Thời sự Thần học - Số 34, tháng 12/2003, tr. 66-72.
_Tsth biên tập_
Ngày 3 tháng hai, năm 2003, Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Văn hoá và Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Đối thoại liên tôn đồng công bố một văn kiện tổng quát về New Age.
Dưới đây là những ý kiến về văn kiện này của triết gia Michel Lacroix, của nhà thần học và nhân học Bernard Ugeux.
1. Michel Lacroix[1] : Một hồi chuông cảnh giác đúng lúc
Trước khi tiếp cận văn kiện này, nên có một câu hỏi trước : vào năm 2003, phải chăng còn cần nói đến New Age ? Phong trào văn hoá này ra đời ở Hoa Kỳ vào những năm 1960, nay phải chăng đã lỗi thời ? Một số người nghĩ như thế, nhưng chúng ta đừng lầm : nếu nhãn hiệu là thành viên của “New Age” thường bị nhiều người đương thời chối bai bải, thì vấn đề vẫn còn nguyên si đấy và lại còn “bám rể sâu” trong cảm tính tập thể. Nhiều cá nhân, tuy cứ “la toáng” lên là sao người ta lại kể họ vào số tín đồ của New Age, nhưng thực tế họ đã đồng hoá thâm sâu với New Age rồi. Những người ấy gắn chặt với những đề tài cơ bản : chờ đợi thiên niên, những chủ đạo dẫn dắt tâm trí, phát triển cá nhân, thượng tôn cái hoà đồng và nỗ lực nhằm mở rộng ý thức. Bốn mươi năm sau khi ra đời, New Age vẫn khoẻ mạnh. Chính vì thế, cần phải tiếp tục nói đến New Age.
Đây là một văn kiện nghiêm túc và khách quan, là một trong những nghiên cứu hay nhất cho tới nay về chủ đề này. Đặc biệt nó làm nổi bật mạch lạc của phong trào, không phải như là một kho gom góp lặt vặt, nhưng là một hệ tư tưởng, các chủ đề liên hệ với nhau theo thứ tự lý luận.
Ta đi vào điểm cốt lõi. Văn kiện này cho thấy, không cần quanh co, thái độ đối chọi với New Age. Liệu có thể nào vừa là một new ager (người theo New Age) vừa là một Ki-tô hữu hay không ? Câu trả lời là “Không” và nêu toàn thể lý do tại sao. Rõ ràng, quan niệm về Thiên Chúa (của 2 phía:New Age va Kitô Giáo) là không giống nhau. Ý tưởng về một Đấng Thiên Chúa hữu ngã và siêu việt là xa lạ đối với New Age. Đối với New Age, chỉ có trong vũ trụ một năng lực vô ngã. Nên nói cho cùng, chính con người là Thiên Chúa. Bên cạnh đó, các kỹ thuật mở rộng ý thức - điều được phong trào phổ biến rộng rải, lại được đề cao quá đáng bởi những người sử dụng những kỹ thuật ấy, đến độ xếp chúng vào hàng những việc làm thiêng liêng và trở thành nguồn của thần bí. Sau cùng, trong New Age có một nỗi ao ước vô tận là làm sao đẩy lùi được những giới hạn, một khao khát muốn toàn năng, một sự chối từ – tuy không minh bạch - tính hạn hữu, mà nếu suy xét, chúng sẽ dẫn đến một hệ luận là :không cần Đấng Mêsia của Ki-tô giáo phải đến.
Khởi đi từ lúc con người biết dùng những dụng cụ có khả năng để thoát ra khỏi sự hạn hữu, thì hiến tế của Chúa Ki-tô lại chẳng hoá ra không còn đối tượng nữa đấy sao ? Con người của New Age không phải là hữu thể đáng thương, bị mất hút trong cái vũ trụ khổng lồ mà Pascal đã từng miêu tả. Con người ấy không cần và, trong sâu xa, không mong muốn sự cứu chuộc, bởi vì những phương cách để tự cứu chuộc ở trong tầm tay của con người rồi. Như vậy, khi đề ra nguyên tắc của sự độc lập cứu chuộc triệt để[2], New Age đã khơi lên một hố ngăn cách không thể vượt qua đối với Ki-tô giáo. Điểm này, Văn kiện đã nêu thật rõ ràng.
Khi đó, ta hiểu tại sao con đường tâm linh của New Age lại có sức quyến rũ đối với con người thời nay như thế. Con đường này được thích ứng theo tinh thần bán-Nietzstch của thời chúng ta. Con đường này lôi cuốn những cá nhân tự hào mình có một tiềm năng thiên linh. Con đường này thích hợp với một nhân loại đang ngây ngất với cá nhân chủ nghĩa, muốn mình làm chủ cả đời sống nội tâm của mình và tự động (motu proprio) đạt tới kinh nghiệm thần bí nhờ vào những kỹ thuật bất khả ngộ. New Age là mũi nhọn của cái văn hoá chủ trương vô tận vốn ghi dấu ấn đặc biệt trên các phong tục của chúng ta, và nó biểu lộ bằng thiên hình vạn trạng trong những trò thể thao cực kỳ, những tự hào về khoa học kỹ thuật, tăng lực kích thích, sinh sản vô tính, làm chủ được sinh linh, ma túy, tin vào luân hồi, cận tâm lý, các khoa bí truyền.
Đọc xong văn kiện này, độc giả nghĩ : “Ắt hẳn New Age có nhiều cơ may, và triều đại của nó không phải là đã gần kết thúc đâu”. Đối phó với sức quyến rũ của phong trào này là một công việc mênh mông nay đang chờ đợi Hội thánh. Và cũng đòi Hội thánh đến lượt mình phải làm sáng tỏ những giá trị của mình, nếu được, có thể nói Hội thánh cũng phải diễn tả những cơ may mình đang có.
2. Bernard Ugeux [3]: Vấn đề còn đề
Trong tài liệu vừa được hai Hội đồng Giáo hoàng thuộc Rôma công bố liên quan đến New Age, các tác giả cho rằng sức cuốn hút của phong trào này đối với các Ki-tô hữu có thể giải thích một phần là do các cộng đoàn Ki-tô hữu không để ý đến “tầm quan trọng của chiều kích thiêng liêng của con người cũng như sự hội nhập chiều kích ấy vào trong một “toàn thể” đời sống, sự tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, những mối dây liên kết giữa hữu thể nhân linh với phần còn lại của giới tạo thành, niềm ao ước biến đổi bản thân và xã hội, sự từ khước một cái nhìn suy lý và thực tiễn (materaliste) đối với nhân loại”[4]. Các tác giả xác nhận rằng những đề tài này là thành phần của tổng hợp công giáo. Chính Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô đã nhấn mạnh đến tính cách lưỡng nghĩa của phong trào này theo quan điểm của Ki-tô giáo. Đức giáo hoàng ghi nhận một vài khía cạnh tích cực : “Việc tìm kiếm một ý nghĩa mới cho cuộc đời, một tình cảm nhạy bén với môi trường và ước mong vượt lên trên một lòng đạo lạnh lùng và duy lý” [5]. Giáo hội Pháp không đứng xa vấn đề này vì Ủy ban mục vụ, giáo phái và tín ngưỡng mới đã để ý đến những vấn đề này từ nhiều năm qua, như một ghi chú có gần mười năm nay đã cho thấy. Trong đó, Jean Vernette mời gọi đáp lại “những lời mời gọi không được đáp trả của một số người đương thời với chúng ta liên can đến bốn thiếu thốn trong cuộc đời : vị trí của thân thể ; các mầu nhiệm của thế giới bên kia ; nhu cầu cần có một linh đạo đụng chạm đến trái tim ; tương quan với thiên nhiên, với vũ trụ. Rồi ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “nối kết những con người đang đi tìm kiếm và đôi khi chuyển dời đến tận các biên cương”[6].
Lại chẳng phải là như thế sao… ? Một số biên cương ra như không thể vượt qua theo cái nhìn của nhiều người đang đi tìm Thiên Chúa, tìm ý nghĩa, tìm điều tuyệt đối. Đối với một số người đương thời, tất cả diễn ra như thể là một nỗ lực thiêng liêng chân thực không được Các Hội thánh tôn trọng, trong tính cách đặc thù, tính cách toàn thể và những chập chững của nó. Những người này cũng có trong các cộng đoàn Ki-tô hữu. Tuy nhiên, các cộng đoàn này lại cảm thấy bị thuyết phục do nét đẹp và sự phong phú của các linh đạo ấy. Tính cách khác biệt nhiều bộc lộ ra không phải chỉ trong các dòng tu lớn, nhưng còn cả trong những đề nghị thận trọng hơn do một số nhóm đưa ra. Nhưng liệu các đề nghị ấy có thực sự đáp ứng những người đang đi tìm kiếm ấy không ? Một sự kiện là một số khá đông những con người hành hương đi tìm tuyệt đối này đang đi tìm những bậc thầy hướng dẫn, tìm những phương thế, những nơi chốn, những tiêu chuẩn để phân định… Thế cho nên những đề nghị của các Hội thánh ra như không gặp gỡ được những yêu cầu và hy vọng của họ. Đó lại chẳng phải là một lời mời liên kết với việc nhập thể cách cụ thể hơn không ? Ta dư biết bất kỳ đời sống thiêng liêng nào cũng được kết nối với tình cảm và thân thể. Các khoa học nhân văn đã chứng minh rằng quả là rất mơ hồ khi muốn đi qua một con đường tiến đến chỗ trưởng thành thiêng liêng mà không có một cố gắng cá nhân để biết mình, trong đó đời sống tình cảm và vị trí của thân thể thực sự phải được chú ý tới. Thật vậy, thân thể không phải chỉ là một dụng cụ, nhưng còn là một chiều kích thuộc về căn tính của ngôi vị con người, ký ức về gia sản của mình và tiểu sử của mình, của cách diễn tả những mong manh yếu đuối và những niềm vui của mình, tóm lại, là nơi chốn của sự cứu độ. Theo truyền thống của Ki-tô giáo, trong thế giới bên kia, con người sẽ gặp lại được căn tính trọn vẹn của mình vào lúc thân xác được phục sinh. Đó lại chẳng phải là một lời mới tìm một sự sáng tạo mới ? Michel de Certeau rất vui khi viết : “Một linh đạo đáp ứng những vấn đề của một thời và chỉ đáp ứng bằng chính những từ ngữ của những vấn đề này, bởi vì chính đó là những vấn đề đang sống và những con người thuộc một xã hội đang nói, cho dù đó là các Ki-tô hữu hay là những người khác”.
_______
[1] Tác giả nhiều tập sách: Idéologie du New Age (Flammarion, 1995), Le Culte de l’émotion (Flammarion, 2001), Le courage réinventé (Flammarion, 2003). v.v..
[2] Cứu chuộc học : Giáo lý về ơn cứu độ được một Đấng cứu chuộc thực hiện.
[3] Tiến sĩ thần học và nhà nhân học các tôn giáo, cao học triết và nhân chủng, giáo sư thần học và nhân học tại các phân khoa Toulouse và Paris, thành viên sáng lập Viện khoa học và thần học các tôn giáo (ISTR) Toulouse. Cùng với một số người khác, ông là tác giả cuốn Retrouver la source intérieure (l’Atelier, 2001)
[4] x. ĐGH Gioan-Phaolô II : bài phát biểu cho các giám mục Hoa Kỳ ở Iowa, Kansas, Missouri và Nebraska nhân dịp các giám mục đi viếng thăm Toà Thánh (Ad limina), 28 tháng năm 1993.
[5] Jean Vernette viết khi ông làm đại biểu của Hội Đồng giám mục về các vấn đề này, đăng trong Snop ngày 25 tháng mười 1994.
[6] Ủy Ban truyền giáo chung của Hội Thánh (Hội Đồng giám mục Pháp), Họp khoáng đại từ 5-6 tháng năm 1998.
[2] Cứu chuộc học : Giáo lý về ơn cứu độ được một Đấng cứu chuộc thực hiện.
[3] Tiến sĩ thần học và nhà nhân học các tôn giáo, cao học triết và nhân chủng, giáo sư thần học và nhân học tại các phân khoa Toulouse và Paris, thành viên sáng lập Viện khoa học và thần học các tôn giáo (ISTR) Toulouse. Cùng với một số người khác, ông là tác giả cuốn Retrouver la source intérieure (l’Atelier, 2001)
[4] x. ĐGH Gioan-Phaolô II : bài phát biểu cho các giám mục Hoa Kỳ ở Iowa, Kansas, Missouri và Nebraska nhân dịp các giám mục đi viếng thăm Toà Thánh (Ad limina), 28 tháng năm 1993.
[5] Jean Vernette viết khi ông làm đại biểu của Hội Đồng giám mục về các vấn đề này, đăng trong Snop ngày 25 tháng mười 1994.
[6] Ủy Ban truyền giáo chung của Hội Thánh (Hội Đồng giám mục Pháp), Họp khoáng đại từ 5-6 tháng năm 1998.