Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

GIỚI THIỆU VĂN KIỆN TÒA THÁNH VỀ NEW AGE

Thời sự Thần học - Số 34, tháng 12/2003, tr.50-65. 

_Trung Nguyễn biên tập_ 


I. BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC HỒNG Y PAUL POUPARD


1. Phong trào New Age đã được nói đến nhiều rồi, và sẽ còn được nói đến nhiều hơn nữa. Tôi đã từng xin chuyên gia Jean Vernette một mục cho “Các phong trào New Age” trong cuốn sách in lần thứ ba của tôi bằng tiếng Ý, Grande Dizionario delle Religioni (Từ điển giải thích các Tôn giáo). Trong mục này, ông miêu tả các phong trào này như sau : “Các phong trào New Age, tựa như một dòng sông cuồn cuộn chảy bắn tung toé những làn nước, là một hình thái đặc trưng của sự thức tỉnh tôn giáo hiện đại thành một lòng sùng đạo mới mang nhiều nét của “Ngộ đạo vĩnh cửu” (Piemme, 2000, p.1497-1498). Mới đây, một tờ báo Italia về văn hoá tôn giáo có tựa đề là Religioni e sette nel mondo (Các tôn giáo và Giáo phái trên thế giới, 1996, 1-2) mỗi quí ra một số, đã dành hẳn hai số đặc biệt để nói về Phong trào New Age. Còn trong cuốn sách của tôi, tôi trình bày hiện tượng này như sau : “Hiện tượng Phong trào New Age, cùng với nhiều phong trào tôn giáo khác là một trong những thách đố cấp bách nhất đối với Đức tin Ki-tô giáo. Đó là một thách đố tôn giáo nhưng cũng đồng thời là một thách đố văn hoá. Phong trào New Age đưa ra những lý thuyết và đạo lý liên can đến Thiên Chúa, con người và thế giới không dung hợp được với Đức tin Ki-tô giáo.

Hơn thế nữa, Phong trào New Age vừa là triệu chứng của một nền văn hoá đang bị khủng hoảng sâu xa, vừa là một câu trả lời sai cho tình trạng khủng hoảng văn hoá, những lo âu, thắc mắc, khát khao và hy vọng của nó” (Religioni e sette nel mondo, 6, 1996, p. 7).

Văn kiện hiện tại về New Age


Hôm nay, cùng với Đức tổng giám mục Fitzgerald, tôi được vinh dự giới thiệu một Văn kiện nói về hiện tượng này. Văn kiện này đã được cha Peter Fleetwood, lúc đó đang là một thành viên của Hội đồng Giáo hoàng đặc trách văn hoá, và Tiến sĩ Teresa Osorio Goncalves thuộc Hội đồng Giáo hoàng đặc trách đối thoại liên tôn thảo ra. Do đó, văn kiện này là kết quả của một sự cộng tác lâu dài và chân thực giữa các Văn phòng của Toà Thánh nhằm đưa ra một câu trả lời, với “sự hiền hoà và lòng trọng kính” như thánh Tông đồ Phêrô đã căn dặn (1Pr 3,15), cho thách đố tôn giáo và văn hoá này.

2. Ngày nay, văn hoá của phương Tây, nhiều người ở những nơi khác nay cũng theo văn hoá này, đã đi từ một thái độ thức tỉnh hầu như theo bản năng về sự hiện diện của Thiên Chúa sang cái thường được gọi là một quan điểm “khoa học” hơn về thực tại. Cái gì cũng phải được giải thích bằng những từ ngữ lấy trong kinh nghiệm đời thường của chúng ta. Bất kỳ cái gì làm cho người ta nghĩ đến phép lạ thì lập tức trở thành cơ sở cho thái độ ngờ vực. Hậu quả là mọi hành động và vật dụng có tính cách biểu tượng, hiểu là các á bí tích, từng là một phần của việc hành đạo thường ngày của mỗi Ki-tô hữu, nay không còn bộc lộ rõ rệt nhiều trong quang cảnh tôn giáo như xưa nữa.

3. Sự thay đổi như thế do nhiều lý do khác nhau, nhưng qui về cái khung văn hoá dễ thấy đó là sự chuyển đổi từ những hình thái truyền thống về tôn giáo sang những cách diễn tả có tính cách bản thân và thiên về cá nhân đối với những gì nay đang được gọi là “linh đạo”, “tâm linh”. Ra như có ba lý do đặc trưng giải thích sự thay đổi đó.
 

Đánh mất cảm thức về một vị Thiên Chúa hữu ngã


Lý do đầu tiên nằm ở tình cảm cho rằng các tôn giáo hay các tổ chức truyền thống không còn đem đến những gì các tôn giáo hay tổ chức ấy vẫn cho là mình có thể cung cấp nữa. Một số người trong cái nhìn của mình về thế giới thực sự không thể tìm thấy một chỗ nào để tin vào một Thiên Chúa siêu việt, hữu ngã, rồi đối với nhiều người, kinh nghiệm đã đưa họ tới chỗ thắc mắc không biết vị Thiên Chúa này có quyền năng đem lại sự thay đổi cho thế giới này hay không, hoặc không biết Người có thực sự hiện hữu hay không nữa. Những kinh nghiệm khủng khiếp đã làm cho thế giới rối loạn khiến cho một số người có thái độ rất hoài nghi đối với tôn giáo. Tôi còn nhớ những biến cố kinh hoàng như vụ Holocaust và những dư âm của các quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki cuối Thế Chiến II. Chính bản thân tôi được cảm nghiệm điều ấy trong chuyến đi thăm Nagasaki mới đây khi tôi được cầu nguyện (nhưng hoàn toàn không thể tìm được những lời lẽ diễn tả) trước một đài kỷ niệm những người đã sớm phải kết thúc cuộc đời hoặc phải chịu ảnh hưởng mãi vào cái ngày tháng tám năm 1945 ấy. Ngày hôm nay, hiểm hoạ chiến tranh ở Trung Đông nhắc tôi nhớ đến những hoài niệm của cha tôi khi ông còn là người khiêng cáng trong Thế Chiến II. Những gì cha tôi kể lại cho tôi về những nỗi kinh hoàng của chiến tranh giúp tôi dễ hiểu những hoài nghi của con người về Thiên Chúa và tôn giáo hơn. Nỗi hoang mang lo lắng của bao người trước những đau khổ của người vô tội, cũng là điểm được một số phong trào khai thác, giải thích một phần nào tại sao một số tín hữu ngả theo các phong trào đó.
Các tôn giáo tân-ngoại giáo (Neo-pagan)

4. Một lý do khác giải thích một thái độ âu lo nào đó và một sự chối bỏ nào đó đối với Hội thánh truyền thống. Chúng ta đừng quên rằng trong châu Âu cổ xưa, tiền Ki-tô giáo, các tôn giáo ngoại giáo rất mạnh, và thường những xung đột không thích đáng xảy ra có liên lạc với sự thay đổi về chính trị mà thay đổi này lại khó lòng không bị dán cho nhãn hiệu là Ki-tô giáo áp bức các tôn giáo cổ xưa. Một trong những triển khai đáng chú ý nhất trong cái có thể gọi cách sống sượng là bầu khí “tâm linh” cuối thế kỷ vừa qua là một sự quay trở lại các hình thức tôn giáo tiền Ki-tô giáo. Các tôn-giáo-ngoại-giáo đã có một vai trò đáng kể trong việc ủng hộ một số ý thức hệ bạo lực và phân biệt chủng tộc ở châu Âu, vì thế củng cố xác tín cho rằng một số dân tộc giữ một vai trò lịch sử có tầm quan trọng ở mức thế giới đến độ có quyền bắt các dân tộc khác phải phục tùng, và điều đó khó lòng tránh khỏi kèm theo thái độ thù ghét đối với Ki-tô giáo, tôn giáo được coi như còn non trẻ xét trên bình diện tôn giáo toàn cầu. Những loạt hiện tượng phức tạp, hiểu dưới tên gọi là các tôn giáo “tân-ngoại-giáo” cho thấy nhu cầu nhiều người cảm thấy là phải sáng tạo những hình thức mới để “phản công” đối với Ki-tô giáo và trở về với hình thức tôn giáo chân thực hơn, một tôn giáo gắn bó chặt chẽ hơn với thiên nhiên và trái đất. Vì lý do đó, người ta nhìn nhận rằng không còn chỗ cho Ki-tô giáo trong các tôn giáo tân-ngoại-giáo nữa. Tương tự như thế hoặc không, một cuộc tranh đấu diễn ra để chinh phục trái tim và tâm trí của những người đang ở trong những mối tương liên giữa Ki-tô giáo, các tôn giáo cổ, tiền Ki-tô giáo với “các anh chị em họ hàng” của các tôn giáo ấy mới được triển khai gần đây hơn.

Sự chỗi dậy của các linh đạo phương Đông


5. Lý do thứ ba, ngay từ cội rễ của thái độ giải trừ ảo tưởng đối với các tôn giáo có tổ chức, xuất phát tự một nỗi mê hoặc ngày càng gia tăng trong văn hoá phương Tây đối với các tôn giáo phương Đông và những nẻo đường minh triết. Khi việc đi đây đó ra ngoài đại lục của mình trở thành dễ dàng hơn. Nhưng người châu Âu thích mạo hiểm bắt đầu khám phá những nơi mà trước đây họ chỉ biết qua việc tham khảo những trang sách cổ. Sức quyến rũ của cái ngoại lai khiến họ tiếp xúc gần hơn với những tôn giáo và những lối thực hành tôn giáo bí truyền của nhiều nền văn hoá phương Đông từ Ai cập cổ đại cho đến Ấn độ và Tây tạng. Sự xác tín ngày càng gia tăng rằng ở trung tâm của mỗi một kinh nghiệm tôn giáo có một chân lý ẩn sâu, một căn cốt của chân lý đã đưa dẫn tới ý tưởng cho rằng có thể thu thập những yếu tố khác nhau từ những tôn giáo khác nhau nhằm đạt được một hình thái tôn giáo đại đồng. Một lần nữa, trong một công trình như thế, còn một chỗ nhỏ nhoi cho các tôn giáo đã được thể chế hoá, đặc biệt là Do thái giáo và Ki-tô giáo. Đáng nhớ lại là lần tới quí vị đi ngang qua một tấm bảng quảng cáo cho Phật giáo Tây tạng hoặc một loại hình chiêu mộ đệ tử của một guru : đó là tất cả những gì bạn thường có cơ hội chứng kiến trong bất cứ thành phố lớn nào của châu Âu. Quan tâm của tôi là sự kiện nhiều người, một khi đã nhập cuộc vào các loại hình linh đạo của phương Đông hoặc “bản địa” như thế, thực ra lại không ý thức đầy đủ được những ý nghĩa hàm ẩn đàng sau lời mời đầu tiên đến xem những cuộc hội họp ấy. Ngoài ra cũng đáng ghi nhận sự kiện là từ lâu rồi cho đến nay người ta thấy có một sự quan tâm mãnh liệt đối với tôn giáo bí truyền trong một số giới theo Tam điểm vốn khao khát một tôn giáo đại đồng. Thế kỷ Ánh sáng đã đẩy tới ý tưởng cho rằng không thể chấp nhận được là có quá nhiều xung đột và chiến tranh lại được nhân danh tôn giáo. Về điểm này tôi không thể không đồng ý. Tuy nhiên, quả là không lương thiện khi không chịu nhìn nhận rằng một thái độ bài tôn giáo được phổ biến rộng rãi đã triển khai từ một mối quan tâm làm sao bảo vệ hạnh phúc của nhân loại. Dẫu trong bối cảnh như thế, vẫn là không bình thường khi cái được kể như là một sự xung đột tôn giáo thực ra chẳng phải là cái gì khác hơn là một cuộc xung đột mang bản chất chính trị, kinh tế hoặc xã hội.

Thời Bảo Bình (Age of Aquarius)


6. Tinh thần của tôn giáo đại đồng mới này được giải thích rõ hơn nhờ một đường lối rất thông thường trong âm nhạc có tựa đề là Hair của những năm 1960, khi công bố cho công chúng toàn thế giới rằng “Đây là bình minh của thời Bảo Bình”, một thời đại được xây dựng trên sự hài hoà, hiểu biết và yêu thương. Theo từ ngữ thiên văn, Thời Song Ngư (Age of Pisces) được đồng hoá với thời Ki-tô giáo trị vì. Nhưng rõ là thời này chẳng bao lâu sẽ phải đi đến chỗ tận cùng để nhường chỗ cho Bảo Bình, khi Ki-tô giáo mất đi ảnh hưởng của mình và để lại con đường rộng mở cho một tôn giáo đại đồng, nhân bản hơn. Một phần lớn luân lý truyền thống sẽ không còn chỗ đứng trong Thời đại mới của Bảo Bình nữa. Cách nghĩ của con người ta sẽ được thay đổi hoàn toàn và sẽ chẳng còn phân biệt nam nữ nữa. Con người phải được gọi theo hệ thông để đảm nhiệm một hình thái cuộc đời không nam không nữ trong đó mỗi một trong hai bên của bộ não trở thành thứ phẩm trong cái hoà điệu vào đúng thời ấy, không còn bị gián đoạn như ngày hôm nay nữa.

Cái nhìn lệch lạc về Chúa Ki-tô


7. Khi chúng ta nhìn thấy, nghe thấy kiểu nói Phong trào New Age, thì điều quan trọng là nhớ rằng nguyên thủy kiểu nói này đưa về Thời đại mới là Bảo Bình. Văn kiện đang được giới thiệu với quí vị đây là một câu trả lời cho nhu cầu các Giám mục và các tín hữu ở nhiều nơi trên thế giới đã cảm thấy. Những người này đã không ngừng xin giúp để hiểu Phong trào New Age từ khi họ thấy số người nhập cuộc vào phong trào như thế bằng nhiều đường lối khác nhau và ở nhiều mức độ khác nhau. Họ cũng xin hướng dẫn để có thể đáp ứng tốt hơn trước hiện tượng này đã có mặt ở mọi nơi rồi. Chính tựa đề của văn kiện này, nhìn chung, cho thấy rõ là Bảo Bình sẽ không bao giờ có thể cống hiến điều Chúa Ki-tô có thể cống hiến. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri ở bờ giếng Gia-cóp (Ga 4,1-42), được tường thuật trong sách Tin Mừng Gio-an, là bản văn chính hướng dẫn suy tư này trong suốt thời gian phác thảo bản tường trình sơ khởi về Phong trào New Age được giới thiệu với quí vị hôm nay. Như ta thấy, Văn kiện không cho mình là một tuyên bố rốt ráo về vấn đề này. Đây là một suy tư có tính chất mục vụ nhằm giúp các Giám mục, các giáo lý viên và biết bao người đang dấn thân hoạt động trong các chương trình đào tạo trong Hội thánh, để nêu lên nguồn gốc của Phong trào New Age, ngõ hầu ta có thể thấy được Phong trào này ảnh hưởng vào đời sống của các Ki-tô hữu bằng cách nào, và đưa ra những phương thế và những phương pháp tích cực nhằm đáp ứng biết bao nhiêu những thách đố khác nhau do Phong trào New Age đặt ra cho cộng đoàn Ki-tô hữu tại những nơi khác nhau trên thế giới nơi cộng đoàn đang hiện diện. Đây cũng có thể là một thách đố cho các Ki-tô hữu đang bị cám dỗ bởi những gì Phong trào New Age đang nói về Đức Giê-su Ki-tô, để biết được rằng có nhiều điểm dị biệt giữa Đức Ki-tô Vũ Trụ với Đức Ki-tô Lịch Sử. Nói cho cùng, Văn kiện này là một dấu chỉ nữa cho thấy Hội thánh quan tâm đến thế giới. Mối quan tâm này xuất phát từ bổn phận của Hội thánh là luôn trung tín với Tin Mừng về cuộc đời, cái chết và sự Phục sinh của Đức Giê-su, Đấng thực sự cống hiến nước hằng sống cho tất cả những ai đến gần Người với tâm trí và cõi lòng rộng mở.
Thành quả do sự cộng tác của nhiều Văn phòng Toà Thánh

8. Bản chất và tầm quan trọng của Văn kiện này sẽ được hiểu rõ nếu như tôi giải thích cho quí vị hay Văn kiện này được soạn ra như thế nào. Có một Ủy ban nghiên cứu liên ban liên hệ với vấn đề các giáo phái và các phong trào tôn giáo mới. Các Văn phòng của các Hội Đồng đặc trách văn hoá và đối thoại liên tôn và Cổ võ hiệp nhất các Ki-tô hữu cũng như Bộ loan báo Tin Mừng cho các dân tộc làm nên một Ủy ban. Để chuẩn bị Văn kiện này, các nhân viên của bốn Văn phòng vừa kể trên xem xét bản văn, được Bộ giáo lý đức tin hỗ trợ. Như thế, rõ ràng là Toà Thánh đã coi dự phóng này như là cơ hội để đưa ra một tài liệu có âm vang và cẩn thận tỉ mỉ. Để Văn kiện này ra đời, cần có một thời gian dài. Trên hết, tôi hy vọng là Văn kiện này giúp cho các Giám mục trong các cộng đoàn Ki-tô hữu đủ mọi loại có cơ hội suy nghĩ. Nếu như phải thay thế bằng một bản văn khá hơn và một bản văn có tính cách rốt ráo hơn, thì có nghĩa là bản văn này đã hoàn thành mục đích là khuyến khích mọi người dấn thân trong tác vụ mục vụ và những người cộng tác suy nghĩ về Văn kiện này theo đường lối thần học.

Sự khác biệt giữa ý thức hệ với sản phẩm, thân chủ, người hâm mộ, đồ đệ


9. Văn kiện khích lệ người đọc cố gắng tối đa để hiểu cho đúng đắn hiện tượng Phong trào New Age. Điều ấy đòi phải có một thái độ cởi mở mà Đức tổng giám mục Fitzgerald sẽ trình bày chi tiết với quí vị sau đây. Nhưng tôi xin thưa là có thể có một vài bình phẩm nào đó về phía những người Ki-tô hữu, những người sau khi đọc qua Văn kiện này, nhận thấy là một vài hình thức linh đạo hiện thời họ đang theo bị phê bình. Việc sử dụng từ New Age để định nghĩa hiện tượng này đã là vấn đề khó rồi. Vì đó, một số người thích dùng từ “Thời sắp tới”, nhưng với tất cả sự trọng kính hơn. Tôi thấy đây cũng chỉ như là nêu lên vấn đề và bao phủ vấn đề bằng một lối dụng ngữ mù mịt. Sự kiện là từ New Age bao gồm nhiều thứ cho thấy rằng không phải bất cứ ai thủ đắc những sản phẩm New Age hoặc chủ trương rằng mình đang được hưởng một lợi ích nhờ liệu pháp của New Age đều là những người ôm ấp ý thức hệ của Phong trào New Age cả đâu. Thế nên, cần có thái độ biện phân cả đối với cái gắn liền với những sản phẩm mang nhãn hiệu New Age lẫn đối với cái gắn liền với những người, tuỳ mức độ hơn kém, có thể được coi như “những thân chủ” của Phong trào New Age. Thân chủ, người hâm mộ, đồ đệ không phải là một. Sự lương thiện và cái nhìn đầy đủ đòi chúng ta phải rất thận trọng và đừng cho cọng rơm nào cũng là cái xà, bởi sử dụng các nhãn hiệu với một trường hợp rộng nhất.
Vấn đề cơ bản : New Age là một ảo tưởng giả dối

10. Để kết luận, tôi chỉ xin nêu lên rằng Phong trào New Age tự giới thiệu như là một ảo tưởng giả dối nhằm đáp lại nỗi khao khát sâu xa trong tâm hồn con người muốn được hạnh phúc, làm mồi cho bi kịch cuộc đời và sự bất bình với sự bất hạnh sâu xa của hạnh phúc hiện đại. Phong trào New Age tự giới thiệu như là câu trả lời với vẻ bề ngoài dễ lầm lẫn cho niềm hy vọng cổ xưa nhất của con người : hy vọng một Kỷ Nguyên Mới của bình an, của hoà điệu, hoà giải với chính mình, với tha nhân và thiên nhiên vạn vật. Niềm hy vọng này, cũng cổ xưa như chính nhân loại vậy, là một tiếng kêu gọi bùng lên từ trái tim của con người, cách riêng vào những thời khủng hoảng. Văn kiện nhỏ bé được giới thiệu đây sẽ giúp ta hiểu rõ hơn, phân biệt rõ hơn giữa những gì được đề nghị và khơi dậy trong cộng đoàn Ki-tô hữu một sự dấn thân mới mẻ để công bố Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đem lại Nước hằng sống. Tôi hy vọng Văn kiện sẽ thổi lên cuộc tranh luận. Nhưng trong khi chờ đợi, tôi xin chân thành cảm ơn toàn thể đội ngũ các chuyên viên, nhất là Cha Peter Fleetwood và Tiến sĩ Teresa Osorio Goncalvez, những người đã đem hết năng lực và sự cần mẫn để hoàn thành Văn kiện này.

II. BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC MICHAEL LOUIS FITZGERALD


Người ta có thể thắc mắc tại sao Hội đồng Giáo hoàng đặc trách đối thoại liên tôn lại để ý đến hiện tượng “New Age”. Chúng tôi xin trả lời rằng có một lý do mang tính cách lịch sử và một lý do khác thuộc phạm vi trách nhiệm. Nghiên cứu hình thức này hình thức kia của lòng đạo là một trách nhiệm được nhiều Văn phòng của Tòa Thánh, trong đó có Hội Đồng của chúng tôi, cùng chia sẻ. Sự cộng tác trong năm 1986 đưa tới Văn kiện về Các giáo phái hoặc các Phong trào tôn giáo mới, lại được tiếp tục. Chúng tôi rất hân hạnh được giới thiệu một thành quả khác của sự cộng tác này. Về thẩm quyền của Hội Đồng chúng tôi, Tông hiến Pastor Bonus chỉ dẫn cho thấy rằng Bộ này “tập trung và xem xét những mối tương quan giữa các thành viên và các nhóm thuộc các tôn giáo không Ki-tô giáo cũng như với những người không hề dính dáng với một cảm tình tôn giáo nào” (mục 159).
Hai hình thức đối thoại

Văn kiện được giới thiệu hôm nay nhìn nhận rằng những người chịu ảnh hưởng của “New Age” đúng là có một “cảm thức tôn giáo”. Tuy nhiên, khi nói đến đối thoại thì cũng có quyền phân biệt. Một hình thức đối thoại là các thành viên của các tôn giáo có tổ chức gặp gỡ nhau nhằm hiểu biết lẫn nhau, cộng tác để xây dựng hoà bình và phát triển, và bàn thảo về những giá trị tinh thần chung. Một hình thức khác là đồng hành với cá nhân trong hành trình tìm kiếm của người ấy. Cuộc đối thoại giữa Tin Mừng với Văn hoá cũng bao hàm một đòi hỏi phân biệt. Người Ki-tô hữu nhìn nhận những phương diện tích cực trong nỗ lực này, nhưng đồng thời nhờ mầu nhiệm Chúa Ki-tô soi sáng, họ cũng nhận ra những điểm yếu. Dựa vào nghiên cứu hiện nay, ta có thể nói tới một cuộc “đối thoại có phê phán” (s. 2, p.15). Trước hết, Văn kiện này ngỏ lời với các mục tử, các vị linh hướng, các giáo dân và mọi người đang dấn thân đồng hành với những người tìm kiếm. Trong số những người ấy có những Ki-tô hữu bị cuốn hút mà không nhận ra hoàn toàn, bởi những ý tưởng có nguy cơ làm cho họ xa rời đức tin và linh đạo của Tin Mừng .

Linh đạo và giáo lý


Hai lối tiếp cận được gợi ý để có một sự so sánh các tư tưởng căn bản của “New Age” với đức tin Ki-tô giáo. Thứ nhất, trong chương 3, là tiếp cận của linh đạo. Trong khi nhìn nhận những khía cạnh của việc tìm kiếm thiêng liêng đích thực thấy rõ trong những cách diễn tả của New Age – tìm kiếm hoà điệu, thống nhất và kinh nghiệm về điều thiên linh – bản văn nêu lên tính cách đối thoại của đời sống Ki-tô hữu, tức là điều đặt cơ sở trên cuộc đối thoại vĩnh tồn giữa Thiên Chúa Ba Ngôi và tạo nên, từ bên trong, cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với thụ tạo nhân linh, đưa ra một khuôn mẫu mới cho những mối tương quan liên vị.

Lối tiếp cận thứ hai, được triển khai trong chương 4, là một cuộc đối thoại thuộc thể loại giáo lý. Đây không phải được diễn tả theo hình thức một trình bày giáo lý có hệ thống – điều này đòi hỏi phải xem xét toàn thể Sách giáo lý – nhưng như là một phát biểu những vấn đề căn bản được những người theo “New Age” và các Ki-tô hữu trả lời khác nhau. Thực ra, trước nhiều lối sống thực hành gắn liền với những lý thuyết của “New Age”, chúng ta được mời phân biệt, sử dụng ngọn đèn đức tin để, khi so sánh với những đề nghị khác, tái khám phá ra phương diện thật mà Đức Ki-tô đem đến cho nhân loại.

Trong tinh thần đối thoại, Hội thánh nhìn xa hơn, vượt ra khỏi vòng các tín hữu của mình. Hội thánh nhìn mọi người bất luận nam nữ đang khao khát, với thái độ khiêm tốn đối thoại, để đem kho tàng Thiên Chúa đã phó thác cho Hội thánh đến cho họ. Nói cách khác, đó là nước hằng sống Đức Ki-tô hứa ban cho người phụ nữ Sa-ma-ri. Câu chuyện trong sách Tin Mừng, được bình giải trong chương 5 của Văn kiện này, đưa ra đường hướng có giá trị về thái độ các Ki-tô hữu cần phải có đối với những người theo những con đường khác hoặc những người không kiên bền trong những chọn lựa của họ.

Có lẽ một số người thắc mắc phải chăng đối thoại liên tôn không thích nhìn nhận giá trị tích cực, tức là “hạt giống Lời”, hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi những con người theo các truyền thống tôn giáo khác, và cả trong những cách diễn tả khá chân thực của “New Age” nữa. Chúng tôi xin thưa rằng trong Hội thánh có một niềm tin sâu sắc vào cuộc đối thoại được Thiên Chúa tiến hành với mỗi một con người và vào mục đích sau cùng là cứu độ. Niềm xác tín này phải hướng dẫn mỗi người trong các cuộc gặp gỡ của chúng ta. Nhưng người ta chỉ có thể đối thoại có kết quả nếu như căn tính của chúng tôi sáng rõ. Chúng tôi không thể đồng thời vừa tin lại vừa không tin vào một Đấng Thiên Chúa siêu việt trên lịch sử, vừa tin lại vừa không tin vào Đức Ki-tô, Đấng cứu độ nhân loại, vừa tin lại vừa không tin vào sự trung gian độc nhất của Người, vân vân… Chính từ căn tính Công giáo sáng rõ, từ linh đạo sống động của chúng tôi và chúng tôi có thể thực hiện một cuộc gặp gỡ đối thoại chân thực. Những người theo các tôn giáo khác nhau, như Ấn giáo, Phật giáo cũng có thể hỏi chúng tôi xem chúng tôi tin gì, kinh nghiệm tâm linh của chúng tôi là gì. Chúng tôi không thể từ chối không trao cho họ ánh sáng Thiên Chúa đã làm loé lên trong tâm hồn chúng tôi.

Hội thánh tránh bất cứ quan niệm nào gần gũi với những quan niệm của New Age


Tôi xin thêm một điểm nữa. Điểm này đã được bàn vắn tắt trong chương 6.2. Trong tương quan với các tôn giáo khác, Hội thánh tránh bất cứ những gì có thể đem lại tính khả tín cho một số quan niệm cũng có trong tư tưởng của “New Age” : chủ đề về sự thống nhất các tôn giáo, xác tín rằng mọi con đường đều như nhau, thái độ đánh giá các tôn giáo tiền Ki-tô giáo là những tôn giáo đích thực. Ngay ý tưởng con người có thể sáng tạo ra một tôn giáo, tựa như một công nhân tài ba hay một nhà hoá học sáng chế hoặc điều chế một cái gì vậy. Đối thoại không phải là sương mù, đối thoại không thể là xoá đi những dị biệt. Đối thoại phải làm sao phù hợp với đức tin Ki-tô giáo và các bên đối thoại cũng phải biết chúng tôi tin điều gì.

Những vấn đề mục vụ


Toàn thể chương 6 dành để nói tới những vấn đề liên can đến mục vụ. Nghiên cứu này muốn trở thành một phương thế để trao đổi với các Hội thánh địa phương và với các trung tâm đào tạo và văn hoá nhằm hiểu biết rõ hơn bối cảnh tôn giáo và tìm những đường lối mới để đối thoại và làm chứng. Chính tại các địa phương, ta có thể nghiên cứu học hỏi và đưa ra những câu trả lời hữu ích cho những người đang tìm kiếm. Đấy không phải chỉ là bổn phận của các mục tử nhưng còn là bổn phận của tất cả những ai đang tham gia tích cực vào sứ mạng của Hội thánh.

Phụ trương của Văn kiện này liệt kê những tư liệu hữu ích giúp nghiên cứu hiện tượng “New Age” : một loạt các văn kiện có tính cách mục vụ liên quan đến chủ đề này, rồi những nghiên cứu xa hơn có tính cách đối thoại với Ki-tô giáo, những tác phẩm có tính cách tổng quát. Tôi cũng xin lưu ý đến bảng từ vựng : một số quan niệm được nêu ra ở đây không phải chỉ thông dụng trong các tác phẩm gần đây của “New Age”, nhưng cũng là nhan đề của những dòng tư tưởng cổ hơn là căn để cho những tư tưởng nền tảng của trào lưu này. Cho dù có là tóm lược, các tác phẩm và từ vựng này cũng cung cấp những tư tưởng giúp tìm tòi và hiểu mật độ văn hoá của phong trào này.

Trong Tông thư Thiên niên kỷ thứ ba đang tới (Novo Millenio ineunte), Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra một lời mời cấp bách xin chúng tôi xây dựng cuộc đời và hoạt động của mình trên việc chiêm ngưỡng dung nhan Đức Ki-tô. Nghiên cứu này đã làm cho lời mời ấy vang vọng lại, khi nói : “Cũng có một tiếng gọi trong tất cả những gì thuộc phong trào này mời tiến đến gần Đức Giê-su Ki-tô hơn và sẵn sàng đi theo Người, bởi vì Người là con đượng thật đưa tới hạnh phúc, là chân lý về Thiên Chúa và là sự sống viên mãn cho bất cứ người nào bất luận nam nữ đang sẵn sàng đáp lại tình yêu của Người” (p.12).