Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

TRUYỀN GIÁO

Thời sự Thần học – số 35, tháng 03/2004, tr. 119-126

_Giacôbê, O.P._ 


Trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, cụ thể là ngày 6 tháng 11 năm 1999, nhân chuyến viếng thăm mục vụ tại Niu Đề-li, Ấn Độ, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã công bố Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu”. Tông huấn này là thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu đầu tiên, họp tại Rô-ma từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 14 tháng 5 năm 1999. Nội dung của Tông huấn đưa ra những hướng đi cho Giáo Hội tại Á Châu trong việc truyền giáo và mục vụ. Đức Giáo Hoàng hy vọng nhìn thấy một mùa gặt phong phú về đức tin sẽ được thu hoạch tại lục địa rộng lớn và đầy sức sống này trong ngàn năm thứ ba Ki-tô giáo.

Tháng 10 năm 2003, nhân ngày thế giới truyền giáo, qua sứ điệp truyền giáo, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II kêu gọi mọi thành phần dân Chúa : “Hãy ra khơi”, lên đường truyền giáo.

Tại Việt Nam, cũng trong tháng 10 năm 2003, Hội Đồng Giám Mục đã họp khóa thường niên từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 10 tại Bãi Dâu, Vũng Tàu. Sau khóa họp này, các đức giám mục đã gửi cho tất cả chúng ta một thư mục vụ, mời gọi chúng ta hãy đáp lại lời gọi “Hãy ra khơi” của Đức Giáo Hoàng, quy hướng tất cả những lời cầu nguyện và hoạt động của Hội Thánh tại Việt Nam vào việc “loan báo Tin Mừng”.

Tại giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, qua lá thư mục tử nhân ngày thế giới truyền giáo, Đức Tổng Giám Mục cũng kêu gọi chúng ta dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng cách nhiệt tình và hữu hiệu hơn. Đức Giám Mục đề nghị trong suốt năm 2004, mỗi dòng tu, mỗi giáo xứ cũng như các đoàn thể trong giáo xứ nên tổ chức học hỏi Lời Chúa cũng như giáo huấn của Giáo Hội về loan báo Tin Mừng và tân Phúc Âm hóa. Học hỏi để khơi dậy mối quan tâm với sứ mạng truyền giáo cũng như để hiểu biết nội dung và phương thế loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay.

Đặc biệt hơn nữa, đối với Giáo Hội Việt Nam, năm 2004 là Năm Thánh Truyền Giáo, bắt đầu từ lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12 năm 2003 đến lễ Chúa Hiển Linh, 2 tháng 1 năm 2005. Có 3 lý do để mở Năm Thánh Truyền Giáo :

- Thứ nhất, để kỷ niệm 470 năm (1533 - 2003) ngày Tin Mừng đến với dân tộc Việt Nam.

- Thứ hai, để triển khai thư mục vụ 2003 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về việc truyền giáo.

- Thứ ba, để khơi dậy ý thức và thúc đẩy hoạt động truyền giáo trong mọi thành phần dân Chúa.

Hưởng ứng và đáp lại lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng, của Hội Đồng Giám Mục và Đức Giám Mục giáo phận, bài này xin nhắc lại một ít điều về đề tài truyền giáo.

I. TRUYỀN GIÁO LÀ GÌ ?


Truyền là truyền bá, loan truyền, rao giảng, chuyển giao.

Giáo là giáo lý, đạo giáo, Tin Mừng, Phúc Âm.

Truyền giáo là rao giảng đạo giáo, là loan báo Tin Mừng, rao giảng Phúc Âm của Chúa cho người khác. Đó là nghĩa hẹp và chính xác. Đó là bước thứ nhất. Tiếp đến, truyền giáo còn có nghĩa thiết lập những cộng đoàn Ki-tô hữu trong đức tin, trong phụng tự Thánh Thể và bác ái như Giáo Hội mong muốn. Nói khác đi, truyền giáo là “trồng Giáo Hội vào các dân tộc, vào các địa phương, cho đến khi những người trong địa phương ấy trở nên tín hữu”.

Trong ý nghĩa này, truyền giáo không chỉ là truyền bá một số giáo lý, nhưng là truyền sự sống thật của Chúa cho những người anh em khác, nghĩa là biến cải những người từ không có Chúa trở thành có Chúa, hay từ mất Chúa trở thành được Chúa.

Ngoài ra, truyền giáo còn có nghĩa củng cố, tăng cường, huấn luyện đức tin cho những người đã tin theo Chúa.

Những ý nghĩa trên đây cho chúng ta thấy 2 chiều của việc truyền giáo : chiều rộng và chiều sâu. Nếu làm cho nhưng người chưa biết Chúa hoặc những người biết mà đã bỏ Chúa, được nhận biết và yêu mến Chúa, đó là truyền giáo theo chiều rộng, là mở mang nước Chúa và làm tăng thêm số người thờ phượng Chúa. Còn nếu làm cho những người đã nhận biết và yêu mến Chúa, được hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, để rồi họ lại tiếp tục làm công việc ấy nơi những người khác. Đó là truyền giáo theo chiều sâu, vì làm cho nước Chúa được vững chắc hơn và làm tăng thêm số người Công giáo sốt sắng, đạo đức.

Việc phân biệt như trên rất quan trọng, vì truyền giáo không phải chỉ có nghĩa làm cho những người ngoại giáo, những người chưa biết Chúa, được biết Chúa và yêu mến Chúa, nhưng còn có nghĩa truyền giáo cho những người Công giáo sống chung quanh chúng ta nữa, để giúp cho họ thêm xác tín và yêu mến Chúa hơn.

II. ĐỐI TƯỢNG TRUYỀN GIÁO


Thông điệp “ Sứ vụ Đấng Cứu Thế” đã xác định rằng : mọi người mọi nơi trên khắp thế giới đều là đối tượng của việc truyền giáo và được xếp thành 3 loại người :

1. “Đến với muôn dân” là loan báo Tin Mừng cho những người, những miền chưa biết Đức Ki-tô, hoặc ở đó chưa có những cộng đoàn Ki-tô vững mạnh đủ để hội nhập đức tin vào nền văn hóa của mình. Đến với muôn dân là truyền giáo đúng nghĩa nhất, tức là truyền giáo cho lương dân.

2. Tiếp tục rao giảng cho những nguời đã nghe, tạo điều kiện để lời Chúa thấm vào cuộc sống của người tín hữu, hội nhập vào văn hóa địa phương và Phúc Âm hóa nền văn hóa ấy, gọi là hoạt động mục vụ. Hoạt động này giúp người Ki-tô hữu sống Phúc Âm trong nền văn hóa của mình thăng hoa nền văn hóa ấy. Đây là truyền giáo cho các Ki-tô hữu.

3. “Tái Phúc Âm hóa”, nghĩa là làm sống lại niềm tin nơi những người, những miền đã nghe Tin Mừng mà nay đã bỏ quên. Đặc biệt là các nước Ki-tô giáo kỳ cựu nay đã đánh mất cảm quan về một đức tin sống động. Họ sống xa Đức Ki-tô và Giáo Hội. Đôi khi còn quay lưng lại hoặc chống đối. Sự thoái hóa này là một phản chứng của Tin Mừng. Việc tái Phúc Âm hóa đòi hỏi những phương pháp truyền giáo mới, những thừa sai kiên trì và thánh thiện đặc biệt. Đây là truyền giáo cho những người bỏ Chúa, bỏ Giáo Hội.

III. LÝ DO TRUYỀN GIÁO


Nói về những lý do phải truyền giáo thì có nhiều lý do, xin nêu ra một vài lý do sau đây :

1. Luật tự nhiên đòi buộc : chúng ta thường nói “tốt hì khoe ra”, Đức Giê-su thì nói “không thể đốt đèn rồi để dưới gầm giường hay lấy thùng úp lại”. Cứ bình thường ai cũng chỉ cho nhau những gì là đúng, là tốt, là giá trị… huống chi là Chúa, là Tin Mừng của Chúa, là phần rỗi đời đời.

2. Vì luật liên đới giữa các cá nhân tức là luật liên đới xã hội : bất cứ một xã hội nào cũng lo bảo tồn, bành trướng, phát triển, bằng cách “quảng cáo”, “tuyên truyền” về xã hội của mình. Giáo Hội được coi là một xã hội hoàn hảo, tinh tuyền, càng có lý do để truyền bá.

3. Luật tăng trưởng để sống : một thân xác khỏe mạnh phải tăng truởng, phải lớn lên hơn, nếu dừng lại là bệnh tật, là chết. Truyền giáo là biểu trưng sự sống của Giáo Hội. Cho nên, nếu Giáo Hội ngưng việc truyền giáo là tự đi vào chu trình tiêu hủy. Truyền giáo là lo cho sự sinh tồn của Giáo Hội.

4. Lý do phục vụ : mỗi năm dân số thế giới tăng lên. Số người già qua đi và số người trẻ tăng thêm. Số người trẻ này cần được nghe, hiểu, và sống lời Chúa. Do đó, vẫn cần phải truyền giáo cho chính những người có đạo. Lại nữa, trong số con cái Chúa, có những người sống khô khan, lừng khừng, nửa chừng. Cho nên, số người này lại càng cần được hiểu lời Chúa, sống lời Chúa.

5. Lý do bác ái : một linh hồn quý giá hơn tất cả mọi châu báu trần gian. Chúng ta yêu Chúa là yêu các linh hồn. Những tín hữu đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem đã vì tính bác ái mà đi truyền giáo để chúng ta có được đạo Chúa như hôm nay, thì đến lượt chúng ta cũng phải tiếp nối sứ mạng ấy.

Chúng ta hãy nhớ đến hình ảnh của William James sau khi lái phi thuyền Apollô 13 lên cung trăng trở về, ông đã từ giã gia đình đi truyền giáo cho người Châu Phi. Biết bao nhiêu nhà truyền giáo hữu danh, anh hùng, nhưng cũng có biết bao nhà truyền giáo vô danh, ngày đêm hi sinh cho nhân loại, như ở miền thượng, trại phong, nơi rừng thiêng, nước độc, tất cả chỉ vì yêu thương các linh hồn.

6. Mệnh lệnh của Chúa Giê-su : “Anh em hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân”. Đây là một lệnh truyền quan trọng Chúa trao cho mỗi người. Lệnh truyền này kéo dài tới tận thế. Qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, mỗi người chúng ta có nhiệm vụ chính là truyền giáo. Vì thế, mỗi người phải ý thức và coi đây là nhiệm vụ của mình.

Tóm lại, lý do chúng ta phải rao giảng Tin Mừng :
  • một là vì khi chịu phép Rửa Tội, Chúa Giê-su đã trao trách nhiệm ấy cho chúng ta.
  • hai là lòng biết ơn Thiên Chúa hối thúc chúng ta chia sẻ cho người khác hồng ân đức tin Ngài đã ban cho chúng ta.
  • ba là vì yêu thương anh em, chúng ta muốn họ cùng được chia sẻ hạnh phúc làm con Thiên Chúa với chúng ta.

IV. TRUYỀN GIÁO THẾ NÀO, CÁCH NÀO ?


Trong thư mục vụ năm 2003 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chỉ dạy cho chúng ta những việc làm cụ thể :

1. Về phương diện thiêng liêng :

  • Cầu nguyện cho việc truyền giáo : đây là việc quan trọng hàng đầu.
  • Những hy sinh, hãm mình : bản thân, gia đình, cộng đoàn.
  • Nêu gương sống lương tâm Công giáo : sống nhiệt tình, chân thành, công bằng, yêu thương.

2. Về phương diện đối thoại :

  • Thăm viếng thân hữu các thành viên tôn giáo bạn, chúc mừng khi vui, an ủi khi buồn, nâng đỡ khi gặp hoạn nạn là những trang Phúc Âm sống.
  • Trao đổi với người ngoài Công giáo về một đề tài chung : dẫn đến thông cảm, hiểu biết, tôn trọng nhau.

3. Về phương diện thực hành :

  • Thiết lập ban truyền giáo : mỗi giáo xứ lập ban truyền giáo.
  • Kết nghĩa : một giáo xứ kết nghĩa với một giáo điểm xa xôi. Mỗi gia đình Công giáo kết nghĩa với một gia đình ngoài Công giáo.
  • Làm việc bác ái : cứu trợ, giúp đỡ mọi mặt.

Sau đây là một vài cách tiêu biểu :


1. Gặp gỡ cá nhân : Tiếp xúc với từng cá nhân là một dịp may để trao đổi và đánh thức lương tâm. Có nhiều tâm hồn trở về với Chúa nhờ những giờ phút gặp gỡ đối thoại cá nhân với cá nhân. Gặp gỡ cá nhân có điểm lợi là trao đổi, đối thoại, hướng dẫn trực tiếp được. Giống như một cây nến có gần lửa mới tan chảy được, thì biết đâu nhờ gặp gỡ riêng mà chúng ta lôi kéo được một cá nhân về đường cứu độ.

2. Dịp tiện : Chúng ta hãy tìm cho ra những dịp tiện để loan báo Tin Mừng, rao giảng Phúc Âm. Những dịp tiện có thể có ngay tại chính gia đình chúng ta, như những lần hiếu hỷ, ngày chạp, ngày giỗ lớn nhỏ tại gia đình, gia tộc. Hoặc chúng ta dùng những lần đi lại đây đó, dù là những lần thăm viếng xã giao… để nói lên một lời của Chúa cho anh em. Nhiều khi sự hiện diện của chúng ta cũng đủ nhắc nhớ người khác biết về Chúa. Dĩ nhiên không phải cuộc gặp gỡ nào hay dịp tiện nào cũng kết quả, nhưng biết đâu một hạt giống chúng ta gieo hôm nay, ngày mai hay một thời gian sau mới mọc. Chúng ta đừng lo chuyện đó.

3. Bạn bè : Chúng ta hãy dùng những dịp bạn bè gặp gỡ nhau nơi quán nước, nơi cánh đồng, xưởng máy, cơ quan, xí nghiệp, công ty… để chia sẻ hạnh phúc Tin Mừng của Chúa. Đa số bạn bè chúng ta chơi với nhau vì nghề nghiệp, sở thích, tính tình, học thức… nhưng trên hết, chúng ta là bạn của nhau vì cùng sát cánh nhau trên đường cứu độ. Tình bạn bao giờ cũng dễ nói, dễ nghe, chúng ta đừng quên yếu tố này trên đường truyền giáo.

4. Viết thư : Thư từ là cách chúng ta trao gửi tâm tình và tin tức cho những người xa vắng. Người nhận được thư thường đọc đi đọc lại nhiều lần. Nếu chúng ta ghi trên thư những lời Kinh Thánh, những lời cầu chúc, những lời khuyên chân lý, thì sẽ có một ảnh hưởng không nhỏ trên tâm hồn người đọc. Chúng ta thấy các thư của thánh Phao-lô gửi các giáo đoàn cũng là mục đích truyền giáo dưới hình thức thư tín.

5. Cầu nguyện : Cầu nguyện cho việc truyền giáo là hữu hiệu nhất. Gương thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, cả đời không đi đâu truyền giáo, chỉ ở trong tu viện cầu nguyện cho việc truyền giáo, thế mà Giáo Hội đã xếp ngài là bổn mạng các nhà truyền giáo ngang hàng với thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Chúng ta hãy cầu xin cho có nhiều người hiến thân cho các linh hồn, xin cho anh em lương dân mở rộng lòng đón nhận Chúa.

6. Đóng góp : Việc truyền giáo rất nặng nề, chúng ta nên thông cảm và dành dụm những đồng tiền phân bạc dư giả cho việc truyền giáo. Biết đâu mấy đồng bạc của chúng ta lại chẳng mua được một linh hồn, đem lại niềm vui cho anh em hay một hy vọng cho người khác. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ : việc đóng góp tiền bạc, dù nhiều bao nhiêu cũng không miễn trừ chúng ta khỏi phải đích thân làm việc truyền giáo.

7. Nhân chứng : Lịch sử đã minh chứng : nhiều người trở lại tin Chúa, vì thấy đời sống gương mẫu tốt lành bác ái, vị tha của các tín hữu. Chính đời sống của chúng ta là một tấm gương trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp còn hơn nhiều bài giảng. Đây là cách truyền giáo tốt nhất mà Giáo Hội nhấn mạnh và muốn chúng ta lưu ý đặc biệt, vì nhiều người không muốn nghe chúng ta nói, nhưng họ lại muốn xem chúng ta làm để tôn vinh Chúa.

KẾT LUẬN


Như thế, Truyền giáo là tác vụ của mọi thành phần dân Chúa . Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đóng góp để có thể đáp ứng cho những khát vọng tâm linh của con người hiện đại.