Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

CÔNG BẰNG VÀ TÌNH LIÊN ĐỚI

“Caritas in Veritate” hay “Veritas in Caritate”

Thời sự Thần học – Số 3, tháng 8/2009, tr. 68-74

_Phaolô Cao Chu Vũ_

1. Khái niệm “xã hội” bị giản lược
2. Tình liên đới xây dựng một xã hội công bằng
3. Xã hội công bằng cần có những “cơ cấu liên đới”
4. Thực thi tình liên đới
Bản phúc trình năm 2008 do Ban Kinh Tế và Quan Hệ Xã Hội của Liên Hợp Quốc nhận định thế giới ngày nay bất bình đẳng hơn so với mười năm về trước, bất chấp việc tăng trưởng kinh tế đáng kể ở nhiều vùng. Cụ thể, bản phúc trình nói rằng không thể so sánh nổi giữa 2,8 tỷ người đang sống với mức chưa tới 2 USD/ngày với mức độ tiêu dùng của giới nhà giàu.[1]
Câu chuyện anh La-da-rô nằm chết đói bên bàn tiệc linh đình của ông nhà giàu trong Tin Mừng Luca (x. Lc 16,19-31) vẫn đang rất hiện thực. “Kẻ ăn không hết người lần không ra” là một thực trạng bất công xã hội. Nó tố cáo lòng dạ ích kỷ của con người. Nó tố cáo một xã hội thiếu tình liên đới, đang khi “sự liên đới làm nổi bật cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi.”[2]

Từ một câu chuyện


Tuổi trẻ Online ngày Thứ Bảy, 13/10/2007, trong mục “Câu chuyện chiều thứ bảy”, đăng bài “Chết đói giữa nước giàu”, với những dòng tóm tắt giới thiệu về bài báo như sau:

“Tôi muốn ăn cơm. Tôi muốn ăn bánh gạo (loại bánh snack có giá 1 USD/túi, bán tại bất cứ cửa hàng tạp hóa nào trên đất nước Nhật, nơi thu nhập bình quân đầu người là 33.100 USD/năm)” – người đàn ông viết trong sự giày vò của cơn đói.

Đó không phải là lời cuối của một người sống đâu đó tại lục địa đen tối đói khổ, mà theo tờ International Herald Tribune (IHT), là của một người đàn ông 52 tuổi sống bằng trợ cấp xã hội tại thành phố Kitakyushu của nước Nhật, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Người đàn ông xấu số đã thuật lại trong cuốn nhật ký rằng ông đã chết dần chết mòn vì đói sau khi chính quyền thành phố cắt khoản trợ cấp xã hội của ông. Ông cũng không dám cậy nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm hay những người thân. Có lẽ vì mặc cảm. Như thế, người đàn ông xấu số này đã chết vì bị gạt ra bên lề xã hội. Ông đã chết đói bên cạnh nguồn quỹ liên đới xã hội mà ông là một thành viên.

Theo IHT, các chính quyền địa phương của Nhật Bản có truyền thống hạn chế trợ cấp xã hội. Họ nói sử dụng tiền thuế để nuôi những người xin trợ cấp xã hội là bất công đối với những người đóng thuế. Trả lời phỏng vấn của giới báo chí, ông Toshihiko Misaki, trưởng bộ phận trợ cấp của thành phố Kitakyushu, bào chữa: “Có những người cố gắng hết sức để tự đứng trên đôi chân của mình, còn những người khác lại lười biếng và nhận trợ cấp. Đó là tiền thuế… Chúng tôi phải tìm sự cân bằng” [3]. Và để thực hiện sự công bằng, chính quyền đã dựng lên nhiều rào cản đối với những người xin trợ cấp nhằm giảm chi trợ cấp xã hội và tăng các phúc lợi cho những người đóng thuế.

Theo đó, có thể nói việc sử dụng ngân sách của cộng đồng để bảo đảm công bằng xã hội là một vấn đề tranh luận ở Nhật Bản. Phải chăng tiền thuế là chỉ để phục vụ lợi ích của những người đóng thuế? Phải chăng đó là công bằng xã hội? Phải chăng những người không có khả năng đóng thuế vì mất sức lao động hay không tìm được việc làm, thì không phải là công dân của xã hội đó? IHT đã dẫn lời của giáo sư Hiroshi Sugimura tại Đại học Hosei-Tokyo: “Đối với chính quyền, chỉ có những ai nộp thuế mới được coi là công dân”[4].

Từ câu chuyện thương tâm “chết đói giữa nước giàu”, người viết xin trình bày một vài suy nghĩ.

1. Khái niệm “xã hội” bị giản lược


Ngày nay, khái niệm “xã hội” phần nào đã bị chủ nghĩa duy lợi làm cho phiến diện. Tính xã hội của cộng đồng nhân loại dường như bị giản lược: xã hội đơn thuần chỉ còn là một tập thể của những cá nhân riêng lẻ, ràng buộc nhau bằng quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý mà đôi bên cùng có lợi. Theo đó, những ai đóng thuế mới có quyền hưởng phúc lợi chung, còn bằng không thì bị loại trừ. Như vậy, “một sai lầm phổ biến của thời đại là người ta lãng quên quy luật của tình liên đới và của đức ái. Quy luật này được thiết đặt và khắc ghi nơi mỗi người bất kể họ thuộc dân tộc nào, do việc mọi người cùng chung một nguồn gốc, cùng có lý trí và cùng được cứu độ nhờ hy tế cứu độ của Đức Giêsu Kitô.”[5]

Nhìn vào bản tính xã hội của con người và dựa trên mặc khải của Thiên Chúa, Giáo hội Công giáo định nghĩa: Xã hội là tập thể những người sống liên đới với nhau cách hữu cơ theo một nguyên lý hợp nhất, vượt lên trên từng cá nhân. Là một cộng đồng vừa hữu hình vừa linh thiêng, xã hội tồn tại mãi: tiếp nhận dĩ vãng và chuẩn bị tương lai. Nhờ xã hội, mỗi người trở thành “người thừa tự”, lãnh nhận các “nén bạc” để làm giàu căn tính của mình và phát triển các “nén bạc” ấy.[6]

2. Tình liên đới xây dựng một xã hội công bằng


Thực vậy, tính “hữu cơ” của xã hội loài người đòi hỏi mọi thành viên trong cộng đồng hành xử với nhau không chỉ theo nguyên tắc công bằng đơn thuần, nhưng còn cần phải theo nguyên tắc liên đới. Ở đây, thuật ngữ “liên đới” diễn tả cách tóm tắt nhu cầu phải nhận ra trong những mối liên hệ giữa con người với nhau và giữa các tập thể xã hội với nhau. Có một không gian cho mọi người được tự do xây dựng sự phát triển chung, trong đó mọi người cùng chia sẻ và cùng tham gia. Sự dấn thân cho mục tiêu này được diễn tả thành việc tích cực đóng góp cho sự nghiệp chung không thiếu điều gì. Và sự dấn thân này cũng được diễn tả thành việc sẵn sàng thí mạng vì ích lợi của tha nhân, vượt lên trên những ích lợi cá nhân và cá biệt.[7]

Do vậy, học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo xác nhận rằng tình liên đới là một nguyên tắc thiết yếu điều phối sự công bằng đích thực trong xã hội. Chỉ nguyên tắc công bằng đơn thuần mà thôi thì chưa đủ. Thậm chí công bằng có thể phản bội chính mình, nghĩa là gây thêm bất công xã hội, trừ khi nó biết mở ra cho một sức mạnh sâu xa hơn, đó là đức ái – thực thi tình liên đới.[8] Vì thế, Giáo hội đặt giá trị của nguyên tắc công bằng song song với giá trị của nguyên tắc liên đới. Chỉ khi hai giá trị này được đồng thời thực thi thì khi ấy xã hội loài người mới có công bằng đích thực, không phải là công bằng “1-1” nhưng là công bằng “vừa trao ban vừa đón nhận”.

Thiết nghĩ, mỗi người phải nhận thức rằng tất cả chúng ta đều là những kẻ mắc nợ xã hội mà trong đó mỗi người là thành viên. Thánh Phaolô nói chúng ta có gì mà đã không nhận lãnh (x. 1 Cr 4,7). Chúng ta mắc nợ vì tất cả những điều kiện đã làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên đáng sống. Chúng ta mắc nợ những thế hệ đã qua cho đến thế hệ hiện tại và cả những thế hệ tương lai. Như thế, mọi thế hệ và mọi con người đều được mời gọi chia sẻ những tài nguyên vật chất và di sản văn hoá trong tinh thần liên đới. Đến trong cuộc đời, tất cả chúng ta đã nhận lãnh vô điều kiện thế nào thì cũng phải chia sẻ vô điều kiện như vậy (x. Mt 10,8). Đó mới thực là hành xử sự công bằng đúng nghĩa.

3. Xã hội công bằng cần có những “cơ cấu liên đới”


Theo IHT, ông Takaharu Fujiyabu, một cựu nhân viên lĩnh vực trợ cấp, tiết lộ thành phố Kitakyushu có 132 nhân viên làm việc trong cơ quan trợ cấp xã hội, mỗi người quản lý 73 trường hợp và bị buộc phải loại bỏ năm trường hợp mỗi năm. Ai hoàn thành “chỉ tiêu” sẽ được thăng chức[9]. Vậy đó, thành phố Kitakyushu đã lập kế hoạch hạn chế trợ cấp xã hội bao nhiêu có thể, xét vì không thể chi quá nhiều cho những người không có khả năng đóng thuế, và như vậy là công bằng đối với những công dân đóng thuế. Rõ ràng, chính quyền Kitakyushu đã không muốn nhìn nhận giá trị của nguyên tắc liên đới trong việc thực thi công bằng xã hội. Họ chỉ thừa nhận một quan niệm giản lược về công bằng, như một hợp đồng phục vụ lợi ích của những người đóng thuế.

Trên bình diện đạo đức xã hội, nguyên tắc liên đới được kể là một đức tính luân lý xã hội. Liên đới là một yêu cầu luân lý vốn tồn tại trong hết mọi mối quan hệ của con người. Liên đới cho thấy tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người. Vậy nên, liên đới là một đức tính nằm trong phạm vi của công bằng. Đức tính này ưu tiên nhắm tới công ích, muốn dấn thân phục vụ ích chung. Đức tính này được tìm thấy nơi những con người dấn thân lo cho ích lợi của người thân cận tới mức. Theo nghĩa của Tin Mừng, “sẵn sàng liều mất mạng sống mình” vì người khác thay vì khai thác người khác, và sẵn sàng “phục vụ người khác” thay vì áp bức người khác vì ích lợi riêng.[10]

Dựa trên xác tín này, Giáo hội Công giáo mong muốn các chính quyền dân sự, các tổ chức xã hội hãy biến cải để trở nên các “cơ cấu liên đới”. Một “cơ cấu liên đới” sẽ là một cơ cấu xã hội thực sự dấn thân phục vụ công thiện công ích. Nó sẽ cống hiến cho cộng đồng nhân loại sự công bằng đích thực. Trong xã hội ấy, mọi người và mỗi người, không trừ một ai, tất cả đều phải có nghĩa vụ đối với cộng đồng và có quyền được hưởng mọi thiện ích của cộng đồng.

4. Thực thi tình liên đới


Có thể nói, tình liên đới được kể là một trong những chất liệu cần thiết và quan trọng nhất để xây dựng một xã hội công bằng và phát triển bền vững. Trong Thông điệp “Deus Caritas Est”, Đức Bênêđictô XVI viết:
“Tình yêu sẽ luôn cần thiết, dù trong một xã hội công bằng nhất. Không hề có một tổ chức Quốc gia đúng đắn đến độ có thể xem công việc phục vụ của tình yêu là thừa thãi. Ai muốn loại trừ tình yêu thì cũng đang chuẩn bị loại trừ con người. Sẽ luôn có những đau khổ đang kêu cầu sự an ủi và giúp đỡ. Sẽ luôn có sự cô đơn. Sẽ luôn có những hoàn cảnh thiếu thốn vật chất nơi mà sự giúp đỡ dưới hình thức của tình yêu cụ thể đối với tha nhân là cần thiết. Quốc gia muốn cung cấp mọi sự, muốn thâu tóm mọi sự, cuối cùng sẽ trở nên một bộ máy quan liêu không thể bảo đảm điều cốt yếu mà những người đang đau khổ - mọi con người - cần đến: sự quan tâm của một cá nhân biết yêu thương. Chúng ta không cần một Chính quyền điều phối và kiểm soát mọi sự, nhưng một Chính quyền, tuân theo nguyên tắc phụ đới, hiểu biết và nâng đỡ cách quảng đại những sáng kiến nảy sinh từ các lực lượng xã hội khác nhau và phối hợp cách bộc phát và gần gũi với những ai đang thiếu thốn.”[11]
Hiện nay, tính chất toàn cầu hoá và các phương tiện truyền thông đã và đang điều phối và liên kết chặt chẽ mọi người, thuộc các dân tộc, các quốc gia với nhau về kinh tế, chính trị và văn hoá, v.v… Mọi người bị ràng buộc chặt chẽ với nhau, như cùng chung một định mệnh.[12] Nói cách khác, gia đình nhân loại hôm nay có một “cuộc sống chung”. Do đó, tình liên đới quả là điều thiết yếu để xây dựng một “cuộc sống chung”: sự phát triển và thịnh vượng chung của một dân tộc, một quốc gia và thế giới. “Cuộc sống chung” ấy mời gọi mọi người sống liên đới với nhau, nhất là trong những hoàn cảnh cấp thiết, không chỉ bằng những trợ giúp vật chất mà thậm chí còn bằng chính bản thân mình. Ngược lại, không có tình liên đới, thế giới của chúng ta sẽ xung đột và vỡ vụn, như thực tế hiện nay đang minh chứng. Bất chấp những tiến bộ lớn lao về khoa học và kỹ thuật, thế giới hôm nay hằng ngày phải đối diện với bao cảnh tang thương, đau khổ do thiên tai, chiến tranh, xung đột, bệnh tật, nghèo đói, cả vật chất lẫn tinh thần, v.v...

Vậy, thế giới chúng ta cần gì? Vâng, cần một tấm lòng, cần tình liên đới. Thế giới hiện đại vẫn luôn cần đến những bàn tay trợ giúp những người thân cận đang lâm cảnh thiếu thốn. Đức Bênêđictô XVI, trong Sứ điệp nhân ngày Hoà bình thế giới 2009, đã mời gọi: hỡi nhân loại hãy thay đổi lối sống, những kiểu mẫu sản xuất và tiêu thụ, những cơ cấu quyền bính đang điều hành các xã hội ngày nay, thay đổi để tình liên đới được thể hiện trong đời sống nhân loại. Cách riêng, ngài mời gọi các Kitô hữu, cũng như những người thiện chí, hãy mở rộng con tim đối với những nhu cầu của người nghèo và làm những gì cụ thể có thể giúp đỡ họ. Ngài khẳng định “bài trừ nghèo đói chính là xây dựng hòa bình”, xây dựng một xã hội công bằng và giàu nhân nghĩa.

Kết luận


Đức Bênêdictô XVI trong Thông điệp “Caritas in Veritate” nhận định: “Xã hội ngày càng toàn cầu hóa làm cho chúng ta trở thành những người láng giềng của nhau, nhưng không làm cho chúng ta trở thành anh chị em với nhau. Vì thế, cần phải động viên, để nền kinh tế tiến tới những thành quả thực sự là nhân bản” (19-20). Quả là trong một thế giới kỹ nghệ và kinh tế phát triển như hiện nay, có thể nói loài người không thiếu cơm ăn áo mặc, nhưng chỉ thiếu tình liên đới. Chúng ta – những Kitô hữu, được mời gọi: “Anh em là những tông đồ của công cuộc phát triển hữu ích và thật sự. Nghĩa là không phải thứ phát triển chỉ vì nhằm có của cải một cách ích kỷ và được yêu mến vì chính nó, nhưng là một thứ phát triển dựa trên một nền kinh tế nhằm phục vụ con người, phân phối đồng đều cơm bánh hằng ngày cho mọi người, như nguồn tình thương huynh đệ và dấu chỉ của Chúa Quan phòng”[13]. Như thánh Phaolô đã viết: “Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu” (2 Cr 8,14-15).

Sự đồng đều đúng nghĩa chỉ có khi người ta biết chia sẻ và giúp đỡ nhau trong tình huynh đệ. Chỉ có tình liên đới mới thực là nguồn mạch thâm sâu nhất của công bằng. Nếu công bằng tự nó có nhiệm vụ “làm trọng tài” giữa những con người để phân chia của cải cho ai nấy xứng với những gì họ đã làm, thì chỉ có tình liên đới mới có khả năng trả lại con người cho chính nó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kinh Thánh Tân Ước, bản dịch CGKPV, nxb Tôn Giáo, 2008.
  2. Thánh Công đồng chung Vaticanô II, bản dịch Việt ngữ của Giáo Hoàng Học viện thánh Piô X, Đà lạt-Việt Nam.
  3. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, nxb Tp Hồ Chí Minh, 2006.
  4. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo, bản dịch Việt ngữ: Hội đồng Giám mục Việt Nam-Ủy ban bác ái xã hội, nxb Tôn giáo.

CHÚ THÍCH__

[1] Nguồn:http://vietbao.vn/The-gioi/UN-The-gioi-ngay-cang-bat-binh-dang/55079867/159/
[2] Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo, số 192, bản dịch Việt ngữ: Hội đồng Giám mục Việt Nam-Ủy ban bác ái xã hội, nxb Tôn giáo, trang 150.
[3] Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=224213&ChannelID=396
[4] Ibid.
[5] ĐGH Piô XII, Thông điệp Summi Pontificatius, trích trong GLHTCG, số 1939.
[6] GLHTCG, số 1880.
[7] Xc. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo, số 194.
[8] Xc. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo, số 203.
[9] Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=224213&ChannelID=396
[10] Xc. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo, số 193.
[11] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp “Deus Caritas Est”, 28b, bản dịch Việt ngữ của Vietcathic.net.
[12] Xc. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo, số 373.
[13] Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Thông điệp “Populorum Progressio”, số 86.