Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

HƯỚNG TỚI MỘT LỐI GIẢI THÍCH MỚI CHO KINH CORAN TRÊN QUÊ HƯƠNG ISLAM

Thời sự Thần học – Số 25-&26, tháng 12/2001, tr. 78-107

_Linh Nguyễn_

(Theo Robert Casparr, “Toward the New Interpretation of The Coran in Islam Countries”)
 
Thế giới Islam hiện đang trên đường tiến hóa. Những đòi hỏi tất yếu để phát triển đang khơi dậy một phong trào suy tư nhằm biến Islam thành một tôn giáo thích ứng với những nhu cầu của thế giới hiện đại. Sau khi chế độ thực dân bị sụp đổ, bản hiến pháp của các quốc gia độc lập đã thiết định những pháp chế và những lối sống họa theo văn minh Tây phương. Tất cả hoạt động kiến tạo nên một xã hội hiện đại đó thường vấp phải những chướng ngại thuộc phạm vi tôn giáo. Không những vấp phải những phản kháng của một thứ Islam truyền thống, bị đông cứng qua bao thế kỷ bảo thủ, được trình bày do một thiểu số những tu sĩ ưu tú truyền thống, những vị “giáo trưởng” của các Đại giáo đường Islam, những người chiếm được nhiều ảnh hưởng trong dân chúng. Nhưng còn vấp phải chính bản văn kinh Coran nếu theo sát mặt chữ. Thí dụ như có những luật đang có khuynh hướng khơi dậy quyền nam nữ bình đẳng, theo tinh thần tuyên ngôn của Hội đồng Liên hiệp quốc năm 1969, trong khi kinh Coran, một mặt cho phép đàn ông Islam được phép lấy vợ thuộc Kitô giáo hay Do thái giáo nhưng lại cấm người phụ nữ Islam kết hôn với người khác đạo (Coran 5,5; 60,10). Đời sống lứa đôi hiện nay đặt căn bản trên luật nhất phu nhất phụ trong khi kinh Coran lại cho phép đa thê (C.4,3). Luật ăn chay vào tháng Ramadan như thấy trong kinh Coran (C. 2,183-187) hình như khó lòng dung hợp với nhịp sống sinh hoạt của đời sống hiện đại cũng như nhu cầu dành hết thời giờ cho công việc… Vậy mà kinh Coran lại là nền tảng thiết yếu và là vật duy nhất không được phép” thay đổi của Islam trong mọi thời. Những nguồn khác như Hadith, Imac, Ra’y còn có thể luôn bị bàn cãi và giải thích lại. Nhưng đối với bản văn kinh Coran thì không thể, Islam là một đạo “Sách thánh” (religion du Livere) còn hơn cả Kitô giáo trong khi chính Kitô giáo lại bị Islam coi là đạo “Sách thánh” mà đúng ra, Kitô giáo là “Đạo của một Ngôi vị”, Đức Giêsu Kitô.

Tính chất “sách vở” và “chữ nghĩa” của Islam còn được tăng thêm do lòng sùng kính hoàn toàn của những người Islam đối với sách thánh… Lòng sùng mộ đó đã được khoa thần học “tôn phong” sau khi xuất hiện những dự tính táo bạo của những thần học gia tiên phong tức những Motazilites, nhằm chứng tỏ rằng kinh Coran xét như được Thiên Chúa truyền đạt cho con người nên phải được hình thành và phải được giải nghĩa theo những qui luật của ngôn ngữ nhân loại. Từ thế kỷ 9 tới nay, tất cả những gì trong kinh Coran, dù là “một chấm một phẩy” đều là lời Thiên Chúa, như một bức thư siêu nhiên được Thiên Chúa “đọc” cho nhà Tiên tri; vị Tiên tri này chỉ có việc lập lại cách trung thực và toàn vẹn Lời của Chúa đến độ cả tính của ông cũng như nền văn minh thời ông chẳng có nghĩa lý gì trong hình thức văn chương và nội dung của kinh Coran. Người ta dễ thấy rằng một quan niệm về mạc khải và về ơn thần hứng như thế sẽ ngăn chặn mọi nỗ lực nhằm rút ra sứ điệp tôn giáo có giá trị cho mọi thời đại, cũng như nhiều khoảng luật rất xác đáng vốn chỉ được hiểu và áp dụng rõ ràng trong xã hội Arập thế kỷ 7.

Dĩ nhiên, Islam đã tiến triển với thời gian, và trong mỗi thời đại, người ta đã thử tìm cách biện minh cho những “canh tân” cần thiết, bằng cách giải thích bản văn mạc khải. Điều đó đã từng kéo dài qua nhiều thế kỷ, vì trước kia, nền văn minh, dù nông thôn hay thành thị, vẫn chưa phát triển và thay đổi. Hiện nay, tình trạng đó không còn thay đổi nữa vì đã có những thay đổi căn rễ. Do cuộc sống tiến triển nhanh chóng, những nhà lãnh đạo thực tế cần phải có những thích nghi. Tuy nhiên, suy tư về thần học và Sách thánh cũng chưa kịp đà tiến đó. Và sự chênh lệch giữa lý thuyết và thực tiễn là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự khó chịu nơi số đông những người Islam. Người ta tiếp tục khẳng định rằng tất cả những gì trong kinh Coran đều phải hiểu và áp dụng theo sát chữ; thế nhưng, tìm đâu ra một nước Islam hiện đại dám áp dụng những “hình luật” (hudud) mà kinh Coran truyền dạy: chặt tay kẻ ăn trộm, ném đá người ngoại tình, đóng đinh kẻ bội giáo vào thập tự… (Taliban hẳn chẳng phải là hiện đại chút nào!)

Thế nghĩa là, một trong những điểm chính và cốt yếu của cuộc tiến hóa trong tôn giáo Islam – xét như một xã hội và một tôn giáo – tùy thuộc vào quan niệm mới về mạc khải trong kinh Coran (chúng tôi không có ý nói đây là điểm chính yếu nhất). người ta vẫn ngạc nhiên khi thấy quan niệm đó không tiến xa hơn bao nhiêu. Rất nhiều tư tưởng gia Islam cảm thấy sự cấp bách của vấn đề này. Nhưng sự câu thúc của một xã hội – vốn đặt nền trên tính chất bất khả xâm phạm của bản văn Coran – vẫn còn giữ được uy quyền tuyệt đối trong phần lớn những nước Islam. Dẫu vậy, những công cuộc khảo cứu đang tiến hành. Ở đây, chúng tôi muốn điểm lại những khảo luận chính trong cách giải thích mới đối với kinh Coran, sau khi đã nhắc lại những nguyên tắc chú giải truyền thống, cổ xưa hơn và không ích lợi gì cho việc đổi mới khoa chú giải đó.

I. KHOA CHÚ GIẢI CỔ ĐIỂN


Kinh Coran đã tự định nghĩa mình như là một cuốn sách “minh bạch” (mubin) 5,15; 6,59; 10,61; 11,6… Nhưng vì được ban bố dưới hình thức thuyết giảng, kinh Coran cho thấy đó là một sáng tác không liên tục, đi từ chủ đề này sang chủ đề khác, với những lần lập lại, những thể văn chuyển cú đột ngột, những lối ám chỉ về các sự kiện hay các ý nghĩ quen thuộc với thính giả thời đó những lại tối nghĩa đối với các thế hệ khác. Mặt khác, tự kinh Coran cũng nhìn nhận rằng nếu như có một số câu thật sáng sủa và rõ ràng, thì cũng không thiếu những câu hàm hồ khác (3,7; 39,23).

1. Nhiệm vụ của nhà chú giải: Chú giải là múc cạn tất cả những khả năng của các khoa học về ngôn ngữ nhằm soi sáng ý nghĩa của kinh Coran và rất thường sau khi đã liệt kê vô số những cách giải thích có thể có, các nhà chú giải cuối cùng phải thú nhận rằng “chỉ mình Thiên Chúa mới biết” (Allah a’lam). Mặt khác, kinh Coran còn tự tuyên bố là mình trọn vẹn và hoàn hảo, vì đã giải nghĩa được mọi điều (5,3; 12,112; 16,89). Tuy nhiên, nó đã không tiên đoán trước những đòi hỏi của cuộc sống cụ thể nơi những thế hệ Islam sau này.

2. Vì vậy, vai trò của các nhà chú giải sẽ là rút từ kinh Coran những nguyên tắc cần thiết cho những áp dụng mới và một cách nào đó “bổ túc” cho kinh Coran bằng việc sử dụng các nguồn khác, nhất là truyền thống của nhà Tiên tri (Sanna, Hadith). Sau cùng, trên bình diện đạo lý, kinh Coran không chút bận tâm trình bày một tổng hợp thần học khả dĩ giải quyết những mâu thuẫn không thể tránh trong tương quan giữa Thiên Chúa và loài thụ tạo. Kinh Coran một trật khẳng định những chân lý bề ngoài xem ra mâu thuẫn nhưng thực ra đó chỉ là những điều “tương phản” và bổ túc cho nhau. Chẳng hạn, Thiên Chúa là Đấng toàn năng và sáng tạo nên tất cả, kể cả những hành vi con người, Người làm cho sống và làm cho chết, làm cho tin hay không. Nhưng con người lại được tự do tin hay không tin, đồng thời có trách nhiệm về hành vi của mình, và con người sẽ bị xét đoán theo những hành vi đó. Lại nữa, niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất là điều mang lại ơn cứu độ; những niềm tin lại không thể không đi liền với những việc làm… Vai trò của thần học Islam chính là dung hòa những mâu thuẫn đó, và hẳn nhiên, mỗi nhà chú giải của mình, sẽ chịu ảnh hưởng của những trường phái thần học mà ông đã xuất thân từ đó. Như thế, ta có những bộ chú giải thuộc khuynh hướng Asharite, Motazilite, Hanbalite, triết lý hoặc thần bí học.

Những nhà chú giải chính kinh Coran, theo thứ tự niên sử, là các vị sau đây:

Abu Ja far Mahomet Al-Tabari, thuộc miền Bắc nước Iran, qua đời năm 923, bộ chú giải của ông gồm 30 cuốn, đặt căn bản trên nguồn Hadith, ông đã trưng dẫn những Hadith làm chỗ dựa cho giải thích khác; nhưng ông cũng tự cho mình được đưa ra những phán đoán riêng, ông thuộc khuynh hướng Asharite.

Zamakhshaari, là người miền Khawarizim (ngày nay là Uzbekistan, Liên Xô), mất năm 1144. Là một nhà ngôn ngữ học, nên những cắt nghĩa văn phạm của ông cho đến nay vẫn còn có uy tín, mặc dù rõ ràng ông thuộc khuynh hướng Motazilite, một trường phái đã bị lãng quên qua nhiều thế kỷ.

Fakhr aldin al-Razi, thuộc miền Têhêran (Ravy), qua đời năm 1209, là một bộ óc vĩ đại, say mê triết lý và thần học. Bộ chú giải đồ sộ của ông gồm 32 cuốn, được sáng tác một cách chặt chẽ và theo một thứ tự hợp lý, những cắt nghĩa của ông thật hoàn bị và thường là rất sắc bén; ông là một nhà Asharite “hiện đại”, cũng như Ghazâri, nghĩa là một thần học gia trung thành với những lập trường của truyền thống, nhưng lại biết trình bày và mở rộng chúng bằng cách sử dụng triết lý Hy lạp.

Badawi, một người Ba Tư thuộc đất Fars (miền Trung nước Iran), mất năm 1286, là một nhà quảng bá tư tưởng không có gì độc đáo, nhưng sở dĩ ông nổi tiếng là nhờ tính cô đọng và súc tích (chỉ có hai cuốn) và nhờ nghệ thuật đúc kết những ý kiến của các bậc tiền bối, rồi trình bày những ý kiến đó trong khi tự xóa nhòa chính mình; ngày nay, tác phẩm của ông trở thành khái luận cổ điển của khoa chú giải trên toàn cõi Islam.

Người ta có thể kể đến một tác giả ở thế kỷ 19, người cuối cùng của khoa chú giải cổ điển: Al-Alusi, thuộc miền Bagdad, qua đời năm 1854, ông được nổi tiếng là nhờ những khuynh hướng thần bí cũng như đầu óc bút chiến chống Kitô giáo.

Sau ông, người ta nói đến thời kỳ “phục hưng”. Về phương diện chú giải, thời kỳ này bị chi phối bởi khuynh hướng chú giải của tạp chí cải cách Al-Manar. Đó là tác phẩm hợp tác giữa hai bậc thầy của trường phái cải cách: Mahomet Abduh, một người Aicập, qua đời năm 1905, là thủ lãnh của trường phái, và Rashid Rida, một người Sirien, miền Tripoli, đất Liban, ông đã đến Ai cập và thụ giáo người “thầy” tuyệt luân là Abduh, ông này mất năm 1935. Bộ chú giải Manar là kết quả của những lời giảng dạy của giáo trưởng Abduh, được sưu tập lại bằng văn viết do một đồ đệ là Rida, ông này thêm vào đó những suy tư riêng của mình. Tuy vậy, vẫn còn một mối nghi ngờ về sự trung thực của người đồ đệ này trong khi thuật lại tư tưởng thầy mình, vị khuynh hướng riêng của Rida thật kém cởi mở so với những khuynh hướng của Abduh. Nhưng điều quan trọng là một phương pháp mời đã được khơi mào bằng bộ chú giải nói trên. Người ta không còn mất nhiều thời giờ với những chỗ lắt léo về văn phạm cũng như các hoàn cảnh mạc khải của một câu nào đó; những Hadith hầu như không bao giờ được trưng dãn nữa. Mọi nỗ lực của các nhà chú giải là nhằm biện minh cho những lý tưởng thiết yếu của chủ trương cải cách: mối tương quan thiết yếu giữa đức tin và hoạt động, vai trò tiên quyết của lý trí, quyền tự do giải nghĩa, chống đoàn hội, chống tiêu cực, kêu gọi khoan dung (không kể những bài bút chiến của Rida chống đạo lý Kitô giáo). Như thế là: dùng kinh Coran để phục vụ cho những luận đề của bộ chú giải Manar hơn là tìm cách rút ra ý nghĩa của kinh bản văn Coran một cách khách quan. Bộ chú giải này là một tổng yếu tuyệt tác về những chủ trương cải cách, nhưng chỉ đem lại một vài tia sáng cho những vấn đề chú giải đúng nghĩa.

Trước khi bàn đến giai đoạn hiện nay, chúng tôi xin giới thiệu một vài hướng chú giải, dầu xuất hiện trong thời hiện tại, nhưng chỉ lập lại những khuynh hướng chú giải cổ điển. Đó là nhiều tập chú giải kinh Coran của một số tạp chí tôn giáo Islam – nhất là Ai cập, đã cho xuất bản cách đều đặn trong các tạp chí định kỳ: như Majallat, Al-Azliar, Liwâ Al-Islam, Jawhar Al-Islam… Một vài tạp chí rất được hâm mộ trong các giới hấp thụ nền giáo dục truyền thống, và điều quan trọng là phải sống theo những tạp chí đó, bởi chúng góp phần hình thành nên ý thức tôn giáo của những người đương thời. Nhưng đó không phải là nơi để chúng ta tìm những khuynh hướng chú giải mới. Cùng lắm người ta chỉ tìm thấy nơi đó một vài điều chỉnh đối với những luận chứng cổ xưa về đức tin và khoa học hiện đại (theo chủ trương hòa hợp), về đạo lý Kitô giáo và về những luận đề của khoa biện giáo thời nay (Islam và nền dân chủ, Islam và chủ nghĩa xã hội). Ở đây, người ta gặp lại phương pháp của bộ chú giải Manar nhưng đã được luyện lọc bớt. Lợi điểm của những tạp chí trên, đó là một phản ánh và tiêu biểu cho các giới truyền thống.

II. NHỮNG KHUYNH HƯỚNG MỚI


Trước vấn đề thích ứng Islam với thế giới hiện đại, các tư tưởng gia Islam đã hiểu rằng vấn đề nằm ở chỗ: phải có một lối giải thích mới về kinh Coran. Trong việc đào tạo trí thức, họ chịu ảnh hưởng sâu xa phải thủ cựu cũng như áp lực của xã hội vốn không chấp nhận việc đụng chạm đến tính chất mạc khải toàn vẹn và từng chữ của kinh Coran, nên đã không cho phép họ được “hưởng” những tiến bộ của các khoa chú giải Tây phương liên quan đặc biệt đến Sách thánh.

Tuy nhiên, các nhà thông thái Tây phương đã không ngần ngại đem áp dụng cho kinh Coran những nguyên tắc giải thích đã được gạn lọc cho Kinh thánh. Từ thế kỷ 19, nhiều công trình nghiên cứu quan trọng về các nguồn của kinh Coran thuộc những truyền thống trước đó: Cựu ước và văn chương của các thầy “rabbi”, Tân ước và các ngụy thư, các truyền thống Sirie, Nestorio, Do thái, kitô giáo… Mặt khác, phương pháp văn hình sử (methode des formes) đã cho phép ấn định các giai đoạn sáng tác kinh Coran và đưa ra một thứ tự niên kỷ khá chính xác đối với mạc khải cảu những sourate (đoạn) hay các phần của sourates. Người ta nghi ngờ đích thực tính của văn bản kinh Coran hiện nay so với sứ điệp đã được Mahomet truyền giảng. Người ta đã sưu tập lại các chương cổ xưa, bị cộng đồng Islam loại bỏ ngay từ kỷ nguyên đầu tiên của Islam và nhận thấy có nhiều điểm khác với bản văn hiện nay. Chẳng hạn, hai chương được xếp sau cùng trong kinh Coran hiện nay thường bị coi là những ngụy thư, đó là những chương dự bị, có tính chất pháp thuật, được thêm vào sau biến cố tìm lại được Xác Thánh. Trước ý thức về đạo Islam ngày càng tiến, người ta hiểu rằng những lần đặt lại vấn đề như thế bị coi như một tội vô đạo ghê gớm, và tác giả của chúng đôi khi bị cấm không được ở trên đất Islam nữa. Chúng ta có thể hy vọng rằng một ngày nào đó, những phương pháp khoa học này sẽ được các nhà nghiên cứu Islam sử dụng lại: Trong khi chờ đợi, chúng tôi tự giới hạn trong việc điểm lại những dự tính nói về giải thích kinh Coran, bằng cách phân biệt đâu là những đường lối sai lạc, điểm nào mở ra một lối giải thích mới có tính cách khoa học hơn và vấn đề nào vẫn đang được bàn cãi.

1. Những đường lối sai lạc


Một trong những khẩu hiệu chính của phái cải cách do M. Abduh và R. Rida chủ trương là “Islam, tôn giáo của lý trí và khoa học”, và cũng trong mối quan tâm biện giáo nhằm chứng minh sự hòa hợp giữa kinh Coran và khoa học hiện đại, một dự tính đầu tiên đã đạt được thành công tương đối vẻ vang trên đất Islam và hiện còn giữ được phần lớn thành quả đó. Đó là dự tính của thuyết hòa hợp (concordisme) – ngụy tạo – khoa học.

Vì được hầu như các tư tưởng gia Islam ủng hộ, trong suốt 80 năm, dự tính đó đã tìm được biểu tượng và người truyền giảng sứ điệp của mình là giáo trưởng Ai cập Tantawi Jawhari (1862-1940). Với bộ chú giải đồ sộ gồm 26 cuốn, ông cố gắng chứng minh rằng tất cả khoa học hiện đại đều đã được mạc khải trong kinh Coran: y học, thiên văn, tâm lý, kể cả thông linh học; và thậm chí những phát minh gần đây nhất như vi trùng học, điện khí và những thuyết mới như thuyết tiến hóa của Darwin đã được nói đến trong kinh Coran.

Thời giáo trưởng Tantawi, tuy có nhiều người chống đối, nhưng hầu như không có năm nào mà không có những tác giả mới ủng hộ thuyết hòa hợp, theo đà tiến triển của các khám phá và khai thác của khoa học hiện đại. Tương tự như thế, một tác phẩm khác của một người Maroc, xuất bản tại Cairô năm 1958, đã tìm thấy trong kinh Coran lời loan báo về đường hòa xa, xe hơi, tàu bay, bom nguyên tử (kinh Coran đã nói về nguyên tử theo nghĩa một đơn vị nhỏ nhất trong các vật, 99,7-8), nói về điện thoại, truyền thanh, máy điện báo, ngành ấn loát, tàu ngầm, máy hát đĩa, máy thu băng, xiếc thuật, chó săn… người ta còn có thể liệt kê danh sách dài hơn nữa.

Và sẽ không có ai ngạc nhiên khi thấy rằng sự thành công của các phi hành gia Hoa Kỳ trên mặt trăng đã được nhiều tạp chí truyền thống của thế giới Islam tìm thấy trong kinh Coran; trong đoạn: “Hỡi các dân thần thánh và nhân loại, nếu các ngươi được phép vượt ra ngoài biên cương của trời đất, thì hãy vượt qua đi!” Ngoài ra, còn phải vận dụng một năng lực tương xứng mới đạt được điều đó (C. 55,33). Thật vậy, đoạn 35 còn thêm: “Người ta sẽ phóng tên lửa và nã đại bác trên các ngươi và các ngươi sẽ bị đánh bại”. Nhưng một trong các tạp chí kể trên còn thêm rằng đoạn này chỉ tiên đoán sự thất bại về mặt tâm linh của một Tây phương hủ bại, bất kể sự thành công về phương diện vật chất của nó.

Người ta rất có thể sẽ mỉm cười trước một lối giải thích như thế. Nhưng người ta sẽ khiêm tốn hơn khi nhớ lại rằng Kitô giáo Tây phương cách đó vài thập niên cũng đã từng áp dụng thuyết hòa hợp Kinh thánh – Khoa học. Cũng nên biết rằng, phần lớn các nhà tư tưởng Islam rõ ràng bài bác chủ trương hòa hợp ngây ngô đó bằng những lời lẽ rất có uy tín. Sau cùng, người ta sẽ thận trọng hơn khi nghĩ rằng một số lớn những người Islam, kể cả các thanh niên trung học và thậm chí các sinh viên đại học nữa, đều tưởng rằng như thế là giữ được niềm tin vào Thiên Chúa và mạc khải trong kinh Coran. Ở đây, vấn đề không phải là phỉ báng thuyết hòa hợp mà là hướng những người tín hữu tới những lý do chân thực của niềm tin.

2. Những dự tính chết trong trứng nước.


Có một dự tính mới và hoàn toàn khác được đem áp dụng vào kinh Coran, và là một trong những khuynh hướng thần học mới nhất về khoa chú giải Kinh thánh, xuất hiện đúng vào lúc chủ trương “giải trừ huyền thoại” của Bultmann chào đời. Dự tính đó đã được khai sáng do một nhà bác học trẻ tuổi người Ai cập Hasan Hanafi. Khi cong theo học tại Paris, ông đã cho ra đời một luận đề công phu nhan đề: Những phương pháp chú giải – Lược khảo về các nền tảng của sự lãnh hội. Thực ra, cuộc thử nghiệm đã chết ngay trong trứng nước. Ông đã khởi đi thật vô cùng táo bạo: Ở Paris, do được hấp thụ giảng huấn của các triết gia tôn giáo như: J. Guitton, P. Ricoeur, J. Wahl…, ông đã dám đổi ngược ý nghĩa của Coran theo chiều hướng của một nền nhân học. Theo ông, kinh Coran lúc đầu không phải là một mạc khải về Thiên Chúa, Đấng vẫn còn ẩn giấu trong mầu nhiệm của Người, mà là mạc khải về con người, nhằm ban cho con người những luật lệ cần thiết cho đời sống của họ qua một tổ chức pháp định của công đồng Islam nguyên thủy. Hơn nữa, mạc khải trong kinh Coran là “cảm nghiệm nhân loại” của Mahomet và những người đồng chí hướng đầu tiên của ông; từ “kinh nghiệm vô danh” đã trải ra đến tận kinh nghiệm của nhân loại nói chung: và kinh nghiệm đó đã được sưu tập, phác thảo, cũng như truyền đạt qua những thế hệ tiên khởi, và chính những thế hệ này đã được linh hứng với “những kinh nghiệm đặc quyền”. Bản thân kinh nghiệm của Mahomet không là gì khác ngoài việc ý thức về một thực tại nhân loại vươn tới sự thật thần linh của nó. Ở đây, người ta dễ dàng nhận ra, theo khoa chú giải Tin mừng của Kitô giáo hiện nay, là kinh nghiệm của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi và mạc khải về Đức Giêsu Kitô là một kinh nghiệm nhân loại có tính chất đặc quyền.

Hanafi đã tố cáo cả một nền chú giải cổ điển – theo kiểu “thần học”, khởi đi từ chính bản văn mạc khải xét như một điều tuyệt đối và chi phối mọi triển khai sau này. Ông đã gọi nó là khoa chú giải “hướng lên” khởi từ “sự hiểu biết chính xác” về kinh nghiệm vô danh, gốc gác, hoàn cảnh cụ thể của Mahomet, cũng như tìm hiểu phong tục, tập quán của cộng đồng tiên khởi. Đó là thay thế khoa thần học bằng một nền nhân học: Tôn giáo xét như một tín điều đã bị khai trừ; khoa thần học xét như một giáo thuyết đã bị cô lập, thay vào đó là một nền nhân học với ý thức cá nhân. Khoa thần học được coi như một khoa nhân học. “Tri thức về Thiên Chúa” được trình bày như khoa học về con người.

Mặt khác, các khoa chú giải truyền thống đã cung cấp một điểm tựa nhằm đặt mạc khải Coran vào bối cảnh lịch sử của nó, và Hanafi đã nắm ngay lấy điều đó. Đó là “khoa học về các cơ hội mạc khải”. Ngay từ đầu, tất cả các nhà chú giải Islam nghĩ rằng có lẽ mạc khải kinh Coran đã được ban toàn vẹn một lần duy nhất cho Mahomet trong cái đêm nổi tiếng ấy, “đêm định mệnh”, sau đó nó chỉ được lập lại “từng phần” trải qua 20 năm trời từ lần mạc khải đầu tiên tới ngày vị Tiên tri từ trần (632). Mỗi một mạc khải thường đã xảy đến nhân một sự kiện hay một nghi vấn nhất định. Vì kinh Coran nhiều lần nói về cùng một chủ đề, chẳng hạn lệnh cấm dùng các đồ uống lên men, và lại nói bằng những từ ngữ khác nhau, nên điều quan trọng là nhận ra thứ tự niên kỷ của những mạc khải đó để biết mạc khải nào xuất hiện sau cùng, và do đó có tính chất quyết định đồng thời loại trừ tất cả những mạc khải trước đó về cùng một chủ đề. Vì vậy, các nhà chú giải và các nhà lập pháp (vì nói chung đây là những khoản luật) đã phải đào sâu khoa học này nhằm xác định mạc khải trên đã được nêu lên vào thời điểm nào trong đời sống Vị Tiên tri.

Khi nối dài và mở rộng khoa học về những cơ hội mạc khải, Hanafi muốn biến nó thành khởi điểm cho phương pháp của ông, và qua những hoàn cảnh lịch sử trong đời sống Mahomet, cũng như căn cứ vào môi trường sống của vị Tiên tri, ông muốn tìm ra đâu là kinh nghiệm nhân loại độc đáo của vị Tiên tri, để qua đó tìm lại kinh nghiệm nhân loại nói chung, đồng thời khám phá ra sự thật thần linh. Lúc đó, người ta sẽ có thể dễ dàng giải thích kinh nghiệm trên theo những nhu cầu hiện thời của cộng đồng Islam. Vì Hanafi ý thức rất rõ về những nhu cầu và những thiếu thốn của tư tưởng Islam hiện thời là không có khả năng đáp ứng lại sự thay đổi cốt yếu của nền văn minh: “Bây giờ môi trường văn hóa thay đổi … khía cạnh lễ nghi không còn chiếm ưu thế trong đời sống thường nhật nữa… Trước kia, khi còn niềm tin, chỉ cần ban bố một đạo luật là nó được mọi người áp dụng. Lòng vâng phục lúc đó còn rất mạnh mẽ. Ngày nay, hoàn cảnh đã đổi thay. Bây giờ không có ai chấp nhận bằng cứ của mạc khải (donné révélé), vì không ai còn niềm tin cổ truyền nữa. Ngày nay, niềm tin không còn được gìn giữ, không còn tính cách bền vững và mạnh mẽ như xưa. Uy quyền của niềm tin không đủ để thiết lập luật pháp nữa”. Chính vì thế, phải bắt đầu từ một cái nhìn mới về Islam và kinh Coran: tức một nền nhân học bao trùm tất cả.

Người ta thấy phương pháp của Hanafi quá táo bạo; nó nhằm lật đổ hoàn toàn quan niệm quy thần (théocentrisme) mà theo ý kiến chung thì đó là quan niệm về mạc khải trong kinh Coran. Người ta nghĩ rằng sự lật ngược đó quá triệt để, và tất nhiên không trung thành với kinh Coran, giống như điều mà trong Kitô giáo Tây phương người ta thường gọi là “duy hoành thuyết” (horizontalisme). Nhất là vì quá triệt để nên nó không được thế giới Islam chấp nhận và chúng ta dám nói là nó cũng không được chính tác giả triển khai tiếp những hệ luận hợp lý rút ra từ đó.

Thế là mọi sự “dở dang”. Nghịch lý thay, khởi đi từ lối nhìn cách mạng, nhưng ở cuối vận hành của mình, tác giả lại trở về với những nhà tư tưởng Islam thuộc phái bảo toàn triệt để nhất: như Sayyid Bubt (lý thuyết gia của nhóm Anh Em Islam) và Abu-I-Ala al-Maw-Dudi, thủ lãnh của trào lưu bảo toàn tại Pakistan và tác giả Hanafi đã viện dẫn các vị này. Quá trình thoái hóa đó thật đơn giản: kinh nghiệm tôn giáo của Mahomet, với danh nghĩa là “kinh nghiệm vô danh” không là gì khác ngoài cái kinh nghiệm nhân loại nói chung, tự đánh giá mình như quy phạm dựa theo kinh nghiệm Mahomet… Do đó, kinh Coran không phải là điều được mạc khải cho Islam mà là mạc khải nói chung, nó không là gì khác hơn là thực tại nói chung. Tất cả đều được qui về các thư quy (canon) mạc khải và khoa thần học Islam. Như M. Allard đã cho thấy, khoa nhân học trên kia muốn mình trở thành phổ quát thì chỉ là một thứ nhân học Islam; con người phổ quát đó chỉ là con người Islam và luận đề của Hanafi muốn trở thành diễn từ thuần lý thì chỉ là một diễn từ thần học.

Người ta sẽ thấy mặt trái trong tư tưởng “méo mó” của Hanafi khi tìm hiểu bài nói chuyện bàn về “cuộc gặp gỡ giữa ba độc thần giáo” của ông, vốn là trình bày quan điểm của một nhà phê bình Islam về mạc khải Kitô giáo. Vậy Hanafi đã cố gắng đánh đổ Tân ước dựa trên khoa phê bình giản lược của Bultmann: chúng ta hãy gạt qua một bên các thư của thánh Phaolô và các tông đồ khác, vì căn cứ vào lời thú của các ngài thì đó không phải là lời của Đức Kitô. Chúng ta cũng hãy làm như thế đối với Tin mừng thứ bốn, đó chỉ là thần học của thánh Gioan. Còn các Phúc âm Nhất lãm, chúng ta loại luôn những đoạn không hòa hợp. Chỉ còn lại một số “Lời của Chúa” (logia) và mặt khác, lại phải giải thích những lời đó theo biểu tượng: mọi ý tưởng nảy sinh từ trí óc là một sự “thụ thai trinh khiết”; mỗi khoảnh khắc chúng ta chết đi rồi sống lại, v.v… Nhưng khi một người tham dự buổi nói chuyện hoit Hanafi rằng: kinh Coran sẽ còn lại gì một khi người ta áp dụng phương pháp phê bình trên. Ông trả lời ngay là trường hợp đó hoàn toàn khác: kinh Coran đã được Thiên Chúa trực tiếp đọc cho Mahomet và được thảo lại nagy. Vậy không có vấn đề chuyển đạt và vì vậy, không còn chỗ cho khoa phê bình về lịch sử hay bản văn. Phải chăng đó là sự tái hiện của tâm thức truyền thống, với một thái độ hoàn toàn chân thành, như Arnaldez đã nói lên điều đó trong buổi nói chuyện hôm ấy? Hay phải chăng đó là áp chế của xã hội, như Hanafi đã thú nhận trong luận đề trên kia: “Trong lần biên soạn đầu tiên kéo dài hơn nữa… Tác giả không có quyền tự do phát biểu… Môi trường trong đó tác phẩm sẽ xuất hiện vẫn chưa được chuẩn bị… Môi trường đó hoàn toàn xa lạ với một loại nghiên cứu như thế… “Dẫu sao, một phương pháp canh tân táo bạo nếu không đi thái quá thì cũng chỉ dựa tới những kết quả rất truyền thống.

Người ta có thể kể vào số những dự tính dang dở trong việc giải thích lại kinh Coran, một thử nghiệm cổ xưa hơn những cũng gây gai chướng không ít cho các giới truyền thống. Năm 1925, giáo trưởng Ali Abd-al-Razip, thành viên của Đại hội đồng Al-Azhir, thuộc khuynh hướng cải cách và thậm chí duy tân nữa, ông đã xuất bản một tác phẩm nổi tiếng: Islam và những nền tảng của quyền bính. Ông cố gắng chứng minh rằng Vị tiên tri chỉ nắm địa vị ưu tiên về mặt tôn giáo. Các quy tắc và những bộ luật trong kinh Coran chỉ là mầm mống èo uột của những nguyên tắc điều hành và quản trị, là những cái – xét nguyên chúng – thì không được mạc khải trong kinh Coran. Khi Vị Tiên tri qua đời, quyền ưu tiên về mặt tôn giáo cũng qua đi với ông và những “quốc vương” lên nối nghiệp ông chỉ làm đảo lộn thần quyền và thể quyền và chẳng mấy chốc, quyền hành đó sẽ bị suy thoái. Đến nỗi ngày nay, thế giới Islam không cần gì một thứ quyền hành quốc vươn như thế, mặt khác, quyền hành đó cũng chẳng ăn nhập gì với kinh Coran và Islam”.

Chắc hẳn Ali Abd Al-Raziq không đụng đến chính bản văn Coran, và thậm chí ông chỉ đơn cử những đoạn phù hợp với luận đề của mình. Nhưng tất cả nỗ lực của ông là nhằm phân biệt trong kinh Coran đâu là sứ điệp tôn giáo, có giá trị trường cửu, còn lại là những qui định cụ thể, thuộc về luật pháp, chúng bắt nguồn từ các xã hội trong từng thời đại. Đó là cả một nguyên tắc giải thích khả dĩ tháo gỡ được một trong những vấn đề chính của cuộc tiến hóa trên quê hương Islam: Mối tương quan giữa thần quyền và thế quyền. Người ta hiểu rằng giới chính quyền Islam đã đứng lên chống lại những lối nhìn đó. Như sau này Hanafi sẽ nói về thời đại chúng ta: “Môi trường chưa sẵn sàng”. Razip đã bị kết án và bi khai trừ khỏi Đại hội đồng Al Aznar; trừ trường hợp nước Thổ Nhĩ Kỳ, không một nước Islam nào dám rút ra những hệ quả từ luận đề của ông.

Sau đó, tại Tunisie, năm 1930, một nhà tiên phong thiên tài khác là Trahir Al-Haddad đã cho ra đời tác phẩm nổi tiếng ủng hộ lập trường giải phóng người phụ nữ Islam: “người phụ nữ chúng ta đối với lề luật mạc khải và đối với xã hội”. Tác phẩm đã được mở đầu bằng phần dẫn nhập có tầm quan trọng đặc biệt, trong đó, ông trình bày những nguyên tắc trong học thuyết của ông về người phụ nữ, và nhất là vai trò của kinh Coran như nguồn của đời sống và của việc lập pháp Islam. Điều đáng ngạc nhiên là một số lớn tác giả đã nghiên cứu luận đề về người phụ nữ theo Haddad mà không chú ý tới bản văn cốt yếu đó.

Vì vậy, chúng tôi tưởng là hữu dụng khi trích dẫn toàn pháp dẫn nhập trên.

“Islam không phải là một quyển Sách thánh của ngày mai”, hiểu như vậy thì các thế hệ thuộc thời đại kinh Coran chắc đã loại bỏ nó rồi, vì lẽ kinh Coran đã trình bày mọi chủ đề cách dứt khoát, ngược với những ý nghĩ thông thường, đến nỗi kinh Coran phải chờ sau bao thế hệ qua đi mới được nhìn nhận rằng đó là Sách của sự sống vĩnh cửu và là khuôn thước của hành vi hiện hữu, như thấy trong bộ sưu tập các điểm mộng của những triết gia cổ thời cũng như các lý thuyết xã hội hiện đại. Không! kinh Coran đã muốn hiện hữu ngay trong thời đại của mình, đã muốn gây ảnh hưởng trên con người thời đó và thiết lập một quyền bính mạnh mẽ. Chính vì thế, các đoạn kinh Coran đã chờ các biến cố để nhân đó mà được mạc khải chứ không phải kinh Coran giả thiết trước các biến cố để chúng đến xác nhận điều kinh Coran đã nói.

Điều đó giải thích tại sao kinh Coran không sắp xếp nội dung theo từng chương, theo những nguyên tắc lý thuyết soạn thảo văn bản. Thực vậy, luật của kinh Coran là kết quả của một đời sống tiến triển, chứ không phải một loạt những điều khoản được ấn định trước, nhằm bó buộc đời sống phải chấp nhận. Mặt khác, đó là một trong những nguyên nhân chính của sự bành trướng lạ lùng của Islam trong một khoảng thời gian thật ngắn ngủi.

Đời sống của một con người kéo dài. Đời sống đó càng lâu dài thì càng bao gồm những giai đoạn bộc lộ ý nghĩa cốt yếu và những đặc trưng tiêu biểu nhất của đời sống đó. Nhà Tiên tri đã dành trọn 20n năm trời để sáng lập Islam. Điều đó giải thích và thậm chí đòi rằng một số bản văn đã phải xuất hiện để loại trừ các bản văn khác, đối với các quy định luật pháp cũng thế, chiếu theo luật vĩnh cửu. Chúng ta sẽ sao nếu chúng ta làm đông cứng Islam vĩnh cửu, không tự thay đổi chính mình, khi giáp mặt với thế hệ sau. Tôi muốn nói rõ hơn là: chúng ta phải xét đến sự khác biệt lớn và hiển nhiên giữa một đàng là sự đóng góp và mục đích của Islam: đó là bản thể và ý nghĩa của Islam và điều đó sẽ tồn tại mãi như chính Islam vĩnh cửu, chẳng hạn niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất, sự tinh túy của phong tục, việc thiết lập lẽ công bình và quyền bình đẳng giữa người với người cũng như tất cả những gì tương tự, và đàng khác là bối cảnh của kinh Coran trong thời ấy, những đổi thay của nhân loại, những tác phong tâm lý ăn sâu nơi những người Ả rập trước kỷ nguyên Islam… mà điều này không nằm trong mục tiêu của mạc khải. Những khoản luật kinh Coran đã nêu lên nhằm duy trì hay thay đổi những phong tục trên chỉ được đưa ra để rồi tồn tại theo mức độ có thể. Giả như những khoản luật đó biến mất, thì những quy chế pháp luật cũng biến đi theo chúng; và giả như những quy chế này biến mất hoàn toàn, thì chẳng có gì có thể làm hại Islam được. Sự thể đã xảy ra như thế đối với các vấn đề liên quan đến những người nô lệ, chế độ đa thê, cũng như tất cả những vấn đề tương tự mà người ta không thể không coi đó như một phần của Islam.

Để sáng tỏ hơn, chúng ta có thể tự đặt câu hỏi sau đây hầu nhận ra điều gì thuộc yếu tính và bản thể của Islam và còn lại là những gì không thuộc bản chất của nó: “Phải chăng Islam đến để thanh luyện các tâm hồn khỏi những tội ác của Tà thần và lòng gian tà nhờ những phương pháp thanh luyện mà Islam đã ấn định? Hay phải chăng Islam đến để áp dụng cho các tín hữu luật báo oán bằng cách thực thi hình phạt báo thù người tín hữu và những sai quấy của họ? Phải chăng Islam đến để đem lại quyền bình đẳng giữa người với người, vốn là những tôi bộc của Chúa, họ chỉ không ngang nhau do các chức vụ mà họ đảm nhận? Hay phải chăng kinh Coran đến để làm cho người phụ nữ vì nữ tính mà trở thành hạ đẳng về mặt pháp lý so với người nam giới là người có nam tính? Phải chăng Islam đến để củng cố hôn nhân hầu sinh phúc lợi cho gia đình an thái cũng như cộng đồng tăng triển? hay kinh Coran đến để ban cho con người đàn ông mọi quyền rẫy bỏ vợ mình đến độ hôn nhân ngày nay tựa như một sợi tơ trước gió?

“Chắc chắn sự khác biệt đó thật rõ ràng; vấn đề là trả lời những câu hỏi trên cho bất cứ ai suy nghĩ về Islam, dù chỉ suy nghĩ chút ít. Chính nhờ phương pháp đó mà chúng ta có thể nghiên cứu Islam vĩnh cửu và phân biệt nó với những gì phụ thuộc kèm theo, đang khi cố khỏi phạm sai lầm về điểm này”.

Người ta thấy những lời lẽ thật táo bạo cũng như những chân trời rộng mở trong một phương pháp như thế.

Nhưng chúng ta cũng chẳng chắc chắn được rằng nguyên tắc giải quyết những vấn đề về chú giải kinh Coran theo thời hiện đại không nằm trong sự phân biệt căn bản giữa sứ điệp vĩnh cửu của kinh Coran, thuộc phạm vi đạo lý, luân lý, tâm linh với những quy định thuộc về luật pháp hay thực hành vốn gắn liền với một thời đại cũng như một hình thái văn minh đặc thù và biến chuyển. Thế nhưng vận dụng sự phân biệt đó giả thiết rằng người ta phải giải thích kinh Coran chiếu theo thời đại và môi trường của nó. Đó thực là vai trò của khoa chú giải có tính khoa học vậy.

Nhưng đối với Haddad, cũng như với những bậc tiền bối, “môi trường chưa sẵn sàng”. Ông bị giáo quyền Tunissie kết án trọng tội, sách của ông không được chấp nhận, và bản thân ông bị cấm giữ chức vụ chưởng khế hay giảng dạy. Ông chết như một kẻ bị lên án vào năm 1935. Chính lúc đó, Đảng Tân Destour mới được thành lập và dưới sự lãnh đạo của Habib Bourguiba, Đảng này đã đưa nước nhà đến chỗ độc lập, đồng thời tôn dương Tâhir Al-Haddad là một trong những tôn sư vĩ đại của nền tư tưởng Tunisie hiện đại. Những luận đề về người phụ nữ của ông đã được áp dụng. Nhưng chiều hướng chú giải kinh Coran mà ông đề ra thì chưa được hệ thống hóa lại.

Về những dự tính dang dở khác, người ta còn có thể kể đến một dự tính tìm tòi kinh Coran một cách khoa học, xuất hiện gần đây hơn. Dự tính đó đi tới chỗ tìm ra những vấn đề khác nhau trong các trình thuật của kinh Coran. Đó là công trình của một sinh viên đại học người Ai cập, Mahomet Ahmad Khalafallah. Luận án tiến sĩ của ông, được thủ đô Cai rõ năm 1947, đã bị Ban giám khảo bác bỏ.

Thực vậy, do ảnh hưởng của thầy là Amin Al-Khuli vốn chống chủ trương hòa hợp, Ahmad khalafallah đã áp dụng cho các trình thuật kinh Coran những nguyên tắc phê bình của Lansonienne. Do không quan tâm đến yếu tố lịch sử của những trình thuật liên quan đến vị Tiên tri, hơn nữa nhận ra rằng những trình thuật đó có trước kinh Coran, thậm chí kinh Coran có thể làm thuộc phạm vi lịch sử, ông đã dành hết nỗ lực để bàn về “Sự thật văn chương”. Do những phân tích tâm lý và xã hội khá hoàn hảo, các văn bản đã tạo nên “phép lạ” và đưa đến thái độ thuận theo sứ điệp tôn giáo. Lúc đó, không còn quan trọng nữa, việc kinh Coran coi Saul như Gêdeon, lầm lẫn về tên của viên quan đại thần triều Pharaon, nhầm Maria Mẹ của Đức Giêsu với Maria chị của ông Môsê, đặt vào môi miệng của những người đồng thời với Noe, các lời lẽ chỉ có thể có vào thời Mahomet, v.v… Điều quan trọng đó là sự thật của các quy luật tâm lý và xã hội được mô tả trong kinh Coran. Hơn nữa, để rút ra những quy luật đó, nhất là những quy luật xã hội, phải giải thích kinh Coran chiếu theo xã hội thời đó cũng như cá tính của vị Tiên tri. Điều này khiến chủ trương đạo lý chính quyền bực tức. Tác giả bị tố cáo là đã chủ trương rằng: “kinh Coran là lời của Mahomet, một người có biệt tài kể chuyện chứ không phải lời của Thiên Chúa, Đấng siêu việt trên bất kỳ hình thức loại suy và bất tài nào”, và luận đề của ông bị kết án là: “Trọng tội của vô thần là vô tri”. Ông buộc phải rời trường đai học và thầy ông. Al-Khuli bị tước ghế giáo sư khoa chú giải.

Chúng ta thấy tất cả những cuộc thử nghiệm nhằm mở ra những con đường mới cho khoa chú giải kinh Coran trong những thời gian gần đây nhất đều vấp phải sự thù nghịch của xã hội Islam dưới ảnh hưởng của nhóm các tu sĩ ưu tú thuộc truyền thống (những vị “shaykhs”) vốn không nhận một thứ chú giải nào khác ngoài khoa chú giải của những những người cổ thời và nhất là họ từ chối tất cả những gì xem ra muốn đặt lại vấn đề tính cách mạc khải toàn vẹn và từng chữ của bản văn Coran, lời thuần túy của Thiên Chúa đọc cho vị tiên tri. Nhưng xã hội đã tiến triển, và rất có thể những dự tính dang dở trên kia sẽ lại tái diễn trong ngày hôm nay một cách thành công hơn. Đó là điều chúng ta sẽ bàn đến sau đây.

III. BỐI CẢNH HIỆN NAY


Ngày nay, hầu như trong tất cả các nước Islam, một nguyên tắc tự bản chất mang tính giải phóng đã được mọi người công nhận. Đó là nguyên tắc ijtahâd, tức quyền tự do suy tư cá nhân. Chẳng phải điều này đã không biết đến trong quá khứ đâu, nhưng nó đã bị giới hạn bởi giáo quyền thuộc truyền thống bảo về chặt chẽ.

Thế nhưng, một sự kiện quan trọng gần đầy, đó là thái độ bất tín nhiệm, muốn thay thế hàng giáo sĩ và huấn quyền. Từ nay, ảnh hưởng trí thức đã chuyển sang giới đại học, hoặc các nhà chức trách. Tuy cấp độ tiến triển của ý thức tôn giáo tại mỗi nước, cũng như mức độ tự do mà chính quyền nới rộng cho các nhà trí thức, người ta sẽ có thể thấy bộc lộ ra các ý kiến và các chiều hướng tìm tòi mới, là những thứ đã từng bị kết án thẳng tay trong quá khứ. Thực ra, sinh hoạt trí thức thật linh hoạt và đụng chạm đến mọi lãnh vực. Nhưng những trường hợp đụng chạm xa hay gần tới kinh Coran và tới việc chú giải kinh thì tương đối hiếm. Người ta có thể tìm ra ít là hai lý do; thứ nhất, quan tâm hàng đầu là tập trung vào các khoa học “đời” khả dĩ phục vụ việc phát triển kinh tế và văn hóa của xứ sở; thứ hai, tất cả những gì đụng chạm tới kinh Coran vẫn còn chất chứa nhiều nguy hiểm và dễ gây chấn động, nên các nhà chức trách cũng lưu ý để tránh khơi lại. Theo ý kiến của các tư tưởng gia Islam thời danh, Islam thiếu những nhà chuyên môn đúng nghĩa về khoa chú giải. Các giáo sư chú giải truyền thống đã để mất phần lớn ảnh hưởng của mình và họ cũng chẳng quan tâm gì mấy tới những phương pháp khoa học hiện đại; ngược lại, không thiếu những nhà nghiên cứu đúng nghĩa được đào tạo về các bộ môn khoa học, trong các trường đại học dạy các khao nhân văn hay triết lý, v.v… Nhưng những người sáng suốt nhất trong số họ lại nhận ra mình không được trang bị đầy đủ về khoa học tôn giáo xưa cũng như nay nên không thể bàn về những vấn đề thần học hay chú giai một cách nghiêm chỉnh được. tuy nhiên, chính trong các giới đó, ngày nay người ta gặp thấy một vài dự tính nhằm đổi mới việc tìm hiểu kinh Coran.

Dự tính khác là của một tác giả người Ai cập; ngay từ đầu đầu, ông đã thú thật mình không phải là một nhà chuyên môn về khoa chú giải, nhưng ông đòi rằng bất kỳ người Islam có văn hóa nào đều phải được quyền phát biểu về giá trị của kinh Coran. Đó là Mustafa Mahmud, một bác sĩ người Ai cập, với “từ lập trường vô thần đến với niềm tin” (đó là tựa đề tiểu sử của ông); ông chịu ảnh hưởng của những khuynh hướng thần bí và rất thành thạo và nền văn hóa hiện đại, kể cả môn lịch sử đối chiếu giữa các tôn giáo. Ông xuất bản một tác phẩm nhan đề “kinh Coran – khảo luận về một lối hiểu hiện đại”. Phương pháp giải thích của ông, nếu chưa phải là phương pháp chú giải đúng nghĩa, thì hệ tại việc đi từ nghĩa chữ của kinh Coran, mà không cần loay hoay với những chỗ tinh tế thuôc ngôn ngữ học, để từ đó rút ra một “nghĩa hàm ẩn” trong khuôn khổ của nghĩa chữ, bằng cách tránh đi quá đà trong việc dùng ẩn dụ: giải thích kinh Coran bằng kinh Coran.

Thực ra, lối giải thích của Mahmud vừa có tính cách truyền thống lẫn hiện đại. Lấy cớ là để hòa hợp giữa kinh Coran và khoa học, ông đã nhượng bộ quá mức trước cơn cám dỗ của khuynh hướng hòa hợp và lại tìm thấy trong kinh Coran những phát minh về thiên văn, truyền thanh, truyền hình, những khám phá về dầu hỏa… Nhưng đó mới chỉ là một khía cạnh rất hời hợt trong công trình của ông. Ông biết tôn trọng mầu nhiệm tuyệt đối của Thiên Chúa, huyền nhiệm về số phận của con người và lòng thần phục trọn vẹn của con người trước Thiên Chúa. Điều ông đặc biệt quan tâm là rút ra sứ điệp tôn giáo của kinh Coran và cho thấy sứ điệp nay đáp ứng những nhu cầu của tâm lý con người như thế nào; Với tư cách là một y sĩ, ông thừa hiểu chuyện đó.

Tóm lại, dự tính của Mahmud cho ta lưu ý xét như một suy tư độc đáo của một người Islam có niềm tin, nhạy cảm sâu xa với những giá trị tâm linh, thù nghịch với bất kỳ thái độ cuồng tín nào và sau cùng tỏ ra rất khiêm tốn trong lời lẽ của mình. Tác phẩm của ông chắc hẳn đã khơi lên những cuộc bút chiến, chủ yếu từ phía các nhà “chú giải chuyên môn”, là những người khó mà chấp nhận cho người khác được mạo hiểm trong lãnh vực riêng của họ, nếu không được trang bị những kiến thức chuyên môn. Nhưng tác phẩm đó đã mở ra một cửa ngõ hướng đến sự lĩnh hội kinh Coran thoát khỏi sự kìm kẹp của khoa chú giải truyền thống.

Trong cùng một chiều hướng những suy niệm riêng tư nhưng biết tôn trọng kinh Coran cũng như huyền nhiệm, người ta có thể giới thiệu một nghiên cứu ngắn gọn của một giáo sư đại học người Algérie, dạy tại Pháp: Ông Ali Merad, với một bài viết về nhan đề: “Đức Kitô trong kinh Coran”. Đang khi vẫn trung thành với bản văn kinh Coran, ông đã cố gắng làm sáng tỏ các nghi vấn do những bản văn này đặt ra cho ý thức Islam mà không rơi vào những giải đáp dễ dãi và có sẵn vốn không chừa lại chỗ nào cho huyền nhiệm.

“Có những khẳng định thiết yếu về Đức Kitô trong kinh Coran: có những yếu tố được đưa ra với một giọng quyết liệt, nhưng cũng có những yếu tố khác được đề nghị như một chủ đề suy tư cho những người Islam và những người nghiên cứu Sách thánh… Kinh Coran đưa ra những chân lý đức tin về Đức Kitô, những chủ đích căn bản là nhằm khơi lên suy tư nhân loại hơn là cung cấp những giải đáp tối hậu. Thế nghĩa là bất cứ người Islam nào tưởng mình nắm giữ toàn bộ chân lý về Đức Kitô và từ khước dấn thân vào con đường mà kinh Coran đã rộng mở để tìm ra những chứng từ khác nữa, thì đó là một con người đầy tự phụ”. Vậy kịnh Coran vạch ra một đường hướng suy tư và tìm kiếm hơn là áp đặt một giải quyết khép kín về những vấn đề mà nó đặt ra.

Táo bạo hơn nữa là phương pháp chú giải kinh Coran được đề xướng trong một bài để tựa quan trọng cho lần tái bản dịch kinh Coran của Kazimirski, bài tựa đó do Mohammed Arkoun nguyên là một giáo sư đại học và dạy tại Pháp. Cũng như Hanafi, và còn hơn thế, ông được hấp thụ tư tưởng của các triết gia tôn giáo hiện đại, nhất là Paul Ricoeur, nên đã đưa ra một chương trình rộng lớn hướng tới một phương pháp mới để đọc kinh Coran. Đó là vượt qua sự uyên bác thuần túy của những người thuộc khuynh hướng Đông phương cũng như những khuôn khổ đông cứng của những bộ chú giải Islam cổ điển, “để đem lại sứ điệp Islam vẫn còn thiếu trong cuộc tranh cãi đang nổ ra về mạc khải, sự thật và lịch sử”, bằng cách khôi phục lại kinh Coran “như một lời kêu gọi sung mãn gửi tới mọi con người, do cũng một Thiên Chúa sống động, sáng tạo và thẩm phán, Đấng được mạc khải trong Kinh thánh… Vì Lời Thiên Chúa được biểu lộ trong Kinh thánh, rồi trong Đức Giêsu Kitô, cũng được biểu lộ trong kinh Coran”. Với mục đích đó, phải đọc ra ý nghĩa của kinh Coran theo những quy tắc của một phương pháp áp dụng được cho mọi Sách thánh.

Trước hết phải kể đến khảo sát của khoa phê bình. Việc khảo sát nhằm giải gỡ những mơ hồ, những lầm lạc, những sai trật, những thiếu sót. Khoa nghiên cứu ngôn ngữ học sẽ khảo sát toàn bộ bản văn xét như một hệ thống những tương quan nội tại, theo phương pháp phân tích cấu trúc. Những giải thích của các nhà chú giải cổ điển, tương tự như phái Kinh viện Kitô giáo, đã bị sai lạc do tư tưởng “duy yếu tính”, xuất xứ từ Hy lạp, và những giải thích đó đã làm cho ngôn ngữ huyền thoại của kinh Coran đông cứng thành những lý luận hình thức. Tuy nhiên các nhà thần bí và các shi’ites không làm như thế. Hãy theo gương các nhà thần bí để tìm lại “cái ý hướng ban sức sống” của Thiên Chúa, Đấng vận chuyển lịch sử. Cũng cần triển khai một nghiên cứu khoa học, trong đó mạc khải, sự thật và lịch sử được khảo sát trong tương quan biện chứng với nhau. Sau cùng, bằng cách giải trừ huyền thoại cho những tín điều, những nghi lễ, những bộ luật riêng của mỗi tôn giáo là những thứ đã “giam hãm mạc khải”, chúng ta giải phóng cái nhân huyền thoại nguyên thủy, tức cái ý hướng có tính chất giải phóng của mọi Sách thánh. Khoa chú giải Kitô giáo có lẽ đã dè dặt hơn trước vấn đề giải trừ huyền thoại cũng như sự đối lập giữa tôn giáo và niềm tin củaBultmann… Đó quả là một kế hoạch lớn nhằm đọc lại kinh Coran dựa trên những nền tảng hoàn toàn mới…

Hơn nữa, tại Ấn Độ và Pakistan, khu vực vốn chịu ảnh hưởng nền văn hóa Anh Quốc, có một số tư tưởng gia Islam đã được đào tạo theo trường phái Anh, thuộc khuynh hướng tự do. Mohammed lqbal là người được biết đến nhiều nhất và là người “vĩ đại” nhất. Ông chịu ảnh hưởng nền triết học Tây phương (Nietzche, Bergson) và nền thần bí Islam. Những vần thơ nổi tiếng của ông sau đây hẳn cổ võ khuynh hướng tự do trong việc giải thích kinh Coran:
Cần chi bộ chú giải Razi,
Tâm hồn ta là nhà giải thích.
Lý trí bùng lên ngọn lửa cháy,
Nơi đó tâm hồn bừng ngất ngây.

Lời kêu gọi của lqbal đã được hưởng ứng. Nhiều bộ chú giải kinh Coran đã xuất hiện trong miền Ấn Độ cũng như Pakistan, chúng cho thấy một nỗ lực đổi mới khoa chú giải kinh Coran. Khuynh hướng chung của các bộ chú giải này là nhắm đến một quyền tự do tinh thần. Chúng đã gạt qua một bên các phương pháp chú giải cổ điển: Những tìm tòi về ngôn ngữ học, sự minh họa cho các tường thuật kinh Coran bằng những đoạn “song song” trong Kinh thánh cũng như nguồn Hadith. Thậm chí, các bộ chú giải đó cũng không còn mất nhiều thì giờ để tìm tòi “những cơ hội mạc khải nữa”. Nhưng chúng khảo sát kinh Coran theo sát bản văn. Như một người trong họ đã nói: “nguyên tắc đầu tiên của một lối giải thích hợp lý, là giải thích kinh Coran bằng kinh Coran”. Vì giá trị của kinh Coran, tính chất lạ lùng của nó không do sự hoa mỹ của ngôn ngữ (thứ ngôn ngữ hơi tối nghịch đối với những người Islam ở Ấn Độ mà không phải người Ả rập), cũng chẳng do dự “hòa hợp” của nó với các khoa học hiện đại, nhưng là do tính giáo huấn của kinh Coran. Từ đó, xuất hiện một lối giải thích kinh Coran thiên về thần học hơn là chú giải. Ở đây, người ta gặp lại những khuynh hướng “tân Montazilite” trong tư tưởng Islam ở Ấn Độ và có những người tiên phong như Ahmad Khân và Amir Ali (1849-1928), đã ủng hộ; quyền tự do của con người, sự bổ túc qua lại giữa lý trí và mạc khải, sự dấn thân của người tín đồ trong xã hội và trong chiều hướng của một chủ nghĩa xã hội phi cộng sản…

Hơn nữa, cuộc thử nghiệm táo bạo của Fazl al Rahman nhằm suy tư lại chính lý thuyết về mạc khải và trả lại cho cá tính của Vị Tiên tri một vai trò. Trong cuốn sách gây chấn động, xuất bản năm 1966, vị giám đốc Viện nghiên cứu Islam Karachi (miền Islamabad) đã dám khẳng định: “Kinh Coran hoàn toàn là lời Thiên Chúa theo nghĩa chặt, cùng hoàn toàn là lời của Mahomet. Hiển nhiên kinh Coran gồm chứa cả hai đặc tính đó. Mục đích của kinh Coran là mạc khải một lý tưởng luân lý. Nhưng “khi trực giác luân lý của Mahomet đạt đến cao độ và đồng nhất với chính quy luật luân lý, thì Lời được ban xuống nhờ ơn thần hứng. Vậy kinh Coran là lời thuần túy của Thiên Chúa, nhưng hiển nhiên nó cũng gắn bó mật thiết với cá tính nội tại của Tiên tri Mahomet, và tương quan của ông với kinh Coran không được hiểu cách máy móc, như một dĩa ghi âm. Lời Thiên Chúa chuyển qua tâm hồn Vị Tiên tri”. Một độc giả Kitô giáo sẽ dễ dàng nhận ra đó là ơn thần hứng vốn biến Vị Tiên tri thành một “nguyên nhân dụng cụ” có tự do đồng thời cho phép khoa phê bình lịch sử tự do khám phá vai trò và cá tính Vị Tiên tri, vốn gắn liền với thời đại và xã hội của ông. Nhưng ở Pakistan vốn ảnh hưởng văn hóa Anh, cũng xuất hiện những phong trào bảo toàn mạnh mẽ và phong trào nổi tiếng nhất là phong trào Abu I Alâ al Mawdudi, tức là của nhóm Jama at-I-Islami, tương tự nhóm Anh Em Islam của Pakistan cận đông. Các nhóm này không ủng hộ tư tưởng trên.

Chúng ta đã điểm qua phần nào những gì đã được viết ra trong các nước Islam khác nhau về vấn đề một lối giải thích mới cho kinh Coran. Nhưng những đơn cử tiêu biểu cũng đủ để cho chúng ta một ý niệm về tình hình sôi bòng hiện nay, về những khuynh hướng mới cũng như những chướng ngại mà chúng vấp phải. Tuy nhiên, trước khi kết luận, tôi muốn đề cập đến những bằng chứng thành văn đồng thời chú ý đến một khía cạnh có lẽ là quan trọng hơn của vấn đề. Thực vậy, những gì được công bố chỉ là mặt nổi của một đời sống thâm sâu hơn, và hẳn nhiên đời sống này là nhân tố quyết định cho cuộc tiến hóa cũa những xã hội Islam về mọi mặt, kể cả việc giải thích kinh Coran.

Vì đời sống có những đòi hỏi và quy luật của nó; nó không chờ “hàng giáo sĩ” cấp giấy phép thông hành. Vậy mà đời sống tại các nước Islam về nhiều điểm đã vượt qua một số lệnh cấm của kinh Coran, theo như các vị canh giữ lề luật đã từng hiểu. Có một điều chắc là: Khi một nhà chức trách của một nước Islam phải đứng trước một chọn lựa của ông cũng ngả về đời sống hiện đại. Khi người ta cho Tổng thống Boumedienne (Algérie) hay rằng trong trường đào tạo hàng không căn bản ở Boufarik, rõ ràng các tai nạn xảy ra thường xuyên hơn trong thời kỳ ăn chay Ramadan, ông đã hạ lệnh không được ăn chay nữa, mặc dù bản thân ông đã được đào tạo theo truyền thống, trong khi nhà nước Algérie vẫn chính thức khích lệ việc chay tịnh. Người ta có thể đơn cử nhiều thí dụ khác nữa. Những lúc đó có một mối nguy hiểm do sự sai lệch trầm trọng giữa một bên là bản văn kinh Coran vốn giữ gìn tính khắt khe của mình với một bên là đời sống cụ thể dần dần đi theo những luật lệ xa lạ với kinh Coran.

Tại Tunisie, tổng thống Burguiba đã muốn đề cập thẳng đến vấn đề và đề nghị các nhà giải thích chính thức của kinh Coran phải đưa ra những cải cách mà ông xét là cần thiết cho một đất nước hiện đại, mặc dù chúng đối lập với văn tự của kinh Coran, ví dụ như hủy bỏ chế độ đa thê. Ông đã chấp nhận lối giải thích sau đây: Hẳn nhiên kinh Coran cho phép được cưới bốn người vợ. Đó là một sự dung thứ. Lại nữa, nếu người ta để ý tới những điều kiện mà kinh Coran đưa ra đối với sự dung thứ này, nghĩa là phải hoàn toàn bình đẳng giữa bốn người vợ, thì người ta có thể nghĩ rằng, đứng về mặt tâm lý, đó là điều không thể thực hiện được. Sâu xa hơn, sự dung thứ này là một sự hạn chế: không được quá bốn người vợ; qua đó cho thấy một bước tiến bộ rõ ràng so với chế độ đa thê vô giới hạn trước kỷ nguyên Islam. Vậy, nếu áp dụng kinh Coran theo cách uyển chuyển, chứ không thuần mặt chữ, thì người ta phải kết luận rằng kinh Coran hướng đến chế độ một vợ một chồng, là điều làm hoàn trọn lý tưởng của kinh Coran. Cũng một lý luận như thế đối với việc ăn chay Ramadan, đó là điều có thể thực hiện được trong một nền văn minh nông thôn và thủ công xưa kia. Ngày nay, thời đại cũng như xã hội đã thay đổi. Phải giữ tinh thần của việc chay tịnh Ramadan, tức khổ chế và cầu nguyện, và phải thích nghi trong cách thực hành nó. Ông còn thêm, mặt khác, luật Islam cấm ăn chay nếu có một nguy hiểm trầm trọng hiện nay là sự lạc hậu. Vậy người Islam chân chính phải dành hết sức lực để phát triển quê hương mình và phải ngăn chặn những gì gây cản trở, nhất là việc chay tịnh như đã được nhiều người Islam thực hành.

Chắc hẳn đó là những thích ứng của kinh Coran, phát sinh từ một mối quan tâm trần thế hơn là một ý hướng giải thích kinh Coran trong chiều hướng tôn giáo. Và những hình thức này vẫn còn tính cách từng phần và theo từng cơ hội. Nhưng chúng khiến ta mường tượng thấy cái ngày mà các nhà tư tưởng Islam sẽ đề cập đến một cuộc xung đột căn bản, với sự trợ lực của các nguyên tắc chú giải có tính khoa học. Theo đó, những quan điểm rồi sẽ lên tiếng, những dự tính khác nhau trước đó vẫn dè dặt nay xuất hiện.

Mới đây, một giáo sư đại học người Tunisie đã dám kêu gọi một cuộc cải cách về lối thực hành nghi tiết của Islam (5 giờ kinh nhật khóa, việc chay tịnh) không phải để hủy bỏ chúng nhưng cốt giữ lấy tinh thần của những nghi tiết đó và thích nghi trong cách thực hành chúng. Cũng cần nói đến: Vào tháng chạp năm 1968, tại Tunisie có cuộc diễn thuyết của một người Ý thuộc phải đông phương (orientaliste) về đề tài cuộc đối thoại giữa Islam và Kitô giáo, trong đó ông gọi gọi lại điều mà bất kỳ trí óc khách quan nào cũng thấy, đó là sự ngộ nhận bắt đầu từ kinh Coran, vì những gì mà Sách thánh (Coran) nói về các Kitô hữu và Kitô giáo có lẽ chỉ nhắm đến một nhóm kitô hữu nào đó thuộc miền Arabie nay đã khuất dạng, chứ không đụng chạm gì đến Kitô giáo chân thực. Vị Đại giáo trưởng của Tunisie đã đứng lên phản đối, ông khẳng định rằng kinh Coran là lời thuần túy của Thiên Chúa và những gì lời Chúa nói về Kitô giáo dùng cho mọi Kitô giáo. Nhưng sau đó có hai người thuộc giới đại học đứng lên phản đối vị Đại giáo trương và khẳng định rằng kinh Coran phải được đặt vào bối cảnh lịch sử của nó và phải được giải thích theo những kiến thức của thời đại. Những bất ngờ như thế cũng thường hay xảy ra.

KẾT LUẬN


Ngày nay, các phân khoa thần học tôn giáo đã dần dần được mở cửa trong các đại học quốc gia tại các xứ Islam. Nếu như việc giảng dạy và nghiên cứu vẫn còn bám vào tinh thần của những đại học tôn giáo cố cựu, thì chúng ta có lý để nghĩ rằng cuộc nổi dậy sẽ nhanh chóng nổ ra do những người thuộc giới đại học được đào tạo về các bộ môn lịch sử, văn chương và khoa phê bình hiện đại. Họ sẽ áp dụng các bộ môn này vào những bản văn tôn giáo, kể cả kinh Coran. Chương trình dự thảo của một trong những “phân khoa thần học” gồm có phần nghiên cứu khoa học về kinh Coran và các nguồn của nó. Có một dự định đang được tiến hành nhằm quy tụ một nhóm các nhà nghiên cứu thật thành thạo về các khoa học “đợi”, họ sẽ dành hết sức lực vào việc canh tân các khoa học tôn giáo. Còn về kinh Coran, vấn đề đặt ra là phải đào tạo các nhà nghiên cứu trẻ về khoa chú giải có tính khoa học.Những cuộc gặp gỡ, trao đổi đã diễn ra, những nỗ lực thực hiện đang tiến hành. Thái độ khôn ngoan là chờ xem các kết quả trong tương lai. Tôn kính đạo Islam và kinh Coran là điều cần thiết trước tiên.