Thời sự Thần học - Số 2, Tháng 2/2009, tr. 70-82.
_An Phong_
Như thế, suy tư về tạo dựng gắn liền với suy tư về cứu độ.
“Từ khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Thiên Chúa phán: Phải có… (St 1, 1-3a)
“Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải” (2Cr 5, 17-18)
Thần học Kitô giáo truyền thống đã coi 2 đoạn văn trên nói về hai hoạt động riêng biệt của Thiên Chúa: tạo dựng và cứu độ. Nhưng có lẽ cần phải coi là một tất cả các ý tưởng: về tiến hóa, về Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới hôm nay, về nhân loại được hiệp nhất nên một trong tương giao với Thiên Chúa. Nhờ đó, tạo dựng liên tục của Thiên Chúa – gồm cả ơn cứu độ, vẫn đang tiếp diễn.
Bản đồ thế giới theo khoa học và theo tôn giáo
Trước hết cần quan tâm tới khái niệm “làm bản đồ”. Cả khoa học lẫn tôn giáo đều muốn “làm bản đồ” mô tả thế giới, hoạt động của nó. Và điều đó có ý nghĩa cho hạnh phúc của nhân loại trong thế giới này. Nhưng bản đồ là bản đồ, còn thế giới thực có thể lại khác… Chúng ta có khá nhiều quan niệm về bản đồ.
Có nhiều loại bản đồ khác nhau, diễn tả những yếu tố khác nhau trên thế giới. Bản đồ thời tiết trình bày hệ thống sức ép, gió. Bản đồ địa hình diễn tả các thế đất cao thấp. Bản đồ giao thông vạch ra những con đường đi từ nơi này đến nơi khác. Tất cả những loại bản đồ như thế có thể diễn tả cùng một khu vực, một quốc gia. Ví dụ như: nước Việt Nam, Hoa Kỳ... Nói chung, các bản đồ trình bày cùng một thực tại nhưng với nhiều cách khác nhau.
Tuy nhiên, trong thực tế bản đồ được vẽ ra thì không hoàn toàn như thực tại. Điều này cần một sự khiêm tốn. Các quan niệm trong khoa học và tôn giáo cũng không chuẩn xác như nhau khi diễn tả, giải thích hoặc đánh giá một thực tại và cả hai đều có những quan điểm khác nhau và khác với điều được diễn tả. Như các bản đồ, các quan niệm này cần được thanh lọc, xem xét và thậm chí thay đổi do kinh nghiệm.
Chúng ta có thể dùng khái niệm về các bản đồ để so sánh môt số những ý tưởng của Khoa học cũng như của Thần học. Chúng ta cần xem xét sự giống nhau của hai loại bản đồ khác nhau của cùng một thành phố: bản đồ xe điện và bản đồ đường bộ. Những bản đồ này hoàn toàn khác nhau về nhiều phương diện: chẳng hạn hướng đi, những địa danh khác nhau… Tuy có sự khác nhau như thế, nhưng những bản đồ này đều diễn tả cùng một thành phố.
Áp dụng loại suy cho các ý tưởng thuộc lãnh vực tôn giáo và thuộc lãnh vực khoa học. Trước hết chúng ta cần giả định rằng: chúng là những bản đồ của cùng một thế giới. Dĩ nhiên, chúng hoàn toàn khác nhau. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể tìm ra những ý tưởng chung nhau. Nếu chúng ta sử dụng những bản đồ này để định hướng cho một hành trình , chúng ta có thể khám phá thấy rằng một số điểm dừng tại “trạm dừng xe điện” (bản đồ khoa học) có thể tương hợp với môt số “ngã tư phố” (bản đồ tôn giáo). Như thế, một cách nào đó quan điểm của khoa học và quan điểm của thần học Kitô giáo có thể đứng chung trong thế giới và cuộc sống chúng ta.
Có một số điểm tương phản giữa bản đồ khoa học và bản đồ tôn giáo. (Bản đồ) Khoa học đưa ra những giải thích về các sự việc xảy ra thế nào, sẽ đi đến đâu nhờ những biến cố đi trước. Khoa học thường dùng dạng thức “tự nhiên” (nonpersonal) để xem xét các sự việc xảy ra và phần lớn thời gian là để khám phá và hiểu biết về thế giới, kể cả nhân loại và cộng đồng nhân loại, mặc dầu không quan tâm đến những khám phá này có mang lại thiện ích cho nhân loại hay không. Dĩ nhiên, khoa học đòi phải có mục đích phục vụ thiện ích của nhân loại, tức là giúp nhân loại sống thoải mái hơn. Chẳng hạn, khoa học tìm kiếm để biết điều trị bệnh tật sao cho có hiệu quả. Và khoa học cũng tìm để hiểu cơ chế vi sinh vật, chúng sống và hoạt động ra sao. Mặc dầu, không quan tâm đến sự hiểu biết này có mang lại thiện ích cho nhân loại hay không. Theo đó, khoa học tìm kiếm để biết giá trị thực.
(Bản đồ) Tôn giáo cũng quan tâm đến các sự việc xảy ra thế nào nhưng nhắm đến các giá trị – ít nhiều quan trọng và tìm kiếm cái gì là quan trọng tối hậu. Đôi khi tôn giáo cũng phác thảo một thế giới theo cách thức “tự nhiên” (nonpersonal), nhưng chủ yếu vẫn là những dạng thức “nhân sinh” (personal) để xem thế giới hoạt động ra sao và có ý nghĩa gì cho nhân loại. Tôn giáo khám phá thế giới vì một mục tiêu đặc biệt: thiện hảo cho nhân loại. Tôn giáo còn tìm kiếm kiến thức có thể đóng góp cho mối tương quan nhân vị đối với toàn thể nhân loại, đồng thời đối với thế giới tự nhiên. Có thể nói tôn giáo tìm kiếm sự hiểu biết mang tính cứu độ, nguyên ngữ từ La tinh “cứu độ” – Salus, nghĩa là sức khỏe, an toàn, hạnh phúc.
Làm thế nào có thể hòa hợp hai dạng thức, khoa học và tôn giáo để tìm kiếm sự hiểu biết. Thực ra, cả hai bản đồ này cùng nhắm đến sự biến đổi (transformation) – sự biến đổi trong thế giới, trong vũ trụ và trong cuộc sống nhân loại.
Bản đồ sáng tạo
Sự biến đổi xảy ra cả trong bản đồ khoa học và bản đồ tôn giáo. Trong bản đồ khoa học, định luật đầu tiên của nhiệt động lực học, năng lượng và vật chất không được tạo thành hay bị hủy diệt, nhưng được biến đổi. Chẳng hạn, năng lượng được biến đổi từ năng lượng tiềm thể thành những tiểu tố hạ nguyên tử và những nguyên tử giản đơn khi vũ trụ ban đầu nở ra và ấm dần sau vụ nổ Big Bang. Vật chất cũng được biến đổi từ những yếu tố đơn giản tới những yếu tố phức tạp hơn trong các tinh tú… Trên trái đất, vật chất được biến đổi từ những phân tử đơn giản thành những phân tử tự sản sinh phức tạp hơn và từ những sinh vật có hệ thống thần kinh đơn giản thành những sinh vật có hệ thống thần kinh phức tạp có khả năng suy nghĩ, đó là loài người (Deacon 1997). Trước khi đạt tới mức độ tư duy và truyền thông nhờ ngôn ngữ, con người được biến đổi từ những cộng thể, về phương diện sinh vật học chỉ là những tế bào, thành những cộng đồng xã hội lớn hơn có tính luân lý, có cùng một niềm tin .
Do thái giáo và Kitô giáo cũng cho thấy một số những biến đổi trong bản đồ của thế giới. Điều này nó bao hàm sự biến đổi trời và đất từ tình trạng tiềm thể vô định hình, thành ánh sáng và bóng tối, thành ngày và đêm, mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, một trái đất mang lại sự sống và nhân loại. Cuộc biến đổi này xảy ra với cuộc giải phóng các bộ lạc du mục đang chịu cảnh nô lệ tại Ai cập, thành một dân của Giavê Thiên Chúa (Xh 3-24). Nhiều thế kỷ sau này đã coi cuộc biến đổi đó là cuộc biến đổi từ Giavê là vị thần quốc gia thành Thiên Chúa chung của mọi dân tộc (Is 40-66). Trong Kitô giáo, ngôn sứ Giêsu, người loan báo nước Thiên Chúa đang đến gần và kêu gọi mọi người yêu thương nhau, chính Người đã được biến đổi qua Thập giá và Phục sinh, nhờ một kinh nghiệm đang hiện diện sống động trong một tôn giáo mới, Kitô giáo. Có một cuộc biến đổi khi những suy tư Hy bá của các Kitô hữu tiên khởi được kết hợp với triết lý Hy lạp để nói về một Đức Kitô phổ quát và vũ trụ, đó chính là Logos-Lời. Hôm nay, chúng ta đang cố gắng để biến đổi sự hiểu biết về truyền thống tôn giáo của chúng ta vốn đã cổ xưa, thành cuộc đối thoại với khoa học hiện đại. Chẳng hạn, chúng ta đang tìm cách để biến đổi sự hiểu biết Kitô giáo cổ xưa thành những cách thế mới nhằm diễn tả Thiên Chúa qua Đức Giêsu và Thánh Thần của Người đang hoàn tất công trình cứu độ - sáng tạo trong thế giới chúng ta hôm nay.
Làm thế nào cuộc biến đổi này xảy ra? Hỏi như thế là bắt đầu thấy được sự khác biệt trong quan điểm của bản đồ khoa học và bản đồ thần học Kitô giáo. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng cả hai bản đồ có một số điểm chung, có thể giao thoa với nhau được.
Bản đồ khoa học phác thảo cuộc biến đổi diễn ra qua những tương tác trong thế giới, đó là một tiến trình hai mặt. Một mặt đó là sự xuất hiện của những biến thể hay dao động tình cờ trong hệ thống hiện hữu. Mặt khác là sự chọn lựa một số trong những biến thể để tiếp tục thành những cấu trúc ổn cố và mới. Sự chọn lựa này là kết quả của các định luật tự nhiên, hoặc các sinh vật sống là kết quả của định luật tự nhiên và chọn lựa của môi trường, hoặc một cơ chế văn hóa là chọn lựa của các luật luân lý, những quy chuẩn và chuẩn mực.
Công trình tạo dựng cũng có hai mặt như thế để nói về nguồn gốc của vũ trụ. Nhờ vụ nổ Big Bang cách đây khoảng 14 tỷ năm, vũ trụ bắt đầu trương nở như thể một trái banh căng đầy không khí. Một câu hỏi khá thú vị là tại sao vũ trụ không chỉ trương nở theo một dạng thức duy nhất cho đến khi tỷ trọng của nó giảm đi, nhiệt độ ấm lại tới một ít độ trên Zêrô tuyệt đối. Tại sao toàn vũ trụ không được cấu thành bởi một điều mà ngày nay chúng ta gọi là phóng xạ nền của vũ trụ? Tại sao một vật thể trương nở ban đầu lại được gọi là Big Bang?
Có lẽ có hai điều cần trình bày khi năng lực tiềm thể được giải phóng trong vụ trương nở ban đầu. Đó là có những định luật chi phối việc hình thành các cấu trúc, cũng như vũ trụ ấm dần lên, đến độ phóng xạ tạo nên những phân tử giản đơn. Để ngăn cản những phân tử giản đơn này phát triển vô tổ chức, có lẽ cần có một sự dao động hoặc sự “khuấy động” làm gián đoạn sự đồng nhất. Nhà vũ trụ học Joan Centrella cho rằng: “Các phân tử đầu tiên trong vũ trụ ban đầu bị chuyển động thành những làn gợn sóng, rất giống với đại dương”. Khi những làn gợn sóng này di chuyển qua vũ trụ ban đầu, chúng làm cho vật chất bị ép lại với nhau cho đến khi bùng vỡ và tạo thành các ngôi sao, các thiên hà, ngân hà. Tháng 2/2003 các bức hình được vệ tinh WMAP (the Winlkinson Microwave Anisotropy Probe) chụp cho thấy tia phóng xạ của vụ nổ Big Bang. Việc phân tích các dữ kiện từ vệ tinh này với độ phân giải cao cho chúng ta thấy không có sự đồng nhất trong vũ trụ ban đầu.
Dạng thức đôi này vẫn hiện diện trong vũ trụ bao gồm những yếu tố căn bản làm nên sự sống và nhân loại có văn hóa. Theo Charles Darwin, chúng ta có thể quan sát được sự biến thể và chọn lọc là hai yếu tố làm nên cuộc tiến hóa sinh vật trong sự sống trên trái đất.
Dạng thức biến thể - chọn lọc này giúp chúng ta đi xa hơn. Để vẽ lên cách thế những biến đổi diễn ra thế nào về phương diện thần học, đồng thời theo cách thế có thể so sánh với bản đồ khoa học, chúng ta có thể bắt đầu với ý tưởng về sự nội tại của Thiên Chúa. Các thần học gia Kitô khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng siêu việt, trong khi đó chúng ta nhắm đến vấn đề nội tại của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng thế giới vẫn đang tiếp diễn và trong việc cứu độ nhân loại. Theo quan điểm Kitô giáo, nếu chúng ta có thể triển khai bản đồ thần học của cùng một tiến trình biến đổi trong hai phương diện mà bản đồ khoa học đã phác thảo nói trên, đó chính là sự biến đổi sáng tạo-cứu độ. Tiến trình này là hoạt động của Thần Khí và lời Thiên Chúa. “Thần Khí” nguyên ngữ tiếng Híp-ri nghĩa là gió, hơi thở con người, những khích động và những công việc do tác nhân ngoại thường. Đó vừa là sự sống được duy trì, vừa là sự “khuấy động” cho tình trạng hiện hữu. Trong sách Sáng thế Thần khí hay làn gió của Chúa khuấy động nước trong ngày đầu sáng tạo và tiếp tục bay đi nơi nào Thần khí muốn. Lời Thiên Chúa cũng hiện diện khi Thiên Chúa phán để tạo dựng tạo vật: “Hãy có…”. Hơn nữa, trong Kitô giáo sơ khai, theo quan điểm của những nhà khắc kỷ hay là tân Platon, Đức Kitô được xem là Logos hay là nguyên lý nền tảng, hoặc cái lý của vũ trụ. Logos hiện diện lúc khởi nguyên và trở thành xác phàm nơi Đức Giêsu Nadarét.
Ý tưởng về bản đồ thần học và khoa học có điểm chung ở đây. Có thể nói rằng lời Thiên Chúa chính là luật vốn cai quản cuộc tiến hóa của vũ trụ và thần khí chính là sự dao động ngẫu nhiên hay những biến thể trong hiện hữu. Khi Thần khí “thổi đâu thì thổi” đồng thời tạo ra những biến thể mới, thì một số những biến thể mới này được chọn lọc để tiếp tục hòa hợp với Lời vĩnh cửu. Theo đó, tình trạng ổn cố mới này và các cấp độ của hiện hữu mới trở thành hiện thực. Ngược lại, những tình trạng và cấp độ này sẽ là nền tảng cho năng động xa hơn của Thiên Chúa. Hoạt động của Thần Khí và của Lời luôn liên tục. Đó là một cách nói về sự nội tại của Thiên Chúa xét như là một môi trường vĩnh cửu cho mọi biến dịch.
Phác thảo ơn cứu độ như một tạo thành mới
Làm thế nào, về phương diện khoa học cũng như thần học, sự hiểu biết về tạo thành có liên hệ đến ơn cứu độ? Tuy không rõ lắm nhưng chúng ta vẫn có thể nối kết bản đồ khoa học và thần học về quan niệm ơn cứu độ. Trong nhiều cách hiểu về ơn cứu độ, có hai quan điểm cần lưu ý: một là quan điểm coi tạo vật và ơn cứu độ hoàn toàn khác nhau (linear-dichotomous) và một là quan điểm coi tạo vật và ơn cứu độ có tương quan với nhau (system-relational).
Theo quan điểm thứ nhất, cứu độ là một sự biến đổi của nhân loại từ “tập trung vào chính mình” tới “tập trung vào thực tại” hay Thiên Chúa (Hick 1982). Dường như quan điểm này cho rằng nhân loại là những cá thể nguyên tử hoặc có tương quan hoặc không có tương quan với Thiên Chúa. Nó cũng giả thiết rằng ơn cứu độ thì tương tự như làm một quay đầu xe (U-turn) từ hướng này sang hướng đến đối nghịch.
Khái niệm ơn cứu độ trong Kitô giáo, chính yếu gắn liền với khái niệm tình yêu: tình yêu của Thiên Chúa được bộc lộ nơi Đức Giêsu, Đấng Kitô đang hình thành một cuộc biến đổi nơi nhân loại để có thể yêu đáp trả. Theo quan điểm thứ nhất, cuộc biến đổi trong tình yêu này được phác họa như chuyển biến từ ích kỷ tới hướng tha, đến độ hy sinh mạng sống mình vì tha nhân. Văn chương tôn giáo cũng như khoa học có nói nhiều về ích kỷ và hướng tha, cũng như tầm quan trọng của nhân loại để vượt qua từ quan tâm tới cái ngã mình quá đáng, đến chỗ xem xét những lợi ích và nhu cầu của tha nhân.
Quan điểm thứ hai về cứu độ - quan điểm tương quan, nhân loại là những tạo vật mang tính xã hội. Chúng ta trở thành chính mình trong tương quan với người khác và với thế giới tự nhiên. Điều này cũng giả thiết rằng nhân loại gồm đa dạng các thành phần nội tại, mà mỗi phần đều có những chức năng ít nhiều liên quan đến tình trạng sức khoẻ con người. Sức khoẻ không phải là tình trạng vật chất “thế này thế khác”. Con người có thể là “khoẻ mạnh” ít hay nhiều. Quan niệm khoa học về sức khoẻ có thể nối kết với quan niệm tôn giáo về cái toàn thể. Như thể nhân loại trong cộng đồng ít nhiều có những chức năng khác nhau. Cuộc biến đổi từ tình trạng nghèo nàn hơn, ít hoà điệu hơn tới những tương quan ngày càng hoà điệu và hỗ tương hơn. Mục tiêu của mối tương quan hoà điệu hỗ tương này còn trải rộng tới một thế giới mà thế giới đó ngày đang tạo thành những cộng đoàn hỗ trợ nhau, rộng lớn hơn; đó là cộng đoàn nhân loại, thiên nhiên và Thiên Chúa.
Theo quan điểm cứu độ này, người Kitô hữu khẳng định tình yêu của Thiên Chúa đang biến đổi nhân loại trở nên một tình yêu lớn hơn. Tuy nhiên, cuộc biến đổi này đi từ chỗ xa lạ với người khác đến chỗ hoà giải với họ bằng mối tương giao yêu thương, một mối tương giao lôi kéo toàn nhân loại hiệp thông với Thiên Chúa.
Tha hoá và hoà giải là hai quan niệm Kitô giáo cũng giống như quan niệm của khoa học nhân văn.
Tại sao nhân loại cần ơn cứu độ?
Tại sao lại cần có sự biến đổi nhỉ? Nhân loại được cứu độ do đâu? Theo quan điểm của Darwin, qua chọn lọc tự nhiên, chúng ta có khả năng nâng đỡ thiện ích của mỗi cá nhân chúng ta. Những khả năng này sẽ đóng góp cho việc sinh tồn tái tạo. Tuy nhiên, dưới những điều kiện chẳng hạn như bị sốc, bị coi thường, những khả năng tự –nâng - đỡ này sẽ làm cho con người đào thoát hay gây hấn. Nếu điều này cứ liên tục kéo dài, kết quả là con người chỉ nghĩ đến mình, xa cách người khác và tha hoá.
Cũng thế, chúng ta là những sinh vật mang tính xã hội vốn sống còn nhờ cộng đồng nâng đỡ. Chúng ta được sinh ra vốn hướng về xã hội, chẳng hạn như đồng cảm với những con người cùng một huyết thống. Darwin cũng quan niệm như thế. Theo lý thuyết chọn lựa - dòng giống, điều này làm phát sinh tình yêu cha mẹ đối với con cái và sự chăm sóc gia đình.
Hơn nữa, tình yêu này còn trải rộng tới những người không cùng dòng họ nhờ những quy luật luân lý. Các luật lệ luân lý là cách thức giải quyết những xung đột giữa các nhóm với nhau bằng sự hợp tác. Sự hợp tác như thế phát triển và được chọn lọc như là những nhóm nhân loại đầu tiên cạnh tranh với nhau, bởi vì việc cạnh tranh - kể cả chiến tranh nữa - có lợi ích nhiều cho những nhóm lớn hơn. Giả thiết về chiến tranh là một phần của tiến hoá về luân lý.
Chúng ta có thể đi xa hơn rằng tôn giáo đóng góp cho cuộc tiến hoá của những nhóm người lớn hơn bằng cách tạo ra “những gia đình” vốn cùng chia sẻ niềm tin, các nghi lễ và luật lệ luân lý. Mọi tín đồ Kitô giáo hoặc Hồi giáo là anh chị em với nhau bởi vì tất cả đều là con cái của một vị Thiên Chúa là Cha. Những đứa con như thế cùng sống đời sống tôn giáo, cư xử với nhau theo như luân lý đòi hỏi. Điều này cho phép tôn giáo phát triển và sinh hoa kết trái, vốn thường xảy ra trong những cuộc cạnh tranh (đôi khi chiến tranh nữa) với các cộng đoàn tôn giáo khác.
Theo quan điểm của tiến hoá luân lý và tôn giáo như thế cho thấy tại sao con người có đăc tính “nước đôi”. Chúng ta là những tạo vật vừa cộng tác lại vừa cạnh tranh, vừa chăm sóc lại vừa ghét bỏ, yêu nhau nhưng cũng giết hại lẫn nhau. Chúng ta có thể nghĩ đến môi trường tiến hoá, đó chính là tính “nước đôi” để cho con người được tồn tại tuỳ theo hoàn cảnh mà họ sống. Hơn nữa, trong thế giới hôm nay, khi khả năng cạnh tranh, ghét bỏ, giết hại nhau được khoa học kỹ thuật trợ giúp và khi sự hợp tác chăm sóc, yêu thương lẫn nhau thường bị giới hạn trong những nhóm riêng của chúng ta, thì tính “nước đôi” này sẽ huỷ diệt nhân loại và phần còn lại trên hành tinh chúng ta.
Cuộc tiến hóa của tiến hoá
Làm thế nào Kitô giáo có thể giúp chúng ta vượt qua tình trạng nước đôi để đến chỗ kính trọng, chăm sóc, và yêu thương lẫn nhau đồng thời hứa hẹn một kỷ nguyên hợp tác hoà bình và khắp thế giới. Chúng ta trở lại với quan niệm về bản đồ khoa học và tôn giáo, đó là ngã tư găp gỡ của “trạm dừng xe điện” và “ngã tư phố”. Tiến trình cứu độ trước tiên phải kể đến cuộc tiến hoá tạo ra thế giới của chúng ta, một tiến trình tiến hoá hoặc một tiến trình của thần khí và Lời Thiên Chúa.
Nhìn vào những biến đổi trên bản đồ khoa học về lịch sử của vũ trụ, có thể nói rằng tiến hoá không chỉ là tạo thành một loại vật gì đó mới, nhưng theo một nghĩa nào đó, tự cuộc tiến hoá cũng đang được tạo thành. Tiến trình tiến hóa xảy ra với những gì nó tạo thành nhờ quy luật của tự nhiên. Chúng ta học biết rằng quy luật tự nhiên thì vĩnh cửu. Điều này giả thiết rằng có một quan niệm của Platon và có tính cách tĩnh tại về vũ trụ. Những sự vật loại biệt có thể thay đổi, có thể hình thành và có thể tan biến, nhưng cả những ngẫu trừ của thế giới tự nhiên cũng thuộc về luật vĩnh cửu. Tuy nhiên, khi một vật mới được tạo thành thì những quy luật mới theo đó cũng hoạt động. Luật vật lý hình thành trong những giai đoạn sớm nhất của vũ trụ hoà hợp với các nguyên tố thô sơ nhất, khi các phân tử này biến đổi thành nguyên tử và phân tử thì những luật khác sẽ hình thành theo. Khi xuất hiện những vật thể sống, thì tiến trình chi phối sự tương tác giữa chúng cũng hình thành. Chúng ta không thể tách bất cứ gì khỏi những tương tác của chúng và những tương tác này trở thành những quy luật, những quy luật vốn điều lãnh các tương tác sẽ xuất hiện cùng với những yếu tố và những phân tử mới được tạo thành.
Trong thế giới sinh vật, khi một chủng loại mới được tạo thành, chúng trở thành một phần của môt hệ thống tương tác mới. Những tương tác này sẽ thúc đẩy sự chọc lọc mới trên các chủng loại khác. Chúng ta gọi đó là chọn lọc tự nhiên. Điều này cũng tương tự nơi cuộc tiến hoá của con người. Điều mà chỉ phối sự tương tác trong cộng đồng hiện tại thì đã không có ngay từ nguồn gốc vũ trụ hay nguồn gốc sự sống trên hành tinh chúng ta. Xét về toàn thể có thể nói rằng việc hình thành vũ tru - gọi là tiến hoá - xảy ra song hành với phần còn lại của vũ trụ. Đây là cuộc tiến hoá của tiến hoá.
Nếu chúng ta nhìn vào cuộc tiến hoá theo luật tự nhiên và chọn lựa tự nhiên, theo quan điểm bản đồ Thần học Kitô giáo, có thể nói rằng Lời Thiên Chúa làm biến đổi các quy luật tự nhiên thành sự chọn lựa tự nhiên về mặt sinh học, đồng thời thành một hệ thống tôn giáo và luân lý cho con người. Chúng ta cũng có thể nói rằng Thần Khí của Thiên Chúa trong mối tương tác “ngẫu hứng” sẽ làm nảy sinh những dạng thức sống mới, văn hoá, cách sống và suy tư mới. Có thể rằng những biến cố chính yếu trong cuộc tiến hoá của tiến hoá hoặc tính nội tại của Thiên Chúa như là Thần khí và Lời đã có thể diễn ra cách đây khoảng 2000 năm. Tin mừng thánh Gioan gọi biến cố này là Ngôi Lời trở thành xác phàm. Đó cũng có thể được coi là sự đột biến lớn lao trong lịch sử Do thái - Kitô giáo. Đức Giêsu kêu gọi dân chúng hình thành một lối sống, phù hợp với môi trường, không xung đột nhưng tương tác hỗ trợ nhau, trong đó người nào ít thích nghi và dạng thức sống thấp kém sẽ không bị “loại trừ”, nhưng được hội nhập vào trong một cơ chế thích ứng hơn nữa. Có thể nói rằng đó là một nhân loại mới hay một cách sống mới được hình thành.
Điều gì làm cho Đức Giêsu và cách người ta kinh nghiệm về Ngài có thể đưa đến kết luận rằng: Ngôi Lời đã trở thành xác phàm? Câu trả lời của một học giả bậc thầy về các tôn giáo thế giới Huston Smith là: không phải là điều Đức Giêsu nói hay việc Ngài làm, nhưng chính là loại người mà Đức Giêsu thuộc về. Trong kinh nghiệm về Đức Giêsu của dân Chúa, truyền thống “mến Chúa yêu người” được biến đổi từ chỉ yêu thương một số người nào đó tới tình yêu mọi người và vô điều kiện.
Tình yêu triệt để của Đức Giêsu là một dạng thức phát triển biến đổi của sáng tạo vốn là cuộc tiến hoá của vũ trụ trồi hiện lên. Tình yêu đó có sức biến đổi và triệt để. Các Kitô hữu được biến đổi nhờ Tin mừng tình yêu và họ được trao ban sứ vụ để trải dài tình yêu đó khắp thế giới. Chính vì quyền lực biến đổi của tình yêu này mà thánh Phaolô đã tuyên bố rằng: “Phàm ai ở trong Đức Kitô, đều là thụ tạo mới: tất cả… trở nên mới. Tất cả điều ấy đều phát xuất từ Thiên Chúa” (2Cr 5, 17-18).
Cuộc tiến hoá của Lời Chúa như là “cái lý” hay luật của vũ trụ và sự sống đang trở thành một kiểu mẫu cho tình yêu phổ quát, một tình yêu vốn là tiêu chuẩn chọn lọc mới về mặt văn hoá đối với cách hành xử của con người.Theo Philip Hefner, tiêu chuẩn này chính là kéo dài “gen” và văn hoá bằng mệnh lệnh tình yêu đã được Đức Giêsu dạy và sống, mệnh lệnh làm cho tất cả mọi người liên đới với nhau – liên đới trong đồng cảm và phục vụ. Đó là cách hành xử đối với người khác, “vốn nhằm đến liên đới mọi con người, không kể giai cấp, chủng tộc, phái tính hay tôn giáo”. Có thể kết luận được rằng bó buộc đồng cảm với người khác và trải dàn mình hành động vì lợi ích của người khác là một mệnh lệnh.
Cuộc tiến hoá của tiến hoá cách đây 2000 năm cũng đã là cuộc tiến hoá của nội tại Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần đã tạo nên những cơ hội mới cho những mối tương quan nâng đỡ nhau, không chỉ ở giữa một nhóm nhỏ những người theo Đức Giêsu, nhưng ở giữa mọi người. Đó là một cách để hiểu về lễ Ngũ tuần, khi dưới ảnh hưởng của Thần khí, những con người nói các ngôn ngữ khác nhau có thể hiểu nhau. Như thế, đi vào mối tương quan trải rộng hơn, chu đáo hơn với người khác là điều có thể xảy ra. Có thể nói được ràng chính Thần khí ở giữa nhân loại (một nhân loại bị điều kiện hoá bởi sinh học và văn hoá, vốn hành xử loại trừ người khác) đã tạo ra những cơ hội để vượt quá chính mình, đồng thời quan tâm đến những nhu cầu của người khác và đáp ứng nhu cầu đó.
Cứu độ - tiến hoá hôm nay
Theo quan điểm Kitô giáo, cuộc biến đổi cách đây 2000 năm không chỉ là xảy ra lúc đó cho ơn cứu độ của nhân loại. Ơn cứu độ tiếp tục có hiệu quả cho nhân loại hôm nay. Như thế, có thể đặt vấn đề: làm thế nào cuôc tiến hoá của Thần trí và Lời Thiên Chúa vốn hiện diện trong mọi khía cạnh của tạo thành nơi vũ trụ, đồng thời có những cách thế mọi nơi Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài (theo bản đồ thần học), có thể làm cho nhân loại ngày hôm nay được cứu độ, không bị tha hoá, không bị tách rời khỏi người khác trong cộng đoàn chăm sóc lẫn nhau?
Trước hết, cần phải thừa nhận rằng, như cuộc tiến hoá đã xảy ra, những biến thể của các văn hoá mới và những sự chọn lọc mới có thể lan tràn khắp vũ trụ. Điều mà các Kitô hữu gọi là Thần Khí và Lời Thiên Chúa cũng có thể tìm thấy trong các nền văn hoá tôn giáo khác, tuy được gọi bằng những tên khác, được phác hoạ bằng những bản đồ tôn giáo khác. Chẳng hạn, Phật giáo đưa ra những khả thể mới, tức là sống hoà hợp với con đường biến đổi từ chỗ gắn bó thái quá với những tạo vật chóng qua mau hết, đến một đời sống có lòng thương cảm đối với mọi sinh vật. Trong văn hoá Kitô giáo, Thần Khí và Lời Thiên Chúa vẫn tiếp tục trong đời sống của những người vốn cởi mở với sự sống mới, đồng thời đáp ứng những tiêu chuẩn của sự sống đó, như là những hữu thể mới trong Đức Kitô, bằng việc làm cho tình yêu phổ quát và không phân biệt trở thành kiểu mẫu, đưa đến hình thành nên một vương quốc hoà bình.
Những mối tương tác mà chúng ta đã phác hoạ nhờ Thánh Thần Thiên Chúa luôn mở ra những khả thể mới trong đời sống chúng ta. 100 năm gần đây, đã có một cuộc bành trướng bùng nổ các mối tương giao nhân loại với đủ loại người khác nhau. Ngày nay, khi thế giới con người của chúng ta được nối kết với nhau nhờ kỹ thuật vận chuyển và truyền thông, nhờ tương tác về kinh tế và chính trị, chúng ta lại càng có nhiều khả năng hơn bao giờ hết để vượt qua tình trạng “nước đôi’ của một tạo vật vừa hợp tác lại vừa cạnh tranh, vừa chăm sóc lại vừa ghét bỏ, vừa yêu thương lại vừa giết chết. Mối tương tác đang dần chuyển chúng ta đến một cộng đồng toàn cầu có thể được xem như là công trình của thần khí, một công trình mang lại cho chúng ta những cơ hội hợp tác chăm sóc và yêu thương phổ quát hơn. Tuy nhiên, những mối tương tác này cũng cho chúng ta những cơ hội cạnh tranh, ghét bỏ và giết chóc hơn.
Lời Thiên Chúa mang cho chúng ta những tiêu chuẩn để hợp tác chăm sóc và yêu thương một cách phổ quát và vô điều kiện. Những tiêu chuẩn này, được những người theo Đức Giêsu công bố, được nối tiếp với truyền thống, là sức ép chọn lọc văn hoá vì lý tưởng vương quốc Thiên Chúa bình an (theo Kinh thánh). Hơn nữa, nhờ tiến trình tiến hoá con người do hoạt động của Thần khí và Lời Thiên Chúa đang diễn ra, chúng ta trở nên có liên đới, giao hoà với Thần khí và lời Thiên Chúa mà đã làm nên thế giới theo sách Sáng thế chương I. Trong mối tương tác với người khác, chúng ta được biến đổi thành một nhân loại mới, một cách sống làm người mới. Chúng ta trở thành điều mà Tân Ước gọi là tạo vật mới trong Đức Kitô: Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải (2Cr 5, 17-18).
Theo bài này, khái niệm biến đổi, dao động từ những ý tưởng tiến hoá của vũ trụ, của sinh vật học và của văn hoá (thuộc về bản đồ Khoa học) đến bản đồ tạo dựng và cứu độ (bản đồ Thần học Kitô giáo). Cả hai bản đồ này có thể đi chung với nhau (như trạm dừng xe điện và ngã tư phố trong các thành phố lớn). Chúng ta đã nói về những biến đổi trong tạo dựng vũ trụ và cách thế nhân loại được cứu độ khỏi những khuynh hướng huỷ diệt, đồng thời được biến đổi để hợp tác với nhau trong bình an và tình yêu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến một điều trong ơn cứu độ nhân loại. Đó chính là sứ vụ hoà giải nhờ việc làm cho các tiêu chuẩn của một tình yêu phổ quát, vô điều kiện được trải rộng tới toàn trái đất. Trong Kitô giáo, tình yêu vô điều kiện thường được hiểu là tình yêu đối với những hữu thể mang tính người khác.
(Viết theo “Toward An Evolutionary Christian Theology” của Karl E. Peters trong “Zygon: Journal of ADN Science, Vol 42, No 1, March 2007)