Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

LINH ĐẠO THIỀN PHẬT GIÁO VÀ LINH ĐẠO KITÔ GIÁO

Thời sự Thần học – Số 1, tháng 3/2009, tr. 156-160

_Paul Renaud, M.E.P._

Cha Paul Renaud sinh ngày 5/3/1934 tại Malbuisson (Doubs), chịu chức linh mục ngày 21/12/1961. Cha đang coi sóc giáo xứ Ninomiya thuộc tỉnh Kanagawa. Nguyên tác : “Spiritualité Bouddhiste Zen et Spiritualité Chrétienne”, đăng trong tạp chí Missions Étrangères de Paris, no 435 janvier 2009, p. 31-34. Giuse Hoàng Văn Hòa, O.P. chuyển ngữ.
Từ kinh nghiệm thiền và từ những gì mà kinh nghiệm này mang lại, tôi nhận thấy có những khía cạnh của Phật giáo thực sự cần được triển khai bằng những ví dụ cụ thể. Với vài dòng dưới đây, tôi xin trình bày một lối tiếp cận đầu tiên.

Tôi đến Nhật Bản vào ngày 21/9/1962, ngay trước khi khai mạc Công đồng Vaticanô II. Trong Công đồng này, Giáo hội long trọng mở đầu với việc bàn về những tương quan với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (Tuyên ngôn Nostra Aetate). Sau nhiều năm nghiên cứu ngôn ngữ và truyền giáo tại giáo xứ, tôi bắt đầu quan tâm đến vấn đề đối thoại với Phật giáo và hiểu nhiều hơn về văn hoá Nhật Bản. Làm sao để bắt đầu tiếp xúc với Phật giáo tại Nhật Bản một cách cụ thể và hiệu quả? Làm sao để tạo một sự liên hệ với nền văn hoá cổ xưa của Nhật Bản vẫn còn sống động này?

Cuộc gặp gỡ của tôi với một Phật tử mà nay đã trở thành linh mục


Vào một ngày, tôi tình cờ gặp được một vị linh mục Nhật Bản. Vị này đã giúp tôi trên hành trình dài giải đáp những câu hỏi mà tôi vẫn đặt ra cho mình về cách thức hiểu Phật giáo và văn hoá Nhật Bản cách sâu xa hơn. Vị linh mục liền khuyên tôi tìm đến một đan viện thiền Phật giáo, nơi đó vẫn sống còn những nguồn gốc sâu xa nhất của văn hoá Nhật Bản. Vị linh mục này, trong những năm nghiên cứu tại một trường đại học cao cấp ở Tôkiô, với tư cách là một Phật tử tốt lành, đã thực hành việc thiền dưới sự hướng dẫn của một bậc thiền sư nổi tiếng. Ngài biết vị thiền sư này đang phụ trách một đan viện thiền Phật giáo, không quá xa thành phố, và tôi có thể tự tìm đến ngay lúc đó. Không chút chần chừ, vị linh mục đưa cho tôi một lá thư giới thiệu để trao lại cho vị thiền sư. Ngài nói với tôi rằng với sự giúp đỡ của vị thiền sư này, ngài đã tiếp xúc với một giáo xứ Công giáo và đã trở thành Kitô hữu. Kết thúc thời gian đại học của mình, vị linh mục phải viết một bài nghiên cứu, trong đó ngài đặt vấn nạn về Kitô giáo, và vị thiền sư đã nói với ngài rằng chúng ta không thể nói được gì về Kitô giáo nếu không tiếp xúc với một nơi mà ngài đã từng sống ở đó.

Phần tôi cũng vậy, tôi có thể nói rằng nhờ sự giúp đỡ của vị linh mục Nhật Bản, tôi đã can đảm đi trình diện một thiền sư vĩ đại.

Tại đan viện thiền Phật giáo


Cùng với nhiều lo ngại, tôi đi trình diện vị thiền sư như đã được chỉ dẫn. Sau khi đọc thư giới thiệu, lập tức vị thiền sư vui mừng và nói với tôi rằng ông ta hân hạnh được đón tiếp một linh mục Công giáo và đưa cho tôi tất cả những chỉ dẫn để tham dự các buổi học thiền. Ngay sau đó, vị thiền sư nói tiếp với tôi, là một linh mục, rằng ông ta chỉ đòi một điều kiện thôi, đó là tôi phải chu toàn bổn phận linh mục trong thời gian cư ngụ tại đan viện này. Vị thiền sư nói thông thạo tiếng Anh. Mỗi năm vào mùa hè, ông qua nước Mỹ hay Châu Âu để hướng dẫn các buổi học thiền. Thỉnh thoảng, những khóa học thiền được tổ chức ở các tu viện. Tại đây, vị thiền sư mới biết các linh mục Công giáo cử hành thánh lễ mỗi ngày.

Ở Nhật Bản, phần lớn các nhà sư đều lập gia đình và sống với gia đình một thời gian. Theo phong tục, con trai của một nhà sư, để có thể kế thừa cha mình như là nhà sư, phải trải qua nhiều năm tại một nơi mà tôi gọi là “đan viện thiền”, nhưng đúng hơn tôi phải gọi là “chủng viện thiền Phật giáo”, ở đó anh ta theo học một khoá đào tạo chủ yếu thực hành thiền và lao động chân tay. Trong những “đan viện thiền” này, mỗi tháng, người ta dành nguyên một tuần lễ để thực hành thiền. Trung bình mỗi ngày, từ tám giờ đến chín giờ là cuộc hội họp về thiền, kéo dài 45 phút. Thật vô ích khi nói rằng tuần lễ thiền rất khắt khe đối với thể lý, nhưng thực ra nó lại rất hiệu quả về mặt tinh thần. Thế mà tôi đã bắt đầu thực hành việc thiền hơn 30 năm qua và mỗi năm một lần, tôi tham dự một tuần tập trung thực hành thiền.

Linh đạo thiền và linh đạo Kitô giáo


Sau khi vắn tắt vài lời về cuộc gặp gỡ với thiền Phật giáo, bây giờ tôi muốn trình bày việc thực hành thiền có thể trợ giúp Kitô hữu trên hành trình thiêng liêng của họ, sau đó tôi sẽ chỉ ra điểm khác biệt giữa hai linh đạo này.

Điều gì biến đổi một thiền nhân thành một Kitô hữu ?


Có ba điểm quan trọng:

- Hiệp nhất thân xác với tinh thần. Linh đạo của chúng ta, vốn chịu ảnh hưởng của thuyết Platon, đã tách biệt rõ ràng linh hồn và thân xác. Linh đạo là dấu chỉ tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Thế nhưng, linh đạo này đi ngược lại Kinh Thánh, vốn luôn coi thân xác như là biểu hiện của thần khí, và nhất là đi ngược lại với mầu nhiệm vượt qua, vốn quan niệm thân xác con người được mời gọi tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu. Trong chiêm niệm thiền, thân xác hoàn toàn chú ý vào sự tiến triển của tinh thần và sự chiêm niệm thiền tập trung vào một khía cạnh nền tảng, một khía cạnh tiến triển theo chiều thẳng đứng, và hiệp nhất đất với trời. Yếu tố thẳng đứng này làm cho con người nổi bật hơn so với loài vật. Đức Kitô đã chẳng đôi lần nói rằng : “Hãy đứng dậy và đi” đó sao? Thiền nhấn mạnh nhiều đến những bộ phận bên ngoài của thân thể : khuôn mặt, bộ ngực, xương chậu, nhằm giúp thoát ra khỏi “cái tôi”. Hơn nữa, trong thiền, hơi thở cũng hỗ trợ cho việc chiêm niệm. Ngoài ra, trong toàn bộ Kinh Thánh, hơi thở luôn luôn là biểu tượng của Thần Khí. Chính trong hơi thở phát ra mà người chiêm niệm biết nới lỏng, buông xuôi, và trao tặng. Hơi thở được liên kết chặt chẽ với tính năng động của sự sống. Cũng chính trong khi thở ra, con người có thể để cho mình bị xâm chiếm bởi một năng lực giúp vượt thắng những yếu đuối của mình.

- Thiền là yếu tố hiệp nhất. Khi nhấn mạnh đến việc buông xuôi và từ bỏ, chiêm niệm thiền sẽ giúp cho người chiêm niệm đi ra khỏi mọi chỗ ẩn núp. Trong những nơi ẩn núp đó, người ấy có khuynh hướng trốn tránh thực tại để ẩn mình trong những cảm xúc, trong những bản năng. Chiêm niệm thiền cũng giúp cho người chiêm niệm ra khỏi tất cả những nơi đó để tìm lại đời sống nội tâm. Thiền cho phép chúng ta học lại những gì mà người ta rất hay lãng quên trong linh đạo Kitô giáo.

Ban đầu, người chiêm niệm thiền sẽ tự đồng hoá mình với trung tâm của đời sống (hara), để dần dần tiến gần đến con tim sâu thẳm; đây là nơi mà “cái tôi” cắm rễ để biểu lộ toàn bộ những gì người ấy là: thân xác - tinh thần. Các Phật tử gọi cái toàn bộ ấy là “sự trống rỗng” (mu), bởi vì ở đó, chính chúng ta đã trở nên trống rỗng nơi chính mình, để sẵn sàng ở trong tình trạng trở nên cái toàn thể, giống như đức Kitô trong cuộc Vượt qua của Người.

- Thinh lặng và hài hòa. Khi ra khỏi chính mình, thiền nhân thấy mình hòa hợp trọn vẹn với thiên nhiên, với vũ trụ và con người. Thiền nhân thấm nhập vào trong con tim của thiên nhiên và của con người. Khi trải qua một tuần lễ học thiền, tôi cảm nhận rất rõ về sự hiệp thông với thiên nhiên và với những nhà sư trẻ xung quanh tôi. Việc này đưa đến một sự hiện diện thực sự, một sự thinh lặng nội tâm cao độ và một sự bình an đích thực.

Điều khác biệt giữa Phật giáo và Kitô giáo


Tất cả những gì mà thiền mang lại cho Kitô giáo có thể được xem như một giai đoạn trong đời sống thiêng liêng, đồng thời sự nguy hại cũng có ở trong đó nữa. Khi cử hành Thánh Thể trong đan viện thiền, tôi nói rằng chính ở đó tôi cử hành Thánh Thể sốt sắng hơn, bởi vì mỗi một từ mà tôi đọc hay tôi phát âm đều có một tiếng vọng thâm sâu đi vào tận đáy lòng tôi.

Đối với Kitô hữu, Đấng Tuyệt đối (l’Éternel) mà người ấy phải tin nhận chính là một Thiên Chúa tình yêu và một tình yêu có tương quan, như trong Ba Ngôi cực thánh. Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, được mời gọi để sống trong tình yêu này. Có ba điểm quan trọng tương ứng với ba thái độ của tình yêu, làm cho chúng ta khác với Phật giáo.

- Sự đón nhận. Đối với Kitô hữu, tất cả là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa. Không có gì thuộc về mình mà không phải là đón nhận từ Thiên Chúa, Đấng làm cho con người được sống. Hơi thở cũng là quà tặng của Thiên Chúa, cũng như của Thần Khí mà hơi thở là biểu tượng. Kitô hữu được gọi để trở thành Thiên Chúa, không phải như giọt nước trong đại dương, mà là trở thành con Thiên Chúa, trở thành người đón nhận tất cả từ Cha của mình. Hơn nữa, thái độ đón nhận này buộc phải có sự lắng nghe từ con tim sâu thẳm, lắng nghe người khác và lắng nghe tất cả mọi người. Chính nơi con tim mà Thần Khí kết hợp một hơi thở nào đó với tinh thần của Kitô hữu, để ban cho mọi hoạt động của người ấy một chiều kích khác, một chiều kích thiêng liêng và thánh thiện.

- Quà tặng. Tính năng động thiêng liêng không lấy đi tính năng động riêng của chúng ta, nhưng nó sẽ giúp chúng ta ra khỏi chính mình để phục vụ mọi người xung quanh. Không chỉ thúc đẩy cái “tôi” của chúng ta, tính năng động thiêng liêng này còn làm cho phong phú và phát triển những khả năng, những tiềm năng của cái “tôi” về mặt chân thiện mỹ, hầu giúp chúng ta chia sẻ những điều đó và cũng tham gia vào việc biến đổi thế giới này, làm cho thế giới trở nên nhân bản hơn. Và nhất là, tính năng động thiêng liêng sẽ hiệp nhất với đức Kitô, để cùng với Người, giải phóng con người khỏi tất cả những gì cản trở cuộc sống của họ, tức là tội lỗi.

- Hiệp nhất và hài hòa. Khác với Phật giáo, Kitô giáo là sự hiệp nhất trong tình yêu và vì thế mang tính tương quan. Nếu thiền có thể giúp Kitô hữu giữ một khoảng cách đối với mọi sự, chính là cho phép người ấy sống sự hiệp thông đích thực, “anh ở trong tôi, tôi ở trong anh”. Cái “tôi” tìm thấy bản chất đích thực của mình, và thiền nhân là chính mình trong cộng đoàn yêu thương.