Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

TỰ DO VÀ ĐAM MÊ DỤC VỌNG

Thời sự Thần học - Số 42, Tháng 12/2005, tr. 40-47

LTS: Gắn với những qui chuẩn, chuyện thế tục vốn là một trong những vấn nạn của vấn đề luân lý. Tác giả bài viết “Thế tục. Nhảy!” đã vận dụng ngôn ngữ triết học để làm mới một hướng nhìn về chuyện con người và những cách giải án hành vi, với kiểu hí lộng ngôn từ là lạ. Có thể những luận điểm đó không hoàn toàn thoả mãn được sự tò mò ban đầu nơi độc giả, song cũng đã gợi lên một chút nhìn hiện sinh về những gì đang diễn ra quanh chúng ta. Ban Biên tập chọn đăng bài viết này như một sự cổ võ cho những suy tư cá nhân còn ấp ủ đâu đó trong bạn đọc – những người cộng tác của TSTH…
Khi bài viết đã lên khuôn, chúng tôi lại tiếp tục nhận được một bài viết, với phạm vi luận bàn cụ thể hơn, xoay quanh vấn đề Thế Tục. Cũng trong cái nhìn giải án hành vi, “Tự Do Và Đam Mê Dục Vọng” là những điều nghiên nhẹ nhàng với những ý nghĩa khác thường của những từ chúng ta ít khi quan tâm tới về mặt ngữ nghĩa ẩn tàng phía sau. Với những ý tưởng nhẹ nhàng để nói về những tương hợp dường như bất khả, tác giả dường như cũng muốn chiết giải nghĩa tự; dường như cũng muốn tham gia vào cuộc bình giải và đề cao những mặt tích cực trong những tầng ý nghĩa của các quan điểm luân lý.


_Nguyễn Bảo_


Theo lối hiểu “mì ăn liền”, sát sườn của thời “siêu tốc độ” hôm nay, ta có thể xem tự do và đam mê là những thứ gì đó hiển hiện của một cơ chế thoáng. Xã hội xác nhận tôi có những quyền lợi cụ thể của kẻ làm người, nên tôi được thể hiện tự do theo những chuẩn mực riêng mà tôi, bằng nhận thức của mình, cho là thiện hảo. Còn thiên hạ, cứ nói những lần tôi chúi đầu vào một việc, một lối nào đó, là tôi đang ở với trạng thái đam mê, cũng chẳng sao. Đó là quyền tự do ngôn luận của họ. Miễn là đừng tìm cách chi phối tôi. Tự do là điều mang đến cho tôi những thong dong chạy tới lui trong những xây đắp của mình. Xin mọi người hãy nghĩ rằng mọi chọn lựa theo tự do của tôi đều mang tới cho tôi những nguồn sinh thú tôi muốn trải nghiệm thôi. Còn chuyện hệ quả sau đó là của riêng tôi gánh chịu.

Đó không chỉ là cái nhìn của các bạn trẻ đang lần mò tìm hướng khẳng định mình. Họ chưa có kinh nghiệm trả giá cho cái mà họ tin là tự do. Họ cũng hiểu đam mê là một trạng thái cảm xúc hơn yêu thích mà họ có thể tự do tới lui trong đó mà bỏ bớt những gì không thu hút cảm mỹ được họ. Người lớn có thể chau mày chau mặt những mong áp chế con trẻ bằng những gì họ đã kinh qua. Giữa hai thế hệ ấy là những khoảng cách về trí tri và những luận điệu kiểu giảng moral. Mọi thứ không tương thích nên tự do và trách nhiệm, đam mê và nghĩa vụ,... vẫn chưa mấy ai tham thông được.

1. Những định nghĩa


Trong cuốn Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam[1], tự do được cho là : quyền làm chủ chính mình, không lệ thuộc người khác, không bị người khác chi phối ; cách khác, tự do là việc tự theo ý mình muốn, miễn là không xâm phạm quyền lợi của người khác.

Còn Dục vọng thì là : Ước muốn được thỏa mãn những ham muốn ; và Đam mê là : Say mê quá những điều không tốt.

Dẫu sao đó cũng chỉ là những hạn từ định nghĩa theo ý hướng sử dụng thông dụng trong xã hội. Nó phản ánh được bản chất của nguyên nghĩa từ ngữ nhưng nó không hàm chứa hết, không chuyển tải hết ý nghĩa từ ngữ trên bình diện triết học.

2. Những hướng nhìn


Trên cơ sở ngôn từ, ta thấy rằng cả hai khái niệm tự do và đam mê đều là những biểu hiện hành vi vượt khỏi giới hạn nào đó. Tự do là đi ra khỏi những ràng buộc, níu kéo ; đam mê là việc vượt khỏi chuẩn mực thường tình để cố công theo đuổi một ý hướng nào đó. Khoan xét vấn đề hay dở, đúng sai, ta đã thấy ngay đó là những cách thức con người trỗi vượt khỏi những hành vi nhân sinh, trổi vượt khỏi những trì kéo của “thường tình nhi nữ”.

a. Tự do vẫn luôn là điều gây bận tâm nhiều nhất trong lịch sử con người. Triết học coi tự do là thước đo giá trị nhân bản. Tôn giáo coi tự do là cơ sở của phẩm giá siêu việt : thứ phẩm giá Thiên Chúa ban cho, quy hướng về với Thiên Chúa[2]. Còn trong phạm vi luân lý đạo đức, tự do đóng vai trò căn bản. Hành vi nhân linh và giá trị đạo đức giả thiết sựhiện hữu của tự do. Người ta cũng không thể đề cậptới trách nhiệm luân lý nếu thiếu vắng tự do. Và đã phân định ra đủ thứ thứ bậc, phạm vi của tự do : tự do trách nhiệm, tự do không pháp chế, tự do pháp chế, ... Thế nhưng, điều đáng bàn là, cũng như bao thực tại trần gian khác, tự do vừa phong phú vừa hàm hồ và cũng rất dị nghĩa. Có đôi khi người ta không thể tưởng được rằng tự do lại là vấn đề lập nên khẳng định anh được vẫy vùng “trong khuôn khổ” nào đấy. Thực tế thì tự do vẫn được áp dụng trong những chế tài. Người ta coi tự do hoàn hảo là tự do trong những chuẩn mực của qui tắc luân lý. Dầu sao thì Tự do của chúng ta cũng là thứ tự do của một con người cụ thể, giới hạn và hội nhập vào một nền văn hóa, một bối cảnh lịch sử và một cơ cấu kinh tế xã hội nhất định. Tiến trình phát huy tự do phải đi đôi với tiến trình phát triển xã hội và thành nhân. Để có những quyền tự do về tư tưởng, ngôn luận, tôn giáo, hội họp, báo chí, di trú, ... như ngày nay, lịch sử đã ghi nhận lại những lần đổ máu vì tranh đấu và những thời biểu dài đằng đẵng của chờ đợi.

Trong cái nhìn kinh điển, tự do vừa là ước vọng sâu thẳm trong tâm hồn, vừa là lẽ sống và lý tưởng tranh đấu của mọi thế hệ. Nói cụ thể, khi mất nước, ước muốn tự do là khát vọng không bị những thế lực bên ngoài tác động lên đời sống, chi phối đời sống mình ; khi làm dâu, người ta muốn được độc lập với những sắp xếp, tổ chức cuộc sống theo ý mình... Tự do đi với chọn lựa : Chọn cái này hay cái khác, muốn hay không muốn, chọn cái tốt hay cái xấu. Chọn lựa hàm ngụ một quyết định. Mà quyết định là dấn thân, là tự khẳng định mình. Như thế thì chọn lựa, với hành vi trực tiếp thực hiện, với ý thức, tự do và ý chí,... là hành vi gắn với trách nhiệm.

Song, Tự do lại không hẳn chỉ là lựa chọn. Lựa chọn chỉ là một thái độ nhờ đó hướng đến chân lý. Tự do chỉ có thể có trong tương quan với chân lý cần đạt tới. Người tự do là người có can đảm hướng về chân lý, hiến thân phục vụ chân lý. Can đảm ấy không giả tạo mà tự nó đã có như một khuynh hướng, ta chỉcần bồi đắp và tăng cường. Có hiểu như vậy thì mới hiểu vấn đề trách nhiệm. Nhiều người muốn tìm an ủi trong tất định, trong khi đó, nhiều người khác băn khoăn với luân lý. Băn khoăn vì thực chất của tự do là đạt tới chân lý. Một khi biết mình nắm được chân lý, hoặc đi trên đường chân lý, thì băn khoăn không còn nữa, lương tâm sẽ thanh thản. Trái lại, người không quyết định đáp lại tiếng gọi của chân lý, thì người đó không còn tự do, không có tự do.

Tự do đích thực là một dấu chỉ độc đáo về hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn con người tự quyết định để tự mình kiếm tìm Đấng Tạo Hóa và nhờ kết hợp với Người một cách tự do, con người đạt tới hạnh phúc viên mãn. Như vậy phẩm giá của con người đòi hỏi con người phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định do xác tín cá nhân, chứ không bởi sức thúc đẩy của bản năng hay sức cưỡng chế ngoại tại. Con người đạt tới phẩm gía này, khi giải thoát khỏi nô lệ của đam mê, bằng hành động chọn lựa tự do sư thiện, con người tiến về mục tiêu và cẩn thận tìm những phương tiện thích ứng. Vì tự do nhân loại đã bị tội lỗi làm tổn thương, cho nên phải nhờ ân sủng trợ giúp mới có thể hướng về Thiên Chúa một cách hiệu qủa và trọn vẹn.[3]

b. Thánh Thomas đã trả lời : “Đam mê là hiệu quả của nguyên nhân hành động trong thụ nhân”[4].

Theo lẽ thường, khi nói tới đam mê dục vọng là người ta qui ngay cho thứ đam mê thể xác, tức là những khát khao thỏa mãn nhu cầu sinh lý, ăn uống, vui chơi,.... Có lẽ không cần phải nói thêm nhiều và trưng dẫn những minh họa cho loại đam mê“xôi thịt” thuần hướng nhân sinh này. Dẫu sao thì người ta cũng còn phân biện đam mê thành nhiều loại : Đam mê vật dục, đam mê vô ý, đam mê hữu ý, đam mê dĩ tiền, đam mê dĩ hậu,... Xin tiếp tục bài viết trong một hướng khác, sáng sủa hơn trong ý niệm cũng như ngôn từ. Xin rút gọn bốn chữ đam mê dục vọng vào hai chữ đam mê, vì dù sao thì chữ “dục vọng”, nếu xét theo ngữ nghĩa một cách thông thoáng hơn, cũng chỉ là từ nói lên một tâm tình của khát vọng không hơn kém. Dù rằng cả hai khía cạnh “xôi thịt” lẫn ý hướng ngay lành này thường song hành với nhau, thể hiện thành hành động, thành những hành vi hơn bình thường, nhưng xét theo nhiều tầm ý nghĩa, ta sẽ không còn gán ý nghĩa cho ngôn từ, làm mất vẻ thăng hoa của nó.

Tâm lý gia S. Freud đã xếp hạng đam mê vào hai phạm vi : Quyền lực và tính dục. Người ta không chỉ có những ước vọng được thỏa mãn phần thể xác (ăn uống, ngủ nghỉ, tình dục,...) mà còn luôn nuôi trong mình thứ đam mê được sở hữu vật chất lẫn tinh thần : kiến thức, tầm hiểu biết chuyên sâu, bách khoa,... nói chung qui lại là ước muốn được thành chuẩn mực trong mọi hướng, đủ đầy mọi thứ để có thể “phù phép” ra những tác phẩm hoàn hảo, chi phối được thiên hạ. Trong ý hướng dấn thân, đam mê vẫn có thể được xem như một giá trị đạo đức. Người đam mê sẽ thỏa mãn mình trong ý hướng dấn thân ấy, nên có thể coi đam mê là một cách an hòa nội tâm. Những kẻ sống không đam mê, không cá tính, không có sự thúc đẩy của dục vọng, sẽ chẳng thể nào nên người theo nghĩa trọn vẹn kiếp nhân sinh được. Những người hiền như cừu và lành như nắm bông không thể thành nhân vị phong phú giúp ích cho xã hội được. Giáo dục những người như họ vừa mỏi mệt vừa buồn vừa uổng công mà thôi. Họ không có ý hướng cạnh tranh sinh tồn đã đành, lại còn chẳng có chút chí khí nào cả.

Nói như thế để thấy rằng dù người ta vẫn cố tình sử dụng chữ dục vọng để chỉ những gì thấp hèn thuộc phạm vi luân lý, song trong tầm ý nghĩa của nó, dục vọng vẫn có thể được sử dụng như một đơn vị từ ngữ chỉ về khát vọng trí tri.

3. Tương quan đam mê và tự do - tương quan luân chuyển?


Lan man một vài ý kiến về hai chữ tự do và đam mê dục vọng, xin tiếp tục trở lại nói về tương quan giữa hai quan niệm này.

Cả tự do và đam mê, trong ý hướng và cách thức, đều giữ vai trò là những cách thức biểu lộ tư thế hành động của con người trước vạn sự. Tự do phải bắt nguồn từ cái đam mê, từ cái sức sống mãnh liệt của những thúc đẩy, dục vọng như đã trình bày trên. Còn không, tự do chỉ là thứ tự do của trừu tượng và lý thuyết mà thôi. Những trẻ ngỗ ngịch, hiếu động, hiếu thắng, “rắn mày rắn mặt” mới có triển vọng thành nhân được. Một Thomas Aquinas từng bị nhốt trong phòng kín, bị mẹ đưa gái điếm vào dụ dỗ,... cũng nhất quyết chỉ muốn trở thành một tu sĩ dòng Đa minh, và đã thành danh. Một Catharina Siena dám phỉ báng cả Giáo Hoàng với nguyện vọng thống nhất giáo hội,... rồi những tấm gương cương cường của các thánh tử đạo nữa. Nguyện vọng được làm chứng tá cho Đức Chúa Trời, xét cho cùng, cũng có khác gì một thứ đam mê?

Hệ quả của đam mê trong tự do thường là một chọn lựa sống mái. Xã hội vẫn phản ánh những chọn lựa mê lầm, trụy lạc. Báo chí mỗi ngày đều nhan nhản những gương mặt đen biểu trưng cho những băng hoại đạo đức : Này đám choai choai ham chơi bỏ nhà đi bụi, này cướp giật, này chủ tàu ham tiền biến ghe cá thành tàu du lịch và đưa cả trăm người đối diện với cái chết, này những tên khủng bố khát máu cắt cổ người trước ống kính quay phim, này những tên cai ngục bệnh hoạn sỉ nhục tù nhân bằng những trò bỉ ổi, dâm đãng ...Thế nhưng cũng từ các phương tiện thông tin đại chúng ta cũng bắt gặp những đam mê, những “dục vọng” (xin hiểu là ước muốn thỏa mãn) làm nền tảng cho mọi sáng tạo : Những anh nông dân quê Tây Ninh mê mẩn với những đinh, ốc để tạo nên một chiếc máy bay trực thăng cho riêng mình ; những bậc phụ huynh dám từ bỏ công việc của mình, chọn lấy chiếc taxi làm phương tiện kiếm sống để đưa con tới phương trời xa lạ mà nuôi dưỡng đam mê âm nhạc của nó, như trong gia đình nghệ sĩ violon trẻ Bùi Công Duy chẳng hạn ; Gần gũi nhất, ta cũng từng biế tới một mẫu người như thế trong hàng các giáo sư của Học viện Đa minh : Cha Joachim Nguyễn Văn Liêm, OP. Đam mê nghiên cứu và phổ biến tư tưởng Thomas không chỉ còn thuần là sự chí thú với công việc, mà đã thành một dạng bản năng, thành máu thành thịt người. Bệnh tật vàng vọt cả tấm thân cũng vẫn hứng khởi lạ thường khi được nói về Thomas cho đàn em. Thậm chí khi không còn hơi sức để nói, cũng vẫn chỉ vương vấn chuyện ai sẽ là người kế tục công trình phổ biến tư tưởng Thomas. Đam mê như thế là tốt hay xấu?

Xét về mặt tốt cũng như không tốt, cả hai hình thái biểu hiện của hai quan niệm trên đều là sự tiếp nối nhau. Người ta không thể thỏa mãn được đam mê của mình khi không có đủ tự do. Trong một chế tài nào đó, khi người ta thúc ép nhau thể hiện đam mê để kiến tạo một cái gì đó không bình thường (vũ khí sinh học, bom, thuốc độc,...) thì cũng vẫn phải để cho người có chuyên môn được xoay sở với những gì cần thiết, trong một không gian đủ dùng cho những thao tác.

Đam mê cũng giới hạn tầm hoạt động của con người, giới hạn tự do. Khi người ta chí thú trong một chuyên biệt nào đó, những hoạt động khác sẽ cũng vì thế mà lơ là bớt. Nhất là trong thế giới đa biệt của ngày hôm nay, một người dấn thân vào một lãnh vực, quên ăn quên ngủ vì công việc đó, cũng chưa hẳn đã có thể rành rẽ mọi đường đi nước bước trong đó, huống hồ muốn ôm trọn cả nhân gian vào vòng tay. Một người làm việc trí thức thì phải loại bỏ dần (hẳn) công việc cơ bắp, một người chuyên về ngữ dụng, văn chương thì cũng chỉ cần mức vốn tối thiểu về những khoa học kỹ thuật khác. Một chuyên viên mạng không hẳn đã là người vừa viết phần mềm vừa quản lý mạng,... Một lần nữa chúng ta xác định lại giới hạn của con người. Nhất là khi đã đam mê một điều chi đó thì chẳng thể nào hoàn tất hết những công việc xung quanh, những đam mê của người khác.

Nên cần có những cái người ta gọi là “vùng qui hoạch”, là chuyên ngành ; nên giáo dục mới chia học vị tốt nghiệp đại học thành cử nhân (khoa học xã hội) và kỹ sư (khoa học kỹ thuật). Người ta đầu tư cho những Thần đồng chuyên chăm với một kỹ năng nào đó...

Tự do và đam mê, dẫu có nhiều chắp nối liên can, cũng vẫn là vấn đề của hiện sinh con người. Điều đáng bàn cuối cùng là : “Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có tính xây dựng. Đừng ai tìm lợi ích cho riêng mình, những hãy tìm lợi ích cho người khác” (1Cr 10, 23-24). Dầu làm gì, trong tư thế nào, cũng nên nghĩ tới trách nhiệm và tha nhân.
[1] Nguyễn Lân chủ biên, nxb TP. Hồ Chí Minh,1998.
[2] Giáo huấn xã hội của giáo hội, số 49, Bản dịch của Lm Nguyễn Hồng Giáo. Tr.35.
[3] Vatican II, Gaudium et Spes, 17. Trích lại trong Giáo trình Đạo đức học của Lm. Pl. Nguyễn Thái Hợp, HV Đa Minh.
[4] Tổng luận Thần học, Quyển II, phần I, Tập 2. Câu hỏi 26.