Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

TÌM HIỂU VÀI HÌNH THỨC TÔN THỜ THÁNH THỂ NGOÀI THÁNH LỄ

Thời sự Thần học – Số 39, tháng 3/2005, tr. 25-31

_Hoàng Văn_ 

I. Lịch sử việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ
II. Một vài hình thức tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ
  1. Chầu Thánh Thể
  2. Kiệu Thánh Thể
  3. Đại hội Thánh Thể
  4. Viếng Thánh Thể 

I. Lịch sử việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ


Vào thời kỳ bình minh của Kitô giáo, bánh và rượu Thánh Thể đã được tôn kính một cách đặc biệt. Khoảng thế kỷ thứ I-III, người ta thấy trên các bích họa được đào trong các hang toại đạo dưới thành phố Rome nhiều biểu tượng về Thánh Thể. Biểu tượng đặc trưng nhất là giỏ bánh và cá. Hình ảnh này gợi lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng (Mc 6, 30-44). Chẳng hạn, trong hang toại đạo của Giáo Hoàng Callistus, vẫn còn tồn tại hình con cá lớn bên cạnh chiếc giỏ. Trên chiếc giỏ có vài ổ bánh tròn. Phía trước giỏ có một chén rượu đỏ. Hoặc như trong hang toại đạo thánh Priscila, các nhà khảo cổ đã phát hiện những ổ bánh điêu khắc, trên có hình thánh giá. Nhìn vào những ổ bánh điêu khắc này, người ta nhớ ngay đến dấu chỉ của ơn cứu độ, như xưa chính Chúa đã hứa “ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời[1]. Đến nay, lòng sùng kính Thánh Thể vẫn còn họa lại qua những bức tranh về bữa tiệc ly.

Mặt khác, Giáo Hội thời sơ khai đã lưu giữ bánh thánh cho bệnh nhân sau khi thánh lễ kết thúc. Với ý thức đây là Mình thánh Chúa nên Giáo Hội đã tỏ lòng cung kính và thờ lạy. Ban đầu, các giám mục truyền phải cất giữ Mình thánh Chúa trong gia đình ở nơi xứng đáng. Dần dần, giáo dân đặt niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể nên họ có thái độ, cử chỉ cung kính như : cầu nguyện trước Thánh Thể, phủ phục, bái quỳ trước Thánh Thể, hát thánh vịnh trước Thánh Thể,… Ở Đông phương, linh mục, sau khi truyền phép, đã đặt Mình và Máu thánh Chúa ra trước bức màn ngăn cách cung thánh và dân chúng để các tín hữu tôn thờ [2]. Đến thế kỷ IX, khi chưa xuất hiện Nhà Tạm, giáo dân thường sùng kính Thánh Thể bằng cách bái sâu khi đi ngang bàn thờ tế lễ. Bởi lẽ, bàn thờ là nơi cử hành thánh lễ, là nơi Chúa Kitô mời gọi mọi người đến tham dự và lãnh nhận Mình và Máu thánh Chúa. Cuối thế kỷ XI, nhằm chống lại lạc giáo Bérenger, các đan sỹ Cluny thường xuyên tổ chức các buổi chầu trong đan viện, đồng thời hướng dẫn nhiều người cùng tham dự. Chính các thầy đã có sáng kiến đốt thường xuyên ngọn đèn chầu đặt gần Thánh Thể. Cuối cùng, theo dòng thời gian, Thánh Thể đã được đặt nơi Nhà Tạm.

Ngày nay, Thánh Thể được tôn kính bằng nhiều hình thức long trọng, trang nghiêm, phù hợp với huấn quyền của Giáo Hội, mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố : “Việc tôn sùng Thánh Thể ngoài thánh lễ mang một giá trị vô song trong đời sống Giáo Hội. Việc tôn sùng được phối hợp chặt chẽ với việc cử hành hy tế Thánh Thể” [3].

II. Một vài hình thức tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ


1. Chầu Thánh Thể


1.1. Nguồn gốc

Trước thế kỷ IX, các tín hữu thường tụ họp nơi cất giữ Mình thánh Chúa cho bệnh nhân để cầu nguyện. Đáp ứng lòng đạo đức bình dân của người tín hữu, Giáo Hội chính thức đặt Mình thánh Chúa công khai vào thế kỷ XI để mọi người trông thấy và tôn thờ. Với ý hướng này, người ta bắt đầu làm những hào quang quý giá và những mặt nhật đẹp, cùng nhiều lễ đài sang trọng để đặt Mình thánh Chúa. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nghi thức chầu Thánh Thể bắt nguồn từ việc hát thánh ca trước tượng Đức Mẹ trong nhà thờ vào chiều tối, khoảng đầu thế kỷ XIII. Từ đây, dòng Tôi Tớ Đức Mẹ được thành lập với bảy vị thánh tiên khởi (lúc bấy giờ gọi là hội viên laudesi). Đến thế kỷ XVI–XVII, để buổi thánh ca thêm phần long trọng, người ta đã đặt Mình thánh Chúa, và ban phép lành cuối nghi thức.

Thời gian chầu Thánh Thể ban đầu không kéo dài. Nhưng đến thế kỷ XVI, người ta áp dụng tập quán cầu nguyện khoảng bốn mươi giờ trước mộ thánh (Sépulcre) từ chiều thứ sáu tuần thánh đến rạng sáng phục sinh trong việc chầu Thánh Thể. Việc sùng kính bốn mươi giờ, hay còn gọi Quarant’Ore nhằm tưởng nhớ bốn mươi ngày chay tịnh và cầu nguyện của Chúa Giêsu trong sa mạc. Năm 1527, Jean Antoine Bellotti đã chính thức thành lập phong trào thờ lạy Thánh Thể bốn mươi giờ, và cứ ba tháng tổ chức một lần. Hình thức này được Đức Clémenté VIII (1592-1605) cổ vũ và hưởng ứng. Sau này, người ta lại thấy xuất hiện việc chầu lượt (adration perpétuelle). Hiện nay, việc chầu lượt thường áp dụng cho việc chầu bổn mạng của giáo xứ, bổn mạng của giáo hạt, và bổn mạng của giáo phận. Ngoài ra, còn một hình thức chầu đền tạ (adoration réparatrice) trước Thánh Thể để xin ơn tha thứ về những lỗi lầm con người xúc phạm đến thánh tâm Chúa. Với giờ chầu đền tạ, đến nay vẫn còn phổ biến ở nhiều giáo xứ vào tối thứ sáu cho những ai tham gia hội “Gia đình phạt tạ”.

1.2. Nội dung

Chầu Thánh Thể thường được tổ chức vào buổi chiều hoặc tối. Vì thế, các nhà thờ hay nhà nguyện có lưu giữ Mình thánh Chúa nên tổ chức chầu Thánh Thể với thời gian thích hợp (nửa giờ chầu Chúa của Thiếu Nhi Thánh Thể, bốn mươi lăm phút suy niệm kinh mân côi trước Thánh Thể, một giờ đền tạ trái tim Chúa trước Thánh Thể), để mọi người cùng tham gia. Chính vì thế, thánh Anphongsô Ligôri đã nhấn mạnh : “Trong tất cả mọi việc tôn sùng, việc tôn thờ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể là nhất sau các bí tích, rất đẹp lòng Chúa và rất hữu ích cho chúng ta”.

Vì sự hiện diện cao quý của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, nên khi không có lý do chính đáng, người ta tránh chầu Mình Thánh Chúa trước khi cử hành thánh lễ. Hoặc không cử hành thánh lễ trong cùng một nơi đang đặt Mình Thánh Chúa để chầu. Thông thường, linh mục và phó tế là những thừa tác viên đặt Mình thánh Chúa để chầu và ban phép lành. Tuy nhiên, khi vắng những vị này, thừa tác viên ngoại lệ cũng được phép đặt và cất Mình Thánh Chúa, nhưng không được ban phép lành[4]. Đang khi đặt Mình thánh Chúa để chầu, người ta thường quy hướng về Chúa Giêsu Thánh Thể. Do vậy, cần lưu ý việc suy niệm, lần hạt kinh mân côi trước Thánh Thể, sao cho mọi người kín múc được giá trị của bánh thánh qua chuỗi mân côi. Ngoài ra, trước Mình thánh Chúa nên đọc và suy niệm đôi chút, dâng các lời nguyện cùng các bài hát về Thánh Thể. Cuối cùng, nên dành ít phút thinh lặng để mọi người kết hiệp trong nhiệm tích Thánh Thể sâu sắc hơn.

2. Kiệu Thánh Thể


2.1. Nguồn gốc

Khoảng thế kỷ IX-X, có rất nhiều hình thức rước kiệu trong đạo công giáo. Người ta thường tổ chức rước kiệu hài cốt các thánh hoặc ảnh tượng thánh giá Chúa vào ngày lễ kính các thánh thuộc Giáo Hội địa phương. Bên cạnh đó, người ta còn kiệu Thánh Thể như của ăn đàng cho bệnh nhân. Đến thế kỷ XI, ngườt ta tổ chức thêm cuộc kiệu Mình thánh Chúa từ bàn thờ tế lễ đến nhà tạm phụ, sau lễ tiệc ly thứ năm tuần thánh. Sang thế kỷ XII, cuộc rước này ngày càng trở nên trang trọng và quy mô hơn.

Đầu thế kỷ XIII, lễ kính Mình Máu thánh Chúa tại Liège năm 1247 xuất hiện và phổ biến trong Giáo Hội. Ngày 8 tháng 9 năm 1264, Đức Urbanô IV chính thức ban hành bửu sắc “Transiturus” và truyền phải mừng kính lễ này vào thứ năm, sau chúa nhật kính Chúa Ba Ngôi, nhưng không chỉ thị việc kiệu Thánh Thể. Mãi đến đời Đức John XXII, lễ Mình Máu thánh Chúa được mừng kính với việc rước kiệu và cung nghinh Thánh Thể một cách long trọng. Đến nay, vào lễ này, hầu như giáo xứ nào cũng tổ chức kiệu Thánh Thể ngoài trời, xung quanh khuôn viên nhà thờ. Đặc biệt, trong dịp này, người ta hay tổ chức cho các em xưng tội rước lễ lần đầu cũng không ngoài mục đích :

Việc tham dự sốt sắng của tín hữu vào những cuộc rước kiệu Mình thánh Chúa trong dịp lễ trọng Mình và Máu thánh Chúa là một hồng ân Chúa ban, làm cho những ai tham dự mỗi năm đều tràn đầy hân hoan. Người ta có thể nêu lên nơi đây nhiều dấu hiệu tích cực khác về niềm tin và lòng yêu mến Thánh Thể [5].

2.2. Nội dung

Kiệu Thánh Thể thường được tổ chức sau thánh lễ một cách trang trọng với những bài ca đi kèm, biểu lộ đức tin công khai trên các đường phố với sự hiện diện của Chúa Kitô trong nhiệm tích Thánh Thể. Kiệu Thánh Thể nên tổ chức theo phong tục địa phương, trang trí những con đường mà Thánh Thể sẽ đi qua, thậm chí phải làm các chặng trên lộ trình kiệu Thánh Thể để đặt Mình thánh Chúa và thờ lạy, cùng ban phép lành. Nơi giáo xứ, việc tổ chức kiệu Thánh Thể vào lễ Mình Máu thánh Chúa rất quan trọng và ý nghĩa trong đời sống mục vụ và cộng đoàn. Linh mục khi đi kiệu Thánh Thể, dù mang áo lễ hay áo choàng đều phải có thêm khăn vai. Kết thúc cuộc rước kiệu Thánh Thể, linh mục sẽ ban phép lành Mình thánh Chúa cho mọi người tham dự.

3. Đại hội Thánh Thể


3.1. Nguồn gốc

Đại hội Thánh Thể được khai sinh vào cuối thế kỷ XIX, do một phụ nữ người Pháp, tên Émilie Tamisier (1834-1919), có lòng sùng kính Thánh Thể, và cha Antoine Chevrier (1826-1879). Đầu tiên, bà kiến nghị tổ chức những cuộc thảo luận và giải thích những giáo huấn của Giáo Hội có liên quan đến bí tích Thánh Thể ở ngoài nhà thờ. Đáp lời thỉnh nguyện của bà, đại hội Thánh Thể quốc gia đầu tiên được tổ chức tại Paray-le-Mondial, miền trung nước Pháp. Đại hội thành công và được nhiều người ủng hộ. Sau đó, được sự khích lệ của đức Lêô XIII, cha Gaston de Segur đứng ra tổ chức đại hội thánh thể quốc tế lần đầu tại viện đại học Lille vào ngày 21 tháng 6 năm 1881. Từ đó, đại hội Thánh Thể quốc tế lần lượt tổ chức tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đại hội Thánh Thể lần hai tổ chức tại Avignon (Pháp) vào năm 1882. Đến năm 1905, đại hội Thánh Thể được tổ chức tại Rome do ý muốn của Giáo Hoàng Pius X. Đặc biệt, năm 1908, đại hội Thánh Thể được tổ chức tại London, và đem lại thắng lợi lớn trong thời kỳ ấy. Đến nay, đã có 48 đại hội Thánh Thể được diễn ra trên toàn cầu. Đại hội Thánh Thể mới nhất vừa diễn ra tại thành phố Guadalajara, Mêhicô, từ ngày 10 đến 17 tháng 10 năm 2004 với chủ đề “Thánh thể, ánh sáng và sự sống của ngàn năm mới”.

3.2. Nội dung

Đại hội Thánh Thể là phương thức tôn thờ Thánh Thể một cách đặc biệt, mang tính toàn cầu. Thông thường, Đức Thánh Cha sẽ chủ tọa việc cử hành và tôn vinh Thánh Thể. Khi tổ chức, cần tham khảo ý kiến của những người chuyên môn về thần học, thánh kinh, phụng vụ, mục vụ và khoa học nhân văn. Sau đó, hội nghị sẽ thành lập một ủy ban gồm giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân và đại biểu các quốc gia và quốc tế, để chọn thời gian, địa điểm, chủ đề và cách tổ chức. Khi đại hội kết thúc, ủy ban phải đúc kết các tài liệu có liên quan đến đại hội nhưng không nhằm phô diễn hoặc thương mại.

Tuy nhiên, khi tổ chức đại hội Thánh Thể, cần tổ chức các lớp giáo lý, các hội nghị xoay quanh chủ đề Thánh Thể. Bên cạnh đó, ban tổ chức nên động viên mọi người tham dự tích cực trong việc cử hành phụng vụ, và tìm cách thăng tiến đời sống nhân loại sao cho tất cả đều hăng say trong việc dấn thân phục vụ. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc kiệu Mình Thánh Chúa một cách long trọng trong những buổi cầu nguyện chung cũng như chầu Thánh Thể. Cuối cùng, thánh lễ phải trở thành trung tâm của đại hội Thánh Thể, để thấy được giá trị “dấu chỉ chân thật về đức tin và đức ái” [6].

4. Viếng Thánh Thể

Ngoài các hình thức tôn thờ Thánh Thể được Giáo Hội quy định, ta còn thấy một hình thức tôn thờ Thánh Thể khác khá phổ biến, ai cũng có thể làm và làm bất cứ lúc nào thuận tiện nhất. Hình thức này mang tính cá nhân và gọi là “viếng Thánh Thể”. Tuy là việc đạo đức có từ khi Giáo Hội lưu giữ Mình thánh Chúa cho bệnh nhân, nhưng viếng Thánh Thể mang một giá trị truyền thống đáng trân trọng và phát huy. Hơn nữa, thói quen tốt này là dấu chỉ lòng biết ơn, là bằng chứng tình yêu và cử chỉ tôn thờ phải có đối với Chúa Kitô trong đời sống đức tin của người tín hữu. Chính Đức Giáo hoàng đương kim cũng khuyên :

Làm sao ta không cảm thấy lại có nhu cầu được ở lại lâu giờ, trò chuyện thiêng liêng, tôn thờ im lặng trong thái độ yêu thương trước mặt Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Anh chị em thân mến, nhiều lần tôi đã có kinh nghiệm này và tôi đã múc lấy từ đó sức mạnh, an ủi và sự nâng đỡ [7].

Nhưng tiếc thay, hiện nay nhiều nhà thờ xứ vẫn đóng cửa thường xuyên, trừ khi cử hành thánh lễ, thì liệu đâu là nơi để người tín hữu đến kín múc nguồn ân sủng từ bí tích Thánh Thể ?

“Thánh thể, bí tích của sự hiện diện” [8] ! Ở đó, nhiều người kín múc được tình yêu vời vợi của Thiên Chúa. Viếng Thánh Thể là gặp gỡ, cầu nguyện với Chúa mỗi ngày. Chầu Thánh thể là dành cho Chúa những giây phút thinh lặng và để chiêm ngắm vẻ đẹp của Người. Kiệu Thánh Thể nhằm tôn vinh uy quyền của Chúa dưới ánh sáng đức tin. Và đại hội Thánh Thể luôn mang sứ điệp “đức tin và đức ái”. Tựu trung, dù dưới hình thức nào đi nữa thì sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong nhiệm tích Thánh Thể như ở lại, cùng đối thoại và đồng hành với chúng ta. Thiết nghĩ, đến với bí tích Thánh Thể, ta sẽ tạo mối tương quan cha-con ngày một thân thiết hơn. Hành trình năm Thánh Thể luôn mời gọi mọi tín hữu hãy tìm đến nguồn suối tình yêu “bí tích Thánh Thể” để chia sẻ, để chiêm ngắm và để thờ lạy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Joan Carroll Cruz, Ngọc Đính chuyển ngữ, Những phép lạ Thánh Thể và những hiện tượng Thánh Thể trong đời sống các thánh, 2002.
2. Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, Tp Hồ Chí minh, 2001.
3. Trần Ngọc Quỳnh, Cử hành mầu nhiệm tạ ơn, Tủ sách Đại Kết, 1996.
4. Huấn thị Redemtionis Sacramentum, 2004.
5. Tông thư Mane nobiscum Domine, 2004.

GHI CHÚ___

[1] Joan Carroll Cruz, Ngọc Đính chuyển ngữ, Những phép lạ Thánh Thể và những hiện tượng Thánh Thể trong đời sống các thánh, trang 286, 2002.
[2] Xc Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, trang 186, 2001.
[3] Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 25.
[4] Giáo luật số 943.
[5] Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 10.
[6] Huấn thị Redemtionis Sacramentum, số 145.
[7] Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 25.
[8] Trần Ngọc Quỳnh, Cử hành mầu nhiệm tạ ơn, Tủ sách Đại Kết, trang 213,1996.