Thời sự Thần học - Số 2, Tháng 2/2009, tr. 38-44.
_Quốc Văn, O.P._
The author is a Roman Catholic theologian, specializing with systematic theology. |
Từ nhãn giới vô thần…
Theo dòng lịch sử, có rất nhiều giả thuyết nhằm chứng minh nguồn gốc của sự sống nói chung và cụ thể là nguồn gốc của loài người. Một trong những giả thuyết nổi lên vào đầu thế kỷ XIX, có sức chi phối mạnh mẽ, và đặc biệt có sức ảnh hưởng rất lớn đến những ai mang nhân sinh quan của chủ thuyết vô thần, đó chính là thuyết tiến hóa của nhà tự nhiên học người Anh, Charles Robert Darwin (1809-1882).
Vào thời của Darwin, có chủ thuyết cho rằng các sinh vật trên trái đất đã được tạo ra theo thứ tự kế tiếp nhau, và rồi mỗi loài đã bị một tai ương nào đó huỷ diệt. Cơn đại hồng thuỷ, thảm họa cuối cùng trên trái đất, đã quét đi tất cả sự sống, trừ những sinh vật được đưa lên con thuyền của ông Nôê. Không tán đồng quan điểm này, sau nhiều quan sát, Darwin cho rằng tất cả các loài sinh vật có liên quan đều xuất phát từ một tổ tiên chung. Ông nhận thấy có một số hoá thạch rất giống với những sinh vật đang còn hiện hữu trên cùng địa điểm. Ngoài ra ông cũng để ý thấy rằng có những loài riêng biệt như rùa, chim họ sẻ…, không hoàn toàn giống nhau. Từ đó, Darwin cho rằng do nguồn thức ăn trên thế giới cạn kiệt nên tất cả các loài ngay từ khi còn nhỏ đã phải cạnh tranh gay gắt để sinh tồn. Những loài nào sống sót sẽ tiếp tục sinh con đẻ cái và có xu hướng biến hoá ít nhiều về diện mạo cơ thể trong quá trình chọn lọc tự nhiên, và sau đó những biến thể này sẽ được truyền cho thế hệ con cháu. Mỗi loài sẽ phát triển theo hướng thích nghi với môi trường sống cụ thể, và quá trình này diễn ra dần dần, liên tục, là nguồn gốc tiến hoá của sinh vật.
Thực ra, đã có nhiều tư tưởng về sự Tiến Hóa trước thời của Darwin. Tới năm 1859 Darwin mới trình bày học thuyết Tiến Hóa trong cuốn “Về Nguồn Gốc Các Chủng Loại Do Chọn Lọc Tự Nhiên” (On the Origin of Species By Means of Natural Selection). Và sau đó năm 1871, ông xuất bản cuốn “Nguồn Gốc Con Người” (The Descent of Man). Theo học thuyết Tiến Hóa của Darwin, nguồn gốc con người xuất phát từ một loài vượn. Tuy nhiên, nếu đi đến tận cùng kỳ lý, Darwin vẫn chưa làm thỏa mãn được vấn nạn loài vượn từ đâu mà có. Nói cách khác, vấn nạn về nguồn gốc vũ trụ vẫn còn là một ẩn số.
Sau những nghiên cứu của Darwin, năm 1925, Georges Lemaître, nhà vật lý người Bỉ (1894-1966) đã phát hiện ra rằng vũ trụ không phải là tĩnh, mà là động. Vũ trụ đang giãn nở từng giây phút. Khẳng định này của ông dựa trên thuyết Tương Đối tổng quát của Albert Einstein. Nhà thiên văn Edwin Hubble đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu hiện tượng này. Năm 1929, ông công bố định luật mô tả sự biến mất của những thiên hà mà ông quan sát qua kính viễn vọng. Định luật Hubble là định luật đầu tiên khẳng định trực tiếp sự giãn nở của vũ trụ mà Lemaitre đã nói từ trước. Trên cơ sở này ông đưa ra giả thuyết rằng vũ trụ có lẽ được tạo ra từ rất lâu, do vụ nổ của một nguyên tử đầu tiên rất cô đặc.
Ý tưởng về một “vụ nổ” tuy mới lạ nhưng không phải là được nhiều người mau mắn đón nhận. Nhà vật lý Fred Hoyle đã sáng tác ra thuật ngữ “Big-bang” để giễu cợt ý tưởng về “vụ nổ tiên khởi” này. Nghịch lý thay, nửa thế kỷ sau, tuy Hoyle cũng chưa đồng tình lắm về ý tưởng của mình, nhưng thuật ngữ “Big-bang” do ông đề xuất đã phổ biến.
Nhiều người vô thần đương thời đã “tuyên xưng đức tin” vào học thuyết tiến hóa của Darwin và giả thuyết Big-bang một cách mạnh mẽ. Robert G. Ingersoll (1833-1899), một tác giả XIX được gọi là thế kỷ của Darwin. Ông ví von rằng, một bên viết tên của Charles Darwin, và bên kia viết tên của mọi nhà thần học từ trước tới nay, và từ tên của Darwin đã tỏa ra nhiều ánh sáng hơn là ánh sáng của tất cả các nhà thần học gộp chung lại. Theo ông, thuyết tiến hóa đã cắt bỏ cái vết tích cuối cùng của Kitô giáo ra khỏi những người có đầu óc. Ông còn cho rằng Thánh Kinh được viết ra do sự ngu si – với sự dọa dẫm để làm cho sợ hãi.
Kinh thánh dạy rằng con người đã được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, vì thế con người được tạo dựng một cách hoàn hảo. Robert G. Ingersoll cho rằng Darwin đã chứng minh được sự sai lầm của tín lý này. Darwin chứng minh rằng con người, trải qua nhiều thời đại, đã không ngừng tiến bộ. Cái vườn Eden theo như Kinh thánh chỉ là huyền thoại của kẻ ngu đần. Giáo lý về tội tổ tông chẳng có nền tảng nào dựa trên sự kiện. Chuộc tội là một sự vô nghĩa. Chẳng có chuyện con rắn quyến rũ con người ham muốn, và con người cũng chẳng hề “sa ngã” bao giờ.
Robert G. Ingersoll cho rằng Charles Darwin đã phá sập Kitô giáo! Đối với ông, Kitô giáo chẳng còn gì khác ngoài một đức tin đặt vào cái không thể xảy ra và đã không hề xảy ra. Ông khẳng định rằng Kitô Giáo và khoa học là kẻ thù của nhau: Một bên là mê tín, một bên là sự kiện. Một bên đặt nền tảng trên sự sai lầm, một bên đặt nền trên sự chân thật. Một bên là kết quả của sự sợ hãi và đức tin, bên kia là sự tìm tòi và hiểu biết của lý trí.[1]
Thoáng qua những ý tưởng trên ta thấy nổi cộm nơi đây một thái độ “hộ giáo” cho những học thuyết vô thần và dĩ nhiên là rất vụng về do những bất cập về quan điểm phê bình, nhất là quan điểm về mối tương quan giữa đức tin và khoa học. Thực ra, chẳng bao giờ Giáo hội quan niệm Kitô giáo và khoa học là kẻ thù của nhau như luận điệu của Robert G. Ingersoll. Tuy nhiên, khi suy tư một cách nghiêm túc về nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc con người và vấn đề tiến hóa, các nhà thần học Kitô giáo thời nay không thể dửng dưng với những nan đề của thời đại.
… Đến niềm tin Kitô giáo
Đặt vấn đề về thuyết tiến hóa, các thần học gia Kitô giáo không chỉ đơn thuần trả lời cho các học thuyết vô thần về niềm tin và niềm hy vọng của mình. Hơn thế nữa, các thần học gia cũng cần phải tìm hiểu xem các học thuyết nói gì, và đâu là điểm có thể đối thoại để tìm ra chân lý. Vấn đề thuyết tiến hóa cần phải được tìm hiểu với cái nhìn toàn diện không chỉ về nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc con người, nhưng còn phải chấp nhận về thực tại tối hậu của nhân loại, cùng đích của thế giới, ý nghĩa của sự hiện hữu và phẩm giá con người, sự thiện tuyệt đối, sự sa ngã, mầu nhiệm nguyên tội, … và ơn cứu độ của con người.
Thực tế cho thấy, cho tới cuối thế kỷ XX, phần lớn các thần học gia khi bàn về những vấn đề trên vẫn bàng quan với những tư tưởng của Charles Darwin, Albert Einstein, Edwin Hubble và Fred Hoyle như thể những vị này chưa từng xuất hiện trên cõi đời này. May thay, tiền bán thể kỷ XX, người ta thấy nổi bật tư tưởng của Pierre Teilhard de Chardin, một linh mục dòng Tên; đồng thời với tư tưởng của Paul Tillich, một triết gia và thần học gia người Đức theo hệ phái Tin Lành Luther. Có thể coi hai vị này như là những ngôn sứ về vấn đề thuyết Tiến Hóa. Tư tưởng của Teilhard mang tính cách khai mào, còn công của Tillich chính là hệ thống hóa tư tưởng của ông.
Trong giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ xin giới thiệu ở đây vài nét chủ đạo về tư tưởng của Teilhard. Ông đã đi trước các nhà thần học trong việc vận dụng những tư tưởng của thuyết Tiến hóa để nhìn về Thiên Chúa và từ đó tìm hiểu về ý niệm thời gian, không gian. Hơn thế nữa, Teilhard nhấn mạnh, hình ảnh mới mang tính khoa học về vũ trụ không chỉ là chụp lại vũ trụ mênh mông rộng lớn này, mà còn giúp chúng ta hiểu biết về bản chất của vũ trụ nữa. Khoa học mô tả rõ ràng vũ trụ như một câu truyện và ghút thắt vấn đề chính là yếu tố tự nhiên. Teilhard cho rằng cả thế giới này là một cuộc tiến hóa, và dĩ nhiên nó có liên hệ trực tiếp tới câu truyện vũ trụ.
Với cái nhìn của Teilhard, vũ trụ không phải là cái áo may sẵn mặc vào cho vạn vật, nhưng là một sự sáng tạo. Tuy nhiên hạn từ “sáng tạo” ở đây không hiểu như một hành động đã hoàn tất, nhưng như một tiến trình. Vũ trụ ở đây tạm ví như một hạt giống đang đâm chồi nảy lộc. Thế giới vẫn đang được hình thành.[2] Ý tưởng tiến hóa của Teilhard được nhìn theo ý nghĩa sinh học đồng thời được áp dụng cho tiến trình vận hành của vũ trụ. Cả vũ trụ này rõ ràng đang chuyển động theo một hướng tiến triển phức tạp đã được sắp đặt.[3] Ta thấy điều nổi bật ở đây là nhãn giới mang tính tôn giáo về thiên nhiên, về sự hiện hữu của con người trong một vũ trụ đang được hình thành. Teilhard nhấn mạnh rằng vấn đề tiến hóa đòi hỏi tư tưởng của ta phải quay về với Thiên Chúa. Mục đích tối hậu sự vận hành của vũ trụ phải quy hướng về Đấng là “Omega”.
Omega là chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, ta không chỉ hiểu Thiên Chúa như là Đấng siêu việt, nguồn gốc của thế giới, vượt trên thế giới, nhưng còn là Đấng đã nhập thể vào thế giới, và làm cho thế giới này tiến hóa hướng đích. Teilhard hướng chúng ta nhìn về việc tiến hóa của vũ trụ trong chiều kích Kitô học. Cuộc vận hành của vũ trụ là một hành trình tiến về hiệp nhất với đầu trong Đức Giêsu Kitô. Cũng như thánh Phaolô, Teilhard quan niệm việc cứu độ cũng chính là một cuộc sáng tạo mới của vũ trụ trong Đức Kitô.
Theo Teilhard, câu trả lời của niềm tin tôn giáo về vấn đề tiến hóa đã đụng chạm đến chiều kích sâu thẳm, chiều kích hữu thể của vũ trụ, điều mà khoa học chưa hoàn toàn làm thỏa mãn đầu óc con người. Thần học ngày nay hay dùng hạn từ của Aristote: “nguyên nhân đệ nhất”- nguyên lý chuyển động của các vật trong quá khứ, để nói về Thiên Chúa. Điều này chưa đủ, theo Teilhard, đối diện với vấn đề tiến hóa, chúng ta còn phải thấy Thiên Chúa như là Đấng lôi kéo thế giới tiến về phía trước, tiến về tương lai. Thiên Chúa không chỉ là Alpha mà còn là Omega nữa. Tuy nhiên, sau Darwin và sau cái nhìn mới về vũ trụ (Tân vũ trụ học - new cosmology), chúng ta phải nói rằng Thiên Chúa là Alpha ít hơn là Omega.
Vẫn còn đó những vấn nạn về ý nghĩa sự hiện hữu của con người, ý nghĩa của lịch sử nhân loại, công bằng xã hội, việc giải thích Kinh thánh, ơn cứu độ, ngày cánh chung… Từ trước tới nay, ơn cứu độ và ngày cánh chung vẫn được thần học giải thích như quang cảnh của một mùa gặt hái các linh hồn hơn là hành trình tiến về sự viên mãn của thế giới. Hơn thế nữa, với lối suy tư của nền thần học hậu hiện đại, mối nguy của việc ly dị giữa thần học và thế giới ngày càng lớn. Không thể có những suy tư thần học đúng nghĩa nếu tách con người ra khỏi mối tương quan ba chiều: với Chúa, với tha nhân và với vũ trụ. Teilhard nhấn mạnh, trong việc suy tư thần học, Kitô giáo cần phải cởi mở chính mình để tiếp cận với những phạm trù mới.
Còn vấn đề tội nguyên tổ thì sao? Ơn công chính hóa là gì?...Thần học kinh điển vẫn lý giải sự sa ngã của nguyên tổ quy về sự tự do và trách nhiệm cá nhân của con người. Và thánh Phaolô (Xc. 2Cr 5,17; Gl 6,15; Rm 12,2; Cl 3,10; Ep 4,23) cho chúng ta thấy công chính hoá là cải tạo con người, cho họ được tái sinh, nghĩa là trút bỏ con người cũ để sống con người mới. Thánh Cyprianô gọi “ngày rửa tội là sinh nhật thứ hai, làm ta nên người mới”. Khi suy tư thần theo lối nhìn về sự tiến hóa, nguyên tội có thể coi như một “cản trở” trong tiến trình vận hành của vũ trụ. Khi nguyên tổ phạm tội, sự vận hành vũ trụ bị đình trệ, và chỉ trong Đức Kitô - vua vũ trụ, vũ trụ mới được cứu độ, được phục hồi, và đi vào tiến trình của cuộc sáng tạo mới. Việc sáng tạo này diễn ra trong suốt dòng lịch sử của nhân loại và lịch sử của cả vũ trụ.
Kết luận
Nói tóm tại, thần học về thuyết tiến hóa nhìn nhận rằng vũ trụ này chưa hoàn tất. Và việc cứu độ, trên hết chính là việc chữa lành tấn thảm kịch (không phải chỉ là hậu quả do tội của con người) gắn liền với vũ trụ trong suốt cuộc hành trình. Chúng ta vẫn đang canh cánh trong lòng mong đợi trời mới, đất mới. Và muôn vật vẫn đang rên xiết chờ đợi ngày Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang cho con cái Người. Cuộc tiến hóa của vũ trụ đã bắt đầu, đang vận hành và tiến dần đến sự viên mãn, tiến đến việc kết hợp trọn vẹn với đầu là Đức Giêsu Kitô.
Tài liệu tham khảo
- Drummy, Michael. Being and Earth: Paul Tillich’s Theology of Nature. Lanham, Md.: Univ. Press of Amenica, 2000.
- Pannenberg, Wolfhart. Toward a Theology of Nature. Ed. Ted Peters. Louisvills: Westminster John Knox, 1993.
- Teilhard de Chardin, Pierre. The Future of Man. Trans. Norman Denny. New York: Harper Colophon Books, 1964.
- ____. Christianity and Evolution. Trans. Rene Hague. New York: Harcourt Brace, 1969.
- ____. Toward the Future. Trans. Rene Hague. New York: Harcourt Brace Jovanovich 1975.
- ____. The Human Phenomenon. Trans. Sarah Appleton-Weber. Portland, Ore.: Sussex Academic Press, 1999.
- Tillich, Paul. The Shaking of the Foundations. New York: Charles Scribner’s Sons, 1948.