâu xa bên trong những lạm dụng quyền bính và những xúc phạm đến con người.

4.2. Quyền bính và xúc phạm nhân vị


Bắt nguồn từ tư tưởng thánh Thomas, triết gia J. Maritain đã nói về nhân vị :

Nhân vị là một hữu thể tự tại, bất khả phân chia, cá biệt và do đó độc nhất vô nhị. Tuy nhiên, nhân vị không phải là một hữu thể khép kín, mà tự bản chất là một hữu thể tương quan và mở rộng cho tha nhân, cũng như cho xã hội[25].

Như thế, Con người có những quyền của mình, chúng được đặt nền trên sự tự do và nhân vị độc đáo mà Thiên Chúa phú tặng. Mỗi khi những quyền lợi cơ bản của con người bị vi phạm thì lúc ấy nhân vị con người bị hạ giá. Có lẽ hơn lúc nào hết, con người ngày nay đang kêu gào đòi lại những quyền cơ bản cho mình dựa trên những chuẩn mực mà mọi người đều công nhận.

Vào năm 1966, Liên Hiệp Quốc đã thông qua hai văn bản quốc tế khác liên quan đến những nhân quyền được tuyên xưng trong Bản Tuyên ngôn nêu trên, đó là các Công ước về Quyền kinh tế, Xã hội và Văn hóa và Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị. Đến nay đã có hai phần ba các quốc gia trên thế giới ký vào hai Công ước này. Ngoài ra Liên Hiệp Quốc còn thông qua một Nghị Định Thư đi kèm với Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị, cho phép cá nhân được quyền khiếu nại lên Ủy ban Nhân quyền (của Liên Hiệp Quốc) là cơ quan có trách nhiệm (do Công ước qui định) kiểm soát sự vi phạm nhân quyền của các quốc gia. Song việc cầu cứu đến Ủy ban Nhân quyền chỉ có thể xảy ra khi quốc gia liên hệ đã chấp nhận ký kết cả Công ước lẫn Nghị định thư, điều mà đến nay chỉ mới có một số ít các quốc gia chịu làm.

Hơn nữa, chúng ta cùng lược qua những điểm chính yếu trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 10.12.1948. Về nội dung của bản Tuyên ngôn nhân quyền, có nhiều cách để phân loại Nhân quyền, nhưng cách phân loại hiện được chấp nhận chung là phân chia chúng thành nhóm quyền dân sự, quyền chính trị, quyền xã hội, quyền kinh tế và quyền văn hóa. Đây là cách phân loại được dùng trong Hiến chương Quốc tế về Nhân quyền.

Quyền dân sự và chính trị bao gồm quyền sống, việc nghiêm cấm sự tra tấn cá nhân, nghiêm cấm cưỡng bức lao động, việc được bảo vệ trước sự bắt bớ tùy tiện, tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, quyền được tôn trọng có cuộc sống riêng tư, tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do được tham gia vào việc công. Nói một cách tổng quát, quyền dân sự và chính trị nhằm bảo đảm không cho các cơ quan công quyền can thiệp vào đời sống của các cá nhân hoặc vào hoạt động của các nhóm người. Ngoài ra việc bảo vệ những quyền này còn đòi hỏi các cơ quan công quyền phải tạo ra các phương tiện, thí dụ như bảo đảm về mặt tài chính cho một hệ thống trợ giúp pháp lý dành cho những người nghèo hoặc những người không có đủ khả năng (tài chính) để tự lo liệu lấy sự biện hộ trước tòa. Một loại hình thức hoạt động khác của các cơ quan công quyền là việc tài trợ bằng công quỹ để cho các nhóm thiểu số có tiếng nói trên các phương tiện truyền thông.

Trong số các quyền xã hội và văn hóa người ta có thể đặc biệt kể đến quyền được có thực phẩm, quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền được có một mức sống tạm đủ, quyền được trả lương đồng đều cho một công việc tương tự, quyền được bảo trợ xã hội, quyền được làm việc, quyền đình công, quyền có chỗ ở, quyền được đi học và quyền được tham gia vào đời sống văn hóa. Nói chung những quyền về xã hội và văn hóa nhằm bắt các cơ quan công quyền phải có trách nhiệm thực hiện các quyền này khi các cá nhân – vì lý do thất nghiệp hoặc tàn tật – không thể tự đáp ứng các nhu cầu của họ được nữa.

Một điểm ta cần lưu ý rằng những điều khoản nhân quyền nêu trên cùng tuân theo một nguyên tắc quan trọng – một nguyên tắc không thể tách rời khỏi nhân quyền – là không một ai dù thuộc giới tính, chủng tộc, tôn giáo và tín ngưỡng nào lại có thể bị phân biệt đối xử khi hành xử các nhân quyền của họ.

Nhưng trong thực tế, Bản tuyên ngôn này đã từng bị vi phạm trầm trọng trong nhiều lãnh vực. Cảm nhận được điều này, có lẽ mỗi người Kitô hữu sẽ có thêm động lực để thực thi việc đề cao nhân vị khi họ đối chiếu hay kín múc nguồn mạch trong Kinh thánh. Từ đó họ bỗng ngộ ra một điều rằng những vấn đề thời sự hiện nay không có gì là mới, bởi ngay từ thủa ban đầu, Thiên Chúa đã dùng những phương thức đề cao nhân vị để sáng tạo, cứu độ con người thay vì sử dụng quyền bính của Ngài.

5. Giáo hội Chúa Kitô lên đường


Là nhiệm thể của Đức Kitô, mỗi ngày Giáo hội mỗi mỗi xác tín hơn vào chọn lựa, con đường mình đang đi. Dẫu rằng trong quá khứ không thiếu những vết đen, nhưng giờ đây, Giáo hội thâm tín rằng :

Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Giêsu[26].

Như vậy, theo quan điểm của Kitô giáo, đặc biệt trong thời gian gần đây, được thể hiện nhiều qua các văn kiện của Công đồng Vatican II, trong các thông điệp về xã hội của Giáo hội[27], con người được xem như một hữu thể tự do và trách nhiệm, là chủ thể của mọi quyền lợi và nghĩa vụ. Việc tranh đấu để bảo vệ và phát triển nhân vị được coi là trái tim và linh hồn của giáo huấn xã hội Công giáo. Vì thế quyền bính không có quyền phủ nhận tính cách nhân vị nơi mỗi cá nhân.

Tưởng cũng cần nhắc lại chuyện quá khứ : tuy sống cùng thời với thánh nữ Catarina – vị thánh tiến sĩ đề cao tình yêu, nhưng Machiavelly với tác phẩm Ông Hoàng lại có một quan điểm khác về quyền bính. Theo ông, làm chính trị là không có lòng nhân đạo, ta phải xoá bỏ, thậm chí hy sinh một số cá nhân. Có như thế, người lãnh đạo mới có thể thành công. Khi soi chiếu vào tình hình chính trị thế giới đương thời, ta có cảm giác dường như các chính trị gia đang áp dụng tư tưởng của Machiavelly trong cách điều hành của mình. Những người dân vô tội vẫn bị kết án sai, bị giam giữ để biện minh cho việc giữ gìn an ninh. Có thể tất cả những hành động kể trên là những lời phân trần cho một mục tiêu – đó là hiệu năng, quản trị. Thế nhưng, đó không phải là con đường của Thiên Chúa, của Đức Giêsu. Con đường của Thiên Chúa là con người, những con người cụ thể. Tất cả là tình yêu, tất cả phải đặt nền tảng trên tình yêu, và Giáo hội cần đi trên con đường ấy.

5.1. Thái độ tôn trọng, một thái độ cần có khi sử dụng quyền bính


Tuy có những cách nhìn khác nhau về quyền bính, nhưng một điều dễ chấp nhận rằng quyền bính được thiết lập là để điều hoà xã hội, điều hoà những cá nhân sống trong đó. Vai trò điều hoà của quyền bính đó là tạo môi trường đối thoại cho mỗi cá nhân tham gia vào. Tập thể với quyền bính của chúng chỉ có thể lớn mạnh khi mỗi thành viên trong đó tìm được tiếng nói của mình qua đối thoại. Một thứ quyền bính lý tưởng là thứ quyền bính không có sự chèn ép theo kiểu “cả vú lấp miệng em” hay kiểu lãnh đạo độc tài. Mỗi người khi tham gia vào tập thể phải có quyền có tiếng nói của mình trong tập thể. Tiếng nói ấy thể hiện lập trường, quan điểm của tôi trước vấn đề đang bàn luận. Và chân lý hẳn cũng sẽ thường xuất hiện trong những môi trường đối thoại, từ sự nhất trí chung nhưng vẫn thể hiện lập trường của mỗi người.

Hơn nữa, thái độ tôn trọng cần được thể hiện ở cả hai loại quyền bính vốn thuộc hai lãnh vực hoàn toàn : quyền bính thế trần và quyền bính Giáo hội. Chính vì sự không phân minh giữa hai loại quyền bính ấy mà lịch sử đã phải chứng kiến những biến cố không vui gì. Nếu như ở khía cạnh đức tin, tinh thần của con người, Giáo hội có những phán quyết riêng của mình, thì nơi giá trị thực tại trần thế, chúng cũng có những chỗ đứng riêng của chúng[28]. Do vậy hai loại quyền bính này không nên “dẫm chân” lên nhau, trừ phi có một loại quyền bính nào đó đi ngược lại với mục đích là phục vụ con người. Khi ấy việc lên tiếng và can thiệp là những hành động cần thiết.

Kế đến, quyền bính cần tôn trọng nhân vị của mỗi cá nhân, xem đó là mục đích tối hậu mà chúng có nghĩa vụ phải phục vụ. Nếu quyền bính tách rời con người, chúng chỉ còn lại phong cách của quyền bính Adolf Hitler, Pol Pot – một thứ quyền bính diệt chủng. Và trong quá trình phục vụ, mỗi một cá nhân cần được quan tâm cách riêng biệt. Nếu ta chỉ chú ý đến số đông, chỉ chú ý đến tập thể mà quên đi hoặc hoà trộn những cá nhân vào trong tập thể đó thì kết quả ta thu được chỉ là kết quả theo dạng phong trào, tính bền vững của chúng không nhiều. Loại hình này thường chỉ sản sinh ra những cá nhân “hổng chân”, không tự đứng được trên đôi chân của mình. Thái độ tôn trọng của các thể chế quyền bính trong xã hội phải đề cao quyền tự do của mỗi cá nhân. Người ta sẽ không thể làm người một cách tròn đầy nếu thiếu yếu tố tự do nơi ứng xử của con người ấy. Có thể nói tự do là đặc tính căn cốt của việc thể hiện là người. Khi một cá nhân thực hiện một quyết định hành động để thể hiện hành vi nhân linh, là cá nhân thực hiện “bước nhảy” từ tình trạng đồ vật lên tình trạng hiện sinh, cá nhân cần thực hiện chúng qua sự tự quyết, tự chọn và trách nhiệm của mình.

Thế nhưng khi đề cập đến tự do của con người, hẳn nhiều người tự hỏi đó là thứ tự do nào? Bởi có năm bảy đường tự do. Theo quan điểm của truyền thống Kitô giáo[29], tự do là món quà quý giá nhất mà Thượng Đế đã ban tặng cho con người. Đây là quyền bất khả phân ly với phẩm giá con người mà mọi người có bổn phận phải tôn trọng. Chúng không chỉ dừng lại ở việc ta muốn làm những gì ta muốn, nhưng chúng cần gắn với trách nhiệm và hướng đến những giá trị trưởng thành trong nhân cách, chân lý, đạo đức.

Nơi tính tập thể lấn át cá nhân ngự trị, ta cũng không thấy có sự lựa chọn – một yếu tố cần trong khi thể hiện tự do. Kinh nghiệm khi tiếp xúc các bạn trẻ nghiện ma tuý cho thấy, ở những thời gian đầu, các bạn trẻ ấy cũng không muốn “dính” vào ma tuý. Nhưng họ không có đủ can đảm để nói không, để chọn lựa cho mình một hướng đi. Sinh hoạt trong một nhóm bạn mà họ yêu thích, những lời dụ dỗ, khuyến khích, đe dọa đã làm mất đi khả năng chọn lựa của họ. Để rồi cuối cùng, họ trở nên người nghiện như bao người nghiện khác. Như vậy, tự do đích thực là thứ tự do được thể hiện bằng sự chọn lựa của cá nhân. Cá nhân ấy cần hướng sự chọn lựa của mình đến những giá trị “Chân- Thiện-Mỹ” mỗi ngày. Điều này sẽ cho thấy sự trưởng thành của cá nhân ấy. Lựa chọn giữa tiếng gọi của lẽ phải với sự buông xuôi theo dục vọng tự nhiên, lựa chọn cho việc thể hiện bản chất của mình thay vì tuân theo những lối mòn của người khác… Nếu thực hiện được như vậy có nghĩa là cá nhân ấy đã thực hiện một cuộc “nhảy vọt” trong bước tiến hiện sinh của mình.

Như vậy, một lối sống tự do đúng nghĩa là một lối sống thể hiện bản chất của một con người. Người sống tự do cần hướng đến chân lý trong sự lựa chọn và trách nhiệm của mình. Họ sẽ phải chống lại những lôi kéo nguy hại của những thế lực quá khứ đã đóng cặn, của những lối mòn rệu rã đến kinh người, của sự lười biếng, vô trách nhiệm, an thân. Tự do là biết đánh giá đúng và sống những giá trị hiện tại, vĩnh cửu trong truyền thống, lịch sử[30]. Thiết nghĩ trong hoạt động mục vụ hiện nay tại các xứ đạo, rất cần thiết để đi dần đến chỗ giảm bớt luật lệ và hướng dẫn giáo dân đi đến chỗ tìm hiểu và tự đáp ứng hoặc nhờ người khác hỗ trợ cho nhu cầu tâm linh của mình[31]. Qua tự do phân định và chọn lựa họ mới có thể tự tìm gặp Chúa cách chân thật nhất, kết giao một mối tương quan thâm tín với Ngài chứ không phải chỉ lệ thuộc vào các hình thức sinh hoạt của Giáo hội. Để được như vậy, cần lắm một thái độ tôn trọng đúng nghĩa, coi mỗi người như một món quà mà Thiên Chúa tặng ban.

5.2. Thái độ tôn trọng của cá nhân đối với quyền bính


Về phía các cá nhân, việc tôn trọng quyền bính là một điều cần thiết hầu giữ cho mọi hoạt động của xã hội cũng như Giáo hội được quân bình, ổn định. Thế nhưng nếu chỉ xét trên bình diện hữu thể học, chỉ có cá nhân là tồn tại, thực sự hiện hữu, còn xã hội, tập thể (quyền bính) thì không hiện hữu. Vậy nếu ta quá đề cao tính nhân vị, tính cá nhân mà phủ nhận mọi quyền bính, liệu có được không? Theo thiển ý chúng tôi, kể cả việc đề cao quyền bính lẫn đề cao cá nhân một cách cực đoan đều nằm ở phía bất cập hay thái quá. Chúng ta cần tìm một hướng trung dung cho lối ứng xử của cá nhân đối với quyền bính.

Xét một khía cạnh nào đó, quyền bính là một thực thể cần thiết. Thế nhưng việc tôn trọng quyền bính phải dựa trên sự đồng thuận, mối tương quan của các cá nhân. Ví như trong một tập thể, cá nhân phải nhìn thấy rằng họ chính là một bộ phận, thành phần của tập thể ấy. Trong tập thể đích thực sẽ không phải là một tập hợp của một đống người độc lập, nhưng là nơi mà nhiều người biết được nhau trong mối liên lạc với người khác. Và sống trong tập thể, mọi cá nhân phải có bổn phận chu toàn những nguyên tắc chung của tổ chức, tập thể. Tôi có thể và tôi có quyền đòi hỏi nhà nước bảo đảm cho tôi được tự do sinh sống như những người khác ; nhưng tôi không lao động, tôi không có quyền đòi hỏi nhà nước phải chu cấp cho tôi nhà ở, cái ăn, cái mặc như những người lao động khác. Dĩ nhiên trong tập thể ấy con người chỉ có thể tự do thăng tiến khi – và chỉ khi – tập thể ấy có một hệ thống pháp luật, chuẩn mực chung cho mọi người (không ai được đặc ân, không ai bị kỳ thị). Sống trong đó, mọi người phải có trách nhiệm chung xây dựng tập thể. Việc xây dựng này không làm mất đi vai trò đặc thù của mỗi cá nhân. Trái lại nó lại càng làm thăng tiến bản thân của mỗi người. Mỗi người có một chỗ đứng, không sống trong tình trạng vô danh trong tập thể. Vì thế tập thể chỉ tròn đầy ý nghĩa khi trong đó, mỗi người sống vai trò như mình là.

Tạm kết


Quá trình sử dụng quyền bính để tạo ra sự đồng thuận, đề cao tự do của mỗi con người không thể một sớm một chiều có thể đạt được. Nhưng đó là một quá trình mở ra một chân trời mới cho những mối tương quan, trao đổi, gặp gỡ, yêu thương của những người được phú ban quyền quản trị và những người thụ hưởng sự quản trị của người quản trị. Tắt một lời, người ta cần ý thức rằng mọi quyền hành ta có, dù là quyền bính thế gian hay quyền bính Giáo hội đều xuất phát từ nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa trao cho người ta quyền ấy với một mục đích phục vụ con người ngay ở đời này và hướng đến đời sau. Vì thế, rất là trái khoáy nếu những quyền bính ấy chà đạp phẩm giá con người, biến con người thành phương tiện, thành đồ vật, thành vật hy sinh để biện minh cho một mục tiêu nào đó. Không ai có quyền làm chuyện này. Như vậy, vai trò của quyền bính trong xã hội là để điều hoà những “dòng chảy” riêng tư của mỗi cá nhân. Sống trong xã hội, cá nhân có quyền thể hiện những sứ mệnh riêng nhưng cũng có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì trật tự chung của tổ chức, xã hội đó.

Tóm lại, mọi cánh cửa quyền bính cần được mở bằng chìa khoá của tình yêu. Có như thế ta mới đi đúng con đường mà Đức Giêsu đã đi. Đức Giêsu đã khai mở một thực tại mới – thực tại Nước Trời, và thực tại ấy đang diễn tiến ngay tại đây, ngay tại lúc này. Do vậy, mọi động thái ta hành xử đều mang trọn vẹn ý nghĩa của phương tiện cũng như mục đích cần đạt đến. Mọi hành vi ta xử sự với nhau, chúng không mất đi nhưng đã được ghi dấu và kéo dài trong quá trình tiến đến ngày Đức Kitô tái quang lâm. Vì thế khi ta yêu thương, tôn trọng từng cá nhân, từng nhân vị là ta đang sống trong chiều kích cánh chung. Ước mong sao trong Giáo hội luôn thể hiện tinh thần quyền bính bằng tình yêu chứ không phải bằng cây búa, hầu có thể diễn tả sứ điệp của Đức Giêsu một cách trung thực hơn nơi những con người cụ thể.

[1] Tham dục (concupiscibl appetite) : hiều một cách ngắn gọn là xu hướng hướng về khoái lạc và chạy trốn đau đớn. (xc. J.F. Donceel, SJ., Tâm lý thuần lý, Đỗ Ngọc Bảo OP. dịch, HVĐM, tr. 251-254.)
[2] Xerxes : Vua Ba Tư từ 465 đến 485 trước Tây lịch
[3] Xin nhìn khía cạnh này giới nhãn quan trần thế, khi con người không chịu ảnh hưởng bởi lý tưởng, đức tin.
[4] Richard P. McBrien, Catholilicism, Harper Collins, 1994, p. 739.
[5] Geoffrey W. Bromily, Theological Dictionary of the New Testament, ed. by G. Kittel and G. Friedrich (Grand Rapids : Eerdmans, 1985), 1 (A-G), p.238.
[6] Encyclopedia of Theology, Burns & Oates, 1993, p.61.
[7] Xc. Nguyễn Văn Nội, Những vấn đề của Giáo hội chúng ta, Tp. HCM, 04/1998, tr.29-33.
[8] Nhiều tác giả, Điển ngữ Thần học Thánh Kinh, GHHV. Thánh Piô X, tập III, 1975, mục từ Quyền Bính, tr.316.
[9] Nhiều tác giả, That they might live- power, empowerment and leadership in the Church, Crossroad, New York, 1991, tr. 26.
[10] Điển ngữ Thần học Thánh Kinh, sđd, tr. 318
[11] Phần triền khai được trích dịch chủ yếu trong : Nhiều tác giả, That they might live- power, empowerment and leadership in the Church, Crossroad, New York, 1991, tr. 27.
[12] Xc. Margaret T. Monro, Enjoying The New Testamaent, Image Books, Garden City, New York, 1962, tr. 87.
[13] Trích lại trong : Thông điệp Hoà Bình Trên Thế Giới, Chân phước Gioan XXIII, Phần II, số 1.
[14] Trích lại trong : Thánh Tô-ma A-quy-nô, Tổng luận Thần học - về con người- Phần I, vđ.75-102, dg. Nguyễn Văn Liêm, OP. và cộng tác viên, Tp. HCM, 2003, tr.907.
[15] Encyclopedia of Catholic Doctrine, Our Sunday Visitor publishing, Huntington, Indiana, 1997, p.42.
[16] Xem thêm : Thánh Tô-ma A-quy-nô, sđd, tr. 906-907.
[17] Thánh Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II, dg. Giáo hoàng học viện thánh Pi-ô X, Đà Lạt, 1972, tr. 842.
[18] Thánh Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II, sđd, tr. 843.
[19] René Coste, Giáo hội và nhân quyền, tr.78.
[20] René Coste, sđd, tr.79.
[21] René Coste, sđd, tr.79.
[22] Bùi Đức Sinh o.p., Lịch sử Giáo hội Công Giáo, phần I, Sài Gòn, 1972, tr.321.
[23] Toà tra tôn giáo : (Inquisition), đôi khi cũng kêu là Bộ Thánh Vụ. Toà này đã có từ năm 1184 dưới triều Giáo hoàng Luciô III do các Giám mục và Khâm sai toà thánh nắm giữ, có mục đích truy tầm những người theo lạc giáo và trừng phạt những kẻ cố gây nhiễu loạn. Toà tra thực sự chấm dứt hẳn vào năm 1820 do Hiến pháp Tây Ban Nha quy định. (Nguồn : Bùi Đức Sinh o.p., sđd, tr.325-327)
[24] René Coste, sđd, tr.80.
[25] Trích lại trong : Nguyễn Thái Hợp, Chút này làm tin, tr. 107.
[26] GS, số 1.
[27] Xem thêm : Nguyễn Thái Hợp, Chút này làm tin, Dân Thân, Houston, 2003, tr. 111-117.
[28] Xem thêm : GS, số 36.
[29] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Đạo Đức Học, sđd, tr. 206-225.
[30] Thành Trị, Hiện tượng luận về hiện sinh, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá, Sài Gòn, 1969, tr. 111.
[31] Xem thêm : Nguyễn Trọng Viễn, Những căn bệnh trầm kha trong đời sống đức tin Công giáo tại Việt Nam, Lưu hành nội bộ, bài viết “Đạo Sinh Hoạt”.