Thời sự Thần học - Số 3, tháng 06/2008, tr. 89-96
_Phaolô Cao Chu Vũ 🙋
Vì sao các em lại bị chính cha mẹ của mình khước từ? Tại sao lại có sự thay đổi về giá trị nhân vị của một thành viên mới trong gia đình nhân loại như thế? Khủng hoảng về giá trị rất nền tảng này là do đâu?
Bài viết này trước hết trình bày những nguyên tắc bảo vệ sự sống và giá trị nhân vị của mỗi con người theo nhân học Kitô giáo. Chúng tôi tin rằng đây là những chân lý đích thực cống hiến một tương lai tốt đẹp cho gia đình nhân loại, cho mỗi gia đình và cho từng con người. Thứ đến, qua những thông tin và những dữ liệu thu thập được, người viết nhận định một số lý do dẫn đến sự khủng hoảng ấy. Cuối cùng, là một vài suy nghĩ trong tư cách là người bảo vệ và loan báo “Tin Mừng sự sống”.
I. Các nguyên tắc bảo vệ sự sống thể xác con người và giá trị nhân vị của mỗi con người
Kinh Thánh mặc khải con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (xc. St 1,26-27). Sự sống con người, được biểu lộ qua một thân xác sống động, là ân huệ cao quý Thiên Chúa ban tặng cho loài người. Dẫu bản chất thân xác loài người là bụi đất như các loài sinh vật khác, nhưng chỉ nơi thân xác sống động của loài người mới có sự biểu lộ “Ruah” - Thần Khí của Thiên Chúa (xc. St 2,7). Chính vì được tạo dựng một cách đặc biệt như thế mà loài người trổi vượt mọi loài thụ tạo trên mặt đất. “Con người là sự biểu lộ Thiên Chúa trong thế giới, là một dấu chỉ cho sự hiện diện của Người, một vết tích của vinh quang Người.”[1]
Được Thiên Chúa mặc khải cho biết nguồn gốc thánh thiêng và phẩm vị cao quý của con người, niềm tin Kitô giáo công bố:
1. Sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm.
“Không một ai, ở bất cứ hoàn cảnh nào, có thể đòi cho mình cái quyền trực tiếp huỷ diệt một con người vô tội."[2] Mỗi con người phải được trân trọng vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Vì vậy, ai xúc phạm đến mạng sống của người anh em mình là chống lại Thiên Chúa. Đức Chúa nói: “Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình” (St 9,5). Sự sống con người vốn mong manh, “một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103,15), nhưng không vì thế mà nó không đáng quý trọng. Nó quý trọng hơn cả lương thực nuôi sống bản thân (xc. Mt 6,25). Hơn nữa, chính Thiên Chúa luôn quý trọng và chăm sóc nó trong từng giây phút hiện hữu (xc. Cv 17,28). Vì vậy, sự sống con người phải luôn được bảo toàn. Nó phải được tôn kính và gìn giữ như một thực tại thánh thiêng mà Thiên Chúa đã trao cho con người làm chủ.
2. Con người có trách nhiệm bảo vệ sự sống thánh thiêng của giống nòi.
Bởi vì yêu thương và tín nhiệm loài người, Thiên Chúa đã cho chúng ta được chia sẻ với Người quyền chủ tể vũ trụ, đặc biệt là mang lấy trách nhiệm đối với chính sự sống của loài người. Do đó, Thiên Chúa truyền: “Ngươi chớ giết người” (Xh 20,13). Đó là mệnh lệnh Thiên Chúa đòi buộc con người phải yêu mến, trân trọng và bảo vệ sự sống mà Thiên Chúa đã ban tặng và uỷ thác cho họ. Mệnh lệnh ấy khẩn thiết vì nó trực tiếp bảo vệ phẩm giá và sự sống của mỗi con người, đặc biệt những người yếu đuối, không có khả năng tự vệ trước sự bạo tàn của kẻ khác. Tựu trung, mệnh lệnh ấy bảo vệ sự tồn vong và tương lai của cộng đồng nhân loại theo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.
3. Quyền được sống là quyền căn bản của mỗi con người.
Thực vậy, được hiện hữu và sống như một con người là một “Donum Vitae” – quà tặng sự sống Thiên Chúa đã ban cách riêng cho mỗi người. Đây là một ân ban quý giá vô ngần, bởi vì không có nó thì không một ơn nào được ban cho. Do đó, thật chính đáng đang khi mỗi người yêu mến, trân trọng và gìn giữ “quà tặng sự sống” thì họ cũng có quyền đòi người khác phải trân trọng món quà ấy. Kẻ nào hung bạo xúc phạm đến “quà tặng sự sống” thì cũng phỉ báng chính Đấng đã ban tặng món quà ấy. Tuyên ngôn “An tử” lên tiếng: “Không ai xúc phạm đến sự sống người vô tội mà lại chẳng đối nghịch với tình yêu Thiên Chúa đã dành cho con người ấy, lại không phạm đến một quyền căn bản và vì thế phạm một tội ác nặng nề nhất.”[3]
4. Con người được tạo dựng là để sống hiệp thông với Thiên Chúa.
Trong thông điệp “Evangelium Vitae”, Đức Gioan Phaolô II viết: “Sự sống con người trở thành ‘nơi chốn’ Thiên Chúa tỏ mình ra, là nơi chúng ta gặp gỡ và đi vào hiệp thông với Người.”[4] Sự sống hiện tại của mỗi người là tiền đề để họ được thông phần vào chính sự sống của Thiên Chúa. Đây là ơn gọi siêu nhiên được ban cho mỗi người và “sự sâu sắc của ơn gọi siêu nhiên này chứng tỏ sự cao quý và giá trị của sự sống con người, ngay từ đời này.”[5] Với ơn gọi thần linh ấy, mỗi con người, ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu, đã là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa. Họ là duy nhất và bất khả thay thế trong tương quan ngôi vị với Thiên Chúa. Ta không thay thế cho người; người cũng không thay thế cho ta trong ơn gọi tiến đến sự hiệp thông với Thiên Chúa. Ơn gọi của mỗi người trong tương quan với Thiên Chúa làm cho họ trở thành độc nhất trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Đây chính là ý nghĩa cuộc hiện sinh của mỗi con người. Do đó, giản lược ý nghĩa cuộc hiện sinh của con người như một thực tại vật chất phục vụ cho thế giới vật chất là phỉ báng ý định đầy nhân hậu của Thiên Chúa dành cho con người. Nó cũng nghịch lại tính siêu việt nơi mỗi con người, và như vậy, là nghịch lại bản chất con người.
II. Cuộc khủng hoảng: một bé thơ chào đời – niềm vui hay nghiệp chướng ?
Sinh con cái là niềm hạnh phúc của những đôi bạn sống đời hôn nhân. Hiếm có đôi vợ chồng nào lấy nhau mà không muốn có con cái. Mỗi đứa con được sinh ra góp thêm một niềm vui mới cho gia đình nhân loại. Thế nhưng, đối với không ít người hiện nay, một bé thơ chào đời nhiều khi không còn là một niềm vui lớn lao, mà lại là một nghiệp chướng, một “của nợ” mà người ta không hề mong đợi, và họ đã loại bỏ đứa con khi còn trong trứng nước.
1. Một bé thơ chào đời - một nghiệp chướng
Hiện nay, hằng năm trên thế giới có hàng triệu triệu thai nhi bị sát hại. Các em đã bị kết án tử hình vì tội gì? Cha mẹ của các em bảo rằng nếu chúng ra đời thì sẽ là một nghiệp chướng cho họ; xã hội cũng từ chối đón nhận các em, vì các em sẽ thêm những gánh nặng cho xã hội; v. v. Nghiệt ngã thay, các em đã đến nhà mình, nhưng ngay cả cha mẹ, người nhà của các em đã chẳng chịu đón nhận. Các em đã bị chối từ trong một cuộc thảm sát dã man có hệ thống và có tầm mức tương đương với tội ác diệt chủng![6]
Cuộc thảm sát hài nhi ấy không ở đâu xa, nó đang diễn ra hằng ngày trên đất nước Việt Nam, một đất nước vẫn tự hào về tình mẫu tử. “Từ năm 1996, Tổ chức y tế thế giới đã xếp Viêt Nam là một trong hai nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới (Việt Nam và Uzbekistan). Số người trong độ tuổi sinh hoạt tình dục (từ 15 đến 44 tuổi) đi phá thai chiếm 8,33% tương đương với số lượng hơn một triệu người/năm đến các cơ sở nạo phá thai. Đến nay con số này không có gì thay đổi, trong đó đối tượng phá thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên là khá cao, 20%.”[7] Theo GTZ Việt Nam, “tại Việt Nam tỉ lệ nạo phá thai thuộc hàng cao nhất thế giới (ước tính khoảng 2,5 trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.”[8] Những con số rất đáng quan ngại báo động một thực trạng: phá thai được xem là chuyện nhỏ![9]
Vì sao hàng triệu triệu hài nhi chưa chào đời đã bị kết án là nghiệp chướng? Cổ nhân có câu “hổ dữ chẳng nỡ ăn thịt con”, vậy tại sao lại có những người mẹ đang tâm sát hại đứa con còn trong trứng nước của mình? Có 1001 lý do người ta đưa ra để biện minh cho hành động giết các thai nhi. Chúng ta có thể thấy một vài lý do sau:
a. Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam được kể là những quốc gia có nguy cơ “bùng nổ dân số” và lại là những quốc gia đang phát triển. Để giảm áp lực “bùng nổ dân số” và tăng thu nhập quốc dân (GDP), phá thai được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu. Chính vì thế, nhà nước hợp pháp hoá việc phá thai; tạo điều kiện thuận lợi cho việc phá thai nhân danh việc bảo vệ sức khoẻ của bà mẹ; và thậm chí trước đây một số cơ quan, tổ chức của nhà nước còn gây áp lực buộc người mẹ phải phá thai vì sinh con thứ ba là vi phạm pháp luật[10].
b. Lối sống buông thả về tình dục – “yêu” không thể cưỡng được! “yêu hết mình là phải vậy!”[11] nơi các bạn trẻ hiện nay ở các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng đã góp một con số rất lớn vào tỉ lệ phá thai ở Việt Nam. Thực vậy, “mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,4 triệu ca nạo phá thai, trong đó 500 ngàn ca ở tuổi vị thành niên, 25% số ca chưa lập gia đình và 20% ca nạo phá thai khi còn ở tuổi vị thành niên. Chỉ riêng chín tháng đầu năm 2006 ở Bệnh viện Từ Dũ đã có 18.821 ca nạo phá thai và số trẻ vị thành niên đến đây nạo phá thai rất nhiều.”[12] Đối với các ông bố bà mẹ còn rất trẻ đó, thì thai nhi quả là một nghiệp chướng. Cô gái N.T.L (Hà Nội)16 tuổi, trong vòng gần 2 năm, cô đã đến bệnh viện đăng ký phá thai tới … 5 lần. Lý do phá thai: hai cậu bạn trai cô đang quan hệ không ai thừa nhận là tác giả của bào thai ấy và bản thân cô không thể làm mẹ khi vẫn phải xin bố mẹ từng đồng quà sáng![13]
c. Hiện nay, một hiện tượng xã hội khác cũng góp phần vào con số phá thai của Việt Nam là “sống thử” của những đôi tình nhân ở các khu công nghiệp. “Theo số liệu thống kê của các Trung tâm Y tế quận, huyện trên địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương thì số ca nạo, phá thai tăng đột biến so với các địa phương khác. Trong đó tỷ lệ nạo, phá thai là nữ công nhân chiếm phần lớn, trên 90% chưa lập gia đình, sống xa quê.”[14] Lý do biện minh cho việc phá thai thường là cuộc sống không ổn định, lương công nhân ít ỏi, không đủ chi phí cho bản thân, đứa con ra đời chỉ khổ cho nó.
d. Hiện nay, không ít các cặp vợ chồng đã từ chối đứa con còn trong bụng mẹ vì những lý do: kinh tế eo hẹp không thể chu toàn trách nhiệm nuôi con, sức khoẻ thể lý của người mẹ, công danh sự nghiệp, địa vị xã hội, … Nhân danh những lý do mà ông bố bà mẹ cho là rất chính đáng ấy, thai nhi bị kết án là một nghiệp chướng cản trở những dự tính của hai vợ chồng. Thật vô phước cho đứa bé khi nó xuất hiện trên đời không đúng thời điểm, ngoài ý muốn của cha mẹ. Xin đơn cử một thí dụ. Một bà mẹ trẻ đã giãi bày tâm sự để biện minh cho hành động giết con của mình rằng:
Tôi là một người mẹ trẻ với một cô con gái xinh xắn vừa được 18 tháng tuổi, tôi lại vừa phát hiện mình có thai - đây là sự việc ngoài ý muốn, hai vợ chồng tôi mặc nhiên coi việc bỏ cái thai còn rất ít ngày tuổi này là việc đương nhiên, vì tôi mới sinh mổ năm ngoái, và vì kinh tế nữa! Tôi đã tham khảo nhiều trang web về vấn đề này. Tôi cũng rất lo lắng nhưng không có sự chọn lựa nào khác vì sức khỏe của chính bản thân. Vết mổ đẻ mới hơn một năm không cho phép tôi mang bầu, ... Nhưng tôi biết rằng giọt máu này là con gái và tôi đặt tên cho nó là Lạc Tiên, từ rất lâu rồi.[15]
Cũng có nhiều thai nhi bị bố mẹ khước từ vì dị dạng, khuyết tật, mắc những chứng bệnh nan y bẩm sinh, … Họ biện minh cho việc giết con rằng: nó chào đời chỉ khổ cho nó nhiều và còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
2. Một vài suy nghĩ
Phá thai là một tội ác! Tội ác phạm đến sự tồn vong của một dân tộc và gia đình nhân loại. Pháp luật cho phép phá thai có khác nào là tuyên bố: diệt chủng một dân tộc là được phép? Không một lý do nào có thể biện minh cho tội ác giết hại những con người vô tội, mà có ai vô tội hơn các hài nhi?! Nhân loại thế kỷ XX đã lên án và ghi nhớ bài học lịch sử của chiến tranh thế giới thứ II: Hitler sát hại hàng triệu người Do thái vô tội trong những lò hơi gạt. Thế còn ngày hôm nay, hằng triệu triệu sinh linh bé nhỏ bị sát hại trong các bệnh viện thì sao? Các em không phải là người sao? Sao mà bất công và tàn nhẫn đối với các hài nhi ấy quá!? Nhân loại mong muốn hoà bình, người người không sát hại nhau. Ấy vậy, người ta lại cho phép sát hại các hài nhi vô tội. Sao mà mâu thuẫn quá! Trong một bài diễn văn vào ngày 3-2-1994, Mẹ Têrêsa đã chia sẻ những cảm nghĩ của mình về “chiến tranh và hoà bình” của nhân loại ngày hôm nay như sau:
Tôi nghĩ đến yếu tố có sức hủy diệt lớn lao nhất đến sự bình an của ngày hôm nay chính là việc phá thai, bởi vì đó là một cuộc chiến chống lại đứa trẻ, một hình thức trực tiếp để giết chết một đứa trẻ vô tội, chính người mẹ là kẻ sát thủ chính đứa con của mình. Và nếu chúng ta chấp nhận rằng một người mẹ có thể thậm chí giết chết đi đứa con của chính mình, thì làm sao chúng ta có thể nói cho những người khác là đừng giết hại lẫn nhau cho được?[16]
Nhân loại hôm nay đang từng ngày chứng kiến một tình cảnh thật đau lòng và oan nghiệt: mẹ giết con; một đứa con còn non nớt. Thực vậy, hành động “giết con” đã cắn rứt lương tâm của không ít những phụ nữ có tiền sử phá thai. Sau khi phá thai, một cô gái 16 tuổi đã khóc nức nở: “ Em có lỗi với con em lắm, nghe những lời hát ru em lại thấy rất đau lòng, liệu em có còn hát ru con em được nữa không?"[17]. Khi tỏ lòng hối tiếc thì mọi sự đã quá muộn. Vì đâu nên nỗi?
Ngày nay, người ta nói nhiều đến lối sống hưởng thụ. Chính lối sống này đã làm băng hoại những giá trị sống: tình dục là một thứ giải trí của các bạn trẻ; của trời cho cứ hưởng. “Sự sống” là một gánh nặng cho các ông bố bà mẹ; hy sinh ít đi, ích kỷ nhiều hơn. Một hài nhi chào đời không còn có ý nghĩa là “trái trăng của tình yêu”, mà là “tai nạn” của chuyện yêu đương ân ái. Vì thế, một đứa bé chào đời không còn là niềm vui lớn lao mà chỉ là một “cục nợ” trách nhiệm. Họ phải vất vả nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn, tốn kém nhiều hơn; chất lượng cuộc sống hiện tại sẽ bị thiệt hại khi phải chia sẻ cho đứa con. “Sự sống” không còn là một thực tại thánh thiêng, mà chỉ là một “gánh nặng” và họ đang muốn quẳng đi bao nhiêu có thể. Họ đang đánh mất cảm thức về “sự sống” của chính họ. Như Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp “Evangelium Vitae” đã nhận định:
Con người không còn hiểu mình là một “huyền nhiệm” khác hẳn những thụ tạo khác trên mặt đất này; con người coi mình chỉ là một trong những sinh vật, như một cơ thể cùng lắm là đạt tới một chặng hoàn hảo rất cao. Bị đóng khung trong một chân trời hạn hẹp của thực tại vật chất, một cách nào đó con người trở trở nên một “sự vật”, không thấu hiểu được tính cách “siêu việt” trong “cuộc sinh tồn của mình trong tư cách là người”. Con người đã không coi sự sống như hồng ân của Thiên Chúa, như một thực tại “thánh thiêng” được Người uỷ thác, để chúng ta âu yếm gìn giữ và trân trọng. (số 22)
Kết luận
Một hài nhi được sinh ra cho gia đình nhân loại là một niềm vui lớn lao hay chỉ là một nghiệp chướng? Câu hỏi ấy chất vấn lương tâm những bà mẹ đang cưu mang những sự sống của nhân loại. Vấn đề phá thai đồng nghĩa với một thực trạng: gia đình nhân loại đang tự huỷ diệt nòi giống mình, đang tự huỷ diệt chính mình. Sự sống của con người đang bị đe doạ chẳng phải bởi chiến tranh bom đạn, nhưng bởi một lối sống, mà nói theo ngôn ngữ của Đức Gioan Phaolô II, là lối sống của một nền văn minh sự chết.
Các Kitô hữu đều được mời gọi hành động “như” Đức Giêsu: Người là vị lương y của thể xác và linh hồn. Người chữa lành, nâng dậy sự sống hiện tại của mỗi người và ban cho con người sự sống đời đời. Chia sẻ sứ mạng của Đức Giêsu: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất" (Lc 19,10), người môn đệ của Kitô hôm nay mang lấy trách nhiệm tìm lại, cứu chữa và bảo vệ sự sống cho gia đình nhân loại.