Thời sự Thần học – Số 3, tháng 8/2009, tr. 38-45
_Thomas A. Hoàng Anh_
1. Có chăng một sự thật?
2. Làm thế nào để sống giá trị của sự thật
3. Chúa Giêsu là sự thật và là mẫu gương cho mỗi người chúng ta
Mặc dù sự thật ai ai cũng thích; ai ai cũng đi tìm. Tuy nhiên, trong xã hội không phải lúc nào sự thật cũng được bảo vệ, sự thật cũng được bênh vực... Có những sự thật bị đánh tráo một cách trắng trợn; có những sự thật người ta cố tình che lấp và cũng có những sự thật không bao giờ được nói tới, chỉ vì lợi ích của một số cá nhân. Ngày hôm nay đứng trước một xã hội tràn ngập sự bất công, chúng ta có thể thấy nhan nhản trên các mặt báo những bài viết về sự dối trá, từ học sinh gian lận trong thi cử, các doanh nghiệp làm ăn bất chính, con cái lừa dối cha mẹ…, đến người có quyền hành đàn áp những người thấp cổ bé họng.
Với thông điệp Caritas in Veritate của Đức Thánh Cha Bênêđictô gửi cho các thành phần dân Chúa trong Hội thánh, chúng ta hy vọng rằng một ngày nào đó thế giới của chúng ta sẽ thay đổi và trong đó sự thật sẽ được tôn trọng. Mọi người sẽ có cơ hội như nhau để phát triển con người toàn diện của mình. Điều này sẽ mau chóng trở thành hiện thực khi mỗi chúng ta, những người Kitô hữu, phải biết và sống theo những giá trị mà sự thật đòi hỏi. Trong bài viết này, người viết không mong muốn gì hơn ngoài việc mang đến một cái nhìn đúng nghĩa về sự thật, để giúp cho mỗi người chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn về sự thật theo gương của Chúa Giêsu.
1. Có chăng một sự thật?
Theo ngôn ngữ thông dụng, một tư tưởng, một lời nói được gọi là thật, khi chúng phù hợp với thực tại, hay nói cách khác, khi chính thực tại đó tự phơi bày ra rõ ràng, hiển nhiên đối với tâm trí (a-lêtthês=không che dấu). Đó là quan niệm duy trí năng của người Hy Lạp, thường cũng là quan niệm của chúng ta. Khái niệm chân lý trong Thánh Kinh khác hẳn, vì nó đặt nền tảng trên một kinh nghiệm tôn giáo, kinh nghiệm của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Tuy nhiên, nó cũng đã trải qua những giai đoạn tiến hoá đáng kể: chân lý trong Cựu Ước tiên vàn là sự trung thành với Giao Ước, còn trong Tân Ước, nó trở thành sự viên mãn của mạc khải quy tâm vào Đức Kitô.[1] Theo từ điển tiếng Việt, chân lý là sự phản ánh sự vật, hiện tượng của hiện thực vào nhận thức con người đúng như chúng tồn tại trong thực tế khách quan. Tìm ra chân lý. Bảo vệ chân lý.[2]
Sự thật cũng là: 1/ Cái có thật, cái có trong thực tế. Ước mơ đã thành sự thật. Nhìn thẳng vào sự thật. Bưng bít sự thật. 2/ Điều phản ánh đúng hiện thực khách quan; chân lý. Tìm ra sự thật. Sự thật về một vụ án. 3/ (dùng ở đầu câu). Tổ hợp biểu thị điều sắp nêu ra là một sự thật cần được nói rõ. Sự thật, tôi không có ý đó.[3]
Từ những định nghĩa trên đây, chắc chắn phải có sự thật tồn tại. Cuộc sống của chúng ta xuất phát từ những sự thật căn bản. Người ta thường thích những gì là thật và ghét những gì là dối trá, lừa lọc. Khi chúng ta mua sắm, chúng ta thường thích mua đồ thật; khi chúng ta nói chuyện, chúng ta thích nghe nói về sự thật; khi chúng ta đọc tin tức, thường chúng ta thích những tin đúng sự thật… Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải lúc nào cũng như chúng ta mong muốn, chắc hẳn rằng đã có lần bạn phải bực mình khi mua phải thứ hàng nhái, hàng giả nào đấy, hoặc phát điên lên khi mình bị những tin tức không thật đánh lừa mình. Sự thật lúc nào cũng hiện diện trong cuộc sống, nhưng không phải lúc nào những giá trị của sự thật cũng được thể hiện. Chúng ta thường bị những nhỏ nhen ích kỷ, những lợi lộc cá nhân làm mờ mắt và không dám sống cho sự thật, không dám lắng nghe tiếng nói lương tâm của mình.
Tự bản chất, con người yêu mến chân lý, yêu mến những gì là đúng đắn và chân thật. Bởi lẽ con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi điều tốt lành và chân thật. Trong thẳm sâu tâm hồn mỗi con người, lòng khát khao sự thật là điều chẳng bao giờ bị dập tắt. Người ta chỉ dám đặt tin tưởng vào những gì là trung thực đúng đắn. Sống đúng với phẩm giá đời mình là sống trong sự thật. Quanh co gian dối là dấu chỉ của sự tha hoá, của việc đánh mất chính mình. Nếu có mà không được phép nói có, không mà chẳng dám nói không… thì đâu là tự do, đâu là giá trị của con người.?...
Con người có xuất phát điểm từ Thiên Chúa, mà cuộc sống và những thứ chung quanh để phục vụ cho con người cũng cùng có chung một nguồn gốc. Vì có xuất phát điểm từ Thiên Chúa, nên bản chất của con người là sự thật. Thiên Chúa là sự thật, nên Người cũng dựng nên con người giống như mình, nghĩa là Thiên Chúa muốn con người phải sống trong sự thật. Tuy nhiên, ngay từ đầu con người đã không giữ được hình ảnh Thiên Chúa trong bản chất của mình, đã tự đánh mất mình. Khi tự đánh mất bản chất của mình con người đã để cho những dối trá, những lừa lọc… xâm chiếm cuộc đời mình. Từ đó sự thật như là một cái gì đó mà con người hằng mơ ước nhưng không thể lấy lại được. Hình ảnh một dòng sông cho chúng ta thấy rõ ràng, đầu nguồn bao giờ nước cũng trong, càng chảy dòng nước càng trở nên đục dần, bởi nó cuốn theo những rác rưởi khi nó chảy qua. Cũng vậy con người càng xa rời Thiên Chúa, con người càng khó tránh khỏi những sai lầm, và từ đó con người đã đánh mất sự tinh tuyền trong bản chất của mình. Giá trị của sự thật mà con người có giờ đây đã trở nên nhạt nhoà.
Con người ở mọi thời luôn khao khát được trở về với căn nguyên của mình, trở về với nơi mà mình đã xuất phát. Nghĩa là luôn đi tìm hình ảnh của mình. Tuy nhiên với những suy tính thiệt hơn, những ham muốn làm thoả mãn nhu cầu bản thân, chính những điều này làm cho họ không còn khả năng sống cho sự thật, không còn nhìn đến những người sống xung quanh mình nữa. Và hơn thế nữa, con đường sự thật là con đường lắm khó khăn và nguy hiểm. Trong thực tế cuộc sống, không phải lúc nào sự thật cũng được tôn trọng. Nhiều khi sự thật bị chà đạp. Có những lúc người ta không ngại chế tạo thông tin giả dối, sẵn sàng lèo lái sự thật để tìm cái lợi cho mình. Lắm khi, những người sống trung thực ngay chính theo sự thật bị coi là khờ khạo. Những người kiên tâm đòi công lý và sự thật phải trả giá bằng việc trù dập, bị ghét bỏ, bị cách chức, bị tẩy chay… Chìm ngợp giữa thế giới ồn ào và ngạo ngược của những điều giả dối, lời chứng của sự thật vang lên cô lẻ và như rơi vào cõi thinh lặng tuyệt vọng.
2. Làm thế nào để sống giá trị của sự thật
Mặc dù sống trong một bối cảnh xã hội rất nhiều phức tạp, “vàng thau lẫn lộn”, “thật giả đan xen”… con người vẫn khao khát và luôn muốn sống theo tiếng nói lương tâm. Tiếng nói lương tâm vẫn hằng thôi thúc người ta phải sống ngay thẳng, sống chân chính, sống với đúng con người là hình ảnh Thiên Chúa. Như vậy, để sống trong sự thật chúng ta phải hiểu biết sự thật, phải tôn trọng sự thật và làm cho giá trị sự thật hiện diện trong cuộc sống của mình. Làm được điều này là chúng ta đang sống đích thực với những gì mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.
Thánh Giacôbê đã đón nhận Giáo lý từ nơi Chúa và truyền lại cho chúng ta biết một thái độ sống thiết thực: “Có thì phải nói có, không thì phải nói không” (Gc 5,12). Chắc hẳn thái độ sống như vậy chính là nền tảng của luật tôn trọng sự thật. Thiên Chúa là Đấng chân thật vô cùng và thấu suốt mọi sự. Người không lừa dối ai và không để ai lừa dối mình. Đường lối Người ngay thẳng, trung kiên. Lịch sử cứu độ đã từng chứng minh Thiên Chúa luôn trung thành thi hành mọi lời Người đã hứa cho dù con người bao phen phản bội. Chúa Giêsu là lời sự thật (x. Ga 17,17) và ban Thánh Thần sự thật (x. Ga 14,16-17) để dạy cho chúng ta biết sự thật. Mỗi người chúng ta đều có quyền sống theo sự thật vì ai cũng phải đi trên con đường chân lý để tìm hạnh phúc. Đàng khác, sự thành thật làm tăng giá trị con người chúng ta. Con người tạo được uy tín là nhờ sự thành thật. Danh dự của mỗi người tuỳ thuộc vào mức độ thành thật của người đó. Đời sống xã hội đòi hỏi liên đới. Sự chân thật là mối dây ràng buộc tình liên đới đó: con người có nói thật và sống thật với nhau, người ta mới tin tưởng liên kết và dấn thân xây dựng. Ngược lại, những lừa dối, những gian manh… sẽ làm mất niềm tin, sinh ra nghi kỵ và sống xa nhau.[4]
Như vậy chúng ta sẽ phải làm gì để tôn trọng sự thật? Trước hết chúng ta phải sống trong sự thật. Kinh Thánh chứng tỏ: Thiên Chúa là nguồn mạch mọi chân lý và là Đấng chân thật (x. Rm 3,4), nên mọi người được mời gọi sống trong sự thật. Sự thật sẽ giải thoát ta (x. Ga 8,32) và thánh hoá ta (x. Ga 14,6). Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Người: “Hễ có thì phải nói có, hễ không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Chúng ta chỉ được hiệp thông với Chúa Kitô khi chúng ta sống theo sự thật (x. 1 Ga 1,6). Tiếp đến, chúng ta phải làm chứng cho sự thật. Khi đứng trước mặt Philatô, Đức Giêsu công bố Người đến thế gian để làm chứng cho sự thật (x. Ga 18,37). Mọi người phải biết làm chứng cho sự thật, nhất là trong những việc hệ trọng và trước mặt những người có thẩm quyền biết sự thật. Trong những tình huống phải chứng tỏ đức tin của mình, Kitô hữu phải tuyên xưng đức tin một cách thẳng thắn, không úp mở vì đó là sự thật. Các thánh tử đạo đã dám hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho chân lý mà mình đã lãnh nhận, làm chứng cho Đấng đã chết và sống lại. Sống trong một xã hội quá đề cao vật chất, để làm được điều này đòi hỏi mỗi chúng ta phải hy sinh rất nhiều. Một khi chúng ta không còn nghĩ tới bản thân mình, chúng ta mới dám lên tiếng để làm chứng cho sự thật. Cuối cùng, chúng ta phải biết tôn trọng danh dự mọi người. Danh dự là chứng từ của xã hội dành cho phẩm giá một người. Đời sống và sự nghiệp của một người làm nên uy tín của người đó khiến mọi người kính nể, tôn trọng. Những lời nói và hành vi làm giảm giá trị một người đều là sự xúc phạm đến danh dự người đó. Khi biết tôn trọng sự thật chúng ta sẽ biết sống thành thật, dám làm chứng cho sự thật và tôn trọng danh dự người khác.[5]
3. Chúa Giêsu là sự thật và là mẫu gương cho mỗi người chúng ta
Thiên Chúa luôn mong muốn hình ảnh của mình (con người) luôn sống trong sự tinh tuyền và trong sự thật. Tuy nhiên vì ham muốn, hình ảnh đó đã nghe theo lời của sự dối trá “lời cám dỗ của ma quỷ”, để rồi từ đó phải sống trong sự không còn là chính mình. Từ sự nguyên tuyền ban đầu, dối trá và gian xảo đã xâm nhập vào con người, làm cho con người luôn đảo điên. Ađam và Evà đã tìm mọi cách để biện minh cho hành động sai lầm của mình (x. St 3,8-14), Cain giết chết Abel vì lòng ghen tuông (x. St 4,1-8), Vua Hêrôđê giết chết Gioan tẩy giả vì không muốn nghe những lời sự thật (x. Mt 14,3-12)… Chúa Giêsu đã đến thế gian làm chứng cho sự thật và trả lại những gì mà con người đã đánh mất. Chúa Giêsu đã từng nói “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Quả thật nơi Chúa Giêsu chúng ta không thấy điều gì là giả dối. Cho dù có vì sự thật mà phải chết, Ngài cũng quyết nói lên sự thật. “Sự thật là gì?”, đây là lời chất vấn của quan tổng trấn Philatô sau lời tuyên bố của Đức Giêsu: “Tôi sinh ra và đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai xuất phát từ sự thật thì lắng nghe tiếng tôi” (Ga 18,37b-38). Sau đó Philatô phủi tay và trao kẻ mà ông biết là vô tội cho người ta đem đi giết. Ông không xuất phát từ sự thật nên không lắng nghe lời chứng của sự thật. Như vậy chúng ta thấy rằng, Chúa Giêsu đến để làm chứng cho sự thật, Ngài đã nói và trả lời những câu hỏi về sự thật rất đơn giản và gần gũi. Đối với Chúa Giêsu, sự thật là những điều có thật, sống theo sự thật là sống ngay thẳng: “Có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,37).
Đường của Chúa Giêsu là con đường sự thật. Chúa Giêsu đã bước đi trên con đường ấy với tất cả sự kiên nhẫn và quảng đại, mềm mại và kiên định, bền bỉ và cương quyết. Quan trọng hơn hết, nơi Chúa Giêsu mang một con tim yêu thương rộng mở vô bờ với những người đang bị lạc bước đi xa sự thật. Chúa Giêsu không ngừng mời gọi chúng ta hoán cải để được giải thoát khỏi vòng ràng buộc vô hình của gian dối và sự dữ. Vì tình yêu, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình vì họ không biết việc họ làm (x. Lc 23,34), đồng thời Người xin Chúa Cha ban Thánh Thần sự thật đến thánh hoá các môn đệ của mình để họ tiếp tục con đường làm chứng cho sự thật (x. Lc 24,47-49).
Bước đi trên con đường sự thật, Đức Giêsu đã trả bằng giá máu. Dám nói lên sự thật là một nhiệm vụ chưa bao giờ dễ dàng. Dám sống với sự thật trong cuộc đời mình là điều càng khó khăn hơn nữa… Vì thế Đức Giêsu đã hết lòng cầu xin cho các môn đệ của mình và cũng là xin cho mỗi người chúng ta: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga 17,17). Những người bước đi từng ngày trong sự thật, can đảm sống và làm chứng cho sự thật là những con người được thánh hiến để trở nên những chứng nhân của Thiên Chúa. Họ không ở yên trong những an toàn nguỵ tạo của bất công và gian dối. Họ không cam lòng nhìn sự thật bị chà đạp và sự gian dối hoành hành. Họ lên tiếng bảo vệ cho sự thật, và quyết tâm sống để xây dựng sự thật. Xây dựng cuộc sống trên sự thật là con đường đưa con người đến với Thiên Chúa.
Đức Giêsu là sự thật vì Ngài xuất phát từ Chúa Cha là nguồn chân lý, và Ngài dạy cho chúng ta biết Chúa Cha. Ngày hôm nay chúng đang sống trong một thế giới đầy sự dối trá. Dối trá trong chính trị, dối trá trong kinh doanh, dối trá trong công tác giáo dục, dối trá trong quan hệ cư xử với nhau. Dối trá dẫn đến lòng căm thù, ghen ghét nhau, đến nỗi có ai đó đã phải kêu lên: “Người đối xử với người còn hơn lang sói” (Homo homini lipus). Bởi vậy những nỗ lực đi tìm sự thật để xây dựng hoà bình cho nhân loại quả là đáng quý, đáng trân trọng. Một đặc điểm của thời đại chúng ta là: người ta thích nghe điều dối trá hơn là sự thật. Thật là nghịch lý, khi lòng trí người ta luôn muốn tìm sự thật thì lỗ tai lại chấp nhận nghe điều dối trá. Người ta chỉ có thể dối trá khi còn có kẻ thích nghe. Chúa Giêsu đến để thống nhất con người bị phân huỷ vì tội lỗi. Ngài ban cho chúng ta khả năng nhận ra sự thật. Lời Ngài là chân lý, là sự thật vì phát xuất từ Chúa Cha. “Các Lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy chính Người làm những việc của mình”. Vậy chúng ta thử hỏi xem mình có nghe và thực hành Lời Chúa để được sống dồi dào không? Chắc hẳn rằng chúng ta còn nhớ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chính ngài là một chứng nhân của sự thật. Ngài đã sống trọn vẹn cuộc đời yêu thương phục vụ theo gương Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của Đức Giêsu Kitô Mục Tử nhân lành, chăm lo cho đoàn chiên trong ràn và cả những con chiên ngoài ràn nữa. Ngài là người của Thiên Chúa chỉ biết rao giảng sự thật, cho dù sự thật đó có phũ phàng đến đâu chăng nữa, có làm mất lòng ai đó chăng nữa, ngài vẫn cứ lên tiếng.
Chúa Giêsu là sự thật phát xuất từ nguồn sự thật là Chúa Cha. Các lời rao giảng của Ngài là Chân Lý. Bởi vậy ai thi hành lời dạy của Ngài đều trở thành chứng nhân của Sự Thật và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Mỗi người chúng ta trong cuộc sống hãy để cho Chúa Giêsu là ánh sáng thật dẫn đưa chúng ta đến sự thật vẹn toàn.
Kết luận
Sống trong sự thật sẽ dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa là sự thật toàn vẹn. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta và sẽ làm cho chúng ta được sống trong tự do. Với những hiểu biết của mình, mỗi chúng ta hãy biết sống và tôn trọng sự thật, để cho thế giới của chúng ta mỗi ngày một tốt đẹp và tươi sáng hơn. Hãy biết bỏ qua những ích kỷ nhỏ nhen của bản thân mình, để xây dựng những điều có ích cho cộng đồng mình đang sống. Hơn thế nữa, là những Kitô hữu chúng ta phải biết sống đúng với tinh thần của Tin mừng. Khi chúng ta đưa Tin mừng vào trong cuộc sống của mình, Tin mừng sẽ đưa chúng ta đến sự tự do. Ma quỷ luôn muốn giam cầm con người trong vòng nô lệ. Bị ma quỷ trói buộc, con người mất hết ý chí, không còn làm được việc lành, không dám nói lên tiếng nói của sự thật, chỉ có thể làm theo mệnh lệnh ma quỷ, mà ma quỷ chính là cha đẻ của sự dối trá. Khi chúng ta sống theo sự thật, chúng ta sẽ được giải phóng khỏi những mặc cảm, những cám dỗ, những thói tục hủ lậu... Nhờ đó chúng ta có thể vươn lên sống xứng đáng với phẩm giá và có thể làm việc lành phục vụ Nước Chúa.
Người Kitô hữu muốn dấn thân rao giảng Tin mừng, mở rộng Nước Thiên Chúa không thể đi ra ngoài những chỉ dẫn của Thầy Giêsu, Đấng là sự thật. Chúng ta phải luôn biết noi gương Chúa Giêsu, để sống cho sự thật và sống trong sự thật, cho dù sự thật ấy có ảnh hưởng đến những lợi ích riêng tư của chúng ta. Chúng ta hãy cố gắng vượt qua những rào cản những quan niệm của thời đại, để cho giá trị sự thật luôn luôn được thể hiện và hiện diện trong cuộc sống.
Chú thích___
[1] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, 1971, mục từ ‘Chân lý’.[2] Từ Điển Tiêng Việt, Đà Nẵng, 1998, mục từ ‘Chân lý’.[3] Từ Điển Tiêng Việt, Đà Nẵng, 1998, mục từ ‘Sự thật’.[4] Hồng Ân Huấn Giáo “Giáo Lý Cấp III Sống Đạo”, Tôn Giáo, 2008, tr. 335-336.[5] Hồng Ân Huấn Giáo “Giáo Lý Cấp III Sống Đạo”, Tôn Giáo, 2008, tr. 336-337.