Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

ĐẠO TỪ BI

Thời sự Thần học – Số 1, tháng 3/2009, tr. 161-171

_Giuse Văn Hoà & Phaolô Chu Vũ_


Đức Phật nhận xét cuộc đời là bể khổ đau. Khi trải nghiệm cuộc đời, không ít người cũng đã từng thốt lên: đời là vũng đầy nước mắt. Tất cả chúng sinh chung chia với nhau những cảnh phiền muộn của cuộc hiện sinh. Khao khát tìm một con đường giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ đau, Đức Phật đã giác ngộ. Người ban truyền “Tứ Diệu Đế”, như một nẻo đường giúp những ai muốn thoát cảnh khổ đau tu luyện mà đạt đạo giác ngộ. Song, nào mấy ai đã đi trọn con đường “tự độ” khổ hạnh của Tứ Diệu Đế? Con đường ấy dường như đóng lại trước phần lớn chúng sinh là những kẻ còn đang phải trăm mối tơ vò với cuộc mưu sinh.

Bản tính “hướng tha” của loài người nơi những kẻ tu hành chân chính không cho phép họ sống mà lãng quên tha nhân. Họ muốn thoát cảnh khổ đau, nhưng không chỉ cho họ mà còn cho cả tha nhân, tất cả mọi người. Họ muốn có một “cỗ xe” lớn hơn để chuyên chở thật nhiều người tới bến bờ giác ngộ. Họ muốn có một con đường “thênh thang” hơn để mọi người, tay trong tay, giúp nhau cùng tiến tới cõi lạc. Và họ, những vị Bồ-tát, đã khai mở một con đường cứu độ mới cho Phật giáo, con đường có tên “Đạo từ bi”.

I. Đạo từ bi


1. Sự xuất hiện


Vào khoảng thế kỷ thứ I tCN, giáo lý Phật giáo đã có một sự biến chuyển lớn về nội dung. Từ đó, phát sinh hai trường phái: Một là phái truyền thống, họ muốn giữ nguyên giáo lý cũ với chủ trương “tự độ”, lý tưởng là sự giác ngộ cho riêng bản thân. Hai là phái canh tân, họ mong muốn khai mở một con đường giải thoát “dễ đi” hơn cho số đông chúng sinh cùng được giác ngộ, lý tưởng là giác ngộ để cứu độ chúng sinh. Vì thế, phái canh tân nhận mình là Đại Thừa – “Cỗ xe lớn”, và gọi phái truyền thống là Tiểu Thừa – “Cỗ xe nhỏ”.

Có thể nói, giáo lý của Phật giáo đã đạt được một bước tiến dài: từ quan niệm nguyên thuỷ nhấn mạnh sự giải thoát mang tính “tự lực” và hướng nội, nay sự xuất hiện Phật giáo Đại Thừa, quan niệm về sự cứu độ đã chuyển sang tính cách “tha lực” và hướng tha. Trong đó, lòng từ bi là yếu tố căn cốt để thực hiện sự cứu độ mang tính “tha lực”.

Một trong những Tông phái lớn của Đại Thừa là Tịnh độ tông. Môn phái này do một vị cao tăng Trung Quốc là Huệ Viễn (334 – 416) sáng lập. Vị sư này chủ trương “tín tâm” vào Đức Phật từ vi vô lượng để được ngài phổ độ. Đến thế kỷ XII, sư Pháp Nhiên (1133-1212) được kể là chính thức thành lập Tịnh độ tông. Sư quan niệm trong thời mạt pháp, phần đông kẻ muốn tu tập Phật pháp đều là những chúng sinh còn mắc nhiều nghiệp chướng trong bể khổ đau, nên thật khó có thể đi trọn con đường giải thoát do tự độ. Vì vậy, ngài khai mở một con đường giải thoát “dễ đi” hơn, con đường cứu độ do thâm tín vào lòng từ bi của Đức Phật và chư vị Bồ-Tát, cũng như do chính công đức từ bi của người tu tập Phật pháp. Giáo lý mới mẻ này thu phục được rất nhiều tín hữu. Họ quy tụ và nhanh chóng lập nên một tông phái lớn. Tịnh độ tông phát triển mạnh tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Xin được vắn tắt về Tịnh độ tông: đây là môn phái tu học giúp kẻ tu hành được tái sinh vào cõi Cực lạc của Đức Phật A-di-đà. Muốn đạt được cõi này, kẻ tu hành cần phải trau dồi thiện nghiệp xuất phát từ lòng từ bi thề nguyện cho tất cả chúng sinh được giải thoát, được an lạc. Đồng thời, họ phải có lòng tin tín thành nơi Đức Phật A-di-đà từ bi và sức mạnh cứu độ của ngài, là vị đã thề nguyện cứu độ mọi chúng sinh khi quán tưởng đến ngài. Kinh sách của Tịnh độ tông gồm ba bộ Kinh: (1) Kinh Đại Vô Lượng thọ nói về tiền thân Đức Phật A-di-đà khi còn là Pháp-Tạng Tỳ kheo đã phát nguyện 48 lời nguyện để cứu độ chúng sinh. (2) Kinh A-di-đà miêu tả thế giới Cực lạc. (3) Kinh Quán-Vô-Lượng-thọ nói về phép quán tưởng niệm Phật.

2. Đặc tính của từ bi


a. Từ bi là gì?

“Từ bi” diễn tả ba ý niệm: (1) “maitri” nghĩa là lòng tốt, sự tử tế trong cung cách đối xử với tha nhân; (2) “karuna” nghĩa là lòng thương xót, thương hại khi nhìn thấy đau khổ của tha nhân; (3) “dana” nghĩa là bố thí, giúp đỡ người đau khổ. Hoặc nếu xét về ý nghĩa, người ta phân biệt ba loại từ bi theo cấp độ: (1) từ bi là xử sự tốt lành đối với mọi chúng sinh theo lẽ thường; (2) từ bi là kết quả của việc chứng ngộ được tính vô ngã của tất cả các pháp; (3) từ bi là tấm lòng đại từ đại bi không phân biệt, không điều kiện.[1]

Từ bi là đức hạnh chính của nhà Phật và cũng là tâm lý cốt yếu của Bồ-tát. Đức từ bi biểu hiện qua lời thề nguyện cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi cảnh luân hồi. Nói cách khác, từ bi mang tính chất thực tiễn, hiện thực, hiện thế, hầu cứu vớt nhân loại khổ đau. Người có tâm từ bi thì có tình thương yêu và lòng thương xót. Nếu tình thương yêu có khả năng làm cho chúng sinh an vui, thì lòng thương xót có thể cứu chúng sinh thoát cảnh lầm than.

Vậy, từ bi trong Phật giáo là “khả năng nhận thức rằng mọi sinh linh có cảm giác, từ con người đến các sinh vật khác đều gánh chịu khổ đau, khi nào các sinh linh ấy chưa được giác ngộ và giải thoát, thì từ bi chính là ước vọng mãnh liệt thúc đẩy ta phải giải thoát cho tất cả mọi chúng sinh, trong đó có cả ta, ra khỏi khổ đau.”[2]

b. Đặc tính

Từ bi trong Phật giáo thuộc về tâm thức gọi là Tứ Vô Lượng Tâm, nghĩa là bốn món tâm rộng lớn khôn lường gồm: từ, bi, hỷ, xả. ‘Tứ Vô Lượng’ nghĩa là tâm lành và hướng về chúng sinh. ‘Bi Vô Lượng’ là xót thương và cứu giúp tất cả các chúng sinh. Thế nên, từ bi có các đặc tính sau:[3]

Thứ nhất, từ bi bao la đến độ không phạm vi, không giới hạn. Từ bi phát khởi từ gia đình ra ngoài xã hội; từ chủng tộc đến nhân loại và lan toả khắp chúng sinh. Ai đau khổ nhiều cần được cứu nhiều. Ai khổ đau ít được cứu ít. Thế nhưng, mục đích của từ bi là làm cho mọi người thoát khổ và an vui như nhau, và từ bi sẽ tuỳ trường hợp để ban phát tình thương cho xứng hợp.

Thứ hai, từ bi không những bao la mà còn sáng suốt. Trí tuệ Phật giáo soi sáng người tu hành biết vượt lên trên cái ngã hẹp hòi để nhận thức được rằng “tất cả là mình và mình là tất cả”. Từ bi là tình thương phát xuất từ sự sống, yêu quý sự sống và quyết tâm diệt trừ đau khổ đang bám víu nơi sự sống. Sự sống ấy bình đẳng sáng suốt thì từ bi cũng bình đẳng, anh minh.

Thứ ba, từ bi phải đi đôi với công bình. Nếu đối tượng của từ bi là tha nhân, chúng sinh thì đức từ bi phải kết hợp với đức công bình. Khi ấy, mọi người đều phải tôn trọng quyền lợi của kẻ khác, không thể có những hành vi bất chính hay làm tổn thương chúng sinh. Đó chính là con đường đưa cái ngã của ta đến sự giải thoát.

c. Giáo lý về đức từ bi

Nếu đức từ bi thúc đẩy Đức Phật đi tìm đạo giải thoát chúng sinh thì giáo lý nhà Phật coi đức từ bi là Pháp, là giáo lý căn bản hàng đầu. Chủ trương từ bi phát triển mạnh trong Phật giáo Đại Thừa nên có thể nói “đại bi là nền tảng của tất cả Phật pháp.”[4]

Dựa trên kinh nghiệm của Đức Phật, trước hết giáo lý Phật giáo Đại Thừa lấy từ bi làm gốc “cây Bồ Đề lớn mạnh nhờ bám sâu gốc rễ trong đất, kẻ tu hành lấy từ bi, lợi lạc hữu tình làm lẽ sống.”[5] Giáo lý đạo Phật dựa trên ba điểm chính: bi (mở rộng tình thương), trí (mở rộng trí tuệ), dũng (mở rộng nghị lực). Thiếu một trong ba yếu tố trên, kẻ tu hành Phật pháp không thể đạt đạo giác ngộ. Thế nên, nhà Phật có câu: “Trí không bi là trí điêu xảo. Bi không trí là bi mù loà.” Trí làm cho bi sáng suốt, bi làm cho trí thuần lương. Bi và trí được coi là trụ cột, như hai bánh xe của một cỗ xe.[6]

Thứ đến, giáo lý Phật giáo Đại thừa chủ trương từ bi vô lượng. Từ bi không giới hạn sinh linh mà còn tràn ngập đến muôn vàn chúng sinh. Từ bi không giới hạn hy sinh về phía mình, mà trái lại làm mọi cách để hy vọng giải thoát chúng sinh. Ngoài ra, đạo từ bi không chỉ cứu vớt cách thiêng liêng mà còn cứu vớt cả thể xác. Đó là những hành động như cho kẻ đói ăn, nâng đỡ kẻ bất hạnh, cứu giúp kẻ gặp gian nguy. Đặc biệt, cứu vớt có thể hy sinh, xét theo từ bi vô lượng, thì sẵn sàng xả thân cứu giúp. Nhà sư Âryasangha thấy lũ chó sói xông vào cắn xé một con chó nhà, ông bèn suy tính: nếu ta để vậy thì chú chó nhà chết mất, bằng như tìm cách đuổi đàn sói đi, thì chúng cũng chết đói thôi. Thế rồi ông đi đến quyết định, cũng là giải pháp lưỡng toàn: cắt thịt mình quăng cho lũ chó sói ăn để chúng buông tha chú chó nhà.[7]

Sau cùng, giáo lý nhà Phật đặt từ bi trên nguyên tắc bình đẳng. Người có tâm từ bi coi mọi chúng sinh bình đẳng như nhau, không phân biệt bạn hay thù, người thân hay kẻ lạ. Phật giáo vốn chủ trương vong ngã, loại bỏ cái ‘tôi’, nên còn thấy ai trong chúng sinh là thù hay bạn thì chưa có tâm từ bi đích thực. Thế nên, trong phép ‘từ bi quán’, giáo lý nhà Phật thường khuyên các Phật tử tập luyện bằng hai cách: (1) mở rộng tình thương từ những người thân thuộc đến kẻ xa lạ và cuối cùng không còn ai là kẻ thù, thậm chí thương kẻ thù như người thân nhất; (2) mở rộng tình thương bằng cách đi ngược lại từ kẻ thù ghê gớm nhất cho đến kẻ thân thiện nhất, đến độ không còn phân biệt kẻ thù và người thân. Thực hiện hai cách trên là tâm đạt đến từ bi bình đẳng.[8]

II. Mẫu gương sống đạo từ bi


Phật giáo Đại Thừa có hai mẫu gương thâm diệu về đức hạnh từ bi, đó là Phật A-di-đà và các vị Bồ-tát

1. Đức Phật A-di-đà


Giáo lý của Đại Thừa về sự cứu độ mang tính “tha lực”, khởi đi từ một cái nhìn mới mẻ về bản thân Đức Phật. Theo đó, Đức Phật không chỉ là một con người đã giác ngộ, mà còn là một Đấng linh thiêng. Ngài là Đức Phật A-di-đà, nghĩa là Phật của ánh quang vô tận, Phật Vô-lượng-quang: biểu tượng cho trí tuệ viên mãn hay cho Pháp thân. Ngài cũng được gọi là Phật Vô-lượng-thọ: biểu tượng của đời sống vĩnh cửu, cho sự sống vĩnh cửu và giải thoát hoàn toàn khỏi bể khổ đau.

Nguyên là một thái tử Tất-đạt-la, sau khi tìm được Tứ Diệu đế giúp chúng sinh giải thoát, ngài đã nhập Niết bàn. Nhưng vì lòng từ bi thương xót chúng sinh còn trầm luân nơi bể khổ đau, nên ngài đã “hoá thân”, trở lại cõi trần mà giáo hoá và cứu giúp chúng sinh thoát khổ. Người ta nói đến Tam thân của Đức Phật: (1) Pháp thân: tiền thân thường hằng, thường trụ, không biến đổi; (2) Báo thân: thân lịch sử, lụy thuộc vòng sinh tử. (3) Ứng thân: thân tùy duyên hiện ra để giáo hoá chúng sinh.

Vì vậy, Đức Phật A-di-đà trở nên mẫu gương về lòng từ bi thâm diệu cho kẻ tu hành Phật pháp. Theo kinh Đại Vô-lượng-thọ, khi còn là tỳ-kheo, Đức Phật đã lập ra 48 lời thề nguyện giúp chúng sinh giải thoát. Các lời thề nguyện thứ 18-20 được kể là quan trọng nhất. Xin đơn cử lời nguyện thứ 20:

Tôi thành Phật rồi, nguyện rằng những chúng sinh trong Mười phương nếu nghe danh hiệu tôi, thường nhớ đến nước tôi, dốc lòng làm các việc công đức để sinh về nước tôi, thì họ được mãn nguyện ngay. Nếu không được như vậy, tôi quyết chẳng thành Phật.[9]

Diệu pháp Liên hoa Kinh mô tả về lòng từ bi của Đức Phật qua những câu chuyện thật sinh động. Ngài được ví như một người cha động lòng trắc ẩn, đến cứu vớt chúng sinh là con cái của ngài đang bị giam cầm trong ngục lửa. Ngài đã dùng hết tài trí, năng lực của mình mà tìm cách đưa các con vượt qua biển lửa của sinh lão bệnh tử, của vô minh, dục vọng và hận thù. Ngài giáo hoá cho họ đạt được tuệ giác vô thường. Chúng sinh chìm trong biển lửa mà họ cứ mải mê, không hề hay biết, không muốn tìm đường thoát thân. Đức Phật đã phải tìm cách đưa ra ba cỗ xe khuyến dụ họ bước lên hầu thoát khỏi đại hoạ, đó là cỗ xe Thanh văn, cỗ xe Duyên giác, cỗ xe Phật đà. Hai cỗ xe đầu tượng trưng những cố gắng để đạt đến tuệ giác; còn cỗ xe Phật đà tượng trưng cho sự tin tưởng cầu khẩn các bồ tát, và rồi cũng được đưa tới Niết bàn. Vì vậy, các tín hữu Phật giáo tôn kính Đức Phật với danh hiệu “Phật Đại-bi”.

Tương truyền rằng trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật đã căn dặn và truyền lệnh cho các đệ tử tuân giữ và thực thi đức từ bi: “Này các tỳ kheo từ tâm rộng lớn vô lượng, vô biên. Người khéo tu là người mở rộng Từ tâm đối với hết thảy muôn loài chúng sinh khắp mười phương thế giới. Bi tâm cũng vậy.”[10] Phải chăng từ bi là phẩm tính cao cả của Đức Phật đưa đến giác ngộ và giải thoát cho chính mình và chúng sinh?

Theo Đức Phật, từ bi là một trong những phương cách dẫn đến con đường cứu độ. Lòng từ bi được diễn tả bằng việc yêu mến thiên nhiên, muông thú và con người. Với thiên nhiên, Đức Phật yêu từng cánh hoa, ngọn cỏ. Khi lên bảy, Đức Phật đã có lần rơi luỵ xuống những luống đất đang bị cày xới vì những sinh vật đang giành giựt để bảo vệ mạng sống riêng của chúng. Với muông thú, tình thương của Đức Phật mở rộng đến độ “không thể thấy một con chim bị bắn mà không cứu, một con cừu con bị què chân mà không bồng nó lên.”[11] Đặc biệt với con người, lòng từ bi của Đức Phật càng sâu đậm, da diết. Khi chứng kiến những nỗi vất vả khó nhọc của chúng sinh, Đức Phật thao thức, canh cánh nỗi ưu tư muốn giải thoát chúng sinh. Đứng trước những nghịch cảnh đáng thương của người khác, Đức Phật khắc khoải đến độ muốn hoà mình trong nỗi đau xót xa của đồng liêu hầu mong giảm bớt những gánh nặng tủi hờn. Lòng từ bi cao cả của Đức Phật đã khiến người từ bỏ tất cả, ngay cả gia đình, quyết tâm tu thân tích đức để tìm đạo cứu đời. Đức Phật không quản ngại khi đi thuyết pháp, và cũng không ngừng thuyết pháp ngày nào cho đến phút cuối trong vòng 49 năm. Lòng từ bi thôi thúc Đức Phật lăn lộn trên khắp nước Ấn độ với phương châm “nếu còn một chúng sinh nào chưa thành Phật thì ta quyết chưa thành Phật.”[12]

Quả thực, Đức Phật đã nhận lấy đau khổ của chúng sinh làm của mình nên quyết chí tu thân tích đức, xuất gia tầm đạo hầu cứu độ chúng sinh. Muốn thế, Đức Phật khởi phát từ tâm bi để chúng sinh bớt khổ. Thế nên khi đã giác ngộ, Đức Phật truyền lại cho hậu duệ những khuôn vàng thước ngọc về đức từ bi: “Với người dữ, ta nên ở lành, với người câu nệ, ta không nên câu nệ, với người gian tham, ta chớ nên gian tham. Hãy lấy từ bi đáp lại nộ khí ấy, lấy thành thực đáp lại điêu ngoa, lấy lành đáp dữ.”[13]

2. Các vị Bồ-tát


Bên cạnh Đức Phật A-di-đà Đại bi, còn có các chư vị Bồ-tát cũng được kể là những vị nổi bật về lòng từ bi phổ độ chúng sinh. Với Phật giáo nguyên thủy, lý tưởng của kẻ tu theo Phật là trở thành “A-la-hán”, nghĩa là tu tập để tự giác ngộ nhập Niết Bàn. Đến thời Phật giáo Đại thừa, lý tưởng “A-la-hán” được thay thế bởi lý tưởng “Bồ-tát”. Yếu tố căn bản của lý tưởng “Bồ-tát” là lòng từ bi và trí huệ. Vị “Bồ-tát” là kẻ tu đã đạt được Phật quả, nhưng do lòng từ bi thương xót chúng sinh còn trầm luân bể khổ, vị này thề nguyện sẽ không nhập Niết Bàn bao lâu chúng sinh chưa được giải thoát. Vị “Bồ-tát” sẽ hoá thân mà trở về cõi trần giúp đỡ chúng sinh. Chư vị Bồ-tát sẵn sàng lãnh lấy tất cả đau khổ của chúng sinh cũng như hồi hướng công đức của mình để tất cả chúng sinh cũng được giải thoát. Vì vậy, các chư vị Bồ tát cũng là những vị Phật nổi bật về lòng từ bi phổ độ chúng sinh.

Hai vị Đại Bồ-tát ở hai bên tả và hữu của Đức Phật A-di-đà là Quán-thế-âm và Đại Thế Chí. Quán-thế-âm là vị Bồ-tát luôn lắng nghe và sẵn lòng ra tay cứu giúp chúng sinh khổ đau đang kêu cầu danh ngài. Quán-thế-âm Bồ-tát đại diện cho lòng từ bi vô lượng của Đức Phật A-di-đà. Còn Đại Thế Chí là vị Bồ-tát dạy dỗ cho chúng sinh “biết mình cần được giải thoát”. Ngài đại diện cho trí huệ viên mãn của Đức Phật A-di-đà.

III. Thực hành Đạo từ bi


Niềm tin vào các chư Phật Bồ-tát đã hoá thân mà phổ độ chúng sinh thoát khổ là cơ sở cho mối tương quan giữa các tín hữu và các vị Phật: tín tâm và cậy trông vào sự trợ giúp của các ngài. Niềm tin tưởng này được thể hiện qua việc tụng niệm và kêu cầu danh Phật. Việc niệm danh Đức Phật A-di-đà với tất cả sự thành tín và hy vọng sẽ giúp kẻ tu được tái sinh vào cõi Cực lạc của ngài.[14]

Trong khi các tông phái Phật giáo nguyên thuỷ đòi hỏi kẻ tu Phật pháp phải nỗ lực đoạn tuyệt mọi tham ái để được giải thoát, thì Phật giáo đại thừa, như Tịnh độ tông, lại nhấn mạnh rằng kẻ tu sẽ đạt tới sự giải thoát nhờ lòng từ bi của các chư Phật Bồ-tát và công đức do lòng từ bi của chính bản thân. Vì thế, con đường tu tập của họ dựa trên ba nguyên tắc: niềm tin, nguyện lực, hành trì.

1. Niềm tin


Đây là yếu tố căn bản nơi kẻ tu hành Phật pháp. Có bốn điều phải tín tâm: (1) tin rằng vì lòng từ bi, Đức Phật đã truyền dạy những lời chân thật; (2) tin rằng thế giới Cực lạc là có thật; (3) tin rằng chúng sinh còn mắc nhiều nghiệp chướng, không thể chỉ cậy vào sức riêng mình để thoát cảnh sinh tử mà còn phải cậy nhờ vào Đức Phật và chư vị Bồ-tát, luôn sẵn sàng tiếp độ chúng sinh; (4) tin rằng Đức Phật đã có lời thệ nguyện rộng lớn, nếu ai niệm danh hiệu ngài, ước nguyện về nước ngài, thì khi chết chắc chắn sẽ được ngài tiếp nhận vào cõi Cực lạc.

2. Nguyện lực


Tín tâm đưa đến nguyện lực mạnh mẽ là quyết không thoái chí nản lòng tu tập cho đến khi được tái sinh về cõi Cực lạc. Sức thệ nguyện càng lớn càng thâm thì đạo tâm càng kiên cố. Các tu sĩ Phật giáo luôn khởi đầu công phu tu tập của mình bằng tứ hoằng thệ nguyện.[15]
Chúng sinh vô lượng thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

3. Hành trì


Ước nguyện mãnh liệt được biểu hiện qua việc tín thành khẩn niệm “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” mọi nơi, mọi thời khắc và sống đạo từ bi trong đời thường. Vì vậy, kẻ tu Phật pháp không nhất thiết phải vào chùa, mà sống đạo từ bi ngay giữa đời với những công việc thường ngày như mọi người, nên họ được gọi là cư sĩ. Với lòng từ bi, vị cư sĩ nguyện ước cho tất cả chúng sinh thoát cảnh khổ đau; hồi hướng mọi công đức của mình để phổ độ chúng sinh; khát khao đạt tới sự giác ngộ; tích cực tham gia vào việc luyện tập đức hạnh dẫn dắt chúng sinh đạt tới Cõi Phật. Vì thế, cư sĩ phải cống hiến hết mình để gia tăng lòng từ bi.

Lòng từ bi được biểu hiện qua những hoạt động trong cuộc sống thường ngày như: đem an vui đến cho mọi người; cảm thông và gần gũi với mọi người - vui cái vui của người; khổ cái khổ của người; nhận lấy cái vui cái khổ của người làm như của mình. Chia sẻ những của tốt lành cho mọi người, nhất là những ai lâm cảnh khốn khó hoạn nạn, mà không thấy mình là kẻ ban ân, còn người kia là kẻ thọ ân. Đối đãi tử tế với mọi người, tận tâm tận lực cho mọi người, mà không mong cầu người đền đáp. Giúp người cần giúp mà không phân biệt kẻ thân người sơ. Tựa như ánh mặt trời bao trùm vạn vật, lòng từ bi trải rộng khắp đồng đều phước lành thâm diệu cho mọi người, thân cũng như sơ, bạn cũng như thù, giàu cũng như nghèo, nam cũng như nữ, kẻ hư hèn cũng như người đạo đức, …. Ai yêu thương như vậy mới đích thực là người có lòng từ bi.

Theo đó, lòng từ bi nơi kẻ tu hành Phật pháp chỉ đạt tới tầm mức viên mãn khi mọi vọng thức tham ái không còn. Khi nghiệp thức đã sạch, mọi tham ái đã đoạn tuyệt, thì chỉ còn một tâm thể thênh thang bình đẳng bao trùm phủ khắp cõi chúng sinh. Tâm thể này tràn trề một tình yêu thương hướng về tha nhân cách vô điều kiện, không thoả mãn luyến ái riêng tư; lênh láng một tình yêu bao dung không giới hạn, không phân biệt, không còn chủ khách đối đãi. Người có lòng từ bi chân thật sẽ thấy mình đồng hoá với tất cả chúng sinh, không còn phân biệt giữa “ta” và cái “khác ta”. Cái gọi là "ta" lần lần mở rộng, lan tràn khắp cùng càn khôn. Mọi sự chia rẽ đều tan biến tựa như sương mai tan trong nắng sáng. Vạn vật trở thành một. Cho nên ví lòng từ bi thênh thang như trời cao, bát ngát như bể cả. Từ bi trong chỗ không phân biệt không dụng công nên gọi là vô duyên từ.

Khi đạt tới mức từ bi thâm diệu, kẻ tu hành Phật pháp đạt tới cảnh giới trí huệ cao vời và đức hạnh toàn vẹn. Họ cống hiến đời mình một cách vô vị lợi vì người khác, bất kể người đó là ai. Như vậy, họ đã thực sự dứt bỏ mọi lòng tham dục lạc, thoát cảnh luân hồi, và họ tiến về cõi Tây phương cực lạc của các chư Phật Bồ-tát.

Kết luận


Đạo từ bi - nẻo đường cứu độ nhờ “tha lực” của Phật giáo Đại Thừa đã cống hiến cho nhân loại một triết lý sống thật đẹp. Kẻ tu hành Phật pháp chỉ đạt tới Cõi Lạc khi họ hoàn toàn cống hiến lòng từ bi cho tha nhân một cách vô vị lợi. Từ bi không hẳn là một lý tưởng tốt đẹp cho người đời chiêm ngắm, mà trái lại từ bi là một sức mạnh hoạt động không ngừng để Phật tử tu luyện. Người có tâm “từ bi” hoạt động tích cực, một mặt sẽ thấy mình đồng hoá với chúng sinh, không còn phân biệt mình với người; mặt khác sẽ thấy niềm vui của mình được trọn vẹn vì đã giải thoát đau khổ cho chúng sinh như giải thoát cho chính mình. Giáo lý đạo Phật, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa đã cho thấy những nét đặc trưng và đường hướng của đức từ bi hầu cứu độ chúng sinh. Qua đó, từ bi của Phật giáo đã giúp chúng sinh ý thức về sự bình đẳng và thoát tục, mở rộng cõi lòng để yêu thương mọi sinh vật trên hành tinh này. Điều ấy quả phù hợp với với trào lưu sinh thái học và bảo vệ môi trường hiện nay.[16] Hơn nữa, hai tấm gương đức Phật và Bồ Tát sẽ là nguồn động viên để Phật tử không ngừng học hỏi và tu luyện theo phép ‘từ bi quán’.

Chuyện kể rằng trong một buổi thiền định, một vị lạt ma lên tiếng hỏi các đệ tử: “Chúng ta làm những cái này để làm gì ?” Một vài môn sinh lên tiếng trả lời: “Để phát huy tiềm lực của chúng ta” ; “Để tìm được hạnh phúc” ; “Để diệt bớt khổ não”. Vị lạt ma lên tiếng dạy họ: “Đúng, nhưng đó không phải là điều chính yếu. Thiền tập của chúng ta chỉ có một mục đích duy nhất: giải thoát chúng sinh khỏi khổ và đưa họ hạnh phúc.”[17] Câu chuyện trên đã làm toát lên yếu tính của Phật giáo Đại thừa: kẻ tu hành nhận lấy tâm nguyện Bồ-tát, là phát triển trí huệ và lòng từ bi của mình không ngoài mục đích nào khác hơn là cống hiến cho cuộc giải thoát của toàn thể chúng sinh khỏi bể khổ đau, cùng nhau và giúp nhau tiến về Cõi lạc. Một lý tưởng cao đẹp như thế quả là nguồn an ủi lớn lao cho tất cả mọi người đang cùng chung chia những hệ luỵ và đau khổ nơi cuộc trần này. Lòng từ bi sẽ là phương thức diệu kỳ chữa lành những tổn thương, làm tan biến bao khổ đau, bao điều ân oán, bao điều ách nạn cho phận người. Đẹp thay những ai đang sống Đạo từ bi!

Chú thích__

[1] Xc. Đạo Uyển, Từ điển Phật học, Nxb. Tôn giáo, Tái bản lần I – 2006. Hạn từ “từ bi”.
[2] Hoàng Phong, Từ bi trong đạo Phật là gì? Truy cập ngày 19/11/2008; http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/tubidaophat.htm.
[3] Xc. Thích Thiện Hoa, Tám quyển sách quý, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2000, tr. 92-94.
[4] Thích Hằng Trường, Bước chân vào đạo: tu hoa nghiêm Phật pháp, Nxb. Tôn giáo, 2003, tr. 94. Trích lại của Hoành Sơn Hoàng Sỹ Quý, Từ bi Phật giáo với đức ái Kitô giáo.
[5] Thích Thiện Hoa, Tám quyển sách quý, Sđd., tr. 535.
[6] Thích Thiện Hoa, Tám quyển sách quý, Sđd., tr. 536.
[7] Xc. Radhakrishnan, Indian philosophy I, tr. 433. Trích lại của Hoành Sơn Hoàng Sỹ Quý, Tài liệu đã trích dẫn.
[8] Xc. Thích Thiện Hoa, Tám quyển sách quý, Sđd., tr. 536.
[9] Đặng Trung Còn, Các tông phái đạo Phật, Nxb. Thuận Hoá, 1995, tr. 132.
[10] Tỳ Kheo Thích Quảng Lực, Từ bi trong đạo Phật, Truy cập ngày 20.11.2008.
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/024-tubi.htm,
[11] Thích Thiện Hoa, Tám quyển sách quý, Sđd., tr. 96.
[12] Thích Thiện Hoa, Tám quyển sách quý, Sđd., tr. 97.
[13] Thích Thiện Hoa, Tám quyển sách quý, Sđd., tr. 97.
[14] Thuở đầu, Phật giáo chỉ nói đến Niết bàn, được xem là tình trạng đoạn tuyệt với luân hồi. Sau đó, xuất hiện một quan niệm mới : cõi Cực Lạc, nơi không còn cảnh đau khổ mà chỉ toàn niềm vui hạnh phúc. Vì vậy, cõi Cực lạc còn được gọi là An lạc quốc hay Tịnh độ. Đây là cõi Phật A-di-đà cai trị, được ngài dựng lên bằng thiện nghiệp của mình. Đây là cõi cuối cùng mà hành giả phải tái sinh để sau đó đạt tới Niết bàn.
[15] Xc. Từ điển Phật học, ban biên dịch Đạo Uyển, Nxb. Tôn giáo, 2006, tr. 712.
[16] Xc. Hoành Sơn Hoàng Sỹ Quý, Tài liệu đã trích dẫn.
[17] Xc. Nguyện san báo Công giáo và Dân tộc, số 141, tháng 9/2006.