Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

TÌM KIẾM CHÂN LÝ

Thời sự Thần học – Số 3, tháng 8/2009, tr. 46-51

_Fr. Timothy Radcliffe_

LTS: Bài này là một phần trong tâm thư gửi Toàn thể Dòng Đa Minh trên thế giới nói về đời sống chiêm niệm của nữ đan sĩ. Một trong điều căn bản của đời sống này là say mê và tìm kiếm Chân lý.
1. Sống Trong Chân Lý
2. Học Lời Chúa
3. Học Thần Học
4. Huấn Luyện Để Đạt Tới Chân Lý
Chị em là những nữ đan sĩ của một Dòng có “chân lý” làm châm ngôn. Các tu sĩ Đa Minh thường được nổi tiếng về sự đam mê học hành. Một số các nữ đan sĩ đã chia sẻ với tôi rằng nay là một khía cạnh của đời sống Đa Minh mà họ lấy làm xa lạ, hoặc là bởi vì họ chưa bao giờ học hay vì họ cảm thấy bất lực để học. Và như bị cám dỗ để nghĩ rằng: các anh em thì học hành còn các nữ đan sĩ thì cầu nguyện. Các anh em thì nói, còn các nữ đan sĩ thì lắng nghe. Đây là sự am hiểu lầm về bản chất lời cam kết của chúng ta đối với Chân lý. Đó là một cách hiện diện trung thực trong thế giới. Mỗi người chúng ta được mời gọi đến với sự cam kết này dầu chúng ta có khả năng học ở nhà trường hay không.

Sống Trong Chân Lý


Chân lý mời gọi chúng ta dẫu là nam hay nữ hãy sống chân thật, nói chân thật và lắng nghe cách chú ý. Đôi khi sự thông tin trong cộng đoàn tu sĩ có thể trở nên méo mó. Lời nói bóng gió, ảo tưởng và sự ngờ vực có thể làm mù mờ sự trong sáng của các cuộc đàm thoại của chúng ta. Sự sợ hãi hoặc thiếu tin tưởng có thể làm cho chúng ta dùng những lời nói bóng gió, những cái huých nhẹ và cử chỉ nháy mắt. Chính vì đời sống Đa Minh mà chúng ta dám nói sự thật với sự thận trọng, nhạy cảm và trân trọng. Điều này không cần sự uyên bác. Đó là tìm kiếm để sống sự trong sáng của thánh Đa Minh. “Kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ các việc của người ấy được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,21). Nhìn rõ nghĩa là nhìn điều căn bản và chính yếu và không bị chi phối bởi những chi tiết.

Cha Simon Tugwell, O.P., đã viết: “Thật vậy, cái điểm tiêu biểu nhất của linh đạo Đa Minh là để nhìn Thiên Chúa, không phải chủ yếu như đối tượng của sự chú ý, nhưng đúng hơn, như một chủ thể chính yếu. Với Người, chúng ta được kết hợp như những đồng chủ thể, những cộng tác viên (1 Cr 3,9) trong công trình cứu độ, nghĩa là như các bạn của Thiên Chúa, chúng ta không chỉ nhìn Người, nhưng đúng hơn, là cùng nhìn với Người. Chúng ta được mời gọi để nhìn thế giới qua con mắt của Thiên Chúa và như thế là nhìn những điều tốt lành của nó. Cha Eckhart viết: “Thiên Chúa hạnh phúc trong chính Người. Hạnh phúc của Người bao gồm hạnh phúc Người cảm nhận trên mọi tạo vật”. Nhìn bằng con mắt của Thiên Chúa là chia sẻ niềm vui của Người trong tất cả những gì Người đã dựng nên, trong đó có các anh em và chị em chúng ta! Cha Thomas Merton kể: Sau bảy năm sống đời đan tu, ngài đi đến nha sĩ và ngài thấy thế giới khác hẳn. “Tôi băn khoăn không biết nên phản ứng thế nào khi một lần nữa diện đối diện với cái thế giới gian ác này. Có lẽ những điều mà tôi hận thế giới khi tôi bỏ nó thì nó lại là những khuyết điểm của chính bản thân tôi mà tôi đã phóng chiếu lên thế giới. Trái lại, bây giờ tôi khám phá ra rằng mọi sự đã khuấy động trong tôi một lòng trắc ẩn sâu xa thầm kín… Tôi rảo qua khắp thành phố, lần đầu tiên tôi nhận ra mọi người trên thế giới này tốt lành làm sao và họ có giá trị như thế nào trong cái nhìn của Thiên Chúa”. Nhìn với Thiên Chúa, chúng ta được chia sẻ tình yêu Ngài. Nếu chúng ta biết sống chân thật như vậy trên thế giới thì chúng ta có thể đối diện với mọi sự trong niềm vui: những thất bại, chết chóc, thực trạng của đan viện, những nỗi sợ hãi và những niềm hy vọng. Chúng ta có thể được hạnh phúc ngay cả trong đêm tối.

Học Lời Chúa


Hiến Pháp Nữ Đan Sĩ số 101, II, nói rằng: các đan sĩ phải chuyên chăm học hỏi Lời Chúa. Đấy không phải là một hành động khô khan. Cha Jordan nói với nữ tu Diana: “Hãy đọc đi đọc lại Lời này trong trái tim con, mở đi mở lại trong trí khôn con, để cho Lời trở thành mật ong trên môi miệng con, hãy suy gẫm Lời, hãy ở trong Lời để Lời có thể cư ngụ với con và trong con mãi mãi”. Nếu Lời phải đụng chạm đến và thay đổi tất cả con người chúng ta thì chúng ta phải mang đến cho Lời tất cả mọi khía cạnh của con người: trí khôn, tình cảm, mĩ cảm, kinh nghiệm, khó khăn và hi vọng.

Hằng tuần trong Hội Đồng Tổng Cố Vấn, chúng tôi đọc Lời Chúa với nhau. Một người trong chúng tôi phân tích nguyên ngữ theo Kinh thánh rồi những người khác chia sẻ xem Lời Chúa đánh động mình thế nào, hoặc soi sáng những kinh nghiệm mới nay, hoặc khích lệ hay cật vấn họ làm sao. Tất cả những điều này là những cách hữu hiệu để đọc Lời Chúa, và chúng ta cần tất cả. Đó là lý do tốt để chúng ta suy gẫm Lời Chúa với nhau và để Lời Chúa biến đổi đời sống chung của chúng ta. Mỗi một nữ đan sĩ đều có những sự hiểu biết riêng để chia sẻ. Chúa nói với Catarina: “Cha có thể làm cho mọi người có đầy đủ mọi sự, nhưng Cha muốn cho mỗi người những quà tặng khác nhau để họ cần đến nhau”. Điều này đặc biệt đúng trong việc hiểu Lời Chúa.

Việc học chú giải Thánh Kinh ban đầu có thể khó. Chúng ta có thể sợ đọc những điều mà các học giả nói, e rằng những điều chúng ta đã xác tín sâu xa nhất bị lung lay. Khi một người bắt đầu học, người đó phải trải qua cái kinh nghiệm sợ hãi khi khám phá ra rằng trước nay chưa bao giờ mình hiểu bản văn. Nhưng đây là sự khiêm tốn khi đối diện với Lời mà chúng ta không làm chủ. Lời mời gọi chúng ta khởi hành đến nơi chúng ta chưa biết. Chúng ta phải dám can đảm như Maria, người đã nghe sứ điệp của thiên sứ, và người rất bối rối khi nghe sứ điệp, và suy nghĩ xem lời chào đó có ý nghĩa gì” (Lc 1,29). Chúng ta phải học để được ngạc nhiên bởi Lời. Lời luôn luôn có ý nghĩa hơn là chúng ta có thể tưởng tượng được. Đó là lý do chính đáng mà trong mỗi cộng đoàn phải có những nữ đan sĩ nghiên cứu học hỏi Thánh Kinh cách nghiêm túc. Nếu có thể, cũng phải học hỏi và nghiên cứu những ngôn ngữ gốc. Tôi phải thú nhận rằng tôi đã cố gắng rất nhiều để học chữ Do Thái nhưng thất bại.

Trong mỗi cộng đoàn chiêm niệm đều có những nỗi buồn chán rình rập, vì phải sống mãi ở cùng một nơi, với cùng những con người, nghe mãi một giọng khôi hài, ăn mãi một thức ăn. Nhưng Lời thì luôn mới mẻ và tươi mát với sự trẻ trung mãi mãi của Thiên Chúa. Thỉnh thoảng chúng ta chộp bắt lại những xúc động của các môn đệ trên đường Emmaus, “Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên khi nghe Ngài nói chuyện và giải thích Kinh thánh cho chúng ta trên đường sao?” (Lc 24,32). Học Kinh thánh làm mới lại cái khả năng ngạc nhiên của chúng ta.

Học Thần Học


Trong khi tôi đi thăm viếng các nữ đan viện, tôi thường hỏi các nữ đan sĩ họ thích học thần học nào. Thường thì họ im lặng và vấn đề được thay đổi ngay. Thần học thì luôn luôn được coi như là vấn đề lý thuyết và khó hiểu. Hiến Pháp của nữ đan sĩ số 101, III khuyến khích các nữ đan sĩ học thần học thánh Thomas, nhưng tôi e rằng thường thì những bộ Tổng Luận Thần Học được để nguyên trong thư viện với đầy bụi bặm. Người ta dễ bị cám dỗ để nghĩ rằng các anh em thì học thần học, còn các đan sĩ thì học tu đức. Đây là một sự đối lập hiện đại mà thánh Đa Minh và thánh Catarina không thể hiểu được. Thần học không chỉ là một môn học lý thuyết, nhưng nó thuộc về việc tìm kiếm Thiên Chúa trong vườn, sự đói khát tìm hiểu ý nghĩa, lối vào trong mầu nhiệm tình yêu của chúng ta. Qua hiểu biết, chúng ta tiến gần đến Đấng mà thánh Catarina gọi là Prima dolce verità, sự chân thật ngọt ngào nhất. Một trong những cách cầu nguyện của thánh Đa Minh là nghiên cứu một cuốn sách và tranh cãi với nó, bất đồng ý, gật đầu, kinh ngạc. Và khi thánh Thomas đang viết bộ Tổng Luận Thần Học, đôi khi ngài cũng bảo các thư ký đi ra ngoài rồi chính ngài sấp mình xuống đất và cầu nguyện cho tới khi ngài nhận được sự hiểu biết. Thần học và tu đức không thể tách rời nhau.

Nhiều tác phẩm thần học rất nhàm chán, những loại thần học này có thể là thần học dỏm. Chúng ta cần được giới thiệu tới bộ Tổng Luận Thần Học như nó hiện có, một tác phẩm chiêm niệm nói về cuộc hành trình của chúng ta tới Thiên Chúa và tới hạnh phúc. Giáo thuyết của nó giải thoát chúng ta khỏi những cạm bẫy cầm chân chúng ta lại trên cuộc hành trình đức tin. Vì thế mà nhiều người đã mắc kẹt trong những quan niệm sai lạc về Thiên Chúa như một ngôi vị vô hình và rất quyền lực đang điều khiển mọi sự xảy ra và giữ chúng ta mãi mãi trong tình trạng ấu trĩ. Rất nhiều nhức nhối trong các cộng đoàn tu sĩ phát xuất từ mối oán hận về hình ảnh ngẫu tượng Thiên Chúa này. Nhưng Thomas đã đập tan cái quan điểm này trong phần I (Prima Pars), mở cánh cửa tù ngục thiêng liêng này, và đưa chúng ta đến mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng là suối nguồn tự do vĩnh hằng trong trung tâm của cuộc sống chúng ta. Nhiều người bị sự ảo ảnh về sự thánh thiện như vâng lời lề luật chẳng hạn. Nhưng trong phần II (Secunda Pars), Thomas cho chúng ta thấy rằng con đường dẫn tới sự thánh thiện chính là sự tăng triển về các nhân đức, nhờ đó chúng ta trở nên mạnh mẽ và chia sẻ chính sự tự do của Thiên Chúa. Nhiều người khác lại coi tôn giáo như ma thuật. Nhưng trong phần III (Tertia Pars), Thánh Thomas cho chúng ta thấy trong mầu nhiệm toàn thể nhân loại chúng ta như thế nào. Sự trắc nghiệm của một thần học tốt là nó chan chứa lời ngợi khen, thờ phượng, hạnh phúc và tự do nội tâm thật. Có ít thần học tốt như thế. Có thể một số chị em đan sĩ sẽ được mời gọi để viết thần học. “Trong lãnh vực thần học, văn hóa và tu đức học, người ta mong chờ rất nhiều ở tài năng của các phụ nữ, không chỉ những gì liên quan đến những khía cạnh đặc biệt về đời nữ thánh hiến, nhưng cả trong sự hiểu biết đức tin trong mọi cách diễn đạt của nó”. (Tông Huấn Đời Thánh Hiến, 58).

Huấn Luyện Để Đạt Tới Chân Lý


Vì thế, một phần chính yếu trong việc huấn luyện các nữ đan sĩ Đa Minh là học hỏi Thánh Kinh và thần học. Đây không phải là một phần phụ như là học may vá hay nấu ăn. Nó chính là sự lớn lên trong tình yêu, vì “có yêu mới tìm hiểu. Và khi yêu thì linh hồn mới tìm kiếm để theo đuổi chân lý và mặc lấy chân lý”.

Học thần học sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc. Chúng ta học về những việc vĩ đại mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Thánh Thomas nói: “Những người hiến thân cho việc chiêm niệm chân lý là những người hạnh phúc nhất trên đời”. Và đối với ngài, chiêm niệm chủ yếu có nghĩa là học hành. Chúng ta học để yêu Lời Thiên Chúa và được “nuôi dưỡng bằng sự ngọt ngào của nó (dulcedo) như thánh Albertô đã nói. Khác với những trò giải trí hời hợt, khởi đầu đi vào tất cả những niềm hạnh phúc sâu xa thường rất chán, vì chúng ta không thể ở lâu trong phòng. Chúng ta phải học tin tưởng, tin tưởng để suy nghĩ, để cật vấn, để tìm kiếm. Đối với thánh Thomas, giáo sư trước hết phải dạy cho học trò tự mình suy nghĩ để nhận ra được tiềm năng hiểu biết của mình. Điều này có nghĩa là khi chúng ta học tập nghiên cứu, chúng ta không sợ mình sẽ mắc sai lầm. Các huấn luyện viên không được nhìn thụ huấn sinh của mình một cách sợ hãi. Chúng ta phải dám trình bày những tư tưởng và đừng sợ nếu ban đầu nó sai lầm. Dĩ nhiên tu sĩ Đa Minh phải theo thần học chính thống, nhưng nếu chúng ta tin vào giáo huấn của Giáo hội mà Thánh Thần đã được đổ trên chúng ta thì chúng ta sẽ không dễ dàng bị kẹt trong sự sai lầm.

Các nữ đan sĩ cần phương tiện để học: một thư viện tốt, những tạp chí và thời giờ. Nhiều đan viện nghèo mà phải mua sách vở thì quả là một hy sinh. Nhưng chúng ta không thể để các nữ đan sĩ chết đói về sách vở cũng như không thể để họ chết đói về lương thực. Internet cung cấp khả năng để theo dõi nguồn thông tin thần học mà không cần ra khỏi đan viện. Cộng đoàn cần dành một thời biểu để học hành. Chalais ở Pháp đã có một lịch trình hằng năm gồm thời gian học hành nghiêm túc, giữ thinh lặng và giải trí. Chúng tôi, các anh em, cũng phải đáp ứng những nhu cầu của chị em về việc huấn luyện. Khi cha thánh Đa Minh trở lại San Sisto, mệt mỏi vì sau một ngày rao giảng, nhưng cũng cố gắng dạy các nữ đan sĩ “vì họ không có vị thầy nào khác để dạy họ”. Sự thịnh vượng của các đan viện Đa Minh Rhineland trong thế kỷ XIV phần lớn là nhờ Herman de Minden, Giám Tỉnh tỉnh dòng Teutonia, đã cử một số thần học gia nổi tiếng nhất để dạy các nữ đan sĩ.

Các đan viện cần các chị em đã được huấn luyện sâu xa về thần học và Thánh Kinh để họ có thể dạy lại các thành viên trẻ. Ngày nay điều này đặc biệt cần thiết, vì có nhiều nữ đan sĩ đến với chúng ta với trình độ đại học. Họ cần được huấn luyện về thần học để mở mang trí tuệ và trả lời những vấn nạn của họ. Lý tưởng là mỗi đan viện có thể cung cấp một chương trình huấn luyện đầy đủ, nhưng nếu điều này không thể được, thì sự hợp tác giữa các đan viện, đặc biệt khi có những liên hợp, là tối cần. Đôi khi có những lo ngại rằng nếu những người trẻ đi học ở một đan viện khác thì dần dần họ sẽ mất sự gắn bó với đan viện gốc và xin chuyển dòng. Điều này ít khi xảy ra, và nó không thể là lý do để không cho một chị nữ tu được huấn luyện đầy đủ và thực thụ theo tinh thần Đa Minh. Nếu người trẻ được huấn luyện kỹ lưỡng thì cả cộng đoàn cũng sẽ được đổi mới. Nhà huấn luyện của liên hiệp các đan viện ở Mexico là một gương mẫu tuyệt vời cho thấy một liên hiệp có thể giúp mỗi đan viện phát triển mạnh như thế nào.