Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

CON NGƯỜI TRONG DÒNG LỊCH SỬ TẠO DỰNG VÀ TIẾN HÓA

Thời sự Thần học – Số 44, Tháng 6/2006, tr. 5-53.

_Minh Sơn, O.P._


Con người bởi đâu mà hình thành nên? Và có mặt trên trái đất này từ khi nào? Câu hỏi thật nhiêu khê và gây những cuộc tranh luận gay gắt từ giữa thế kỷ XIX cho đến nay vẫn còn tiếp diễn. Quả thật, từ khi thuyết tiến hóa chủ trương rằng con người bởi khỉ mà ra, bản phúc trình khoa học này như trái bom làm nổ tung cả công luận thế giới và đặc biệt gây hoang mang, khủng hoảng đức tin không ít cho giới Kitô Giáo. Bởi vì sự khẳng định này của khoa học có vẻ đi ngược lại với nhiều khẳng định của Thánh kinh và đe doạ mối duy nhất, thậm chí sự tồn tại của thế giới Kitô giáo.

Một lần nữa, lịch sử của những xung đột lặp lại giữa khoa học và đức tin. Chúng ta nhớ lại vụ án Galilée ở thế kỷ XVII. Thời đó Galilée xác quyết rằng trái đất xoay quanh mặt trời chứ không phải ngược lại. Ông đã bị lên án bất công bởi những Thần học gia giáo điều. Họ đã giải thích bản văn Sáng thế chương I theo nghĩa đen, trong khi bản văn ấy không có tham vọng dạy khoa học mà chỉ muốn dùng thứ ngôn ngữ hình ảnh để chứng tỏ Thiên Chúa là khởi nguồn của tất cả những gì hiện có. Những hậu quả do sự luận tội thật tai hại. Trong vòng hơn ba thế kỷ, sự đối kháng giữa khoa học và đức tin mỗi lúc một hằn sâu.
 
Nay sự sai lầm ấy lại tái diễn với thuyết tiến hóa. Năm 1909, Giáo hội đã tuyên bố chính thức rằng ba chương đầu của sách Sáng thế, đặc biệt là những trình thuật tạo dựng phải được hiểu theo nghĩa đen. Qua sắc lệnh của ủy ban Thánh Kinh, Giáo hội đã kết án thuyết tiến hóa và xác nhận mạnh hơn thuyết định chủng. Mãi đến năm 1943, Giáo hội mới gián tiếp nhận ra tính hợp lệ của những khám phá khoa học có liên hệ đến thuyết tiến hóa khi chấp nhận trong Kinh Thánh có những loại văn chương khác nhau để diễn tả chân lý bằng những thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ chúng ta ngày nay và nhìn nhận các trình thuật sách Sáng Thế không phải là bản phúc trình khoa học.
 
Dẫu rằng lịch sử vẫn tiếp diễn tranh luận nhưng ở mức độ lắng dịu để thanh thản nhìn vấn đề một cách nghiêm túc và khách quan hơn. Tuy nhiên nguồn gốc loài người vẫn là một câu hỏi lớn mà khoa học chưa có câu trả lời thoả đáng. Thế nhưng, bất chấp những khó khăn nội tại và nhiều lối giải thích khác nhau, không ai có thể phủ nhận tiến hóa như một sự kiện khoa học.
 
Đối với thế giới ngày nay, tiến hóa là một trong những đề tài lớn và có thể nói đó là một đề tài thời thượng, gây ảnh hưởng lớn trên tư tưởng và ý thức hệ của nhân loại. Bài này muốn “dài hơi” trong nhiều phần để minh định lại thuyết tiến hóa từ quan điểm Kitô giáo và mối tương quan tích cực giữa Thiên Chúa tạo dựng, quan phòng và tiến hóa.
 

PHẦN THỨ NHẤT: Con ngươi xuất hiện theo Thánh kinh


I. Trình thuật Sáng Thế Ký Chương I

“Khởi thuỷ Thiên Chúa đã dựng nên trời và đất. Đất thì trống không mông quạnh, tối tăm trên mặt uông mang và khí thần là là trên mặt nước.
Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng!” và ánh sáng đã có. Thiên Chúa thấy ánh sáng tốt lành, và Thiên Chúa đã tách ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa gọi ánh sáng là ngày, còn tối tăm thì Người gọi là đêm. Công việc hoàn tất trong một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.
Thiên Chúa phán: “Giữa nước hãy có một cái vòm để nó tách nước với nước”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm một cái vòm, cùng đã tách nước phía dưới vòm với nước bên trên vòm. Và Thiên Chúa đã gọi vòm ấy là trời. Và đã có một buổi chiều và có một buổi mai: đó là ngày thứ hai.
Thiên Chúa phán: “Nước dưới vòm trời hãy tụ lại một chỗ, để cho khô ráo lộ diện”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi khô ráo là đất, còn khối nước tụ lại là biển. Và Thiên Chúa thấy thế là tốt lành.
Thiên Chúa phán: “Đất hãy xanh um thảo vật xanh tươi, rau cỏ nảy hạt giống và cây có quả sinh quả theo loại trên mặt đất, những quả trong có hạt giống”. Và đã xảy ra như vậy. Và đất đã mọc thảo vật xanh tươi, rau cỏ nảy hạt giống theo loại, cây sinh quả trong có hạt giống, theo loại. Và Thiên Chúa đã thấy thế là tốt lành. Và đã có một buổi chiều và một buổi mai: đó là ngày thứ ba.
 Thiên Chúa phán: “Hãy có đèn đóm trên vòm trời để tách ngày với đêm, và chúng sẽ nên dấu định thời đại hội, định ngày, định năm. Chúng hãy làm đèn đóm nơi vòm trời để soi mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy.
Và Thiên Chúa đã làm hai cái đèn: Cái đèn lớn hơn để cai ngày, cái đèn nhỏ hơn để cai đêm. Và thêm có các tinh sao. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi mặt đất, và để cai ngày và đêm cùng để tách sáng với tối. Và Thiên Chúa đã thấy thế là tốt lành. Và đã có một buổi chiều và một buổi mai, đó là ngày thứ tư.
Thiên Chúa phán: “Nước hãy nhung nhúc những sinh vật lúc nhúc, và chim hãy bay lượn trên mặt đất, nơi mặt vòm trời!” Và đã xảy ra như vậy. Và Thiên Chúa đã dựng nên những thuồng luồng to lớn, và mọi thứ sinh vật vùng vẫy lúc nhúc dưới nước theo loại chúng và mọi thứ chim có cánh, theo loại chúng. Và Thiên Chúa đã thấy thế là tốt lành. Và Thiên Chúa đã chúc lành cho chúng mà rằng: “Hãy sinh sôi nảy nỡ, và hãy đầy dẫy trong nước. Chim chóc hãy sinh sôi trên đất”. Và đã có một buổi chiều và một buổi mai, đó là ngày thứ năm. Và Thiên Chúa phán: “Đất hãy sản xuất ra sinh vật theo loại: Súc vật, côn trùng, mãnh thú theo loại chúng” và đã xảy ra như vậy. Và Thiên Chúa đã làm ra mãnh thú theo loại và súc vật theo loại, và mọi thứ côn trùng trên đất cát theo loại. Và Thiên Chúa đã thấy thế là tốt lành.
Thiên Chúa phán: “Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, như hoạ ảnh Ta. Chúng hãy trị trên cá biển và chim trời, và trên súc vật và mọi loài mãnh thú, mọi thứ côn trùng nhung nhúc trên đất”. Và Thiên Chúa đã dựng nên người theo hình ảnh Mình. Theo hình ảnh của Thiên Chúa Người đã dựng nên nó. Là nam là nữ, Người đã dựng nên chúng. Và Thiên Chúa đã chúc lành cho chúng.
Thiên Chúa phán bảo rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở và hãy nên đầy dẫy trên đất. Và hãy bá chủ nó! Hãy trị trên cá biển và chim trời và mọi loài sinh vật nhung nhúc trên đất”. Thiên Chúa phán: “Này Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ lạ sinh hạt giống có trên cả mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hat giống, chúng sẽ làm của ăn cho các ngươi. Và cho mọi loài sinh vật trên đất và mọi thứ chim trời, mọi loài nhung nhúc trên đất loài có sinh khí nơi mình, Ta ban các thứ cỏ cây xanh tươi làm của ăn”. Và đã xảy ra như vậy.
Thiên Chúa đã thấy mọi sự Người đã làm ra: Này tốt lành quá đỗi, và đã có một buổi chiều và một buổi mai, đó là ngày thứ sáu.
Thế là đã được hoàn thành trời và đất và các cơ ngũ của chúng hết thảy. Và ngày thứ bảy Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người làm. Và ngày thứ bảy Người nghỉ mọi công việc Người làm. Và Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bảy và Người đã tác thánh nó, vì ngày ấy, Người đã nghỉ mọi công việc Người đã tạo dựng”[1].
 
Lịch sử tạo dựng trời và đất là như vậy.
 

1. Tìm hiểu ý nghĩa trình thuật


- Kinh thánh là pho sách chứa đựng những chân lý được Thiên Chúa mạc khải do các soạn giả thánh chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.

Trong pho sách này, tư tưởng của Thiên Chúa được diễn tả, Lời của Thiên Chúa được nói cho nhân loại biết, chân lý của Thiên Chúa được mạc khải qua cách hành văn đặc trưng của từng soạn giả thánh nhờ hình ảnh và ngôn ngữ nhân loại.

Tác giả Kinh thánh chính là Thiên Chúa, nhưng soạn giả thánh cũng là tác giả Kinh thánh thực sự vì các ngài không chỉ đóng vai trò thư ký. Thiên Chúa mạc khải chân lý; soạn giả thánh dưới ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần, các ngài suy nghĩ, thu thập sử liệu, rồi diễn tả mạc khải bằng ngôn ngữ và văn hóa đương thời của mình.

Soạn giả thánh cũng không phải là sử gia như ta quan niệm ngày nay. Muốn viết chính xác một biến cố nào, sử gia thường phải để cho biến cố đó lui về dĩ vãng để tránh khỏi ảnh hưởng đương thời và thiên kiến chủ quan. Còn đối với soạn giả thánh, ngài tiếp nhận chân lý do Thiên Chúa trực tiếp mạc khải hoặc trong sử liệu mạc khải của tiền nhân để lại, rồi ngài suy nghĩ, sống với các chân lý đó và viết ra Kinh thánh. Hiểu như thế, ta sẽ loại bỏ ngay quan niệm quá hẹp hòi và thiên về tri thức, cứ muốn rằng bao giờ chân lý cũng phải nằm gọn trong đối tượng mà thôi, còn tâm trí loài người thì tiếp nhận chân lý cách thụ động.

Như vậy, khi diễn tả chân lý, bằng văn tự, soạn giả thánh cũng diễn tả luôn cảm nghiệm thần linh của mình. Do đó, cùng một sự kiện các soạn giả thánh tường thuật, ta có thể đọc thấy ít điểm khác nhau trong chi tiết. Nhưng chắc chắn chân lý không hề bị xuyên tạc vì có Thánh Thần trợ giúp. Chính Chúa Thánh Thần ban ơn linh hứng tác động trên soạn giả thánh, giúp cho chân lý được bảo toàn tuyệt đối. Chẳng hạn như Tin mừng nhất lãm trình bày Chúa Kitô trong thân phận “tôi tớ Yahvê” : bị nhục mạ, đau khổ, rồi mới tới vinh quang; còn Tin mừng Gioan làm nổi bật khía cạnh vinh quang của Chúa Kitô từ đầu. Thí dụ thánh Phaolô nhấn mạnh vào đức tin thuần tuý, không đặt nặng vào việc làm, còn thánh Giacôbê thì nhấn mạnh tới việc làm.

Sự khác biệt đó cũng là do ý Chúa muốn để soạn giả thánh có khả năng diễn tả một khía cạnh nào đó trong sự cảm nghiệm thần linh của mình, và đồng thời nói lên rằng toàn bộ Kinh thánh mới có thể diễn tả chân lý đầy đủ mà thôi.

- Chân lý trong Kinh thánh: Hiệu quả của ơn linh hứng là làm cho lời của người phàm trở thành Lời của Thiên Chúa. Chính vì Kinh thánh là Lời Thiên Chúa, là tác phẩm của Thiên Chúa nên Kinh thánh không vướng mắc và cũng không thể vướng mắc một sai lầm nào.

Nhưng nói “Kinh thánh không sai lầm”, “Kinh thánh vô ngộ” hàm ý minh giáo và tiêu cực. Do đó người ta thích dùng cách nói “chân lý trong Kinh thánh”, mang ý nghĩa tích cực hơn. Đây cũng là một vấn đề mới mẻ, được đặt ra hồi hậu bán thế kỷ XIX, lúc bắt đầu có cái gọi là “vấn đề Kinh thánh” (question biblique) : làm thế nào để dung hoà những kiến thức tân thời về khoa học tự nhiên và lịch sử với những điều Kinh thánh nói có liên quan đến những vấn đề đó.

Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: 
“Phải xem mọi lời các tác giả được linh hứng viết ra, tức các soạn giả thánh, là những Lời của Chúa Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Kinh thánh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Kinh thánh ghi lại vì ơn cứu độ của ta…”[2]
“…Để tìm ra chủ ý của soạn giả thánh, giữa những phương pháp khác, cũng cần xét đến văn loại. Vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau, như thể văn lịch sử, ngôn sứ, thi phú hoặc những thể văn diễn tả khác. Hơn nữa, nhà chú giải còn có bổn phận tìm hiểu ý nghĩa mà trong những trường hợp nhất định, soạn giả thánh đã muốn diễn tả và thực sự đã diễn tả trong hoàn cảnh thời đại và văn hóa của họ qua các lối văn được dùng trong thời đó. Thực vậy, để hiểu đúng ý nghĩa Kinh thánh muốn quả quyết trong bản văn, chúng ta phải chú tâm đúng mức đến các cách thức cảm nghĩ, diễn tả, tường thuật do bẩm sinh, được thịnh hành trong thời của họ, cũng như phải để ý đến các hình thức mà người thời ấy thường dùng khi giao tế với nhau”[3]. 
Sau đây là những nguyên tắc căn bản mà chúng ta cần phải hiểu điều mà soạn giả thánh diễn tả:

1.1 - Từ và ý

Một từ có thể có nhiều ý nghĩa. Nên phải tìm xem soạn giả thánh thực sự có ý sử dụng theo nghĩa nào. Ví dụ, cũng là các tinh tú, nhưng nhà thiên văn thì tìm hiểu về những định luật của nó. Nhà thơ thì ca tụng vẻ đẹp. Còn nhà tư tưởng tôn giáo thì cũng ngắm nhìn trăng sao tinh tú, nhưng lại thấy đó là công trình của Đấng Tạo dựng, lại thấy ở đó bàn tay của Đấng Tạo dựng. Cả ba đều không sai lầm, nếu được nhìn theo đường hướng của riêng họ.

1.2 - Câu văn

Phải xét từ trong một câu văn, nhưng một câu văn cũng có thể có nhiều nghĩa tuỳ theo nó ở trong những mạch văn khác nhau. Thánh vịnh 53,2 có một câu xác quyết: “Làm chi có Chúa Trời!” Nhưng phải đọc trong văn mạch để xem soạn giả thánh cho đó là xác quyết của ai. Của “kẻ ngu si”!

Trên đây là trường hợp soạn giả thánh dẫn lời người khác cách rõ ràng, khiến không thể coi lời quả quyết là của tác giả được. Còn trường hợp dẫn lời người khác không rõ ràng, lúc đó phải coi có đủ lý lẻ để chứng minh soạn giả thánh dẫn lời mà không coi đó là lời của mình. Trường hợp này phải dùng tới văn mạch.

1.3 - Thể văn

Các câu văn, các kiểu nói của soạn giả lại được lồng vào một thể cách trình bày. Đó là văn loại, văn thể. Các soạn giả thánh là những con người sống ở một thời đại nhất định, nên tác phẩm của các vị cũng phải theo các quy ước văn chương thuộc thời đại của các vị. Sứ điệp của Kinh thánh được lồng vào trong những tư tưởng thuộc về nền văn hóa của các soạn giả thánh và các độc giả thời đó, về cái nhìn của họ đối với thế giới.

Thể văn gồm có văn xuôi và văn vần. Nhưng thực tế ít khi có bài văn nào thuần tuý theo một thể văn, mà có chăng là một hình thức đặc biệt của thể văn này, thể văn kia. Các thể văn có mục đích diễn đạt đề tài cho sâu sắc, lôi cuốn và làm nổi bật những khía cạnh khác nhau của chân lý.

1.4 - Xác quyết của soạn giả thánh

Không phải bất cứ chỗ nào, bất cứ chi tiết nào trong Kinh thánh cũng đều có ý dạy ta một điều gì đó. Một tác phẩm của một soạn giả thánh có thể có nhiều tính chất: lôi cuốn, thuyết phục,…trong đó chân lý đứng hàng đầu. Nhưng chân lý đứng hàng đầu không có nghĩa chân lý là cái duy nhất, ở mọi nơi mọi chỗ và bất cứ cách nào.

Cũng không nên coi xác quyết của soạn giả thánh tất cả đều tuyệt đối như nhau. Có khi soạn giả thánh chỉ trình bày như một ý kiến, đôi khi tỏ ý do dự, thậm chí nghi ngờ. Chính Thiên Chúa cũng chấp nhận những tính cách đó, khi Người quyết định nói qua trung gian là soạn giả thánh. Có trường hợp soạn giả thánh xác quyết một điều nào đó, nhưng không cho đó là điều ông tin hay muốn độc giả tin như vậy. Ví dụ, thể văn ngụ ngôn. (x. dụ ngôn người con phung phá: Lc, 11-32; người quản lý bất lương: Lc 16, 1-13). Vậy yếu tố giả tưởng chỉ là phương tiện chuyển đạt một chân lý nào đó.

Hiểu được những nguyên tắc căn bản trên đây, chúng ta sẽ hiểu được ngôn ngữ Kinh thánh muốn nói nhằm giáo huấn chúng ta điều gì rồi.

Tác dụng của chân lý trong Kinh thánh là giáo huấn nhân loại. Cách thức giáo huấn theo sát phương pháp tiệm tiến: đi từ cái dễ đến cái khó dần dần cho phù hợp với khả năng lãnh hội của dân chúng. Do đó, ta thấy trong Kinh thánh có nhịp tiến của mạc khải. Thí dụ: quan niệm “diệt thù” dần dần tiến tới “mắt đền mắt, răng đền răng” (nghĩa là chỉ trả thù kẻ gây ra tội ác, chứ không có chuyện tru di tam tộc kẻ thù), và sau cùng đưa đến lý tưởng yêu thương, trong bài giảng trên núi của Chúa Giêsu: yêu thương hết mọi hạng người, và làm ơn cho cả kẻ thù. Một thí dụ khác: quan niệm sẵn có của người Do Thái về âm phủ (shéol) là nơi tối tăm dành cho kẻ chết, ở đó họ bị Thiên Chúa và người đời lãng quên, đổi thành nơi chờ đợi ngày phục sinh, niềm hy vọng ơn bất tử, sau cùng được Chúa Kitô mạc khải về thiên đàng và hoả ngục.

1.5 - Phương cách diễn tả chân lý

Như trên đã trình bày: Thiên Chúa mạc khải chân lý, soạn giả thánh tiếp nhận, suy nghĩ, rồi diễn tả ra bằng ngôn ngữ của mình.

Phải chăng khi đọc bản tường thuật Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, ta tưởng rằng một hôm nào đó soạn giả thánh được ơn linh hứng thấy rõ cảnh tượng Thiên Chúa tạo dựng: Ngài bay lượn trên mặt nước, Ngài phán, Ngài làm v.v… tựa như soạn giả thánh nhìn thấy một cuốn phim đang chiếu trên màn ảnh?

Chắc chắn không phải như vậy. Trái lại, ta phải nghĩ tới soạn giả thánh là một nhà thần học đã thu thập bao nhiêu tư tưởng của nhiều thần học gia khác suốt bao nhiêu thế kỷ cùng suy tư về hành trình tạo dựng. Và sau khi suy nghĩ cẩn thận dưới sự soi sáng và thúc đẩy của ơn linh hứng, soạn giả thánh đã diễn tả thành bản văn và câu chuyện quen thuộc thời đó nhưng đã được biến đổi do nội dung mạc khải chứa đựng trong đó

Do đó, ta tìm ra được những quan niệm và những câu chuyện thần thoại về tạo dựng của miền Cận Đông ngày xưa:

Thí dụ: Ngày thứ nhất Thiên Chúa dựng nên sự sáng mà ngày thứ tư mới có mặt trời, Các tinh tú. Sở dĩ diễn tả trái với khoa học như vậy là vì soạn giả thánh hiểu theo trình độ và tâm thức của người đương thời: họ nghĩ rằng ánh sáng là thực tại riêng biệt đối với mặt trời và tinh tú; họ xem mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao là những túi lớn, túi vừa, túi nhỏ chứa đựng ánh sáng mà thôi.

Thí dụ: ngày thứ hai Thiên Chúa dựng nên vòm trời, phân cách nước trên trời và nước dưới đất. Rõ ràng từ ngữ vòm trời phản ánh quan niệm về trời đất của người dân miền Cận Đông xưa. Họ xem vòm trời tựa như một cái vung rắn chắc chụp trên đất và biển cả giữ cho nước trên trời khỏi chảy xuống, mưa là do các vòi nuớc trên trời được mở ra cho nước chảy xuống.

Thí dụ: thế kỷ XIX, người ta đã tìm ra ở miền Lưỡng Hà Châu (miền Babylon xưa) rất nhiều bản văn bằng đất nung chép truyện thần thoại sử ký, pháp luật. Trong các thần thoại, có thần về cuộc tạo dựng vũ trụ mô tả trong bài ca “thuở trên cao” (enumma elish). Theo bài ca này thì thuở ban sơ, chỉ có đôi thần Apsu và Tiamat. (Apsu là thần nam, thần nước ngọt; Tiamat là nữ thần nước mặn), giữa hai vị thần này, các thần khác được tạo dựng. Nhưng vì các thần sinh ra sau phá rối nên Apsu muốn tiêu diệt đi. Tiamat tạo dựng các quái vật đi báo thù cho chồng. Họ bị thần Marduk đánh bại. Thây Tiamat bị phân thành hai mảnh, một mảnh căng làm vòm trời. Sau đó Marduk tạo dựng mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, rồi lấy máu của thần Kangu tạo nên loài người để con người hầu hạ các thần.

Nếu như văn chương và hình ảnh Sáng thế ký chương I vay mượn ở thần thoại, ta sẽ thấy tính cách siêu vượt của Kinh thánh khi đối chiếu có những điểm giống nhau:
  • Quan niệm thần thánh tạo nên vũ trụ.
  • Marduk căng thây Tiamat làm vòm trời… đối chiếu với việc Thiên Chúa dựng nên vòm trời.
  • Con người sinh ra do máu thần Kingu…. Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài.
Những điểm khác biệt:
  • Đa thần trong thần thoại, còn Kinh thánh chủ trương Thiên Chúa là Đấng duy nhất, độc nhất.
  • Phàm tục: các thần đánh nhau, tranh giành nhau. Trái lại Kinh thánh mô tả Thiên Chúa là Đấng tốt lành, thánh thiện.
  • Ngẫu thần: có bản văn xem mặt trời, mặt trăng, cá lớn là thần. Nhưng Kinh thánh gọi chúng là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên, chúng thua kém loài người.
  • Mục đích tạo dựng: các thần dựng nên loài người để hầu hạ các thần; để canh tác đất đai, làm ra lương thực cho thần linh, làm công việc xây dựng thay thế cho thần linh, cuối cùng là để ngợi khen các thần linh. Trong khi Kinh thánh, loài người được Thiên Chúa trao phó sứ mạng làm chủ vũ trụ.

2. Giải thích văn bản


Người ta đã giải thích bản văn trên theo nhiều cách:

- Hiểu sát nghĩa đen từng chữ, từng câu, từng việc làm y nguyên như bản văn đã mô tả cách cụ thể. Cách giải thích này của phái Antiokia được ít Giáo phụ như Ephrem, Gioan Kim Khẩu công nhận.

- Thuyết hoà hợp (concordisme): tìm thấy trong Kinh thánh ít điều có thể am hợp với khoa học nên cố cắt nghĩa Kinh thánh hợp với khoa học. Thí dụ: giải thích ngày trong Kinh thánh không phải là khoảng thời gian 24 giờ, nhưng là một địa kỷ. Thuyết này đã tỏ ra lỗi thời và nguy hiểm vì “khoa học là mồ chôn các giả thuyết”, khoa học luôn luôn tiến nhờ những khám phá mới bắt buộc các nhà bác học phải bỏ những giả thuyết cũ để chấp nhận giả thuyết mới. Như vậy, phái hoà hợp lại phải chạy theo…..

- Ngày nay, khoa chú giải Kinh thánh đã tiến bộ rất nhiều. Người ta áp dụng phương pháp phê bình để tìm kiếm ý nghĩa đích thực lời Thánh kinh. Khoa phê bình văn chương phân biệt các loại văn; khoa phê bình lịch sử giúp ta đặt bản văn vào thời nó xuất hiện để tìm hiểu hoàn cảnh xã hội, văn hoá, chính trị ảnh hưởng trên nó.

Nhờ đó, khi đọc bản văn trên, ta phân biệt được đâu là chân lý mạc khải, đâu là cách thức diễn tả mạc khải. Ta có thể tóm tắt đạo lý về bản văn trên như sau:

2.1 - Về Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng duy nhất, hiện hữu từ muôn thuở. Ngài là Đấng toàn năng, toàn thiện, dùng quyền phép tạo dựng vũ trụ muôn loài muôn vật theo như ý Ngài muốn. Ngài tuyệt đối siêu việt, nhưng cũng hết sức gần gũi với con người. Vũ trụ có khởi đầu và chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa, chứ chẳng có phẩm tính thần linh như các tôn giáo đương thời vẫn lầm tưởng.

2.2 - Về con người: Con người được trình bày như trung tâm của công cuộc tạo dựng. Qua những bước chuẩn bị khác nhau, tất cả lịch sử tạo dựng đều hướng tới việc tạo dựng con người. Chính vì thế, khi đề cập đến hành động tạo dựng con người, trình thuật đi vào những chi tiết rất tỉ mỉ. Thiên Chúa được trình bày như người thợ gốm say mê nắn nót tác phẩm của mình, với tất cả sự cẩn trọng và tinh tế khác thường. Dĩ nhiên, con người được tạo thành từ bụi đất, nhưng chính “thần khí” của Chúa mới ban cho sức sống thực. Đặc biệt giống hình ảnh Chúa, có linh hồn, lý trí và tự do. Nhờ thế, con người có khả năng nhận biết, yêu mến Chúa và làm chủ vạn vật. Con người được Chúa trao quyền làm chủ vạn vật bằng sức lao động và duy trì giống nòi.

II. Trình thuật Sáng Thế Ký Chương II (2, 7; 13 – 24)


Thiên Chúa Yahvê lấy bùn đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên vật sinh linh….

Thiên Chúa Yahvê đem con người mà Ngài tạo nên vào vườn địa đàng. Rồi Thiên Chúa Yahvê phán rằng: “Ngươi được tự do ăn hoa quả thứ cây trong vườn, nhưng còn cây biết lành biết dữ thì ngươi chớ ăn, vì hễ ngày nào ngươi ăn, ngươi sẽ chết.

Thiên Chúa Yahvê phán: “Con người ở một mình không tốt, Ta sẽ tạo ra một kẻ giúp đỡ giống như nó. Thiên Chúa Yahvê lấy đất nắn các loài thú rừng, chim trời rồi dẫn chúng đến trước mặt Ađam để xem ông đặt tên cho chúng làm sao, ông đặt tên cho mọi loài súc vật, chim trời và thú rừng, nhưng về phần ông, ông chẳng tìm được ai giúp đỡ giống như ông. Thiên Chúa Yahvê khiến Ađam ngủ mê, Ngài rút một chiếc xương sườn của ông rồi ốp thịt thế vào. Thiên Chúa Yahvê dùng chiếc xương sườn lấy của Ađam làm ra một người nữ và dẫn tới Ađam. Ađam reo lên: “Người này xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Người này được gọi là người nữ vì do người nam mà có”. Bởi thế, người nam sẽ lìa cha mẹ mà kết hiệp với vợ mình, và cả hai trở nên một xương thịt.

1. Giải thích văn bản


Bản văn được trình thuật theo cách dùng nhân ảnh (Thiên Chúa Yahvê lấy đất bùn nắn…thổi sinh khí…) dùng ngôn ngữ diễn tả theo lối bình dân như cho rằng chữ Ađam (người) bởi adamah (đất), chữ Ishshah (người nữ) bởi chữ Ish (người nam). Để cụ thể hóa các chữ đó, tác giả mô tả Thiên Chúa dùng đất nắn thành người, lấy xương sườn người nam làm nên người nữ.

Tạo dựng con người đúng như quan niệm Do thái: Con người có hai phần. Phần xác (basar) cùng một thể chất như các loài vật khác. Phần cao hơn gọi là sinh khí (Ruah) bởi Thiên Chúa mà có và là nguyên lý sự sống. Nếu Chúa rút sinh khí đó đi thì con người sẽ chết (Tv 104, 29). Sống là còn thở, chết là hết thở. Do đó, người Do thái đồng hóa sự sống với hơi thở. Để nhấn mạnh quan niệm đó và làm chứng rằng con người đặc biệt được Thiên Chúa ban sự sống một cách trực tiếp thì bản văn St 2 mô tả Thiên Chúa lấy đất bùn nắn nên con người và hà sinh khí vào. Những chi tiết đó nhằm nói đến bản tính con người hơn là cách thức con người được dựng nên làm sao.

Câu chuyện tạo dựng người nữ được trình bày một cách hoàn toàn khác với việc tạo dựng người nam. Có thể coi đây là một ân huệ hay tặng vật quý báu nhất mà Tạo Hóa đã trao tặng con người. Một cách tinh tế và bí nhiệm, Thiên Chúa tự đảm nhận công việc tạo dựng người nữ từ người nam. Người nữ được giới thiệu như bạn đồng hành tương xứng của người nam: bình đẳng và tương đồng, nhưng không đồng hóa. Vừa tương phản, vừa bổ túc thiết yêu cho người nam, đến độ người nam đã tự thú: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”. Và dưới sức thúc đẩy của bản năng được chính Chúa an bài, cả hai gắn bó với nhau “thành một xương một thịt” (2, 21-24 ).

2. Ý nghĩa bản văn


Thiên Chúa tạo dựng con người làm sao? Trình thuật diễn tả rõ ràng và trang trọng. Đây là đỉnh cao của công cuộc tạo dựng. Để thực hiện hành động tạo dựng đặc biệt này, Thiên Chúa không thực hiện bằng lời tuyên phán như trong trường hợp các tạo vật khác. Trái lại, Người cân nhắc để lựa chọn một mô hình lý tưởng và mô hình này chính là Thiên Chúa: Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo chính hình ảnh của Người. Thiên Chúa lấy đất nắn thành và hà sinh khí vào. Thiên Chúa cũng tạo dựng con người có nam có nữ, trong mối tương quan và bình đẳng về phái tính. Con người không còn là tôi tớ hay dụng cụ của thần linh, mà là những nhân vị tự do. Hơn nữa, chính Thiên Chúa trao phó cho con người nhiệm vụ quản trị trái đất, như là đại diện của Người trên trần thế.

Đạo lý bản văn:

  • Con người không tự mình mà có, nhưng là do Thiên Chúa dựng nên.
  • Con người là một nhất thể gồm hồn và xác.
  • Người nam và người nữ cả hai cùng chung một bản tính, nhưng bổ túc cho nhau, và sống khăng khít bền vững với nhau trong hôn ước.
Như thế, con người xuất hiện trong 2 văn bản sách Sáng Thế là con người được Thiên Chúa trân trọng, là cao quý, trổi vượt trên mọi tạo vật khác. ECCE HOMO – NÀY LÀ NGƯỜI.

PHẦN THỨ HAI : Con người xuất hiện theo thuyết tiến hoá


I. Trình Bày Thuyết Tiến Hoá


Thuyết tiến hóa xuất hiện vào đầu thế kỷ XIX là một sản phẩm đặc biệt của thời đại. Ở vào giai đoạn đầu tiên, thuyết tiến hóa được xây dựng trên hai quan niệm chính là thích nghi và chọn lọc tự nhiên. Herbert Spencer định nghĩa là “sự sống sót của những cá thể thích ứng nhất”. Có thể coi đây là một định nghĩa thuyết tiến hóa theo quan điểm của Darwin, vì chính Darwin tán đồng nó.

Với thời gian, một số quan niệm khác được thêm vào: yếu tố di truyền, tự tổ chức, phức biệt tính, đa dạng tính… Hạn từ tiến hóa mang một ý nghĩa chuyên môn phù hợp với phương pháp khoa học và được kiểm chứng bởi rất nhiều sự kiện sinh hóa. Thuyết tiến hóa lý giải diễn tiến lịch sử của tất cả sự kiện sinh hóa này. Nó giả thiết một quá trình liên tục từ thấp đến cao, từ vật chất vô cơ cho đến sự sống và cuối cùng xuất hiện con người.

Lịch sử tiến hóa của những sinh vât được trình bày như một tiếp nối của những đường phân rẽ không đồng đều và không tương xứng. Bởi vì, xét về thời gian, các giai đoạn tiến hóa hết sức so le: có những giai đoạn, lịch sử tiến hóa hầu như dậm chân tại chỗ, ngược lại có những giai đoạn đột biến và đột khởi. Ngoài ra, trong tiến trình tiến hoá, những sinh vật có khả năng lần mò theo con đường biến đổi cơ cấu để tiến lên bậc cao và phức tạp hơn, ngày càng ít ỏi và hiếm hoi hơn.

1. Thuyết tiến hóa của J.B Lamarck (1744-1829)


Cho đến cuối thế kỷ XVIII vẫn ủng hộ quan niệm cổ điển về sự bền vững và cố định của chủng loại. Nhưng kể từ 1793, khi bắt đầu nghiên cứu và xếp loại động vật, ông thay đổi ý kiến và ủng hộ quan niệm ngẫu sinh. Năm 1809, ông xác định và khai triển thuyết biến đổi trong tác phẩm căn bản mang tựa đề “Triết học động vật”.

Lamarck chưa hề sử dụng hạn từ tiến hoá, tuy nhiên qua “thuyết biến đổi” (Transformisme) trong thế giới động vật, từ loài nọ sang loài kia, ông là người đầu tiên đặt nền cho “thuyết tiến hoá”. Ông quan sát những bước chuyển tiếp giữa các loài từ thấp lên cao và nhận thấy ảnh hưởng của điều kiện sống trên sự biến đổi này. Ông lý giải sự biến đổi các loài, một mặt, do ảnh hưởng của hoàn cảnh và môi trường sống có thể trực tiếp làm thay đổi cơ thể; mặt khác do chính những cố gắng của các động vật. Sự cần thiết tạo ra cơ quan mới và việc sử dụng một số cơ quan cuối cùng đã biến mất. Hành động thích ứng tích cực với môi trường sống được chứng minh qua thí dụ điển hình về con hươu cao cổ và con chuột chũi gần như mù vì không cần dùng đến mắt.

Lamarck công nhận sự kiện ngẫu nhiên, nhưng chỉ ở cấp độ những sinh vật rất đơn giản. Ông nhìn thấy trong các sinh vật một tiệm tiến khéo léo theo chiều phức biệt hóa và một khuynh hướng nội tại đưa đẩy tới tình trạng ngày càng phức biệt hơn. Theo Lamarck, những đặc tính thủ đắc sẽ được chuyển giao cho các thế hệ kế tiếp qua di truyền. Đây là một trong những điểm yếu của Lamarck.

2. Thuyết tiến hóa của Darwin (1809-1882)


Darwin lấy lại một phần của Lamarck, nhưng ông giải thích hiện tượng biến đổi các loài bằng một yếu tố ngoại tại: Sự chọn lọc tự nhiên. Năm 1859, hai mươi ba năm sau khi hoàn tất chuyến du khảo thời danh, ông xuất bản tác phẩm “Nguồn gốc các loài”. Tuy Darwin không sử dụng hạn từ tiến hoá, nhưng thực rõ rệt bao hàm nội dung tiến hóa của sinh giới, mà động lực là chọn lọc tự nhiên và đấu tranh sinh tồn. Điều kiện sống khắc nghiệt nơi môi trường thiên nhiên (không gian, lương thực, hấp dẫn phái tính, quyền hành, v.v.) dẫn đến những cuộc đọ sức cam go, những cuộc chiến sinh tồn. Theo ông, trong cuộc chiến tranh sinh tồn này, chỉ những sinh vật có khả năng nhất và có lợi thế nhất mới sống sót. Chúng sẽ chiến thắng, sinh con đẻ cái nhiều hơn, dòng dõi đông đúc hơn và sẽ từ từ áp đặt những đặc tính của chúng trên đàn vật.

Những đóng góp của các nhà nhân chủng học, địa chất học, cổ sinh học, khảo cổ học… góp phần chiếu dọi vào vấn đề nguồn gốc loài người. Quan niệm cho rằng con người không những có tương quan tiến hóa với khỉ, mà còn với cả những chủng loại bậc thấp, xem ra ngày càng rõ nét. Trong bối cảnh đó, Darwin xuất bản tác phẩm quyết định về nguồn gốc loài người: “Sự phát sinh loài người và chọn lọc giới tính” (1871). Có thể tóm lược luận điểm căn bản của ông như sau: Con người mang những đặc điểm cấu tạo và chức năng tương tự như các động vật khác, đặc biệt với khỉ dạng người. Tuy nhiên, tổ tiên gần nhất của con người là một loài khỉ lớn đã tuyệt diệt, sống ở cựu lục địa khí hậu nhiệt đới. Darwin ước tính biến cố loài khỉ lớn tiến hóa thành người ở vào Đệ tam kỷ nguyên.

Hai tác phẩm này như trái bom làm nổ tung công luận thời đó, tạo nên sự ủng hộ nồng nhiệt cũng như phản đối kịch liệt trong giới khoa học, triết học và tôn giáo. Luận điểm của Darwin được một số nhà chuyên môn như Lyell, Hooker, Huxley, Spencer… và ngay cả một số giáo sĩ như nhà luật học Tristam, nhà thực vật học Asa Gray, linh mục văn sĩ Charles Kingsley ủng hộ. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học tự nhiên nổi tiếng như Agassz, Von Baer, Pictet, Sedgwick, Bernard, Pasteur, Virchiow… bày tỏ sự nghi ngờ đối với quan điểm của Darwin và phê bình sự thiếu nhất quán trong các luận điểm. Đặc biệt giới giáo sĩ kịch liệt lên án luận điểm cho rằng con người phát xuất từ khỉ, vì theo họ, chủ trương này rõ rệt đi ngược lại quan niệm tạo dựng theo Thánh kinh[4].

Trong những tác phẩm kế tiếp, Darwin đã cố gắng trả lời những phê bình chống lại tiến trình tiến hóa liên tục giữa người và các linh trưởng cấp thấp. Ông chứng minh sự tương đồng về cảm xúc giữa người với các loài có vú khác. Theo ông, những biểu lộ tình trạng cảm xúc của chúng ta như vui buồn, lo sợ, giận dữ là kết quả của một tiến trình biến hóa về hình thức khởi đi từ các động vật cấp thấp. Tuy nhiên, như một số nhà phê bình đã nhận định, ngôn ngữ của ông vẫn là một ngôn ngữ của thuyết “sinh vật đồng nhân” (anthropomorphism), và ít tính chất khoa học, nên chưa đủ sức thuyết phục.

Thật vậy, Darwin vẫn chưa thể đưa ra một giải thích có tính thuyết phục cho việc chuyển giao các đặc tính thủ đắc. Ông chưa biết đến những kết quả nghiên cứu về di truyền của G. Mendel, một tu sĩ người Áo. Tệ hơn nữa, một số hình ảnh Darwin sử dụng để bảo vệ luận chứng của ông là những hình ảnh do nhiếp ảnh gia Oscar Gustave Rejlander dùng xảo thuật để ngụy tạo[5]. Thêm vào đó, chọn lọc tự nhiên vẫn chưa thể giải thích sự phát triển khả năng tinh thần. Những lý giải về mối tương quan giữa quy luật sinh học tự nhiên và quy luật của xã hội loài người vẫn chưa được thoả đáng.

Bất chấp những giới hạn và khó khăn nói trên, tác phẩm của Darwin ngày càng ảnh hưởng quyết định trên tư tưởng của thời đại. Những đóng góp của A. Weismann (1834-1914) và nhiều nhà sinh vật học khác đã củng cố thêm quan điểm của Darwin. Dần dần, những cuộc tranh luận không còn xoay quanh vấn đề có tiến hóa hay không, mà nhằm xác định vấn đề cơ cấu và cách thế tiến hóa thôi[6].

3. Thuyết ngẫu biến của De Vries (thuyết tiến hóa gián đoạn)


Hugo de Vries (1848-1935). Ông là nhà thực vật học Hoà Lan. Khoảng năm 1901-1903, ông trình bày thuyết tiến hóa có thể gọi là tiến hóa ngẫu biến.

Lý thuyết của ông dựa vào những lần thí nghiệm rất lâu dài và chính xác trên một loại cây (cây Cenathera Lamarkina): Dùng 9 cây
 Đợt phát sinh một: Cây con hoàn toàn giống nhau.
  • Đợt phát sinh hai: trên 15.000 cây đã có 10 cây có tính chất khác nhau.
  • Đợt phát sinh ba: trên 50.000 cây, tất cả đều sinh ra do một cây mẹ đầu tiên, người ta được 900 cây biến đổi đột ngột.
Ông trình bày: “sự biến đổi của các hình thức sinh sống được thực hiện do những bước nhảy vọt ngẫu biến xảy ra trong những tế bào sinh thực. Những nguyên nhân của sự ngẫu biến vẫn chưa khám phá ra được, nhưng có thể một sự ngẫu biến xảy ra do những yếu tố ngoại tại. Khi có ngẫu biến, mẫu dạng biến hóa ngẫu biến có tính cách lập tức và giữ tính cách bất biến những đặc tính ngẫu biến. Ngẫu biến xảy ra tình cờ theo bất cứ phương hướng nào, tự chúng, chúng không có giá trị thực dụng. Không phải để thích nghi với môi trường; chúng tuyệt đối ngẫu nhiên, chỉ sau đó mới thấy phát triển cái gì có lợi và cái gì không có lợi biến đi”. Thí dụ: Lấy lại thí dụ sự xuất hiện đột ngột con cừu ngắn chân.

Tóm lại: Thuyết của De Vries là một thứ thuyết Darwin, trong đó quan niệm biến đổi chậm liên tục và phổ quát đã nhường cho quan niệm biến đổi mãnh liệt, ngẫu nhiên, gián đoạn và theo thời gian sinh thực của sinh vật.

4. Thuyết tiến hóa của Teilhard de Chardin


Pierre Teihard de Chardin (1881-1955). Người Pháp, là Linh mục dòng Tên cũng là nhà bác học chuyên về cổ sinh vật. Tác phẩm đầu tay của ngài “Hiện tượng nhân loại”, là một tác phẩm khó đọc, không những chứa đựng nhiều kiến thức khoa học mà còn có những suy tư sâu xa đã làm cho thế giới biết ngài như một nhà bác học và một tư tưởng gia trong bộ áo tu sĩ.

Tư tưởng của ngài trong tác phẩm này là nhấn mạnh tới hiện tượng tiến hóa lâu dài kinh qua cả 4 tỉ năm từ đơn bào tới thực vật, động vật, và sau hết tới con người. Từ con người cuộc tiến hóa vẫn còn tiếp tục: tiến tới tâm thức hơn, suy tư hơn, tự do hơn để toàn thể nhân loại sống trong một thế giới đại đồng, huynh đệ, không giai cấp bóc lột, chỉ có tình thương, bác ái ngự trị.

- Tạo thành vật chất:

Khởi đầu sự tiến hóa vật chất là bước tiến xây dựng những nguyên tố vật chất.

Thoạt đầu là những giai đoạn thành hạt nhỏ, xuất hiện quang chất ở trạng thái đơn giản (vấn đề này chưa được khoa học giải thích rõ ràng), rồi đột nhiên xuất hiện đông đảo và mỗi ngày càng tăng những phần tử cực nhỏ cấu tạo nên nguyên tử (âm điện tử, dương điện tử, trung hoà điện tử, quang điện tử v.v.). Tiếp đến là giai đoạn thành lập đơn chất (nguyên tử), từ nguyên tử Hydro đến nguyên tử Uranium. Cuối cùng xuất hiện vô số hợp chất (phân tử) có trọng lượng tăng dần, tăng đến một giá trị giới hạn là giá trị giáp liền với sự sống.

Mỗi nguyên tử đều chứa những phần tử cấu tạo giống nhau nhưng chúng khác nhau vì lượng số (âm dương điện tử khác nhau v.v) không bằng nhau, nói một cách khác, có nhiều loại nguyên tử khác nhau, mang những tên riêng biệt là do sự sắp xếp của các phần tử cực nhỏ theo định luật “phức tạp hoá”.

Nơi vật chất có sự tiến hóa nghĩa là có sự tăng bội tổng hợp vật chất. Có thể thấy hiện tượng nầy dễ dàng nơi thân thể trẻ em. Nhưng nơi vật chất nào vô tri, chẳng hạn trái núi, ta thường tưởng chúng bất động. Nhưng sự thực nó đang biến đổi vì vật chất nào cũng phóng xạ, vì khi những nguyên tử chuyển động đạt tới trị số cùng cực thì tốc độ đó có khả năng sửa đổi trọng khối vật chất cách sâu xa. Trong khi vật chất tiến hóa thì xảy ra hiện tượng huỷ hoại năng lực, nên vật chất bị tiêu hao, điều này chứng tỏ vật chất cũng có giai đoạn sống và chết.

Khoa học vật lý hiện đại cho ta biết những khám phá kể trên, nhưng đó chỉ là khám phá vẻ bề ngoài vật chất. Chardin nhắc lại như vậy và ngài chỉ cho ta biết nội dung vật chất. Nội dung hoặc “mặt bề trong” vật chất là hiện tượng “ý thức” của vật chất.

Thông thường ta nghĩ rằng những động vật cấp cao như con người mới có ý thức và coi ý thức như bên lề đường tiến hoá, bên lề kiến thức khoa học vũ trụ. Trái lại, Chardin cho rằng ý thức đâm rễ sâu trong lòng vật chất đến nỗi làm thành mặt trong của vật chất. Và trong lịch sử tiến hoá, vật chất và ý thức (tinh thần) cùng đăng tiến theo mức độ ý thức càng hoàn bị bao nhiêu thì đòi phải có tổ chức bấy nhiêu. Chardin tuyệt đối loại trừ tư tưởng nhị nguyên xem tinh thần đối kháng với vật chất. Như thế, ta có lý khi bảo con chó này khôn v.v…, vì động vật nào cũng có túi khôn theo mức độ tiến hóa của nó.

- Tạo thành quả đất

Từ vô cơ, cách chúng ta khoảng 5 tỉ năm, một khối vật chất lớn gồm những nguyên tử đặc biệt tách khỏi mặt trời, cuốn tròn lại và nằm ở một vị trí thích hợp trong thái dương hệ. Nguyên nhân của hiện tượng trên có thể do sự phát nổ trong nội bộ, hoặc sự cọ xát của các tinh tú. Trái đất được thành lập xem ra như do một sự ngẫu nhiên, nhưng được lợi dụng và chỉ huy ngay (gọi là ngẫu nhiên có chỉ huy) vì được tổ chức hẳn hoi.

Bề mặt trái đất đại khái được cấu tạo theo thứ tự kể từ trong ra ngoài: khu trung tâm, rồi tới lớp đá cứng, lớp nước và khí quyển.

Tới hữu cơ, lớp đá cũng được tạo thành do sự đốt cháy và tập trung hóa của vật chất slicat, nước nitro có tính uyển chuyển và linh hoạt. Trong quá trình tập họp thành khoáng chất: nguyên tử, phân tử, tinh thể, một thứ tinh lực (sức mạnh vật chất) thoát li ra một cách liên tục được tăng cường do tinh lực phân hóa nguyên tử của chất phóng xạ và ánh sáng mặt trời cho phép tạo lập một số tổng hợp với những nguyên tố carbon, hydro, nước theo cách thế phân tử hóa hợp với phân tử thành những chất mới có đặc tính phức tạp gia tăng, nhưng dễ phân giải.

Bề trong trái đất là “mặt tâm linh” ứng đối với mặt bề ngoài. Trong khi mặt bề ngoài cuộn tròn khép kín cặp đôi (sự cuộn tròn của phân tử và mặt đất) nghĩa là vật chất cứ tiến hóa theo đúng định luật khoa học thì sự “tiền sinh” đang mang sẵn trong vật chất, trước đây im lìm, nay chỗi dậy, ăn nhịp với những thế lực tổng hợp trong vật chất: sự sống xuất hiện, mặt bề trong hiện rõ trong sinh hoạt ý thức.

- Tế bào sống

Tế bào sống xuất hiện trên mặt địa cầu cách đây ba, bốn tỷ năm. Trái đất bẩm sinh đã mang trong mình cái mầm tiền sinh một số luợng nhất định.

Ở trạng thái tiền sinh, các phân tử tập họp lại thành đại phân tử Protit, Axit nuclêic nghĩa là những đơn vị hữu cơ, mỗi đơn vị này có một đặc thức về hoạt động ý thức: sự sống xuất hiện cách đột ngột trong tế bào.

Tế bào là hạt nhân tự nhiên của sự sống (cũng như nguyên tử là hạt tự nhiên của chất vô cơ) có một thành phần vô cùng phức tạp xét trên bình diện hóa học và cơ cấu:

Trên bình diện cơ cấu: thế giới phân tử được tập họp lại, được tổ chức thành những kiến trúc cao.

Trên bình diện hóa học: từ chất vô cơ đi đến phân tử hữu cơ, các phân tử hữu cơ tập họp lại thành đại phân tử protit, axit nuclêic có trọng lượng lên tới hàng triệu.

Dựa vào hai bình diện này ta có thể biết được tế bào thành hình trong thời gian bao lâu, vì bất cứ một kiến trúc nào, một thay đổi nào về hình thể cũng đều nói lên sự tất hữu một thời gian tương ứng.

Giải thích tạo thành sự sống trên sẽ gặp vấn nạn: sự sống không bao giờ xuất hiện trong môi trường không có sự sống, bác học Pasteur đã thí nghiệm đúng như vậy và ai cũng công nhận như thế. Chardin trả lời: thí nghiệm của Pasteur thành công trong những sự phổ biến phương pháp diệt trùng nhưng không chứng nghiệm được cái gì để chống lại sự sống xuất hiện đột nhiên nơi tế bào. Vấn nạn hai: tại sao ngày nay ta không thấy tế bào sống xuất hiện đột nhiên từ chất hữu cơ như trước nữa? Theo Chardin, vì sự xuất hiện đó chỉ có một lần hoặc tái diễn nhiều lần trong những quảng cách định kỳ quá lâu, nên ta không thấy.

- Sự sống bành trướng

Sự sống bành trướng được nhờ một tổ chức điều hành: sự sinh sản. Mỗi tế bào khi đến thời kỳ thích nghi thì tự phân chia làm hai. Nguyên tắc nhất bội nhị này sẽ đưa tới kết quả là sự sống tràn ngập mặt đất.

Nhưng sự sinh sản không có tính cách đơn điệu, trái lại, có tính cách biến chế, biến danh về hình thức và đời sống, nhờ thế, các cơ quan mới được thành lập (tế bào tim khác tế bào phổi, v.v.) cuối cùng, tập họp thành cơ thể sống.

Trong sự sinh sản quá độ của sự sống sẽ có hiện tượng đào thải tự nhiên theo định luật cạnh tranh sinh tồn, nhưng nó hướng tới mục đích tiến hoá, vì nhờ đó nơi một số sinh vật, những bộ phận sống động, những “kỹ thuật dò đường” phát triển. Sự tiến hóa đó xem ra như ngẫu nhiên, nhưng thực ra là “ngẫu nhiên có điều khiển” vì tiếp theo có những sự sắp đặt các đặc tính thành những tổ hợp vững bền.

- Sự phân nghành chia nhánh của sự sống

Sự sống tiến lên không liên tục theo nhịp đơn điệu nhưng nó phân ra, chia nhánh thành một cây sự sống phong phú.

Sự tiến hóa đó cuối cùng đưa đến sự củng cố vững bền của từng nòi, từng giống như ta thấy hiện nay. Và ta có thể xếp thành bộ, thành lớp, thành loại, thành hộ.

- Đỉnh tiến hóa

Cây tiến hóa của sự sống đạt tới mức độ tột đỉnh nơi con người. Nơi con người, bề ngoài và bề trong của vật chất biểu lộ đến mức tối đa.

- Kết luận thuyết tiến hóa của Chardin

Thuyết của ông đặt trên cơ sở khoa học đã đưa ra những chân trời lạc quan. Xưa nay, các lý thuyết về vật chất và tinh thần chỉ tạo nên sự đối kháng: hoặc là vật chất tiến thì tinh thần thoái và ngược lại, chỉ có tinh thần hoặc chỉ có vật chất. Chardin đã có một cái nhìn đúng đắn: tinh thần và vật chất cùng đăng tiến.

Lịch sử tiến hóa là lịch sử cùng đăng tiến một trật vật chất và tinh thần, phạm vi sinh lý và tư duy. Tinh thần đâm rễ chằng chịt tận phần thâm sâu của vật chất vào phạm vi sinh lý như đâm rễ vào lòng đất màu mỡ và phong phú, vì thế, hai lãnh vực tinh thần và vật chất liên kết nhau một cách bền chặt. Chardin nhắc lại: “có ăn mới có tư tưởng” và ngài nói thêm: “Nhưng biết bao nhiêu tư tưởng khác nhau lại đều do một miếng bánh mì. Những chữ cái trong mỗi ngôn ngữ có thể tạo nên bài văn rời rạc, vô nghĩa hay một bài thơ tuyệt tác”[7].

Điều này Chardin muốn nhấn mạnh rằng vũ trụ vật chất (vật lý, hóa học, sinh lý) đóng vai trò một cái đàn nhất thiết phải có trong việc xây dựng tư tưởng, và từ đó Chardin bỏ quan niệm cho rằng luân lý, thần bí, tôn giáo phải thoát khỏi vật chất vì cuộc tiến hóa này là do hai tinh lực tinh thần và vật chất cùng đăng tiến hóa đạt tới đích điểm: con người là hồn và xác, làm chủ vạn vật.

II. Giá trị của thuyết tiến hóa


1. Thái độ các nhà bác học nói chung

Trước thế kỷ XIX, người ta thường chủ trương thuyết định chủng: Mỗi chủng loại sinh vật được Thượng Đế trực tiếp tạo dựng nên chứ chủng loại này không biến sang chủng loại khác được. Nhưng từ khi các bộ xương hóa thạch được đào quật lên từ các tầng địa chất, các nhà bác học đều gán cho sự kiện khoa học đã trình bày vắn tắt trên đây một ý nghĩa tiến hóa. Một số người cho cuộc tiến hóa là một sự kiện khoa học đã được kiểm chứng đầy đủ, họ quá lạc quan, quá phấn khởi. Nhưng hầu hết các nhà khoa học mới chỉ cho cuộc tiến hóa nói đây là một giả thuyết, vì lẽ không cách nào trực tiếp chứng minh các chủng loại sinh vật có họ hàng với nhau như thế nào. Ta chỉ biết chúng tuần tự xuất hiện, sinh vật trước và sau giống nhau, mặc dù có nhiều điểm khác nhau. Tuy nhiên, giống nhau, chưa chắc chủng loại này đã tiến hóa ra chủng loại kia. Dầu vậy, tiến hóa vẫn là một giả thuyết có thể gián tiếp kiểm chứng phần nào nơi nhiều hậu quả của nó và không thể bỏ giả thuyết đó, nếu không thay thế bằng một giả thuyết hay hơn. Tóm lại, từ đây trở đi, phần đông các nhà bác học không hoài nghi rằng, về phương diện thể xác, con người do dòng giống linh trưởng thượng đẳng, và những linh trưởng này lại là kết quả của cuộc tiến hóa, từ loài cá đến loài có vú, qua loài lưỡng thê (ếch nhái) và loài bò sát[8].

2. Một thái độ khoa học khá quân bình của nhà bác học Lecomte de Nouy

Trước hết, ông đưa ra những hạn chế của thuyết tiến hóa. Hạn chế về tư liệu: các mẫu xương hóa thạch quật lên từ lòng đất còn quá ít (hơn kém có 200 mảnh) vì sự hóa thạch chỉ có thể thực hiện được trong ít nhiều trường hợp thôi, hoặc do một tai biến tự nhiên nào đó, sinh vật bị chôn sống trong những lớp đất đá khô kín, nhờ thế xương cốt mới còn nguyên vẹn, hoặc do sinh vật chết ngộp trong những vũng nước có chất vôi, nên hình hài bị thấm vôi hóa đá: hoặc sinh vật bị chôn vùi trong các mỏ than v.v… Nhưng mặt đất thì bao la, trùng dương thì bát ngát, làm sao đào bới cho thấu? Biết bao sinh vật chết đi mà không để lại dấu vết nào cả. Biết bao tầng đất đã xoá nhoà hết mọi vết tích sinh vật. Ta không nắm được trong tay hết tất cả các trang của cuốn lịch sử tiến hóa sinh vật. Ta chỉ có vài trang, vài đoạn rời rạc. Ta chỉ có được một trong muôn ngàn dấu vết xa xưa. Hạn chế trong việc giải thích các bộ xuơng. Khảo cứu cổ sinh vật, ta chỉ thấy những biến dạng mà không thấy được nguyên hình. Khi ta thấy chúng xuất hiện trong một thời nào đó, ta thấy chúng mang nhiều hình dạng khác nhau rồi mà không biết gốc nguồn chúng ra sao.

Nhưng thuyết tiến hóa hiện giờ phải được coi là một quan niệm khẩn thiết. Cho tới nay, nó là giả thuyết duy nhất giúp ta phần nào có được cái nhìn tổng hợp về giới sinh vật, và hiểu được đôi chút mối dây liên lạc giữa các sinh vật. Như vậy, xét tổng thể và toàn diện, cuộc tiến hóa là một sự kiện khó chối cãi, và ta hãnh diện tự hào đã có thể xây dựng một giả thuyết vĩ đại đầy hấp dẫn đó, dựa vào một số rất ít tàn tích xưa để lại.

Cuối cùng thuyết tiến hóa chỉ có thể hiểu được với điều kiện là phải chấp nhận một quyền năng siêu việt. Lamarck và Darwin đều đã công nhận sự can thiệp của Thượng Đế hướng dẫn cuộc tiến hoá, mặc dầu về sau, nhiều nhà bác học đã quên lãng sự can thiệp như thế, vì nó ở mãi tận đầu cuộc tiến hoá, hoặc nó siêu việt tầm nghiên cứu khoa học thực nghiệm. Đã có sự hướng dẫn, là phải có một hướng, một mục đích. Cuộc tiến hóa có một viễn đích, đó là con người. Tới đích là con người rồi, cuộc tiến hóa chưa ngừng, nhưng đã đổi chiều để đi vào hướng tinh thần, để nhằm đào tạo nên một giống người biết suy tư, một con người cố bỏ xa lốt thú và tìm ra được lốt thần, trên con đường hướng thượng[9].

PHẦN THỨ BA : Thần học về sự tạo dựng


Trình thuật tạo dựng chứa đựng nhiều quan niệm độc đáo, hoàn toàn khác biệt với các tôn giáo và các nền văn hóa lân cận. Chủ đích của tác giả là muốn khởi đi từ biến cố giải thoát khỏi tình trạng nô lệ và kinh nghiệm tôn giáo độc đáo của Israel để lý giải nguồn gốc vũ trụ và con người, sự hiện hữu khổ đau và ơn cứu độ. Đây không phải là một trình bày khoa học về tiến trình tạo dựng, mà chỉ là một cái nhìn thần học và dựa trên quan sát tự nhiên như thường thấy nơi các nền văn hóa cổ đại. Thật vậy, đối với dân tộc Israel, sự kiện lịch sử quan trọng mang tính chất đổi đời là biến cố được Thiên Chúa giải phóng khỏi tình trạng nô lệ tại Ai Cập. Chính biến cố này, dân tộc Israel đã khám phá ra rằng Yahvé là Thiên Chúa độc nhất và tuyệt đối quyền năng. Người là Đấng giải phóng dân tộc Israel và cũng là Đấng đã thực hiện một cách kỳ diệu công cuộc tạo dựng vũ trụ. Từ đó, Thiên Chúa giải phóng gắn liền với đấng cứu độ và tạo dựng.

A. Tạo dựng Vũ trụ


Từ tạo dựng (creatio, création, creazione) mang một ý nghĩa độc đáo trong ngôn ngữ Thánh Kinh. Tạo dựng là một hành động đặc biệt và duy nhất của Thiên Chúa, Đấng làm cho hiện hữu tất cả những gì chưa bao giờ hiện hữu (St 1,1; Rm 4,17). Đây là một trong những biểu hiện quyền năng vô biên của Thiên Chúa, bởi vì chỉ có Người mới có khả năng ban hiện hữu cho vạn vật, khởi đi từ tình trạng phi hiện hữu. Chính trong ý nghĩa đó, tạo dựng hoàn toàn khác biệt với chế tạo, vì chế tạo hay biến đổi làm nên một cái khác hay làm thành cái mới, từ những gì đã có trước.

Để diễn tả ý nghĩa tạo dựng nói trên, tác giả Thánh Kinh dùng động từ “bârâ”, một động từ đặc biệt mà Thánh Kinh chỉ áp dụng cho Thiên Chúa. Nói rõ hơn, động từ “bârâ” chỉ được sử dụng để diễn tả hành động của Thiên Chúa khi tạo dựng trời đất (St 1,1).

I. Lý chứng Thần học

Nói chung, các nhà thần học cùng thời với thánh Thomas, đều có câu trả lời giống nhau, là vạn vật có tính “bất tất” có thể có, có thể không, có rồi thì có thể còn, có thể mất…nên không thể tự hữu, vì thế đòi phải có một nguyên nhân “tất yếu” tạo dựng nên mới có. Và không thể được tạo dựng nên từ đời đời.

- Thánh Anselmo viết, “ đời đời thì vô thuỷ vô chung, là điều không phù hợp với vật thụ tạo nào cả, vì chúng được tạo thành từ hư vô”[10].

- Richard de St Victor thì nói: “Tất cả những chi nhận hiện hữu bởi tạo thành, thì hẳn đã có lúc là hư vô, không thể hoài nghi”[11].

- Thánh Albert và thánh Bonaventura cũng dạy là vạn vật không thể được tạo thành từ đời đời, vì vạn vật được tạo thành từ hư vô”.

II. Đạo lý của thánh Thomas: Thánh Thomas đào sâu vấn đề đang bàn bằng cách chia ra hai vấn đề: Bản chất của việc tạo dựng và việc tạo dựng (tạo dựng)

1. Bản chất của việc tạo dựng

Để hiểu rõ bản chất việc tạo dựng như thế nào, thánh Thomas đã dựa trên những nguyên nhân để phân tích vấn đề.

1.1. Nguyên nhân chất thể và mô thể:

Trong việc tạo dựng không có một nguyên nhân chất thể nào nhờ đó để tạo thành các vật cả. Khi nói Chúa tạo dựng từ hư vô, thì từ có nghĩa là:
  • Phủ nhận một thứ vật chất từ đó làm nên một vật mới.
  • Thứ tự nối tiếp từ hư vô sang một hiển thể mới.
Còn cả câu từ hư vô có thể có 4 nghĩa:
  • Không làm gì hết, cũng như thinh lặng là không nói gì cả.
  • Từ vật chất tiền hữu, cũng như khi lấy gỗ làm nên bàn ghế…
  • Từ hoàn toàn không: Không vật chất, không luôn cả nguyên nhân tác thành.
  • Trước đó, không có vật chất tiền hữu, để nhờ đó làm nên vật khác. Chỉ có nguyên nhân tác thành mà thôi.
Trong phần định nghĩa về tạo dựng, câu: “Từ hư vô” được hiểu theo nghĩa thứ bốn mà thôi[12]. Và thánh Thomas đã viết một câu rất vắn tắt, nhưng rất đầy đủ về việc tạo dựng, đó là, “Deus simul dans esse producit id quod recipit esse”: Chúa vừa ban hữu thể, vừa dựng nên vật để nhận lấy hữu thể”, nghĩa là đồng thời dựng nên hai yếu tố: hiện thể và và tiềm thể, chủ thể và mô thể, yếu tính và hiện hữu. Như vậy, việc tạo dựng phải xét từ khi yếu tính của tạo vật vẫn còn hoàn toàn chưa là một hữu thể, để rồi nhờ việc tạo dựng có một hữu thể thực sự gồm yếu tính và hiện hữu, mô thể và chất thể. Chính việc biến đổi từ hư vô tuyệt đối tới vật hiện hữu hoàn toàn đó là tạo dựng.

1.2. Nguyên nhân tác thành

Về vấn đề này, thánh Thomas đề cao hai điểm:

Tạo dựng là việc riêng về quyền năng vô cùng Thiên Chúa, thậm chí không một thụ tạo nào có thể thi hành dù xét như là dụng cụ hay thừa tác cũng vậy.

Tạo dựng là việc hoàn toàn tự do của Thiên Chúa[13].

Vì tạo dựng là “ làm nên toàn diện hữu thể cách tuyệt đối”, nên đòi phải có nguyên nhân vô cùng và phổ quát[14], do đó, không một tạo vật nào có đủ điều kiện, vì mọi tạo vật đều phải nhờ cái gì đó có trước để làm nên một vật khác.

Thánh Thomas còn cho rằng, việc gán sức tạo dựng cho một thụ tạo nào như thừa tác viên là một điều mà ngài cho là “rối đạo”. (Lúc còn trẻ, Thomas còn đôi chút hồ nghi về vấn đề đó, nhưng về cuối đời ngài càng xác tín, thụ tạo không thể tham gia vào công việc tạo dựng).

1.3. Nguyên nhân gương mẫu

Tác nhân có lý trí, khi làm việc gì, thì cũng làm theo một chương trình, hay dự án có sẵn. Một trí tuệ, lại là trí tuệ vô cùng khôn khoan, Thiên Chúa phải có chương trình, dự án trước khi thi hành. Hay nói cách khác, Ngài phải có một khuôn mẫu rập theo đó mà làm.

Khuôn mẫu đó, không thể là gì khác ngoài Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không thể lệ thuộc một vật nào khác để tạo dựng, bởi Ngài quyền năng và hoàn hảo tuyệt đối. Tiên tri Isaia viết: “Ai làm quân sư chỉ vẽ cho Người? Người thỉnh ý ai để giúp Người thông hiểu…” (40,13), và thánh Phaolô cũng phát biểu tương tự: “Ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn quân sư cho Người?” (Rm 11,34). Hơn nữa, trước khi tạo dựng thì chưa có gì khác ngoài Ngài. Do đó, khuôn mẫu của việc tạo dựng phải là chính Chúa, chính yếu tính của Ngài. Khuôn mẫu đó, mặc dầu duy nhất vì nó đồng hóa với chính yếu tính Thiên Chúa và khi được thông phát ra ngoài một cách vô cùng nơi tạo vật thì nó cũng phải là một cái gì gồm tóm mọi sự khác biệt lạ kỳ mà ta thấy nơi tạo vật. Vì, nếu yếu tính của Tạo Hóa không phải là mô hình, kiểu mẫu của tạo vật, thì Tạo Hóa chỉ có mô hình, mẫu mã của thành phẩm, chứ không thể nói là có chính mô hình. Thứ mô hình, kiểu mẫu ở ngoài sản phẩm, nhưng không phải là mẫu mã ở bên ngoài để mô phỏng, để rập theo hay bắt chước, mà là sáng kiến của nghệ sĩ (Tạo Hoá) có trong trí khôn.

1.4. Nguyên nhân cứu cánh

“Omne agens agit propter finem”, mọi tác nhân lý trí, khi hành động bao giờ cũng hành động có mục đích. Trong việc tạo dựng, mục đích đó phải có:

- Xét theo tạo vật, thì mục đích đó là làm nên toàn diện sự vật.

- Xét theo nguyên nhân tác thành, thì cứu cánh của việc tạo dựng không là gì khác ngoài chính Thiên Chúa. Vì bất cứ tác động hướng ngoại nào của Thiên Chúa cũng được thực hiện vì một mục đích tối hậu là chính Thiên Chúa, vì nếu không thế thì Thiên Chúa không còn là chính Thiên Chúa nữa bởi lệ thuộc vào một vật nào khác ngoài Thiên Chúa.

Nhưng Thiên Chúa muốn gì khi tạo dựng nên mọi sự? Đó chính là sự vinh hiển bên ngoài của Chúa. Thiên Chúa tạo dựng để thông ban cho chúng lòng nhân từ và sự thiện hảo của Ngài một cách nào đó, để tất cả tạo vật trở nên chứng tích lòng nhân lành Chúa và đặc biệt, đối với thụ tạo có lý trí có thể nhận biết, yêu mến và ca tụng kỳ công của Thiên Chúa.

Khi thực hiện như thế, Thiên Chúa đã hành động hoàn toàn tự do và quảng đại, vì Thiên Chúa đã hành động không cầu lợi nhưng vì lòng nhân từ. Tạo vật không thể thêm gì cho Chúa vì nơi Ngài đầy đủ sự trọn hảo một cách tuyệt đối. Đàng khác, mọi tạo vật có và có gì, đều do Ngài ban cho. Chính sự khác nhau của tạo vật cũng nói lên rằng chúng được tạo thành không phải vì đã xuất phát từ bản tính Thiên Chúa hay từ sự tất yếu nội tại nào, mà chỉ vì Thiên Chúa muốn một cách hoàn toàn tự do.

2. Việc tạo dựng

Như trên đã trình bày thuyết tiến hóa và những hệ luận của thuyết này là: Phiếm thần, nhị nguyên và duy vật.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, chỉ có thuyết Tạo dựng, từ các vật hữu hình, nhờ vào ngũ đạo, để nhận biết có Đấng Tạo Hóa, kết luận rằng, cần phải có, và có một hữu thể siêu việt, khác biệt với vũ trụ, vượt trên vũ trụ, hằng hữu, toàn năng… đã tạo ra vũ trụ. Nếu không nhận có tạo dựng thì không thể lý giải được sự hiện hữu của vũ trụ.

Để minh chứng việc tạo dựng, thánh Thomas đưa ra những lý chứng như sau:

2.1 - Vì Thiên Chúa là nguyên nhân duy nhất không bị tác thành, còn các vật khác, tất cả đều được tác thành do nguyên nhân trên hết.

2.2 - Thiên Chúa là nguyên nhân phổ quát, nguyên nhân của mọi vật. Các vật phải được tác tạo do nguyên nhân phổ quát và tuỳ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân đó. Còn chính nguyên nhân đó không lệ thuộc vào vật nào cả.

2.3 - Thiên Chúa hằng hữu do yếu tính và không vật nào có thể có như vậy. Cho nên các vật nếu hiện hữu là vì được thông công sự hiện hữu của Thiên Chúa.

2.4 - Vì Chúa là hữu thể tuyệt đối, tất yếu. Mọi vật chỉ là tuỳ thể hoặc tiềm thể kể cả những vật xem ra có vẻ cần thiết cách nào đó cũng vậy.

2.5 - Và Chúa là Toàn Thiện, có tất cả mọi sự tốt lành, nên các vật khác phải nhận lấy sự tốt lành nơi Người trước hết, là sự hiện hữu xét theo toàn diện bản chất của nó.

Tất cả những lý chứng trên, rút ra từ quan niệm Phổ-Quát-Tính và Nguyên-Nhân-Tính của Thiên Chúa, đối lập lại với quan niệm hữu hạn tính và hậu quả tính nơi thụ tạo.

III. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ lúc nào?

Chúng ta phân biệt hai phương diện: Lý thuyết và thực hành.

1. Lý thuyết: là tính cách loại suy. Thế giới có thể có từ đời đời hay không? Thánh Thomas trả lời: có thể. Vì theo ngài, nguyên nhân tác thành, chứ không phải nguyên nhân này hay nguyên nhân kia, chỉ cần có trước theo bản tính chứ không đòi phải có trước theo thời gian. Vì thế, nguyên nhân đó có thể hành động ngay khi có. Mạc khải không nói gì về vấn đề này, vì thế, có thể suy tư miễn sao cho hợp lý.

2. Thực hành: Thực tế, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ lúc nào? Ta biết được nhờ đức tin. Vũ trụ không có từ đời đời. Ta biết được điều này là nhờ Mạc khải và không thể minh chứng, vì:

+ Xét về phía Thiên Chúa: Chúa bao giờ cũng có thể và hoàn toàn tự do thi hành.

+ Xét về phía vũ trụ : tự bản chất, vũ trụ không đòi phải được tạo dựng trong thời gian nhất định nào.

+ Xét chính tác động tạo dựng: tác động này không đòi phải có thời gian.

Thánh Thomas cho rằng, lý do của những chủ trương vũ trụ có từ đời đời thì quá yếu và thiếu sót, và theo ngài, đừng tìm để minh chứng điều tự nó thuộc đức tin, để tránh sai lầm và tránh cớ cho lạc giáo chê rằng: các tín hữu tin vì lẽ đó.

B. Tạo dựng loài người


Được tạo dựng giống họa ảnh Thiên Chúa, con người là một hữu thể vừa vật chất vừa tinh thần. Kinh thánh dùng một thứ ngôn ngữ biểu tượng để nói lên thực tại này, khi kể lại rằng: “Thiên Chúa nặn nên con người từ đất, rồi Ngài thổi hơi vào lỗ mũi hình người bằng đất đó một hơi thở của sự sống và con người trở thành một hữu thể sống động”[15]. Toàn diện con người (nhân loại) đã được Thiên Chúa ấn định như thế[16], nghĩa là một linh hồn và một tấm thân.

1. Phần xác

Sách giáo lý mới của Giáo hội Công Giáo dạy: “Thân xác con người dự phần vào phẩm giá của “Hình ảnh Thiên Chúa”. Là thân thể con người, vì nó do linh hồn làm cho sống động và tất cả nhân vị con người sẽ được hân hạnh trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần trong thân xác Chúa Kitô”[17].

Xác con người có thể được dựng nên một cách gián tiếp, nghĩa là Thượng Đế can thiệp, để một sinh vật đã có sẵn được chuẩn bị lãnh nhận linh hồn. Do đó, xác con người có thể được tiến hóa từ trạng thái đơn giản đến trạng thái phức tạp nhất là bộ óc. Dĩ nhiên, trong cuộc tiến hóa tự nhiên đó có sự can thiệp đặc biệt của Thượng Đế. Quan niệm này có thể phù hợp với đạo lý của thánh Thomas về việc phú một linh hồn vào một thân xác đã được chuẩn bị bằng giác hồn và sinh hồn.

Trong thông điệp “Humani generis” 13/08/1950, đức Piô XII cho rằng trong lãnh vực khoa học và thần học hiện thời, Giáo hội không cấm các nhà khoa học tranh luận cho ra thuyết tiến hóa để biết rằng xác con người là do một vật sống trước mà biến thành. Nhưng các lẽ bênh hay chống đều phải được xét đến, cân nhắc khách quan, cẩn thận và mức độ, và phải giữ điều kiện này là cả đôi bên phải tuân phục quyền giáo huấn của Giáo hội đã được Chúa Kitô trao sứ mạng và uỷ quyền giải thích Kinh thánh và phòng thủ tín điều[18]. Còn thân xác người nữ như Kinh thánh mô tả chỉ có tính cách tượng trưng để diễn tả chân lý bất hủ này: đàn bà, đàn ông cùng chung bản tính, và có liên hệ mật thiết hai phái nam nữ trong khế ước hôn nhân[19].

2. Linh hồn

Nói tới linh hồn, Kinh thánh có ý nói đến sự sống của con người (Mt 16,25-26) hoặc tất cả nhân vị của con người (Cv 2,41), nhưng linh hồn cũng là cái thâm sâu nhất trong con người, giá trị nhất trong con người, cái làm cho con người là hình ảnh Thiên Chúa, “linh hồn” có nghĩa là nguyên lý thiêng liêng trong con người. Cho nên, hồn con người phải được tạo dựng trực tiếp, đây là vấn đề không còn nghi ngờ gì nữa, giáo lý Công giáo buộc phải tin như thế.

2.1 - Linh hồn Adam : Kinh thánh chỉ nói đến việc tạo dựng linh hồn Adam với động từ thở hơi vào mặt, có ý chỉ sự âu yếm của Thượng Đế đối với con người và con người được tham dự vào sự sống của Thượng Đế.

2.2 - Linh hồn của mọi người thì sao?

Kinh thánh không có câu nào mạc khải minh nhiên, do đó mà có nhiều ý kiến ra đời:

+ Thuyết di hồn hoặc sinh hồn (Traductianisme): Thuyết này chủ trương hồn mỗi người do cha mẹ sinh ra, nghĩa là hồn ta là di sản của hồn phụ mẫu. Cho rằng nơi tinh trùng có hai yếu tố: yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần. Yếu tố vật chất cấu thành xác và yếu tố tinh thần cấu thành hồn. Cả hai yếu tố đều là phần của xác và hồn cha mẹ. Chủ trương như thế không đúng, vì phủ nhận tính thiêng liêng của linh hồn. Việc sinh sản chỉ phù hợp với vật chất hữu chất có cá thể tính trong cùng một loại.

+ Thuyết tiền hữu (Préexistentionisme): do Platon chủ trương cũng không bảo đảm, vì con người đã không bao giờ ý thức về đời sống tiền hữu trước khi sinh ra. Thuyết này còn phủ nhận duy nhất tính của con người.

+Thuyết tạo hồn (Creationisme): dạy rằng chính Thượng Đế trực tiếp tạo nên linh hồn của mỗi người[20].

Thân xác và linh hồn, nhưng chỉ là nhất thể, con người trong thân phận thân xác của mình đang tập họp trong thân xác của mình các yếu tố của vũ trụ vật chất, như vậy, các yếu tố này tìm thấy nơi con người đỉnh cao của chúng và có thể tự do ngợi khen Đấng Tạo dựng của mình, và đó cũng là lý do tại sao ta không được khinh miệt thân xác, trái lại phải tôn trọng thân xác, vì được Thiên Chúa tạo dựng và sẽ được sống lại trong ngày sau hết[21]. Tính nhất thể của linh hồn và thân xác rất sâu xa đến độ phải xem linh hồn là mô thể của thân xác, nhờ đó mà thân xác vật chất không phải là hai bản thể hiệp nhất với nhau, nhưng sự hiệp nhất của chúng tạo nên một bản tính duy nhất, độc nhất[22].

3. Gốc tích nhân loại hiện có

Vấn đề mà khoa cổ sinh vật học nêu lên đó là: nhân loại có mấy ông tổ? Từ câu hỏi đó, đã có hai câu trả lời:
  • Độc tổ (monogénisme) - con người phát xuất từ một nguồn gốc (tổ) duy nhất.
  • Đa tổ (polygénisme): con người phát xuất từ nhiều nguồn gốc (tổ) khác nhau.
Giáo hội dạy: nhân loại phát xuất từ một ông tổ duy nhất. Thông điệp Humani Generis, sau khi cho phép chủ trương xác con người có thể bởi một sinh vật mà thành (với sự can thiệp đặc biệt của Thượng Đế) nói tiếp: “Còn giả thuyết mà người ta gọi là đa tổ, thì các tín hữu không còn quyền tự do để chọn nữa. Tín hữu không thể nhận một học thuyết chủ trương rằng: sau Adam, có nhiều người không bởi ông mà sinh ra như là một người cha thứ nhất, hay, chữ Adam là tên chỉ các người cha thứ nhất đó. Chủ trương như thế, không thể đi đôi với nguồn Mạc khải và giáo huấn của Giáo hội chung quanh nguyên tội, một thứ tội bắt nguồn nơi tội cá nhân (bản thân) của một người (Adam) đã phạm và do con đường sinh sản truyền sang cho mọi người và thành tội thuộc về mỗi người”[23].

Độc tổ là một giáo lý Mạc khải dựa trên trình thuật của sách Sáng Thế, chương 2, 5-20 và chương 3, 20.

Nhiều nhà thần học, như Pouget và Dubarle chủ trương những bản văn trên đây có thể hiểu theo nghĩa đa tổ, vì bản văn dùng danh từ “người” không có mạo từ. Nhưng chú giải như vậy có phần quá đáng và không hợp với Mạc khải.

Các giáo phụ hiểu các bản văn trên theo nghĩa độc tổ. Nói về việc tạo dựng nên người đàn bà, St. Ambrosio viết: “Không phải là vô nghĩa, khi nói người phụ nữ được dựng nên bằng xương sườn người đàn ông chứ không phải bởi đất, để ta thấy xác đàn bà, đàn ông đều cùng một bản tính và nhân loại đều có cùng một nguồn. Vì thế, từ đầu, không phải cả hai: đàn ông, đàn bà được dựng nên, cũng không phải hai đàn ông, hai đàn bà, trái lại, một ông trước, rồi đó mà có đàn bà”[24].

Thánh Augustino dạy: “Ngay từ đầu, Adam Eva đã là tổ tông mọi dân tộc chứ không phải chỉ là của Do thái”[25].

Theodoretus nói rõ với giọng hộ giáo “đối với Thượng Đế, truyền cho đất, biển sinh ra các giống vật sống trong đó thì dễ. Nhưng đừng để ai nghĩ rằng có nhiều bản tính khác nhau, nên Ngài đã truyền cho muôn dân bắt nguồn nơi một cặp thứ nhất cũng vì lẽ đó. Ngài không dựng nên đàn bà bằng một vật liệu nào khác, nhưng Ngài lấy vật liệu nơi người đàn ông, kẻo chính bà tưởng rằng mình có bản tính khác ông mà sinh ra ngoan cố với ông chăng”[26].

Đứng về phương diện khoa học, chỉ có thuyết độc tổ mới chứng minh được những điều giống nhau giữa các chủng tộc và phạm vi giải phẩu học, sinh lý học và tâm lý học. Còn những điểm khác nhau giữa các chủng tộc, xét cho cùng quá ít so với những sinh vật (thực vật, động vật) do cùng một nguồn chung. Đàng khác, những dị biệt đó, có thể cắt nghĩa bằng những nguyên nhân thông thường: khí hậu, hoàn cảnh, nhu cầu… cần phải thích nghi.

Còn thuyết đa tổ, dựa trên ít nhiều sự kiện khoa học hãy còn là giả thuyết. Albert de l’Apparent viết: “Theo khoa học không thể xây giả thuyết đa tổ trên những chứng lý bắt buộc nào. 15 năm trước đây, Lm Teilhard de Chardin, môn sinh của Boule, đã phát biểu, khoa học một mình, không hề nghĩ tới việc đặt cho toà nhà nhân loại khổng lồ này một cái nền quá hẹp hòi là hai cái nhân. Nhưng bây giờ thì quả quyết như thế, là điều mà ngay cả đến những nhà tiền sử học sáng suốt nhất cũng phải dè dặt”[27].

Dầu sao, các giả thuyết khoa học đặt ra, vẫn nghiêng về đa tổ.

- Sinh vật học cho rằng: mỗi chủng tộc con người, đều do một chủng tộc hình nhân hầu (anthropoides như Gibbon, Chimpauzé). Nhưng xét cho kỹ, ta thấy có một sự tương đương tuyệt đối giữa một chủng tộc người và một chủng tộc khỉ. Trái lại, có nhiều đặc điểm nơi chủng tộc người, mà không tìm thấy nơi bất kỳ chủng tộc khỉ nào và ngược lại.

- Cổ sinh vật học: lại cho rằng, những bộ xương hóa thạch có thể xếp ra từng loại rõ ràng, đến nỗi, có thể nói, ngày nay, ít ra đã tìm thấy hai bộ xương người khác nhau: đa tổ. Nhưng nên nhớ rằng, người ta còn đang bàn cãi về tính cách nhân loại của những bộ xương hóa thạch nói trên. Giống người Néanderthal có thể là giống người thoái hóa hay có thể không phải là giống người, tuy rằng về phương diện hình thái, nó gần với ta hơn là loài hầu nhân hình.

- Sinh địa học chủ trương rằng đa tổ theo đó, những cuộc tiến hóa làm xuất hiện những loại mới cùng một lúc khắp nơi trên mặt đất. Nói thế là phủ nhận sự kiện rõ rệt này là: các thú vật hóa thạch ta tìm thấy rải rác trên lục địa đều có một khởi điểm nhất định.

Dù sao đi nữa, nguyên lý trí con người không thể minh chứng xác thực tính duy nhất của giống người, vì duy nhất tính đó không dựa trên bản tính con người, mà chỉ là hậu quả do định đoạt của Thượng Đế, Tạo hóa.

Về phương diện tôn giáo Mạc khải, thì độc tổ là chân lý vững chắc, dựa vào những tín điều không thể chối cãi được. Theo đó, ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên người đàn ông thứ nhất và do đó mà có người đàn bà xuất hiện trên sân khấu hữu thể, để rồi do cả hai, nhân loại dần dần tăng số đúng như lệnh truyền của Thượng Đế: “Hãy sinh sản cho đầy mặt đất”[28].

PHẦN THỨ TƯ : Đức tin có gặp gỡ khoa học?


1. Đức tin và khoa học không cùng một bình diện, nhưng không mâu thuẫn


Mục tiêu của Kinh thánh không phải là để truyền đạt những bản phúc trình khoa học nhưng là những thông điệp Mạc khải, thiêng liêng. Những văn sĩ tôn giáo chắc hẳn là những người suy tư tôn giáo. Họ cũng thường là những thi sĩ, nhưng không bao giờ tự coi mình là nhà khoa học. Nếu ta tìm kiếm, những chân lý khoa học trong Kinh thánh, ta sẽ không gặp, chỉ đơn giản là vì chúng không có ở đấy. Đó là lý do tại sao, trình thuật tạo dựng vũ trụ được viết ra ở đó theo cách nghĩ của người đương thời lúc trình thuật ấy được hình thành, không hề có giá trị khoa học[29].

Bằng chứng tốt nhất cho điều đó là trong Kinh thánh có hai trình thuật tạo dựng mâu thuẫn nhau! Trong trình thuật thứ nhất chương I, mọi sự đều phát sinh từ nước: Khởi đầu chỉ có một khối nước lớn, và Thiên Chúa, sau khi đã tách khối nước ấy thành nước trên vòm trời và nước dưới đất, lại tiếp tục tách nước dưới đất để cho đất liền xuất hiện. Ngược lại, trong trình thuật chương II, mọi sự đều phát sinh từ đất. Ban đầu có đất khô khan cằn cỗi, mãi sau đó Thiên Chúa mới cho nước vọt lên. Pierre Grelot khi nhắc lại những chi tiết đơn sơ này đã nói thêm: “khi gom hai bản văn này thành một trình thuật duy nhất, không phải tác giả Kinh thánh đã không thấy sự mâu thuẫn của chúng. Nhưng nếu có đặt chúng cạnh nhau như thế, là vì đối với ông, khía cạnh “khoa học” chỉ là phụ, đó cũng là một cách diễn đạt thôi”[30].

Kinh thánh không tìm cách giải thích vũ trụ này vận hành như thế nào – đó là công việc của các nhà nghiên cứu khoa học, nhưng nhằm giải đáp cho những câu hỏi sau đây: tại sao vũ trụ này hiện hữu? Tại sao có cuộc tiến hóa như thế? Tại sao lại có con người? Vẫn theo P. Grelot, những trình thuật Kinh thánh “không nhằm dạy cho chúng ta một bài học khoa học để thoả mãn óc tò mò của ta. Nó muốn bắt ta phải suy nghĩ vấn đề cơ bản: về thân phận con người của mình, tình huống của ta trước mặt Thiên Chúa, những mối chia rẽ bi thảm của loài người chúng ta, sự đối phó của con người trước một thiên nhiên thù nghịch, và cuối cùng đâu là ý nghĩa của một lịch sử mà trong đó chúng ta vừa là khán giả vừa là tác giả[31].

Khoa học có lãnh vực riêng của mình. Mục đích của khoa học là nghiên cứu những yếu tố tạo nên thế giới vật chất, phân tích cơ cấu và nắm lấy những tương quan giữa các yếu tố ấy. Khoa học thiết lập giả thuyết, xây dựng lý thuyết để biện minh cho những sự kiện nghi nhận được. Khu vực hoạt động của khoa học là vũ trụ đã được tạo dựng như nó xuất hiện trước giác quan chúng ta. Đối tượng của khoa học là toàn thể những sự kiện khả giác được tìm hiểu hoặc trực tiếp hoặc qua trung gian máy móc. Do đó, nếu nhà khoa học tuyến bố không tin linh hồn bất tử, đó là chuyện riêng của ông. Nhưng nếu ông dựa trên khoa học để nói đến điều mà khoa học không thể có quyền nói tới. Một nhà chủ trương thuyết tiến hóa tự xưng là vô thần, đó là việc riêng của ông ta. Nhưng khi người ấy đặt trên nền tảng chủ trương vô thần của mình trên thuyết tiến hóa là đã vượt qua giới hạn của khoa học rồi. Một nhà du hành vũ trụ tuyên bố mình đã không gặp thấy Thiên Chúa trong không gian, xét theo khía cạnh hoàn toàn khoa học thì ông ta có lý, cũng hệt như một nhà giải phẩu đã không phát hiện linh hồn ở đầu lưỡi dao mổ. Đúng như Levis Strauss, một nhà khoa học vô tín đã xác nhận qua những dòng suy tư độc đáo sau đây: “một người vô thần biện minh cho tính cách vô thần của mình dựa trên cơ sở khoa học thì không thể chấp nhận được, vì như thế anh ta ngầm bảo rằng khoa học có khả năng giải quyết mọi vấn đề. Rõ ràng khoa học không làm được chuyện đó, không bao giờ”.

Như vậy, người ta không có quyền nói khoa học định thấu được toàn bộ thực tại vì luận thuyết khoa học vẫn chỉ giới hạn ở chỗ quan sát, phân tích các hiện tượng, thiết lập những định luật rút ra từ quá trình nghiên cứu. Lý giải về bản chất các sự vật không phải là việc của khoa học, khoa học không mang lại sự hiểu biết toàn diện. Mỗi phát minh lại càng làm nảy sinh thêm vô vàn những vấn đề mới, những vấn đề hóc búa mà khoa học không giải quyết nổi. Lỗ hổng ấy còn toác rộng chưa từng thấy ngay khi người ta vừa bước vào lãnh vực của các khoa học nhân văn, bởi vì con người vốn đặt nặng cái ý nghĩa mà con người gán cho những hành động của mình. Ý nghĩa ấy vì khởi nguồn từ ý thức nên thoát khỏi sự tìm tòi khoa học. Một ý nghĩa không bao giờ thuộc phạm vi của những dữ kiện.

Mặt khác, sự giải thích khoa học không biết đến khía cạnh kinh nghiệm nội tâm, vốn mang tính chủ thể. Tôi không phải là một hiện tượng cho chính tôi, tôi là một hữu thể suy tư, ôm ấp những dự phóng, thẩm định các giá trị… Mỗi hữu thể là một huyền nhiệm trừ khi nó tự bộc lộ cho tha thể.

Vì những lý do đó, chúng ta phải nói rằng, khoa học thì chân thực nhưng nó không bao gồm được toàn bộ thực tại. Nó càng không được phép cho mình là tuyệt đối vì nó còn đang trên đường tiến về phía trước và không ngừng vượt qua chính mình. Không thể nói mọi chân lý đều dựa trên mô hình của chân lý khoa học. Có nhiều loại chân lý và có những bình diện và những cấp độ chân lý khác nhau. Bên cạnh chân lý khoa học, người ta còn có thể nói tới chân lý có tính biểu tượng: Chân lý của những chuyện ngụ ngôn, những huyền thoại, những tác phẩm tiểu thuyết… có chân lý đào sâu ý nghĩa: chân lý của các hệ thống triết học và tôn giáo.

Phải tôn trọng nét riêng của mỗi lãnh vực. Như Laplace, nhà khoa học tự nhiên, trả lời cho tướng Napoléon khi ông này hỏi nhà khoa học đã dành một chỗ nào cho Thiên Chúa trong “hệ thống thiên nhiên” của ông:

“Tâu hoàng thượng, hạ thần không cần đến giả thuyết đó”, các nhà khoa học khi tiến hành việc nghiên cứu cũng phải bắt mình tuân theo một thứ vô thần “có tính phương pháp” như vậy. Họ gạt Thượng Đế ra ngoài những công trình khoa học của mình, và họ có lý do để từ chối pha trộn những vấn đề thuần tuý khoa học với những vấn đề triết học và tôn giáo hoặc những vấn đề triết học hay tôn giáo.

Đành rằng đối với kẻ tin, cả ba lối tiếp cận vấn đề: khoa học, triết học và tôn giáo ấy đều có liên hệ mật thiết với nhau, nhưng phải luôn hết sức thận trọng để phân biệt chúng, nếu không, có thể sẽ gây tác hại cho cả đôi bên: một đàng làm giảm tính khách quan và giá trị của nghiên cứu khoa học, đàng khác làm yếu đi mức đáng tin cậy của triết gia và người tin. Cần phải có một cuộc đối thoại giữa khoa học, triết học và đức tin dựa trên những phương pháp tiếp cận riêng của mỗi bên.

Như vậy, Thánh kinh và khoa học là hai phương diện, hai cái nhìn khác nhau, hai câu hỏi:

Khoa học đặt câu hỏi: Con người được cấu tạo làm sao? Thánh kinh đặt câu hỏi: Vì đâu có con người?

Khoa học chú trọng đến diễn tiến con người: Đi từ con người hiện tại, khoa học cố tìm hiểu làm sao con người đi đến hôm nay. Đâu là mối dây liên kết sự kiện? Do biến hóa thay đổi? Sự cấu tạo ấy như thế nào và làm sao cắt nghĩa?

Thánh kinh trả lời câu hỏi: Vì đâu có con người trên trái đất? Thánh kinh lấy ánh sáng đức tin dọi vào những sự kiện mà khoa học cho là đã được tìm thấy. Con người xuất hiện cách này hay thể khác, đó là việc khoa học phải trả lời. Nhưng vì sao con người xuất hiện? Do ngẫu nhiên, có đó rồi mất đó? Hay sẽ tồn tại? Vì sao con người khát khao hạnh phúc? Vì sao có sự dữ, đau khổ, sự chết? Chết là hết hay còn có một cuộc sống bên kia thế giới?

Thánh kinh và khoa học là hai địa hạt không mâu thuẫn nhau, nhưng bổ khuyết cho nhau. Nếu hiểu “tiến hoá” trước tiên theo nghĩa tăng trưởng, phát triển, khuếch trương trong thời gian những gì đã ám tàng nơi tiền đề, sẽ chẳng có khó khăn gì để tuyên bố tiến hoá, trong một mức độ nào đó, là một “phương pháp” Thiên Chúa sử dụng để tạo dựng vũ trụ. Phải chăng tiến hóa vũ trụ, tiến hóa sinh vật và văn hóa là thành phần của cùng một tiến trình tiến hóa tạo dựng? Phải chăng ý tưởng căn bản của tạo dựng liên tục là Thiên Chúa hiện diện một cách thâm sâu nơi tất cả những gì Người đã tạo dựng, bởi vì Người vẫn tiếp tục duy trì và tác động nơi tất cả những gì Người đã dựng nên?

Công đồng Vatican II công nhận rất nhiều biến đổi đang ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới hôm nay: “Trong phạm vi trí dục, sự biến chuyển này làm cho toán học, sinh vật học và các khoa học nhân văn ngày càng thêm quan trọng; còn trong phạm vi hoạt động, thì kỹ thuật, con đẻ của khoa học, mỗi ngày một thêm uy thế. Tinh thần khoa học này đang tạo ra một nền văn hóa và những lối suy tư khác với trước kia”. Tất cả những gì hiện hữu đều tiến hoá: vũ trụ, thái dương hệ, sự sống, cơ cấu xã hội- chính trị, văn hoá, tư tưởng. Chính dòng lịch sử biến chuyển đó đã dẫn đến những biến đổi về nhân sinh quan và vũ trụ quan: “Nhân loại đã bước từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ sang một quan niệm động và tiến hóa hơn. Do đó nảy sinh những vấn đề mới phức tạp hơn, đòi hỏi phải có những phân tích và tổng hợp mới”[32].

Đặc biệt trong mối tương quan giữa đức tin và khoa học, Công đồng Vatican II nhìn nhận sự độc lập chính đáng của thực tại trần thế, nghĩa là tạo vật và ngay cả xã hội có những quy luật và giá trị riêng biệt đòi hỏi con người phải khám phá, sử dụng và thiết định dần dần. “Thật vậy, do chính bản tính của tạo dựng, mỗi vật đều được phú bẩm một sự kiên vững, chân thực và thiện hảo, cùng với qui luật và trật tự riêng biệt. Con người phải tôn trọng những yếu tố đó, bằng cách công nhận phương pháp riêng của mỗi khoa học hay nghệ thuật”. Các nghị phụ của Công đồng nghĩ rằng trong lãnh vực nghiên cứu, nếu thực hiện một cách nghiêm túc và theo tiêu chuẩn đạo đức, “sẽ không bao giờ đi ngược lại với đức tin, bởi vì thực tại trần thế và thực tại đức tin đều có cùng nguồn gốc nơi chính Thiên Chúa”.

Thực vậy không thể nào có sự mâu thuẫn giữa khoa học và đức tin được. Vì cả hai đều phát xuất từ một nguyên nhân. Đức tin đặt nền trên Lời Chúa mạc khải. Khoa học nghiên cứu vũ trụ vạn vật và con người là công trình tạo dựng của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và không thể sai lầm, không lừa dối ai. Nếu có xuất hiện một sự mâu thuẫn nào đó thì chỉ có thể là sự mâu thuẫn bề ngoài và tạm thời mà thôi. Sự mâu thuẫn ấy hoặc đến từ chính khoa học một khi khoa học ra khỏi lãnh vực của mình và quyết định những lựa chọn có tính cách triết lý và tôn giáo, điều mà khoa học không có quyền làm. Hoặc đến từ đức tin, khi đức tin phê phán giá trị khoa học của một giả thuyết hay một lý thuyết do các nhà bác học xây dựng, điều ấy đâu có thuộc thẩm quyền đức tin. Nếu đức tin và khoa học cứ ở trong phạm vi của mình, tất không có chống đối, trái lại sẽ gặp nhau.

2. Thiên Chúa tạo dựng quan phòng hay con người tự tạo nên chính mình?


Chưa bao giờ lịch sử được chứng kiến những thay đổi kỳ lạ và nhanh chóng như thời đại hôm nay. Những phát minh khoa học tân thời đem đến những tiện nghi, kỹ thuật tối tân nhằm phục vụ con người và làm biến đổi hẳn bộ mặt thế giới. Quả đất của chúng ta đang được khoa học điều khiển.

Lần đầu tiên trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, con người được thấy mình tự do, hiên ngang thoả mãn với những ước vọng cầu tiến của mình. Với khả năng chinh phục địa cầu và không gian như hiện nay, phải chăng con người thời đại này sẽ tự tạo lấy số mệnh cho mình và sẽ tự mình kiến tạo lịch sử nhân loại? Con người sẽ không để cho một nguyên nhân siêu hình nào nữa chi phối định mệnh của mình, của lịch sử nhân loại? Và như vậy, con người thoát khỏi sức chi phối của Thiên Chúa tạo dựng và quan phòng? Phải chăng Thiên Chúa phải biến mất thì con người mới được tự do?

Lập trường của đạo Công giáo rút ra từ mạc khải là “Vinh quang Thiên Chúa là làm cho con người được hạnh phúc”. Chân lý đó được múc lấy từ nguồn mạch Thánh kinh qua việc tạo dựng. Sách Sáng thế viết: “con người được Thiên Chúa dựng nên giống họa ảnh Người”[33]. Và sau khi tạo dựng con người, Thiên Chúa trực tiếp cho con người quản trị vũ trụ. Con người đã thực thi quyền đó đầu tiên trong việc phân định giống loại cho sinh vật[34].

Như vậy, loài người phải nên giống Thiên Chúa trước hết trong việc tạo dựng. Tất nhiên, con người không thể tạo dựng mà không nhờ nguyên liệu vật chất. Họa sĩ chỉ có khối óc mà không có bút giấy, màu sắc thì không có một nghệ phẩm.

Tạo dựng nên vũ trụ chuyển động, luôn luôn biến đổi và vật chất ngỗn ngang, Thiên Chúa muốn dành cho bộ óc con người hợp với sức đôi tay để cộng tác với Ngài làm nên lịch sử tiến hóa của nhân loại. Như vậy, trong khi con người tuân hành lệnh: “Hãy sinh sản loài người đầy mặt đất”[35] thì con người cũng phải thực hành lệnh thứ hai: “Hãy chinh phục trái đất”. Không thể trung thành với luật thứ nhất trong khi bất tuân lệnh thứ hai.

Đức Giêsu nói: “Cha Ta làm việc không ngừng”[36], biểu lộ hoạt động tạo dựng và quan phòng của Thiên Chúa kéo dài không ngừng, được xem như một lời mời gọi chúng ta làm việc, khám phá để cộng tác với công trình tạo dựng và quan phòng của Thiên Chúa đang diễn ra trong lịch sử nhân loại và vũ trụ.

Nhưng phải chăng vì Thiên Chúa tạo dựng và quan phòng không ngừng nên con người không còn tự do khi hành động? Chắc chắn không hề có sự “dẫm chân” lên nhau, nên ta đừng sợ Thiên Chúa làm mất tự do của ta. Trái lại, Thiên Chúa hướng dẫn, giúp đỡ con người xây dựng lịch sử của mình trong tự do và tình yêu sung mãn.

Ta có thể so sánh cách loại suy bằng thí dụ một ông thầy và một cậu học trò để hiểu biết hoạt động của Thiên Chúa đối với hoạt động tự do của con người.

Ông thầy tài giỏi truyền thụ kiến thức cho học trò. Học trò lĩnh hội và trình bày lại cách súc tích, ngắn gọn, sáng sủa với khả năng của trò tỏ ra đã quán triệt được bài học. Thầy trò đã thành công. Một họa sư dạy cho môn sinh và môn sinh chỉ hoàn toàn trả lại cho họa sư bằng cách bắt chước y nguyên, thì họa sư kia chẳng phải thầy giỏi và trò kia không có một chút gì tạo dựng, tiến bộ được. Trái lại, môn sinh sau khi lĩnh hội những kiến thức của thầy, lấy đó làm điểm tựa phát triển tài năng của mình, vẽ ra nhưng bức họa độc đáo của mình. Phải chăng học trò này không chịu ảnh hưởng ông thầy? Có lẽ phải nói ngược lại: học trò càng có khả năng, tài khéo, tự do càng chịu ảnh hưởng ông thầy nhiều hơn cậu học trò chỉ biết học thuộc lòng, sao y nguyên bản. Hai thí dụ trên tuy thiếu sót nhưng cũng giúp ta một phần nào hiểu được tương quan giữa hoạt động Thiên Chúa tạo dựng, quan phòng và hoạt động tự do của con người. Hai hoạt động này luôn luôn tiến hành theo hàm số đồng biến nhưng ở mức độ khác nhau. Thiên Chúa trợ giúp con người, để con người có tự do phát triển tài năng phú bẩm, chinh phục địa cầu theo mức độ Thiên Chúa là nguyên nhân nền tảng và siêu việt, còn con người là nguyên nhân dụng cụ.

Như thế, lập trường Công giáo không sợ khoa học, ngược lại, các phát minh khoa học thủ đắc được không đẩy lui phạm vi tạo dựng và quan phòng của Thiên Chúa. Hiểu như thế, ta phải loại bỏ những quan niệm sai lạc về Thiên Chúa tạo dựng và quan phòng, những thứ thần thoại về tạo dựng và quan phòng.

Thần thoại tạo ra một thứ định mệnh bóp chết tự do con người, nhưng quan phòng và tạo dựng của Thiên Chúa là sức mạnh thắng định mệnh.

Như vậy, Kitô giáo chẳng những tôn trọng giá trị lao động chân tay cũng như trí óc mà còn thúc đẩy con người phải tận lực tận tâm, vận dụng hết mọi khả năng Chúa ban để hoàn thành sứ mệnh quản trị vũ trụ[37]

Kết Luận


Con người xuất hiện trên dòng lịch sử đã được minh định một cách rõ ràng giữa hai địa hạt hoàn toàn khác biệt. Một bên được soi tỏ dưới ánh sáng Lời Chúa mạc khải và một bên được kiểm chứng, quan sát bởi khoa học thực nghiêm. Tuy nhiên hai cái nhìn khác biệt, không mâu thuẫn, nhưng bổ khuyết cho nhau. Bởi vì tạo dựng là khởi đầu có một sự vật trước đây chưa có. Có rồi mới bắt đầu tiến hóa. Thuyết tiến hóa giả thiết trước rằng sự vật (như tế bào cơ thể có sự sống nói trên) đã có trước trong thời gian và bắt đầu biến hóa dần. Vì sao mà có? Bởi đâu mà có? Chẳng lẽ tự có. Khoa học không có câu trả lời thoả đáng cho nguồn gốc sự sống. Dĩ nhiên, ngày nay khoa học đã tạo được mầm sống, chẳng hạn như phôi thai, thụ tinh nhân tạo, nhưng tất cả những mầm sống ấy cũng dựa trên cái đã có trước.

Từ nguyên tắc khi Thiên Chúa tạo dựng, Ngài có thể ban cho tạo vật khả năng tự hoàn thiện lấy dần dần và tạo cho điều kiện để thực hiện tiến triển.

Cái gì thiêng liêng thuộc về thần trí, ý thức, tư duy và tự do không thể phát xuất từ vật chất hay thể xác. Do đó linh hồn thiêng liêng không thể từ thể xác mà ra. Linh hồn do Thiên Chúa dựng nên và đặt vào trong thể xác con người, khi thể xác ấy đã được dọn sẵn, đủ điều kiện để tiếp nhận, có thể do tiến hoá, để trở nên một con người có trí khôn, có linh hồn, trong một đơn vị duy nhất. Vì thế một số người chủ trương vô thần dựa trên thuyết tiến hóa để phi bác sự hiện hữu của Thượng Đế là sai lầm. Cũng như những nhà thần học giáo điều, bảo thủ kết án thuyết tiến hóa vì cho rằng thuyết này đi ngược với Thánh kinh.

Phải tôn trọng nét riêng của hai phạm vi đức tin và khoa học, thiết tưởng nên “trả cho Xêda cái gì thuộc về Xêda và cho Thiên Chúa thuộc về Thiên Chúa”[38]. Nếu hiểu vấn đề trên một cách khách quan và nghiêm túc, chắc hẳn chúng ta sẽ tránh được những ngộ nhận đáng tiếc xảy ra trong lịch sử và cùng nắm tay nhau, hợp lực xây dựng, cùng đồng hành truy tầm chân lý. Khám phá ra nguồn gốc ban đầu của con người và vạn vật do Thiên Chúa tạo dựng. Chúng ta sẽ nhận ra hai điều:

Về phía con người, vì có nguồn gốc từ Thiên Chúa, nên con người có giá trị của một thụ tạo có tính siêu việt. Và từ đó, con người biết trân trọng địa vị và phẩm giá của mình và của nhau, để có một tương quan nhân vị, giúp nhau thể hiện vai trò “bá chủ chim trời cá biển”, biết yêu thương và quý trọng mạng sống của mình và của mọi người.

Về phía vũ trụ vật chất, vì cũng có nguồn gốc từ Thiên Chúa, nên không phải là của riêng ai, mà là của mọi người, để phục vụ mọi người, để con người sử dụng mà hoàn thiện mình và hoàn thiện nhau, nên không ai được chiếm hữu cho riêng mình, nhưng sẵn sàng chia sẻ, giúp nhau sống xứng đáng nhân vị nhân phẩm, để dìu nhau đạt tới cùng đích mà Đấng Tạo dựng đã an bài trong ý định đời đời của Ngài.

[1] Lm Nguyễn Thế Thuấn, Thánh Kinh, DCCT, 1976.
[2] Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Mặc khải, DV, số 11.
[3] Sđd, số 12.
[4] Xem T. McIver, Anti-Evolution. A Reader’s Guide to Wrtings before and after Darwin, The J Hopkins Univ. Press, Baltimore, 1992; J.L. Hayward, The Creation/ Evolution Con troversy, Scarecrow Press, Lanham (MD) 1999.
[5] Philip Prodger, An Annotated Catalogue of the Illustrations of Human and Animal Expression from the Collection of Charles Darwin: An Early Case of the photograph, Edwin Mellen Press, New York, 1998.
[6] Nguyễn Đình Khoa, Nguồn gốc loài người trong tiến hoá, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2001
[7] Nguyễn Văn Ái , Khoa Học Và Đức Tin (Giới thiệu tư tưởng Teilhard De Chardin), NXB, Nam Chi Tùng Chi, tr 31
[8] G. Vanderbroek, L’Origine de l’ homme et les récentes découvertes des Sciences naturelles, trong cuốn tập Essai sur Dieu, l’homme et l’univers, Paris 1953, tr 204.
[9] Tóm ý chính yếu của các tác phẩm Lecomte de Nouy: L’homme devant la Science: con người đứng trước khoa học, Paris 1951. La dignité humaine: phẩm giá con người, Paris 1946. L’homme et sa destinée: định mệnh con người, Paris 1947.- Bản dịch Việt ngữ, Hà Nội, 1953.
[10] (PL 158, 178).
[11] (Richard de St. Victor cuốn II, chương 9).
[12] (de Pot. q.3 a.1)
[13] (I,a q.45 a.5; Cont.Gent 2,21; de Potentia q.3 a.4).
[14] (45 a.5 ad 3)
[15] St 2, 7.
[16] x. SGLM. 362.
[17] x. SGLM 364; 1 Cr 6, 19-20; 15, 44-45.
[18] AAS XI (1950) 575-576.
[19] x. SGLM 369.
[20] x. SGLM 366.
[21] Sđd 364
[22] Sđd 365
[23] AAS. XI (1950) 575-576.
[24] De Paradiso 10, 48.
[25] In Joanem 9,10.
[26] PG 83,944.
[27] Nos origiens. Les données de la Bible et de la science paris 1944,33.
[28] St 1,28.
[29] Harrington, “nouvelle Introduction à la Bible”, paris, Seuil, 1979, p.91
[30] P. Gibert, “ la création originelle et nouvelle création” trong “la création”, “Catéchèse’, số 106, Janvier 1978, p.12.
[31] Sđd, p.9
[32] Vatican II, Gaudium et Spes, số 5.
[33] Sđd 1, 26-27.
[34] Sđd 2, 19
[35] Sđd 1, 28.
[36] Ga 5, 17.
[37] x. Hiến Chế Vui Mừng và Hy vọng, chương III
[38] Mt 22,21.