Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

PHÁI TÍNH TÌNH YÊU VÀ BI KỊCH

Thời sự Thần học - Số 3, tháng 06/2008, tr. 67-72.

_Phêrô Trần Văn Thơ 🙍 


Giã từ cõi mộng điêu linh
Tôi về buôn bán với mình phôi pha
Mình ơi tôi gọi là nhà
Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi
Bây giờ vật đổi sao dời
Thôi mình ở lại tôi dời chân đi
Thưa rằng ở cái quái gì
Chàng đi thiếp cũng xin đi theo chàng.

(Bùi Giáng – Mưa nguồn)

Cái gì mà ghê gớm vậy ta! Cái gì mà làm cho chàng phải chấp nhận giã từ kiếp giang hồ, dọc ngang trời đất với cõi mộng điêu linh chỉ để về buôn bán với mình phôi pha. Cái gì mà có thể làm cho mình trở thành nhà tôi và tôi trở thành nhà mình. Cái gì mà có thể làm cho nàng sẵn sàng cất bước theo chàng dù vật đổi sao dời. Thưa đó chính là tình yêu, là sự hấp dẫn giữa người đàn ông và người đàn bà, là cái đã đem lại cho người ta biết bao điều kỳ diệu và cũng gây ra không ít những phiền toái, và thậm chí là bi kịch. Và đó cũng là đề tài mà chúng ta bàn tới ở đây: Tình yêu: điều kỳ diệu hay bi kịch.

1. Tình yêu – điều kỳ diệu


Chúng ta bắt đầu đề tài từ một câu chuyện trong Kinh thánh. Khi tôi nói câu này, chắc hẳn có nhiều người sẽ thở dài và than rằng: nói chuyện tình yêu mà lại bắt đầu từ Kinh thánh thì chán chết. Và tôi xin nói ngay rằng: Kinh thánh không phải là một đề tài thần học, tín lý, luân lý khô khan và dễ gây buồn ngủ. Trái lại, Kinh thánh là một câu chuyện tình tuyệt đẹp. Lịch sử ơn cứu độ là lịch sử của một mối tình lãng mạn, đầy trắc trở, nhưng cũng rất mực thuỷ chung giữa Thiên Chúa và con người. Một tình yêu mẫu mực trở thành khuôn mẫu cho tình yêu của con người. Chính trong tình yêu của Thiên Chúa mà tình yêu phái tính giữa một người nam và một người nữ có được ý nghĩa trọn vẹn.

Chương thứ hai của sách Sáng thế ký cho chúng ta thấy một khung cảnh tuyệt vời của vườn địa đàng với muôn loài thảo mộc tốt tươi và muông thú đủ loại. Ađam, con người đầu tiên, được Thiên Chúa trao quyền bá chủ muôn loài, được hưởng dụng tất cả những tốt đẹp nhất do Thiên Chúa dựng nên. Nhưng Ađam vẫn buồn. Tại sao Ađam buồn ? Chắc chúng ta cũng đoán được phần nào. Vâng, Thiên Chúa hiểu ra ngay vấn đề: “Con người ở một mình thì không tốt ….” Thiên Chúa gọi tất cả muông thú lại, Ađam gọi từng con và đặt tên cho chúng, nhưng ông không chọn được cho mình một người bạn trong số các loài vật. Ađam vẫn buồn! Thiên Chúa bèn cho ông ngủ một giấc say sưa và lấy một cái xương sườn của ông để làm thành một người đàn bà và dẫn đến trước mặt Ađam. Chúng ta thử tưởng tượng lúc đó Ađam mắt sáng rỡ, tim đập thình thịch, nhẩy cẫng lên, reo vui sung sướng: “This is the one I am looking for!” Xin lỗi, tôi phải trích dẫn lại cho đúng Kinh thánh: “Đây là xương bởi xương tôi, là thịt bởi thịt tôi.” Các bạn thấy đó, cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa một người nam và một người nữ, lời tỏ tình đầu tiên trong lịch sử nhân loại mới đẹp làm sao. Lời tỏ tình kinh điển vượt thời gian ấy đã khởi đầu cho lịch sử về tình yêu phái tinh nơi con người. Chúng ta hãy thử tưởng tượng thêm một chút nữa: giả như lúc đó Ađam không reo lên sung sướng mà chỉ đặt tên cho Evà như ông đã từng đặt tên cho muông thú, thì sự thể sẽ ra thế nào? Câu trả lời chắc chắn là Ađam vẫn buồn. Và giả như các chàng trai, các cô gái hay nói chung là đàn ông và đàn bà trên trái đất này đều mang trong mình một “trái tim mùa đông” và nhìn nhau bằng “ánh mắt hình viên đạn” thì thế giới sẽ trở thành chốn điêu tàn và cuộc sống trở nên vô nghĩa. Tạ ơn chúa và cám ơn Ađam vì ông đã reo vui, đã tỏ tình, để hậu duệ của ông muôn ngàn đời sau vẫn tiếp tục bắt chước. Các chàng trai, các cô gái ngày hôm nay khi đứng trước người mà mình thích, mắt cũng sáng rỡ lên (có lẽ vì thế mà các cô, các cậu hay bị các cụ mắng là: …như mèo thấy mỡ, cũng chẳng oan ức gì), tim thì chắc chắn là rộn ràng rồi, còn miệng thì không ngừng tuôn ra những lời có cánh: em là tình yêu của anh, em là linh hồn của anh, em là tất cả của đời anh … đúng là con cháu Ađam có khác!

Điều chúng ta đáng chú ý ở đây là: Ađam không đặt tên cho Evà, bởi vì đặt tên thể hiện uy quyền, sự cai trị và sở hữu. Nhưng Ađam đã nói lên một lời tỏ tình, thể hiện thái độ đón nhận trong sự tôn trọng và yêu thương. Thánh Tôma đã giải thích điều này khi cho thấy lý do tại sao Thiên Chúa lại dựng nên người phụ nữ từ xương sườn của người đàn ông, ngài nói: “Điều đó ám chỉ người đàn ông và người đàn bà phải chung sống với nhau trong bình đẳng và yêu thương. Đàn bà không được thống trị đàn ông, vì thế không được tạo ra từ cái đầu. Cũng không thể bị đàn ông khinh miệt và phải phục vụ như nô lệ; vì thế không được làm ra từ cái chân.”[1]

Thật vậy, chính sự có mặt của người đàn bà, chính sự khác biệt nam nữ, chính sự hấp dẫn phái tính đã thức tỉnh Ađam từ giấc ngủ mê, chính sự khác biệt mà Ađam đã đón nhận như một người bạn đồng hành, đã phá tan cái vòng tròn khép kín, cái tự mãn, cho mình là đầy đủ nơi ông. Cánh cửa trái tim và tâm hồn ông được mở toang ra để bước vào một chân trời mới, chân trời của tình yêu và sự đón nhận tha thể. Thiên Chúa không đem Evà đến cho Ađam như là một món quà để ông sở hữu và hưởng thụ. Nhưng chính tình yêu phát sinh giữa hai người mới là món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho họ. Tình yêu là một tiếng gọi, một “Lời sáng tạo” đầy bất ngờ đến từ Thiên Chúa để đánh thức con người khỏi giấc ảo mộng của cái tôi ích kỷ, tự mãn. Một tình yêu như thế luôn liên kết với niềm hy vọng, vì nó là lời khẳng định về một cuộc sống, một lịch sử phải được thực hiện. Tình yêu là sáng tạo!

Chính tình yêu này đem lại cho phái tính con người một ý nghĩa. Người nam và người nữ trở thành cho nhau dấu chỉ và yếu tố mang lại lời, lời đến như một tiếng kêu không ngờ của người khác, phá bỏ uy lực của cái chết ngay trong phút giây mà nó chống lại với lời thú nhận tính hữu hạn của mình. Sự khác biệt của người khác được thiết lập trước hết trên sự khác biệt của lời. Vì thế, người nam và người nữ có thể sống chung với nhau, trở thành một xương, một thịt mà không “nuốt trửng” nhau, không phá huỷ nhau, không giản lược nhau, không sử dụng nhau theo ý muốn của mình.[2] Tình yêu đích thực nơi mỗi người chúng ta cũng diễn ra trong cùng một cách thức như thế. Tình yêu là một điều kỳ diệu!

Tác giả sách Sáng thế không cho chúng ta một dữ kiện nào để có thể phỏng đoán xem đôi tình nhân đầu tiên trong nhân loại đã hưởng nếm cái điều kỳ diệu ấy, cái “tuần trăng mật mặn nồng” của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy kéo dài được bao lâu, nhưng chắc chắn đó phải là một khoảng thời gian tuyệt đẹp. Sau này, tác giả sách Diễm ca đã gợi lại những hình ảnh của cuộc tình này bằng những vần thơ đầy tính trữ tình :

“Em là đoá thuỷ tiên của Sarôn đồng bằng, là bông huệ thắm hồng trong thung lũng. Bạn tình tôi giữa đoàn thiếu nữ, có khác gì cánh huệ giữa bụi gai. Người tôi yêu giữa đoàn trai tráng như cây táo giữa muôn cây rừng. Được ngồi dưới bóng chàng, tôi thoả lòng mơ ước,và hoa trái của chàng ngọt lịm trong miệng tôi. Chàng đã đưa tôi vào phòng tiệc, cho tôi uống rượu nồng, đã thắng tôi nhờ sức mạnh tình yêu. Xin cho tôi bánh nho để tôi tìm lại sức, cho tôi táo để tôi được bồi dưỡng, bởi vì tôi đã ốm tương tư. Chàng đưa tay trái cho tôi gối đầu, đưa tay phải ghì chặt lấy tôi. Này các thiếu nữ Giêrusalem, tôi van nài các bạ: vì đàn linh dương với bầy nai ngoài đồng, xin đừng lay vội, đừng đánh thức tình yêu, cho đến khi tình yêu ưng thuận ….” (Dc 2,1-7)

Và đó cũng là niềm nuối tiếc, nỗi khát khao của con người qua muôn thế hệ, được diễn tả qua âm nhạc, văn chương, thơ ca, nghệ thuật … Quả là:

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên!


2. Khi điều kỳ diệu trở thành bi kịch


Khi chúng ta nhận rằng tình yêu là một điều kỳ diệu, thì ngay lập tức, hàng loạt những vấn vạn được đặt ra. Tại sao trong thực tế tình yêu và quan hệ phái tính của con người lại gây ra nhiều thảm kịch như vậy: ghen tương, phản bội, hận thù, bạo lực và chết chóc. Thực ra, những vấn nạn đó đã được tác giả sách Sáng thế đặt ra ngay sau phần trình thuật diễn tả tình yêu như một điều kỳ diệu. Phần tường thuật ở chương ba sách Sáng thế cho thấy vấn đề tác giả đặt ra là: cuộc sống con người mang dấu vết của sự bấp bênh, bạo lực, đau khổ và cái chết, dường như đang phủ nhận ý định tốt lành của Thiên Chúa. Tại sao tiếng reo vui của Ađam khi nhìn thấy Evà luôn dường như bị nhận chìm trong hận thù và bạo lực. Và một cách bi thảm, những bạo lực đó lại liên kết người nam với người nữ? Tại sao những người lúc đầu được mời gọi trở thành một xương một thịt lại trở thành ông chủ và nô lệ? Tóm lại, tại sao phái tính lại trở thành sân khấu của bi kịch cuộc sống con người, trong khi nó đã từng được mời gọi để diễn tả vẻ đẹp của con người? Chúng ta sẽ tìm được câu trả lời cho những vấn nạn này khi tìm hiểu sự “sa ngã” của con người trong chương ba sách Sáng thế.

Lang thang trong vạn hồn chiều
Nghe mùa gãy đổ dưới nhiều bến sông


Cuộc vui nào rồi cũng có ngày tàn! Lời nguyền đó có lẽ đã bắt đầu từ cuộc tình đầu tiên của nhân loại. Quả vậy, cái kinh nghiệm đau thương nhất, cái thời khắc định mệnh làm thay đổi giá trị tốt đẹp của tình yêu con người, chính là lúc con người đưa tay hái trái cấm. Trái cấm chính là biểu tượng cho sự khác biệt giữa Thiên Chúa và con người. Sự khác biệt chính là cái khoảng cách cần thiết để con người cái giá trị đích thực của mình trước Thiên Chúa, điều mà con người đã được đón nhận từ Thiên Chúa như một ân ban. Tiếc thay, con người đã thất bại trong cuộc chiến nội tâm được biểu tượng hoá bằng những lời dụ dỗ của con rắn. Con người đã chiều theo những lý luận đầy tính kiêu ngạo và ganh tị của của lý trí: “…Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác." (St 3,5) Chính khi quyết định ăn trái cấm, con người muốn trở nên bằng Thiên Chúa, phá vỡ cái trật tự tốt đẹp trong mối tươngên bằng tc của con ngườiao phái tính lại trở thành sân khấu của b quan với Thiên Chúa. Từ đây, con người không còn coi Thiên Chúa là đấng tác tạo và quan phòng, là người cha yêu thương nữa. Trái lại, con người xem Thiên Chúa là người cha ích kỷ, gian ác muốn giữ đứa con mình lại trong sự lệ thuộc, ngăn cản con người đạt tự do tuyệt đối. Vì thế, con người tìm cách chống lại Thiên Chúa, xoá bỏ lệnh cấm để được bằng Thiên Chúa, thâu tóm quyền bính vô biên.

Chính khi con người phá vỡ tương quan với Thiên Chúa, con người cũng phá vỡ luôn trật tự nguyên tuyền trong mối tương quan với nhau. Từ đây, con người không còn đón nhận nhau trong tình yêu và sự tôn trọng những khác biệt như một điều kỳ diệu nữa. Trái lại, con người sẽ thèm muốn và thống trị nhau (St 3,16). Tình yêu phái tính giữa người nam và người nữ không còn là một điều kỳ diệu nữa. Sự khác biệt nơi người khác không còn được con người đón nhận như một ân ban, mà đã bị biến thành đối tượng của lòng thèm muốn để chiếm đoạt. Con người không còn coi nhau như là đối tác, là trợ tá hay bạn đồng hành để bổ túc cho nhau; nhưng xem nhau như những kẻ đối lập. Vì vậy, sự phối hợp phái tính nam nữ thay vì là một cuộc gặp gỡ đầy ắp niềm vui, nay đã trở thành ý thức về sự yếu đuối và mối đe doạ. Người ta bắt đầu coi phái tính như một phương tiện, sử dụng người khác như một dụng cụ để đạt được nỗi đam mê dục vọng vô biên của mình. Hình ảnh hai ông bà lấy lá che thân và chốn vào bụi rậm cho thấy con người bước những bước thảm hại trong sự sa ngã. Từ chỗ sợ hãi Thiên Chúa đến sợ hãi người khác và sợ hãi chính mình.

Vấn đề cốt lõi ở đây là con người đã sử dụng phái tính như một phương tiện để đạt được cái tôi của mình. Và như thế con người tạo ra một thứ tình yêu quỵ ngã, nghĩa là thu góp về cho mình bằng sự đồng hoá và nuốt trửng người khác, thay cho tình yêu nguyên tuyền là mở ra để đón nhận người khác trong sự khác biệt. Chúng ta thấy rõ điều đó qua những xu hướng thần thánh hoá tính dục, xem nó như một vị thần để tôn thờ, hoặc trong quan niệm của những giáo phái muốn qua con đường quan hệ phái tính, để đạt được những phút giây xuất thần như một cách thức để trở thành thần thánh. Hay đơn giản hơn, là thái độ của những người đàn ông tự hào về những kinh nghiệm từng trải trên trường tình, những chàng trai tự hào vì mình đã phá trinh được nhiều cô gái, trong khi lại vô cùng thất vọng và nổi giận khi nhận ra người vợ của mình không ‘chảy máu” trong đêm tân hôn.[3]

Kết luận


Với những gì đã trình bày trên đây cho thấy rằng, tình yêu phái tính là một ân ban của Thiên Chúa cho con người. Đó là một điều kỳ diệu. Nhưng con người chỉ có thể hưởng điều kỳ diệu ấy một cách trọn vẹn khi nhìn nhận cái trật tự tốt đẹp trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người cũng như giữa con người với nhau. Phái tính sẽ chỉ là điều kỳ diệu khi con người biết mở toang mình ra để đón nhận người khác phái trong sự khác biệt, và kết hiệp với nhau nên một mà không phá huỷ hay nuốt trửng nhau: “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”… là vậy.

Phái tính sẽ trở thành bi kịch khi con người muốn bằng Thiên Chúa. Và để đạt được điều đó, người ta chiếm đoạt, cai trị và bá chủ người khác, xem phái tính như một phương tiện và người khác như một dụng cụ để phục vụ cho cái tôi của mình. Phái tính trở thành một trò chơi, một cuộc tranh giành quyền lực.

Cách duy nhất để ta tránh được những bi kịch của phái tính là trở về với cội nguồn của tình yêu là chính Thiên Chúa. Trở về với cái thuở ban đầu, với tiếng reo vui của Ađam trong lần đầu tiên gặp gỡ Evà: “Đây là xương bởi xương tôi, là thịt bởi thịt tôi!”

[1] Thánh Tôma Aquino, Summa Theology, Phần I, vđ 92.
[2] Eric Fuchs, Le désir et la tendresse, Labor et Fides, 6 éd. Genève 1979, tr. 41-46. Trích lại cuả Ngô Sĩ Đình, Tài liệu tham khảo môn luân lý phái tính, niên khoá 2005 – 2006.
[3] xc. Báo phụ nữ Tp HCM, các số ra ngày 21/4 – 02/5 / 2006.