Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

THÁI ĐỘ CỦA GIÁO HỘI VÀ MỘT SỐ THẦN HỌC GIA ĐỐI VỚI THUYẾT TIẾN HOÁ

Thời sự Thần học - Số 2, Tháng 2/2009, tr. 45-48

_Thanh Nhơn tổng hợp_ 


- Công đồng địa phương họp tại Colonia (Koln) năm 1860 phỉ bác giả thuyết cho rằng thân xác một con vật nào đó do sức tiến hóa tự nhiên đã tiến tới tầm vóc con người hiện đại chứ không cần một sự can thiệp nào của Thiên Chúa (Collectio Lacensis 5,292).
- Công đồng Vaticano I không mấy thiện cảm với thuyết tiến hóa, nhưng không kết án hoàn toàn thuyết đó, mà chỉ cần loại bỏ khía cạnh duy vật (Xc DS 3022/1802). Hơn nữa, Công đồng nhắc lại định tín của Công đồng Laterano IV (chống Albigenses) về con người như là thọ tạo thành bởi vật chất và tinh thần (DS 3002/1783; xc. DS 800/428).

- G. Mivart (1871): thân xác con người có thể phát sinh từ một thân xác loài vật tiến hóa dưới sự điều khiển của Thiên Chúa.

- M.D. Leroy o.p. (1891): thân xác con vật nào đã được Chúa phú cho một linh hồn và thành con người.

- J.A. Zahm c.s.c. (1896): thân xác con người có thể tiến hóa từ thân xác một con vật nào đó, không cần sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa.

Hai tác giả Leroy và Zahm gặp phản ứng không bằng lòng từ phía Tòa Thánh, chứ không bị kết án nhưng đã tự ý thâu hồi sách, rút lời phát biểu…

Sự kiện trên cho thấy rằng các nhà thần học lúc đó còn lúng túng, chưa biết giải thích thế nào về sự can thiệp của Thiên Chúa trong tiến trình của con người theo thuyết tiến hóa.

- Ủy ban Thánh Kinh của Tòa Thánh

Năm 1909, ủy ban này đề cập vấn đề “giá trị lịch sử của ban chương đầu sách Sáng thế ký”. Trong bảng kê khai những sự kiện liên can tới nền tảng của Kitô giáo do ban chương đầu tiên diễn tả, Ủy ban kể đến “peculiaris creatio hominis” (DS 394/2123).

Về cách hiểu bản văn này như thế nào, các nhà thần học cho rằng phải hiểu là có sự can thiệp đặc biệt của Chúa ngay trong việc hình thành thân xác con người. Nhưng bản văn không xác định cách thức can thiệp ấy.

Dù sao văn thư năm 1909 của UBTK không có tính cách tín lý mà chỉ nhằm bảo vệ sự an toàn về giáo lý.

- Trong giai đoạn 1909-1950, các nhà thần học vẫn tiếp tục áp dụng thuyết tiến hóa ôn hòa để giải thích nguồn gốc con người.

- Đức Giáo Hoàng Piô XII quả quyết “chỉ có người mới sinh ra người được”, rồi liền sau đó, khi đề cập tới thuyết tiến hóa, Ngài nhắc lại rằng: đến nay, chưa có gì hoàn toàn rõ ràng và chắc chắn về nguồn gốc con người, rồi tuyên bố cứ để khoa học tiếp tục công cuộc nghiên cứu nhằm đi tới những kết luận chắc chắn hơn… dưới ánh sáng của mạc khải. (AAS 1941, 506).

- Thông điệp HUMANI GENERIS (1950) nói rõ về nguồn gốc con người: Linh Hồn do Chúa trực tiếp dựng nên; về thân xác con người thì Giáo hội không cấm đề cập thuyết tiến hóa, miễn là phải thông hiểu cả khoa học lẫn thần học.

- Để giải đáp về việc Tạo dựng con người, nhà thần học KARL RAHNER đã cố gắng phân tích 3 ý niệm: chuyển biến (devenir), nguyên nhân (causalite), và hành động (action) rồi ứng dụng như sau:

Chúng ta có thể quan niệm việc con người xuất hiện trên mặt đất như sau: trong một hình thể sinh động tiền nhân loại đã thể hiện một sự vượt phóng, một cái bước qua, nhờ đó một cơ thể không có hồn thiêng đã trở thành 1 cơ thể có hồn thiêng. Nhưng bước vượt phóng đó không thể thực hiện chỉ do nguyên năng lực riêng của sinh vật tiền nhân loại; phải có động lực của hữu thể tuyệt đối nơi Thiên Chúa, nền tảng siêu việt của hữu thể và hành động nơi thụ tạo hữu hạn để hiện thể hoá cuộc chuyển biến này phát sinh ra một vật mới tức là con người Thiên Chúa không thay thế nguyên nhân đệ nhị. Thiên Chúa không có tác động trên cùng một bình diện với vật thụ tạo tiên nhân loại, như một nguyên nhân bán phân (cusalité partielle) thêm vào một nguyên nhân bán phân khác. Nhưng hành động sáng tạo của Thiên Chúa đã là nguyên nhân nền tảng siêu việt cho phép thụ tạo vượt sóng chính mình. (x. J. Feiner, Lorigine de l’homme trong bộ Mysterium Salutis Vol.7, Cerf 1971, trang 21-29).

- CÔNG ĐỒNG VATICANO II với HIẾN CHẾ “LỜI THIÊN CHÚA”

Vaticano II không trực tiếp đề cập đến thuyết tiến hoá, nhưng Hiến chế “Lời Thiên Chúa” xác nhận dứt khoát một lần nữa phạm vi của sách Thánh:

“Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh kinh ghi lại vì phần rỗi chúng ta” (s.11)

Hiến chế còn xác nhận rằng cần phân biệt nội dung và ngôn ngữ của Thánh kinh (s.12). Khi xác nhận ra phạm vi của Thánh Kinh, Công Đồng dứt khoát tránh cho chúng ta những vấn đề có thể phát xuất từ sự lẫn lộn phạm vi giữa Thánh kinh và khoa học.

Chúng ta có thể kết luận rằng trong vấn đề thuyết tiến hoá, thái độ của Giáo hội là tôn trọng phạm vi nghiên cứu của khoa học, nhưng không chấp nhận những kết luận vượt ngoài tâm thực nghiệm của khoa học khi chúng đi ngược với đức tin.

Dĩ nhiên phải nói ngay rằng thuyết tiến hoá mà quyền Giáo huấn đề cập tới là thuyết tiến hoá DUY LINH, Thuyết tiến hoá ÔN HOÀ (Évolutionisme Spirtualiste, Evolutionisme modéré) chấp nhận có sự can thiệp của Thiên Chúa chi phối hướng dẫn, nhất là trong việc tạo dựng linh hồn con người. Còn thuyết tiến hoá CỰC ĐOAN (Evolutionisme radical) phủ nhận mọi can thiệp của Thiên Chúa lúc con người xuất hiện, hoặc thuyết tiến hoá của trường phái DUY VẬT BIỆN CHỨNG phủ nhận sự khác biệt căn bản giữa tinh thần và vật chất thì kể là còn xa với Đức tin Kitô giáo.

Kinh thánh quả quyết Thiên Chúa tạo dựng cả CON NGƯỜI. Theo ý trọn vẹn của Kinh thánh phải hiểu: con người, cả hồn và xác, đều được Thiên Chúa tạo dựng. Thứ đến, nếu chúng ta quan niệm như từ xưa đến nay, sự can thiệp của Thiên Chúa và việc tạo dựng linh hồn như một tác động riêng rẽ của một mình Thiên Chúa, từ trên xuống hay từ ngoài vào, không liên quan gì tới sinh hoạt của thụ tạo thì chúng ta quan niệm không đúng về hành động của Thiên Chúa là nguyên nhân nền tảng và siêu việt của mọi sinh hoạt thụ tạo. Và như vậy, việc con người xuất hiện được quan niệm như một “phép lạ” đột xuất, do một mình Thiên Chúa thực hiện, có tính cách ngoại lai.