Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2022

GIÁO DỤC HẬU HÔN NHÂN: CÂU CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI “XÂY NHÀ”

Thời sự Thần học – Số 2 (tháng 3/2008), tr. 109-128 

_Giuse Nguyễn Dũng 🙎


Ngạn ngữ Nga có câu: “Hạnh phúc dễ tìm nhưng khó giữ”. Nói như thế không phải có được hạnh phúc là điều dễ dàng. Để ai đó có sở hữu được chút hạnh phúc, lịch sử và thi ca đã chan chứa những câu chuyện thấm đẫm nước mắt. Người ta phải trải qua thật nhiều thử thách, gian khổ, công khó… thậm chí đổ cả máu và nước mắt, mới có thể chạm tay vào hạnh phúc.

“Hạnh phúc dễ tìm” đã là một thách đố như thế; kinh nghiệm cuộc sống, để bảo vệ và giữ được hạnh phúc đó còn khó hơn rất nhiều. Tìm được một gia đình hạnh phúc rồi chưa phải là xong, có bảo vệ được hạnh phúc của gia đình đó hay không mới là điều quan trọng hơn nhiều.

Nên, người ta không chỉ biết yêu mà còn phải học cách để yêu. Điều này không dễ dàng một chút nào. Đời sống hôn nhân không đơn giản như khi hai người mới yêu nhau. Cưới nhau rồi, đôi vợ chồng là bắt đầu hội nhập vào một thế giới mới, một hiện thực “trần trụi” và lạ lẫm mà ở đó hai người giống như những nhà thám hiểm vậy. Chuẩn bị đời sống hôn nhân người ta cũng chuẩn bị, cũng tìm hiểu cách này cách khác về đời sống gia đình nhưng khi chạm trán trong thực tế thì những vấn đề của thực tế vẫn luôn là thách đố khác xa lý thuyết. Chúng ta cứ nhìn vào thực trạng hiện nay thì thấy được điều ấy.

I. Sau ngày cưới


Bắt đầu ngay với một gia đình Kitô giáo, trên cơ sở lý thuyết, ta thấy ở đó có những đặc trưng của gia đình nhân loại. Một mặt cho thấy dấu hiệu ơn cứu độ của Đức Kitô đang tác động trong thế gian, một số khác là dấu hiệu cho thấy sự chối từ của con người đang chống lại tình thương của Thiên Chúa. Thật vậy, một mặt người ta thấy có một ý thức sống động hơn về tự do cá nhân và một sự chú ý nhiều hơn đến phẩm chất của các tương quan liên vị trong hôn nhân, đến sự nâng cao phẩm giá phụ nữ, đến sự sinh sản có trách nhiệm, đến việc giáo dục trẻ em. Thêm vào đó là ý thức về nhu cầu phải phát triển những liên hệ giữa các gia đình để giúp đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần và vật chất, cũng như khám phá lại sứ mạng Giáo hội riêng biệt của gia đình và trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng một xã hội công bình hơn. Nhưng đàng khác, cũng không thiếu dấu hiệu cho thấy một sự thoái hoá đáng lo ngại về một số giá trị căn bản. Đó là những quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng, những mập mờ rất trầm trọng về tương quan uy quyền của cha mẹ đối với con cái, những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình đã cảm nghiệm. Con số các vụ ly dị gia tăng. Vết thương về sự phá thai hay việc dùng các phương pháp tuyệt sản ngày càng nhiều, việc hình thành một tâm thức thật sự là tâm thức chống thụ thai.

Chúng ta thấy hằng ngày trên báo chí và các phương tiện truyền thông không ngừng đưa ra những vụ gia đình tan vỡ “dưới nhiều hình thức” và các loại, vì nhiều lý do khác nhau. Đôi lúc hạnh phúc gia đình sụp đổ, vì những lý do rất đơn giản và từ những chuyện chẳng đâu vào đâu. Có những cặp mới cưới nhau chưa được bao lâu đã “tan” vì “không hợp gu” hay là cảm thấy chán nhau thì chia tay! Hạnh phúc cứ tan biến như khói, cứ nhẹ nhàng và thanh thản như chơi! Hôn nhân công giáo cũng đang bị “níu” vào cái vòng xoáy này. Có nhiều người cố gắng “ghì lại” cho phải đạo nhưng tâm trạng cũng chỉ là “chịu đựng và cắn răng”. Người ta đến với nhau qua một bản hợp đồng hôn nhân do hai bên thoả thuận thì bây giờ cũng có thể thoả thuận để “chia đôi” tất cả. Hôn nhân phải là đỉnh cao của một tình yêu đích thực từ hai phía chứ không phải là một bản giao kèo sống chung. Lời tuyên hứa: sẽ giữ lòng chung thuỷ khi bệnh tật cũng như lúc mạnh khoẻ, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan… đôi khi lại trở thành lời hứa cuội và trò hề. “Theo thống kê của toà án nhân dân tối cao, ở toà án sơ thẩm cấp huyện, đến hết tháng 09-2004 số cặp vợ chồng ly hôn là 7.786 cặp, tăng 446 cặp so với cùng kì năm 2003 … ”[1]. Thực trạng này cho tới nay chưa có dấu hiệu chấm dứt mà ngày càng gia tăng hơn. Không chỉ có người nghèo, người giàu cũng “khóc”: vụ ly dị bạc tỉ của ông bà phó giám đốc công ty FPT được báo chí đăng tải hơn nửa tháng trời[2]. Gia đình là tế bào của xã hội và Giáo hội nhưng những tế bào ấy lại đang bị “ung thư” và ngày càng có nguy cơ “lây lan” trên diện rộng thì thật là nguy hiểm.

Văn hào P. Calderon nói: “Tất cả mọi kho báu trên đời không thể nào sánh bằng hạnh phúc gia đình”. Thế mà cái hạnh phúc mong manh ấy đang có nguy cơ sụp đổ từ trong trứng nước. Ắt hẳn cần một cách thế phù hợp và hiệu quả để bảo vệ hạnh phúc gia đình là điều cần kíp, nhưng trước nhất cần phải biết tình trạng đó từ đâu ra, nguyên nhân là gì.

II. Những nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ


Chúng ta thử xét xem những nguyên nhân nào đưa đến thực trạng đáng lo như thế? Trong tông huấn Familiaris Consortio, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Căn nguyên của những hiện tượng tiêu cực ấy thường là do sự suy đồi trong quan niệm và trong kinh nghiệm về tự do, người ta không còn coi tự do như là khả năng thực hiện sự thật mà Thiên Chúa vạch ra cho hôn nhân và gia đình, nhưng coi nó như một năng lực tự lập để tự xác định chính mình, thường là chống lại người khác, và để lo cho sự thoái mái ích kỉ của mình”[3]. Báo chí đã nói nhiều đến việc này, “người ta tìm kiếm việc làm thì bị đòi hỏi bằng cấp này nọ, nhưng có một điều tối quan trọng là làm cha, làm mẹ mà người ta không cần phải học hành, không đòi hỏi bằng cấp gì”[4]. Trong các nước thuộc Thế giới thứ Ba, các gia đình thường thiếu thốn từ những phương tiện căn bản để sống còn như: thực phẩm, việc làm, nhà cửa, thuốc men, cho đến cả những tự do sơ đẳng nhất. Tại các nước giàu có thì ngược lại, người ta quá thoải mái và nặng óc hưởng thụ, nhưng trớ trêu thay sự thoái mái và óc hưởng thụ ấy lại gắn liền với một sự âu lo nào đó, cảm thấy bấp bênh trước tương lai, nên các đôi bạn mất sự quảng đại và can đảm để sinh thêm những sự sống mới. Người ta không còn coi sự sống là một lời chúc phúc, lại coi như một sự nguy hiểm phải tránh né.

Như thế, tình cảnh cụ thể trong đó gia đình đang sống quả là một sự pha trộn giữa bóng tối và ánh sáng. Sự pha trộn ấy cho thấy lịch sử không đơn thuần là một sự tiến bộ nhất thiết tiến về cái hay hơn, tốt hơn, nhưng là một diễn biến của tự do, và hơn thế nữa còn là một cuộc chiến giữa những mối tự do đối nghịch nhau, nghĩa là nói theo thánh Augustin, một cuộc sung đột giữa hai tình yêu: một bên là lòng yêu mến Thiên Chúa đến độ coi rẻ chính mình và một bên là coi trọng chính mình đến độ coi rẻ Thiên Chúa. Như thế chỉ có việc giáo dục tình yêu ăn rễ trong đức tin mới có thể đưa người ta đến chỗ có khả năng đọc được những dấu chỉ thời đại nơi việc diễn tả cụ thể của tình yêu hai mặt ấy[5]. Trong đời sống hôn nhân có bao nhiêu điều người ta phải lo lắng thì hẳn phải có ít nhất bấy nhiêu khó khăn và nguy cơ rình rập để gặm nhấm hạnh phúc của gia đình. Ở đây, chúng ta xét qua một số nguyên nhân chính và dễ thấy nhất có trong đời sống hằng ngày.

II.1 Kinh tế gia đình


Khi kinh tế thị trường bành trướng và có sức ảnh hưởng rất lớn tới hầu hết mọi thành phần, nhiều lĩnh vực đời sống. Tích cực có, tiêu cực lại càng phổ biến. Gia đình hiện đại dường như đang chao đảo trong cơn “dư chấn” của cơn lốc thị trường. Những giá trị nền tảng truyền thống của gia đình đang rạn vỡ, cách nào đó. Nhiều giá trị chuẩn mực, đạo đức truyền thống đã trở thành nếp sống văn hoá gia đình, xã hội thì nay đang có những biến đổi phức tạp.

Bên cạnh những giá trị chuẩn mực mới, con người kiến tạo nếp sống văn hoá lành mạnh gắn liền với quá trình phát triển kinh tế thị trường. Mặt trái của vấn đề cũng dần lộ diện. Người ta không lạ lẫm gì với nhiều hiện tượng phi văn hoá, nghịch giá trị chuẩn mực đạo đức truyền thống. Con đẻ của thị trường, là thứ mãnh lực ma mị của kim tiền, đang trở thành “chuẩn mực” để cân-đo-đong-đếm giá trị của một con người hay một cá nhân nào đó và mức độ hạnh phúc của gia đình. “Một túp lều tranh hai trái tim vàng” bây giờ chỉ là chuyện cổ tích. Thay vào đó là những tiêu chuẩn mới, ví như 5C (cell phone, credit, car, chalet, comparny) chẳng hạn. Sở hửu tiêu chuẩn ấy mới thể hiện được hạnh phúc, hay ít nhất cũng là tiêu chuẩn để đạt tới trong lối sống hiện thời. Cuộc chạy đua trong các giá trị sống hoàn toàn mang màu xôi thịt cứ diễn ra như cơn sóng ngầm, âm ỉ mà quyết liệt. Ai cũng muốn có một cuộc sống khá giả nên tất cả đều ra sức chạy đua với nhau. Ai không làm ra tiền hoặc kiếm được ít tiền thì trở thành kẻ yếu thế trong nhà. “Có tiền anh nói em nghe không tiền anh nói em chê anh nghèo”. Thật là nguy hiểm khi kẻ mạnh là kẻ có tiền hay là người nắm chủ lực kinh tế trong gia đình! “Tiền bạc là một tên đầy tớ tốt nhưng lại là một ông chủ tồi”. Người có tiền sắm sia này nọ, người không tiền chơi vơi cảm giác ăn bám.

Không chỉ thế, kinh tế còn khoét sâu vào mối tương quan và tạo ra một khoảng cách lớn giữa những người trong gia đình với nhau và nó cũng lấy đi của họ rất nhiều thời gian, tạo nên những giá trị thời cuộc lệch chuẩn. Các thành viên trong một gia đình, dưới một mái nhà, nhưng lại có những thời biểu kênh, lệch nhau. Cha mẹ đi làm khi con vừa ngủ dậy và trở về khi con cái đã ngủ say. Họ đi bằng xe gắn máy, xe hơi, liên lạc với nhau bằng điện thoại, gặp nhau để bàn chuyện giá nhà giá đất hay cổ phiếu tăng giảm thế nào… Rất nhiều lời cảnh báo những có lẽ cũng chưa thấm vào đâu khi mà sức hút của tiện nghi và đời sống vật chất quá “hấp dẫn” mọi người.

Kết cục, “sự khan hiếm thời gian như vậy sẽ là một mối đe doạ cho gia đình, mỗi người chỉ còn đủ thời gian lo cho mình. Những cơ hội thân mật trong gia đình sẽ bị giảm đi. Không còn những buổi tối cha đọc báo, mẹ ngồi khâu vá, con cái ngồi học, thỉnh thoảng lại quay sang hỏi cha, chuyện trò với mẹ. Hai thế hệ sống chung với nhau mà không hiểu nhau, những câu nói đại loại như: ông bà ấy chỉ lo kiếm tiền chứ biết gì đến tụi tui. Tao lo cho mày đủ thứ đâu thiếu thứ gì đâu, sao mà mày đi ăn cướp?”[6]. Có lẽ cái mà cha mẹ cho con cái không chỉ là tiền mà quan trọng hơn nhiều, đó là tình thương, là lương tâm, là đạo đức. Đó là những cái mà các em rất cần, đặc biệt trong đời sống hiện nay. Ngược lại nạn thất nghiệp, chính nó cũng đã góp phần đáng kể trong những nguy cơ “phá vỡ” gia đình. Những hiện tượng này chỉ được coi là “ung nhọt của chủ nghĩa tư bản” thì nay lại xuất hiện nhiều một cách đáng sợ, nó đe doạ cuộc sống của hàng triệu con người, đe doạ luôn cái hạnh phúc vốn mong manh.

II.2 Sự khác biệt: văn hoá, tôn giáo, lối sống và tính khí.


Trở về với chuyện của những cặp vợ chồng trẻ. Vấn đề trình độ văn hoá, lối sống của cả hai vợ chồng cũng là một trở ngại lớn nếu cả hai không thông cảm và hiểu nhau. Khi còn yêu nhau “củ ấu cũng tròn, bồ hòn cũng ngọt”. Khi đã là vợ chồng, chung đụng với hàng núi công chuyện và trách nhiệm, cả hai phải đối mặt thực tế dần bóp nghẹt những mơ mộng thuở mới yêu. Ngày nao, chỉ cần nhìn là đủ, là đã hiểu, là đã thấy yêu; nhưng bây giờ một cái liếc mắt ấy là điều gì đó không hài lòng, không đúng ý, là sự bực bội và khó chịu. Dù đó là người yêu, là một nửa của mình cũng vẫn có thể chửi, la mắng và bắt lỗi nhau trong từng lời ăn tiếng nói và lối sống hằng ngày. Nếu cả hai vợ chồng không thông cảm và hiểu nhau thì sớm muộn gì cũng “cơm không lành, canh không ngọt”. Tình cảnh đối thoại dễ trở thành đối đầu.

Rồi tính khí của mỗi người trong tương quan vợ chồng cũng ảnh hưởng nhiều. Tính khí mà cứ như thời tiết thì khó mà chiều và người bạn đời khó mà chịu nổi. Đến lúc này đời sống hôn nhân không chỉ là sự chung sống của hai người độc thân mà là cả hai nên một, nghĩa là cần một sự tương hợp chứ không phải là chọn lọc hay đào thải. Chấp nhận với một con người vốn nó là như thế, cả hai bổ túc cho nhau, cảm thông và chia sẻ, đồng thời nâng đỡ và cần đến nhau trong suốt quãng đời chung sống vì đàn ông hay đàn bà, xét về phương diện cá nhân, mỗi người chỉ là một nửa. Hạnh phúc thực sự trọn vẹn khi cả hai nên một, điều này không thể chia sẻ cho người nào khác, ngoại trừ một nửa duy nhất của mình.

Một trong những vấn đề “rộ lên” hiện nay là các đôi hôn nhân không cùng chung tôn giáo. Đây tưởng chừng như là một sự hoà nhập và đổi mới trong thời buổi hiện đại và dân chủ này, thể hiện sự gắn kết những khác biệt và hội nhập. Tuy nhiên, nó không hẳn như thế, cả hai cùng sống dưới một mái nhà, thế nhưng cứ như những người đồng sàng dị mộng. Họ sống chung nhưng suy nghĩ không giống nhau, lối cư xử, niềm tin và hành vi không phải lúc nào cũng hoà hợp được. Vì nền tảng tôn giáo và văn hoá mà họ tiếp nhận không giống nhau, mà sự khác biệt rất dễ là nguyên nhân của sự đổ vỡ nhiều chuyện.

II.3 Tương quan với Nội - Ngoại, bạn bè và hàng xóm láng giềng


Lối sống tự do phóng túng theo cách cá nhân tự chủ đang đặt ra những thách thức mới trong các mối quan hệ. Ảnh hưởng rõ nét nhất là trong tương quan giữa các thành viên trong gia đình. Sự gắn bó với nhau giữa các thành viên trong gia đình hiện đại trở nên ít gắn kết hơn so với khoảng mười năm trước. Xu thế “ra riêng” sớm của các cặp vợ chồng trẻ, với những lý do khác nhau, tách khỏi gia đình truyền thống, ngày càng trở nên phổ biến. Vợ chồng trẻ thường muốn sống riêng cho “dễ thở”. Thực tế này cũng gây băn khoăn không ít trong xã hội. Một khi quyết định lơ là mối tương quan với hai bên nội ngoại. Xu hướng tạm phủ nhận vai trò hai bên nội ngoại, tạm thoát khỏi những trợ đỡ tinh thần, là cách chung mà cả hai người tìm cách ở ẩn trong không gian riêng tư. Trong thế gian, tạm thời chỉ có hai ta. Họ không đoán định được những khó khăn, thậm chí cả về vật chất, mà cả hai sẽ phải đối diện. Cả hai không từng có kinh nghiệm sống đời sống vừa cũ vừa mới, vừa như quen mà cũng như lạ. Chỉ khi nào đã ngơi cơn khát, trở lại với những lo toan, tính toán đồng rau đồng cà, cả hai mới trở lại với tư thế thăng bằng, để nhìn lại tương quan. Gia đình, nơi đó họ đã lớn lên, họ được thừa hưởng những giá trị và chuẩn mực đạo đức vốn có. Và họ sẽ tiếp nối những giá trị đó trên nền tảng sẵn có, thăng hoa trong cách riêng của thời đại. Lối của cả hai là tự lập và tiếp tục triển nở những giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình, đồng thời cũng tạo dựng một mái ấm có tương quan thân mật giữa hai vợ chồng.

Thế nhưng, chuyện tương quan với gia đình gốc cũng không phải lúc nào cũng đều tiến triển theo cách của những người sẵn sàng tiếp nhận nhau, nhất là trong các gia đình chỉ có con một. Cảm giác bị cướp mất quyền được yêu thương con mình, do một người xa lạ, dễ làm các bậc phụ huynh tổn thương. Hơn thế, tương quan với Nội-Ngoại không phải lúc nào cũng êm thắm, vì ở đó là “tổng hoà các mối quan hệ phức tạp” mà đôi vợ chồng trẻ không dễ dàng dung hoà hết được tất cả những rắc rối và thiếu xót trong mối tương quan với cả hai bên.

Mở rộng hơn, mối tương quan đời sống với hàng xóm láng giềng, bạn bè cũng là vấn đề có thể gây xung đột về lời ăn tiếng nói, về quyền lợi thổ nhưỡng, về tính khí.... Biết bao nhiêu chuyện cơm không lành canh chẳng ngọt nảy sinh từ hàng xóm, từ bạn bè. Một lời nói dèm xiểm, một nhận định ác ý theo kiểu thọc gậy bánh xe làm cho cả hai vợ chồng nghi ngờ nhau hoặc là đổ thêm dầu vào lửa. Mối tương quan bên ngoài đôi khi cũng lấy đi thời gian, sức lực và trách nhiệm của người chồng người vợ, để rồi thay vì lo cho gia đình thì lại bỏ bê.

II. 4. Vấn đề con cái


Trong đời sống vợ chồng đặc biệt là giai đoạn đầu, con cái có thể là suy tính và chọn lựa của đôi vợ chồng trẻ. Cách tích cực, đó có thể là món quà quý báu và là ân huệ Thiên Chúa trao ban cho hai người. Con cái là niềm vui và gắn kết trách nhiệm giữa hai người với nhau. Tuy nhiên, việc chăm sóc cho bé, những ràng buộc tâm lý, thói quen,… cũng có khi làm cha mẹ trẻ vấp phải khó khăn và hết sức vất vả. Cả hai cảm thấy nặng nề. Trách nhiệm làm cha làm mẹ đôi lúc “lấn át” trách nhiệm làm chồng làm vợ, từ đó mối tương quan chồng vợ không còn dành nhiều thời gian và quan tâm nhiều tới nhau như trước. Từ tình cảm bị “chia bớt” cộng thêm lo lắng về trách nhiệm và gánh nặng mưu sinh hằng ngày dễ dẫn tới những tâm trạng không dễ chịu và những nguyên nhân hục hoặc trong gia đình. Tình cảm, tâm lý, trách nhiệm, hoàn cảnh sống và mọi chuyện cứ “giao động” liên tục và mới mẻ đối với cả hai làm cho họ có nhiều lo lắng, bất an và sự mệt nhọc dường như luôn vây kín cả ngày.

Ngược lại chuyện không có con cũng là một vấn đề lớn, có khi người ta cho đó là bất hạnh để rồi cả hai cảm thấy mất đi điểm gắn kết với nhau. Có nhiều lý do khác nhau dẫn tới chuyện không có con nhưng dù thế nào đi nữa thì cả hai cũng cảm thấy tổn thương và dễ chán nản khi phải sống chung.

Nói như thế không chỉ là có những nguyên nhân trên, còn biết bao nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ trong gia đình hiện nay, nhưng chỉ điểm một vài nguyên nhân nổi bật để thấy được và có những hướng giải quyết hay những cách thế để giúp đỡ gia đình vượt qua được “cái hạn” trong đời sống hôn nhân.

III. Những giải pháp giáo dục hậu hôn nhân


“Để chu toàn công việc phục vụ của mình, Giáo hội phải tìm cách nhận biết những tình cảnh trong đó hôn nhân và gia đình đang được thể hiện”[7]. Đây là nhắc nhở của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và mong muốn Giáo hội nhìn vào thực tế sống động đang diễn ra của đời sống gia đình. Nói theo ngôn ngữ của Công Đồng Vatican II, con người nên nhìn vào những dấu chỉ của thời đại trong đời sống hàng ngày như nó vốn là. Nói rõ hơn là phải nhìn vào những dấu chỉ thời đại bằng một sự nhận thức biết phân biệt những dấu chỉ tích cực và những dấu chỉ tiêu cực, do ảnh hưởng tội lỗi và khép kín cõi lòng con người đối với ân sủng của Thiên Chúa. Hơn thế, nhờ nhận thức này, con người có thể hiểu được những thách đố mà thế giới ngày nay mang lại cho hôn nhân và gia đình, để con người có được một cách thế thích hợp hơn cho việc loan báo kế hoạch của Thiên Chúa đã được mặc khải trong Đức Kitô.

Vậy chúng ta phải làm gì và như thế nào? Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho rằng nhờ cảm thức đức tin giúp cho con người nhận biết một cách toàn vẹn sự thật về hôn nhân và gia đình đã được Tin Mừng loan báo. Ngài nói: “nhờ sự nhận định rõ của mình, Giáo hội đề nghị một đường hướng cho phép cứu vãn và thực hiện tất cả sự thật và trọn vẹn phẩm giá của hôn nhân và gia đình”[8].

III.1. Linh đạo mục vụ hôn nhân


“Như vậy, họ không còn là hai nhưng chỉ là một xương một thịt”. - “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Chúa Giêsu đã trả lời những người Phariseu như vậy khi họ hỏi về việc ly dị. Trong các giáo huấn của Giáo hội chúng ta cũng thấy có những điểm nổi bật và căn bản ấy.

Vấn đề linh đạo hôn nhân không chỉ được bàn đến trong những suy tư của các nhà thần học mà còn là những suy tư và kinh nghiệm sống của các đôi bạn và những gia đình Kitô hữu. Giáo hội đã lắng nghe và quan tâm ngày càng nhiều hơn, đồng thời chân nhận linh đạo hôn nhân là một đòi hỏi cấp thiết. Vì vậy, Giáo hội đã nói lên những tâm tình và tiếng nói của mình qua các Thông Điệp, Hiến Chế, Tông Thư… với Lumen Gentium, ở số 41 khẳng quyết: “Bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu, khi theo đuổi lối sống riêng của mình, nhờ ơn Chúa, họ phải suốt đời nâng đỡ và trung thành yêu thương nhau…”; còn trong hiến chế Gaudium et Spes, số 48 thì nhấn mạnh: “Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được hướng dẫn và thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô và hoạt động cứu rỗi của Giáo hội, để hai vợ chồng được dẫn dắt cách hữu hiệu đến cùng Thiên Chúa, cũng như được nâng đỡ và kiện cường trong nhiệm vụ cao cả làm cha mẹ. Bởi đó, vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như được thánh hiến bằng một bí tích riêng để được lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống họ”.

Đức Phaolô VI trong các giáo huấn của ngài, cũng rất nhiều lần nói về vấn đề hôn nhân và gia đình, đặc biệt trong thông điệp Humanae Vitae: “Những vợ chồng Kitô hữu, vâng theo tiếng Chúa, luôn nhớ rằng ơn gọi của họ được khởi đầu bằng phép Rửa Tội đã được chuyên biệt và trở nên mạnh mẽ bằng bí tích hôn nhân. Nhờ bí tích này vợ chồng được bồi dưỡng và như được thánh hiến để trung thành chu toàn những bổn phận của mình, để thực hiện ơn gọi riêng cho đến chỗ hoàn thiện và trở nên một chứng nhân Kitô giáo cho thế giới. Thiên Chúa uỷ thác cho họ bổn phận làm cho mọi người thấy được sự thánh thiện và tính êm ái của lề luật nối kết tình yêu hỗ tương của vợ chồng bằng sự cộng tác của họ với tình yêu Thiên Chúa là tác giả của sự sống con người”[9].

Đức Gioan Phaolô I nói một cách cụ thể như sau: “Gia đình Kitô hữu là rất quan trọng, và đóng vai trò căn bản cho việc biến đổi thế giới và xây dựng Nước Chúa, mà công đồng đã định nghĩa là Giáo hội tại gia”[10]. Ngoài ra, vào ngày 1/10/1979, Đức Gioan Phaolô II, trong bài diễn từ cho các cặp vợ chồng ở Ái Nhĩ Lan, tại Limerick, đã nói: “Trên hết, chúng con hãy tỏ lòng mến mộ đối với phẩm giá tuyệt vời và ân sủng cảu bí tích hôn phối… chúng con hãy tin vào năng lực thiêng liêng mà bí tích này của Đức Giêsu Kitô trao ban để củng cố sự kết hiệp hôn nhân và vượt qua tất cả những khủng hoảng cũng như những vấn đề của đời sống lứa đôi. Vợ chồng phải biết tin tưởng vào năng lực của bí tích làm cho họ nên thánh; phải tin tưởng vào ơn gọi của họ là làm chứng sức mạnh tình yêu của Chúa Kitô qua hôn nhân của họ”.

III.2 Mục vụ sau ngày cưới


Giáo hội luôn ưu tư trước tiên đối với những gia đình, sao cho giúp họ khám phá sứ mạng mới nơi mình và sống đời sống ơn gọi hôn nhân một cách trọn vẹn. Để như thế, gia đình phải là một cộng đồng yêu thương đích thực thì mọi thành phần trong đó phải được đào tạo và giúp đỡ để chu toàn trách nhiệm của mình trước những vấn đề mới, để họ yêu thương và phục vụ lẫn nhau trong đời sống gia đình.

Điều đó thực sự cần thiết đối với những gia đình trẻ trong những năm đầu của đời sống hôn nhân, khi đối diện với những giá trị và trách nhiệm mới. Các đôi vợ chồng trẻ nên biết cách đón nhận cách chân tình và tận dụng một cách thông minh sự giúp đỡ kín đáo, tế nhị và quảng đại của những cặp vợ chồng khác, về những kinh nghiệm sống đời hôn nhân mà họ đã trải qua. Như thế chúng ta thấy, tương quan cộng đồng và sự hiện diện của các thành phần trong lòng Giáo hội, đó là các gia đình nhỏ làm nên đại gia đình Kitô hữu, trong đó mỗi gia đình đều đóng góp những kinh nghiệm nhân bản cũng như những ân huệ đức tin và ân sủng để phục vụ các gia đình khác. Đó là một trong những phương thức giản dị và hiệu quả của đời sống tông đồ mà các gia đình có thể làm và lan truyền tới những gia đình khác. Nó vừa là khởi điểm và đích điểm của mọi công tác mục vụ trong đời sống Kitô hữu mà mọi người có thể thấm nhập và truyền rao các giá trị Kitô giáo. Bằng cách ấy, các gia đình trẻ không chỉ lãnh nhận mà còn cho đi qua những chứng từ và đời sống đóp góp tích cực của họ, để làm nguồn mạch phong phú cho các gia đình khác.

Trong công tác mục vụ các gia đình trẻ, Giáo hội phải quan tâm giáo dục cho họ biết sống tình yêu vợ chồng cách có trách nhiệm trong tương quan với các đòi hỏi về hiệp thông và phục vụ sự sống, cũng như dạy cho họ biết hoà hợp tình thân mật của tổ ấm gia đình với trách nhiệm quảng đại chung của mọi người trong việc xây dựng Giáo hội và xã hội nhân loại. Khi có con cái đôi bạn trở thành một gia đình theo nghĩa tròn đầy và chuyên biệt. Lúc đó, Giáo hội vẫn còn phải gần gũi hai cha mẹ để giúp đỡ họ đón nhận con cái và yêu mến chúng như ân huệ được lãnh nhận từ Chúa của sự sống, bằng cách vui vẻ chấp nhận sự lao nhọc phục vụ cho sự tăng trưởng về mặt và Kitô của chúng.

a. Tổ chức những lớp giáo lý

Những lớp giáo lý không chỉ dành riêng cho các thiếu nhi hay nhưng đôi sắp cưới mà cho cả những người đã “kết duyên”. Hiện nay, chúng ta có những lớp giáo lý thần học giáo dân nhưng thiết nghĩ những lớp giáo lý dành riêng cho các đôi vợ chồng son là điều cần thiết vì đây là giai đoạn “định hướng” của các đôi vợ chồng trẻ trong cả đời sống xã hội và đức tin, nên rất cần thiết lập và củng cố một nền tảng đời sống kito hữu trong “giai đoạn mới”, đời sống vợ chồng. Chắc chắn sẽ có nhiều câu hỏi cũng như khúc mắc của các đôi bạn trẻ khi mới kết hôn cần được giải đáp và hướng dẫn kịp thời để họ có một lối sống đạo phù hợp và đúng đắn.

b. Chia sẻ những kinh nghiệm của những đôi vợ chồng sống gương mẫu và thành lập các nhóm gia đình

Trăm nghe không bằng một thấy! Kinh nghiệm “xương máu” của những đôi vợ chồng đi trước trong đời sống hôn nhân sẽ giúp ích cho những đôi vợ chồng son trẻ rất nhiều, không chỉ là kinh nghiệm mà những buổi chia sẻ sẽ mang tính thuyết phục chứng thực rất cao, vì là người thực việc thực. Điều này không chỉ giúp nâng đỡ và tránh cho các đôi vợ chồng trẻ những “rủi ro” không đáng trong đời sống mà còn làm cho các đôi vợ chồng đi trước cảm thấy mình sống có trách nhiệm hơn và trân trọng hơn. Gương mẫu mà! Từ đó việc thành lập các nhóm gia đình là cần thiết và khuyến khích mở rộng sao cho mối tương quan giữa các gia đình được thắt chặt tạo một bầu khí hiệp thông với một cộng đồng lớn hơn, đó là Giáo hội. Cũng chính từ những sinh hoạt của các nhóm gia đình sẽ giúp ích rất nhiều cho vợ hoặc chồng như: học hỏi giáo lý, các buổi thường huấn về hôn nhân, về gia đình… từ những sinh hoạt đó gia đình hội nhập vào sinh hoạt chung của giáo sứ và dần dần sẽ tiếp nối rộng ra với sinh hoạt của cả Giáo hội.

c. Đồng hành với đôi bạn trẻ

Không chỉ là sự nhiệt tâm mà người đồng hành còn cần có sự linh động và sáng tạo khi đồng hành với các đôi bạn trẻ trong thời gian họ đang tiếp cận với một môi trường và lối sống mới, đồng thời cũng trân trọng họ như là một chủ thể hoạt động cho chính sự tăng trưởng của họ. Họ luôn là một thành phần trong cộng đoàn và sự hiệp thông của họ là sức sống cho họ mà còn cho cả cộng đoàn nữa, vì thế họ luôn được đón tiếp và nâng đỡ đúng mức, để không chỉ thăng tiến trong đời sống hôn nhân mà cả trong đời sống đức tin của họ. Người đồng hành sẽ hỗ trợ và giúp đỡ một cách linh động với từng đôi vợ chồng tuỳ theo hoàn cảnh và lối sống của họ sao cho sự giúp đỡ ấy là bổ ích, phù hợp và mang lại ý nghĩa cho họ. Qua đó, chính đôi vợ chồng nhận ra được những thách đố phải vượt qua, những trách nhiệm sẽ gánh vác và từ những kinh nghiệm của đời sống hằng ngày họ trưởng thành và đủ sức để bảo vệ hạnh phúc của chính họ.

Bên cạnh đó, người hướng dẫn “cần có những chăm sóc đặc biệt để các đôi bạn nhận biết và sống ơn gọi và không thể xoá bỏ được là đến với sự hiệp nhất. Giáo dục đôi bạn trẻ làm mọi việc không còn với tinh thần của con người đơn độc, nhưng trong một sự hiệp nhất thiêng liêng sâu xa. Sự hiệp nhất ấy trong khi nhìn nhận và tôn trọng cá tính của mỗi người, nói lên sự chia sẻ và nâng đỡ nhau cách chân thành và nhiệt tâm. Cần chấp nhận các đòi hỏi yên tĩnh và riêng tư, đồng thời cũng biết làm cho sáng tỏ và thanh luyện khỏi mọi cám dỗ sống khép kín. Nhấn mạnh về đức khiết tịnh vợ chồng, sống trong lý lẽ của ân huệ tự hiến không tính toán và chống lại mọi hình thức lợi dụng người khác, lấy làm dụng cụ cho lợi ích riêng. Cả trong đề nghị các bổn phận mục vụ, cần quan tâm và hỗ trợ các việc làm do chính các đôi bạn đảm trách. Các đôi vợ chồng trẻ cũng cần được giúp đỡ để trở nên những người có trách nhiệm và quảng đại trong ân huệ của sự sống. Bởi vậy cần giúp họ khám phá ý nghĩa đích thực của việc truyền sinh và làm cha làm mẹ có trách nhiệm và ở mức độ rộng lớn hơn giúp lấy lại giá trị và ý nghĩa của việc làm mẹ… cũng cần kín đáo và can đảm trong việc đề nghị với các đôi bạn-gia đình trẻ các hình thức tham dự vào đời sống của Giáo hội và của xã hội, trong ý thức rằng có như vậy mới cho họ một việc phục vụ quan trọng cho sự tăng trưởng và giúp đời sống hôn nhân và gia đình của họ thêm phong phú.”[11]

d. Ngày truyền thống về gia đình và lễ kỷ niệm thành hôn

Một trong những điều làm cho cuộc sống trở nên tẻ nhạt đó là sự đều đặn và thời gian. Thời gian càng dài người ta càng oải và ngán ngẩm mọi thứ nếu như cuộc sống chỉ lặp đi lặp lại mãi một nhịp điệu sống. Đồng thời cuộc sống cũng làm cho người ta đôi khi quên đi mất những điều quý giá mà mình đang có, công việc lôi cuốn người ta vào vòng xoáy để rồi lơ là và có khi quên mất cái chính là gia đình. Người ta mải tạo tương quan trong công việc, với người ngoài mà lại coi nhẹ tương quan với những người trong gia đình, đặc biệt là bạn đời, thậm chí nghĩ rằng người đó tốt hay xấu cũng là chồng, là vợ của mình có mất đi đâu mà sợ. Càng thức lâu chầu mỏi người ta dễ lơ là đi những điều mình đã một thời phải đánh đổi mới có được. Chính vì vậy những ngày lễ kỷ niệm thành hôn là một trong những dịp để hâm nóng và nhắc nhớ cả hai về giá trị vĩnh cửu của hôn nhân và hạnh phúc gia đình là điều không phải dễ mà có được nên trân trọng và giữ gìn.
“Cũng như việc hình thành nhân cách của con người, gia đình là môi trường xã hội đầu tiên có ảnh hưởng quyết định đến việc hình thành nhân cách tôn giáo của con người. Nói cách khác, sự hình thành nhân cách tôn giáo của cá bắt đầu từ gia đình. Chính gia đình đã tạo nên cơ sở tính cách của con người, cơ sở của quan hệ cá nhân đối với những người chung quanh, cơ sở của các định hướng giá trị và thế giới quan của cá nhân. Quan hệ giữa đứa trẻ và bố mẹ là hình thức tiếp xúc tâm lý xã hội đầu tiên, có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển của đứa trẻ sau này”[12].

e. Quan tâm mục vụ gia đình

Trong thư gửi các gia đình của Đức Gioan Phaolô II có đoạn: “Đối với các gia đình cũng vậy, gia đình không chỉ là “tế bào” cơ bản của xã hội, nhưng còn sở hữu một diện mạo đặc thù. Mỗi khi các phần tử trong gia đình cùng gặp nhau trong lời cầu khẩn chung “lạy Cha chúng con”, là mỗi lần diện mạo đặc thù của gia đình được xác nhận một cách sơ đẳng và nền tảng, và đồng thời được nên vững chắc. Cầu nguyện tăng cường sự bền vững và mối liên kết thiêng liêng của gia đình, góp phần làm cho gia đình được thông phần vào “sức mạnh” của Thiên Chúa. Chính từ sự “tuôn đổ thần khí ấy” mà sức mạnh bên trong các gia đình được nảy sinh, cũng như chính từ đó mà các gia đình mới có được quyền lực khả dĩ liên kết các gia đình trong tình yêu và trong chân lý”[13]. Giáo hội có “lành lặn và khoẻ mạnh” hay không điều đó tuỳ thuộc rất nhiều từ các gia đình, nơi mà hạt giống của hạnh phúc được vun xới, nơi mà hạt giống niềm tin được nảy mầm, vì vậy gia đình phải được Giáo hội quan tâm đủ để lớn lên không chỉ về bình diện gia đình đơn thuần mà còn cả về đức tin nữa, như gia đình Thánh Gia xưa.

f. Đường dây nóng và nhân viên hỗ trợ

Các gia đình sống hiện nay hầu như không tránh khỏi những “xung đột”, có khi thì âm ỉ, có khi thì sôi lên ục ục rồi thôi, nhưng có lúc thì bùng nổ và cảnh thượng cẳng chân hạ cẳng tay không hiếm. Chuyện này không dễ giải quyết một sớm một chiều nhưng rất cần có “đội phản ứng nhanh” khi cần kíp để kịp thời hoà giải và kiềm chế cả hai khi đang nóng. Nếu có đường dây nóng và nhân viên hỗ trợ thì sẽ giúp rất nhiều vì chuyện gia đình không phải ai cũng có thể giải quyết với lại đôi khi nó lại là điều tế nhị cần những người có trách nhiệm, thẩm quyền và chuyên môn để can thiệp và giải quyết.

g. Tài liệu thông tin

Có những cách thế sống thiếu luân lý về hôn nhân đã được các phương tiện truyền thông xã hội đưa ra và phóng đại làm cho nhiều người tưởng rằng thời buổi này không còn giá trị gì về luân lý nữa. Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “Đáng tiếc thay ngày nay những phương tiện truyền thông đại chúng trình bày nhiều chương trình làm nguy hại đến cuộc sống gia đình. Nhiều lúc người ta hầu như tìm mọi cách để trình bày như là “hợp pháp” và hấp dẫn, nhờ vẻ hào nhoáng bên ngoài của chúng, những hoàn cảnh thực ra là bất hợp pháp”. Tạo một môi trường sinh hoạt lành mạnh và những thông tin bổ ích là điều đáng quan tâm để hỗ trợ và giúp cho các đôi vợ chồng trẻ có được một cái nhìn “chuẩn” về đời sống gia đình và thánh hoá nó trong ơn gọi đã được Giáo hội kêu mời, đồng thời thăng tiến đời sống đức tin ngay chính trong những kinh nghiệm của gia đình. Làm sao thông tin đem đến cho gia đình những kiến thức thiết thực và giải đáp những khúc mắc, những mập mờ và mở rộng tầm nhìn trong đời sống.
 

III.3 Những việc cần làm ngay


a. Có uỷ ban theo các cấp

Có lẽ điều này phải có trước tiên, thiết lập một uỷ ban các cấp để giải quyết vấn đề và hỗ trợ kịp thời cho những gia đình hay những vấn đề cần kíp. Từ Giáo hội địa phương ở cấp vĩ mô làm sao có một chương trình hoạch định hướng hoạt động mục vụ gia đình chung, rồi tới cấp độ giáo phận cũng vậy. Trong giáo phận giám mục là người trước tiên và có trách nhiệm[14] kêu gọi, cổ võ và thành lập các uỷ ban để nghiên cứu và giải quyết những vấn đề có liên quan đến mục vụ gia đình. Trong cấp độ giáo xứ, tuỳ khả năng và tình hình cụ thể có thể có những phòng ban đặc trách về mục vụ gia đình theo tinh thần thư chung của hội đồng giám mục Việt Nam năm 2002. Bên cạnh đó, xã hội cũng cần có những trung tâm giáo dục bằng phương pháp tự nhiên trong đời sống vợ chồng và văn phòng tư vấn để hỗ trợ kịp thời cũng như hướng dẫn một cách cụ thể và thích hợp với từng “đối tượng”.

b. Đào tạo nhân viên về mục vụ gia đình

Đứng trước bối cảnh đen tối về những giá trị luân lý căn bản, tất cả chúng ta được mời gọi cộng tác để xây dựng một chiều hướng mới, nhằm mục đích làm thăng tiến con người trong toàn diện sự thật, trong tự do và phẩm giá của nó. Nghĩa là cần phải có một sự suy tư và một trách nhiệm thật sự làm sao cho nền văn hoá này được phúc âm hoá một cách sâu xa, những giá trị thực sự được nhìn nhận, những giá trị của người nam và người nữ được bảo vệ và nền công lý trong các cơ cấu của xã hội được cổ võ[15]. Đức Phaolô VI đã từng kêu gọi các vị hữu trách về gia đình rằng: ngài khẩn thiết kêu gọi hãy làm hết sức mình một cách nỗ lực và không ngừng bảo vệ sự thánh thiện của hôn nhân, để nó luôn giữ được trọn vẹn tính chất nhân bản và Kitô giáo của mình.[16]

c. Khoá học thường huấn cho các linh mục

Mặc dù, giám mục là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc mục vụ gia đình, nhưng thực ra các linh mục là người tiếp xúc trực tiếp hơn cả với những đôi hôn nhân và các gia đình, cụ thể là ở trong giáo sứ của mình. Vì vậy, các linh mục không chỉ mở rộng hiểu biết về các vấn đề luân lý và phụng vụ mà còn phải trau dồi cả những tương quan về cá nhân và xã hội nữa. Hơn thế, để là người đồng hành và hướng dẫn các gia đình “sống đức tin giữa lòng dân tộc” thì người mục tử cũng cần hiểu được những tình cảnh và những trắc trở của đời sống gia đình, đặc biệt là trong xã hội đầy biến động và thay đổi như hiện nay. Thiết nghĩ, những buổi thường huấn là dịp thích hợp để các vị hữu trách có dịp “hâm nóng” và “cập nhật” những vấn đề trong gia đình để có cách thế phù hợp trong trách nhiệm hướng dẫn các gia đình.
 
d. Đưa môn học Hôn nhân Gíao dục vào trong học viện, chủng viện

Chuyện cấp thiết là các mục tử và những người tín hữu cần phải biết nhận thức, phê bình về nền văn hoá chống lại gia đình này như những người chủ động để xây dựng một nền nhân bản đích thực về gia đình[17]. Đó là chuyện không phải dễ khi các đôi vợ chồng trẻ phải đối mặt với nhiều tình huống trong những ngày đầu sống đời hôn nhân. Vì thế, họ cần có những người hướng dẫn “lành nghề”. Tuy nhiên, chúng ta thấy là những người hướng dẫn các gia đình trẻ dường như không phải ai cũng biết và có chuyên môn về gia đình, thông thường thì “mù tịt” hoặc là “ngỡ ngàng” với những vấn đề của gia đình. Các tu sĩ, các thầy, hoặc các soeurs khi mục vụ thì không nhiều người có chuyên môn hoặc là được trang bị “tạm thời”, đôi chút về vấn đề gia đình. Có lẽ rất cần các “nhân viên lành nghề” để cùng hướng dẫn, chia sẻ và tháo gỡ những khúc mắc trong đời sống thường ngày cũng như đời sống đức tin của gia đình. Hiện nay với đà “tăng trưởng” của các vụ ly dị và những rắc rối trong vấn đề hôn nhân thì hầu như các nhân viên hỗ trợ hay tư vấn không đủ, vì thế chúng ta cần thêm nhiều các cộng tác viên và chuyên viên cho vấn đề này, không chỉ để giải quyết mà còn để hướng dẫn và tuyên truyền kịp thời trên tinh thần “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

e. Chương trình giáo lý Hôn nhân Gíao dục xa và gần, qua mạng

Đây là vấn đề thiết thực và can phải nhanh chóng được triển khai một cách thích hợp. Hiện nay vấn đề di dân vì hoàn cảnh sống, vì cơm áo gạo tiền, người ta không còn sống “ổn định” trong một giáo xứ nhu trước mà phải đi làm ăn xa, phải “chạy sô” liên tục, thời gian tùy thuộc vào tính chất công việc chứ không thuộc vào những sinh hoạt ổn định của cả một cộng đồng như trước nữa. Do đó, một chương trình giáo lý từ xa và qua mạng (internet) là một điều can thiết để từngd người có thể tiếp can với chương trình giáo lý hôn nhân, không chỉ là các bạn trẻ, những vợ chồng son và còn là những chuyên viên tư vấn, mục vụ gia đình và tất cả những aiquan tâm đến hạnh phúc gia đình.

Kết

 

1. Một vài gợi mở và ước mong


Hạnh phúc gia đình không chỉ hàm chứa những điều tốt đẹp như: sự đầm ấm, an vui và hạnh phúc, mà còn ẩn hiện biết bao thử thách và những thách đố như: ly hôn, sự tan vỡ, thất vọng, thờ ơ… Thế nhưng, hạnh phúc gia đình chẳng phải là điều mà biết bao người mong ước và đang xây dựng nó sao? Người ta hạnh phúc được yêu và lấy người mình yêu, vì vậy mà hôn nhân luôn là đích nhắm của một tình yêu trọn vẹn. Hôn nhân làm cho tình yêu được thăng hoa đến đỉnh điểm và thành toàn nó trong trách nhiệm và sự chia sẻ của hai người, để từ đó cả hai cùng phấn đấu và giúp nhau vượt khó trong đời sống lứa đôi. Tuy nhiên, một gia đình “lý tưởng” không từ trên trời rơi xuống, không do ai ban phát hay mua được mà phải do quá trình chung sống tạo lập nên, mang tính liên tục, sáng tạo và bền vững. Chúng ta không nên coi thường hay mãn nguyện quá đáng đến độ nghĩ rằng hạnh phúc gia đình là điều giản đơn. Hạnh phúc thì nhẹ nhàng nhưng nó giống như chiếc bình thuỷ tinh mỏng manh nên mỗi người phải hết sức thận trọng và quan tâm để giữ gìn và thăng hoa nó. Đặc biệt trong bối cạnh xã hội hiện nay, chúng ta không thể coi thường những nguy cơ có thể đe doạ đến hạnh phúc gia đình được.

Tuy nhiên, dù khó khăn thế nào và càng khó khăn bao nhiêu thì vợ chồng lại càng cần đến nhau và thương yêu nhau nhiều hơn để cùng nhau vượt qua tất cả và giữ gìn hạnh phúc lứa đôi vì “thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Vợ chồng cần đến nhau cả trong tinh thần lẫn vật chất và luôn là chỗ dựa đáng tin cậy nhất của nhau. Họ cần ở nhau sự đồng điệu của hai tâm hồn nơi tôn giáo họ tin, trong làn khói hương phản phất lời nguyện cầu, trong ánh mắt cảm thông, trong nụ cười khích lệ. Một sự “tận trao” không giới hạn như thế sẽ khoả lấp đi những ngăn cách của sự khác biệt, của chia rẽ, thờ ơ… để chỉ còn nhìn về “một hướng” là hạnh phúc gia đình và tương lai con cái mà thôi.

Vì vậy, những năm đầu sau ngày cưới là một thách đố lớn và luôn có những khoảng trống cần được lấp đầy. Cả hai cần hiểu biết đầy đủ về người bạn đời mình và thông cảm cho nhau qua đời sống hôn nhân hằng ngày. Đó cũng là những kinh nghiệm xương máu và quý giá mà mỗi người phải lưu ý để tránh đi vào vết xe đổ của người khác cũng như của mình. Đời sống mới cần những con người mới, cách thế mới, vì vậy những dự tính của mỗi người cần được điều chỉnh lại và sẵn sàng đón nhận những chuyện bất ngờ, đôi khi thì lạ lẫm, có lúc lại tẻ nhạt và nhàm chán. Do đó cả hai phải cùng nhau học cách đối phó và xứ lý vấn đề sao cho những ước muốn và tình cảm của nhau luôn tìm được một sự hoà hợp, tương đồng. Dĩ nhiên không phải lúc nào cuộc sống cũng đều đều nhưng dù “cao hay trầm”, luôn có sự hoà điệu của cả hai, để từ đời sống thường ngày gia đình được thăng hoa và thể hiện một sự thánh hoá và ơn gọi của đời sống hôn nhân trong lòng Giáo hội.

2. Kinh cầu cho các gia đình

Lạy thánh gia Nazareth, là gương mẫu của đời sống thánh thiện, công bình và yêu thương. Xin cho gia đình chúng con trở nên nơi đào tạo nhân đức, trong hiền hoà, phục vụ và cầu nguyện. Xin cho chúng con xây dựng gia đình thành nơi an ủi cho cuộc đời đầy thử thách. Xin cho chúng con biết làm cho mọi người trong gia đình được thăng tiến để góp phần vào việc phát triển xã hội, và cộng tác trong việc xây dựng Giáo hội. Xin Ba Đấng luôn hiện diện trong gia đình chúng con, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi lo âu cũng như lúc hy vọng, khi sinh con cũng như lúc có kẻ qua đời, để khi trải qua mọi thăng trầm của cuộc sống, chúng con luôn chúc tụng Chúa, cho đến ngày được sum họp với Ba Đấng trong Nước Trời. Amen.[18]

[1] Nguyễn Ngọc Phú, chủ biên, Chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam ngày nay (Hà Nội: Quân đội, 2006), tr. 139.
[2] Minh Nguyên, “Vụ ly dị bạc tỉ”, Nhật báo Thanh Niên, 05-01-2007, tr. 9.
[3] Familiaris Consortio (FC), 6. Bản dịch của Nguyễn Văn Dụ, Roma, 2006.
[4] Hạnh Nguyên, “Đổ vỡ gia đình vì đâu?”, Nhật báo Thanh Niên, 05-09-2004, tr. 6.
[5] FC, 6.
[6] Dương Phú Hiệp và Nguyễn Duy Dũng, biên tập, Những thay đổi về văn hoá, xã hội trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thì trường ở một số nước châu Á (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1998), tr. 262.
[7] FC, 4.
[8] FC, 5.
[9] Humanae vitae (HV), 25.
[10] LG, 11.
[11] Nguyễn Văn Dụ, Hướng dẫn Mục vụ Gia đình (Toà tổng Giám mục Tp. HCM: 2007), tr.118-119.
[12] Vũ Dũng, Tâm lý Tôn giáo (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1998), tr. 138.
[13] Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình nhân dịp Năm thánh hoá các gia đình, 1993, tr. 17.
[14] FC, 73.
[15] FC, 8.
[16] HV, 20.
[17] FC, 7.
[18] Xc. HĐGMVN, Thư chung năm 2002, số 10.