Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

CHA YVES CONGAR VỚI CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Nhân dịp 100 năm ngày sinh của cha Yves Congar (8.4.1904 – 8.4.2004)

Thời sự Thần học – số 35, tháng 03/2004, tr. 184-193

Trung Nghĩa, O.P. lược dịch

(N. Hausman, S.C.M, Le Père Yves Congar au Concile Vatican II, Nouvelle Revue Théologique, Tom 120/no2, Avril-Juin 1998)

Trong nhiều thập kỷ, người ta nhắc nhiều tên tuổi của cha Yves Congar, Dòng Đa Minh trong những vấn đề liên quan đến Giáo hội học. Với tư cách là một chuyên viên, cha đã đóng góp rất nhiều cho Công đồng Vatican II. Từ một khởi đầu khá khiêm tốn, rồi do hoàn cảnh đưa đẩy, cha đã đứng vào hàng ngũ những nhà chuyên môn, biên soạn hầu hết các tài liệu của Công đồng. Cha đã coi Công đồng Vatican II như là một giai đoạn của Giáo hội, và theo cha, thời gian tiếp sau của Công đồng không phải là một cuộc khủng hoảng mà đúng hơn đó là một trách vụ : Phục vụ chân lý.
Trong một bài bình luận khá tiếng tăm về Công đồng Vatican II[1], A. Grillmeier đã nêu tên Yves Congar tới sáu lần liên quan đến các nguồn của chương I và II trong Hiến chế Lumen gentium. Còn trong những bài bình luận về Apostolicam actuositatem (Sắc lệnh về tông đồ giáo dân), Ad gentes (sắc lệnh hoạt động truyền giáo của Giáo hội, Presbyterorum ordinis (sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục) và Gaudium et spes (Hiến chế vui mừng và hy vọng), H. Vorgrimler cũng tham khảo rất nhiều tài liệu của cha Yves Congar. Hơn nữa, chính Nhật ký Công đồng[2] cũng có hơn một lần tham chiếu tư tưởng của cha[3]. Cha Yves Congar cũng thừa nhận :

Tôi thực sự mãn nguyện. Tất cả những đề tài mà tôi dấn thân vào đều mở ra ở Công đồng : về canh tân Giáo hội, về truyền thống, về đổi mới, về giáo dân, về sứ vụ, tác vụ… đấy là chưa kể đến Phụng vụ, đến vai trò của việc tán tụng, tuyên xưng đức tin : những giá trị mà tôi tin hơn bao giờ hết[4].

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha, chúng ta cùng tìm hiểu ít chút về những đóng góp của cha cho Công đồng Vatican II[5].

I. Những ngày khởi đầu Công đồng


Công đồng càng lùi vào quá khứ bao nhiêu, thì những đóng góp của cha Congar càng tỏ lộ rõ bấy nhiêu. Trong lá thư giới thiệu công trình của R.J. Beauchesne đề ngày 17 tháng 10 năm 1971, chính cha đã viết :

Trong Công đồng… tôi làm việc về chương II của Hiến chế Lumen gentium (số 9,13,16,17 là của tôi, và tất cả các phần của số 28 trong chương I), cùng với cha Lécuyer, tôi cũng là một trong những biên tập chính của Presbyterorum ordinis; Với Ad gentes thì tôi viết toàn bộ chương I, tôi cũng còn viết nhiều đoạn trong Sắc lệnh về hiệp nhất.

Ngoài những gì kể trên, người ta cũng còn nói đến đóng góp của cha trong việc duyệt lại Digntatis humanea (tuyên ngôn về tự do tôn giáo) và trong công tác chuẩn bị cho Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

Sự tiến bước của cha Yves Congar trong Công đồng là rất nhanh, vì trong những ngày đầu của Công đồng, vị thế của cha là khá khiêm tốn. J-P Jossua cho biết cha Congar được bầu là cố vấn của Ủy ban trù bị. Mà theo nguyên tắc, các thần học gia chỉ được nói khi được tham vấn; cha không bao giờ được triệu tập khi công việc khởi đầu hay khi có các cuộc hội họp quan trọng….Và trong điều kiện như vậy, cha đã không làm được những gì quan trọng. Hơn nữa, với những văn bản đã được soạn thảo từ những bức thông điệp thì người ta khó lòng chêm vào đó những sửa đổi…mà có sửa thì cũng vô ích. Đó là bầu khí chung của Ủy ban thần học trong những ngày đầu của Công đồng[6].

É. Fouilloux còn cho chúng ta biết thêm rằng cha Yves Congar vì đã từng không muốn nhận là cố vấn của ban thần học trù bị, vì có ý định từ chức ngay từ đầu, cũng như vì chán nản trước sự vô tổ chức của khoá họp đầu tiên mà theo cha thì nguyên do là có sự phá hoại nên cha đã có ý nghĩ không trở lại Roma trong khóa họp thứ hai.

Nhưng trở lại một chút, trước khi khóa họp thứ nhất khai mạc, (11 tháng 10 đến 9-12-1962), tình cảnh của cha Yves Congar rất nhập nhằng. “Vì không đảm bảo được chỗ đứng của mình, đầu tháng Tám, cha đã viết thơ cho đức Giám Mục Weber[7] để yêu cầu Đức Giám Mục đưa đến Công đồng như một nhà thần học tư… Báo Người quan sát Rôma ngày 28 tháng 9 đã loan tin cho ngài biết được bổ nhiệm là một chuyên viên chính thức cùng với 200 đồng sự khác”[8]. Nhưng vị thế này cũng không cho phép cha được làm việc trực tiếp với các lược đồ vì “nhiều chuyên viên chính thức không có một vai trò nào trong việc soạn thảo cũng như biên tập”[9].

Hơn nữa, cơn bệnh khởi phát từ cuối năm 1935 lại tái phát cách trầm trọng vào năm 1960. Vả lại, việc cha sống ở đại học Angelicum của Dòng Đa minh cũng ảnh hưởng đến sự năng động của cha, vì ở đây anh em rất dè chừng cha, và tại đây cha còn phải làm việc theo yêu cầu của Dòng, chẳng hạn, tân bề trên tổng quyền, cha Fernandez… đã yêu cầu cha phải có một bản phân tích về De Ecclesia (Về Giáo hội).

Ngay trong kỳ họp thứ nhất, cha cũng không tham gia vào hai công hai công việc lớn của khoá họp : bầu chọn các thành viên của uỷ ban, và việc không đồng ý De Fontibus. Nhưng uy tín cá nhân của cha đã khởi đi từ những cuộc trao đổi liên tiếp ngoài lề cuộc họp; những cuộc trao đổi này là những nguyên cớ gây nên những đòi hỏi cho một cuộc chuyển hướng về thần học.

Trong suốt kỳ họp thứ nhất cha Yves Congar đã làm việc cách cần mẫn : xem lại thông điệp khởi đầu gửi cho toàn thế giới mà cha M.D. Chenu soạn thảo, trước khi được toà thánh công bố vào ngày 20 tháng 10; soạn thảo lời tựa cho những bản văn mà cha Daniél và cha Rhaner và Ratzinger soạn lại để thay thế De Fontibus (lời tựa này sau bị bỏ xó); hoàn thành De Scriptura et Tradition (Thánh Kinh và Thánh truyền) trong ba ngày theo lời đề nghị của cha Daniélou (bản văn cũng bị rơi vào quên lãng); xem lại toàn bộ tài liệu về Giáo hội theo lời đề nghị của giám mục G. Philips, công việc này bỏ dở trước khi khoá họp thứ nhất kết thúc.

Giữa hai khóa họp, ngày 13-3-1963, bề trên tổng quyền Fernandez đã mời cha về để bàn với cha một số điều tế nhị. Cha bắt đầu đi học lại sau nhiều năm bị ngắt quãng do chiến tranh. Cha đã qua kỳ kiểm tra ad gradum (tương đương với tiến sĩ) ngày 14 tháng 9 năm 1963 (lúc 60 tuổi) tại tu viện đào tạo của tỉnh Dòng Lyon.

Vẫn ghi danh trong Công đồng là một cử tọa. Nhưng trong thời gian chuẩn bị cho khóa họp thứ hai, cha Yves Congar đã lần nữa làm phụ tá giám mục Garrone theo lời đề nghị của cha Deniélou. Cha từng lưỡng lự. Tự hỏi việc này có giá trị gì không ? hay chỉ vô ích. Ngày 2 tháng 3 cha Congar tới Roma, thay cha Deniélou tháp tùng Giám mục Garrone. Việc thay thế này được chủ tịch Ủy ban là cha Brwone, nguyên Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh chấp thuận. Sự thay thế này đã đưa cha Congar tới một vị thế mới, một vị thế thuận lợi hơn. Cha Congar rời đại học Angelicum đến Đại học Bỉ để hoàn toàn chú tâm vào công việc. Tại đây đã hình thành lên một nhóm những nhà biên soạn tầm cỡ : cha Moeller, cha Philips, cha Thils và cha Prignon. Như vậy, một cuộc phiêu lưu mới của cha Congar đã khởi đầu.

II. Đóng góp của cha Congar cho Công đồng


Từ tháng ba năm 1963 cho đến cuối kỳ họp thứ hai (29-10 đến 4-12-1963), cha Yves Congar đã cải tân 11 chương của De Ecclesia (về Giáo hội) thành 4 chương (sau này thành 8), và làm việc với lược đồ XVII (sau này là lược đồ XIII, tức Hiến chế Gaudium et spes) và De Oecumenismo (khi đó còn gồm các chương về người Do Thái và về tự do tôn giáo), nguồn của toàn bộ Unitatis redintegratio (sắc lệnh về hiệp nhất), Nostra aetate (Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài kitô giáo) và Dignitatis humanae (Tuyên ngôn về tự do tôn giáo). Theo lời đề nghị của hồng y Suennes, những tháng đầu năm năm 1964, cha Congar soạn lại phần đầu và chương ba của De Ecclesia thành một chương mới, với tựa đề “Dân Thiên Chúa”. Cha cũng còn soạn lại bản văn về Truyền thống trong Hiến chế Mặc khải.

Khóa họp thứ ba của Công đồng (14-9 đến 21-11) kết thúc bởi ba lần ban bố : Lumen gentium, Orientalium Ecclesiarum, Unitatis Resintgratio. Lần bỏ phiếu ngày 30-10-1963 là lần bỏ phiếu lịch sử, phần lớn các nghị phụ đã đồng ý với giáo thuyết về collégialité[10] – một từ chưa từng có trước đó trong Công đồng, nhưng lại rất phổ biến sau này – như vậy điều này được coi là một trong những đóng góp chính về giáo thuyết cho Công đồng. Như chúng ta biết, cha Yves Congar đã từng triển khai đề tài này ngay trong những tác phẩm đầu tay.

Trong những tháng trước khi khóa họp thứ từ diễn ra (từ ngày 14-9 đến 8-11-1965), cha Congar dành chủ yếu thời gian soạn thảo Dei Verbum, Gaudium et spes, Ad gente (Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội), Dignitatis humanae và Presbyterorum ordinis (Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục). Những tài lược đồ này còn được bàn luận nhiều và đã được tuyên bố vào ngày 7-9, hôm trước của ngày bế mạc Công đồng. Như vậy, trong suốt khóa họp thứ tư, công việc chính của cha Congar là xem xét lại những bản văn khác nhau mà các giám mục có ý kiến đóng góp.

Như vậy, cha Congar đã ra tay hoàn tất nhiều văn kiện của Công đồng. Chúng ta có thể thấy những đóng góp của cha được các bài bình luận mô tả cách chi tiết ( nhất là trong tập Unam Sanctam). Thiết nghĩ cũng nên nhắc lại ảnh hưởng của cha đối với văn kiện Unitatis redintegratio, một tài liệu đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng : chân nhận những yếu tố chân lý và ân sủng trong những cộng đoàn kitô giáo khác, tầm quan trọng của việc đối thoại, tinh thần đại kết, canh tân. Với Nostra aetate, cha Yves Congar góp phần quảng bá ý nghĩa thần học của lịch sử cứu độ và chỉ ra kế hoạch cứu độ của thiên Chúa cho các dân tộc như thế nào. Cha còn triển khai một nền thần học chuyên môn về trong Dignitatis humanae. Với Gaudium et Spes, cha và cha Deniélou đã trình bày nhân chủng Do Thái-Kitô giáo của con người như là hình ảnh của Thiên Chúa (imago Dei). Tháng 4 năm 1964, cha đã trình bày đề án về Truyền thống và đề án này đã là nguồn cho nhiều hạn từ của Dei verbum. Năm 1975, chính cha Congar đã ghi nhận :
Tôi đã tham gia tích cực soạn thảo hầu hết những văn kiện lớn của Công đồng : Lumen gentium, nhất là chương thứ hai; Gaudium et Spes; Dei Verbum, bản văn về mặc khải, đại kết, tự do tôn giáo; tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo; những tác vụ. Tôi cũng làm việc nhiều với Ủy ban giáo sĩ để có bản văn Prebyterorum ordinis. Các nghị phụ hình như đã quên các linh mục. Người ta cũng đã có một văn tầm thường, kiểu một sứ điệp, soạn thảo cách vội vàng trong thời gian cuối của Công đồng. Tôi đã phản đối : các linh mục không cần lời khích lệ, nhưng họ muốn người ta nói cho họ biết họ là ai, sứ vụ họ như thế nào trong thế giới hôm nay. Chính vậy, giám mục Marty đã yêu cầu tôi soạn thảo một bản văn mới. Tôi thành thực nhận rằng bản văn cũng chưa đáp ứng đủ các mong đợi của các linh mục, tôi còn phải kiểm tra lại kỹ càng hơn nhiều lần nữa.

III. Đóng góp của Công đồng theo quan điểm cha Yves Congar.


Những đánh giá về Công đồng của Congar nhấn mạnh đến hai sự kiện chính. Trước nhất, Công đồng Vatican II đánh dấu chấm hết cho một cuộc phản cải cách, đưa người ta từ pháp lý đến bí tích; mở ra một lối sống mới cho Giáo hội, trong sự kế tục với một truyền thống sống động, và nối kết số phận kitô giáo với một đời sống nội tâm mạnh mẽ, sắc bén. Thứ đến, Công đồng có cái nhìn mới về Giáo hội. Giáo hội cần phải trở về trong một thể chế hài hòa dưới mọi khía cạnh : pháp lý, bí tích, đặc biệt là nhiệm vụ của giám mục.

Cha Yves Congar nói :
Vatican II đã chỉ dạy một học thuyết Giáo hội về sự hiện diện của kitô giáo có cơ cấu trong Giáo hội dựa trên bí tích. Sự sống còn của một Giáo hội như vậy khởi nguồn chủ yếu ở nền tảng, từ những người đã hy sinh cho Giáo hội và từ những cộng đoàn đã ít hay nhiều cấu thành nên Giáo hội đo[11].

Dưới khía cạnh thần học, cha nhận định : “có nhiều sự trở về hơn là tiến bộ” : “Bốn thế kỷ kinh viện trước và thêm bốn thế kỷ kinh viện sau Công đồng Trentô không thể làm lụi đi hào quang của một truyền thống quá sâu đậm …thời hiệu vẫn chưa chấm dứt ! Tinh thần các nghị phụ vẫn luôn thấm đượm bầu khí này !” Nhưng những “trở về” này cũng có những giới hạn : Việc tra cứu lại Kinh thánh vẫn chưa hoàn thiện, việc thẩm định lại lịch sử còn là một chuyện rất nhẹ nhàng; nhiều những chương mục lớn về đạo đức, về thái độ của người kitô hữu vẫn còn để ngỏ đó (điều hòa sinh sản, hôn nhân hỗn hợp, quy định về sám hối, ân xá). Nhiều vấn đề vẫn chưa được bàn tới : “về những chức năng khác ngoài chức năng của linh mục… về vị thế của người nữ trong Giáo hội, về cách thức mà một vị linh mục có thể “sống thuộc về bàn thờ”, về vấn đề chỉ định các giám mục, vấn đề cải tổ lại giáo triều, về nghèo khổ, … Nhiều vấn đề được khơi lên từ đời sống của Giáo hội cần được bàn thảo mỗi ngày và không được để rơi vào quên lãng”[12].

Với một cái nhìn chính xác hơn, cha Congar ghi nhận : “Karl Rhaner đánh giá rằng việc khám phá lại chiều kích của Giáo hội địa phương là điều quan trọng nhất trong Công đồng”[13]. Nhưng với Congar việc diễn dịch lại câu ngạn ngữ : “Ngoài Giáo hội, không có ơn cứu độ” cũng là một vấn đề rất quan trọng, là mấu chốt để nhận biết một “cơ cấu những chân lý”. Để kết thúc, cũng nên nhắc lại những lời đối thoại của cha Barthe và cha Congar. Cha Barthe đã hỏi: “theo cha, đâu là ý tưởng chủ đạo của Công đồng ? và cha Congar đã trả lời : “phục vụ”. Thiết nghĩ ý tưởng của câu trả lời này thực sự đóng một vai trò rất lớn trong Công đồng, nó là động lực cho mọi tác vụ trong Hội thánh.

IV. Sau Công đồng


Trong những chuyên viên người Pháp, cha Yves Congar là người có đóng góp nhiều nhất cho việc soạn thảo các văn kiện Công đồng và cũng là “một chuyên viên duy nhất của Công đồng được phong tặng tước vị hồng y vì không chống đối dù ít hay nhiều một cách hệ thống những gì lệch lạc sau Công đồng”[14].

Cha Congar cũng tự nhận xét : “Hiển nhiên, thời gian sau Công đồng là một thách thức cho con người thời đại chúng ta”[15]. Tiếp theo Công đồng là những xáo trộn về văn hóa xã hội, nhưng với cha thì cuộc khủng hoảng không phải do Công đồng gây ra.

Mặt khác, thái độ của cha có những nét độc đáo trước những hoàn cảnh đặc biệt : sau khi xuất bản Humanae vitae, cha đã tự không nhận bất cứ một vị thế nào, nhưng bất ngờ gửi cho các giám mục Pháp một bản nghi chú về đặc tính của mục vụ. Rồi, đầu năm 1969, cha đã ký bản tuyên ngôn của Concilium về “tự do của các nhà thần học, của thần học trong việc phục vụ Giáo hội”. Cha cũng không ngừng viết sách triển khai những tư tưởng của Công đồng vì theo cha việc đón nhận Công đồng đòi hỏi phải có thời gian.

Cuối năm 1994 đức Gioan Phaolô II đã trao tước vị hồng y cho cha dù cha nói cha không xứng được tước vị đó. Cử chỉ này nói nên lòng trìu mến và sự kính trọng mà đức thánh cha dành cho cha.

Cha Congar đã qua đời ngày 2-7-1995. Để kết thúc bài viết, tôi xin trích lại bài nói chuyện của cha Congar ở Strasbourg, năm 1963, trong buổi lễ thân mật gồm những thân hữu không Công giáo :
Tôi có một chút chuyện muốn nói, nếu các bạn muốn : tôi tin rằng, nếu nói về Sách thánh, về Thượng đế, hay về những phương châm mà tôi sống thì nhiều vô kể… nhưng có một điều tôi ít khi nói, là điều sâu thẳm nhất : đó là thái độ của Gioan baotixita : mỗi người có cái mình đã được trao phó, và hãy bằng lòng với nó. Lời của Gioan : Tôi không phải là người chồng, không, tôi chỉ đứng một mình nơi tiền sảnh, ở đó hơi lạnh, cánh cửa thì hé mở….tôi đứng giới thiệu phòng cưới. Đó là phận vụ của tôi. Tôi đã áp dụng điều này và tôi chỉ cả cho người khác, cho nhiều người khác nữa… Mỗi người có một ơn gọi, và với người đó, thì đó là đẹp nhất…Cuối cùng, nếu người ta tin rằng tất cả đã được dẫn dắt, tất cả đã được hợp nhất, thì rõ ràng Chúa Thánh Thần đang dẫn đưa về một điểm, một điểm đồng quy.

GHI CHÚ___

[1] Das Zweite Vatikanische Konzil, édit. H. VORGRIMLER, vol. I-III, Freiburg- Basel, Herder, 1966-1968; cité par W. HENN, Yves Congar al Vaticano II, dans Comunio, éd. Italienne, 142 (1995) 59.
[2] Roma, Typis Polyglottis, 1970-1980.
[3] Liên quan đến những yếu tố của Giáo hội trong những cộng đoàn kitô giáo khác, về khái niệm Ecclesia ab Abel, về chức vụ như là sự phục vụ, về hai biểu đồ Lời và về các bí tích.
[4] Dans une passion : L’unité. Réplexions er souvenirs 1929-1973, coll. Foi vivant, 156, Paris, Cerf, 1974, p. 90; cité par J. Famerré, Aux origines de Vatican II. La démarche théologique d’Yves Congar, dans Ephemerides theogicae lovanienes 61 (1995) 122, n.2.
[5] Khi Công đồng diễn ra, thì bà cố của cha qua đời. Còn ông cố mất khi cha đang bị lưu đầy ở Anh quốc..
[6] J.P. Jossua, Le Père Congar, la théologie au service du Peuple de Dieu, Paris, Cerf, 1967, p. 184.
[7] Giám mục Strasbourg, người đã đưa cha Yves Congar bị lưu đày ở nước Anh về.
[8] É. Foulloux, “Comment devient-on”, p 319
[9] É. Foulloux, “Comment devient-on”, p 319
[10] nguyên tắc cùng thi hành cùng lãnh đạo.
[11] “Regard sur le Concile….” (cité supra, n.40), p. 71.
[12] Sđd, tr. 141.
[13] Entretiens d’automne (cité supra, n.30), p. 18.
[14] Sđd, tr 400.
[15] Puyo, 84.