Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

KHÔNG CÓ NGÀY CỦA CHÚA, CHÚNG TÔI KHÔNG THỂ SỐNG ĐƯỢC

Thời sự Thần học – Số 3, tháng 8/2009, tr. 148-165

_Fr. Timothy Radcliffe, O.P._

Trích trong Pourquoi donc être chrétien?, Les Éditions du Cerf 2005, pp. 275-294. Nguyễn Tất chuyển dịch
Một Ngày Chúa Nhật năm 304, ở Bắc Phi, một số anh chị em Kitô hữu bị bắt vì đã họp nhau để cử hành Thánh Thể. Khi viên tổng trấn tra hỏi người anh em có tên là Emeritus, người chủ nhà, rằng tại sao anh lại cả lòng cho phép những người ấy tụ tập ở nhà mình, anh trả lời rằng những người ấy là những người anh em và những người chị em của anh. Bấy giờ, viên tổng trấn nghiêm giọng bảo lẽ ra anh phải cấm không cho họ vào nhà mình mới phải. Nhưng anh Emeritus trả lời rằng anh không thể làm như thế được, “quoniam sine dominico non possumus”. Câu tiếng Latinh này từng được người trước đây còn là Hồng y Joseph Ratzinger dịch ra như thế này: “Vì không có Ngày của Chúa, chúng tôi không thể sống được”. Và Đức hồng y bình giải: “Đối với những người ấy, đây không phải là vấn đề lựa chọn giữa một lệnh truyền này với một lệnh truyền kia, nhưng là một sự lựa chọn giữa tất cả những gì đem lại ý nghĩa và nền tảng vững bền cho cuộc đời với một cuộc đời mất hẳn ý nghĩa”[1]. Như thế, việc cử hành Ngày của Chúa góp phần giúp chúng ta hiểu rõ điểm dị biệt mà đức tin Kitô giáo đem đến cho cuộc đời của một con người.
Trong Law, Love and Language, Herbert McCabe từng viết rằng mệnh lệnh truyền phải giữ ngày sabát và việc cấm không được lao động vào ngày ấy “nhằm vào việc thờ ngẫu tượng là việc làm. Cũng hệt như các ngẫu tượng khác, “do tay người phàm làm ra”, việc làm luôn luôn có thể trở thành một ngẫu tượng, một phương cách để vong thân [ … ]. Ngày sabát có đó để ngăn cản bạn khỏi bị nhận chìm bởi cái ham muốn thành công, để ngăn cản bạn khỏi trở thành nô lệ của sự tăng gia sản xuất và thu vén lợi nhuận”[2]. Trong một thế giới mà nhiều người tìm kiếm trong việc làm ý nghĩa cho cuộc hiện hữu của họ, thì cái họ làm ngoài những việc làm là không quan trọng cho lắm: người ta không làm việc để có thể nghỉ ngơi, vào một khoảnh khắc nhất định nào đó; người ta nghỉ ngơi là để có thể tiếp tục làm việc; và điều người ta làm trong thời gian tự do của mình, tức là ngày sabát của họ, không quan trọng trừ phi là để có thể lại tiếp tục làm việc, vào sáng ngày thứ hai, trong tư thế tốt hơn. Tôi xin lại dẫn lời của McCabe: “Trong thời gian làm việc, một người phải làm những gì người ta bảo anh làm, nhưng trong thời gian người ấy được thoải mái (tức là không-làm-việc), người ấy được tự do để làm, để nghĩ, để đọc những gì người ấy muốn, để thờ lạy ai người ấy muốn; qui tắc luật lệ chỉ có tuỳ theo những việc trên đây có ảnh hưởng gì đến việc làm của họ không thôi [ … ]. Trong cái xã hội như thế, văn hoá có khuynh hướng trở thành một công việc riêng tư, và vì nó là vô thường và tự do, cho nên nó cũng được coi như không có giá trị gì đáng kể, tóm lại người ta cho là không đáng phải để ý điều chỉnh kiểm soát. Các triết gia, các khoa học gia, các tiểu thuyết gia và các thần học gia không cần phải ưu tư bao nhiêu về những gì họ nói trước cộng đoàn, bởi vì chẳng ai chú ý đến họ cách nghiêm túc”[3].

Joseph Pieper, trong tập sách nhỏ nhưng hoành tráng của ông, Leisure, the Basis of Culture (Giải trí, nền tảng của văn hoá), có viết rằng chúng ta cần phải khám phá lại những ưu tiên của mỗi một xã hội đã được kể là văn minh. Từ ngữ Hy-lạp để chỉ việc làm, ascholia, có nghĩa là “không-nghỉ ngơi” (scholia), cũng hệt như từ ngữ La-tinh để chỉ “việc làm” là negotium, ghép bởi neg-otium cũng có nghĩa tương tự (không-nghỉ ngơi). Vì thế, chúng ta phải thoát ra khỏi một thứ đạo đức học man rợ của việc làm, theo đó thì công ăn việc làm của chúng ta – nếu như chúng ta đang may mắn có một việc làm – là trung tâm của đời sống chúng ta, còn thời giờ tự do của chúng ta chỉ là cái khoảnh khắc chúng ta thấy mình chẳng làm gì cả! Ngày sabát mời chúng ta vượt qua sự tôn thờ ngẫu tượng là việc làm để thờ lạy Thiên Chúa chân thật, với tất cả sự tự do của chúng ta.

Pieper viết cuốn sách của ông vào năm 1948, trong lúc nước Đức đang cố gắng tái thiết sau chiến tranh, còn cuốn sách của Herbert McCabe xuất bản năm 1968. Nhưng những gì hai tác giả ấy viết vẫn còn tính cách thời sự. Đối với phần đông hữu thể nhân linh, việc làm vẫn còn là một gánh nặng và một việc nô dịch, nhưng có thể trong Thiên niên kỷ mới này việc làm bắt đầu có một ý nghĩa khác. Đạo đức học ngày xưa về việc làm đã chi phối cuộc đời các bậc tiền bối của chúng ta nay đang dần dần mất chỗ đứng và một cách trình bày mới về việc làm đang xuất hiện, mau lẹ nhiều hay ít tuỳ theo từng nơi. Cho đi là điều ấy còn chưa ảnh hưởng gì đến một thiểu số, thì chân nhận một chiều kích bổ sung cho việc nghỉ ngày sabát vẫn là điều cần thiết đối với chúng ta.

Ở chương VIII, tôi đã nhắc đến đề tài của Bauman, theo đó thì chủ nghĩa tư bản đã đi vào một giai đoạn mới: chúng ta đang bỏ lại đằng sau chúng ta cái thế giới “theo chủ nghĩa Ford”, với mối quan hệ bền vững giữa vốn và việc làm. Trong thế giới của cái gọi là “hiện đại ở thể lỏng” tức là thế giới ngày nay, kinh tế không dính dáng gì đến việc sản xuất ra những thiện ích nặng cho bằng việc làm sao trưng bày ra thị trường những ý tưởng, hình ảnh, thông tin, biểu tượng và “mác”. Chẳng còn chuyện bảo đảm có một việc làm suốt đời, nhưng chỉ có những hợp đồng ngắn hạn, và nếu như xảy ra một khó khăn cỏn con thôi, thì vốn lập tức được chuyển dịch đi nơi khác để có thể mướn những công nhân mà người ta sẽ phải chi trả ít hơn và lại dễ bảo hơn. Mỗi lần phải sử dụng một chuyến bay đường dài với hãng British Airways, hệ thống truyền hình nội bộ bắt đầu chương trình của hãng quảng cáo cho chương trình phát triển của Văn phòng xứ Galles, ta thấy những thương nhân người Mỹ hoặc người Nhật, trong dáng vẻ rất hạnh phúc, đang cắt nghĩa cách thoả mãn vì xây dựng được những nhà máy ở xứ Galles. Tôi đã coi không biết là bao nhiêu lần đang khi đợi tiếp viên hàng không mang rượu khai vị tới. Nhưng mà người ta chớ hề nói cho bạn biết tất cả những nhà máy ngoại quốc, sau khi đã được chính phủ trợ giúp bằng những khoản tiền khổng lồ, đã bị đóng cửa ở xứ Galles để lập những nhà máy ở những nơi như Mêhicô hoặc Inđônêsia.

Trong cái thế giới mới “ở thể lỏng” của chúng ta đây, những người mạnh là những người di động nhiều nhất và có thể chuyển dịch vốn của họ đến bất kỳ chỗ nào sẽ sinh được nhiều lợi nhuận. Bauman gọi họ là những người du mục. Từ trước cho tới nay, bọn người du mục này cắm trại chung quanh những trung tâm kỹ nghệ và tìm cách thâm nhập vào. Nhưng bây giờ, chính họ là những người điều khiển. Họ chỉ cần có một cái máy vi tính xách tay và một cái điện thoại di động. Di chuyển thật gọn nhẹ. Càng ngày những công ty như Nike càng không cần sở hữu những nhà máy cồng kềnh hoặc tuyển dụng công nhân: họ thực hiện điều đó bằng những cách khác. Họ có “mác” và những ý tưởng. Chúng ta đang sống trong cái mà Diane Coyle gọi là “thế giới không trọng lượng”[4].

Vậy trong thế giới “hiện đại ở thể lỏng” này, việc làm sẽ có một ý nghĩa mới. Bauman viết: “Việc làm không còn là cái trụ vững chắc giúp xác định mình và có thể xoay quanh đó mà lên kế hoạch cho toàn thể một cuộc đời nữa. Càng không phải là nền tảng đạo đức của xã hội này hay là trụ cột đạo đức cho một cuộc đời nữa”[5]. Cho nên, chính sự thể ngừng làm việc và cử hành ngày sabát cũng có thể mang một ý nghĩa mới. Tôi xin cứu xét hai khía cạnh của cách phác hoạ mới về việc làm, trước hết bằng cách nói đến chuyện vốn và việc làm không còn lệ thuộc nhau và việc làm sản sinh ra sự bất ổn và mất tin tưởng vào tương lai như thế nào, và điều đó làm thay đổi cách cảm nhận của chúng ta về ngày sabát ra sao. Tiếp theo, tôi sẽ nói đến sự biến đổi của việc làm thành một hình thức giải trí để xem việc biến đổi ấy để lại những hệ quả gì đối với khả năng “yên nghỉ trong Chúa”, tức là cử hành Ngày Chúa Nhật của chúng ta.

“Người ta chẳng trồng một cây chanh
nếu người ta muốn có một ly nước chanh”


Trung bình một người Mỹ có mười một việc làm trong cả cuộc đời của mình. Ở Âu châu, ngày nay nhiều người đang sống và chết không có lấy một việc làm. Tôi lại trích dẫn Bauman : “Một việc làm chắc chắn trong một xí nghiệp chắc chắn ra như lại đưa chúng ta về với những gì cha ông chúng ta ngày xưa mơ ước. Không còn chuyện cứ có nhiều khả năng hoặc nhiều kinh nghiệm là có thể bảo đảm sẽ được người ta dành cho bạn một việc làm và việc làm đó sẽ được dành cho bạn trong một thời gian lâu dài. Không ai có đủ lý do để tin rằng mình chắc chắn sẽ không bị rơi vào tình trạng “tinh giản”, “tái cấu trúc” hoặc “hợp lý hoá” sắp xảy đến, sẽ thoát khỏi những vận hành không lường trước được của thị trường hoặc khỏi sức ép không thể chống cự được, thất thường nhưng nghiệt ngã, của “sự cạnh tranh”, của “sự sản xuất” và của “tính cách hiệu quả”. Co giãn, linh động là từ chủ lực ngày nay. Điều đó báo trước cho chúng ta những việc làm không ổn định, không có sự ràng buộc vững chắc mà cũng chẳng có tước hiệu bổng lộc nào có thể dự đoán được, mà chỉ có những hợp đồng trong một thời gian dài vắn nhất định, với những chuyện sa thải không cảnh báo trước và cũng chẳng có tiền bồi hoàn”[6].

Chủ nghĩa Ford được xây dựng trên sự phụ thuộc lẫn nhau giữa vốn và lao động. Điều đáng chú ý trước hết, đó là những con người sản xuất, và để sản xuất cho hữu hiệu, người ta cần phải có sự ổn định. Hiện đại ở thể lỏng lại đặt cơ sở trên sự phụ thuộc lẫn nhau giữa vốn với những người tiêu thụ, và tất cả những gì người tiêu thụ cần, đó là tiền. Một xí nghiệp có thể mất công nhân, nhưng sẽ tìm được các công nhân khác, chỉ có điều quan trọng là phải làm sao duy trì được những người tiêu thụ của mình, khách hàng của mình. Don Peppers và Martha Roger nói về chuyện đó như sau: “Tất cả các sản phẩm của anh đều là nhất thời, duy chỉ có khách hàng của anh là có thật mà thôi”[7]. Các xí nghiệp phải có một thứ sổ liên lạc vững bền, nhưng trong cái thế giới mà các mối tương quan đều mong manh và nhất thời chúng ta đang sống đây, thì mối liên lạc của một xí nghiệp với một khách hàng kéo dài suốt cả cuộc đời của họ là cái gì gần với tính cách vững bền ổn định nhất.

Việc làm vô cùng bất ổn định đến nỗi sự liên đới nghiệp đoàn ngày xưa đang tan biến. Sự ổn định là rất ít cho nên điều quan trọng là giữ lấy việc làm của mình và đừng nghĩ đến những chuyện mơ hồ viển vông. Ở gia đình cũng như trong việc làm (ít là cho tới lúc về hưu), hợp đồng mãn đời ngày xưa không còn nữa. Đồng vốn mà tìm được một vận may khá hơn ở nơi khác, nó được chuyển dịch ngay lập tức. Thậm chí ở Nhật bản, truyền thống trung thành với xí nghiệp cũng đang dần dần biến mất. Con người trở thành như những con tốt người ta có thể đặt ở đâu tuỳ hỷ, trở thành như những đồ phụ tùng của một chiếc ô tô hoặc của cái máy giặt. Như vậy, thế giới lao động đã trở nên như một nơi chốn rất ư là bất ổn và nghề nghiệp đã mất đi vai trò vốn có để nhờ đó xác định căn tính và khuôn đúc nên một cuộc đời.

Theo Nicholas Boyle, “khái niệm ơn gọi, nghề nghiệp – hoặc trách vụ – kéo dài suốt một phần lớn cuộc đời vốn là căn cứ để xác định một con người là thế nào, nay đã mất đi giá trị và đã bị loại bỏ. Chúng ta vẫn có thể nói “Cô ấy là thợ nhà máy in” hoặc “Anh ấy là giáo sư”, nhưng điều chúng ta muốn nói, và điều chúng ta sẽ nói, thường nhất, trong tương lai đó là “lúc này, cô ấy đang làm trong nhà máy in”, “anh ấy đang có một hợp đồng dạy học ba năm”. Câu hỏi “anh ấy hoặc cô ấy làm gì có tính cách bền vững?” không còn được đặt ra nữa: ngay cả thể loại việc làm cũng chẳng còn quan trọng, vì đối với thị trường, tất cả những gì đáng kể, đó là những gì có thể thông tin cho biết về đơn vị sản xuất mà anh ấy/cô ấy đang là đại diện”[8].

Ở Atlanta, tôi gặp một người cho tôi biết là ông đã khởi đầu cuộc đời nghề nghiệp bằng người làm vườn, rồi làm chủ một nhà thầu mai táng, sau đó ông đi vào lãnh vực quảng cáo và hiện bây giờ ông đang làm chuyên viên vi tính cho Hiệp hội giáo sĩ quốc gia. Có rất ít những mối tương quan bền chặt trong cái thế giới hiện đại ở thể lỏng này. Một ơn gọi, cho đi là ơn gọi linh mục hoặc tu sĩ, hoặc hôn nhân, hoặc làm một nghề nào khác cũng đi ngược lại khuynh hướng trên. Nhưng ơn gọi như thế lại làm chứng cho niềm hy vọng là cuộc đời của chúng ta, nhìn trong toàn thể, có thể có một ý nghĩa. Tôi không chỉ bằng lòng vì làm được những việc này việc nọ. Tôi được gọi để trở thành một ai đó và ơn gọi của tôi, một phần, là cách để nói cho biết tôi là ai.

Trong cái bối cảnh không có gì là vững bền chắc chắn ấy thì việc cử hành ngày sabát và nghỉ ngơi trong Chúa liệu có thể có ý nghĩa gì không? Theo ngôn sứ Edêkien (20,19-20), ngày sabát là một dấu chỉ của giao ước, một dấu chỉ cho thấy sự trung thành của Thiên Chúa đối với dân của Người: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi. Các ngươi hãy đi theo các lề luật của Ta, các ngươi hãy giữ các tập tục của Ta và hãy thực hành. Các ngươi hãy thánh hoá các ngày sabát; các ngày đó phải là một dấu chỉ giữa Ta với các ngươi, để người ta biết rằng Ta là Đức Chúa của các ngươi”.

Không có gì phải ngạc nhiên khi những người Do thái, những người đã nếm trải sự bất ổn triệt để hơn bất cứ dân tộc nào khác, đã khai triển một thần học về ngày sabát thành một dấu chỉ của sự kết hiệp giữa Thiên Chúa với dân của Người. Đang lúc họ bị trục xuất và bị tàn sát, đang lúc họ bị đuổi ra khỏi Tây ban nha, Anh quốc, Nga và Đức, thì ngày sabát lại được cử hành như thể đó là một trong những trụ cột để xây dựng và gìn giữ sự ổn định, tức là giao ước với Thiên Chúa. Ngày sabát là cô Tân Nương của Israen, là dấu chỉ của lòng trung thành vĩnh cửu của Thiên Chúa. Như Bialik đã viết, “khi Đấng Thánh – xin chúc tụng Người – đã kết thúc công trình sáng tạo của Người, thì chính ngày sabát là ngày Người đã đưa vào trong vũ trụ, “để phòng loan Người vừa dựng không thiếu mất cô Tân Nương”. Đối với ngày Sabát này, tức là kỳ công được Đấng Thánh – xin chúc tụng Người – yêu mến nhất trong tất cả các kho tàng của Người, Người không tìm thấy đối tác nào hơn Israen, dân cùng với ngày sabát ấy làm thành một đôi uyên ương hoàn hảo”.[9]

Ba mươi tư năm trước, McCabe từng coi ngày sabát như là cách để chúng ta phản ứng lại việc tôn thờ ngẫu tượng là việc làm và không chịu tìm kiếm trong việc làm căn tính của chúng ta. Có thể đây vẫn là trường hợp của một số người, nhưng hình thức tôn thờ ngẫu tượng như thế đã không còn đất đứng. Càng ngày, tính cách di động của xã hội chúng ta ngăn cản không cho con người tự xác định mình bằng những từ ngữ nói về nghề nghiệp nữa. Việc làm đúng hơn đã trở thành nguồn mạch của sự bất ổn và ngừng làm việc rất có thể trở thành việc cử hành cái gì vững chắc hơn trong một thế giới ở thể lỏng và ít chắc chắn – đó là lễ cưới của Thiên Chúa với nhân loại, trong Đức Kitô. Làm sao chúng ta có thể ghi khắc sự trung thành này trong các buổi chúng ta cử hành Ngày của Chúa? Các họ đạo thường thường là những cộng đoàn nhất thời, trong khi con người ta chuyển dịch khắp cả miền để tìm kiếm một việc làm, đạp xe đạp, như chính quyền của Bà Thatcher bảo họ, để tìm một trường học tốt hoặc một căn nhà giá cả phải chăng. Làm thế nào chúng ta có thể là những dấu chỉ của sự trung tín vĩnh cửu của Thiên Chúa?

Chắc chắn là bổn phận đi lễ Ngày Chúa Nhật là một dấu chỉ của sự trung tín ấy. Cách chung, người ta coi đó như là một sự bó buộc đè nặng lên sự tự do của chúng ta, một qui tắc bắt buộc phải tuân phục, bị áp đặt từ trên, từ “những giới chức thẩm quyền”. Người ta coi đó là dấu vết của tính cách duy luật của công giáo, có thói quen sắp xếp tất cả, bảo cho con người ta biết phải làm cái này phải làm cái kia. Trái lại, chẳng lẽ ta không thể thấy ở đó một dấu chỉ việc chúng ta được thuộc về cách vững bền, trong cái thế giới đang chuyển động này hay sao? Chúng ta buộc phải mừng sinh nhật của mẹ chúng ta, nhưng người ta lại ít coi đó như là một sự thúc ép: đó là cách diễn tả những mối dây gắn bó chúng ta với mẹ chúng ta. Đó không phải là một bổn phận bên ngoài, như việc cấm không được cho xe chạy quá 50 cây số một giờ trong khu vực thành phố, nhưng đó là cách diễn tả điều mình đang làm.

Bổn phận và đức thờ phượng cả hai đều có cùng một ngữ căn có nghĩa là “bị/được ràng buộc”. Các bổn phận nói lên rằng chúng ta có gốc rễ sâu xa trong những mối quan hệ vững bền với những người khác. Các bổn phận là những dấu chỉ của lòng trung thành bền bỉ này ở đó chúng ta kín múc được những sức mạnh và ở đó chúng ta tìm được căn tính của chúng ta.

Mười điều răn, như ta thấy trong sách Đệ nhị luật, liên kết ngày sabát trực tiếp với việc giải phóng khỏi cảnh tôi đòi: “Ngươi hãy nhớ rằng ngươi đã phải làm tôi đòi ở xứ Aicập và Đức Chúa là Thiên Chúa của Người đã đưa ngươi ra khỏi đó bằng bàn tay hùng mạnh và bằng cánh tay giương. Chính vì thế Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi truyền cho ngươi giữ ngày sabát” (Đnl 5,15). Israen được giải phóng khỏi những ràng buộc của kiếp nô lệ để có thể từ này được ràng buộc với Thiên Chúa của mình. Nhưng những mối dây ràng buộc này không phải là một sự nô lệ, nhưng là căn nhà, là một nơi ở. Chính chuyển động từ một loại liên hệ ràng buộc này sang một loại khác là điều ngôn sứ Hôsê đã nhắc đến, khi ông viết :
“Thuở Israen còn niên thiếu, Ta đã mến thương nó,
và từ Ai-cập, Ta đã gọi con trai của Ta.
Nhưng Ta càng gọi chúng thì chúng càng tránh xa Ta.
Chúng tế lễ cho các Baal,
Chúng đốt hương cho các ngẫu tượng.
Thế mà chính Ta đã tập cho Épraim biết đi,
Ta dắt tay nó,
Mà chúng chẳng hiểu là ta đã chăm sóc chúng!
Ta dẫn đưa chúng bằng những mối ràng buộc tình người,
Bằng những mối dây liên hệ của tình yêu,
Ta xử với chúng tựa như những người bồng bế con thơ,
Áp vào má chúng,
Ta cúi xuống nó và cho nó ăn” (11,1-4).
Israen được giải thoát khỏi cảnh tôi đòi Aicập, để có được nơi ở của mình trong “những mối ràng buộc tình người”. Tôi nhớ hồi còn bé, vào các kỳ đi nghỉ hè với cha mẹ, việc đầu tiên phải làm khi vừa tới nơi nghỉ hè là đi tìm ngôi nhà thờ công giáo gần nhất và xem các giờ cử hành Thánh lễ. Trong cái thế giới ở thể lỏng luôn ở trong tình trạng xê dịch, bổn phận này hẳn nhiên là một cách để diễn tả sự thuộc về của chúng ta. Bất cứ chúng ta đang ở đâu, chúng ta đều có quyền đi tới ngôi thánh đường của giáo xứ ở đó và có được một chỗ giữa những người tuy xa lạ nhưng lại là những người anh em và những người chị em của chúng ta. Đối với chúng ta, những kẻ lưu đày xa Vương Quốc, mỗi một cử hành Thánh lễ đều là một dấu chỉ nói với chúng ta về mái nhà. Chúng ta ở nhà mình trong mỗi một cuộc cử hành bí tích này. Khi tôi còn là Tổng Quyền của Dòng và mỗi năm có đến tám tháng phải đi đây đó thăm các anh em và các chị em đang sống trong hơn một trăm nước, nhưng khi tôi ở đâu thì Thánh lễ hằng ngày là khoảnh khắc tôi cảm thấy mình được tiếp đón ở nhà.

Richard Sennet cho rằng “các thể thức hiệp hội thoáng qua hữu ích cho con người ta hơn là những mối dây ràng buộc bền vững”[10] và đấy chính là điều đã dẫn Âu châu đến một tôn giáo mà Grace Davie miêu tả khi nói về những người “tin nhưng không tham gia”[11], trừ ra ở Scandinavie là nơi cứ theo bề ngoài thì ngược lại! Chúng ta là những người tiêu thụ có thể lựa có thể chọn trong số nhiều giáo xứ, và thậm chí trong số nhiều tên gọi và nhiều tôn giáo, trong cái siêu thị tôn giáo vĩ đại hiện nay. Các Hội Thánh phải lôi cuốn sự gắn bó của chúng ta, tuần lễ này qua tuần lễ kia, nếu như các Hội Thánh muốn có được cuốn sổ liên lạc vững bền. Trong bối cảnh này, bổn phận cử hành Ngày Chúa Nhật rất có thể không còn được cảm thấy như là một nghĩa vụ phải thi hành vì luật buộc, cũng không như một áp lực do quyền bính muốn chà đạp tự do của tôi. Nhưng đó là dấu chỉ tôi có thể tìm được sự ổn định khi đặt nền cuộc đời mình dựa vào Thiên Chúa là Đấng hằng kết hợp với dân của Người. Thiên Chúa, trong Đức Kitô, liên kết với nhân loại, điều đó giúp tôi thuộc về nhân loại trong Thiên Chúa. Có thể đúng như Sennet nói là những thể thức hiệp hội mau qua là hữu ích cho tôi hơn. Nhưng trong tôn giáo, người ta được gọi để cứ vượt quá nhận xét xem cái gì hữu ích cho cá nhân mình, để tiến đến nhận xét điều hữu ích trọn vẹn, tức là Thiên Chúa. Cuộc đời của tôi có thể được hướng đi theo trăm ngả, bị chi phối bởi những quan tâm và những sở thích khác nhau, nhưng Thánh lễ Ngày Chúa Nhật làm nổi bật lên hướng đi lui tới của cuộc hiện hữu của tôi: bước tiến của tôi hướng tới Thiên Chúa, bước quay của tôi lui về nhà của mình. Ngày sabát nhắc chúng ta nhớ đến lý do hiện hữu của tất cả, đó cũng là lý do hiện hữu của người Kitô hữu.

“Đi chơi”


Đối với hàng triệu con người, việc làm là một điều vất vả cực nhọc phá huỷ niềm vui được sống, đó là một nỗi mệt mỏi miên trường. Đối với họ, chắc hẳn ngày sabát luôn luôn là một khoảnh khắc buông dụng cụ và nghỉ ngơi, như Thiên Chúa sau khi đã hoàn tất công trình sáng tạo thì Người nghỉ ngơi vậy. Những người láng giềng của dân Israen cũng có trình thuật riêng của họ về việc sáng tạo, thuật lại rằng các hữu thể nhân linh được làm nên để hầu hạ các thần. Các thần có thể nằm nghỉ trên những sập gụ thoải mái, nhấm nháp rượu và hít hà khói hương từ các lễ hiến tế xông lên, trong khi những con người thì phải lao tác vất vả, được một điều là bảo đảm không lo phải thiếu thốn gì.

Theo Anh hùng ca Gilgamesh, một chuyện kể mà người Israen đã biết trong thời gian phải lưu đày ở Babylone, thì trước đây các vị tiểu thần đảm nhiệm công việc ấy – phục dịch các đại thần – cho đến ngày các vị tiểu thần chán quá và đình công. Các tiểu thần than thở vì lịch làm việc và điều kiện sống không kham nổi. Bấy giờ các đại thần đã làm ra những hữu thể nhân linh, để cả các tiểu thần cũng có thể vui chơi thư giãn. Là một vị thần có nghĩa là nghỉ ngơi; là một con người, đó là làm một tên nô lệ. Đang khi đó, trình thuật Kinh Thánh lại kể rằng Thiên Chúa mời chúng ta tham gia vào sự nghỉ ngơi của Người, tựa như một ông nhà giàu bảo gia nhân của mình ngưng phục vụ bàn ăn và đến ngồi bên cạnh ông để uống một ly vậy. Ngày sabát là dấu chỉ cho thấy chúng ta không phải là những tên nô lệ, không nô lệ cho việc làm mà cũng chẳng nô lệ cho một hữu thể nhân linh nào khác, cũng không phải là nô lệ của Thiên Chúa nữa. Ngày sabát là dấu chỉ cho thấy phẩm giá của mỗi hữu thể nhân linh, được Thiên Chúa kêu gọi đến tham gia vào sự nghỉ ngơi của Người. Việc qui chế ngày nghỉ chung hằng tuần bị xói mòn cho thấy xã hội của chúng ta không còn nhìn nhận phẩm giá chung nữa. Chúng ta cứ tiếp tục tiêu thụ và sản xuất, không được ngừng. Ngạn ngữ của Nga nói rằng: “Việc làm không khiến cho bạn giàu có, việc làm khiến bạn còng lưng”. Ngày sabát mời chúng ta chỗi dậy, mời đứng thẳng lên, homo erectus.

Đối với một số thanh niên, việc làm lại có ý nghĩa khác: họ thấy ở đó một hình thức giải trí. Trong khi các bậc cha mẹ của họ đi làm, thì họ đi giải trí. Và đúng là chúng ta hết thảy là “những tay chơi” trên cái sân chơi không đồng đều này. Jeremy Rifkin viết rằng thế hệ trẻ, “những người hay thay đổi” (protéens) như cách gọi của ông, thuộc về một thế giới mang tính cách sân khấu nhiều hơn là ý thức hệ và sẵn sàng hướng đến một thứ đạo đức học của cuộc chơi hơn là hướng tới đạo đức học của lao động”[12]. Nếu như Ford là kỹ nghệ điển hình cho chủ nghĩa tư bản cũ vững chắc, thì Hollywood là kỹ nghệ của chủ nghĩa tư bản mới. Các show business chiếm cứ bất kỳ nơi chốn nào. “Kinh tế đang biến đổi từ chỗ trước đây là nhà máy khổng lồ thành một sân khấu vĩ đại”[13]. Một phần vì chủ trương “sản phẩm văn hoá” đã trở thành kỹ nghệ chính của Tây phương; ở Hoa Kỳ, kỹ nghệ này đã thế chỗ cho Quốc phòng xét như là cơ quan tuyển dụng số một. Nhưng tất cả các loại hình sản xuất đều ứng hợp với khuôn mẫu do Hollywood nêu ra. Tôi lại trích dẫn Rufkin: “Đang khi chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn chế tạo có được nét đặc biệt là do sản phẩm, thì trong giai đoạn văn hoá của chủ nghĩa này, nó lại có được nét đặc biệt nhờ sự ngoạn mục”. Cố vấn về tổ chức, Tom Peters hãnh diện rằng “nói hơi quá một chút là mọi người đều đang lao vào lãnh vực giải trí”. Quả là chắc chắn chỉ có một số ít phần trăm con người nhìn việc làm theo những từ ngữ này, nhất là giới trẻ và hầu như ở Tây phương, nhưng có thể đây là dấu chỉ báo trước điều sẽ đến trong tương lai của phần lớn nhân loại. Lý thuyết về cuộc chơi lan tràn mau chóng và đem đến cho chúng ta những trò chơi vi tính càng ngày càng phức tạp, đang nhận chìm một phần lớn thời giờ của hàng triệu thanh niên, thậm chí ở Trung Quốc nữa. Lý thuyết về cuộc chơi không chỉ liên can đến bọn trẻ con là những đứa thường có thời giờ để mất, nhưng nó cũng liên can cả đến các triết gia, các nhà sư phạm, các cố vấn về tổ chức và các nhà chiến lược quân sự. Mọi người đều bị liên can.

Trong cái thế giới mới này, đi mua bán trước tiên không phải là mua những món hàng, đó là tham gia vào “sân khấu thương mại vĩ đại”. Các trung tâm thương mại lớn của thời nay là những nơi giải trí, ở đó người ta có thể có được những kinh nghiệm thú vị, ở đó người ta có thể sống trong những thế giới tưởng tượng và chơi với thực tế ảo. Ở Hoa Kỳ, người ta coi những trung tâm ấy như là những trung tâm giải trí[14] và việc được phép hoặc bị cấm vào những thế giới chơi đùa ấy càng ngày càng tạo nên những căng thẳng: từ nay mà đi, đó là những không gian riêng tư, được canh gác, những người nghèo bị loại trừ. Họ có thể phá hỏng cuộc chơi.

Sẽ là quá dài nếu phân tích các nguyên nhân của hiện tượng ấy, nhưng một trong những yếu tố chắc chắn là sự mất niềm tin tưởng vào tương lai của nhân loại. Thế hệ của cái toàn thể, ngay lập tức không còn mơ xây dựng thiên đường hạ giới nữa. Đạo đức học về lao động của chủ nghĩa tư bản xưa được đặt cơ sở trên một thời hạn (délai) trước khi có phần thưởng. Tôi lại trích dẫn Bauman: “Trong thế giới của “thời hạn trước phần thưởng, sự diên trì (procrastination) [nghĩa đen là để đến ngày mai, cras trong tiếng Latinh] đặt việc cày bừa và gieo giống lên trên mùa gặt và việc tiêu thụ sản phẩm thu hoạch được, việc đầu tư lên trên việc thu lại, tiết kiệm lên trên những chi tiêu, từ bỏ trên sự thoả mãn. Bạn hãy tiết kiệm, bởi vì bạn càng tiết kiệm nhiều thì bạn sẽ càng có thể chi tiêu nhiều. Bạn hãy làm việc, vì bạn càng làm việc nhiều thì bạn sẽ càng có thể tiêu thụ nhiều”[15].

Nhưng sự mất tin tưởng vào tương lai biến đổi điều chúng ta đang chờ đợi nhờ việc làm. Đấy không còn là đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại và, qua đó, là một nghĩa vụ luân lý nữa. Đấy chỉ là những gì có thể làm cho cuộc đời trong giây phút hiện tại trở thành khả dĩ mà thôi. Đối với thế hệ của cái toàn thể, ngay lập tức thì cần gì phải có một thời hạn trước khi có được phần thưởng? Bạn hãy ăn đi, uống đi và vui vẻ đi vì ngày mai bạn sẽ chết, hoặc ít nữa có thể bạn sẽ thất nghiệp. Việc làm không thể nào tạo hình thể cấu trúc cho cuộc đời của bạn được, không thể cho bạn một căn tính và hứa hẹn cho bạn một tương lai. Bây giờ là lúc chơi, chơi bao nhiêu bạn có thể, tối đa: ai biết được cái gì đang chờ đợi bạn?

Cử hành ngày sabát có ý nghĩa gì trong một xã hội như thế? Nghỉ làm việc có thể có ý nghĩa nào khi việc làm càng ngày càng được hiểu như một thứ trò chơi? Chúng ta đã bắt đầu với anh Emeritus và các bạn hữu của anh, những người đã bị kết án tử ở Bắc Phi năm 304 vì đã giữ ngày sabát: “Không có Ngày của Chúa, chúng tôi không thể sống được”. Một trăm năm trước, năm 203, cũng ở Bắc Phi, người ta cũng đã bắt và kết án tử hình hai người phụ nữ trẻ, Perpêtua và Phêlixita, cùng với các bạn của hai bà, bởi vì tất cả họ là những Kitô hữu. Người ta dự tính ném các người này cho thú dữ, đàn ông thì sẽ bị ném cho những con báo gấm và những con gấu. Vì Perpêtua và Phêlixita là những người phụ nữ, người ta ném hai bà cho một con bò cái tơ điên cuồng. Tất cả những con người ấy đều bị sử dụng để làm trò giải trí phổ thông nhất của Đế quốc Rôma – một thứ “Big Brother” của thế kỷ III.

Trước cái chết của họ một thời gian ngắn, một trong các đồng bạn được một thị kiến: họ tất cả đều được lên trời, trời được mô tả hơi giống như một khu vườn kiểu ănglê, có hoa và có bụi rậm, và họ được các thiên thần đón tiếp và hô lên rằng “họ kia rồi! Họ kia rồi” và một vị niên trưởng bảo họ: “Ite et ludite”, “đi chơi đi”. Perpêtua quả quyết: “Ở đây, tôi hạnh phúc hơn là khi tôi còn sống trong thân xác”[16]. Ở đây rõ ràng có sự đối chọi giữa những trò chơi người ta ném các vị ấy vào, ở dưới thế này, trong hí trường nơi Perpêtua và Phêlixita đóng vai trò những nạn nhân, với những trò chơi các vị sẽ chơi, trên thiên đàng: những trò chơi trong hí trường là một âm vang méo mó của những trò chơi đích thực.

Có thể nào trong xã hội của chúng ta nơi mà cảnh tượng, show business, đã xâm chiếm thế giới buôn bán, sự bùng nổ của việc giải trí là một sự luyến tiếc mơ hồ về lời hứa thiên đàng của Kitô giáo, nơi đó như ngôn sứ Giêrêmia nói “họ sẽ ở như trong một khu vườn được tưới đẫm nước, họ sẽ không còn phải khóc than nữa. Bấy giờ người trinh nữ sẽ vui mừng múa nhảy, và toàn thể những thanh niên và các cụ già nữa” (31,12-13)? Đối với một thế hệ đã mất niềm hy vọng vào một thiên đường, thì Disney Land phải chăng sẽ là tiếng vang cuối cùng của những giấc mơ của chúng ta? Chúng ta đã lấy tưởng tượng thay thế cho niềm hy vọng và lấy thực tế ảo để thay thế cho cánh chung luận!

Một trong những khác biệt giữa chơi đích thực và mặt trái của nó có thể nằm trong tính cách hỗ tương: trong hí trường, con người ta giải trí bằng cảnh tượng của Perpêtua và Phêlixita bị quăng cho thú dữ cắn xé. Họ là khán giả: họ đứng bên lề, quan sát rồi ra đi. Điều ấy trái ngược với thiên đàng là nơi có sự hỗ tương, nơi chúng ta sẽ thấy và chúng ta sẽ được thấy. Như thánh Phaolô nói: “Hiện tại, chúng ta biết theo cách một phần; nhưng khi ấy, tôi sẽ biết như tôi được biết” (1 Cr 13,12).

Đối với mọi người, có thể trừ ra những người giàu có và những người nổi tiếng, giải trí hệ tại ở việc làm khán giả: chúng ta nhìn các màn hình tivi, các màn hình xi-nê, các màn hình máy vi tính; chúng ta nhìn, nhưng chẳng có ai nhìn chúng ta. Đúng là các máy vi tính càng ngày càng có tính cách tương tác, nhưng chúng ta có thể chọn đúng cái sẽ được chúng ta nhìn. Một vật chỉ là thật nếu nó hiện lên trên màn hình, tivi cung cấp sự hiện hữu. Như Jean Baudrillard viết: “Ngày nay chúng ta đang sống trong thế giới tưởng tượng của màn hình, của “interface” [ … ] và của Net. Tất cả các máy móc của chúng ta là màn hình; chúng ta cũng thế, chúng ta trở thành những màn hình [ … ]. Chúng ta đã sống trong một ảo giác “mỹ học” về thực tại”[17].

Khán giả là người không được nhìn và như vậy là người khả dĩ thương tổn. Điều này có thể mang hình thức của sự tàn ác của những khán giả trong các trò chơi của người Rôma, họ là những con người bình thản nhìn xem Phêlixita, Perpêtua và các bạn của họ bị thú dữ cắn xé, hoặc điều này cũng có thể là sự khả dĩ thương tổn của người xem là người có thể lặng lẽ xem một cảnh tượng trong phim đen mà không có nguy cơ bị người khác để ý. Như Susan Griffin nói: “Trên hết, người xem phải nhìn, nhưng không được cảm, người ấy giữ một khoảng cách phải được tôn trọng, người ấy không phải vất vả và những hình ảnh của người ấy không sáng chói để bị tiết lộ; thực tại không đụng chạm đến người ấy. Thế nhưng trong đầu mình, người ấy có thể ngỡ là có thực tại và người ấy hành sự một sự kiểm soát đối với các hình ảnh mà người ấy chế tạo ra và khuôn đúc tuỳ thích này”[18]. Những hình ảnh kinh khủng về sự làm nhục về tính dục của những tù nhân ở Abu Ghraib cho thấy rõ là pornography và sự tàn bảo trùng với nhau.

Lời hứa của ngày sabát là lời hứa của một cái nhìn khác. Chúng ta sẽ nhìn Thiên Chúa và chúng ta sẽ yên nghỉ trong cái nhìn của Người. Cụ Simêon tới Đền Thờ, cụ thấy Em Bé Giêsu và tìm thấy sự yên nghỉ của cụ “Bây giờ, lạy Chúa tối cao, Chúa có thể, theo lời của Chúa, để cho tôi tớ của Chúa ra đi trong bình an; bởi vì mắt con đã thấy ơn cứu độ của Chúa, mà Chúa đã chuẩn bị trước mặt tất cả các dân tộc, ánh sáng để soi chiếu các dân và vinh quang của dân Chúa là Israen” (Lc 2,29-31). Đấy chính là được tham dự trước vào phúc kiến.

Khi ấy chúng ta cũng được nhìn. Khán giả không thích tính cách khả thị và, khi họ bị nhìn, họ chọn một khuôn mặt nào đó mà họ muốn trình bày cho người khác. Như tôi đã nói trong chương IV, chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta có niềm hy vọng là chúng ta sẽ được hưởng sự yên nghỉ trong cái nhìn của Thiên Chúa. Rowan Williams quả quyết rằng đấy là một cái nhìn hoàn toàn giải phóng, bởi vì đó là cái nhìn của Đấng sáng tạo, trong đó không có kình địch không có đua tranh. Thiên Chúa là “Đấng Khác vượt lên trên mọi thứ bạo lực, cái nhìn không thể trốn tránh được nhưng cũng không tìm kiếm một lợi lộc nào”[19]. Ông còn lưu ý là các icônes của Chính thống giáo được sáng tác không phải để chúng ta ngắm cho bằng để những bức đó nhìn ngắm chúng ta. Các bức icônes đó bao phủ chúng ta trong cái nhìn đầy thương xót. Ông tiếp: “Ai nhìn các bức icônes là được mời gọi thôi không còn là một ai đó đang quan sát một hiện tượng tĩnh nữa: ngữ pháp của bức hoạ nhấn mạnh đến hoạt động của nó, đến cách “gây ảnh hưởng” lên người đang ngắm nhìn, bằng cách chiếu toả ánh sáng hơn là đón nhận, qui tụ và điều khiển năng lực của mình hơn là để cho phát tán khởi đi từ một điểm đồng qui bất khả thị. Điều ấy được diễn tả hoàn hảo nhất trong cách người hoạ sĩ icône vẽ những con mắt của Đức Kitô hoặc của các vị thánh (không có vị thánh nào được vẽ với khuôn mặt nghiêng): trong khi quang cảnh chung “gây ảnh hưởng” lên con người đang ngắm nhìn, thì những con mắt của nhân vật trong bức icône hoạt động, tìm kiếm, mời gọi. Biết ngắm một bức icône, tuân theo “phép đọc” các bức hoạ ảnh là sở đắc một khả năng lạ lùng: biết để cho mình được nhìn, được đọc”[20].

Vì thế, niềm hy vọng của chúng ta là chúng ta sẽ được yên nghỉ trong những cái nhìn hỗ tương qua lại, nhìn ngắm và cũng được ngắm nhìn. Tôi rất thích bức tranh Madone avec le Chanoine van der Poele ở bảo tàng viện Groeninge, Bruges: vị kinh sĩ đã bỏ cặp kính ông đang dùng để đọc cuốn sách và, với cặp mắt không đeo kính, ông nhìn ngắm Em Bé Giêsu. Đúng là ông vượt qua cách thế hiện đại đặc trưng dùng để nhìn ngắm, tức là đeo kính để đọc sách, sang một cái nhìn khác, cái nhìn vào Chúa của ông mà ông có thể thực hiện với con mắt không đeo kính. Đức Giêsu quay về phía ông và nhìn lại ông, với một sự chăm chú lạ thường. Đức Mẹ cũng nhìn vị kinh sĩ như thể Đức Mẹ ủng hộ cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với vị kinh sĩ này. Đức Mẹ bế Đức Giêsu làm sao để Em Bé có thể nhìn con người kia và để chính Đức Mẹ cũng có thể nhìn con người kia nữa. Bên phải có thánh Georges, người chính thức giới thiệu vị kinh sĩ; thánh Georges giới thiệu vị kinh sĩ nhưng lại nhìn Em Bé. Và bên cạnh có thánh Donatien đang quan sát toàn cảnh. Như thế, toàn thể bức họa tựa như được dệt bằng những cái nhìn giao thoa nhau, nhưng cuối cùng tập trung vào Em Bé. Em Bé Giêsu mở ra một không gian trong đó mỗi người có thể yên nghỉ trong cái nhìn của người khác.

Vậy chuyện ấy gợi lên cho chúng ta điều gì về việc cử hành ngày sabát của chúng ta? Các cộng đoàn hiện đại thường thường là những cộng đoàn thuộc về một toàn cảnh bị chia sẻ: những con người họp thành một cộng đoàn nhất thời vì cùng nhìn ngắm một cái gì đó; họ qui tụ với nhau vì họ đều là khán giả của cùng một biến cố, một vở nhạc kịch hoặc một trận bóng đá. Đó là cái Zygmunt Bauman gọi là “các cộng đoàn của phòng thay áo” hoặc “các cộng đoàn của hội hoá trang”. Khi cảnh tượng chấm hết, bạn trở lại phòng thay áo, bạn mặc lại bộ y phục thường ngày thay cho những bộ áo của ngày lễ hội, trên chiếc áo soa-rê lịch lãm, và rồi bạn lại mất hút trong đám đông. Tư cách khán giả làm tan biến những mối dây liên hệ sâu xa giữa những phần tử của một cộng đoàn. Đó chính là điều ông Karl Marx trách cứ Kitô giáo. Phải chăng những cuộc tụ họp của chúng ta để cử hành Thánh Thể cũng giống hệt như thế? Một quang cảnh vắn gọn trong đó chúng ta được sống trong tiếng hát của những bài thánh ca, trong nụ cười do một nhà giảng thuyết biết “tấu hài”, trong việc rước lễ nhanh gọn tiếp theo sau đó, trước khi quay trở về với sự cô đơn tẻ nhạt của chúng ta?

Sự yên nghỉ của chúng ta nơi Chúa, chúng ta hẳn không coi đó tiên quyết như là một việc thuần tuý dứt khỏi việc làm, là thôi không còn phải làm lụng gì nữa, nhưng như là một phẩm tính nào đó về sự hiện diện hỗ tương. Chúng ta cần những khoảnh khắc nghỉ ngơi trong đó chúng ta có thể là mình một cách thanh thản, không bôi son thoa phấn, trước Thiên Chúa và trước con mắt của những người chúng ta yêu mến. Điều đó đòi hỏi thời gian để chúng ta bỏ đi, để chúng ta để cho mình được nhìn trong sự phức tạp và trong những mâu thuẫn của nó. Người ta không thể trong một giây một lát mà có thể bộc lộ bản thân mình. Chúng ta cần có những khoảnh khắc cùng nhau sống ngày sabát, với gia đình của chúng ta, với bạn hữu của chúng ta hoặc với cộng đoàn tu trì của chúng ta, những khoảnh khắc trong đó chúng ta có thể chấp nhận được nhìn vì chúng ta tin vào sự tốt lành của cái nhìn hướng tới chúng ta. Khi chúng tôi tuyên khấn làm một người trong Dòng Đa Minh, chúng tôi xin lòng thương xót của Thiên Chúa và của những người anh em; chỉ trong sự tin tưởng vào một cái nhìn thương xót và tha thứ mà chúng tôi dám sống với nhau. Điều đó giả thiết phải dành thời gian để học cho biết tôi là ai và người anh em của tôi là ai. Cần phải có thời gian để khám phá, trong con mắt của người khác, là tôi có giá trị và cuộc đời của tôi có một sự mạch lạc trước sau và có một ý nghĩa. Được yêu mến có nghĩa là được nhìn theo một cách nào đó: không phải chỉ như một ai đó hữu ích, giải sầu hoặc đáng ước ao, nhưng là được nhìn như một chủ thể, như một ai đó cũng có thể có một cái nhìn hướng trở lại.

Đó là một cái gì lớn hơn là việc nghỉ ngơi sau một tuần làm việc như điên như dại; đó là sự nghỉ ngơi sau công việc-diễn xuất của đời sống hằng ngày; đó là ngưng không làm khán giả nữa, là thôi không phải mang lấy một cái mặt nạ và chơi những trò chẳng có ý nghĩa gì nữa. Đó là một sự nghỉ ngơi trong thinh lặng của người mà đối với người ấy người ta không chỉ thuần tuý là “một ai đó” nhưng là một “cái tôi” khác. Nhà tu hành dòng Xitô người Anh là thánh Aelfred de Rievaulx đã viết ở đầu quyển nhật ký thiêng liêng của ông như thế này: “Chúng ta đây, bạn và tôi, tôi hy vọng có một nhân vật thứ ba là Đức Kitô ở giữa chúng ta. Không có ai để quấy rầy chúng ta, không có ai xen vào cuộc tâm sự bằng hữu của chúng ta, không có cuộc trò chuyện dông dài nào, không có tiếng giức lác huyên náo nào lướt vào trong sự cô đơn thú vị này được. Giờ đây, hãy đến, hỡi người tôi yêu mến, hãy mở rộng trái tim của bạn và đổ tất cả những gì bạn có thể vào đôi tai bằng hữu này; hãy dùng với lòng tri ân nơi chốn này, khoảnh khắc này và sự nghỉ ngơi được ban cho chúng ta này nhé bạn”[21].

Thiên Chúa đã mời chúng ta tham gia vào sự nghỉ ngơi của Người. Theo thánh Augustinô, sự nghỉ ngơi này là chính hữu thể của Thiên Chúa. Thánh nhân viết trong cuốn Tự Thuật: “Lạy Thiên Chúa, chính Ngài đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy, sau khi hoàn tất các công trình của Ngài, những công trình “rất tốt đẹp”. Đó chính là để Ngài có thể nói cho chúng con biết trước, bằng tiếng nói của cuốn sách của Ngài (Sách Thánh) rằng khi chúng con kết thúc các công việc của chúng con, những công việc “rất tốt đẹp”, bởi vì Ngài đã ban các công việc ấy cho chúng con, thì chúng con cũng có thể nghỉ ngơi trong Ngài, trong ngày sabát của sự sống vĩnh cửu”[22].

Nhưng vị thầy của thánh Augustinô là thánh Ambrôsiô lại còn nói rằng Thiên Chúa cũng nghỉ ngơi nơi chúng ta nữa. Ngày thứ bảy Tuần Thánh, ngày sabát giữa cái chết với cuộc Phục Sinh, chúng ta đọc thấy những lời khác thường này của thánh Ambrôsiô: “Ngày thứ sáu giờ đây được kết thúc; toàn thể công trình của thế gian này được kết thúc [ … ]. Chắc chắn đây là thời gian để đem tới phần đóng góp thinh lặng của chúng ta, vì Thiên Chúa đang nghỉ ngơi sau sự lao nhọc sáng tạo của Người. Người đã tìm được sự nghỉ ngơi giữa lòng nhân loại, trong thần trí, tìm được ý muốn và dự định của nhân loại, bởi vì Người đã sáng tạo con người có sức mạnh của lý trí; Người đã làm nên nhân loại để nhân loại khao khát ân sủng của trời cao. Thiên Chúa tìm thấy ở đó sự an ủi của Người như chính Người cho thấy khi Người nói “Nơi người nào Ta sẽ tìm được sự nghỉ ngơi, trừ phi nơi người khiêm tốn và an hoà và những lời của Ta đổ đầy niềm kính sợ?”. Tôi tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta, Đấng đã hoàn tất một công việc tốt đẹp đến nỗi Người có thể tìm được ở đấy sự nghỉ ngơi. Người đã làm nên các tầng trời, nhưng tôi không đọc thấy là khi đó Người nghỉ ngơi; Người đã làm nên cõi đất, nhưng tôi không đọc thấy là khi đó Người nghỉ ngơi; Người đã làm ra mặt trời, mặt trăng cùng muôn vì tinh tú, nhưng tôi không đọc thấy là Người tìm được ở đó sự nghỉ ngơi. Đây mới chính là điều tôi đọc thấy: Người đã làm ra nhân loại và đã tìm được sự nghỉ ngơi nơi những ai mà Người đã có thể thứ tha các tội lỗi”[23].

Chú thích___

[1] “The Meaning of Sunday”, Communio, printemps 1994, p. 7.
[2] P. 119 s.
[3] Ibid., p. 156, 158.
[4] X. The Weightless World: Strategies for Managing the Digital Economy, Cambridge (Mass.), 1977.
[5] Liquid Modernity, p. 19.
[6] Ibid., p. 161.
[7] Jeremy Rifkin trích dẫn trong cuốn The Age of Access: How the Shift from Ownership to Access is Transforming Modern Life, London, 2000, p. 97.
[8] Who Are We Now? Christian Humanism and the Global Market from Hegel to Heany, p. 79.
[9] Michael Sales trích dẫn trong “The Fullfilment of the Sabbath from the holiness of seventh day to God’s resting in God”, Communio, printemps 1994, p. 29.
[10] Bauman trích dẫn trong Liquid Modernity, p. 149.
[11] Religion in Modern Europe: A Memory Mutates, p. 3.
[12] The Age of Access : How the Shift from Ownership to Access is Transforming Modern Life, London, 2000, p. 12.
[13] Ibid., p. 164.
[14] Người ta còn nói đó là “destination entertainment centers”, x. The Age of Access: How the Shift from Ownership to Access is Transforming Modern Life, London, 2000, p. 158.
[15] Liquid Modernity, p. 158.
[16] X. The Acts of the Christian Martyrs, trad. Herbert Musurillo, Oxford, 1972, p. 121.
[17] Jeremy Rifkin trích dẫn trong cuốn The Age of Access: How the Shift from Ownership to Access is Transforming Modern Life, London, 2000, p. 197.
[18] Pornography and Silence: Culture’s Revenge against Nature, London, 1981, p. 122.
[19] On Christian Theology, p. 186.
[20] Lost Icons, p. 185.
[21] Spiritual Friendship, trad. Mary Eugenia Laker, Kalamazoo, 1977, p. 51.
[22] Les Confessions, XIII, 36, 1.
[23] Fathers of the Church, vol. 42, New York, 1961, p. 282.