Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

NỀN TẢNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN VÀ BỀN VỮNG

“Caritas in Veritate” hay “Veritas in Caritate”

Thời sự Thần học – Số 3, tháng 8/2009, tr. 52-67

_FX. Trần Kim Ngọc, O.P._ 

1. Thực trạng của thế giới
2. Những nguy cơ của việc phát triển không tương xứng
3. Những nguyên tắc cho sự phát triển toàn diện và bền vững
4. “Caritas in Veritate”: nền tảng cho sự phát triển toàn diện và bền vững

Dẫn nhập


Thế giới đang ở trong cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng. Cuộc khủng hoảng này là một hồi chuông báo động cho con người biết thức tỉnh trước những việc làm bất cập và thái quá trong việc phát triển không đồng đều và không vững bền. Cái nào cũng có cái giá của nó. Nhưng cái giá để trả cho cuộc hiện sinh viên mãn của chính con người lại quá đắt. Người ta cứ tưởng là kinh tế có thể giải quyết mọi vấn đề. Người ta cứ nghĩ phát triển nhanh là giải quyết được các vấn đề liên quan đến cuộc sống con người như đói nghèo, bệnh tật, thất học và quê mùa.[1] Nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng có nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất có lẽ là chính con người.[2] Việc phát triển chỉ vì sự phát triển, coi con người như sản phẩm để phục vụ cho công cuộc phát triển thì đó chỉ là cách làm hại con người. Điều này có thể được chứng minh rõ ràng qua những hậu quả thiên tai, biến đổi khí hậu hay môi trường bị ô nhiễm trầm trọng trong những năm gần đây. Tương lai của nhân loại và hành tinh này sẽ như thế nào nếu ngay từ bây giờ con người không hành động khẩn trương và kịp thời?

Để có một sự phát triển toàn diện và bền vững không thể thực hiện một cách đơn điệu, mà phải có sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội.[3] Nhưng sẽ không có sự phát triển như thế, nếu thiếu những giá trị nền tảng như chân lý, công bằng, tự do và nhân ái cùng với những nguyên tắc hành động. Cũng sẽ không có sự phát triển như thế, nếu không có sự liên đới giữa cá nhân và tập thể, giữa xã hội và nhà cầm quyền, giữa con người với nhau… Cũng sẽ không bao giờ có sự phát triển như thế, nếu không tôn trọng vai trò của mỗi người trên các lãnh vực của cuộc sống, nếu không tôn trọng sáng kiến của mỗi cá nhân trong xã hội.[4]

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là một dịp để cho mọi người xem xét lại cách hành xử, cách suy nghĩ và cách thực hiện các chính sách vĩ mô cũng như vi mô trong cục diện địa phương, quốc gia hay quốc tế.[5] Tất cả phải được xem xét lại để góp phần tích cực vào công ích của cộng đồng nhân loại. Học thuyết Xã hội Công giáo là một nguồn tham chiếu cho những người hoạch định chính sách kinh tế, xã hội, văn hoá và ngay cả chính trị nữa, để từ đó có cái nhìn toàn diện hơn về hiện tình thế giới và hoàn cảnh của con người. Học thuyết Xã hội Công giáo cũng là động lực thúc đẩy các tín hữu dấn thân nhiều hơn nữa vào các lãnh vực trần thế để làm thay đổi những thực tại trần thế cho thấm nhuần tinh thần Kitô giáo như nhân ái, huynh đệ, công bằng, tự do, dân chủ và liên đới.[6]

1. Thực trạng của thế giới[7]


1.1. Đói nghèo


Đói nghèo vẫn đang còn là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Các chính phủ đang nỗ lực tìm kiếm sáng kiến và thực hiện để chống lại nạn đói nghèo trên thế giới.[8] Theo tổ chức nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO), nạn đói vẫn đang ở mức trầm trọng tại các quốc gia đang phát triển và kém phát triển như ở các nước Phi châu.[9] Gần một tỷ người đang bị cái đói cái nghèo đeo bám như hình với bóng. Nghèo đói làm cho tình trạng bất công ngày càng gia tăng. Tại những nước nghèo đói, nạn tham nhũng như một căn bệnh không có thuốc chữa. Làm sao để giải quyết vấn đề nghèo đói. Quả là không dễ!

1.2. Mù chữ[10]


Cái đói nghèo lại thường kéo theo nạn mù chữ. Đã nghèo thì làm gì có điều kiện mà ăn học; không được học hành thì làm sao có cơ hội thăng tiến! Cái đói nghèo cứ làm cho con người không thể ngóc đầu lên được; cái dốt lại làm cho cuộc sống vốn đã cơ cực lại càng thêm khốn khổ hơn. Tình trạng mù chữ vẫn còn là mối quan tâm của các quốc gia đang trên đường phát triển, nhất là tại các nước thứ ba.

1.3. Bệnh tật[11]


Bệnh tật là một cái nghiệp luôn đi theo con người. Trong thời toàn cầu hóa hôm nay, mọi thứ đều lan rộng ra toàn thế giới một cách nhanh chóng. Bệnh tật cũng nằm trong cái lệ đó. Thế giới đang phải đối diện với nhiều căn bệnh nguy hiểm, có sức truyền nhiễm ngoài tầm kiểm soát. Gần đây, thế giới đang phải điêu đứng đối phó với dịch cúm gia cầm H5N1; bây giờ lại phải chật vật tìm phương dược chống dịch cúm A/H1N1. Cho đến hôm nay, dù y khoa đã tiến bộ rất nhiều, nhưng nhiều căn bệnh vẫn còn vô phương chữa chạy như HIV/AIDS. Với việc sử dụng các hóa chất trong việc sản xuất nông lâm ngư nghiệp, con người đang ngày càng tiếp xúc với nhiều loại độc tố, có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe về lâu dài. Tại các nước nghèo, bệnh tật thường có khuynh hướng gia tăng do nạn ô nhiễm, vì cũng ở đó người dân không có điều kiện để bảo vệ sức khỏe và chăm sóc sức khỏe.

1.4. Bất công và bạo lực[12]


Đọc bản báo cáo dự án thiên niên kỷ về tương lai của thế giới, một bản báo cáo được nghiên cứu công phu trong mười ba năm trời do LHQ thực hiện, ta thấy một bức tranh ảm đảm được điểm những màu tối đen về tình trạng bất công, bạo lực và bất ổn trên thế giới.[13] Làm sao thế giới phát triển khi bất công và bạo lực cứ xảy ra thường xuyên và khắp nơi? Khát vọng hạnh phúc đòi hỏi con người dấn thân nhiều hơn nữa để đẩy xa những nhũng nhiễu và tàn sát lẫn nhau.

1.5. Vi phạm nhân quyền


Tình trạng buôn người đang có nguy cơ ngày càng tăng. Đây không phải là một vấn đề đơn giản, nhưng là một vấn đề nhức nhối đòi hỏi phải có sự phối hợp của cộng đồng quốc tế, nhất là các cơ quan an ninh thì mới mong có một giải pháp ngăn chặn kịp thời và hiệu quả. Tại các nước thực hiện chính sách dân số nghiêm ngặt thì nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em đang biến chuyển hết sức phức tạp. Tình trạng chênh lệch giới tính nghiêm trọng cùng với não trạng trọng nam khinh nữ nhiều nước, đặc biệt là tại Trung quốc và Ấn độ, làm nảy sinh nạn mua bán phụ nữ và trẻ em gái để phục vụ nhu cầu tâm sinh lý.[14] Chưa bao giờ người ta đề cao đến nhân quyền như ngày hôm nay, nhưng cũng chưa bao giờ người ta lại xúc phạm đến quyền của con người như ngày hôm nay. Những thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể là website của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, về tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em cho thấy dấu hiệu ngày càng gia tăng.[15]

Chưa bao giờ người ta đề cao đến phẩm giá con người như ngày hôm nay. Nhưng cũng chưa bao giờ con người lại bị hạ thấp xuống như một công cụ hoặc một sự vật hoặc một sản phẩm. Người ta đề cao phẩm giá, tìm mọi cách để bảo vệ phẩm giá, nhưng lại quá dễ dàng xúc phạm đến phẩm giá con người, nhất là những người vô tội, người thấp cổ bé miệng, người già lão... Những người cần được bảo vệ nhất thì lại dễ bị xúc phạm nhất. Người ta lấy hết lý do này nọ để phủ nhận quyền được sống của những thai nhi, những con người vô tội. Đó là một nghịch lý bi thảm của con người thời đại này. Tôi có quyền được sống, tại sao người khác, nhất là những người vô phương tự vệ lại không có quyền ấy? Người khác phải tôn trọng quyền được sống của tôi, tại sao tôi lại không tôn trọng quyền được sống của những thai nhi?...

2. Những nguy cơ của việc phát triển không tương xứng[16]


2.1. Ô nhiễm môi trường


Môi trường đang là vấn đề thời sự nóng bỏng trên khắp hoàn cầu. Những năm gần đây, con người chứng kiến nhiều thiên tai do tình trạng ô nhiễm môi trường gây nên. Môi trường là yếu tố sống còn của hành tinh này. Ý thức về sự trầm trọng của sự ô nhiễm môi trường, các nhà khoa học và các nhà môi trường đang cố gắng vận động mỗi người và mọi quốc gia ý thức và phải hành động ngay để cứu lấy môi trường.

Việc phát triển mà không để ý đến những vấn đề con người và vấn đề môi trường sẽ là một việc làm có sức phá huỷ ghê gớm. Phát triển bất chấp những quy luật tự nhiên sẽ gây ra bao nhiêu tác hại khó lường. Môi trường không còn là vấn đề của cá nhân, nhưng là của toàn cộng đồng nhân loại.

2.2. Biến đổi khí hậu[17]


Theo báo Independent của Anh (số ra ngày 12/07/2009), tình trạng biến đổi khí hậu đang đặt con người trước một chọn lựa quyết liệt hoặc là sống hoặc là chết. Nền văn minh thế giới sẽ bị xoá sạch nếu không có hành động ngay![18]

2.3. Đạo đức xuống cấp[19]


Chúng ta không thể phủ nhận những mặt tích cực của nền văn hoá hiện đại đang ngự trị khắp thế giới nhất là nơi những người trẻ. Thế nhưng, nó cũng làm cho con người đóng băng trước những giá trị cao đẹp. Đạo đức gia đình, đạo đức làm người đang xuống dốc trầm trọng. Con người có thể được coi như là một sản phẩm không hơn không kém. Ai còn có giá trị lợi dụng, hay còn có khả năng để sản xuất thì ấy là người đang còn có giá; những người mà không còn khả năng lao động nữa thì trở thành một thứ hàng hết hạn sử dụng, bị coi như đồ thừa.

2.4. Gia đình tan vỡ


Ảnh hưởng của nền văn hoá của thời toàn cầu hoá lên gia đình là rất lớn. Những giá trị đạo đức truyền thống đang dần dần bị xói mòn. Thay vào đó là những giá trị mới. Gia đình đang đứng trước một thách đố lớn, thách đố sống còn của xã hội cũng như của Giáo hội.[20] Không thể có một xã hội ổn định, nếu không có những gia đình ổn định. Thế nhưng, thực tế cho ta thấy nhiều gia đình đổ vỡ vì những lý do hết sức đơn giản. Tại sao người ta lại bỏ nhau dễ dàng đến vậy? Tại sao người ta đến với nhau với một tình yêu mãnh liệt nhưng bỏ nhau lại vì những lý do vụn vặt, để đến nỗi trở nên thù địch với nhau? Ngày nay, chúng ta thấy có biết bao nhiêu vụ ly hôn, ly thân, nhất là nơi các gia đình trẻ. Rồi đây, xã hội sẽ như thế nào khi các đôi vợ chồng cứ đụng một tí là đòi ly dị. Hậu quả của việc gia đình tan vỡ là con cái bơ vơ, thất học, bất ổn.

2.5. Văn hóa mất bản sắc[21]


Văn hoá hiện đại đang dần dần thay chỗ văn hoá truyền thống nhờ vào sự tiến bộ của các phương tiện truyền thông đại chúng. Thế giới đang trở thành như một ngôi làng toàn cầu, các phong tục tập quán có thể trở thành phổ biến trên khắp hoàn cầu. Bản sắc văn hoá nhất là của những dân tộc thiểu số có nguy cơ bị xoá sạch. Phát triển xã hội hay đất nước mà bản sắc văn hoá bị xói mòn, đó là một sự phát triển què quặt. Văn hoá phải được giữ gìn thì có cơ may các giá trị khác mới được tôn trọng. Văn hoá là cái ăn sâu vào xương tuỷ, tâm hồn của người ta mà còn bị thay đổi thì những cái khác hời hợt bên ngoài không thay đổi mới lạ. Cái bền vững còn bị thay đổi thì làm sao có được một sự phát triển bền vững.

2.6. Giáo dục trí tuệ[22]


Giáo dục là một yếu tố căn bản nhất trong sự tiến bộ của nhân loại. Giáo dục mà xuống dốc thì những thứ khác trong xã hội cũng bị đứt thắng. Thực tế đang xảy ra xung quanh chúng ta là tốc độ phát triển ồ ạt, tốc độ đô thị hoá xảy ra khắp nơi làm cho các nhà giáo dục không thể nắm bắt kịp thời để thích nghi vào mỗi bối cảnh cụ thể. Giáo dục phải có chiến lược lâu dài chứ không thể nhất thời được. Vì có lẽ người ta cứ dựa vào cái gọi là “chiến lược lâu dài” nên người ta không muốn đổi mới, cứ dậm chân tại chỗ. Giáo dục không nối kết được giữa tính nhân văn và cuộc sống đang thay đổi thì nền giáo dục đó đang lỏng lẻo, trì trệ.

3. Những nguyên tắc cho sự phát triển toàn diện và bền vững


Đức giáo hoàng Phaolô VI đã có một nhãn quan sống động về việc phát triển. Ngài đã dám mơ đến một thế giới phát triển bền vững và toàn diện khi toàn thể nhân loại vừa mới trải qua một thời kỳ đen tối với những đổ nát của chiến tranh. Đó là một trực cảm tiên tri cho thời đại hậu chiến tranh thế giới, thuộc địa, phân cực…[23] Cho đến hôm nay, trực cảm tiên tri đó vẫn còn giá trị thời sự. Hẳn đó còn là một lời mời gọi và cũng là một lời cảnh báo cho con người hôm nay, khi thế giới đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá, nhân bản và tôn giáo.[24] Nhân loại chỉ đạt đến sự phát triển lâu dài và bền vững khi mọi người cùng liên đới với nhau trong các chương trình hành động với ý thức chung.[25] Nhưng để phát triển được như lời mời gọi của Đức giáo hoàng Phaolô VI cũng như các vị kế nhiệm ngài, thì Học thuyết Xã hội Công giáo của Giáo hội đã đưa ra một số nguyên tắc để thúc đẩy công việc phát triển trong chương trình của Thiên Chúa. Trong bài này, chúng ta chỉ đề cập tới một số nguyên tắc được coi là quan trọng.

3.1. Nguyên tắc bổ trợ


“Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc thù nhất của Học thuyết Xã hội Công giáo, và đã có mặt trong học thuyết ấy ngay từ văn kiện xã hội quan trọng đầu tiên. Không thể phát huy phẩm giá con người mà không quan tâm tới gia đình, các tập thể, các hiệp hội, các thực thể địa phương; nói khác đi, không quan tâm tới toàn bộ các biểu hiện kinh tế, xã hội, văn hoá, thể thao, giải trí, nghề nghiệp và chính trị mà dân chúng đã tự động tạo ra vì chúng giúp họ thực hiện việc tăng trưởng xã hội một cách hiệu quả. Đây chính là thực tế của xã hội dân sự, có thể hiểu là tổng số các mối quan hệ giữa cá nhân với các tập thể xã hội làm trung gian, cũng là những mối quan hệ đầu tiên, nảy sinh do ‘tính chủ thể sáng tạo của người công dân’. Nhờ mạng lưới của các quan hệ ấy, cơ cấu xã hội mới vững mạnh và cộng đồng các ngôi vị mới có nền tảng từ đó chúng ta có thể nhận ra những hình thức cao hơn của hoạt động xã hội.”[26]

Mỗi người đóng một vai trò trong cả vở kịch của toàn bộ sự phát triển xã hội và con người. Không thể chấp nhận vai trò của người này mà phủ nhận vai trò của người kia. Do đó, những cơ cấu có thẩm quyền cao cần hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điền kiện để mỗi người làm tốt vai trò của mình trong vở kịch đó:
“Dựa trên nguyên tắc này, mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái độ trân trọng giúp đỡ - tức là hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển – các xã hội thuộc trật tự thấp hơn. Có như thế, các thực thể xã hội trung gian mới có thể chu toàn các vai trò của mình mà không cần phải giao chúng cho các đơn vị khác thuộc đẳng cấp cao hơn, để rồi cuối cùng bị tiêu tán và bị thay thế, để phải chứng kiến cảnh tượng phẩm giá và vị trí căn bản của mình cũng bị phủ nhận.”[27]
Trong thực tế, nguyên tắc này không được áp dụng rộng rãi. Do đó, quan hệ giữa trên-dưới, tập thể-cá nhân cứ chồng chéo, tình trạng này làm cho xã hội chậm tiến. Chúng ta có thể nói một cách là lấn sân, lấn tuyến. Khi một diễn viên đóng sai vai của mình, vở kịch sẽ bị hỏng. Cầu thủ bóng đá mà đá lộn sang sân bóng chuyền thì vai trò của mình không thể hiện được đúng chức năng và cũng làm hỏng cuộc chơi của các cầu thủ bóng chuyền:
“Nguyên tắc bổ trợ chống lại mọi hình thức trung ương tập quyền, quan liêu giấy tờ và cứu trợ an sinh, cũng như sự hiện diện vô lý và thái quá của Nhà Nước trong guồng máy công cộng. Khi can thiệp một cách thẳng thắn và lấy đi khỏi xã hội trách nhiệm phải thi hành, cơ quan cứu trợ xã hội của Nhà Nước sẽ làm phí tổn nhiều năng lực và gia tăng quá mức các tổ chức công cộng. Là những tổ chức hay suy nghĩ theo thói quan liêu giấy tờ hơn là thực sự quan tâm tới việc phục vụ đối tượng của chúng, và từ đó kéo theo việc gia tăng chi tiêu thật đáng kể. Không nhìn nhận hay nhìn nhận không đầy đủ sáng kiến cá nhân – kể cả trong lĩnh vực kinh tế - và không nhìn nhận chức năng công cộng của sáng kiến cá nhân sẽ dần dần phá hoại nguyên tắc bổ trợ, như các tổ chức độc quyền đã làm.”[28]

3.2. Xã hội dân sự


Khi tôn trọng các nguyên tắc bổ trợ, thì mọi thành phần trong xã hội đều có thể đóng góp phần mình vào tiến trình phát triển của xã hội. Xã hội không thể tiến được nếu không có sự tham gia tích cực của các thành phần trong xã hội. Một hệ luận quan trọng của nguyên tắc bổ trợ là phải có sự tham gia của xã hội dân sự. Người công dân có thể tham gia để “góp phần vào đời sống văn hoá, kinh tế, chính trị và xã hội của cộng đồng dân sự mà mình là thành viên. Tham gia là một nghĩa vụ mà mọi người phải chu toàn một cách ý thức, với tinh thần trách nhiệm và nhắm tới công ích.”[29]
Tham gia vào đời sống cộng đồng không chỉ là một trong những ước nguyện lớn lao nhất của người công dân, đã được mời gọi thi hành vai trò công dân của mình cùng với người khác và vì người khác một cách tự nguyện và có trách nhiệm, mà đó còn là một trong những cột trụ nâng đỡ mọi trật tự dân chủ và là một trong những bảo đảm quan trọng cho hệ thống dân chủ luôn được bền vững.”[30]
Một xã hội thực sự có dân chủ thì mới có thể hoạch định chính sách dài hạn và đồng bộ, nhờ thế mới mong có sự phát triển bền vững. Nếu một xã hội thực sự có sự đóng góp của tất cả mọi thành phần thì xã hội đó mới mong có sự phát triển toàn diện được.[31]

3.3. Tình liên đới


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết “sống trên đời sống cần có một tấm lòng”. Quả thật, ngày hôm nay, khi chủ nghĩa cá nhân đang lên ngôi thì nguy cơ của việc loại trừ là rất lớn. Người ta sẽ dễ loại trừ những người đi ngược lại với mình, không cùng quan điểm hay sở thích với mình... Tình liên đới là một nguyên tắc nối kết con người, các nhóm người và các dân tộc lại với nhau: 
“Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn. Trước đây, chưa hề có một sự nhận thức phổ biến như thế về mối quan hệ lệ thuộc nhau giữa các cá nhân và các dân tộc, có thể tìm thấy ở mọi cấp độ.”[32]
Đứng trước hiện tượng toàn cầu hoá nhanh chóng, thế giới trở nên nhỏ bé, trở thành như một ngôi làng toàn cầu. Thế nhưng, thực tế lại cho ta thấy rằng trong thế giới này, người bên cạnh thì mình lại không biết, người ở chung xóm thì mình lại không hay, người đối mặt hàng ngày thì mình lại thấy như xa lạ. Ngôi làng toàn cầu này cần phải có một mối dây để liên kết lại nhằm tránh những khác biệt, chênh lệch... 
“Việc gia tăng các quan hệ lệ thuộc nhau giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được kèm theo những nỗ lực khẩn trương không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hại là đưa bất công lên tới cấp toàn cầu. Điều này sẽ gây những âm hưởng rất tiêu cực cả tại các nước đang có lợi thế hơn.”[33]
“Không ai thực sự là một hòn đảo”, không một tổ chức xã hội nào, không một quốc gia nào có thể phát triển được, nếu không có trợ giúp từ người khác. Trong thế giới đang ở thời kỳ khủng hoảng này, nhiều người bị sa thải, bị mất việc, bất ổn... thì nguyên tắc liên đới như một lời mời gọi mọi người, mọi dân tộc hành động vì ích chung. “Thông điệp của Học thuyết Xã hội Công giáo về sự liên đới đã cho thấy rõ có một mối tương quan mật thiết giữa liên đới và công ích, giữa liên đới với mục tiêu phổ quát giữa các dân tộc, giữa liên đới và hoà bình trên thế giới.”[34]
“Nguyên tắc liên đới đòi hỏi con người hôm nay phải ngày càng nhận thức rõ hơn rằng họ chính là người mắc nợ xã hội mà trong đó họ là thành viên. Họ là những người mắc nợ vì tất cả những điều kiện đã làm cho cuộc sống của họ trở nên đáng sống. Và vì những di sản không thể phân chia được nhưng rất cần thiết do văn hoá, do sự hiểu biết khoa học và kỹ thuật, do của cải vật chất và phi vật chất cũng như do tất cả những gì mà điều kiện con người mang lại.”[35]

4. “Caritas in Veritate”: nền tảng cho sự phát triển toàn diện và bền vững


Đường yêu thương trong sự thật là một con đường giúp nhân loại tìm về chính nguồn hạnh phúc. Không có con đường nào đảm bảo cho bằng con đường yêu thương. Yêu thương và chân lý không thể tách rời nhau. Hai cái này luôn kết hợp với nhau như hình với bóng: Yêu thương trong chân lý và chân lý trong yêu thương. Chỉ khi nào con người đi trên con đường này thì khi ấy nhân loại mới thực sự có một sự phát triển bền vững và toàn diện. Con đường ấy được xây dựng trên phẩm giá cao trọng của con người, mà như chúng ta đều biết, phẩm giá đó được bắt nguồn từ chính Thiên Chúa.
“Mọi giá trị xã hội đều nằm sẵn trong phẩm giá con người, và chúng tạo điều kiện cho con người được phát triển thực sự. Các giá trị chủ yếu ấy là sự thật, tự do, công bằng và yêu thương. Đem các giá trị ấy ra thực hành chính là phương cách chắc chắn và cần thiết để cá nhân được hoàn thiện và cuộc sống xã hội được nhân bản hơn. Các giá trị ấy chính là điểm tham chiếu không thể thiếu cho chính quyền vì họ là những người được mời gọi hãy tiến hành cải cách có thực chất các cơ cấu kinh tế, chính trị, văn hoá và công nghệ, đồng thời tạo ra những thay đổi cần thiết trong các định chế.”[36]

4.1. Sự thật


Không có sự thật thì không thể có tự do, không có tự do thì không có dân chủ, không có dân chủ thì không thể nói đến liên đới hay cộng tác. Sự thật sẽ giúp con người được tự do. Sự thật này không phải là sự thật chủ quan của ai đó, nhưng là sự thật khách quan. Con người được phú bẩm cho một khả năng khao khát và tìm kiếm sự thật. 
“Mọi người có nghĩa vụ đặc biệt là phải luôn hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm. Sống trong sự thật là điều đặc biệt quan trọng trong các quan hệ xã hội. Thật vậy, khi việc sống chung của con người trong cộng đồng được xây dựng trên sự thật, đời sống chung ấy sẽ được trật tự và có kết quả, xứng với phẩm giá của những con người. Càng nhiều người và nhiều tập thể xã hội cố gắng giải quyết các vấn đề xã hội theo đúng sự thật, họ càng tránh được những lạm dụng và càng dễ hành động phù hợp với các đòi hỏi khách quan của luân lý.”[37]

4.2. Tự do và dân chủ


Không có tự do và dân chủ thực sự thì khó có thể nói đến phát triển. Phát triển xã hội loài người thì phải có sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội. Các quyền tự do và dân chủ được bảo đảm, thì con người dù khác biệt về tôn giáo, văn hoá hay trình độ cũng có thể liên đới cộng tác với nhau để mưu cầu cho công ích. 
“Tự do là dấu chỉ cao đẹp nhất nơi con người cho thấy con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Và do đó, cũng là dấu chỉ cho biết phẩm giá tuyệt vời của mỗi người. Tự do diễn ra trong các quan hệ giữa người với người.”[38] 
“Tự do sung mãn chính là có khả năng làm chủ bản thân bằng cách nhìn đến ích lợi thật sự, trong khuôn khổ công ích phổ quát.”[39]

4.3. Công lý


Phát triển trong sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người không thể thiếu công bằng. Công bằng là một thước đo cho sự bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi của con người. Trong một xã hội mà không có sự tôn trọng công lý, chắc chắn sẽ không tránh khỏi hỗn loạn, bất công. Xã hội hiện nay đang sống trong tình trạng bất công, tham nhũng diễn ra ở khắp nơi. Do đó, “công lý trở nên quan trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi giá trị riêng của con người, phẩm giá và quyền lợi của con người – dù đã được khẳng định nhiều – vẫn đang bị đe dọa trầm trọng bởi khuynh hướng phổ biến muốn áp dụng tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá, đó là có lợi và có quyền làm chủ hay không.”[40]

4.4. Yêu thương


Yêu thương là một giá trị không thể không có trong tiến trình phát triển xã hội loài người. Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh của mỗi con người và của mỗi dân tộc, tình yêu thương đó được thể hiện như thế nào trong xã hội. 
“Các giá trị xã hội và tình yêu có một mối liên kết rất sâu xa mà chúng ta cần phải nhận thức càng ngày càng đầy đủ hơn. Tình yêu thường bị giới hạn vào những quan hệ gần gũi thân xác hay bị thu hẹp vào những khía cạnh hoàn toàn chủ quan trong hành động vì người khác. Ngày nay chúng ta cần phải nhìn lại tình yêu trong sự thật của nó, coi đó như tiêu chuẩn cao nhất và phổ quát của toàn bộ nền đạo đức xã hội. Trong mọi con đường sống của nhân loại, kể cả những con đường đã được tìm kiếm và đón nhận để đáp ứng những vấn đề xã hội hiện hành. Bằng những hình thức càng ngày càng mới mẻ, có một con đường trổi vượt hẳn (xc. 1 Cr 12,31), đó chính là con đường mang đậm nét yêu thương.”[41]
“Chính từ nguồn cội yêu thương sâu xa ấy mà các giá trị như sự thật, tự do và công lý đã khai sinh và phát triển. Đời sống con người trong xã hội có trật tự, sinh nhiều kết quả tốt và đáp ứng đúng phẩm giá con người khi đời sống ấy được xây dựng dựa trên sự thật. Khi người ta sống cuộc sống ấy trong công lý, tức là biết tôn trọng các quyền hạn của con người cách cụ thể và trung thành thi hành các nghĩa vụ tương ứng. Khi cuộc sống ấy được sinh động bởi lòng vị tha, khiến người ta coi các nhu cầu và đòi hỏi của người khác là của mình và khiến người ta tăng cường việc chia sẻ các giá trị thiêng liêng và quan tâm tới các nhu cầu vật chất. Khi cuộc sống ấy được kiến tạo trong sự tự do thích hợp với phẩm giá con người, những người biết hành động theo bản tính lý trí của mình, để dám nhận trách nhiệm về các hành vi của mình. Các giá trị trên đây tạo thành các cột trụ mang lại sức mạnh và sức bền cho toà nhà sự sống và các nghĩa cử phục vụ sự sống: chúng chính là những giá trị xác định phẩm chất của mọi hành động xã hội và mọi định chế xã hội.”[42]
“Bác ái chính trị và xã hội không chỉ diễn ra trong các mối quan hệ giữa các cá nhân, mà còn trải rộng vào trong mạng lưới do các quan hệ ấy làm nên, tức là cộng đồng chính trị và xã hội. Bác ái ấy can thiệp vào trong khuôn khổ đó bằng cách đi tìm điều lợi ích lớn nhất cho cộng đồng nói chung.”[43]
“Caritas in veritate là nguyên tắc mà toàn bộ Học thuyết Xã hội của Giáo hội đều xoay xung quanh đó.” Đặc biệt, tôi muốn xem xét hai nguyên tắc có sự tương xứng với khả năng cam kết dấn thân cho sự phát triển trong một xã hội ngày càng toàn cầu hoá: công lý và lợi ích chung.

Trước tiên, phải đề cập tới công lý. 
“Ở đâu có xã hội thì ở đó có luật pháp” (Ubi societas, ibi ius). Tất cả mọi xã hội đều đứng vững trên hệ thống công lý riêng của mình. Đức ái vượt lên trên công lý, bởi vì yêu thương là cho đi, ban tặng cái gì là “của mình” cho người khác. Nhưng tình thương không bao giờ thiếu công lý, công lý thúc đẩy chúng ta cho người khác cái gì là “của họ”. Cái gì thuộc về họ vì lý do hiện hữu hoặc hiện sinh của họ. Tôi không thể “cho” cái gì là của tôi cho người khác. Nếu trước tiên tôi không cho họ cái gì thuộc về họ theo lẽ công bằng. Nếu chúng ta yêu thương người khác với lòng bác ái, thì điều đầu tiên nhất chúng ta phải là người công chính đối với họ trước đã. Đức công bằng không hề xa lạ với đức yêu thương. Nó không phải là con đường đan xen hoặc song song với đức ái: Công bằng không thể tách ra khỏi đức ái, nó nằm trong đức ái. Công bằng là con đường đầu tiên của đức ái hoặc, theo Đức giáo hoàng Phaolô VI thì đó là “thước đo tối thiểu” của đức ái, một phần toàn vẹn của tình yêu thương “trong chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3,18) đối với điều thánh Gioan khuyên dạy chúng ta. Một mặt, đức ái đòi hỏi phải có đức công bằng: thừa nhận và tôn trọng đối với những quyền lợi hợp pháp của các cá nhân và con người. Cố gắng xây dựng thành trì trên địa cầu này theo pháp luật và lẽ công bằng. Mặt khác, đức ái vượt lên trên đức công bằng và kiện toàn đức công bằng trong luận lý cho và nhận. Thành trì trên trái đất này không chỉ được cổ võ bởi những tương quan của quyền lợi và nghĩa vụ, mà còn cho một phạm vi rộng lớn hơn và nền tảng hơn bởi những quan hệ của ơn nhưng không, lòng thương xót và hiệp thông. Đức ái cũng luôn thể hiện tình yêu thương của Thiên Chúa trong các mối tương quan của con người. Nó mang lại giá trị thần học và cứu độ cho mọi nỗ lực dấn thân vì công lý trên toàn cõi địa cầu.”[44]
“Yêu thương trong sự thật – caritas in veritate – là một thách đố lớn cho Giáo hội trong một thế giới đang ngày càng toàn cầu hoá lan rộng khắp nơi. Nguy cơ cho thời đại chúng ta là: sự độc lập de facto của các dân tộc và các quốc gia không được hợp pháp hoá bởi sự tương tác đạo đức của lương tâm và trí năng là hai điều mang lại sự hồi sinh cho sự phát triển thực sự cho con người. Chỉ trong đức ái, được soi sáng trong ánh sáng của lý trí và đức tin mới có thể theo đuổi những mục tiêu phát triển mang giá trị nhân bản hơn và nhân đạo hơn. Việc chia sẻ của cải vật chất và các nguồn tài nguyên, mà từ đó sự phát triển chính thức bắt nguồn, không được đảm bảo bởi chỉ những tiến bộ thuần tuý mang tính kỹ thuật và các tương quan vì lợi lộc, nhưng bởi tiềm năng của lòng yêu thương vượt qua tội ác với để đạt được điều thiện hảo (xc. Rm 12,21), mở ra con đường hướng tới sự bổ túc giữa lương tâm và tự do.”[45]

Kết luận


Thế giới hôm nay đang thiếu những nguyên tắc và giá trị nền tảng. Chính vì thiếu những nguyên tắc và giá trị ấy, nên con người phải lao đao trước những sáng kiến hay chương trình phát triển của chính mình. Yêu thương trong chân lý và chân lý trong yêu thương là một giá trị bao gồm tất cả mọi giá trị. Từ đó nhân phẩm mới được đảm bảo, các vấn đề khác liên quan tới con người mới được giải quyết.
“Trung thành với con người đòi hỏi phải có sự trung thành với chân lý. Chỉ có chân lý là sự bảo đảm của sự tự do (xc. Ga 8,32) và là sự bảo đảm của tính khả thi cho việc phát triển toàn vẹn. Vì lý do này, Giáo hội tìm kiếm chân lý, công bố chân lý một cách không mệt mỏi và đón nhận chân lý bất kỳ nơi đâu chân lý được thể hiện. Sứ vụ chân lý là điều Giáo hội không bao giờ có thể từ chối. Học thuyết Xã hội của Giáo hội là một chiều kích đặc thù của việc loan báo này: chính việc phục vụ chân lý sẽ giải thoát chúng ta.”[46]
Sứ vụ chân lý và sứ vụ yêu thương là con đường Giáo hội luôn luôn theo đuổi để tiếp tục loan báo mầu nhiệm Phục sinh. Phục sinh là tình trạng viên mãn của sự phát triển con người. Thế giới hôm nay cần thực hiện một cuộc phục sinh. Nghĩa là xem xét lại những bất cập và thái quá trong quá trình phát triển xã hội con người, hay nói cách khác là xem xét lại chương trình hoạch định chính sách phát triển từ cấp vi mô đến cấp vĩ mô theo những nguyên tắc và giá trị mà Học thuyết Xã hội của Giáo hội đã vạch ra. Những nguyên tắc và giá trị làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện và bền vững được trình bày rõ trong thông điệp “Caritas in Veritate” mà Đức giáo hoàng Benedictô XVI ban hành vào ngày 29/06/2009.

Chú thích__  

[1] Xc. Đức giáo hoàng Phaolô VI, Progressio Populorum.
[2] Xc. Đức giáo hoàng Phaolô VI, Progressio Populorum; xc. Đức giáo hoàng Benedictô XVI, Caritas in Veritate.
[3] Xc. Đức giáo hoàng Phaolô VI, Progressio Populorum.
[4] Xc. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Bác ái Xã hội trực thuộc HĐGMVN), 185-188.
[5] Xc. Đức giáo hoàng Benedictô XVI, Caritas in Veritate, n. 21.
[6] Xc. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, các số 182-208.
[7] Xc. Đức giáo hoàng Phaolô VI, Progressio Populorum.
[8] Xc. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sollicitudo Rei Socialis.
[9] Xc. H. Diệu, Nạn đói vẫn đang rất nghiêm trọng, cập nhật ngày 22/09/2009; http://vietnamnet.vn/kinhte/thegioi/2003/11/38453/.
[10] Xc. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia; Ecclesia in Africa; Ecclesia in America.
[11] Bệnh tật là một điều tất yếu trong cuộc hiện sinh của con người, đó là hậu quả của tội lỗi. Bệnh tật ngày càng gia tăng và ngày càng có nhiều bệnh hiểm nghèo và bệnh lạ. Hàng ngày trên các báo hầu như đều thấy các bài viết mời gọi giúp đỡ các bệnh nhân hiểm nghèo.
[12] Xc. Đức giáo hoàng Phaolô VI, Pacem in Terris. Nhiều thông tin về tình trạng bạo lực xảy ra trên thế giới, xin coi website của LHQ tại: http://www.un.org/en/peace/.
[13] Thu Hương, Báo cáo Dự án Thiên niên kỷ về Tương lai của Thế giới, truy cập ngày 25/08/2009; http://tintuc.xalo.vn/00-1026473224/bao_cao_du_an_thien_nien_ky_ve_tuong_lai_cua_the_gioi.html.
[14] Trên website của LHQ (http://www.un.org/en/development/), có nhiều thông tin về tình trạng nhân quyền, trong đó phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
[15] Xc. Các bài viết về cùng chủ đề trên Website của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: http://www.hoilhpn.org.vn.
[16] Xc. Dionigi Tettamanzi & Guy Durand, Nuova Bioteca Cristiana, Piemme 2000 (Dịch giả: Lm. Antôn Nguyễn Văn Tuyến, Tân đạo đức sinh học Kitô, Đại chủng viện Huế, 2003; xc. Đức giáo hoàng Benedictô XVI, Caritas in Veritate; xc. United Nations, Annual Report 2008, truy cập 31/09/2009; http://www.undp.org/cpr/ annualreports/2008/contents.htm.
[17] Xc. Video clip về Biến đổi khí hậu trên website của LHQ; http://undp.edgeboss.net/wmedia/undp/bcpr/final_max_on_gender.wmv.
[18] Xc. Tuổi Trẻ, Biến đổi khí hậu sẽ “khiến nền văn minh sụp đổ”, truy cập ngày 25/09/2009; http://tuyengiao.vn/Home/khoahoc/moitruong/2009/7/11095.aspx.
[19] Tình trạng đạo đức xuống cấp được thể hiện rõ trong tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống; những bất ổn trong xã hội một phần do sự coi thường các giá trị luân lý.
[20] Tương lai của nhân loại và Giáo hội phụ thuộc vào cách sống của giới trẻ hôm nay. Thế nhưng, giới trẻ đang rơi vào tình trạng mất phương hướng do lối giáo dục chạy theo thành tích và do tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng.
[21] Toàn cầu hoá cùng với các phương tiện truyền thông đại chúng đang phổ biến một nền văn hoá mới có ảnh hưởng trên diện rộng, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống; xc. Pontifical Council for Culture, Concluding Document of the Plenary Assembly 2004; http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/cultr/documents/rc_pc_cultr_doc_20040313_where-is-your-god_en.html.
[22] Có thể nhìn vào hiện tình của nền giáo dục tại Việt Nam, mỗi người có thể thấy được cái được và chưa được; các nhà giáo dục tại Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm một giải pháp lâu dài cho nền giáo dục nước nhà, hay nói cách khác là đang lên chiến lược giáo dục dài hạn.
[23] Xc. Đức giáo hoàng Phaolô VI, Progressio Populorum.
[24] Xc. Đức giáo hoàng Benedictô XVI, Caritas in Veritate.
[25] Xc. Đức giáo hoàng Benedictô XVI, Caritas in Veritate, n. 21.
[26] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 185.
[27] Sđd, 186; [28] Sđd, 187; [29] Sđd, 189; [30] Sđd, 190; [31] Xc. Sđd, 190; [32] Sđd, 192; [33] Sđd, 192; [34] Sđd, 194; [35] Sđd, 195; [36] Sđd, 197; [37] Sđd, 198; [38] Sđd, 199; [39] Sđd, 200; [40] Sđd, 200; [41] Sđd, 204; [42] Sđd, 205; [43] Sđd, 208
[44] Đức giáo hoàng Benedictô XVI, Caritas in Veritate, n. 6.
[45] Đức giáo hoàng Benedictô XVI, Caritas in Veritate, n. 9.
[46] Đức giáo hoàng Benedictô XVI, Caritas in Veritate, n. 9.