Thời sự Thần học – Số 3, tháng 8/2009, tr. 17-16
_F.X. Trần Kim Ngọc, O.P._
Bài này được viết dựa trên Tài liệu đúc kết của Hội nghị Khoáng đại của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá họp năm 2004, nguồn: https://www.vatican.va/ Document final de l’Assemblée Plénière
Dẫn nhập
Đức tin Kitô giáo đang đối diện với thách đố vô tín và dửng dưng tôn giáo. Điều này đã được Công Đồng Vaticanô II tiên báo: “Có nhiều người đương thời với chúng ta không nhận ra hoặc công khai gạt bỏ sự liên kết mật thiết và sống động giữa con người với Thiên Chúa. Vì thế thuyết vô thần phải được kể là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong thời đại này và cần được nghiên cứu kỹ càng hơn.”[1]
Những mối ưu tư trong “thời đại chúng ta vừa bi thảm mà cũng vừa hấp dẫn”,[2] đó là thách đố của một nền văn hoá không có niềm tin tôn giáo và lãnh đạm với tôn giáo của thế giới Tây phương bị tục hoá. Hiện tượng tục hoá này đang lan rộng qua các thành phố của tất cả các lục địa.
Việc lưu truyền đức tin đang gặp nhiều khó khăn vì hiện tượng tục hoá, bài trừ Giáo hội. Để cải thiện tình hình này, trong những thập niên gần đây, Giáo hội mời gọi tất cả mọi thành phần suy tư và tìm cách để hội nhập vào nền văn hoá đương đại, hầu tìm ra một cách thế rao giảng sao cho phù hợp với tâm thức của con người thời đại hôm nay; công việc này được gọi là “tân phúc âm hoá”. Có những vùng trước đây hầu hết dân chúng đều theo Kitô giáo, nhưng nay họ không còn hành đạo nữa, thì Giáo hội mời gọi các thành phần tìm cách để tái rao giảng Tin mừng cho họ; công việc này gọi là “tái phúc âm hoá”.
Kể từ khi các chế độ vô thần sụp đổ ở Đông Âu, chủ nghĩa thế tục với hiện tượng toàn cầu hóa lan rộng như một khuôn mẫu văn hóa hậu Kitô giáo. “Từ khi hiện tượng tục hóa biến đổi thành chủ nghĩa thế tục[3], thì khuôn mẫu văn hóa đó kéo theo một cuộc khủng hoảng trầm trọng về phương diện văn hóa lẫn tâm linh, trong đó một trong những dấu chỉ của nó là sự đánh mất cảm thức tôn trọng nhân vị và sự lan tràn một loại chủ nghĩa hư vô mang tính nhân loại học hạ thấp con người và những bản năng và khuynh hướng của chính mình”.[4]
Khuynh hướng chống đối Giáo hội xuất hiện dưới nhiều hình thức và sự thù ghét của một số phương tiện truyền thông đại chúng đối với Giáo hội thường dẫn đến sự lan tràn chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa vô thần thực hành và chủ nghĩa dửng dưng.
Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cào bằng chân lý, dẫn đến quan niệm cho rằng tôn giáo nào cũng như tôn giáo nào; từ chỗ đó, người ta trở nên vô tín hoặc dửng dưng với tôn giáo.
1. Hiện tượng văn hóa
Trong các quốc gia có truyền thống Kitô giáo, nền văn hoá đương đại đang phổ biến làm cho hiện tượng vô tín và dửng dưng tôn giáo có bộ mặt thực tế hơn là lý thuyết. Hiện tượng này trở thành một hiện tượng văn hóa phổ biến trên khắp thế giới. Đây là một thách đố cho công cuộc rao giảng về ơn cứu độ duy nhất được Đức Giêsu thực hiện. Hiện tượng này xảy ra cho thấy rằng việc rao giảng Tin mừng không đáp ứng đủ nhu cầu nội tâm của con người.
2. Những nguyên nhân cũ và mới của sự vô tín
Có người cho rằng vấn đề vô tín đưa đến thái độ thờ ơ hơn là thái độ ác cảm. Người khác lại khẳng định chắc chắn rằng đằng sau hiện tượng này là những phong trào có thực, những tổ chức và những tập hợp ý kiến được nghiên cứu đàng hoàng.
Công đồng Vaticanô II qua hiến chế Gaudium et Spes đã lưu ý đến những nguyên nhân làm cho các tín hữu lìa xa đức tin Kitô giáo. Giáo hội cũng nỗ lực tìm hiểu những nguyên nhân ẩn khuất nơi người vô thần là tại sao họ phủ nhận Thiên Chúa: Giáo hội “vẫn cố gắng tìm hiểu những nguyên nhân chối từ Thiên Chúa tiềm ẩn trong tâm trí những người vô thần và ý thức được tầm quan trọng của những vấn đề do vô thần khơi lên và vì yêu thương mọi người, nên Giáo hội thấy cần phải cứu xét những nguyên nhân ấy kỹ lưỡng và sâu xa hơn.”[5] Tại sao lại có nhiều người không tin vào Thiên Chúa? Tại sao họ lại lìa xa Giáo hội? Chúng ta có thể rút ra điều gì từ lý luận của họ? Chúng ta đề nghị gì để trả lời cho những lý luận đó? Các số 19-22 của hiến chế Gaudium et Spes cho ta thấy rõ những nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa vô thần hiện đại như sẽ được đề cập sau đây.
2.1. Chủ nghĩa khoa học
Với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, con người nghĩ rằng họ có thể làm được bất cứ điều gì, giải quyết hết tất cả mọi vấn đề, ngay cả việc làm ra những con người bằng các phương pháp khoa học. Do đó họ không cần phải cậy dựa vào một thế lực thiêng liêng nào để giải quyết mọi khúc mắc, đã có khoa học giải quyết cho rồi!
2.2. Con người như trung tâm của vũ trụ
Với sự xuất hiện của các luồng tư tưởng hiện đại như: chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa vô thần, con người được tôn lên địa vị thượng đẳng. Để con người sống, thì Thiên Chúa phải chết. Con người muốn sống thì phải giết chết Thiên Chúa. Con người được coi như trung tâm của vũ trụ, và chính con người quyết định lấy số phận của mình mà không cần sự can thiệp gì từ trên cao. Thái độ trịch thượng tôn mình lên, tự kiêu và tự mãn với những tài năng của mình, con người đã tự biến mình thành trung tâm của vũ trụ, thành một vị thần.
“… Mưu toan làm cho ngành nhân loại học không có Thiên Chúa và không có Đức Kitô thắng thế. Cách suy nghĩ như thế đưa đến việc coi con người như ‘trung tâm tuyệt đối của thực tại, một cách sai lầm biến con người thay thế vị trí của Thiên Chúa. Trong khi đó người ta quên rằng không phải con người làm nên Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa mới làm ra con người. Sự lãng quên Thiên Chúa dẫn đến sự vong thân của con người’. Và chính vì lý do đó, ‘trong bối cảnh này, không nên ngạc nhiên khi thấy rằng chủ nghĩa hư vô trong triết học, chủ nghĩa tương đối trong lý luận nhận thức và trong luân lý, chủ nghĩa thực dụng và ngay cả chủ nghĩa khoái lạc bất chấp đạo lý trong cách đề cập đến cuộc sống thường nhật đang phát triển rộng rãi khắp nơi’.”[6]
2.3. Vấn nạn sự dữ
Vấn nạn hiện sinh luôn ám ảnh tâm trí của con người, rằng tại sao con người phải đau khổ? Nếu Thiên Chúa là tình yêu, sao Ngài lại để cho bệnh tật hành hạ con người? Nếu Thiên Chúa là Đấng toàn năng, tại sao Ngài lại im lặng và hầu như là bất lực trước những bất công và sự dữ?... Vấn nạn gai góc nhất là vấn đề đau khổ và số phận hẩm hiu của người vô tội, chính đây là nguyên nhân làm cho nhiều người nghi ngờ hoặc phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Những đau khổ và sự dữ xảy ra quanh cuộc sống khiến con người luôn tự hỏi về vận mệnh của mình. Vấn đề sự dữ chỉ được sáng tỏ trong mầu nhiệm khổ nạn, và “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể.”[7]
2.4. Những giới hạn lịch sử
Tuyệt đại đa số những người vô tín và những người dửng dưng không còn là Kitô hữu nữa vì những động cơ ý thức hệ hoặc chính trị. Một số người trước đây là Kitô hữu, nhưng vì một yêu sách hoặc một mong muốn nào đó không được thoả mãn nên dẫn đến thái độ nghi ngờ, thiếu niềm tin rồi đến chống cự lại Giáo hội.
Có một số nguyên nhân khác nữa là người ta hiểu sai về đời sống của một số linh mục và tu sĩ không biểu hiện đồng nhất cái dáng vẻ bên ngoài và thái độ nội tâm, nói cách khác là họ dạy một đàng nhưng lại làm một nẻo. Cách sống của giới giáo sĩ và tu sĩ có ảnh hưởng đến thái độ dửng dưng và vô tín của dân chúng.
2.5. Những yếu tố mới
Một số yếu tố khác nữa làm gián đoạn quá trình lưu truyền đức tin như việc huấn giáo, trường học, gia đình.
- Gia đình
Gia đình không chú tâm vào việc truyền dạy đức tin cho con cái. Lý do của sự xao lãng này có thể là do nhịp độ công việc, việc cha mẹ phải xa gia đình thường xuyên, sự tục hoá và ảnh hưởng của truyền hình. Các giá trị hôn nhân và gia đình bị coi thường. Gia đình đóng vai trò quyết định trong sự trưởng thành đức tin của con cái, nhưng nhiều bậc cha mẹ lại không ý thức đủ trách nhiệm lưu truyền đức tin cho con cái mình.
- Trường học
Số trường học Công giáo phải đóng cửa do thiếu phương tiện hoặc nhân sự ngày càng trở nên phổ biến. Một số nơi khác thì Giáo hội chưa được hoặc khó khăn trong việc mở trường lớp. Vai trò của Giáo hội từ giáo dục tiểu học đến đại học dần dần giảm xuống. Thêm vào đó là do hiện tượng di dân, nên việc giáo dục đức tin cho các thế hệ trẻ gặp nhiều trở ngại, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được.
- Phong cách sống mới
Toàn cầu hoá phong cách sống trở nên một tình trạng phổ biến trong thời đại công nghệ thông tin thời nay. Truyền thống gia đình đang dần dần bị phá vỡ. Những bữa cơm gia đình ngày càng trở nên hiếm để các thành viên trong gia đình nói chuyện với nhau. Các chương trình giải trí chiếm mất nhiều thời gian, nên cha mẹ không có thời gian để trao đổi với con cái những vấn đề liên quan đến đức tin, thậm chí là không có thời gian để đọc kinh cầu nguyện với con cái. “Ngay cả nền văn minh hiện đại nhiều lúc có thể làm cho khó đến với Thiên Chúa hơn, không phải tự nó, nhưng vì nó quá bám víu vào những thực tại trần gian.”[8]
Chủ nghĩa duy vật Tây phương đang lôi kéo con người vào cuộc mưu sinh bằng mọi giá bất chấp đạo lý làm người. Con người muốn tồn tại phải sống vội, yêu lẹ, ăn cấp tốc, ngủ khẩn trương… những thái độ sống chỉ biết chạy theo những giá trị đồng tiền đang ngày càng phổ biến.
- Các phương tiện truyền thông xã hội [9]
Toàn cầu hoá của xã hội giàu có nói trên tạo điều kiện dễ dàng hơn cho sự dửng dưng, chủ nghĩa duy vật thực hành, chủ nghĩa tương đối về tôn giáo và luân lý có cơ hội phát triển. Những lý tưởng và cách sống do các phương tiện truyền thông, báo chí, điện ảnh… thường là những yếu tố tạo nên chủ nghĩa tiêu thụ tự bản chất đối nghịch với các giá trị Tin mừng. Nền văn hoá của thời toàn cầu hoá coi con người như những đối tượng để lượng giá dựa theo những tiêu chuẩn hoàn toàn mang tính vật chất, kinh tế và theo chủ nghĩa khoái lạc.
Các phương tiện truyền thông đại chúng, tự bản chất có hai mặt, có thể phục vụ cho lợi ích chung cũng như có thể gây ra điều trái nghịch. Rất nhiều người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để kiếm sống dựa trên sự thiếu hiểu biết của dân chúng, nhất là những người đang trong độ tuổi vị thành niên.
- Phong trào thời đại mới[10]
“Sự phát sinh các giáo phái cũng là một sự phản ứng đối với nền văn hoá theo chủ nghĩa thế tục và là hậu quả của những sự đảo lộn xã hội và văn hoá đã làm mất căn tính cội rễ tôn giáo truyền thống”.[11] Sự phản kháng và phê bình gay gắt của một số nhóm cấp tiến, của các giáo phái và của các phong trào tôn giáo mới thuộc các hệ phái Ngũ tuần đối với Giáo hội Công giáo góp phần làm suy giảm đời sống đức tin. Đó là một trong những thách đố quan trọng nhất đối với Giáo hội Công giáo, nhất là tại Mỹ châu Latinh.
3. Sự tục hoá của các tín hữu
Nếu sự tục hoá là quá trình hợp pháp hoá tính tự trị của các thực tại trần gian, thì chủ nghĩa thế tục là một “khái niệm về thế giới mà theo đó chủ nghĩa thế tục tự giải thích mà không cần trở về với Thiên Chúa; Thiên Chúa trở nên không cần thiết và vô dụng.”[12] Nhiều người tự cho mình là người công giáo hoặc thành viên của một tôn giáo khác nhưng lại dấn thân vào một hình thức sống thiếu vắng Thiên Chúa hoặc là không thực hành một nghi lễ mang tính tôn giáo nào hết.
4. Hiện tượng tôn giáo mới
Sự phổ biến của thái độ dửng dưng tôn giáo trong các nước đã bị tục hoá làm cho người ta phải tìm hiểu về sự vô tín đó. Tại những nước được coi là bị tục hoá nhất thì nay lại có dấu hiệu cho thấy người ta đang tìm trở về với cái thiêng. Đó có thể là một hình thức tôn giáo lãng mạn, một loại hình tôn giáo huyền bí, dễ dãi và về cái tôi. Những hình thức tôn giáo này mang tính tâm lý và tình cảm nhiều, không phản ảnh được cái bản tính hướng thượng sâu xa nơi con người được tạo dựng cho Chúa và luôn khao khát hướng về Ngài.
4.1. Một vị thần không có khuôn mặt
Tình cảm tôn giáo mới này được đồng hoá với một vị thần, thường là không mang một hình hài nào mà cũng chẳng mang đặc trưng ngôi vị. Khi truy cứu về Thiên Chúa, nhiều người tự cho mình là có tín ngưỡng hoặc không có tín ngưỡng đều trả lời rằng họ tin vào sự tồn tại của một thế lực nào đó hoặc của một hữu thể tối cao, siêu việt nhưng không mang những đặc tính của một ngôi vị.
4.2. Tôn giáo về “cái tôi”
Hiện tượng tôn giáo mới được xác định bởi sự kiện thay thế cái tôi và cái ta thành cái trung tâm. Nếu các ý thức hệ nhân bản vô thần trước đây là tôn giáo của tính nhân bản, thì hiện tượng tôn giáo hậu hiện đại lại là tôn giáo về cái tôi được đặt nền trên sự thành công của cá nhân. Tất cả mọi diễn biến trong tâm lý con người đều mang một nét suy tôn cái tôi, rằng tôi là chủ đời tôi, tôi là chủ mọi suy nghĩ và hành động của tôi, không ai ngoài tôi. Tất cả thành công tôi đạt được đều do nỗ lực của tôi.
4.3. Chân lý là cái gì?
Một nét khác nữa của hiện tượng tôn giáo mới là sự thiếu vắng niềm đam mê đối với chân lý. Trong các thông điệp, nhất là Veritatis Splendor và Fides et Ratio, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II nói đến thái độ thờ ơ của giới trí thức ngày nay đối với chân lý. Người ta hiểu chân lý rất mù mờ. Đối với Kitô giáo, chân lý không phải là một ý tưởng chỉ mang tính lý thuyết, một phán đoán có giá trị về mặt đạo đức hoặc một sự chứng minh mang tính khoa học. Nhưng đó phải là một thực tại, một ngôi vị, một con người với danh xưng là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và con của Đức Trinh nữ Maria. Đức Kitô tự hiện hữu như một chân lý (xc. Ga 14,6).
Ngày nay, nói về chân lý Tin mừng đòi hỏi phải tự lượng giá với sự kiện rằng Chân lý xuất hiện trong sự nghèo nàn của Đấng bất lực, của Đấng vì yêu thương đã chấp nhận chết trên thập giá. Với ý nghĩa này, chân lý và tình yêu không thể tách rời nhau được: “Trong thời đại chúng ta, chân lý thường bị đồng hoá với quan niệm của số đông. Ngoài ra có một niềm xác tín kiên vững cho rằng tình yêu và chân lý cần đến nhau, cái này cần cái kia và ngược lại. Nữ tu Thérèse Bénédicte là một chứng nhân về chân lý và tình yêu. ‘Vị thánh tử đạo vì yêu’, vị thánh đã hy sinh cuộc đời mình vì bạn bè; đồng thời thánh nữ tìm mọi cách làm chân lý… Nữ tu Thérèse Bénédicte Thánh giá đã nói với chúng ta: Các bạn đừng chấp nhận điều gì là chân lý mà không có tình yêu. Và các bạn cũng đừng chấp nhận điều gì là tình yêu mà thiếu chân lý! Có cái này mà không có cái kia sẽ trở thành một lời nói dối có tính chất phá huỷ.”[13]
4.4. Ngoài lịch sử
Tình cảm tôn giáo mới gắn bó rất chặt chẽ với nền văn hoá đương đại đã bị tục hoá, mang đặc tính lấy con người làm trung tâm và đề nghị một kiểu tâm linh chủ quan không được thiết lập trên bất cứ mặc khải liên hệ với lịch sử. Thứ tình cảm này tự phủ nhận chiều kích lịch sử của mặc khải và tính ngôi vị của Thiên Chúa. Sự phủ nhận này lan tràn đến quần chúng với tốc độ ngày càng rộng, có dấu hiệu phá huỷ tính khách quan lịch sử của mặc khải Kinh thánh, những nhân vật và sự kiện trong Kinh thánh.
4.5. Những hình thức mới tương phản nhau
Câu trả lời cho vấn nạn về sự xuất hiện một thứ tình cảm hay hiện tượng tôn giáo đa dạng mà không mang bộ mặt hay tên tuổi gì. Đó là những hình thức mới tương phản của toàn cảnh tôn giáo trong nền văn hoá đương thời:
* Những phong trào tôn giáo mới nảy sinh từ trong chính Giáo hội, với một cấu trúc hoàn toàn cụ thể và mang một ý nghĩa phụ thuộc và liên đới. Sự tồn tại và sức sống của những phong trào này liên quan đến việc tìm kiếm tâm linh mới làm chứng cho một hiện tượng hay tình cảm tôn giáo mạnh mẽ, không quy về cái tôi, vượt lên trên tất cả để cắm rễ sâu trong sự gặp gỡ mang tính ngôi vị và giáo hội với Đức Kitô, trong các bí tích đức tin, cầu nguyện và phụng vụ được cử hành và được sống như một thứ tôn giáo huyền bí.
* Những khuynh hướng chủ nghĩa cơ yếu (fondamentalismes)
Trong thời buổi đầy dẫy sự nghi ngờ, người ta làm nảy sinh nhu cầu an toàn vừa làm cho tôn giáo trở thành cái đã hết thời tức là làm cho tôn giáo thành cái của quá khứ, vừa làm cho tôn giáo trở thành cái không thể thích nghi với hoàn cảnh được tức là phải áp dụng triệt để những gì được ghi chép trong các sách thánh mà không cần giải thích gì.
* Nỗ lực chế tạo ra một thứ tôn giáo dân sự mới
Nỗ lực tạo nên một thứ tôn giáo mới mang tính dân sự đang ngày càng phổ biến trong nhiều nước Âu châu và ở Bắc Mỹ, nảy sinh từ nhu cầu tìm kiếm những biểu tượng chung và một nền đạo đức dựa trên sự đồng thuận mang tính dân chủ. Sự thức tỉnh các giá trị gắn liền với lòng ái quốc, sự tìm kiếm một sự đồng thuận đạo đức qua việc thiết lập các Ủy ban Quốc tế. Biểu tượng của các sự kiện thể thao trọng đại trong các sân vận động như Thế vận hội Olympique, Cúp bóng đá thế giới, hình như đang chứng minh cái nhu cầu tìm lại những giá trị siêu việt.
Kết luận
Giáo hội đang phải đối diện với thảm kịch tâm linh mà Công đồng Vaticanô II coi như là một trong những sự kiện trầm trọng nhất của thời đại chúng ta[14]. Giáo hội hôm nay đang phải đối diện với hiện tượng dửng dưng và vô thần thực hành cũng như chủ nghĩa vô thần trên thế giới. Sự dửng dưng và sự vô tín về phương diện thực hành đang lan rộng trong các môi trường văn hóa thấm nhuần chủ nghĩa thế tục. Tuy nhiên, thời đại này cũng được đánh dấu với một sự hồi phục thiêng liêng rất mạnh mẽ (le retour du sacre) hay sự thức tỉnh thiêng liêng (réveil spirituel). Nghiên cứu hiện tượng vô tín và dửng dưng tôn giáo là một việc làm cần thiết giúp người tín hữu khám phá ra nguyên nhân của nó để có cách giải quyết. Việc nghiên cứu này sẽ giúp Giáo hội biết nhận ra những yếu kém trong việc rao giảng sứ điệp của mình. Hiện tượng vô tín và dửng dưng đang phổ biến phần nào đó cũng là do cách rao giảng của Giáo hội không theo kịp hoặc không phù hợp với con người sống trong thời đại đầy biến đổi này.
Với những phân tích trên đây, hiện tượng vô tín và dửng dưng tôn giáo đưa đến thái độ cào bằng mọi thứ chân lý. Từ chỗ đó, người ta dễ rơi vào chủ nghĩa tương đối, muốn làm gì cũng được, muốn sống sao cũng được, biến cá nhân mình thành chủ thể của mọi quyết định, mình trở thành toà án xét xử chính mình chứ không ai khác. Công đồng Vaticanô II lưu ý các thành phần trong Giáo hội phải nhận ra những dấu chỉ của thời đại để phục vụ hữu hiệu hơn, để loan truyền Tin mừng sống động, để mở rộng Nước Chúa rộng lớn hơn.
Hiện tượng vô tín và dửng dưng là một thách đố lớn cho đức tin Kitô giáo, nhưng cũng là cơ hội để Giáo hội xem lại cách thức giới thiệu Đức Kitô cho những người chưa có niềm tin hoặc không chấp nhận tin theo Đức Kitô và cũng là dịp để các tín hữu kiểm điểm lại cách làm chứng của mình về Đức Kitô cho anh chị em đồng loại trên khắp hoàn cầu.
Chú thích__
[1] Công đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, 19.[2] Đức giáo hoàng Gioan Phaolô, Redemptoris Missio, 38.[3] Đức giáo hoàng Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 55.[4] Conseil Pontifical de la Culture, Pour une pastorale de la Culture, n. 23 (Le document du Conseil Pontifical de la Culture, Pour une pastorale de la Culture, a été publié en français par la Librairie Éditrice Vaticane, par La Documentation Catholique XCVI (1999) 606-627 et les Edtions Téqui, 1999. Il se trouve aussi, comme tous les textes du magistère cités par la suite, sur le site Internet du Vatican: http://www.vatican.va).[5] Công đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, 21.[6] Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Ecclesia in Europa, 9.[7] Công đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, 22.[8] Công đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, 19.[9] Cf. Pour une pastorale de la culture, n. 9.[10] Sur le “Nouvel Âge”, se référer au Document publié conjointement par le Conseil Pontifical de la Culture et le Conseil Pontifical pour le dialogue interreligieux, Jésus-Christ, le porteur d’eau vive, Cité du Vatican, 2003 ; Bayard/Fleurus-Mame/Cerf, Paris, 2003.[11] Pour une pastorale de la culture, n. 24.[12] Đức giáo hoàng Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 55.[13] Jean Paul II, Homélie pour la canonisation d’Edith Stein, in Doc. Cath. XCV (1998) 954-956.[14] Công đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, 19.