Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

ĐỂ SỰ THẬT TRỞ NÊN ĐẸP

Thời sự Thần học – Số 3, tháng 8/2009, tr. 27-37

_Giuse Trọng Viễn_ 

1. Chân lý Đức Tin Kitô giáo
2. Tầm quan trọng của những giá trị nhân sinh
2.1. "Cái đẹp cứu độ thế giới"
2.2. Một chút dự phóng
3. Những giá trị nhân bản của Kitô giáo
3.1 Niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất
3.2 Niềm tin một Thiên Chúa Ba Ngôi
3.3 Ơn Cứu Độ trong Đức Giêsu
3.4 Mầu nhiệm hiệp thông các thánh

1. Chân lý Đức Tin Kitô giáo


Truyền thống Kinh thánh vốn mang nét căn bản là tính lịch sử, nghĩa là một thái độ của niềm tin được thể hiện trong chiều kích lịch sử của cuộc đời. Do Thái - Kitô giáo là tôn giáo mặc khải, nghĩa là tôn giáo đón nhận giáo huấn từ trời cao, nhưng lại có nhiệm vụ thể hiện giáo huấn ấy trong cuộc sống đời thường. Vị thế đặc biệt ấy làm nên một thứ hoa trái riêng biệt là “lịch sử ơn cứu độ”. Ơn cứu độ ở đây không phải là một sự siêu thoát vào cõi thiêng liêng, nhưng được thể hiện trong dòng lịch sử của đời thường. Vị thế ấy cũng có một thứ thách đố riêng, thách đố dám chấp nhận ý Chúa trong phương cách giải quyết những vấn đề thuộc lãnh vực trần thế. Sách Thánh nói Dân Do Thái là một dân cứng lòng, như ở Mêriba và Maxa. Điều đó có lẽ không phải do tâm tính của một dân tộc vốn ngang ngạnh, nhưng đúng hơn là do họ đứng trước một sứ mệnh “không giống ai”. Sứ mệnh sống niềm tin, đón nhận những chỉ dẫn của niềm tin trái ngược với lối suy nghĩ khôn ngoan đời thường. Sống niềm tin là cả một cuộc phiêu lưu trên hành trình trần thế, cả về mặt chính trị và quân sự, chứ không phải chỉ là một thái độ đạo đức, thái độ thuần túy tôn giáo hoặc thiêng liêng.

Trong hoàn cảnh của Dân Israen, có lẽ có hai thách đố lớn; một đàng là Dân đã không dám tin vào lựa chọn của Chúa. Về phương diện này, tuy rằng đường lối của Chúa nhiều khi là một lựa chọn phiêu lưu, trái với suy tính khôn ngoan của đời thường, nhưng đường lối ấy đã được chứng nghiệm là những lựa chọn đúng đắn trong lịch sử. Chính vì thế, Dân được nhắc nhủ luôn về tình thương, về lời hứa và về những kỳ công dấu lạ của Chúa đối với cha ông:
"Thật vậy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em) là Thiên Chúa từ bi: Người sẽ không bỏ mặc anh (em), sẽ không tiêu diệt anh (em), sẽ không quên giao ước Người đã thề với cha ông anh (em)". (Dnl 4,31…)
Đàng khác, ta thấy rõ lối sống đạo của Dân vẫn mang tính cách đổi chác một cách chịu vậy, nghĩa là không khám phá ra được tình thương của Thiên Chúa. Lý do là vì giao ước của lề luật được ghi trên bia đá chứ không phải trên trái tim bằng thịt biết yêu thương. Chính vì thế, các ngôn sứ đã tiên báo về một giao ước mới được ký kết trong tình nghĩa và trong Thần Khí:
Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành.(Ed 36,26-27; xc Gr 31,31-34)
Trong hoàn cảnh Giáo hội, đã có một thời người Kitô hữu sống đạo theo con đường "thuần túy thiêng liêng", nghĩa là chỉ tìm cách thu gom công phúc, theo một hệ thống những giá trị và những luật lệ thiêng liêng. Kiểu sống đó chẳng những không đúng với ý nghĩa căn bản của Kitô giáo, nhưng còn tạo nên nhiều tác dụng phản chứng, vì không thích hợp với nhiều giá trị nhân văn của các nền văn hóa khác; hoặc không thích hợp với giá trị nhân văn của thời đại. Người ta thực hành nhiều việc đạo đức chỉ vì những việc đó được qui định là tốt hoặc "đổi" được nhiều ơn xá; người ta xa tránh tội chỉ vì đó là những điều bị cấm đoán. Dĩ nhiên, đối với đạo Kinh thánh, lý do căn bản của việc tuân giữ lề luật là chính ý muốn của Thiên Chúa chứ không phải chỉ vì sự hợp lý hoặc nét hay, nét đẹp của lề luật. Tuy nhiên, trong chiều hướng phản hồi, chính những niềm tin vào một Thiên Chúa tốt lành lại luôn kêu mời người tín hữu khám phá ra nét đẹp, phẩm chất tốt lành và tính cách đúng đắn của lề luật Chúa.

Phản ứng lại thứ sống đạo không quan tâm đến những giá trị nhân bản, người ta lại thấy có chủ trương "làm người trước khi làm thánh". Nhưng nẻo đường "làm người trước…" như thế, trong thực chất, cũng là một sự lạc đường vì đánh mất ý nghĩa căn bản của lịch sử ơn cứu độ. Nẻo đường ấy cũng là một sự tách biệt giữa đạo và đời và chẳng phải là nẻo đường chân chính của Kitô giáo; bởi vì nếu người ta đã có thể tự mình làm người, thì cũng chẳng cần phải có Chúa để được làm thánh làm chi nữa. Thực sự, trong nhiệm cục Kitô giáo, chính vì con người không thể sống trọn kiếp người nên Thiên Chúa mới giúp ta sống trọn "ơn gọi siêu nhiên" của con người trong Đức Kitô. Do đó, đường lối thuần túy nhân bản không làm chứng được sức mạnh cứu độ siêu nhiên của Thiên Chúa đối với đời sống con người.

Cả hai đường lối, sống đạo theo kiểu thiêng liêng thuần túy hoặc nhân bản thuần túy, đều không thể hiện được vận mạng riêng biệt của "Đạo Kinh thánh", nghĩa là không dám chấp nhận sự can thiệp của Chúa vào dòng lịch sử nhân loại để biến lịch sử ấy trở thành lịch sử ơn cứu độ; nghĩa là hoặc không nhận và không dám chấp nhận hành động của Chúa trong lịch sử; hoặc không thấy được giá trị cứu độ của "Men Nước Trời".

Thách đố của Dân Israen xưa cũng là thách đố của Giáo hội Kitô giáo hiện nay. Một đàng, người Kitô hữu chọn lựa sống niềm tin cần khám phá ra hành động của Chúa trong lịch sử như là những dấu chỉ thời đại. Đó là sự hiện diện của Nước Trời, ở đây và lúc này, trong dòng lịch sử:
“Vương Quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến” (MV 39)
Đàng khác, người Kitô hữu cũng được kêu mời để đón nhận giáo huấn của Chúa như men, như hạt của Nước Trời, như một giá trị tích cực và có khả năng biến đổi thế giới. Thần Khí của Thiên Chúa giúp người tín hữu sống đạo một cách chân chính như một sức sống tích cực chứ không phải như một sự cấm đoán tiêu cực. Nếu không khám phá được các giá trị tích cực, người tín hữu sẽ rơi vào tình trạng giữ đạo một cách bất đắc dĩ, sống đạo dựa trên "nhân đức chịu vậy", sống đạo như một kẻ "một cổ hai tròng", vừa mang gánh nặng cuộc đời, vừa mang gánh nặng tôn giáo. Kitô giáo, tuy vẫn luôn bao hàm giá trị huyền nhiệm của một ơn cứu độ siêu nhiên, nhưng bao giờ loại bỏ những giá trị nhân sinh. Công Đồng Vaticanô II nói:
"Thực vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ, về tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và đại đồng: "Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân phúc, vương quốc công bình, yêu thương và hoà bình" (Kinh Tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua). Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến".(MV 39c).

2. Tầm quan trọng của những giá trị nhân sinh


2.1. "Cái đẹp cứu độ thế giới"


Câu nói nổi tiếng ấy của Dostoievsky quả thực là một nhận định hết sức sâu xa. Cái đẹp ở đây không chỉ giới hạn trong lãnh vực nghệ thuật tạo hình như một bức tranh, một pho tượng; hoặc giới hạn trong lãnh vực thị giác như một phong cảnh hữu tình. Nhưng có lẽ là nẻo đường của tính thẩm mỹ, xét trong mối tương quan cặp ba truyền thống "chân - thiện - mỹ" của triết học. Cái đẹp ở đây là một cảm nhận có khả năng rung động tâm hồn và lan toả sức mạnh đến toàn bộ con người. Chẳng hạn, khi một giá trị nhân sinh được cảm nhận trong khía cạnh thẩm mỹ chân thực, thì đó không phải chỉ là một thứ chân lý thuyết phục lý trí, cũng không phải chỉ là một giải pháp thích hợp với một hệ thống luân lý của cái thiện, và cũng không phải chỉ là một cảm xúc thoáng qua của giác quan, nhưng là một sự đụng chạm đến tận chiều sâu của tâm hồn và đồng thời là một sức mạnh tiềm tàng có khả năng vận dụng tất cả năng lực của con người để đưa đến hành động bền bỉ và mạnh mẽ.

Trong một cuộc chiến chẳng hạn, người ta dễ thấy những súng ống, những bom đạn, những trang bị quân sự tối tân, hoặc một chiến lược hợp lý. Tuy nhiên, bên dưới tất cả những điều ấy, có những giá trị nhân sinh được khơi dậy, được vun đắp, được chia sẻ và chính những giá trị ấy mới tạo nên sức mạnh vô địch. Tình nghĩa đồng bào, tình thương gia đình, tình đồng chí, lòng yêu nước,… những điều này thật sự là nền tảng cho sức mạnh quân sự. Lòng nhân thắng bạo tàn, cuộc chiến chính nghĩa không gì có thể dập tắt được… Khi một giá trị nhân sinh càng chân chính, càng hợp với "lòng trời", với "ý dân", càng đụng đến nền tảng "hữu thể" của con người thì nó càng có khả năng lay động con người và biến đổi xã hội. Quả thật, trong quá trình dài của lịch sử, chính cái đẹp, chính những giá trị nhân sinh chân thật mới là sức mạnh để "cứu độ" con người.

2.2. Một chút dự phóng


Nói chung, việc sản xuất trước đây phải dựa nhiều vào tài nguyên, những nhà máy lớn và nhân công rẻ. Trong nền kinh tế hiện nay, chính trí tuệ hay một nền công nghệ cao là yếu tố quyết định. Điều đó hình như cũng đi song song hoặc có liên quan phần nào tới phương cách truyền giáo trong Giáo hội. Trước đây, Kitô giáo được lan truyền bằng việc thiết lập những vùng đất Kitô giáo ("tài nguyên"); rồi đến việc phát triển nhân số Kitô hữu ("nhân công"). Ngày nay, yếu tố quyết định có lẽ sẽ phải là làm chứng cho những giá trị nhân bản đích thực và tính chất cứu độ của niềm tin Kitô. Điều đó có nghĩa là: cần phải làm sáng lên giá trị thẩm mỹ của Tin mừng chứ không phải chỉ là củng cố một sức mạnh bành trướng; giúp người Kitô hữu tìm thấy nơi đời sống Kitô giáo một lý tưởng sống, một sự an vui thật sự trong đời sống đức tin chứ không phải chỉ là một tổ chức vững mạnh hoặc một hệ thống giáo lý chặt chẽ. Giáo hội được Chúa dựng nên như "bí tích Nước Trời", nghĩa là nhìn vào Giáo hội, người ta có thể nhận ra những dấu chỉ của Nước Trời đã hiện diện ngày hôm nay, mặc dầu còn cần phải được hoàn tất trong ngày Cánh Chung.

3. Những giá trị nhân bản của Kitô giáo


Đời sống người Kitô hữu Việt Nam thường chỉ chú trọng đến những chỉ dẫn luân lý dựa theo Mười Điều Răn, và càng ngày càng xa những nền tảng siêu hình căn bản của Kitô giáo, là tình yêu thương. Ta có thể thấy, trong đời sống đức Tin hằng ngày, có rất nhiều chuyện úy kỵ, nhiều chuyện nhân đức hay tội lỗi, sợ hãi hay công phúc không dính dáng gì đến tình yêu thương. Nó chỉ là những úy kỵ như một ám ảnh trong tâm thức tập thể, nó chỉ còn dựa vào những hành vi được đánh giá theo những giá trị luân lý của thời đại nhiều hơn là dựa vào nền "siêu hình" chân chính đạo lý Kitô giáo. Trong chiều hướng ấy, có lẽ chúng ta cần vượt qua cả hai não trạng "thuần túy thiêng liêng" và "thuần túy nhân bản", để tìm lại lập trường của thánh Thomas: "Ân sủng không phá đổ nhưng kiện toàn tự nhiên". Ân sủng của Chúa không bị giới hạn trong một hệ thống ân phúc hoàn toàn thiêng liêng, và chắc chắn cũng không biến đời sống nhân bản trở thành một "dị vật" trên bình diện giá trị nhân bản. Lập trường ấy có thể làm chứng cho một đời sống nhân bản đích thực nhờ vào hồng ân siêu nhiên đích thực.

Những lời tuyên tín trong Kinh Tin Kính là cả một bài trường ca về sức mạnh của chân lý trong lịch sử Giáo hội. Không người Kitô hữu nào có thể coi thường di sản đó. Những điều ấy tạo nên một nền tảng vững chắc cho tất cả suy tư thần học thuộc mọi lãnh vực: tín lý, luân lý, tu đức, mục vụ… Tuy nhiên, từ nền tảng ấy, Giáo hội nói chung và người Kitô hữu nói riêng, cần biểu hiện niềm tin ấy thành những giá trị nhân sinh chân chính. Chỉ khi đó, Kitô giáo mới biểu lộ khả năng diễn tả sứ điệp Kitô giáo như một giải pháp cứu độ cho con người ngày nay. Có rất nhiều điều trong tín lý và luân lý Kitô giáo, đáng lẽ bao hàm và diễn tả những giá trị nhân sinh cao đẹp, thì lại bị biến thành những qui định cứng nhắc, những giới luật đòi buộc cách áp đặt, những úy kỵ vô cớ. Ta có thể tự hỏi: tại sao ngày nay người ta muốn đến với những nơi tham vấn, trình bày với các chuyên viên tư vấn những uẩn khúc của cõi lòng, kể ra cả những tội lỗi sâu xa; trong khi đó thì người Kitô hữu ngại ngùng đến với bí tích Hoà giải?

Trong chiều hướng ấy, ta thử nêu lên một vài giá trị nhân sinh căn bản của tín lý Kitô giáo:

3.1 Niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất


Trong thế giới đa thần, người ta mặc lấy cho những cuộc chiến giữa con người với nhau một hình thức tôn giáo. Chiến tranh giữa các dân tộc trở thành cuộc chiến giữa các thần. Cuộc chiến ấy trở thành khủng khiếp và không thể khoan nhượng.

Trong thế giới vô thần, con người lại không tìm thấy một nền tảng nào đủ lớn, đủ rộng để có thể mở đường cho thái độ sẵn sàng đón nhận mọi người như anh em của mình. Trong thế giới vô thần, người ta dễ dàng "phân biệt bạn thù", dựa theo một số lợi ích được suy diễn từ hướng nhìn của tập thể của mình.

Như thế, niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất chính là khả năng sau cùng để con người có thể xây dựng một thế giới đại đồng, một tình nghĩa "tứ hải giai huynh đệ". Niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất chính là niềm hy vọng lớn nhất cho tương lai nhân loại; miễn là người ta đừng suy diễn niềm tin ấy trở thành một chân lý "cô độc", cứng đọng, lửng lơ của lý trí để bắt buộc người khác phải chấp nhận… Sách Giáo lý công giáo, số 225 viết: "Đó là nhận biết được tính thống nhất và phẩm giá đích thực của mọi người: mọi người đều được dựng nên "theo hình ảnh Thiên Chúa.' (St 1,26)".

Như thế, niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất có một ý nghĩa là nguyên lý tối cao để chúng ta có thể đón nhận tất cả mọi người, đón nhận những người xa xôi nhất, những gì mâu thuẫn nhất… không loại trừ bất cứ ai. Điều đó chính là một cánh cửa mở rộng để mọi người luôn tìm gặp nhau, … Người tín hữu không thể khẳng định một biên giới cố định ngăn cách con người với nhau. Bởi vì con người có chung một nguồn gốc, cho dù là độc tổ hay đa tổ, nguồn gốc ấy là Thiên Chúa. Hơn nữa, Người còn là Cha của mọi người, người cho mưa xuống trên người lành kẻ dữ…

3.2 Niềm tin một Thiên Chúa Ba Ngôi


Giáo lý dạy chúng ta rằng mỗi Ngôi vị trong Ba Ngôi đều là Thiên Chúa thật, bằng nhau và quyền phép như nhau. Nhưng Ba Ngôi lại "hoà hợp", hiệp nhất với nhau nên "Một Thiên Chúa duy nhất" nhờ khả năng dám "tự hủy"[1]. Những điều vắn gọn ấy cho thấy rằng: nếu con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi và con người chỉ có thể hoàn thành vận mạng cuộc đời mình khi sống theo "mẫu sống" của Ba Ngôi, thì "chân lý" căn bản nhất của bản chất con người chính là sự bình đẳng về phẩm giá và khả năng dâng hiến làm cho phẩm giá đời người trở nên tuyệt đối.

Chính trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta hiểu được phẩm giá của mỗi con người, dù là người bé mọn và hèn hạ đến đâu. Mỗi người là một phẩm giá cao quí, tuyệt đối và bình đẳng với mọi người khác. Không ai có quyền nhân danh một lý lẽ nào để bắt một con người, như là một "con người thứ-hạng", phải chấp nhận hy sinh cho ai khác hay bất cứ một điều gì khác.

Tuy nhiên, phẩm giá tuyệt đối của con người lại chỉ được thể hiện trọn vẹn trong thái độ tự nguyện chấp nhận hy sinh cho người khác, đúng như lời Công Đồng Vaticanô II nói:
"Con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực hiến dâng" [MV 24]

3.3 Ơn Cứu Độ trong Đức Giêsu


Điểm chính yếu của nhiệm cục Cứu Độ là Thiên Chúa cho chúng ta được nên "đồng hình đồng dạng" với Đức Giêsu, được lãnh nhận Thần khí của Đức Giêsu để gọi (để sống với) Thiên Chúa Cha là "Abba". Ơn cứu độ ấy làm cho con người không còn phải là nô lệ, nhưng là con Thiên Chúa, là bạn hữu với Đức Giêsu. Ơn cứu độ ấy phải được biểu lộ trong thái độ hân hoan và tự do của con cái Chúa.

Tuy nhiên, quả thật, ta không thấy mấy tinh thần tự do của con cái Chúa nơi người Kitô hữu. Muốn tìm một hình ảnh để diễn tả sự tự do, có lẽ ta đọc truyện Kim Dung thì dễ thấy hơn là nhìn vào cung cách sống của người tín hữu trong Giáo hội. Bệnh bối rối, những lệch lạc trong quan niệm về tội, về cách thức giữ luật và rất nhiều điều khác là bằng chứng về bầu khí sợ hãi và nô lệ trong Giáo hội.

Nếu tạm đồng ý là "thuốc sợ hãi" cũng có phần hữu ích[2], thì Giáo hội hình như đã "sử dụng quá liều" khiến cho nét đẹp của một đời sống hân hoan trong tự do của con cái Chúa đã không còn bao nhiêu nữa.

3.4 Mầu nhiệm hiệp thông các thánh


Nếu con người liên đới với nhau trong tội lụy của dòng dõi Adam, thì Thiên Chúa cũng muốn thể hiện chương trình cứu độ bằng cách thiết lập một gia đình của Adam mới là Đức Kitô. Trong đó, mọi người hiệp thông với nhau trong ơn thánh nhờ mầu nhiệm hiệp thông các thánh. Trong mầu nhiệm này, không có vị thánh nào, ngay cả Đức Maria, được những ơn huệ của Thiên Chúa để "xài riêng". Thiên Chúa thông ban những ơn huệ đặc biệt cho các ngài, trước tiên và chính yếu, là vì cộng đoàn, cho cộng đoàn Giáo hội.

Như thế, trước tiên, người Kitô hữu không thể sống thái độ "bàn tay sạch", hoặc thái độ "đi cà kheo". Nghĩa là cố tránh mọi phiền hà, xấu xa liên lụy tới mình để tự tìm cho mình một sự thanh sạch cá nhân. Người Kitô hữu đặt mình trong nhiệm cục cứu độ phải là người sống trong ý thức nhân loại liên lụy với nhau trong tội lỗi; khao khát, cùng với anh chị em của mình, xây dựng một thế giới yêu thương và bình đẳng hơn. Khi đó, người Kitô hữu không rơi vào thái độ xin sỏ như thể "ăn mày"[3] những ơn huệ của Mẹ Maria và các Thánh và xin sỏ cho bản thân mình mà thôi. Chỉ khi đó, người Kitô hữu mới sống trân trọng hồng ân của Chúa như một sức mạnh chung. Trong niềm tạ ơn chung và trong niềm xác tín về nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại, cho mọi người như anh chị em của mình…

Sống là sống với, sống cùng. Không sinh ra thì thôi, đã sinh ra thì con người đương nhiên bị những tác động của xã hội loài người. Một khía cạnh cụ thể của "tội tổ tông" là: con người sống trong thế giới thế nào cũng phải mang lấy phiền lụy, chịu những ảnh hưởng xấu một cách nào đó.

Một cách sâu xa, những cái xấu không phải hoàn toàn là trách nhiệm của cá nhân, mà còn là trách nhiệm của tập thể nhân loại, tập thể xã hội. Một đứa trẻ sinh ra trong xóm tội phạm, dễ dàng bị lây nhiễm những tính xấu của trẻ em xung quanh. Rồi tình trạng "xóm tội phạm" như thế cũng không phải là trách nhiệm riêng của một vài gia đình. Họ bị cơ cấu xã hội xô đẩy. Do đó, ta có thể nói rằng mọi người trong xã hội đều có liên đới với tình trạng ấy. Dostoievsky từng nói: đứng trước một tội nhân tôi cảm thấy mình có lỗi, vì nếu tôi sống tốt hơn, thì có thể tội nhân đã không phạm tội.

Khi đứng trước những tật xấu của người khác, người ta dễ rơi vào thái độ cắt xén cuộc sống ra từng khoanh nhỏ để xét đoán và kết án. Thái độ ấy thường xuất phát từ vị thế "khách quan" hay đúng hơn là một sự trốn tránh trách nhiệm liên đới. Thái độ "cận thị" như thế chỉ nhìn thấy những mảnh vụn vặt của đời sống và chỉ tạo nên những giải pháp vá víu. Cần nhìn vấn đề trong huyền nhiệm tội tổ tông và mầu nhiệm "hiệp thông các thánh". Tội lỗi có tính tập thể và ơn cứu độ cũng được thực hiện, một cách chính yếu, trong chiều kích tập thể (Chúa không ban một ơn huệ riêng nào cho bất cứ ai, nhưng tạo nên một cộng đoàn cứu độ, ban những ơn huệ để góp phần chiến thắng thế lực của sự dữ). Thái độ cơ bản nhất của Kitô giáo là thái độ liên đới và là liên đới "từ bên trong"; là chấp nhận "mang lấy tội của nhân loại" như Đức Giêsu Kitô[4].

Chính ý thức hiệp thông giúp con người ngày nay có thể tìm đến với Giáo hội và đến với Tin mừng giải phóng của Chúa Kitô. Không phải như những giá trị luân lý mà thôi nhưng còn như một sự "hiệp thông sự sống"; và nhất là như một sự mong chờ Cánh Chung. Sống mầu nhiệm hiệp thông các thánh là sống huyền nhiệm liên đới và nhất là sống mầu nhiệm cộng đoàn được cứu độ.

Kết


Trên đây chỉ là một vài nét phác họa. Chúng ta còn có thể và cần làm sáng lên rất nhiều nét đẹp nhân bản trong truyền thống Kinh thánh: Sự bình đẳng về phẩm giá; Khả năng tự hiến; Thái độ cảm thông; sự Tự do của con cái Chúa… Việc tìm lại những giá trị nhân sinh của tín lý Kitô giáo là một công việc dài hơi, cả trong suy tư cũng như trong sinh hoạt thường ngày của đời Kitô hữu. Khi tìm thấy những giá trị nhân sinh của Kitô giáo như thế, kinh Tin Kính không phải chỉ là một bản "nội qui" buộc phải chấp nhận, một bài học cần phải thuộc lòng. Khi ấy, đọc kinh Tin Kính, người Kitô hữu không chỉ chấp nhận những chân lý quá tĩnh kiểu người Hylạp, nhưng tin vào sức mạnh cứu độ của "cái đẹp" chân chính, của bản chất nhân loại, của "nhiệm cục cứu độ" phát xuất từ Thiên Chúa yêu thương. Chỉ khi ấy, Kinh Tin Kính mới thực sự là một bản hùng ca của sức mạnh cứu độ, một bản hoan ca của tình thương đại đồng, một bản "hy vọng ca" về tương lai nhân loại….

Ở đỉnh cao minh triết, siêu hình và luân lý hoà hợp làm một cùng nhau. Còn trong tình trạng suy thoái, thì những quy định luân lý chẳng còn dính dáng gì đến căn tính "siêu hình" của một học thuyết hay tôn giáo. Khi một xã hội bị băng hoại về giá trị, không một lực lượng an ninh hay luật pháp nào có thể hoàn thành nhiệm vụ được. Khi ta thấy một xã hội luôn nhấn mạnh đến việc "sống và làm việc theo pháp luật", ta có thể thấy xã hội ấy đang trong tiến trình băng hoại về giá trị. Không thể có một xã hội không có luật pháp, nhưng nguồn mạch chính yếu để bảo đảm an ninh trật tự, để xây dựng một nếp sống an vui hạnh phúc, lại không phải là luật pháp mà chính là nhờ những giá trị nhân bản.

Nhận định triết học ấy có thể soi sáng cho thực chất đời sống đức Tin trong Giáo hội. Người Kitô hữu Việt Nam cần phải sẵn sàng đảm nhận trách vụ làm sáng lên những giá trị nhân sinh của Kitô giáo trong hiện tình đất nước chúng ta.

Việc khai mở những giá trị nhân bản Kitô giáo giống như một chân trời rộng mở để người Kitô hữu có thể khao khát, chờ đợi, trông cậy… Tội chống lại Thánh Thần có lẽ cũng chính là thứ tội ngăn chặn chân trời mới của Nước Chúa, tự nhốt kín mình trong nhãn giới con người, khẳng định bằng suy tư trần thế và đóng kín nẻo đường trông chờ vào sức mạnh của Thánh Thần để bước đi trên con đường trọn lành như Cha trên trời. Tuy nhiên, cuộc "cách mạng" của Chúa Giêsu không phải chỉ nằm ở sự thay đổi giá trị, khiến người ta phải hụt hơi để chạy đua. Hoặc nói cách khác, giá trị chính yếu của Tin mừng cứu độ nằm ở chỗ: thay thế nỗ lực của con người, những nỗ lực luôn có giới hạn của nó, để mặc lấy tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chỉ thay đổi giá trị, nhưng Ngài còn thay đổi nguyên lý cứu độ.

Chú thích___

[1] "Quyền Năng Xóa Mình", như kiểu nói của Maitre Eckhart, hoặc "kénose" như thần học của thánh Phaolô. Xc. Lm. Phaolô Bùi Văn Đọc, Lm Giuse Võ Đức Minh, "Thiên Chúa Cha, Đấng Giàu Lòng Thương Xót", Nxb TP Hồ Chí Minh 1998, trang 315.
[2] Xc. Bùi Tuần, "Biết Sợ", tuần báo Công Giáo và Dân Tộc số 1236, tháng 12/1999, trang 10. Thật lòng tôi không thích quan niệm này. Con người ta vốn yếu đuối và luôn bị mọi thứ đe dọa. Con người sợ chết, sợ bệnh tật, sợ tai họa… và sợ thần thánh, đó là chuyện thường tình; nhưng Thiên Chúa là Cha không phải là Đấng thêm đe dọa mà là Đấng giúp ta giải thoát nỗi sợ; "Đừng sợ"[Lc 5,10…]; "Và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta" [Lc 1,74-75]; "Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo" [1 Ga 4,18]…
[3] Trong thời đại mà nhân loại khám phá ra giá trị cao quí của phẩm giá con người, có lẽ chúng ta cần hiểu ra rằng Thiên Chúa không muốn cứu độ con người bằng cách biến chúng ta thành một lũ "ăn mày". Xin lỗi những người nghèo để dùng từ ngữ này nhằm nói lên một thái độ tinh thần sa đọa.
[4] Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…” [Pl 2,6-11].