Thứ Năm, 3 tháng 11, 2022

TƯƠNG QUAN GIA ĐÌNH TRẺ, KHỞI ĐẦU LAO LUNG

Thời sự Thần học – Số 2 (tháng 3/2008), tr. 101-108 

_Hoài Sơn🙋


Chẳng kể gì tới chuyện những khái niệm “toàn cầu hoá”, “làng thế giới” ,… đã trở nên thông dụng, thành từ của miệng mỗi người, và thực sự đưa con người bước vào tiến trình hội nhập; ngay cả tương quan tình cảm, sợi dây nối kết mang tính “quốc tế”, cũng đã khởi sắc. Có những người xa lạ, với những khác biệt về văn hoá, thể lý, tôn giáo, thói quen, tính cách,… người nam và người nữ có thể tìm đến với nhau với sức hút ban đầu của sự luyến ái. Và họ yêu nhau. Họ cưới nhau. Họ bắt đầu một tiến trình mới: góp gạo thổi cơm chung…. Một gia đình mới hình thành.

… kèm theo đó là rất nhiều hệ luỵ mà cả xã hội cũng sẽ phải quan tâm.

Người làm mục vụ cũng không thể đứng ngoài công cuộc đồng hành cùng một tế bào xã hội non trẻ ấy.

Trong xã hội hiện đại, khi tất cả mọi thứ đều được chuyên nghiệp hoá, khoanh vùng tác nghiệp, thì những khó khăn về tương quan cũng nghiễm nhiên trở thành nỗi lo, như những khó khăn trong việc phải thực hiện công tác không chuyên khác, cho đôi vợ chồng trẻ. Họ sẽ phải kiến tạo những mối dây ngoài phạm vi hoạt động của mình trước nay. Thế nên, việc đặt ra công tác mục vụ sau ngày cưới cho các đôi tân hôn là chuyện cần thiết, tính từ hiện tại. Điều này sẽ phản ánh được mức độ đồng hành và nhạy bén của người làm mục vụ, mức độ quan tâm và mời gọi các cộng tác viên trong khu vực mình phụ trách như thế nào. Người lập chương trình mục vụ đặc biệt này không chỉ đóng vai trò cố vấn dành cho đôi bạn, mà còn là người đồng hành cùng từng bước ổn định và thăng tiến gia đình nhân loại.

Đồng hành cùng những người mới bước vào hôn nhân, người làm mục vụ xác định ngay điều căn bản của cuộc thương thảo, là việc đôi bạn sẽ bắt đầu từ những người thân cận: Tương quan gia đình trẻ, khởi đầu lao lung

Nói lao lung, bởi đó là căn bản nhất, cũng là điểm bấp bênh, khó hoàn tất nhất nếu chỉ hoàn toàn theo một nguyên tắc nào đó. Người xưa vẫn có những câu ngạn ngữ buồn để chỉ các tương quan này, nào là “bố vợ phải đấm”, “cau có như mẹ chồng”, “muốn được cô chị phải luỵ cô em”, “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”,… Thoạt nghe, chúng ta cũng đã thấy bủn rủn, huống hồ người trong cuộc!

I. “Giặc bên Ngô không bằng…”


Xin đề cập thẳng vào vấn đề, dưới những khía cạnh liên can chuyện mục vụ. Với những chuyện đề huề vui vẻ, sẽ không có chỗ dành cho việc đặt vấn đề mục vụ hôn nhân, mà xác đáng hơn, chỉ dành cho mục vụ thăm viếng. Với bài viết này, chúng ta sẽ đề cập tới vấn đề “nhạy cảm” – những bất hoà, xung đột quanh chuyện hội nhập của các cặp vợ chồng mới với môi trường sinh hoạt mới. Thu nhỏ vấn đề hơn, là chuyện đối diện như trên đã đề cập tới, về thái độ của hai đương sự trong cuộc hôn nhân, về cách thức họ bước vào gia đình nhau, đối diện với các thành viên có một nếp sống không hoàn toàn giống mình trước giờ. Tất cả mọi người trong gia đình của cả hai bên đều sẽ rất chăm chú nhìn vào hành vi của “người mới đến”. Vấn đề chúng ta bàn tới là những chông chênh tương quan đại gia đình như thế, chứ không chỉ là chuyện riêng với “bà cô bên chồng”….

Bước vào đời sống hôn nhân, những dị biệt trong mỗi cá nhân mới bắt đầu tỏ lộ, đòi hỏi người trong cuộc tiếp tục công việc hội nhập. Điều tự nhiên của cuộc hội nhập ấy dường như không phải là vấn đề, nếu cả hai có kinh nghiệm, cả hai cùng “có bài” cho các tình huống. Thực sự thì không hoàn hảo thế được. Người ta cứ loay hoay sao cho có một đám cưới hoành tráng, không chút sơ sót trong tổ chức, đón rước,… nhưng chả mấy ai quan tâm tới thời điểm sau đám cưới của các cặp vợ chồng trẻ. Chúng ta coi đó là chuyện riêng của hai người. Nhưng, trong thực tế, đó mới là lúc họ cần sự hỗ trợ từ những người xung quanh hơn hết: hỗ trợ cho việc hoà nhập với môi trường sinh hoạt mới, vai trò sống mới; hỗ trợ cho việc củng cố các tương quan của đôi bạn, … Đối ngoại, ngoài người bạn đời có vẻ như đã quen thuộc; nhưng những tương quan mới từ sau cuộc hôn nhân như gia đình chồng (đối với vợ), gia đình vợ (đối với chồng), bạn chồng bạn vợ, đồng nghiệp chồng đồng nghiệp vợ, hàng xóm láng giềng mới, … lại không phải là chuyện đơn giản. Lại nữa, ngay chính đôi bạn cũng phải bắt đầu với những kế hoạch dài hơi trong chi tiêu, đối thoại, chung thuỷ,…

Ngay từ ban đầu, mang trong mình những rụt rè của kẻ làm dâu (rể) trong một gia đình mới, trong tư thế một "người lạ" bước chân vào một cộng đồng đã thống nhất và định hình lối sống từ mấy chục năm nay; gọi những người thân của bạn mình là cha là mẹ, là anh chị em; hẳn ai cũng vẫn băn khoăn những nỗi niềm, những so sánh, những hoang mang. Đó không phải là những người kề cận với mình trước nay. Họ có những lối hành xử riêng, có cách nghĩ khác, qui tắc khác với lối quen của mình. Thêm vào đó, những e dè mặc cảm của một người mới bước vào cộng đồng khác, không dám thẳng thắn đối thoại, cũng là nguyên do làm mất cân bằng, thiếu tự chủ trong những khi có quan điểm trái ngược. Đã từng có chị thở phào khi ra riêng: "Lần này coi như là đã thoát. Bây giờ bảo tôi về lại, có cho vàng tôi cũng không dám". Hoặc cũng có anh hồ hởi: “Thế là thoát kiếp chó chui gầm chạn”. Thế mới thấy những vết tì trong việc hội nhập ban đầu vào với gia đình người mình yêu quí thôi cũng đã là vấn đề không phải là “chuyện nhỏ” như ý lạc quan ban đầu. Dường như ai cũng sẵn sàng thủ trong thế dò, thành kiến "khác máu tanh lòng" in sâu trong tiềm thức...

Đó là những khó khăn ban đầu. Các cặp hôn nhân còn phải đối diện nhiều vấn đề hơn thế. Cả khi có những đứa con, mâu thuẫn cùng còn phát sinh bởi những dị biệt trong các chọn lựa. Phổ quát, với chuyện mẹ chồng nàng dâu, sự việc có thể bắt đầu do bà mẹ thấy con trai mình đã yêu vợ nó nhiều hơn yêu mình. Bà thấy mất mát tình cảm. Ngày xưa, tình cảm của con trai được dành trọn vẹn cho bà, không phải chia sẻ với ai, nay bị con dâu lấy bớt đi, bà ghen với con dâu cũng… đúng thôi! Đó là một tình cảm tự nhiên khi lý trí không đủ sức can thiệp để bà mẹ chồng nhận ra mình đã sai.

Bên cạnh đó, nhiều anh con trai quá “vô tư” khi chăm sóc vợ quá lộ liễu trước mắt mẹ, "quên” quan tâm đến mẹ. Ví dụ ngày 8/3 tặng hoa cho vợ, nhưng bạn lại quên tặng cho mẹ chẳng hạn. Vì ghen nên bà mẹ “chẻ sợi tóc làm tư” để tìm lỗi của con dâu rồi ca thán với con trai nhằm khôi phục tình cảm của nó đối với mình. Khi bị rơi vào hoàn cảnh đó, người chồng bị xâu xé giữa bên tình và bên hiếu, không biết bỏ ai, theo ai?

Như trên đã nói qua, chuyện con cái cũng là một áp lực. Thậm chí, còn là nguyên nhân làm tương quan giữa các bà mẹ trở nên căng thẳng. Câu chuyện của chị Quỳnh Hoa (Khu TT Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) là một thí dụ điển hình. Từ hồi về làm dâu đến khi chưa sinh con chị rất hoà hợp với mẹ chồng. Nhưng từ khi bé Kitty ra đời, mẹ chồng nàng dâu thành ra lục đục. Chung quy cũng chỉ vì quan điểm nuôi dưỡng trẻ. Một thành viên bé bỏng chào đời lẽ ra phải khiến mọi người đoàn kết, gần gũi nhau hơn, nhưng những bất đồng ngoài dự kiến, cảnh “trời” không chịu “đất” và “đất” nhất định chẳng chịu “trời” lại là chuyện dài nhiều tập, không có đoạn kết. Bà vì có kinh nghiệm nên rất tin vào cách nuôi con của mình, còn chị, với trình độ sau đại học chị cũng tin vào những kiến thức tiên tiến mình “update” được. Vậy là cuộc chiến giữa hai thế hệ xoay quanh một cục cưng bắt đầu.

Thoạt đầu là việc hễ cháu khóc là bà dỗ bằng cách bật tivi, bật đĩa. Con bé dần dà nghiện, im bặt. Chị Hoa sợ hại mắt con góp ý với bà, lại mang cả sách ra đọc cho mẹ chồng nghe. Ai dè, bà nổi đóa rồi hờn mát, nói xa nói gần chuyện nàng dâu nhiều chữ về bắt bẻ mẹ chồng.

Việc cho bé ngủ cũng không đơn giản. Trẻ con cần ngủ rất nhiều, nhưng bà lại chẳng quan trọng đến việc nó ngủ. Hôm nào bà cũng thức đến 12 giờ, lướt đủ các kênh, đến khi cô phát thanh viên chúc ngủ ngon, bà mới chịu cho nhà đài nghỉ và cũng mới cho cháu ngủ. Chị Hoa xót con thì bà gắt: "Nó muốn ngủ bao nhiêu nó ngủ, không việc gì phải lo. Trẻ buồn ngủ, khắc ngủ, không nên ép”. Chưa kể đến chuyện chị Hoa quán triệt quan điểm là không bế con nhiều kể cả lúc đi ngủ, cho bé quen, nhưng bà nội thì lúc nào cũng khư khư bế cháu. Nói ra thì bà trách là không muốn cho bà bế cháu.

Kinh nhất là trong vốn kiến thức của bà luôn có cả mớ những bài thuốc dân gian, mỗi lần cháu ốm là bà lập tức ra tay. Cháu mọc răng, sốt, đau bụng, đi ngoài, viêm họng... là bà bôi, giã, đắp hết lá nọ, lá kia. Bà nhất định không cho cháu uống kháng sinh với lý do sẽ cọc người đi, không lớn được.

Trong khi nàng dâu như ngồi đống lửa vì muốn cho con đi khám để xem bệnh tình thế nào cho an tâm. Có những bài thuốc của các bà khiến y học bó tay, nhưng với bà vẫn đúng vì bà “đã nuôi thằng bố nó khỏe mạnh, lực lưỡng đấy thôi”!

Khi thằng bé lên 4 tuổi, mẹ quát thì bà can. Mẹ nghiêm khắc, bà chiều chuộng, khiến thằng bé ỷ thế mình có “ô dù” nên càng làm phách. Nhưng khổ nhất có lẽ chính là chồng chị Dung, mỗi tối bước chân về nhà phải làm quan tòa phân xử mấy vụ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Tuy nhiên, chẳng phải nàng dâu nào cũng bị mẹ chồng ăn hiếp mà cũng có trường hợp ngược lại. Bà Phòng (P.7, Q.3), đã ngoài 70 tuổi, chua chát: "Thời xưa, con dâu sợ mẹ chồng chứ thời nay thì không ít mẹ chồng phải sợ nàng dâu". Chị Ngọc Hà làm dâu đã trên 10 năm nay, ỷ mình đẻ được cháu đích tôn nên hay ra mặt với gia đình nhà chồng. Hầu như việc trông nom, cho ăn, tắm rửa của hai cháu đều do bà nội đảm nhận. Sáng cho cháu ăn rồi đưa cháu đi học, chiều về cũng bao nhiêu việc. Vậy mà chưa hết, mỗi khi có gì phật ý với cha mẹ chồng, chị lại về ỉ ôi, khóc lóc với anh chồng "nổi tiếng" bênh vợ khiến anh không ít lần lớn tiếng với cha mẹ già, làm cho ông bà Phòng tủi phận, hàng xóm cũng bất bình.
 

II. Người làm mục vụ sau hôn nhân thấy gì trong những vấn đề rất tế nhị này? Có thể làm gì?


Công giáo chúng ta vẫn có những khoá huấn luyện trước hôn nhân (các lớp giáo lý hôn nhân) để cùng liệt kê và bàn thảo về những tương quan của đôi bạn trẻ, với nhau và với người khác. Gặp gỡ ban đầu, với đôi bạn, dùng một chút thủ thuật lãng mạn của những người đang yêu để nói với họ, sẽ là một phương cách tốt, dù đó có thể là “bánh vẽ”. Nhất là đối với người vợ – con gái thời hiện đại, năng động và tự tin cùng mình. Câu ngạn ngữ “Gái có công chồng chẳng phụ” không hề mất ý nghĩa, trong mọi hoàn cảnh. "Mẹ đâu mẹ của riêng anh, mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi". Câu thơ của nữ sỹ Xuân Quỳnh phần nào nói lên được điều: Ai trong lòng cũng có một tình cảm rất thiêng liêng dành cho đấng sinh thành của mình, nhưng sao với mẹ chồng lại không thể?

Ai đã sinh ra cho mình, nuôi dạy người đàn ông để mình yêu và hạnh phúc, là cha của các con yêu quý của mình? Lẽ nào đó không phải là cái ơn trời bể? Đó là chưa kể đến khi nhìn thấy mẹ đau khổ vì chính hạnh phúc của mình, những người con trai có vui vẻ được không?

Hoặc giả có vui vẻ thì những người đàn ông bất hiếu ấy cũng còn đáng trân trọng không? Còn những bà mẹ, sao không nghĩ rằng, cái đích cuối cùng là nhìn thấy các con hạnh phúc. Gia đình các con tan đàn xẻ nghé thì dù có giữ được trái tim con, nhưng là một trái tim đau đớn thì chắc rằng chiến thắng cũng là vô nghĩa. Có những thứ khi được chia sẻ, giá trị nhân lên gấp bội lần. Tình yêu thương cũng vậy .

Ngay cả khi động chạm tới vấn đề thiêng liêng của tình cảm như thế, cũng vẫn chưa đủ. Rồi cả khi có nguyên tắc lý thuyết cần áp dụng vào thực hành, cũng không phải là vấn đề đơn giản. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Thêm vào đó, nguyên tắc không trực tiếp can thiệp vào đời sống cá nhân là đòi hỏi của xã hội thời đề cao các giá trị nhân bản, cũng là điều đòi hỏi người làm mục vụ sau hôn nhân phải biết sử dụng những kinh nghiệm của những người đã trải qua, biết áp dụng các nguyên tắc tâm lý, luân lý xã hội,… vào chỉ để thuyết phục hơn là bắt buộc. Những kỹ năng đôi khi cũng cần ứng dụng ngay cả trong vấn đề tình cảm, thì mới hòng xây dựng một hình ảnh đẹp. Thế thì, các chương trình của các chuyên viên tư vấn có thể là cách để giúp người trong cuộc trau dồi, về cách lấy tình cảm mẹ vợ (Ăn vận chỉnh tề, sẵn lòng giúp đỡ, không bao giờ tỏ ra thiếu tôn trọng cô con gái, tỏ ra thương yêu cô ấy,biết đứng về phía mẹ vợ trong các cuộc tranh cãi, nhớ những dịp quan trọng, báo hiếu với mẹ qua vợ,..), cách lấy tình cảm mẹ chồng, em chồng…

Nghĩa là, trong việc đồng hành với đôi hôn nhân, người làm mục vụ cũng không tự giới hạn hạn định nhân vật liên quan được. Chưa kể tới các mối tương quan xã hội, người làm mục vụ đã phải tiếp xúc với các thành phần khác nhau. Ngay chỉ với tương quan hàng dọc của đôi hôn nhân, đã phải có những tiếp xúc riêng với người là cha mẹ, với đương sự, với lớp trẻ.

Tất nhiên là ta sẽ không thể chăm chăm chú chú vào từng trường hợp đơn lẻ. Trong cộng đoàn của mình, ta sẽ thường xuyên mở các lớp chuyên đề dành riêng cho các đối tượng như trên. Ví dụ như các khoá ngắn hạn về nghệ thuật làm chồng, làm vợ, làm cha mẹ chồng, làm cha mẹ vợ, làm anh chị em rể, dâu, cột chèo,… Mỗi khoá giảng như thế, ta sẽ mời những chuyên viên, hoặc ngay với những người có uy tín trong cộng đoàn,… Qua họ và những buổi trao đổi công khai như thế, những điểm mấu chốt trong các vấn đề có thể gây xung đột trong các thành viên gia đình sẽ được nhìn nhận một cách đại trào – đó là thế mạnh, mang tính cộng đồng, dễ ghi dấu ấn tạo lập thái độ sống. Những phương cách giải quyết cũng vì thế mà trở nên không khó để tìm tiếng nói chung. Những tham luận về chuyện “tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ”, hay "một sự nhịn là chín sự lành", … sẽ là các vấn đề để thảo luận chung. Điểm mấu chốt của những khoá ngắn hạn ấy, dành cho tất cả các thành viên cần làm, là có ý thức tự nhìn nhận lại mình, biết dung hoà những cái ưu cũng như cái khuyết của bản thân cho phù hợp với mọi thành viên trong gia đình. Với người lớn, xác định quan niệm về cuộc sống phải tùy theo thời đại, không nên ép uổng con phải tiếp thu ý kiến và kinh nghiệm của mình, đó là điều quan trọng. "Có lúc các bà mẹ nên tạm bỏ đôi dép của mình để xỏ thử dép của con dâu xem nó ra sao" – một chuyên gia tâm lý đã nói thế.

Còn với những người trẻ, những buổi giao lưu bàn thảo hay gặp gỡ những người có kinh nghiệm sống hoà hợp với các mối tương quan, là cũng cần có quan tâm hơn về “nghệ thuật làm con của người khác”, biết linh hoạt giải quyết vấn đề bằng những các phương tiện có thể, tập kiên nhẫn, như chị Thủy Bông (P.3, Q.Gò Vấp), cô con dâu được mẹ chồng cưng chiều, tiết lộ bí quyết "được lòng mẹ chồng": "Phải luôn luôn tạo sự gần gũi với mẹ chồng để hai mẹ con hiểu nhau nhiều hơn. Khi rảnh tôi hay chuyện trò thủ thỉ, xem phim cùng mẹ chứ không vội nhảy vào phòng riêng như các chị em dâu khác trong nhà. Mẹ chồng có điều gì không phải với tôi, tôi cũng chẳng đi kể lại với chồng, tránh tạo sự khó xử giữa hai mẹ con. Thi thoảng, tôi cũng hay mua quà biếu bà, đôi khi chẳng phải là vật đắt tiền gì cho lắm nhưng tôi biết là bà thích". Hay như chị Ánh Hồng (BTV Nxb. Trẻ): “Mẹ chồng tớ rất rành sử dụng Internet, nhiều lúc email cho con dâu để dặn dò những điều rất cần cho những người mới lần đầu làm mẹ như mình. Dù không ở gần nhưng mình thấy mẹ chồng lúc nào cũng gần gũi”.

Đặc biệt, trong gia đình, ngoài hai nhân vật chính là mẹ chồng, nàng dâu phải tự điều chỉnh những thiếu sót, khi xuất hiện mâu thuẫn, thì người con trai phải luôn đứng giữa. Anh phải đứng thật thẳng, làm chiếc gạch nối để hai người phụ nữ: một trẻ, một già hiểu nhau.

Hay khi có anh nào đó phải ở rể, với tính sĩ diện của đàn ông ngùn ngụt trong người chàng, thì tình trạng càng khó khăn nếu người vợ không biết khéo léo để giúp chồng không mặc cảm, cùng gia đình đón nhận chàng như một thành viên thật sự… Đó cũng là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn của người tham vấn.
 

Tạm kết


Đã dần qua rồi thời của tam tứ đại đồng đường. Người trẻ thời hiện đại năng động hơn trong mọi lãnh vực, chuyên nghiệp hoá cả phạm vi sinh hoạt. Đó là điều vừa là điều đáng mừng vì một xã hội có qui hoạch hơn; song cũng lại dễ gây hụt hẫng khi các cá thể phải chọn lựa một môi trường sinh hoạt mới kèm theo tiến trình thành nhân. Người làm mục vụ cũng phải phân vùng các lãnh vực chuyên môn để sát sao hơn, có ích hơn trong quá trình đồng hành với nhân loại.

Với mục vụ hôn nhân sau ngày cưới, tên gọi có vẻ mới mẻ, nhưng những công việc phải làm kèm theo mà người mục tử phải làm dường như đã tản mát đâu đó từ lâu, với riêng từng trường hợp. Việc cần nhất để qui hoạch phạm vi, cho đối tượng cụ thể, với cách làm cụ thể, là điều cần được xác lập, thành những khoá giảng huấn ngắn ngày. Việc liên kết và sử dụng các phương tiện hiện đại hỗ trợ cho công việc ấy cũng là điều cần được đẩy mạnh, để thu hút được, trước là sự tò mò, sau là sự quan tâm thực của người trẻ – thành phần luôn đòi hỏi sự mới lạ.

Làm sao để lồng ghép những nguyên tắc luân lý vào các sinh hoạt hiện đại, đó là thách đố của người làm mục vụ. Là thách đố nhưng cũng không phải là quá khó cho người làm mục vụ. Trong tình hình di dân và trào lưu thoát ly gia đình như hiện nay, những buổi lồng ghép nghệ thuật và nguyên tắc giá trị sống, hay việc mở một văn phòng tham vấn chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhiều thành phần. Dẫu sao thì với những cặp hôn nhân trẻ, việc thăm hỏi gia đình trong các dịp lễ tết cũng vẫn là vấn đề tế nhị và không hẳn khi nào cũng suôn sẻ.

Việc của chúng ta là đáp ứng nhu cầu thời đại. Amen!