Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

GIẢI MÃ “MẬT MÃ DA VINCI”

Thời sự Thần học – Số 42, Tháng 12/2005, tr. 56-114

_Tsth biên tập_


“Xuất bản lần đầu tiên tháng 3-2003 đến nay (TS: quý III/2005) “Mật mã Da Vinci” đã tiêu thụ được khoảng 36 triệu bản, dịch ra 44 ngôn ngữ và trở thành tiểu thuyết bán chạy nhất trong lịch sử”.

Trên đây là nguyên văn lời giới thiệu được in đẹp và “bắt mắt” trên giải băng đính kèm theo tác phẩm “Mật Mã Da Vinci”, nguyên tác “The Da Vinci Code”, bản dịch Việt Ngữ của Đỗ Thu Hà, bản quyền tiếng Việt thuộc về nhà xuất bản Văn hoá –Thông tin, in xong nộp lưu chiểu quý III-2005.

Tác phẩm được dịch sang tiếng Việt này đươc in trên giấy tốt, khổ 16x24 cm, bìa cứng mạ chữ vàng, ngay từ lúc phát hành đã tạo nên “một cơn sốt”, nhiều người đi lùng kiếm khắp nơi để mua cho bằng được. Báo chí cũng đóng góp không ít làm tăng cơn sốt này, chẳng hạn như bài viết “Bí mật bao trùm dự án THE DA VINCI CODE” trên báo Thể Tháo & Văn Hóa, trang 48, số 107 ra ngày 7-10-2005 có “quảng cáo khá tinh vi” : “Việc ê-kíp gồm nhà sản xuất Brian Grazer, đạo diễn Ron Howard và kịch tác gia Akiva Goldsman (Ba nghệ nghề sĩ Mỹ này đã cùng nhau đoạt giải Oscar 2002 với A Beautiful Mind) tự bỏ ra một khoản tiền lớn đầu tư với hãng Sony Picture để chuyển thành phim cuốn The Da Vinci Code (kinh phí 100 triệu USD) đã là một bất ngờ đầy thú vị cho các fan của cuốn sách bán chạy này”.

Tuy nhiên... hình thức đẹp, quảng cáo hấp dẫn cho cuốn tiểu thuyết hư cấu này cũng không “cứu nổi” một bản dịch Việt ngữ tồi, khi các nhà chuyên môn về dịch thuật, các nhà văn… nhập cuộc. Chẳng hạn, trong bài viết “Đã Đến Lúc Cảnh Báo Về Một Thảm Họa Dịch thuật” trên báo Tuổi trẻ số 253/2005 (4565), đã cảnh báo “đội ngũ dịch thuật vừa yếu vừa thiếu, đội ngũ biên tập còn yếu và thiếu hơn. Trường hợp “Mật Mã Da Vinci là một minh chứng điển hình...”. Hơn thế nữa, Tác giả Lê Thị Liên Hoan đã lên án về “chất lượng tồi không sao hiểu nổi..”, “cuốn sách dịch với tốc độ kỷ lục, bán với giá cũng kỷ lục (ts: 90.000 VNĐ), cho nên rõ ràng không phải là một lỗi thường. Nó xuất phát từ một khao khát kinh doanh văn hóa... muốn giãi mã... bằng tiền...” và rồi tác giả khẳng định : “Tôi khẳng định trên đời còn có nhiều thứ đáng đọc hơn ...” (!) (Xc Báo Thể Thao & Văn Hóa các số 115 ngày 25-10-2005 và 118 ngày 1-11-2005, bài “Phỏng Vấn Da Vinci”). Sự nhập cuộc này phần nào làm “giảm nhiệt độ” của cơn sốt không đáng có này.

Chuyện ĐỜI là thế!!! Bây giờ đến chuyện ĐẠO:

Cho đến nay đã có không dưới 30 tác phẩm phân tích về “nhiều sai lầm về phuơng diện tôn giáo, lịch sử và nghệ thuật (Amy Welborn) của “Mật Mã Da Vinci”, chẳng hạn như “The Da Vinci Code: The facts behind the fiction” của Amy Welborn; “The Gospel Code” của Darrell Bock’Ben Witherington III ; “Craking Da Vinci’s Code” của James L.Garlow và Peter Jones; “The Da Vinci Deception” của Erwin W. Lutzer ...v.v... . Và “Ttác giả Brown không chỉ mập mờ với những sự kiện, mà còn khẳng khái tuyên bố những lời sai trái, không có cơ sở, và thậm chí hoàn toàn trái ngược với sự kiện lịch sử”. (Báo Planet Envoy)

Thời Sự Thần Học (TSTH) đã từng đề cập đến đề tài” nóng bỏng và gây tranh cãi” này (Xc “THE DA VINCI CODE” hay Ngụy Thư thời hiện đại trong TSTH số 38, tháng 12/2004). Lần này, chúng tôi xin chọn đăng 2 bài dịch “NHỮNG CÂU HỎI” và “ĐỨC KITÔ, GIÁO HỘI TIÊN KHỞI, HOÀNG ĐẾ CONSTANTINE, VÀ CÔNG ĐỒNG NICEA” để “hòng bảo vệ Đức Tin Kitô Giáo và Giáo hội”

NHƯNG dầu sao “Mật mã Da VinCi” của tác giả Dan Brown vẫn cũng chỉ là một tiểu thuyết không hơn không kém. (đương nhiên tiểu thuyết thì hư cấu) 

I. NHỮNG CÂU HỎI


1. Phải chăng vào thế kỷ IV, người ta đã thực sự phát minh ra thiên tính Đức Giêsu?


Teabing nói “Đúng vậy … đang thời hỗn tạp các tôn giáo như vậy, Constantine cần phải củng cố truyền thống Kitô giáo mới mẻ, nên ông đã triệu tập một Công đồng chung nổi tiếng, là Công đồng Nicea”…

“Trong Công đồng này”, cũng lời Teabing, “nhiều khía cạnh Kitô giáo được bàn luận và biểu quyết – thời hiệu lễ Phục Sinh, vai trò các Giám mục, việc ban các bí tích, và dĩ nhiên, thiên tính Đức Giêsu”.

[Sophie] “Tôi chưa rõ. Họ nghĩ ra thiên tính Đức Giêsu sao?”.

“Thưa chị”, Teabing nói, “cho đến lúc đó trong lịch sử, Đức Giêsu vẫn được những kẻ theo Người coi như một ngôn sứ phải chết… một con người vĩ đại và mạnh mẽ đấy, nhưng dẫu sao cũng chỉ là một con người. Một kẻ hay chết”.

“Không phải Con Thiên Chúa sao?”

“Đúng vậy”, Teabing nói, “việc coi Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” đã chính thức được đề nghị và biểu quyết bởi Công đồng Nicea”.

“Vậy tức là thiên tính Đức Giêsu đã là kết quả của một việc biểu quyết?”

“Một cuộc bỏ phiếu tương đối chặt chẽ”, Teabing nói thêm[1].

Vậy Đức Giêsu và các môn đệ của Người có tin thiên tính của Người?

Đức Giêsu:

“Tôi và Cha Tôi là một” (Ga 10,30)
“Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi” (Ga 8,19)
“Ai thấy thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9)

Các Môn đệ:

Ga 20,28 - Ông Tôma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
Rm 9,5 - “Chính Đức Kitô. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. Amen”
2 Tx 1,12 - “Như vậy, danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người, chiếu theo ân sủng của Thiên Chúa chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô”.
1Ga 5,20 - “Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời”
Cl 2,9 - “Thật vậy, nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể, và trong Người, anh em được sung mãn : Người vốn là đầu mọi quyền lực thần thiêng”

Những Người khác:


Người Do thái : “Ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33)
Thầy Thượng tế : “Quý vị vừa nghe hắn nói phạm thượng đến Thiên Chúa” (Mc 14,61-64)

Các Giáo phụ TRƯỚC Công đồng Nicea:

Giúttinô Tử đạo (100-165 A.D) đã viết về Đức Giêsu, “Người, … vì là Ngôi Lời của Thiên Chúa, nên cũng là Thiên Chúa”[2]. Trong cuốn Đối thoại với Trypho, Giúttinô quả quyết rằng “Thiên Chúa đã sinh ra từ một trinh nữ” và Đức Giêsu “đáng được thờ phượng” và “đáng được gọi là Đức Chúa và Thiên Chúa”[3].

Irênêô (120-202 A.D), đã viết rằng Đức Giêsu “là Thiên Chúa trọn vẹn và con người trọn vẹn”, “không chỉ là người… nhưng còn là Thiên Chúa thật”, và “đương nhiên, tự nơi mình, Người chính là Thiên Chúa, Đức Chúa, Vua Đời Đời” và nói về “Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, và Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và Vua”[4].

Tertullianô (145-220 A.D), nói về Đức Giêsu “Kitô cũng là Thiên Chúa” vì “thứ gì trực tiếp đến từ Thiên Chúa [trong cuộc đản sinh đồng trinh] thì đích thị là chính Thiên Chúa và Con Thiên Chúa, và cả hai là một … trong lúc Người sinh ra, Thiên Chúa và con người hiệp nhất”[5].

Athanasiô (293-373 A.D), một người bảo vệ kiên cường cho Tân Ước, trong khi chống lạc thuyết Ariô vốn chủ trương Đức Giêsu Kitô không phải là Thiên Chúa, đã tuyên bố về Đức Giêsu, “Người luôn luôn là Thiên Chúa và Con” và “Đấng là Thiên Chúa hằng cửu, … cũng đã trở nên người thế vì chúng ta”[6].

2. Đức Giêsu đã lập gia đình?


… nếu Đức Giêsu là một người có gia đình thì sẽ vô cùng ý nghĩa so với tiêu chuẩn Kinh Thánh của chúng ta vốn coi Đức Giêsu vốn coi Người là một người độc thân… Vì Đức Giêsu là một người Do thái… mà thông lệ xã hội thời đó mặc nhiên không cho phép một người đàn ông Do thái không lập gia đình. Theo phong tục người Do thái, đời độc thân bị kết án, và một người cha Do thái có bổn phận phải đi tìm một người vợ phù hợp cho con trai mình. Nếu Đức Giêsu không lập gia đình, thì ít nhất một trong các Tin Mừng phải đề cập đến điều đó cũng như giải thích về tình trạng độc thân không tự nhiên của Người,[7] – Dan Brown, The Da Vinci Code, p. 245.

Một sự che đậy lớn nhất trong lịch sử loài người. Đức Giêsu Kitô không chỉ lập gia đình, nhưng Người còn là một người cha. Bạn thân mến, Maria Madalena chính là Mạch Thánh (Holy Vessel). Bà là chiếc bình dung chứa dòng máu hoàng vương Giêsu Kitô. Bà là cung lòng mang lấy huyết thống, là cây nho từ đó sinh ra hoa quả thánh[8] – Dan Brown, The Da Vinci code, 249.

Phải chăng trường hợp một người đàn ông Do thái sống độc thân là không thể chấp nhận về mặt xã hội?

Truyền thống xa xưa luôn tin rằng Đức Giêsu sống độc thân. Từng chi tiết Kinh Thánh đã nói lên điều này. Khi Người hoạt động công khai, không hề thấy nhắc đến một người vợ. Khi Người bị trao nộp và đóng đinh thập giá, cũng không hề thấy nhắc đến chuyện Người có một người vợ. Sau khi tử nạn, cũng không thấy nhắc đến một người vợ. Khi nhắc đến gia đình Đức Giêsu, thì chỉ thấy nêu lên anh em chị em của Người, chứ không hề nói đến một người vợ. Và cũng chẳng có dấu nào cho thấy Người góa vợ[9].

... có hai nhân tố khiến cho luận chứng này [nói rằng Đức Giêsu “buộc” phải cưới vợ] bị yếu kém. Trước hết, Đức Giêsu không là một Rabbi một cách chặt chẽ, mà bản thân Người cũng không tự xưng mình là một Rabbi. Các tông đồ thường thưa với Người như thầy của mình, không phải vì lẽ Người có một chức vụ chính thức Do thái nào. Người Do thái đã hỏi Đức Giêsu “lấy quyền gì” mà làm những điều đó, vì Người không hề giữ một chức vụ chính thức nào trong Do thái giáo. Người không có một vị thế chính thức khả dĩ cho phép Người làm những chuyện như thế nơi đền thờ (Mc 11,28). Điều mà những nhà lãnh đạo Do thái quan tâm, là Đức Giêsu chẳng hề có một vai trò nào được thừa nhận trong Do thái giáo …

Thứ hai, trường hợp kêu gọi trở nên “hoạn nhân vì Nước Trời” có phần nào bén rễ trong chính việc dấn thân của Đức Giêsu, và chính Người làm gương không lập gia đình (Mt 19, 10-12). Quả vậy, lý do khiến cho sau này Giáo Hội Roma muốn cho các linh mục không lập gia đình là có phần nào nảy sinh từ quan điểm cho rằng Đức Giêsu không lập gia đình[10].

Khung cảnh Do thái thời Chúa Giêsu rõ ràng có một truyền thống sống độc thân dành cho những người dâng trọn đời mình cho Thiên Chúa, chẳng hạn những nhà ngôn sứ không lập gia đình Giêrêmia và Êlia, và được diễn tả qua những nhóm thời Tân Ước chẳng hạn như nhóm Étsêniên và những hình ảnh tiêu biểu như Gioan Tẩy Giả và ngôn sứ Banus (Josephus, Life 2.11). Sống khiết tịnh và độc thân thì tất nhiên là họa hiếm rồi, nhưng trái với quan điểm của Brown, chúng không hề bị cấm đoán bởi bất cứ “qui lệ xã hội” nào[11].

Đặc biệt, không hề có một bằng chứng lịch sử nào cho thấy Đức Giêsu đã cưới lấy Maria Madalêna (hay một ai khác) hoặc làm bố của những đứa trẻ.

Như Darrell Bock đã nêu trong tập san Christianity Today (tháng Giêng 2004,62), thông tin kiểu trên chắc chắn đã bao hàm trong 1 Cr 9 ở đó Phaolô nêu lên sự kiện Phêrô và nhiều tông đồ khác đã có vợ khi họ nhận sự giúp đỡ vật chất từ các giáo hội. Để hỗ trợ cho quyền của mình có thể tiếp nhận sự trợ giúp như thế, hẳn Phaolô đã phải đưa ra một trường hợp thuyết phục hơn nữa – trường hợp Đức Giêsu – nếu như điều đó có thật[12].

3. Phải chăng cuốn Kinh Thánh mà chúng ta có trong tay không bao hàm thông tin sớm nhất và đúng đắn nhất về Đức Giêsu?


Về Tân Ước, có hơn 80 cuốn Tin Mừng, vậy mà chỉ có ít ỏi mấy cuốn được chọn lựa – Matthêu, Maccô, Luca và Gioan. – Dan Brown, The Da Vinci Code, p. 231[13].

“Thật may mắn cho các sử gia”, Teabing nói, “một số cuốn Tin Mừng mà Constantine muốn loại bỏ lại vẫn còn tồn tại. Những Thủ Bản Biển Chết được tìm thấy vào năm 1950, được giấu trong một cái hang gần Qumran tại sa mạc Giuđêa. Và dĩ nhiên, còn phải kể đến những Thủ bản Coptic được tìm thấy năm 1945 tại Nag Hammadi. Bên cạnh việc nói đến câu truyện Grail có thực, những tài liệu trên còn nói về tác vụ của Đức Kitô theo một cung giọng hết sức con người… Những thủ bản cho thấy những sai sót và những nguỵ tạo về mặt lịch sử, hiển nhiên chứng tỏ rằng Kinh Thánh hiện thời được sưu tập và được ấn hành bởi những con người có một chương trình hành động chính trị – tức là cổ động thiên tính của con người Giêsu Kitô và sử dụng ảnh hưởng của Người để củng cố nền tảng quyền lực của họ” – Dan Brown, The Da Vinci Code, p. 234[14].

Những thủ bản Biển Chết vén lộ những gì?

Những bản văn cổ xưa đó, được một cộng đoàn đan tu giấu trong những bình gốm trong các hang động, khẳng định giá trị của bản văn Cựu Ước. Chúng bao gồm những phần đáng kể trong các sách Cựu Ước – thậm chí mọi cuốn sách – đã được nhóm Étsêniên ghi chép và nghiên cứu. Những thủ bản này ở vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, và như vậy đã mở cho ta cánh cửa sớm nhất để tìm hiểu những bản văn trong các sách Cựu Ước cũng như những lời tiên tri chứa trong đó. Những bản văn Qumran chính là bằng chứng quan trọng cho nguồn gốc thần thiêng của Kinh Thánh[15]. Ngay cả thiên tính của Đấng Mêsia cũng được khẳng định trong một đoạn gọi là “Con Thiên Chúa” (4 Q 246), bảng 4, cột 1 và 2 : “Thế gian đầy áp bức … [cho đến khi] Vua của Dân Thiên Chúa đứng lên, … và Ngài sẽ nên cao trọng trên trần gian. [… Mọi người] sẽ kiến tạo [hoà bình], và mọi người sẽ phụng sự [Ngài]. Ngài sẽ được gọi là [Con Thiên Chúa cao cả] tự danh Ngài, Ngài sẽ được tôn phong … Ngài sẽ được gọi là Con Thiên Chúa ; họ sẽ gọi Ngài là Con Đấng Tối Cao”[16].

Những tài liệu Nag Hammadi nói gì?

Những Bản Văn Nag Hammadi, … sở dĩ được gọi như vậy là theo tên nơi chúng được tìm thấy, ở Tây ngạn sông Nile. Người ta đã tìm thấy một thư viện lưu trữ 45 bản văn được viết bằng tiếng Coptic. Những bản văn này được viết từ khoảng thế kỷ thứ II cho tới thế kỷ IV sau Công nguyên. Những bản văn tiêu biểu bao gồm Tin mừng của thánh Thomas, Tin Mừng của Philip, Công vụ của Phêrô và những sách khác. Những bản văn này mang tính Ngộ Đạo và được tìm thấy trong thư viện các tác phẩm Ngộ đạo…[17].

… Thuyết Ngộ Đạo nói chung được miêu tả như sản phẩm hoà trộn nhiều ý tưởng Kitô giáo – đặc biệt việc cứu chuộc nhờ Chúa Kitô – với suy tư và những tưởng tượng nảy sinh từ việc pha trộn các nguồn mạch (Hy lạp, Do thái, Parsic, các nền triết học ; các tôn giáo, thông thiên, huyền bí) trong một thời kỳ mà trí tuệ con người đang là một loại men, và các ý kiến đủ loại được hợp chung với nhau thành một mớ hẩu lốn không tưởng tượng nổi. Như cái tên đã nói lên, nó công bố về “tri thức”, tri thức về một loại mà người tin tưởng thông thường không thể đạt được, và hệ tại việc sở hữu thứ ơn “cứu độ” theo ý nghĩa đầy đủ. Tri thức này mà người Ngộ đạo nắm bắt, liên quan đến những đề tài thường được bàn đến trong triết học tôn giáo ; thuyết Ngộ đạo là một loại triết học tôn giáo (Early Church History to AD 313, II, 71)[18].

Phải chăng những Tin Mừng Ngộ Đạo là sớm hơn và chính xác hơn? Tại sao các Tin Mừng Ngộ Đạo lại không có mặt trong Tân Ước?

Brown khẳng định rằng những sách đó là các tin mừng bí mật, ý kiến đó là sai lầm. Chúng ta đã biết đến những sách đó từ nhiều thế kỷ. Các Giáo Phụ thời đầu đã viết về những bản văn đó và đã phi bác chúng là không được linh hứng và không có giá trị tông đồ. Irênêô (130-200) và Tertulianô (160-225) có nhắc đến những bản văn đó trong các lá thư của các vị và đã nói rõ các ngài phủ nhận chúng. Những bản văn đó không bao giờ được coi là thành phần trước tác được linh hứng của các tông đồ, vì nhiều lý do.

Nhiều bản văn trong số đó có thời hiệu sau khi các tông đồ đã qua đời. Những đạo lý thì không phù hợp với mạc khải trước đó của Chúa Giêsu và giáo lý các tông đồ. Đạo lý của thuyết nhị nguyên Ngộ đạo là những gì mà các Tin Mừng của Gioan và các thư chống lại tỏ tường. Hơn nữa, các Giáo Phụ đã biết đến những bản văn đó và chưa bao giờ công nhận chúng ngang hàng với các sách Tin Mừng[19].

4. Phải chăng sứ điệp nguyên thuỷ của Đức Giêsu là con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua những nghi thức ái tình?


Lễ Hội Hieros Gamos một thời được coi là thánh thiêng – kết hiệp tình dục tự nhiên giữa người nam và người nữ, mà qua đó mỗi người trở nên toàn vẹn hơn về mặt tinh thần – đã bị phản đối, coi như một hành vi bỉ ổi. Những con người thánh thiện từng đòi kết hiệp ái tình với đối tác phụ nữ của mình để thông hiệp với Thiên Chúa, giờ đây lại sợ những thúc đẩy tình ái tự nhiên của mình là chính việc làm của ma quỷ, cộng tác với tên đồng phạm ưa thích của nó .... là người phụ nữ[20] – Dan Brown, The Da Vinci Code, p.125.

Phải chăng Giáo Hội coi tình dục chính là tội nguyên tổ?

Giáo Hội không hề coi tình dục như một hành vi đáng xấu hổ. Tình dục trong hôn nhân là tốt (xc St 2,24 ; Mt 19,5 ; 1 Cr 6,16 ; Ep 5,31). Tình dục là một phần trong việc tạo dựng “tốt” của Thiên Chúa. Nhất là, Thiên Chúa đã tạo dựng tình dục, và “bất cứ điều gì Thiên Chúa tạo dựng đều là tốt đẹp” (1 Tm 4,4). Nhưng nó chỉ tốt trong giới hạn hôn nhân (1 Cr 7,2), mà Thiên Chúa đã sắp đặt (xc Dt 13,4). Bài Ca của Vua Salomon cho thấy rằng Thiên Chúa muốn cho người có đôi bạn thực sự được thoả mãn trọn vẹn tình dục.

Tuy nhiên, người Kitô hữu phải kiêng tránh việc tà dâm (Cv 15,20). Phaolô nói rằng thân xác không dành cho việc dâm ô, và con người phải loại bỏ nó (1Cr 6,13,18). Chắc chắn nghi thức tình dục được nêu trong cuốn THE DA VINCI CODE (một cặp giao hoan đang khi chung quanh đó dân chúng ca hát) tạo nên một dạng dâm ô và như vậy bị Thiên Chúa kết án. Kinh Thánh cũng đã nói rõ ràng : “Anh em phải biết rõ điều này : không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào – mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng – được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa. Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ không vâng phục” (Ep 5,5-6)[21].

Phải chăng con người “gặp gỡ Thiên Chúa” thông qua những nghi thức tình dục?

Tình dục không bao giờ được coi là một phương thế để đạt được “hiểu biết”. Con người không được tìm kiếm mạc khải hoặc tri thức trong những trạng thái tri thức biến chất liên quan đến hành vi tình dục, nhưng đúng hơn phải tìm hiểu từ Lời Thiên Chúa. Chỉ mình Kinh Thánh là uy thế tối cao và không sai lầm cho Giáo Hội cũng như cho cá nhân tín hữu. Chúa Giêsu luôn luôn coi Kinh Thánh như phán quyết chung cuộc trong mọi vấn đề tranh luận. Chúng ta cũng phải làm như thế.

Thay vì chạy theo quan điểm cho rằng cá nhân có thể tự mình nhận được sự soi sáng từ Thiên Chúa trong cơn xuất thần tình dục, thì Kinh Thánh lại cho thấy rằng một bộ chân lý xác định đã được thông tri cho con người cách khách quan. Đây là lý do tại sao mà Gđ 3 khuyến cáo chúng ta rằng “để khuyên nhủ anh em chiến đấu cho đức tin đã được truyền lại cho các thánh chỉ một lần là đủ”. Trong bản Hy lạp, mạo từ xác định “ó” đi trước từ“đức tin” là nói về một đức tin duy nhất ; không còn đức tin nào khác nữa. “Đức tin đó” liên quan đến giáo lý và lời giảng dạy của các tông đồ vốn đã trở nên chuẩn mực cho Giáo Hội (xc Cv 6,7 ; Gl 1,23 ; 1 Tm 4,1). Bộ chân lý này được Gđ 3 qui chiếu như điều “đã được ban một lần duy nhất cho các thánh”. Thuật ngữ chuyển dịch “một lần cho tất cả” (từ Hy lạp : apax) liên quan đến một điều gì đó đã được ban một lần cho mãi mãi, một điều gì đó không bao giờ cần nhắc lại nữa. Tiến trình mạc khải đã hoàn tất sau khi “đức tin” này được trao ban “một lần cho mãi mãi”.

Từ ngữ “được trao ban” dùng ở đây là một phân từ thụ động aorist, nói lên một hành vi đã hoàn tất trong quá khứ và không kèm theo một yếu tố tiếp tục nào. Vậy không thể còn một “đức tin” mới hoặc một bộ chân lý nào nữa được thông truyền qua con người trong xuất thần tình dục[22].

“Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa. Về điểm này, đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình, vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó, như chúng tôi đã từng báo trước và cảnh báo anh em. Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện. Vậy ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường Thiên Chúa ; Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người” (1Tx 4,3-8)

“Đức Chúa là Thiên Chúa phán : “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”. Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lấy thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói : “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi ! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,18, 21-24)

“Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh ; như vậy, Người thánh hóa và hiến mình vì Hội Thánh : như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng : chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng” (Ep 5,25-32).

5. Phải chăng Kitô giáo không hơn gì một bản sao những niềm tin và thực hành tôn giáo huyền bí xa xưa?


Vết tích ngoại giáo trong tính biểu tượng Kitô giáo là không thể chối cãi. Những đĩa mặt trời của người Ai cập đã trở thành vầng hào quang của các thánh Công giáo. Những Pictograms (Ký họa) về nữ thần Isis đang cho bú người con trai được thụ thai cách là lùng là Horus đã trở thành bản mẫu cho những hình ảnh tân thời của chúng ta về trinh nữ Maria đang cho hài nhi Giêsu bú. Và một cách tiềm ẩn, mọi yếu tố trong nghi thức Công giáo – mũ mít Giám mục, bàn thờ, vinh tụng ca, hiệp lễ, hành vi “ăn thần” – được trực tiếp lấy ra từ những tôn giáo bí ẩn ngoại giáo xưa[23].

Phải chăng Kitô giáo vay mượn những nghi thức ngoại giáo?

Nhiều điểm được coi là tương đồng giữa Kitô giáo và các tôn giáo dân ngoại Ai cập đã được khuếch đại lên hoặc thêu dệt. Các nhà nghiên cứu tự do thường miêu tả những nghi thức ngoại giáo trong ngôn ngữ mà họ vay mượn từ Kitô giáo, do đó coi chúng như những đạo lý “song hành”[24].

Nash đã trưng dẫn ý kiến của nghiên cứu Tân ước Bruce Metzger : “Không thể dễ dãi cho rằng các Huyền Bí [tức là, những tôn giáo dân ngoại] luôn ảnh hưởng lên Kitô giáo, vì không những có thể, mà còn chứng minh được rằng trong một số trường hợp, ảnh hưởng còn đi theo chiều đối nghịch”. Nash ghi nhận rằng người ta không hề ngạc nhiên khi thấy các lãnh tụ phượng tự vốn bị thách đố bởi Kitô giáo đã làm một điều gì đó để đối lại thách đố. Vậy còn cách nào tốt hơn là thay luôn ngoại giáo cho rồi? Ngoại giáo cố chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Kitô giáo bằng cách bắt chước Kitô giáo, điều này là hiển nhiên trong những đối sách được Julian Bội Giáo thiết lập[25].

Tính thần bí của tôn giáo huyền bí thì chủ yếu không có tính lịch sử. Còn tôn giáo của Kitô giáo lại có nền tảng nơi lịch sử[26].
* * *

II. ĐỨC KITÔ, GIÁO HỘI TIÊN KHỞI, HOÀNG ĐẾ CONSTANTINE, VÀ CÔNG ĐỒNG NICEA

_Carl. E. Olson và Sandra Miesel_



Phải chăng hoàng đế Constantine “Thiên Chúa hóa” Đức Giêsu ?


Trong tiểu thuyết Da Vinci Code, có một vài tuyên bố hết sức sai trái và táo bạo về lịch sử Giáo hội thời sơ khai và về con người Đức Giêsu. Trong cuộc nói chuyện lâu giờ của Sophie, Langdon với sử gia người Anh tên là Teabing, tại gia đình ông này, một cuộc đối thoại diễn ra với những nhận định sau đây:
  1. Thiên tính của Đức Giêsu và việc Người tự xác nhận là “Con Thiên Chúa” đã được nêu lên và đưa ra bỏ phiếu (bằng một “cuộc bỏ phiếu kín”) trong Công đồng Nicea năm 325.
  2. Trước khi có sự kiện này, không ai – kể cả các môn đệ Đức Giêsu – tin rằng Người là một thứ gì đó hơn là “một ngôn sứ phàm trần”.
1. Hoàng đế Constantine đã xác nhận thiên tính của Đức Giêsu vì những lý do chính trị và đã dùng Giáo hội Công giáo như là một phương tiện để củng cố quyền lực của mình.[27]

Cá nhân Teabing không bác bỏ thiên tính của Đức Giêsu (như nhiều người đã làm), ông cũng không tuyên bố rằng một số học giả ngày nay phủ nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa (mà nhiều học giả đã phủ nhận như thế). Nhưng ông cho rằng các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu, là những Kitô hữu trong ba thế kỷ đầu theo Đức Giêsu khi Người còn tại thế, đều tin rằng Người không phải là Thiên Chúa, mà chỉ là “một người phàm.” Điều này đã làm giảm uy tín và danh tiếng của Teabing, vì bất kỳ một sử gia ngay chính nào, dù là Kitô hữu hay ai khác đều biết rằng các Kitô hữu đầu tiên, cách nào đó, đã tin Đức Giêsu Nazareth là Thiên Chúa, là “Con Thiên Chúa” và là Đức Kitô đã sống lại. Thật vậy, tại Công đồng Nicea năm 325, vấn đề trọng tâm không nằm ở chỗ xét xem Đức Giêsu có phải là con người hay một thứ gì đó không, nhưng là thiên tính của Người – thậm chí lạc giáo Arius đã công nhận – phải được hiểu chính xác như thế nào : Người có hoàn toàn là Thiên Chúa không? Chúa Con lại ngang hàng với Chúa Cha sao? Người có phải là một vị thần cấp thấp không? Như Phúc Âm thánh Gioan đã nói trong một số câu (Ga 1,14.18 ; 3, 16.18), thì Chúa Con được “sinh ra” có nghĩa là gì?

Chứng từ Tân Ước

Có nhiều chứng từ cho rằng các Kitô hữu sơ khai kể từ thời Đức Giêsu còn tại thế đều tin Đức Giêsu Nazareth là Thiên Chúa. Trong khảo luận chính yếu Early Christian Doctrines, ông J.N.D Kelly, một học giả nổi tiếng thời Giáo hội sơ khai, viết rằng : “Tất cả các Kitô hữu khắp hoàn cầu đều xác tín (trong các thế kỷ trước Công đồng Nicea) rằng Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Việc tuyên tín sơ đẳng nhất ‘Đức Giêsu là Đức Chúa’ (Rm 10, 9 ; Pl 2,11), và ý nghĩa của việc tuyên tín này đã được xem xét kỹ lưỡng và đào sâu vào thời các tông đồ.”[28] Thần học gia người Đức Karl Adam giải thích rằng Đức Giêsu thật sự là một ngôn sứ, nhưng các Phúc Âm mô tả Người một cách dứt khoát : “Không còn nghi ngờ gì nữa : các Phúc Âm Quy điển nhận ra nơi con người Đức Giêsu chính là Đấng Jahve (Yahweh=Thiên Chúa). Theo đó, Đức Giêsu suy nghĩ, cảm xúc, và hành động theo một ý thức sáng suốt và Người không những là một Đấng được kêu gọi như các ngôn sứ, nhưng đúng hơn còn là những biểu hiện của lịch sử và là mạc khải của chính Thiên Chúa.”[29]

Đức Giêsu và các môn đệ của Người đều tin Người còn hơn là một người phàm bình thường. Chứng cứ chắc chắn này được tìm thấy trong Tân Ước. Trình thuật thời thơ ấu trong Phúc Âm thánh Mátthêu đều trích dẫn từ ngôn sứ Isaiah trong Cựu Ước : “‘Này đây, một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và người ta sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel’ (nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta)” (Mt 1,23). Cũng trong Phúc Âm thánh Mátthêu, có một trình thuật về việc Đức Giêsu chịu Phép rửa. Khi Đức Giêsu lên khỏi nước thì “các tầng trời mở ra, và Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu, và ngự trên Người. Và này, có tiếng từ trời phán : ‘Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người’” (Mt 3, 16-17).

Phúc Âm thánh Gioan có một vài xác nhận rõ ràng nhất về thiên tính của Đức Giêsu. Phần mở đầu đầy tính thần học công bố rằng : “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Và Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, Ngôi Lời là Thiên Chúa. Người hướng về Thiên Chúa từ lúc khởi đầu ; vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3). Ngôi Lời là Đức Giêsu, là Chúa Con nhập thể : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Sau đó, khi gây khó chịu cho các nhà cầm quyền Do thái vì Người đã làm việc trong ngày Sabbath, thì mạng sống Đức Giêsu bị đe doạ, “bởi vì Người không chỉ phá luật Sabbath, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5,18).

Chương 8 trong Phúc âm thánh Gioan có một xác quyết chắc chắn khác về thiên tính của Đức Giêsu. Sau khi đã tranh luận với các nhà lãnh đạo tôn giáo về Tổ phụ Abraham, Đức Giêsu tuyên bố : “Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của Tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Ga 8, 56). Các nhà lãnh đạo căm phẫn và trả lời : “Ông chưa được 50 tuổi mà đã thấy ông Abraham sao?” (câu 57). Đức Giêsu đáp lời : “Thật, tôi bảo thật các ông : trước khi có ông Abraham, thì Tôi, Tôi Hằng Hữu” (câu 58). Ở đây có một sự thù nghịch. Đám đông muốn giết Đức Giêsu, và công nhận Người đã ám chỉ danh Thiên Chúa cho chính mình – “Yahweh,” hay “Ta Hằng Hữu”. Danh ấy đã được Thiên Chúa mạc khải cho ông Moses trong bụi gai bốc cháy (Xh 3,14). Sau khi chịu đóng đinh và sống lại, Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ (Ga 20,19-23), nhưng “Thomas, một người trong Nhóm Mười Hai, gọi là Didymus, đã không ở với các ông khi Đức Giêsu đến” (Ga 20,24). Tám ngày sau, Đức Giêsu lại hiện đến với các môn đệ ; lần này có ông Thomas ở đó với các ông. Sau khi đã nhìn thấy và đụng vào bàn tay, vào cạnh sườn đã bị đâm thủng, “Ông Thomas thưa với Người : ‘Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!’” (Ga 20,28). Bốn Phúc Âm còn đưa ra nhiều chứng cứ khác, trong đó có hơn 40 đoạn nói rằng Đức Giêsu được gọi là “Con Thiên Chúa” (xc. Mt 11,27 ; Mc 12,6 ; 13,32 ; 14,61-62 ; Lc 10,22 ; 22,70 ; Ga 10,30 ; 14,9), được gán cho có quyền tha tội (Mc 2,5-12 ; Lc 24,45-47), xác nhận sự hiệp nhất nên một với Chúa Cha (Ga 10,30 ; 12,45 ; 14,8-10), và thực hiện nhiều dấu lạ, kể cả việc phục sinh ông Lazarus từ cõi chết (Ga 11). Thậm chí, nếu độc giả tin rằng các môn đệ đã bị nhầm lẫn hay Đức Giêsu chỉ là một lão bịp bợm nào đó, thì chưa chắc họ (các độc giả) đã tin Người là Thiên Chúa vượt xa một ngôn sứ phàm trần.

Những khẳng định tương tự về thiên tính của Đức Giêsu được tìm thấy khắp nơi trong các thư quy điển của thánh Phaolô và các tác giả Tân ước khác. Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô tuyên bố rằng “Chẳng có ai nói ‘Đức Giêsu là Chúa’ mà lại không ở trong Thần Khí Thiên Chúa” (1 Cr 12,3). Trong thư gửi tín hữu Philípphê, ngài viết “Tuy là Thiên Chúa, Chúa Con không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (Pl 2,6). Khi tự nguyện trở thành phàm nhân, Chúa Con lại được cả vũ trụ tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô là Chúa để tôn vinh Thiên Chúa Cha” (Pl 2,11). Trong thư thứ nhất thánh Phaolô viết cho người con mà ngài đã sinh ra trong đức tin Kitô giáo, có lời tuyên bố dứt khoát rằng “Chúa Giêsu Kitô… là Đấng được chúc phúc, là Chúa Tể, là Vua các vua, Chúa các chúa. Chỉ có mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời. Amen” (1 Tm 6,15-16).

Cuốn sách cuối cùng trong bộ Kinh Thánh là sách Khải huyền giới thiệu Đức Giêsu như là Vua muôn thuở, Vua chiến thắng đã phục sinh, là Đấng Cứu Độ – vượt xa một “ngôn sứ phàm trần” Khi thánh Gioan thấy Đức Giêsu, ngài ngã vật dưới chân Người “như một kẻ chết”. “Và Người đặt tay hữu lên tôi mà nói : ‘Đừng sợ, ta là Đầu và là Cuối’ ” (Kh 1,17). Tước hiệu “Đấng là Đầu và là Cuối” là một trong những tước hiệu được Cựu ước sử dụng để diễn tả Đấng Yahweh, là Thiên Chúa duy nhất và chân thật : “Vì thế, Đức Chúa là Vua Israel, là Đấng Cứu Độ, là Đức Chúa các đạo binh phán : Ta là đầu và là cuối, và không có Thần nào khác ngoại trừ Ta” (Is 44,6 ; x. Is 41,4 ; 48,12). Tước hiệu này được áp dụng cho Đức Giêsu hai lần trong sách Khải huyền, gồm có 2,8 và 22,12-13. Đoạn thứ hai (22,12-13), nằm trong phần kết luận của sách Khải huyền, đồng hóa Đức Giêsu như là “Đấng Alpha và Omega, là đầu và là cuối, là khởi đầu và là cùng tận” (Kh 22, 13). Ngôn từ này cũng được Thiên Chúa dùng trong phần mở đầu sách Khải huyền (Kh 1,8), và làm nên một sự nối kết rõ ràng và có chủ ý giữa Thiên Chúa và thiên tính của Đức Giêsu Kitô.

Chứng từ của các Văn sĩ Kitô giáo thời sơ khai

Từ năm 100 đến thế kỷ IV, có nhiều chứng từ của các văn sĩ Kitô giáo về niềm tin Kitô giáo vào thiên tính của Đức Giêsu. Cùng với việc chứng minh xem trong ba thế kỷ Kitô giáo đầu tiên, các Kitô hữu thực sự đã tin điều gì nơi Đức Giêsu, còn có các văn phẩm cũng cung cấp ngữ cảnh vô giá cho các vấn đề thần học và các cuộc tranh luận về thần học. Những vấn đề và tranh cãi này sẽ dần dần được Công đồng Nicea phần nào đề cập tới.

Thánh Ignatius thành Antioch (35-107) là giám mục thành Antioch. Người ta suy luận rằng giống như thánh Phaolô, có lẽ ngài là một kẻ đã bắt bớ các Kitô hữu trước khi trở lại đạo.[30] Bị quân đội Roma bắt giữ và trên đường bị điệu về Roma để chịu xử tử, ngài đã viết một loạt bảy lá thư gửi các giáo đoàn Ephesus, Magnesia, Tralles, Rome, Philadelphia, và Smyrna, ngài viết :
“Có một Thầy thuốc vừa là xác phàm vừa là thần khí ; được sinh ra mà không phải tạo thành ; là Thiên Chúa hiện diện trong xác phàm ; là sự sống đích thật trong kẻ chết ; vừa là con Đức Maria vừa là con Thiên Chúa ; trước là khả hữu rồi sau là bất khả hữu, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”[31]
Cũng trong lá thư này, ngài bảo các độc giả của ngài rằng họ phải “làm mọi sự như thể Người (Đức Giêsu) đang cư ngụ trong chúng ta. Như vậy, chúng ta sẽ là đền thờ của Người và Người sẽ ở trong chúng ta như là Thiên Chúa – Người đã thực sự ngự trong chúng ta”[32] Rồi ngài nói thêm : “Chúa chúng ta, là Đức Giêsu Kitô, được Thiên Chúa tấn phong, đã chịu thai trong cung lòng Đức Maria bởi phép Chúa Thánh Thần, thuộc dòng dõi vua David. Người đã được sinh ra và chịu Phép rửa, chính nhờ cuộc Thương khó mà Người đã thanh tẩy dòng nước”[33] Hơn nữa, trong thư gửi giáo đoàn Smyrna, thánh Ignatius có nói đến Đức Giêsu như là “Đức Kitô, là Đức Chúa”[34]

Thánh Justin tử đạo (100-165) sinh ra trong một gia đình ngoại giáo và trở thành Kitô hữu quãng năm 30 tuổi. Ngài là một triết gia Kitô giáo dạy học tại Ephesus, sau đó dạy tại Roma là nơi ngài đã được thụ huấn. Thánh Justin là một trong những nhà bảo vệ đức tin Kitô giáo hàng đầu vào thế kỷ II ; ngài đã bảo vệ các giáo huấn Kitô giáo – kể cả niềm tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa – để phản bác các triết gia ngoại giáo. Ngài và một số môn đệ đã bị bắt, bị đánh đòn, và sau đó bị người Roma chém đầu vì không chịu thờ lạy các thần của họ. Trong tác phẩm First Apology, ngài viết : 
“Đức Giêsu Kitô là Chúa Con đích thật, Đấng được sinh ra từ nơi Thiên Chúa, là Lời của Thiên Chúa, là Trưởng Tử, là Đấng quyền năng. Và khi trở nên phàm nhân theo như thánh ý Thiên Chúa, Người đã dạy chúng ta những sự ấy để chúng ta được hoán đổi và được phục hồi phẩm giá con người …”[35] 
Trong tác phẩm Dialogue with Trypho, thánh Justin viết một bài biện hộ dài hơn về niềm tin của ngài vào Đức Giêsu là Thiên Chúa:
Tôi nói tiếp : “Nhưng, thưa ngài Trypo, nếu ngài đã biết Đấng ấy là ai, Đấng mà xưa kia ngôn sứ Ezekiel đã gọi là Sứ thần chỉ dạy những sự trọng đại, là một Người ; được ngôn sứ Daniel ví như Con Người ; được ngôn sứ Isaiah gọi là Hài nhi. Người là Đấng được vua David thờ lạy như là Đức Kitô và là Đức Chúa ; nhiều người thờ lạy Ngài là Đức Kitô và là Đá tảng ; được vua Salomon gọi là sự khôn ngoan, được Moses gọi là Joseph, là Judah và là Sao sáng. Ông Dacariah gọi Người là Vầng đông, và một lần nữa được Isaiah gọi là Đấng chịu đau khổ, là nhà Jacob, là nhà Israel, là Cây gậy, là Hoa thơm, là Đá góc, và là Con Thiên Chúa. Ngài không nên lăng mạ Đấng đã đến, đã được sinh ra, và đã chịu đau khổ và lên trời ; Đấng ấy sẽ lại đến, và 12 chi tộc của ngài sẽ than khóc. Vì nếu ngài đã hiểu điều các ngôn sứ đã viết ra, thì ngài sẽ không phủ nhận Đấng ấy là Thiên Chúa, là Con của Thiên Chúa duy nhất, tự hữu, và là Đấng không thể diễn tả bằng lời.”[36]
Một trong những văn sĩ Kitô giáo danh tiếng nhất thời tiền Công đồng Nicaea là thánh Irenaeus (130-200), là giám mục Lyons và là người nhiệt thành chống lại thần học gia Valentius (+165) của phái Ngộ giáo. Tác phẩm chính của ngài là Adversus omnes Haereses, được nhiều người biết đến như là tác phẩm “Chống Lạc giáo”. Khi tranh cãi về thuyết nhị nguyên Ngộ giáo của phái Valentius, thánh Irenaeus giải thích và bảo vệ niềm tin Kitô giáo, cho rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Trong đó gồm cả những lời tuyên bố dài, chẳng hạn lời tuyên bố kết án những người tin rằng Đức Giêsu chỉ là một phàm nhân:
Một lần nữa, những ai khẳng định rằng Người (Đức Giêsu) hoàn toàn chỉ là một phàm nhân, được ông Giuse sinh ra, thì vẫn còn là nô lệ cho sự bất phục tùng thuở xưa, còn ở trong sự chết mà chưa được kết hiệp với Lời của Chúa Cha, và cũng không có tự do nhờ Chúa Con… Bây giờ, nếu Người chỉ là một phàm nhân như bao người khác, thì Kinh Thánh sẽ không minh chứng những sự việc của Người. Nhưng, vượt xa trên tất cả mọi người, chính Người được sinh ra cách ưu việt bởi Đấng Tối Cao là Chúa Cha, và như đã thấy thế hệ ưu việt này là xuất phát từ Đức Trinh Nữ. Các Sách thánh đặc biệt minh chứng về Người : một con người tầm thường, chịu đau khổ ; ngồi trên lưng lừa con ; chấp nhận uống giấm chua và mật đắng ; bị khinh khi giữa dân mình, và tự hạ cho đến chết ; Người là Thiên Chúa, là Đấng Tuyệt Diệu, Đấng Trạng sư, là Ánh Huy Hoàng, là Đấng Toàn Năng ; Người sẽ đến trong đám mây như là Đấng Xét Xử tất cả mọi người. Tất cả những điều này đã được Kinh Thánh tiên báo về Người”[37]
Thánh Clement thành Alexandria (150-215) là một thần học gia Hy lạp và là tác giả của một số tác phẩm, trong đó có tác phẩm “Exhortation to the Greeks”. Trong tác phẩm này, ngài dạy rằng “Riêng có mình Người (Đức Giêsu) vừa là Thiên Chúa vừa là con người, và là nguồn phát sinh tất cả những sự thiện hảo của chúng ta”[38] ; ngài cũng tuyên bố rằng : 
“Bên ngoài Đức Giêsu bị khinh khi, nhưng thực chất lại được tôn thờ. Người là Đấng Chuộc Tội, Đấng Cứu Độ, Đấng Trung Gian, là Ngôi Lời Thiên Chúa. Người hoàn toàn là Thiên Chúa thật, được tôn vinh ngang hàng với Chúa tể Vũ trụ bởi vì Người là Con Thiên Chúa”[39]. 
Ông Tertulian (160-225), một đại giáo phụ Châu phi cũng có những nhận xét tương tự. Ngài đã viết rằng “Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng vô tội. Chỉ có một người vô tội là Đức Kitô ; vì Đức Kitô cũng là Thiên Chúa”[40] Trong một tác phẩm khác, ngài bàn đến mối tương quan giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính con người nơi Đức Giêsu Kitô : 
“Các căn nguyên của cả hai bản thể cho thấy Người vừa là con người vừa là Thiên Chúa : theo bản tính Thiên Chúa thì người không được sinh ra, còn theo bản tính con người thì Người được sinh ra”[41] 
Là học giả và thần học gia thành Alexandria, Origen (185-254), người đã viết hàng trăm cuốn sách, tuyên bố quãng năm 225 rằng : 
“Mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Chúa Con đã mặc lấy xác phàm ; và khi trở nên phàm nhân, Người vẫn thuộc về bản tính của Người là Thiên Chúa”[42]
Là văn sĩ cùng thời, thần học gia Hippolytus (170-236) đã nói : 
“Chỉ có Ngôi Lời (của Thiên Chúa) là phát xuất từ chính Thiên Chúa và do đó cũng là Thiên Chúa, và là bản thể của Thiên Chúa.”[43]

Đức Giêsu của phái Ngộ giáo

Một vấn đề nghiêm túc mà tiểu thuyết Da Vinci Code đã bỏ qua là “Tại sao những tác phẩm của phái Ngộ giáo được coi là đáng tin cậy hơn những tác phẩm quy điển, nhất là khi chúng (tác phẩm của Ngộ giáo) được viết sau các tác phẩm Tân ước khoảng từ 50 năm đến 300 năm?” Điều này khiến cho các tác giả, như Brown chẳng hạn – những người có cảm tình với phái Ngộ giáo (hay ít ra là với một vài tư tưởng của phái này) – dễ dàng phê bình các sách Phúc Âm quy điển và nghi ngờ nhiều câu chuyện và những châm ngôn chứa đựng trong đó. Tuy nhiên, nếu không có các Phúc Âm quy điển thì cũng không có Đức Giêsu lịch sử, trình thuật về cuộc đời của Người không có ý nghĩa gì hết, và ý thức đáng kính về những việc Người đã làm sẽ không còn nữa, kể cả cách thức Người đã hành động và tương quan với những người khác.

“Các sách phúc Âm của phái Ngộ giáo” không phải là Phúc Âm theo nghĩa bốn Phúc Âm quy điển có đầy rẫy những trình thuật, những chi tiết cụ thể, những nhân vật lịch sử, hoạt động chính trị, cùng với những chi tiết về đời sống xã hội và tôn giáo. Ngược với sự xác nhận cho rằng “Giáo hội sơ khai quả thực đã trộm xác Đức Giêsu” và đã bao phủ “sứ điệp phàm nhân của Người … bằng một mặt nạ thiên tính không sao hiểu thấu và phái Ngộ giáo đã dựa vào đó để bành trướng sức mạnh của mình” thì Giáo hội ngay từ ban đầu đã nhắm đến khẳng định nhân tính và thiên tính của Đức Kitô và muốn thuật lại cuộc sống trần thế của Người có những thất vọng, đau thương, niềm vui và cả đổ máu nữa. Ông Philip Jenkins viết : 
“Chính Giáo hội Kitô giáo chính thống… đã nhấn mạnh đến việc Kitô giáo đi sâu vào những thực tại lịch sử hơn là những thần thoại ngẫu nhiên được tái tạo trong sự khơi gợi của mỗi nhà hiền triết Ngộ giáo. Giáo hội đang tranh đấu để giành lại tư tưởng về Đức Giêsu là một con người lịch sử đã sống và đã chết trong một nơi chốn và thời gian cụ thể, chứ không phải trong một vùng đất không bao giờ có thời gian tính.”[44]
Đức Giêsu trong các tác phẩm Ngộ giáo hiếm khi được công nhận như là một bác thợ mộc Do thái, một thầy dạy, hay một ngôn sứ cư ngụ ở Palestin vào thế kỷ I. Thật vậy, Người thường được trình bày như là một thụ tạo hão huyền nào đó diễn thuyết rất chi tiết về “khiếm khuyết sự vĩnh viễn,” về “người mẹ,” về “Đấng Kiêu Ngạo,” và “về những kẻ cai trị” – tất cả những hạn từ này chỉ có những người thuộc phái Ngộ giáo hiểu được thôi, do đó mới có đặc điểm ngộ giáo của họ (gnosis = nhận biết những sự bí ẩn). Một khuynh hướng của Ngộ giáo thuyết, được biết đến như là Ảo thân thuyết (Docetism), cho rằng Đức Giêsu bề ngoài chỉ là một con người (tiếng Hy lạp, doceo = “tôi trông có vẻ như”) ; những người gia nhập phái này đều tin thư thế vì họ ghét thân xác và lãnh vực vật chất, là một nét chung giữa những người Ngộ giáo. Khuynh hướng giúp một người Ảo thân thuyết hiểu biết Đức Giêsu – nếu không hẳn là một môn Kitô học được lập ra cho người thuộc phái Ảo thân thuyết – đã có từ thế kỷ I và được nhắc đến trong một vài tác phẩm của thánh Phaolô (thư gửi cho giáo đoàn Colossian và các Thư mục vụ) và của thánh Gioan (x. 1 Ga 4, 2 ; 5, 6 ; 2 Ga 7). Vào thế kỷ II, Ảo thân thuyết đã trở thành một môn thần học được thành lập và xuất hiện trong nhiều tác phẩm Ngộ giáo khác nhau, trong đó có tác phẩm Acts of John, được viết vào cuối thế kỷ II:
Thỉnh thoảng khi tôi cầm giữ ngài, thì tôi gặp phải một thân thể vật chất và rắn chắc. Và những lúc khác, một lần nữa, khi tôi cảm nhận về ngài, thì thực thể không còn là vật chất nữa như thể không có gì tồn tại cả. Và nếu một lúc nào đó một số người Pharisee ra lệnh cho ngài và ngài đã vâng theo, thì chúng tôi cùng đi với ngài. Những người đã ra lệnh cho chúng tôi, họ đặt trước mỗi người chúng tôi một ổ bánh mì và cùng với chúng tôi ngài cũng nhận được một ổ bánh. Và ngài làm phép trên ổ bành của ngài, rồi bẻ ra và chia cho chúng tôi : và mỗi người được no đủ với một ít bánh như thế, còn những ổ bánh của chúng tôi thì được cất đi. Những người đã ra lệnh cho ngài hết sức kinh ngạc. Và thường khi cùng bước đi với ngài, tôi ao ước được thấy dấu chân ngài dù chúng có hiện ra trên mặt đất hay không ; vì tôi đã thấy ngài khi ngài được cất lên khỏi mặt đất ; và tôi không bao giờ còn thấy như vậy nữa”[45]
Nếu lãnh vực vật chất là xấu xa, như nhiều nhóm hay phong trào Ngộ giáo tin như thế, thì tại sao một hữu thể như Đức Kitô lại không có gì liên quan đến lãnh vực vật chất? Và tại sao lúc nào chúng ta cũng đề cập đến lịch sử và đời sống thường ngày của một con người tầm thường như thế? Đức Giêsu của phái Ngộ giáo không liên hệ gì đến những sự kiện trần thế có tính lịch sử này. Ông Ronald Nash viết : 
“Vào thế kỷ II, Ngộ giáo thuyết, qua vị Tổ phụ, trình bày rằng Đức Kitô đã sống trong một thời đại xa xưa, hoặc là một trong những hữu thể trung gian, đã giáng trần để cứu chuộc con người. Đức Kitô đã đến thế gian không phải để chụi đau khổ và chịu chết, nhưng là để giải thoát tia sáng thần linh bị giam hãm trong vật chất. Đức Giêsu của phái Ngộ giáo không phải là Đấng Cứu Độ ; ngài chỉ là đấng giải thoát thôi”[46]
Ngộ giáo có chọn lựa, hạn chế, và bí truyền, chỉ mở ra cho một ít người. Trái lại, Kitô giáo bao quát, mở rộng cho tất cả mọi người, công khai mở ra cho những ai chấp nhận những chân lý Đức tin (the beliefs of the Faith) mà Đức Giêsu truyền lại và đi vào mối tương quan trao ban sự sống với Người. Đức Giêsu trong các Phúc âm quy điển là một con người sinh động bằng xương bằng thịt ; Người cũng đói, cũng khóc, cũng ăn uống như một con người bình thường và cũng chết. Đức Giêsu của các tác phẩm Ngộ giáo là một con người hão huyền, là một tinh thần lúc thì cư ngụ trong một thân xác lúc khác lại không, và là một người trò chuyện theo những kiểu cách mà rất ít người hiểu nổi. Một lần nữa, tiểu thuyết Da Vinci Code có những điểm lạc hậu.

Những xác quyết của cuốn tiểu thuyết này về Đức Giêsu và về các môn đệ của Người không gây rắc rối là bao. Nếu các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu không bao giờ tin Người là Thiên Chúa (và do đó không bao giờ Người có thể chỗi dậy từ cõi chết), thì tại sao có rất nhiều người trong số họ lại sẵn lòng chết như những vị tử đạo? Phải chăng có lý để tin rằng hàng ngàn người đã đối diện với cái chết bởi sư tử cắn xé, bởi gương đao, và bị thiêu cháy vì một “ngôn sứ phàm trần” đã chết sao? Và tại sao những môn đệ này, những người thật sự bối rối và mất trí khi Đức Giêsu bị đem đi xử tử, mà một vài tuần sau đó lại nổi lên và bắt đầu công bố niềm tin vào vị lãnh đạo đã chết của họ một cách táo bạo? Nếu Đức Giêsu vẫn còn ở trong mồ, nơi đã đặt xác Người, thì phải chăng các nhà cầm quyền không thể đưa xác Người ra cho dân chúng xem, và sẽ dứt khoát ngăn chặn tất cả những lời giảng táo bạo của các Kitô hữu đột nhiên vững tin như thế?

Vấn đề thật đơn giản, nếu Đức Giêsu chỉ là một phàm nhân và không được coi là một thứ gì khác hơn cho mãi đến thế kỷ thứ IV, thì Kitô giáo không còn ý nghĩa gì nữa và nó không thể tồn tại. Sử gia Paul Jonhson viết rằng : 
“Để lý giải cho Kitô giáo, chúng ta phải mặc nhiên chấp nhận một Đức Kitô phi thường đã làm những việc vĩ đại. Chúng ta phải suy nghĩ lại từ một hiện tượng chung tới tác nhân của nó. Cả đàn ông lẫn đàn bà đã bắt đầu xôn xao và cuống cuồng rao giảng về Phúc Âm của Đức Giêsu bởi vì họ tin rằng Người đã trở lại với họ từ cõi chết và ban cho họ sức mạnh và quyền uy để đi rao giảng.”[47]
Một giả định ngấm ngầm phía sau những lời phê bình của Teabing và Langdon, cho rằng các Kitô hữu – dù thuộc các thế kỷ thứ I, thứ IV, hay XXI – đều là những kẻ thiếu suy xét, chỉ biết tin vào những điều các lãnh đạo của mình nói. Như vậy, hoàng đế Constantine đã sùng bái một con người mà không ai nghĩ rằng đó là Thiên Chúa và chẳng có Kitô hữu nào băn khoăn về chuyện đó. Và vì thế, những Kitô hữu này, những người thường chịu đau khổ và chịu chết vì niềm tin của mình, bây giờ lại sẵn lòng chấp nhận một sự thay đổi tận căn, thay đổi hàng loạt về giáo lý một cách nhanh chóng sao? Giả định này không những không thể chấp nhận như là một điều hợp lý, mà nó còn trái ngược với lịch sử và sự kiện nữa.

Thời thơ ấu và cuộc trở lại của hoàng đế Constantine

Trong bài diễn thuyết dài cho Sophie của Teabing và Langdon, có vài lời phê bình về hoàng đế Roma là Đại đế Constantine (+337). Hầu hết những xác nhận này, nếu không muốn nói là tất cả, được trích dẫn trực tiếp từ tác phẩm Holy Blood, Holy Grail[48] ; trong một số trường hợp, các cách diễn đạt và trật tự ý tưởng được sử dùng là đồng nhất.

Nhiều xác nhận về Constantine hoặc là sai lạc hoặc là chỉ đúng một nửa đều dựa trên sự phỏng đoán và tài liệu được rút ra từ ngữ cảnh. Cuộc tranh luận tiếp tục cho đến hôm nay vẫn còn nghiên cứu về Constantine, về những niềm tin đúng đắn của ông, về mối tương quan của ông với Giáo hội Công giáo, và về ảnh hưởng của ông đối với Kitô giáo. Hầu hết các sử gia công nhận rằng ông là một con người phức tạp, một hoàng đế có quyền lực và đôi khi còn dã man nữa (ông đã xử tử một người vợ và một người con trai trong những hoàn cảnh bí ẩn). Niềm say mê của ông đối với Kitô giáo được thấy rõ thì không phải lúc nào cũng được hướng dẫn bởi sự hiểu biết về thần học hay sự khôn ngoan của kẻ sùng đạo. Cũng không còn nghi ngờ rằng lịch sử Kitô giáo chịu ảnh hưởng của hoàng đế Constantine.

Niềm say mê tôn giáo của hoàng đế Constantine phần nào dựa trên “trực giác chính trị, cho rằng sự hiệp nhất của đế quốc được ông phục hồi chỉ có thể được duy trì với sự trợ giúp của một Giáo hội hiệp nhất trong niềm tin và quản trị, đồng thời phụ thuộc vào nhà nước”[49] Tuy nhiên, sẽ không còn đúng khi phác họa Constantine hoàn toàn như là một vị lãnh đạo biết tính toán chỉ sử dụng Giáo hội cho các mục đích chính trị. Sử gia Hugo Rahner viết rằng : “Những động cơ tôn giáo thật sự đằng sau những nỗ lực của Constantine nhằm đạt được sự kiểm soát Giáo hội hiệu quả đã ngấm ngầm thêm. Những động cơ này có thể được rút gọn vào một đề tài. Thậm chí trước khi ông có liên hệ với Giáo hội, Constantine đã bị chiếm hữu bởi sự xác tín tôn giáo mê tín được thể hiện trong phụng tự mới dành riêng thờ thần mặt trời bất diệt, trong việc tôn thờ Thiên tính siêu việt do ảnh hưởng của thuyết Khắc kỷ và thuyết Platon, và trong một cảm thức mập mờ cho rằng ‘Đấng Quan Phòng’ đã trao cho ông sứ mạng : là sự tiên báo và là dụng cụ diệu kỳ”[50]

Năm 313, Constantine và người bạn là hoàng đế Licinius đã ra chiếu chỉ Milan (Edict of Milan) công nhận Kitô giáo như là một tôn giáo hợp pháp. Chiếu chỉ tuyên bố rằng : “Các Kitô hữu và tất cả những người khác được tự do theo tôn giáo nào mà mình ưa chuộng ; để Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời có thể tốt lành với chúng tôi và với tất cả những ai thuộc quyền cai trị của chúng tôi … Hơn nữa, vì liên quan đến các Kitô hữu, trước đây chúng tôi đã ban lệnh phải tôn trọng các nơi dành riêng cho việc thờ phượng của họ. Bây giờ chúng tôi muốn tất cả những ai đã mua những nơi dành riêng cho việc thờ phượng nên trao lại cho các Kitô hữu mà không được đòi tiền bồi hoàn.”[51] Ông Paul Johnson viết : “Chiếu chỉ này là một trong những sự kiện quyết định trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, câu chuyện đàng sau nó còn phức tạp và còn nhiều bí ẩn”[52]

Có thể các sử gia sẽ không bao giờ biết chắc chắn những gì đã xảy ra trong Cuộc chiến Milvia Bridge vào năm 312, ở đó “một dấu chỉ lạ lùng nhất đã xuất hiện (cho Constantine) trên bầu trời”[53] Khi nhìn thấy thánh giá Chúa Kitô trên bầu trời, Constantine đã trải qua một cuộc hoán đổi. Nhưng, như Johnson ghi chú : “Có một cuộc xung đột về chứng cứ thời gian chính xác, nơi chốn và những chi tiết của thị kiến này, đồng thời có một vài nghi ngờ về tầm quan trọng của việc Constantine thay đổi tư tưởng. Cha ông đã từng ủng hộ Kitô giáo. Hình như chính ông (hoàng đế Constantine) đã từng là một người thờ thần mặt trời, một trong những phụng tự ngoại giáo lâu đời được tuân giữ cùng với các Kitô hữu”[54] Ở đây, Johnson phần nào nói đến sự kiện các Kitô hữu cử hành phụng vụ ngày Chúa nhật hàng tuần, là ngày thứ nhất trong tuần, kể từ thời thánh Phaolô và các tông đồ khác. Ngày Chúa nhật cũng là ngày lễ Sol Invictus (thờ thần Mặt trời bất diệt), phụng tự thờ thần mặt trời của dân ngoại xuất hiện ở thế giới Roma quãng giữa thế kỷ II và được hoàng đế Aurelian (270 – 275 sau CN) ủng hộ mạnh mẽ[55] Cũng nên chú ý rằng tôn giáo chính thức của Roma không thờ thần mặt trời. “Tôn giáo chính thức của Roma” - theo như Tiến sĩ Margaret Mitchell, Phó Giáo sư nghiên cứu Tân ước và văn chương Kitô giáo thời sơ khai thuộc khoa Thần học tại Đại học Chicago - tuyên bố, “là thờ nữ thần Roma, các hoàng đế được sùng bái của nữ thần và ba vị thần ở đồi Capitoline là Jupite, Juno và Minerva.”

Trong tiểu thuyết Da Vinci Code, sử gia Teabing tuyên bố rằng Constantine “là một người ngoại giáo lâu năm, đã chịu Phép rửa khi sắp qua đời thì không có sức thuyết phục lắm.” Ông xác nhận tôn giáo chính thức thời Constantine là “thờ thần mặt trời – Sol Invictus, thần Mặt trời Bất diệt – và Constantine là tư tế đứng đầu.” Ông còn cho biết, vào năm 325, Constantine “đã quyết định hiệp nhất Roma dưới một tôn giáo đơn nhất. Đó là Kitô giáo”[56]

Đây là một sự pha trộn cả sự thật và sai lầm mà hầu hết được lấy ra từ tác phẩm Holy Blood, Holy Grail[57], mặc dù trình thuật trong cuốn sách này chính xác hơn những gì đã tìm thấy trong tiểu thuyết của Brown. Bằng chứng tồn tại cho thấy Constantine đã trở thành một Kitô hữu tín thành, ngoan đạo và đã từ bỏ việc tôn thờ các thần ngoại trước đây của mình. Tuy nhiên, cũng có bằng chứng cho rằng ông đã phấn đấu để hoà hợp sự quyến luyến phụng tự Sol Invictus với niềm tin bản thân vào Thiên Chúa của các Kitô hữu. Lý do một phần vì vị trí của ông là một hoàng đế, còn thực tế phần đông dân chúng là người ngoại, và có thể quyết định của ông muốn là người cai trị trước khi trở thành một Kitô hữu.

Thật quá đơn giản khi nghĩ rằng Constantine có thể chỉ trục lợi từ việc trở thành một Kitô hữu và công khai ủng hộ Giáo hội. Ông A.H.M. Jonnes tuyên bố trong tác phẩm Constantine and the Conversion of Europe : “Các Kitô hữu là một phần rất nhỏ và đa số họ thuộc các tầng lớp trong dân chúng ít có ảnh hưởng về mặt chính trị và xã hội, là tầng lớp trung lưu và hạ lưu trong các thành phố. Tầng lớp quý tộc của Roma hầu hết là người ngoại đạo ; mức độ dịch vụ dân sự cao cấp lại chủ yếu thuộc về dân ngoại ; và trên hết là các sĩ quan quân đội và đàn ông phần lớn cũng là dân ngoại. Các Kitô hữu khó mà đạt tới thiện chí của mình và vì thế họ chỉ đáng nhận được lòng khoan dung mà thôi”[58]

Từ Ngoại giáo đến Kitô giáo

Việc hoàng đế Constantine chuyển từ ngoại giáo sang Kitô giáo không phải là tức thời hay lúc nào cũng chắc chắn cả. Nhưng trải qua tiến trình nhiều năm, ông càng lúc càng ủng hộ Giáo hội và thi hành luật lệ chống lại việc hành đạo và hoạt động của ngoại giáo. Một số học giả đồng ý rằng sự cách biệt giữa tính độc thần của Kitô giáo và việc tôn thờ Sol Invictus không còn lớn như lúc đầu. Việc tôn thờ Sol Invictus không phải là thờ đa thần hay thậm chí là thờ phiếm thần, nhưng là thờ độc thần ; đó là việc tôn thờ thần linh, đấng cai trị cả hoàn vũ, biểu tượng của ngài là mặt trời ; một biểu tượng, trong đó thần linh đặc biệt tự mạc khải chính mình theo một cách thức nào đó … Toàn bộ phụng tự thấm đượm tư tưởng chế độ quân chủ do thần linh cai trị. Hơn nữa, phụng tự đó còn hoà hợp với một tôn giáo triết lý đang dần phát triển đạt đến đỉnh cao của việc quản trị suốt thế kỷ IV, đó là đạo tôn thờ Sumus Deus – Thiên Chúa là đấng tối cao”[59]

Đối với hoàng đế Constantine – một con người không quan tâm nhiều đến tính chính xác của thần học – có thể có ít, nếu không muốn nói là không có, phân biệt giữa những khái niệm Thiên Chúa của ngoại giáo và của Kitô giáo (mặc dù ông công nhận rõ ràng những khác biệt giữa việc tôn thờ và luân lý). Sử gia Henry Chadwick viết : 
“Sự chuyển tiếp từ độc thần thờ mặt trời (một hình thức phổ biến nhất của ngoại giáo thời bấy giờ) sang Kitô giáo thì không có gì khó khăn. Trong lời tiên báo thời Cựu Ước, Đức Kitô được gọi là ‘mặt trời công chính’ (Ml 4,2). Thánh Clement thành Alexandria nói về Đức Kitô là Đấng cưỡi chiến xa bay qua bầu trời giống như thần Mặt trời. … Tertulian nói rằng nhiều người ngoại giáo nghĩ là các Kitô hữu thờ mặt trời bởi vì họ gặp nhau vào các ngày Chúa nhật và hướng về phía Đông mà cầu nguyện”[60]
Tiểu thuyết Da Vinci Code muốn nói rằng Constantine chịu phép rửa là trái với những ước muốn của ông. Thực tế thì vị Hoàng đế này đã ao ước được chịu phép rửa trong dòng nước Sông Jordan, nơi Đức Giêsu đã chịu thanh tẩy, nhưng điều đó không xảy ra. Chẳng bao lâu, sau lễ Phục sinh năm 337, ông đã triệu tập một số giám mục, rồi cởi bỏ áo choàng màu tía của mình, và mặc áo choàng màu trắng của một tân tòng, sau đó được chịu phép rửa bởi Eusebius, giám mục Nicomedia[61]. Vài ngày sau, ông qua đời. Đối với các Kitô hữu, thường họ hoãn chịu phép rửa cho đến khi sắp qua đời. Sau khi chịu phép rửa, những tội trọng đã phạm đòi phải có lòng ăn năn thật sự, vì thế một số người cho rằng để an toàn hơn thì đợi cho đến khi gần qua đời mới chịu phép rửa.[62] Việc chịu phép rửa theo kiểu này thích hợp trong hoàn cảnh của Constantine vì ông đã hiểu rõ rằng nhiều hành động của ông bị Giáo hội coi là có tội trọng : 
“Việc trì hoãn chịu phép rửa cho đến lúc sắp qua đời lúc bấy giờ rất phổ biến (và kéo dài đến khoảng năm 400), nhất là với những ai, chẳng hạn viên chức, có liên quan đến việc tra tấn và xử tử các tội phạm. Một phần lý do trì hoãn hệ tại tính nghiêm trọng mà những trách nhiệm được đi kèm theo”[63]
Constantine đã nhận thấy Kitô giáo là một sức mạnh hiệp nhất và ông còn nhận xét chính xác rằng Kitô giáo, không phải là ngoại giáo, có nền tảng luân lý và nhãn quan thần học biến đổi xã hội nên tốt hơn. Ông không phải là một vị thánh, nhưng ông không có chọn lựa nào mà lại không liên hệ đến sự thiện luân lý, như tiểu thuyết Da Vinci Code phác họa về ông. William Durant, hầu như không có thiện cảm với Giáo hội, viết : 
“Ông theo Kitô giáo, khởi sự bằng chính trị, để từng bước đi đến xác tín chân thành. Ông trở thành nhà giảng thuyết kiên bền nhất trong vương quốc của mình, trung thành bắt hại các lạc giáo, và từng bước đi vào tương quan gần gũi với Thiên Chúa. Khôn ngoan hơn Diocletian, ông đã đem lại một sức sống mới cho Đế quốc đang già cỗi bằng cách liên kết nó với một tôn giáo non trẻ, một tổ chức đầy sinh lực, một nền luân lý trong sáng”[64] 
Constantine suốt đời không phải là một người ngoại giáo hay một kẻ vận động ích kỷ. Tiến sĩ Mitchell nói rằng : “(Dan) Brown đã biến ông thành một tên lừa đảo giễu cợt. Việc hoàng đế Consatntine có những động cơ “chính trị”[65] không phải là tin tức cho mọi người ! Vấn đề là làm sao tôn giáo và chính trị (vốn không thể tách rời trong thế giới cổ thời) đều có liên quan đến ông.”

Nguồn gốc ngoại giáo hay thần thoại hiện đại?

Theo Teabing, Giáo hội cho phép Constantine gạt bỏ những biểu tượng ngoại giáo và tạo ra một “tôn giáo lai căng”. Còn theo Langton, Giáo hội không bao giờ xem xét một sự nhượng bộ như thế, nhưng bằng vũ lực tìm cách loại trừ tất cả những vết tích của việc tôn thờ và niềm tin ngoại giáo. Vậy phải nói thế nào? Sự mù mờ của Brown có thể là do nghiên cứu không có hệ thống, hoặc muốn có những điều tốt nhất trong cả hai thế giới : muốn tố cáo Giáo hội vì vi phạm thoả hiệp và chỉ trích Giáo hội là bất khoan dung.

Không có lý do nào để đánh giá mối tương quan gay go và phức tạp giữa Kitô giáo với nhiều ngoại giáo khác nhau tồn tại vào thế kỷ III và IV. Có một điều rõ ràng là các Kitô hữu thời sơ khai đã chứng minh rằng họ không sẵn lòng thoả hiệp với ngoại giáo và tại sao nhiều người trong số họ bị bách hại, bị giết bởi người Roma vào những thời gian khác nhau trong ba thế kỷ đầu lịch sử Giáo hội. Tại sao ngay từ những năm đầu dưới thời hoàng đế Diocletian, các Kitô hữu chịu đau khổ vì từ khước việc chối bỏ niềm tin duy nhất về Thiên Chúa, về Đức Giêsu, và về ơn cứu độ, nhưng sẵn lòng thoả thuận với những người có cùng niềm tin như mình mà không có lấy một lời than khóc?

Brown theo lý chứng đang thịnh hành vào cuối thế kỷ 19 mà phái hoài nghi đã triển khai để cố gắng làm suy yếu những xác nhận lịch sử của Kitô giáo. Nhưng lý chứng này đã mất uy tín trước đây đã lâu. Như Ronald Nash giải thích : 
“Suốt thời đại kéo dài từ năm 1890 đến năm 1940, các học giả thường khẳng định rằng Kitô giáo thời sơ khai chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thuyết Platon, thuyết khắc kỷ, những tôn giáo huyền bí ngoại giáo, hay những phong trào khác trong thế giới Hy lạp cổ đại.” Nhiều sách và tài liệu nghiên cứu được viết ra để bài bác những xác nhận này và đến bây giờ, Nash chú ý rằng : “Hầu hết các học giả Kinh thánh” xem vấn đề này như là một vấn đề đã xong.”[66]
Tiếp đến, việc diễn tả một “tôn giáo lai căng” pha trộn những yếu tố Kitô giáo và ngoại giáo là một sự diễn tả hết sức sai trái. Sai trái về cách thức các Kitô hữu lấy một vài biểu tượng và ngày lễ, rồi Kitô hóa chúng bằng cách thanh tẩy những yếu tố không tương hợp với những giáo lý và hành đạo của mình, nhưng giữ lại những gì có thể được dùng vào mục đích tốt đẹp. Nó mô tả sai những nguồn gốc hiện tại của đức tin Kitô giáo, chẳng hạn việc sinh bởi Trinh nữ, thần tính nơi Đức Kitô, cuộc Thương khó và Phục sinh. Những niền tin này đã nằm sâu trong những tuyên bố của lịch sử, không phải là từ những câu chuyện thần thoại. Và hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, đã có trước khi những tư tuởng ngoại giáo này xuất hiện, nhìn bề ngoài thì có những đặc điểm tương đồng.

Tiểu thuyết Da Vinci Code đưa ra một vài quy tắc chuẩn – nhiều quy tắc gần như được lấy nguyên văn từ tác phẩm Holy Blood, Holy Grail (x. tr. 367-368) - về cách thức mà mọi điều trong Kitô giáo được lấy ra từ những nguồn ngoại giáo. Langdon đề cập đến “sự biến hóa khôn lường” và khẳng định rằng : “Những vết tích tôn giáo ngoại giáo trong nghệ thuật biểu tượng Kitô giáo là không thể phủ nhận.” Ông tuyên bố:
“Những cái đĩa hình mặt trời Ai cập đã trở thành hào quang của các thánh Công giáo. Những kiểu hình ảnh nữ thần Isis đang nâng nui con trai Horus mà bà đã thụ thai cách kỳ lạ đã trở thành bản thiết kế cho những hình ảnh hiện đại của chúng ta về đức Trinh nữ Maria nâng nui Hài nhi Giêsu. Và hầu như tất cả các yếu tố trong nghi lễ Kitô giáo – mũ lễ, bàn thờ, vinh tụng ca, và hiệp lễ – hành vi ‘ăn Thiên Chúa’ - đều được lấy trực tiếp từ những tôn giáo huyền bí ngoại giáo thời sơ khai”[67]
Teabing còn thêm : “Không có cái gì trong Kitô giáo là đặc sắc cả” và khẳng định rằng thần Mithras tiền Kitô giáo cổ đại là gợi hứng cho nhiều chi tiết xung quanh con người và cuộc đời Đức Giêsu : những tước hiệu “Con Thiên Chúa” và “Ánh sáng Thế gian”, sinh nhật ngày 25/12, sự chết, sự an táng trong mồ đá, và sự phục sinh ba ngày sau đó. Sử gia nhận xét : 
“Ngày 25/12 cũng là ngày sinh nhật của các thần Orisis, Adonis, và Dionysus. Thần Krishna mới sinh được tiến dâng vàng, nhũ hương và mộc dược. Ngay cả ngày Chúa nhật hằng tuần của Kitô giáo cũng lấy cắp từ những người ngoại giáo”[68]
Có nhiều vấn đề trong những lời tuyên bố này. Các Kiô hữu không những không vay mượn hệ tư tưởng hay thần học, mà còn có ít hay chẳng có chứng cớ nào cho thấy hầu hết các tôn giáo huyền bí ngoại giáo, chẳng hạn việc thờ thần Isis và Orisis của người Ai cập hay việc thờ thần Mithras, đã tồn tại trước nửa đầu thế kỷ I dưới những hình thức đã được tiểu thuyết Da Vinci Code và tác phẩm Holy Blood, Holy Grail mô tả. Đây là một điểm quan trọng, vì nhiều chứng cứ tồn tại đều cho thấy niềm tin và hành đạo của một vài tôn giáo huyền bí ngoại giáo vào thế kỷ III, IV đã đọc lại niềm tin của các Kitô hữu thế kỷ I, nhưng không ủng hộ cho một hành vi có cơ sơ ấy. Ronald Nash, trong cuốn The Gospel and the Greeks, bắt bẻ chi tiết về những xác nhận trên đây, ông giải thích rằng những phương pháp được sử dụng để đạt đến sự nối kết giữa ngoại giáo và Kitô giáo càng tùy tiện bao nhiêu, thì càng có khuynh hướng tồi tệ bấy nhiêu:
“Không phải mãi đến thế kỷ III, chúng tôi mới tìm thấy đầy đủ tài liệu gốc (tức là những thông tin về các tôn giáo huyền bí từ các tác phẩm đương thời) cho phép tái thiết tương đối hoàn chỉnh về nội dung của chúng. Rất nhiều văn sĩ cũng sử dụng tài liệu gốc này (sau năm 200) để hình thành những tái thiết kinh nghiệm huyền bí thuộc thế kỷ III, rồi sau đó không đưa ra lý do phê bình những điều mà họ nghĩ là bản chất đầu tiên những nền phượng tự đó. Việc thực hành này hiếm khi là một việc nghiên cứu tồi tệ, nó không thể đứng vững nếu không có sự thách đố. Thông tin về một nền phụng tự đã có từ hàng trăm năm sau khi hoàn tất quy điển Tân ước không phải là đọc lại từ những điều được phỏng đoán là tình trạng nền phụng tự suốt thế kỷ I. Vấn đề chính yếu đặt ra không phải là xem điều gì chi phối những tôn giáo huyền bí có thể đã có trong những khu vực thuộc Kitô giáo sau thế kỷ IV, nhưng là điều gì làm cho những tôn giáo huyền bí nổi bật lên có thể đã có trong Tân ước ở thế kỷ đầu tiên.”[69]
Trả lời cho vấn đề thứ hai này hoàn toàn là “không thể”. Thật vậy, có chứng cứ vững chắc cho rằng nhiều tôn giáo huyền bí ngoại giáo có thể đã lấy những yếu tố của niềm tin Kitô giáo ở các thế kỷ II, III và sử dụng như của riêng mình, nhất là khi Kitô giáo đang có sức thu hút và tiếp tục tăng triển mạnh. Sử gia về Giáo hội sơ khai là Bruce Metzger viết : “Không thể chấp nhận rằng những tôn giáo huyền bí luôn luôn chi phối Kitô giáo mà không lại không có một sự phê bình nào, vì điều đó không những khả thi, mà trong một vài trường hợp sự chi phối đó còn có thể chuyển sang hướng ngược lại.”[70] Việc nhiều tác giả thậm chí không xem xét sự hiện hữu của một con đường hai chiều cho thấy họ ít quan tâm đến sự thật mà chỉ công kích Kitô giáo bằng bất kỳ cách thức nào có thể.

Phần đông các học giả, trong đó có Nash, E.O. James, Bruce Metzger, Gter Wagner (Pauline Baptism and the Pagan Mysteries) và Hugo Rahner (Greek Myths and Christian Mystery) đều cặn kẽ chỉ ra rằng những tôn giáo huyền bí ngoại giáo hoàn toàn khác với Kitô giáo trong những phương diện quan trọng. Những tôn giáo này dựa trên chu trình thực vật hàng năm ; nhấn mạnh đến tri thức bí truyền (được ẩn dấu), trạng thái xuất thần qua cảm xúc để thấu hiểu giáo lý và tín điều, đồng thời mục tiêu tập trung của họ là kinh nghiệm thần bí. Các tôn giáo này cũng rất dung hoà, lấy các yếu tố từ những phong trào ngoại giáo khác và bỏ qua những niềm tin ít liên quan tới một giáo huấn chính thức hay hệ thống tín ngưỡng nào – nó hoàn toàn trái ngược với truyền thống các tông đồ được các Kitô hữu gìn giữ hết sức quyết liệt.[71] Có lẽ điều quan trọng nhất là có một sự đối chọi rõ rệt giữa đặc tính thần thoại của những tôn giáo huyền bí ngoại giáo với đặc tính lịch sử của các Phúc âm và các tác phẩm Tân ước. Ông Metzger viết trong bài nghiên cứu cổ điển của ông Historical and Literary Studies : Pagan, Jewish, and Christian : 
“Thực ra, sự khác biệt sâu xa nhất giữa Kitô giáo và các tôn giáo huyền bí hệ tại nền tảng lịch sử của Kitô giáo và đặc tính thần thoại của các tôn giáo huyền bí ngoại giáo. Không giống với các thần trong các tôn giáo huyền bí, vốn là những nhân vật mù mờ, trong một quá khứ ảo tưởng, thì Hữu Thể Thiên Chúa mà Kitô hữu tôn thờ như là Thiên Chúa, được biết đến như là một Con người thật sự đã sống trên trần thế chỉ trong một thời gian ngắn trước khi các tài liệu đầu tiên của Tân Ước được viết ra. Ngay từ đầu, tín biểu của Kitô hữu đã khẳng định rằng Đức Giêsu ‘chịu đóng đinh dưới thời quan Pontius Pilate.’ Đàng khác, ông Plutarch nghĩ rằng cần thiết để cảnh báo cho nữ tư tế Clea chống lại những ai tin rằng ‘những câu chuyện này (có liên quan đến thần Isis và Osiris) thực sự đã xảy ra theo cách thức mà chúng liên hệ tới.’”[72]
Với ý nghĩa đó, thì đây là một sự khảo sát vắn gọn về một vài tôn giáo huyền bí ngoại giáo mà tiểu thuyết Da Vinci Code khẳng định rằng, vào thế kỷ IV, Constantine và Giáo hội đã vay mượn hoặc lấy cắp những niềm tin trọng yếu từ đó.

Bước vào mê cung đạo Mithras

Tôn giáo ngoại giáo Mithras là một trong những tôn giáo huyền bí cổ đại quan trọng nhất. Mặc dù có nhiều học giả tranh luận về những nguồn gốc chính xác của tôn giáo Mithras, nhưng nói chung, người ta đồng ý là Mithras bắt nguồn từ một vị thần Ba tư, được mô tả như là một vị thần trông coi gia súc. Ngay từ đầu, đạo Mithras không được du nhập vào Tây phương và thế giới Địa Trung Hải cho mãi đến thế kỷ I. Tại đó, đạo Mithras “nổi bật như là một trong những hỗn hợp của các tôn giáo đáng chú ý nhất thời cổ đại : trong bốn thề kỷ đầu của kỷ nguyên Kitô giáo, nó đã bành trướng qua thế giới Roma, và trở thành một tôn giáo nổi bật của các quân đoàn Roma và của một số hoàng đế Roma.”[73] Đạo Mithras, cùng thời với Kitô giáo, chỉ được dành cho nam giới - nó thường được diễn tả như là một loại của Hội tam điểm Roma.”[74] Vào đầu thế kỷ thứ ba, hình thái này đã đưa đạo Mithras đạt đến tình trạng Sol Invictus (thờ thần Mặt Trời). Trong khi các học giả phân biệt giữa đạo Mithras của người Iran thuở đầu và đạo Mithras của người Roma sau này, thì những nỗ lực nối kết đạo Mithras với Đức Giêsu thường không đạt được.

Sự thất bại (dù có chủ ý hay không) trong việc phân biệt đạo Mithras của người Iran và của người Roma dẫn đến việc những niềm tin sau phải đọc lại niềm tin trước, một dạng thức của đạo Mithras tiền Kitô giáo. Nhưng những niềm tin và việc hành đạo Mithras mà Kitô giáo bị tố cáo là đã lấy cắp, không thịnh hành mãi đến gần cuối thế kỷ I, quá trễ so với việc hình thành các sách Phúc âm và sự mô tả của họ về Đức Giêsu. Mặc dù có nhiều lý thuyết về cách thức đạo Mithras di chuyển từ Ba tư đến Roma và cách thức nó thay đổi trong tiến trình di chuyển đó, nhưng chứng cứ tự nhiên cho thấy rằng “sự phát triển của đạo Mithras (ở Roma) đã diễn ra sau khi hoàn thành quy điển Tân ước, thì quá trễ để nó chi phối những điều diễn ra trong Tân ước. Hơn nữa, không có những công trình kiến trúc lớn cho việc phụng tự nào có thể được xác định là sớm hơn năm 90-100, và thậm chí việc xác định thời gian này đòi chúng ta phải đưa ra một vài giả định hết sức rộng rãi.”[75] David Ulansey, là tác giả cuốn The Origins of the Mithraic Myteries, chứng minh sự đánh giá của Nash : “Vết tích nền phụng tự đầu tiên của đạo Mithras có từ khoảng cuối thế kỷ I và đạo này đã đạt đến đỉnh cao về dân số vào thế kỷ III.”[76]

Đạo Mithras có tính hỗn hợp cao, thu hút và vay mượn có chọn lọc một loạt các niềm tin và tư tưởng tôn giáo. Lúc này, nó trở nên phổ biến trong Đế quốc Roma, và thay đổi từ một tôn giáo công khai cho nhiều người thành một tôn giáo huyền bí cho một ít người được chọn. Stoyanov viết : 
“Rốt cuộc thì hình thức mới lạ và hỗn hợp của đạo Mithras, vốn đã phát triển và lan tràn rộng khắp thế giới Roma, gần như là một tôn giáo huyền bí mới, trong đó điểm cốt lõi của Iran-Babylon cổ thời dường như bị thay đổi, được sắp xếp lại thành một khuôn mẫu Hy-La mang màu sắc hiểu biết chiêm tinh và lối suy luận Platon.”[77]
Có nhiều khác biệt lớn giữa thần thoại Mithras và các trình thuật Phúc Âm về cuộc đời Đức Giêsu. Trong một số trình thuật, thần Mithras được “sinh ra” bằng cách vọt ra từ một tảng đá giống như một thứ gì đó ẩn chứa năng lực ma thuật. Ngài được mô tả là một người trần truồng, đội chiếc nón Phrygia, cầm dao găm và đuốc trong tay được giơ cao.[78] Trong các truyền thuyết của Ba tư, ngài được sinh ra từ một trinh nữ, tên là Anahita (ngày xưa được tôn thờ như một vị thần sinh sản), khi bà bơi trong hồ Hamun, tỉnh Sistan, nước Ba tư mà ở đó hơn bốn trăm năm trước thần Lửa (Zoroaster) đã để lại tinh dịch của mình. Các Kitô hữu tin Đức Giêsu được sinh ra từ một trinh nữ Do thái, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

Kỳ công chính yếu trong cuộc đời trần thế của thần Mithras là bắt giữ và giết chết một con bò mộng bị đánh cắp theo lệnh của thần Apollo, một vị thần biểu trưng cho mùa xuân hàng năm hồi sinh sự sống. Trong khi thần Mithras đang chinh phục con bò mộng, thì những con vật khác cũng lao vào cuộc ẩu đả này. Sau khi hoàn thành trách nhiệm được giao, ngài và thần Apollo có sự bất hoà, nhưng dần dần đã hoà giải và dùng tiệc chung với nhau.[79] Những công trình chính yếu của Đức Giêsu trên trần gian là sự chết và sự phục sinh của Người. Các Kitô hữu tin rằng những sự kiện lịch sử đó đã xảy ra vào thế kỷ I tại Palestine, chứ không phải tại một cõi âm phủ huyền bí mờ ảo nào cả. Những khác biệt chính khác kể cả thuyết nhị nguyên giống Ngộ giáo của hệ thống tín ngưỡng đạo Mithras và một niềm tin cho rằng linh hồn con người đã từ quê trời rơi xuống và bây giờ phải leo lên đó, sau một thời gian chịu thử thách ở trần thế, nay trở về trời.

Đạo Mithras, xét về nguồn gốc, không có một khái niệm nào về một vị thần đã chết và rồi được phục sinh.[80] Mặc dù đã có những xác nhận trong tiểu thuyết Da Vinci Code, nhưng không hề thấy một trình thuật cổ xưa nào về việc thần Mithras đã chết và được an táng “trong một ngôi mộ đá, rồi sau ba ngày được phục sinh.”[81] Hình như những xác nhận đó được trích dẫn (trực tiếp hoặc từ một nguồn tái bản lần hai) trong tác phẩm The World’s Sixteen Cruccified Saviors (1875) của tác giả Kersey Grave. Đây là một tác phẩm viết về cách tranh luận mang lớp vỏ nghiên cứu và chống Kitô giáo hết sức dở đến độ những người theo thuyết vô thần và thuyết bất khả tri đều chối bỏ. Graves viết rằng một số thần ngoại giáo, kể cả “‘thần Mithra, Đấng Trung Gian của người Ba tư, theo lịch sử của mỗi vị, đã chỗi dậy từ cõi chết sau khi ba ngày an táng”[82] Tuy nhiên, Graves không đưa ra một tài liệu minh chứng nào (một cách thức mà ông vẫn thường làm). E.O. James, giáo sư sử học và triết học tôn giáo tại đại học London, nhắc đến một tác phẩm cổ thời của ông Pseudo-Dionysus khi ông chú ý rằng “ngược với các thần huyền bí của Đông phương và Hy lạp, vị thần cứu độ (Mithras) của người Ba tư, chính ngài đã không trải qua cái chết để đi vào cõi sống, mặc dù qua hành động hy sinh (giết con bò mộng) mà ngài trở thành một đấng trao ban sự sống mình.”[83] Sau đó, James nhận xét rằng đạo Mithras – vốn là một thù địch mạnh của Kitô giáo vào thế kỷ III và IV – đã bị Kitô giáo chinh phục, và không còn được chú ý đến nữa, “tuy vậy Giáo hội có thể gặp đối thủ về tính chắc chắn của sự kiện lịch sử.” Kitô giáo đã vượt qua “kịch tính của từng giai đoạn cổ thời với khung cảnh đa thần” và đã tạo cho những người mới gia nhập có một “sự canh tân về đời sống tinh thần và cải tạo quan điểm … đến nỗi không có một hệ thống thù nghịch nào có thể nhận ra và đạt được như thế. Do đó, Kitô giáo cuối cùng đã thắng thế bởi vì nó đem lại một món quà sự sống khác từ những gì được ban tặng trong các nền phụng tự ngoại giáo.”[84]

Món quà giáng sinh, hào quang, Đức Kitô hài nhi và những chi tiết khác

Câu chuyện về sự ra đời của thần Krishna trong Ấn Độ giáo và những quà tặng vàng, nhũ hương và mộc dược cũng được Graves nói đến và có ở trong tác phẩm The World’s Sixteen Crucified Saviors. Trong chương thứ 7 của tác phẩm này, Graves viết:
“Người ta nói với chúng tôi rằng những Đấng Cứu Tinh khác lúc sinh ra được các thiên thần, các mục đồng và cả ‘những nhà hiền triết’, ít ra cũng là những con người vĩ đại đến viếng thăm. Thần Chrishna, một vị thần giáng trần thứ tám của Ấn Độ (1200 tr. CN) (vì vậy, nó được thuật lại bởi ‘người viết đầy cảm hứng’ về chế độ thần quyền của dân ngoại) đã được các thiên thần, các mục đồng và các tiên tri (các thần giáng thế) đến viếng thăm. ‘Ngay sau khi được sinh ra, ngài được một dàn hợp xướng gồm các devatas (các thiên thần), và cả các mục đồng vây quanh, tất cả họ đều cảm kích khi biết chắc trong tương lai ngài sẽ nên cao cả như thế nào.’ Chúng tôi được thông tin thêm rằng ‘vàng, nhũ hương và mộc dược’ được dâng cho ngài như là những lễ vật.”[85]
Graves không tiện cung cấp những nguồn liệu và trích dẫn, đó là một trong nhiều lý do giải thích tại sao cuốn sách của ông đã bị các học giả trong lĩnh vực tôn giáo đối chiếu nghi ngờ bấy lâu nay. Nhưng điều đó không giữ cho tư tưởng nổi tiếng này khỏi xuất hiện trên nhiều website – không có website nào cung cấp những nguồn liệu và trích dẫn như thế (và hiếm khi đề cập đến cuốn sách của Graves). Có một sự lý giải thuyết phục cho sự vắng mặt bằng chứng. Tác phẩm Bhagavad-Gita (thế kỷ I) không đề cập đến thời thơ ấu của thần Krishna, và những câu chuyện về thời thơ ấu của thần Krishna được ghi lại trong tác phẩm Harivamsa Purana (năm 300) và Bhagavata Purana (năm 800-900) không đề cập tí gì đến những món quà. Thậm chí nếu các tác phẩm đó có đề cập đến những món quà đi nữa, thì chúng phải được viết ngay sau khi Đức Kitô sinh ra, và một công bố như thế thật là vớ vẩn. Vầng hào quang được sử dụng trong nghệ thuật Kitô giáo đã được nhiều nền văn hóa tiền Kitô giáo sử dụng, trong đó có Hy lạp và Roma, để phân biệt những nhân vật nào là thần hay á thần.[86] Chẳng hạn, các hoàng đế Roma được vẽ trên các đồng tiền với cái đầu toả sáng. Đây là một bằng chứng rõ nét của các Kitô hữu biết thích nghi dần dần một yếu tố văn hóa và sử dụng nó theo một cách thức hoàn toàn vẫn giữ được nền thần học và thực hành của mình. Các Kitô hữu, khi tiếp nhận thuộc tính này thì gần như bị tai tiếng giống với các họa sĩ sau này vẽ Đức Giêsu trong chiếc áo choàng của triết gia hay trong bộ quần áo của một thời đại lịch sử sau này. Trong nghệ thuật Kitô giáo, việc sử dụng một vầng hào quang là một chọn lựa tự nhiên vì cả ông Moses và Đức Giêsu đều được diễn tả trong Kinh Thánh là có khuôn mặt sáng chói sau những biến cố quan trọng. Khuôn mặt ông Moses chiếu sáng sau khi từ trên núi Sinai xuống với sự hiện diện của Thiên Chúa (Xh 34,29-35) và trong sự kiện Biến hình, khuôn mặt của Đức Giêsu ‘chiếu sáng giống như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng như ánh sáng” (Mt 17, 2). Việc sử dụng các vầng hào quang trong ảnh tượng Kitô giáo chỉ là một trường hợp của các Kitô hữu công nhận lợi ích của một kiểu dáng nghệ thuật và thích nghi nó theo những nhu cầu đặc biệt.

Langton công bố rằng : “Những kiểu hình ảnh nữ thần Isis đang nâng nui con trai Horus mà bà đã thụ thai cách lạ thường đã trở thành bản thiết kế cho những hình ảnh hiện đại của chúng ta về đức Trinh nữ Maria nâng nui Hài nhi Giêsu.” Đây là một lời phát biểu hiếu kỳ, vì bất cứ một người nhạy cảm đều nhận ra rằng hình ảnh một người mẹ chăm sóc con mình không phải là duy nhất đối với một tôn giáo hay một nền văn hóa nào. Không còn nghi ngờ gì nữa, các họa sĩ Kitô giáo đã sao chép các kiểu nhân vật được vẽ trong nghệ thuật ngoại giáo, trong đó có những người mẹ (hay là các nữ thần) chăm sóc con mình. Một trong những bức tranh cổ nhất về bà Maria là một bích họa được tìm thấy trên tường của các hầm mộ Priscilla ở Roma vào cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III[87] và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có đề cập đến trong một buổi tiếp kiến chung ngày 23/5/1990. Đức Mẹ và Hài nhi được mô tả theo nhiều cách trong suốt dòng lịch sử, và nó thường phản ánh nét văn hóa của mỗi họa sĩ và mỗi điêu khắc gia.[88]

Như Nash và những người khác đã chỉ ra rằng vấn đề thực tế không phải là sự giống nhau, nhưng là sự khác biệt. Việc tôn thờ nữ thần Isis của Ai cập thuộc về phụng tự sự sinh sản đa thần. Sau khi chồng bà là Orisis bị ám sát và bị chặt chân tay, thì thần Isis đã đi tìm và gặp thấy tất cả các bộ phận thi thể của chồng mình, rồi phục sinh ông ta – không phải để sống trên trần gian nữa, nhưng là sống dưới cõi âm ty như là một ‘tử thần”[89] Xét về nguồn gốc, thần Isis là một trong số các nữ thần (chẳng hạn như Nut, Neith, …) và Horus, con trai bà, là một trong tám thần “của Bộ Cửu Thần”[90] Việc tôn thờ thần Isis được thiết lập ở Hy lạp khoảng thế kỷ IV tr. CN, ở đó bà vẫn là nữ thần sinh sản, và trở thành một thần nổi tiếng với các đền thờ của bà được dựng lên ở nhiều thành phố. Theo hình thức văn hóa Hy lạp cổ, việc tôn thờ thần Isis là một tôn giáo huyền bí ngoại giáo, trong đó những người gia nhập phải tham gia những nghi lễ huyền nhiệm và bí truyền.[91]

Langton tuyên bố rằng “mũ giám mục, bàn thờ, vinh tụng ca và hiệp lễ – hành vi ‘ăn Thiên Chúa’ được lấy trực tiếp từ các tôn giáo huyền bí ngoại giáo thời đầu.” Trước hết, cần chú ý một lần nữa là “các tôn giáo huyền bí,” đúng ra, chưa ra đời mãi đến gần cuối thế kỷ I, nên các Kitô hữu tiên khởi không thể lấy ra, vay mượn hay đánh cắp nhiều thứ từ các tôn giáo đó. Hạn từ “mũ giám mục” bắt nguồn từ chữ mitra, một từ Hy lạp có nghĩa là “khăn xếp” hay “khăn quấn đầu”. Đó là mũ dùng trong phụng vụ và là bộ phận trong dấu hiệu của giám mục.[92] Mũ này không xuất hiện ở Tây phương mãi đến giữa thế kỷ X. Các giám mục Đông phương sử dụng nó sau khi thành phố Constantine sụp đổ vào năm 1453. Ở Đông phương, mũ giám mục dường như bắt nguồn từ những vương miện mà các Hoàng đế Byzantine vẫn đội ; còn ở Tây phương nó xuất hiện như là một sự biến thể của một loại mũ không chính thức, gọi là camelaucum, được các Giáo hoàng đội trong các cuộc rước. Trong cả hai trường hợp, mũ giám mục không có liên hệ gì đến các tôn giáo huyền bí ngoại giáo cả.

Bàn thờ là một yếu tố chung trong hầu hết các tôn giáo và được nhắc đến hơn 300 lần trong Cựu ước. Do đó, đối với các Kitô hữu tiên khởi, mà tất cả đều là người Do thái, khái niệm bàn thờ không có gì mới mẻ, nhất là khi bàn thờ trong Đền thờ là trung tâm điểm của Do thái giáo. Không có gì ngạc nhiên khi trong Tân ước có vài lần nhắc đến các bàn thờ, kể cả những ám chỉ trong các sách Phúc Âm về bàn thờ trong Đền thờ[93] và những ám chỉ trong sách Khải huyền nói đến bàn thờ trên trời trong ngai toà Thiên Chúa.[94] Đoạn sách này cũng có trong thư gửi tín hữu Do thái : “ Chúng ta có một bàn thờ, những dâng trên đó, các người lo việc phụng tự không có quyền ăn” (Dt 13,10). Dường như bàn thờ cũng ám chỉ đến bàn tiệc Thánh thể của các Kitô hữu và được các Giáo phụ tiên khởi sử dụng như là một ngôn ngữ chung. Chẳng hạn, thánh Ignatio thành Antioch (+ 110), khi viết cho giáo đoàn Philadelphia, đã nói : “Hãy thận trọng, khi tham dự bàn tiệc Thánh thể ; vì đó là Mình Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, là chén hiệp nhất chúng ta với Máu của Người, và là bàn thờ, nên chỉ có một giám mục được linh mục đoàn và các phó tế trợ giúp, hỡi các tôi tớ thân cận của tôi. Do đó, trong tất cả các hoạt động, anh em sẽ làm theo ý Chúa”[95] Có những ám chỉ khác nói đến một bàn thờ của Kitô giáo trong các tác phẩm của Tertulianan và Cyprian.

Vinh tụng ca chỉ là một thánh thi hay một bài ca tụng tôn vinh (doxa = “tôn vinh” ; logos = “lời”). Hầu hết các tôn giáo đều có sự bày tỏ vinh quang và quyền năng của một thần, và phản ánh ước muốn tự nhiên của con người là công nhận cái gì là thánh thiêng và vượt trên con người. Theo truyền thống, trong lịch sử Kitô giáo, có ba loại vinh tụng ca là Vinh tụng ca lớn, Vinh tụng ca nhỏ và những Bài thơ ca tụng. Langton có thể đang nói đến Vinh tụng ca lớn, nó bắt đầu bằng những lời ca tụng sau đây:
Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Chúng con ca ngợi Chúa ; chúng con tôn vinh Chúa ; chúng thờ lạy Chúa ; chúng con tôn vinh Chúa ; chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa.
Lạy Chúa là Vua, là Thiên Chúa trên trời, là Chúa Cha toàn năng. Lạy Chúa là Con Một Thiên Chúa, là Chúa Giêsu Kitô và lạy Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa, là Con Đức Chúa Cha, Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con ; Chúa xóa tội trần gian, xin nhận lời chúng con cầu khẩn, Chúa ngự bên hữu Chúa Cha, xin thương xót chúng con.
Vì chỉ có Chúa là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, là Chúa Giêsu Kitô, trong vinh quang Chúa Cha. Amen.
Tất cả những lời này được lấy trực tiếp từ các sứ điệp trong Tân Ước ; tất cả đều phản ánh niềm tin duy nhất của các Kitô hữu. Những lời như vậy, dĩ nhiên, không xuất phát từ ngoại giáo, phần lớn là những người đa thần và không tin Thiên Chúa Ba ngôi hay thiên tính của Đức Giêsu Kitô.

Langton nói đến “việc ăn Thiên Chúa” dường như là một sự hấp dẫn đối với đạo Mithras, vì nó hoàn toàn là tôn giáo huyền bí cũng cử hành một cái gì đó tương tự như việc Hiệp lễ.[96] Nhiều tôn giáo huyền bí, chẳng hạn như việc thờ thần Orpheus, thì không có bữa ăn thánh thiêng nào cả. Trong tác phẩm nói về tôn giáo đối chiếu, E.O. James viết : “Quan điểm về nhiệm tích của Kitô hữu khác với quan điểm của các tôn giáo huyền bí ngoại giáo trong một vài khía cạnh quan trọng. Theo như chúng tôi biết, những người gia nhập vào những nền phụng tự này không được chịu phép rửa nhân danh vị thần cứu độ (thần nam hay thần nữ), cũng không phải là những người nhận lãnh ân sủng thần khí như một hiệu quả của việc thanh tẩy.” Tiếp đến, Jones giải thích rằng lễ Tạ ơn Kitô giáo có liên quan chặt chẽ với một đời sống thánh thiện và thanh khiết, trong khi đó “trong một phụng tự huyền bí, bình thường việc gia nhập chính là một sự chấm dứt bất kể những lý do đạo đức”[97]

Trong thần thoại Mithras, ngài là một vị thần không thể chết, nhưng là một vị thần cứu độ vì đã giết chết một con bò mộng. Những người gia nhập vào phụng tự Mithras sẽ kịch tính hóa sự kiện thần thoại này và máu của một con bò mộng bị giết sẽ được đổ trên những người này cách trang trọng. Ở cấp độ cao hơn trong phụng tự này, các thành viên tham dự một bữa ăn thiêng thánh gồm có bánh và nước (hay rượu, nhưng chi tiết này vẫn còn là một vấn đề tranh cãi) ; không có dấu hiệu nào cho thấy những người tham dự tin rằng họ đang thông dự vào “việc ăn Thần thánh”. Vì ít người được hiểu biết về bữa ăn này, nên khó mà đưa ra một sự so sánh đầy đủ với việc hiệp lễ Kitô giáo.

Dù sao đi nữa, thì đặc điểm và bối cảnh lễ Bữa ăn Vượt qua của người Do thái, Bữa Tiệc Ly và Bữa tiệc Thánh thể Kitô giáo là những yếu tố căn bản hình thành nên bí tích Kitô giáo và là những nghi thức không thuộc nghi lễ ngoại giáo. Metzger viết : “Hầu như bất cứ quan điểm nào về vấn đề này, tính Do thái giáo về khung cảnh, đặc điểm, và lòng đạo đức được diễn tả trong nghi thức đó đều dàn trải trong tất cả các trình thuật về nguồn gốc Bữa Tiệc Ly”[98] Đặc điểm Do thái này được Jean Danielou khám phá trong bài nghiên cứu quan trọng của ông, The Bible and the Liturgy, trong đó ông viết:
“Bàn tiệc Thánh thể là sự sung mãn của bữa ăn phụng tự Do thái giáo. Bàn tiệc Thánh thể, giống như những bữa ăn (cộng đoàn của người Do thái), có tầm quan trọng là được tham dự vào lời chúc phúc của Giao ước… Thật vậy, bữa ăn trong đó Đức Kitô thiết lập Bí tích Thánh thể dường như là một bữa ăn có nghi thức, là một chaboura, đã được các cộng đoàn Do thái cử hành theo phong tục… Rồi chính trong khung cảnh bữa ăn thánh của người Do thái, Đức Kitô đã thiết lập bữa ăn của Giao Ước Mới, cũng vậy chính trong khung cảnh lễ tưởng niệm cuộc Vượt qua của người Do thái, Người đã chết trên thập giá”[99]
Ngày Chúa nhật và ngày lễ Giáng sinh

Giáo sư Teabing tuyên bố rằng “Thậm chí ngày Chúa nhật hàng tuần của Kitô giáo cũng được lấy từ ngoại giáo”[100] Điều này thì không đúng. Tuyên bố của Langdon cũng sai khi cho rằng ban đầu các Kitô hữu đã làm cử hành phụng vụ vào ngày Sabath của người Do thái (ngày Thứ bảy), nhưng đã đổi sang ngày Chúa nhật dưới ảnh hưởng của hoàng đế Constantine để nó “hài hòa với việc tôn kính ngày mặt trời của dân ngoại”[101]

Điều hàm ý ở đây là, các Kitô hữu đã cử hành phụng vụ vào ngày Thứ bảy đã gần 300 năm rồi, cho đến thời hoàng đế Constantine. Nhưng các Kitô hữu thời Tân ước thực sự đã cử hành phụng vụ vào ngày Chúa nhật, hay còn gọi là “ngày của Chúa” như đã được mô tả trong sách Khải huyền 1,10. Ngày Chúa nhật dành để tôn kính ngày Đức Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết ; Người chịu đóng đinh vào ngày Thứ sáu, và sau ba ngày đã sống lại (x. Mc 16, 2) – tức là ngày sau ngày Sabath, hay là ngày Chúa nhật (ngày Sabath là một ngày trong tuần được người Do thái gọi như vậy ; những ngày khác chỉ được đánh số : “ngày thứ nhất,” “ngày thứ hai,” v.v). Điều này được nói đến sách Tông đồ Công vụ 20,7 : “Và vào ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để bẻ bánh. Ông Phaolô thảo luận với các anh em, và vì hôm sau ông ra đi, nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến mãi nửa đêm.” Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Corinthians (1 Cr 16,2), tông đồ Phaolô đề cập đến các thuế thập phân và tặng phẩm được dành riêng vào ngày thứ nhất trong tuần. Một dấu hiệu khác là các Kitô hữu đầu tiên đã xem ngày sau ngày Sabath của người Do thái như là một ngày quan trọng nhất trong tuần.

Các Giáo phụ thời đầu có nói nhiều đến việc các Kitô hữu cử hành phụng vụ vào “ngày của Chúa” (hay Dies Dominica, như nó đã được biết đến ở Tây phương). Thánh Ignatio thành Antioch viết khoảng năm 110 : “Rồi, chúng ta sẽ sống ra sao nếu tách khỏi Người? Chúng ta hãy nhìn các ngôn sứ là những môn đệ của Người trong Thần Khí và mong đợi Người như là Thầy dạy của mình. Nhiều vị vốn đã được huấn luyện trong trật tự cũ thì nay đạt đến một hy vọng mới. Các ngài không còn giữ ngày Sabath của người Do thái nữa, mà chỉ giữ ngày của Chúa, trong ngày đó sự sống của chúng ta đã phát sinh nhờ Người, nhờ cái chết của Người”[102] Thư gửi cho ông Barnabas, dường như được viết nửa sau thế kỷ I, nói rằng : “Đó là lý do tại sao chúng ta cũng giữ ngày thứ tám với niềm hân hoan, vì trong ngày đó Đức Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết, và chính Người được cất lên trời, như chúng ta đã thấy”[103] Trong các tác phẩm của các Giáo phụ cũng có nhắc nhiều đến “ngày thư tám”, như Danielou trình bày chi tiết trong tác phẩm The Bible and the Lirtugy.[104] Danielou cũng công bố dứt khoát : “Ngày của Chúa hoàn toàn là một thể chế Kitô giáo”. Nguồn gốc của thể chế này chỉ được tìm thấy trong sự kiện Phục sinh của Đức Kitô vào ngày sau ngày Sabath”[105] Một đối chiếu khác không thuộc quy điển có nói đến ngày của Chúa được tìm thấy trong tác phẩm The Didache : “Và vào ngày của Chúa, sau khi anh em tập họp, bẻ bánh và dâng lời Tạ ơn, thì trước hết hãy thú nhận lỗi lầm của mình để hy lễ của anh em được thanh sạch”[106] Thánh Justin tử đạo, viết vào giữa thế kỷ II, là tác giả đầu tiên của Kitô giáo nói đến “ngày Chúa nhật” ; còn tất cả tác giả trước đây đều nói đến ngày của Chúa.

Dường như Brown cho rằng các nhà chức trách dân sự không thừa nhận việc giữ ngày Chúa nhật như là một ngày nghỉ mãi đến thế kỷ IV, còn trước đây thì người ta không giữ. Nhưng hơn 100 năm đầu, khoảng năm 200, Tertullian viết về ngày Chúa nhật như là một ngày nghỉ : “Tuy nhiên (như truyền thống đã dạy), chúng tôi, vào ngày Chúa Phục Sinh, không những phải luôn giữ việc cầu nguyện, mà còn phải giữ mỗi tư thế và bổn phận thờ phượng, ngay cả phải trì hoãn việc kinh doanh để chúng tôi không dành bất cứ vị trí nào cho sự xấu cả”[107] Công đồng Elvira, một công đồng địa phương ở Tây Ban Nha được triệu tập khoảng năm 303, đã ra sắc lệnh rằng ngày Chúa nhật là một ngày đặc biệt dành cho việc thờ phượng và nghỉ ngơi. Công đồng này tuyên bố : “Nếu ai bỏ qua không đến nhà thờ trong ba ngày Chúa nhật thì hãy rút phép thông công của người ấy trong một thời gian ngắn để người ấy có thể sửa chữa” (điều xxi). Hai thập niên sau đó, vào năm 321, hoàng đế Constantine chính thức ban sắc chỉ rằng ngày Chúa nhật là ngày nghỉ trong Đế quốc Roma, “và ra lệnh kiêng việc, kể cả việc kinh doanh hợp pháp đối với những người sống ở thành phố, nhưng ông cho lại phép làm công việc đồng áng”[108] Kể từ khi các Kitô hữu coi Đức Giêsu như là “Mặt trời Công chính” (Ml 4, 2) đã được nói đến trong Cựu ước và là “ánh sáng thế gian” (Ga 8, 12 ; 9, 5) trong Tân ước, thì họ nghĩ thật hợp lý rằng Thiên Chúa đích thật sẽ thay thế thần Mặt trời Roma thời cổ đại. Thánh Jerome (345-420) đã viết : “Ngày của Chúa, ngày Chúa sống lại, ngày của các Kitô hữu là ngày của chúng ta. Ngày này được gọi là ngày của Chúa bởi vì trong ngày đó Chúa đã khải hoàn về với Chúa Cha. Nếu dân ngoại gọi ngày đó là ‘ngày mặt trời,’ thì chúng ta hoàn toàn đồng ý, vì hôm nay ánh sáng thế gian đã chỗi dậy, hôm nay mặt trời công bình chữa lành bằng các tia sáng của mình đã tỏ hiện.”[109] Phải chăng các Kitô hữu lấy ngày 25/12, vốn là “ngày sinh của các thần Osiris, Adonis và Dionysus” để cử hành ngày sinh của Đức Giêsu? Nhiều Kitô hữu hoàn toàn đồng ý với việc làm này và đã chứng tỏ rằng các Kitô hữu chấp nhận ngày lễ quan trọng của dân ngoại này như là một cách cho thấy tính ưu việt của Đấng vừa là người vừa là Thiên Chúa thật, là Đức Giêsu. Tuy nhiên, một số học giả gần đây đã tranh luận rằng ngày 25/12 không phải do các Kitô lấy từ dân ngoại, nhưng là ngược lại, tức là do dân ngoại lấy từ Kitô giáo mà ra.

Trong mục “Calculating Christmas” của tạp chí Touchstone[110], William J. Tighe, phó giáo sư sử học tại trường Cao đẳng Muhlenberg giải thích rằng : 
“Tư tưởng cho rằng ngày Chúa nhật được lấy từ dân ngoại lại được hai học giả đề cập vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Paul Ernst Jablonski, một thệ phản người Đức, cũng muốn chỉ ra rằng việc cử hành sinh nhật Đức Kitô vào ngày 25/12 là một trong nhiều cách “ngoại giáo hóa” (paganization) của Kitô giáo mà Giáo hội thế kỷ thứ IV đã thực hiện như là một trong nhiều ‘sự thoái hoá’ đã biến Kitô giáo thuần tuý thành Công giáo. Dom Jean Hardouin, một đan sĩ dòng Benedictine đã cố gắng chỉ ra rằng Giáo hội Công giáo đã thích ghi các lễ hội của dân ngoại vào những mục đích của người Kitô hữu mà không ngoại giáo hóa Phúc Âm.”
Tighe cho thấy rằng phụng tự Roma không có cử hành chính thức nào vào ngày 25/12. Chính hoàng đế Aurelian (270-275) “xuất hiện để cổ võ cho việc thành lập ‘ngày lễ Sinh nhật thần Mặt trời bất khuất’ như là một phương sách hợp nhất những nền phụng tự ngoại giáo khác nhau trong Đế quốc Roma vào lễ kỷ niệm ‘việc sinh lại’ hàng năm của mặt trời …. Khi thiết lập ngày lễ mới này, ông có ý muốn kéo dài ánh sáng ban ngày và cắt bớt sự kéo dài của bóng tối vào ngày 25/12. Đây là một biểu trưng của niềm hy vọng được ‘tái sinh’ hay được trẻ lại mãi mãi của hoàng đế Roma. Nhờ duy trì việc sùng bái các thần cùng với sự bảo hộ của các ngài (người Roma nghĩ như thế), đế quốc Roma đã trở thành vĩ đại và thành kẻ cai trị thế giới.”

Khi tách ra khỏi Do thái giáo (nhất là sau khi Đền thờ Jerusalem bị phá huỷ năm 70) và nổi lên như là một tôn giáo độc nhất, thì Kitô giáo tìm cách tính toán chính xác ngày Đức Giêsu chịu chết. Có nhiều lộn xộn do những lịch khác nhau. Sau nhiều tranh luận và khó khăn, các Kitô hữu Đông phương đã chọn ngày 6/4, còn các Kitô Tây phương lại chọn ngày 15/3 làm ngày Đức Giêsu chịu đóng đinh. Về điểm này, khái niệm cũ và mù mờ về một “thời đại chính xác” đã xảy ra, đây là niềm tin cho rằng các ngôn sứ Cựu ước đã chết hoặc vào ngày sinh hoặc vào ngày thụ thai. Các Kitô hữu hầu hết đều nhận ngày 6/4 hay ngày 25/3 như là ngày Đức Giêsu được thụ thai. Do đó, ngày 6/1 (ở Đông phương) và 25/12 (ở Tây phương) là ngày sinh của Đức Giêsu. Mặc dù những ngày này không được quyết định “chính thức” mãi đến cuối thế kỷ thứ IV, nhưng chúng đã được duy trì lâu dài trước thời hoàng đế Aurelian và Constantine. Do vậy, Tighe công bố rằng : 
“Ngày lễ ngoại giáo mà hoàng đế Aurelian đã thiết lập vào ngày 25/12 năm 274 không những là một cố gắng sử dụng ngày đông chí để thực hiện một tuyên bố mang tính chính trị, nhưng còn là một nỗ lực đem lại cho ngày quan trọng đối với các Kitô hữu Roma một ý nghĩa của dân ngoại. Đến lượt mình, các Kitô hữu Roma, vào một thời gian sau đó đã lấy ‘sinh nhật thần Mặt trời Bất khuất’ của dân ngoại để nói đến ‘Mặt trời Cứu độ’ hay ‘Mặt trời Công chính’ đã mọc lên, nhân dịp sinh nhật Đức Giêsu.”
Không còn nghi ngờ gì nữa, các Kitô hữu tiên khởi, những người đã từng sống trong nền văn hóa dân ngoại, đều bị ảnh hưởng bởi ngoại giáo và thỉnh thoảng vẫn sử dụng những thuật ngữ và chủ đề của những người láng giềng dân ngoại khi diễn tả niềm tin của mình. Tuy nhiên, dân ngoại không phớt lờ sự thành công trong niềm tin Kitô giá, họ tìm cách vay mượn những tư tưởng Kitô giáo, hay ít là những thuật ngữ trong các nghi lễ và trong việc hành đạo của họ. Tiến sĩ Margaret Mitchell viết:
“Những vết tích của tôn giáo ngoại giáo trong nghệ thuật biểu trưng Kitô giáo là không thể phủ nhận”. Điều này hoàn toàn đúng[111] Nhưng kết luận được rút ra từ đó cho rằng “Không có gì trong Kitô giáo là tinh tuyền cả” thì không đúng, và xét từ quan điểm lịch sử các tôn giáo thì đây là lời tuyên bố không đủ tư cách và cố hữu. Thậm chí việc sắp xếp mới lại những tư liệu tồn tại thì còn “nguyên vẹn” ! (và các phong trào Kitô giáo chỉ hơn ở điểm này). Nghiên cứu hiện nay thừa nhận rằng mối tương quan giữa phụng tự Kitô giáo và thế giới quanh nó, và những cách thức mà xét về mặt văn hóa nó được khắc ghi trong thế giới đó – lúc này có suy nghĩ, lúc khác lại không có suy nghĩ, lúc này thích nghi có cân nhắc, lúc khác lại tiếp nhận thận trọng – thì phức tạp hơn nhiều so với những gì được ghi chú ở đây. Những học thuyết có ý đồ thuyết phục, nhưng chúng không giải thích hiện tượng con người phức tạp có tại địa phương và khắp nơi, những học thuyết này khó có thể được lan rộng, đó là chương trình độc tài văn hóa của Stalin như Brown đã gợi lên đối với hoàng đế Constantine.”[112]
Điều gì đã thực sự xảy ra tại Công đồng Nicaea?

Ông Brown đưa ra những tuyên bố sai lạc về Công đồng Nicaea, trong đó có xác nhận (của sử gia Teabing, một người hình như chưa bao giờ nghiên cứu lịch sử cổ đại và lịch sử Giáo hội) cho rằng chính tại Công đồng này mà Đức Giêsu lần đầu tiên được công bố là Thiên Chúa. Tính lịch sử trọn vẹn và khung cảnh cho công đồng Nicea được triệu tập vào năm 325 thì không thể nằm ở đây ; có nhiều tác phẩm khoa học nổi tiếng cho biết điều này.[113] Nhưng một cái nhìn tổng quan vắn gọn về những sự kiện cơ bản sẽ cho thấy những tuyên bố trong tiểu thuyết Da Vinci Code là quá đáng đến thế nào.

Công đồng Nicaea là công đồng hoàn vũ đầu tiên của Giáo hội, có thể được sự bảo trợ của hoàng đế Constantine và mong ước của ông là chấm dứt tình trạng bất hòa và tranh cãi mà Arius gây ra. Arius (sinh khoảng 260-280, mất 336) là một linh mục thành Alexandria chuyên lo rao giảng và sống khổ chế. Khoảng năm 319 hay trong khoảng thời gian đó, ông bắt đầu tập trung giảng dạy rằng Đức Giêsu không hẳn là Thiên Chúa, mà còn thua kém Chúa Cha nữa. Arius cho rằng Chúa Con không hiện hữu từ muôn đời, nhưng là một thụ tạo được Chúa Cha sinh ra trước hết như là một dụng cụ sáng tạo và sau đó là dụng cụ cứu độ. Nói cách khác, Arius tin rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, không phải là Thiên Chúa theo bản tính, nhưng đúng hơn là một vị thần thấp kém.

Niềm tin này bị giám mục Alexander kết án tại một Thượng hội đồng địa phương được tổ chức tại Alexandria khoảng năm 320 với 98 trên 100 giám mục bỏ phiếu chống lại những quan điểm của Arius. Tuy nhiên, những lời giảng dạy của linh mục này đã thu hút được sự chú ý và nhanh chóng lan rộng, nhất là nhờ sự khôn khéo của Arius biết sử dụng những bài hát dễ thuộc để công bố về niềm tin giáo lý của ông và nhờ sự bảo trợ của Eusebius, giám mục thành Caesarea, là một trong những học giả lớn nhất thời đó. Những niềm tin của Arius đang tỏ ra là phổ biến và làm rối loạn đến nỗi hoàng đế Constantine đã cùng với các giám mục quyết định chấm dứt cuộc tranh cãi này ; sự quan tâm của ông rất có khả năng là muốn thống nhất trong việc làm sáng tỏ về mặt thần học, nhưng ông đã nhận ra Công đồng Nicaea trên qui mô rộng lớn sẽ bảo vệ cho Công đồng địa phương Alexandria.

Tháng 5 năm 325, nhiều giám mục, trong đó rất đông vị đến từ Đông phương, hội họp tại Nicaea (ngày nay là vùng Iznik, phía bắc thành phố Constantinople) ; Công đồng kéo dài đến tháng 6 cùng năm. Theo truyền thống, có nhiều giám mục tham dự với danh sách lên tới 318 vị, dường như đây là một con số tượng trưng (x. St 14,14) ; con số chính xác có thể khoảng 220 tới 250.[114] Vì sức khoẻ yếu kém, nên Đức Giáo Hoàng không tham dự Công đồng, nhưng đã phái hai phó tế đại diện ngài đến. A.H.M. Jones viết : 
“Phần lớn các nghị phụ trong Công đồng đến từ các giáo tỉnh nói tiếng Hy lạp trong Đế quốc. Các vị là các chủ chăn giản dị bản chất là không hài lòng với bất kỳ một sự canh tân nào về đức tin mà các vị ấy biết và ít có thiện cảm với những nghịch lý trong nhận thức của Arius. Nhiều vị lấy làm hãnh diện về tước hiệu của người tín hữu tuyên xưng đức tin khi cam chịu bị nhốt tù, bị tra tấn và chịu khổ sai vì niềm tin của họ”[115]
Đặc điểm nghiêm khắc và đáng tin của phần lớn các giám mục là hoàn toàn trái ngược với những ngụ ý trong tiểu thuyết Da Vinci Code cho rằng các giám mục đã ngoan ngoãn chấp nhận bất cứ điều gì Hoàng đế bảo họ. Nhiều giám mục tại Công đồng Nicaea đã từng trải qua cuộc bắt bớ của hoàng đế Diocletian. Có hợp lý chăng khi nghĩ rằng các vị hoàn toàn cho phép Constantine thay đổi niềm tin mà họ đã từng chịu đau khổ và sẵn lòng chịu chết? Hoàng đế Constantine, trong khi hết sức chú tâm vào Công đồng, đã nhận ra vị trí của ông không phải là một thần học gia hay một học giả, nhưng cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc họp có tổ chức chặt chẽ hơn và đạt kết quả tốt đẹp. Cuối cùng, một trong những mặt mạnh của văn hóa Roma là việc tổ chức ; còn người Hy lạp lại hoà hợp với sắc thái và chi tiết về thần học hơn.

Trong tiểu thuyết Da Vinci Code, Teabing cho rằng Công đồng Nicaea đã chứng minh Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa”[116] Điều này là sai ; nó được trích dẫn từ tác phẩm Holy Blood, Holy Grail, tuyên bố rằng : “Điểm quan trọng hơn cả là Công đồng Nicaea, qua việc bỏ phiếu, đã quả quyết rằng Đức Giêsu là một vị thần, chứ không phải là một ngôn sứ phàm trần”[117] Như đã nói, chỉ có các sách Phúc Âm đề cập tới Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” hơn 40 lần và lối diễn tả này thường được các Giáo phụ thời sơ khai sử dụng. Do đó, Công đồng Nicaea thực sự đã phê chuẩn, một cách rõ ràng và dứt khoát hơn, niền tin kiên định của Giáo hội. Như chúng ta đã thấy, niềm tin vào thiên tính và tính Thiên Chúa nơi Đức Giêsu đưa trở lại những ngày đầu của Kitô giáo. Công đồng tập trung vào làm rõ tương quan hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con và kết án những tư tưởng của Arius đã ám chỉ hay xác nhận rõ ràng rằng Chúa Con thấp kém hơn Chúa Cha, là một thụ tạo và là một vị thần nhỏ hơn. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo khéo léo tóm tắt vấn đề căn bản này : 
“Công đồng hoàn vũ đầu tiên vào năm 325 đã tuyên xưng thành tín điều rằng Con Thiên Chúa được sinh ra, mà không phải tạo thành, đồng bản tính (homoousios) với Chúa Cha. Công đồng đã kết án Arius là người khẳng định rằng Con Thiên Chúa ‘xuất phát từ hư vô’ và ‘khác bản tính với Chúa Cha’”[118]
Còn về “cuộc bỏ phiếu kín”, thì đó là sự bịa đặt của Teabing và những tưởng tượng của Brown. Chỉ có hai giám mục trong số 250 giám mục bỏ phiếu ủng hộ lập trường của Arius – hơn 99% số giám mục tuyên xưng rằng Chúa Con ngang hàng với Chúa Cha và đồng bản tính với Người. Thậm chí, tác phẩm Holy Blood, Holy Grail, dường như còn cung cấp nhiều tư liệu giải thích của Brown nói về chủ đề này, thì cho rằng điều này là đúng và công nhận trong một ghi chú ngắn gọn : “218 phiếu thuận, 2 phiếu chống”[119]

Một lần nữa, lối giải thích thêm các sự kiện của Brown không những không chính xác, mà còn hoàn toàn trái ngược với sự thật.

Teabing còn tuyên bố rằng tại Công đồng, có “nhiều khía cạnh Kitô giáo” được tranh cãi và bỏ phiếu. Lối diễn đạt có ngụ ý rằng “những khía cạnh” này dù sao thì vẫn còn mới và đơn nhất ; chúng được liệt kê như là “ngày lễ Phục sinh, vai trò của các giám mục, việc cử hành các bí tích, và dĩ nhiên là cả thiên tính của Đức Giêsu.”[120] 20 điều khoản – điều luật – của Công đồng thực sự hơi trần tục và “phần lớn là một sự mô phỏng các biện pháp đã được ban hành 11 năm trước đây tại Công đồng Latin được tổ chức tại Arles, nước Pháp cổ thời.”[121] Năm trong số các điều luật đã nói đến chủ thể nhạy cảm của các Kitô hữu đã rời bỏ Giáo hội suốt những cuộc bách hại gần đây, đồng thời đưa ra những nguyên tắc sám hối, việc hiệp lễ trở lại, và những chỉ dẫn khác. Hai điều luật khác liên quan tới việc nhận lại những người ly khai thuộc lạc giáo : những người thuộc phái Novatian và những môn đệ của phái Pal of Samasata, Novatian là giám mục thành Anitoch đã bị truất phế năm 268 vì những hành động tội ác và giảng dạy lạc giáo. 10 điều luật nói tới những vấn đề liên đến giáo sĩ : “Những người tự hoạn, thì không được truyền chức, hay bất kỳ người nào mới đây không chấp nhận tin … Không giáo sĩ nào – giám mục, linh mục, hay phó tế – được di chuyển từ giáo phận này tới giáo phận kia. Hàng giáo sĩ không được kiếm lợi nhuận từ tiền cho vay mượn, và nếu vi phạm điều này thì sẽ bị truất phế”[122] Những điều luật khác liên quan tới những vấn đề quản trị thuộc về ba toà nổi tiếng nhất của Giáo hội sơ khai, đó là Alexandria, Antioch, và Jerusalem.

Vấn đề lễ Phục sinh và ngày tháng của lễ này thật là phức tạp – tại Công đồng, vấn đề được đề cập vì mong ước của Hoàng đế là muốn hiệp nhất các sự trong tuân phục tôn giáo. Lúc đó, các nhà thờ thuộc các vùng khác nhau cử hành lễ Phục sinh vào những ngày khác nhau ; sự lộn xộn một phần là do người Do thái theo âm lịch và do sự đối kháng của một số Kitô hữu với những người Do thái – họ từ chối không cử hành lễ Phục sinh cùng ngày với lễ Vượt Qua của người Do thái.[123] Công đồng đã tìm cách buộc phải thống nhất vào một ngày, nhưng kết quả là vẫn còn lộn xộn và cuộc tranh cãi tiếp tục kéo dài nhiều thế kỷ. Trong hoàn cảnh này, và trong những đòi hỏi của các điều luật, vấn đề tín điều không được đề cập tới ; tất cả đều là những vấn đề về quy tắc cần thiết cho hoàn cảnh cuộc sống thực tế và những khó khăn mục vụ cụ thể mà Giáo hội đang phải đối diện giữa những lộn xộn, những trạng thái đang thay đổi nhanh chóng, và những thăng trầm về văn hóa.

Kết luận

Khi nghiên cứu và viết ra những lời phê bình này, chúng tôi vẫn còn ngạc nhiên về sự táo bạo không chính xác của Brown và với những công bố hoàn toàn sai lạc về mỗi sự kiện và mỗi nhân vật lịch sử mà ông đã viết. Đây không phải là một sự phóng đại nói rằng để đi tìm một lời nhận xét chính xác về bất kỳ một chủ đề nào đang gây kinh ngạc và hoàn toàn hiếm có. Mặc dù sẽ một số người có thể tự hỏi tại sao một tác phẩm hoang tưởng lại có liên quan đến một ai đó, nhưng khẳng định của Brown cho rằng tiểu thuyết của ông được dựa trên việc nghiên cứu tỉ mỉ và dựa trên sự kiện lịch sử, đồng thời cuốn Da Vinci Code được khen ngợi nồng nhiệt và được ủng hộ tích cực, tất yếu không được chấp nhận. Đây là trường hợp đặc biệt, vì có quá nhiều người, cả Công giáo lẫn ngoài Công giáo, đều bị lối trình bày lịch sử Giáo hội của tiểu thuyết này gây rúng động và nhiều người thú nhận rằng đức tin của họ bị lung lay khi đọc tiểu thuyết “best-seller” này.
[1] Dan Brown, The Da Vinci Code, p. 233
[2] Justin Martyr, “The First Apology”, Chapter 63, in Roberts and Donaldson, The Ante-Nincene Fathers, Vol.1 184.
[3] Justin Martyr, “Dialogue of Justin, Philosopher and Martyr, With Trypho, a Jew,” Chapter 64, 68, in Roberts and Donaldson, The Ante-Nincene Fathers, Vol.1 231-233.
[4] Irenaeus, “Against Heresies” Book III, Chpt.16, Title ; Chpt.19, Title, para.2 ; Book I, chapt.10, para.1, in Roberts and Donaldson (eds), The Ante-Nicene Fathers. Vol.1, 440,448-49.
[5] Tertulian (Quintus Tertulian), “A Treatise on the Soul,” Chapter 41, and Apology,” Chạpter 21, in Roberts and Donaldson, The Ante-Nicene Fathers, Vol.3, Latin Christianity : Its Founder, Tertulian (Grand Rapids, MI : Erdmans, 1978), 221, 34-35, respectively.
[6] Athanasius, “Against the Arians”, III, para.29, 31, in Maurice Wiles and Mark Santer (eds), Documents in Early Chritian Thought. (Cambridge, Cambrige University Press, 1979), 52,54.
[7] Dan Brown, The Da Vinci Code (New York, Doubleday, 2003), p.245.
[8] Ibid, p.249.
[9] Darrell L.Block, Ph.D, “Was Jesus Married?”.http:// www.leaderu.com/theology/wasjesusmarried.html.
[10] Bock, “Was Jesus Married?”.
[11] James Patrick Holding, A SUMMARY CRITIQUE – THE DA VINCI CODE : Revisiting a Cracked Conspiracy, www.equip.org.
[12] Craig Blomberg, review of The Da Vinci in Denver Journal-An Online Review of Current Biblical and Theological Studies, http:// www.denverseminary.edu/dj/articles 2004/0200/0202.php
[13] Dan Brown, The Vinci Code (New York : Doubleday, 2003), p.231.
[14] Ibid, p.234.
[15] Norman L.Geisler, Baker Encyclopedia of Christian Apologetics (Grand Rapids, MI : Baker,1999), p.187.
[16] Ibid., quoting Robert H.Eisenman and Michael Wise, The Dead Sea Scrolls Uncovered (New York : Barnes &Noble, 1992), p.70.
[17] “Discerning Fact from Fiction in The Da Vinci Code”. http://www.evidenceandanswers.com/
[18] “Gnosticism” International Standard Bible Encyclopedia (www.studylight.org)
[19] “Discerning Fact from Fiction in The Da Vinci Code” http://www.evidenceandanswers.com/
[20] Dan Brown, The Da Vinci Code (New York : Doubleday, 2003), p.125.
[21] Ron Rhodes. “Crash Goes The Da Vinci Code”.
[22] Ibid.
[23] Dan Brown, The Da Vinci Code (New york, NY : Doubleday, 2003), p 232.
[24] Rhodes, citing Ron Nash, “Was the New Testament Influenced by Pagan Religions” CHRISTIAN RESEARCH JOURNAL, August 1994.
[25] Ibid.
[26] Rhodes.
[27] Xc. Dan Brown, The Da Vinci Code, tr. 233.
[28] Xc. J.N.D Kelly, Early Christian Doctrines, San Francisco, Harper & Row, 1960, tái bản có chỉnh sửa, 1978, tr. 138.
[29] Xc. Karl Adam, The Christ of Faith, Pantheon Books, New York, 1957, tr. 59.
[30] Xc. The Oxford Dictionary of the Christian Church, Oxford, New York, 1997, xuất bản lần thứ 3, tr. 817.
[31] Xc. Ignatius of Antioch, Letter to the Ephesians, ch. 7.
[32] Xc. Sđd, ch. 15.
[33] Xc. Sđd, ch. 15, đoạn 8.
[34] Xc. Ignatius of Antioch, Letter to the Smyrnaeans, 10.
[35] Xc. First Apology of Justin Martyr, tr. 23.
[36] Xc. Justin Martyr, Dialogue with Trypo, ch. 12.
[37] Xc. Irenaeus, Against Heresies, quyển 3, ch. 29 : 1, 2.
[38] Xc. Clement of Alexandria, Exhotation to the Greeks, 1 : 7 : 1, năm 190.
[39] Xc. Sđd, 10 : 110 : 1.
[40] Xc. Tertulian, The Soul 41 : 3, năm 210.
[41] Xc. Tertulian, The Flesh of Christ 5 : 6-7, năm 210.
[42] Xc. Origen, The Fundamental Doctrines 1 : 0 : 4.
[43] Xc. Hyppolytus, Refutation of All Heresies 10 : 33, năm 228.
[44] Xc. Philip Jenkins, Hidden Gospels, Oxford University Press, 2001, tr. 211.
[45] Xc. Acts of John, 93.
[46] Xc. Ronald Nash, The Gospels and the Greeks, Phillipsburg, NJ, P&R Publishing, 2003, xuất bản lần 2, tr. 209.
[47] Xc. Paul Johnson, A History of Christianity, New York, Atheneum, 1976, tr. 27.
[48] Xc. Michael Baigent, Henry Lincoln, Richard Leigh, Holy Blood, Holy Grail, Dell Books, 1983, tr. 365-369.
[49] Xc. Hugo Rahner, Church and State in Early Christianity, San Francisco, Ignatius, 1992, tr. 41.
[50] Xc. Ibid, tr. 41-42.
[51] Xc. Edict of Milan, tháng 3/313. Part. 3, 7.
[52] Xc. Paul Johnson, History of Christianity, tr. 67.
[53] Eusebius, được Johnson trích dẫn, tr. 67.
[54] Xc. Paul Johnson, sđd, tr. 67.
[55] Xc. Chas S. Clifton, Encyclopedia of Heresies and Heretics, New York, Barnes & Noble, 1992, tr. 121.
[56] Xc. Dan Brown, The Da Vinci Code, Doubleday, 2003, tr. 232.
[57] Xc. Michael Baigent, Henry Lincoln, Richard Leigh, Sđd, tr. 365-368.
[58] Xc. A.H.M Jones, Constantine and the Conversion of Europe, tr. 73.
[59] Xc. Philip Hughes, the Church in Crisis : A History of the General Councils, 325-1870, New York, Image, 1964, tr. 29-30.
[60] Xc. Henry Chadwick, The Early Church, Penguin Books, 1967, 1973, tr. 126.
[61] Xc. A.H.M Jones, sđd, tr. 195-200.
[62] Xc. Cách sống đạo này được thánh Augustine đề cập trong tác phẩm Confessions quyển 1, ch. 10. 17.
[63] Xc. Chadwick, The Early Church, tr. 127.
[64] Xc. Durant, Christ and Caesar : the Story of Civilization, Part III, New York, Simon and Schuster, tr. 664.
[65] Xc. Dan Brown, sđd, tr. 234.
[66] Xc. Ronald H. Nash, the Gospel and the Greeks : Did the New Testament Borrow from Pagan Thought?, Phillipsburg, NJ : P&R Publishing, 2003, xuất bản lần thứ 2, tr. 1.
[67] Xc. Dan Brown, sđd, tr. 232.
[68] Xc. Ibid, tr. 232.
[69] Xc. Ronald Nash, “Was the New Testament influenced by Pagan Religions?”, Christian Research Journal, Winter 1994.
[70] Xc. Bruce Metzger, Historical and Literary Studies : Pagan, Jewish, and Christian, Grand Rapids, Eerdmans, 1968, tr. 11.
[71] Xc. Nash, the Gospel and the Greeks, tr. 105-120.
[72] Xc. Metzger, Historical and Literary Studies, tr. 13.
[73] Xc. Yuri Stoyanov, The Other God : Dualist Religions from Antiquity to the Cathar Heresy, Yale Unversity Press, 2000, tr. 75 .
[74] Xc. Yuri Stoyanov, sđd, tr. 75.
[75] Xc. Nash, “Was the New Testament Influened by pagan Religions?”
[76] Xc. David Ulansey, The Origins of the Mithraic Myteries, Oxford University Press, 1991.
[77] Xc. Yuri Stoyanov, sđd, tr. 77-78.
[78] Xc. M. J. Vermaseren, Mithras, the Secret God,, London, 1963.
[79] Xc. Peter Clark, Zoroastrianism, an Introduction to an Ancient Faith, tr. 157-158.
[80] Xc. Nash, The Gospel and the Greeks, tr. 136-137 ; O.E. James, Comparative Religion, New York, University Paperbacks, 1961, tr. 246-249.
[81] Xc. The Da Vinci Code, tr. 232.
[82] Xc. Kersey Graves, The World‘s Sixteen Cruccified Saviors, 1875, chương 19.
[83] Xc. E.O. James, Comparative Religion, New York, Unversity Paperbacks, 1961, tr. 247.
[84] Xc. Ibid, tr. 248-249.
[85] Xc. Kersey Graves, sđd, chương 7.
[86] Xc. Oxford Dictionary of the Christian Church, Oxford University Press, xuất bản lần thứ ba, 1997, tr. 732.
[87] Xc. Andre Grabar, La Premier Art Chretien, Gallimard Editions, 1996, tr. 99, hình 95.
[88] Xc. Herbert Haag, Caroline Ebertshauser, Joe H. Kirchberger, Dorothee Solle, Peter Heinegg, Mary : Art, Culture, And Religion Through the Ages, Crossroad/Herder & Herder, 1998.
[89] Xc. E. O. James, The Cult of the Mother-Goddess, New York, Barnes & Noble, 1994, tr. 241.
[90] Xc. Ibid., tr. 57.
[91] Xc. Nash, The Gosple and the Greeks, tr. 126-128. Muốn biết thêm về thần Isis, xc. C.J. Bleeker, S.G.F. Brandon, The Savior God : Comparative Studies in the Concept of Salvation, Manchester University Press, 1963, tr. 1-16, mục “Isis as Saviour Goddess”.
[92] Xc. Oxford Dictionary of Christian Church, tr. 1096.
[93] Xc. Mt 5, 23-24 ; 23, 18-20 ; Lc 1, 11.
[94] Xc. Kh 6, 9 ; 8, 3-5 ; 9, 13 ; 11, 1 ; 1, 8 ; 16, 7.
[95] Xc. Ignatius of Antioch, Letter to the Philadelphians, tr. 4.
[96] Xc. Nash, The Gospel and the Greeks, tr. 148-149.
[97] Xc. Jones, Comparative Relion, tr. 239 ; Metzger, Historical and Literary Studies, tr. 14.
[98] Xc. Metzger, sđd, tr. 16.
[99] Xc. Jean Danielou, The Bible and the Liturgy, University of Notre Dame Press, 1956, tr. 160 ; xc. 142-190.
[100] Xc. Dan brown, The Da Vinci Code, tr. 232.
[101] Xc. The Da Vinci Code, tr. 232-233.
[102] Xc. Ignatius of Antioch, Epistle to the Magnesians, ch. 9.
[103] Xc. Ignatius of Antioch, Epistle to Barnabas, ch. 15.
[104] Xc. Danielou, sđd, chương 15, “Ngày của Chúa,” tr. 242-261 và chương 16, “ngày Thứ Tám”, tr. 262-286.
[105] Xc. Ibid, tr. 242.
[106] Xc. The Dadiche 14, 1.
[107] Xc. De orat. xxiii ; xc. Ad nation., I, xiii ; Apolog., xvi.
[108] Xc. Oxford Dictionary of the Christian Church, 1558.
[109] Xc. St. Jerome, Pash. : CCL 78, 550, được trích trong Catechism of the Catholic Church, số 1166).
[110] Xc. Tạp chí Touchstone, tháng12/2003.
[111] Mitchell, tr. 232.
[112] Xc. Dr. Mitchell, LakeMagazine.com.
[113] Xc. Philip Hughes, The Church in Crisis : A History of the General Councils, 325-1870, Image, 1964 ; A.H.M. Jones, Constantine and the Conversation of Europe, University of Toronto Press, 1978.
[114] Xc. Oxford Dictionary of the Christian Church, tr. 1144.
[115] Xc. Jones, sđd, tr. 131.
[116] Xc. Dan Brown, The Da Vinci Code, tr. 233.
[117] Xc. Michael Baigent, Henry Lincoln, Richard Leigh, sđd, tr. 368. Điều trớ trêu là Arius tin rằng Đức Giêsu là một vị thần, nhưng hoàn toàn không phải là Thiên Chúa.
[118] Xc. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 465.
[119] Xc. Michael Baigent, Henry Lincoln, Richard Leigh, tr. 437. Nó còn thêm rằng : “Chúa Con được tuyên bố là đồng nhất với Chúa Cha.” Không hoàn toàn như vậy. Người được tuyên bố là “một trong bản tính” ; Người là một Ngôi vị tách biệt.
[120] Xc. The Da Vinci Code, tr. 233 ; x. Holy Blood, Holy Grail, tr. 368.
[121] Xc. Philip Hughes, The Church in Crisis : A History of the General Councils, 325-1870. New York, Image Book, 1964, tr. 36.
[122] Xc. Philip Hughes, sđd, tr. 38.
[123] Xc. Muốn có lịch sử chi tiết hơn, x. Báo Catholic Encyclopedia về chủ đề này.