Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

THÁNH LỄ: CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA

Thời sự thần học, số 41 – Tháng 9/2005, tr. 16-15 

Là cha sở họ Ars từ năm 1818 cho đến khi qua đời năm 1859, cha Jean-Maria Vianey không ngừng rao giảng Lời Chúa, dạy giáo lý và tiên vàn huấn luyện các giáo dân của ngài, rồi sau đó dân chúng khắp nơi tuôn đến ngôi làng này. Cha có lòng sùng kính đặc biệt đối với Bí tích Thánh Thể. Chính ở đó, cha đã kín múc được sức mạnh, ánh sáng và lòng can đảm để có thể đi trọn hành trình hoà giải con người với Thiên Chúa đã được giao phó cho cha.
Giuse Hoàng Văn Hoà, O.P. chuyển ngữ

_Jean-Maria Vianey_


Tất cả những công trình tốt đẹp được nối kết không sánh được với hy lễ thánh thiêng của thánh lễ, vì đó là những công trình của loài người, còn thánh lễ là công trình của Thiên Chúa. Việc tử đạo không thể đem so sánh : hy lễ mà loài người dâng lên Thiên Chúa chính là sự sống của họ, còn thánh lễ là hy lễ Thiên Chúa ban cho nhân loại là Mình và Máu Người.

Linh mục là một điều gì đó lớn lao. Nếu linh mục hiểu được điều này thì ngài sẽ chết… Đó là Thiên Chúa vâng lời linh mục : khi ngài nói hai từ thôi, thì từ trời Chúa chúng ta ngự xuống trong lời nói của linh mục và thu mình vào tấm bánh bé nhỏ. Thiên Chúa chăm chú nhìn trên bàn thờ. Người nói : “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Mt 3, 17). Vì công nghiệp của lễ vật hy tế này (Đức Giêsu), Thiên Chúa không thể từ chối bất cứ điều gì. Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta thấy Thiên Chúa ẩn mình nơi linh mục như một luồng sáng sau tấm kính, hay như rượu được hoà vào trong nước.

Sau khi truyền phép, lúc tôi cầm Thân Mình Rất Thánh của Chúa chúng ta trong tay, lúc tôi ở trong giây phút thất vọng, đồng thời lúc ấy tôi chỉ thấy mình đáng sa hỏa ngục, thì tôi tự nhủ : “Dù thế nào tôi cũng đưa Mình Thánh về với tôi ! Hỏa ngục rất gần với nỗi thất vọng. Hỏa ngục không có giá trị gì đối với tôi để chịu đau khổ mãi mãi nếu như chúng ta cùng ở trong đó. Nhưng lúc ấy, hỏa ngục sẽ không còn nữa, ngọn lửa tình yêu sẽ dập tắt ngọn lửa công lý.”

Sau khi truyền phép, Thiên Chúa nhân lành ở trong hình bánh rượu như ở trên trời. Nếu ai biết rõ mầu nhiệm này thì người ấy sẽ chết đi cho tình yêu. Thiên Chúa giữ gìn chúng ta vì chúng ta yếu đuối.

Nếu như người ta nói với chúng ta : “Vào giờ đó, người ta sẽ làm cho một người chết sống lại”, thì chúng ta sẽ chạy thật nhanh để xem sự việc ấy. Nhưng việc truyền phép biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu của một Thiên Chúa chẳng phải là một phép lạ vĩ đại hơn việc phục sinh kẻ chết hay sao ? Luôn luôn phải dành ra ít là mười lăm phút để tự chuẩn bị cho mình am hiểu về thánh lễ. Phải tự hủy trước mặt Thiên Chúa, theo mẫu gương tự hủy đến cùng của Chúa trong Bí tích Thánh Thể, tự xem xét lương tâm của mình vì phải ở trong tình trạng ân sủng thì mới có thể sốt sắng tham dự thánh lễ được.

Nếu người ta nhận biết giá trị của hy tế thánh thiêng trong thánh lễ, hay đúng hơn nếu người ta có đức tin, người ta sẽ có lòng nhiệt thành cao độ để tham dự thánh lễ.

Các con yêu quý của cha, các con hãy nhớ lại câu chuyện mà cha đã thuật lại cho các con về vị linh mục thánh thiện đã cầu nguyện cho bạn mình. Bên ngoài, Thiên Chúa đã cho ngài biết anh ta đang ở trong luyện ngục ; ngài luôn nhớ đến anh ta, và ngài không thể làm gì tốt hơn là dâng hy tế thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn anh. Khi đến giây phút truyền phép, vị linh mục cầm tấm bánh giữa các ngón tay của mình và nói : “Lạy Cha hằng hữu, cha là Đấng thánh, chúng con xin thực hiện việc trao đổi. Cha đã cầm giữ linh hồn bạn con trong luyện ngục, còn con con đang cầm Thân Mình Con Cha trong tay con : xin Cha hãy giải thoát bạn con và con sẽ dâng cho Cha Người Con của Cha cùng với tất cả công nghiệp sự chết và sự thương khó của Người”. Quả thật, khi được tôn vinh, vị linh mục này thấy linh hồn bạn mình đang ở trên trời, trong vinh quang rực rỡ.

Khi muốn xin Thiên Chúa nhân lành điều gì, chúng ta cũng hãy làm như vậy. Sau khi hiệp lễ, chúng ta hãy dâng lên Chúa Người Con Chí Ái cùng với tất cả công nghiệp sự chết và sự thương khó của Người; Thiên Chúa sẽ không thể từ chối chúng ta điều gì.

Con nhìn Chúa và Chúa nhìn con


Thiên Chúa chúng ta đang ẩn náu trong Bí tích Thánh Thể. Người đợi chúng ta đến viếng thăm và cầu xin. Các con hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy ! Thiên Chúa bằng lòng với những yếu đuối của chúng ta. Trên trời, nơi chúng ta sẽ chiến thắng và vinh quang, chúng ta sẽ thấy Chúa trong vinh quang của Người. Giờ đây, nếu Thiên Chúa hiện diện với vinh quang trên trời trước mặt chúng ta, chúng ta sẽ không dám đến gần Người : tuy nhiên, Người ẩn náu như một người trong nhà tù, và nói với chúng ta : “Các con không thấy Ta, điều đó không quan trọng. Hãy xin Ta tất cả những gì các con muốn, Ta sẽ ban cho các con những điều ấy.”(Xc Ga 14,13)

Chúa chúng ta hiện diện trong Bí tích Tình Yêu, Người không ngừng kêu xin cùng Chúa Cha và chuyển cầu cho những kẻ tội lỗi. Để ở giữa chúng ta, Chúa lại không phải chịu những xúc phạm nào sao ? Người ở đó để an ủi chúng ta thì chúng ta cũng phải thường xuyên đến viếng thăm Người. Mười lăm phút thật là ít ỏi để chúng ta ra khỏi những lo toan, những vô ích khi đến cầu nguyện với Chúa, thăm viếng Chúa, an ủi Chúa về tất cả những bất công mà Chúa nhận lấy, Người thật dễ thương làm sao !

Khi Chúa thấy những tâm hồn thanh sạch ân cần đến với Người, thì Người mỉm cười với họ. Với sự đơn sơ làm Chúa rất vui lòng, những tâm hồn này đến xin Chúa thứ tha cho tất cả những kẻ tội lỗi về biết bao lời lăng mạ vô ơn. Hạnh phúc dường nào chúng ta không áy náy trong sự hiện diện của Chúa, trong khi chúng ta nhận ra một mình chúng ta cùng đi với Chúa đến trước những nhà tạm thánh! “Nào chúng ta đi, hồn tôi hỡi, hăng say lên nào. Chỉ có một mình ngươi thờ lạy Thiên Chúa của ngươi và Chúa đoái nhìn đến mình ngươi.” Đấng Cứu Độ nhân lành dù có đổ đầy tình yêu cho chúng ta đến thế nào thì Người cũng tìm kiếm chúng ta khắp nơi.

Này, hỡi các con của cha, ban đêm khi các con thức dậy, trong tinh thần, các con hãy nhanh chân đến trước nhà tạm, và nói với Chúa chúng ta rằng : “Lạy Chúa, chính con đây, con đến thờ lạy Chúa, ca tụng Chúa, chúc tụng Chúa, cảm tạ Chúa cùng với các thiên thần.” Các con hãy dâng lời cầu nguyện mà các con biết, và giả như không thể cầu nguyện được thì các con hãy núp sau cánh của Thiên Thần Bản Mệnh và hãy để ngài cầu nguyện thay cho các con.

Mở đôi mắt mù loà


Khi các con gia nhập Hội Thánh, khi các con lấy nước phép, khi các con giơ tay làm dấu thánh giá trên trán, thì hãy nhìn lên Nhà Tạm vì lúc đó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta hé mở nhà tạm chúc lành cho các con.

Nếu chúng ta có đôi mắt của các thiên thần và thấy Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đang hiện diện nơi đây, trên bàn thờ này và Người nhìn chúng ta, thì chúng ta sẽ yêu mến Người biết bao ! Chúng ta không còn muốn xa cách Người nữa, chúng ta muốn ở lại dưới chân Người mãi mãi : đó là sự hưởng nếm trước hương vị trên trời ; mọi sự còn lại sẽ trở nên vô vị với chúng ta. Nhưng ở đây, đức tin chúng ta còn yếu kém. Chúng ta là những người mù đáng thương ; chúng ta bị một lớp sương mù che trước mắt. Chỉ có đức tin mới có thể làm tan lớp sương mù ấy. Các con yêu quý của cha, lát nữa, khi cha cầm Chúa chúng ta trong tay, khi Thiên Chúa nhân lành chúc lành cho các con, các con hãy xin Người mở mắt tâm hồn cho các con ; hãy nói với Người như anh mù thành Giêricô : “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” (Xc. Mc 10, 51), thì chắc chắn các con sẽ đạt được điều các con mong ước, bởi vì Thiên Chúa chỉ muốn các con hạnh phúc ; bàn tay Người tràn đầy ân sủng, Người tìm kiếm con người để phân phát những ân sủng ấy cho họ, nhưng chẳng người nào muốn điều đó. Ôi thật dửng dưng ! Ôi thật bạc bẽo ! Thật bất hạnh cho chúng ta vì đã không nhận ra những điều ấy.

Có một ý hướng


Chúa chúng ta hiện diện trong nhà tạm như là hy tế. Một lời nguyện thật chân thành dâng lên Chúa, đó là lời thỉnh cầu Đức Trinh Nữ dâng lên Chúa Cha hằng hữu Người Con của Mẹ, tất cả đều đổ máu, tất cả bị tan nát nhằm hoán cải những kẻ tội lỗi : đó là lời cầu nguyện đẹp nhất mà người ta có thể thực hiện vì mọi lời nguyện đều nhân danh Đức Giêsu Kitô và nhờ công nghiệp của Người. Lúc nào cha cũng cầu xin ơn Chúa, cha đã xin theo cách thức như thế ; không bao giờ được thiếu sót điều đó. Khi hiệp lễ, các con phải luôn có một ý hướng, và phải nói về việc lãnh nhận Thân Mình Chúa chúng ta : “Ôi, lạy Cha nhân lành, Đấng ngự trên trời, giờ đây con dâng lên Cha Người Con Một, như người ta đã treo Người lên, như người ta đã hạ Người xuống khỏi thập giá, như người ta đã đặt Người vào vòng tay của Đức Trinh Nữ, và Mẹ đã dâng Người cho Cha làm hy tế vì chúng con. Con dâng lên Cha Thân Mình Rất Thánh này, và nhờ lời Mẹ Rất Thánh, xin Cha thứ tha tội lỗi con để xứng đáng hiệp lễ và đạt được ân sủng là đức tin, đức mến và đức khiêm nhường”.

Còn phải cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những ân xá thanh tẩy tội lỗi chúng ta. Có thể nói, người ta tiến triển trên những ân xá, giống như sau mùa gặt, người ta tăng triển những bó lúa : Thiên Chúa gia tăng ân sủng cho chúng ta ; vì thế, vào ngày cuối đời, chúng ta sẽ hối tiếc vì đã không biết tận dụng những ân xá để sinh lợi.

Thật là tuyệt vời !


Trong khi chúng ta hiện diện trước Bí tích Thánh Thể, thay vì nhìn xung quanh, chúng ta hãy nhắm mắt lại và mở rộng tâm hồn ; Thiên Chúa nhân lành sẽ mở rộng tâm hồn của Người. Chúng ta chạy đến với Người, và Người cũng đến với chúng ta, một bên cầu xin, một bên đón nhận tựa như một hơi thở đi từ người này sang người kia. Dịu dàng thay chúng ta không quên kiếm tìm Thiên Chúa !

Trong thời gian đầu ở họ đạo Ars, có một người đàn ông không bao giờ đi ngang nhà thờ mà lại không bước vào. Buổi sáng, ông đi làm. Chiều về, ông cũng lại ghé vào nhà thờ. Bỏ lại cuốc và xẻng ngoài cửa, ông ở lại lâu giờ thờ lạy trước Bí tích Thánh Thể. Cha rất thích việc này. Một lần, cha hỏi ông ta đã thưa điều gì với Chúa trong suốt những lần viếng thăm Thánh Thể lâu giờ như thế. Các con có biết ông ta trả lời với cha như thế nào không ? “Thưa cha, con không nói với Chúa điều gì cả, con nhìn Chúa và Chúa nhìn con. Con chiêm ngắm Chúa và Người thấy con”. (Ở đây, những giọt nước mắt đã cắt ngang lời của vị giáo lý viên thánh thiện). Ngài nhắc lại: “Thật là tuyệt vời !”

Chúng ta đón nhận niềm vui của chúng ta


Chúa chúng ta đã nói : “Tất cả những gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Cha, thì Người sẽ ban cho các con” (Ga 14, 13). Không bao giờ chúng ta sẽ nghĩ đến việc xin Người Con Một của Thiên Chúa. Nhưng điều con người không bao giờ nghĩ tới thì Thiên Chúa đã làm. Điều con người không thể nói cũng không thể đón nhận, điều con người không dám mơ tưởng bao giờ, thì Thiên Chúa đã thực hiện trong tình yêu của Người (Xc 1Cr 29). Phải chăng chúng ta không dám nói với Thiên Chúa làm cho Con của Người chết đi vì chúng ta, chúng ta không dám xin Thịt của Người để ăn và Máu của Người để uống ? Giả như tất cả không phải là sự thật, thì con người có thể tưởng tượng ra những điều Thiên Chúa không thể thực hiện được. Trong những khám phá về tình yêu, phải chăng con người đã vượt xa Thiên Chúa ? Chuyện đó thì không thể !

Không có Bí tích Thánh Thể, nghĩa là sẽ không có hạnh phúc trên thế gian này, cuộc sống sẽ không thể chịu nổi. Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Thể là chúng ta lãnh nhận niềm vui và hạnh phúc của chúng ta.

Thiên Chúa nhân lành muốn hiến thân cho chúng ta trong Bí tích Tình Yêu, Người muốn ban cho chúng ta một mong ước bao la rộng lớn mà chỉ có mình Người mới có thể thỏa mãn. Bên cạnh Bí tích cao đẹp này, chúng ta tựa như một người chết khát cạnh một dòng sông (anh ta chỉ còn biết cúi đầu), hay tựa như một người nghèo khổ ở cạnh một kho tàng (anh ta chỉ còn biết giơ tay ra xin).

Ai lãnh nhận Thánh Thể thì tan biến trong Thiên Chúa như một giọt nước giữa đại dương. Người ta không thể tách lìa người ấy ra khỏi Thiên Chúa. Có cái gì, nếu như người ta suy nghĩ, tan biến mãi mãi ở trong vực thẳm tình yêu này.

Trong ngày phán xét, người ta sẽ thấy Thân Thể Chúa chúng ta sáng chói nơi thân xác vinh quang của những ai đã lãnh nhận Mình Thánh Người một cách xứng đáng ở trên trần gian, giống như người ta thấy vàng lấp lánh trong đồng hay bạc rực sáng trong chì.

Trở nên những người mang Chúa trong mình


Khi sắp chịu lễ, giả như một ai đó nói với chúng ta : “Bạn đem cái gì vào nhà bạn ?”, chúng ta có thể trả lời : “Tôi đem trời vào trong đó.” Có một vị thánh nam nói rằng chúng ta là những người có Thiên Chúa (des porte-Dieu). Điều đó thật đúng, nhưng đức tin của chúng ta còn yếu kém. Chúng ta không hiểu hết phẩm giá của mình. Rời bàn tiệc thánh, chúng ta cũng hạnh phúc như các nhà đạo sĩ, giả như họ có thể đem Chúa Giêsu Hài Đồng cùng đi.

Các con hãy lấy một bình đầy rượu và đậy kín lại, hãy bảo quản nó đến khi các con muốn uống. Cũng thế, sau khi hiệp lễ nếu các con giữ Chúa chúng ta ở lại trong thinh lặng tâm hồn, các con sẽ cảm thấy ngọn lửa nung nấu rất lâu này gợi lên trong trái tim một thiên hướng đến sự thiện và một sự chán ghét điều xấu.

Khi chúng ta có Chúa nhân lành trong trái tim chúng ta, thì trái tim chúng ta phải bừng cháy mãnh liệt. Trái tim các môn đệ trên đường Emmau chỉ bừng cháy khi lắng nghe Lời Chúa.

Tôi không thích, khi đến bàn tiệc Thánh, ngay lập tức người ta đọc sách. Người ta nói để làm gì khi Chúa mới là người cần nói ? Phải làm giống như một ai đó thật tò mò lắng nghe ở ngoài cửa. Phải lắng nghe tất cả những điều Thiên Chúa nhân lành nói vào cửa trái tim chúng ta.

Khi đã đón nhận Chúa chúng ta, các con cảm thấy linh hồn mình được thanh tẩy, được tắm gội trong tình yêu của Thiên Chúa.

Khi chịu lễ, người ta cảm nhận có cái gì đó lạ thường, một sự thoải mái (bien-être) sẽ đi khắp cơ thể và lan rộng cho đến điểm cuối cùng. Sự thoải mái này là gì ? Chính là Chúa chúng ta lan truyền đến tất cả những bộ phận trong thân thể chúng ta và làm cho chúng rung động. Chúng ta buộc phải nói như thánh Gioan: “Chính Chúa đó” (Ga 21,7). Những ai hoàn toàn không cảm nhận được sự gì thì thật đáng thương.

Của ăn thích hợp cho linh hồn


Mọi tạo vật cần ăn để sống : chính vì thế, Thiên Chúa nhân lành khiến mọc lên cây cỏ và thực vật ; đó là một bữa ăn được phục vụ chu đáo mà tất cả động vật đến hưởng dùng mỗi thứ thức ăn hợp với chúng. Nhưng linh hồn cũng phải được dưỡng nuôi. Vậy đâu là của ăn cho linh hồn ? Khi Thiên Chúa muốn ban một của ăn cho linh hồn chúng ta để nâng đỡ linh hồn trong hành trình sống, thì Người đưa mắt nhìn tạo vật và không thấy một sự gì xứng đáng với linh hồn. Vậy Thiên Chúa đã khép mình lại và nhất quyết trao ban chính mình. Hồn tôi ơi, ngươi thật là cao cả vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm hài lòng ngươi ! Của nuôi dưỡng linh hồn, chính là Mình và Máu của một Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể dưỡng nuôi linh hồn ! Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm thỏa mãn cho linh hồn! Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm no thỏa cơn đói của linh hồn ! Tuyệt đối phải là Thiên Chúa. Phúc thay những tâm hồn thanh sạch, hạnh phúc vì được kết hiệp với Chúa chúng ta qua việc rước lễ. Trên trời, những linh hồn ấy sẽ toả sáng như những hạt kim cương óng ánh, vì Thiên Chúa thấy mình ở trong đó. Trong tất cả những căn nhà, có một nơi mà người ta bảo quản lương thực của gia đình : đó là căn phòng (office). Nhà thờ là nhà của các linh hồn : đó là căn nhà dành cho chúng ta là những Kitô hữu. Trong căn nhà này, liệu có một căn phòng ? Các con có thấy Nhà Tạm không ? Nếu người ta nói với linh hồn của các Kitô hữu : đó là cái gì ? Thì linh hồn các con sẽ trả lời : “Đó là căn phòng…”

Một linh hồn luôn đón nhận Thiên Chúa cách xứng đáng sẽ sống mãi muôn đời ! Thân thể của Chúa chúng ta sẽ chiếu sáng qua thân thể chúng ta, máu yêu quý của Người sẽ đi vào máu chúng ta ; linh hồn chúng ta được kết hiệp với linh hồn của Chúa chúng ta mãi mãi. Nhờ đó, linh hồn sẽ hưởng hạnh phúc hoàn hảo và tinh tuyền. Khi bước vào thiên đàng, linh hồn người Kitô hữu đã lãnh nhận Chúa chúng ta làm tăng thêm niềm vui trên trời. Các thiên thần và Nữ vương các thiên thần sẽ đến trước linh hồn ấy, bởi vì họ nhận ra Con Thiên Chúa ngự ở nơi ấy. Chính vì vậy, linh hồn này được đền bù cho những đau khổ và hy sinh đã chịu đựng trong suốt cuộc đời.

Người ta biết khi một linh hồn lãnh nhận Bí tích Thánh Thể cách xứng đáng thì sẽ chìm đắm trong tình yêu, hiểu thấu và biến đổi đến nỗi, trong lời nói và hành động, người ta không còn nhận ra linh hồn ấy nữa. Linh hồn ấy rất bình thường, hiền hoà, khổ chế, bác ái, khiêm tốn và hoà hợp với cả thế giới. Đó là một linh hồn có khả năng chịu những hy sinh lớn nhất. Cuối cùng, người sẽ không thể nhận ra linh hồn ấy được nữa.

Lò lửa lại bừng cháy


Vậy, hãy rước lễ, hỡi các con của cha, hãy đến với Chúa Giêsu bằng tình yêu và lòng tin tưởng ! Hãy đến sống với Người và sống cho Người ! Đừng nói rằng các con đã làm quá nhiều. Phải chăng Thiên Chúa Cứu Độ đã không nói : “Hãy đến với Ta, hỡi những ai lao nhọc và gánh nặng, hãy đến với Ta và Ta sẽ bổ sức cho”. Liệu các con có thể khước từ một lời mời đầy thiện cảm và thắm thiết tình bạn được chăng ? Đừng nói rằng các con không xứng đáng với lời mời ấy. Đúng vậy, các con không xứng đáng, nhưng các con cần điều đó. Nếu Chúa chúng ta biết phẩm giá của chúng ta, thì Người đã không bao giờ thiết lập Bí Tích Tình Yêu cao đẹp của Người : vì không ai trên thế gian xứng đáng với Bí tích ấy, các thánh, các thiên thần, tổng lãnh thiên thần, Đức Trinh Nữ cũng vậy thôi, nhưng Chúa đã biết những nhu cầu của chúng ta. Đừng nói rằng các con là kẻ tội lỗi, đã quá khốn khổ, và chính vì thế, các con không dám đến gần Bí Tích Tình Yêu này. Cha thích nghe nói về các con bao nhiêu thì các con lại quá đau yếu bấy nhiêu, và chính vì điều ấy các con không muốn gọi bác sĩ đến.

Việc rước lễ nâng đỡ cho linh hồn, giống như một làn gió thổi đến ngọn lửa đang dần tắt, nhưng ở đó vẫn còn nhiều hơi nóng : người ta thổi, lò lửa lại bừng cháy. Sau khi đón nhận các bí tích, lúc chúng ta cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa chậm lại, hãy mau đến rước lễ thiêng liêng. Khi chúng ta không thể đến nhà thờ, chúng ta hãy hướng về gần Nhà Tạm. Không có bức tường nào ngăn cản Chúa nhân lành được. Chúng ta hãy đọc năm Kinh Lạy Cha và năm Kinh Kính Mừng để rước lễ thiêng liêng. Chúng ta chỉ có thể đón nhận Thiên Chúa nhân lành mỗi ngày một lần – nhưng một linh hồn tràn đầy tình yêu thay thế việc rước lễ thiêng liêng bằng sự khao khát đón nhận Chúa mọi lúc.

Hỡi con người, ngươi thật cao cả, được ăn uống từ thân thể của một Thiên Chúa ! Cuộc đời êm ái thật là cuộc đời kết hợp với Thiên Chúa ! Đó chính là thiên đàng nơi trần thế : không còn đau khổ nữa, không còn thánh giá nữa. Khi các con hạnh phúc vì đã đón nhận Thiên Chúa, thì trong một lúc nào đó, các con sẽ cảm nhận niềm vui, niềm an ủi trong trái tim các con. Những linh hồn thanh sạch thì luôn luôn như thế ; vì việc kết hợp với Thiên Chúa cũng làm nên sức mạnh và hạnh phúc cho linh hồn của họ.