Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

VĂN HÓA SỰ SỐNG TOÀN DIỆN

Thời sự Thần học - Số 3, tháng 06 năm 2008, tr. 15-24. 

Lm. Giuse. Nguyễn Trọng Viễn, O.P. 🙋 


1. “Văn hóa sự sống toàn diện” chất vấn đời sống Kitô hữu


Giáo lý Kitô giáo khẳng định những điều tốt đẹp nhất cho sự sống con người. Theo cách nói của thông điệp Tin Mừng Sự Sống, theo “Tin Mừng về sự sống nằm ở trung tâm của sứ điệp Đức Giêsu” (s. 1). Hoặc nói một cách khác, sự sống con người và sự sống toàn diện chính là biểu hiện cụ thể của phẩm giá con người… Điều đó không phải chỉ là một lựa chọn trong một hoàn cảnh cụ thể, trước những nguy cơ đe dọa sự sống của thế giới văn minh hiện đại, nhưng thực sự là giáo huấn căn bản của Kinh Thánh cũng như của tín lý Kitô giáo. Giáo Hội trong thế giới hiện nay cần phải mang trách nhiệm làm sáng lên một nền văn hóa sự sống để chống lại một thứ “văn hóa sự chết” đang phát triển ồ ạt trong thế giới này.
Thế nhưng, có một nghịch lý là chính Giáo Hội Công giáo cũng đã và đang bị tố cáo như là những kẻ làm nhiễm độc sự sống. Trong quá khứ và ngay trong thời đại hiện nay, chúng ta có thể thấy khá nhiều lời tố cáo về cách sống “vu khống sự sống” trong đời sống Giáo Hội. Chúng ta có thể nhắc nhớ lại một vài nét:

Phản ứng của thời Phục Hưng Châu Âu là một cách chống lại bầu khí của Giáo Hội Công Giáo quá nhấn mạnh đến “vũng lầy nước mắt”, đề cao lối sống khắc khổ, dè dặt với niềm vui và sự phát triển tự nhiên của con người, tính cách nghiêm nghị của cuộc sống nên thánh,… để tái khám phá ra vẻ đẹp tự nhiên của con người, khám phá ra những năng lực lớn lao của con người, khám phá lại niềm vui sống, khám phá tính cách độc đáo và có “cá tính” của cá nhân . . .

Đến thế kỷ XIX, triết gia F. Nietzsche vẫn nhân danh sự sống phong phú và mạnh mẽ đó tố cáo bầu khí ảm đạm mà Kitô giáo đã phả vào trong cuộc sống con người : 
“Cho tới bây giờ, người ta chưa dám tấn công Kitô giáo, hơn nữa, lại tấn công không đúng chỗ. Bao lâu chưa cảm thấy rằng luân lý Kitô là một tội ác căn bản đối với sự sống, thì các người bênh vực vẫn chống trả lại dễ dàng”… hoặc “…cái nhìn của linh mục, gương mặt xanh xao, xa cách làm hại cho sự sống hơn là những lợi ích do lòng hy sinh tận tụy của họ mang lại; lối sống cách biệt như thế vu khống sự sống”…
Đến tận giữa thế kỷ XX, triết gia B. Russell vẫn tỏ bầy ý kiến của mình về tôn giáo nói chung: 
“Xét chung thì tôi cho rằng tôn giáo đã có nhiều hậu quả tai hại, nó thần thánh hóa chủ nghĩa bảo thủ, cứ bám lấy những tục lệ thời trước, nhất là nó thần thánh hóa sự cố chấp, bất bao dung và lòng căm thù. Cái thái độ, những hành động cố chấp, bất bao dung trong tôn giáo; nhất là ở châu Âu, quả thực là ghê tởm”…; và đặc biệt với Giáo Hội Kitô giáo: “Đế quốc La Mã sụp đổ, nhưng các linh mục trong Giáo Hội có quan tâm tới cái đó đâu. Họ chỉ lo làm sao phụ nữ giữ được trinh khiết thôi. Cái đó, đối với họ mới là rất quan trọng… ngày nay nhân loại cũng đương sụp đổ và tôi thấy nhiều giáo sĩ địa vị rất cao chỉ nghĩ tới vấn đề làm sao ngăn được sự thu thai nhân tạo; họ cho việc đó quan trọng hơn nhiều việc ngăn ngừa thế chiến nó sẽ tiêu diệt nhân loại không còn lấy một mạng. Theo tôi, họ như thiếu ý thức về cân xứng, cái quan trọng thì cho là tầm thường và ngược lại…”[1].
Trong hình ảnh cuộc đấu tranh chủ nô mà triết gia Hégel trình bày, người ta thấy bắt đầu nổi lên một khía cạnh mới: ý nghĩa của sự sống cao hơn chính sự sống. Trong cuộc chiến của hai người, kẻ nào dám coi thường sự sống thể lý để lao vào cuộc đấu tranh cho được một cuộc sống làm chủ, nghĩa là một cuộc sống có ý nghĩa chân chính, thì kẻ ấy sẽ là người thắng cuộc. Ngược lại kẻ ham sống sợ chết, kẻ muốn bảo vệ sự sống của mình bằng bất cứ giá nào, cho dự là một cuộc sống mất tự do như một người nô lệ, thì kẻ ấy sẽ là người thua cuộc. Ý nghĩa sự sống cao hơn chính sự sống, hay nói một cách khác, sự sống con người không chỉ đơn thuần là một sự sống sinh vật, sự sống con người cần đạt đến mức độ sự sống phong phú và cao cả. Từ đây, ta đó có thể thấy thấp thoáng hình bóng của sự sống một cách rõ rệt hơn. Sự sống không phải chỉ là sự phập phồng của con tim, nhưng còn là phẩm giá của một con người.

Không kể những người có thiên kiến lệch lạc đối với tôn giáo, chúng ta phải thật sự đau lòng khi thấy có những tấm lòng tha thiết với cuộc đời, tha thiết với vận mạng con người lại phải tìm cách bênh vực con người bằng cách chống lại Thiên Chúa cũng như chống lại Giáo Hội. Nhìn lại những lời chỉ trích Giáo Hội nhân danh giá trị nhân bản, hoặc nhân danh sự sống, chúng ta có thể nhận ra rằng : trong khi Giáo Hội, ít là trong quá khứ, đó chỉ chú trọng đến những giới luật cấm đoán từ Thiên Chúa về một vài tình huống trong cuộc đời, phá thai, ngừa thai, tự tử… mà chưa triển khai được một hệ giá trị nhân văn về phẩm giá con người, thì những nhà vô thần nhân bản lại lưu ý nhiều hơn tới điều tạm gọi là “con người toàn diện”, lưu ý tới một thứ tạm gọi là “sự sống toàn diện”.

Những người chủ trương phá thai, cái chết êm đềm, ngừa thai, thụ thai nhân tạo…không hẳn là những người gian ác, thích hưởng thụ hoặc ích kỷ,… nhưng có nhiều chủ trương xuất phát từ thái độ “vì con người”. Ít nhiều gì đó, chúng ta cần nhìn nhận nơi những chủ trương ấy một thái độ vì con người, vì bênh vực con người, vì bênh vực cho cuộc sống con người. . .

2. Biện chứng đời này – đời sau


Lý do của một thái độ không ăn khớp giữa lập trường căn bản và cung cách diễn tả trong lòng Giáo Hội, có lẽ, là do một biện chứng sâu xa trong giáo lý của Giáo Hội, biện chứng đời này và đời sau : “…ơn gọi siêu nhiên này nhấn mạnh tính cách tương đối trong sự sống trên trần gian của người nam và người nữ. Thực vậy, sự sống này là một thực tại, không phải là “chót” mà là “áp chót”…” (TMSS s. 2)

Giáo Hội ủng hộ sự sống ở đời này những lại đặt tầm quan trọng chính yếu vào sự sống mai sau. Hơn nữa, việc tha thiết với cuộc sống mai sau lại thường được diễn tả như đòi hỏi một sự “coi thường”, hoặc nhiều khi là “khinh chê” cuộc sống ở đời này. Như thế, nếu phải lựa chọn một trong hai thì dĩ nhiên người Kitô hữu chỉ có thể lựa chọn đời sống mai sau, một đời sống trường cửu, vững bền và chung cuộc.

Thật ra, nếu chúng ta không lý giải được mối tương quan biện chứng giữa hai đời sống ấy, thì chúng ta sẽ rất dễ rơi vào một sự chọn lựa “một mất một còn ”, đó chọn bên này thì phải bỏ bên kia; và như thế, đó chọn cuộc sống mai sau thì phải chịu vậy trước những khó khăn, những kỷ luật, những đòi hỏi mà “giá vé” của cuộc sống mai sau đặt ra cho cuộc sống này. Và nếu không lý giải được mối tương quan biện chứng ấy, người ta khó có thể triển khai được một nền văn hóa sự sống toàn diện, có khả năng làm sáng lên những nét đẹp của chính đời sống này. Có lẽ ở điểm này mà chúng ta hiểu ra tại sao Giáo Hội Công Giáo vẫn còn rất ít triển khai được những giá trị nhân bản mang phẩm chất đặc trưng và tuyệt đẹp của tinh thần Kitô giáo trong cuộc sống hằng ngày. Có khá nhiều giá trị nhân bản gắn liền với đạo lý chính thống của Giáo Hội đó không được ý thức, không được huấn luyện và không được thể hiện một cách rõ nét trong đời sống của Giáo Hội, để rồi nhiều khi trình bày được một khuôn mặt “hồn Trương Ba da Hàng Thịt”.

Thật ra mối tương quan giữa cuộc sống đời này và đời sau không phải là mối tương quan bi đát, nghĩa là tương quan loại trừ nhau, nhưng phải là tương quan ủng hộ nhau. Người ta chọn cuộc sống mai sau không phải vì khinh chê cuộc sống này, nhưng là vì rất trân trọng nó. Ngay cả khi chấp nhận làm giảm thiểu hoặc chấp nhận chết đi trong cuộc sống đời này vì cuộc sống mai sau, thì đó cũng không phải là làm giảm nhẹ giá trị của nó, mà chính là làm tăng giá trị của cuộc sống đời này, hay đúng hơn là làm trọn ý nghĩa của cuộc sống đời này. Đó là một thứ biện chứng chứ không phải là một mối tương quan bi đát giữa đời này và đời sau. Như thế, để có thể làm sáng trọn vẹn lên ý nghĩa của cuộc sống đời này và góp phần và một nền văn hóa ủng hộ sự sống, chúng ta phải làm sáng lên mối tương quan biện chứng ấy. Chúng ta thử tiếp cận mối tương quan ấy, dưới ánh sáng của lý trí tự nhiên, để tìm ra một vài giá trị nội tại trong ý nghĩa của sự sống con người :

* Sự sống và tình yêu


Nếu cuộc sống đời này chỉ là nó như được lý trí nhận xét, như được nhìn trong quan điểm thuần túy con người mà thôi, thì trong nó đó bao hàm một nghịch lý khó hóa giải được: một giá trị cao cả và một hiện hữu bọt bèo. Trong sự nhận biết của lý trí tự nhiên, rõ ràng mọi sự dính dáng đến bản thân con người, mọi tài năng, mọi đức tính, mọi vẻ đẹp, mọi thành quả của cuộc sống con người… và chính bản thân của con người đều là những điều hoàn toàn nằm trong thế giới tương đối, nay còn mai mất, nay nhớ mai quên, đẹp đẽ đó, nhưng rồi cũng héo tàn đó. Đời sống mỗi người đều không vượt qua được cánh cửa của sự chết, và tất cả vận hành của vũ trụ đều tiên báo một ngày suy tàn.

Điều đó đó biểu hiện một cách cụ thể hiện nay trong sự qua đi của các thời đại, các nền văn minh, các thành quả của nhân loại. “Được lưu danh muôn thuở trong sử sách”; hoặc là công trình văn hóa “vĩnh cửu” thì cũng chỉ là một sự vững vàng bập bềnh trên vực thẳm hư vô; hoặc ta cũng hiểu được đó chỉ là một cách nói mà ai cũng biết rằng chúng không thể vượt qua được cánh của thực sự của hư vô đang chờ đón.

Với lý trí tự nhiên, ta phải nhận ra rằng con người chỉ có một lòng khao khát tuyệt đối trong thâm tâm của mình, và có một phẩm giá tuyệt đối của nhân vị. Nhưng cái phẩm giá tuyệt đối của nhân vị mà con người “tự phong” cho chính mình, trong thế giới này, cũng chỉ là thành phẩm tuyệt đẹp đang trôi nổi trên một đại dương của những tâm tình đen tối của sự ác, của cám dỗ chối từ phẩm giá của người… Thật sự, cuộc sống này, tự nó, không đủ để bảo đảm, hoặc đặt nền cho một nền văn hóa sự sống toàn diện. Nếu có thì cũng chỉ là “một chút huy hoàng” để rồi chìm tắt. Sự sống con người, dù rất cao quí ở đời này, dù có tạo được một “thiên đàng” trần thế thì cũng chỉ là một thứ thiên đàng “kín cửa” để rồi sẽ chìm tắt vào hư vô. Heidegger đã cho thấy rõ điều đó khi nói rằng con người là hữu thể hướng về cái chết, và bóng dáng cái chết như một con dấu đóng trên mọi bước hành trình của con người, để khẳng định một cách dứt khoát ý nghĩa dở dang của thân phận con người.

Trong sự nghịch lý nội tại của sự sống đời này, người ta thấy sự sống như đó cố gắng tự tìm lấy cho mình một phương án giải quyết: sự sống cần ra khỏi bản thân mình để lưu tồn trong một “thế giới khác”. Sự sinh sản của sự sống sinh vật chính là một cách ra khỏi bản thân để lưu tồn trong nòi giống. Tuy nhiên, sinh sản cũng chỉ là một sự dãy dụa để thoát khỏi cảnh tiêu vong trước mắt, kéo dài thêm sự sống của mình nơi con cháu thêm được một thời gian. Ở mức độ con người, chính tình yêu là con đường ra khỏi bản thân, là con đường “siêu việt”, tức vượt quá bản thân trong niềm khao khát đi vào vĩnh cửu. Với tình yêu thương, con người có thể di chuyển trọng tâm của cuộc đời mình ra khỏi cái tôi ích kỷ để đến với ai khác, trao ngọn cờ sự sống cho người mình yêu thương và biến tất cả sự sống còn lại của mình trở thành “phân bón” cho cuộc sống của người mình yêu thương. Với tình yêu thương, sự sống thay đổi ý nghĩa, cuộc đời trở thành một hành vi cho đi; và cho đi trọn vẹn nhất chỉ có thể là cho đi chính bản thân. Với tình yêu, con đường hoàn thành vận mạng của đời người, cuối cùng, lại chính là gom góp trọn cuộc đời mình để cho đi. Đó chính là con đường duy nhất để ra khỏi cái tôi giới hạn, tương đối, bất tất, chóng qua… Tình yêu là một phẩm chất thường hằng của con người, và cũng là một phẩm chất đặc biệt của sự sống con người so với con vật. Như thế, một sự sống chân thật cũng phải là một sự sống thể hiện phong phú trong tình yêu; một sự sống có khả năng đi vào tình yêu, phong phú trong tình yêu, và thành đạt trong tình yêu…

Như thế tình yêu nơi con người mới được ca tụng như là “mạnh hơn sự chết”. Quả thật, chính tình yêu mới có thể giúp cho con người hoàn thành vận mạng tương đối của mình bằng cánh cử tình yêu mở ra với tuyệt đối.
“Con người là tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, chỉ có thể gặp lai chính bản thân mình nhờ thành thực hiến thân” (MV 24c).

* Sự sống và phẩm giá con người


Phẩm giá cao quí của con người cũng là một thực tại “biện chứng”. Thật ra, như đã nói ở trên, tất cả những gì liên quan đến con người và chính bản thân con người đều nằm trọn trong thế giới của cái tương đối và bất tất. Khi sự sống con người tự đóng kín trong chính mình, sự sống ấy sẽ tiêu tan một cách chóng qua. Tự bản thân của mỗi người thực sự không tìm được một nền tảng cho phẩm giá của chính mình. Con người khó có thể làm chứng cho một phẩm giá tuyệt đối tự tại trong bản thân của mỗi con người. Nói cách khác, trong giới hạn của lý trí tự nhiên, phẩm giá cao quí của con người cũng chỉ là chuyện con người “tự phong chức” cho nhau mà thôi.

Tuy nhiên, nhìn một cách khác, chúng ta có thể thấy rằng phẩm giá con người chỉ được sáng lên trong thế giới nhân bản. Đứng trước con cọp, một con người cũng chẳng hơn gì một con nai. Nhưng trong thế giới tương quan ngôi vị, mỗi một con người trở nên một tuyệt đối. Phẩm giá con người chỉ được loé lên khi được đưa vào tương quan, ít nhất, của sự kính trọng. Trong cuộc sống của con người với ai khác, phẩm giá ấy mới lộ diện. Đó là một phẩm giá “được hình thành” trong tương quan với ai khác.

Ở đây, chúng ta lại có thể tìm thấy một dấu vết khác của lòng khao khát tuyệt đối nơi con người. Chính trong tương quan, tương quan của lòng kính trọng, hoặc trọn vẹn hơn là tương quan của tình yêu, mà phẩm giá con người được nhìn nhận, được tôn vinh để trở thành như một ngôi vị không thể thay thế được. Tình yêu không phải là một chút hoa lá cành của sự sống con người, nhưng tình yêu chính là nẻo đường làm toát lên chính phẩm giá của con người. Không có tình yêu, dù ta có kính trọng phẩm giá người khác, thì cũng chỉ là một sự kính trọng “tạm thời”, nghĩa là tôn trọng để đường ai nấy đi, đừng ai xúc phạm đến ai. Chỉ trong tình yêu thương, sự sống con người mới trở nên một ngôi vị thực sự và mang một giá trị không thể thay thế bằng một ai hay một điều gì khác.

* Biện chứng Sự Sống và Cõi Chết


Như thế, sự sống của con người, dưới ánh sáng lý trí tự nhiên, khó có thể tìm được nền tảng của phẩm giá của nó ngoài con đường yêu thương. Nói cách khác, theo như cách nhìn của Hegel, sự sống không quan trọng bằng ý nghĩa của sự sống. Sự sống con người chỉ sáng lên giá trị của nó khi nó thực hiện ý nghĩa của đời sống con người, nghĩa là trong ý nghĩa sâu xa của tình yêu. Như thế, trong ý nghĩa sâu xa của tình yêu, sự sống có thể đi đôi với cái chết, sự sống có thể bao gồm những hình thức hãm mình, hy sinh, hoặc một lối sống khắc khổ nào đó… khi mà những điều đó thực sự nằm trong chiều hướng thể hiện chính sự sống trong lòng yêu thương. Một sự sống con người như thế toát lên vẻ đẹp của nó, không phải như một thân hình hoa hậu, không phải như một ý chí quyền lực, không phải như một tài năng chuyển núi dời non, nhưng như một tình yêu dám hy sinh bản thân mình cho ai khác. Ý nghĩa của đời sống con người, thực sự không phải là “hoa” khoe sắc và vênh mặt lên với bướm ong, nhưng chính là “hạt”, ươm mầm sự sống trong bản thân, lấy chính nhựa sống của bản thân để gìn giữ sự sống và có khả năng thối đi để trổ sinh những bông hạt khác.

Một khi thay đổi ý nghĩa, đặc biệt là thay đổi ý nghĩa trong tình yêu, cuộc sống con người lại thể hiện chính nó trong một thứ biện chứng của sống và chết : “chính lúc quên mình là lúc tìm được bản thân… và chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Một lòng khát vọng tuyệt đối nơi con người, dưới ánh sáng của lý trí tự nhiên, vẫn có thể duyệt chính cho một ý nghĩa của sự chết; và ta có thể thấy biết bao nhiêu mảnh đời dám hiến dâng sự sống của mình cho người khác; nhất là ta có thể thấy như một thứ “phép lạ thường ngày” hình ảnh những người cha người mẹ hy sinh từng ngày, từng điều nhỏ nhặt nhất, trong chiều hướng hy sinh chính bản thân mình cho con cái.

Sự sống của con người ở đời này phải được nhìn trong tính biện chứng của nó, trong mối liên hệ với cái chết thì mới có thể thể hiện được trọn vẹn giá trị. Một cái nhìn hời hợt, một thái độ vun quén cho sự sống của mình, tranh đấu cho sự phát triển sự sống của bản thân mình… thực sự không phải là bênh vực sự sống, nhưng chính là coi thường sự sống, là giảm thiểu sự sống con người xuống hàng sự sống của sinh vật cấp thấp.

3. Văn hóa sự sống toàn diện của Kitô giáo


Dĩ nhiên, một cái nhìn tự nhiên như nói ở trên không đủ để bênh vực sự sống con người theo quan điểm Kitô giáo; vì người ta vẫn có thể nhân danh tình yêu để chọn cái chết êm đềm chẳng hạn… Chính vì thế mà chúng ta được vinh dự đón nhận giáo huấn của Chúa để có thể tôn trọng sự sống của Chúa ban một cách trọn vẹn hơn.

Giáo Huấn của Kinh Thánh cho ta thấy phẩm giá của con người được đặt nền tảng trong chính sự đánh giá của Chúa :
"Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này ; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. (Mt 18,10).
Và sự sống con người có được phẩm giá của nó trước tiên cũng chính nhờ sự tôn trọng của chính Thiên Chúa :
“Thiên Chúa không làm ra cỏi chết,
chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.
Vì Người đó sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu,
mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh,
chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại.
âm phủ không thống trị địa cầu”. (Kn 1, 13-14)
VÀ :
“Quả thế, Thiên Chúa đó sáng tạo con người
cho họ được trường tồn bất diệt.
Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người.
Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị
mà cái chết đó xõm nhập thế gian.
Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết”.
(Kn 2,23-24)
Và cuối cùng, trong niềm tin Kitô giáo, sự sống của con người được hoàn thành trọn vẹn trong cuộc sống mai sau, một cuộc sống “tự thân” có thể thoát được tính tương đối, tính giới hạn căn bản của sự sống đời này; một cuộc sống được thăng hoa trọn vẹn trong tình yêu, trong sự chân nhận phẩm giá của mọi người : sự sống của anh Lagiarô nghèo khó trong lòng Abraham, sự sống “trên thiên đàng” của người trộm lành trên thập giá bên cạnh Thánh Giá của Chúa Giêsu…

Niềm Tin không làm cho sự sống đời này trở nên tầm thường, “nhẹ ký”, bọt bèo… nhưng gia tăng tối đa giá trị cuộc sống ở đời này, qua một sự thay đổi ý nghĩa có tính cách biện chứng. Niềm tin bổ túc cho cái nhìn tự nhiên là làm trọn khát vọng tuyệt đối của con người. Sự sống của con người ở đời này và đời sau, mặc dầu có một sự “cách quãng” bằng một sự biến đổi, nhưng vẫn không bao giờ bỏ mất tính cách liên tục của một sự sống nơi một con người. Chính sự sống của một con người nơi trần gian, hình thành nên ý nghĩa của mình trong dòng lịch sử và được hồng ân của Chúa trợ lực, biến đổi nên cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Trong trọn vẹn hành trình ấy, sự sống, dù là sự sống ở đời này, vẫn luôn luôn được tôn trọng và luôn luôn nằm trong chiều hướng thăng tiến đến mức độ hoàn hảo hơn.
“Mặc dù nhiều khó khăn và bấp bênh, người nào chân thành mở rộng lòng đón nhận chân lý và điều thiện đều có thể nhờ ánh sáng của lý trí, nếu không kể tới việc nhận biết – theo luật tự nhiên được ghi trong tâm hồn (x. Rm 2,14-15)- giá trị thánh thiêng của sự sống con người, từ khởi điểm tới tận cùng của nó; người chân thành có thể khẳng định quyền của mọi người được thấy người ta tôn trọng toàn vẹn báu vật đầu tiên này của mình…” (Thông điệp Tin Mừng Sự Sống, số 2c).

Lòng tôn trọng sự sống chỉ có thể được triển nở phong phú trong môi trường văn hoá sự sống toàn diện; nghĩa là sự sống của con người chỉ có được tôn trọng khi mà người ta xác tín ý nghĩa của sự sống, khi mà môi trường của một nền văn hóa sự sống có khả năng làm sáng lên những nét đẹp nhân văn của sự sống, khi mà ý nghĩa của cuộc sống toàn diện được minh định một cách thuyết phục. Đức Gioan Phaolô II nói đến một thứ “văn hóa sự sống”, điều đó bao hàm một hệ giá trị nhân bản, có một thứ “tinh thần” năng động để có thể nuôi dưỡng hướng dẫn những cách ứng xử trong nhiều tình huống phức tạp, chứ không phải chỉ là một vài lập trường hoặc một vài cách giải quyết những vấn đề trước mắt của cuộc sống. Cũng thế, tài liệu đúc kết Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu lần VIII, họp tại Hàn Quốc, từ 17-23.8.2004 đó chọn chủ đề “ Gia Đình Á Châu Hướng Đến Nền Văn Hóa Sự Sống Toàn Diện”...

Điều mà đức Gioan Phaolô II nói đến như là “văn hóa sự chết”, theo tôi, trong đó có nhiều điều có thể nói được là một nền văn hóa sự sống không toàn diện. Và như thế, nhiệm vụ của Giáo Hội có lẽ cũng không phải chỉ nhằm “chống đối” mà còn là, một cách nào đó, “đồng hành” để đưa đến một nền văn hóa sự sống toàn vẹn hơn.

Mặt khác, việc loan truyền một nền văn hóa sự sống chắc chắn không thể dừng lại ở một vài lập trường luân lý, nhưng cần được nhìn lại, cần bị chất vấn... để có thể, nói như Nietzsche, “hát cho tôi nghe những bài ca hay hơn, để tôi mới chịu tin vào Đấng Cứu Độ của họ”.

Tạm Kết


Một nền luân lý sự sống luôn là cần thiết để định hướng cho những xu hướng dễ dãi quen thuộc của con người, nhưng thường cũng lại rớt vào một thái độ nghiêm nghị khó có thể sống được, hoặc đưa đến kết quả là một sự sống méo mó lệnh lạc. Nói cách khác, khi tìm nền tảng căn bản của sự sống, ngoài việc tìm về những nguồn mạch giá trị luân lý vững bền, người ta còn cần để ý đến phương pháp “xem hạt thì biết cây”.

Cũng như hầu hết những vấn đề quan trọng của đời sống con người, người ta khó có thể chỉ dựa vào nguyên tắc để giải quyết một lần dứt khoát, giống như giải quyết một vấn trước mặt. Cuộc sống con người, nói như G. Marcel, thực chất là một huyền nhiệm, một huyền nhiệm bao bọc con người và gần như không thể giải quyết và càng không thể giải quyết một lần. Huyền nhiệm đời người cũng như huyền nhiệm sự sống con người cần làm cho sáng lên mỗi ngày mỗi hơn, trong một cuộc đối thoại thông thoáng và chân thành.

[1] Bertrand Russell, Thế Giới Ngày nay và Tương Lai Nhân Loại, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb Văn Hóa,1996.