Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

SỐNG VỚI "LỜI"

Thời sự Thần học – Số 42, Tháng 12/2005, tr. 115-126

_Jos. Trần Kiều_


Năm nay Giáo hội muốn cho con cái mình hướng về việc ‘Sống với Lời Chúa – Living with Word’. Trong niềm tin đơn giản và thường nhật của người Kitô hữu, câu Sống với Lời Chúa đã trở thành rất quen thuộc và yên ổn, không mấy khi tạo ra khó khăn và thắc mắc. Nhưng thực ra, vấn đề không dễ dàng, niềm tin của Giáo hội không phải là một niềm tin "yên ổn", không có sóng gió. Quả thật, khi bàn về vấn đề ‘Sống với Lời Chúa', thì nhiều người không phân định được Lời Kinh Thánh và Lời là Đức Kitô (Logos). Vì khi nói rằng Đức Kitô là Lời của Thiên Chúa, đồng thời chúng ta tuyên bố rằng Kinh Thánh cũng là Lời Thiên Chúa. Vậy, thế có phải Đức Kitô và Kinh Thánh là cùng một thực tại hay không, bởi lẽ, vì cũng là Lời Thiên Chúa mà? và như vậy, Lời ở đây như thế nào? nghĩa là gì? Sau đây chúng ta cùng lược lại vài quan điểm của Giáo hội xem coi vấn đề này như thế nào.

Lời của Thiên Chúa : Logos với Kinh Thánh ?


Thần học Giáo hội sơ khai, dùng từ Lời để chỉ về Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa và hiểu Lời ấy chính là Đức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, đã chết và sống lại. Nhưng vấn đề ở đây cần phải giải quyết nguồn gốc chữ “Ngôi Lời” là từ đâu? ý nghĩa là gì? rồi mới có thể nhận biết được Kinh Thánh Lời Thiên Chúa là như thế nào?

Ngôi Lời ?


Ngôn từ đầu tiên : "Logos". Từ Logos thường được dùng trong thế giới văn hóa Hy lạp, và đã được cắt nghĩa theo những cách hiểu khác nhau, chẳng hạn như : theo kiểu của Anaxagoras cho rằng trong vũ trụ có khả niệm tính đó là Logos ; theo kiểu của Aristôt coi Logos là Mô thức, mà là Mô thức thuần túy ; nhưng nhất là theo kiểu của trường phái Stoa quan niệm Logos là linh hồn của vũ trụ[1] ; Hay Philô, triết gia gốc Do thái, ông dung hòa hai thế giới tư tưởng Hi lạp và Do thái, ông cho rằng Logos là Thần Hóa Công, là khí cụ của Thiên Chúa trong việc tạo dựng, và là khuôn mẫu của trí khôn nhân loại[2]. Còn Thánh Gioan gần gũi với văn hóa Hy lạp hơn các tác giả Tin Mừng khác. Ngài có quan tâm hoặc thường nói đến : tri thức, chân lý, nhất là sử dụng từ Logos và các ẩn dụ. Vì lý do là văn chương Hy lạp đã đi vào văn chương Do thái. Hai nền văn hóa tuy giống nhau trên mặt chữ, nhưng lại rất khác nhau về tư tưởng. Chính vì thế, trong Tin Mừng Gioan, chúng ta bắt gặp được những nguồn gốc và ý nghĩa của các từ ngữ thuần túy Do thái, nhưng có liên hệ với tư tưởng Hy lạp ; bởi lẽ, Tin Mừng Gioan đã ra đời trong môi trường Kitô giáo quen thuộc, về mặt văn hóa, với một Do thái giáo nặng về minh triết và pháp luật.

Nhưng, trong đoạn đầu của Tin Mừng Gioan, cho thấy những hình ảnh nền tảng của đoạn này là lấy từ Cựu ước, nghĩa là có sự hòa trộn giữa các tác động của Lời qua việc tạo dựng trong thế giới và cách riêng trong lịch sử cứu độ : "Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại" (Ga 1,3-4) ; hơn nữa, còn cho thấy ý tưởng này gần gũi với những ý nghĩa hàm súc và năng động của từ "dâbâr" Hipri hơn là với ý niệm trí thức trừu tượng của từ Logos Hi lạp[3]. Dâbâr, nó không chỉ có nghĩa là 'lời nói ra', mà còn là 'sự vật, việc, biến cố, hành động' ; mà bởi vì nó có hai nghĩa : lời nói và hành động, cho nên Dâbâr có một sức mạnh và một quyền lực nào đó[4]. Thêm vào đó, khi Thánh Gioan trích dẫn Kinh Thánh Cựu ước, đôi khi lời trích dẫn ấy không lấy từ bản Hipri, cũng chẳng lấy từ bản Hi lạp, song từ bản dịch Kinh Thánh ra tiếng Aram, gọi là Targums. Trong bản Targums này, thì Lời được dùng bằng từ "memra", tức là Lời và có một chức năng riêng. Nghĩa là Lời không đơn thuần được gọi là Lời của Thiên Chúa, nhưng đúng hơn nó là đại diện cho chính Thiên Chúa, điều này rất thích hợp để áp dụng cho Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa giữa loài người. Như vậy, nhiều chức năng của Lời Thiên Chúa trong Cựu ước được đem gán cho Lời của đoạn đầu Tin Mừng Gioan : "Lời của Thiên Chúa nay đã đến, được tiếp nhận, được quyền lực và ban sự sống, ban ánh sáng… " (Ga 1,1-18), và Lời Thiên Chúa trong Cựu ước cũng có chức năng tạo dựng y như Lời trong đoạn đầu của Tin Mừng Gioan, nhưng, tại sao Thánh Gioan lại dùng từ Logos, mà không dùng hai từ kia?

Vâng, dù nền tảng gốc gác của từ ngữ Logos có là thế nào thì khi chọn từ này, Thánh Gioan muốn gợi ý cho độc giả biết rằng : Lời là để nói ra, vì lời là dụng cụ truyền đạt cho nhau. Vậy, nếu Đấng Lời đã có đó thì Đấng Lời muốn nói một điều gì, tức là mạc khải. Trong Cựu ước, Logos có nghĩa là Lời Thiên Chúa nói ra, là điều Thiên Chúa mạc khải qua vũ trụ, qua biến cố và, nói chung, qua Thánh Kinh (Cn 8,23-36). Tất cả những tư tưởng ấy đều gặp trong sách của thánh Gioan. Nhưng, ở đây, thánh nhân còn nhấn mạnh rằng Ngôi Lời là lời nói cuối cùng của Thiên Chúa và còn là sự biểu thị hoàn hảo của Thiên Chúa. Nói cách khác, Ngài là Thiên Chúa (Pl 2,6), là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15), là phản ảnh vẻ huy hoàng và là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (Dt 1,3) ; bởi lẽ, Ngôi Lời đã Nhập thể, nghĩa là Ngôi Lời là sự biểu hiện tuyệt đẳng và cuối cùng của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại (1Ga 1,2)[5]. Thêm vào đó, Thánh Gioan đã dùng từ Logos với ý nghĩa muốn hội nhập văn hóa, và vì thấy nó thích hợp cho các độc giả quen thuộc với văn hóa Hi lạp. Thời ấy, có nhiều quan niệm khác nhau về Logos ; tuy nhiên, theo quan niệm chung, thì Tin Mừng Gioan hiểu từ Logos ấy chính là Đức Kitô, là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa nhập thể ; vì từ Logos diễn tả một cách trọn vẹn và phổ quát, hơn nữa, từ ấy diễn tả một Ngôi vị phổ quát nhất hơn các từ kia, vì thế Thánh Gioan mới dùng từ Logos để diễn tả ý niệm chân lý ấy. Quả thật, nhờ ý niệm Logos Hi lạp về trật tự lớp lang nói trên, Thánh Gioan cho thấy Đấng Lời có chức năng đem ý nghĩa và trật tự vào vũ trụ, Ngài là ý nghĩa của tất cả tạo thành.

Thật vậy, ngay từ thời Giáo hội sơ khai, đức tin đã khẳng quyết cho các kitô hữu biết rõ rằng : Đức Kitô Giêsu, Đấng mà họ đã được biết đến và tin theo, là chính Logos của Thiên Chúa, chính Logos đã đến làm người ở giữa loài người. Tuy nhiên, vào thời ấy, niềm tin này vẫn chưa được mọi người kitô nhất trí chia sẻ : với thời gian, những thái độ chần chừ, lưỡng lự đã dần dần lộ rõ hẳn ra, nhưng dư âm của những thái độ ấy vẫn còn vọng lại cho tới ngày nay. Ở thời đại chúng ta, và ngay ở trong những thế kỷ trước chúng ta, thực tế có nhiều người không dễ dàng tin nhận Đức Kitô là Logos. Chính đó là lý do khiến người ta, qua bao thế thế kỷ, đã tô đậm trên khuôn mặt Người những nét siêu việt, thần linh, tới mức đôi khi không còn ai nhận ra nổi Người là một con người, trái lại, chỉ còn thấy Người là một thần linh uy nghiêm sáng chói, quyền năng, nếu không phải là một nhân vật huyền thoại của trí tưởng tượng. Đấng mà chúng ta tin nhận là Thiên Chúa làm người, chúng ta đã tô đậm những nét phi thường, đã tạo ra nhiều những vòng tròn hào quang rực rỡ, biến dk thành một nhân vật kỳ dị. Nhưng chúng ta quên rằng chính khuôn mặt người của Đức Kitô khi bị giương cao, nghĩa là bị đóng đinh trên cây thập giá mới có khả năng phản ánh trung thực tính siêu việt và hằng hữu của Thiên Chúa (xc. Ga 8,28), chứ không phải con người được thần thánh hóa bằng những nét huyền thoại, hay được tô điểm bằng những nét vinh hoa phù phiếm.

Lời : Thánh Kinh ?


Thánh Kinh như là tuyển tập một số những tác phẩm mà Giáo hội coi là được linh hứng. Theo một nghĩa nào đó, Thánh Kinh như là một tác phẩm của một tác giả : đó là Thiên Chúa. Nhưng, trên bình diện nhân loại, Thánh Kinh không phải là một cuốn sách, mà nó là một thư viện hoặc nói đúng hơn, một nền văn chương của một dân tộc, của dân được tuyển, của dân Thiên Chúa. Bởi lẽ, Thánh Kinh được chia làm hai phần khác nhau rõ rệt : Cựu ước và Tân ước, nghĩa là Giao ước cũ và Giao ước mới. “Giao ước” là phỏng theo tiếng Hy lạp : diatheke, một từ vừa chỉ chúc thư vừa chỉ giao ước. Vậy, theo nội dung, Thánh Kinh là cuốn sách ghi lại đậm nét một trong những điểm nền tảng của mạc khải. Điểm ấy là Giao ước Thiên Chúa đã thiết lập với Dân Người, tức là dân Ítraen, một Giao ước được lặp đi lặp lại nhiều lần. Và Thiên Chúa có ý định cứu chuộc loài người. Nên ý định ấy phải được thực hiện bằng cách sai Con Một Người xuống trần gian là khởi đầu một kỷ nguyên mới. Bấy giờ, Thiên Chúa đã thiết lập một Giao ước mới, được đóng ấn bằng máu Đức Kitô, thiết lập với một Dân mới chính là Giáo hội trực tiếp xuất thân từ Dân cũ.

Ở đây, Kinh Thánh nhấn mạnh chân lý quan trọng và căn bản là Thiên Chúa nói với chúng ta qua ngôn ngữ loài người. Thánh Kinh không phải là lời của Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn là lời được nói ra hoặc viết ra do một số người thuộc một thời đại nào đó. Qua khía cạnh nhân loại này Thiên Chúa muốn nói với chúng ta trong Thánh Kinh, đó là tìm hiểu điều mà tác giả nhân loại thực sự đã nói hoặc đã viết. Thiên Chúa đã dùng họ, thúc đẩy họ, đã nói qua miệng của kẻ Người đã chọn vào mục đích xác định ấy. Chúng ta muốn hiểu được âm thanh tiếng nói của Thiên Chúa thì chỉ có một cách mà thôi là lắng nghe tiếng nói của loài người mà Thiên Chúa đã dùng để nói tiếng nói của mình. Quả vậy, Giáo hội tin Thánh Kinh là “Lời” thành văn của Thiên Chúa đã âm thầm đến giữa con người, lớn lên và phát triển cho con người nhận ra được Thiên Chúa của mình. Các tác giả sách Thánh được Thánh Thần tác động một cách đặc biệt ; với sự chuẩn bị lâu dài, sau cùng, được một công trình như thế, là một yếu tố quan trọng của kế hoạch cứu độ do Thiên Chúa nghĩ ra để mưu ích cho loài người, và làm một kết quả của lòng Thiên Chúa ân cần đối với dân Người.

Đối với người Do thái và các dân tộc lân bang, lời nói không chỉ diễn tả một tư tưởng, nhưng nó còn mang bản sắc của người nói. Lời nói vẫn còn hành động sau khi lời được nói ra khỏi miệng, cho nên Lời chúc lành của Isaac dành cho Giacop không thể rút lại được (St 27,35-37). Chính vì thế, những gì nói trên về bản chất của Kinh Thánh cũng đều xác thực đối với phần nội dung. Thực vậy, Kinh Thánh trước tiên là bản trình thuật về lịch sử của Thiên Chúa ở nơi một dân tộc, ở trong một nhân tính. Điều được kể lại ở trong đó cho chúng ta biết chính là việc Thiên Chúa đương đầu với những tối tăm của con người, chính là sự việc Thiên Chúa ở cùng chúng ta, cùng dấn thân với chúng ta trên những nẻo đường chúng ta chọn, ngõ hầu chúng ta khỏi phải cô đơn lẻ loi.

Vậy, Lời Chúa là một sự kiện. Đứng trước sự kiện đó con người không thể thụ động : phát ngôn viên thực thi một phận vụ với những trách nhiệm rất nặng nề ; kẻ nghe Lời Chúa cảm thấy bị bắt buộc phải có lập trường và điều đó quyết định số phận của họ. Vì thế, Lời Chúa không phải là một yếu tố giữa những yếu tố khác trong nhiệm cục Cứu độ. Lời Chúa chi phối tất cả và đem đến cho lịch sử một ý nghĩa với tư cách là Lời sáng tạo lịch sử, khơi dậy nơi con người đời sống đức tin với tư cách là Lời được ngỏ với con người như sứ điệp. Do đó, không nên ngạc nhiên khi thấy tầm quan trọng đó đôi khi được thể hiện trong việc nhân cách hóa Lời Chúa, song song với với những việc nhân cách hóa sự Khôn Ngoan và Thần Thiên Chúa. Đó là trường hợp xảy ra đến cho Lời mạc khải : "Muôn lạy Chúa, lời Ngài bền vững đến ngàn đời, trên cõi trời cao" (Tv 119,89) ; và nhất là cho Lời tác động, thi hành những huấn lệnh Thiên Chúa : "Người tống đạt lệnh truyền xuống đất, lời phán ra, hoả tốc chạy đi" (Tv 147,15), hay là "lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó" (Is 55,11). Qua các bản văn này, hành động của Ngôi Lời ở trần gian đã được tỏ lộ ra ngay cả trước khi Tân ước mạc khải hành động đó cho con người cách sung mãn.

Vậy, chúng ta nên hiểu “Lời” Thiên Chúa như thế nào?


Chúa rất có lý khi Ngài nói : nếu anh em không trở nên như những em nhỏ, anh em không thể vào Nước Trời (xc. Mt 18,3), nghĩa là nếu anh em để lý trí nhân loại hướng dẫn, nếu anh em tìm hiểu lý lẽ, thế gian, ý riêng, dục vọng, anh em sẽ không bao giờ nghe và đem ra thực hành hay sống Lời Chúa nói được ; và ngược lại, cũng đừng dùng lý lẽ tầm thường của mình để hạ thấp giáo lý của Ngài, lý lẽ giết chết Lời Tin Mừng và làm cho tâm hồn chúng ta giảm bớt lòng nhiệt thành theo chân Chúa và bắt chước Chúa trong vẻ đẹp Tin Mừng của Ngài : "Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!" (Ga 13,17). Vậy, chúng ta nên hiểu và sống Lời Chúa như thế nào?

Vâng, Đức Kitô và Kinh Thánh cùng là Lời Chúa đấy, nhưng không cùng một thực tại. Bởi lẽ, Lời của Thiên Chúa thì không thể nghe bằng tai được. Đó là một Lời không từ ngữ : "chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh..." ; nhưng lại có sức chống đỡ mọi vật và đi cùng khắp mọi chân trời góc biển (Tv 19,2-7). Lời duy nhất và không từ ngữ ấy sẽ lồng vào trong muôn vàn từ ngữ của bộ Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước[6]. Các từ ngữ đó là những từ ngữ loài người, có khả năng truyền thông, nhưng đồng thời cũng là những từ ngữ của người Itraen, thuộc một hay nhiều ngôn ngữ nhất định và diễn tả một nền văn hóa riêng biệt. Thật vậy, ta thấy rõ tính chất rất con người của Lời Chúa trong Kinh Thánh, bởi lẽ có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà chúng ta đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ Lời Chúa truyền lại cho chúng ta (xc. Lc 1,1-2). Vì thế chúng ta cần hiểu rằng các tác giả Thánh Kinh trong một tình cảnh mới, đã trình bày lại hành động và lời nói của Thiên Chúa. Họ đã phải nhấn mạnh trên điểm này, đề cao điểm nọ, bỏ điều này, giảm tầm quan trọng của điều kia, nhất là khi những điều đó khó hiểu đối với thời đại của họ. Nơi họ loan truyền không phải là một môi trường trống rỗng, họ không soạn bài trong một tháp ngà, trái lại họ quan tâm đến những khó khăn cụ thể của cộng đoàn mà họ có nhiệm phải rao giảng. Nhưng không phải vì thế mà ta 'bóp méo và xuyên tạc' Lời Chúa, "thật thế, chúng tôi không phải như nhiều người, những kẻ xuyên tạc Lời Chúa, mà với tư cách là những người trung thực, được Thiên Chúa sai đi, chúng tôi lên tiếng trước mặt Người, trong Đức Kitô" (2Cr 2,17). Vâng, hãy để Lời Chúa chất vấn chúng ta. Thế giới và con người thời đại đã quá ngán ngẩm các từ rỗng tuếch, các biểu ngữ không có hồn, các từ ngữ chết. Thật vậy, Chúa Giêsu chẳng bao giờ nói những lời với những giáo huấn đức tin có hệ thống, cũng không diễn tả bằng một ngôn ngữ chuyên môn, mà Người rao giảng bằng ngụ ngôn, Người lượm lặt những hình ảnh sống động trong cuộc sống thường ngày và nói một ngôn ngữ chứa chan thi vị. Vì thế, với não trạng ngày nay, có lẽ cái rất người của Lời Chúa đáng làm cho chúng ta tin vào Lời Chúa hơn, bởi lẽ Lời Chúa rất gần gũi với thân phận con người của chúng ta hơn bao giờ hết.

Hơn thế nữa, để sống với Lời Chúa và coi mọi Lời Chúa nói đều là "những lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6,68), nếu hiểu được như vậy thì con người không bao giờ dám dùng Lời Chúa để phục vụ cho lợi ích cá nhân hay phục vụ cho bất cứ một dự án đen tối nào. Bởi lẽ, Lời Chúa sống động và hữu hiệu phát ra từ miệng lưỡi chúng ta để xây dựng đời sống các kitô hữu theo mối tương quan mật thiết giữa con người và Lời Chúa. Lời Chúa được ví như hạt giống gieo trên các mảnh đất khác nhau và chỉ sinh ra "gấp ba, gấp sáu, gấp một răm" trong mảnh đất tốt mà thôi (xc. Mc 4,3-20). Vâng, lòng con người là những mảnh đất Lời Chúa được gieo vào. Lời Chúa trổ sinh trong đời người tín hữu nhiều hay ít tùy thuộc vào việc họ đón nhận Lời Chúa như thế nào.

Vì thế, Lời Chúa không phải là một cuốn sách chết, hay một vật gì, nhưng là Lời sống động, là một nhân vật, là Ngôi Lời, là Đấng đã thí mạng sống vì ta, ngày thứ ba đã sống lại từ trong kẻ chết và đang sống không còn bao giờ chết nữa. Vâng, Lời Chúa là Tin Mừng, là chính con người Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng nằm gọn trong câu này : "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ" (Ga 3,16-17). Như vậy, chính bản thân Ngôi Lời là sứ điệp của tình yêu lớn lao của Thiên Chúa đối với chúng ta : mặc dù chúng ta là những tội nhân, nhưng ai tin vào Ngài, thì được sự sống đời đời. Tin Mừng là thế đó, Tin Mừng ấy thật là niềm hy vọng cho ta dù ở địa vị nào hay hoàn cảnh nào : “Các ông truy tầm Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời ; ấy mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi” (Ga 5,39). Do đó, Lời Chúa là một quyền năng cứu rỗi : "Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giêrusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin" (Cv 6,7). Như thế, trong Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và qua Đức Kitô, Lời sáng tạo hành động, Lời thực hiện sự cứu rỗi ở trần gian, khi và chỉ khi con người đón nhận Lời Thiên Chúa trong sự tùng phục của đức tin[7].

Vâng, nếu nhìn dưới con mắt của người không có niềm tin, thì người ta dễ có khuynh hướng coi bộ Thánh Kinh như bộ sách giáo khoa, và khi như thế sẽ dẫn đến tình trạng là đoạn nào trong bộ sách ấy không vừa ý hay không còn hợp lý nữa thì sẽ được mang ra phê phán hay gạt bỏ. Nhưng điều phải tìm trong Thánh Kinh không phải là điều đó, mà là hình ảnh của một Lời Thiên Chúa sống động, đi vào lịch sử và nói với con tim chúng ta. Bởi lẽ, trong Cựu ước mô tả Thiên Chúa như vị Mục tử của dân Người : “Chính Ta sẽ chăn dắt đàn chiên của Ta” (Ed 34,15) ; đến Tân ước, Đức Giêsu cũng nói như vậy : “Chính tôi là mục tử nhân lành” (Ga 10,11-14). Và cũng như thế, Cựu ước nói Thiên Chúa là vị Hôn phu của Ítraen : “Đấng kết duyên với ngươi, chính là Đấng tác thành ngươi : Tôn danh Người là “Chúa Tể càn khôn” (Is 54,5) ; còn Tân ước, Giáo Hội lại là Hôn thê của Đức Kitô : "Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên" (Kh 21,9). Chính vì thế, sống Lời Chúa là khi ta liên kết với Lời nội tại là tư tưởng của Thiên Chúa, có ở nơi Thiên Chúa từ thuở đời đời, chính là Thiên Chúa, đã mặc lấy hình thể bề ngoài để tỏ mình ra cho loài người[8]. Hơn nữa, Thiên Chúa đã nói với nhân loại qua Người Con Một của mình (Dt 1,1-2) ; Người Con Một đó chính là Ngôi Lời đã mặc lấy một hình thể để tỏ mình ra cho nhân loại, chính là Tư Tưởng, là sự Khôn Ngoan, là Lời Thiên Chúa.

Quả thật, các thánh Giáo phụ đã xem Kinh Thánh như một thứ Bí Tích, vì đã nối kết Kinh Thánh với bí tích Thánh thể[9]. Các thánh Giáo phụ đã xem Kinh Thánh như việc nhập thể của Ngôi Lời dưới tác động của Chúa Thánh Thần, vì thế, tư tưởng độc đáo của Lời Thiên Chúa tức là Ngôi Lời đã trở thành tư tưởng của loài người. Thánh Augustin nói, ta hãy nghe Tin Mừng như Đức Kitô đang ở giữa chúng ta, bởi lẽ, Đức Kitô nói với chúng ta lúc này, không phải như một người bạn ở xa liên lạc bằng thư từ, nhưng Người đâu có ở xa chúng ta (x. Cv 17,27), mà Người ở ngay trong lòng ta (x. Ep 3,17) ; hay thánh Ignatiô thành Antiôkia nói, tôi đến ẩn mình ở trong Tin Mừng như trong thân thể Đức Kitô vậy. Chính vì thế, ta có thể nói, Lời Chúa là chính Lời Đức Kitô đang nói, là một bí tích Lời trực tiếp của Ngài, thân thể Ngài cũng chính là Tin Mừng của Ngài, Bánh của Ngài và Thịt của Ngài cũng chính là Lời Kinh Thánh và Giáo Lý bởi Trời[10]. Vậy, Lời Chúa không chỉ là một sứ điệp ban phát ra, mà còn là chính là sứ điệp luôn sẵn sàng để chúng ta đi vào. Sứ điệp đó chính là thân thể Đức Kitô, mà qua đó, người tín hữu gặp được Thiên Chúa để thờ lạy và cầu xin ; đó chính là thân thể tử nạn và vinh hiển của Đức Kitô mà Thánh Kinh đã mệnh danh là con đường mới mẻ và sống động dẫn con người đến cùng Thiên Chúa (x. Dt 10,20).

Nhưng, trong Tân ước không có chỗ nào nói Lời Chúa được nói với Đức Giêsu như thời Cựu ước Lời Chúa nói với các ngôn sứ. Tuy nhiên, không có chỗ nào nói như vậy, nhưng trong Tin Mừng, Lời Đức Giêsu được trình bày hoàn toàn giống như Lời Thiên Chúa trong Cựu ước qua quyền năng hành động và ánh sáng mạc khải[11]. Bởi lẽ, đời sống của Đức Giêsu Kitô chứa chất đầy dãy sự khôn ngoan và ánh sáng. Chỉ cần đọc một đoạn Kinh Thánh ngắn chúng ta cũng đã tìm thấy ở đó một qui luật sống, sự hoàn thiện và những lời giáo huấn vững chắc phản ảnh trung thực tinh thần của Chúa, vì trong Kinh Thánh chính Chúa mạc khải mình cho chúng ta[12]. Nói cách khác, vì Lời Chúa là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài trong phụng vụ. Nhưng cuộc đối thoại nào cũng cần phải lắng nghe. Đối thoại mà không có lắng nghe sẽ trở thành độc thoại. Vâng, lắng nghe là đòi hỏi của đối thoại. Chúng ta gặp thấy đòi hỏi này qua thái độ của Samuel : "Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe" (1Sm 9,10), cũng như thái độ của cô Maria ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe Lời Ngài (xc. Lc 10,39) ; hay Lời Giavê dạy Itrael : "Nghe đây hỡi Itrael…"(Đnl 6,3), lời mà chính Chúa Giêsu đã nhắc lại cho các luật sĩ (xc. Mc 12,29) ; lời mà người Do thái buộc vào tay và đeo trên trán để nhớ (Đnl 6,4) cũng nhắc đến thái độ căn bản này của việc đối thoại. Như vậy, lắng nghe là thái độ cốt yếu của con người trong việc 'Sống với Lời Chúa', và đó cũng là con đường cốt yếu đưa đến niềm tin : "Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô" (Rm 10,17) và cũng là thái độ chủ yếu của Phụng vụ Kitô giáo[13].

Sống với Lời Chúa, giống như hình ảnh cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa và con người đối thoại với nhau. Thiên Chúa đến ngỏ lời với con người, con người lắng nghe và đón nhận Lời vào tận tâm khảm mình qua sự hiện diện của Đức Kitô. Vì Lời Chúa là Lời Kinh Thánh được viết ra vào một thời gian nào đó của lịch sử, nhưng vẫn là Lời Hằng Sống cho mọi thời đại, đây là lời của Thần Khí, "Đấng dẫn anh em tới chân lý vẹn toàn" (Ga 16,14). Vâng, để hiểu và sống Lời Chúa, thì không phải căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí, vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống (x. 2Cr 3,6). Chữ viết, tức là các thực tại Thánh Kinh theo nghĩa đen và hết mọi thực tại trần thế khác ; còn Thần Khí là thực tại sung mãn, thực tại thiêng liêng, là Thần Linh của Thiên Chúa, Đấng bao trùm tất cả và ban sự sống cho tất cả. Nói cho cùng, làm sao để Lời Chúa trở thành nguyên lý duy nhất và thống nhất tất cả đời sống mình ; làm sao Lời Chúa đích thực là Thần Lương nuôi dưỡng tất cả nhiệm thể Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã bày tỏ niềm mong ước thâm sâu nhất của mình : "để họ nên một như chúng ta" (Ga 17,11).

Tạm kết


Một khi đã biết đặc điểm của Kinh Thánh, một sự tổng hợp giữa tính Thiên Chúa và tính chất loài người, thì người ta không còn lấy làm lạ khi phải Sống Lời Chúa nữa. Trong Kinh Thánh, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa đã lên tiếng trong ngôn ngữ con người. Khi chúng ta nghe Lời Thiên Chúa trích từ Kinh Thánh và mường tượng Đức Giêsu ở giữa chúng ta, thì chúng ta cũng ở cùng một thể như các tông đồ xưa kia đã nhìn thấy con người của Đức Giêsu. Lúc đó ta phải quyết định : quay lưng bỏ đi hay nói với Người : "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6,68). Thật vậy, chúng ta phải quyết định trước những lời của Tin Mừng. Với mắt người phàm, chúng ta chỉ nhìn thấy một bộ sách như những cuốn sách khác. Chỉ trong thái độ tin ta mới hiểu được rằng trong sách đó Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, Lời đem lại sự sống vĩnh cửu đã đến với chúng ta.

Hơn thế nữa, cuộc hành trình đưa Ngôi Lời của Thiên Chúa vào Thánh Kinh không chấm dứt trong những trang giấy viết. Bởi lẽ, nơi mà Tin Mừng của Thiên Chúa nói với chúng ta một cách chính thức, nơi mà Lời Chúa được long trọng rao giảng, chính là Phụng vụ : Trong phụng vụ, Thiên Chúa nói với dân Người ; tại đây Đức Kitô vẫn còn hoạt động, vẫn còn loan báo Tin Mừng[14], và Đức Kitô hiện diện trong lời của Người, khi Dân Chúa đọc Kinh Thánh[15]. Vì thế, sống Lời Chúa là sống Lời Nhập thể trong cuộc đời chúng ta và biến đổi cuộc đời chúng ta. Nghĩa là sống không chỉ là hành vi của môi miệng hay khả năng của tâm trí, nhưng là sự giao thoa, gặp gỡ, thậm chí là 'va chạm' giữa hai thế giới, thế giới Thánh Kinh và thế giới người đọc[16]. Và cũng như sau bất cứ một cuộc gặp gỡ hay va chạm đích thực nào, không ai trở về mà lại không mang một vết thương tích… (x. St 32,23-30).
[1] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, O.P. Lịch sử triết học Tây phương, tập I, Thời Thượng Cổ, HVĐM, 1995.
[2] Xc.David Noel Freedman, The Anchor Bible Ditionary,4 vol, Ed. Doubleday, 1992, N.York, p. 354 – 355.
[3] Xc. H. Bussche, Jean, commentaire de l'Evang. Spirit, Desclée de Brouwer, 1967, p. 69.
[4] Xc.David Noel Freedman, sđd trang 349.
[5] Tanila Hoàng Đắc Ánh, O.P. dẫn vào và chú giải Tin Mừng Thánh Gioan, Học viện Đaminh, 2002, trang 66.
[6] Xc. Paul Beauchamp, Parler d'Ecriture sainte, Le Seuil, p. 66-71.
[7] MK số 7.
[8]MK số 2.
[9]Xc. F.X. Durwell, Trong Đức Kitô Cứu Thế, ĐCV Huế, 1975, trang 49-68.
[10] Xc. F.X. Durwell, sđd, trang 55-56.
[11]MK số 25.
[12]MK số 21.
[13]Qui chế tổng quát sách lễ Rôma, số 29.
[14] PV số 33.
[15]PV số 7.
[16]Xc. J. L. Souletie etH. J. Gagey, La Bible Parole adressée, Cerf, Paris, 2001, p. 182-187.