Thứ Hai, 12 tháng 6, 2023

QUYỀN BÍNH TRONG ĐỜI SỐNG

Thời sự Thần học - Số 45, tháng 9 năm 2006. tr. 5-14. 

_Antôn Mai Văn Hùng_👨 


Nói đến quyền lực, có lẽ sẽ có người nghĩ rằng có một sự áp đặt nào đó của một hay một nhóm người này lên một hay nhiều người khác. Bởi, chúng ta đã từng có kinh nghiệm về một người nào đó thường dùng đến quyền phủ quyết, áp đặt ý kiến riêng của mình lên người khác, bắt họ phải tuân theo, và chúng ta vẫn thường nói rằng : Anh ta dùng quyền lực đấy mà ! Vậy, phải chăng đây cũng là một biểu hiện của quyền bính? Và quyền lực với quyền bính có là một hay chăng? Chúng ta thử cùng tìm hiểu.

1. Một vài sự phân biệt


Sẽ không thừa khi nhắc lại một vài khái niệm cho vấn đề về quyền bính trong đời sống. Quyền bính là một năng lực được con người sử dụng theo mục đích và định hướng của mình. Quyền bính có khi là quyền lực, dùng sức mạnh để bắt mọi người phải tuân theo trong hành động ; có khi nó là quyền uy, dùng quyền lực và uy thế trên người khác. Quyền bính gần với quyền uy hơn. Một cách đúng đắng, quyền bính trong đời sống phải được xây dựng trên quyền tự nhiên và quyền con người. Đây là những quyền căn bản được mọi người ghi nhận, cũng như chúng đã được ghi khắc trong lòng mỗi người và định hướng cho con người, cũng như hướng dẫn hành vi con người trong hoạt động sống.

a. Quyền lực[1] : nói đến quyền lực là bao gồm cả quyền hợp pháp và không hợp pháp, nhưng nó đều diễn tả một sức mạnh cưỡng chế dựa trên những phương tiện và biện pháp của một hay một nhóm người trên những cá nhân hay những nhóm người khác, bắt buộc họ phải có một hành vi nhất định. Như vậy, dù muốn hay không, quyền lực luôn là một sự áp đặt nào đó trên đời sống con người. Điều này có phần khác với quyền uy.

b. Quyền uy[2] : là mối liên hệ giữa người ra thông điệp và mệnh lệnh với người nhận thông điệp và mệnh lệnh. Điều này được diễn ra trong xã hội. Do đó, về bản chất mọi quyền uy đều là quyền uy xã hội. Khi một cá nhân hay một thể chế được trao cho hay được giành lấy trong những hoàn cảnh xã hội khác nhau, bao giờ cũng được sự thừa nhận chung của xã hội.

Theo Weber, quyền uy có nguồn gốc khác nhau : hoặc là do truyền thống, hoặc là do luật pháp, quy tắc được xã hội chấp nhận và hoặc là do một sự hấp dẫn. Tương ứng với những nguồn gốc, nó được thừa nhận bằng những phương thức khác nhau : hoặc là bằng sức mạnh của thói quen, truyền thống (nó là như vậy !), hoặc là bằng sức mạnh của luật pháp có tính cưỡng chế và hoặc bằng sức mạnh nêu gương, bằng sức thuyết phục về trí tuệ và tình cảm. Như vậy, một cách đúng đắng, quyền bính trong đời sống không phải tự bản thân cá nhân tạo lập nên, nhưng do xã hội thừa nhận và tạo điều kiện cho cá nhân thực thi những quyền ấy, cũng như những quyền căn bản của cá nhân được cộng đồng xã hội thừa nhận.

Những khái niệm trên làm sáng rõ hơn ý nghĩa của quyền bính . Nhưng đâu là ý nghĩa của việc sử dụng quyền bính trong đời sống của con người ?

2. Quyền bính cá nhân


Từ điển định nghĩa cá nhân là một con người riêng lẻ[3]. Khi xét cá nhân là một con người riêng lẻ, thì cá nhân là một hữu thể hoàn hảo trong sự kết hợp hài hoà không thể tách rời giữa hồn và xác. Ở mỗi cá nhân có sự độc lập mà cá nhân này không thể lẫn vào cá nhân khác trong đời sống. Hay nói cách khác, “Trong mỗi con người cũng như trong mỗi sự vật, hiện hữu là một đơn vị hay nhất tính khác với mọi cái khác và có những đặc tính không phải thiết yếu có những đặc tính giống hệt nhau”[4]. Cá nhân là một cái ngã vô tận, phong phú, độc nhất mà không thể có được nơi cá nhân khác. Không chỉ khác biệt giữa cá nhân này với cá nhân khác, mà cá nhân còn có quyền đòi hỏi và hình thành cho mình những quyền căn bản từ phía xã hội, tổ chức quyền tự do cá nhân bất khả xâm phạm. Kitô giáo nhìn nhận cá nhân như một nhân vị trước mặt Thiên Chúa và đồng loại. Trong Thiên Chúa, con người trọn vẹn là chính mình và cho mình, có quyền trên mọi tạo vật. Cùng với những cá nhân khác, con người ước vọng tạo nên một đời sống xã hội, mà nơi đó công bình và liên đới được triển nở.

Quyền bính cá nhân có được, trước hết dựa vào quyền con người. Đó là những quyền mà con người có được chỉ vì là con người[5]. Đã là người thì đương nhiên được thừa hưởng và được thừa nhận những quyền ấy, như : quyền được sống và sống xứng đáng, quyền được tự do trong mọi lãnh vực, trong hoạt động cũng như trong tư tưởng, quyền sở hữu, quyền bình đẳng giữa mọi người với nhau, quyền được nhà nước bảo vệ…. Từ những quyền căn bản trên, quyền bính cá nhân có thể được trao cho hay có thể được giành lấy bằng nhiều cách thế khác nhau như đã nói ở trên, như dùng quyền lực áp chế, hoặc bằng chính năng lực của mình. Mặt khác, theo thời gian, quyền bính cá nhân được củng cố trong đời sống, khi con người ý thức được vai trò cá nhân, là một nhân vị độc lập, không thể thay thế. Chính lúc ý thức được điều này, con người sử dụng quyền bính của mình một cách đúng đắn. Bởi cá nhân không chỉ sử dụng quyền bính cá nhân của mình, mà còn có trách nhiệm trên chính việc sử dụng quyền bính đó. Ayn Rand, một nhà văn, nhà triết học Mỹ khẳng định thêm : “Quyền đầu tiên của con người đó là quyền được là chính mình. Và nguyên lý đạo đức thiêng liêng nhất đó là đừng bao giờ chuyển sang những người khác chính mục đích của đời mình”[6].

Trong đời sống xã hội, quyền cá nhân là bất khả xâm phạm. Thế nhưng, không vì thế mà quyền ấy lại được đẩy lên một xu hướng “siêu tự do”, để rồi : “con người không chịu phục vụ người khác bất kể như thế nào (…) và, điều gì một người tự mình làm và do chính mình chứ không phải điều anh ta làm hay không làm cho những người khác”[7]. Bởi, cá nhân sống trong xã hội, nên khi nói đến quyền của một cá nhân là nói đến bổn phận của người khác phải tôn trọng quyền ấy, cũng như anh ta cũng phải có trách nhiệm của mình đối với người khác khi thực thi quyền bính của mình. Không có một thứ quyền bính nào mà lại không gắn liền với trách nhiệm, với cấp độ thấp nhất là trách nhiệm với chính anh ta. Vì vậy, quyền bính và bổn phận không thể tách rời nhau ngay trong một cá nhân và không thể nhìn nhận sự hiện hữu của quyền bính mà không có bổn phận và ngược lại[8]. Thực ra, trong đời sống xã hội cũng như trong các tổ chức khác nhau, rất nhiều khi và thường xuyên con người lạm dụng quyền bính cá nhân này. Đó là khi, con người hướng quyền bính cá nhân theo hướng quyền lực cá nhân, dùng quyền phủ quyết, áp đặt hoặc cưỡng chế bằng những biện pháp, bắt người khác phải thực thi theo ý của một cá nhân hay một nhóm người nào đó, mà bỏ qua yếu tố đối thoại cũng như việc chia sẻ trách nhiệm quyền bính cá nhân giữa con người với nhau trong đời sống. Một biểu hiện có lẽ dễ dàng nhận thấy nhất, là đề cao cái tôi cá nhân, dùng quyền bính cá nhân của mình, phủ quyết và quyết định tất cả, cho dù biết rằng điều đó ít đem lại lợi ích cho xã hội, cộng đoàn, đặt người khác vào chuyện đã rồi, phải chấp nhận. Thế giới hôm nay rất cần một sự đối thoại và chia sẻ. Đối thoại để con người có thể xích lại gần nhau, hiểu nhau và chia sẻ với nhau trách nhiệm trong một thế giới đang thay đổi. Đối diện với sự thay đổi và di dời của cuộc sống hôm nay, không lý gì chúng ta cứ phải bám lấy một thứ quyền lực ấu trĩ của cái tôi cá nhân được tạo nên trong quá khứ, hay của một thứ truyền thống nào đấy mà hôm nay còn mấy ai quan tâm, cũng như đang đi ngược lại với dòng chảy của lịch sử, của thời đại.

Bên cạnh quyền cá nhân, song song với nó có một thứ quyền bính cao hơn, đó là quyền bính xã hội. Quyền này được thực thi trong đời sống xã hội, nhưng nó vượt ra ngoài phạm vi đời sống và mang tính phổ quát. Quyền bính xã hội nhằm chi phối và đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia vào đời sống chung.

3. Quyền bính xã hội[9]


Chúng ta biết rằng, cá nhân không thể sống ngoài xã hội, nếu không muốn trở thành một con người đúng nghĩa. Hơn thế nữa, nhu cầu sống trong xã hội, tổ chức của mỗi cá nhân là nhu cầu cần thiết, đảm bảo cho cá nhân thực thi quyền bính của mình trong đời sống. Đồng thời, để quyền bính xã hội được thực thi, thì yếu tố cá nhân không thể thiếu. Ở đây, cá nhân đóng vai trò là người đại diện cho quyền bính xã hội. Một quốc gia, tổ chức, hay một tập thể đều cần đến người lãnh đạo, như thể một thân thể phải có đầu. Điều này tạo nên tiếng nói chung, đảm bảo tính thống nhất và ổn định xã hội.

Quyền bính xã hội là một năng lực vô hình được xã hội thừa nhận. Nó vừa có tính bó buộc, áp đặt khó thay đổi lại vừa có thể tự do kiến tạo và lựa chọn những gì đem lại sự phát triển xã hội. Quyền bính xã hội tác động lên các cá nhân ở những mức độ khác nhau, trong những hoàn cảnh cụ thể. Thông thường, quyền bính xã hội mang lại sự ổn định của xã hội, tổ chức cũng như tạo nên một môi trường thuận lợi để con người và quyền lợi con người được tôn trọng. Bên cạnh đó, nó cũng là cái chuẩn, cái giới hạn cho con người biết được đâu là phạm vi của quyền tự do cá nhân trong đời sống.

Quyền bính xã hội cũng được đồng hoá với quyền lực tối cao của nhà nước, thông qua pháp luật mọi người được bảo vệ và bình đẳng với nhau. Cũng vậy, qua pháp luật, các quyền tự nhiên của con người được bảo đảm. Pháp luật nhìn nhận quyền sống của con người, không ai có thể xâm phạm đến thân xác hay giết hại người khác, cũng như họ có quyền công dân, quyền có sở hữu, quyền được hưởng các phúc lợi xã hội, quyền tự do trong hành động, tư tưởng, cùng tự do tôn giáo…. Đồng thời, “các quyền tự nhiên giới hạn uy quyền của chính phủ, do đó nếu chính phủ vi phạm các quyền của công dân, thì các công dân có quyền lật đổ chính phủ”[10]. Mặc dầu vậy, nhưng không phải bất cứ một xã hội nào cũng có thể đáp ứng được mọi quyền con người, mà nó sẽ được hoàn thiện lần theo thời gian.

Đối với quyền bính xã hội, tổ chức luôn gắn liền với người lãnh đạo hay một nhóm người, mà qua đó quyền bính được thực thi. Nó là công cụ để người lãnh đạo thực thi quyền hạn mà xã hội, tổ chức trao phó cho. Hay nói cách khác, quyền bính giúp cho người lãnh đạo thi hành trách nhiệm mà bản thân họ đã nhận lãnh. Chính vì thế, quyền bính xã hội có thể bị lạm dụng từ những quyền lực cá nhân. Người lãnh đạo dùng quyền lực cá nhân chi phối mọi quyền lợi, quyết định trên người khác, bắt người khác phải phục tùng và làm theo ý mình. Một khi đã có quyền hành, anh ta có thể nhân danh công ích mà bắt người khác phục vụ cho tư lợi cũng như nhằm thoả mãn quyền lực cá nhân của anh ta. Lúc này, quyền bính xã hội trở thành quyền cai trị trên người khác, biến người khác thành nô lệ cho quyền bính của mình. Điều này được thấy rất rõ ở các thể chế, cơ cấu chuyên chế, họ thường sử dụng quyền lực, vị thế, sự ảnh hưởng của mình để loại trừ người khác không cùng quan điểm.

Đến hôm nay, trong một thế giới phát triển, tính độc tài của những người lãnh đạo trong các phạm vi lớn nhỏ khác nhau đã được cải thiện, nhưng nó vẫn còn đó dưới những hình thức khác nhau. Qua những sắc lệnh, những quy định, những hướng dẫn…, ta vẫn có thể dễ dàng nhận ra quyền bính cá nhân được núp bóng dưới quyền bính xã hội, tổ chức để áp đặt lên người khác[11]. Từ những gì đã biết, chúng ta nhận thấy, quyền bính xã hội ngày một hướng đến một sự toàn vẹn hơn. Mặc dầu, nó vẫn mang trong mình những yếu kém, hạn chế, nhưng dầu sao, nó đã được xây dựng bởi những con người có ý thức cá nhân cao. Hay nói cách khác, con người đã ý thức hơn về vị thế của mình trong quá trình chọn lựa quyền bính xã hội. Đồng thời, quyền bính xã hội ngày một hoàn thiện hơn, khi ý thức và trở về với các nguyên tắc vốn có của nó là : “Quyền tự nhiên (cá nhân) không thể bị quyền lập pháp (xã hội) huỷ bỏ hay vi phạm trong bất cứ trường hợp nào”. Cũng thế, “Những quyền lợi không cần thiết phải nhường bước cho quyền lợi cần thiết hơn”[12].

4. Ý nghĩa của việc sử dụng quyền bính trong đời sống


Việc sử dụng quyền bính hôm nay, mang dáng dấp của việc sử dụng quyền lực cá nhân hơn là những gì mà quyền bính mang đến. Nó đang xâm nhập vào từng ngóc ngách của cuộc sống, từ môi trường gia đình cho đến đoàn thể, tổ chức và rộng lớn hơn là môi trường xã hội. Đây là kết quả của việc “đề cao quá đáng quyền của cá nhân mà không kể gì đến cộng đoàn, hoặc nhấn mạnh quá nhiều quyền cá nhân của vợ chồng, của con cái, ngược lại lợi ích của gia đình và cộng đoàn”[13]. Mở rộng ra, đối với đời sống xã hội cũng vậy, xã hội được xây dựng từ những con người sống trong môi trường quá đề cao vai trò cá nhân, thì chắc chắn việc sử dụng quyền lực cá nhân trong xã hội là điều khó tránh khỏi. Vì thế, ý nghĩa của vấn đề sử dụng quyền bính trong đời sống là rất lớn. Bởi nó góp phần tạo nên môi trường sống và não trạng của con người trong đời sống xã hội.

Việc sử dụng quyền bính, trước tiên là sự trưởng thành của ý thức cá nhân trong tự do chọn lựa. Bởi, khi người ta ý thức được điều mình làm là lúc người ta dám chịu trách nhiệm trước những gì mình đã làm. Tự do chọn lựa trong ý thức có ý nghĩa rất lớn trong việc sử dụng quyền bính. Phần lớn người ta thường nhân danh vì lợi ích của đoàn thể, xã hội để làm một điều gì đó, trong khi chính họ được hưởng phần nhiều hoa lợi. Thế nhưng, khi có vấn đề từ chính những gì họ đã làm, thì trách nhiệm lại thuộc hoàn toàn vào đoàn thể hay xã hội. Đời sống của đoàn thể, xã hội hôm nay đâu thiếu những con người như thế. Vì vậy, sống với ý thức trách nhiệm cá nhân là điều nên làm và nên củng cố trước khi đề cao quyền tự do cá nhân, cũng như quyền bính cá nhân.

Quyền bính cá nhân luôn đi đôi với quyền bính xã hội, chúng không đối lập nhau mà còn có mối liên hệ tương hỗ với nhau. Quyền bính cá nhân giúp cho con người ý thức trách nhiệm hơn với bản thân và với những người khác cùng sống trong xã hội. Đồng thời, môi trường xã hội là nơi quyền bính cá nhân được nhìn nhận và triển nở. Tuy nhiên, ở bất cứ trường hợp nào, khi quá đề cao một thứ quyền bính nào đó, thì nó đều có những điều bất cập và thiên lệch. Do đó, có lẽ nên tuân thủ nguyên tắc đã nói ở trên, khi áp dụng cho đời sống xã hội : “Quyền tự nhiên (cá nhân) không thể bị quyền lập pháp (xã hội) huỷ bỏ hay vi phạm trong bất cứ trường hợp nào”. Cũng thế, “Những quyền lợi không cần thiết phải nhường bước cho quyền lợi cần thiết hơn”.

Tạm kết


Quyền bính là một nguyên tắc có thực mang tính vô hình, nó được hiện thực hoá qua pháp luật của một quốc gia, hay là những nguyên tắc sống, trí tuệ, tình cảm của mỗi cá nhân con người. Nói đến quyền bính, cũng là nói đến tính tương giao giữa những cá nhân trong xã hội, đoàn thể hay tổ chức. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống con người. Quyền bính của con người vượt xa và khác biệt với loại quyền của con vật. Đối với con vật, con mạnh hơn, dữ hơn là con có quyền thế trên con (loài) yếu hơn. Còn con người sống theo nhân vị của mình trong pháp luật, con người tránh được bạo động của con vật và hướng đến một sự tự do đích thực.

Thế nhưng, trong chính con người cá nhân vẫn có mầm mống của thú tính nơi con vật. Không thiếu những khi con người lạm chiếm quyền bính, để rồi biến người khác thành nô lệ, bắt người khác phải phục tùng và theo ý của mình. Tính tương giao nhân vị giữa con người với nhau bị phá vỡ, chính lúc này tha nhân là hoả ngục của tôi, mà J.P. Sartre đã từng phát biểu. Vì thế, quyền bính cá nhân hay quyền bính xã hội đều phải hướng đến một thực tại chung, cao hơn, vượt xa những thực tại hiện hữu vốn có của quyền bính. Thực tại ấy chính là Chân Lý, là đích điểm mà đời sống con người hướng đến.

Tài liệu tham khảo

  • Alain Laurent, Lịch sử Cá nhân luận, Phan Ngọc dịch, Nxb. Thế giới, 1999.
  • Nguyễn Lân, Từ điển Từ và ngữ Việt Nam, Nxb. Tp. HCM, 2000.
  • Trần Văn Hiến Minh, Từ điển danh từ triết học, Tủ sách ra khơi, Sài Gòn 1966.
  • Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học Tây phương, Tập III, Nxb. Tp. HCM, 2000.
  • Trần Văn Toàn, Xã hội và con người, Nam Sơn xuất bản, 1967.
  • Lê Thành Trị, Học thuyết Xã hội – Nhân vị duy linh, Tủ sách triết học, 1959.
  • Nguyễn Khắc Viện, chủ biên, Từ điển Xã hội học, Nxb.TG, Hà Nội, 1994.

[1] Xc. Nguyễn Khắc Viện, chủ biên, Từ điển Xã hội học, Nxb.TG, Hà Nội, 1994, Xem theo mục từ.
[2] Xc. Nguyễn Khắc Viện, Sđd. Xem theo mục từ.
[3] Xc. Nguyễn Lân, Từ điển Từ và ngữ Việt Nam, Xem theo mục từ, Nxb. Tp. HCM, 2000 & Trần Văn Hiến Minh, Từ điển danh từ triết học, Xem theo mục từ, Tủ sách ra khơi, Sài Gòn 1966.
[4] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học Tây phương, Tập III, Nxb. Tp. HCM. 2000, tr. 239.
[5] Nguyễn Khắc Viện, Sđd, tr. 238, Xem theo mục từ.
[6] Trích lại, Alain Laurent, Sđd, tr.147.
[7] Alain Laurent, Sđd, tr.147.
[8] Xc. Lê Thành Trị, Học thuyết Xã hội – Nhân vị duy linh, Tủ sách triết học, 1959, tr.167.
[9] Tên gọi : “Quyền bính xã hội”, chỉ là một cách goi chung cho những quyền bính ngoài Quyền bính cá nhân, Chú thích theo người viết.
[10] Nguyễn Khắc Viện, Sđd. Xem theo mục từ “Quyền tự nhiên”, tr.241.
[11] Xc. Trần Văn Toàn, Xã hội và con người, Nam Sơn xuất bản, 1967, tr. 63-111.
12] Lê Thành Trị, Sđd, tr. 165 ; 166.
[13] Trích tài liệu về Gia đình của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu lần VIII, tháng 8-2004, số 85.