Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

HỢP TÁC GIÁO DỤC TRONG CÁC TRƯỜNG CÔNG GIÁO

Một sứ vụ chung của những người sống đời thánh hiến và các giáo dân 

_Bộ Giáo dục Công giáo_ 


Thời sự Thần học – Số 2 (tháng 3/2008), tr. 147-154 


NHẬP ĐỀ 


1. Sự phát triển ngoài mong đợi nhưng cũng đầy mâu thuẫn của thời đại chúng ta, đã làm nảy sinh những thách đố về mặt giáo dục, đặt ra những vấn nạn cho giới học đường. Những thách đố ấy đòi chúng ta phải tìm kiếm những giải pháp không chỉ trên bình diện nội dung và phương pháp giáo dục, nhưng còn về kinh nghiệm cộng đồng, là điểm mấu chốt của hoạt động giáo dục. Những thách đố này diễn ra trong bối cảnh phức tạp của xã hội, văn hoá và tôn giáo, trong đó những người trẻ đang lớn lên, và chúng tác động đến lối sống của họ cách mạnh mẽ. Đây là những hiện tượng đang lan tràn, chẳng hạn như sự thiếu quan tâm đến những chân lý nền tảng của cuộc sống con người, chủ nghĩa cá nhân, tương đối hoá luân lý và tính thực dụng. Những điều này thấm nhập vào tất cả những xã hội giàu có và phát triển. Thêm vào những thay đổi nhanh chóng về mặt hệ thống đó, thì toàn cầu hoá và việc áp dụng những kỹ thuật mới trong lĩnh vực thông tin đã ảnh hưởng cách mạnh mẽ đến đời sống hàng ngày cũng như tiến trình đào tạo. Hơn nữa, cùng với sự phát triển, hố ngăn cách giàu- nghèo giữa các quốc gia ngày càng lớn và hiện tượng di dân cũng gia tăng, và do đó càng đào sâu sự khác biệt về căn tính văn hoá trong cùng một quốc gia, đưa đến những hậu quả kèm theo, gây khó khăn cho sự hoà hợp. Trong một xã hội vừa mang tính toàn cầu và đa dạng, vừa địa phương và phổ quát, cùng với nhiều cách thức diễn tả thế giới và cuộc sống khác nhau và thậm chí mâu thuẫn, người trẻ nhận thấy mình phải đối diện với nhiều đề xuất giá trị hay phản giá trị khác nhau, ngày càng có tính tác động nhưng cũng ngày càng ít chia sẻ hơn. Những khó khăn nảy sinh từ các vấn nạn về tính bền vững của gia đình, những tình cảnh khó khăn và nghèo khổ, xảy đến trong một thời điểm đang phát triển và trưởng thành khá mỏng manh của họ, đã tạo ra nơi người trẻ cảm giác mất định hướng cả trên bình diện cảm xúc và bình diện hiện sinh, đặt họ trước mối nguy hiểm “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều hướng đạo lý” (Ep 4,14).

2. Trong bối cảnh này, một đòi hỏi ngày càng trở nên khẩn thiết là phải cung cấp cho người trẻ một tiến trình đào tạo trường lớp, không chỉ giảm thiểu việc sử dụng cách cá nhân và theo định chế của việc phục vụ có mục đích duy nhất là đạt được một văn bằng. Ngoài việc thâu lượm tri thức, học trò cần phải có một kinh nghiệm sâu sắc trong việc chia sẻ với những người giáo dục mình. Để có được kinh nghiệm này cách tốt đẹp, các nhà giáo dục phải là những người đối thoại ân cần và được chuẩn bị tốt. Xét trong việc đào tạo toàn diện, đó phải là những người có thể đánh thức và định hướng cho học trò phát huy hết những năng lực, hướng họ đến việc tìm kiếm chân lý và ý nghĩa hiện hữu, tích cực bồi đắp cho chính bản thân và cuộc đời của họ. Sau cùng, “giáo dục thực sự không thể thiếu ánh sáng chân lý”(1).

3. Viễn tượng này đề cập đến tất cả mọi trung tâm học vấn, nhưng cách trực tiếp hơn đến trường học Công giáo, nơi thường xuyên quan tâm đến những đòi hỏi của xã hội trong việc đào tạo, bởi vì “vấn đề đào tạo luôn gắn kết chặt chẽ với sứ mạng của Giáo Hội”(2). Bằng các việc phục vụ mang tính giáo dục, được làm sống động bởi chân lý của Tin Mừng, trường học Công giáo tham dự vào sứ vụ này với tư cách là một chủ thể thực thụ của Giáo Hội. Thực ra, đang khi trung thành với ơn gọi của mình, đồng thời nhắm đến việc kiến tạo một tổng hợp giữa đức tin, văn hoá và cuộc sống, trường học Công giáo chứng tỏ “là nơi giáo dục con người toàn diện qua một chương trình giáo dục rõ ràng, lấy Đức Ki-tô làm nền tảng”(3).

4. Chương trình của trường học Công giáo chỉ thuyết phục một khi được hiện thực hoá bởi những người được thúc đẩy một cách sâu xa, bằng việc làm chứng cho một cuộc gặp gỡ sống động với Đức Ki-tô, vì mầu nhiệm con nguời chỉ thực sự sáng tỏ trong mầu nhiệm Nhập Thể(4). Do đó, những người này có được sự gắn kết cá nhân và cộng đồng với Thiên Chúa, xem đó là sự quy chiếu thường xuyên và căn bản của mối tương quan liên vị và sự hợp tác giữa nhà giáo dục và người thụ huấn.

5. Việc xây dựng một cộng đồng giáo dục thực sự, dựa trên nền tảng những giá trị và những dự phóng được chia sẻ, cho thấy một nhiệm vụ nghiêm túc phải được các trường học Công giáo thực thi. Thật vậy, sự hiện diện của cả người thụ huấn lẫn người giáo dục, từ những bối cảnh tôn giáo và văn hoá khác nhau, đòi phải có một sự dấn thân cao độ trong việc phân định và đồng hành. Việc chuẩn bị một chương trình hợp tác có tác dụng như một động lực thúc đẩy trường học Công giáo thành nơi để sống kinh nghiệm về Giáo Hội. Sức mạnh gắn kết và tiềm năng của các mối liên hệ nơi trường học Công giáo bắt nguồn từ tổng hợp các giá trị và đời sống hiệp thông vốn được bén rễ từ điểm chung là cùng thuộc về Đức Ki-tô và cùng nhìn nhận các giá trị Tin Mừng được hiểu như là những tiêu chuẩn giáo dục, các động lực thúc đẩy và cuối cùng là mục tiêu của tiến trình học hành. Chắc chắn rằng mức độ tham gia có thể khác nhau tuỳ theo lịch sử cá nhân của mỗi người, nhưng điều này đòi hỏi các nhà giáo dục phải sẵn lòng dấn thân lâu bền đối với việc đào tạo và tự đào luyện như là một chọn lựa trước những giá trị văn hoá và hình thức đời sống, thể hiện trong cộng đồng giáo dục(5).

6. Sau khi đã lần lượt đề cập trong hai tài liệu trước đây với chủ đề về căn tính và sứ vụ của người giáo dân Công giáo và những người sống đời thánh hiến trong môi trường giáo dục, tài liệu này của bộ giáo dục Công giáo sẽ bàn đến những khía cạnh mục vụ cho thấy sự hợp tác giữa người giáo dân và những người sống đời thánh hiến(6) trong cùng một sứ vụ giáo dục. Đang khi lựa chọn dấn thân cho sứ vụ giáo dục và xem đó như “một ơn gọi riêng của mình trong Giáo Hội, và không chỉ đơn thuần là […] việc thực thi một nghề nghiệp”(7), người giáo dân gặp gỡ chọn lựa của những người sống đời thánh hiến, vốn được mời gọi để “sống các lời khuyên Tin Mừng và mang tính nhân văn của các mối phúc vào lĩnh vực giáo dục và học đường”(8).

7. Tài liệu này tiếp nối đến những văn kiện trước đây của bộ Giáo dục Công giáo liên quan đến giáo dục và học đường(9). Tài liệu này xem xét cách rõ ràng những hoàn cảnh khác nhau mà các thể chế học đường Công giáo ở những vùng khác nhau trên thế giới phải đối mặt. Tài liệu cũng kêu gọi sự quan tâm đến ba khía cạnh nền tảng của việc hợp tác giữa người giáo dân và những người sống đời thánh hiến trong các học đường Công giáo: hiệp thông trong sứ vụ giáo dục, một hành trình đào luyện cần thiết để hiệp thông cho sứ vụ giáo dục chung, và cuối cùng là sự mở ra với người khác như là hoa trái của hiệp thông.

I. HIỆP THÔNG TRONG SỨ VỤ GIÁO DỤC


8. Mọi người đều được mời gọi tiến đến hiệp thông bởi vì bản chất của con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (xc. St 1,26-27). Do đó, theo nhân chủng học Kinh thánh, con người không phải là một cá nhân đơn độc, nhưng là một ngôi vị: đó là một hữu thể thiết yếu có nền tảng là tương quan. Sự hiệp thông mà con người được mời gọi đến luôn bao hàm một chiều kích kép: chiều dọc (tương quan với Thiên Chúa ) và chiều ngang (tương quan với con người). Điều căn bản là hiệp thông phải được nhìn nhận như là một hồng ân đến từ Thiên Chúa, là hoa trái của việc Thiên Chúa đi bước trước và được kiện toàn nơi mầu nhiệm Phục sinh(10).

Hội Thánh: mầu nhiệm của hiệp thông và sứ vụ


9. Kế hoạch nguyên thuỷ của Thiên Chúa đã bị hư hoại bởi tội lỗi đã làm thương tổn mọi mối tương quan: giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không bỏ mặc con người trong cô độc, và khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu độ đến(11), để nhờ Thánh Thần mà con người tìm lại được sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha. Nhờ hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, được thực hiệin nhờ việc gặp gỡ với Đức Ki-tô, con người liên kết được với nhau.

10. Nói đến hiệp thông là người Ki-tô hữu đang đề cập đến mầu nhiệm vĩnh cửu, được tỏ hiện nơi Đức Ki-tô, đó là hiệp thông trong tình yêu, là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đồng thời, những lời ấy cũng nói lên rằng chúng ta được chia sẻ sự hiệp thông này trong Thân Thể của Đức Ki-tô, đó là Hội Thánh (xc. Pl 1,7; Kh 1,9). Do đó, hiệp thông là “căn tính” của Hội Thánh, là nền tảng và nguồn mạch sứ vụ của Hội Thánh đang khi hiện diện trong thế giới- “mái nhà và trường học của sự hiệp thông”(12), để dẫn đưa tất cả mọi người nam nữ bước vào mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi ngày càng thâm sâu hơn và cùng lúc cũng mở rộng và củng cố các mối liên hệ nội tại trong cộng đồng nhân loại. Theo nghĩa này, “Hội Thánh giống như một gia đình nhân loại, nhưng đồng thời cũng là đại gia đình của Thiên Chúa, qua đó Người tạo ra một nơi chốn cho sự hiệp thông và hợp nhất xuyên qua mọi nền văn hoá, quốc gia và châu lục”(13).

11. Do đó, trong Hội Thánh - hình ảnh tình yêu nhập thể của Thiên Chúa- “hiệp thông và sứ vụ liên kết mật thiết với nhau, cả hai giải thích và bao hàm lẫn nhau, đến độ sự hiệp thông cho thấy nguồn gốc và cả kết quả của sứ vụ: hiệp thông làm phát sinh sứ vụ và sứ vụ nhằm mục đích hiệp thông”(14).

Giáo dục trong hiệp thông và vì hiệp thông


12. Với mục đích là giúp con người trở nên người hơn, giáo dục chỉ có thể thực sự được tiến hành trong một môi trường tương quan và cộng đồng. Không phải tình cờ mà từ khởi thủy môi trường giáo dục đầu tiên là chính cộng đồng tự nhiên tức là gia đình(15). Bên cạnh gia đình, các trường học đóng vai trò như là một môi trường giáo dục mang tính hợp tác, hệ thống và có ý hướng. Trường học cũng nâng đỡ nhiệm vụ giáo dục của gia đình theo nguyên lý hỗ trợ.

13. Với đặc tính chính yếu là một cộng đồng giáo dục, trường học Công giáo là nơi dành cho con người của con người và những con người. Thật ra, qua việc nhắm đến đào luyện con người trong tính thống nhất toàn diện của hữu thể và sử dụng các phương thế là giảng dạy và học tập, trường học là nơi “các tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị xác định, những điều lợi lộc, những dòng tư tưởng, những nguồn cảm hứng và mẫu thức sống”(16) được hình thành. Trên hết, trường học Công giáo lưu tâm đến tính năng động của các mối tương quan liên vị là những mối tương quan hình thành nên cộng đồng học đường và làm cho cộng đồng ấy sống động.

14. Mặt khác, chính vì căn tính và nguồn gốc thuộc về Hội Thánh của mình, cộng đồng trường học phải khao khát trở thành cộng đồng Ki-tô giáo, nghĩa là một cộng đồng sống niềm tin, có khả năng kiến tạo những mối tương quan hiệp thông ngày càng sâu đậm hơn, những mối tương quan mà tự chúng đã mang tính giáo dục. Chính qua sự hiện diện và đời sống của cộng đồng giáo dục, nơi mà mọi thành viên đều tham dự vào tình hiệp thông huynh đệ, được triển nở nhờ mối tương quan sống động với Đức Ki-tô và với Hội Thánh, sẽ giúp học đường Công giáo trở thành một môi trường để sống kinh nghiệm về Hội Thánh cách thực thụ.

15. Sự hợp tác của những người sống đời thánh hiến và giáo dân trong các trường học “Vào những năm gần đây, đạo lý về Hội Thánh là hiệp thông đã giúp hiểu rõ hơn rằng các thành phần khác nhau trong Hội Thánh có thể và phải hiệp lực trong tinh thần cộng tác và trao đổi các ân huệ, để tham gia hữu hiệu hơn vào sứ mạng Giáo Hội. Điều này góp phần tạo nên một hình ảnh đúng đắn và đầy đủ hơn về Giáo Hội, và nhất là giúp có được câu trả lời vững mạnh hơn để giải đáp những thách đố lớn của thời đại chúng ta, nhờ sự góp phần hài hoà của các ân huệ khác nhau”(17). Trong bối cảnh Hội Thánh hiện nay, sứ vụ của trường học Công giáo- một cộng đồng được hình thành bởi những người sống đời thánh hiến và giáo dân- có một ý nghĩa rất đặc biệt và chứng tỏ là gia sản cần được đón nhận và đề cao. Sứ vụ này đòi hỏi tất cả các thành viên trong cộng đồng giáo dục phải ý thức rằng các nhà giáo dục, với tư cách cá nhân cũng như cộng đoàn, có một trách nhiệm không thể chối từ là kiến tạo một lối sống Ki-tô giáo mẫu mực. Các nhà giáo dục được mời gọi trở thành những chứng nhân cho Đức Giê-su Ki-tô và cổ võ cho lối sống Ki-tô giáo bằng cách chiếu toả ánh sáng và đem lại ý nghĩa cuộc sống cho mọi người. Nếu như những người sống đời thánh hiến được kêu mời biểu lộ ơn gọi riêng của mình bằng cuộc sống hiệp thông trong tình yếu để trở nên dấu chỉ, ký ức và lời loan báo có tính ngôn sứ về các giá trị Tin Mừng trong cộng đồng học đường(19); cũng vậy, nhà giáo dục giáo dân cũng được yếu cầu phải thực thi “sứ vụ của mình trong Hội Thánh bằng cách sống nhờ đức tin ơn gọi giữa trần thế của mình trong hệ thống cộng đồng của trường học”(20).

16. Đặc biệt trong chính cộng đồng giáo dục của trường học Công giáo, điều làm cho lời chứng này thực sự hữu hiệu chính là việc cổ võ linh đạo hiệp thông, một linh đạo vốn được xem như là viễn tượng lớn lao đang chờ đón Hội Thánh trong thiên niên kỷ thứ ba này. Một linh đạo hiệp thông cũng có nghĩa là “một khả năng lưu tâm đến anh chị em của mình trong đức tin, trong mối hiệp nhất sâu xa của Thân Thể mầu nhiệm, và do đó nhìn nhận họ như ‘một người của chúng tôi’ (21). Điều này cũng có nghĩa “cộng đồng Ki-tô hữu dành một chỗ cho tất những hồng ân của Thần Khí” (22) trong mối liên hệ hỗ tương giữa những ơn gọi khác nhau trong Hội Thánh. Ngay cả trong cách diễn tả đặc biệt này về Giáo Hội, tức là trường học Công giáo, linh đạo hiệp thông phải trở thành hơi thở sống động của cộng đồng giáo dục, là tiêu chuẩn để các thành viên trong cộng đồng được phát triển toàn diện về mặt Hội Thánh và là điểm quy chiếu nền tảng cho việc thi hành sứ vụ chung cách thực thụ.

17. Do đó, linh đạo hiệp thông thực sự cần thiết đối với trường học Công giáo, được thiết lập bởi các gia đình tu trì, các giáo phận, giáo xứ hay bởi người giáo dân, và nay còn có thêm sự hiện diện của các phong trào Giáo Hội. Linh đạo hiệp thông này phải được biến thành tình huynh đệ mang tính Tin Mừng cách rõ ràng giữa những người sống cùng đặc sủng trong các tu hội đời sống thánh hiến, nơi các phong trào hay các cộng đồng mới, và cả nơi những người giáo dân làm việc trong trường học Công giáo. Bằng cách này, cộng đồng giáo dục đón nhận các hồng ân của Thần Khí và nhận ra rằng khác biệt chính là tài sản cao quý. Một sự trưởng thành thực sự có tính Hội Thánh thực sự, được nuôi dưỡng qua việc gặp gỡ Đức Ki-tô trong các bí tích, có thể tạo nên một sức sống, đó là hồng ân Thiên Chúa” (23) dành cho toàn thể cộng đồng trường học và cho chính tiến trình giáo dục, hoặc qua những hình thức truyền thống lâu đời hay mới mẻ hơn của những phong trào trong Hội Thánh.

18. Các hiệp hội chuyên biệt Công giáo hình thành nên một hình thức “hiệp thông” khác, đó là một sự hỗ trợ về mặt cơ cấu cho sứ vụ giáo dục. Các hiệp hội này chính là môi trường, nơi diễn ra các cuộc đối thoại giữa các gia đình, các tổ chức địa phương và trường học. Những hiệp hội này, khi được phân chia trên bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế, góp phần phong phú đem lại ích lợi đặc biệt cho việc giáo dục, xét cả về động lực và những quan điểm chuyên nghiệp. Nhiều hiệp hội quy tụ thành viên là các nhà giáo dục, những người nắm giữ những trách vụ cả trong trường học Công giáo cũng như trong các trường học khác. Nhờ sự đa dạng về nguồn gốc đó, họ có thể thi hành chức năng quan trọng trong việc đối thoại và hợp tác giữa các trường học, tuy khác nhau nhưng có chung mục tiêu giáo dục. Những thực thể liên kết này cần lưu tâm đến những đổi thay của môi trường bằng cách điều chỉnh cơ cấu và phương thức hoạt động của mình, để có thể tiếp tục hiện diện cách mau lẹ và hữu hiệu trong lãnh vực giáo dục. Các hiệp hội này cũng phải tăng cường hợp tác lẫn nhau, cách riêng để đảm bảo thành quả của việc hợp tác vì mục tiêu chung, đang khi vẫn hoàn toàn tôn trọng những giá trị và bản sắc của mỗi tổ chức.

19. Hơn nữa, điều đặc biệt quan trọng là việc phục vụ do các hiệp hội tiến hành phải được thúc đẩy qua sự tham gia trọn vẹn vào các hoạt động mục vụ của Hội Thánh. Vai trò này được trao phó cho các hội đồng giám mục và các tổ chức châu lục thuộc các hội đồng này, làm sao để cổ võ sự phát triển những đặc trưng riêng của mỗi hiệp hội, đồng thời khuyến khích và thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lãnh vực giáo dục.
 

Thời sự Thần học – Số 3 (tháng 6/2008), tr. 134-141

II. Tiến trình đào luyện để cùng nhau giáo dục


20. Giáo dục thế hệ trẻ trong sự hiệp thông và để hướng tới sự hiệp thông trong trường học công giáo là một trách nhiệm đặc biệt, không được phép xem nhẹ. Công việc này phải được chuẩn bị thích hợp và duy trì qua một tiến trình đào luyện bền bỉ từ khi khởi sự và có thể nắm bắt những thách đố giáo dục trong thời đại hiện nay cũng như đưa ra những phương thế hữu hiệu nhất để đối đầu với những thách đố ấy, trong đường hướng của sứ vụ chung. Điều này có nghĩa là các nhà giáo dục không những phải luôn sẵn lòng học hỏi, phát triển tri thức và mở ra trước những cái mới cũng như cập nhật phương pháp giảng dạy, nhưng cũng còn phải mở ra với khả năng đào luyện và chia sẻ tâm linh cũng như tôn giáo. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, điều này trở nên thiết yếu khi trả lời cho những khát vọng đến từ một thế giới đổi thay cách thường xuyên và nhanh chóng, một thế giới nơi mà việc giáo dục ngày càng khó khăn hơn.

Đào luyện chuyên môn


21. Một trong những đòi hỏi căn bản đối với nhà giáo dục trong trường học Công giáo là phải có một sự đào tạo chuyên môn vững chắc. Giảng dạy với chất lượng nghèo nàn, vì không được chuẩn bị đầy đủ về mặt chuyên môn hay phương pháp sư phạm không thích hợp, chắc chắn sẽ làm giảm hiệu quả của việc đào tạo toàn diện đối với học trò và đánh mất khía cạnh chứng tá văn hoá đòi hỏi phải có nơi người đào tạo.

22. Với nhà giáo dục, việc đào luyện chuyên môn bao gồm nhiều mặt: từ kỹ năng sư phạm, tâm lý và văn hoá đến tính độc lập, tính sáng tạo và khả năng thiết lập và đánh giá các dự phóng cũng như đánh giá, mở ra với điều mới, khả năng cập nhật hoá đến việc tiến hành nghiên cứu và thí nghiệm. Ngoài ra, họ còn phải là người có khả năng tổng hợp những kỹ năng chuyên môn, đồng thời cũng phải quan tâm đặc biệt đến bối cảnh liên hệ cần cho việc trao đổi ngày càng tăng giữa các đồng nghiệp trong nghề giảng dạy. Hơn nữa, dưới cái nhìn và mong đợi của học sinh và gia đình, nhà giáo dục phải là người đối thoại ân cần và được chuẩn bị, có khả năng thúc đẩy người trẻ hoàn tất việc đào tạo, khuyến khích và hướng dẫn họ phát huy tốt nhất các năng lực và kỹ năng, giúp họ xây dựng chính bản thân và cuộc đời mình theo hướng tích cực; và cũng phải là chứng nhân nghiêm túc, khả tín, đầy trách nhiệm và hy vọng mà trường học phải có đối với xã hội.

23. Sự biến đổi nhanh chóng và liên tục, tác động lên con người và xã hội hôm nay trong mọi lãnh vực, dẫn đến việc già trước tuổi về tri thức sở đắc, và như thế cần những phương pháp và thái độ mới. Nhà giáo dục cần phải thường xuyên cập nhật nội dung và phương pháp trong việc trình bày bộ môn của mình. Ơn gọi của nhà giáo dục đòi một thái độ luôn sẵn sàng và kiên tâm trong việc thích ứng với những điều mới. Do đó, nếu chỉ dừng lại ở mức độ là có sự chuẩn bị tốt lúc ban đầu thì chưa đủ; nhưng điều cần thiết là nhà giáo dục phải duy trì và không ngừng nâng cao trình độ trong một tiến trình đào luyện thường xuyên. Hơn nữa, vì liên quan đến nhiều mặt khác nhau, nên việc đào luyện thường xuyên phải là một quá trình tìm kiếm mang tính cá nhân cũng như cộng đoàn, tìm đến những hình thức thực hiện, cũng như một tiến trình đào luyện được chia sẻ và phát triển qua việc trao đổi và so sánh giữa các nhà giáo dục sống đời thánh hiến và các nhà giáo dục giáo dân trong trường học Công giáo.

24. Theo nghĩa chặt, nếu chỉ quan tâm đến việc cập nhật chuyên môn thì chưa đủ. Thực ra, việc tổng hợp giữa đức tin, văn hoá và đời sống mà các nhà giáo dục công giáo được mời gọi chỉ có thể đạt được “qua việc dung hợp tất cả các yếu tố khác nhau của tri thức nhân loại ngang qua những môn học được giảng dạy, dưới ánh sáng Tin mừng [ và…] trong việc thủ đắc các nhân đức đặc trưng Ki-tô giáo” (24). Điều này có nghĩa là các nhà giáo dục Công giáo phải đạt đến một sự cảm thụ đặc biệt đối với học trò hầu có thể nắm bắt không những đòi hỏi tiến bộ về tri thức và kỹ năng nhưng cả sự tiến triển về lòng nhân. Do vậy, các nhà giáo dục phải “sẵn lòng quan tâm đến người khác với lòng chân thành, qua việc giúp người khác cảm nghiệm sự phong phú nhân tính của họ” (25).

25. Chính vì lý do này, các nhà giáo dục Công giáo cần được “đào tạo con tim”: họ cần được dẫn tới gặp Thiên Chúa trong Đức Ki-tô, Đấng thức tỉnh tình yêu của họ và mở lòng họ ra với người khác”, như thế, việc họ dấn thân cho giáo dục trở nên “một hệ luận xuất phát từ đức tin, một đức tin trở nên sống động nhờ tình yêu (xc Gl 5,6) (26). Thực vậy, “chăm lo học hỏi là yêu mến” (Kn 6,17). Chỉ bằng cách này họ mới có thể biến việc giảng dạy của mình thành trường dạy đức tin, nghĩa là truyền đạt Tin mừng, đúng như dự phóng giáo dục của trường học Công giáo.

Đào tạo tâm linh và thần học


26. Việc truyền đạt sứ điệp Ki-tô giáo qua việc giảng dạy bao gồm việc làm chủ các tri thức về chân lý và đức tin và những nguyên tắc của đời sống tâm linh cần được cải thiện thường xuyên. Đó là lý do tại sao các nhà giáo dục trong trường học Công giáo, cả những người sống đời thánh hiến cũng như giáo dân, cần theo đuổi một tiến trình đào luyện thần học phù hợp (27). Một tiến trình như thế sẽ giúp nhà giáo dục nối kết sự hiểu biết về đức tin với sự dấn thân trong nghề nghiệp và hoạt động Ki-tô giáo được dễ dàng hơn. Ngoài việc đào luyện thần học, các nhà giáo dục cũng cần phải trau dồi việc đào luyện tâm linh hầu có thể phát triển mối tương quan của họ với Đức Giê-su Ki-tô và trở thành một vị Thầy như Người. Theo nghĩa này, tiến trình đào luyện của các nhà giáo dục, người sống đời thánh hiến cũng như giáo dân, phải được liên kết với việc kiến tạo con người hướng đến việc trở nên giống Đức Ki-tô hơn (xc Rm 8,29) và cũng là hình thành nên cộng đồng giáo dục có vị Thầy- Đức Ki-tô- làm trung tâm. Hơn nữa, trường học công giáo phải nhận thức rõ rằng cộng đồng mà mình hình thành nên phải thường xuyên được triển nở và quy hướng về những nguồn mạch nhờ đó đưa đến sự hiện hữu của mình: đó là lời mang tính cứu độ của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, trong Thánh Truyền, trên hết trong Truyền thống phụng vụ và tích, được soi sáng bởi Huấn quyền Giáo Hội (28)

Sự đóng góp của những người sống đời thánh hiến trong việc đào tạo chung


27. Những người sống đời thánh hiến, khi tuyến khấn các lời khuyên Tin mừng, cho thấy rằng họ sống cho Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa; và khi trở nên những chứng nhân cụ thể cho tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi, họ giúp mọi người có thể cảm nghiệm vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa. Do đó, với họ, đóng góp đầu tiên và quan trọng nhất cho sứ vụ được chia sẻ là một đời sống được bắt rễ sâu trong Tin mừng. Do hành trình ơn gọi của riêng mình, những người sống đời thánh hiến có nền tảng thần học và tâm linh, với trung tâm là mầu nhiệm Đức Ki-tô đang sống trong Giáo Hội; nền tảng ấy cần tiến triển không ngừng cùng với một Giáo Hội đang tiến bước trong lịch sử tiến đến “sự thật toàn vẹn” (Ga 6,13). Và chính trong tính năng động điển hình Giáo Hội này, những người sống đời thánh hiến cũng được mời gọi “chia sẻ những khía cạnh và những thời khắc đặc biệt của linh đạo và sứ vụ của tu hội mình” (29). Bằng cách này, đang khi làm mới mẻ khía cạnh đặc thù cao quý của trường học Công giáo, các tu hội đời sống thánh hiến và tu đoàn tông đồ có liên quan đến giáo dục sẽ phải làm sao để có được một sự mở ra đối với mọi thành phần của Giáo Hội và đồng thời làm sống lại tinh thần của đấng sáng lập, nam cũng như nữ. Thực ra, ngay từ ban đầu, các đấng sáng lập, nam cũng như nữ, đã dành một sự quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo các nhà giáo dục và họ luôn dành hết tâm huyết mình để làm điều này. Một sự đào luyện như thế, xưa cũng như nay, không chỉ nhằm tăng cường các kỹ năng chuyên môn, nhưng trên hết là nhằm làm sáng tỏ chiều kích ơn gọi của nghề dạy học, cổ võ sự phát triển tâm trí được khởi gợi hứng bởi các giá trị Tin mừng, theo những nét riêng của sứ vụ của tu hội. Do đó, “chương trình đào tạo sẽ đặc biệt hữu ích khi bao gồm những khoá học đều đặn và suy tư trong cầu nguyện về vị sáng lập, về đặc sủng và hiến pháp của hội dòng” (30).

28. Trong nhiều hội dòng, việc chia sẻ sứ vụ giáo dục với người giáo dân đã tồn tại một thời gian, và đã được khai sinh cùng với sự hiện diện của cộng đồng tu trì trong trường học. Sự phát triển của các “gia đình tu trì” và các nhóm “giáo dân hợp tác” hay những hình thức khác cho phép người giáo dân có thể kín múc được những hoa trái tông đồ và tâm linh từ đặc sủng nguyên thuỷ, tỏ ra như một yếu tố tích cực và niềm hy vọng lớn lao đối với tương lai của sứ vụ giáo dục Công giáo.

29. Hầu như là điều dư thừa khi lưu ý rằng, trong viễn tượng Giáo Hội hiệp thông và dưới ánh sáng của đặc sủng liên hệ, những chương trình đào tạo hướng đến việc chia sẻ trong sứ vụ và trong đời sống của người giáo dân cần phải được định liệu và thực thi ngay cả ở những nơi mà có nhiều ơn gọi sống đời thánh hiến.

Sự đóng góp của giáo dân vào việc đào tạo


30. Cả những giáo dân, khi được kêu mời đào sâu ơn gọi của mình là những người giáo dục tại trường học công giáo, liên kết với những người sống đời thánh hiến, thì cũng được mời gọi góp phần vào tiến trình đào tạo, một sự đóng góp độc đáo và không thể thay thế của việc hoàn toàn thuộc về Giáo Hội. Điều này trước hết có nghĩa là họ khám phá và sống trong nếp sống là giáo dân của họ “ơn gọi đặc biệt” – đáng khâm phục trong lòng Giáo Hội (31) ơn gọi “tìm kiếm nước Thiên Chúa qua việc điều hành các sự việc hữu hình để hướng về Thiên Chúa” (32).

Xét như là những nhà giáo dục, họ được mời gọi sống nhờ đức tin ơn gọi giữa trần thế của mình trong hệ thống cộng đồng của trường học, với phẩm chất nghề nghiệp cao nhất có thể và với một dự phóng tông đồ được gợi hứng từ niềm tin này trong việc đào tạo toàn diện con người.

31. Cũng cần nhấn mạnh rằng sự đóng góp riêng biệt mà các nhà giáo dục giáo dân có thể đem đến cho tiến trình đào tạo phát xuất rõ ràng từ đặc tính thế tục của họ, một đặc tính làm cho họ có thể đặc biệt nhận ra “những dấu chỉ thời đại”(34). Thật vậy, khi sống niềm tin của mình trong những điều kiện bình thường của gia đình và xã hội, họ có thể giúp cho toàn bộ cộng đoàn giáo dục biết phân biệt cách chính xác nhất những giá trị Tin Mừng cũng như những điều chống lại các giá trị hàm chứa trong những dấu chỉ ấy.

32. Nhờ được trưởng thành dần về ơn gọi trong Giáo Hội, những người giáo dân càng ngày càng ý thức hơn về việc tham dự vào sứ mệnh giáo dục của Giáo Hội. Cùng lúc ấy, họ được khuyến khích giữ vai trò chủ động trong việc làm sinh động hóa tinh thần của cộng đoàn họ đang xây dựng cùng với những người sống đời thánh hiến. “Sự hiệp thông và tính hỗ tương không bao giờ theo một chiều duy nhất” (35). Quả vậy, nếu như thời xưa, các linh mục và các tu sĩ là những người nuôi dưỡng đời sống tinh thần của các giáo dân, và điều khiển họ, thì ngày nay, xảy ra là “các tín hữu giáo dân có thể và phải giúp đỡ các linh mục và các tu sĩ trong hành trình thiêng liêng và mục vụ của họ”(35).

33. Trong viễn tượng của việc đào tạo, các tín hữu giáo dân và những người sống đời thánh hiến, đang khi chia sẻ đời sống cầu nguyện và cả đời sống cộng đoàn, theo những hình thức phù hợp, sẽ nuôi dưỡng sự suy tư, ý nghĩa của tình huynh đệ và việc quảng đại trao tặng chính mình. Trong hành trình chung của việc đào tạo giáo lý thần học và thiêng liêng, chúng ta có thể nhìn thấy khuôn mặt của một Giáo Hội đang diễn tả khuôn mặt của Đức Kitô, Đấng đang cầu nguyện, lắng nghe, học hỏi, dạy bảo trong sự hiệp thông huynh đệ.

Việc huấn luyện tinh thần hiệp thơng để giáo dục


34. Do bản chất của mình, Trường học công giáo, với sự hiện diện và dấn thân của những nhà giáo dục không chỉ được đào tạo về văn hóa hay tinh thần, nhưng còn được khơi dậy bởi ý muốn làm cho sự dấn thân vào môi trường giáo dục cộng đồng của mình được tiến triển trong một tinh thần thực sự của sự hiệp thông Giáo Hội.

35. Các nhà giáo dục cũng được kêu gọi, nhờ chính tiến trình đào tạo, để xây dựng những tương quan, cả trên bình diện nghề nghiệp cũng như cá nhân và tinh thần, theo tinh thần hiệp thông. Đối với mỗi người, điều này bao hàm sự dấn thân với những thái độ sẵn sàng, đón nhận và trao đổi sâu xa, chung sống và đời sống huynh đệ ở bên trong chính cộng đoàn giáo dục. Dụ ngôn về những nén bạc (Mt 25,14-30) có thể giúp để hiểu làm sao mỗi người được mời gọi làm cho những ân huệ cá nhân phát sinh hiệu quả và đón nhận những sự phong phú của người khác trong sứ mệnh giáo dục được chia sẻ.

36. Ngược lại, sứ mệnh được chia sẻ, được trở nên phong phú nhờ những sự khác biệt mà tác nhân là những người sống đời thánh hiến và các giáo dân, trong đó mọi người đều hướng đến việc diễn tả cách thống nhất từ những đặc sủng khác nhau. Những đặc sủng này không có gì khác với những ân huệ qua đó Chúa Thánh Thần làm phong phú Giáo Hội và thế giới (37). Do vậy, trong việc giáo dục Kitô giáo, tính bổ sung lẫn nhau của các ơn gọi, - đang khi vẫn cố tránh sự chống đối cũng như sự tương đồng hóa, - là một viễn tượng đặc thù phong phú làm tăng trưởng chiều kích Giáo Hội của cộng đoàn giáo dục. Trong cộng đoàn này, các ơn gọi khác nhau (…) là những nẻo đường khác nhau, góp phần vào việc thực hiện toàn vẹn đặc sủng của các đặc sủng : đức ái (38).

37. Được phân phối nơi những con người và những ơn gọi khác nhau, nhưng được tinh thần hiệp thông tác động, cộng đoàn giáo dục của trường học nhắm đến việc kiến tạo những tương quan hiệp thông mỗi ngày một sâu sắc hơn, nơi chính những nhà giáo dục. Và chính trong hoạt động này, việc giáo dục diễn tả sự đa dạng và vẻ đẹp của những ơn gọi khác nhau cũng như sự phong phú của chúng, trên bình diện giáo dục và sư phạm, vì đời sống của cơ chế học đường (39).

Chứng tá và văn hóa của sự hiệp thông


38. Trước hết, sự phong phú này được diễn tả trong chính chứng từ do cộng đoàn giáo dục đem lại. Trong nhà trường, chắc chắn rằng, việc giáo dục được triển khai cách toàn vẹn trong việc giảng dạy, là một phương thức để thông truyền ý tưởng và xác tín; theo nghĩa này “ngôn từ là con đường đẹp nhất để giáo dục tinh thần”(40). Tuy nhiên, điều này cũng không loại bỏ sự kiện là việc giáo dục cũng được thực hiện trong những hoàn cảnh khác nhau của nếp sống học đường. Do vậy, như mọi người sống và làm việc trong môi trường học đường, những người giảng dạy giáo dục và có thể cả phản giáo dục, do thái độ cư xử của họ trong lời nói hay trong hành động. “Tại trung tâm của công trình giáo dục, và nhất là trong việc giáo dục đức tin, đỉnh cao của việc huấn luyện con người và chiều kích thích hợp nhất của họ, luôn có sự hiện diện cụ thể của khuôn mặt chứng nhân” (41). Hơn bao giờ hết, điều này đòi hỏi là chứng từ - được nuôi dưỡng nhờ lời cầu nguyện, tạo nên bối cảnh cho tất cả việc giáo dục Kitô giáo. Các nhà giảng dạy, với tư cách là những chứng nhân, đáp trả niềm hy vọng đang nuôi dưỡng cuộc đời họ (x 1Pr 3,15), đang khi sống sự thật mà họ trình bày cho các học trò, thì lại luôn quy chiếu về Đấng họ đã gặp và đã vui mừng cảm nghiệm về lòng nhân từ chắc chắn. Vì thế, cùng với thánh Âu Tinh, họ luôn nói rằng: “Chúng tôi là những người nói và các bạn là những người nghe, và tất cả chúng ta đều nhận mình là môn đệ của cùng một người giảng dạy (bài giảng 23,2)”(42). Do vậy trong cộng đoàn giáo dục, kiểu cách sống có tầm ảnh hưởng lớn, nhất là những người sống đời thánh hiến và các giáo dân cùng làm việc chung, đang khi cùng nhau dấn thân xây dựng “một bầu khí được gợi hứng từ một tinh thần tự do và bác ái theo Tin Mừng” trong nhà trường (43). Điều này đòi hỏi mỗi người phải đem đến ân huệ cách riêng do ơn gọi của mình để xây dựng một gia đình được đức ái và tinh thần bát phúc hướng dẫn.

39. Trong khi đem đến một chứng tá về sự hiệp thông, thì cộng đoàn giáo dục cũng nhằm kiến tạo sự hiệp thông. Sự hiệp thông này, xét như là ân huệ Thiên Chúa ban, sẽ làm sinh động chương trình huấn luyện nhằm để sống chung và đón tiếp. Sự hiệp thông này không những vun trồng nơi các học trò những giá trị văn hóa phát xuất từ quan điểm Kitô giáo về thực tại, nhưng nó còn thúc đẩy mỗi người đi vào đời sống cộng đoàn, trong đó các giá trị được thông truyền qua những tương quan liên vị chính thức giữa các thành viện khác nhau, những thành viên tạo nên cộng đoàn nhờ sự hiểu biết cá nhân và cộng đoàn trước những giá trị này. Từ cách thế này, đời sống hiệp thông của cộng đoàn giáo dục có giá trị như nguyên tắc giáo dục, hệ biến hóa định hướng cho hoạt động đào tạo, như là phục vụ để thực hiện một nền văn hóa hiệp thông. Vì vậy, cộng đoàn trường học Kitô giáo qua các phương thế là giảng dạy và thực tập, “không chỉ truyền thụ văn hóa như một phương thức quyền lực và thống trị, nhưng như một phương thế hiệp thông và lắng nghe tiếng nói của con người, của biến cố, của sự vật”(44). Nguyên tắc này định hình mọi hoạt động của trường học, việc sư phạm, và cả mọi hoạt động ngoài nhà trường như thể thao, kịch trường và sự dấn thân vào xã hội, những hoạt động cổ võ phần cống hiến có tính sáng tạo và việc xã hội hóa của các học sinh.

Cộng đoàn giáo dục và mục vụ ơn gọi


40. Sứ mệnh được chia sẻ được sống do một cộng đoàn giáo dục gồm nhũng giáo dân và những người sống đời thánh hiến, trong đó mỗi người ý thức mãnh liệt về ơn gọi riêng của mình, làm cho trường học Kitô giáo thành một môi trường sư phạm thích hợp cho mục vụ ơn gọi. Thật vậy, do chính sự cấu tạo của mình, cộng đoàn giáo dục của trường học Kitô giáo làm nổi bật tính khác biệt và tính bổ sung giữa các ơn gọi trong Giáo Hội, mà trường học là một biểu hiện. Theo nghĩa này, tính năng động cộng đoàn của kinh nghiệm huấn luyện trở thành chân trời trong đó người trẻ có thể cảm nghiệm được ý nghĩa của việc là thành viên của một cộng đoàn lớn nhất là Giáo Hội. Và có kinh nghiệm về Giáo Hội cũng có nghĩa là gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô đang sống trong Giáo Hội. Và “tùy theo mức độ người trẻ cảm nghiệm cá nhân về Đức Kitô, họ mới thực sự hiểu được ý muốn của mình, và nhờ đó hiểu được ơn gọi của mình”(46). Theo nghĩa này, trường học công giáo nhận thấy mình được thúc đẩy để hướng dẫn các học sinh hiểu biết về chính mình, về những khẳ năng và những sức mạnh nội tâm của mình, nhằm giáo dục họ sống cuộc đời của mình trong tinh thần trách nhiệm, như là một sự đáp trả hằng ngày trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Khi làm như vậy, trường học công giáo đồng hành với các học trò để ý thức chọn lựa cuộc đời: đáp trả ơn gọi làm linh mục hay một sự thánh hiến riêng biệt, thực hiện ơn gọi Kitô giáo của mình trong đời sống gia đình, nghề nghiệp và xã hội.

41. Thật vậy, cuộc đối thoại thường ngày như trao đổi với các nhà giáo dục, các giáo dân và những người sống đời thánh hiến, những người cống hiến một chứng từ đầy vui tươi của lời mời gọi riêng, sẽ dễ dàng định hướng cho người trẻ đang được đào luyện để có thể nhận định cuộc đời của mình như một ơn gọi, như một con đường chung sống, trong khi đón nhận những dấu chỉ nhờ đó Thiên Chúa hướng dẫn đến cuộc sống viên mãn. Theo cách thế tương tự, cuộc đối thoại ấy làm cho họ nhận ra cần phải biết lắng nghe, nội tâm hóa các giá trị, tập đón nhận những cố gắng và chọn lựa trong cuộc đời.

42. Theo cách thế này, kinh nghiệm về huấn luyện trong trường học công giáo tạo nên sự kìm hãm uy lực trước ảnh hưởng của một tâm thức phổ biến, nhất là giới trẻ, hướng đến việc “coi đời sống của mình như tổng hợp những cảm xúc để trải nghiệm chứ không phải như một công trình để hoàn thành”(47). Và đồng thời, kinh nghiệm ấy giúp phần “tạo nên những con người có đủ tính tự quyết và trách nhiệm để chống lại chủ trương tương đối hóa làm suy yếu và để làm cho cuộc đời của họ phù hợp với những đòi hỏi của bí tích Thánh Tẩy”(48).

Thời sự Thần học – Số 4 (tháng 9/2008), tr. 132-142

III. HIỆP THÔNG ĐỂ MỞ RA VỚI NGƯỜI KHÁC


43. Sự hiệp thông do các nhà giáo dục trong trường học công giáo góp phần làm cho toàn bộ bối cảnh giáo dục trở thành nơi chốn cho sự hiệp thông mở ra với thực tại bên ngoài và không khép kín nơi chính mình. Giáo dục trong sự hiệp thông và hướng đến hiệp thông có nghĩa là định hướng cho các học trò chính thức trưởng thành như những con người “có khẳ năng cởi mở dần dần trước thực tại và có được quan niệm về cuộc đời nào đó”(49). Những điều này sẽ giúp họ mở rộng tầm nhìn và tâm hồn trước thế giới chung quanh, nhờ khẳ năng của nhận định phê phán, theo hướng đồng trách nhiệm và ý muốn từ một sự dấn thân có tính xây dựng. Việc mở ra với thế giới này đặt nền tảng trên hai trật tự động lực là nhân học và thần học.

Những nền tảng nhân học và thần học


44. Hữu thể nhân loại, xét như là con người, là một sự thống nhất giữa hồn và xác nhằm thể hiện chính mình một cách năng động nhờ mở ra với người khác. Hữu thể với và hữu thể vì người khác, thể hiện trong tình yêu, là yếu tố cấu tạo của ngôi vị con người. Chính tình yêu thúc đẩy con người phát triển dần dần hệ thống những tương quan của mình vượt ra khỏi lãnh vực của đời sống cá nhân và những tình cảm con người, để mở ra với phổ quát và ôm lấy- ít là như khát vọng – toàn bộ nhân loại. Và trong dự phóng này, có một đòi hỏi mãnh liệt của việc đào tạo : đòi hỏi học biết đọc sự phụ thuộc lẫn nhau của một thế giới luôn bị tấn công bởi chính những vấn đề của tính toàn cầu, như một dấu chỉ đạo đức mạnh cho con người thời đại, như một lời mời gọi ra khỏi cái nhìn này về con người muốn quan niệm mỗi người như một cá nhân đơn lẻ. Đây chính là đòi hỏi đào luyện con người như một con người: đó là một chủ thể xây dựng trong tình yêu, căn tính riêng của mình về lịch sử, văn hóa, tâm linh, đạo đức, đặt căn tính này trong tiến trình đối thoại với những người khác, trong sự năng động những ân huệ được trao tặng và đón nhận cách hỗ tương. Trong bối cảnh của cuộc thế giới hóa, thật là xứng hợp khi đào luyện những chủ thể có khẳ năng tôn trọng căn tính, văn hóa, lịch sử tôn giáo và nhất là những khổ đau và những nhu cầu của người khác, trong ý thức rằng “tất cả chúng ta, chúng ta thực sự có trách nhiệm về tất cả”(50).

45. Đòi hỏi này mang một tầm quan trọng khác và một sự khẩn cấp khác, trong viễn tượng đức tin công giáo, một đức tin được sống trong đức ái của sự hiệp thông Giáo Hội. Thực vậy, trong Giáo Hội, nơi của tình hiệp thông theo hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa, “sống sự năng động của tình yêu do Thánh Thần của Đức Kitô gợi lên ”(51). Chúa Thánh Thần hoạt động như “sức mạnh bên trong ”làm cho tâm hồn của tín hữu hòa hợp với tâm hồn của Đức Kitô và “biến đổi tâm hồn của cộng đoàn Giáo Hội ngõ hầu cộng đoàn này trở nên chứng nhân của tình yêu Chúa trong thế giới”(52). Vì vậy, “khởi từ sự hiệp thông bên trong Giáo Hội, tự bản chất, đức ái hướng đến việc phục vụ phổ quát, dẫn đưa chúng ta vào cuộc dấn thân nhờ tình yêu chủ động và cụ thể đối với mọi người” (53). Theo nghĩa này, Giáo Hội không có mục đích riêng cho mình, Giáo Hội hiện hữu để bày tỏ Thiên Chúa cho thế giới; Giáo Hội hiện hữu vì người khác.

46. Cũng theo cách thức ấy, xét như là chủ thể của Giáo Hội, trường học công giáo tự giới thiệu như nắm men Kitô giáo giữa thế giới: tại đây người học trò học biết vượt qua chủ nghĩa cá nhân và, dưới ánh sáng đức tin, họ khám phá mình được mời gọi sống có trách nhiệm ơn gọi riêng biệt là sống thân tình với Đức Kitô và liên đới với những người khác. Nói tóm lại, trường học được kêu mời trở thành chứng tá sống động về tình yêu Thiên Chúa giữa loài người. Đàng khác, trường học có thể trở thành một phương thế nhờ đó, dựa theo ánh sáng của Tin Mừng, có thể phân biệt điều gì tích cực trong thế giới, điều gì thích hợp để biến đổi, và cả những bất công buộc phải thắng. Cũng vậy, sự tỉnh táo đón nhận những đóng góp của thế giới trong nếp sống nhà trường sẽ nuôi dưỡng và cổ võ một sự hiệp thông mở, nhất là trong một số lãnh vực giáo dục, chẳng hạn như giáo dục về hòa bình, chung sống, sự công chính và tình huynh đệ.

Những người xây dựng một sự hiệp thông mở


47. Việc chia sẻ cùng một sứ mệnh giáo dục do những con người, những ơn gọi khác nhau, cũng như nhiều tình trạng sống chắc chắn là một điểm mạnh của trường học công giáo trong sự góp phần của mình vào công cuộc truyền giáo sinh động của Giáo Hội, và vào việc mở ra với thế giới trong sự hiệp thông Giáo Hội. Trong nhãn quan này, một đóng góp đầu tiên và đáng quý phát xuất từ sự hiệp thông trong trường học giữa các giáo dân và những người được thánh hiến.

Do những tương quan gia đình và xã hội, các giáo dân là những người sống giữa thế giới, họ có thể cổ võ cho sự mở ra của cộng đoàn giáo dục, nhờ tương giao xây dựng, với những thể chế văn hóa, dân sự và chính trị, với những hiệp hội xã hội khác nhau- cả những hiệp hội không chính thức đến những hiệp hội được tổ chức chặt chẽ, hiện diện tại chỗ. Trường học công giáo cũng bảo đảm sự hiện diện của mình qua việc cộng tác tích cực với những thể chế giáo dục khác, nhất là với những trung tâm công giáo các nghành học cao đẳng,với các trung tâm này, trường học công giáo chia sẻ mỗi dây liên hệ thuộc về Giáo Hội cách đặc biệt, cũng như các cơ quan tại địa phương và những cơ cấu xã hội khác. Trong bối cảnh này, trung thành với gợi hứng riêng, trường học công giáo góp phần vào việc xây dựng một hệ thống những tương giao giúp cho các học trò trưởng thành trong tâm tình thuộc về và giúp cho chính xã hội lớn lên và phát triển cách liên đới.

Cũng vậy, xét như là “dấu chỉ đích thực của Đức Kitô trong thế giới”(54), các người sống đời thánh hiến tham gia vào việc mở ra với bên ngoài này để chia sẻ những điều phúc lành mà họ đang nắm giữ. Đặc biệt, điều này có nghĩa là họ chứng tỏ rằng sự thánh hiến trong đời tu có thể nói lên nhiều điều với mỗi nền văn hóa, xét như là sự thánh hiến ấy giúp mạc khải sự thật về con người. Chứng tá nếp sống Tin Mừng của họ phải làm cho thấy rằng “sự thánh thiện là đề xuất của sự văn minh hóa cao nhất của con người và của lịch sử: đây là một dự phóng mà mỗi người trên mặt đất này có thể nhận làm của mình”(55).

48. Một cột trụ khác của sự hiệp thông mở được xây dựng nhờ sự liên kết giữa trường học công giáo và các gia đình đã chọn trường công giáo để giáo dục con em mình. Sự liên kết này có nghĩa là các phụ huynh tham gia trọn vẹn vào đời sống của cộng đoàn giáo dục không chỉ những trách nhiệm đầu tiên của họ trong việc giáo dục con em, nhưng còn vì sự chia sẻ căn tính và dự phóng làm nên nét đặc trưng của trường học công giáo và họ phải biết và tham dự với thái độ sẵn sàng nội tâm.

Trong mục đích này, cộng đoàn giáo dục là nơi chốn có tính quyết định cho sự cộng tác giữa trường học và gia đình trong dự phóng giáo dục. Điều phù hợp là giúp cho hiểu và thực thi trong tinh thần hiệp thông, với sự góp phần của tất cả mọi người, trong khi vẫn phân biệt các trách nhiệm, các vai trò và khẳ năng chuyên môn. Về các phụ huynh, theo một cách thức riêng, họ có nhiệm vụ làm phong phú sự hiệp thông chung quanh dự phóng này, bằng cách làm cho bầu khí gia đình trở nên sống động và rõ ràng như nét đặc trưng của cộng đoàn giáo dục.

Vì lẽ đó, khi sẵn sàng đón nhận sự cộng tác của các phụ huynh, trường học công giáo cũng coi sự phục vụ có hệ thống về đào tạo thường xuyên từ các gia đình như một yếu tố thiết yếu trong sứ mạng của mình, để nâng đỡ các gia đình trong trách nhiệm giáo dục và cổ võ một sự liên kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa những giá trị do nhà trường đề nghị và những giá trị đề ra trong gia đình.

49. Các hiệp hội và các nhóm gợi hứng từ Kitô giáo quy tụ các phụ huynh của các trường công giáo tạo nên một cầu nối khác giữa cộng đoàn giáo dục và thực tại chung quanh. Các hiệp hội và các nhóm này có thể củng cố mỗi liên hệ hỗ tương giữa nhà trường và xã hội, bằng cách duy trì cộng đoàn giáo dục mở ra với cộng đoàn xã hội rộng lớn hơn, và đồng thời bằng cách phát triển một hoạt động làm cho xã hội và các định chế của nó cảm ứng trong tương quan với sự hiện diện và hoạt động của trường công giáo tại môi trường.

50. Cũng vậy, trên bình diện Giáo Hội, sự hiệp thông bên trong trường học công giáo có thể và phải hướng đến một sự trao đổi làm cho phong phú trong một sự hiệp thông rộng lớn hơn với giáo xứ, giáo phận, các phong trào trong Giáo Hội và Giáo Hội phổ quát. Điều này bao hàm rằng các người giáo dân (nhà giáo dục và phụ huynh) và những người sống đời thánh hiến thuộc về cộng đoàn giáo dục tham dự một cách có ý nghĩa vào đời sống của Giáo Hội địa phương, kể cả bên ngoài trường học công giáo. Các thành viên trong hàng giáo sĩ địa phận và các giáo dân của cộng đoàn Kitô hữu địa phương, những người không luôn có hiểu biết đúng đắn về trường học công giáo, cần phải tái khám phá trường học này như một trường học của cộng đoàn Kitô giáo, một sự diễn tả sống động của chính Giáo Hội Đức Kitô mà họ là thành phần.

51. Chiều kích Giáo Hội của cộng đoàn giáo dục trong trường học công giáo, nếu được sống cách chân thực và xâu xa, thì không chỉ giới hạn trong tương giao với cộng đoàn Kitô giáo địa phương. Do sự phát triển tự nhiên, chiều kích này hướng đến việc mở ra với những chân trời của Giáo Hội phổ quát. Trong viễn tượng này, chiều kích quốc tế của nhiều gia đình tu trì cống hiến cho những người sống đời thánh hiến sự phong phú của mối hiệp thông với những người chia sẻ cùng một sứ mệnh trong những miền rất khác nhau của thế giới. Cùng lúc ấy, chiều kích quốc tế này cũng đem lại chứng tá về sức mạnh mãnh liệt của một đặc sủng làm cho hiệp nhất vượt lên trên mọi khác biệt. Cả những người giáo dân (nhà giáo dục và phụ huynh) – trong khi vẫn tôn trọng tình trạng sống của họ, là những người chia sẻ sứ mệnh giáo dục của các đặc sủng này, cũng có thể và phải tham dự (góp phần) vào sự phong phú của sự hiệp thông này trong Giáo Hội phổ quát. Chặng hạn nhân dịp những việc huấn luyện và gặp gỡ ở cấp vùng hay toàn cầu.

52. Như vậy trường học công giáo xuất hiện như một cộng đoàn giáo dục, trong đó sự hiệp thông Giáo Hội và truyền giáo được chín mùi về chiều sâu và phát triển rộng thêm. Trường học công giáo có thể là nơi cho thấy một sự hiệp thông trở thành một chứng tá sống động về sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng đang sống trong cộng đoàn giáo dục được quy tụ nhân danh Người (x Mt 18,20), và chính vì điều đó, cộng đoàn này hướng tới sự hiểu biết sâu xa hơn về thực tại và một sự dấn thân có tính thuyết phục hơn trong việc canh tân thế giới. Thật vậy, nếu chúng ta suy tư và sống trong sự hiệp thông với Đức Kitô thì mắt chúng ta sẽ mở ra (56), và chúng ta hiểu rằng “cuộc cách mạng đích thực, sự thay đổi quyết định về thế giới chỉ có thể phát xuất từ Thiên Chúa”(57).

53. Sự hiệp thông trong cộng đoàn giáo dục, được làm sinh động và được nâng đỡ do các giáo dân và những người sống đời thánh hiến hoàn toàn hiệp nhất với nhau trong cùng một sứ mệnh, làm cho trường học công giáo trở thành một nơi công cộng thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. Môi trường cộng đồng này là một nơi đặc biệt để huấn luyện các thế hệ trẻ trong việc kiến tạo một thế giới đặt nền tảng trên sự đối thoại và tìm kiếm sự hiệp thông, chứ không trên sự đối đầu; trên việc đặt những khác biệt làm của chung, chứ không trên sự đối kháng. Từ cách thế này, khi dựa theo dự phóng giáo dục về sự hiệp thông Giáo Hội và nền văn minh tình yêu, trường học công giáo có thể góp phần một cách đáng kể vào việc soi sáng tâm trí nhiều người, khi ấy “sẽ có những con người thực sự mới, những người kiến tạo nhân loại mới” (58).

KẾT LUẬN


54. “Trong một thế giới mà thách đố đầu tiên, một thách đố có tính khiêu khích

nhất và gây những hậu quả trầm trọng nhất là thách đố về văn hóa”(59), trường học công giáo ý thức được những nhiệm vụ nặng nề phải đương đầu và duy trì được tầm quan trọng nhất trong những hoàn cảnh hiện tại.

55. Khi được sinh động hóa nhờ các giáo dân và những người sống đời thánh hiến, những người đang sống trong sự hiệp nhất chân thực cùng một sứ mệnh giáo dục, trường học công giáo bày tỏ khuôn mặt của một cộng đoàn hướng đến một sự hiệp thông mỗi ngày một sâu xa hơn. Sự hiệp thông này biết tiếp đón những người đang phát triển, giúp cho họ trải nghiệm, qua sự quan tâm đầy tình mẫu tử của Giáo Hội, rằng Thiên Chúa ôm ấp mỗi người con trong trái tim của Người. Trường học công giáo biết đưa các người trẻ vào trong một kinh nghiệm của sự đào luyện toàn diện, để dưới ánh sáng của Tin Mừng, định hướng và đồng hành tìm kiếm ý nghĩa họ đang sống, dưới những hình thức mới lạ và gập ghình, nhưng với sự khẩn cấp đáng lo ngại. Sau cùng, một sự hiệp thông khi dựa trên Đức Kitô, sẽ nhận ra Người và loan báo cho toàn thể và từng người rằng Đức Kitô là Thầy duy nhất và đích thực.

56. Khi gửi tài liệu này đến tất cả những ai sống sứ mệnh giáo dục trong Giáo Hội, chúng tôi phó thác cho Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ và là người giáo dục Đức Kitô và loài người, tất cả trường học công giáo, ngõ hầu, như các gia nhân trong tiệc cưới Cana, các trường học này ngoan ngoãn tuân theo lời mời gọi đầy yêu dấu : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5), và như vậy, cùng với toàn thể Giáo Hội, “ngôi nhà và ngôi trường của sự hiệp thông (60) cho mọi người của thời đại chúng ta”.

Roma, ngày 8 tháng Chín, Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria.

Hồng y Zenon GROCHOLEWSKI,
Tổng Trưởng

Giám Mục Angelo VINCENZO ZANI,
Phó Thư Ký

Chuyển ngữ : Giuse Nguyễn Cao Luật và Phaolô Đỗ Bá Hoàng
Nguồn : La Documentation Catholique, No 2395, 2 février 2008, p.122-133

Ghi chú


(1) Gh Bênêdictô, XVI, Discours d’ouverture du congrès ecclésial du diocèse de Rome sur famille et communauté chrétienne (6 juin 2005): AAS 97 (2005), 816.
(2) Gh Gioan Phaolô II, Allocution à l’Unessco (2 juin 1980), 18: AAS 72 (1980), 747.
(3) Congrégation pour l'Éducation Catholique, L'école catholique au seuil du troisième millénaire (28 décembre 1997), n. 4.
(4) Vatican II, Hiến chế Mục vụ, 22.
(5) Xc Sacrée Congrégation pour l’Éducation Catholique, L’École catholique (19 mars 1977), n. 32.
(6) Dans le présent document on se réfère aux prêtres, religieux, religieuses et aux personnes qui, sous diverses formes de consécration, choisissent de suivre le Christ pour se consacrer à Lui avec un coeur sans partage (Cf. Jean-Paul II, Exhortation apostolique post-synodale Vita consecrata [25 mars 1996], nn. 1-12 : AAS 88 (1996), 377-385).
(7) Sacrée Congrégation pour l'Éducation Catholique, Le laðc catholique témoin de la foi dans l’école (15 octobre 1982), n. 37.
(8) Congrégation pour l'Éducation Catholique, Les personnes consacrées et leur mission dans l’école, n. 6 ; Xc Gh Gioan Phaolo II, Tông huấn đời sống thánh hiến, 96.
(9) L’école catholique (19 mars 1977) ; Le laðc catholique témoin de la foi dans l’école (15 octobre 1982) ; Orientations éducatives sur l’amour humain. Traits d’éducation sexuelle (1er novembre 1983) ; Dimension religieuse de l’éducation dans l’école catholique (7 avril 1988) ; L’école catholique au seuil du troisième millénaire (28 décembre 1997) ; Les personnes consacrées et leur mission dans l’école. Réfléxions et orientations (28 octobre 2002).
(10) Xc Congrégation pour la Doctrine de la Foi, Lettre aux Évêques de l’Église Catholique Communionis Notio (28 mai 1992), n. 3b : AAS 85 (1993), 836.
(11) Xc Sách lễ Rôma, kinh nguyện Thánh thể IV.
(12) Gh Gioan Phaolô II, Tiến về ngàn năm mới, 43.
(13) Gh Bênêdictô XVI, Homélie de la veillée de prière à Marienfeld (20 aout 2005) : AAS 97 (2005), 886.
(14) Tông huấn kitô hữu giáo dân, 32.
(15) Vatican II, Tuyên ngôn về giáo dục, 3.
(16) Gh Phaolô VI, Tông huấn Loan báo Tin mừng, 19.
(17) Gh Gioan Phaolô II, Tống huấn Đời sống thánh hiến, 54. Pour la collaboration entre les fidèles laðcs et les personnes consacrées voir aussi les nn. 54-56 : AAS 88 (1996), 426-429.
(18) Xc Bộ đời sống thánh hiến và tu đoàn tông đồ, khởi sự lại từ đức Ki-tô, 28.
(19) Xc Congrégation pour l’Éducation Catholique, Les personnes consacrées et leur mission dans l’école, n. 20.
(20) Sacrée Congrégation pour l’Éducation Catholique, Le laïc catholique témoin de la foi dans l’école, n. 24.
(21) Gh Gioan Phaolô II, Tiến về ngàn năm mới, 43.
(22) Ibid., 46 : 299.
(23) Ibid., 46 : 300.
(24) Sacrée Congrégation pour l'Éducation Catholique, L'école catholique, n. 37.
(25) Gh Bênêdictô XVI, Thiên Chúa Là Tình Yêu, 31.
(26) Ibid.
(27) Xc Sacrée Congrégation pour l’Éducation Catholique, Le laïc catholique témoin de la foi dans l’école, n. 60.
(28) Xc Vatican II, Hiến chế Mặc khải, 10.
(29) Bộ đời sống thánh hiến và tu đoàn tông đồ, Xuấ t phát lại từ đức Ki-tô, 31.
(30) Bộ đời sống thánh hiến và tu đoàn tông đồ, Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, 45.
(31) Le laðc catholique ténmoin de la foi dans l’école, 7.
(32) Công Đồng Vatican II, hiến chế tín lý về Giáo hội, 37
(33) Le laðc catholique ténmoin de la foi dans l’école, 24.
(34) Công đồng Vatican II, hiến chế Mục vụ, 4
(35) Xuất phát lại từ Đức Kitô, 31.
(36) Tông huấn Kitô hữu giáo dân, 61.
(37) Xc. La vie Fraternelle en communauté (2 février 1994), 45 (DC 1994, n.2093, p.424).
(38) Les personnes consacrées et leur mission dans l’école, 21.
(39) Ibid,., 43.
(40) Gh Bênêđíctô XVI, Discours aux représentants de plusieurs communautés musulmanes (20 aout 2005): AAS 97 (2005), p.918 (DC 2005, n.2343, p.901-902).
(41) Gh Bênêđíctô XVI, Discours d’ouverture du congrès ecclésial du diocèse de Rome sur famille et communauté chrétienne (6 juin 2005): AAS 97 (2005), p.815 (DC 2005, n.2340, p.687).
(42) Gh Bênêđíctô XVI, Discours aux évêques de l’Ontario lors de leur visite ad limina (8 septembre 2006), 9 (DC 2006,n.2369, p.1051-1052).
(43) Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn về giáo dục, 8.
(44) L’École catholique, 56.
(45) Xc. Tông huấn Kitô hữu giáo dân, 20.
(46) Gh Bênêđíctô XVI, Discours aux séminaristes à Cologne (19 aout 2005 ): AAS 97 (2005), p.880 (DC 2005,n.2343, p.893).
(47) Gh Gioan Phaolô II, thông điệp Centessimus annus, 39.
(48) L’École catholique, 12.
(49) Ibid., 31.
(50) Gh Gioan Phaolô II, thông điệp quan tâm đến vấn đề xã hội, 38.
(51) Gh Bênêđíctô XVI, Thiên Chúa là Tình Yêu, 28b.
(52) Ibid., 19: 233.
(53) Gh Gioan Phaolô II, Tiến về ngàn năm mới, 49.
(54) Tông huấn Đời sống thánh hiến, 25.
(55) Le personnes consacrées et leur mission dans l’école, 12.
(56) Gh Bênêđíctô XVI, Homélie de la célébration eucharistique à Marienfeld (21 aout 2005): AAS 97 (2005), p.892 (DC 2005, n.2343,p.910).
(57) Gh Bênêđíctô XVI, Homélie de la veilleé de prière à Marienfeld (20 aout 2005):AAS 97 (2005), p.885 (DC 2005, n.2343, p.905).
(58) Công đồng Vatican II, hiến chế Mục vụ, 30: AAS 58 (1966), p.1050.
(59) Gh Gioan Phaolô II, Discour aux parents, aux étudiants et aux enseigneants des écoles catholiques (23 novembre 1991)
(60) Gh Gioan Phaolô II, Tiến về ngàn năm mới, 43.