Thời sự Thần học – Số 2 (tháng 3/2008), tr. 129-146
_Trần Bình 🙋
Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến học đường và nền giáo dục đang bị xuống cấp, thiếu lành mạnh. Những vấn nạn giáo dục thời đại này đã được hàng Giáo phẩm Việt Nam đề cập tới trong thư chung về giáo dục Ki-tô giáo.
Khảo sát quanh thế giới về giáo dục[2], ở Ấn Độ hay ở Hoa Kỳ, châu Âu hay châu Á,… chúng ta đều thấy có sự giống nhau ở những vùng đất. Chung qui, đó là nét tạo nên những khởi sắc cho nền giáo dục địa phương. Đó chính là môi trường giáo dục. Xét tại Việt Nam, điều này càng đúng hơn với các trường trung học và đại học. Không thiếu những ngôi trường mà chỉ nghe qua các bậc phụ huynh đều ao ước con cái mình sẽ được đào tạo ở đó, những em học sinh thì cố gắng để trở thành những thành viên chính thức của các ngôi trường này. Vì sao? Vì học ở đây, những học trò chắc chắn có được một kiến thức vững chắc, có được tiền đề tốt để làm bệ phóng sau này khi ra trường. Nói cách cụ thể, đó là môi trường tốt để học sinh có thể phát huy hết mức khả năng của mình, để từ đấy, sau này tương lai của họ sẽ bảo đảm.
Trong Thư Chung, chúng ta đọc thấy các số từ 26–31, đề cập đến những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp về môi trường giáo dục: gia đình, trường học, giáo xứ và cuối cùng là các chủng viện, học viện Công giáo. Người viết xin được chia sẻ những suy nghĩ vụn vặt về những cấp độ này theo tinh thần của người tín hữu khi tiếp cận với Thư Chung.
Trách nhiệm của ai?
Bàn thảo về vấn đề giáo dục, chúng ta phải luôn công nhận một điều: giáo dục không bao giờ là việc dễ dàng. Càng ngày, vấn đề này càng trở nên khó khăn hơn, đa diện hơn. Các bậc cha mẹ, các linh mục, giáo chức,… nói chung, là tất cả những người có trách nhiệm trực tiếp đều biết rõ điều ấy.[3]
Việc học hành cũng như việc đối diện bức tranh. Mỗi người, trong lăng kính của mình, đều có thể nhận thấy và đọc ra những ý nghĩa rất riêng. Mường tượng như thế, chúng ta thử một lần so sánh sự tương đồng giữa những yếu tố hình thành nên môi trường giáo dục theo nghĩa đặc thù nhất, để cùng nhìn về một tổng thể và những vấn đề, con người liên đới trong đó. Cùng một trật, để thêm một lần nghiêm túc nhìn nhận về trách nhiệm giáo dục. Đó không là vấn đề của riêng ai, mà là nhiệm vụ của mọi người. Nó đòi hỏi phải được quan tâm kĩ càng từ mọi người, nhất là các bậc làm cha, làm mẹ. Các hiền nhân đã nhìn nhận giáo dục là điều hệ trọng, cần phải được đầu tư đúng mức, khi nói rằng: bác sĩ có thể làm chết vài bệnh nhân, điều này có thể tha thứ; anh thợ giày có thể làm hỏng vài đôi giày, điều này có thể tha thứ; nhưng nhà giáo dục thì không thể sai lầm,vì điều này sẽ giết chết cả một thế hệ[4]. Thế nên, từ rất lâu, Quản Trọng đời Xuân Thu (722-479 tcn) bên Trung Quốc đã nói và đựơc Bác Hồ dịch lại : nhất niên chi kế mạc ư thụ cốc, thập niên chi kế mạc ư thụ mộc, bách niên chi kế mạc ư thụ nhân (kế hoạch cho 1 năm, trồng lúa. Kế hoạch cho 10 năm, trồng cây. Và, kế hoạch cho trăm năm, trồng người).
Ấy là nói tới chuyện đại sự, cho cả và nhân loại.
Nhưng, trong vấn đề giáo dục, trên hết và trước hết, người ta vẫn qui trách nhiệm cho các thầy cô giáo - những nhà mô phạm chuyên nghiệp, là ‘những đại sứ của Đức Ki-tô nơi học đường bằng chính đời sống và lương tâm của họ. Mọi người sẽ nhìn vào đó mà gặp đựơc Thiên Chúa’[5].
Khảo sát quanh thế giới về giáo dục[2], ở Ấn Độ hay ở Hoa Kỳ, châu Âu hay châu Á,… chúng ta đều thấy có sự giống nhau ở những vùng đất. Chung qui, đó là nét tạo nên những khởi sắc cho nền giáo dục địa phương. Đó chính là môi trường giáo dục. Xét tại Việt Nam, điều này càng đúng hơn với các trường trung học và đại học. Không thiếu những ngôi trường mà chỉ nghe qua các bậc phụ huynh đều ao ước con cái mình sẽ được đào tạo ở đó, những em học sinh thì cố gắng để trở thành những thành viên chính thức của các ngôi trường này. Vì sao? Vì học ở đây, những học trò chắc chắn có được một kiến thức vững chắc, có được tiền đề tốt để làm bệ phóng sau này khi ra trường. Nói cách cụ thể, đó là môi trường tốt để học sinh có thể phát huy hết mức khả năng của mình, để từ đấy, sau này tương lai của họ sẽ bảo đảm.
Trong Thư Chung, chúng ta đọc thấy các số từ 26–31, đề cập đến những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp về môi trường giáo dục: gia đình, trường học, giáo xứ và cuối cùng là các chủng viện, học viện Công giáo. Người viết xin được chia sẻ những suy nghĩ vụn vặt về những cấp độ này theo tinh thần của người tín hữu khi tiếp cận với Thư Chung.
Trách nhiệm của ai?
Bàn thảo về vấn đề giáo dục, chúng ta phải luôn công nhận một điều: giáo dục không bao giờ là việc dễ dàng. Càng ngày, vấn đề này càng trở nên khó khăn hơn, đa diện hơn. Các bậc cha mẹ, các linh mục, giáo chức,… nói chung, là tất cả những người có trách nhiệm trực tiếp đều biết rõ điều ấy.[3]
Việc học hành cũng như việc đối diện bức tranh. Mỗi người, trong lăng kính của mình, đều có thể nhận thấy và đọc ra những ý nghĩa rất riêng. Mường tượng như thế, chúng ta thử một lần so sánh sự tương đồng giữa những yếu tố hình thành nên môi trường giáo dục theo nghĩa đặc thù nhất, để cùng nhìn về một tổng thể và những vấn đề, con người liên đới trong đó. Cùng một trật, để thêm một lần nghiêm túc nhìn nhận về trách nhiệm giáo dục. Đó không là vấn đề của riêng ai, mà là nhiệm vụ của mọi người. Nó đòi hỏi phải được quan tâm kĩ càng từ mọi người, nhất là các bậc làm cha, làm mẹ. Các hiền nhân đã nhìn nhận giáo dục là điều hệ trọng, cần phải được đầu tư đúng mức, khi nói rằng: bác sĩ có thể làm chết vài bệnh nhân, điều này có thể tha thứ; anh thợ giày có thể làm hỏng vài đôi giày, điều này có thể tha thứ; nhưng nhà giáo dục thì không thể sai lầm,vì điều này sẽ giết chết cả một thế hệ[4]. Thế nên, từ rất lâu, Quản Trọng đời Xuân Thu (722-479 tcn) bên Trung Quốc đã nói và đựơc Bác Hồ dịch lại : nhất niên chi kế mạc ư thụ cốc, thập niên chi kế mạc ư thụ mộc, bách niên chi kế mạc ư thụ nhân (kế hoạch cho 1 năm, trồng lúa. Kế hoạch cho 10 năm, trồng cây. Và, kế hoạch cho trăm năm, trồng người).
Ấy là nói tới chuyện đại sự, cho cả và nhân loại.
Nhưng, trong vấn đề giáo dục, trên hết và trước hết, người ta vẫn qui trách nhiệm cho các thầy cô giáo - những nhà mô phạm chuyên nghiệp, là ‘những đại sứ của Đức Ki-tô nơi học đường bằng chính đời sống và lương tâm của họ. Mọi người sẽ nhìn vào đó mà gặp đựơc Thiên Chúa’[5].
I. Thầy cô giáo
Ai đó đã nói: Thầy giáo chính là kĩ sư tâm hồn. Điều này đúng! Vì việc đào tạo một người không chỉ là việc nắn đúc học trò thành một “sản phẩm” theo khuôn thước chuẩn mà xã hội đã định dạng; nhưng còn là việc nhìn nhận những tinh tuý trong thâm sâu của người học trò để từ đó giúp cho học trò mình thăng tiến hơn, khẳng định được cái tôi độc đáo, riêng biệt. Với trách nhiệm này, người thầy đích thực cần mẫn với thời gian, khiêm tốn với cách nhìn nhận con người, với sở trường sở đoản của họ, để khơi gợi môn sinh phát tiết tinh hoa. Ông ta cũng tìm cách hướng học trò đến với sự khiêm tốn trong học hỏi. Trái tim bằng thịt thì khiêm tốn, trái tim bằng đá thì không gì xuyên thấu được.
Một sứ mạng khác nữa của giáo dục là để sáng tạo nên những giá trị mới. Chỉ ghi khắc vào đầu óc đứa bé những giá trị hiện hữu, bắt nó làm đúng theo những lý tưởng là qui định nó mà không đánh thức trí thông minh của nó; như thế nghĩa là hủy hoại nó. Nền giáo dục đích thực bao gồm sự hiểu biết đứa bé như nó là mà không cưỡng bách nó theo một lý tưởng nào mà chúng ta nghĩa rằng nó sẽ là. Giam hãm nó trong một khuôn khổ lý tưởng nào đó là khuyến khích nó trở thành đúng theo khuôn khổ ấy. Điều đó sinh ra ra sợ hãi và tạo ra trong nó sự tranh chấp không ngớt giữa những gì nó là và những gì nó sẽ là. Và thậm chí tất cả những cuộc tranh chấp bên trong đều sẽ bộc lộ ra ngoài xã hội khi gặp điều kiện thích hợp. Đứa bé có thể là thiên tài, nhưng chẳng có gì bảo đảm nó sẽ không là ác quỉ[6].
Việt Nam, với truyền thống tôn sư trọng đạo của Á đông, luôn đề cao vai trò của người thầy. Luân lý Khổng Mạnh đã xác định rõ vai vế: quân –sư –phụ –tử. Vua sống đúng lẽ vua, thầy sống phải lẽ thầy, cha sống đúng lẽ cha, con phải giữ đạo làm con. Trong phẩm trật thứ tự ấy, vị trí quan trọng của mỗi vai trò cũng được xác định. Vua - con Trời, đứng trên hết và trước hết. Liền ngày sau đó là thầy, những người không sinh ra thể xác nhưng lại cộng tác cùng Trời mà tác tạo nên tâm hồn. Và, bậc làm cha làm mẹ cũng cùng một phẩm trật quyền lợi và nghĩa vụ, cũng được tôn vinh với thứ vị rõ ràng, trong ý nghĩa giáo dưỡng nhiều hơn.
Còn với người thầy, sở dĩ được xếp hàng thứ hai, sau Vua, cũng không quá khiên cưỡng. Truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo này, qua từng giai đoạn lịch sử, lưu danh những tên tuổi như: Chu Văn An, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Họ vừa là hình ảnh gương mẫu của người quân tử vì sự nghiệp thăng tiến con người, vừa góp công đào tạo nên hàng dài những thế hệ được lưu danh khoa bảng. Ai đã từng một lần vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sẽ không khỏi thán phục khi đối diện trước hàng dài tên tuổi danh sĩ được lưu danh trên đá. Họ đã là những người thầy, những học sĩ thành danh với việc học, với phẩm cách đạo đức, với sự nghiệp giáo dục,…[7]
Ay là chuyện của sử sách. Ngày hôm nay, những bận tâm trong xã hội về giáo dục lại càng nên nóng bỏng không bởi những thành quả của một “thế giới phẳng” kết nối toàn cầu với những tiện ích của học hành; mà còn bởi những vấn đề vá víu liên quan đến lương tâm giáo dục.
I.1 Hiện trạng
Một thực trạng mà ai ai cũng có thể thấy đó là tình hình lương giáo viên quá thấp. Đồng ý rằng khi ai đó đến với ngành giáo dục, là họ đã mang trong mình một tấm lòng nhiệt thành, tinh thần đầy nhiệt tâm; nhưng thời gian và những lo lắng cơm áo gạo tiền cũng có sức chi phối riêng, không nhỏ, có thể làm giảm suy nhiệt tình ban đầu, nhất là khi gắn nó vào với những so sánh. Chẳng biết ngày xưa các thầy giáo sẽ suy nghĩ ra sao, nhưng chắc chắn ngày nay họ là những người can đảm. Đang khi mọi người, khi kết thúc chương trình trung học, đều mang cho mình hay mình bị mang một ảo tưởng: nhất y nhì dược, tạm được bách khoa, thì những người bước vào môi trường sư phạm đều là kẻ: chuột chạy cùng sào (mới vào sư phạm). Đau ghê nhỉ! Rồi thì, khi ra trường, với đồng lương èo uột thì thử hỏi làm sao người thầy giáo có thể bám trụ với bục giảng? Chả có mấy ai có thể toàn tâm, toàn ý phục vụ cho lý tưởng ‘trồng người’ được.
Trong khi ấy, vai trò nhà giáo rất hạn chế: Hệ thống giáo dục dùng họ chủ yếu là để giảng dạy trong lớp, rất ít về những công việc quan trọng khác như nghiên cứu, soạn thảo chương trình, hướng dẫn học sinh, giúp học sinh trở thành những người năng động, biết sáng tạo, đạo đức, thành thật… Các thầy giáo chỉ biết (hay bị nói) theo những khuôn mẫu có sẵn. Phương pháp giáo dục chịu ảnh hưởng của nền văn hoá giáo dục lỗi thời như Khổng-Mạnh, Pháp và Liên Xô cũ. Giáo dục theo phương cách của Khổng-Mạnh là từ chương và nhồi sọ, thi cử là dụng cụ duy nhất để đo lường con người trong sự thăng tiến xã hội. Giáo dục Khổng-Mạnh đã khiến Việt Nam dậm chân tại chỗ trong một ngàn năm và bị phương Tây bỏ xa[8]. Quan niệm giáo dục và thực hành sư phạm phổ biến hiện nay vẫn là truyền thụ, “nhồi” một chiều chứ không phải trao đổi kiến thức. Học sinh hiếm khi phải tư duy, khi đến lớp chủ yếu là... chép bài. Đến lúc gặp phải đề thi có chút tổng hợp, liên kết là lúng túng, không biết lắp ráp thế nào[9]. Sách giáo khoa phải luôn luôn đề cao tính ưu việt của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ca tụng đảng Cộng Sản Việt Nam, ca tụng các lãnh tụ đảng. Không phải chỉ ca tụng đảng Cộng Sản Việt Nam, mà cả các đảng Cộng Sản trên thế giới, từ Liên Xô, Đông Âu, Trung Hoa…[10]. Học phí tại Việt Nam hiện nay quá cao so với mức thu nhập bình quân đầu người. Để có thể đi học, học sinh sinh viên phải trả góp từng ngày hoặc từng tuần[11]. Câu chuyện đến ‘Thượng Đế cũng phải cười’ ra nước mắt này chắc chẳng nơi nào trên thế giới có, trừ Việt nam
Hiện giờ, việc soạn thảo chương trình, sách giáo khoa ở Việt Nam vẫn là công việc của những chuyên viên thuộc Bộ và một số giáo sư, tiến sĩ ở một vài địa phương nào đó. Họ không phải là những đại diện cho nhà giáo của cả nước. Từ đó dẫn đến những chương trình học không phù hợp với thực tiễn hay nhu cầu và trình độ của người học ở các địa phương[12]. Sách vở in ấn thay đổi xoành xoạch khiến cho các bậc phụ huynh, các gia đình nghèo phải lao đao chạy theo cái gọi là cải cách giáo dục. Đó là sự lãng phí quá lớn mà học sinh và các gia đình phải gánh chịu. Trong cái nhập nhằng này, ai là người đắc lợi? Một giám đốc công ty cổ phần ở Hà Nội cho biết: ‘một bình làm thí nghiệm cơ sở của anh ta sản xuất ra bán với giá 23.000 đồng là có lãi, nhưng ai lọt vào ê-kíp cung cấp sẽ được duyệt giá 61.000 đồng, ấy là chưa kể có khi họ nhập nhèm đánh tráo bình thuỷ tinh, thường còn lãi nhiều hơn thế nữa’[13]. Mặc kệ, ai khổ thì khổ, tiền vào túi ai người đó hưởng. Trong khi đó, các sách giáo khoa hầu hết mắc thứ bệnh nói không đúng sự thật và bất cần thực tế cuộc sống. Bệnh này thấy rõ trong các môn nhân văn, như văn chương, địa lý và sử học. Ông Hà Văn Thịnh, giảng viên Trường Đại học Khoa học Huế, đã viết: ‘Còn mình thì chỉ một chiều, lúc nào cũng chỉ địch thua ta thắng, địch bao giờ cũng hèn nhát, ta bao giờ cũng cao thượng, dũng cảm. Một chiều như vậy mãi thì học sinh cũng không thích, thậm chí tạo mặc cảm lừa dối’[14].
Một điều khác nữa là trình độ giáo sư, giáo viên tại Việt Nam không đạt tiêu chuẩn quốc tế. Phần đông giáo sư Đại học Việt Nam không đủ khả năng để được nhận vào làm giảng viên hay giáo sư của những trường có chất lượng quốc tế[15]. Đó là một thực tế, nhưng còn một thực tế khác có thể cười như mếu. Đó là các chức sắc từ cấp giám đốc trở lên cần có bằng cấp, học vị, nên theo học chuyên tu hay tại chức. Ở trong nước hiện nay có câu tục ngữ thời danh: Dốt chuyên tu, ngu tại chức. Thế mà thạc sĩ và tiến sĩ ở Việt Nam nhiều như nấm mọc sau mưa. Theo thống kê của nhà nước, từ sau năm 1975, Việt Nam đào tạo được 8.400 tiến sĩ và 39.000 thạc sĩ, gấp 3 lần Thái Lan. Tuy nhiên, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khóa 9 năm 2002 đã cho rằng: “Ngày nay, giáo dục đại học của ta đang tụt thấp hơn 50 bậc so với đại học Thái Lan.” Trong cuộc họp báo ngày 5/1/2006 ở Hà Nội, ông bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo thú nhận rằng: “Trong số 8.400 tiến sĩ đào tạo từ năm 1976 cho đến nay, thì đã có 2.500 vị có trình độ yếu. Bằng cấp đối với nhiều người chỉ làm đẹp hồ sơ, tạo cơ hội cho sự thăng tiến’[16].
I.2 Giải pháp
Môi trường và hiện trạng đã và đang thu hút sự quan tâm của cả xã hội thời gian gần đây. Xin tạm dừng những bàn thảo trong bài viết này. Nếu muốn, chỉ cần một cú nhấp chuột, search trên intrnet, người ta có thể thu được hằng hà sa số kết quả luận bàn lẫn phiếm bàn. Một cách tích cực, xin đề xuất những giải pháp, cho hiện trạng. Chúng ta có thể coi như những tham khảo hữu ích:
· Trước mắt, lương cho nhà giáo phải cao đủ để họ không phải tham gia vào những hoạt động tiêu cực vì thiếu tiền, và có thì giờ nghiên cứu và trau dồi thêm kiến thức mới. Thêm vào đó cần cấm nhà giáo không được dạy thêm học sinh của trường mình để tránh sự lợi dụng chức vị của mình, làm tiền phụ huynh và học sinh.
· Nhà giáo phải được tự do giáo dục căn bản, thường có ở những nước tân tiến, như được nghiên cứu, suy nghĩ, hội họp và phát biểu ý kiến về tất cả mọi đề tài mà luật không cấm.
· Nâng cấp trình độ giáo sư đại học lên tầm cỡ quốc tế và “trao quyền” cho họ để họ có thể nâng cấp ngành giáo dục Việt Nam. Một biện pháp là cấp học bổng cho nhà giáo đi du học hay tu nghiệp ở những nước tân tiến nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Canada, Úc, Singapore… và cần nhất là học những phương pháp phát huy sự sáng tạo của con người[17].
II. Cha mẹ
Nhân tố tiếp theo chúng ta bàn tới trong bài này đó là các bậc phụ huynh. Trong một thế giới đang mất dần niềm tin vào giá trị của lý trí thì điều đó lại càng chứng tỏ cho việc có thể cùng nhau truy tầm chân lý. Ở đó, chúng ta phải học tin tưởng lẫn nhau như những bên tham gia đối thoại. Tự ti mặc cảm sẽ không có đất đứng nếu chúng ta trao cho nhau sự can đảm để lên đường. Không ai có thể dạy dỗ người khác nếu không hiểu rõ nỗi lo lắng của người thụ huấn khi mở ra một quyển sách mới hay đương đầu với một ý tưởng mới. Cũng vậy, cha mẹ không chỉ lo nhồi sọ con cái mình bằng những sự kiện, nhưng là giúp cho khuynh hướng sâu xa muốn tìm học hỏi của bất cứ người con nào được vững mạnh thêm, và đồng hành với họ trên hành trình tìm kiếm chân lý này. Cha mẹ cũng cần phải học cách làm cho con cái đứng xa mình, dạy cho chúng nhìn thế giới bằng đôi mắt riêng và bay bằng chính đôi cánh của mình. Cha Lagrange khi dạy tại trường Kinh thánh đã từng nói với sinh viên: ‘Các em phải nhìn chứ đừng bảo: cha Lagrange đã nói. Các em phải tự nhìn đấy!’. Trên tất cả, người làm cha làm mẹ cần phải trao cho con cái sự can đảm để dám sai lầm và dám liều để thấy mình sai lầm. Thầy Eckhart đã nói: ‘Các bạn sẽ hiếm thấy một người nào đó có thể đạt được một điều tốt đẹp mà trước đó không bị lầm lạc đôi chút!’[18]. Không em bé nào có thể học đi mà không lắm phen té sấp, té ngữa. Một em bé sợ hãi thì mãi mãi chỉ biết ngồi mà thôi.
Mặt khác, có thể nói, tất cả mọi người Việt đều lớn lên trong lời ru ầu ơ của mẹ và những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa của ba. Chiếc nôi êm như con thuyền, chở các câu chuyện cổ tích, những bài hát ru dân dã được những ông bố, bà mẹ kể cho nghe sau một ngày cần lao. Trong đấy, chúng ta thấy chất chứa đủ những lẽ khôn ngoan của cuộc sống, những kiến thức về xã hội, những giá trị về luân lý, tình yêu, cách đối nhân xử thế… Lẽ sống ấy đã ướp vào tâm hồn các bé thơ từ thuở còn nằm nôi. Chiếc nôi chở giá trị sống, cùng con trẻ bước vào dòng đời. Vì thế, trong những lời ru, những bài hát, những câu chuyện cổ tích bao giờ cũng đầy những lẽ sống, những khuynh hướng triết lý sống. Triết lý mà không phải triết lý.
Những lời ru làm thức dậy trong chúng ta nhiều tư tưởng. Bước vàocuộc đời, không thiếu lần chúng ta vượt qua sóng gió nhờ vào bài học lúc nằm nôi. Người ta thường nói cách thẳng thừng: mèo nào cũng được, miễn bắt được chuột. Hẳn là thế! Nhưng cách nào đấy, bài học làm người ngày còn bé mà cha mẹ dạy xem ra vẫn nhẹ nhàng, hiền lành và mát mẻ hơn cảnh mèo chuột.
Cũng thế, với vấn đề nhà đạo: Làm sao trẻ em có thể hiểu được ý nghĩa thâm sâu của những câu chuyện Tin Mừng? Bắt đầu câu chuyện Tin Mừng bao giờ cũng là : ngày ấy, thời ấy…, cách nào đấy gần gần như ngày xửa ngày xưa của các câu chuyện cổ tích. Và khởi đầu từ cái ngày xửa ngày xưa này, những giá trị Tin Mừng dần dần thấm vào hồn các em như chất dinh dưỡng được tiêu hoá từ thực phẩm. Thật khó khi so sánh giữa Tin Mừng với các câu chuyện có ích.
Chẳng ai có thể tự nhiên quen với vấn đề nào đó nếu như trước đấy anh ta chưa được biết đến cách này cách khác. Anh ta cũng chẳng thể nào sống một giá trị, một truyền thống nào nếu như trước đấy, ngày thơ bé, chưa được huấn luyện, chỉ bảo của các bậc tiền nhân. Các nhà tâm lý thường cho rằng: Người ta sống lại những giá trị mà họ đã thu tích được từ ngày còn bé thơ nằm nôi cho đến tuổi lên năm. Một người được xã hội đáng giá là tốt hay xấu, có nhân cách hay kẻ phá hoại…, thì nhận xét ấy dành cho người ấy vào tuổi lên năm lên ba. Và như thế, người thích nghe, thích đọc Tin Mừng là người thuở bé đã được hướng dẫn dạy dỗ, được Lời Chúa thấm vào hồn mình. Việc nghe Tin Mừng, xét về khía cạnh nào đấy, với các trẻ thơ chẳng khác gì nghe cổ tích. Câu chuyện Tin Mừng các em nghe được chỉ là những câu chuyện với những nhân vật người làm vườn, người gieo hạt, người cha nhân từ, … mà các em nghe đọc trong các tranh truyện. Hạt giống này sẽ nảy nở và lớn lên theo thời gian. Vấn đề hệ tại ở chỗ có hạt để nảy mầm hay chẳng có gì cả. Ngày nay, con trẻ lớn lên cùng với sự phát triển của khoa học. Các bậc cha mẹ thường vướng vào vòng xoáy của công việc nên không còn thời gian để chăm sóc, lo lắng cho con trẻ. Các em lớn lên trong tiếng nhạc chát chúa, xập xình vô hồn. Chân bước vào đời bằng nhịp điệu hip-hop quay cuồng. Giá trị nhân văn của dân tộc rơi rớt theo những bước nhún nhảy. Khi giá trị sống không được truyền vào nhân cách, các em sẽ chơi vơi trước những cám dỗ khi đối diện trong trường đời….
Cũng thế, khi không được nghe biết về Tin Mừng ngày còn bé thơ thì trẻ em Công giáo, có thể nói, sẽ chẳng bao giờ biết đến Tin Mừng. Theo thời gian, các em sẽ học tập các môn khoa học đời. Học sáng, học chiều, học tối, học thêm, học phụ đạo… chẳng còn giờ ăn giờ ngủ thì làm gì còn giờ học biết về Tin Mừng. Khi ấy, những gì tích tụ ngày theo chân ba, chân mẹ đến nhà thờ thì hôm nay hy vọng các em sẽ còn giữ. Có vẻ bi quan khi nhận định, nhưng thực tế là vậy! Chưa nói là có những buổi sinh hoạt ngoại khoá, trong đấy người ta tìm cách phủ nhận trắng những giá trị của Tin Mừng. Thử hỏi, khi không được trang bị cho mình kiến thức về giáo lý, các em sẽ thế nào? Khi ấy, các em đứng vững hay sẽ bị thoái hoá theo những lý thuyết độc hại là tuỳ vào số vốn Tin Mừng có được.
Mẹ Giáo hội đã nhắc nhở và khuyến khích các bậc phụ huynh, những người có trách nhiệm với các em hãy ý thức vai trò của mình trong việc giáo dục đức tin cho các em. Vì “nếu không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn”[19]. Giá trị chân lý không mất đi, nhưng nó chỉ sinh hoa trái khi được tung vãi, gieo trồng trong mảnh đất tâm hồn. Để được vậy, cần phải có sự cộng tác của những người đi trước. Tại sao ? Vì, khi dựng nên con người, Thiên Chúa không cần con người; nhưng để ban ơn cho con người, phải có sự công tác của con người (Thánh Âu-tinh)
Chúng ta không thể bỏ qua tấm gương của gia đình Na-da-rét. Ở đó có sự hoà điệu tư tâm hồn đến thể xác, từ suy nghĩ đến hành động. Tại đây, học trò Giê-su được cha mẹ của mình dạy cho biết những kỷ luật thiêng liêng, được huấn luyện trong môi trường đạo hạnh và tiếp thu những bài học thần thánh[20]. Gia đình Na-da-rét vẫn hàng ngày trở thành một tấm gương cho mọi gia đình. Nhất là, cha Giu-se và mẹ Ma-ri-a vẫn đang là các bậc cha mẹ điển hình cho mọi thế hệ noi theo. Ông bà đã nhồi nhét vào đầu trẻ Giê-su bằng mớ kiến thức giáo điều nặng nề cho bằng chính đời sống của mình. Nếu như câu nói nổi tiếng của đức giáo hoàng Phao-lô VI: ‘Ngày nay người ta không cần thầy dạy cho bằng chứng nhân’, ngày càng trở nên đúng thì sự đúng đắn ấy phải được tỏ hiện trước hết và trên hết nơi các bậc làm cha, làm mẹ. Sứ mệnh cao cả của giáo dục là đào tạo cá nhân hoàn toàn, là người có khả năng giao tiếp với cuộc sống như một toàn thể. Không thể nào có sự toàn vẹn bao lâu ta còn theo đuổi kiểu mẫu lý tưởng hành động nào đó; và hầu hết các bậc cha mẹ đều là những nhà lý tưởng chủ nghĩa, họ đã dẹp tình yêu qua một bên, họ đã làm cho trái tim cằn cỗi[21] khi chất lên vai con trẻ những gánh nặng mà có khi trong quá khứ họ không đạt được. Ngày xưa họ mong ước mình là ông này bà kia, và đã không được; nay con cái họ phải trả lại cái giá cho lòng khao khát mà họ vẫn còn đang nung nấu trong lòng.
III. Học đường
Nói đến môi trường giáo dục mà bỏ qua vấn đề học đường là một thiếu sót trầm trọng. Học đường chính là nơi trẻ em được có cơ hội triển nở hết mức tài năng tiềm ẩn của mình. Theo cách nhìn lý tưởng thì, việc học, phải là sự thích thú khi khám phá ra rằng, dầu có những luận chứng trái ngược, nhưng mọi sự đều có ý nghĩa, dù đó là cuộc sống của các vĩ nhân, lịch sử nhân loại, hoặc một đoạn văn chương cổ mất cả buổi sáng để tìm cho ra ý nghĩa. Các trường học phải là những trung tâm nghiên cứu đầy ắp niềm vui. Bởi lẽ, những trường học đó được xây dựng trên niềm tin tưởng rằng chúng ta có thể hiểu được phần nào thế giới và cuộc sống của mình[22].
Đó là nói theo cách nhìn lạc quan. Tình hình hiện nay thì học đường xuống cấp trầm trọng. Các nhà vệ sinh quá mất vệ sinh. Theo đánh giá chung thì 90% các ở các trường trung học, trung học cơ sở và tiểu học trong cả nước không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh chỉ để cho có vì không thể sử dụng được với nhiều lý do[23].
Nói để mà buồn! Với tình hình hiện nay, Giáo hội Công giáo không thể trực tiếp tham gia đóng góp với nước nhà trong phương diện giáo dục học đường. Điều này là một khó khăn trực tiếp vì như thế khiến cho các dòng tu với ơn gọi giáo dục như La-san và các dòng khác hầu như đóng cửa hay phải phục vụ những việc khác không đúng với ơn gọi của Đấng Sáng Lập. Thế nhưng đây là mở ra một cơ hội khác đòi buộc các thầy cô giáo Công giáo thể hiện niềm tin của mình. ‘Trách nhiệm giáo dục đức tin là của mọi Ki-tô hữu. Tuy nhiên trong thực tế các nhà giáo mới là những người được trao phó trách nhiệm giáo dục chuyên nghiệp’[24].
Mặc dù không còn cơ hội góp sức chung tay trong các trường học, nhưng vẫn còn đó các trung tâm Công giáo, các chủng viện, các giáo xứ và nhất là các gia đình. Vì thế, trong các yếu tố của môi trường giáo dục, không thể bỏ qua các loại hình này được. Các chủng viện, học viện, trung tâm Công giáo, tạ ơn Chúa, vẫn còn đủ các giáo sư và chương trình huấn luyện bài bản, nên trách nhiệm tại những nơi ấy vô cùng quan trọng trong việc đào tạo và cung cấp cho Giáo hội Việt Nam những nhân sự phục vụ cho con người và cho Giáo hội địa phương[25]. Ngoài những kiến thức khoa học, các trường Công giáo còn phải tỏ cho người khác thấy nét riêng của giáo dục Ki-tô giáo. Đó là giáo dục về cách sống, thể hiện các giá trị đạo đức trong đời sống thường nhật, để người khác nhìn vào nhận ra đấy là con cái Chúa hơn là mớ lý thuyết khoa học suông.
Đích điểm và gương mẫu để các trường Công giáo đạt đến đó chính là Chúa Giê-su, Đấng là Thầy dạy của mọi thầy. Thầy Giê-su đã dạy học trò mình bằng tất cả sức lực, và bằng chính cái chết của mình. Việc giáo dục của Ngài không phải là những lý thuyết trừu tượng xa xăm, khó nắm bắt nào đấy; học cụ không gì khác hơn là những gì cụ thể nhất trong đời sống thường nhật; để từ đấy Ngài đưa các học trò đến bài học Nước Trời.
Bởi đó, Đức Ki-tô phải được nhìn nhận như một vị Tôn sư trổi vượt trên mọi vị thầy khác; nói một cách nghiêm xác: Ngài là vị Tôn sư độc nhất vì ‘phần anh em, anh em đừng để ai gọi mình là rabbi, nghĩa là thầy vì anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả anh em là anh em với nhau’ (Mt 23,8). Không những cần phải học những điều Ngài dạy, chấp nhận sứ điệp của Ngài, mà còn phải nên một với Ngài, để chúng ta có thể nói được như thánh Phao-lô: ‘Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, nhưng là chính Đức Giê-su sống trong tôi’ (Gl 2,20). Chỉ trong sự đồng hoá bản thân toàn diện ấy người ta mới có thể lãnh hội cách đầy đủ về chân lý nơi các bài giáo huấn của Ngài. ‘Uy quyền của vị Tôn sư, sự nhất quán và sức thuyết phục độc nhất của giáo huấn Ngài, chỉ có thể được giải thích là vì những lời nói của Ngài, những dụ ngôn và những cách lập luận của Ngài không bao giờ tách rời khỏi sự sống và chính hữu thể của Ngài. Theo nghĩa này, toàn bộ đời sống Đức Ki-tô là một giáo huấn liên tục: những khoảnh khắc thinh lặng, những phép lạ, những cử chỉ, sự cầu nguyện, tình yêu Ngài dành cho con người, sự ưu ái đối với những kẻ bé mọn và những người nghèo khổ, sự chấp nhận hy tế trọn vẹn trên thập giá để cứu độ thế gian, và sau hết sự phục sinh, tất cả là sự hiện thể hoá lời Ngài và là sự thành toàn của mặc khải’[26]. Tắt một lời, các trường học Công giáo phải là môi trường để trong đó, những học sinh có thể phát huy hết khả năng suy tư, tìm tòi và yêu mến của mình.
III.1 Chủ nghĩa háo danh
Một trong những cám dỗ cho các học đường là mong muốn là sao cho tên tuổi của mình đứng thứ nhất, xếp trên các trường khác. Phần lớn trong chúng ta đều mong muốn xây dựng những trường khọc khổng lồ với những phòng ốc tiện nghi. Thậm chí, ai ai cũng biết ngôi trường ấy không thể phát triển thành một trung tâm danh tiếng mà quên đi hay không thèm nhớ rằng một trường học thành công trong ý nghĩa thế phàm thì không chóng thì chày cũng sẽ lụn bại. Hoặc nếu không thì trong đó, các nhà quản trị, các thầy cô giáo sẽ gắng gỏi nhồi nhét vào trong trí não học sinh của mình bằng những kiến thức, những mánh khoé sao cho trường mình đạt được số phần chỉ tiêu cao nhất.
Chẳng lạ gì khi các trường được mọi người biết đến với sỉ số học tốt nghiệp đạt tới 90% hoặc hơn nữa, đang khi thực tế ngược hẳn. Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam vẫn bắt buộc sinh viên phải học chủ nghĩa Mác-Lênin, ngay cả các trừơng đại học liên kết giảng dạy tại Việt Nam đều phải có chương trình giảng dạy về các môn này. Thực tế, 99% sinh viên học theo kiểu đối phó vì không hiểu nổi và học xong không biết để làm gì. Các môn này tính chính trị nhằm định hướng tư tưởng người dân. Chính quyền muốn duy trì thể chế nên phải đưa những môn này vào bắt buộc người dân học. Tham nhũng giáo dục xảy ra ở mọi cấp bậc, từ tiểu học lên trung học và đại học. Tham nhũng tiểu học có tính cách “cò con”, như phụ huynh hối lộ để xin con em chọn trường mẫu giáo hay lớp một, như giáo viên buộc học sinh phải học thêm với mình tại nhà, nếu không thì không được lên lớp… Tham nhũng trung học để học sinh chạy điểm lên lớp, thi lấy bằng. Chuyện này báo chí trong nước nhiều lần đề cập đến. Thê thảm hơn nữa, vào đầu năm 2007, lại xảy ra việc sách nhiễu tình dục ở bậc trung học, tại trường trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Tham nhũng đại học cũng có nhiều hình thức, từ thi tuyển sinh đến thi lên lớp, hoặc thi tốt nghiệp. Trong một nền giáo dục như thế, ngoài việc đào tạo những người biết vâng lời hơn là biết suy nghĩ, thì làm thế nào có thể xây dựng nhân tài được, làm thế nào đất nước có thể tiến bộ được? Kết quả của nền giáo nầy được các báo trong nước sơ kết như sau: Báo Thanh Niên viết tựa: “Học sinh lớp 6 ở Bạc Liêu chưa biết đọc!” Báo Tiền Phong kể chuyện từ Kiên Giang tới Cà Mau: “Nhiều học sinh Trung Học Phổ Thông không đọc thông, viết thạo,” trong đó có: “Học sinh lớp 7 nhưng đọc chưa thạo,” có đăng cả hình em học sinh đó đang tập đánh vần. Báo Tuổi Trẻ: “Kontum: Học sinh lớp 6 chưa đọc thông viết thạo,” có 18 em như vậy. Báo này đăng hình một học sinh lớp 6 ở Phù Cát, Bình Định, đứng ngơ ngẩn trước tấm bảng đen vì không biết làm con tính chia đơn giản. Báo Sài Gòn Giải phóng cũng loan tin 26 học sinh lớp 6 ở một trường tỉnh Phú Yên chưa đọc, chưa viết được chữ quốc ngữ và chưa biết làm 4 phép tính cơ bản. Có học sinh lớp 6 chưa biết đọc 24 chữ cái, vào lớp “cứ ngồi im thin thít.” Có em khác, cô giáo viết chữ cái lên bảng, bảo em chép lại, cũng không viết được! Một học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng không viết được tên mình, làm bài toán cộng 7 + 3 cũng sai. Báo Sài Gòn Giải phóng còn kể chuyện có học sinh lớp 9 ở Việt Trì, Phú Thọ, cũng chưa biết đọc trôi chảy một đoạn trong chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh. Báo Người Lao Động kể có những “học sinh tiên tiến” ở một trường tại tỉnh Lâm Đồng, học lớp 6, nhưng trong số 25 em trắc nghiệm có tới 23 em không làm được những con tính đơn giản, như 1005 chia cho 5! Khi thi viết chính tả, một bài có 39 chữ thì tất cả đều viết sai. Có em viết sai 19 chữ, có em nhìn bạn viết để “cóp-pi” thì sau đó chính chữ mà mình mới chép cũng không đọc lại được là gì! Kể những chuyện đó thì kể mãi không hết…
III.2 Hy vọng
Một trong những yếu tố không thể thiếu trong môi trường giáo dục đó là niềm hy vọng. Niềm hy vọng của giáo dục trước tiên cần có sự gần gũi và tín nhiệm, nảy sinh từ tình thương. Chúng ta sẽ nghĩ đến kinh nghiệm đầu tiên và cơ bản về tình thương mà các trẻ em cảm nhận, hay ít là phải cảm nhận với cha mẹ các em. Nhưng mỗi nhà giáo dục đích thực đều biết rằng để giáo dục thì phải trao hiến một cái gì đó từ chính bản thân mình và chỉ như thế mới có thể giúp các học sinh của mình khắc phục những ích kỷ và trở thành người có khả năng yêu thương đích thực[27].
Ngay từ còn bé thơ, trẻ em đã có những ước muốn được hiểu biết và được biểu lộ qua những câu hỏi liên tục và yêu cầu được giải thích. Vì thế, thật là một sự giáo dục nghèo nàn nếu chỉ giới hạn vào việc thông truyền những ý niệm, những thông tin mà lại bỏ qua một bên câu hỏi lớn liên quan đến chân lý, nhất là chân lý có thể hướng dẫn cuộc sống. Thực vậy, ngay cả những đau khổ cũng là thành phần chân lý về cuộc đời chúng ta. Vì thế, khi tìm cách tránh cho người trẻ khỏi mọi khó khăn và kinh nghiệm đau thương, người ta có nguy cơ làm cho chúng trở nên yếu ớt, dòn mỏng và ít quảng đại. Hơn nữa, nơi con người, khả năng yêu thương tương ứng với khả năng chịu đựng đau khổ và cùng chịu đau khổ.
Thời gian tại học đường là quãng thời gian đẹp. Trong đó, các thanh thiếu niên được đào tạo để tự mình thoát khỏi những suy nghĩ cũ kỹ, khỏi những định kiến hẹp hòi để có thể đạt tới tự do trong chân lý. Những năm tháng học hành không phải là thời gian tập sống niềm hy vọng mà là thất vọng. Thất vọng để đạt tới hy vọng xa hơn, cao hơn. Cha Timothy Radcliffe nói: ‘Hầu hết các sinh viên vật lộn với những cuốn sách hình như rất khó khăn và xa lạ với kinh nghiệm của họ, nóng lòng hoàn tất chương trình học để có thể lăn xả vào việc mục vụ, có thể sẽ không bao giờ mở một cuốn sách thần học nào nữa một khi đã ‘thoát khỏi’ học viện. Tệ hơn nữa là một số người cảm thấy bị nhục mạ khi phải chia động từ Hip-ri cũng như chẳng bao giờ nhận biết sự khác biệt của những người theo lạc thuyết Arius và Apollinarius, để rồi cuối cũng cũng không hiểu gì về nền triết học Đức’[28]. Trong khi cùng nhau đối thoại, tìm tòi học hỏi không những giúp chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận người khác mà còn đưa chúng ta hoà nhập và một cộng đoàn cùng tiến.
Trong tình hình các trường học Công giáo không còn; mặt khác, trước nền giáo dục ngày càng xuống cấp trầm trọng như hiện nay, không khiến cho chúng ta bi quan mà ngược lại là một trong những cơ hội khiến chúng ta càng phải tin tưởng và hy vọng hơn nữa. Những người có trách nhiệm phải chung tay, chung sức cộng tác bằng những cách thức tuỳ theo của mình có được. Các bậc cha mẹ thường bận tâm lo lắng về tương lai của con cái, đòi hỏi những ích lợi từ các trường học mang lại cho con cái họ. Cũng vậy, các giáo chức, những người quan tâm đến giáo dục lại đau buồn về sự sa sút nơi các trường của họ. Xã hội cũng yêu cầu nền giáo dục ấy khi thấy chính nền tảng cơ bản của cuộc sống chung bị nghi ngờ, ngoài ra tự tâm các thiếu niên và người trẻ cũng yêu cầu nền giáo dục đúng nghĩa như vậy, họ không muốn bị bỏ rơi, bị đánh đố trước những thách đố của cuộc sống[29].
Giáo dục phải tạo được nơi người thục huấn sự hy vọng đích thực. Vì khi hy vọng người ta mới có thể sống và sáng tạo. Đời sống của tội nhân, một khi đã bị tước mất ân sủng, quay về với sự phi lý và rơi vào bi kịch. Con người tìm thoả mãn niềm ao ước cái vô biên của mình trong cái hữu hạn. Thánh Tôma đã nhấn mạnh đến sự cần thiết tuyệt đối của ân sủng đối với ơn cứu độ của con người. Con người không thể đáp lại ơn gọi làm người của mình và qui hướng cuộc hiện hữu bản thân cũng như cộng đoàn của mình về Thiên Chúa, nếu như ân sủng của Thiên Chúa không đến để luôn luôn linh hứng, chữa lành và nâng đỡ con người[30]. Sở dĩ có những cuộc xung đột căng thẳng, có những lần đối đầu nảy lửa xảy ra là vì người ta bị vây hãm trong chính cái hữu hạn mà họ đang là, trong khi bản thân của mỗi người phải vươn tới cái Vô Biên. Con người bị nỗi thất vọng vây kín, chỉ có thể được giải thoát khi được khơi mào cho mình niềm hy vọng.
Điều lạc quan khác chúng ta có thể kể đến đó là ngay trong hoàn cảnh khó khăn của thời cuộc, tưởng chừng như mọi sự việc phải ngừng trệ thì vẫn còn đó cánh cửa mở ra cho việc giáo dục. Khi biến cố thống nhất đất nước 1975 xảy ra, các trường học, các cơ sở tôn giáo… bị cấm đoán, bị trưng thu. Phần đông các giáo viên, giáo sư thành công nhân viên chức của ngành giáo dục nhà nước. Phần đa trong số những người ấy đã bỏ sở, bỏ việc để tham gia lao động trực tiếp, ‘lao động là vinh quang’, thì các sinh hoạt trong các xứ đạo vẫn hoạt động bình thường, tuy rằng có ít nhiều hạn chế. Sự nghiệp giáo dục Ki-tô giáo bị giới hạn vào việc giáo dục gia đình và các lớp giáo lý, các sinh hoạt trong khuôn viên nhà thờ. Điều lạc quan là ‘trời đất xoay vần, nhiều cái đã, đang và sẽ còn thay đổi để chúng ta có nhiều điều để nói với nhau và với thế hệ mai sau, nhất là để mang trong mình niềm hi vọng cho ngày mai rạng rỡ hơn’[31]. Trong luồng sóng của vô thần (trước đây) và dòng chảy của xã hội tiêu thụ, thực dụng, gia đình là nơi neo giữ những giá trị nhân văn để người trẻ không bị bứng gốc theo dòng xoáy của thời đại. Điều này càng cần hơn nữa khi mà nước ta mở cửa đón các luồng gió mới của Phương tây tràn vào; ai biết được trong các luồn gió mát ấy, lại tiềm ẩn những làn gió độc gây cảm cúm, đột tử... thế giới ngày nay mang đậm nét của chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa tương đối; theo đó giá trị tinh thần và đạo đức bị đặt thành hàng xa xỉ phẩm, hàng trưng cho đẹp mắt. Để đối chọi lại, Gia đình và nhà thờ phải là nơi để cho người trẻ có câu trả lời đối lại trước những thách đố trên. Đây quả là một thử thách không nhỏ cho Gia đình và nhà thờ trước vấn đề nóng bỏng này. Dấu hiệu lạc quan hay là ‘dấu chỉ của thời đại’ sẽ qua đi nếu chúng ta không chung tay cộng tác để chúng mỗi ngày đựơc ‘cả sáng’.
Kết
Giáo dục, vấn đề còn nhiều bất cập. Trong vài trang viết mà bàn cho tận kì cùng, cho rốt ráo, đó là điều không tưởng. Tự bản chất, giáo dục gồm thâu nhiều góc cạnh, thì vấn đề cũng lại được nhìn nhận khác nhau, tuỳ hướng nhìn của mỗi người. Còn rất nhiều mảng, nhiều lãnh vực liên quan, như: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học…Tuy nhiên, ta có thể ví von rằng: giáo dục cũng như tô phở của dân Việt chúng ta. Trong tô phở, ta thấy lỉnh kỉnh nào là thịt, bánh phở, rau thơm, hương liệu, hành, giá… nói chung nhìn vào ai cũng thấy một điều là multicolour; thế nhưng, sẽ chẳng bao giờ có tô phở thơm ngon nếu không có nước lèo. Vậy nước lèo đâu? Nước lèo làm từ gì?
Theo Đức Giám mục Bùi Văn Đọc, đóng góp của Công giáo cho nền giáo dục quốc gia là đáng kể. Cách riêng tại Thái Lan, một đất nước hầu hết là tín hữu Phật giáo, Công giáo chỉ hiện diện với con số khiêm tốn 2%, nhưng công cuộc đóng góp vào giáo dục rất tích cực và đậm nét. Đến nỗi, giáo dục được coi như yếu tố chính chứng minh cho sự hiện diện của Giáo hội trên đất nước này… Vấn nạn khác nảy sinh khi cả đất nước Philippin với thành phần Công giáo chiếm 97%. Một đất nước mà nền giáo dục Công giáo được coi (gần như) là quốc giáo, từ các nhà lãnh đạo đến các thống lĩnh trong quân đội đón nhận sự huấn luyện tại đó. Tại sao tình trạng tham nhũng cứ lan tràn?[32]. Câu hỏi không để châm chích nhau, nhưng để xét mình kỹ hơn trước khi nói tới việc góp phần giáo dục của Công giáo tại nước nhà.
Nhìn người lại ngẫm đến ta, ở Việt Nam hiện chưa có trường học (Đại học, trung học, trung học phổ thông) Công giáo chính thức. Trường Công giáo, có chăng chỉ là vài trường chỉ là những trường mẫu giáo với các tên tuổi chung chung như Hoa Mai, Sơn Ca… dù do các Dì Phước phụ trách, nhưng chẳng mang nét gì là trường Công giáo. Có chăng thì cũng chỉ là sự hiện diện âm thầm của các nữ tu trên nhiều chiến tuyến như xoá mù chữ, dạy phổ cập…
Nếu cho chúng ta làm đầu bếp, bát phở của chúng ta sẽ có mùi vị thế nào? Chúng ta sẽ hợp tác với những ai để chế biến cho mình món ăn hợp khẩu vị, hợp hoàn cảnh. Ai sẽ là người nhặt rau, ai là người rửa chén, ai là người nêm nếm… Hay cụ thể ở theo vấn đề đang bàn thảo ở đây: giả như nhà nước dễ dãi hơn trong việc giáo dục, liệu chúng ta có đáp ứng cách nhanh chóng, đầy đủ để có thể điều hành trường học không? Câu trả lời không dễ dàng. Nó không thể là của một người, người hội nhóm nhưng là sự chung tay đồng lòng của tất cả mọi người. Nếu không như thế, chắc chắn bát phở không có mùi phở, nhưng có mùi… tả pí lù. Hãy đợi đấy!