Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

CUỐN SÁCH THIÊN NHIÊN

Lịch Sử Của Một Ẩn Dụ Nằm Giữa Khoa Học Và Thần Học


Thời sự Thần học – Số 88, tháng 5/2020, tr. 130-162.

_Giuseppe Tanzella-Nitti_ 

Gần đây, huấn quyền Công giáo thường sử dụng ẩn dụ “Cuốn sách Thiên nhiên” như cầu nối trong việc đối thoại giữa Khoa học và Thần học. Bài viết này muốn tìm hiểu nguồn gốc của ẩn dụ này, và việc giải thích ẩn dụ trải qua lịch sử, cách riêng khi đối chiếu giữa Sách Thiên nhiên và Sách Kinh thánh, như hai cách thức Thiên Chúa mặc khải cho loài người. Vì khuôn khổ của tờ báo, chúng tôi chỉ lược tóm nội dung chứ không dịch nguyên văn.
Nguồn : “Book of Nature, Origin and Development of the Metaphor”. INTERS – Interdisciplinary Encyclopedia of Religion and Science, edited by G. Tanzella-Nitti, I. Colagé and A. Strumia, www.inters.org, DOI: 10.17421/2037-2329-2019-GT-1. Tác giả là giáo sư thần học tại Giáo hoàng Đại học Santa Croce, Rôma.
Lưu ý : Vì muốn đối chiếu hai cuốn sách, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “Sách Thiên nhiên” và “Sách Kinh thánh”, mặc dù biết rằng “Kinh” và “Sách” đồng nghĩa với nhau! Bản PDF ở cuối trang.
Dàn bài :
I. Việc giải thích ẩn dụ trải qua lịch sử: A. Nguồn gốc. B. Kinh thánh. C. Các giáo phụ. D. Thời trung đại. E. Thời phục hưng. F. Thời cận đại
II. Những hàm ngụ của ẩn dụ: 1/ Trong lãnh vực triết học. 2/ Đối với khoa học tự nhiên. 3/ Trong lãnh vực thần học

Dẫn nhập


Vào những thập niên gần đây, hình ảnh “Cuốn sách Thiên nhiên” thường xuất hiện trong các văn kiện của Huấn quyền Hội thánh Công giáo, trong bối cảnh của lịch sử mặc khải, và cách riêng khi bàn đến tương quan giữa khoa học và đức tin.

Trong một trang của thông điệp Fides et ratio (Lý trí và Đức tin) (1998), thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II định nghĩa cuốn sách này như “chặng thứ nhất của Mặc khải của Thiên Chúa; […], đọc cuốn sách ấy với những suy tư của lý trí nhân loại, ta có thể đi đến chỗ nhận biết Thiên Chúa tạo thành vạn vật” (số 19); một ý tưởng mà ngài đã tiếp tục và phát triển trong một vài bài giáo lý các buổi tiếp kiến chung.[1] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trích dẫn ẩn dụ trong thông điệp Caritas in veritate (2009) (số 51), và khai triển trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Verbum Domini (2010). Trong văn kiện này, Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói rằng:
“Mặt khác, nếu biến cố Đức Kitô chiếm vị trí trung tâm trong Mặc Khải của Thiên Chúa, chúng ta phải nhìn nhận rằng chính toàn thể thụ tạo, cuốn sách thiên nhiên (liber naturae), cũng là thành phần chính yếu của bản hòa tấu nhiều cung bậc này, mà trong đó Ngôi Lời duy nhất được biểu lộ” (số 7).
Sau đó, Đức Thánh Cha nói thêm “chúng ta có thể mượn hình ảnh ‘quyển sách’ để so sánh vũ trụ này […], coi vũ trụ như tác phẩm của một Tác giả biểu lộ mình ngang qua ‘bản hòa tấu’ của tạo dựng” (số 13). Có khoảng một loạt bài phát biểu của Giáo hoàng - giáo lý, diễn văn, phát biểu thuộc nhiều thể loại khác nhau - nói về thiên nhiên như một cuốn sách mà Tạo hóa đã cung cấp cho chúng ta. Giáo hoàng Bênêđictô XVI thường sử dụng hình ảnh này để cho thấy có một lý tính nơi các loài thụ tạo, và lý trí con người có khả năng để hiểu nó, cả hai đều có nguồn gốc từ Thiên Chúa.[2] Ẩn dụ cũng được đề xuất trong những dịp khác.[3]

Trong bài này, chúng tôi muốn tìm hiểu ý nghĩa của “Cuốn sách Thiên nhiên” qua những giải thích triết học và thần học trong lịch sử Kitô giáo, đặc biệt vào thời Cận đại, khi ẩn dụ này được dùng như điểm đối thoại giữa đức tin và khoa học.

Bài này gồm hai phần: phần thứ nhất, nhìn lại lịch sử của sự giải thích ẩn dụ “Cuốn sách Thiên nhiên”, cách riêng khi đối chiếu với “Sách Kinh thánh”; phần thứ hai, mang tính tổng hợp, vạch ra những đặc tính của ẩn dụ này nhìn dưới khía cạnh triết học, khoa học tự nhiên và thần học.

I. Việc giải thích ẩn dụ trải qua lịch sử 


Ẩn dụ này bắt nguồn từ văn hóa Lưỡng Hà, nhưng được phát triển đặc biệt trong khung cảnh Kitô giáo nhờ các Giáo phụ. Sang thời Trung đại và suốt thời Phục hưng, ẩn dụ Cuốn sách Thiên nhiên được đối chiếu với Sách Kinh thánh. Nhiều lối giải thích đã được đưa ra liên quan đến ngôn ngữ của mỗi cuốn sách cũng như liên quan đến các độc giả của nó. Nhờ ông Galileo, ẩn dụ trở nên thời danh trong giới khoa học, và tiếp tục được sử dụng cho đến ngày nay, với những kết luận khác nhau và thậm chí còn trái ngược nhau nữa.[4]

A. Nguồn gốc lịch sử của ẩn dụ: các tấm bảng trên trời


Nguồn gốc xa xưa của ẩn dụ “Cuốn sách Thiên nhiên” có lẽ gắn liền với việc quan sát bầu trời đầy sao. Các hình thù tinh tú, các hiện tượng thiên văn và các chòm sao dễ khiến cho những người nhìn ngắm bầu trời coi như là chữ viết của một vị thần linh.

Niềm tin ấy được hình thành trước tiên ở vùng Lưỡng Hà, đưa đến ý tưởng là ở trên trời ta có thể đọc được những phản ánh của cuộc sống trên mặt đất, rồi sang đến Hy-lạp, nó biến thành xác tín rằng số phận loài người đã được viết trên các chòm sao và trong vận hành của các tinh tú.

Dân Sumeri, là những người sáng chế chữ viết, coi trời như là tấm bảng to lớn, trên đó các thần viết chữ. Dân Babilonia cũng coi các ngôi sao như là “chữ của trời.”[5]

B. Kinh thánh


Kinh thánh có xem vũ trụ như một cuốn sách không? Ta biết rằng Sách thánh giới thiệu vũ trụ được tạo thành bởi hiệu quả của Lời Chúa: “Thiên Chúa phán : ‘Phải có ánh sáng.’ Liền có ánh sáng...” (St 1,3). Mối quan hệ giữa thế giới và Lời được củng cố trong Tân Ước, điều này khẳng định sự phụ thuộc của toàn thể vũ trụ vào Lời đã nên người phàm:
“Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ [...] Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật” (Hr 1,2-3).
Các thụ tạo cất lời ca ngợi Chúa (x. Đn 3,57; Tv 150,6). Được tạo bởi Lời (Logos), tất cả các thụ tạo đều là logoi, chúng bày tỏ mình như giọng nói hay từ ngữ. Nhìn các loài thụ tạo như các chữ cái của một cuốn sách, hoặc như âm thanh của một dàn hợp ca, không gì khác hơn là hệ quả của một nền thần học về sáng tạo tập trung vào Lời - Logos. Bằng lời, chúng ta thuật lại một bản văn, chúng ta cầu nguyện bằng thánh thi hoặc hát một bài hát. Kế đó, thần học về Logos thích hợp hơn để chỉ ra mối quan hệ giữa thiên nhiên và Thiên Chúa, coi các thụ tạo như “từ ngữ”, so với các loại quan hệ khác vốn nhìn vào thụ tạo như vết chân, dấu vết hoặc hình ảnh trung thực của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Lối ẩn dụ về thiên nhiên như một cuốn sách tìm thấy nguồn gốc của nó trong cách nhìn này về sự sáng tạo. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hình ảnh về cuốn sách có mặt từ đầu đến cuối Kinh thánh.

Tuy nhiên, chúng ta có một số trang mô tả diện mạo của vũ trụ, đặc biệt là vẻ ngoài của bầu trời, sử dụng ẩn dụ về một cái lều hoặc một bức màn. Các tầng trời được trải ra, hoặc thậm chí kéo dài ra, giống như một cái lều trên trái đất, như chúng ta đã đọc trong nhiều đoạn thánh vịnh, các sách của ngôn sứ Isaia hay Gióp:
“Người ra lệnh là mặt trời không mọc, Người niêm ấn lên các vì sao. Duy mình Người trải rộng các tầng trời, đạp lên trên ba đào biển cả. Người làm ra Hùng tinh, Lạp Hộ, chòm Sao Mão và tinh tú Phương Nam.” (G 9,7-9; Tv 104,1-4; Is 45,12; Gr 10,12-51,15).
Các động từ ở đây được sử dụng tương ứng với hành động dựng và sửa lều, hay ít khi, với hành động kéo căng một tấm vải. Trong bối cảnh văn chương khải huyền về sự phán xét chung cuộc của Thiên Chúa, chúng ta đã đọc trong sách ngôn sứ Isaia: “Toàn thể đạo binh trên trời tan rã. Các tầng trời cuộn lại như cuốn sách. Cả đạo binh của chúng lụi tàn như lá nho rơi rụng, tựa lá vả lìa cành” (Is 34,4). Một trang tương tự được trình bày trong sách Khải Huyền: “Trời bị cuốn đi như một cuốn sách cuộn lại, mọi núi non và hải đảo bị dời đi nơi khác” (Kh 6,14). Tất cả những đoạn này dường như chỉ ra rằng, trong ẩn dụ về bức màn được căng ra, bức màn giống như một cuộn sách; hành động ngược lại với hành động “trải ra” (hoặc cũng có thể là hành động “tạo ra”) các tầng trời là hành động “thu lại” hay “cuộn lại”, tương tự như một cuộn sách. Chúng được căng ra khi Thiên Chúa tạo ra vạn vật, và sẽ được cuộn lại trong thời gian tới, trong một cuộc sáng tạo mới. Điểm cần đề cập là “cuộn sách” (scroll) cũng là thuật ngữ được Kinh thánh sử dụng để chỉ một cuốn sách, sau gợi ý rằng các tầng trời có thể được xem như là một bức màn và một cuộn sách.

Từ quan điểm thuần tuý triết học, chúng ta không có đủ cơ sở để kết luận rằng Kinh thánh sử dụng ẩn dụ rõ ràng về cuốn sách thiên nhiên, nhưng chắc chắn một số đoạn văn truyền cảm hứng cho điều này. Thay vào đó căn nguyên của ẩn dụ, như chúng ta đã nói trước đây, phải được nhìn thấy trong một quan điểm về sáng tạo tập trung vào thần học về Lời - Logos, mang lại lý tính và tính khả tri cho vũ trụ, làm cho thế giới trở nên dễ đọc. Thiên Chúa sáng tạo nhờ Ngôi Lời và thế giới truyền đạt một logos thiêng liêng, tức là chứa đựng và diễn tả logoi của Thiên Chúa.
C. Các Giáo phụ và các văn sĩ Kitô giáo sơ khai

Các giáo phụ không chỉ nói “Cuốn sách Thiên nhiên” (Liber naturae) mà Thiên Chúa dùng để mặc khải cho nhân loại, mà còn đối chiếu với “Cuốn sách Kinh thánh”, (Liber Scripturarum) tức là đường lối thứ hai được Thiên Chúa dùng để mặc khải ý định của mình. Trong số các Giáo phụ, các chỉ dẫn rõ ràng về Cuốn sách Thiên nhiên có thể được tìm thấy nơi các thánh Basiliô Cả, thánh Grêgôriô Nazianzô, thánh Gioan Kim Khẩu, thánh Augustinô, thánh Gioan Cassian, thánh Ephrem, thánh Maximus Tuyên tín.

Theo thánh Basiliô Cả (329-379),
“Chúng ta được tạo ra theo hình ảnh và giống như Đấng Tạo Hoá, có trí tuệ và lý trí, cho nên bản chất của chúng ta hoàn thiện và chúng ta có thể biết Chúa. Theo cách này, việc liên tục chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các thụ tạo, thông qua chúng như thể chúng là những chữ cái và từ ngữ, chúng ta có thể đọc được sự khôn ngoan và quan phòng của Thiên Chúa vượt trên tất cả mọi sự.”[6]
Trong các Giáo phụ La-tinh, thánh Augustinô (354-430) dành nhiều đoạn khác nhau cho Cuốn sách Thiên nhiên, bao gồm những so sánh thú vị với Kinh thánh. “Đây là trang Sách thánh mà bạn phải lắng nghe; đây là cuốn sách của vũ trụ mà bạn phải quan sát. Những trang Kinh thánh chỉ có thể được đọc bởi những người biết đọc và viết, trong khi tất cả mọi người, ngay cả những người mù chữ, đều có thể đọc cuốn sách của vũ trụ.”[7] Chúng ta đọc thấy trong các bài giảng của ngài:
“Để khám phá Thiên Chúa, một vài người tìm đọc một cuốn sách. Nhưng có một cuốn sách tuyệt vời: sự xuất hiện của muôn vật được tạo thành. Hãy nhìn lên, nhìn xuống, chú ý và đọc. Thiên Chúa mà bạn muốn khám phá, đã không làm ra các chữ cái bằng mực. Người đặt trước mắt bạn những điều mà Người đã làm. Bạn có thể yêu cầu một giọng nói lớn hơn thế không?”[8]
Trong chương XIII tác phẩm Confessiones của thánh nhân, ẩn dụ về trời như một cuốn sách được kết hợp với hình ảnh Kinh Thánh về bầu trời đầy sao trải dài phía trên chúng ta như một tấm da. Thiên Chúa che phủ các vị nguyên tổ đang trần trụi bằng những tấm áo da sau khi họ phạm tội, theo đó thể hiện lòng thương xót của Người đối với chúng ta. Như thế, bởi vì tầng trời là một tấm da thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, con người có thể biết ý muốn của Thiên Chúa và cư xử theo đường nhân đức và trung thực qua việc đọc chúng như trong một cuốn sách.[9] Đề cập đến sáng tạo, thánh Augustinô nói: “Vì chúng ta không biết cuốn sách nào khác phá đi niềm kiêu hãnh, và tiêu diệt kẻ thù, những kẻ chống lại sự hòa giải của bạn bằng cách bênh vực tội lỗi của chính hắn.”[10] Trái ngược với con người, các thiên thần không cần phải đọc nơi các tầng trời, vì họ luôn luôn nhìn thấy nhan Thiên Chúa và hoàn toàn biết ý Người: thực sự, chính Thiên Chúa là cuốn sách của họ.[11]

Đối với chủ đề của chúng ta, thánh Maximus Tuyên tín (580-662) đã tạo ra một ảnh hưởng đáng kể trong các thế kỷ tiếp theo, đặc biệt là trong thời Trung cổ. Khi chú giải về biến cố Đức Kitô biến hình trên núi, ngài so sánh thiên nhiên và Kinh thánh với hai bộ áo mà Ngôi Lời nhập thể được phú ban; luật tự nhiên trở nên nhân tính, và luật thánh thiêng, được mặc khải qua Kinh thánh, là thiên tính của Người. Hai luật này được trình bày cho chúng ta bằng hai cuốn sách khác nhau, thiên nhiên và Kinh thánh. Cả hai đều ẩn giấu và mặc khải cùng một Logos, chúng có cùng phẩm giá và dạy những điều giống nhau. Thánh Maximus thậm chí còn chỉ rõ: hai cuốn sách có ít nhiều cùng một nội dung và ai muốn biết và thực thi ý Chúa, thì cần đến cả hai. Khi đọc Cuốn sách Thiên nhiên, mầu nhiệm thâm sâu của Logos không biến mất, cũng không bị phá hủy.
“Luật tự nhiên, như thể là một cuốn sách, nắm giữ và duy trì sự hài hòa của toàn bộ vũ trụ. Các cơ quan vật chất giống như các ký tự và âm tiết của cuốn sách; chúng giống như những yếu tố cơ bản đầu tiên gần gũi chúng ta, nhưng chỉ cho phép một phần kiến thức. Tuy nhiên, một cuốn sách như vậy cũng có những từ chung và phổ quát hơn, cũng xa cách chúng ta hơn, mà kiến thức của nó tinh tế hơn và khó tiếp cận hơn. Những lời này đã được viết do cùng một Logos thánh, với sự khôn ngoan, được thể hiện trong chúng theo một cách không thể nói hay diễn tả được. Ngài bày tỏ hoàn toàn bản thân thông qua những lời này.”[12]
Liên quan đến mối liên hệ giữa việc đạt được hiểu biết về Thiên Chúa bằng cách quan sát thế giới tự nhiên và kiến thức xuất phát từ đức tin trong Kinh thánh, các Giáo phụ đưa ra một số nhận định hữu ích. Thánh Basiliô khẳng định:
“Cái nào có trước: kiến thức hay đức tin? […] Trong đức tin của chúng ta về Thiên Chúa, ý nghĩ rằng Thiên Chúa hiện hữu có trước, và chúng ta hiểu được điều này từ các công trình của Người. Chúng ta nhận ra nhờ quan sát sự khôn ngoan, quyền năng, sự tốt lành và tất cả các thuộc tính vô hình của Người từ việc sáng tạo thế giới.”[13]
Tương tự, ông Tertullianô viết:
“Chúng ta xác quyết rằng chúng ta biết Chúa trước tiên qua thiên nhiên và sau đó chúng ta biết Người qua đạo lý. Kiến thức từ thiên nhiên đến từ các công trình của Người; kiến thức thông qua đạo lý từ lời giảng dạy.”[14]
Chúng ta có thể tóm lại những ý tưởng chính của các giáo phụ trong cách sử dụng ẩn dụ như sau:

a) Hình ảnh của thiên nhiên như một cuốn sách được Thiên Chúa ban cho con người hiện diện rõ ràng trong luận chứng vũ trụ học, được sử dụng để suy luận sự hiện hữu của Logos, tức là hiện hữu của Thiên Chúa từ thiên nhiên. Các thụ tạo có thể so sánh như các chữ cái, từ ngữ hoặc giọng nói, nhưng việc Thiên Chúa nói với chúng ta, và bày tỏ chính mình, thông qua thiên nhiên vượt quá vấn đề trên.

b) Cuốn sách thiên nhiên cũng phổ quát như Kinh thánh, và nội dung của mỗi cuốn tương đương nhau. Đôi khi cuốn sách thiên nhiên thậm chí còn phổ quát và dễ hiểu hơn Kinh thánh. Sáng tạo bày ra trước mắt mọi người, như một nguồn cho một đòi hỏi về luân lý và tâm linh.

c) Kiến thức về cuốn sách thiên nhiên dường như có liên quan, đối với một số tác giả thậm chí còn là cần thiết, để hiểu chính xác Kinh thánh, vì kiến thức có được bằng cách quan sát và nghiên cứu tự nhiên có trước kiến thức về những lời do Thiên Chúa mặc khải.

d) Liên quan đến các khía cạnh luân lý đạo đức, có một sự tương đồng mạnh mẽ giữa luật tự nhiên đạo đức (tức là các mệnh lệnh luân lý mà con người đọc thấy trong tâm hồn) và luật thiêng liêng được mặc khải. Luật thứ nhất được viết bởi Thiên Chúa trên thế giới và trong lương tâm con người, luật thứ hai được viết bởi cùng một Thiên Chúa như thế trong Kinh thánh.
 

D. Các tác giả thời Trung cổ


Ẩn dụ về hai cuốn sách được tiếp tục đề cập nơi các tác giả Kitô giáo thời Trung cổ. Ta có thể tìm thấy các tài liệu tham khảo về Cuốn sách Thiên nhiên, với các sắc thái và mức độ khác nhau, nơi các tác giả như Bernard Clairvaux (1090-1153), Hugh of St. Victor (1096-1141), thánh Bonaventura (1217-1274), thánh Tôma Aquinô (1225-1274), Thomas Chobham (khoảng 1255-1327), Dante Alighieri (1265-1321), Thomas Kempis (1380-1471).[15]

Trong giai đoạn này, hai tác giả đáng chú ý để nghiên cứu là Hugh of St. Victor và thánh Bonaventura. Cả hai đều nhấn mạnh rằng sự hiểu biết phổ quát về Cuốn sách Thiên nhiên bị suy yếu bởi tội lỗi của con người. Kinh Thánh thực hiện một thứ “hành động chữa lành” trên Cuốn sách Thiên nhiên: sau sự sa ngã nguyên thủy, và bởi tội lỗi của chúng ta, việc nhận ra Thiên Chúa trong khung cảnh thiên nhiên không phải là một nhiệm vụ dễ dàng thực hiện. Do đó, cần cuốn sách thứ ba xuất hiện, đó là cuốn Sách Thập Giá. Chính Đức Kitô, sự Nhập thể và cứu chuộc của Người, được so sánh như một cuốn sách tuyệt vời, mà việc đọc nó là cần thiết cho sự hiểu biết chính xác về hai cuốn sách kia. Về mặt này, Đức Giêsu Kitô dường như đóng một vai trò hai mặt khá thú vị. Người hành động thực sự giống như một bản lề giữa hai cuốn sách. Khi được coi là Sự Khôn Ngoan bất thụ tạo, Người cho thấy mối quan hệ đặc biệt với Kinh Thánh; khi được coi là Ngôi Lời Nhập Thể, Người gắn liền với sự sáng tạo.

Hugh of St. Victor chỉ ra rằng để đọc cho đúng Cuốn sách Thiên nhiên, người ta cần có một thái độ thần khí, chứ không thể đơn thuần là tự nhiên (tức là vật chất):
“Vì toàn bộ thế giới hữu hình là một cuốn sách được viết bởi ngón tay của Thiên Chúa, nghĩa là được tạo ra bởi quyền năng thần thánh; và mỗi một thụ tạo tựa như những nhân vật trong đó, không xuất phát từ ý chí con người mà được thiết lập bởi uy quyền thiêng liêng để thể hiện sự khôn ngoan của những điều vô hình về Thiên Chúa. Nhưng cũng giống như một người mù chữ thấy một cuốn sách đang mở và nhìn vào các hình thái nhưng không nhận ra các chữ cái: Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những Thần Khí Thiên Chúa (x. 1Cr 2,14). Anh ta nhìn thấy hình dạng và vẻ đẹp bên ngoài các thụ tạo mà không hiểu ý nghĩa bên trong của chúng. Trái lại, con người thần khí có thể phán đoán mọi thứ, và khi nhìn vào vẻ đẹp của các tác phẩm, anh ta sớm nhận ra sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa phải được ngưỡng mộ thế nào.”[16]
Theo vị tôn sư thời Trung Cổ này, sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa cũng là một cuốn sách độc đáo, được viết bên trong (Kinh thánh) và bên ngoài (các công trình sáng tạo). Thiên nhiên giống như quyển kinh thư thứ nhất, Kinh thánh là quyển kinh thư thứ hai. Sự nhập thể của Ngôi Lời là quyển kinh thư thứ ba, được xem như một cuốn sách cũng có cả mặt trong lẫn mặt ngoài, mặt thứ nhất vì là thiên tính vô hình, mặt thứ hai do nhân tính hữu hình.[17] Tất cả những hình ảnh này gợi lại rằng cuốn sách được viết trên cả hai mặt mà cả ngôn sứ Êdêkien và sách Khải Huyền của thánh Gioan đều nói đến (x. Ed 2, 9-10; Kh 5, 1). Trong một tác phẩm có tựa đề De Arca Noe Morali, ông Hugh of St. Victor nói về ba cuốn sách và ba lời, nhưng với một ý nghĩa khác. Cuốn sách hoặc lời đầu tiên là tất cả những gì được tạo ra bởi hoạt động của con người; cuốn sách / lời thứ hai là cuộc sáng tạo của Thiên Chúa; và cuốn sách / lời thứ ba là chính Đức Khôn Ngoan, đó là Lời bất thụ tạo. Trong trường hợp này, Đức Giêsu Kitô, với tư cách là Đức Khôn Ngoan Nhập thể, giữ vai trò của Kinh Thánh, mà Người là sự viên mãn.[18]

Trong các tác phẩm của thánh Bonaventura, ẩn dụ về cuốn sách được sử dụng rộng rãi, do đó các thành ngữ như liber naturae, liber mundi hay liber creaturae, là những từ đồng nghĩa với thiên nhiên, thế giới, sáng tạo (chẳng hạn, Itinerarium mentis in Deum, I, 14). Đồng thời, sự cần thiết phải biết Chúa qua Kinh thánh chứ không chỉ qua thiên nhiên, và sự cần thiết của cuốn sách thứ ba, cuốn sách của Đấng Cứu Chuộc, vẫn chưa rõ ràng. Dưới đây là hai bản văn nổi bật:
“Trước khi phạm tội, con người có kiến thức về những thứ được tạo nên và qua hình ảnh của chúng, họ được dẫn tới Thiên Chúa, ca ngợi, tôn thờ và yêu mến Người. Mục đích mà các hữu thể sống động tồn tại là dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Khi con người ngã xuống vì tội lỗi, họ đã đánh mất kiến thức như vậy và vì thế không có ai có thể mang tất cả mọi thứ trở lại với Thiên Chúa. Do đó, cuốn sách này, tức là vũ trụ, dường như đã chết và bị phá hủy. Bởi thế, cần có một cuốn sách khác mà qua đó cuốn sách trước phải được khai sáng, để thừa nhận ý nghĩa thực sự của muôn vật. Cuốn sách này không gì khác ngoài Kinh thánh, chứa những ẩn dụ, hình ảnh và giáo lý về cuốn sách của vũ trụ. Theo cách này, Kinh thánh phục hồi toàn bộ vũ trụ, và cho phép cuốn sau một lần nữa dẫn chúng ta nhận biết, ca ngợi và yêu mến Chúa.”[19]
“Nếu chúng ta muốn chiêm ngưỡng những điều linh thiêng, chúng ta cần phải vác thập giá như thể đó là một cuốn sách. [...] Chính Chúa Kitô là cuốn sách khôn ngoan này, Đấng được Chúa Cha viết bên trong, khi Người đến từ quyền năng của Thiên Chúa, và bên ngoài, khi Người nhận lấy hình hài con người. Tuy nhiên, cuốn sách này đã được mở trên thập giá, và đó là cuốn sách mà chúng ta phải đọc để hiểu được chiều sâu khôn ngoan của Thiên Chúa.”[20]
Do đó, cuốn sách Kinh thánh và cuốn sách Thập Giá dường như có một sự ưu tiên đối với cuốn sách Thiên nhiên, ít nhất là liên quan đến khả năng của con người trong việc nhận biết Thiên Chúa. Tuy nhiên, thánh Bonaventura không phủ nhận ưu tiên thời gian của cuốn sách thiên nhiên so với Kinh Thánh, như đã thể hiện trong tác phẩm Breviloquium:
“Nguyên lý đầu tiên được chúng ta biết đến qua Kinh thánh là các thụ tạo. Do bởi cuốn sách Thiên nhiên cho thấy nó như là nguyên lý của quyền năng; còn Kinh Thánh như nguyên lý của sự phục hồi. Và vì nguyên lý phục hồi không thể được biết nếu không biết trước nguyên lý quyền năng, mặc dù Kinh Thánh cho chúng ta biết chủ yếu về công trình cứu chuộc, nó cũng phải cho chúng ta biết về công trình sáng tạo.”
Mặc dù thực tế, ở đây chúng ta đang bàn đến kiến thức về tự nhiên thông qua các trang Kinh thánh, rõ ràng là sự hiểu biết như vậy đòi hỏi một sự so sánh với kiến thức tự nhiên có được nhờ lý trí.[21]

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng thời Trung cổ trình bày một quan điểm thực tiễn khi bàn về hai cuốn sách: Lý trí con người có thể đọc Cuốn sách Thiên nhiên để lên tới Thiên Chúa, nhưng chúng ta phải tính đến những vết thương mà trí tuệ của chúng ta phải chịu vì tội lỗi. Cuốn sách tuyệt vời này tiếp tục ràng buộc chúng ta với Đấng Tạo Hóa[22], nhưng cần phải có một tầm nhìn tâm linh rõ ràng để nhận ra mối liên kết như vậy.[23] Các tác giả thời Trung đại không hề mất đi tính lạc quan của các Giáo phụ, nhưng họ thêm vào nhận xét thực tế. Qua những lời của John Abbot Ford (U1220), họ nói đến ba cuốn sách: “cuốn sách của thụ tạo, cuốn Kinh thánh và cuốn sách của Ân sủng.”[24] Cuốn sách Thiên nhiên không mất đi tính phổ quát của nó, nhưng được đặt trong nhãn giới Kitô giáo, và do đó đòi hỏi các phạm trù thần học khác, chẳng hạn sự Nhập thể và Cứu chuộc, sa ngã và ân sủng. Nói cách khác, ẩn dụ về cuốn sách được mở sang Đức Kitô và Thiên Chúa.

E. Thời Phục hưng


Tương quan giữa Sách Thiên nhiên và sách Kinh thánh bị đảo ngược. Một đàng, Raymond Sebond duy trì chỗ đứng tự trị của Sách Thiên nhiên so với sách Kinh thánh; đàng khác, Philippus Paracelsus cho rằng để hiểu biết sách Kinh thánh cần phải hiểu Sách Thiên nhiên trước đã.

1. Tác phẩm Liber Creaturarum của Raymond Sebond

Raymond Sebond (1385-1436) là một học giả Catalan, tiến sĩ y học và thần học, giáo sư và chủ tịch đại học Toulouse (1428-1435). Khảo luận Liber Naturae sive Creaturarum của ông (viết năm 1434-1436) gây ảnh hưởng đáng kể vào thời Phục hưng và Cận đại, với mười sáu lần xuất bản và nhiều bản dịch, bao gồm một bản tiếng Pháp do Michel de Montaigne thực hiện năm 1569.

Mục đích của tác phẩm được xác định rất rõ ràng trong phần Mở đầu (Prologue) của tác giả: kiến thức về Cuốn sách Thiên nhiên cho phép chúng ta hiểu, một cách chân thực và không thể sai lầm, cũng không cần nhiều nỗ lực, tất cả sự thật về mọi sự được sáng tạo, con người và Thiên Chúa. Cuốn sách Thiên nhiên cho chúng ta biết tất cả những gì cần thiết cho sự hoàn thiện và cách thực hành luân lý của chúng ta. Nhờ đó, bằng cách đọc cuốn sách này, chúng ta có thể đạt được ơn cứu độ đời đời. Hơn nữa, nhờ kiến thức về cuốn sách thiên nhiên, chúng ta có thể hiểu một cách không sai lầm những điều trong Kinh thánh.[25] Trong Cuốn sách Thiên nhiên, mỗi thụ tạo không có gì ngoài một byte[26] và một chữ cái, được viết bởi ngón tay Thiên Chúa, sao cho tất cả các chữ cái và từ này tạo thành một loại bản thảo, trong đó con người cấu thành từ ngữ quan trọng nhất.[27]

Mối quan hệ giữa hai cuốn sách được giải thích chi tiết nhưng theo cách sai lệch, ít nhất là về một số vấn đề. Cả hai cuốn sách đã được trao cho chúng ta bởi cùng một Thiên Chúa duy nhất; chúng ta đã nhận được cuốn đầu tiên từ sự sáng tạo thế giới, trong khi cuốn thứ hai được viết sau đó. Cuốn sách Thiên nhiên dường như có sự ưu tiên nhất định, vì kiến thức của chúng ta về nó có trước và xác nhận Kinh thánh; nó giống như cánh cửa dẫn vào Kinh thánh và là ánh sáng để chiếu sáng những lời trong Kinh thánh. Kiến thức về cuốn sách Thiên nhiên có sẵn cho mọi người, trong khi Kinh thánh chỉ có thể được đọc bởi các giáo sĩ. Tuy nhiên, cuốn Kinh thánh đã được linh hứng và viết ra để giúp chúng ta đọc cuốn sách về các thụ tạo một cách đúng đắn, vì chúng ta giống như người mù[28] – việc lưu ý đến tội lỗi của con người đã mang Sebond đến gần hơn với các nhà thần học thời Trung cổ. Với một tinh thần lạc quan về nhận thức luận, Sebond nói rằng chúng ta không thể ngụy tạo hoặc giải thích sai Cuốn sách Thiên nhiên, thêm vào đó, khi nghiên cứu nó, không có chỗ cho những kẻ lạc giáo hay lạc thuyết. Trái với Kinh thánh, thiên nhiên không thể bị hủy hay mất đi. Chúng ta cần cả hai cuốn sách và chúng không mâu thuẫn với nhau. Chúng không khác về nội dung: tất cả những gì có trong cuốn đầu tiên thì cũng được tìm thấy trong cuốn thứ hai. Chúng khác nhau về cách thức truyền đạt và chứng minh nội dung: cuốn sách về thụ tạo dạy qua sự chứng minh hợp lý (tiếng La-tinh: per modum probationis), trong khi Kinh thánh dựa trên thẩm quyền của Thiên Chúa và nó dạy chúng ta qua các chỉ thị, mệnh lệnh và huấn dụ (tiếng La-tinh: per modum praecepti, mandati, monitionis et exhortationis).

Raymond Sebond cố gắng giữ quan điểm cân bằng, nhưng vấn đề mang tính tế nhị và có phần quan trọng. Nguy cơ đánh giá quá cao cuốn sách Thiên nhiên dẫn đến cái bất lợi cho Kinh thánh là có thật. Ví dụ, người ta có thể nghĩ, tất cả những gì có trong Kinh thánh có thể được biết cách đơn giản là nhìn vào các thụ tạo. Đúng là ông nhấn mạnh ở nhiều chỗ rằng Kinh thánh là “quan trọng hơn và cao cả hơn” so với cuốn sách Thiên nhiên, bởi vì việc nói với uy quyền của Thiên Chúa thì trổi vượt hơn là chứng minh điều gì đó bằng lý trí của con người. Tuy nhiên, Sebond đưa ra một số lập luận bấp bênh, và nhiều lúc mơ hồ. Cố gắng tóm tắt suy nghĩ của ông, chúng ta có thể nói rằng từ quan điểm nhận thức, cuốn sách Thiên nhiên là khởi đầu và cơ bản hơn. Kiến thức của nó là phổ quát và bẩm sinh hơn đối với chúng ta, do đó phù hợp với tâm trí con người. Từ quan điểm về phẩm giá, sách Kinh thánh có giá trị cao hơn, bởi vì thẩm quyền dựa trên chính những lời có trong đó. Tuy nhiên, Thiên nhiên dành ưu tiên để phục vụ Kinh Thánh, bởi vì nó được hướng đến kiến thức của Kinh thánh: do đó, tất cả các vấn đề lại được đối chiếu một lần nữa, và một lần nữa Sebond lại tìm thấy hướng đi của mình.

Không có gì ngạc nhiên khi học thuyết của tác phẩm Liber Creaturarum được giải thích và đánh giá theo những cách khác nhau và đôi khi tương phản. Một số học giả nhận thấy trong đó việc chú giải tác phẩm có nguy cơ làm giảm tầm quan trọng của Kinh thánh và làm suy yếu uy quyền của Giáo hội. Những người khác đã thấy trong tác phẩm của Raymond Sebond là một ví dụ hay về thần học tự nhiên, phù hợp với triết lý Kitô giáo của các thế kỷ đầu và thời Trung cổ. Trong số những người đã thẩm định tác phẩm của Sebond, chúng ta thấy: Nicholas Kues, Hugo Grotius, Blaise Pascal, Peter Canisio, Franciscus Sales, Georg Wilhelm Hegel. Tuy nhiên, năm 1559, vì những vấn đề tiềm ẩn mà nó chứa đựng, cuốn sách đã bị Giáo hoàng Phaolô IV đưa vào danh mục những cuốn sách cấm. Nhưng vài năm sau, vào năm 1564, Giáo hoàng Piô IV đã giới hạn việc cấm chỉ dành cho phần Mở đầu, và yêu cầu thêm một ghi chú giải thích thần học vào tất cả các ấn phẩm sau này của cuốn sách.

Ngoài tiến trình của các sự kiện và ý kiến liên quan đến các tác phẩm của Sebond, không còn nghi ngờ gì nữa rằng nội dung của Liber Creaturarum khác một chút so với quan điểm thần học đang nắm giữ trong thời Trung Cổ. Lần đầu tiên - và có lẽ vượt ra ngoài ý định của tác giả - chúng ta thấy một nỗ lực đọc một học thuyết luân lý từ Cuốn sách Thiên nhiên theo cách mà về nguyên tắc, việc lưu tâm đến Kinh Thánh có thể bị bỏ qua. Bây giờ cuốn sách Thiên nhiên có thể được coi là một cuốn sách có tính tự lập. Có lẽ từ thời điểm này, con đường đã mở ra cho “một tôn giáo hiện đại của thiên nhiên”, có khả năng truyền đạt các giá trị đạo đức và tinh thần mà không cần các tham chiếu cần thiết đến tôn giáo mặc khải dựa trên Kinh thánh.

2. Phá vỡ sự hài hòa

Trong lịch sử hình ảnh về hai cuốn sách, Thiên nhiên và Kinh Thánh, thế kỷ XVII và XVIII là hai thế kỷ mà ý nghĩa của ẩn dụ trải qua những biến đổi lớn nhất về khái niệm và chú giải. Thời kỳ Giáo phụ và Trung cổ không biết sự đối lập biện chứng giữa hai cuốn sách, mặc dù việc tìm kiếm một khớp nối rõ ràng và đáng tin cậy giữa chúng vẫn còn là một vấn đề cần giải quyết, như đã thấy qua tư tưởng của Raymond Sebond. Điều đáng lưu ý là, khi đến gần thời hiện đại, ẩn dụ về “tấm gương” mà sự sáng tạo vẫn chỉ là sự phản chiếu của lãnh vực thần thánh, đang dần biến mất; điều đó chứng tỏ rằng “thiên nhiên” giành được một sự tự chủ tiến triển và mạnh mẽ hơn. Thiên nhiên là nguồn gốc của ý nghĩa và ánh sáng của nó, không cần phải phản ánh ý nghĩa và ánh sáng của bất cứ thứ nào khác. Tuy nhiên, các quan điểm về việc không có mâu thuẫn giữa hai cuốn sách cũng có mặt trong giai đoạn này, như được thể hiện trong số những tác phẩm khác của các tác giả như Nicholas Kues (1401-1464) hay thậm chí Martin Luther (1483-1546).

Một ý kiến được nhiều học giả chia sẻ rằng chính Philippus Paracelsus (1493-1541) là người đầu tiên tán thành quan điểm trong đó cuốn sách thiên nhiên mâu thuẫn với các cuốn sách khác, cụ thể là các cuốn sách của các nhà triết học và thần học. Tất cả các cuốn sách trước khi nghiên cứu trực tiếp và cẩn thận về thiên nhiên đều tụt lại phía sau: cuối cùng, thế giới vật chất có thể được nghiên cứu bằng các công cụ mới, được quan sát bằng phương pháp nghiêm khắc. Theo Paracelsus: “Từ ánh sáng của thiên nhiên, sự khai sáng phải đến, mà không có sự khai sáng đó thì không có nhà triết học hay nhà khoa học tự nhiên nào có thể hiểu được bản văn của liber naturae.” Và một trong những học trò của ông thêm rằng: “Hãy để người khác đọc bản tóm tắt của chúng, trong khi chúng tôi nghiên cứu trong cuốn sách hình ảnh tuyệt vời mà Chúa đã mở cho chúng tôi ở ngoài kia.”[29] Henry Cornelius Agrippa Nettesheim (1486-1535) tiếp tục một luận điểm tương tự, tuyên bố trong tác phẩm De incertitudine et vanitate scientiarum atque artium rằng cuốn sách về các công trình của Thiên Chúa hiện đã thay thế các sách thần học và triết học. Trong các tuyên bố này không có viện dẫn nào trực tiếp chống lại Kinh thánh, nhưng rõ ràng các thẩm quyền khác với sự quan sát và kinh nghiệm, khi nói về thế giới tự nhiên, phải được đặt ở cấp độ thứ yếu.

Bắt đầu từ đầu thế kỷ XVI, Kinh thánh dành cho các nhà triết học và thần học là chính, và đã trở thành một cuốn sách trong số những cuốn khác: ánh sáng để hiểu Cuốn sách Thiên nhiên chỉ đến từ thiên nhiên, từ cách chúng ta nghiên cứu và quan sát nó, không phải từ các nguồn khác. Nói cách khác, chúng ta có thể tiếp cận thế giới tự nhiên mà không cần sự trung gian của Kinh thánh, thần học hay triết học kinh viện, và tất nhiên không có sự trung gian của bất kỳ Giáo hội nào. Điều đang bị đe dọa không phải là sự hiện hữu của Thiên Chúa: việc chính Thiên Chúa đã viết Cuốn sách Thiên nhiên vẫn rõ ràng đối với các nhà khoa học thời Phục hưng. Tuy nhiên, điều mới lạ là “sự chuyển hướng thế tục” bây giờ sẵn sàng cho những người theo chủ nghĩa tự nhiên thế kỷ XVI: thế giới có thể được đọc trực tiếp, và tiếp đến, vị kiến trúc sư và vị sáng tạo thế giới có thể được ca ngợi và tôn thờ trực tiếp, nghĩa là không cần bất cứ trung gian nào. Sự hài hòa giữa triết học tự nhiên và thần học, giữa các luật tự nhiên và các luật luân lý được mặc khải, cuối cùng là giữa thiên nhiên và Kinh thánh, một sự hòa hợp được tập trung trong một thời gian dài xung quanh mầu nhiệm của hai bản tính nơi Lời (Logos) nhập thể, thiên tính và nhân tính, buộc phải bị phá vỡ. Việc đọc một cách “thần khí” Cuốn sách Thiên nhiên vẫn có khả năng, nhưng nó không còn mang tính Kitô giáo nữa, như sẽ được thể hiện bởi triết học của trào lưu Ánh sáng và tinh thần của chủ nghĩa lãng mạn. Sinh ra trong bối cảnh Kitô giáo, khái niệm thế giới như một cuốn sách giờ đây trở nên thế tục hóa và sẵn sàng trở nên xa lạ với nguồn gốc thần học của nó.

F. Thời cận đại


Ông Galileo chấp nhận quan điểm của các học giả thời Phục hưng. Tuy sách Kinh thánh không bị khước từ, nhưng uy tín đã giảm sút. Các sách triết học và thần học, cũng như các tác giả của các tác phẩm ấy không thể nào hiểu được chính xác Cuốn sách Thiên nhiên, bởi vì sách này được viết bằng ký tự toán học. Vì thế con số những người có khả năng đọc được Cuốn sách Thiên nhiên ít lắm.

1. Quan điểm của Galileo Galilei (1564-1642) về Cuốn sách Thiên nhiên

Như đã biết, quan điểm nổi tiếng nhất của nhà khoa học người Ý là Cuốn sách Thiên nhiên được viết bằng ngôn ngữ toán học. Các ký tự của nó là hình tam giác, hình tròn và các hình hình học khác: đây là những gì ông nêu trong một trang nổi tiếng của tác phẩm The Assayer (1623). Kết quả là, chỉ có các chuyên gia về khoa học tự nhiên mới có khả năng đọc nó, chứ không phải các nhà chú giải Kinh thánh hoặc các nhà thần học. Cuốn sách này chỉ có thể đọc được bởi những người biết thứ ngôn ngữ đó. Galileo khẳng định:
“Triết học được viết trong cuốn sách lớn này, cuốn sách vũ trụ, liên tục mở ra trước mắt chúng ta. Nhưng cuốn sách không thể hiểu được trừ khi trước tiên ta học cách hiểu ngôn ngữ và đọc các chữ mà nó được sáng tác. Nó được viết bằng ngôn ngữ toán học, và các ký tự của nó là hình tam giác, hình tròn và các hình học khác mà nếu không có thứ ngôn ngữ đó thì ta chẳng hiểu được dù chỉ một từ đơn giản của nó; không có những thứ này, người ta lang thang trong một mê cung tối tăm.”[30]
Gần 20 năm sau, ẩn dụ xuất hiện một lần nữa với những từ tương tự trong tác phẩm Letter to Fortunio Liceti (1641), nơi nó dường như được làm phong phú bởi một cuộc bút chiến. Ông chỉ ra rằng các “nhà triết học tự nhiên” nổi bật vì họ không nghiên cứu tự nhiên thông qua các cuốn sách của Aristote, nhưng thông qua các quan sát khoa học:
“Cuốn sách triết học hiện đang mở ra trước mắt chúng ta; nhưng bởi vì nó được viết bằng các ký tự khác với bảng chữ cái của chúng ta, nên mọi người không thể đọc được; và các ký tự của cuốn sách này là hình tam giác, hình vuông, hình tròn, hình cầu, hình nón, hình chóp và các số liệu toán học khác phù hợp nhất cho kiểu đọc này” (Opere, quyển XVIII, tr. 295).
Bởi vậy, những cuốn sách được sử dụng cho đến thời điểm đó đã lỗi thời: việc giải thích tự nhiên giờ được giao cho phương pháp “kinh nghiệm nhận thức giác quan và có nghĩa” và một loại ngôn ngữ, toán học và hình học, cho phép tránh sự mơ hồ, phân biệt vẻ bên ngoài với thực tại. Tự nhiên và việc nghiên cứu nó là vấn đề của các nhà triết học tự nhiên, không phải cho các nhà thần học.[31]

Các phát biểu then chốt của Galileo về ẩn dụ có thể được tóm tắt như sau: a) Thiên Chúa chắc chắn là tác giả của hai cuốn sách (x. Copernican letters); b) Thiên nhiên được viết bằng ngôn ngữ toán học, và các ký tự của nó là hình tam giác, hình tròn và các hình hình học khác; nó chỉ có thể được đọc bởi những người biết ngôn ngữ này (x. The Assayer, 1623); c) Thiên nhiên là đối tượng của triết học tự nhiên: vì thế, nó là vấn đề của các nhà khoa học, không phải cho các nhà thần học (x. Dialogue on the Two Chief World Systems, 1632); d) Những cuốn sách về thiên nhiên được viết hoặc sử dụng bởi cơ sở văn hóa thời bấy giờ đã bị cuốn sách thiên nhiên vượt qua, nghĩa là bằng kiến thức thực nghiệm (x. Letter to Fortunio Liceti, 1641); e) Thay vì ủng hộ lẫn nhau dựa trên chính những cuốn sách của riêng chúng, như các nhà triết học đã làm, thì đáng tin cậy hơn nhiều khi quay lại cuốn sách thiên nhiên (x. The Assayer, 1623).

Như vậy kể từ thời của các Giáo phụ, ý nghĩa của phép ẩn dụ đã bị lật ngược một cách đáng ngạc nhiên theo cách nói của Galileo. Nếu thánh Augustinô và các tác giả khác của thời các Giáo phụ tuyên bố rằng “mọi người, ngay cả những người mù chữ, đều có thể đọc cuốn sách vũ trụ”[32]; thì theo quan điểm của Galileo, những người đủ điều kiện để đọc nó bây giờ thuộc về một vòng tròn hẹp hơn nhiều. Thậm chí, việc Raymond Sebond đề xuất rằng kiến thức của cuốn sách thiên nhiên quen thuộc với mọi người, trong khi Kinh thánh chỉ có thể được đọc bởi các giáo sĩ, cũng đã bị lật đổ. Tuy nhiên, nhà khoa học người Ý vẫn bị thuyết phục rằng “hai cuốn sách” hòa hợp với nhau, bởi vì Chúa là tác giả duy nhất của chúng, Kinh thánh được viết bởi Chúa Thánh Thần và thiên nhiên vận hành theo những mệnh lệnh nhận từ Ngôi Lời.[33] Tuy nhiên, quan điểm của Galileo cho rằng hai cuốn sách cho thấy một sự khác biệt đáng chú ý: những chân lý mặc khải đã được Thiên Chúa phán trong Kinh thánh bằng ngôn ngữ của con người vẫn còn hạn chế và hơi mơ hồ, trong khi những sự thật tự nhiên được Thiên Chúa viết bằng ngôn ngữ chính xác của toán học. Khi xem xét kỹ hơn, đó là giới hạn của ngôn từ - khi so sánh với các ngôn ngữ toán học và hình học - mà Galile dường như muốn làm nổi bật trong tác phẩm Copernican letters của mình, mà không làm giảm thẩm quyền của Lời được mặc khải.

Sau đó, Galileo đã không sử dụng cuốn sách thiên nhiên để chống lại Kinh thánh, nhưng khẳng định lại sự tự chủ và sự nhất quán của thế giới tự nhiên. “Bức tường” để bảo vệ quyền tự chủ của tự nhiên được dựng nên nhằm hạn chế ngôn ngữ mà qua đó thiên nhiên được viết ra, do đó điều chỉnh lối tiếp cận lĩnh vực riêng biệt của nó. Lần đầu tiên, khả năng đọc sách tự nhiên dường như mất đi tính phổ quát của nó. Trong khi đối với các Giáo phụ, trở ngại đối với việc đọc cuốn sách thiên nhiên là thiếu vắng tinh thần chiêm nhiệm và sự khiêm nhường, và trong khi các nhà thần học Trung cổ nhấn mạnh vai trò của tội lỗi con người, thì Galileo bây giờ chỉ ra rằng trở ngại thực sự chỉ là sự thờ ơ về hình học và toán học. Sự cản trở để đọc thiên nhiên đúng cách không còn là hậu quả của nguyên nhân đạo đức, mà là hậu quả của một khiếm khuyết trong giáo dục.

Tuy nhiên, không nên quên - đây là một điểm cực kỳ quan trọng - một sự thay đổi như vậy trở nên khả thi bởi vì các chiều kích khác nhau thuộc về khái niệm đa nguyên của “thiên nhiên” bây giờ xếp hạng theo một hệ thống phân cấp khác với quá khứ. Chiều kích thẩm mỹ, khía cạnh duy nhất có giá trị đối với các Giáo phụ và tác giả của thời đại Cổ đại, không còn là cái đầu tiên được nắm bắt. Chiều kích / ý nghĩa này không biến mất, nhưng nó đòi hỏi phần “bổ sung” của sự suy tư: ý nghĩa quan trọng nhất mà các học giả tự nhiên hiện đại liên đới với đối tượng nghiên cứu của họ là đo lường, toán học và thực nghiệm. Nói cách khác, có một sự thay đổi ngữ nghĩa quan trọng giữa khả năng đọc và toán học, một thay đổi sẽ có ảnh hưởng xa hơn. Trong thực tế, có một sự khác biệt về khái niệm giữa một hiện tượng tự nhiên được đọc như một trang sách hoặc một chữ cái trong một cuốn sách và một hiện tượng tự nhiên được hiểu như (hoặc nhờ) một công thức toán học. Mặc dù hình thức được mã hóa của một hiện tượng tự nhiên có thể là một đối tượng của sự chiêm niệm - hãy nghĩ rằng, trong một lúc, đối với các phương trình của trường điện từ của Maxwell - chúng ta không hiểu một công thức toán học bằng cách đọc nó, nhưng bằng cách chấp nhận sự hoạt động và đặc tính mang tính hợp pháp của nó. Do sự tăng trưởng dần dần của cơ giới luận, được thực hiện bằng phép toán, các thực tại tự nhiên không còn được đọc mà được phân tích và sao chép. Các biểu tượng đại diện cho chúng, giống như các biểu tượng được mô tả bởi một công thức, bắt đầu thể hiện “cách chúng ta kiểm soát” những thực tại tương tự. Ở cấp độ thẩm mỹ và chiêm niệm, không gian cho mặc khải của Thiên Chúa trong tự nhiên ngày càng mỏng hơn, trừ khi chúng ta đồng nhất Người với các công thức, Lời (Logos) với máy tính. Nếu đúng là bên dưới các phương trình toán học và các định luật khoa học vẫn tồn tại các “luật tự nhiên”, nghĩa là một nền tảng siêu hình dựa trên khả năng có thể đọc của cuốn sách và vượt qua mọi phép toán, thì vẫn còn đúng rằng khoa học không thể đủ để mang nền tảng này và chúng ta cần một nền “triết học tự nhiên”.
2. Một số quan điểm khác nhau trong thời Hiện đại

Trong số các tác giả thời Hiện đại nói về Cuốn sách Thiên nhiên, chúng ta gặp thấy Francis Bacon, Matteo Ricci, Edward Topsell, William Harvey, Thomas Browne, Johannes Kepler, Robert Boyle, George Berkeley. Hơn nữa, có những tác phẩm được viết cho mục đích hộ giáo bởi các giáo sĩ, những người quen thuộc với các ngành khoa học, các nhan đề của chúng được lấy cảm hứng từ phép ẩn dụ. Đó là trường hợp của Noël Antoine Pluche với tác phẩm Spectacle de la Nature (1732) và John Toogood với The Book of Nature (1802). Quan điểm tương tự cũng có mặt trong các tác phẩm của John Ray, William Derham và William Paley. Không ít tác giả tán thành quan điểm cho rằng sáng tạo nên được coi là “mặc khải đầu tiên của chúng ta”. Các tác giả khác, như Rene Descartes, Balthasar Gracian và Federico Cesi, nhấn mạnh vai trò “cuốn sách của thế giới”; do đó, những gì chúng ta có thể học qua kinh nghiệm của chính chúng ta, trái ngược với việc học của giáo dục truyền thống được giao phó cho sách in và các quy tắc truyền thống.

Xét về cách thức “đọc” Cuốn sách Thiên Nhiên, có ít là ba truyền thống khác nhau cùng sống chung:

a) Việc đọc cuốn sách chỉ được giới hạn vào những người nghiên cứu và thực hành khoa học: viễn ảnh tân-Platon, tranh biện với triết học phi-thực-nghiệm (William Harvey, John Webster, Giovanni Alfonso Borelli, v.v...);

b) Nhằm mục tiêu hộ giáo, có người chủ trương rằng việc đọc sách Thiên nhiên dành cho tất cả mọi người: chúng ta hãy nhìn nhận Thiên nhiên được tạo dựng bởi chính Thiên Chúa, là tác giả của Sách thánh (Khuynh hướng hộ giáo của Anh giáo, tiêu biểu qua Robert Boyle[34], Noël A. Pluche, John Toogood, v.v…);

c) Việc đọc Cuốn sách Thiên nhiên mở ra cho tất cả mọi người, chính vì vậy mà sách Kinh thánh trở nên thừa thãi: viễn ảnh của thuyết “tự nhiên thần luận” (Deismo) (Matthew Tindal, Samuel Reimarus[35], Thomas Browne, v.v...).

Chúng ta hãy so sánh hai viễn ảnh, thứ nhất của biện chứng tân-Platon, thứ hai mang tính cách hộ giáo, qua hai bản văn điển hình sau đây:

“Cho dù tất cả mọi người được mời gọi đọc và suy gẫm cuốn sách này, nhưng không phải ai ai cũng được ơn thấm nhập vào đền thờ này. Thực vậy, không phải tất cả mọi người đều có khả năng đọc hoặc hiểu các câu nói huyền bí được viết trong đó. [Hình học] ‘là khoa học duy nhất chuyên biệt thích ứng để đọc chữ viết của Thiên Chúa trong thế giới động vật’” (Giovanni Alfonso Borelli, De motu animalium, 1679).

“Việc nhìn ngắm Thiên nhiên là một thứ thần học bình dân qua đó tất cả mọi người có thể học được các chân lý cần phải biết, và từ đó phát sinh các hệ quả còn quan trọng hơn nữa” (Noël Antoine Pluche, Spectacle de la Nature, London 1770).
 

II. Những hàm ngụ của ẩn dụ Cuốn sách Thiên Nhiên


Khi so sánh với những ẩn dụ khác được sử dụng để diễn tả vũ trụ (sự kết hợp các nguyên tử, cơ quan sống động, bộ máy vĩ đại, chiếc đồng hồ), hình ảnh cuốn sách hàm chứa những nét độc đáo riêng, và đưa đến những giải thích khác nhau.

1/ Trong lãnh vực triết học, hình ảnh này:

  • Tiên vàn cho thấy vũ trụ có thể “đọc được”, nghĩa là nó bao gồm một “ý nghĩa”;
  • Diễn tả một chiều kích “đối thoại”;
  • Bao hàm một câu hỏi về “tác giả” cuốn sách (cũng tựa như một bộ máy?);
  • Gợi lên thắc mắc về “ý nghĩa” và “cứu cánh” của chính thiên nhiên.
Nếu suy nghĩ kỹ hơn nữa, nó cũng hàm chứa những hệ luận “luân lý”. Nếu cuốn sách có thể đọc được, bắt nguồn từ một Tác giả, chứa đựng một sứ điệp, thì thật là thích hợp, nếu chưa nói là bắt buộc, phải tìm cách đọc nó, tìm hiểu ý nghĩa của nó, và từ nó đi lên tới Tác giả của nó.

2/ Đối với các khoa học tự nhiên, khi cho rằng thiên nhiên là một cuốn sách thì:
  • Gợi lên ý tưởng là thiên nhiên có một cấu trúc hợp lý, và do đó, đưa đến xác tín rằng thiên nhiên được điều khiển bởi những luật có thể biết được (tuy không nhất thiết phải được phát biểu thành công thức toán học);
  • Đảm bảo cho khoa học gia rằng thiên nhiên có thể đọc được, nghĩa là có thể hiểu được, và trí tuệ con người có khả năng nắm bắt được;
  • Gợi lên ý tưởng rằngà thiên nhiên là cơ sở cho một ngôn ngữ “phổ quát” và do đó bảo đảm rằng kiến thức khoa học mang tính khách quan và có thể truyền đạt được;
  • Tuy nhiên, xét theo “phương pháp khoa học”, hình ảnh Cuốn sách không nhất thiết bao hàm sự quy hướng về Tác giả của nó; dầu vậy, con người khoa học gia cũng vẫn có khả năng quy hướng ấy, nhờ một sự trừu xuất vượt trên phương pháp khoa học (cho dù cũng là thành phần của nó).
3/ Trong lãnh vực thần học, ẩn dụ thiên nhiên như một cuốn sách diễn tả những đặc trưng của một mặc khải của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng, dựa theo những gì đã nói trong Kinh thánh và truyền thống thần học, cách riêng:
  • Nó trình bày loài thụ tạo như là kết quả của một Lời phát biểu ý định của Đấng Tạo hóa;
  • Bởi vì thiên nhiên là kết quả của lời tạo dựng, cho nên nó bao gồm một chiều kích đối thoại, nó có khả năng chất vấn, đòi hỏi một câu trả lời. Nó tỏ lộ cách nào đó chân dung Tác giả của nó.
  • Sau cùng, ẩn dụ về “Hai Cuốn sách” có thể dùng để giải thích hai đường lối mà Thiên Chúa tự mặc khải, đó là qua thiên nhiên và qua Sách thánh, và dường như có thể giải thích những tương quan giữa khoa học và đức tin, hoặc giữa thần học và đức tin.
  • Việc sử dụng ẩn dụ phù hợp với thần học về Mặc khải sẽ gợi lên cho chúng ta vài đề tài mới đồng thời cũng đề nghị vài giải thích cho chính xác hơn.
Thứ nhất, khẳng định rằng thiên nhiên là một “cuốn sách” có nghĩa là khi quan sát thiên nhiên, mỗi người có thể tìm thấy tác giả của nó (Thiên Chúa Tạo thành). Khả năng này bị suy yếu do tội lỗi, nhưng luôn luôn ở trong tầm tay của mọi người, kể cả khoa học gia.

Thứ hai, kết luận từ thiên nhiên đưa tới Tác giả của nó không phải là một hệ luận của ngôn ngữ khoa học, nhưng là một thao tác nhờ cảm quan thẩm mỹ, sự trừu xuất siêu hình, cảm nghiệm tôn giáo tự nhiên. Thiên nhiên là một cuốn sách trong đó hết mọi thứ ngôn ngữ vừa kể đều tác động, chứ không chỉ duy ngôn ngữ toán học hoặc ngôn ngữ hình thức mà thôi.

Thứ ba, sách Kinh thánh cũng có điều gì để nói về sách Thiên nhiên. Thiên nhiên có một tác giả, và vì thế chuyển tải một ý nghĩa; Kinh thánh nói rằng thiên nhiên cần phải được bảo tồn và quản trị khôn khéo. Kinh thánh cũng nói rằng thiên nhiên hàm chứa ý nghĩa và lý lẽ mà con người có thể tìm hiểu và nghiên cứu, bởi vì con người là hình ảnh của Đấng Tạo hóa.

Sau cùng, đừng quên rằng sách Thiên nhiên cũng có điều muốn nói với sách Kinh thánh. Thiên nhiên góp phần vào việc hiểu biết Kinh thánh sâu xa hơn, và phân định các nội dung của nó rõ ràng. Đây là cơ sở biện minh cho việc sử dụng các khoa học tự nhiên vào việc suy tư thần học.

Thư mục

  • H. Blumenberg, La leggibilità del mondo. Il libro come metafora della natura, Il Mulino, Bologna 1989.
  • L. Conti, L’infalsificabile libro della natura alle origini della scienza, Edizioni Porziuncola, Assisi 2004.
  • E.R. Curtius, European Literature and the Latin Middle Ages, Princeton University Press, Princeton NJ 1990.
  • E. Garin, La nuova scienza e il simbolo del libro, “Rivista critica di storia della filosofia” (1974) 328-334.
  • P. Harrison, The Bible, Protestantism, and the Rise of Natural Science, Cambridge University Press, Cambridge 1998.
  • A. Salucci, La metafora del libro della natura in Galileo Galilei, “Angelicum” 83 (2006) 327-375.
  • G. Tanzella-Nitti, Nature as Creation, “Philosophy in Science” 6 (1995) 77-95.
  • G. Tanzella-Nitti, The Two Books prior to the Scientific Revolution, “Annales Theologici” 18 (2004) 51-83. J. Van der Meer, S. Mandelbrote (edd.), Nature and Scripture in the Abrahamic Religion, 2 voll., Brill, Leiden 2008.
[1] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tiếp kiến chung (ngày 2/8/2000; ngày 30/1/2002).
[2] X. ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn từ cho Giáo triều Rôma (ngày 22/12/ 2005); Diễn từ cho Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học (ngày 31/10/2008); Bài giảng lễ Hiển linh (Rôma, ngày 6/1/2009); Sứ điệp gửi các tham dự viện Hội nghị “From Galileo’s telescope to evolutionary cosmology” (Rôma, ngày 26/11/2009); Sứ điệp ngày Hòa bình thế giới: Nếu muốn vun trồng hòa bình, hãy bảo vệ loài thụ tạo (ngày 8/12/2009); Tiếp kiến chung (ngày 24/3/2010); Diễn từ cho Đại hội của Hội đồng Giám mục Italia (ngày 27/5/2010); Bài giảng lễ tại thánh đường “Sagrada Familia,” (Barcelona, ngày 7/11/2010); Tiếp kiến chung (ngày 6/1/2013).
[3] X. ĐGH Phanxicô Bài giảng lễ Hiển linh (Rôma, ngày 6/1/2014), Thông điệp Laudato si’, các số 12, 85, 239.
[4] A. Vanderjagt & K. Van Berkel, eds., The Book of Nature in Antiquity and the Middle Ages (Leuven: Peeters, 2005); Id., The Book of Nature in Early Modern and Modern History (Leuven: Peeters, 2006); J.M. Van Der Meer & S. Mandelbrote, eds., Nature and Scripture in the Abrahamic Religions: Up to 1700, 2 vols. (Leiden: Brill, 2008); Id., Nature and Scripture in the Abrahamic Religions: 1700-Present, 2 vols. (Leiden: Brill, 2008).
[5] G. Pettinato, La scrittura celeste. La nascita dell’astronomia in Mesopotamia (Milano: Mondadori, 1998).
[6] Homilia de gratiarum actione, 2: PG 31, 221C - 224A.
[7] Enarrationes in Psalmos 45, 7: PL 36, 518.
[8] Sermones, 68, 6: PLS 2, 505.
[9] X. Confessiones, XIII, 15, 16
[10] Confessiones, XIII, 15, 17.
[11] X. Confessiones, XIII, 15, 18.
[12] Ambigua, 10: PG 91, 1129 A.
[13] Epistula, 235, 1: PG 32, 872B.
[14] Adversus Marcionem, I, 18: PL 2, 266.
[15] J.M. Gellrich, The Idea of the Book in the Middle Age (Ithaca - London: Cornell University Press, 1985).
[16] Eruditiones Didascalicae, Quyển VII, chương 4: PL 176, 814B.
[17] X. De sacramentis, Quyển I, phần VI, chương 5: PL 176, 266-267.
[18] X. De Arca Noe Morali, Quyển III, chương XII, De Tribus libris, và chương XIII, De tribus verbis: PL 176, 643-644.
[19] Collationes in Hexäemeron, XIII, 12.
[20] Sermones de Tempore, Feria VI in Parasceve, sermo II, số II.
[21] X. Breviloquium, Phần II, chương 5.
[22] X. Bernard Clairvaux, Sermones, De Diversis, IX, 1; Thomas Chobham, Summa de arte praedicandi, chương VII.
[23] X. Thomas a Kempis, Imitatio Christi, II, 4.
[24] X. Super extremam partem Cantici canticorum sermones, Sermo 104, 1.
[25] R. Sebond, Theologia naturalis seu Liber creaturarum, fac-simile of 1852 publication at Sulzbach (Stuttgart-Bad Cannstatt: F. Frommann Verlag, 1966). Prologus, tr. 27*-28*.
[26] Byte là một đơn vị lưu trữ dữ liệu cho máy tính, bất kể loại dữ liệu đang được lưu trữ. Nó cũng là một trong những kiểu dữ liệu (data type) trong nhiều ngôn ngữ lập trình. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Byte
[27] Ibidem, tr. 35*-36*.
[28] Ibidem, Prologus, tr. 38*.
[29] X. E.R. Curtius, European Literature and the Latin Middle Ages (Princeton: Princeton University Press, 1990), tr. 322; W.E. Peuckert, Paracelsus, Die Geheimnisse. Ein Lesenbuch aus seinen Schriften (Leipzig: Dieterich, 1941), tr. 172-178.
[30] X. Galileo, Opere, quyển VI, tr. 232. Về ý nghĩa của ngôn ngữ toán học trong tác phẩm của Galileo, xem Palmerino, The Mathematical Characters of Galileo’s Book of Nature, in Vanderjagt and van Berkel, (eds.), The Book of Nature in Early Modern and Modern History (Leuven: Peeters, 2006), 27-44.
[31] X. Dialogue on the Two Chief Systems of the World, Dedica al Gran Duca, in Opere, quyển VII, tr. 27.
[32] X. Enarrationes in Psalmos 45, 7: PL 36, 518.
[33] X. Letter to P. Benedetto Castelli, ngày 21 tháng 12, 1613, in Opere, Quyển V, tr. 282.
[34] Robert Boyle, Some Considerations touching the Usefulness of Experimental Natural Philosophy (1663); The Excellency of Theology compared with Natural Theology (1674).
[35] S. Reimarus, Apologie oder Schultzschrift für die vernüngtigen Vereher Gottes, in G.E. Lessing, Gesammelte Werke, ed. by P. Rilla [Berlin: Aufbau Verlag, 1954-1958], quyển VII, tr. 686-734, tr. 734.