Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

VŨ TRỤ VÀ SỰ SỐNG ẨN TÀNG ĐẤNG SIÊU NHIÊN

Thời sự Thần học - Số 2, Tháng 6/2009, tr. 27-37.

_Phaolô Cao Chu Vũ, O.P._ 


Năm 1859, nhà sinh vật học Charles Darwin công bố tác phẩm “The Origin of Species” (Nguồn gốc các loài), trình bày thuyết tiến hoá của các loài thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Ngay tức khắc, nó đã gây nên những cuộc tranh luận gay gắt từ nhiều phía xoay quanh học thuyết mới mẻ này. Có lẽ, cuộc tranh luận giữa đức tin và khoa học là gay gắt hơn cả. Chân lý Kinh Thánh viết: con người được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26), nghĩa là nó hiện hữu như một hữu thể ngôi vị huyền nhiệm của sự kết hợp giữa xác và hồn, giữa siêu nhiên và tự nhiên. Chân lý này liệu có thể tương hợp với thuyết tiến hoá cho rằng loài người có nguồn gốc từ loài khỉ, và xa hơn nữa là từ những loài động vật cấp thấp hơn thông qua quá trình chọn lọc “tình cờ” của tự nhiên?

Từ đó đến nay, xét trên phương diện nghiên cứu khoa học, người ta vẫn chưa có câu trả lời nào thoả đáng về nguồn gốc loài người và các loài sinh vật. Nhưng với ảnh hưởng mạnh mẽ của thuyết tiến hoá và những khám phá mới của khoa học, người ta đã phải đặt lại nhiều vấn đề về nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc sự sống trên trái đất, các loài sinh vật có mối liên hệ với nhau như thế nào? Một loài rất đặc biệt trổi vượt thế giới tự nhiên là loài người có tương quan với thế giới này như thế nào? v.v…

Cuối thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu lập bản đồ “Gen Người”. Đây là một dự án mang tính đột phá trong lịch sử khoa học của loài người. Giám đốc dự án này là tiến sĩ Francis S. Collins. Và bản đồ “Gen người” đã được công bố vào tháng 6 năm 2000, mở đường cho các nhà khoa học bắt tay vào việc tìm hiểu rất nhiều bí ẩn về nguồn gốc sự sống và về chính bản thân con người. Sau khi hoàn tất thành công bản đồ “Gen người”, tiến sĩ Francis S. Collins đã viết tác phẩm “The Language of God” (Ngôn ngữ của Chúa). Trong tác phẩm này, ông đã giải thích thông qua những trải nghiệm bản thân trong suốt quá trình làm việc và nghiên cứu khoa học rằng đức tin và khoa học có thể cùng tồn tại, thống nhất với nhau và bổ túc cho nhau, để đạt tới chân lý duy nhất về thực tại vũ trụ và sự sống, đặc biệt là thực tại “con người”.

Trong bài viết này, người viết xin tóm tắt những tư tưởng của tiến sĩ Francis S. Collins trong tác phẩm “The Language of God” (Ngôn ngữ của Chúa) và trình bày lại dưới chủ đề: “Vũ Trụ Và Sự Sống Ẩn Tàng Đấng Siêu Nhiên”.

1. Vũ trụ đã được thiết kế để sự sống xuất hiện trên trái đất


Mọi sự đã bắt đầu như thế nào? Đầu thế kỷ XX, hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng vũ trụ không có điểm bắt đầu cũng không có điểm kết thúc. Giả thuyết này đã tạo nên những nghịch lý vật lý nhất định. Chẳng hạn: làm sao vũ trụ có thể duy trì trạng thái ổn định mà không sụp đổ dưới tác dụng của trọng lực? Nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng đều không thoả đáng.

Năm 1929, nhà thiên văn học người Mỹ Edwin Hubble (1889-1953) đã công bố những phát hiện mới của ông về vũ trụ: ánh sáng trong các dải ngân hà đang tách khỏi dải ngân hà của chúng ta. Những ánh sáng này càng xa thì các dải ngân hà này càng cách xa chúng ta hơn. Vậy, nếu quay ngược kim thời gian, thì chúng ta có thể dự đoán ở vào một thời điểm nào đó, tất cả các dải ngân hà trong vũ trụ đều hoà vào một “hạt vật chất” đông đặc. Điều này cho phép khoa học kết luận rằng vũ trụ đã bắt đầu vào một thời điểm nhất định, tính toán cho thấy thời điểm đó cách nay khoảng 14 tỷ năm. Ở vào thời điểm đó, tồn tại một hạt vật chất cực đông đặc, và nó đã bung nổ, hình thành nên vũ trụ này. Người ta gọi nó là “Big Bang” (Vụ nổ lớn).

Giả thuyết “Big Bang” còn được củng cố bởi một bằng chứng thuyết phục khác. Người ta nhận thấy khắp nơi trong vũ trụ đều có những nguyên tố hydro, đơteri, và heli. Lượng đơteri thừa gần như là hằng số ở tất cả các tinh cầu, từ những tinh cầu gần kề chúng ta nhất tới những dải ngân hà xa xôi nhất. Phát hiện đó nhất quán với tất cả các đơteri của vũ trụ đã được hình thành ở nhiệt độ cao không thể tưởng tượng vào một thời điểm cụ thể trong suốt thời gian xảy ra “Big Bang”.

Sự tồn tại của “Big Bang” khiến người ta phải đặt câu hỏi: vậy, điều gì đã xảy ra trước “Big Bang”? Ai hay cái gì đã gây nên “Big Bang”? Có lẽ, đây chính là ngưỡng cửa của khoa học. Robert Jastrow, nhà vật lý học thiên thể, trong cuốn “God and the Astronomers (Thiên Chúa và các nhà thiên văn học), viết: “Ở thời điểm này, dường như khoa học sẽ không bao giờ có thể vén lên tấm rèm về bí mật của sự sáng tạo. Đối với nhà khoa học, người đã sống với niềm tin vào sức mạnh của lập luận, câu chuyện kết thúc như một giấc mơ buồn. Anh ta đã trèo lên những đỉnh núi của sự vô minh và khi gần chinh phục được đỉnh núi, kéo mình lên trên phiến đá cuối cùng thì anh ta được rất nhiều nhà thần học chào đón, họ đã ngồi đó trước anh hằng thế kỷ rồi”. Theo đó, ngọn nguồn của "Big Bang" chỉ có thể tìm thấy nơi thần học. Francis S. Collins viết: “Vụ nổ lớn rất cần một lời giải thích thần thánh. Nó củng cố cho kết luận rằng tự nhiên có một khởi đầu xác định. Tôi không thể hình dung được làm thế nào tự nhiên có thể tự tạo ra chính nó. Chỉ có một lực lượng siêu nhiên ở bên ngoài vũ trụ và thời gian mới có thể làm nổi điều đó”. Có thể nói, chỉ duy Kinh Thánh mới cung cấp cho khoa học một lời giải thích hợp lý và thoả đáng về sự tồn tại của "Big Bang": từ cái hư vô trống rỗng, Thiên Chúa phán và vũ trụ đã bắt đầu (x. St 1,1).

Kế tiếp, điều gì đã xảy ra sau "Big Bang"? Trong khoảng một triệu năm đầu tiên sau "Big Bang", vũ trụ giãn nở, nhiệt độ hạ xuống, các nguyên tử và hạt nhân bắt đầu hình thành. Vật chất bắt đầu kết hợp thành những dải ngân hà dưới tác dụng của trọng lực. Trong những dải ngân hà này, vật chất kết hợp cục bộ với nhau hình thành nên những tinh cầu. Nơi một số những tinh cầu này, lại xảy ra những vụ nổ lớn, hình thành nên những tinh cầu thế hệ thứ hai, rồi thứ ba. Khi một tinh cầu nào đó tiếp tục nổ, thì một phần nhỏ các nguyên tố nặng hơn ở khu vực xung quanh sẽ thoát khỏi việc sát nhập vào tinh cầu mới, chúng quy tụ lại với nhau và hình thành các hành tinh xoay chung quanh tinh cầu mới. Đối với dải ngân hà của chúng ta, tinh cầu “mặt trời” không được hình thành ngay từ những ngày đầu của vũ trụ, nó là một tinh cầu thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba được hình thành cách nay khoảng 5 tỷ năm. Còn trái đất là một hành tinh của tinh cầu “mặt trời”. Trái đất ban đầu rất nóng, nó nguội dần và hình thành bầu khí quyển, và trở nên dễ chịu hơn. Khi đó sự sống bắt đầu xuất hiện, cách nay khoảng 4 tỷ năm. Nhưng chưa đầy 150 triệu năm sau, trái đất đã ngập tràn sự sống.

Vậy, sự sống trên trái đất đã hình thành như thế nào? Chúng ta biết cacbon và oxy là hai nguyên tố thiết yếu để sự sống hình thành. Theo đó, hình thái phức tạp của sự sống không thể xuất hiện ở vào thời điểm 5-10 tỷ năm sau "Big Bang". Bởi vì, các tinh cầu đầu tiên không thể chứa những nguyên tố nặng như cacbon và oxy. Chỉ có các tinh cầu thuộc thế hệ thứ hai hoặc thứ ba, và các hành tinh của chúng mới có tiềm năng chứa cacbon và oxy. Nhưng để có được cacbon và oxy, thì liệu đó là kết quả của sự kết hợp tình cờ giữa các hạt cơ bản hay đã được tính toán trước? Các nghiên cứu cho thấy nếu lực hạt nhân kết hợp các hạt proton và neutron yếu hơn một chút thì khi đó chỉ có hydro hình thành trong vũ trụ. Ngược lại, nếu lực hạt nhân mạnh hơn một chút thì tất cả khí hydro đã chuyển thành heli, thay vì 25% xảy ra từ trước trong "Big Bang", và vì vậy cái lò nung kết hợp của các tinh cầu và khả năng chúng có thể hình thành những nguyên tố nặng đã chẳng bao giờ xảy ra. Ngoài ra, năng lượng hạt nhân dường như đã được điều chỉnh vừa đủ để hình thành nên cacbon. Đây là điều vô cùng quan trọng giúp tạo nên sự sống trên trái đất. Nếu như cái lực đó hút mạnh hơn một chút, thì tất cả các nguyên tử cacbon đã chuyển thành oxy.

Vậy, thật kỳ lạ, dường như tất cả đã được tính toán một cách chính xác để trái đất có được tiềm năng xuất hiện sự sống. Hơn thế nữa, một khi đã có tiềm năng đó, thì tất cả những hằng số vật lý và các quy luật vật lý điều khiển tự nhiên cũng đã được tính toán và thiết lập một cách chuẩn xác để các hình thái sự sống xuất hiện, trong đó cao cấp nhất là loài sinh vật có cuộc sống tri thức và trải nghiệm như con người. Điều này cho phép ta kết luận sự sống tràn ngập trên trái đất không phải là một sự tình cờ, mà ngay từ đầu nó đã phản ánh hành động của Đấng siêu nhiên tạo nên vũ trụ này. Trong cuốn “A brief history of time” (Lược sử thời gian), tác giả Stephen Hawking viết: “Sẽ rất khó lý giải tại sao vũ trụ lại khởi nguồn theo cách như vậy, ngoại trừ việc đó là do Chúa đã chủ định tạo nên những thực thể như chúng ta”. Một nhà vật lý học nổi tiếng khác là Freeman Dyson nói: “Càng khám vũ trụ và những chi tiết kiến trúc của nó bao nhiêu, tôi càng tìm ra được nhiều bằng chứng hơn rằng ở một khía cạnh nào đó, vũ trụ chắc hẳn đã biết việc loài người chúng ta sẽ xuất hiện”. Quả thực, sự kỳ diệu của vũ trụ đã ẩn tàng một Đấng sáng tạo đầy quyền năng và khôn ngoan, như Kinh Thánh viết: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,2).

Hẳn là, cách nhìn nhận về thế giới của khoa học chưa hoàn toàn đầy đủ để có thể giải đáp tất cả những câu hỏi thú vị về nguồn gốc vũ trụ, và không có gì mâu thuẫn giữa việc tồn tại một Đấng sáng tạo là Chúa với những gì khoa học đã khám phá. Hơn thế nữa, giả thuyết về một Đấng sáng tạo đã giải quyết được một số câu hỏi mà có lẽ khoa học không thể vượt qua: chuyện gì xảy ra trước "Big Bang"? Tại sao vũ trụ lại có sự điều chỉnh tuyệt vời như vậy để chúng ta được có mặt trên hành tinh đầy tràn sự sống này?

2. Sự sống xuất hiện trên trái đất


Như đã trình bày, vũ trụ đã được thiết kế để sự sống xuất hiện trên hành tinh “trái đất”. Vậy, sự sống và tính phức tạp của nó đã xuất hiện như thế nào trên trái đất? Khoa học tính được rằng trái đất có độ tuổi khoảng 4,55 tỷ năm. Nhưng trong khoảng 500 triệu năm đầu khi nó tồn tại, thì trái đất khó có thể xuất hiện sự sống. Bởi lẽ, lúc đó trái đất luôn bị các hành tinh và thiên thạch tấn công với sức tàn phá lớn, một trong những cuộc tấn công đó đã khiến mặt trăng tách rời trái đất. Nhưng chỉ 150 triệu năm sau đó, người ta đã tìm thấy rất nhiều hình thái sự sống khác nhau của vi khuẩn. Những sinh vật đơn bào này có khả năng lưu trữ thông tin, có thể là sử dụng ADN và tự sao chép cũng như tiến hoá thành nhiều dạng thức khác nhau.

Một câu hỏi lớn được đặt ra về nguồn gốc sự sống: tại sao lại có sự xuất hiện của những vật thể sống động trên một khối vật chất bất động? Nói cách khác, những sinh vật đơn bào, hình thái đầu tiên của sự sống làm nền cho các loài sinh vật khác xuất hiện, đã hình thành như thế nào? Hiện khoa học chưa thể giải thích về nguồn gốc sự sống trên trái đất. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, nhưng chưa có giả thuyết nào thoả đáng. Trước bế tắc này, một số thần học gia cho rằng Chúa đã sáng tạo ra ADN và ARN, và đặt vào trái đất. Họ suy luận rằng nếu như ý định sáng tạo vũ trụ của Chúa là để dẫn tới những thụ tạo mà Người có quan hệ – tức là loài người – và nếu sự phức tạp cần thiết để khởi nguồn quá trình của sự sống vượt quá khả năng tự tập hợp của những chất hoá học này trong vũ trụ, thì há chẳng phải Chúa đã dấn thân vào việc khởi tạo quy trình này hay sao?

Nhận định về lập luận của các thần học gia, tiến sĩ Francis S. Collins cho rằng chúng ta nên cẩn trọng khi đặt một hành động cụ thể của Chúa vào đây hay vào bất cứ lãnh vực nào khác còn thiếu những hiểu biết khoa học. Đức tin đặt Chúa vào những lỗ hổng của tri thức hiện thời về thế giới tự nhiên có khả năng đối mặt với sự khủng hoảng nếu như những tiến bộ khoa học dần dần lấp đầy những lỗ hổng đó. Tóm lại, trong khi nguồn gốc của sự sống vẫn còn là một câu hỏi thú vị và việc khoa học chưa có đủ khả năng đưa ra một cơ chế mang tính thống kê đang kích thích sự say sưa tìm hiểu và khám phá thì đây không phải là nơi để người chín chắn đặt cược niềm tin của mình.

Trong hai mươi năm trở lại đây, rất nhiều di chỉ hoá thạch đã được tìm thấy, trong đó người ta đặc biệt quan tâm tới những di chỉ hoá thạch của con người, chúng đã dần lấp đầy những lỗ hổng tri thức về lịch sử sự sống trên trái đất. Người ta đã phát hiện ra những bộ xương của hơn một chục họ người khác nhau tại Phi Châu. Những mẫu vật đầu tiên đã được công nhận là của người tinh khôn (homo sapiens), sống cách đây khoảng 195 nghìn năm trước, còn các nhánh khác trong sự phát triển của họ người dường như đã tuyệt chủng. Nhìn chung, khi thống kê tất cả các mẫu di chỉ hoá thạch, người ta nhận thấy chúng có một mối liên hệ, mà mối liên hệ này thống nhất với quan niệm cây sự sống của các sinh vật. Các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều bằng chứng có giá trị trong những dạng chuyển đổi từ bò sát sang chim và từ bò sát sang động vật có vú. Khi nghiên cứu sâu hơn, họ đã phát hiện có sự tồn tại của những loài chuyển tiếp, thường là vào thời gian và nơi chốn đúng như thuyết tiến hoá đã dự đoán.

3. Sự tiến hoá - một cơ chế điều khiển sự sống trên trái đất


Thuyết tiến hoá khởi sự từ Darwin. Sau khi tiến hành nghiên cứu các di chỉ hoá thạch của những sinh vật cổ và quan sát sự đa dạng của các thực thể sống trong các môi trường cách ly. Darwin đã đưa ra kết luận: tất cả những thực thể sống đều có cùng một nhóm tổ tiên chung-thậm chí chỉ có một tổ tiên. Sự khác biệt giữa các loài rất hiếm khi xảy ra, và sự sống sót hay huỷ diệt của mỗi sinh vật như vậy phụ thuộc vào khả năng thích ứng của nó với môi trường. Người ta gọi đó là quá trình chọn lọc tự nhiên. Một cách vắn tắt, thuyết của Darwin được gọi là thuyết tiến hoá thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên.

Theo đó, quá trình chọn lọc tự nhiên cho ta những kết quả của “cơ hội”. Cây sự sống của các loài sinh vật là một chuỗi mắt xích của những “cơ hội” mà các loài đã thích ứng với những biến đổi của môi trường tự nhiên. Cơ chế tiến hoá này đã làm cho sự sống từ đơn giản trở nên phức tạp và phong phú đến mức khôn lường. Đối với Darwin, thì đây quả là một cơ chế huyền nhiệm. Trong phần kết luận của cuốn “Nguồn gốc các loài”, Darwin viết: “Cách cảm nhận này về sự sống là vô cùng quan trọng, rằng sự sống, với một vài sức mạnh của nó mà gốc gác là do Chúa truyền hơi thở cho một hay một số dạng thể, và rằng trong khi hành tinh này cứ vận động mãi xung quanh quy luật cố định là trọng lượng, thì từ những dạng thức ban đầu vô cùng đơn giản đã và đang không ngừng hình thành những dạng thể đẹp và tuyệt vời nhất”.

Nhưng hiểu thế nào về “cơ hội” đã làm cho sự sống trở nên phức tạp và phong phú? Đây là một thách thức đối với Darwin. Dường như ông không có câu trả lời, vì lẽ vào thời điểm đó, lý thuyết tiến hoá thiếu nền tảng khoa học tự nhiên, chỉ đơn thuần dựa trên quan sát và tổng hợp các dữ liệu. Ông viết: “Sự khó khăn vô cùng hay đúng hơn là không thể hình dung được cái vũ trụ kỳ diệu và to lớn này, trong đó có cả con người với khả năng nhìn thấu suốt quá khứ và đoán biết trước được tương lai, là kết quả của cơ hội hay là quy luật tất yếu mà chúng ta không nhìn thấy. Do đó, khi hồi tưởng lại, tôi cảm thấy bị cuốn vào việc nghĩ về một Người khai thiên lập địa và muốn trở thành người có trí tuệ thông thái ở một mức độ nào đó tương tự như trí tuệ của Người đó.” Người ta phải mất một thế kỷ sau mới khám phá được làm thế nào có thể có những thay đổi trong cuốn sách chỉ dẫn về sự sống.

4. ADN – sợi chỉ đỏ vận hành sự sống


Vào hậu bán thế kỷ XX, cuộc khám phá ADN là vật liệu di truyền đã mang lại những bước đột phá trong việc tìm hiểu nguồn gốc sự sống. Thực vậy, trong nửa đầu thế kỷ XX, hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng protein là chất liệu giữ nhiệm vụ di truyền những đặc điểm của giống loài, vì chúng là những phân tử đa dạng nhất trong tất cả các sinh vật. Năm 1944, người ta phát hiện rằng không phải protein, mà là ADN mang những đặc điểm di truyền. Thực vậy, khoa học đã biết đến ADN trước đó gần 100 năm, nhưng chỉ coi nó có vai trò lớn hơn chất liệu phủ ngoài hạt nhân một chút. Và khi nghiên cứu sâu hơn về ADN, người ta khám phá thêm rằng phân tử ADN có dạng xoắn kép, hình một chiếc thang xoắn và khả năng mang thông tin của nó là do một loạt hợp chất hoá học tạo nên các nút thang đó quyết định. Là một nhà hoá học, tiến sĩ Francis S. Collins viết: “biết được những đặc tính của AND đúng là bất thường như thế nào và tuyệt vời làm sao khi nó đưa ra được giải pháp cho việc mã hoá sắp đặt sự sống, tôi thấy kính nể phân tử này”.

Chúng ta có thể hiểu về ADN cách khái quát như sau: ADN là một bản đồ chỉ dẫn, một chương trình phần mềm, nằm trong nhân của tế bào. Ngôn ngữ mã hoá của nó có bốn ký tự là A, C, G, T. Mỗi chỉ dẫn nhất định mà chúng ta gọi là “gen” do hằng trăm hoặc hằng nghìn mã ký tự tạo thành. Tất cả những chức năng phức tạp của tế bào, thậm chí cả trong một thực thể phức tạp như con người chúng ta, đều phải do trình tự của những ký tự trong nguyên bản này chỉ dẫn. Nơi loài người, người ta tìm thấy có 3,1 tỷ ký tự mã hoá ADN được sắp xếp trình tự dọc theo 24 nhiễm sắc thể. Xét ở cấp độ ADN, loài người chúng ta giống nhau tới 99,9%. Sự tương đồng đó luôn là như vậy nếu chọn hai con người ở hai nơi bất cứ nào đó trên thế giới để so sánh. Điều này cho thấy dường như loài người thực sự thuộc về cùng một gia đình, có chung tổ tiên. Theo đó, sự đa dạng trong di truyền nơi loài người thấp đến mức đáng ngạc nhiên so với hầu hết các loài sinh vật khác, chúng có sự đa dạng ADN lớn hơn nơi loài người gấp mười, thậm chí mười lăm lần. Nhưng xét ở cấp độ hệ gien, người ta thực hiện một cuộc so sánh chi tiết về trình tự ADN của loài người với trình tự ADN của các loài sinh vật khác, thì kết quả: mức độ tương đồng về hệ gien của tất cả các loài, từ vi khuẩn cho tới loài người, là tương đối lớn. Những dữ liệu khoa học trên có ý nghĩa gì? Có thể kết luận gì về sự sống và mối tương quan giữa loài người với các loài sinh vật khác?

Khoa học kết luận rằng thuyết tiến hoá của Darwin đã được củng cố. Các loài sinh vật đã có chung một tổ tiên và sự tiến hoá của các loài là do quá trình chọn lọc tự nhiên vận hành trên cơ sở những đột biến gien ngẫu nhiên. Những người theo chủ nghĩa vô thần có thể rất vui ở điểm này: Chúng ta không cần đến Chúa giải thích cho chúng ta nữa. Chúa chẳng còn ý nghĩa gì nữa đối với loài người! Kết luận như thế có nông nổi quá không? Tiến sĩ Francis S. Collins viết: “Sự so sánh giữa trình tự gien người và tinh tinh, bản thân nó vô cùng thú vị, nhưng không đủ chỉ cho chúng ta thấy nó có ý nghĩa gì đối với con người. Theo quan điểm của tôi, bản thân trình tự ADN, thậm chí cả khi có cả kho dữ liệu chức năng sinh học đi kèm, sẽ không bao giờ có thể lý giải nổi những đặc tính đặc biệt nhất định của con người, chẳng hạn như tri thức về Luật Đạo Đức và việc tìm kiếm Chúa. Giải phóng cho Chúa khỏi gánh nặng của những hành động sáng tạo đặc biệt không loại Người ra khỏi vai trò với tư cách là cội nguồn của những gì làm cho con người trở nên đặc biệt, cũng như không loại Người ra khỏi vũ trụ. Nó chỉ đơn thuần cho chúng ta thấy một số điều về việc Người vận hành chúng như thế nào”.

5. Thuyết tiến hoá-lý thuyết về phương pháp sáng tạo của Chúa


Đang khi cuốn Nguồn gốc loài người của Darwin được công bố, đã tạo nên một cuộc tranh cãi căng thẳng giữa khoa học và tôn giáo, thì một thần học gia Tin Lành bảo thủ trứ danh là Benjamin Warfield đã nhận định: thuyết tiến hoá như là “một lý thuyết về phương pháp của Chúa”. Khi tiến hành nghiên cứu hệ gien của loài người và hệ gien của các loài sinh vật khác trên hành tinh này, tiến sĩ Francis S. Collins đã có những trải nghiệm về phương pháp sáng tạo thật kỳ diệu của Chúa như Benjamin Warfield đã tiên báo. Ông viết: “Nó đem đến một cái nhìn tổng thể, phong phú và chi tiết về sự biến đổi từ một tổ tiên chung diễn ra như thế nào. Thay vì cảm giác lo lắng, tôi lại thấy bằng chứng sinh động về mối liên hệ của tất cả các sinh vật sống thật đáng nể phục và tôi coi nó là kế hoạch tổng thể của cùng một Chúa. Người đã tạo nên vũ trụ, lập từng thông số vật lý chính xác tới mức cho phép nó tạo ra những tinh cầu, hành tinh, các nguyên tố nặng và bản thân sự sống. Mặc dù ở thời điểm đó tôi chưa thể gọi tên nó là gì nhưng tôi cảm thấy ung dung với cái tổng kết thường được mọi người đề cập tới là sự tiến hoá hữu thần, một quan điểm khiến tôi hoàn toàn thoả mãn.”

Thuyết tiến hoá hữu thần có thể được tóm tắt với những nội dung chính sau:
  • Vũ trụ hình thành từ hư vô cách đây xấp xỉ khoảng 14 tỷ năm.
  • Mặc dù có nhiều điều không chắc có thực nhưng những đặc tính của vũ trụ dường như đã được điều chỉnh chính xác cho phù hợp với cuộc sống.
  • Trong khi các nhà khoa học chưa biết đích xác cơ chế nguồn gốc của sự sống trên trái đất thì ngay khi sự sống hình thành, quá trình tiến hoá và chọn lọc tự nhiên đã tạo điều kiện cho sự phát triển đa dạng sinh học và sự phức tạp qua nhiều giai đoạn rất dài.
  • Khi tiến hoá diễn ra, không đòi hỏi phải có sự can thiệp nào của siêu nhiên.
  • Con người là một phần của quá trình này, có cùng tổ tiên với loài khỉ dạng người loại lớn.
  • Nhưng con người cũng độc đáo ở chỗ phủ nhận lý giải tiến hoá và chỉ ra bản chất tâm linh của mình. Điều này bao gồm sự tồn tại của Luật Đạo Đức (tri thức về đúng và sai) và việc tìm kiếm Chúa. Cơ sở cho việc xác định rõ đặc điểm của toàn bộ nền văn hoá loài người trong suốt thời kỳ lịch sử.
Với những nội dung chính yếu trên, có thể nói thuyết tiến hoá hữu thần đã cho chúng ta một viễn quan logic, nhất quán, thoả mãn về mặt trí tuệ và niềm tin. Nghĩa là tìm được sự nối kết giữa khoa học và đức tin: Chúa, người có trí tuệ khôn lường, vượt khỏi không gian và thời gian, đã tạo dựng vũ trụ và thiết lập nên các quy luật chi phối nó. Chúa đã tìm cách tạo ra sự sống trên trái đất, vì vũ trụ vốn sẽ tẻ nhạt nếu không có sự tồn tại của những sinh vật. Bằng việc lựa chọn một cơ chế tiến hoá thông minh để tạo nên các vi khuẩn, thực vật và động vật các loại. Đáng lưu ý nhất là Chúa đã chủ ý chọn cùng một cơ chế nhằm tạo ra những sinh vật đặc biệt. Những sinh vật có trí tuệ, có khả năng phân biệt đúng-sai, tự do về ý chí và mong muốn thiết lập tương quan với Người. Cơ chế tiến hoá đó đối với chúng ta, loài thụ tạo hữu hạn bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Dường như do ngẫu nhiên và không có định hướng. Còn đối với Chúa, hẳn Người đã biết kết quả của cơ chế đó là gì. Như vậy, Chúa đã tham gia một cách toàn diện và sâu sắc vào quá trình sáng tạo vũ trụ và sự sống trên trái đất này.

Theo đó, khoa học gia và thần học gia, cả hai đều được thoả mãn về mặt trí tuệ và giác ngộ về mặt tâm linh. Cả hai đều ngưỡng mộ và tôn thờ Thiên Chúa, và họ sử dụng các công cụ của khoa học và kho tàng đức tin để mở ra những bí mật đáng kinh ngạc về công trình sự sáng tạo của Người.

Kết luận


Với sự trợ giúp đắc lực của khoa học kỹ thuật hiện đại, có thể nói thế kỷ XXI hứa hẹn những khám phá đầy bất ngờ về nguồn gốc sự sống. Chúng ta, Kitô hữu, liệu có quay lưng lại với khoa học vì coi nó là không đáng tin cậy, hay quyết liệt hơn coi nó như là mối nguy hiểm làm lung lạc đức tin? Hẳn Thiên Chúa, Đấng sáng tạo vũ trụ và sự sống, không hề muốn chúng ta chối bỏ những sự thật rõ ràng về thế giới tự nhiên mà khoa học đã tiết lộ, bởi vì điều đó lại càng giúp con người nhận biết và yêu mến Người hơn. Chỉ thừa nhận đức tin và chối bỏ khoa học, hay ngược lại chỉ thừa nhận khoa học và chối bỏ đức tin, cả hai thái độ đó đều không phù hợp với bản chất của con người. Cả hai đều phủ nhận sự thật; cả hai đều làm suy giảm sự cao quý của con người; cả hai đều sẽ huỷ hoại tương lai của nhân loại.

Thiên Chúa của Kinh Thánh cũng là Chúa của hệ gien. Công trình sáng tạo của Thiên Chúa thật kỳ diệu, đáng kính nể, rất chi tiết và thật đẹp đẽ – và nó không thể xung đột với chính bản thân nó. Chỉ chúng ta, những con người không hoàn hảo, mới bắt đầu những trận chiến như vậy, và chỉ chúng ta mới có thể chấm dứt chúng. Đã đến lúc chúng ta phải thấy rằng chân lý khoa học và chân lý đức tin hỗ trợ và bổ túc cho nhau, giúp chúng ta hiểu biết sâu xa về thực tại vũ trụ, sự sống và con người, nhất là đưa chúng ta tới việc nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, Đấng đã yêu và dành vũ trụ kỳ diệu này cho sự hiện hữu huyền nhiệm của loài người chúng ta.

Viết theo: Francis S. Collins, The Language of God-A scientist Presents Evidence for Bilief, bản dịch Việt ngữ: Lê Thị Thanh Thuý, Ngôn ngữ của Chúa-Những bằng chứng khoa học về đức tin, Nxb Lao Động, 2007.