Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

TIẾN HÓA SÁNG TẠO VÀO ĐỨC TIN CÔNG GIÁO

Thời sự Thần học - Số 2, Tháng 2/2009, tr. 70-82.

_Gioan Phêny Ngân Giang_ 


I. Những lý thuyết giải thích


Thật ra, không có một lý thuyết giải thích nào được xem là thoả đáng và có thể trả lời trọn vẹn cho vấn đề tiến hoá. Lý thuyết tổng hợp hay tân Darwin sau một thời gian thống trị, ngày hôm nay cũng cho thấy nhiều điều cần phải xem xét lại. Nói đúng ra, cha đẻ của thuyết tiến hoá không phải là Darwin (1809-1882) nhưng là Lamarck (1744-1829). Thuyết tiến hoá của Lamarck đã bắt đầu thành hình từ năm 1802. Lần đầu tiên, tính liên tục, sự thay đổi và tính chất phức tạp của các loài động vật trong sự tiến triển của nó được để ý và được hiểu biết như một mối liên hệ có chung nguồn gốc mà từ đó cái phức tạp nhất khởi đi từ cái đơn giản nhất. Tuy nhiên, sự giải thích mang tính cơ học về tiến hoá của Lamarck không được kinh nghiệm chấp nhận.

Bên cạnh đó, một lý thuyết khác của Darwin về chọn lọc tự nhiên được khởi xướng năm 1858 bởi C. R. Darwin và A. R. Wallace (1823-1913). Lý thuyết này thật sự đã có những ảnh hưởng đáng kể bởi A. Weismann (1834-1914) trong việc phân biệt giữa những yếu tố di truyền và không di truyền. Thêm vào đó, thuyết Darwin cùng với những quy luật di truyền của G. Mendel (1822-1884) cũng như lý thuyết về đột biến của Hugo De Vries (1848-1935) đã có tầm ảnh hưởng rộng khắp trong các nhà sinh vật học.[1]

Tựu chung lại, vấn đề tiến hoá có thể được nhìn dưới ba lý thuyết chính sau đây:

+ Lý thuyết về sự ổn định (constance spécifique ou fixisme) (Cuvier, Jussieu, Agassiz, de Quantrefages): Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng các loài và cho chúng khả năng chống chịu với những thay đổi bên ngoài dưới những ảnh hưởng khác nhau.

+ Lý thuyết về sự biến đổi không hoàn toàn (transformations in-traspécifiques ou transformisme improprement dit): Thiên Chúa tạo dựng nhiều loài và chúng có những cấu tạo tương tự nhau do hình thể bản thể giống nhau. Qua những thay đổi phụ thể do hoạt động của nguyên lý sự sống, chịu ảnh hưởng của khí hậu, nơi chốn… chúng sẽ phát triển trải qua nhiều thời đại. Lý thuyết này không chấp nhận một sự cố định và cho thấy hiện trạng khả dĩ của khoa học.

+ Lý thuyết về sự biến đổi hoàn toàn (transformations in-traspécifiques ou transformisme improprement dit): các loài sinh vật thay đổi theo một tiến trình chậm chạp, trước là những sinh vật đơn giản, tầm thường rồi từ từ trở nên phức tạp và hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, nếu thuyết này bỏ qua hoạt động của Thiên Chúa để giải thích nguồn gốc, sự hoàn hảo của sự sống thì nó đã vi phạm nguyên lý hiển nhiên và phổ quát về tính nhân quả khi cho rằng cái hoàn hảo hơn lại phát xuất từ cái kém hoàn hảo, cái phức tạp lại khởi đi từ cái đơn giản.

Đối với con người, lý thuyết này không cho thấy loài người là một trong những loài đã trải qua sự biến đổi lâu dài về thời gian, và thân xác con người cũng không là kết quả của sự biến đổi từ khỉ hay vượn người. Thật thế, bởi lẽ có quá nhiều sự khác nhau trong các đặc tính về mặt cơ chế giữa người và khỉ: sự phức tạp của não bộ, hình dạng khuôn mặt, bàn tay, bàn chân, tư thế đứng, tỷ lệ kích thước các chi. Hơn thế nữa, người ta chưa bao giờ tìm thấy khảo cổ trung gian nào giữa khỉ và con người. Rõ ràng, cái xuất hiện ở kỷ nguyên thứ tư như một loài hoàn toàn mới là con người lại không có nguồn gốc ở kỷ nguyên thứ ba và hoàn toàn khác với những động vật có vú khác.[2]

II. Lịch sử vấn đề


a. Công đồng Vaticanô I


Công đồng Vaticanô I trong chương 2 về Mạc khải đã nói về khả năng của lý trí trong việc nhận biết Thiên Chúa qua công trình sáng tạo của Người: “Cũng như Mẹ Hội Thánh đã gìn giữ và dạy rằng Thiên Chúa, Đấng là nguồn phát sinh và cùng đích của muôn vật, có thể được nhận biết cách chắc chắn khi xem xét các sự vật được tạo dựng, nhờ vào khả năng tự nhiên của lý trí con người: qua suốt công trình sáng tạo thế giới, bản chất không thể tìm thấy của Thiên Chúa lại có thể được nhận biết cách rõ ràng qua muôn vật được tạo thành”. (xc. Rm 1,19-20; Kn 13).

Đức Piô XII trong thông điệp Humani Generis đã trình bày một lập trường trung lập đối với vấn đề tiến hoá. Lý trí con người nhờ vào khả năng và ánh sáng tự nhiên có thể đạt tới sự thật và tri thức chắc chắn về một Thiên Chúa ngôi vị, Đấng qua sự quan phòng của Người trông nom và điều khiển thế giới, cũng như luật tự nhiên là điều mà Người đã khắc ghi nơi tâm hồn chúng ta.[3]

Về vấn đề nguồn gốc của thân xác con người, Đức Thánh Cha xem việc thân xác con người xuất phát từ một thứ vật chất sống động và có trước là một đòi hỏi của khoa học tự nhiên. Những người Công giáo hoàn toàn tự do có ý kiến của riêng mình, nhưng họ cần phải cẩn trọng về việc ấy. Họ không nên nhầm lẫn một sự việc với một sự phỏng đoán và nên tôn trọng quyền của Giáo hội trong việc xác định những vấn đề có liên quan đến Mạc khải bởi lẽ chúng ta biết rằng sự thật không thể chống lại sự thật (Leo XIII, Providentissimus Deus).[4]

Tuy nhiên, những người Công giáo phải tin rằng, linh hồn con người được tạo dựng trực tiếp từ Thiên Chúa (anima enim a Deo immediate creari catholica fides non retimere iubet). Bởi lẽ linh hồn là một bản thể tinh thần nên không thể là kết quả của những biến đổi vật chất nhưng phải được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng và đơn nhất cách đặc biệt nơi mỗi người.[5] Vì thế, những lý thuyết tiến hoá xem tinh thần nơi con người chỉ là một hiện tượng phụ hay chỉ là một nét nổi bật của sức hoạt động nơi vật chất sống động đều không phù hợp với sự thật về con người. Những lý thuyết ấy không thể nào hữu ích cho nền tảng căn bản là phẩm giá của hữu thể nhân linh.

b. Sau Công đồng Vaticanô II


- Đức Gioan Phaolô II

Đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp gửi cho Hàn lâm viện Khoa học Giáo hoàng về vấn đề tiến hoá đã viết: “Trong thông điệp Humani Generis (1950), vị tiền nhiệm của tôi, Đức Piô XII đã khẳng định rằng không có mâu thuẫn nào giữa tiến hoá và học thuyết đức tin về con người và sứ vụ của họ. Điều đó cho thấy rằng chúng ta không quên đi những điểm căn cốt… Ngày nay, sau khi thông điệp đã xuất hiện hơn một nửa thế kỷ, những tìm kiếm mới mẻ đưa chúng ta đến việc nhận ra sự tiến hoá còn hơn một giả thuyết. Thật ra, cần phải ghi nhận rằng lý thuyết này ngày càng có những ảnh hưởng lớn lao về tinh thần đối với những nhà nghiên cứu trong nhiều khám phá theo những phương pháp khoa học khác nhau. Sự hội tụ của những kết quả nghiên cứu độc lập này, vốn không được hoạch định cũng không được kỳ vọng, thật sự tạo nên cho chính nó một luận cứ có ý nghĩa trong việc ủng hộ lý thuyết này”.[6]

Vậy ý nghĩa hay tầm quan trọng của lý thuyết như thế này là gì? Để nói về điều này, Đức Thánh Cha cho thấy sự khác nhau trong vấn đề nhận thức luận. Rõ ràng, một lý thuyết là một phác thảo vượt quá – khoa học (meta-scientific) vốn phân biệt nhưng hoà hợp với những kết quả quan sát. Với sự trợ giúp của những lý thuyết như thế, những dữ liệu và các sự kiện độc lập có thể được liên kết với một cái khác và có thể không được giải thích theo một cách hiểu nào đó. Một lý thuyết được chứng minh nhờ vào sự đo lường. Nó cũng có thể chống lại các sự kiện khi nó không còn giải thích những sự kiện ấy. Khi đó, nó cho thấy những giới hạn của chính nó và cần được duyệt xét lại. Hơn thế nữa, phác thảo của một lý thuyết như thuyết tiến hoá chẳng hạn, trong khi phải kiên định theo những kết quả quan sát được, nó cần phải hội nhập những ý kiến đến từ triết học tự nhiên.

Từ cái nhìn có tính ôn hoà về thuyết tiến hoá, Đức Thánh Cha cho thấy rằng điều chính xác hơn không phải là nói về một thuyết tiến hoá nào đó nhưng có thể có nhiều thuyết tiến hoá khác nhau. Bởi lẽ phải nói như thế vì một mặt do tính đa dạng của những giải thích mang tính cơ chế về tiến hoá, mặt khác là sự đa dạng của các triết thuyết. Có những lý thuyết của những người theo chủ nghĩa duy vật và giản lược, nhưng cũng có những lý thuyết thuộc trường phái duy linh. Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng nằm trong thẩm quyền của triết học và xa hơn nữa là thần học.[7]

Tiếp theo, Đức Thánh cha cho thấy rằng Huấn quyền Giáo hội quan tâm trực tiếp đến vấn đề tiến hoá bởi vì nó chạm đến quan điểm về con người là đối tượng mà Mạc khải cho chúng ta biết con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Hiến chế Gaudium et Spes cho chúng ta cái nhìn rõ ràng về vấn đề này: “Con người là thụ tạo duy nhất trên trái đất này Thiên Chúa đã muốn vì mục đích của chính nó”.Nói khác đi, con người không thể bị giáng xuống tầm mức của một phương tiện cho một mục đích hoặc như dụng cụ của giống loài hay tổ chức xã hội; con người có giá trị của riêng mình vì là một ngôi vị.

Về mặt triết học, Đức Gioan Phaolô II nói đến một quãng cách hữu thể học khi nhìn về con người. Khi đặt ra sự gián đoạn về mặt hữu thể học, Đức Thánh Cha cho thấy hai cái nhìn dường như không thể nào dung hoà được với nhau. Một mặt, khoa học với những quan sát mô tả và đo lường cùng với mức độ chính xác đáng kể cho thấy các ghi nhận về mặt thời gian những biểu hiện của sự sống. Tuy nhiên, một khoảnh khắc diễn tả trong địa hạt tinh thần lại không phải là một thứ nào đó có thể được quan sát theo cách này dù rằng chúng ta có thể nhận thấy điều ấy qua nghiên cứu thí nghiệm. Thay vào đó chúng ta có thể nhận thấy rằng kinh nghiệm siêu hình của sự tự ý thức, tự nhận thức, của ý thức luân lý, của tự do, hay của thẩm mỹ và kinh nghiệm tôn giáo đều phải được phân tích qua những suy tư triết học, trong khi đó thần học muốn làm rõ ý nghĩa tối hậu của những ý muốn nơi Đấng Sáng Tạo.

- Đức Bêneđictô XVI

Trong một bản văn năm 1968 có nhan đề “Niềm tin về sáng tạo và lý thuyết tiến hoá”, Đức Bêneđictô XVI, khi còn là Hồng y Joseph Ratzinger, đã muốn xác định rõ mối tương quan giữa khoa học và thần học: “Lý thuyết tiến hoá không gạt bỏ cũng không khẳng định thêm cho đức tin. Nhưng lý thuyết ấy thúc đẩy đức tin tìm biết chính mình một cách sâu sắc hơn và cũng giúp cho con người hiểu biết và ngày càng trở nên chính họ hơn: con người từ muôn đời phải là nghĩa thiết với Thiên Chúa”.

Trong bốn bài thuyết trình về chương đầu tiên của sách Sáng thế, Đức Hồng y lặp lại một cách mạnh mẽ hơn vào năm 1981 từng mục một giữa sáng tạo và tiến hoá, đặc biệt chú trọng vào khái niệm về sự ngẫu nhiên. Lại nữa, người nhấn mạnh về sự phi lý trong việc đối chất nền tảng giữa tiến hoá và sáng tạo: theo người có hai sự tiếp cận đầy đủ và không loại trừ lẫn nhau. Lối thứ nhất tập trung vào câu hỏi “như thế nào?” nơi các sự vật, và lối thứ hai sẽ nói đến “tại sao?” và từ đó đưa đến việc tiếp cận với nguồn gốc của dự án thần thánh. Vấn đề chính yếu mà người quan tâm tập trung vào ý nghĩa của sự hiện hữu: “Nếu chúng ta biết rằng chúng ta không phải là hoa trái của sự ngẫu nhiên nhưng là kết cục của tự do và tình yêu, thì khi đó chúng ta vốn là những kẻ bất tất lại có thể cầm nắm ân sủng cho chính tự do này, và qua đó, chúng ta cho thấy thiện hảo biết bao khi là một con người”. Nói khác đi, Hồng y Ratzinger loại bỏ dứt khoát luận đề của Richard Dawkins khi cho rằng con người là một sản phẩm di truyền học phức hợp và xuất hiện một cách ngẫu nhiên thuần tuý.[8]

Bên cạnh đó, khi nói về bản chất con người, trong cùng tuyến đường với vị tiền nhiệm của mình là Jean-Paul II, Đức Hồng y khẳng định rằng: “Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, điều này có nghĩa rằng con người là một hữu thể có cấu thành trong tương quan, và qua tất cả những mối tương quan và trong mối tương quan ấy, con người tìm kiếm một mối tương quan nền tảng cho hiện hữu của mình”.

Chủ đề về tiến hoá đã được Hồng y Joseph Ratzinger nói đến nhiều lần trước khi người được bầu làm Giáo hoàng. Chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi chủ đề này lại được chọn trong bài giảng đầu tiên của người với tư cách là Giáo hoàng. “Chúng ta không phải là sản phẩm của sự tình cờ và bất ngờ theo quan điểm của tiến hoá. Mỗi người trong chúng ta là hoa trái của thượng trí Thiên Chúa. Mỗi người trong chúng ta được muốn, được yêu thương, mỗi người đều là thiết yếu”. Không dừng lại ở sự thật khả hữu có tính phổ quát của lý thuyết tiến hoá đối với toàn bộ loài người. Đức thánh cha nhấn mạnh rằng sự hiện hữu của mỗi người không phải là kết quả của sự ngẫu nhiên nhưng là do Thiên Chúa. Chúng ta là tất cả và tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương ngay từ trong hiểu biết của chúng ta.

Đức Bênêđictô XVI không hoàn toàn thuận theo những đòi hỏi của thuyết tiến hoá vì bốn lý do sau. Trước hết, người cho rằng không thể xác minh những khẳng định về các khoảng thời gian. Hơn nữa, lý thuyết này chưa phải là một lý thuyết hoàn tất, được xác minh cách trọn vẹn, cũng như nó chỉ có vẻ là đúng mà thôi. Bên cạnh đó, vấn đề về tính liên tục của sự tiến hoá gặp phải khó khăn và người cho là tiến hoá có thể phải có một bước nhảy. Cuối cùng, chính người nhấn mạnh rằng “những đột biến tích cực (được chọn lọc trong tiến hoá) thật ra không phải là nhiều”.

Hướng kết luận của Đức Thánh Cha đặc biệt mạnh mẽ. Trước hết, vật chất gồm tóm “một tính hữu lý nào đó” khiến nó có thể được đọc ra và vượt lên trên “tính phi lý, sự hỗn loạn, sự phá huỷ” mà chúng ta có thể nhận ra điều này dọc theo tuyến đường tiến hoá. Thế nên, chính tính hữu lý này chiếm giữ vị trí trung tâm đối với con người. Mặc cho những sự rời rạc và bất ngờ nơi hành lang hẹp của tiến hoá (I’étroite corridor de l’évolution), trong sự chọn lọc những đột biến tích cực nào đó và trong sự biểu lộ có chút gì là thật ấy thì tiến trình này vẫn là một cái gì có tính hữu lý.

Như vậy, ở chính nơi mà khoa học tạm ngưng mọi phán đoán của nó thì cũng là nơi mà lý trí sáng tạo thần thiêng được thoáng thấy. Sự bấp bênh và ngẫu nhiên vốn là tác phẩm của tiến hoá nơi các sinh vật được phục hồi trong một tổng thể rộng lớn, có trật tự và hữu lý, nhờ đó chúng ta có cho mình một lối vào riêng.

III. Giáo lý Hội thánh Công giáo về Sáng tạo và Tiến hoá


Giáo lý Hội thánh Công giáo cho thấy giữa đức tin và khoa học có những sự phân biệt rõ ràng và mỗi cái có địa hạt riêng của mình nhưng những chân lý của đức tin và khoa học không mâu thuẫn hay loại trừ nhau: “Mặc dù đức tin vượt trên lý trí, nhưng không bao giờ hai bên thực sự mâu thuẫn nhau: Đấng mặc khải các mầu nhiệm và thông ban đức tin, cũng chiếu rọi ánh sáng khôn ngoan xuống tâm trí con người, Thiên Chúa không thể tự phủ nhận chính mình, cũng như điều chân thật không bao giờ nghịch lại điều chân thật” (x. Cđ Vaticanô I: DS 3017). Bởi vậy, việc nghiên cứu có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách thật sự khoa học và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ trái nghịch với đức tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra. Hơn nữa, những ai kiên nhẫn và khiêm tốn cố gắng nghiên cứu sâu xa những bí ẩn của các sự vật, thì mặc dù không ý thức, họ như được bàn tay Thiên Chúa hướng dẫn, vì Người là Đấng bảo trì muôn loài và khiến chúng hiện hữu theo bản tính riêng của chúng” (GS 36,2).[9]

Thêm vào đó, câu hỏi về nguồn gốc thế giới và con người không những không làm cho hiểu biết con người rời xa Thiên Chúa, trái lại, khi nhìn ngắm và khám phá ra sự sâu rộng về độ tuổi và các chiều kích của vũ trụ, về sự biến hoá của các dạng sống, về sự xuất hiện của loài người chúng ta thêm lòng cảm phục sự cao cả của Đấng Tạo Hoá, tri ân vì các công trình của Người, vì trí thông minh và khôn ngoan Người ban cho các nhà bác học và các người sưu tầm.[10]

Một khi đối diện với chân lý của sự thật, con người được thôi thúc phải tìm ra ý nghĩa nguồn gốc hiện hữu của mình. những vấn đề về tiến hoá không thôi xoay quanh những vấn nạn: Phải chăng nguồn gốc vũ trụ bị điều khiển bởi một sự ngẫu nhiên, một định mệnh mù quáng, một tất yếu vô danh, hay được điều khiển bởi một Đấng Siêu Việt, thông minh và tốt lành, mà ta gọi là Thiên Chúa. Và nếu thế giới này xuất phát từ sự khôn ngoan và sự tốt lành của Thiên Chúa thì tại sao có sự dữ? Nó tự đâu ra? Ai chịu trách nhiệm? Có cách nào thoát khỏi sự dữ không?[11]

Vậy đâu là đảm bảo cho chúng ta khi phải truy tìm sự thật về vấn đề này, chúng ta phải lựa chọn giữa sáng tạo hay tiến hoá? Thật ra, lý trí con người có thể phần nào cho ta câu trả lời về hiện hữu của Thiên Chúa qua các công trình của Người. Tuy nhiên, sự lu mờ, lầm lẫn và lệch lạc của lý trí lại cần phải có sự bổ khuyết và soi dẫn của đức tin hầu có thể hiểu biết chính xác về chân lý ấy. Thế nên, “nhờ đức tin chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi một lời của Thiên Chúa; vì thế những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có” (Dt 11,3).[12]

Tóm lại, chúng ta có thể kết luận rằng: “Chân lý về sáng tạo rất quan trọng cho cuộc sống loài người, đến nỗi Thiên Chúa đã ưu ái mặc khải cho dân Người tất cả những gì cần biết về vấn đề này để được cứu độ. Vượt trên những hiểu biết tự nhiên mà con người có thể có được về Đấng Tạo Hoá, (x. Cv.17,24-29; Rm 1,19-20) Thiên Chúa đã dần dần mạc khải cho Ít-ra-en mầu nhiệm sáng tạo. Chính Người đã chọn các tổ phụ, đã đưa Israen ra khỏi Ai cập, và khi đã tuyển chọn họ làm dân riêng, Người sáng lập và đào tạo dân này (x. Is 43,1); Người cũng tự mặc khải là Đấng làm chủ trái đất và muôn dân, là Đấng duy nhất đã dựng nên trời và đất” (Tv 115,15; 124,8; 134,3).[13]
[1] “Évolution”, Jean-Yves Lacoste, Dictionnaire Critique de Théologie (Paris: PUF, 1998).
[2] Henri Collin, Manuel de Philosophie Thomiste-Tome Premier (Paris: Librairie P. Téqui, 1926), p. 206-212.
[3] Humani Generis(HG), số 2.
[4] Ibid.
[5] HG., số 5.
[6] John Paul II, Message to the Pontifical Academy of Sciences: On Evolution (22 October 1996), số 3 & 4.
[7] Ibid.
[8] “Création et Évolution. La pensée de Benoit XVI”, V. Aucante, Nouvelle revue theùologique (Tome 130/n.3, Juillet-September 2008).
[9] GLHTCG, số 159 (cuõng xem các số 283, 2293).
[10] Ibid., số 283.
[11] Ibid., số 284. “Từ buổi đầu, Ki-tô giáo đã phải đương đầu với những giải đáp khác với đức tin của chính mình về vấn đề nguồn gốc. Người ta gặp trong các tôn giáo và các văn hóa cổ xưa nhiều huyền thoại về vấn đề nguồn gốc. Một số triết gia cho rằng tất cả mọi sự đều là Thiên Chúa, thế giới là Thiên Chúa, hoặc biến hóa của thế giới là biến hóa của Thiên Chúa (thuyết phiếm thần). Người khác cho rằng thế giới là sự sinh xuất tất yếu của Thiên Chúa, chảy từ nguồn mạch rồi lại trở về đó. Người khác lại khẳng định sự hiện hữu của hai nguyên lý vĩnh tồn, Thiện và Ác, Ánh Sáng và Bóng Tối đấu tranh miên trường, (thuyết nhị nguyên, giáo phái do Manes sáng lập). Theo một vài quan niệm, thế giới (ít nữa là thế giới vật chất) là xấu, sản phẩm của một sự thoái hóa, vì vậy cần phải loại bỏ đi hoặc phải vượt khỏi (thuyết ngộ đạo); quan niệm khác chấp nhận rằng thế giới do Thiên Chúa tạo nên, như một người thợ làm ra một đồng hồ, làm ra rồi bỏ đó (tự nhiên thần giáo). Cuối cùng, có những quan niệm không chấp nhận nguồn gốc siêu việt nào cho thế giới, mà chỉ xem đó hoàn toàn là một chuyển vận của vật chất vẫn có từ muôn thưở (thuyết duy vật). Tất cả những cố gắng đó cho thấy, con người ở đâu cũng như bất cứ thời đại nào, đều thắc mắc về nguồn gốc của vũ trụ và của mình. Chỉ có con người mới khắc khoải truy tìm về cội nguồn như thế” (số 285).
[12] Ibid số 286.
[13] Ibid., các số 283-287.