Thời sự Thần học - Số 2, Tháng 2/2009, tr. 58-69.
_Phaolô Nguyễn Hải Đăng_
Kinh Dịch-cấu hình tư duy Trung Quốc về vũ trụ luận
Kinh Dịch(易 經)là danh từ chỉ Chu dịch, là một trong tam dịch: Liên Sơn, Quy Tàng và Chu Dịch. Do vị trí đứng đầu Lục kinh của Nho gia nên được gọi là “Kinh Dịch”.
Về mặt từ nguyên, chữ “dịch” (易) hàm tích nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng có thể tóm kết trong bốn ngữ nghĩa chính: không thay đổi (bất dịch dã), giao hoán bổ khuyết cho nhau (giao dịch dã), biến hóa thay đổi (biến dịch dã) và dung dị mộc chân (dị giãn dã).[1]
Về cấu trúc, Kinh Dịch bao gồm hai phần chính: phần văn bản gốc (Chu dịch thượng hạ kinh – 周 易 上 下 經) và phần bình giải (Dịch truyện – 易 傳 ). Chu dịch thượng hạ kinh gồm sáu mươi bốn quẻ kèm theo lời bói. Mỗi quẻ đơn (đơn quái – 單卦) gồm ba vạch, vạch liền tượng trưng cho dương, vạch đứt tượng trưng cho âm. Sự kết hợp các quẻ đơn hình thành nên sau mươi bốn quẻ kép (trùng quái – 重 卦). Mỗi quẻ trùng quái gồm hai phần: phần trên gọi là thượng quái(上 卦), phần dưới gọi là hạ quái(下 卦)。. Thượng quái còn gọi là ngoại quái, hạ quái còn được gọi là nội quái. Nguyên tắc bói dịch là “nội vi chủ, ngoại vi khách – 内 為 主 外 為 客” (nội quái là phần trung tâm, quan trọng, ngoại quái là phần tùy phụ).
Về mặt tư tưởng, có thể nói toàn bộ cấu hình tư tưởng Trung Hoa sau thời Chu đều đi vào quỹ đạo tư duy do chính Kinh Dịch đặt nền tảng. Tư tưởng Kinh Dịch được hình thành tiệm tiến từng bước một từ thời Xuân Thu-Chiến Quốc đến thời kỳ Tần-Hán, phản ánh sâu đậm sắc thái của thời đại và điều kiện lịch sử xã hội Trung Quốc đương thời.[2] Thời đại Xuân Thu-Chiến Quốc là một thời kỳ biến loạn với các cuộc tranh hùng xưng bá, đặc biệt là sự thay đổi thiết chế xã hội từ chế độ phong kiến cổ đại sang chế độ quận huyện, từ chế độ tông tộc sang chế độ gia trưởng. Trật tự xã hội đảo lộn, quan hệ đạo đức suy vi tạo thành cục diện xã hội thịnh suy, hưng vong xoay vòng biến chuyển. Chính sự vận động biến dịch của hiện thực xã hội cùng những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình chinh phục tự nhiên đã đặt nền cho sự hình thành tư tưởng dịch lý, một quan niệm mang tính triết lý của nền huyền học Đông phương về quy luật tiến hóa của vạn vật.
“Không nghiên cứu Kinh Dịch thì không thể nghiên cứu bất kỳ một khía cạnh nào trong hệ thống văn hóa thượng tầng của Trung Quốc”.[3] Nhận định này phản ánh tầm quan trọng của Kinh Dịch trong việc tìm hiểu cấu hình tư duy Trung Quốc về nhân sinh quan và vũ trụ quan. Kinh dịch ban đầu là một tác phẩm chiêm bốc (bói toán) nhưng kỳ thực đằng sau lớp vỏ bình thường là cả một kho tàng triết lý về nhân sinh quan và vũ trụ quan. Dịch lý thực chứng kinh nghiệm về thực tại: tất cả đều vô thường, biến dịch theo quy luật tự nhiên sinh trụ hoại diệt. Không hề có sự diệt tận, cứng đọng trong tiến trình sinh trưởng của vạn thể nhưng tất cả đều trôi chảy, biến dịch không ngừng theo quy luật tương tác âm dương. Đó là quy tắc căn bản, sâu xa, bất biến còn gọi là “Đạo”. Đó là căn nguyên động lực căn bản nhất chi phối sự cấu thành và biến dịch của vũ trụ vạn thể. Theo Kinh dịch, chính sự liên hệ tương tác giữa hai mặt đối lập âm dương là nguyên lý phát triển của vạn thể trong thế giới hiện tượng.
Âm dương tương tác – nguyên lý sinh hóa của vạn vật
Tư tưởng hạt nhân của “dịch” là sự tương sinh, tương khắc giữa hai thực thể đối lập âm và dương trong một thể thống nhất là Thái Cực (太 及), có tính nhị nguyên luận. Âm(陰) chỉ sự nhu mềm, thấp tối, bị động, nữ tính. Dương (陽)chỉ sự cứng rắn, mạnh mẽ, chủ động nam tính.[4] Hai thực thể tuy đối lập nhưng luôn có sự ràng buộc, tương tác và chuyển hóa lẫn nhau. Âm biến thành dương, dương chuyển hóa thành âm trong một thể thống nhất chuyển hóa liên tục như nguyên lý nền tảng thúc đẩy sự phát triển của sự vật. “Sự vật hiện tượng đạt đến cực điểm thì có sự biến hóa, mà sự biến hóa phát triển là cái mới tạo thành” – “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”.[5]
Tất cả sự vật hiện tượng không tồn tại cách cô lập nhưng liên hệ tương tác lẫn nhau. Có sự tương tác tất yếu sẽ nảy sinh sự đối lập, sự đối lập nội tại âm dương nơi vạn thể là nguyên lý khởi phát sự biến hóa. Sự biến hóa là nền tảng sinh hóa của thế giới hiện tượng. Chính nhờ âm dương tương hổ, tiêu trưởng tuần hoàn mà sinh ra sự vận động, phát triển, biến hóa. Đó chính là dịch lý, sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển tư tưởng của nền triết học Trung Hoa, là nguyên lý cho sự nhận thức và lý giải vũ trụ theo phương pháp biện chứng dịch lý phương Đông.
“Mối quan hệ giữa Càn và Khôn là hạt nhân của dịch. Do sự đối lập giữa Càn và Khôn mới tạo ra sự biến hóa. Trong Càn và Khôn chỉ cần một mặt, một yếu tố mất đi thì không có sự biến hóa.” (Hệ từ thượng truyện)
Quy luật tiến hóa của vạn thể trong “dịch lý” phương Đông được cố kết trong một tiến trình tương tác liên tục của Đạo-Khí-Biến-Thông.[6] Thực tại vượt khỏi khả năng tri kiến (hình nhi thượng) gọi là “Đạo”. Hiện tượng hiển thị qua hình dáng, trạng thái mà con người có thể nhận biết gọi là Khí. Sự tương tác nội tại như nguyên lý cho mọi sự biến hóa gọi là Biến. Nhờ có biến hóa mà sinh thể có thể phát triển gọi là Thông. Cái “Đạo” ẩn sâu, thầm kín như dung thể bao trùm vũ trụ, vượt thoát khỏi mọi giới hạn của ngôn ngữ. Dịch lý phương Đông gọi đó là Thái Cực, là nguyên lý và tác nhân chính cho sự sinh hóa và phát triển của hiện tượng giới.
“Thị cố, dịch hữu Thái Cực. Thị sinh lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh tứ tượng. Tứ tượng sinh bát quái. Bát quái định cát hung sinh đại nghiệp” - “Căn nguyên của dịch là Thái Cực.[7]Thái Cực sinh lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh tứ tượng. Tứ tượng sinh bát quái. Bát quái có thể dự đoán lành dữ.[8]”
Dịch có Thái Cực. Thái cực là thể thống nhất giữa hai thế lực căn bản nhất của vũ trụ, đó là âm dương, gọi là Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi sinh thành Tứ Tượng (lão dương, lão âm, thiếu dương, thiếu âm). Từ Tứ Tượng, âm dương lại tương tác trùng lắp hình thành tám loại tổ hợp của ba vạch không giống nhau, gọi là Bát Quái. Bát Quái (tám quẻ) là mô hình tiên thiên của vạn vật: Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn (trời, đầm, lửa, sấm, gió, nước, núi, đất). Tám quẻ giao thoa, tương sinh tương khắc nhau tạo nên vạn vật. Do vậy, Lão tử gọi Thái Cực là Hữu Danh, là Mẹ của vạn vật.
Trong lời tựa sách Chu dịch, Chu Hy viết: “Dịch có Thái Cực, Thái Cực sinh ra lưỡng nghi, Thái Cực là đạo, lưỡng nghi là khí âm và khí dương. Khí âm, khí dương cùng là một Đạo. Muôn vật sinh ra đều bồng âm cõng dương, đâu cũng có Thái Cực mà đâu cũng có hai nghi. Khí trời đất điều hòa giao cảm, biến hóa chẳng cùng, hình thể chịu sự sống, tinh thần nảy trí khôn, thực và giả bày ra, muôn ngàn mối việc bắt đầu từ đây.”[9]
Đạo là thực tại vô thủy, vô chung, vô danh nên không thể hình tượng, không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ. Còn Thái Cực đến vạn vật đa tạp là quá trình triển khai sáng tạo, nên Thái Cực (Hữu danh) được gọi là Mẹ của vạn vật “hữu danh vạn vật chi mẫu”.[10] Vì vậy, con người càng lặn sâu vào cõi sâu thẳm của “Đạo” càng thấy sự sống linh hoạt thiên biến vạn hóa. Ngày nay, bằng thực nghiệm khoa học, con người nhận thấy vật chất không là một thực thể cứng đọng ù lì nhưng là thực thể hiện tồn ở dạng sóng hạt chuyển hóa linh động với tốc độ ánh sáng. Kinh nghiệm này đã được các hiền nhân Đông phương cảm nghiệm và đã được ghi chép từ rất lâu trong sách Dịch lý: “Sinh sinh chi vị dịch”[11] – “Sống, sống mãi gọi là Dịch”. (Hệ từ thượng: 5 6).
Đó là chân lý diễn tả tất cả kinh nghiệm Đông phương về vũ trụ luận. Không hề có sự diệt tận trong tiến trình sinh hóa của vạn thể, diệt tận chỉ là thực tại ảo trong một khoảng khắc không gian, thời gian. Chỉ có sự chuyển hóa không ngừng trong một tiến trình bất tận và sự tương tác âm dương là căn nguyên nền tảng cho sự phát triển và thay đổi của vạn thể. Chân lý này được thể hiện rõ nét qua Thái cực đồ của Dịch lý Đông phương.
Thái Cực đồ là một biểu đồ gồm bảy vòng tròn đồng tâm. Vòng trong cùng (tâm điểm) là một vòng tròn trắng, biểu tượng đại năng lực sinh hóa của Đạo. Vòng thứ hai nửa trắng, nửa đen biểu thị Lưỡng Nghi: hai nguyên lực âm và dương. Vòng thứ ba có bốn mảng đen trắng đan xen lẫn nhau, chỉ thị cho Tứ Tượng (thiếu dương, thái âm, thiếu âm, thái dương). Vòng thứ bốn có tám mảng đen trắng xen vào nhau, biểu tượng Bát Quái (Càn, Đoài, Lý, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn). Vòng thứ năm có mười sau mảng đen trắng. Vòng thứ sáu có ba mươi hai mảng đen trắng. Vòng thứ bảy có sáu mươi bốn mảng đen trắng. Tất cả đan xen vào nhau, biểu thị cho sự giao thoa tương tác giữa hai nguyên khí âm dương tạo nên sự phát triển đa dạng của vạn vật trong hiện tượng giới. Thái Cực đồ là mô hình biểu tượng cho sự chuyển hóa âm dương từ đại năng lực Thái Cực qua hai thời tiên thiên và hậu thiên của cuộc đại hóa vũ trụ vạn vật.
Đối lập và thống nhất – nguyên lý phát triển của vạn thể
Theo Dịch lý, sự đối lập và thống nhất giữa Càn (trời) và Khôn (đất) chính là nguyên lý căn bản cấu thành vũ trụ (thời gian, không gian). Hiện tượng giới cũng tuân theo quy luật này. Không một sinh thể nào có thể tồn tại cách cô lập nhưng sinh tồn và phát triển trong mối quan hệ tương hỗ, đây chính là nguyên lý “thống nhất của mâu thuẫn”.
Bằng kinh nghiệm thực chứng, chúng ta nhận thấy trong hiện tượng giới, vạn vật phân hóa cao thấp mà hình thành trật tự, dựa vào động tĩnh mà hình thành quan hệ cương nhu, tuân theo quy luật vận động mà phân chia nhóm đoàn, nhờ vào quy luật tương sinh tương khắc mà không ngừng sinh hóa.
Ngay chương hai của kinh điển Đạo Đức kinh đã viết: “Thiên hạ giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ; giai chi thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ. cố hữu vô tương sinh; nan dị tương thành; trường đoản tương hình; cao hạ tương khuynh; âm thanh tương hào; tiền hậu tương tùy”[12] – “Mọi người đều biết đẹp là đẹp, ấy là có xấu rồi; đều biết lành là lành, ấy là có chẳng lành rồi. Cho nên có và không cùng sinh ra nhau, khó và dễ cùng thành tựu với nhau cao và thấp cùng nghiêng lệch nhau, tiếng và kêu cùng hòa với nhau, trước và sau cùng theo nhau”
Theo quan niệm Dịch lý, mọi sự vật đều có mâu thuẫn nội tại nhưng chúng không tiêu trừ lẫn nhau, ngược lại chúng là điều kiện thúc đẩy nhau cùng phát triển. Trong âm có dương, trong thấp có cao, trong lành có dữ, tất cả mâu thuẫn nhị nguyên trong hiện tượng giới đều mang tính tương đối, chúng nương vào nhau mà tồn tại. Trong thiên Tề vật luận của sách Nam Hoa kinh, Trang Tử đã luận bàn về tính tương đối của thực tại: “con người thì ưa ăn thịt thà, hươu nai thì thích ăn cỏ non, rết thì cho rắn con là ngon, chim mèo, chim cú thì thích ăn chuột bọ. Bốn loài ấy, ai biết vị ăn nào là chánh vị? Vượn và khỉ theo với nhau, nai và hươu cùng với nhau, chạch và cá lội với nhau. Mao Tường, Lệ Cơ, người thấy thì cho là đẹp, cá thấy thì lặn sâu, chim thấy thì bay cao, hươu nai thấy thì chạy dài. Bốn loài ấy, ai biết sắc đẹp nào là chính sắc trong thiên hạ”[13].
Tính tương đối của thực tại là điều kiện cho sự biến dịch. Có và không cùng sinh ra nhau, khó và dễ cùng thành tựu lẫn nhau, dài và ngắn cùng sánh với nhau, tiếng và kêu cùng hòa, cao và thấp cùng nghiêng lệch, trước và sau cùng theo nhau. Ngay cả sự sống và sự chết cũng được đặt trong thế đứng tương đối dưới cái nhìn Đông phương: “hiểu tận vạn vật rồi, mới thấy nó thuần nhất. Ta sao biết ham sống chẳng phải là lầm? Ta sao biết sợ chết lại chẳng mê, mà không biết cho đó là con đường về”[14].
Tính tương đối của thực tại còn nói lên sự “mất quân bình” trong tiến trình sinh hóa của vạn vật. Vì mất quân bình nên sự vật “động”, động nên biến dịch, biến dịch nên chuyển hóa, chuyển hóa để quay trở về. Đó là quy luật tuần hoàn của tự nhiên. Vạn vật có thể phát triển là nhờ sự vận hành hòa điệu với những quy luật tự nhiên vốn đã được thiết định. Và năng lực điều hòa vạn thể phát triển hài hòa trong một thể thống nhất, Dịch lý gọi là Đạo, Thái Cực hay Thực Thể Tối Cao, cội nguồn của vũ trụ vạn vật. Cùng một mô thức tư duy đó, còn có một danh xưng khác gọi là Thuyết Tam nguyên.
Thuyết Tam nguyên chính là mô thức đặc thù của tư duy Đông phương. Nó phủ nhận thế đứng nhị nguyên của tư duy thông thường vốn phân tách biện biệt thực tại thành những thực thể đối lập, tiêu trừ lẫn nhau. Thuyết Tam nguyên cho rằng: vạn thể hiện tồn và phát triển là do hai nguyên lực nội tại tương tác lẫn nhau nhưng luôn có một sức mạnh thứ ba là nguyên lực điều tiết sự phát triển của vạn vật trong một thể thống nhất.[15] Vì vậy, chúng mâu thuẫn nhưng không tiêu trừ, ngược lại cái này là điều kiện của cái kia, cái này tương nhập vào cái kia trong một thể thống nhất nội tại. Thuyết Tam nguyên xuất hiện rất nhiều trong các nền đạo học cổ truyền Đông phương, được biểu tượng hóa qua các hình tượng thần thánh như thần Shou, thần Tefnet, thần Atoum trong văn hóa-tôn giáo cổ đại Ai cập và Lưỡng Hà, hay như thần Brahma, thần Vishou (thần gìn giữ và phù hộ), thần Shiva (thần tàn phá và tiêu diệt) trong Ấn Độ giáo. Và cụ thể nhất chính là Thái Cực đồ trong Dịch lý Trung Hoa .
Thái Cực đồ là mô hình phản ánh vũ trụ quan của người Trung Hoa. Chúng bao gồm hai thực thể đối lập: nguyên khí âm và dương tương sinh tương khắc trong một vòng tròn bao quanh. Vòng tròn đó chính là Đạo, nguyên lý hợp nhất và điều hòa hai nguyên lực mâu thuẫn. Trong cả hai nguyên khí âm và dương đều hàm chứa một “chủng tử” đối lập[16], đó là mầm sống vô cùng mạnh mẽ, một tiềm lực phi thường, là nguyên lý mâu thuẫn nội tại, là nguyên nhân lý giải cho quy luật tiến hóa của vạn thể.
Sự tương tác giữa hai nguyên lý âm dương vừa mang tính mâu thuẫn vừa mang tính tương đồng: chúng không phụ thuộc lẫn nhau và không nguyên lý nào quan trọng hơn nguyên lý nào. Nhưng chính sự tương sinh tương khắc giữa chúng lại là điều kiện tất yếu cho tiến trình sinh hóa của hiện tượng giới. nhưng giữa chúng luôn có một nguyên lý Tối Cao giữa vai trò định hình và điều hòa mọi nguyên lực mâu thuẫn trong vũ trụ, dịch lý gọi là Đạo. Đạo là huyền nhiệm trong tất cả những huyền nhiệm “huyền chi hựu huyền.”[17] Đạo vốn vô danh vô sắc nhưng là dung thể bao trùm vũ trụ như nguyên lý thống nhất mọi đối lập, vắng nó thể thống nhất bị phá vỡ, sinh thể phân rã và tan biến.
Vì vậy, quy luật tiến hóa của hiện tượng giới trong quan niệm Đông phương là một tiến trình hài hòa, thống nhất giữa ba thể giới (Tam tài): Thiên, Nhân, Địa. Sinh thể chỉ phát triển trong mối tương quan hòa điệu với vạn thể xung quanh trong một thể thống nhất không thể tách rời theo quy luật tuần hoàn phản phục.
Luật quân bình phản phục-quan niệm tiến hóa trong dịch lý Đông phương
Cấu hình tư duy Đông phương phủ nhận mô thức tổng quát khi tri thức về thực tại. Mọi khái niệm của ngôn ngữ là sự cứng đọng của hiện tượng vốn dĩ biến dịch liên tục trong không gian và thời gian. Vì vậy, Luật Quân bình Phản phục phản ánh mô thức tư duy tổng quát về thực tại. Sự vật tiến hóa trong một tiến trình biến dịch không ngừng và khi phát triển đến cực độ sẽ chuyển biến mà quay trở lại theo chiều nghịch và cứ như thế không bao giờ ngừng. Do đó, tiến trình sinh hóa của vạn vật không có điểm diệt tận theo quan niệm hư vô nhưng là sự chuyển hóa không ngừng nhờ nguyên lý mâu thuẫn nội tại. “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”[18].
Trong Kinh dịch, Luật Quân bình Phản phục được nhắc đến trong phần Hào từ của quẻ Thái: “Vô bình bất bí, vô vãng bất phục”[19], nghĩa là không bao giờ có sự phẳng lặng mà không có nghiêng lệch, không bao giờ có sự đi mà không có sự trở lại. Đây là lẽ nhiệm mầu của Tạo Hóa, nguyên ủy khởi sinh các cuộc đổi thay biến dịch trong vũ trụ.
“Biến hóa giả: tiến thoái chi tượng giả”, nghĩa là biến hóa tức là hiện tượng tiến rồi lùi, chứ không là một chiều đi tới mãi. Biến hóa là quy luật tự nhiên của cuộc sống và thiên lệch là nguyên lý mọi chuyển vần đổi thay. Minh triết Đông phương cho rằng: vạn thể hiện tồn không bao giờ theo lẽ cân đối, quân bình, vì cân đối là trạng thái tĩnh, bất động, dấu hiệu của sự cứng đọng, tức là chết. Kinh nghiệm thực tiễn cho ta thấy, Đấng Hóa Sinh không tạo dựng vạn thể trong trạng thái cân đối. Cân đối đồng nghĩa với sự im lìm, cứng đọng, trái lại những gì thiếu cân đối mới có thể diễn đạt được sự sống. Nước có thấp có cao mới có dòng nước chảy, khí nhiệt có nóng có lạnh mới phát sinh ra gió. Vạn vật đều vận hành trong trạng thái động, động nên mất quân bình, mất quân bình để tìm lại quân bình. Đó là luật quân bình phản phục, nguyên lý vận hành và biến chuyển của vũ trụ dưới nhãn quan Đông phương.
“Thiên chi đạo kỳ do trương cung dư? cao giả ức chi, hạ giả cử chi; hữu dư giả tổn chi; bất túc giả bổ chi. Thiên chi đạo: tổn hữu dư nhi bổ bất túc”[20] – Đạo của Trời cũng giống như cây cung giương lên ư? Cao thì ép xuống, thấp thì nâng lên, có thừa thì bớt đi, không đủ thì bù vào. Đạo của Trời: bớt chỗ thừa mà bù chỗ thiếu.
Luật Quân bình Phản phục là quy luật tự nhiên được thiết định nội tại trong tiến trình phát triển của mỗi cá thể. Sinh thể phát triển do lực tương tác âm dương. Mọi nỗ lực triệt tiêu âm hay dương đều đi ngược lại thế quân bình tự nhiên, là nguyên lực duy trì sự phát triển của hiện tượng giới. Kinh nghiệm thực tiễn cho ta thấy, muốn chặn đứng dòng chảy của một nguồn nước sẽ vô tình làm nó mạnh lên. Muốn tiêu trừ một sở thích ngược lại làm gia tăng sự khao khát…
Tư tưởng Lão giáo cũng cùng một quan niệm như vậy. “Hữu sinh ư vô”[21] hay “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật”[22]. Nhất là đại năng lực tiên thiên (Thái Cực), Nhị là Lưỡng Nghi Âm Dương. Tam là xung khí giữa hai nguyên lực âm dương (Tứ Tượng) và đây là nguyên lý hóa sinh vạn vật (Bát Quái).[23] Như vậy, tĩnh là gốc của cái động, từ trong trạng thái hư vô (tĩnh), vạn vật sinh hóa (động), để rồi trở về với hư vô (luật phản phục). Như vậy, Luật Quân bình Phản phục nhằm lập lại thế hài hòa trong trật tự tự nhiên nhưng đây cũng chính là nguyên lý cho mọi động biến trong hiện tượng giới, nếu không vạn thể sẽ rơi vào thế tịch nhiên yên lặng. Mọi biến chuyển của vũ trụ theo quy luật phản phục đều hướng đến mục đích tối hậu là thiết lập lại thế quân bình. Đó là con đường trở về của vạn thể.
Phản là trở về, là quay ngược lại cái hướng đã đi trước. Phục là trở lại, lấy lại cái đã mất. Phản phục là quy luật của đạo: “Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết Đạo, cưỡng vi chi danh viết Đại. Đại viết thệ, thệ viết viễn, viết viết phản”- Ta không biết tên thực thể ấy, gọi đó là Đạo, gượng lấy tên là Đại. Đại là ra đi, ra đi là đi xa, đi xa là trở về.
Quan sát hiện tượng tự nhiên con người nhận biết sự biến dịch của thực tại sang thực tại đối nghịch (tiến trình Phản) hiện rõ trong hai mùa: Hạ và Đông và sự chuyển biến của thực tại để lấy lại cái đã mất (tiến trình Phục) hiện rõ trong hai mùa: Đông và Xuân. Cứ thế, thực tại xoay vần, bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông cùng với 24 tiết từ Lập Xuân cho đến Đại Hàn, mỗi năm đều xoay vần không sai hẹn.
Thật vậy, để hiểu được cấu hình tư duy phương Đông về vũ trụ luận, con người phải đứng ngoài địa hạt của tri thức, phải nhìn thực tại trong toàn khối nguyên sơ của nó. Tiến trình tiến hóa trong tư duy Đông phương không là con đường thẳng của lịch sử theo nhãn quan Tây phương nhưng là một vòng tròn tuần hoàn phản phục, không có điểm diệt tận chỉ có điểm trở về. Mất quân bình để biến dịch, biến dịch để trở lại quân bình. Đó là cấu hình tư duy Đông phương về vũ trụ quan và nhân sinh quan.
Thiên thứ chín của sách Đạo Đức kinh đã viết: “trì nhi doanh chi, bất như kỳ dĩ. Sủy nhi nhuệ chi, bất khả trường bảo. Kim ngọc mãn đường, mạc chi năng thủ. Phú quý nhi kiêu, tự di kỳ cữu. Công toại thân thoái, Thiên chi Đạo.” – cầm nắm cái gì đầy ắp, không bằng thôi đi. Mài liếc cái gì sắc nhọn, không giữ được lâu bền. Vàng ngọc đầy nhà, tuyệt không giữ nổi. Sang giàu mà kiêu, tự để lại xấu xa. Công nghiệp thỏa thích mà thân lui, đó là đạo Trời.
Thật vậy quy luật cuộc sống vẫn thế: có đầy ắt có đổ có vơi, có nhọn ắt có gẫy, có thắng ắt có bại… người biết sống theo “lẽ Trời” là người biết sống quân bình, biết dừng biết đủ “tri túc, tri chỉ”[24]. Vạn vật cũng thế, hết Xuân đến Hạ rồi trở lại Xuân, hết Ngày đến Đêm rồi quay lại Ngày, vạn vật sinh hóa theo vòng luân chuyển tuần hoàn bất tận, ra đi đi mãi rồi quay trở về, trở về tức là Mệnh
“Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân, các phục quy kỳ căn. Qui căn viết tĩnh, thị vị viết phục mệnh. Phục mệnh viết thường, tri thường viết minh. Tri thường dung, dung nãi công, công nãi toàn, toàn nãi thiên, thiên nãi Đạo, Đạo nãi cữu, một thân bất đãi” – Muôn vật đều triển khai, ta nhân đó thấy sự trở lại. Kìa vạn vật trùng trùng, đều trở về cội nguồn của nó. Về với cội nguồn đó là yên lặng, gọi đó là trở lại Mệnh. Trở lại Mệnh đó là thường hằng, biết thường hằng là sáng. Biết thường hằng thì bao dung, bao dung thì công bằng, công bằng thì bao khắp, bao khắp thì tự nhiên, tự nhiên thì hợp Đạo, hợp Đạo thì lâu dài, suốt đời không nguy.
Với tâm hồn thanh tĩnh, không vương trần cấu “trí hư cực, thủ tĩnh đốc”, Lão Tử trong thiên thứ mưới sáu sách Đạo Đức kinh đã trực nhận: vạn vật tuy phát triển không ngừng, trùng trùng điệp điệp, thiên biến vạn hóa, nhưng cuối cùng tất cả đều phải trở về cội nguồn của chúng. Đó là luật phản phục của tự nhiên. Đó cũng chính là quy luật tiến hóa của vạn thể dưới cái nhìn Đông phương. Ra đi để trở về. Trở về không là trạng thái đi vào hư không nhưng là khởi điểm cho một tiến trình sinh hóa mới lại bắt đầu. Cứ thế vạn vật sinh hóa luân chuyển mãi theo quy luật tuần hoàn phản phục của tự nhiên.
Dịch lý Đông phương là một cuốn sách lạ trong văn học nhân loại. Đằng sau vẻ bình thường của một văn phẩm chiêm bốc, quẻ số đã ẩn áo cả một “nền triết học của Thánh hiền Đông phương bị che lấp mấy trăm đời”.[25]Nét tinh túy của Kinh dịch cổ điển là sự tích lũy những tri thức thực tiễn và kinh nghiệm ẩn áo, thâm sâu của người xưa về vũ trụ quan và nhân sinh quan giúp con người vận dụng những quy luật của hiện thực trong nỗ lực phát triển và làm chủ vận mệnh của chính mình. Bằng việc quan sát quy luật vận hành của hiện tượng giới, Dịch lý đã trực nhận con đường tiến hóa của vạn thể. Hiện tượng giới là một thể “động”, luôn biến dịch nhờ nguyên lực mâu thuẫn nội tại âm dương. Nhờ biến dịch nên sinh hóa và phát triển không ngừng. Và “tận điểm” của con đường tiến hóa trong Dịch lý Đông phương không là sự diệt tận hay hư vô nhưng là sự trở về theo quy luật Quân bình Phản phục được thiết định nội tại trong tiến trình phát triển của một sinh thể. Nắm được bản chất dịch biến của hiện tượng giới để hành động cho phù hợp với quy luật vận hành của tự nhiên, đó là lẽ “thời trung” của Dịch lý. “Thời trung” là lý luận thực tiễn căn bản nhất trong học thuyết của Kinh Dịch. Biến hóa là thuận theo thời gian mà sinh ra. Điều đó không có nghĩa là theo thời gian mà trôi đi, ngược lại phải nắm chắc bản chất của quá trình phát sinh, vận động và phát trển của sự vật, để hành động đúng thời, đúng lúc, tuyệt đối không dao động theo ý muốn chủ quan của mình, đó là người đang sống trong “Đạo’ vậy[26] .