Thứ Tư, 20 tháng 7, 2022

SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ VỚI HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA ĐỨC MARIA

Thời sự thần học, số 41 – Tháng 9/2005, tr. 26-38

_Quốc Văn, O.P._ 


Chúng ta đang ở trong tháng cuối cùng của năm Thánh Thể. Trước khi năm Thánh Thể khép lại, thiết nghĩ chúng ta nên dành giây lát suy niệm về Bí tích cực trọng này qua hành trình đức tin của Đức Maria, “người phụ nữ của Thánh Thể”.[1]

Tại trường học của Đức Maria, chúng ta được Thánh Thể chất vấn về chính ý nghĩa của cuộc sống, về những thách đố của niềm tin, và mời gọi chúng ta đáp lời xin vâng trọn vẹn. Thánh Thể cũng chính là lời ngợi khen cảm tạ mà Đức Maria đã cất lên trong lời kinh Magnificat; là lời mời gọi khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, như Đức Maria đã ngược xuôi vất vả tìm con; là lời mời gọi chia sẻ vận mạng với tha nhân, như Đức Maria đã chia sẽ nỗi khó khăn với gia chủ ở tiệc cưới Cana khi họ hết rượu; và cũng là nẻo đường dẫn tha nhân đến gặp Thiên Chúa, như Đức Maria là thầy dạy tuyệt vời của chúng ta trong việc chiêm ngắm dung nhan Đức Kitô,[2] và trong việc thực thi thánh ý Người.[3]

Thoạt tiên, dường như chúng ta không thấy Tin Mừng đề cập đến mối tương quan giữa Đức Maria và Thánh Thể, nhưng dựa theo những lời của Đức Mẹ, chúng ta đi vào hành trình khám phá này.

1. Thánh Thể, lời mời gọi đặt lại ý nghĩa cuộc sống


“Lời chào như vậy có ý nghĩa gì ?” (Lc 1,29). Trước lời chào của sứ thần Gabrien : “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28), Đức Maria rất bối rối và tự hỏi về ý nghĩa của lời chào đó. Chắc hẳn, Đức Maria rất nhạy cảm trước Lời của Chúa, vì Mẹ biết rất rõ, chẳng phải ngẫu nhiên sứ thần lại “đổi tên” của Mẹ như vậy. Tại sao sứ thần không chào Mẹ là “chào cô Maria”, mà lại chào là “Đấng Đầy Ân Sủng”? Khi đổi tên ai, là Thiên Chúa ký thác cho người ấy một trách nhiệm mới. Trong lịch sử, Kinh thánh hẳn còn ghi lại việc Chúa đã đổi tên cho ông Abram thành Abraham, đổi tên cho ông Giacóp thành Israel… giờ đây Thiên Chúa lại đổi tên của Mẹ.

Từ đây, cuộc đời của Mẹ sẽ ra sao ? Ý nghĩa của lời chào phải chăng là chính ý nghĩa cuộc đời của Mẹ? Mẹ không bối rối sao được trước những chất vấn như thế. Những câu hỏi ấy, có thể nói là chính vấn nạn mà “Bí tích Thánh Thể”[4] đang đặt ra cho Mẹ. Sự tương quan giữa Mẹ và Bí tích Thánh Thể khởi đi từ chính thái độ nội tâm như thế. “Suốt cả cuộc đời, Đức Maria là một phụ nữ của Thánh Thể”.[5] Mẹ đã sống mầu nhiệm Thánh Thể trước cả khi Bí tích này được thiết lập.[6]

Sống bí tích Thánh Thể, chính là chấp nhận sự chất vấn của Thiên Chúa; Đức Maria đã có kinh nghiệm bối rối về sự chất vấn ấy. Và trong đời sống đức tin của chúng ta hôm nay, hơn một lần chúng ta cảm thấy sự chất vấn ấy từ phía Thiên Chúa, và cả từ phía tha nhân nữa. Thánh Thể có thực sự đang làm nên ý nghĩa cuộc đời ta hay không ? Hằng ngày vẫn đón nhận Thánh Thể, chúng ta có thấy cuộc đời của mình được biến đổi không? Có bao giờ chúng ta thấy ngỡ ngàng và bối rối trước mầu nhiệm Thánh Thể hay không? Hay có bao giờ chúng ta tự hỏi như Đức Maria : “Này là mình Thầy có nghĩa là gì ?”

Sống bí tích Thánh Thể, cũng chính là sống niềm tin với muôn vàn thách đố, là “ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”.

2. Thánh Thể, thách đố của niềm tin


“Việc ấy xảy đến cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?” (Lc 1,34). Đức Maria gặp hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sau phút bối rối, Mẹ được mời gọi cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa qua việc cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế. Đối với Mẹ, đây là một ân huệ quá lớn lao, vì Mẹ ý thức mình chỉ là “phận nữ tỳ hèn mọn” (Lc 1,48). Chính vì sự ý thức đó, Mẹ ngỡ ngàng về cách thức Thiên Chúa sắp thực hiện. Thiên Chúa sẽ làm cách nào đây, vì Đức Maria chưa cùng về với thánh Giuse chung sống ? Có thể nói, đó cũng là một thử thách đức tin, dẫu biết rằng đức tin vẫn là lời mời gọi lao mình về phía trước, dù chưa biết rằng mình sẽ đi đâu.

Trong khía cạnh thử thách này, ta cũng bắt gặp nơi Bí tích Thánh Thể sự thử thách không kém. Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin vượt quá sự hiểu biết, đến độ chúng ta phải phó thác hoàn toàn vào Lời Thiên Chúa.[7] Chính đức Maria đã sống trọn vẹn sự phó thác đó, dù lý trí Mẹ chẳng thể nào hiểu nổi : “Việc ấy xảy đến cách nào, vì …”

Mẹ không nghi ngờ về quyền năng của Thiên Chúa, nhưng Mẹ không thể không ngỡ ngàng về cách thức Thiên Chúa thực hiện lời hứa của mình, lời Người đã hứa xưa kia khi nguyên tổ phạm tội,[8]và có lẽ Mẹ còn ngỡ ngàng hơn nữa khi thấy mình phải chuẩn bị đóng vai trò của Evà mới. Đã đến lúc mối thù giữa con rắn và dòng dõi người nữ được hiển tỏ, sự hiển tỏ này kết tụ nơi sự đáp trả của Mẹ, lời đáp trả làm cho “Ngôi lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.[9]

Nơi Bí tích thách thể, đã hẳn không ít lần chúng ta bị thách đố về niềm tin; thế nhưng nhiều khi sự thách đố ấy không mạnh, cho bằng là sự ngỡ ngàng về cách thức Thiên Chúa ở với con người mọi ngày cho đến tận thế; ngỡ ngàng vì Thiên Chúa vẫn dùng bàn tay hèn mọn và môi miệng ngọng nghịu, ô uế của của con người để hiện diện trọn vẹn nhân tính và Thiên tính nơi tấm bánh bé nhỏ; ngỡ ngàng vì tấm bánh cứ tiếp tục được bẻ ra, bẻ ra mãi dẫu con người có hờ hững, bất cần, bất xứng; ngỡ ngàng vì “Ngôi lời vẫn trở nên người phàm” mỗi khi chúng ta quy tụ cử hành nhiệm tích Thánh Thể.

Sự ngỡ ngàng đã khiến Mẹ thốt lên những lời thắc mắc, thắc mắc để rồi khiêm tốn đón nhận thánh ý Thiên Chúa trong sự vâng phục sâu thẳm khi cất lên lời xin vâng trọn vẹn. Chúng ta hãy học nơi Mẹ để biết ngỡ ngàng trước mầu nhiệm tình yêu, ngỡ ngàng trước cách thức Thiên Chúa yêu mình, và mau mắn đáp trả lời mời gọi yêu thương của Chúa. Chính vì vậy, trong lời xin vâng của Đức Maria, chúng ta nghe vọng lời xin vâng của mỗi người trước lời mời gọi của Đức Giêsu “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. [10]

3. Thánh Thể, lời mời gọi xin vâng trọn vẹn


“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Sau những phút giây bối rối ngỡ ngàng, Đức Maria đã dấn thân trọn vẹn trong lời xin vâng quả cảm. Lời xin vâng ấy là lời tuyên xưng đức tin, là tiếng nói tận trái tim của Mẹ, là niềm hy vọng của cả nhân loại này.

Đặt lời xin vâng trong mối tương quan với Bí tích Thánh Thể, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã xác tín mạnh mẽ rằng có sự tương đồng sâu xa giữa tiếng Fiat của Đức Maria đáp lại lời thiên thần, và tiếng Amen mà mọi tín hữu thưa lên khi lãnh nhận Thánh Thể Chúa. Đức Maria được mời gọi tin rằng Đấng mà ngài cưu mang “bởi phép Chúa Thánh Thần” là Con của Thiên Chúa; tiếp nối với đức tin của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta được mời gọi tin rằng, trong mầu nhiệm Thánh Thể, chính Đức Giêsu Kitô, Con của Thiên Chúa và là Con của Đức Maria, đang hiện diện trọn vẹn nhân tính và Thiên tính dưới hình bánh, hình rượu.[11]

Như xưa kia Đức Maria đã nói lời Fiat với trọn niềm tin yêu phó thác, chúng ta cũng được mời gọi thưa tiếng Amen với trọn tâm tình. Amen vì tin rằng trong Tấm Bánh nhỏ bé ấy là trọn vẹn mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu; Amen vì tin rằng một phần đời ta đã tham dự trước niềm vui vĩnh cửu; Amen vì tin rằng trong Tấm Bánh này có phần chất liệu là chính bản thân tôi, là cuộc đời tôi, là anh em tôi; Amen vì tin rằng khi đón nhận Bánh này, tôi được hiệp thông với anh em tôi, và hiệp thông với Đức Giêsu trọn vẹn.

Có thể nói Đức Maria đã sống trọn vẹn ý nghĩa của tiếng Amen ấy. Mẹ đã sống mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giêsu ngay khi nghe lời tiên tri của cụ già Simêon lúc dâng Con trong đền thánh;[12]Mẹ đã tham dự niềm vui vĩnh cửu khi thốt lên rằng: “Từ nay, hết mọi đời sẽ khen rằng tôi diễm phúc, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả…”;[13] Mẹ đã dự phần trong Tấm Bánh, khi chính Ngôi Lời đã đón nhận máu huyết của Mẹ, để chia sẻ phận người với chúng ta; Mẹ đã hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu và với tha nhân khi đồng hành cùng Đức Giêsu và các môn đệ của Người trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng, nhất là đứng kề cận Con dưới chân thập giá, và đón nhận Tông đồ Gioan như là chính Con mình.

Như vậy, trong lời Fiat của Mẹ chúng ta cũng đọc thấy lời Amen của chúng ta; và trong lời Amen của chúng ta, tiếng Fiat của Mẹ cũng được cất lên trọn vẹn. Qua lời Fiat, Mẹ đã cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu cho trần gian; qua lời Amen, chúng ta cũng được mời gọi đón nhận, cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu cho thế giới. Qua lời Fiat, Mẹ hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho sứ vụ của Đức Giêsu; qua lời Amen, chúng ta cũng được mời gọi lên đường làm chứng tá; qua lời Fiat, Mẹ biến cả cuộc đời mình thành lời ngợi khen cảm tạ; qua tiếng Amen, chúng ta cũng được mời gọi nên lời ngợi khen Thiên Chúa bằng chính đời sống tràn đầy niềm tin yêu hy vọng của mình.

Quả thật, qua hành trình đức tin của Đức Maria, chúng ta cảm nhận được Thánh Thể là lời mời gọi xin vâng trọn vẹn nhất. Cùng với hành trình đức tin của Mẹ, chúng ta tiếp tục hành trình khám phá, Thánh Thể đang mời gọi, và mở ra cho chúng ta những nẻo đường mới, những nẻo đường diệu vợi.

4. Thánh Thể, lời ngợi khen cảm tạ


“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa …” (Lc 1,46-55). Bản chất của Thánh Thể là lời ngợi khen, cảm tạ, là lời tạ ơn của Hội thánh, Đức Giêsu với tư cách là đầu dâng lên Thiên Chúa Cha. Thánh lễ nào cũng là thánh lễ tạ ơn, và chẳng bao giờ nhiệm tích Thánh Thể không phải là lời tạ ơn sâu sắc.

Trong kinh Magnificat, chúng ta thấy Đức Maria vừa tiên báo vừa nói lên sự thông hiệp sâu xa với Bí tích Thánh Thể, bí tích của tình yêu, của lòng thương xót: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”. Khi so sách Bí tích Thánh Thể với lời kinh Magnificat, chúng ta thấy điểm tương đồng trước tiên và trên hết là lời ca ngợi và tạ ơn. [14]

Khi Đức Maria để lòng mình trào dâng lời tán tụng “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, và thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”, thì cũng là lúc lòng Mẹ đã cưu mang chính Đấng cứu độ của mình. Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô, và trong Đức Kitô, Mẹ đã ca ngợi, tạ ơn Thiên Chúa. Và trong kinh nguyện Thánh Thể ngày nay, đỉnh cao của lời tạ ơn, cũng chính là lời tuyên xưng : “Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô, và trong Đức Kitô…”.

Hội thánh ngợi khen chúc tụng Thiên Chúa vì những kỳ công Chúa đã thực hiện, Người dựng nên con người đó là một kỳ vỹ, nhưng Người cứu chuộc con người con kỳ vỹ hơn. Trong lời kinh Magnificat, Đức Maria cũng nhắc lại những kỳ công của Đức Chúa khi Người “giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng”, khi Người “hạ bệ những ai quyền hế, và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”, khi “kẻ nghèo đói, Người ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng”. Nhắc lại những kỳ công ấy là một lời tạ ơn, đồng thời cũng chuẩn bị loan báo một kỳ công trổi vượt hơn cả: “Chúa độ trì Isrsel tôi tớ của Người, vì Người nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời”. Đó chính là lời loan báo Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa thực hiện trọn vẹn lời hứa.

Khi cử hành Bí tích Thánh thể, ngoài tâm tình tạ ơn, chúng ta cũng được mời gọi “loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”. Cùng một trật, mầu nhiệm cứu độ và cánh chung của Chúa Giêsu đã được tỏ lộ. Chúng ta được mời gọi hướng về Trời mới, Đất mới ngay khi mình còn sống những thực tại trần gian. Chính Đức Maria đã sống lời mời gọi ấy, và trở nên dấu chỉ của Trời mới, Đất mới khi niềm vui, sự hớn hở được tỏa lan trong tâm hồn nhỏ bé, khiêm hạ; tâm hồn của “phận nữ tỳ hèn mọn” nhưng “thần trí hớn hở vui mừng”.

Sở dĩ Đức Maria có thể hớn hở vui mừng như vậy, vì sự khát khao tìm kiếm của Mẹ đã được lấp đầy; thân phận “con cháu Evà” đã cảm nhận được Thiên Chúa cứu độ. Thánh Thể không chỉ là sự lấp đầy, nhưng cũng là lời mời gọi khát khao tìm kiếm; không chỉ “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”[15], nhưng còn là “ta khát”,[16] là thương gia lên đường đi tìm ngọc quý,[17] và có lúc còn là tâm trí hoảng loạn : “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu?”[18]

Chúng ta cùng tìm hiểu một chiều kích khác của Bí tích Thánh Thể, đó là :

5. Thánh Thể, lời mời gọi khao khát tìm kiếm Thiên Chúa


“Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (Lc 2,48).

Hơn ai hết, Đức Maria đã trải qua kinh nghiệm tìm kiếm Thiên Chúa. Kinh nghiệm đó của Mẹ là bài học quý giá cho chúng ta. Có nhà tu đức còn cho rằng, muốn cảm nhận Chúa sâu sắc, cần phải dám can đảm để lạc mất Chúa!

Tìm kiếm Thiên Chúa đó là lời mời gọi tận sâu thẳm tâm khảm của con người. R. Tagore có cảm nhận rất hay về kinh nghiệm tìm kiếm đó trong một bài ca của người hành khất :

“Tôi tìm Người ở đâu đây ? Người là Đấng ngự trị lòng tôi. Vì tôi lạc mất Người nên tôi mãi lang thang nơi xứ lạ và những vùng đất xa xôi theo lời mời mọc của Người”.[19]

Kinh nghiệm tìm kiếm này ta cũng gặp nơi thánh Augustinô: Lạy Chúa, con tìm kiếm Ngài luôn mãi, cho đến khi nào được nghỉ an trong Ngài.

Thánh thể luôn là một lời mời gọi tìm kiếm. Trong Cựu ước ta bắt gặp cuộc tìm kiếm “Người Yêu” trong sách Diễm Ca :

“Suốt đêm, trên giường ngủ,
tôi tìm người lòng tôi yêu dấu.
Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp !
Vậy tôi sẽ đứng lên, đi rảo quanh khắp thành,
nơi đầu đường cuối phố,
để tìm người yêu dấu của lòng tôi”
(Dc 3,1-2).

Trong Tân ước, đặc biệt qua Đức Maria, ta bắt gặp một cuộc tìm kiếm đầy gian khó : “Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con”. Và rồi, Chúa thưởng công cho những ai tìm kiếm Người.[20]Vì ai tìm Người, Người sẽ cho gặp; ai gõ cửa Người sẽ mở cho.[21]

Thánh Thể luôn là lời mời gọi tìm kiếm như thế, nhưng Thánh Thể cũng chính là nguồn trợ lực, là sự động viên, là niềm vui trong tương quan gặp gỡ, là sự sẻ chia, đồng cảm. Đức Maria tìm gặp được Chúa Giêsu trong đền thánh, nhưng Chúa Giêsu không giữ Mẹ ở lại đền thánh với mình, mà Người lại theo cha mẹ trở về Nazaret. Chúng ta có thể tìm gặp được Chúa Giêsu nơi Bàn tiệc Thánh Thể, nhưng Người không bắt ta phải ở lại mãi nơi Bàn tiệc, mà Người theo ta trở lại với đời thường, nơi ấy Người mời gọi ta cùng chia sẻ vận mạng với tha nhân.

6. Thánh Thể, lời mời gọi chia sẻ vận mạng với tha nhân


“Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Sự tinh tế của Đức Maria là ở chỗ đó. Dù Mẹ chỉ là một thực khách như các thực khách khác, nhưng khác hẳn mọi người, Mẹ thấy được sự lo lắng bối rối của gia chủ, vì “họ hết rượu rồi”. Đang giữa tiệc cưới mà hết rượu, chắc hẳn niềm vui chẳng thể nào trọn vẹn. Mẹ đã can thiệp đúng lúc để niềm vui của mọi người được nên trọn. Mẹ đã chia sẻ cách tích cực những tình huống bất ngờ trong cuộc sống, mà chỉ những ai có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, mới có thể làm được.

Thánh Thể luôn là sự nhạy cảm đó. Trước khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng.[22] Đức Giêsu đã chạnh lòng thương đám đông bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt.[23]Người thấu hiểu cả cái đói của họ, cảm thông nỗi khát khao của họ, bận lòng với những nỗi lo toan của họ. Người muốn chia sẻ trọn vẹn vận mạng của họ, và cũng vì mục đích đấy, Người đã nhập thể vào trần gian, đã chịu tan xương nát thịt, đã trở nên tấm bánh để bẻ ra trao tặng mọi người.

Và rồi, bất cứ ai đã được Thánh Thể cảm hoá, thì họ cũng được mời gọi chia sẻ vận mạng của anh em mình. Cầm dĩa thánh trên tay, linh mục đâu phải chỉ dâng lễ vật của riêng mình, nhân danh chính mình, mà là lễ vật của cả nhân loại, nhân danh cả Hội thánh với Đức Kitô là đầu. Chả vậy, sau khi dâng bánh rượu, linh mục mời gọi : “Anh chị em hãy cầu nguyện để lễ vật của tôi và cũng là của anh chị em, được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận”.Và Bánh Thánh được nâng cao : “Đây là mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em”, lúc này chẳng phải chỉ một mình Đức Giêsu chịu nộp, nhưng còn là chính bản thân người linh mục chịu nộp mình vì Hội thánh, vì anh em, và cũng được mời gọi trở nên tấm bánh để bẻ ra chia sẻ cho mọi người.

Thánh Thể tự bản chất là sự trao ban, trao ban đến tận cùng. Chúng ta hãy học nơi Đức Maria sự tinh tế để nhận ra những nhu cầu của tha nhân, để có thể chia sẻ cho họ thời giờ, sự quan tâm, lời khích lệ, và ngay cả nhu cầu vật chất nữa. Những lời Đức Maria nói, những việc Đức Maria làm phải trở thành bài học tâm linh cho mỗi người chúng ta.

Và trong Kinh thánh, chúng ta chỉ còn tìm được một câu nói cuối cùng của Đức Maria, đó là ngài mời gọi các gia nhân hãy lắng nghe và thực hành những gì Đức Giêsu dạy. Đó cũng là sứ điệp, là vai trò cốt thiết của Mẹ, vai trò dẫn chúng ta đến gặp gỡ, lắng nghe, và thực hành lời Chúa : “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).

7. Thánh Thể, nẻo đường dẫn tha nhân đến gặp Thiên Chúa


“Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).

Thiên Chúa đích thân đến gặp gỡ con người qua mầu nhiệm nhập thể, và Người cũng trở nên con đường để qua Người nhân loại có thể đến được với Chúa Cha. Hạnh phúc đích thực là được nhận biết và gặp gỡ Thiên Chúa. Không có sự gặp gỡ, thì trong mọi nghi thức phụng vụ, lễ bái, con người chỉ như kẻ diễn tuồng, một kẻ nhập vai bết bát, ngượng nghịu; và đời sống tâm linh chỉ là đời sống tâm lý thuần tuý, hoặc là đời sống tưởng tượng, hão huyền.

Nhưng làm sao để có thể gặp gỡ được Thiên Chúa ? Đây chẳng phải là thách đố cho mỗi người chúng ta hay sao. Nếu không gặp gỡ được Người, thì làm sao có thể nghe được tiếng Người, có thể làm theo những điều Người chỉ dạy? Chúng ta hãy chạy đến trường học của Đức Maria, hãy học cách lắng nghe của Mẹ, học cách đáp trả của Mẹ, học cách gặp gỡ của Mẹ, và hãy nghe Mẹ dặn dò: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo”.

Hãy cùng Mẹ chiêm ngắm Chúa Giêsu trong mầu nhiệm nhập thể, chiêm ngắm từng biến cố xảy ra trong cuộc đời của Người, chiêm ngắm những mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng trong chuỗi hạt Mân côi, và đặc biệt chiêm ngắm sự chói ngời của Thánh Thể trong mầu nhiệm sự Sáng. Thông điệp Thánh Thể, số 62 khẳng định : “Nhìn lên Đức Maria, chúng ta biết được sức mạnh biến đổi của Thánh Thể. Trong Mẹ, chúng ta nhìn thấy thế giới được đổi mới trong tình yêu”.

Thánh Thể có sức mạnh biến đổi cả thế giới, nhưng đó không phải là sức mạnh của vũ lực, mà là sức mạnh của tình yêu, của lòng trắc ẩn, của sự trao ban. Muốn đón nhận được sự biến đổi ấy, muốn biến đổi nước lã thành rượu ngon, không có cách nào khác ngoài việc vâng lời chỉ dạy của Đức Mẹ : “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo”. Vấn đề là chúng ta cố gắng lắng nghe, đâu là lời của Chúa.

Lời của Chúa trong Kinh thánh, lời của Chúa trong những giáo huấn của Giáo hội, lời của Chúa trong những biến cố cuộc đời, lời của Chúa trong tha nhân, lời của Chúa trong vũ trụ, và lời của Chúa trong chính tiếng nói lương tâm của mỗi người. Rất cần thinh lặng để lắng nghe, cần tỉnh táo để phân biệt, cần mau mắn để đáp trả, cần can đảm để đem ra thực hành.

Để thực thi được những điều trên, ngoài ơn của Chúa ra, chúng ta cần quyết tâm, và phải có chương trình, có kế hoạch. Chương trình hay kế hoạch đó là gì ? Chúng ta hãy nghe lời nhắn nhủ của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp Thánh Thể :

“Vào buổi hừng đông của thiên niên kỷ thứ ba này, là con cái Hội thánh, chúng ta được mời gọi đảm nhận một nhiệt tình mới mẻ cuộc hành trình của đời sống Kitô hữu. Như tôi đã viết trong Tông thư “Novo Millennio Ineunte”, vấn đề không phải là sáng chế một chương trình mới. Chương trình đã có sẵn, đó là kế hoạch rút ra từ Tin Mừng và truyền thống sống động; kế hoạch đó luôn mãi là một. Tựu trung, tâm điểm là chính Đức Kitô, Đấng chúng ta hiểu biết, yêu mến và bắt chước, để trong Người, chúng ta có thể sống sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, và với Người, chúng ta biến đổi lịch sử, cho đến khi hoàn thành tại Giêrusalem trên trời. Đó là kế hoạch nhằm tạo nên một đà tiến mới cho cuộc sống Kitô hữu đi ngang qua Thánh Thể.[24]

Kết luận


Chúng ta vừa rảo qua hành trình đức tin của Đức Maria, qua đó tìm hiểu và sống mầu nhiệm Thánh Thể cùng với Mẹ, “Người nữ của Thánh Thể”. Trong cả bốn sách Tin Mừng, chúng ta chỉ vỏn vẹn tìm được bảy lời của Đức Maria mà thôi, hay nói đúng hơn chỉ là sáu lời, còn một lời chỉ là Đức Maria tự hỏi. Thế nhưng trong những lời vắn vỏi ấy, chúng ta có thể khám phá hành trình đức tin phong phú của Mẹ, có thể thấy được mối tương quan sâu sắc giữa cuộc đời của Mẹ và Bí tích Thánh Thể. Mối tương quan ấy trở thành bài học tâm linh quý báu cho mỗi người chúng ta.

Cả cuộc đời của Mẹ là sự cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng, và trao ban Chúa Giêsu cho trần thế. Nếu Thánh Thể là lời chất vấn ý nghĩa hiện hữu của chúng ta, thì Đức Maria đã trải qua sự chất vấn ấy; nếu thánh Thể là một thách đố của niềm tin, thì Đức Maria đã trải nghiệm những thách đố này; nếu Thánh Thể là lời mời gọi xin vâng trọn vẹn, thì nơi Đức Maria, với lời Fiat, có còn lời xin vâng nào trọn vẹn hơn nữa không ? Nếu Thánh Thể là lời ngợi khen cảm tạ, thì lời kinh Magnificat của Mẹ là lời ngợi khen cảm tạ tuyệt vời nhất; nếu Thánh Thể là lời mời gọi khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, thì có ai khao khát và tìm kiếm Thiên Chúa hơn Mẹ nữa ? Nếu Thánh Thể là lời mời gọi chia sẻ vận mạng với tha nhân, thì Đức Maria đã chia sẻ trọn vẹn vận mạng của Con mình và vận mạng của cả nhân loại. Và nếu Thánh Thể là nẻo đường dẫn tha nhân đến gặp Thiên Chúa, thì hơn ai hết, Mẹ đã là cầu nối đưa dẫn mọi người đến gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe và thực hiện lời Người.

Đức Maria mãi mãi là người phụ nữ của Thánh Thể, còn mỗi người chúng ta thì sao ?
[1] Xc. Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, chương VI.
[2] Xc. Tông thư Rosarium Virginis Mariae, số 14.
[3] Xc. Ga 2,5.
[4] Lúc này làm gì đã có Bí tích Thánh Thể hiểu theo nghĩa hẹp; nhưng Thánh Thể là chính Đức Giêsu, con yêu dấu của Mẹ, nên khởi điểm cuộc việc truyền tin, cách nào đó có thể hiểu là chính Ngôi Lời, chính Thánh Thể đang mời gọi và chấn vấn Mẹ; để từ đó, với tất cả tự do và trái tim yêu thương, Mẹ đáp lời xin vâng sau này.
[5] Xc. Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 53.
[6] Ibidem số 55.
[7] Xc. Ibidem số 54.
[8] Xc. St 3,15.
[9] Ga 1,14.
[10] Xc Ga 15.
[11] Xc. Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 55.
[12] Xc. Lc 2, 33-35.
[13] Lc 1, 48-49.
[14] Xc. Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 57.
[15] Ga 10,10.
[16] Ga 19,28.
[17] Mt 13,44-46.
[18] Ga 20,13.
[19] The Gardener LXXV. Lê Quang Phúc, “Trực cảm tâm linh”, tr. 134.
[20] Xc. Dt 11,6.
[21] Xc. Mt 7, 7-12.
[22] Xc. Mt 14, 13-21; Mc 6, 30-44; Lc 9, 10-17; Ga 6, 1-15.
[23] Xc. Mc 6,34.
[24] Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 60.