Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

VAI TRÒ ĐÍCH THỰC CỦA CHỨC LINH MỤC TRONG HỘI THÁNH

Thời sự Thần học – Số 2, Tháng 2/2009, tr. 147-157

_Giuse Hoàng Văn Hoà_


Thiên chức linh mục là hồng ân nhưng không Thiên Chúa dành cho con người. Từ đây, với Chúa, linh mục là khí cụ của tình yêu; với cộng đoàn, linh mục là vị chủ chăn chăm sóc các linh hồn. Trở nên mục tử của Chúa, linh mục lặng lẽ bước vào con đường phục vụ trong yêu thương và thành tín. Yêu thương vì linh mục loan báo Lời Chúa bằng cách thuật lại vương quốc tình yêu đang ở giữa nhân loại. Thành tín vì linh mục tái diễn thừa tác vụ đời mình mỗi ngày bằng nhiệm tích Thánh Thể hầu nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cho bản thân và cho cộng đoàn. Bao lâu còn khoác tấm áo linh mục là bấy lâu linh mục còn sống trong vai trò chủ chăn giàu lòng độ lượng. Không chỉ đón nhận những con chiên gia nhập gia đình Hội Thánh mà linh mục còn giáo dục, chăm sóc, huấn luyện để đưa những chiên con lầm đường lạc lối trở về đường ngay nẻo chính.
Nhận thấy vai trò thiết yếu của linh mục trong Hội Thánh, Công Đồng Vatican II đã ban hành sắc lệnh Presbyterorum Ordinis để nhấn mạnh tầm quan trọng của chức linh mục trong việc rao giảng Lời Chúa, cử hành phụng vụ và dạy dỗ muôn dân. Qua đó, chúng ta nhận ra vị trí đích thực của chức linh mục trong Hội thánh để không còn thần thánh hoá linh mục như trước đây, đồng thời cũng không để ai hạ giá hoặc coi thường linh mục như hiện nay ở nhiều nước Âu Mỹ.[1]

I. Thừa tác viên Lời Chúa


1. Rao giảng Phúc Âm


Lời đã đến trần gian để con người được sống và sống dồi dào, sống trong hồng phúc và ân nghĩa của Thiên Chúa (xc. Ga 10,10). Vì thế, tác giả Thánh vịnh đã ca ngợi và cảm nhận rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105).

Sức phục vụ mạnh nhất của Lời chính là con người Đức Kitô. Ấy vậy, linh mục lại là họa ảnh của Đức Kitô. Nếu trước đây, Đức Kitô rao giảng Tin Mừng bằng ánh mắt thiện cảm, bằng con tim trắc ẩn, và bằng cả tấm lòng yêu thương, thì hôm nay linh mục “có nhiệm vụ loan báo cho mọi người Phúc Âm của Thiên Chúa, để thi hành mệnh lệnh của Chúa: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật” (Mc 16,15).[2] Loan báo Lời Chúa là nhiệm vụ rao giảng hàng đầu của linh mục. Lòng tin của bổn đạo có vững chắc hay không đều khởi đi từ việc xây dựng trên Lời Chúa và được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Linh mục vốn thánh hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, nên “linh mục loan báo Lời Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng các Ngài thực thi thánh vụ mình cách tuyệt hảo nhất là trong thánh lễ hoặc cộng đồng tạ ơn, trong đó các ngài thay thế Chúa Kitô công bố mầu nhiệm của Chúa.”[3] Tuy nhiên, một trong những cái khó của linh mục hôm nay là làm sao để Lời loan báo Tin Mừng được áp dụng và thể hiện chân lý ngàn đời của Phúc Âm trong cuộc sống vì trước nhu cầu văn minh của thời đại, người ta thích chứng nhân hơn thầy dạy.[4] Nói cách khác, mục tử tốt lành, theo nghĩa chuẩn mực với đoàn chiên, là trong lời giảng giáo dân nhận thấy đời sống của linh mục, và ngược lại nơi đời sống của linh mục giáo dân nghe được lời giảng.[5]

2. Phương thức rao giảng


a. Đối với cộng đoàn dân Chúa


Vốn là hiện thân của Chúa Kitô, linh mục dâng lời kinh lên Thiên Chúa thay mặt toàn thể giáo dân và mọi người tham dự. Tất cả những gì linh mục thực hiện, cho dù diễn tả những thực tại vô hình của Thiên Chúa, đều là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống đức tin và tâm trí của giáo dân. Vì lẽ đó, linh mục cần cử hành thánh lễ cách tích cực trong tâm tình của người thay mặt Chúa và trong vai trò chủ chăn. Thế nhưng, có những linh mục khi dâng thánh lễ, người ta không thấy được sự hiện diện của Đức Kitô. Lúc đó, linh mục như một vị công chức hơn là người phục vụ. Đôi lúc, linh mục còn chạy theo thời gian đến nỗi cử hành thánh lễ càng ngắn càng tốt.

Ngoài ra, bài giảng trong thánh lễ là một phương thức rao giảng thiết thực. Linh mục nên chuẩn bị bài giảng cho thực tế và phù hợp với thánh lễ trong khoảng thời gian thích hợp. Bài giảng cần kín múc từ nguồn Thánh Kinh và phụng vụ để loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ và mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô. Tiếc thay nhiều linh mục hiện nay thường xao lãng trong việc chuẩn bị bài giảng. Họ sử dụng những nguồn bài giảng có sẵn trên những phương tiện thông tin hơn là xuất phát từ những suy niệm hay kinh nghiệm bản thân.

Trong phương thức rao giảng, linh mục cần chú ý đến các bài giảng giáo lý sao cho thích hợp với độ tuổi và theo từng giới. Hơn nữa, khi dạy giáo lý, các linh mục liên hệ và nối kết với phụng vụ. Tuy nhiên, nhiều nơi, linh mục thường khoán trắng cho giáo lý viên nên ít quan tâm hoặc chẳng để ý. Đó là thiếu sót về việc rao giảng Lời Chúa. Cuối cùng, rao giảng bằng cách cổ võ việc suy tôn Lời Chúa. Những nơi thiếu vắng linh mục, phó tế hay những những vị hữu trách nên quan tâm đến nhu cầu tâm linh của giáo dân để hun đúc tinh thần sống đạo của họ. Do vậy, sắc lệnh Presbyterorum Ordinis đã khuyên nhủ các linh mục: “Còn trong chính cộng đoàn Kitô giáo, nhất là đối với những người có vẻ ít hiểu và ít tin những điều họ quen thực hành, cần phải rao giảng Lời Chúa để dẫn họ đến chịu các bí tích, vì đây là những bí tích đức tin, mà đức tin lại được phát sinh và nuôi dưỡng bằng lời giảng dạy.”[6]

b. Đối với vùng đất truyền giáo

Hiện nay, việc truyền giáo được thực hiện dưới nhiều cách thức khác nhau, tuỳ theo nhu cầu của mỗi thời đại và tuỳ theo đặc sủng của mỗi người. Thế nhưng, dù trong hoàn cảnh hay điều kiện nào, linh mục luôn quan tâm đặc biệt đến việc rao giảng cho những vùng truyền giáo, hoặc những vùng đất chưa được biết Chúa. Chính ở đó, linh mục thể hiện vai trò chủ chăn để đưa chiên mới gia nhập gia đình Giáo hội. Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis nói rõ: “Nơi những miền hay những môi trường chưa theo Kitô giáo, chính việc rao giảng Phúc âm đã mời gọi người ta tìm đến đức tin và lãnh nhận những bí tích ban ơn cứu rỗi.”[7]

Ngoài ra, ý định của Thiên Chúa về thiên chức linh mục là để phục vụ con người. Việc phục vụ ấy không chỉ giới hạn trong giáo xứ hay những vùng lân cận thuộc quyền quản lý của mình. Trái lại, chức linh mục là để phục vụ vô vị lợi, cả những người bên trong lẫn những người bên ngoài đoàn chiên, cả những kẻ trong nước lẫn những kẻ ngoài nước. Tinh thần rao giảng cho những người ngoại giáo khởi đi từ mối bận tâm cứu rỗi các linh hồn của các linh mục. Qua đó, linh mục dùng lời cầu nguyện kết hợp với hoạt động mục vụ để thu hút những người ngoại giáo trở về với Chúa.

II. Thừa tác viên phụng vụ


1. Cử hành các bí tích


Các bí tích không chỉ sinh ơn do nguyên nhân luân lý mà còn phát sinh công hiệu bởi nguyên nhân tác tạo. Chính linh mục là nguyên nhân tác tạo các bí tích. Tuy nhiên, nguyên nhân ấy không do quyền riêng của linh mục nhưng do Thiên Chúa tuyển chọn và uỷ thác. Lúc đó, linh mục là người thay mặt Chúa để cử hành bí tích. Theo tư tưởng thánh Phaolô thì linh mục chính là người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa bằng cách thực thi các bí tích với tinh thần trách nhiệm và lòng trung thành (xc. 1 Cr 4,1-2). Hơn nữa, mục đích hoạt động của bí tích mang tính thường xuyên, chắc chắn, liên tục và áp dụng những mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô cho con người nên linh mục cần cử hành bí tích như những của ăn nuôi dưỡng tâm hồn. Vì thế, người ta có thể quan niệm về hình ảnh người linh mục như sau: “Linh mục được định nghĩa như người chuyên lo việc thờ phượng và cử hành các bí tích như làm lễ, giải tội, đi kẻ liệt. Ý tưởng này có từ rất xa xưa trong truyền thống, ngay từ thời thánh Syprianô, rồi được các nhà kinh viện hệ thống hoá và cuối cùng được đưa vào nền thần học chung.”[8]

Nói cách khác, chính lúc cử hành các bí tích, linh mục nói “nhân danh và do ủy nhiệm của Đức Kitô. Linh mục cho Đức Kitô mượn nhân tính của mình để tượng trưng cho nhân tính của Người, và làm cho hành động tối thượng của Người vốn bí nhiệm vô hình trở nên trong sáng. Hành động này động viên mọi nhân đức xoá bỏ mình đi trong khi vẫn phải khẳng định mình, vì Đức Kitô phải tự khẳng định qua người đại diện mình. Nhưng phải là Đức Kitô tự khẳng định qua thừa tác viên chứ không phải chính thừa tác viên.”[9] Do vậy, linh mục đã mang lại cho cộng đoàn sức sống thiêng liêng khi cử hành các bí tích. Qua phép Rửa, linh mục dẫn đưa người ta trở nên đoàn chiên của Chúa và gia nhập gia đình Hội Thánh. Nhờ bí tích Hoà Giải, linh mục hướng dẫn hối nhân trở về với Chúa. Với bí tích Xức Dầu, linh mục xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần của bệnh nhân. Khi cử hành bí tích Hôn Phối, linh mục giúp đôi tân hôn liên kết với tình yêu của Đức Kitô và của Hội Thánh. Và đặc biệt nhất vẫn là việc linh mục cử hành bí tích Thánh Thể vì “Phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội” mà “trong Hy Tế thánh lễ, các linh mục dạy tín hữu biết dâng lên Chúa Cha lễ vật chí thánh và hợp cùng của lễ đó hiến dâng chính cuộc sống mình.”[10]

2. Nhiệm vụ tế tự


a. Cử hành thánh lễ

Thiên chức linh mục khởi đi từ Thánh lễ đầu tiên của Đức Kitô. Và Hy tế đời linh mục chính là họa lại chân dung Đức Kitô mỗi khi cử hành Thánh lễ. Nếu mục đích rao giảng Tin Mừng là xây dựng Hội thánh thì hành vi biểu lộ hữu thể và duy nhất tính của Hội thánh chính là Thánh lễ. Do vậy, Thánh lễ chẳng những biểu lộ mà còn thực hiện sự hiệp nhất trọn vẹn trong Hội thánh.[11]

Như vậy, căn tính đời linh mục là trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”. Đó là vị Thượng Tế muôn đời và vĩnh cửu vì “Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của người tồn tại mãi” (Dt 7,24). Hy tế của Đức Kitô là khuôn mẫu mọi hy tế. Trong khi đó, hy tế của đời linh mục chỉ là hình bóng của thực tại hôm nay nhưng cần được cử hành mỗi ngày. Chính vì thế, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tâm thư gửi linh mục ngày thứ năm tuần Thánh năm 2004 đã khẳng định thiên chức linh mục được sinh ra trong bữa Tiệc Ly. Sứ vụ cao cả người linh mục được chia sẻ từ Người Thầy tâm huyết của mình. Ngoài ra, Đức thánh cha còn nhắc nhở các linh mục: “Thừa tác vụ linh mục là thừa tác vụ được sinh ra, sống, hoạt động và đem lại hoa trái “từ Thánh Thể.”[12] Và Đức thánh cha còn khẳng định mối tương quan trong chiều kích linh thiêng giữa bí tích Thánh Thể và thiên chức linh mục: “Sẽ không có bí tích Thánh Thể nếu không có chức linh mục, cũng như sẽ không có chức linh mục nếu không có bí tích Thánh Thể.”[13]

Đức Kitô, vị Thượng Tế của linh mục đã hoàn tất thừa tác vụ thánh thiêng của Người. Hy tế đẹp nhất của Người dâng cho Chúa Cha và nhân loại chính là cái chết trên Thập giá. Đức Kitô là con chiên chịu sát tế trên bàn thờ hôm qua hầu đem ơn cứu độ cho mọi người hôm nay. Thiết tưởng, linh mục cũng là những con chiên đôi khi chịu sát tế vì những tổn thương đến danh dự cũng như vai trò mục tử của mình. Như vậy, chấp nhận chức linh mục không chỉ hoạ lại chân dung Đức Kitô mà có khi linh mục còn hiến dâng hy tế đời mình vì Đức Kitô. Hình ảnh đức giám mục Rômêrô tại Nicaragoa đã ngã gục trên bàn thánh với hy tế đời mình đang lúc dâng cao Chén Máu Thánh là tấm gương sáng cho đời linh mục. Máu của Giám mục hoà cùng Máu của Đức Kitô. Hy tế của đời giám mục kết hợp sâu xa trong Hy tế của Đức Kitô.

b. Quản lý nguồn Lương Thực

Khi cử hành bí tích Thánh Thể, linh mục thừa tác đồng hoá với Đức Kitô để thánh hiến bánh và rượu. Linh mục đọc những lời chính Đức Kitô đã đọc trong bữa Tiệc ly: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy” với vai trò đại diện và nhân danh Đức Kitô “In Persona Christi” trên bàn thờ.

Vì tình yêu, Đức Kitô dám bẻ đời mình và trao ban cho con người làm lương thực trường tồn. Mình và Máu Đức Kitô giờ đây ở giữa chúng ta như bảo chứng tình yêu vĩnh cửu dành cho những ai muốn nên giống như Người. Chức linh mục phát xuất từ bí tích Thánh Thể nên có thể nói linh mục là người quản lý nguồn Lương Thực để nuôi dưỡng đời sống tâm linh của đàn chiên. Linh mục nhận nơi Đức Kitô các ơn ích của sự cứu rỗi từ các bí tích như thế nào thì cũng ban phát cách xứng đáng cho những ai mà linh mục phải phục vụ.

Trong đời sống linh mục, cử hành bí tích Thánh Thể là chiều kích thể hiện sứ mệnh trọn vẹn nhất của mình. Ý thức trong sứ vụ này, linh mục một đàng mở rộng tấm lòng cho mọi chiều kích của thế giới; đàng khác, linh mục cũng hết mình để thông truyền kho tàng đó cho đoàn chiên của mình. Người quản lý khôn khéo không phải bo bo ky cóp hay chôn cất những của cải mình được giữ, nhưng phải làm sao cho nguồn Lương Thực ấy sinh hoa kết quả. Muốn thế, linh mục phải ban phát cho cộng đoàn mỗi ngày nguồn Lương Thực tâm linh ấy. Nếu của ăn nuôi dưỡng thân xác quan trọng thế nào thì cùng một trật, của ăn nuôi dưỡng thiêng liêng cũng cần thiết như vậy. Yêu mến nguồn Lương Thực mình quản lý không chỉ là trao ban cho người khác, mà linh mục còn phải bồi dưỡng cho chính mình. Thế nên, khi cử hành Thánh Thể, linh mục hiến dâng đời mình cho Đức Kitô, chấp nhận mọi hy sinh làm của lễ dâng lên Chúa Cha một cách trung thực và sống động.

Vì được khai sinh từ chiếc nôi Thánh Thể nên linh mục cần liên kết đời mình với nhiệm tích này mỗi khi cử hành. Càng lĩnh hội và hiệp thông với bí tích Thánh Thể bao nhiêu, linh mục càng nhận ra chân lý: “Phép Thánh Thể là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của toàn thể công việc rao giảng Phúc Âm.”[14]

III. Thầy dạy của dân Chúa


1. Giáo dục đức tin


Trong tư cách là người giáo dục đức tin, linh mục có bổn phận gieo mầm đức tin cho mọi tín hữu. Trong điều kiện có thể, linh mục đích thân hoặc nhờ người khác giảng dạy giáo lý. Thế nhưng, tuỳ theo đặc sủng của từng người mà Thiên Chúa đã tuyển chọn, linh mục vun trồng ơn gọi riêng của họ phù hợp với tinh thần Phúc Âm. Những sinh hoạt trong giáo xứ dù có phát triển nhưng yếu tố con người không được giáo dục và trưởng thành thì giống như thùng rỗng kêu to. Nhân cách Kitô hữu hệ tại đời sống thiêng liêng và sự trưởng thành Kitô giáo. Với đời sống thiêng liêng, linh mục giúp giáo dân nhận ra giá trị của việc nuôi dưỡng linh hồn bằng bí tích Thánh Thể. Qua đó, người tín hữu dễ dàng thể hiện đời sống đức tin của mình bằng đức ái. Với sự trưởng thành Kitô giáo, linh mục nên giúp con chiên của mình “sáng suốt nhận ra trong các biến cố lớn nhỏ, đâu là việc phải làm, đâu là ý Chúa muốn.”[15]

Ngoài ra, mỗi người đều được Thiên Chúa ban cho một ân sủng khác nhau tuỳ theo phận vụ của mình. Sự khác nhau ấy đòi hỏi mỗi người, một mặt không chỉ sống cho riêng mình; mặt khác phải tuỳ theo ơn đã lãnh nhận để phục vụ anh em và cộng đoàn. Có như thế, mỗi người mới chu toàn trách nhiệm của mình theo tinh thần Kitô giáo và lương tâm của người tín hữu đích thực. Muốn vậy, tiên vàn linh mục phải giáo dục đức tin cho con chiên trong cộng đoàn của mình. Tiếc thay nền giáo dục của xã hội hôm nay đang từng ngày bị băng hoại, nhưng liệu nền giáo dục Kitô giáo có đủ tinh thần và khả năng phục vụ không khi trong Giáo hội vẫn còn nhiều linh mục coi thường việc giáo dục Kitô giáo cho mọi tầng lớp giáo dân.

2. Chăm sóc tín hữu


Chức tư tế thừa tác là hồng ân cao quý bởi được tham dự chuyên biệt vào chức tư tế của Đức Kitô. Hiển nhiên linh mục trở thành nhịp cầu trung chuyển giữa Thiên Chúa và con người. Với Thiên Chúa, linh mục được trao phó sứ mệnh chăm sóc đoàn chiên của Giáo hội. Với con người, linh mục khao khát mỗi ngày hầu kiếm tìm chiên lạc như Chúa Kitô đã từng làm. Tựu trung, chức tư tế thừa tác của linh mục không ngoài việc chăn dắt Giáo hội với tấm lòng hăng say, vô vị lợi để trở thành người mục tử mẫu mực của Thiên Chúa, cho dù “con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34, 16).

Theo truyền thống Kitô giáo, mục tử nhân lành là “người mục tử vác trên vai con chiên lạc; người mục tử dẫn đàn vật của mình đi trên đồng cỏ xanh; người mục tử với cây gậy của mình, tập họp đoàn chiên và bảo vệ chúng trước mọi nguy hiểm.”[16] Do đó, người mục tử, trước tiên phải quan tâm đặc biệt đến người nghèo khổ và yếu đuối. Họ là con chiên đáng được quan tâm đặc biệt. Chính sắc lệnh Presbyterorum Ordinis đã khuyên bảo các vị mục tử: “Tuy mắc nợ với hết mọi người, nhưng cách riêng các linh mục phải đặc biệt săn sóc những người nghèo khổ và yếu đuối: vì chính Chúa đã tỏ ra là bạn hữu với họ và coi việc rao giảng Phúc Âm cho họ là dấu hiệu cho công cuộc cứu thế.”[17] Thứ đến, người mục tử nên tận tâm theo dõi các thanh thiếu niên trong giáo xứ. Những con chiên này là tương lai của Giáo Hội nên cần hun đúc nền tảng đạo lý. Kế đến, những thành phần có gia đình hay những bậc cha mẹ phải được mục tử huấn luyện và nâng đỡ để họ sống gương mẫu trong gia đình. Tiếp theo, mục tử cũng không được quên các tu sĩ mà phải khuyến khích họ đồng hành với mình, giúp ích cho Giáo hội. Sau cùng, việc an ủi bệnh nhân là điều thiết thực. Họ là những con chiên cần được thăm viếng đặc biệt. Vì thế, mục tử phải chăm sóc và nâng đỡ họ nhờ lương thực hằng ngày là Lời Chúa và bí tích Thánh Thể.

Ngày nay, mục tử chăm sóc đoàn chiên của mình không chỉ hệ tại việc quan tâm hay bảo vệ đoàn chiên của mình mà còn phải phát triển đoàn chiên sao cho mạnh khỏe và đông đúc.

3. Huấn luyện cộng đoàn


Vì có bổn phận giáo dục dân Chúa nên linh mục không chỉ thuần tuý hay thu hẹp trong việc giáo dục từng cá nhân mà bao gồm cả việc huấn luyện cộng đoàn. Tinh thần huấn luyện cộng đoàn khởi đi từ việc giáo dục con chiên của mình biết liên kết với Giáo hội hoàn vũ. Việc kết hợp này thể hiện trong lời cầu nguyện, thi hành những huấn lệnh của Giáo hội. Đặc biệt, linh mục cần huấn luyện cộng đoàn biết quan tâm đến những người dự tòng. Họ là những người đang khao khát Chúa nên cộng đoàn phải đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ.

Bên cạnh đó, sức sống của cộng đoàn Kitô hữu được nuôi dưỡng và hệ tại việc cử hành bí tích Thánh Thể. Vì thế, cộng đoàn Kitô hữu luôn tâm niệm và kết hợp giữa việc truyền giáo với việc thực thi bác ái, như kim chỉ nam cho đời sống thiêng liêng của mình. Thực vậy, sắc lệnh Presbyterorum Ordinis nói rõ: “Nhờ bác ái, kinh nguyện, gương lành và những việc sám hối, cộng đoàn Giáo hội thực thi tình mẫu tử chân thành đối với những linh hồn phải được đưa về với Chúa Kitô.”[18] Hơn nữa, linh mục còn phải khích lệ và cổ vũ những công việc đạo đức hàng ngày trong giáo xứ. Qua đó, tín hữu sớm có thói quen tốt để dạy dỗ con cái của mình. Truyền thống Việt Nam thường có thói quen tưởng nhớ ông bà và những người quá cố nên linh mục cần giáo dục con chiên của mình tỏ lòng hiếu thảo bằng cách siêng năng cầu nguyện cho những linh hồn đã được về với Chúa.

Vậy, linh mục phải huấn luyện cộng đoàn như những người cha trong Chúa Kitô vì họ là thành phần dân Chúa và gia nhập gia đình Hội thánh qua phép Rửa. Qua cộng đoàn, người lương dân có thể nhận ra danh hiệu người giáo dân vốn thuộc về Dân Thiên Chúa, trong đó linh mục được coi như vị chủ chăn tốt lành.

Kết luận


Linh mục là một ơn gọi đặc biệt mà Thiên Chúa dành cho một số người được yêu thương và tuyển chọn. Ơn gọi này cần được nuôi dưỡng và vun trồng để thực thi chức vụ đại diện Chúa Kitô của mình. Chức vụ ấy thể hiện qua việc loan báo Lời Chúa, cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Thầy dạy muôn dân. Thừa tác vụ cao quý ấy cho thấy linh mục cần ý thức công việc mục vụ của mình trong tư thế người phục vụ như Chúa Kitô đã phục vụ. Người ta thường coi hành động “rửa chân” là một trong những hình ảnh cao đẹp khi diễn tả về người linh mục. Đức Kitô đã nêu gương khiêm nhường trong phục vụ “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27) để linh mục cũng kế thừa phục vụ trong yêu thương. Tuy nhiên, xét vì chức linh mục theo phẩm trật, linh mục vừa có đặc tính phục vụ, vừa có đặc tính quản trị nên khó có thể hoà hợp với bản tính con người. Khi phục vụ, linh mục tận tình như người tôi tớ. Khi quản trị, linh mục được trọng vọng, kính nể như một ông chủ.[19]

Ở Việt Nam, linh mục có vị thế trước mặt giáo dân, được giáo dân tôn trọng và kính phục trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội. Trên phương diện tích cực thì đây là ước mơ và động lực thúc đẩy nhiều bạn trẻ dấn thân theo con đường tu trì. Ngược lại, trên phương diện tiêu cực thì đôi lúc động lực này có khuynh hướng làm sai lạc lý tưởng cao đẹp của chức linh mục. Hiện nay, có những linh mục đã xem công việc chủ chăn của mình như một nghề được bảo đảm về kinh tế, hoặc linh mục là một công chức, nắm giữ một địa vị, quyền cao chức trọng trong Giáo hội và cả xã hội nên thường xao lãng bổn phận mục vụ.[20] Đây là mối quan ngại của Giáo hội trong việc đào tạo chức linh mục. Thiết tưởng các ứng sinh linh mục tương lai cần thấu hiểu những điều cốt yếu về bản tính của bí tích Truyền Chức Thánh cũng như động lực sâu xa thúc đẩy mình sống ơn gọi linh mục. Đáp ứng nhu cầu này, các ứng sinh linh mục cũng như linh mục hiện nay cần chu toàn chức vụ của mình theo tinh thần của sắc lệnh Presbyterorum Ordinis và sống trung thành trong lời khuyên của thánh Phaolô: “Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh” (1Tm 4,14).

[1] Xc. Đỗ Xuân Quế, Bí tích truyền chức thánh, 2005, tr. 2.
[2] Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 4.
[3] Hiến chế Lumen Gentium, số 28.
[4] Xc. ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Évangelii NuntiADNi, số 41.
[5] Xc. Vũ Duy Thống, Chân dung linh mục, 2002, tr. 62.
[6] Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 5.
[7] Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 4.
[8] Đỗ Xuân Quế, Sđd., tr. 32.
[9] Đỗ Xuân Quế, Sđd., tr. 50.
[10] Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 5.
[11] Xc. Đỗ Xuân Quế, Sđd., tr. 34.
[12] Xc. Công đồng Trentô, khoản XXII, Triệt 2, DS 1752. Trích lại trong Thư gửi linh mục ngày thứ năm tuần Thánh năm 2004 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, số 2.
[13] Gioan Phaolô II, Ân sủng và mầu nhiệm, New York, 1996, tr. 77-78. Trích lại trong Thư gửi linh mục ngày thứ năm tuần Thánh năm 2004 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, số 2.
[14] Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 5.
[15] Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 6.
[16] Gioan Phaolô II, Hãy đứng dậy! Chúng ta đi!, Đức tin và Văn hoá, 2004, tr. 58.
[17] Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 6.
[18] Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis.
[19] Xc. Đỗ Xuân Quế, Sđd., tr. 3.
[20] Xc. Đỗ Xuân Quế, Sđd., tr. 55.