Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

SỰ SỐNG : HỒNG ÂN THIÊN CHÚA BAN TẶNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CON NGƯỜI

Thời sự Thần học - Số 3, tháng 06/2008, tr. 5-14. 

_Lm. Phêrô Lê Văn Chính 🙋


Vào thập niên 1980, đã diễn ra một Hội nghị thế giới ở Bắc Kinh, Trung quốc về vấn đề gia đình và sự sống. Những đại biểu trên toàn thế giới đã tham dự cuộc họp này. Đại biểu của Tòa Thánh Vatican cũng tham dự và nhấn mạnh vai trò của hôn nhân gia đình công giáo cũng như lập trường chống ngừa thai và phá thai truyền thống của mình. Trong phần bình luận được thuyết minh bằng Việt ngữ, người phát ngôn viên nói khi ống kính chiếu đến các đại biểu của Tòa Thánh Vatican trên đường rời Bắc Kinh : ‘Đây là những đại biểu lạc hậu nhất của hành tinh chúng ta’.

Suy tư luân lý của Giáo hội nhìn về hiện trạng của xã hội con người với vấn đề gia đình và sự sống, đã đọc thấy những dấu hiệu cần phải cảnh giác, đồng thời cũng đưa ra những lập trường để hướng dẫn thế giới và con người bảo vệ sự sống và hạnh phúc cho chính mình. Giáo hội nhận thấy những thành tựu khoa học làm cho con người làm chủ thiên nhiên nhiều hơn trong đó có nhiều thành tựu khoa học phục vụ cho sự sống con người. Tuy nhiên không ít vấn đề được đặt ra về mặt luân lý. Những trường hợp can thiệp trực tiếp của con người vào việc ngừa thai, phá thai, đều bị đặt vấn đề và Giáo hội nhắc nhở các Kitô hữu về những nguyên tắc luân lý của Giáo hội luôn xem việc truyền sinh là một hồng ân của Thiên Chúa ban tặng và mời gọi con người cộng tác với trách nhiệm (x. GLHTCG, số 2366-2379).

Để hiểu rõ hơn trước lập trường bênh vực gia đình và sự sống của Giáo hội, chúng ta cần trở về với những suy tư nền tảng về hồng ân sự Sống mà Thiên Chúa đã âu yếm ban tặng cho con người qua Mạc khải và công trình cứu độ cũng như vai trò và trách nhiệm của những người nam nữ trong việc giữ gìn và phát triển sự Sống theo ơn gọi và phẩm giá con người.

1. Thiên Chúa là Đấng Hằng sống và là Đấng ban sự sống


Suy tư của con người về hồng ân sự sống bắt đầu trong bối cảnh lịch sử. Chính trong lịch sử thăng trầm, với những đấu tranh để bảo vệ sự sống còn của chính mình mà Israel nhận ra hồng ân sự sống do Thiên Chúa ban tặng thực là lớn lao và tốt đẹp, cũng như nhận ra vai trò của con người nam nữ được mời gọi cộng tác vào việc gìn giữ và phát triển ân sự sống này.

Qua sự kiện xuất Ai cập, từ nhóm người nô lệ ở Ai cập, được trở nên một dân tộc độc lập, có đất đai làm gia nghiệp vững vàng, Israel nghiệm thấy rằng mình là một dân tộc được tuyển chọn đặc biệt do Thiên Chúa của tổ tiên với những kỳ công giải phóng thực là hiển hách, làm cho họ chiến thắng những dân tộc hùng cường mạnh mẽ chung quanh. Qua đó Israel cảm nghiệm được rằng Giavê Thiên Chúa, Thần của tổ tiên của mình, là Chúa mạnh mẽ, Chúa các chúa, Thiên Chúa Hằng Sống và là Đấng ban Sự Sống. Hơn nữa, Israel còn được Giao ước với Thiên Chúa. Từ kinh nghiệm sống Giao ước với Thiên Chúa, Israel bắt đầu những suy tư về mọi khía cạnh của nhân sinh, của cuộc đời. Thiên Chúa của tổ tiên Abraham, Isaác, Giacóp quả là Thiên Chúa thành tín, vì thế Ngài cũng là Đấng tốt lành. Không những thế, Thiên Chúa của tổ tiên mình là Thiên Chúa tạo dựng, là Đấng ban sự sống.

Từ những kỳ công Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử, Israel bắt đầu hình thành những suy tư vũ trụ luận. Điều Israel cảm nghiệm hơn cả xuyên qua những sự kiện lớn lao trong lịch sử dân tộc của mình, đó là hồng ân sự sống. Qua nhiều sự kiện, từ giải phóng khỏi nô lệ Ai cập với việc vượt qua Biển đỏ, tới hành trình xuyên qua sa mạc với những phép lạ manna, nước uống từ tảng đá, rồi việc chiến thắng các dân tộc định cư ở Canaan, Israel cảm nghiệm đây là những hồng ân Thiên Chúa ban tặng, để cho con người hiểu là họ không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn sống bởi lời Chúa, như lời Môisen nhắc nhở : ‘Ngươi sẽ hồi tưởng lại con đường Giavê Thiên Chúa của ngươi đã dẫn ngươi đi, trong sa mạc, nay đã bốn mươi năm, với dụng ý là hạ ngươi xuống cùng để thử cho biết ngươi có gì nơi đáy lòng, xem ngươi có chịu giữ các lệnh truyền của Người hay chăng. Người đã hạ ngươi xuống, đã để ngươi phải chịu đói, rồi Người lại cho ngươi ăn manna, ngươi chưa từng biết và cha ông ngươi cũng không hề biết, để dạy cho ngươi biết là người ta không sống nhờ bánh mà thôi, nhưng người ta sống nhờ bằng mọi điều xuất ra từ miệng Giavê’ (Tl 8,2-3).

Như thế, điều được nhấn mạnh qua những bài học kinh nghiệm của lịch sử mà Israel phải tâm niệm là họ phải ý thức sự Sống cao quí mà Thiên Chúa mời gọi họ tham dự. Những sự kiện trong lịch sử mà họ đã trải qua là những dấu chỉ để họ hướng về Sự Sống Thiên Chúa ban. Lần hồi, Israel cảm nghiệm Thiên Chúa Giavê điều khiển vũ trụ, thiên nhiên, và mạng sống con người. Lời của Thiên Chúa là lời mạnh mẽ, lời sự sống. Thần khí của Thiên Chúa mạnh mẽ, sống động. Suy tư vũ trụ luận của Israel vì thế có tính chất thống nhất, so với các vũ trụ luận của các dân tộc khác vẫn còn mang màu sắc thần thoại chưa xác định rõ rệt, nhất là mang nhiều tính chất nhị nguyên, quan niệm vũ trụ được hình thành và không ngừng tranh đấu bất phân thắng bại bởi hai quyền lực đối nghịch là thiện ác. Trái lại, Israel xác tín chỉ có Thiên Chúa Giavê là Đấng Tạo dựng duy nhất, các sức mạnh khác đều không là gì cả. Chính Thiên Chúa Giavê đã tạo dựng nên trời đất vũ trụ vạn vật, Ngài là Đấng tốt lành, tạo dựng thế giới và con người nhằm thông ban sự sống cho con người.

Kinh nghiệm và suy tư của Israel, được trình bày qua Sách Sáng thế ký nhằm nói lên niềm tin và lòng ngợi khen cảm tạ chúc tụng của mình đối với Thiên Chúa Hằng sống, tạo dựng và là Đấng ban sự sống. Người ta nhận thấy nhịp điệu của những trình thuật này như là những lời ngợi ca chúc tụng trong phụng vụ. ‘Và Thiên Chúa đã phán... Và Thiên Chúa đã thấy.... Và Thiên Chúa đã làm... Và Thiên Chúa đã gọi.... Đó là ngày...’ (St 1). Cả vũ trụ được tạo dựng như một khúc ca, một bản hợp xướng hòa điệu du dương, hùng vĩ, một bài ca ngợi sự sống tốt lành từ Thiên Chúa tạo dựng tốt lành thánh thiện. Nhưng điều còn được nhấn mạnh hơn nữa trong tâm tình tri ân sâu xa, đó là bài ca ngợi về sự sống. Vũ trụ từ u minh tối tăm, từ hư không, từ bóng tối sự chết, được kêu gọi, được đưa vào sự sống bởi Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, Lời mạnh mẽ, Lời quyền năng và bằng Thần Khí của Thiên Chúa. Chóp đỉnh của công trình tạo dựng vũ trụ này lại chính là con người, nhỏ bé, đơn độc nhưng đồng thời lại được Thiên Chúa yêu thương, trân trọng, bởi vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, cùng được mời gọi thay quyền Chúa gìn giữ, bảo vệ và làm cho sự sống phát triển trong thế giới.

2. Con người, kẻ được trao trách nhiệm điều khiển vũ trụ


Suy tư vũ trụ luận này cũng bao hàm nhiều khía cạnh thần luận và nhân luận trong một cái nhìn thống nhất. Về phía Thiên Chúa, Ngài là Đấng Tốt lành hoàn hảo, và là Đấng tạo dựng thế giới, thông ban sự Sốngg. Ngài tạo dựng thế giới không phải vì Ngài cần phải tạo dựng để hoàn thiện chính mình, nhưng là tạo dựng thế giới do sự tốt lành nhân hậu của Ngài, muốn thông ban sự sống và hạnh phúc cho con người để con người được hưởng hồng ân sự sống cao quí. Về phía con người, được Thiên Chúa tạo dựng và đặt để trong một tình trạng tốt lành nguyên thủy, được đàm đạo với Thiên Chúa, được sống hạnh phúc và được trao cho trách nhiệm điều khiển vũ trụ với trọng trách làm cho sự sống phát triển, tức là vũ trụ được sinh sôi nảy nở tốt đep theo thánh ý Thiên Chúa. Để tạo dựng trời đất bao la, Thiên Chúa truyền phán bằng Lời quyền năng, còn để tạo dựng con người đầu tiên, Thiên Chúa phải nói với chính mình, phải trở về với chính mình, và tự nhắc nhở với chính mình con người là kẻ mang chính hình ảnh của mình : ‘Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, như họa ảnh của Ta, chúng hãy trị trên cá biển và chim trời... Và Thiên Chúa đã dựng nên người theo hình ảnh mình. Theo hình ảnh của Thiên Chúa Người đã dựng nên nó. Là nam là nữ, Người đã dựng nên chúng’ (St 1,27).

Thế nhưng, một biến cố đã làm thay đổi tất cả mọi tương quan tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa, với nhau, và giữa con người với thiên nhiên vạn vật. Từ trong thực trạng nhân sinh, với những đau khổ của kiếp người, Israel đã suy nghĩ nhiều về nguyên nhân của những đau khổ mà con người phải gánh chịu. Chắc hẳn Thiên Chúa tốt lành thánh thiện không tạo dựng một thế giới đau khổ. Chắc hẳn thế giới và con người, được tạo dựng bởi Thiên Chúa tốt lành thánh thiện, phải là một thế giới hoàn hảo. Vậy thì do đâu mà có những đau khổ và đổ vỡ trong thế giới này ? Nguyên nhân sâu xa của những đau khổ này phải là từ phía con người, từ cách sống, từ chọn lựa của con người. Israel, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, qua câu chuyện cám dỗ ở vườn địa đàng, hình dung con người được đặt trước một chọn lựa hành động : chọn lựa hành động theo thánh ý Chúa, được diễn tả qua lệnh truyền cấm ăn cây biết lành dữ, hoặc chọn lựa hành động theo dục vọng của mình. Lệnh truyền của Chúa, cho phép con người ăn mọi thứ cây trong vườn, trừ cây biết lành dữ, cho con người một quyền tự do rất rộng rãi, nhưng cũng có một phần giới hạn để con người biết vâng phục và kính trọng Thánh ý Thiên Chúa để nhờ đó con người được sống hiệp thông với Thiên Chúa. Thế nhưng con người đã chọn hành động theo sự thúc đẩy của dục vọng của mình, mà con người vẫn nghĩ là tốt đẹp cho mình. Chọn lựa hành động này đặt con người không còn vâng phục lệnh truyền của Thiên Chúa, và đó chính là nguyên nhân của những đau khổ của con người.

Như thế, qua câu chuyện diễn tả ở sách Sáng thế ký, Israel đã suy nghĩ nhiều về trách nhiệm của con người đã tạo nên nguyên nhân những đau khổ của mình. Đổ vỡ sâu xa, làm hư đi mọi tương quan sự sống tốt đẹp với Thiên Chúa, với thiên nhiên và giữa con người với nhau, hệ tại ở quyết định hẹp hòi, nông nổi, yếu đuối, thiếu hiểu biết và cũng đầy tham vọng của con người, trong đó có quyết định quan trọng của người nữ và người nam. Người nam và người nữ phải chịu trách nhiệm về những đau khổ mình phải chịu do hành động đi ngược lại thánh ý yêu thương của Thiên Chúa. Hậu quả là con người phải chết, phải mất đi ân huệ sự sống mà Thiên Chúa ban tặng. Từ đó, con người không ngừng kinh nghiệm hơn nữa những khó khăn cực nhọc khi làm việc, sinh con cái, do mọi điều kiện sống trở nên khó khăn hơn, thiên nhiên trở nên khắc nghiệt hơn (x. St 3,1-24).

3. Hồng ân sự sống được tái ban tặng nhờ Đức Giêsu.


Thế nhưng đổ vỡ này, do con người tạo ra cho mình, không làm cho Thiên Chúa không còn yêu thương chăm sóc con người để nâng con người lên và cho họ được hiệp thông sự Sống. Khi được mời gọi làm dân tộc được Chúa chọn và sống Giao ước với Thiên Chúa, Israel cảm nghiệm mình không ngừng được sửa dạy để biết sống theo thánh ý Chúa hơn và được dẫn vào tương quan sự sống với Thiên Chúa. Kinh nghiệm mà Israel gặp được, đó là Thiên Chúa luôn là Đấng hằng sống, và Israel được Thiên Chúa dẫn đưa đến sự sống. Một loạt những hồng ân được Thiên Chúa ban tặng cho Israel nhằm phục hồi sự sống. Israel được Giao ước với Thiên Chúa, được nhận làm dân riêng của Chúa, nhận được 10 lời ban sự sống của Thiên Chúa, manna từ trời được ban để nuôi dân trong sa mạc với nước uống dồi dào chảy ra từ tảng đá, cột mây dẫn đầu đoàn dân. Đó là những dấu chỉ sự sống cụ thể, hướng đến những thực tại mới được hiểu rõ hơn trong nhiệm cuộc của Tân ước với Đức Giêsu Kitô. Hơn thế nữa, những lời hứa ban Đấng Cứu thế và ban Thánh Thần là những lời hứa long trọng, được các tiên tri loan báo lần hồi trong lịch sử qua những chặng đường khác nhau như lưu đày và hồi hương, làm cho Israel càng cảm nghiệm hơn nữa những dấu chỉ sự sống trong lịch sử của mình. Do tội lỗi, do thất trung với Thiên Chúa mà Israel phải chịu cảnh lưu đày đau khổ nơi đất khách quê người. Đồng thời, dù phải sống trong cảnh lưu đày không còn hy vọng thì Thiên Chúa vẫn nhớ tới dân và đưa dân trở về Đất hứa, nối lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người.

Với Đức Giêsu Nazarét, Giáo hội hiểu rõ hơn công trình phục hồi sự sống do Thiên Chúa thực hiện qua công trình nhập thể của Đức Giêsu Nazarét, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Công trình này vượt khỏi những tưởng tượng của con người, làm cho nhiều người vấp ngã. Nhiều người đương thời của Chúa Giêsu hướng về hình ảnh một Đấng cứu độ trần gian, một con người được Thiên Chúa ủng hộ, thực hiện sự nghiệp chính trị và làm cho Israel được độc lập, hùng mạnh giữa các dân tộc khác. Họ tưởng tượng Đấng cứu thế là một con người như Đavít, đem lại sự thống nhất và độc lập dân tộc chống lại quân Rôma đang chiếm đóng. Các tông đồ là những môn đệ thân tín của Chúa Giêsu cũng suy nghĩ theo chiều hướng này, nên còn muốn xin được ngồi bên hữu bên tả trong nước Người (x. Mc 10, 35-37). Nhưng khi Chúa Giêsu Phục sinh vinh hiển, các tông đồ mới lần hồi lãnh hội được tầm vóc và ý nghĩa của công trình cứu độ này, và nhận ra Đức Giêsu Nazarét chính là Con Thiên Chúa. Và công trình Cứu độ do Người thực hiện là công trình phục hồi sự Sống, mang lại cho con người sự sống hiệp thông với Thiên Chúa, mà con người đánh mất do tội lỗi, do sự kiêu căng từ khước Thiên Chúa.

Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục sinh, các tông đồ lần hồi hiểu biết hết tầm vóc của mạc khải và ý nghĩa của những lời tiên tri loan báo trong Cựu ước. Công trình cứu độ phục hồi sự sống, phục hồi mối hiệp thông sự sống thần linh mà con người đã mất do phạm tội ngay từ buổi đầu của lịch sử nhân loại, nhờ bởi cái chết vâng phục trên thập giá của Đức Giêsu. Đức Giêsu Nazarét, đã bị đóng đinh thập giá, Thiên Chúa đã cho Ngài được phục sinh vinh hiển, sự Phục sinh của Đức Giêsu Nazarét khai mào thời kỳ cứu độ. Thánh Phêrô đã mạnh mẽ rao giảng : ‘Các ông, người Israel, xin nghe các lời này : Giêsu Nazarét, người được Thiên Chúa uỷ nhiệm đến với các ông bằng những việc quyền năng, những điềm thiêng cùng dấu lạ, tức là những việc Thiên Chúa đã dùng Ngài để thi hành giữa các ông như các ông biết, thể theo ý định đã vạch sẵn và sự dự tri của Thiên Chúa mà bị phó nộp, thì các ông đã thủ tiêu Ngài, là dùng bàn tay vô đạo đóng đinh thập giá. Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại, đã gỡ Ngài khỏi các nỗi đau khổ sự chết, bởi chưng sự chết vô phương cầm hãm được Ngài dưới quyền nó’(Cv 2,22-24).

Từ chỗ khám phá ý nghĩa của sự Phục sinh của Đức Giêsu, các tông đồ khám phá ý nghĩa của sự liên đới của con người trong sự Phục sinh của Ngài. Con người liên đới với nguyên tổ Ađam trong tội và sự chết, thì nhờ liên đới với Đức Kitô trong ân sủng, được phục hồi trong sự sống thần linh : ‘Vì một người duy nhất mà tội đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. (…) Nhưng sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người’(Rm 5,12-15).

Vì thế, lời rao giảng trọng tâm của các tông đồ là lời rao giảng về mầu nhiệm tự nạn và Phục sinh của Đức Giêsu. Đồng thời, các ngài còn rao giảng cuộc đời và những lời rao giảng của Đức Giêsu Nazarét. Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục sinh, các ngài hiểu rõ hơn mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể làm người, trở nên gương mẫu cho mọi người biết sống theo phẩm giá là con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa làm người, một con người đã sống trọn vẹn thân phận con người, đầy tràn sức mạnh Thần linh, chính Ngài đã thực hiện công trình cứu độ, phục hồi Sự Sống qua cuộc sống trần thế và cái chết hy sinh của Ngài. Đức Giêsu sống một cuộc đời khó nghèo, trong sạch, hoàn toàn tự do, nhất là sống yêu thương trọn vẹn để làm gương mẫu cho chúng ta về một cuộc sống thân mật, hiệp thông sự sống với Thiên Chúa, về một cuộc sống mới trong Thánh Thần sự Sống. Ngài là con người đầy tràn ân sủng, đầy tràn chân lý, khai mào Nước Thiên Chúa ở trần gian bằng chính sự hiện diện và rao giảng đầy tràn sức sống thần linh của mình. Những phép lạ của Ngài thực hiện, chữa lành những thương tích bệnh tật của con người do tội lỗi, làm chứng cho Nước Thiên Chúa được thiết lập, năm hồng ân đầy tràn ân sủng, chân lý, và sự Sống như lời Ngài đã công bố ở hội đường Nazarét : ‘Thần khí Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đày, cho người đui mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được giải oán; loan báo năm hồng ân của Chúa’ (Lc 4,18-21).

Đức Giêsu còn giới thiệu mình như người mục tử tốt lành chăm sóc và dẫn đưa đoàn chiên tới nguồn sự sống. Không những thế, người mục tử tốt lành còn biết từng con chiên và dám hy sinh tính mạng vì đoàn chiên : ‘Tôi chính là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên’(Ga 10,14-15).Trong phép lạ làm cho Lazarô, người bạn mà Chúa Giêsu yêu mến được sống lại, Chúa Giêsu đã khẳng định cho Matta và Maria là Người chính là sự Sống và là sự Phục sinh, ai tin nơi Người sẽ không phải chết, và dù có chết cũng sẽ được sống : ‘Chính Thầy là sự sống lại và sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?’ (Ga 11,25-26).

Điều lạ lùng là Đấng cứu thế đã chấp nhận thập giá với cái chết của một tử tội, cũng như chấp nhận sống cuộc đời khó nghèo của một người rao giảng gần gủi với dân chúng và các môn đệ, sống phục vụ, yêu thương hết tình, dám chấp nhận những hiểu lầm và kết án của những người khác vì lý tưởng phục vụ cho sự sống của những người nghèo. Ngài đã khai mở con đường sự Sống bằng con đường thập giá, con đường hy sinh chính bản thân mình : ‘Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời’ (Ga 12,24-25). ‘Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy’ (Ga 10,17-18).

4. Đức Mara, người nữ cộng tác vào việc mang lại sự sống.


Trong suy tư của Thánh kinh Cựu ước, sách Sáng thế ký đề cập đến vai trò của người nữ. Người nữ vừa là người được cùng tạo dựng với người nam, cùng chia sẻ trách nhiệm làm chủ trái đất và làm cho trái đất được sinh sôi nẩy nở (St 1,27-28), vừa là người bạn, người phụ tá bổ túc cho người nam, người sẽ cùng chia sẻ sự sống thân mật với người nam (St 2, 18-25). Trong câu chuyện sa ngã, người nữ có vai trò rõ rệt, ưng thuận chiều theo tham vọng muốn được nên như thần linh nên đã ăn trái cấm, chống lại lệnh truyền của Chúa. Người nam cũng yếu đuối ưng thuận theo lời người nữ và ăn trái cấm. Hai người nam nữ cùng liên đới với nhau trong tội và vì thế cùng liên đới với nhau trong hình phạt.

Ngay từ thời kỳ đầu của Giáo hội, thánh Phao-lô đã khai triển cái nhìn thống nhất giữa tạo dựng và cứu độ, nên đã trình bày song đối giữa Đức Giêsu, Ađam mới và Ađam cũ là nguyên tổ loài người. Ađam cũ vì bất phục nên đã gây nên tội và sự chết thì Ađam mới vì vâng phục trọn vẹn Thiên Chúa, nên đã nên nguyên nhân của ân sủng và sự sống. Nguyên nhân của sự chết không do đâu khác hơn là từ chính con người và từ chính sự bất phục của nó chống lại Thiên Chúa, thì việc phục hồi lại sự sống này, cũng do từ một Ađam mới hết lòng vâng phục Thiên Chúa. Ađam cũ đã khai mào một thời kỳ chết chóc, thì Ađam mới khai mở một thời kỳ tràn ngập ân sủng và sự sống. Con người liên đới trong tội và sự chết thì cũng được liên đới trong ân sủng và sự sống. Luận điểm của thánh Phao-lô nhấn mạnh sự tiếp nối giữa Ađam cũ và Ađam mới, giữa tạo dựng và cứu độ, giữa hồng ân sự Sống đã mất và được phục hồi. Ađam cũ bất lực, gieo sự chết thế nào thì Ađam mới mạnh mẽ, đầy tràn sức sống thần linh, ban tặng lại sự sống cho con người. Như thế, sự Sống chiến thắng sự chết, ân sủng chiến thắng tội lỗi, con người lại được phục hồi tình trạng nguyên tuyền trong sự sống thân mật với Thiên Chúa. Sự thống nhất ở chỗ Ađam mới cũng là một con người, nhưng đồng thời lại là chính Con người thần thiêng, Con người từ trời xuống nên đã chiến thắng sự chết và phục hồi lại sự sống cho mọi người, thế nên Ngài liên đới trọn vẹn với mọi người và mọi người tìm gặp nơi Ngài hồng ân sự Sống hiệp thông với Thiên Chúa.

Thánh Irênê, tiếp nối cái nhìn thống nhất này giữa tạo dựng và cứu độ, chống lại những cái nhìn chia cắt giữa tạo dựng và cứu độ của những trình bày nhị nguyên của ngộ đạo thuyết. Thánh Irênê đã nhấn mạnh lại trình bày song đối giữa Ađam cũ với Ađam mới là Chúa Giêsu, cho thấy con người chúng ta thực sự được tái ban lại sự Sống mà chúng ta đã được ban tặng từ công trình tạo dựng tốt đẹp của Thiên Chúa. Đồng thời cũng trình bày thêm sự song đối giữa Evà cũ và Evà mới. Evà cũ vì bất phục, đã nên nguyên nhân sự chết thế nào, thì Evà mới là Đức Trinh nữ Maria, do sự vâng phục của mình đã cộng tác hiệu quả vào công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Giáo hội số 56, trình bày về Đức Maria, đã nhấn mạnh lại luận điểm này của thánh Irênê và của các giáo phụ, nhấn mạnh vai trò cộng tác của Đức Maria vào công trình cứu độ do bởi sự sự vâng phục của mình, và như thế cũng nhấn mạnh đến vai trò người nữ hợp tác cho sự Sống, và gọi Maria là Mẹ các kẻ sống. Trong vai trò cộng tác với Chúa Cứu thế, trinh nữ Maria là một người nữ được công đồng mô tả bằng nhiều cách nói nhấn mạnh cách đặc biệt tính chất mới mẻ của ân sủng Thiên Chúa đối với Mẹ. Đây là người Mẹ của Đấng cứu thế, được tiền định theo ý định khôn ngoan nhân hậu của Thiên Chúa, được ban cho nhiều ơn cân xứng với chức vụ làm mẹ, được các giáo phụ xưng tụng là Đấng toàn thánh, Đấng không vương nhiệm tội nào, một thụ tạo mới do Chúa Thánh Thần tác thành. Đồng thời công đồng cũng nhấn mạnh phấn đóng góp quí giá và tích cực của Đức Maria vào việc tái tạo lại sự Sống do lòng tin và lòng vâng phục của Mẹ, và là hình ảnh của những người nữ khác được mời gọi hợp tác cho sự sống : Chúa Cha rất nhân từ đã muốn sự ưng thuận của người mẹ được tiền định trước khi Chúa Con nhập thể, để như một người nữ đã hợp tác cho sự chết, thì cũng một người nữ hợp tác cho sự sống. Điều đó đặc biệt thích hợp với Mẹ Chúa Giêsu, vì Ngài đem đến cho thế giới chính Nguồn Sống cải tạo mọi sự, và đã được Chúa ban cho nhiều ơn cân xứng với một sứ mệnh cao cả như thế. Do đó, không có gì lạ, nếu các Thánh Gíáo phụ đã thường xưng tụng Mẹ Thiên Chúa là Đấng Toàn Thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một thụ tạo mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc mới được thụ thai, Đức Trinh Nữ đã đáp lời Thiên Sứ rằng : ‘Này tôi là Tôi tá Chúa, xin hãy xảy ra cho tôi theo lời Ngài’ (Lc 1,38). Như thế, Đức Maria, con cháu Ađam, vì chấp nhận lời Thiên Chúa, đã trở nên Mẹ Chúa Giêsu. Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một tội nào ngăn trở Ngài, Đức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thể và sự nghiệp của Con Ngài, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con Ngài. Bởi vậy, các Thánh Giáo phụ, đã nghĩ rất đúng rằng : Thiên Chúa đã không thu dụng Đức Maria một cách thụ động, nhưng đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của Ngài. Thực vậy, thánh Irênêô nói: ‘Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại’. Và cùng với thánh Irênêô còn có rất nhiều thánh Giáo phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng : ‘Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Trinh nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Đức Maria là «Mẹ kẻ sống», và thường quả quyết rằng: « bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống’.

Kết luận


Để suy tư về chủ đề sự sống và những vấn đề luân lý được đặt ra, chúng ta đã lược qua những suy tư có tính chất tín lý về Mạc khải và lịch sử cứu độ. Trong ánh sáng này chúng ta hiểu lập trường truyền thống bảo vệ sự sống và gia đình của Giáo hội được diễn tả nhiều lần qua các thông điệp gần đây của Đức cố Giáo hoàng Phao-lô VI và Gio-an Phao-lô II. Sự sống là Hồng ân của Thiên Chúa ban tặng, sự sống con người qua công trình tạo dựng là điều kiện dẫn vào đời sống thần linh, và đã thực sự được phục hồi nhờ bởi công trình cứu độ của Con Thiên Chúa nhập thể làm Người. Tội lỗi con người do yếu đuối cũng như tham vọng kiêu căng, không ngừng làm cho gia đình họ phải phân tán và đổ vỡ, con người phải đau khổ và chết chóc, thì ân sủng Thiên Chúa không ngừng tái tạo và phục hồi lại sự Sống cho con người. Những giải pháp của con người đưa ra, do thành quả của khoa học kỹ thuật cần phải được suy nghĩ cũng như sử dụng dưới ánh sáng của Lời Chúa, theo sự biện phân thật là khôn ngoan và thận trọng, dưới sự hướng dẫn có thẩm quyền của Giáo hội. Con người cần hướng nhìn về Thiên Chúa và ơn gọi lớn lao cũng như vận mệnh vĩnh cửu của mình để có những chọn lựa và hành động luân lý phù hợp. Con người không thể chỉ bằng lòng với mức độ sự sống sinh vật, nhưng còn được mời gọi hướng đến sự sống thần linh, không ngừng được ban tặng cho con người. Sự sống thần linh mà con người được hiệp thông ngay từ cuộc đời trần thế phải chi phối mọi suy tư và hành động của họ nếu như con người muốn thực sự là chính mình, trong những tìm kiếm miệt mài nhất cũng như trong những ưu tư sâu xa nhất của con người.