Thời sự Thần học - Số 91, Tháng 2 Năm 2021, tr. 13-38.
_José Cristo Rey García Paredes, C.M.F._
Tác giả là một linh mục thuộc Dòng Thừa sai Claret, giáo sư Học viện thần học đời sống thánh hiến ở Madrid. Trong bài này, thánh Giuse được giới thiệu (1) dưới “bức chân dung” chính thức và (2) dưới “bức chân dung thần học” qua tám mục từ: tên gọi, người chồng, kẻ bị gạt bỏ, kẻ bị thử thách, người gìn giữ Chúa Cứu thế, người thợ mộc, dấu chỉ tình cha, người bị sỉ vả.
Nguồn : http://www.xtorey.es/?p=3480
Ai ai cũng đã biết bức chân dung chính thức, nghĩa là được trình bày trong những văn kiện chính thức của Giáo hội. Ngày 8 tháng 12 năm 1870, thánh nhân được Đức thánh cha Piô IX tuyên bố là Đấng Bảo trợ của Hội thánh, đáp lại thỉnh nguyện của các nghị phụ công đồng Vaticanô I. Với thông điệp Quemadmodum Deus, ngày lễ của Người cũng nâng lên bậc trọng thể (duplex primae classis, theo cấp bậc phụng vụ thời đó). Để kỷ niệm biến cố ấy, vào năm 1970, một hội nghị quốc tế được tổ chức dưới chủ đề: “Thánh Giuse trong 15 thế kỷ đầu tiên của Hội thánh”.
ĐTC Lêô XIII tuyên bố rằng:
Không ai được chức phẩm cao cả hơn Thân mẫu của Thiên Chúa; tuy nhiên, xét vì mối dây hôn phối giữa thánh Giuse với Maria, không thể nào nghi ngờ rằng thánh Giuse cũng đến gần chức phẩm cao vời ấy[1]
Thánh Giuse được đưa vào kinh nguyện phụng vụ của Giáo hội khá muộn. Mãi đến
năm 1726, tên của Người mới được đưa vào Kinh cầu các thánh, sau thánh Gioan
Tẩy giả, do sắc lệnh của ĐTC Bênêđictô XIII. Người ta cũng đề nghị đưa tên
ngài vào Lễ Quy Rôma (nay là Kinh nguyện Tạ ơn I), nhưng Bộ Nghi Lễ đã trả lời
phủ định vào ngày 16/9/1815.
Phụng vụ canh tân dưới thời ĐTC Phaolô VI đã nêu bật chính xác vai trò độc đáo của ngài trong lịch sử cứu độ, tương ứng với sứ mạng đặc biệt trong mầu nhiệm Nhập thể.
§ Ca nhập lễ: trích từ dụ ngôn về các đầy tớ đợi chờ ông chủ đi tiệc cưới trở về (Lc 12,42).
§ Lời nguyện nhập lễ: Lạy Chúa, Chúa đã giao phó những mầu nhiệm tiên khởi của việc cứu độ nhân loại cho thánh Giuse trung tín giữ gìn; nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, xin cho Giáo hội biết cẩn thủ trung thành các mầu nhiệm ấy và đạt tới sự sung mãn trong sứ mạng cứu độ.
§ Bài đọc I (2Sm 7,4-5.12-14.16): lời hứa về đấng Mêsia thuộc dòng dõi Đavít.
§ Thánh vịnh 88: trích những câu nói về lời hứa cùng vua Đavít và về giao ước.
§ Bài đọc II (Rm 4,13.16-18.22): đức tin của ông Abraham.
§ Tin Mừng (Mt, 1,16-18.21-24): Gia phả (generatio) của Đức Kitô và truyền tin cho ông Giuse. Đây là một lễ của sự “sinh hạ” (genuit) nhìn từ phía các tổ phụ, chứ không phải sự sinh hạ của một trinh nữ.
§ Lời nguyện trên lễ vật: “xin biết phục vụ với tấm lòng thanh khiết như thánh Giuse đã hết lòng phục vụ Con Chúa”.
§ Ca hiệp lễ: người tôi tớ trung tin vào dự tiệc của ông chủ (Mt 25,21).
§ Lời nguyện hiệp lễ: Gia đình đã hân hoan mừng lễ thánh Giuse. Hội thánh được ví như gia đình của Chúa.
ĐTC Gioan XXIII đã đưa tên thánh Giuse vào Lễ Quy Rôma. Ngài cũng đặt công đồng Vaticanô II dưới sự bảo trợ của thánh Giuse[2]. Ngày 1/5/2013, Bộ Phụng tự đã quyết định đưa tên thánh Giuse vào các Kinh nguyện Tạ ơn II, III và IV.
Ngoài lễ thánh Giuse mừng vào ngày 19 tháng 3, còn có lễ thánh Giuse lao động vào ngày 1 tháng 5. Thánh nhân được nhận làm bổn mạng của sự chết lành, gương mẫu của đời sống nội tâm. Trong Tông thư “Le voci”, ĐTC Gioan XXIII viết như sau:
Ngoại trừ vài đoạn văn hiếm hoi của các giáo phụ, thánh Giuse đã ẩn kín suốt nhiều thế kỷ, tựa như một nét trang trí trong bức tranh của cuộc đời Chúa Cứu thế. Cần phải trải qua một thời gian dài thì việc tôn kính thánh Giuse mới thâm nhập vào con mắt và đi vào trái tim của các tín hữu, và nảy sinh một trào lưu đặc biệt về các kinh nguyện và về lòng tin tưởng phó thác. Những niềm vui hớn hở này được dành cho thời cận đại.[3]
ĐTC Gioan XXIII thâm tín rằng đã đến một giai đoạn mới: đã đến thời muôn dân
tung hô thánh Giuse tiếp sau giai đoạn thinh lặng và ẩn kín của ngài, như ĐTC
Piô XI đã loan báo ngày 19 tháng 3 năm 1928, khi suy nghĩ về lòng tôn kính
thánh nhân trong một bối cảnh mới:
Thật là thú vị khi chiêm ngắm hai khuôn mặt vĩ đại vốn đi kề bên nhau ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Hội thánh. Trước hết, khuôn mặt của thánh Gioan Tẩy giả, nổi lên trong hoang địa, có khi với lời lẽ có lúc như sấm có lúc êm ái, có lúc như sư tử gầm rống có lúc như người bạn hớn hở vì vinh quang của Chàng Rể … Kế đến là thánh Phêrô… Ở giữa hai nhân vật vĩ đại ấy, giữa hai sứ mạng ấy, xuất hiện sứ mạng của thánh Giuse, một con người qua đi cách thầm lặng, hầu như âm thầm, chẳng ai để ý, khiêm tốn và thinh lặng, một sự thinh lặng mãi về sau này mới rạng sáng lên[4].
II. Thánh Giuse theo một vài nhà thần học trong quá khứ
Cha Francisco Suárez S.J., được xem như người khai mào môn Thánh-mẫu-học[5], đã tự hỏi:
Thánh Augustinô đã chẳng nói cách chí lý rằng Đức Maria được cao trọng bởi vì đã mang Chúa Giêsu trong trái tim chứ không phải bởi vì đã cưu mang Người trong dạ đấy ư? Chúa Giêsu đã chẳng nói rằng sự cao cả của thân mẫu hệ ở chỗ đã tin, đã đón nhận Lời, đã tuân hành, chứ không phải vì đã cưu mang, sinh đẻ Người và cho bú đấy ư ?[6]
Như thế, “được làm nghĩa tử” thì lớn hơn là “làm mẹ” của Thiên Chúa. Và tác
giả trả lời:
Cần phải xét chức vị này một cách khác, bởi vì là một sự kết hợp đặc biệt với Thiên Chúa, sự kết hợp mà thánh Tôma và cha Cajêtano gọi là “thân thuộc với Thiên Chúa”; dưới khía cạnh này thì quả là khó khi so sánh việc làm Mẹ Thiên Chúa và việc làm nghĩa tử với nhau; bởi vì chúng thuộc về hai hệ trật khác nhau, và một cách nào đó chúng vượt trội lẫn nhau[7].
Thật là một suy tư thú vị! Từ đó, chúng ta có thể nói rằng thánh Giuse có phúc
vì đã tin và đón nhận Lời Chúa hơn là đã sinh ra Đức Giêsu, là một chuyện đã
không xảy ra! Đối với cha Suarez, thánh Giuse thực sự là chồng của Đức Maria,
“cha của Đức Kitô”, là chỉ huy và đứng trên đức trinh nữ Maria, và Chúa Giêsu
đã vâng phục Người.
Cha Suarez cũng đặt câu hỏi về căn cước của thánh Giuse khi so sánh với các thánh Tông đồ. Theo thánh Tôma Aquinô, chức vụ tông đồ “cao trọng nhất trong Tân Ước”. Cha Suarez đưa ra câu trả lời như sau:
Chức vụ của thánh Giuse không thuộc về Tân Ước, cũng chẳng thuộc về Cựu Ước, nhưng thuộc về Đấng là tác giả của cả hai, là viên đá nối kết cả hai giao ước[8].
Liên quan đến “nguyên lý căn bản của thần học thánh Giuse”, cha Bonifacio
Llamera O.P. viết như sau:
Có hai nguyên lý làm nền tảng cho tất cả thần học thánh Giuse: một là sự kết hợp với Đức Maria do hôn nhân, và hai là chức vụ làm cha bên cạnh Chúa Giêsu. Hai nguyên lý đều là nền tảng, nhưng không có giá trị đồng đều và trên dưới. Tất cả thần học thánh Giuse có một nền tảng đầu tiên và chính yếu: hôn nhân liên kết Người với Đức Maria, thân mẫu Đức Kitô … Tân Ước cho chúng ta biết rất ít điều về cuộc đời và các nhân đức của thánh Giuse, nhưng lại nói rất nhiều khi gọi Người là Chồng của Trinh nữ: “Ông Giuse, chồng của cô”, và nơi khác “Ông Giacóp sinh ra ông Giuse là chồng của bà Maria”. Ra như các thánh sử muốn nói: “Quý vị muốn tôi nói một lời về ông Giuse là ai phải không, thì đây: ông là Chồng của bà Maria, thân mẫu Thiên Chúa[9].
ĐTC Phaolô VI đã yêu cầu nghiên cứu thêm về thánh Giuse,
ngõ hầu dân Thiên Chúa có khả năng hiểu biết tường tận và trân trọng vị trí độc đáo mà Chúa Quan phòng đã ủy thác cho thánh Giuse, kết hợp với Đức Maria là vợ mình, trong mầu nhiệm của Đức Kitô và của Hội thánh[10].
Vì thế đã có nhiều bài nghiên cứu thần học về thánh Giuse, và sự thành hình
của môn Josephologia, phát triển khá mạnh trong các thập niên 70 và 80 của thế
kỷ XX, với nhiều sách báo và công trình khảo cứu. Tuy nhiên, khi bước sang thế
kỷ XXI, xem ra đà tiến đã khựng lại. ĐTC Gioan Phaolô II đã muốn thúc đẩy việc
tôn kính và học hỏi thánh Giuse, cách riêng qua việc ban hành Tông huấn
Redemptoris Custos được ký ngày 15 tháng 8 năm 1989 (tuy chỉ được phổ biến vào
ngày 24 tháng 10 cùng năm). Tông huấn này họp thành một bộ ba, cùng với hai
thông điệp “Redemptor Hominis” và “Redemptoris Mater”. Nội dung của văn kiện
“”Đấng gìn giữ Chúa Cứu thế” muốn giới thiệu “dung mạo và sứ mạng của thánh
Giuse trong cuộc đời của Chúa Giêsu và của Hội thánh”.
§ Sau một dẫn nhập ngắn, § văn kiện nhìn lại dung mạo của thánh Giuse theo Tin Mừng và truyền thống Giáo hội (số 2-16),
§ chú trọng đến sứ mạng của thánh Giuse trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (số 17-29)
§ và bầu khí thinh lặng bao phủ thân thế của Người (số 25-27);
§ cuối cùng ĐTC nói đến thánh Giuse như là “Đấng Bảo trợ Hội thánh”.
III. Chân dung thần học thánh Giuse ngày nay
Nhiều người tự hỏi thánh Giuse làng Nadarét (hoặc Giuse làng Belem) có ý nghĩa gì đối với cuộc đời của Đức Maria, cuộc đời của Đức Giêsu, đời sống của Hội thánh và của nhân loại? Người có điều gì muốn nói với chúng ta không?
Việc chiêm ngắm thánh Giuse mang lại nhiều ích lợi, bởi vì giúp chúng ta hiểu biết nhiều điều về Đức Maria, về Chúa Giêsu, về cộng đoàn tín hữu. Tôi muốn vạch ra một bức chân dung thần học và tâm linh của Người với tám nét: tên gọi, chồng của bà Maria, kẻ bị gạt bỏ, kẻ bị thử thách, người gìn giữ, người thợ, bí tích, người chịu sỉ vả.
1. Tên người là Giuse
Tên của người là Giuse, thuộc dân Do thái. Họ hàng thân thuộc của người đều mang tên Do thái hoặc các tổ phụ, chẳng hạn như Maria, Giêsu (hoặc Giosuê), Giacôbê, Giuđa, Simon. Vào thời ấy (thế kỷ 1cn), nhiều người Do thái mang những tên không mấy quen thuộc với truyền thống dân tộc (chẳng hạn Andreas, Tôlomê). Giuse là một tên gọi thuộc hậu duệ của Đavít, như thiên sứ đã gọi: “Này ông Giuse, con vua Đavít”.
Trong tiếng Do thái, Giuse là một từ gọi tắt (cũng tựa như bên Mỹ, Joe là tiếng tắt của Joseph). Hình thức đầy đủ là Ja-asaf (hoặc Jahweh aspa), theo tầm nguyên là một lời cầu xin Thiên Chúa: “Xin Chúa tăng thêm”. Tên gọi này hàm ngụ một ước muốn có hậu duệ, con cái đông đúc…
Tên Giuse gợi lên một vị tổ phụ, con của ông Giacóp, được nói đến trong những chương cuối cùng của Sách Sáng thế. Khi song thân (theo Mátthêu, thân phụ thánh Giuse cũng tên là Giacóp) đặt tên này cho con mình, có lẽ họ cũng nghĩ rằng đứa bé sẽ là một Giuse “mới”. Và có lẽ khi thánh sử Mátthêu thuật lại cuộc đời thánh Giuse thì cũng nghĩ đến tổ phụ Giuse đã bị anh em bán sang Ai-cập, và ông đã giúp cho dân tôc này được tồn tại khi nạn đói xảy ra.
Tuy nhiên, có một sự trái ngược giữa danh và thực trong cuộc đời của thánh Giuse, bởi vì Người không phải là hạt giống sinh sôi nảy nở. Trong các gia phả của Mátthêu (Mt 1) và Luca (Lc 3), ta thấy những người đàn ông đã “sinh ra”: họ được Thiên Chúa chúc lành với ơn được “tăng gia”. Người đàn ông duy nhất bị loại khỏi vòng tăng gia là Giuse, “chồng của bà Maria”. Bởi vì khi ta nghĩ rằng mạch văn sẽ tiếp tục “và ông Giuse sinh ra Đức Giêsu bởi bà Maria” thì tác giả lại viết: “ông Giacóp sinh ông Giuse, là chồng của bà Maria, do bà mà Đức Kitô sinh ra”.
2. Chồng của bà Maria
Về điểm này, ông Giuse cũng có điều khác thưởng. Theo tục lệ Do thái, lẽ ra phải nói bà Maria là “vợ của ông Giuse”. Trong một xã hội gia trưởng, vợ lấy tên họ của chồng. Đàng này thì không. Ông Giuse được xác định căn cước dựa theo vợ: ông là “chồng của bà Maria”. Cho đến này, chưa ai biết gì đến căn cước của bà Maria trước khi kết hôn; các thánh sử chỉ nói rằng bà là “trinh nữ”. Không ai biết lai lịch gốc gác của bà Maria như thế nào, thế mà ông Giuse được mô tả như là “chồng của bà Maria”. Như vậy là mô hình gia trưởng đã bị phá vỡ. Không phải là ông Giuse “sinh ra”. Không phải là ông xác định căn cước cho bà, nhưng bà là người sinh Con và xác nhận căn cước cho Chồng.
Có nhiều chuyện khiến cho ông Giuse phải lo sợ. Điều quan trọng nhất như sau: bà Maria đã cử hành lễ đính hôn với ông theo phong tục Do thái, nhưng chưa được đón về nhà chồng (tức là chưa làm lễ cưới), thế mà bà đã có thai. Do ai? Do Thiên Chúa: chuyện gì kỳ lạ vậy! Ông Giuse là người công chính, rất gần gũi với Thiên Chúa, nhận ra rằng lấy một người đàn bà như thế làm vợ là chuyện “quá mức”. Ông biết bà là một kẻ thánh thiện, tinh tuyền. Ông không hoài nghi về chuyện bà ngoại tình. Tình địch của ông (nếu được phép dùng từ ngữ này) là chính Thiên Chúa, và ông không biết phải xử sự thế nào. Vì thế ông quyết định “rút lui”, bỏ bà cách âm thầm, điều này cho thấy tâm trạng xao xuyến của ông.
Chính vào lúc ấy Thiên Chúa bày tỏ cho ông Giuse biết rằng ngài cũng cần đến ông chứ không chỉ cần đến bà Maria mà thôi. Trước hết, Chúa cần đến ông làm chồng của bà Maria: “Đừng sợ lầy Maria làm vợ”. Kế đến, Chúa muốn ông đặt tên cho người con của bà Maria, nghĩa là nhìn nhận làm con cùa mình, và hãy trung thành suốt đời với việc nhìn nhận này. Đây không chỉ là hành vi nhận dưỡng tử, nhưng còn có gì mạnh hơn nữa. Hài nhi mà ông nhận làm con, là con của bà vợ về tinh thần. Thiên Chúa là Cha của Hài nhi ấy muốn cho ông Giuse tỏ ra là “bí tích” của ngài, làm đại diện thay cho ngài. Và ông Giuse đã thưa “fiat”, “ông đã làm như lời thiên sứ đã bảo”.
Người chồng của bà Maria đã thực thi trách nhiệm của mình đến tột điểm, đó là làm cha của đứa con được sinh ra hoàn toàn chỉ bởi bà Maria. Không phải là bà Maria và ông Giuse có hai sứ mạng khác nhau, nhưng cả hai đều có cùng chung một sứ mạng. Cả hai được kêu gọi có một trái tim, một linh hồn, và tất cả là của chung. Thiên Chúa không muốn cho Con của Ngài sống trong một khung cảnh gia đình bị chia rẽ, kỳ thị, thuần túy mẫu hệ. Tất cả mọi sự đều là của chung. Đức Giêsu và bà Maria, bà Maria và ông Giuse là khởi đầu của một hình thức hiệp thông mới, bởi vì, như thánh Augustinô đã nói, các mối tình mạnh mẽ là các mối tình được Chúa “dán chặt”. Con Thiên Chúa là “hồng ân” của tổ ấm Nadarét. Ở đó, không thể thiếu ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần.
3. Kẻ bị gạt bỏ
Việc ông Giuse bị gạt bỏ khỏi mầu nhiệm thụ thai Đức Giêsu là một dữ kiện kỳ lạ, xét trong văn hóa và phong tục của dân Israel. Điều này phá vỡ mô hình phụ hệ cổ truyền, qua việc hạ giá sự đóng góp của nam giới trong việc thụ thai Đức Giêsu. Tất cả sự góp phần về phía loài người vào việc thụ thai này được dồn về phía bà Maria. Hẳn nhiên, ông Giuse trở thành chồng của bà Maria, theo ý muốn của Thiên Chúa. Ông làm như thiên sứ đã yêu cầu (ông đã thưa fiat !) :
Trong suốt cuộc đời như một cuộc lữ hành trong đức tin, thánh Giuse cũng như Đức Maria, luôn tuyệt đối trung thành với tiếng gọi của Thiên Chúa cho đến cùng. Cuộc đời của Đức Maria là sự thể hiện tột đỉnh của lời fiat của ngày Truyền tin, còn thánh Giuse – như chúng ta đã thấy - Người chẳng nói gì khi được “truyền tin” nhưng chỉ “tuân hành như lời thiên sứ đã dạy” (Mt 1,24). Và việc “tuân hành” đầu tiên này là khởi đầu “hành trình của thánh Giuse”. Suốt cuộc theo hành trình đó, các sách Tin Mừng không ghi lại một lời nói nào của Người, nhưng sự im lặng của thánh Giuse mang một tính hùng hồn đặc biệt: chính nhờ sự im lặng đó, người ta có thể hiểu được đầy đủ chân lý hàm chứa trong nhận định của Tin Mừng về thánh Giuse: “Đấng Công chính” (Mt 1, 19)[11].
Bà Maria và ông Giuse đã đính hôn và sau đó kết hôn. Thánh Mátthêu và Luca, tuy đã minh thị nói rằng ông Giuse là chồng của bà Maria (Mt 1,16.19-20; Lc 1,27), hoặc là cha của Đức Giêsu (Mt 13,55; Lc 3,23; 4,22; Ga 1,45; 6,42), nhưng hoàn toàn gạt bỏ ông Giuse khỏi việc thụ thai Đức Giêsu. Điều này thật là kỳ lạ!
Thật vậy, cả hai thánh sử đã móc nối ông Giuse với một dòng gia phả dài. Trong bản gia phả đi ngược lên đến ông Abraham, và thậm chí lên đến ông Ađam và Thiên Chúa, họ nêu bật việc các người đàn ông “sinh ra”. Trong bản gia phả của Mátthêu, mỗi khi các phụ nữ xuất hiện thì cũng là các ông “sinh ra”, nhưng “do” một phụ nữ. Khi tới ông Giuse, thì ông này bị gạt bỏ hoàn toàn khỏi việc sinh ra. Sự sinh ra hoàn toàn thuộc về vợ của ông là bà Maria. Công tác duy nhất dành cho ông, dựa theo Tin Mừng Mátthêu, là “đặt tên” cho người con của bà Maria: “Ông sẽ đặt tên Giêsu cho trẻ” (Mt 1,21); ngược lại, theo Tin Mừng Luca, ông Giuse không được giao một công việc nào hết, kể cả việc đặt tên, bởi vì thiên sứ nói với bà Maria rằng: “Bà sẽ mang thai, sinh con và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31). Ngoài ra, Sách Thánh còn viết rằng: ông Giuse “không biết đến bà” (Mt 1,25); và bà Maria, người mẹ tương lai, tự xưng là “không biết đàn ông” (Lc 1,34).
Tin Mừng Máccô không hề nhắc đến ông Giuse là cha của Đức Giêsu, nhưng lại nói đến bà mẹ của Đức Giêsu (Mc 3,31-32), hoặc nói đến Đức Giêsu như là “con của bà Maria” (Mc 6,3) nhưng không nói là con ông Giuse! Thánh Phaolô không để ý đến ông Giuse, và chỉ một lần nhắc bà Maria cách đại khái như là “sinh bởi người phụ nữ” (Gl 4,4).
Việc gạt bỏ ông Giuse như là người cha sinh lý của Đức Giêsu, trong các trình thuật thời thơ ấu cũng như ở giai đoạn tiếp theo là một chi tiết đáng lưu ý, đặc biệt khi nghĩ đến tầm quan trọng của người cha trong tâm thức Do thái. Thế nhưng, trong các trình thuật thời thơ ấu của Đức Giêsu, vai trò chính thuộc về bà mẹ là Maria. Đức Giêsu là con của bà, chứ không phải là con của ông Giuse.
Tuy vậy, ông Giuse, chồng của bà Maria, là mắt xích để gắn Đức Giêsu với dân Thiên Chúa và với nhà Đavít. Qua ông Giuse, Đức Giêsu được móc nối với các nhân vật quan trọng của dân Israel (Đavít, Abraham) và mãi đến tận “Thiên Chúa” (trong gia phả của Luca).
Các nguồn mạch ấy có đúng không? Liệu có thể khám phá đằng sau các bản văn của Mátthêu và Luca sự kiện Đức Maria thụ thai mà không do sự hợp tác của ngưởi nam không?
Đối với chúng ta, là những người có đức tin, các nguồn tài liệu này rất đáng tin cậy. Chúng ta chấp nhận các Sách Thánh này và nhất là chấp nhận cộng đoàn đã truyền lại các sách ấy cho chúng ta: chấp nhận một đám mây nhân chứng. Đối với người tín hữu, Kinh Thánh là cái gì lớn hơn một cuốn sách: nó là cung điện của Thiên Chúa mặc khải. Chúng ta tiếp cận Kinh Thánh, để đọc nó “trong Thánh Linh”. Người tín hữu không đi tìm trong Kinh Thánh các thông tin, các kiến thức, nhưng là sự tiếp cận với mầu nhiệm Thiên Chúa, được mặc khải nơi Đức Kitô Giêsu. Người tín hữu cũng biết rằng khi họ tiếp cận với Sách thánh là họ kết hợp với hàng tỉ người tín hữu, suốt 20 thế kỷ của Kitô giáo, đã trải nghiệm Lời Chúa thấm nhập đến chỗ sâu thẳm của tâm hồn.
Và chúng ta tin vào lưu truyền ấy, mặc dù việc kiểm chứng hiện tượng và giải thích vượt qua khả năng truy tầm của chúng ta. Chúng ta liên kết với sự kiện có thực xuyên qua một chuỗi các chứng nhân đáng cho chúng ta tin tưởng: trước hết là Đức Maria, thánh Giuse và chính Chúa Giêsu đã truyền đạt sự kiện cho những người bà con họ hàng; kế đến là những người đã truyền lại cho cộng đồng Kitô hữu tiên khởi; thứ ba là các người biên soạn sách Tin Mừng theo Mátthêu và Luca: chúng ta chấp nhận chứng tá của họ như là “quy điển”, và chấp nhận theo như họ đã kể lại cho chúng ta, và chúng ta truyền lại cho người khác; chúng ta tin tưởng vào Hội thánh, bởi vì vào hồi các thế kỷ đầu tiên, đã nhìn nhận các bản văn ấy như là quy điển và đáng tin, đồng thời loại bỏ các băn văn khác bị coi là ngoại thư; sau cùng chúng ta chấp nhận bởi vì cộng đoàn các tín hữu đã tin chắc như vậy cho đến ngày nay, thế kỷ XXI. Niềm tin ấy trở thành một điểm căn bản của Kitô giáo.
Vì thế, chúng ta có thể nói rằng việc tiếp cận đầu tiên về nguồn gốc của Đức Giêsu không có những chứng cớ mà ngày nay tòa án đòi hỏi để xác nhận một sự kiện. Tuy vậy, chúng ta có cả một chuỗi dài các người chứng mà chúng ta sẵn sàng chấp nhận.
4. Kẻ bị thử thách
Về ông Giuse, chồng bà, chúng ta biết được nguồn gốc như sau: ông là hậu duệ của ông Abraham, của vua Đavít, “con cháu vua Đavít” (Mt 1,20) hoặc “thuộc nhà Đavít” (Lc 1,27). Về ông Giuse, người ta nói rằng ông là người công chính, tuân giữ Luật Chúa. Đức công chinh của ông đã bị đem ra thử thách. Chúng ta không biết chính xác vì lý do gì. Chương I của Mátthêu có phép đưa ra hai giả thuyết: giả thuyết rằng ông không biết, hay gỉa thuyết rằng ông có biết.
Theo giả thuyết thứ nhất, ông Giuse không biết căn nguyên của việc bà Maria mang thai; mối nghi ngờ có thể nhắm tới bất cứ một người nào; trong trường hợp này, luật pháp cho phép phục hồi danh dự và trừng trị sự bất công (Đnl 22,23-24); nhưng ông Giuse do dự về cách thức hành động: cách công khai (đưa ra tòa án) hoặc cách âm thầm riêng tư (trao cho bà chứng thư ly dị).
Giả thuyết thứ hai cho rằng ông Giuse đã biết chuyện gì đã xảy đến cho bà Maria và Mầu nhiệm đã diễn ra nơi bà. Vì kinh hoàng và kính sợ Thiên Chúa, nên ông quyết định không muốn chiếm hữu cho mình một người đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Vì thế, ông quyết định rời bỏ bà.
Dù theo giả thuyết nào đi nữa, tình trạng làm mẹ của bà Maria cũng phải đương đầu với một mối nguy đáng lo sợ: bà hoàn toàn không được che chở trước mặt chồng và trước mặt xã hội! Nếu mà chồng không hiểu được mầu nhiệm, thì bà có thể bị ném đá và trừng phạt theo pháp luật; nếu ông hiểu ra mầu nhiệm và thi hành điều đã quyết định, thì bà sẽ bị bỏ rơi một mình.
5. Người gìn giữ Chúa Cứu thế (“Redemptoris Custos”)
Khi ông Giuse đón bà Maria về nhà mình, ông đã trở thành kẻ trợ giúp đắc lực nhất để phục vụ hài nhi Giêsu trong công cuộc giáo dục. Hơn nữa, trong lời “fiat”, ông đã vâng theo thiên sứ yêu cầu đặt tên cho hài nhi. Trong nền văn hóa Do thái, điều này có nghĩa là công khai tiếp nhận như là con của mình. Ông Giuse đón nhận bà Maria vợ mình, và đón nhận người Con của bà Maria, như là hai thực thể của mình. Và ông còn góp phần lớn lao hơn nữa vào công cuộc đào tạo và tăng trưởng cho Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, con bà Maria, con “tinh thần” của mình. ĐTC Gioan Phaolô II đã phát biểu trong tông huấn “Redemptoris Custos” như sau:
Thánh Giuse đã được Thiên Chúa kêu gọi để trực tiếp phục vụ chính bản thân của Đức Giêsu và sứ vụ của Người qua việc thực thi trách nhiệm làm cha: chính bằng cách đó vào thời viên mãn, thánh Giuse đã cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ lớn lao và người thật là “thừa tác viên của ơn cứu độ”. Trách nhiệm làm cha của thánh Giuse được diễn tả cụ thể trong sự kiện: Người đã biến cuộc đời mình thành một sự phục vụ, một sự hy sinh cho mầu nhiệm Nhập thể và cho sứ vụ cứu độ gắn kèm theo đó; đã sử dụng uy quyền pháp lý đối với Thánh gia để trao ban bản thân, cuộc sống và công sức; đã biến đổi ơn gọi tự nhiên trong tình yêu gia đình thành nên một hiến tế siêu nhiên chính bản thân mình, trái tim và tất cả sức lực của mình cho tình yêu phục vụ Đấng Cứu thế đã lớn lên trong nhà của mình”. Phụng vu đã nhắc lại rằng “Thiên Chúa đã trao phó cho Người việc coi sóc Thánh gia, như tôi tớ trung tín và khôn ngoan, để gìn giữ Con Một của Ngài như là người cha[12].
Thánh Giuse là một nhân vật rất quan trọng trong việc đón nhận, che chở, huấn luyện và đồng hành với Chúa Giêsu. Nhưng trong cảm nghiệm tâm linh của hàng triệu tín hữu ở mọi thời, mỗi khi nghĩ đến nguồn gốc nhân loại của Đức Giêsu, thì thánh Giuse hoặc bất cứ người đàn ông nào đều chẳng được coi là quan trọng. Cảm nghiệm tâm linh của các tín hữu đã tôn kính thánh Giuse, nhưng không phải là trong tư cách của một người cha thật của Đức Giêsu. Tại sao vậy? Bởi vì một cảm thức chung của Hội thánh là thánh Giuse đã không được chọn để sinh Đức Giêsu. Do đó, đức tin của chúng ta tuyên xưng rằng Đức Giêsu được sinh bởi trinh nữ Maria, và chỉ có bởi bà mà thôi!
Đã có một phụ nữ và vị thánh lớn nắm bắt được vai trò độc đáo của thánh Giuse trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, đó là thánh Têrêsa Giêsu. Trong quyển sách tự thuật “Đời tôi”, thánh nữ viết như sau:
Đặc biệt những con người cầu nguyện cần phải mộ mến thánh Giuse, bởi vì tôi tự hỏi làm thế nào nghĩ đến Nữ vương các thiên thần trong thời gian chịu đau khổ với Chúa Hài đồng, mà không biết ơn thánh Giuse vì đã giúp đỡ các ngài. Xin Chúa đừng để tôi lầm. Ai mà không gặp được thầy dạy cách cầu nguyện thì hãy nhận vị thánh lỗi lạc này làm thầy, và họ sẽ không bị lạc lối. Xin Chúa đừng để tôi sai lầm khi dám nói điều ấy, bởi vì mặc dù tôi khẳng định rằng tôi tôn kính Người, nhưng tôi còn thiếu sót nhiều trong việc phục vụ và bắt chước Người. Chính nhờ Người mà tôi có thể chỗi dậy và đi tiếp, và không bị tê liệt. Thế mà tôi lại không biết sử dụng tốt ân huệ này.[13]
6. Người thợ mộc Nadarét
Người ta nói rằng ông Giuse làm nghề “thợ mộc”. Ông có tài biết đắn đo tất cả, sửa chữa vật đã bị hư hỏng, điều chỉnh đồ bị lệch lạc. Xưởng của ông là một nơi mà cái vô dụng trở thành hữu dụng, cái xấu xí trở thành đẹp đẽ, cái trật lề lại được đúng khớp. Ông Giuse là một người khôn khéo; đối với ông, không có gì mà không thể làm được; ông có biệt tài liên kết những gì nằm trong tay ông, và hơn nữa, có lẽ liên kết với các chủ nhân của chúng nữa.
Ông Giuse suốt đời lo cho người khác, và có lẽ chẳng có nhiều thời giờ để lo chuyện của mình; tuy vậy, ông coi công việc của người khác như là việc của mình. Đi tới đâu, ông cũng để lại dấu ấn của những công việc hoàn bị, chứ không lở dở. Một người thợ giỏi không chỉ nghĩ đến vật chất. Ông biết là mình được gọi để sửa chữa những vật dụng cần thiết để sống và để giúp cho cuộc đời được thú vị hơn. Người thợ mộc cũng giống như y sĩ của đồ vật. Xưởng của ông giống như một trạm xá nhỏ. Lòng tốt của ông được khắc lên những công việc mà ông làm.
Xưởng mộc của ông biến thành tổ ấm nhờ sự hiện diện của bà vợ Maria. Ông dành phần lớn các ý nghĩ của mình cho bà, ông tăng thêm công việc vì bà. Ông là con người tình cảm, ông vui thích mỗi khi thấy bà, ông nhớ nhung mỗi khi bà đi vắng.
Ông Giuse cũng truyền nghề cho người con – con của bà Maria. Xưởng của ông biến thành trường học, nơi truyền thụ các món nghề. Có lẽ Đức Giêsu chẳng nhớ đã bắt đầu bài học đầu tiên từ hồi nào. Có lẽ … từ khi còn bò dưới đất và thấy vỏ bào, hay từ khi muốn nắm một cây đinh. Nhưng dần dần cậu bé sẽ làm quen với sự làm việc. Người cha sẽ dạy cho biết những bí quyết nho nhỏ để cho cái khó khăn trở thành dễ dàng. Người cha trở thành người thầy, truyền thụ sự khôn ngoan khi dạy dỗ, khi sửa sai, khi khen thưởng. Những đứa con chuyên chăm sẽ sớm trở nên thành thạo và có khả năng vượt hơn thầy. Lúc ấy người cha tỏ ra hãnh diện vì đứa con của mình, và khoe với làng xóm: “Các bác đừng lo, cậu ta làm tốt lắm… còn hơn tôi nữa!”. Và ông Giuse nghĩ thầm: “Người phải lớn lên, còn tôi phải giảm đi!”. Thế rồi, đến một ngày nào đó, bác thợ đã ra đi, chỉ còn lại người con. Hay nói đúng hơn: người cha không bao giờ ra đi, tinh thần ông vẫn tồn tại trong xưởng mộc. Đức Giêsu mãi mãi là “con ông thợ mộc”.
7. “Bí tích của Abba” đối với Đức Giêsu đã trưởng thành
Có nhiều câu nói của Đức Giêsu đã trưởng thành, trích từ Tin Mừng thứ bốn, mang một ý nghĩa sâu đậm khi nhìn từ phía thánh Giuse.
§ “Cha tôi luôn luôn làm việc, và tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).§ “Vì Cha yêu mến người Con và tỏ cho Con biết tất cả mọi điều mình làm” (Ga 5,20).§ “Các công việc mà Cha đã giao cho tôi hoàn thành, và các công việc mà tôi thực hiện thì đều làm chứng về Cha” (Ga 5,36).§ “Những công việc mà tôi làm nhân danh Cha tôi thì đều làm chứng về tôi” (Ga 10,25).§ “Trong các việc mà Cha đã giao cho tôi, vì việc nào các ông ném đá tôi?” (Ga 10,32).§ “Nếu tôi không làm các công việc của Cha, thì các ông đừng tin tôi” (Ga 10,37).§ “Cha ở trong tôi là kẻ thực hiện các công việc” (Ga 14,10).
Xưởng thợ Nadarét tỏ ra là một sự chuẩn bị và tiên báo. Đức Giêsu đã học nơi
thánh Giuse biết cách cứu các vật trước khi đi cứu người. Người biết biến đồ
vô dụng thành đồ hữu dụng, học cách không coi vật nào là hoàn toàn hư hỏng,
đáng vứt bỏ. Ở Nadarét, Đức Giêsu thực tập việc Cứu chuộc, dưới sự quan sát
của thánh Giuse. Đức Giêsu dần dần chuyển từ chỗ “đẽo gỗ” đến chỗ “đẽo người”,
chuyển từ “xưởng thợ Nadarét” đến “xưởng thợ Tin Mừng”.
8. Người chịu sỉ vả
Nadarét là xưởng thợ và là biểu tượng. Nó mang bóng dáng của thập giá. Biết bao nước mắt đã ướt đẫm lên các công việc ở đó, ở chỗ khiêm tốn ấy. Những dòng lệ của ông Giuse khi ông không hiểu được chuyện gì đã xảy ra cho bà Maria, khi bà có thai không biết bởi ai. Những dòng lệ của bà Maria khi khám phá vệt tối trên khuôn mặt của ông Giuse, với nỗi ưu tư vì muốn chia tay với bà. Xưởng Nadarét là một chỗ trú ẩn, nơi cả ba người được che chở khỏi sự đàm tiếu của thiên hạ. Họ là một gia đình bị sỉ vả. Dân làng Nadarét kháo láo với nhau (Mc 6): Giêsu là “con của bà Maria”. Người khác nói: “không phải đâu, con của ông Giuse đấy! Ong Giuse, một người không biết bảo vệ danh dự của mình. Giêsu, đứa con bất hợp pháp, đứa con của gian dâm. Xưởng thợ Nadarét, thánh điện của nước mắt và đau khổ. Đêm tối giúp cho bình minh của Vương quốc Thiên Chúa bừng sáng. Có lẽ sự ra đi của ông Giuse là cuộc tiên báo của việc Đức Giêsu thiếu bóng của Chúa Cha trên thập giá. Có một Nadarét rất gần gũi với Calvariô.
Ông Giuse là một con người sáng tạo phong phú. Ông tập trung vào công việc quan trọng nhất. Tại xưởng thợ kín đáo của ông, Đức Giêsu đã tìm thấy nơi rèn luyện tuyệt vời, một con người khôn ngoan, một người cha “công chính”. Đức Maria cũng cần đến một người chồng “công chính” như ông. Và Thiên Chúa đã ban cho ông sự tăng trưởng.
Phụ lục I : Những văn kiện của Huấn quyền cận đại về thánh Giuse
Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, trong các tín biểu (Kinh Tin kính), Giáo hội đã tuyên xưng chân lý đức tin về đức Maria thụ thai Chúa Giêsu do quyền năng Thánh Thần, và thực sự là thân mẫu của Con Thiên Chúa nhập thể (công đồng Êphêsô năm 431). Những chân lý này nằm trong truyền thống các thánh Tông đồ. Vào thời cận đại, Huấn quyền đã tuyên bố tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội (1854) và hồn xác lên trời (1950).
Tuy nhiên Huấn quyền không tuyên bố tín điều nào về thánh Giuse, tuy một cách gián tiếp, thánh nhân được nhắc tới trong tín điều về Đức Maria thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần, và tín điều về Đức Maria trọn đời đồng trinh.
Huấn quyền giữ thái độ im lặng đối với thánh Giuse mãi đến những thế kỷ gần đầy khi thánh nhân được suy tôn làm Đấng Bảo trợ của Hội thánh[14], bắt đầu từ Đức thánh cha Piô IX. Chúng ta hãy điểm qua những văn kiện chính
1/ Đức Piô IX (1846-1878)
- Sắc lệnh của bộ Nghi lễ Inclytus Patriarcha Joseph (10/9/1847), mở rộng ra toàn thể Giáo hội lễ kính thánh Giuse bảo trợ (trước đây đã được cử hành tại vài địa phương và dòng tu), được cử hành vào thứ Tư tuần thứ ba sau lễ Phục sinh. Đây là lần đầu tiên, một văn kiện Toà thánh trình bày những nguyên tắc thần học về thánh Giuse.
- Sắc lệnh Quemadmodum Deus (8/12/1870) tuyên bố thánh Giuse bảo trợ Hội thánh, đáp lại lời thỉnh cầu của công đồng Vaticanô I[15]. Tổ phụ Giuse trong Cựu Ước là hình ảnh của thánh Giuse, được đặt lên làm quản trị tài sản hoàng gia và phân phát lương thực; Thiên Chúa cũng trao cho thánh Giuse việc chăm sóc những nhu cầu của Hội thánh.
2/ Đức Lêô XIII (1878-1903)
- Quan trọng nhất là Thông điệp Quamquam pluries (15/8/1889). Trình bày những lý do vì sao Giáo hội nhận thánh Giuse làm bảo trợ. Lý do thứ nhất bởi vì thánh nhân được chia sẻ vào những ân huệ và phẩm giá của Đức Maria, nhờ mối dây hôn nhân. Lý do thứ hai là bởi vì mối tương quan hiền phụ với Chúa Giêsu: thánh nhân luôn luôn được Chúa Giêsu tỏ lòng tôn kính vâng phục. Lý do thứ ba là những đức tính của thánh Giuse trong việc chu toàn trách nhiệm với Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Người vẫn tiếp tục vai trò bảo vệ Thánh gia được nối dài nơi Hội thánh. Tất cả mọi tầng lớp xã hội đều có thể chạy đến thánh Giuse: các gia trưởng, các đôi bạn, các người trinh khiết, các giới thượng lưu cũng như giới lao động. Thông điệp kèm theo kinh khẩn cầu thánh Giuse che chở Hội thánh, được đọc trong tháng Mười cùng với kinh Mân côi.
- Tông thư Neminem fugit (14/6/1892) thiết lập hiệp hội các gia đình được dâng hiến cho Thánh Gia.
3/ Đức Piô X (1901-1914)
Lòng tôn kính thánh Giuse của vị giáo hoàng này phần nào bắt nguồn từ tên riêng của mình (Giuseppe Sarto). Ngài phê chuẩn kinh cầu thánh Giuse (18/3/1909).
Lòng tôn kính thánh Giuse của vị giáo hoàng này phần nào bắt nguồn từ tên riêng của mình (Giuseppe Sarto). Ngài phê chuẩn kinh cầu thánh Giuse (18/3/1909).
4/ Đức Bênêđictô XV (1914-1922)
- Phê chuẩn kinh Tiền tụng thánh Giuse trong Sách Lễ Rôma (9/4/1919)
- Tự sắc Bonum sane (25/7/1920), nhân dịp kỷ niệm 50 năm thánh Giuse được tôn phong Bảo trợ Hội thánh. Nhắc lại tầm quan trọng của việc cầu khẩn thánh Giuse để đáp lại những nhu cầu của thế giới sau thế chiến thứ nhất. Ngoài mẫu gương nhân đức cho giới lao động, thánh Giuse còn được giới thiệu như là bảo trợ những người sắp qua đời.
5/ Đức Piô XI (1922-1939)
- Huấn dụ ngày 19/3/1935, nêu bật mối liên hệ của thánh Giuse với sự hiệp nhất ngôi vị (unio hyposthatica) của Ngôi Lời nhập thể.
- Thông điệp Ad sacerdotii catholici (20/12/1935) nói đến Chúa Giêsu đã được đào tạo ở Nadarét bởi Đức Maria và thánh Giuse, cả hai người đều trinh khiết.
- Thông điệp Divini Redemptoris (19/3/1937) trình bày thánh Giuse như khuôn mẫu cho giới lao động.
6/ Đức Piô XII (1939-1958)
Thiết lập lễ thánh Giuse lao động, và phê chuẩn những bản văn phụng vụ dùng vào dịp lễ (ngày 1/5/1955). Lễ này thay thế lễ thánh Giuse bảo trợ Hội thánh.
7/ Đức Gioan XXIII (1958-1963)
Hơn một lần, ngài đã nhắc nhớ rằng Giuse là tên thứ hai của mình (Angelo Giuseppe Roncalli). Hai sự kiện đáng ghi nhớ:
- Tông thư Le voci triệu tập công đồng Vaticanô II (19/3/1961) đặt Công đồng dưới sự bảo trợ của thánh Giuse. Nhắc lại giáo huấn của các vị tiền nhiệm về vai trò của thánh Giuse đối với Giáo hội.
- Sắc lệnh Bộ Nghi lễ (13/11/1962), ghi tên thánh Giuse vào Lễ quy Rôma.
8/ Đức Phaolô VI (1963-1978)
Nhiều lần nói đến thánh Giuse trong các bài giảng hay huắn từ nhân lễ kính thánh nhân ngày 19/3 và 1/5. Nổi tiếng là bài suy niệm tại Nadarét (5/1/1964) nhân dịp hành hương kính viếng Thánh địa (được trích dẫn trong bài đọc Giờ Kinh Sách lễ Thánh gia).
9/ Đức Gioan Phaolô II (1978-2005)
- Nhiều lần đề cập đến thánh Giuse trong các bài giảng nhân dịp lễ vào ngày 19 tháng 3, nêu bật vai trò của Người trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (1982) và trong Hội thánh (năm 1993 và 2001; 26/3/2003), cũng như những nhân đức trổi vượt, tựa như tín thác (1980), tin và cầu nguyện (1983). Thánh nhân cũng trở nên mẫu gương cho đời sống gia đình (năm 1981, 1987, 1993, 1999).
- Thánh Giuse được nhắc đến trong nhiều văn kiện : Thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979) số 9; Thông điệp Laborem exercens (14/9/1981) số 26; Tông huấn Familiaris consortio (22/11/1981) số 86; Thông điệp Dominum et vivificantem (18/5/1986) số 18 và 49; Thông điệp Redemptoris mater (25/3/1987) khi ôn lại các biến cố thời thơ ấu của Chúa Giêsu; Tông huấn Christifideles laici (30/12/1988); Tông huấn Vita consecrata (25/3/1996) số 28.
- Văn kiện quan trọng nhất là Tông huấn Redemptoris Custos[16].
10/ Đức Bênêđictô XVI (2005-2013)
Tên riêng là Joseph Ratzinger. Ngài đã dành một suy niệm ngắn về thánh Giuse trong huấn từ chúa nhật thứ IV mùa Vọng năm 2005 (19/12) về sự thinh lặng, và nhân ngày lễ kính thánh nhân 19/3/2006.
11/ Đức Phanxicô
Đức Phanxicô (với biểu tượng cây cam tùng tượng trưng thánh Giuse khắc trên huy hiệu) khai mạc chức vụ giám mục Roma vào lễ thánh Giuse với bài giảng nhấn mạnh đến vai trò “chăm sóc giữ gìn” (Chúa Giêsu, Mẹ Maria, mọi người, đặc biệt là người nghèo, cũng như thiên nhiên). Tông thư Patris corde (ngày 8/12/2020) kỷ niệm 150 năm thánh nhân được tôn phong làm bổn mạng toàn thể Hội thánh.
Phụ lục II. Những hội nghị quốc tế về thánh Giuse
Ngoài những sách báo thần học, nên ghi nhận những hội nghi quốc tế để đào sâu những cuộc nghiên cứu về thánh Giuse. Hội nghị lần thứ nhất được khai mạc vào năm 1970, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thánh nhân được đặt làm bảo trợ Giáo hội. Từ đó đến nay đã có những hội nghị sau đây.
I. Roma (29/11-6/12/1970)
- Đề tài: Thánh Giuse trong 15 thế kỷ đầu tiên của Giáo hội.
II. Toledo (Tây-ban-nha: 19-26/9/1976).
- Đề tài: Thánh Giuse vào thời Phục hưng (1450-1600).
III. Montréal (Canada: 14-21/9/1980).
- Đề tài : Thánh Giuse vào thế kỷ XVII (phần thứ nhất).
IV. Kalisz (Ba-lan: 22-29/9/1985).
- Đề tài: Thánh Giuse vào thế kỷ XVII (phần thứ hai).
V. Mexico (17- 24/9/1989.
- Đề tài : Thánh Giuse vào thế kỷ XVIII.
VI. Roma (12-19/9/1993).
- Đề tài:Thánh Giuse trong thế kỷ XIX
VII. Malta (22-28/9/1997).
- Đề tài: Thánh Giuse trong thế kỷ XIX và XX.
VIII. San Salvador (El Salvador: 16-23/9/ 2001).
- Đề tài: Đấng gìn giữ Chúa Cứu thế: Những khía cạnh thần học và mục vụ
IX. Kevelaer (Đức: 25/9-2/10/2005).
- Đề tài: Tầm quan trọng của thánh Giuse trong lịch sử cứu độ.
X. Kalisz (Balan: 27/9-4/10/2009).
- Đề tài: Thánh Giuse, Đấng bảo trợ cho thời đại hôm nay
XI. Ciudad Guzman (Mejico, 29/9-6/10/2013).
- Đề tài: Thánh Giuse, người giữ gìn sự sống và tình yêu
XII. Puimisson (Pháp, 25-30/9/2017).
- Đề tài: Thánh Giuse và con người thời nay: Lao động và gia đình
XIII. Dự kiến sẽ diễn ra tại Guatemala (21-28/8/2021).
- Đề tài: 50 năm nghiên cứu thần học về thánh Giuse: Tổng kết và viễn tượng.