Thời sự Thần học – số 35, tháng 03/2004, tr. 25-94
_Martinô Nguyễn Thanh Tuyền O.P_
M ỗi lúc, con người càng chân nhận rằng, để đi đến Thiên Chúa, con người có nhiều phương thế khác nhau hành trình hướng đích. Vì vậy, ngày nay nhiều tôn giáo trên thế giới ngày càng sát lại gần nhau hơn trong hành trình tìm kiếm Sự Thật, thông cảm và đón nhận những khác biệt của nhau, để từ đó trợ giúp nhau đi vềmột mục tiêu duy nhất. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, Tây phương khám phá được rằng mình đã lãng quên nguồn mạch thầm kín nhưng không kém mạnh mẽ những tinh tuý của văn hóa truyền thống Đông phương, đặc biệt là ở Trung Hoa và Ấn Độ, vốn góp phần rất lớn cho Hội Thánh Kitô giáo trong việc khám phá ra khuôn mặt muôn hình vẻ của Đức Giêsu, Người đã xuất thân từ cái nôi là Đông phương.
KHAI ĐỀ
Càng ngày càng
có sự nhất trí về mặt giá trị của thần học Đông phương hoặc các loại thần học
khác nhau. Tuy nhiên, ngay tự nền tảng, bản chất con người hay bối cảnh văn hóa
của Đông phương rất khác biệt so với thần học Tây phương truyền thống. Vì thế,
việc làm thần học ngày nay thiết tưởng cần phải thúc đẩy đến một chiều kích
khác nữa: đó là đi tiếp một bước nữa vào địa hạt Đông phương hầu khám phá nơi ấy
một kho tàng vô tận của tri thức loài người, với điều kiện không lý luận theo
kiểu Tây phương, đồng thời để cho tinh chất của Đông phương thẩm thấu vào tận
xương tuỷ, chan hòa vào từng hành động lớn nhỏ mỗi ngày.
Hình như xét mặt
thánh thiêng, các nguồn thần học vẫn không thay đổi gì cho dù công việc này vẫn
đang được thực hiện cho đông đảo quần chúng Đông phương. Tuy thế, Đông phương cần
phải được học hỏi một cách nghiêm túc hơn, điều này đòi hỏi phải nỗ lực và
khiêm tốn rất nhiều trong việc tìm hiểu ấy. Thật vậy, lời Chúa không bao giờ
thay đổi, và có thay đổi chăng chỉ là những quan niệm của con người về mạc khải
Thiên Chúa. Đông phương cũng cần biết rằng những lời được mạc khải ấy được ban
tặng cho mình trước hết (đó là mạc khải Cựu Ước cho những người Híp-ri, và đặc
biệt Tân Ước cho những người Do Thái). Cũng vậy, Thiên Chúa đã cho con người cộng
tác vào công trình sáng tạo của Người bằng việc dùng những cấu trúc tư tưởng của
loài người, và Người đã chọn lãnh thổ Đông phương để bày tỏ mầu nhiệm kín ẩn của
Người ngay trong nhãn quan ấy. Trên bình diện nào đó, mạc khải của Thiên Chúa
được đưa vào bối cảnh lịch sử cụ thể mà qua đó mọi bối cảnh khác nhau của mỗi
dân tộc đều có thể đọc ra và nhận hiểu theo cách thế đặc thù của mình. Theo lịch
sử, mạc khải Thiên Chúa được bối cảnh hóa trong nhãn quan Tây Phương. Vì thế, tại
Châu Á, Kitô giáo thông thường bị coi như là một tôn giáo “ngoại lai” dù nguồn
gốc rõ ràng là thuộc Đông phương. Do vậy, các nhà làm thần học Đông phương cần
“phục hồi” Kinh Thánh trong bối cảnh nguồn cội của mình để có thể thích ứng được
với tâm lý và não trạng người Đông phương.
Trong thái độ
trở về với di sản tinh thần Đông phương của cha ông, hình ảnh của Đức Giêsu đã
xuống thế làm người và đi vào bối cảnh văn hóa Đông phương cần được trình bày
cách sáng rõ, để từ đó mạc khải tình yêu vô tận và ban ơn cứu độ của Thiên Chúa
cho nhân loại. Dẫu sao trên con đường về nguồn, không ai có thể chối cãi rằng,
gần gũi nhất đối với những người Việt Nam chúng ta không chi khác hơn là văn
minh và truyền thống văn hóa lâu đời của Trung Hoa. Trong việc học hỏi và tìm
hiểu về thần học tâm linh Đông phương của đạo Kitô, chúng ta không khỏi không
tìm hiểu về Đạo gia.[1] Nhưng cụ thể hơn, đó là Trang tử, học trò thân cận nhất
với Lão Tử.
Trang Tử sinh
năm khoảng 365 (?) và có lẽ mất vào năm 290 (?) trước Công nguyên tại nước Tống
vào thời Chiến Quốc. Tác phẩm Nam Hoa Kinh của ông là một trong sáu tác phẩm
hay nhất Trung Quốc.[2] Tư tưởng của Trang Tử được đặt nền trên ông tổ của mình
là Lão Tử: Đây cũng là hai vị nòng cốt của Đạo gia và hợp thành nên học thuyết
Lão Trang, và còn ảnh hưởng rất mạnh cho đến ngày nay, ngay cả lan rộng từ
phương Đông đến phương Tây nữa.
Có thể nói được
rằng Trang Tử là một triết gia, nhưng cũng là một nghệ sĩ nữa. Ông yêu mến
thiên nhiên vô cùng, rất thích ngắm cảnh thiên nhiên và tâm hồn dễ xúc động
mãnh liệt trước hiện tượng thẩm mỹ, đó là trước cái đẹp và cái xấu, cái cao thượng
và cái thấp hèn, cái vị tha và cái ích kỷ của nhân tình thế sự. Theo nhà triết
học người Mỹ, gốc Pháp-Canada, là William James Durant, còn cho biết: “Trang Tử
là còn một nhà tâm linh”[3] nữa, vì trọng tâm tư tưởng của ông rất gần gũi với
Đạo Phật và với Đạo Ấn độ như trong các kinh Vệ Đà (Upanishad). Trang Tử rất
say mê Đạo, [4] chữ Đạo ở đây không chỉ như là một loại “tôn giáo”[5] người Tây
phương hiểu, nhưng còn vượt lên trên những quan niệm hệ thống, cơ cấu, nguyên tắc
trong lý trí hợp lý của con người. Thế nên, muốn hiểu sâu xa Trang Tử, đặc biệt
là Đạo của Đông phương, cần phải dùng trực giác, chứ không thể dùng lý trí như
kiểu Tây phương được.
Tác phẩm của
Trang Tử là bộ Nam Hoa Kinh gồm 33 thiên, đây là lịch trình tâm linh của Trang
Tử. Bách Gia Chư Tử Giản Thuật của Phạm Quýnh cho biết:
“Tư tưởng của Trang Tử có thể nói là rất rộng lớn, rất sâu xa, rất phong phú, đến nỗi người ta luôn bị ngập chìm bởi nhận thấy ở ông sự lớn lao, kỳ ảo có phần nguỵ biện, tâm linh bị kích động mạnh mẽ đến mê mẩn, còn suy tư lại dậy lên những cơn sóng trùng điệp dạt dào lan tỏa, để miêu tả được tư tưởng của Trang Tử ‘linh hồn nổi bật của trời đất cổ kim’, thực là một việc rất khó khăn.” [6]
Bài này xin
cùng tìm hiểu sự gặp gỡ giữa Trang tử của trí tuệ tự nhiên và Đức Giêsu trong
Tin Mừng với 5 phần :
1. Hình ảnh của Trang Tử trong Đức Giêsu của Tin Mừng
2. Trang tử tiêu diêu du và Đức Giêsu tự do - Đức tin là can đảm nhảy bổ vào vô tận giới
3. Trang Tử huyền đồng và Đức Giêsu tình yêu - tình yêu: mở toang trong duy nhất
4. Giao cảm với chất thi ca trong Kinh Thánh
5. Đạo là vô, mà vô cũng là đạo vậy !
PHẦN MỘT: HÌNH ẢNH CỦA TRANG TỬ TRONG ĐỨC GIÊSU CỦA TIN MỪNG
Trang Tử không
chối từ lý trí, nhưng cần phải biết vượt lên trên lý trí nữa để có thể nắm bắt
thực tại vô cùng. Trang Tử nhận thấy trí óc là một sự bất năng rất lớn trên con
đường tầm Đạo. Ông xác tín rằng bộ óc chúng ta dù có nỗ lực bao nhiêu cũng
không thể nào hiểu được vũ trụ; nó chỉ là một phần cực nhỏ trong vũ trụ bao la
vô tận, nên suy luận chỉ có đưa đến mâu thuẫn mà thôi. Nếu nỗ lực lý giải toàn
thể bằng một phần cực nhỏ như thế là một việc làm vô cùng tự mãn, có chăng chỉ
tha thứ được vì nó cho ta một niềm vui thích. Trang Tử cho rằng trí óc không thể
giúp ta hiểu được sự sinh trưởng của một đứa bé. Sở dĩ người ta tranh luận với
nhau vì người ta không hiểu rõ. Vì vậy, để hiểu Đạo, cần biết bỏ hết tất cả
không một chút do dự những phương tiện thông thường của tri thức, bỏ hết mọi lý
thuyết kịch cỡm hầu có thể “cảm nhận” sự kiện. Tiên vàn phải hòa mình vào thiên
nhiên vạn vật, chứ giáo dục chẳng thể nào có thể giúp con người có thể hiểu và
nắm bắt sự thật. “Chỉ khi nào người ta hiểu rõ rằng Trời Đất chỉ nhỏ như một hột
thóc mà cái mảy lông lại lớn như hòn núi, thì mới biết rõ sự tương đối của vạn
vật” (thiên Thu Thuỷ trong Ngoại Thiên).[7] Trang Tử cũng thấm nhuần con đường
tâm linh của Lão Tử sư phụ, nên cũng chân nhận ra cái “vô” trong Đạo: “Thực vô
danh, danh vô thực. Danh giả nguỵ nhi dĩ hỹ.”[8]
Thực vậy, có thể
nói được rằng, qua con người Trang Tử, người ta nhận thấy ông có dáng dấp siêu
thoát, đùa bỡn với đời, khi thì cười cợt chửi bới, nhưng không bao giờ thấy ông
khóc than. Song le, nội tâm ông lại có tiếng gào khóc làm lay động cả vũ trụ.
Rong ruổi trên cuộc đời mà lấy nhân thế làm thành trò cười, ông trình diễn những
lớp hý kịch hoang đường trên sàn diễn của cuộc đời có quá nhiều bi kịch. Trang
Tử sống trong thời kỳ Chiến Quốc đầy biến động, đây đó chỉ toàn là bạo lực của
lãnh chúa quí tộc trong một nước Tống hắc ám và bần cùng. Sử chép rằng, hai lần
ông chối từ những chức vụ quan trọng như vua Nguỵ vời ông làm tể tướng. Có lần
nọ, đương câu cá, hai vị đại phu nước Sở đem lễ vật mời Trang Tử ra làm quan
triều đình. Thế mà ông vẫn không thèm quay lại và vẫn tiếp tục câu, ông đáp:
“Ta nghe nói vua Sở có một con rùa thần đã chết ba ngàn năm nay, vua quí nó lắm,
cất nó ở miếu đường, trong một cái giỏ có phủ tấm lụa. Con rùa ấy thích chết để
cái mai được kính trọng như vậy, hay là thích sống để lết cái đuôi trong bùn?’
Hai vị đại phu đáp: ‘Sống mà lết cái đuôi trong bùn sướng hơn chứ!’ Trang Tử
bèn bảo: ‘Thôi về đi. Ta đây cũng tiếp tục lết cái đuôi trong bùn’” (Thu Thuỷ).
Cái nghịch lý của
Tin Mừng nằm ở chỗ đó vậy. Và, sứ vụ cao cả của Đức Giêsu mà Thiên Chúa giao
phó chẳng qua cũng mang cái nghịch lý ấy cho nhân gian. Cái vô cùng nghịch lý ấy
cũng lại là cái rất hợp lý và tuyệt vời trong cái nhìn của Giêsu vậy. Cho nên
cũng dám nói được rằng, Đạo của Đức Giêsu Kitô là Đạo vô cùng tầm thường, nhưng
lại là phi thường. Vì phi thường quá nên mới là phi thực đối với kẻ “hiểu biết”
như Kinh Sư, Pharisêu và các giới chức sắc tôn giáo.
Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có (1Cr 1,27-28).
Khi suy niệm
Tin Mừng, chúng ta cần có óc hài hước (hài hước mà lại nghiêm túc, chứ không phải
hài hước kiểu nham nhở hay vô minh của kẻ ngu) thì mới có thể hiểu được những lời
giảng dạy của Đức Giêsu. Quả thực, sự hài hước là then chốt đưa dẫn chúng ta
thái độ của trẻ thơ,[9] vốn rộng mở tấm lòng và buông xả hoàn toàn hầu đón nhận
tình yêu nơi cha mẹ. Ông Kenneth S. Leong, vị hướng dẫn thiền định tại Nhà
Wainwright ở Rye, New York và tại Trung Tâm Mở New York ở Manhattan, cho biết:
“tâm linh đích thực sẽ được khởi sự bằng việc buông xả. Trong việc đọc Kinh
Thánh, sự ‘nghiêm nghị’ là một bất kính.”[10] Chính vậy mà thánh Mát-thêu đã cảm
nhận thầy Giêsu của mình mà cho chúng ta biết qua linh hứng: “Cha đã dấu không
cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những
người bé mọn” (Mt 11,25). Kẻ bé mọn là kẻ không biết nghiêm nghị. Nghiêm nghị
là nguy cơ rất lớn cho việc khai mở tâm linh của những con người tôn giáo như
giới giáo sĩ, thần học gia, hoặc giới trí thức. Cho nên với lý do ấy, trẻ thơ của
Tin Mừng xem ra gần Đạo hơn, có đời sống tâm linh chân thành và tinh trong hơn
những người lớn, là những “vị nghiêm nghị đạo mạo.” Kẻ không nghiêm nghị dễ
dàng buông xả và có khuynh hướng dựa vào trực giác (intuition) hơn là vào trí
tuệ (intellect). Về điểm này, Trang Tử cho trực giác là một thứ đại tri, còn lý
trí chỉ là tiểu tri mà thôi. Ở Thiên Tề Vật của Nội Thiên, Trang Tử nói: “Biết
một cách rộng rãi bao trùm là đại tri; biết một cách vụn vặt chia lìa là tiểu
chi” (Đại tri nhàn nhàn, tiểu trí gian gian, đại ngôn viêm viêm, tiểu ngôn
chiêm chiêm).
Trang Tử nhận
thấy hành động của lý trí sẽ là hành động của sự phân tích sự vật ra từng mảnh
vụn cân nhắc, lại so sánh với vật mà ta chưa biết. Thế nhưng chân thể của sự vật
là độc nhất vô nhị, tuyệt đối ngay tự căn, lại đem lý trí ra so sánh để hiểu biết
cái không thể nắm bắt được bằng trí óc thì thật là ngớ ngẩn! Chỉ có trực giác
mà nhập ngay vào sự vật mới mong lưu chuyển kịp theo cái động của cái sống ấy
mà thôi vậy. Dừng ngay nơi mà trí người không tài nào hiểu được là cái biết
cùng tột vậy.[11]
Để hiểu phần
nào về Đức Giêsu và Tin Mừng, tâm hồn cần trở nên trẻ thơ hơn, vì rằng, trẻ thơ
dễ dàng nhận thấy ánh sáng thông tuệ. “Hãy để trẻ thơ đến với Thầy, đừng ngăn cấm
chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mt 19,14). Tất cả mọi
thiên kiến, tư tưởng hay ngôn từ trong trí não đều là bức tường che kín sự mới
mẻ của ánh sáng ấy, và cũng che dấu huyền nhiệm của Tin Mừng. Thi hào Ấn Độ
Rabindranath Tagore đã thuật lại cuộc khủng hoảng và cũng là giai đoạn tỉnh ngộ
đầu tiên của mình (khi ông có được trực giác hay ánh sáng thông tuệ) như sau:
Một hôm, vào buổi chiều, tôi đi đi lại lại trên thềm nhà. Ánh nắng chói lọi của mặt trời đang lặn, kết hợp với bóng tối hoàng hôn, đem lại cho tôi một cảm giác, đó là buổi chiều đang đến đó có vẻ hấp dẫn đặc biệt. Ngay cả những tường nhà gần đó cũng dường như mang hào quang của vẻ đẹp. Sự biến mất của bộ mặt tầm thường của sự vật thông thường, tôi tự hỏi là từ hiệu ứng thần diệu nào của ánh sáng chiều vậy? Chắc chắn là không phải!
Tôi bỗng hiểu ra hiệu ứng của buổi chiều đang đến đối với tâm hồn tôi: những bóng tối của nó đã xóa đi cái ‘tôi’ thông thường của tôi. Chừng nào cái tôi ấy còn nổi bật lên trong ánh sáng ban ngày, chừng đó nó vẫn làm cho mọi cái tôi cảm nhận trở nên lờ mờ và bị che đậy. Bây giờ, cái tôi ấy bị gạt sang một bên, tôi có thể nhìn thấy thế giới dưới bộ mặt thực sự của nó. Và, trong làn ánh sáng này, nó chẳng có gì là tầm thường cả; trái lại, nó tràn đầy vẻ đẹp và niềm vui.
Từ sự trải nghiệm ấy, nhiều lần tôi có ý xóa đi ‘cái tôi’ ấy và xem xét thế giới như một khán giả bình thường, bao giờ tôi cũng được thưởng bằng một niềm hạnh phúc đặc biệt. [12]
Những người
không lấy điều gì làm quan trọng là những người đã buông xả và không cho trí óc
hoạt động. Tuy nhiên, ở đây không có nghĩa là chối từ trí tuệ, nhưng mà là chân
nhận được sự giới hạn và nguy hiểm của trí tuệ trên bước đường tầm Đạo – Đạo
Giêsu.
Đối nghịch với
trực giác này là lý trí. Đây là hai cực đoan của tinh thần con người. Khi sử dụng
lý trí thì có nghĩa là đi vào con đường nghiêm nghị. Thực vậy, theo phân tâm học,
sự nghiêm nghị là dấu hiệu của cái ngã (ego) khổng lồ. Càng nghiêm nghị chừng
nào thì cái ngã càng lớn chừng ấy. Sự nghiêm nghị càng nhiều thì cái tôi càng
được nuôi dưỡng và lớn mạnh. Khi cái ngã lớn chừng nào thì nỗi ám ảnh về hình ảnh
của bản thân càng mãnh liệt và tăng thêm sự ngăn cản tầm nhìn và khả năng thích
nghi với ngoại tại và ngay cả nội tại của bản thân nữa, và thế là ngăn cản cho
kẻ tầm Đạo không nhìn thấy ánh sáng thông tuệ.
Trái lại, sự
buông xả và hài hước sẽ thúc đẩy hướng tới tha thể, càng hướng về tha thể bao
nhiêu thì cá nhân sẽ càng chân nhận hình ảnh đích thực của cái ngã là gì và như
thế nào. Khi ấy, cá nhân được phản tỉnh và sẽ đi đến sự nghiêm nghị đích thực.
Nghiêm nghị này khác hoàn toàn sự nghiêm nghị trước. Đây là một sự nghiêm nghị
trong sự buông xả của tâm trí và trống rỗng của cái ngã. Chính vì thế mà nhà Phật
xem cái ngã là một cái chướng vô cùng to lớn cho sự chứng ngộ, và diệt dục (diệt
ngã) là giới răn căn bản nhất trên bước đường giải thoát khỏi vòng sinh tử luân
hồi. Và đối với Trang Tử, cũng chẳng có đi ra ngoài chân lý này: “Chí Nhân vô kỷ,”
là hạng người vô kỷ, vô công, và vô danh mà hành động vô vi. Chí Nhân vô kỷ là
hạng người đã diệt được cái ngã của mình rồi vậy, và con người này mới là vị đã
được Đạo, sống theo Đạo, hay vị đã được giải thoát:
Nam Quách Tử Kỳ ngồi dựa vào ghế dưỡng thần, ông ngửa đầu từ từ hít thở, tiến vào cảnh giới quên mất thân mình. Nhan Thành Tử Du đứng hầu trước mặt, bèn hỏi:
- Sao lại thế được? Hình thể mà khiến trở thành như cây khô, tâm linh sao lại khiến được thành như tro than ư? Nay người ngồi dựa ghế dưỡng thần có phải là người dựa ghế dưỡng thần trước đây không?
Tử Kỳ nói:
- Yển! Câu hỏi của ngươi không phải không đúng! Hiện tại ta đã quên sự tồn tại của bản thân ta, ngươi có hiểu tình trạng ấy không? Ngươi chỉ nghe tiếng “nhân lại” (tiếng sáo người) mà chưa nghe “địa lại” (tiếng sáo đất), ngươi chỉ nghe tiếng “địa lại” chứ chưa nghe được tiếng “thiên lại” (sáo trời).
Tử Du nói:
- Dám xin hỏi về đạo nghĩa này?
Tử Kỳ nói:
Hơi thở của đại tự nhiên gọi là gió, gió ấy không nổi lên thì thôi, nó nổi lên thì muôn ngàn lỗ hổng gào thét, lẽ nào ngươi không nghe rõ tiếng gió rít gào đấy ư? Thế núi cao thấp chập chùng, những lỗ huyệt lồi lõm của thân cây lớn trăm vòng, tiếng gió rít vào như mũi, như miệng, như tai, như xà nhà hình vuông, như huyệt hình tròn, như cối đá, như ao sâu, như ao cạn, thanh âm chúng phát ra lúc như tiếng nước chảy xiết, lúc như tiếng tên bắn xé gió, lúc như tiếng quát tháo, lúc như tiếng thở hít nhỏ, lúc như tiếng la lối, lúc tiếng đục nặng, lúc thánh thót, lúc thâm trầm, lúc bi thương. Tiếng trước xướng lên, tiếng sau họa lại, gió nhỏ thì họa nhỏ, gió lớn thì họa lớn, mà hễ tiếng gió dữ dừng lại thì muôn lỗ hổng lại tĩnh mịch. Lẽ nào ngươi không thấy cành cây vẫn rung động, lá vẫn xào xạc đấy ư?
Tử Du đáp:
- Âm thanh do các lỗ huyệt phát ra là “địa lại”, âm thanh do các ống sáo tiêu phát ra là “nhân lại”, xin hỏi còn “thiên lại” là sao?
Tử Kỳ đáp:
- Tiếng gió ấy phát xuất từ các loại lỗ huyệt thành muôn vạn âm thanh khác nhau, những âm thanh khác nhau ấy toàn là do các lỗ huyệt tự nhiên mà thành. Thế thì ai khiến nó phát ra thanh âm vậy? (Trang Tử, Tề Vật Luận, c. II). [13]
Vì vô kỷ sẽ tự
nhiên là vô công (không nghĩ gì đến bản thân mình nữa), và Lão Tử cũng đã cho
biết: “sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công thành nhi phất cư,” có nghĩa là
giúp cho vũ trụ vạn vật sống mà không chiếm hữu làm của riêng mình, lăn xả vào
đời mà không khoa trương, thành đạt thì cho thiên hạ hưởng dùng, còn bản thân
mình thì cần phải lui vào bóng tối, không mong hưởng thụ, và cũng chẳng cần ai
biết đến danh tánh của mình nữa.[14] Đây chính là cái hạnh cao nhất của bậc
Chân Nhân vậy. Thế mà người đời xưa và nay luôn luôn nơm nớp sợ thiên hạ không
biết đến mình, nên điều quan trọng nhất là làm sao có thể lưu danh ư hậu thế,
thậm chí bất chấp mọi thủ đoạn, hay những phương tiện thật tinh vi khéo léo của
những nhà trí thức hoặc cả những giới chức sắc trong các đạo trên thế giới này.
Có một sự trùng
lắp nào đó của một Gioan Tẩy Giả chỉ muốn bản thân mình nhỏ lại còn Giêsu thì lớn
lên trong dân chúng. Chân Nhân của Trang Tử là người mai danh ẩn tích sau khi
đã nỗ lực lo cho đời cho người một cách tích cực và sâu rộng: “lợi trạch thí ư
vạn thể” (trao ban ân trạch cho mọi người khắp nơi khắp chốn). Đến đây, thiết
nghĩ, phải chăng người theo sát Đức Kitô là thế (sequela Christi) ?
Chân Nhân của
Trang Tử là xuất thế, mà không có nghĩa là xa lánh thế sự gian trần. Xuất thế ở
đây mà lại gần nhân tình thế sự hơn cả. Như Đại Tông Sư có nói:
“Bậc Chân Nhân ngày xưa không ưa sống, không ghét chết, lúc ra không hăm hở, lúc vào không do dự, thản nhiên mà đi; không quên lúc bắt đầu, không cầu lúc sau chót. Nhận lãnh thì vui với nó, mà quên đi khi phải trở về... Nhờ được như thế mà lòng họ luôn luôn vững vàng, cử chỉ điềm đạm gương mặt bình thản.”
Vậy, vị Chân
Nhân xuất thế ắt là người buông xả và hài hước sẽ làm cho cái ngã dần dần nhỏ
đi và biến mất, để rồi từ đó ánh sáng ùa vào làm tan biến mọi ngóc ngách tối
tăm trong tâm hồn. Đức Giêsu đã nói rõ cho chúng ta biết: “Thầy bảo thật anh
em, nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào Nước
Trời” (Mt 18,3). Sự buông xả và hài hước là con đường dẫn đến Sự Thật đúng
nghĩa. Chẳng vì vậy mà trong Kinh Thánh, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa là người
ưa vui đùa (fun-loving). Trong trang đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta thấy Chúa
đi tản bộ thư thái trong vườn vào buổi chiều hiu hiu gió (St 3,8). Chúa đã chọn
Mô-sê, người cứng môi cứng miệng, lên làm thủ lãnh cao nhất của dân tộc Do Thái
(Xh 6,12), cũng như Ngài đã cho bà Sa-ra sinh con trong khi bà đã già (St
21,2), và cái tên I-sa-ác, người con trai ấy, có nghĩa là ‘người vui đùa’.[15]
Sau này, thánh Phao-lô diễn tả lại hình ảnh của Thiên Chúa cho chúng ta nhận biết
rằng con đường của Thiên Chúa không như hoặc trái ngược lại lối suy nghĩ thường
tình của loài người.[16] Từ khi Thiên Chúa cho Con Một của mình sinh ra nơi trần
thế và trong hang thú vật cho đến khi Con Một của mình bị sỉ nhục và chết trên
cây thập giá tủi đau.
Vì thế, hài hước
có thể diễn tả như là một khả năng tinh thần mà chúng ta có thể khám phá và bày
tỏ sự kính cẩn trước cái gì là phi lý, buồn cười hay ngớ ngẩn. Chính vì điểm
này mà dân Do Thái không thể nào chấp nhận một Giêsu như thế vừa lại là Con
Thiên Chúa vừa lại là con người, cũng như tất cả mọi giáo huấn xem ra rất “tầm
thường” của Người. Hài hước ở đây cần được hiểu đúng nghĩa của nó, tức là sự
hài hước này liên quan mật thiết đến tính dí dỏm, vốn là khả năng tinh thần,
hay nói rõ hơn, đó là linh cảm [17] trước vạn vật vũ trụ nội và ngoại tại. Sự
hài hước đích thực đòi hỏi phải có sự tỉnh thức, nhưng đây là một sự tỉnh thức
không bao giờ có nỗi sợ hãi gì, vì tỉnh thức này là một tỉnh thức buông xả và cởi
mở hoàn toàn thân, tâm và trí. Thực vậy, một đời sống tâm linh đích thực là đời
sống xem ra thật ngớ ngẩn và nực cười khi đã được diễn tả bằng ngôn ngữ loài
người.[18] Chẳng vì thế mà Giêsu thường bị tẩy chay và bị xem như một tên hề
trên vùng đất Pa-lét-tin. Họ treo Người lên trên thập giá và gắn một tấm bảng
nhỏ nhạo báng trên đầu Người: “Đây là vua người Do Thái”! [19]
Buông bỏ tính hợp
lý của trí não đi sẽ làm cho con người đi gần đến sự thật tinh trong và đích thực
nhất. Chính sự buông bỏ này sẽ tạo thành sự nghịch lý vốn đi ngược lại với tính
hợp lý của trí não, và cũng chính nghịch lý này mà trên thế giới vẫn không ngừng
nảy sinh hận thù và chiến tranh, cũng như sự xung đột một cách tinh vi và ngày
càng mãnh liệt nơi các tôn giáo khác nhau. Chỉ khi cởi mở và buông xả, thì sự
nhận hiểu mọi nghịch lý và việc trải nghiệm ánh sáng huyền nhiệm mới được diễn
ra. Simone Weil đã nói rằng: “Mọi nghịch lý hay mâu thuẫn chính là tiêu chuẩn
cho cái thực.”
Sống làm người,
ai ai cũng có khuynh hướng qui về “bộ phận trung ương trí não” khi đối diện với
bất cứ vấn đề lớn nhỏ trong cuộc đời. Thậm chí, vẫn có những người cho bộ phận ấy
là tất cả, mà chúng ta có thể nhận thấy nơi một số nhà khoa học, nhà triết học
vô thần... Thế nhưng, phân tích đến tận cùng, họ vẫn bỏ ngõ rất nhiều vấn nạn
và không thể nào giải đáp một cách rốt ráo được. Nói một cách đơn giản, chẳng hạn
có những vị thông thái nhất không sao trả lời được những câu hỏi vô cùng đơn sơ
và thậm chí xem ra ngớ ngẩn của con trẻ. Ngay tự nền tảng, cuộc đời là huyền
nhiệm và phi lý, vì thế con người không chỉ đơn giản lý giải qua trí não được,
chẳng vậy mà Augustine đã thốt lên: “Ôi, con người bao la và sâu thẳm dường
bao!”
Trí não không
thể nắm bắt được huyền nhiệm, chỉ có tri năng[20] mới có thể mà thôi,và tâm hồn
được kể vào trong tri năng này. Con đường tìm kiếm chân lý của Tây phương bị
ngăn trở bởi một rào cản rất lớn của trí não. Hạu quả là các triết gia, khoa học
gia, thậm chí cả đến những thần học gia vẫn loay hoay và luẩn quẫn khôn nguôi
bên trong cái tháp ngà kiên cố của trí tuệ, để rồi khó lòng có thể vượt thoát
ra khỏi vùng trời bao la vô tận, bác sĩ phân tâm Erich Fromm cho chúng ta biết
rằng:
Tôi tin rằng tôi thấy – nhưng tôi chỉ thấy những chữ; tôi tin rằng tôi cảm thấy, nhưng tôi chỉ nghĩ đến cảm giác. Con người bị tác động bởi óc não là con người vong thân, con người trong hang mà, như trong ngụ ngôn của Plato, chỉ thấy những chiếc bóng và nhận lầm chúng là thực tại trực tiếp.
Tiến trình tác động của óc não này được nối kết với tính chất mơ hồ của ngôn ngữ, Ngay khi tôi bày tỏ một cái gì bằng một chữ, một sự vong thân xảy ra, và trọn cả kinh nghiệm đã bị chữ ấy thay thế rồi. Trọn kinh nghiệm chỉ thực sự hiện hữu chính vào cái giây phút nó được biểu thị bằng ngôn ngữ. Tiến trình thông thường của tác động óc não tỏa rộng và mãnh liệt torng văn hóa hiện đại hơn bất cứ lúc nào trước đây trong lịch sử. Chính vì càng ngày người ta càng đề cao kiến thức trí năng là một điều kiện cho những thành tựu khoa học và kỹ thuật, và liên hệ với nó trên văn chương và giáo dục, chữ nghĩa càng ngày chiếm chỗ của kinh nghiệm. Thế mà cái vốn con người liên hệ lại chẳng biết đến điều này. Hắn cho rằng hắn thấy một cái gì; hắn cho rằng hắn cảm thấy một cái gì; thế nhưng chẳng có kinh nghiệm nào ngoại trừ ký ức và tư tưởng. Khi hắn nghĩ rằng hắn nắm bắt được thực tại, nhưng đấy chỉ là cái ngã-óc não của hắn nắm được, trong khi hắn, con người toàn diện, đôi mắt, đôi tay, con tim, cái bụng, chẳng nắm được gì cả – thực ra, hắn không tham dự vào cái kinh nghiệm mà hắn tin là của hắn.[21]
Về điểm này,
văn sĩ Hy Lạp Nikos Kazantzaki có viết một tác phẩm khá nổi tiếng, vốn mang
tính tiêu biểu cho tâm thức Đông phương, nói về sự buông xả hoàn toàn của nhân
vật Zorba hầu nhảy bổ vào cái vô tận vô biên, bước vào vô trụ.[22] Sau đây là một
trích đoạn đối thoại giữa Zorba và một người bạn:
- Không, sếp đâu có tự do, lão nói. Sợi dây ràng buộc sếp có lẽ cũng chẳng dài hơn sợi dây ràng buộc người khác. Có thế thôi. Sếp bị buộc bằng sợi dây dài, sếp ạ, sếp đi đi lại lại thoải mái nên tưởng là mình tự do, nhưng sếp chưa bao giờ cắt rời sợi dây đó...
- Một ngày kia tôi sẽ cắt. Tôi nói với vẻ thách thức vì những lời của Zorba đã chạm vào một vết thương kín miệng trong tôi.
- Khó đấy, sếp ạ, khó lắm dấy. Muốn làm thế, sếp cần có tí máu điên, sếp hiểu không? Sếp cần phải liều mọi thứ. Song le, sếp lại có cái đầu tỉnh quá, nó luôn luôn thuyết phục được sếp. Cái đầu của một người giống như anh chủ tiệm tạp hóa, nó luôn luôn tính toán: ta đã mua vào hết ngần này hoặc lỗ ngần này. Có nghĩa là lãi ngần này hoặc lỗ ngần này. Cái đầu là gã chủ hiệu nhỏ thận trọng, nó không bao giờ liều ném vào cuộc tất cả những thứ nó có, bao giờ cũng giữ lại một cái gì dự trữ. Nó không bao giờ ngắt đứt dây. À không, nó bám chặt lắm ![23]
Tự do ở đây
không có nghĩa là thoát khỏi mọi ràng buộc hoặc mọi nơi nương tựa theo nghĩa
đen, nhưng chính là không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì; mà trong một nghĩa
nào đó con người thật sự khát khao một cái gì đó hay một ai đó cao hơn, xa hơn
để tựa nương vào.[24]
PHẦN HAI: TRANG TỬ TIÊU DIÊU DU VÀ ĐỨC GIÊSU TỰ DO - ĐỨC TIN LÀ CAN ĐẢM NHẢY BỔ VÀO VÔ TẬN GIỚI
Thông thường
con người chỉ sống đạo theo những hình thức bên ngoài, chỉ loanh quanh với những
danh xưng và luật lệ của đạo mà không dám liều mình một lần để khám phá đạo là
gì. Ngay tự bản chất, con người có khuynh hướng tìm đến sự an nghỉ trường cửu,
nhưng càng đi tìm an nghỉ trong tất cả thực tại cõi nhân trần này con người
càng khao khát và bất an sâu thẳm. Một khi con người chưa dám cắt đức dây đang
cột chặt thân phận mình thì chừng ấy con người vẫn chưa nghiệm chứng được tự do
đích thực. Có thể cứ mãi nguỵ tín hay vô tri cho rằng mình đã tự do, nhưng đấy
chẳng qua chỉ là việc nới thêm sợi dây của mình dài hơn một chút mà thôi. Anh bạn
của Zorba không biết khi nào mới can đảm cắt đứt sợi dây của mình cho dù biết rằng,
chỉ qua đó, mới có thể nghiệm chứng được tự do đích thực. Dám cắt có nghĩa là
dám liều, và dám liều có nghĩa là can đảm đi trên con đường sự chết.
Thực vậy, nền tảng
tư tưởng của Trang Tử là tự do, và có thể nhận thấy rõ nhất trong thiên Tiêu
Diêu Du.[25] Tiêu Diêu Du là thanh thản bước vào cõi tự do theo Tánh phận của
mình. Để muốn được tự do, trước hết phải biết an với Tánh phận của mình. Tiêu
Diêu Du có nghĩa là nơi đâu cũng là tự do, và cảnh nào cũng là tự do. Tự do ở
đây không phải là như thế này mà không phải như thế khác, mà đây là tự do trong
nô lệ, ràng buộc, là thứ tự do mà vẫn bị sợi dây ràng trói. Trong thiên mở đầu
của Nam Hoa Kinh, Trang Tử có đưa ra một ngụ ngôn với hai hình ảnh sinh động:
con Côn vĩ đại và những loại côn trùng cực nhỏ. Mỗi loài lớn nhỏ đều có tự do tự
tại thuộc bản chất của mình. Trang Tử cho thấy lớn nhỏ là tương đối vô cùng.
Con chim Bằng vì quá lớn nên đâu biết chỗ lớn của mình, nên phải bay qua biển
Nam có Ao Trời mới đủ chỗ cho nó trú ngụ, và cũng như con ve con cưu, cố sức chỉ
bay lên cành cây du là đã rơi xuống mà vẫn lấy làm vui thú. Hai con vật bé nhỏ
này rất ngạc nhiên vì thân thể to lớn của chim Bằng thế kia mà sao lại phải bay
qua biển Nam làm gì. Chim Bằng có cái vui khi trên lưng chở cả trời xanh, chim
cưu nhỏ cũng có cái thú chưa bay cao mà đã phải rơi xuống đất. Hai tâm trạng tự
tại phiêu diêu này tuy lớn và nhỏ khác nhau, nhưng cũng chỉ là một. Trang Tử có
tư tưởng bất nhị (như của nhà Phật). Lớn nhỏ chỉ do xác thân, còn niềm vui nào
có lớn nhỏ gì cho cam. Niềm vui chỉ là một, cái thú là duy nhất, hay nói cách
khác, tiêu diêu chỉ có một mà thôi. Bành Tổ thọ tới tám trăm, nhưng nếu so với
loài Minh Linh hay cây Đại Xuân thì Bành Tổ chết quá sớm, nhưng nếu so với hạn
độ của con ve thì, ôi chao! Bành Tổ sống kinh quá! Nếu còn so sánh là chừng ấy
còn bị kẹt, bị nô lệ khổ ải. Vì vậy, tự do của Trang Tử là tự do không so sánh.
Tiêu Diêu Du là tự do tuyệt đối. Tự do tuyệt đối là diệt ngã để huyền đồng cùng
vạn thể.
So sánh là vì
có lòng ham muốn, mà khi đã ham muốn thì còn gì nữa là tự do đích thực. Trần Trụ
cho biết:
“Ham muốn, ước ao, đều là dục cả. Muốn mà không đặng thì âu sầu. Do con mắt phàm tục mà xem thì ta thấy sự vật có lớn có nhỏ, có dài có ngắn. Nhỏ ắt sẽ tham lớn, ngắn ắt sẽ ham dài. Có lớn rồi ắt lại muốn có cái lớn hơn, và cứ thế lớn mãi vô cùng. Lớn vô cùng, dài vô tận thì lòng muốn của ta theo đó mà không biết đâu là cùng tận! ”
Từ đó, để có tự
do tuyệt đối, cần phải biết an theo phận mình vậy (các an kỳ phận) và luôn luôn
thấy mình là đủ rồi (thích kỷ tự an).[26] Do vậy, cần hành động theo đức, tức
là hành động tự nhiên theo thiên tánh, như hoa nở mây bay, lửa nóng giá lạnh...
Nở, bay, nóng, lạnh là cái đức của hoa, của mây, của lửa, của giá. Đây là hành
động bất đắc dĩ, không thể không như vậy cho đặng, của mỗi vật trong đời (Canh
Tang Sở). [27]
Thật thế, đức
tin của đạo Kitô có nghĩa là sống tự do đích thực. Đây là tự do sẽ làm tín hữu
tê tái, vì đã bị lột xác lột lõi đến cùng tận. Cha Anthony de Mello nói rằng:
“niềm tin sẽ đem lại cho bạn nhiều yên ổn, nhưng đức tin thì không. Tin là bất ổn.”[28]
Đức Phật một lần đã nói rằng: “các tăng lữ và các học giả đừng đón nhận lời ta
vì kính trọng, song hãy phân tích những lời ấy, như cách thức mà người thợ kim
hoàn thử vàng – là cắt, cạo, chà và nung cho chảy ra.”[29] Các tín hữu của đạo
Kitô chúng ta hình như vẫn chưa chạm đến “điểm hiểm nguy” này, nên chẳng vì thế
mà thiết nghĩ Karl Marx cũng có cái lý của ông khi cho rằng: “tôn giáo là thuốc
phiện gây ngủ quần chúng.” Thử hỏi, phải chăng câu nói này có còn thiết thực
cho ngày hôm nay nữa không? Chúng ta hãy quan sát và nghiệm xem bao nhiêu Kitô
hữu sống đức tin đúng nghĩa, hay chẳng qua chỉ đến với đạo Kitô với mục đích
khát khao một sự chăm sóc vỗ về, hay sẽ được “phần thưởng” nào đó ...! Quả thế,
đây là một niềm tin mang tính vị kỷ nhưng vô cùng tinh vi cho dù đối với những
vị chuyên về đạo lý của nhà đạo, thậm chí chính bản thân cá nhân cũng không hay
biết. Niềm tin hay đức tin? Đó là một vấn đề hết sức căn cốt trên con đường
hành đạo mà mỗi tín hữu đạo Kitô cần minh định và nhận hiểu.
Suy cho cùng,
chúng ta không thể định nghĩa đức tin là gì, lại càng chẳng phải là một mớ lý
thuyết hay kiến thức về đức tin. Đức tin thuộc về lãnh vực tâm linh chứ không
phải thuộc lý trí. Theo cách nói của ông Kenneth S. Leong, đức tin là một hiện
tượng của bán cầu não phải chứ không phải bán cầu não trái. Ông nói tiếp:
“Đức tin chẳng có liên quan gì đến niềm tin, tín điều, tín ngưỡng, hay thần học cả. Đức tin mang tính hiện sinh chứ không phải là trí não; đức tin liên quan đến sự bung mở, chấp nhận, tin cậy và yêu thương, nên không thể nào có thể lý giải bằng cuộc tranh luận và đưa ra những chứng cứ.”[30]
Thần học gia
Tin Lành, Paul Tillich, ưa dùng hạn từ “can đảm hãy là” để diễn tả đức tin.[31]
Can đảm ở đây cũng chính là can đảm an theo phận mình theo như Trang Tử.[32]
Triết gia tổ hiện sinh S. Kierkegaard xác quyết rằng:
‘Chứng minh’ là một hành động suy tưởng, một cái gì nằm trong lãnh vực luân lý, không ở trong lãnh vực hiện hữu, ta không thể lấy suy tưởng để tác thành hiện hữu, vì suy tưởng và hiện hữu là hai bình diện cách biệt nhau một trời một vực. Dùng suy tưởng, chúng ta chỉ đạt tới ý tưởng mà thôi, không đạt tới hiện hữu. Vậy chỉ có một phương châm để đạt tới Thượng đế: con đường hiện sinh.[33]
Con người với đức
tin là con người sống với tất cả liều lĩnh và xác tín của mình cho dù cá nhân
cũng không thể lý giải bằng lý trí được. Trí não hoạt động thì không còn là đức
tin nữa, mà chỉ là niềm tin thôi vậy. Đức tin liên quan đến lòng muốn[34] hầu
khẳng định cuộc sống và xác tín vào sự tốt lành của nó cho dù có gặp bao ngờ vực,
ngăn trở, và khổ đau. Khi tổ phụ Áp-ra-ham đem con một mình là I-sa-ác lên núi
sát tế để dâng cho Đức Chúa,[35] là ông đang sống đức tin một cách đúng nghĩa.
Đây là đức tin hàm chứa đầy nghịch lý, nghịch lý đến nỗi có thể bị xem là điên
dại, như kiểu nói của văn sĩ Hy Lạp Nikos Kazantzaki là “cần phải có tí máu
điên.” Khi Áp-ra-ham đang trên đường dẫn con mình đi dâng lễ toàn thiêu, ông đã
không ngừng trầm ngâm suy tư về đường lối của Thiên Chúa, vốn xem ra thật nghịch
lý và tàn nhẫn. Tuy vậy, Áp-ra-ham không cho rằng giết con để tế lễ là một tội,
vì nếu là tội và quả thực ông không yêu con đến nỗi ông có thể hy sinh tất cả
vì con, thì ông biết rằng tội đó không thể nào được tha thứ cả. Áp-ra-ham yêu
con hơn tất cả mọi người cha nào, cho nên theo phương diện luân lý, ông biết rằng
đấy là một tội kinh khủng nhất. Nhưng ở đây, Áp-ra-ham là người mẫu mực tin và
yêu Thiên Chúa hơn ai hết, ông đã yêu Thiên Chúa hơn tất cả mọi sự. Vì yêu Chúa
mà ông đã quên bản thân mình, nên ông mới thực đúng là Chí Nhân vô kỷ, vượt khỏi
nhãn kiến nhị nguyên, dứt khỏi tư tâm tư dục: “Ai yêu mình thì nên cao trọng vì
mình; ai yêu người khác thì càng được cao trọng hơn; còn ai yêu mến Thiên Chúa
thì nên cao trọng tột bực.”[36] Đức tin ở đây là đức tin vượt lên trên những luật
lệ của luân lý. Áp-ra-ham đã giết con mình, là vi phạm luật nghiêm trọng nhất của
luân lý. Thế nhưng, đức tin là như thế đó, là nghịch lý, là điên dại và là bất
khả tri bất khả kiến. Trang Tử cũng vì thế mà bị xem là kẻ ngông kẻ điên. Chẳng
hạn, Vợ Trang Tử mất, Huệ Thi đến viếng thì thấy Trang Tử đang gõ vò mà ca hát
vui thú; Trang Tử sang Sở thấy bộ xương sọ liền lấy roi ngựa gõ vào sọ mà trò
chuyện; Sở Uy Vương mời Trang Tử làm tể tướng Trang Tử chối từ, coi ngôi tể tướng
như con bò được cho mặc áo gấm để dắt vào làm lễ tế giao ở Thái miếu; Ông từ chối
học trò hậu táng, cho rằng có trời đất làm quan quách, mặt trời vầng trăng làm
ngọc bích, tinh tú làm ngọc châu, vạn vật đưa ma mình... Còn thêm chi nữa! Còn
gì đã bằng!
Trang Tử ưa sự
phủ định, hay có cái nghịch lý trớ trêu. Người đời thích hữu dụng, còn ông lại
ngợi ca cái vô dụng. Cái điên nơi Trang Tử là cái điên của trí tuệ cao siêu, khác
hẳn với cái điên của kẻ ngu dốt liều lĩnh. Nhà triết học Lý Trạch Hậu khẳng quyết:
“Cái đạo của Trang Tử không phải là bản thể tự nhiên nhưng mà là bản thể người. Ông nâng cao con người với tư cách là bản thể lên tầm cao vũ trụ, cũng tức là nêu lên tính đồng nhất của tồn tại bản thể người với tồn tại tự nhiên của vũ trụ.”[37]
Từ đó, chúng ta
nhận thấy cái điên của Trang Tử hướng tới khẳng định cá nhân vũ trụ. Chân Nhân
cần siêu vượt lên trên khỏi ngoại vật như sinh, mệnh, thọ, yểu, bần, phú, quý,
tiện, chức quyền, tư tưởng, lễ tục, khen, chê, buồn, vui, giận, hờn ... hầu
vươn mình lên đến trời cao, buông thả vào cõi nhiên giới.
Cảm nhận được
điều này nơi Trang Tử ta mới có thể lãnh hội được đức tin. Có người cho
Áp-ra-ham là tên rồ dại và chẳng có thực tế chút nào. Con người rất dễ bị rơi
vào lãnh vực lý trí khi đối diện trước những hiện tượng hay sự kiện biến cố nào
đó, họ cho rằng họ có thể lý giải tất cả mọi sự bằng lý trí của mình. Họ chỉ
nhìn hành động của Áp-ra-ham hoàn toàn trong phạm vi con người (domaine
humain). Sống đức tin là vượt qua khỏi trí hiểu và nhảy vào giới vô biên vô tận
dù rằng thế giới ấy không thể nào nắm bắt được bởi tâm trí của người tin.
Kierkegaard đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về việc sống đức tin: “Đức tin là một
điều nghịch lý vì đặt cá nhân lên tên luật lệ thông thường” (La foi est ce
paradoxe suivant lequel l’individu est au-dessus du général).[38] Kierkegaard
diễn tả đức tin của Áp-ra-ham như sau:
Trong suốt quãng thời gian đi đường, cụ không phút nào không tin tưởng vào Thiên Chúa. Cụ tin vì phi lý, vì điều đó loài người không thể toan tính được; phi lý vì Thiên Chúa đòi cụ phải hy sinh I-sa-ác, rồi chính Ngài trả lại I-sa-ác.[39]
Đây là một thái
độ anh hùng, và cũng là kẻ điên dại cao siêu, mà Kierkegaard phải thốt lên:
“Tôi nghiêng mình bảy lần trước quý danh ngài, và tôi nghiêng mình bảy mươi trước
hành động kia của ngài.”[40]
Áp-ra-ham đã sống
với đức tin và đã can đảm nhảy vào cõi vô tận của Thiên Chúa. Khi bước vào linh
giới này, sẽ không có bất kỳ lý luận của trí não nào có thể đạt tới được. Con
người có đức tin là con người không ngừng được mời gọi nhảy vào giới vô hình vô
sắc vô tướng, và nếu trong vô tận giới này bị con người giảm thiểu vào trong hạn
nghĩa của lý (-ic hay -ique) hoặc học (-ogy hay -ogie) chẳng hạn như thần lý, vật
lý, thể lý, luận lý, hay thần học, vũ trụ học, siêu hình học, Thượng Đế học,
Kitô học, ... Giảm thiểu như thế chẳng khác gì biến đức tin hoặc lời mời gọi của
linh giới hiện hữu nơi mỗi một con người trở thành vỏn vẹn vài ba kiến thức hay
vài nguyên tắc cân đo đong đếm rõ ràng và rất logic. Có lẽ chăng vì thế mà
Nietzsche đòi giết thượng đế, một thượng đế làm cho con người nô lệ và khốn đốn
suốt đời.[41] Thượng đế của Nietzsche ở đây phải hiểu là nét chữ thường, và phải
hiểu như là một ngẫu tượng (idol)[42] của Logos (Ngôi Lời)[43]. Ngẫu tượng này
có thể được xem như khi con người giảm thiểu vào cái lý (-ic hay -ique) hoặc
cái học (-ogy hay -ogie). Cho nên vì thế mà thiền sư Vô Môn hét toáng lên:
“phùng phật sát phật, phùng tổ sát tổ”[44] là thế !
Một khi đã can
đảm nhảy bổ vào vô tận giới, cũng có nghĩa rằng con người thực thi ý muốn của
Thiên Chúa. Khi thực thi ý muốn của Thiên Chúa, đó là con người đã làm một bước
nhảy vọt quyết liệt nhất – từ bỏ bản ngã (ego) và sẵn sàng đón nhận bất cứ điều
gì. Phương thế hiệu quả nhất của bước nhảy vọt này chính là dám chân nhận và
đón nhận một cách vui tươi mọi yếu đuối và giới hạn của con người hạn giới
chúng ta, an trong phận là thế!
Tan mình vào
trong vạn vật vũ trụ thay vì ra sức chống cự lại nó; và nếu cần, hãy đón nhận tất
cả những gì mà con người chúng ta không thể ứng phó hay biết trước được. Vứt bỏ
bản ngã, con người sẽ trở thành trống rỗng, và chính trong cái trống rỗng này
là quyền năng lạ lùng mà lý trí không sao nắm bắt được. Thế nhưng với bản ngã,
con người luôn luôn cảm thấy bất lực. Bản ngã không ngừng mách bảo cho biết:
“Phải tìm mọi cách sao cho tôi lớn hơn một chút, rồi lớn hơn một chút nữa... để
mình được nên mạnh mẽ,” và cứ thế... bản ngã chẳng bao giờ cảm thấy thoả mãn cả,
cho nên đi đến sự bất lực. Tất cả mọi thu vén sao cho bản ngã trở nên mạnh mẽ
hơn càng làm cho con người cảm thấy mình nghèo nàn hơn. Chẳng hạn khi càng mạnh
khoẻ, thì nỗi sợ chết càng lớn, càng thấy mình đẹp đẽ thì sự lo lắng nhan sắc
phai tàn càng nhiều... Bản ngã không bao giờ mạnh mẽ, mà chỉ mộng mơ đến sự mạnh
mẽ mà thôi, nhưng mộng mơ này không bao giờ và mãi mãi sẽ chẳng bao giờ trở
thành hiện thực cả. Tự bản chất bản ngã là mơ mộng hão và tìm mọi cách làm sao
che dấu sự yếu đuối hay bất lực trong sâu thẳm con người. Đây cũng là rào cản rất
lớn không cho con người nhảy bổ vào vô tận giới để sống đức tin. Hơn nữa, mỗi
khi đối tượng đã được khai mở tâm thức để chuẩn bị sống với đức tin, thì một
cách rất tinh vi và khôn khéo, bản ngã liền mách bảo cho biết rằng: “điều này
không ổn đâu!” hay “con đường này sai lạc đấy!” Can đảm để cắt đứt sợi dây trói
buộc như lão Zorba có lẽ không phải là dễ dàng, hoặc như hành động của
Áp-ra-ham - can đảm vứt bỏ sợi dây bản ngã của mình hầu đem I-sa-ác lên núi tế
lễ – có lẽ không ít những nhà duy lý hay duy giáo (thuộc về -isme) vui vẻ ủng hộ
!!!
Vì vậy, đức tin
chẳng phải là việc theo đuổi bản ngã, cũng chẳng phải là sự vâng phục mù quáng.
Loài vật không bao giờ có đức tin cả. Con đường tìm kiếm đức tin là con đường
đi ngược lại với con đường của bản ngã. Con đường của bản ngã là thu vén cho
chính mình, con đường của đức tin là con đường cho đi và vì thế trở thành trống
rỗng. Đây chính là con đường của Thầy Giêsu, Người chính là Thiên Chúa, nhưng
đã bỏ tất cả để trở thành nhân sinh hữu hạn, và bị chết như một con người đúng
nghĩa và thực sự (Pl 2,6-8). Con đường ra không (kénose) của Người sau đã đưa
Người lên cao trọng hơn tất cả. Người đã trở nên trống rỗng vì Người đã không
ngừng cho đi hết thảy, thậm chí đến ngay chính mạng sống của Người nữa: “Đây là
Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1 Cr 11,24).
Vì con đường đức
tin là con đường làm trống rỗng chính mình, nên vì thế, cũng là con đường của sự
dịu dàng, vốn nghịch với sự ngoan cố, cứng nhắc, đa nghi và nhu cầu tự khẳng định
về cái “đúng” của mình: “Chúng ta biết rằng đức tin sẽ bị đầu độc nếu yin của sự
dịu dàng và khiêm cung bị thế chỗ cho cái yang của sự cứng cỏi, cao ngạo, tàn
ác và căm ghét.”[45] Đức Giêsu là người có tính dịu dàng đích thực, dịu dàng của
Người không phải là dấu hiệu yếu đuối, nhưng mà là sự biểu tỏ một sức mạnh ẩn
tàng lạ lùng bên trong. Chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm được sức mạnh này của Đức
Giêsu Kitô và cũng là của Thiên Chúa khi chúng ta biết nhìn trong trạng thái trống
rỗng, đó là trạng thái mà khi tâm hồn chúng ta không còn bị nghẽn tắc hay ngăn
cản bởi mọi thứ dính bén của vật chất, nhục dục, tâm lý, lý trí và ngay cả tâm
linh nữa. Tình trạng trống rỗng dẫn đưa đến sự chứng nghiệm Thiên Chúa, như lời
Đức Giêsu dạy rằng: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được ngắm nhìn
Thiên Chúa” (Mt 5,8).
Đức tin đích thực
không có nghĩa là sống trong tháp ngà kiên cố và kiếm tìm sự an ổn; trái lại, đức
tin đích thực là bất ổn theo như ngôn ngữ của cha Anthony de Mello, hoặc tin là
lên đường và mạo hiểm, như theo cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Lên đường là một tiếng
nói định mệnh.”[46] Một khi sống trong tháp ngà và sự an ổn, con người sẽ dần dần
đi đến thái độ khước từ và tẩy chay lẫn nhau. Đây cũng là nỗi đau rất lớn cho
Giáo hội Công giáo, đặc biệt vào thời Trung cổ, khi hầu hết mọi chức sắc trong
Giáo hội đều mang não trạng giáo sĩ trị. Nhìn vào thời đại ngày nay, thế giới
cũng đã và đang bị đe dọa do những kẻ sống “đức tin” lạc lối. Tôn giáo có lẽ
góp phần không nhỏ vào sự khổ đau, nghèo đói, thậm chí đổ máu của thế giới này
vì “đức tin” như thế. Hẳn cũng chính vì thế mà cố tổng thống Gandi của Ấn độ một
mực kính tôn Chúa Giêsu, nhưng lại không phục Kitô hữu. Trang Tử cũng thấm thía
cái trái ngang này nên mới nhận thấy rằng, con người ở đời đều thích người ta đồng
với mình, mà rất ghét người ta khác với mình (Tề Vật Luận). Đây là căn bệnh
nguy hiểm nhất của loài người, như kẻ bị hủi trong thiên Địa: “Người bệnh hủi
kia, nửa đêm sanh đặng đứa con. Bèn lật đật kiếm cho đặng lửa để xem hình hài,
chỉ nơm nớp lo sợ biết đâu nó chẳng giống mình.” Cho dù nó là con ruột đi nữa
cũng không nhìn nhận là con của mình nếu nó không giống như mình. Cũng trong
thiên Địa, Trang Tử đau đớn phải thốt lên:
“Ôi! Hạng thật mê, suốt đời không tỉnh. Hạng thật ngu, suốt đời không khôn. Ba người cùng đi, mà có một người mê, thì chỗ mình định nói đến còn có thể mong đạt tới được, là vì kẻ mê thì ít mà người tỉnh thì nhiều. Nếu ba người cùng đi mà có tới hai người mê, thì chỗ mình định nói đến không thể mong đạt tới được, là vì kẻ mê thì nhiều mà người tỉnh thì ít. Nay, cả thiên hạ đều mê, ta dẫu có muốn chỉ đường cũng không thể được. Chẳng cũng xót xa lắm sao! Tiếng hát hay, không sao lọt vào tai bọn dân quê; hát líu lo bậy bạ vậy, mà chúng lại náo nức vui cười! Thế nên, lời nói cao, không thể lọt vào được nơi lòng chúng nhân. Lời ‘hay’ không thể nói ra được vì lời ‘thô’ thì quá nhiều, đầy lấp thiên hạ và được thế lực ủng hộ. Lấy hai cái chình bằng đất, đánh to lên, thì nó lấp cả tiếng chuông đồng.”
Thật vậy, thiết
tưởng không nên trách cứ cho bằng sẵn sàng rộng mở tâm hồn bao dung để ôm trọn
nhân gian hạn hữu. Dù sao chăng nữa, tất cả những con người với “đức tin” ấy
cũng chỉ là những nạn nhân – nạn nhân của sự ngu dốt và ảo tưởng, nạn nhân của
ý thức hệ tư tưởng, nạn nhân của đầu óc nhị nguyên phân biệt. Hãy nhìn những
con người “tôn giáo” vào thời Đức Giêsu, đó là Pha-ri-sêu và các kinh sư, là
nhóm người đứng đầu tôn giáo và hiến dâng trọn cả cuộc đời cho tôn giáo của
mình. Cho dù họ có đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá, họ cũng không phải là kẻ xấu
xa kinh tởm. Hơn thế, họ hết mực trung thành với tôn giáo của họ và nhiệt tình
trong việc góp phần làm cho tôn giáo lớn mạnh. Thế nhưng, có một điều rất tinh
tế mà họ không hay biết, đó là khi họ càng nỗ lực, kiên nhẫn, và trung thành với
sự hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa, họ xem chừng lại ít khôn ngoan hơn.
Họ không nhận thấy được rằng đời sống tâm linh hay đức tin chẳng có liên quan
gì đến việc bám chặt môt cách kiên trung vào các hình thức. Chính vì vậy mà họ
cho rằng việc đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá là một nghĩa cử phục vụ Thiên
Chúa vì những hành động và giáo huấn của Người sai lạc và phạm thượng! Họ bảo vệ
“đức tin” của họ bằng cách loại trừ đức tin mà Đức Giêsu mang lại !
Can đảm cắt đứt
sợi dây ràng buộc để nhảy bổ vào vô tận giới là đức tin đích thực. Can đảm này
không phải là “can đảm” của người tự sát, vì người tự sát là người tự giết mình
để tìm lại chính mình, còn người can đảm để nhảy bổ vào vô tận giới là người để
cho mình ra trống rỗng và đó là ý nghĩa của một hiến tế vậy. Can đảm trước mang
tính vị kỷ và bất bao dung, ít là với chính bản thân mình, còn can đảm sau mang
tính xả kỷ và tan biến để hòa trong tình yêu nhân loại. Can đảm trước hàm ẩn sự
cao ngạo, can đảm sau chứa đựng lòng khiêm cung. Nói về Đức Giêsu, Alan Watts
cho biết:
Đấng chịu đóng đinh vào thập giá làm phát sinh cuộc sống mới cho nhân loại vì Người đã khước từ Thiên Chúa với cách thức Thiên Chúa như là một đối tượng để Người chiếm hữu, nhận biết, và giữ lại cho sự an toàn riêng của bản thân mình, “vì rằng ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ bị mất.” Cho nên, bám chặt vào Đức Giêsu có nghĩa rằng, thờ phượng một Đức Kitô không bị đóng đinh, một ngẫu tượng thay vì một Thiên Chúa sống động.[47]
Đức Giêsu đón
nhận sự bất ổn, và Người đã tự làm cho mình ra không và tự hiến tế để phát sinh
sự sống mới trong Thiên Chúa. Thái độ của Người không cứng nhắc để chống trả lại
những kẻ sống đức tin giả, nhưng mà là mềm dẻo và nhẫn nại với nhân gian và
trông cậy vào Thiên Chúa. Niềm hy vọng của đạo Kitô chính ở điểm này. Tầm quan
trọng của niềm hy vọng được thánh Phao-lô cho biết: “Quả thế, chúng ta đã được
cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong” (Rm 8,24). Hy vọng của đạo Kitô không phải
hy vọng theo nghĩa thường tình, tức là hy vọng vào những điều gì đó thuộc tương
lai chưa biết đến hay chưa chắc chắn, nhưng đây là hy vọng theo như Phao-lô
nói: “Niềm hy vọng này sẽ không làm cho chúng ta ra thất vọng” (Rm 5,5).
Phao-lô muốn cho chúng ta biết rằng niềm hy vọng này muốn ám chỉ đến thực tại
lúc này đây, chứ không phải là một khả thể tương lai.
Đức Giêsu không
bao giờ nói về niềm hy vọng, thế nhưng lại nói một cách nào đó rất nhiều trong
Tám mối Phúc, nơi mà chứa đựng một kho tàng qúi giá về những nguyên lý trái nghịch.
Nơi đây, chúng ta sẽ khám phá ra toàn bộ bí mật về niềm hy vọng của đạo Kitô,
và cũng ám chỉ rất sâu xa đến đức tin đích thực mà Đức Kitô muốn bày tỏ.
Đức tin và hy vọng
có liên quan rất mật thiết với nhau như hai mặt của một đồng tiền vậy. Trở nên
trống rỗng có nghĩa là trở nên nghèo khó (Mt 5,3). Nghèo khó ở đây có nghĩa rằng
chúng ta nhận thấy tất cả mọi giới hạn và yếu đuối của phận hữu sinh. Vì thế,
thật là qúi báu biết bao khi chúng ta trải nghiệm qua những thất bại và khổ luỵ
trong kiếp nhân sinh này! Vì thế một cách nào đó, càng trải nghiệm những gì thuộc
cái ê chề của hạn giới thì bấy giờ chúng ta càng vô hiệu hóa bản ngã vốn không
ngừng quyết liệt gây chiến trong ta. Thiền sư Tây Tạng Chưgyam Trungpa nói rằng:
“Chúng ta cần để cho bản thân mình bị thất vọng chán nản, vì đây chính là điều
mà làm cho chúng ta bỏ đi cái thuộc về của tôi, vốn là thành quả của tôi vậy.”[48]
PHẦN BA: TRANG TỬ HUYỀN ĐỒNG VÀ ĐỨC GIÊSU TÌNH YÊU - TÌNH YÊU: MỞ TOANG TRONG DUY NHẤT
Có lẽ không ai
chối cãi rằng đạo Kitô là đạo tình yêu. Thế nhưng, tình yêu là gì? có lẽ khó có
thể định nghĩa rốt ráo được. Người đã biết tình yêu là gì, thì cũng là người lại
khó diễn tả tình yêu hơn ai hết, vì rằng đã đưa vào định nghĩa, hay phân tích,
có nghĩa là giảm thiểu tình yêu vào một mớ kiến thức vô hồn và kịch cỡm.
Dù sao đi nữa,
thiết nghĩ cũng phải dùng ngôn từ để diễn tả được chừng nào hay chừng nấy, để rồi
cuối cùng, chỉ qua sự nghiệm chứng và thinh lặng của mỗi người thì may ra mới
có thể nắm bắt được phần nào về tình yêu, vì tình yêu vốn là bí nhiệm và vượt
lên trên mọi trí hiểu và giác quan của thân phận hữu sinh.
Trước tiên đề cập
đến tình yêu, thiết nghĩ chúng ta nên nói về mối tương quan. Khi hai con người
gặp gỡ nhau tức là họ đang thiết lập nên mối tương quan. Đây là mối tương quan
độc nhất vô nhị mà trước đây hai người chưa bao giờ cảm nghiệm, vì mỗi một cá
nhân là đặc thù và riêng biệt, không ai có thể giống ai. Khi mối tương quan khởi
sự, thì hai cá nhân tạo nên một thế giới mới của nhau. Khi một chàng trai có
người yêu, thì anh không còn là một anh chàng như xưa nữa, mà từ bây giờ trở
đi, anh là một người hoàn toàn mới mẻ. Dĩ nhiên, thuở ban đầu khi hai người
chưa đi vào mối tương quan cách sâu xa, thì hai người vẫn còn là hai thế giới
riêng biệt. Khi đi đến giai đoạn thân mật gần gũi, thì hai người đã tạo cho
nhau một thế giới chung của hai người. Hai người càng tạo cho nhau một thế giới
chung nhất, thì đó là hai người đã càng đi vào trong cõi thẳm của nhau. Khi cõi
thẳm của hai thế giới đã gặp nhau và nên một, thì đấy là tình yêu vậy. Vì thế,
để cho tình yêu triển nở thì cả hai đều sẵn sàng và can đảm bung mở tâm hồn
mình tối đa để hai cõi thăm thẳm có thể gặp nhau tại một cõi thẳm duy nhất. Đây
là cõi thẳm thật mới mẻ và vi diệu nhất mà hai người có thể chưa từng cảm nghiệm
trước kia bao giờ.
Khai mở cõi thẳm
của mình là làm một cuộc mạo hiểm rất lớn. Là mạo hiểm, vì tất cả mọi bí ẩn đều
bị phơi bày và nỗi sợ hãi ập đến vì bản thân giờ đây không còn điều gì có thể nắm
giữ được nữa. Bản thân người này khi đã bung mở nên sẽ rơi vào tình trạng chơ
vơ bấp bênh. Chính vì thế nên tại sao phần lớn không ai can đảm bung mở tối đa
hầu phơi bày cõi thẳm của mình ra. Trong thời đại ngày nay, khi khoa học kỹ nghệ
và thông tin phát triển tột bực, khi con người được trang bị nhiều tiện nghi nhất,
thì sự ngờ vực nơi con người với nhau thêm gia tăng. Chủ nghĩa cá nhân và tiêu
thụ mỗi lúc một tăng triển, thậm chí len lỏi vào trong tình vợ chồng hoặc gia
đình thân thuộc, dẫn đến sự thu vén, tích cóp và củng cố tháp ngà của bản thân
thêm rắn chắc và an toàn. Chính vì vậy mà tình yêu của ngày hôm nay có lẽ thật
là hiếm hoi và thậm chí có thể bị người đời xem như lỗi thời, dại khờ và kệch cỡm.
Trong Tề Vật Luận,
Trang Tử bàn đến sự đồng đẳng của tất cả sự mâu thuẫn trong đời. Tất cả mọi sự
trong nhân tình thế sự đều được Trang Tử nhìn với đôi mắt huyền đồng, thoát khỏi
quan niệm nhị nguyên. Giữa cái “ta” và “người” là cặp mâu thuẫn to lớn nhất, và
khi chúng bị phân tách trong quan điểm nhị nguyên là sẽ có chiến tranh và tiêu
diệt lẫn nhau. Quan niệm nhị nguyên phân chia nhĩ ngã cũng có nghĩa là đang củng
cố bản ngã mình. Vậy, quan niệm huyền đồng của Trang Tử cho thấy “ta” là “người”
và “người” cũng là “ta” vậy: “Người cùng Tạo hóa hợp làm một rồi, thì đi đâu mà
không phải là mình” (Minh nhiên dữ Tạo hóa vi nhất, tắc vô vãn như phi ngã dĩ).
Sóng ngoài biển khơi tuy có thiên hình vạn trạng, nhưng kỳ thực đều là Nước cả.
Không đoái hoài đến Tướng, mà chỉ nên nhìn vào cái THỂ của nó, thì tuy SỐNG có
thiên hình vạn trạng, kỳ trung ta thấy có MỘT mà thôi. Cần diệt đi bản ngã để
phục hồi được BẢN TÁNH, thì thấy vạn vật đâu đâu cũng là mình cả, tức là cùng một
cái SỐNG như cái SỐNG của mình.[49] TrangTử cho rằng, tầm Chân Lý (Đạo) tức là
tìm chỗ liên lạc mật thiết giữa mọi sự vật, tìm thấy chỗ MỘT của thiên hình vạn
trạng sự vật (Vạn Vật tận nhiên nhi dĩ thị tương uẩn – Tề Vật Luận).
Trang Tử không
luận bàn về tình yêu một cách cụ thể minh bạch, thế nhưng ý tưởng yêu thương
thì trôi chảy trong mạch ngầm nhưng vô cùng sâu thẳm !
Có lần Thiên Đại
Tông Sư nói: “gặp hình người mà vui riêng với đó. Mà hình người là gì? Hồi vị
thuỷ trong vô cực, theo vạn hóa mà có nó ra. Vậy, vui với cái vui đó, nhận
riêng nó mà không nhận cái khác, có phải lẽ không?
Quách tượng giải
thích như sau: “Trong muôn vàn hình thức của vạn vật, hình thức của người là một.
Gặp được hình thức ấy, chưa đủ riêng vui với nó mà thôi. Trong vô cực, chỗ ‘gặp
mới’ của vạn vật đều như con người, há chỉ riêng có con người là biết vui với
cái hình mới ấy mà thôi, còn bao nhiêu vật khác đều không biết vui như con người
sao?” (Tề Vật Luận).
Sợ có nghĩa là
nô lệ. Khi đã sợ, có nghĩa là không có tự do đích thực. Không có tự do thì cũng
có nghĩa là đang bị nô lệ, mà khi đã là nô lệ thì tình yêu không xảy ra. Tình
yêu và nô lệ là hai thái cực đối nghịch. Sợ là do bản ngã tạo nên, còn bản ngã
có nghĩa là còn bị giam hãm trong bóng tối. Trong tình yêu, đôi lứa cần phải biết
vượt lên trên ngoại vật hầu bước vào cái mới, cái mới này nhưng cũng là cái cũ
vậy. Cái mới là cõi thẳm mà đôi lứa đều cùng tạo nên cho nhau. Cái mới này là
tình yêu. Nhất thiết bình đẳng của Trang Tử là con đường dẫn đến tình yêu, và
tình yêu này đưa đến tự do tuyệt đối. Gìn giữ Thiên Chân mình được trọn vẹn thời
trong thuyết Bình Đẳng của Trang Tử là gìn giữ Tình Yêu vậy.
Có lẽ thời nay
con người quá ồn ào, cuộc sống bị lấp đầy bởi quá nhiều bích chương và quảng
cáo, nên không lạ gì “tình yêu” cũng phải đổi thay: chớp nhoáng, phá bĩnh, trao
đổi, kiếm trác, chiếm đoạt, thử nghiệm,... Rộn ràng theo bề mặt hay ngoại vật
có lẽ đôi khi cũng cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả cần phải có độ lắng sâu
xa, như hòn đá ném xuống ao, gợn sóng một chốc, nhưng rồi phải dịu lại và tịch
lặng hầu mọi ngóch nghách và đáy ao được tỏ hiện. Cần lấy lặng lẽ làm vốn liếng
cho đời, như kiểu nói của cố Trịnh Công Sơn, là uống tình lắng xuống, trả em
vào đời và “tôi thu bóng tôi”.
Nếu hai người
chưa biết đến tịch lặng thì cõi thẳm của hai người cũng chưa thể biết bung mở,
nên mối tương quan ấy vẫn còn dừng ở phần ngoại vật. Thật vậy, chừng nào cõi thẳm
của nhau chưa bung mở thì chừng ấy hai người vẫn còn là hai tháp ngà đối diện
và cùng trong tâm trạng chứa đầy e dè sợ hãi. Đây không phải là tương quan đích
thực, mà chỉ là ngoại giao (gặp gỡ nhau ở phần ngoại vi). Không thiết lập mối
tương quan đích thực, tình yêu không thể xảy ra, mà chỉ là sự sợ hãi phụ thuộc,
lợi dụng, thao túng, thống trị, sở hữu, phòng thủ, bảo vệ... Có những người
“yêu” nhau đã lâu, hay có những cặp vợ chồng đã có vài đứa con, nhưng nơi họ vẫn
không có tình yêu, vì họ chỉ gặp gỡ nhau ở phần ngoài. Cho dù việc quan hệ tình
dục có diễn ra nơi họ, nhưng chỉ là sự “ngoại giao” giữa hai thân xác, chỉ là
mua bán mại dâm. Ngoại giao ở đây cũng có thể được ví như là tham dự một bữa tiệc
với các món ăn rất hấp dẫn, thế nhưng lại không muốn làm cho thức ăn tiêu hóa
và dưỡng nuôi cơ thể. Không sớm thì muộn cũng sẽ dẫn đến táo bón!
Thiên Chúa vì
yêu con người nên đã “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Trước tiên Đức Giêsu được sinh ra trong bầu khí cô tịch nơi hang thú vật, sau
đó Người trải qua chừng hơn ba mươi năm sống lặng lẽ nơi miền Na-za-rét nhỏ bé
và tầm thường. Người đã xuống thế hầu tương quan với con người, một tương quan
đích thực và sâu thẳm, và trao tặng Thiên Chân của mình cho nhân loại.[50] Vì vậy,
tình yêu đạo Kitô là tình yêu xóa mình đi, làm tan biến cái ngã vị của mình,
hay nói cách khác, tình yêu đạo Kitô là tình yêu tự huỷ, là làm chết đi cái
ngã, hay cái tôi giả (the false self) của Người, để hiến mạng mình cho người
mình yêu. Để tình yêu xảy ra thì phải đập cái vỏ bản ngã nhốt Thiên Chân bên
trong. Muốn sống, cần phải tạo cơ may cho Thiên Chân hiển lộ. Cõi thẳm của Đức
Giêsu đã bung mở hoàn toàn để có thể gặp được cõi thẳm của chúng ta, hầu chúng
ta được gọi mời cùng đạt đến Thiên Chân tự do và siêu vượt: “đây là Mình Thầy,
hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”(1Cr
11,24). Và, Người đã đi bước trước, Người đã cầu xin với Chúa Cha rằng: “Con đã
ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là
một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga
17,22-23).
Vì thế, từ bỏ
theo như Đức Giêsu dạy không có nghĩa là xa tránh hoặc quay lưng đi một cách lạnh
lùng trước những thực tại của cõi nhân sinh này. Từ thời khai thiên lập địa, mọi
sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt đẹp (St 1,31), và Ngài còn tôn qúi những gì đã được
tạo dựng nên đã trở nên con người hữu hạn sống ngay trong hạn giới. Tuy nhiên,
Ngài muốn cho con người chân nhận ra chính bản chất và giá trị đích thực của sự
vật để con người sống hạnh phúc và bình an đúng nghĩa.[51]
Tình yêu đích
thực hay giả tạo cũng hệ tại ở việc từ bỏ này. Tất cả mọi sự thuộc ngoại vật sẽ
mau qua và chết đi theo tiến trình thời gian.[52] Về điểm này, Trang Tử đã vượt
lên trên mọi lễ nghi thủ tục phiền hà của con người, có lần ông nhắn các trò của
mình: “Khi ta chết, các con cứ quăng xác ra ngoài đồng, chẳng cần tế lễ chi cả!”
Đứa bé vừa mới sinh ra cũng là bước khơi mào cho sự già cỗi, và chuyển dần đến
tình trạng huỷ hoại. Huỷ hoại đã có trong nó. Thế nhưng, Thiên Chân mãi mãi
tươi trẻ và vĩnh cửu trong nó. Thiên Chân chẳng có tuổi vì nó không thuộc về thời
gian. Đây chính là điểm then chốt mà Đức Giêsu mong muốn nơi chúng ta trong lời
trăn trối sau cùng: “Anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 15,17). Sự hiện hữu của
Thiên-Chúa-làm-người trên cuộc đời này chẳng qua cũng chỉ vì thông ban tình yêu
và chung chia hạnh phúc cứu độ cho con người mà thôi, “tôi đến để cho chiên được
sống, và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Tình yêu và tự
do là một và J. Krishnamurti đã diễn tả như sau:
Tình yêu và tự do đi đôi với nhau. Tình yêu không phải là sự phản ứng. Nếu tôi yêu bạn vì bạn yêu tôi, thì đây chỉ là sự trao đổi mua bán, một món hàng được đưa vào thị trường; đây không phải là tình yêu. Tình yêu đích thực không đòi hỏi sự đáp trả nào, và cũng chẳng nghĩ rằng mình đã cho đi điều gì – tình yêu đích thực là tình yêu biết đến sự tự do.
Bây giờ, bạn và tôi cần phải hiểu toàn bộ vấn đề của sự tự do. Chúng ta phải tự mình khám phá tình yêu là gì; vì nếu chúng ta không biết yêu, chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết suy tư và biết lưu tâm đến nguời khác; bạn có biết lưu tâm đến người khác là như thế nào không? Khi bạn nhìn thấy một hòn đá có góc cạnh sắc bén trên con đường mà có nhiều chân trần sẽ đi qua đó, bạn sẽ dời hòn đá này đi, không phải vì người ta yêu cầu bạn làm thế, nhưng là vì bạn cảm thấy có một lý do nào đó khác – chẳng phải người đi đường ấy phải là ai và có thể bạn cũng chẳng bao giờ gặp họ cả. Để trồng một cái cây và chăm sóc nó, để nhìn ngắm một dòng sông và thưởng thức cái tràn đầy của trái đất... – với tất cả những điều này, bạn cần phải có tự do; và để được tự do, bạn cần phải biết yêu.[53]
Tình yêu và tự
do là hai mặt của cùng một thực tại, và cái vô trí của Hui Neng hay vô vi của
Lão Trang chính là một tâm trí tự do không bị ngăn trở bởi lòng thèm khát, tham
ái, giận dữ hay sợ hãi. Tự do đích thực có thể đạt đến chỉ qua cái chết đi của
cái ngã. Đức Giêsu đã đưa ra một dẫn chứng rất tuyệt vời về vô trí hoặc vô vi ấy
như sau:
Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen ngợi. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đứng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh (Mt 6,2-4).
Trong tình yêu
đích thực không có sự phân biệt nào cả (indiscrimination). Đây là một sự thách
đố rất lớn cho con người, vì con người thường thường hành động theo sự tính
toán hoặc suy nghĩ nào đó, hoặc rất thường bị cái ngã lôi kéo vào ý muốn của nó
trong sự lập luận rất tinh vi và hợp lý. Cắt đứt sợi dây như Zorba nói với ông
bạn có nghĩa là cắt đứt mọi phân biệt và sống “vô trí”, như Zorba cảnh tỉnh ông
bạn: “Sếp bị buộc bằng sợi dây dài, sếp ạ, sếp đi đi lại lại thoải mái nên tưởng
là mình tự do, nhưng sếp chưa bao giờ cắt rời sợi dây đó... Song le, sếp lại có
cái đầu tỉnh quá...” Tâm trí càng tỉnh có nghĩa là tâm trí còn đang bị vướng mắc
vào sự tính toán hơn thiệt. Trong sâu xa, tình yêu là vô biên vô tận, là hòa
tan vào trong cõi mênh mông bao la. Trong thủ bút của cố nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn, vào tháng 9 năm 1973, có viết:
Chạm đến vô
biên là nhắc nhở cái lý sinh tử ở đời. Là muốn tầm tích con đường vô định của sự
sống chết. Thường khi nó gây nên sự buồn bã khôn nguôi trong kiếp nhân sinh.
Trái lại, đi vào cõi bao la, người ta nhận ra được nỗi hân hoan trong lòng. Khi
bắt được cái nhịp của trời đất, lòng ta bỗng reo ca, nhảy múa trong một hòa âm
thuận chiều. Một cái gì đó soi tỏ đời ta như đạo đạt. Đó là cái bước nhảy hân
hoan, nối liền trời với đất, của Zorba, trên bờ biển. Cái phút hạnh phúc đó
không đến với mọi người. Cái sự hòa nhịp kia cũng không thể có nếu lòng ta
không được trang bị vẻ thênh thang của vũ trụ. Có thực sự chạm đến cõi vĩnh
phúc vô hình, mới hí lộng, mới nhảy múa say sưa đến thế được.
Cho nên, nói đến
chuyện riêng chung của trời đất là nói trong cái lý đó vậy. Cũng không dễ gì tập
tành sự độ lượng. Muốn có được phải làm cả một cuộc đổi đời. Thay cái nhìn.
Thay trí óc. Và tuyệt đối, phải có một con tim đẹp đẽ.
Nếu không, cái
tình với cõi bao la kia chỉ là cái tình gian lận. Và, còn thú vị gì một cuộc
hcơi thiếu hào hứng như thế. Trời đất nương ta, nhưng ta vốn như con bệnh, thuỷ
chung không phát giác được gì. Con mắt rêu phong đã đóng kín ta lại với thế giới
ích kỷ, hẹp hòi, riêng tư. Làm sao còn nghe ra tiếng hoan ca của thế giới bên
ngoài. Nếu bảo là nghe, thì sao lại có thể thiếu hòa điệu đến như thế được.
Chân tay trì trệ. Đời sống như đóng đinh, xa cách. Đừng mưu toan với trời đất.
Hạnh phúc xa lạ kia chỉ dành cho người có lòng. Kẻ hời hợt dễ đàm tiếu, thị phi
về cái hạnh phúc đó lắm. Bởi nhìn gần, hạnh phúc đó có vẻ phù du quá. Không
mang lại áo cơm. Hãy ôm lấy cái phần của mình. Kẻ nổi trôi gặp người trôi nổi.
Cứ theo trời xa đất rộng kia mà rong chơi vui thú một đời vậy. [54]
Tình yêu và tự
do không mang bất cứ những vướng mắc gì, ngay cả trong tư tưởng như cố gắng thực
hiện điều tốt điều hay. Đức Giêsu đã nói, làm việc lành thì đừng cho tay trái
biết việc tay phải làm, đó là Người muốn cho biết khi làm việc tốt cũng không
được khoe khoang để gây ấn tượng nơi người khác hay ngay cả tự đánh giá cao việc
lành của mình, vì đây cũng đã là vướng mắc rồi vậy. Trong thiên Tiêu Diêu Du,
Trang Tử có nói: “Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh.” Đây
là hành vi của kẻ vô vi. Vô vi không phải là không làm gì, nhưng mà làm theo ý
Trời, nhưng không phải ý người, làm theo Thiên Tánh chứ không phải theo Tư Ngã.
Tình yêu đích thực là vô vi. Khi còn phân biệt giữa cái “ngã” và “tha” tức là vẫn
còn bị kẹt cứng sau bức tường chắn vô hình và vì thế không có tự do đích thực.
Sự phân biệt và cái “ngã” khi nảy sinh sẽ làm tan biến tình yêu, và ngược lại.
Khi chúng ta mong đợi tình yêu vô điều kiện (nhưng không) từ Thiên Chúa chỉ
dành cho bản thân chứ không cho người khác thì bản thân cũng không hiểu gì về
tình yêu, mà chỉ là vì Tư Ngã. Những gì chúng ta mong muốn chỉ là sự thiên vị
(favouritism). Đại sư Eckhart, nhà thần bí Đạo Kitô người Đức thời Trung cổ, có
viết:
Nếu bạn biết yêu chính bạn, thì bạn cũng biết tất cả mọi người khác như chính bạn vậy. Bao lâu bạn yêu người khác ít hơn chính bạn, thì có nghĩa là bạn cũng thực sự chẳng biết yêu mình. Nhưng nếu bạn yêu tất cả mọi người khác như nhau, trong đó có cả bạn nữa, thì bạn đã yêu họ như thể họ là một người duy nhất, và người này bao gồm cả thần và nhân rồi vậy. Vì thế, người này chính là một người công chính công bình, có nghĩa là người này yêu chính mình, đã yêu hết thảy mọi người như nhau.[55]
Chính sự vô
phân biệt (hay vô vi của Lão Trang) là chìa khóa dẫn đến cửa tâm linh. Đức
Giêsu trên thập giá, dù có bị sỉ nhục cười chê, tình yêu vẫn nguyên tuyền và
đích thực, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc23,34).
Khi sự phân biệt len lỏi vào tình yêu qua tâm và trí thì con người sẽ không thể
mở toang với cuộc sống được. Khi sống trong tình yêu, con người sẽ tức khắc tự
mở chính bản thân mình ra trước mọi vẻ đẹp cũng như mọi gai góc trong cuộc đời.
Đây là mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa. Cho nên, tình yêu, sự chết, và phục
sinh là ba mầu nhiệm trong cùng một thực tại. Trong tình yêu hàm ẩn sự chết, và
trong sự chết là tiếng gọi mời đến phục sinh. Với Trang Tử, chỉ có cái sống mà
thôi, thế nhưng cái sống này bao hàm cả sanh lẫn tử. Cái sống ấy không sanh
không tử, có chăng chỉ là hình thức biến hóa, như Lão Tử nói: “tử nhi bất vong
giả thọ” là thế. Vậy nên Quách Tượng mới bảo: “Cùng với Tạo hóa hòa làm một rồi,
thì đi đến đâu mà không phải là ta.” Đức Giêsu chịu khổ đau cũng chính vì Người
đã yêu con người, và khi Người tắt thở cũng chính là lúc Người tỏ bày cho thế
giới một trời mới đất mới[56] (Lc 23,44-46). Đạo Kitô đã siêu vượt lên trên
thuyết sinh tử của Lão Trang qua biến cố lịch sử của sự phục sinh nơi Đức
Giêsu, hầu dẫn đưa mọi người về với Cha của Người.
PHẦN BỐN: GIAO CẢM VỚI CHẤT THI CA TRONG KINH THÁNH
Nghệ thuật đưa
con người xích lại gần với Cõi Linh Thiêng, Cõi mà ai ai làm người cũng mong mỏi
sẽ vào đó cư ngụ. Nghệ sĩ là người đọc ra điều mà người bình thường hời hợt
không nhận ra được. Trong đôi mắt thi sĩ, không thấy tháp chuông hay ngôi thánh
đường cao chót vót uy nghi, nhưng lại thấy nơi ấy sự cô độc sừng sững, càng uy
nghi chót vót thì sự cô độc càng lớn. Bùi Giáng nhìn thấy một người con gái
đang lụ khụ trong cơn ho, liền cảm thấy ngay phận hạn hữu của kiếp nhân sinh:
Em con gái hai bàn chân em bước
Hai tay ôm hai buồng phổi em ho [57]
Ôi, thật thương
thay cái hệ luỵ nhân sinh! em ôm hai buồng khí mong manh kiếp người, nhưng em
cũng muốn bám lấy Buồng Khí của Đất Trời Yêu Thương và Vĩnh Hằng.
Trong đôi mắt
nhạc sĩ, thiên nhiên vẫn không ngừng mạc khải điều gì đó vô cùng bí nhiệm cho một
cõi xa xăm nào đó: “Hôm nay thức dậy, không còn thấy mặt trời, không còn thấy
loài người.”[58] Làm sao đã thức dậy mà lại không nhìn thấy mặt trời hay con người
được! Thế nhưng ở đây, nhìn thấy mà lại chẳng thấy gì, chúng có đó nhưng lại
không biết rằng chúng hiện hữu. Đời luôn luôn trớ trêu và nghịch lý như vậy đó!
Nếu có đó mà ra như không có, thì cần đổi thay như thế nào để nhận ra rằng có
đó.
Bản chất nghệ
thuật mời gọi con người bước vào cảnh giới tinh thần và tâm linh. Được như thế,
nghệ sĩ cần biết để qua một bên những phiền não ở đời và đừng để ngoại vật dính
bén. Tâm như vậy thì mới hư không và định nhất, mới hòa tan cùng vạn thể. Chính
lúc này, ánh sáng trời mới làm rõ ra bản thể vũ trụ, chứng kiến rõ chân tướng của
bản ngã và lẽ thường nhiên của vạn vật. Đây là định sinh tuệ của nhà Phật và là
thuyết trực giác của Lão-Trang. Cuối cùng, nghệ sĩ cần phải đi tới chữ vô.
Trang Tử đã bày tỏ chữ vô này, nhưng lại hư hư thực thực làm sao ấy! Ngụ ngôn
hoang đường và siêu thực của Trang Tử bay bổng mông lung, nhưng đầy vi tuyệt.
Đây là nghệ thuật tưởng tượng cao độ. Chính vì thế mà Tư Mã Thiên đã nói: “Ngụ
ngôn Trang Tử là sự thực không lời không tiếng” (Sử Ký, Lão, Trang, Thân, Hàn
Liệt truyện). Trang Tử đã đưa người đọc đến cảnh giới tinh thần chí chân chí mỹ.
Từ bối cảnh lịch sử văn hóa xa xưa, Trang Tử đã thăng hoa chúng lên thành mỹ học
và triết học, thành văn học và nghệ thuật, và một cách ngấm ngầm, siêu vượt hẳn
đạt đến cõi tâm linh. Từ cảnh giới thuộc mỹ học và triết học, ngụ ngôn Trang Tử
đạt đến tính huyền ảo và thần bí sâu thẳm.
Thực thế, có một nét đặc sắc trong Kinh Thánh là chứa đựng nhiều chất thơ, chúng ta có thể thấy rõ trong Diễm Ca của Cựu Ước và Bài Giảng trên Núi trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca (6,20-22). Đức Giêsu không chỉ là thi sĩ siêu việt, Người còn là một nhà nghệ sĩ diệu vợi. Theo một nghĩa nào đó, Người là nghệ sĩ trong cách sử dụng ngôn từ và chất nghệ sĩ thấm đượm trong cả cuộc sống nhân tình thế sự của Người. Cái đẹp trong con người và sứ vụ của Người không chỉ là cái đẹp theo như suy nghĩ thường tình của nhân gian, nhưng là cái đẹp của sự giải thoát yêu thương đối với hết thảy vạn vật vũ trụ. Kenneth S. Leong nói rằng:
Đức Giêsu là một vị Guru đầy năng quyền và dạy ‘thuật giả kim trong nội tâm’ qua việc đánh thức nghệ sĩ trong mỗi người chúng ta. Cũng như mọi nghệ thuật khác, mục tiêu trong ‘nghệ thuật sống’ này không có làm thay đổi thế giới bên ngoài nhiều cho bằng làm phát sinh ra nhiều phương thức sáng tạo và xây dựng vốn liên quan đến thế giới ấy. Đây quả là một phép lạ thật độc nhất vô nhị.[59]
Nghệ thuật chỉ
có thể xảy ra nếu có sự thông giao đích thực giữa hai tâm hồn, đó là giữa người
nghệ sĩ và khán giả. Cách thức đọc Kinh Thánh thường thường bị tâm trí chi phối
không ít. Người đọc Kinh Thánh là người cần phải biết lắng nghe sự thật hàm ẩn
trong Kinh Thánh. Điều này không phải là một chuyện dễ dàng gì. Sự thật không
thể bị kẹt cứng trong ngôn từ nhân loại. Tâm trí rất dễ bị đúc thành khuôn khổ,
để từ đó mọi sự lý giải Kinh Thánh hay Lời Chúa bị méo mó và xuyên tạc. Nhà xã
hội học, Ellen Rosenberg, đã đưa ra một quan sát về những người đọc Kinh thánh
như sau:
Vì những ngôn từ đạo lý đã trở nên ‘không thể nào sai lầm được,’ tự Kinh Thánh được rao giảng nhiều hơn là được đọc, được khua chiêng múa võ nhiều hơn là chú giải... Nên Kinh Thánh dễ dàng trở thành một một thuật bùa phép không hơn không kém.[60]
Người đọc Kinh
Thánh cần phải có một thái độ mở toang, trống rỗng để lắng nghe và để sự thật
rung động trong tâm hồn. Các nhà thần học kiên trì ra sức chú giải Lời Chúa
nhưng cũng chỉ là dẫn dắt người đọc đi trên con đường đạt đến chân lý chứ không
thể diễn tả chính chân lý được. Nhiệm vụ của nhà thần học chủ yếu làm cho người
đọc biết củng cố con đường hướng đến chân lý hay đào thải những sai lầm mà sự
yên trí, tập tục truyền thống, thói quen, các hệ thống của niềm tin (chứ không
phải là đức tin) đã định hình nên cho người đọc. Thường thì trong việc lắng
nghe, người đọc rất dễ nghe những gì để củng cố những gì mình đã có sẵn. Làm rỗng
những cái khung được hình thành cho các chuyên mục của kiến thức là cần thiết
khi truy tầm sự thật, không chỉ trong khi đọc Kinh Thánh mà thôi.
Nghệ thuật làm
cho lòng người mở rộng. Vì vậy, nghệ thuật đưa con người gần đến Thượng Đế và
xích lại cùng nhau hơn. Nghệ thuật làm tan loãng những gì ta không thích và đồng
thời lại tô đậm những điều ta yêu qúi. Chẳng hạn, người chán đời nghe một bài
hát sẽ vơi bớt u buồn sầu đau, người yêu đời nghe hát thì cho tình yêu thêm chắp
cánh bay cao. Nghệ thuật hòa thêm vào cho tiếng cười được thanh tao cao qúi,
nhưng cũng làm dịu bớt đi tiếng rên la đau đớn của đan bom và chết chóc. Bản
tình ca sẽ làm mềm lòng những đôi uyên ương, làm cho trẻ nhỏ mau lớn và làm cho
người cao tuổi hồi xuân. Bài hát được xướng lên sẽ làm cho những người đang cầm
súng và hậu phương cùng đi đến một mối giao cảm trong ước mơ hòa bình.[61]
Bản chất của nghệ sĩ là không ngừng mở toang tâm hồn mình trước huyền nhiệm cuộc sống. Họ rất ít khi bị “đắm” vào những thực tại của hạn giới này cho dù người đọc chứng kiến rất nhiều thi sĩ dùng những hình ảnh thiên nhiên hoặc con người để đưa dẫn người đọc đến một thực tại nào đó mà không phải thực tại mà họ đang diễn tả trước mắt chúng ta. Chính vì thế mà nghệ sĩ hay người làm nghệ thuật bị rất nhiều thách đố và trở ngại khi trình bày tác phẩm của mình cho người đọc, đặc biệt là những giới ‘trí thức’ của thời đại ngày nay. Cha William Johnston đề cập đến vấn đề này khi tìm hiểu về Đại Sư Eckhart như sau:
Tại sao Eckhart bị Giáo hội kết án? Cha Richard Woods, dòng Đa Minh cho biết rằng, đó không phải là do những tư tưởng không chính thống, và Eckhart cũng chẳng phải là một nạn nhân của một Giáo hội nhỏ nhen thiên về chính trị. Nhưng trên hết, đó là vì Eckhart chính là một nghệ sĩ và những vị kết án ngài là những vị quan chức quan liêu (bureaucrats). Họ không đánh giá cao con đường làm thần học qua thi ca. Vị học giả vĩ đại này sử dụng ngôn từ thật táo bạo và có trí tưởng tượng quá cao siêu, nên ngài đã vượt qua tất cả mọi giới hạn cứng nhắc của công trình nghiên cứu và cuộc tranh luận rất công phu của các nhà trí thức, hầu từ đó có thể làm rung động người nghe bằng nghệ thuật giảng thuyết.[62]
Thực thế, Leong
cho biết rằng, tâm linh đích thực chính là một nghệ thuật.[63] Vì vậy, việc sống
tâm linh đòi hỏi sự nhạy cảm rất lớn và trí tưởng tượng cao. Sự đạo đức không
phải là con đường đúng đắn dẫn đưa đến nghệ thuật hoặc lời của Đức Giêsu. Quả
thật, lời mà Đức Giêsu sử dụng như là thi pháp về việc trải nghiệm tâm linh sâu
thẳm của Người. Những lời nói của Đức Giêsu tràn đầy thi ca đượm chất tâm linh.
Vậy, kiến thức về Kinh Thánh qua trí não chúng ta vẫn chưa đủ, thậm chí còn gây
tai hại ‘chết người’ nữa. Chúng ta cần cảm được sự thật và rung động trong từng
lời nói của Đức Giêsu thông qua tâm hồn của mình. Chỉ qua việc mở toang tâm hồn
của chúng ta để thông giao với Đức Giêsu Kitô thì chúng ta mới có thể thực sự
nhận biết Người. Vì thế mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi vào con đường của Người,
con đường tâm đạo, qua tâm hồn trẻ thơ, hơn là tâm hồn của Pha-ri-sêu “đạo đức
và đúng đắn.” Trẻ thơ không bị rào chắn kiên cố như người lớn. Chúng sống động,
rạng rỡ, vô tư, vui đùa và ưa thích hài hước. Chúng sống gần với sự uyên nguyên
nhất của vườn Ê-đen.
Sự buông xả
hoàn toàn dẫn đến con đường tâm đạo đích thực, và nghệ thuật chính là sự buông
xả vậy. Trong nghệ thuật, chúng ta sẽ cảm được tình yêu đích thực. Tình yêu
đích thực không bị gò ép cũng như nghệ thuật không bao giờ bị đúc khuôn theo kiểu
mẫu đã được định sẵn. Trong khi tình yêu là tự nhiên thì nghệ thuật là giải
thoát mọi ràng buộc tâm trí. Đi trên con đường nghệ thuật có nghĩa là đi trên
con đường tình yêu, và con đường này sẽ là con đường hướng đến tâm đạo gần nhất.
PHẦN NĂM: ĐẠO LÀ VÔ, MÀ VÔ CŨNG LÀ ĐẠO VẬY !
Có một thiền sư nọ sống ẩn dật trên núi, được một nhà sư hỏi “Thưa thầy, Đạo là gì ?”
Trái núi này đẹp làm sao! Thiền sư đáp lại.
“Con không hỏi thầy về núi non, mà là về Đạo!” Nhà sư nói.
Thiền sư đáp lại: “Chừng nào con còn chưa thể vượt ra ngoài trái núi này, con ta, con không thể nào đạt tới Đạo được.”[64]
Khi chúng ta
xem bản thân chúng ta như cái núi, thì chừng ấy chúng ta chưa thể nào biết đến
đạo. Thật thế, việc vượt thoát khỏi trái núi của bản thân vô cùng khó khăn, và
khi ấy Đạo rất xa chúng ta. Người lớn rất khác trẻ thơ, vì trái núi của người lớn
rất vĩ đại, trong khi đó trẻ thơ không có trái núi nào cả. Nhưng xét về khía cạnh
tâm linh, thì chính trẻ thơ lại là người “lớn” nhất vậy:
Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?.” Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,1-3).
Người lớn thật
phức tạp vì người lớn mang trong mình rất nhiều thứ, đó là quá khứ và tương
lai. Từ khi trong bào thai cho đến nay, người lớn là bao gồm hàng triệu người
trong mình, hết tầng nọ đến tầng khác, chồng chất lên thành một người lớn khổng
lồ. Khi người lớn cho rằng họ gặp được tình yêu, thì đó chỉ là tình yêu không
thuần khiết, hoặc một thứ tình quái thai, vì tình yêu này bị pha tạp hỗn độn rất
nhiều thứ. Người lớn là trái núi khổng lồ, chừng nào trái núi này chưa biến mất,
chừng ấy họ chưa thể biết gì về đạo. Khi dân chúng Do Thái mong chờ một vị Cứu
Tinh đến lãnh đạo đất nước theo nghĩa chính trị, họ sẽ không bao giờ biết Đức
Giêsu. Chừng nào các môn đệ còn tìm địa vị lớn nhỏ, hoặc ngồi bên tả bên hữu,
thì chừng ấy các môn đệ vẫn chưa bao giờ gặp được Đức Giêsu cả. Có thể nhà sư đệ
tử kia thầm bực mình: “mình đâu có đến đây để tìm núi, nhưng tìm kiếm tri thức
về Đạo mà!” Nhưng thầy sẽ không cho ông tri thức, nhưng mà cho sự minh triết để
chứng ngộ. Đức Giêsu đưa em nhỏ ra cho các môn đệ nhìn thấy để trả lời câu hỏi
ai là người lớn nhất. Các ông đang đi tìm kiếm Nước Trời, nhưng Đức Giêsu lại
đưa hình ảnh em nhỏ như là con đường để các ông có thể chứng ngộ và dẹp bỏ “người
lớn” nơi bản thân mình đi.
Đạo đối với Trang
Tử phải đi đôi với Vô. Đạo là một cái Toàn Thể Nhất Nguyên. Cái lớn bao nhiêu
cũng ở trong Nó, mà nhỏ bao nhiêu cũng chứa đủ Nó bên trong. Lão Tử và Trang Tử
đều cho Vô là bản thể của vũ trụ. Vô danh mới là bắt đầu của trời đất (Vô danh
thiên địa chi thuỷ – Đạo Đức Kinh). Đây là cái rất khó để gọi tên hay diễn tả
(Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh - ĐĐK), và Trang Tử
đã dùng ngụ ngôn để biểu đạt cái mông lung, mơ hồ, và hỗn tạp của Đạo và Vô.
khi chưa đi đến trung tâm điểm của mọi vạn thể, tức chỗ Hoàn Trung của mọi lẽ
mâu thuẫn đối nghịch, mọi chân lý trong tương quan vụn vặt, thì cái Đạo nơi ta
chưa thể hiện được.[65] Rất cần mở rộng tâm hồn, bao trùm cả vũ trụ, nhìn vạn
thể bằng con mắt tổng quan, thấy sự chằng chịt dính líu của mọi cái mâu thuẫn
trong đời, có nghĩa là thấy được cái không thể chia lìa của những gì mà người đời
không thể nào hòa đồng được. Đạt đến chân lý tuyệt đối, hay là Đạo, cần vứt bỏ
cái học nhị nguyên và trục vật. Càng bớt ồn ào, càng đạt Đạo chừng ấy.
Hình ảnh em nhỏ mà Đức Giêsu muốn biểu đạt cho môn đệ thấy cũng không nằm ngoài ý tưởng trên của Đạo và Vô. Bám víu vào ngoại vật sẽ làm cho con người xa Đạo. Vì thế, Đạo là Vô, mà Vô cũng là Đạo vậy.
Thái Cực Đồ
Nguyên tắc
tương phản và đồng nhất ấy có một nguyên tắc hợp nhất, điều hòa và chi phối, là
Đạo. Thiếu nguyên tắc này thì hai lực lượng kia tự nó sẽ bị tiêu diệt lẫn nhau.
Nhìn trong sự hợp nhất mới có thể tiêu diệt được cái ác tập phân chia. ác tập
phân chia, là căn bệnh nguy hiểm nhất của những ai chưa giác ngộ Đạo trong
mình. Người ấy đang nhìn vạn thể trong con mắt nhị nguyên phân biệt, và sẽ là kẻ
ngu vậy.
Một cám dỗ và một
thách đố lớn nhất cho Kitô hữu là làm thế nào để sống đạo, tìm kiếm con người Đức
Giêsu là ai và ra sao, thần học nói gì về điều này điều nọ,... Nhưng trên tất cả
mọi vấn nạn và thắc mắc, chúng ta hãy tự vấn xem chúng ta đã bỏ trái núi của
chúng ta đi chưa? Tagore cũng nhận định về điểm này như sau: “Mải mê xây tường
bao vây tất cả, tường ngày càng cao vút tận trời xanh, trong bóng tối âm u của
tường cao che phủ, tôi không còn nhìn thấy con người thật của mình nữa.”[66]
Khi trái núi hoặc bức tường vẫn còn sờ sờ ra đó, làm sao chúng ta có thể nhìn
thấy Đạo được. Trái núi hoặc bức tường của chúng ta lớn quá và đã che khuất Đạo
còn gì! Tất cả mọi tìm kiếm miệt mài của chúng ta đang khi chúng ta còn mang
trái núi hoặc bức tường thì chúng ta có tìm thấy chăng chỉ là, như trong ngụ
ngôn của Plato, những chiếc bóng và nhận lầm chúng là thực tại trực tiếp. Chính
vì thế mà theo Tagore, người thấy Đạo là người không phải ra đi để xây thành đắp
luỹ, chẳng phải xây nhà kiên cố trú ngụ, nhưng là kẻ không thôi dọn lối và đắp
đường trên hành trình không ngơi nghỉ kiếm tìm.[67]
Thực thế, để nhận
hiểu về Đạo, Kitô hữu không phải học một kho kiến thức để có thể chuẩn bị cho
những giải đáp tương lai. Hơn thế, để thấy được Đạo cần phải chứng nghiệm (trải
nghiệm mầu nhiệm Thiên Chúa), và để Đạo được sống động nơi mỗi một con người
chúng ta.[68] Dermot A. Lane bàn về chứng nghiệm này như sau:
Rahner bàn tới siêu nghiệm về Thiên Chúa của mỗi một người qua những thường nghiệm của họ về sự cô đơn, tự do và trách nhiệm, về tình yêu và xung khắc, về sự chết và hy vọng. Những kinh nghiệm về siêu việt thể này được làm rõ nét qua sử trình mạc khải được tỏ hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Những chiêm nghiệm sau này của Rahner... là một nỗ lực buộc kết lại với nhau hai thực tại này: những kinh nghiệm về việt tính thể và mặc khải linh thánh. Cuối cùng, với Rahner, đạo Kitô không chi khác hơn là một thực tại sâu thẳm nhất của siêu thường nghiệm – kinh nghiệm về tuyệt đối và về sự cận kề đầy lòng tha thứ của Thiên Chúa. Lonergan cũng cùng một suy tư như thế khi chủ hướng vào kinh nghiệm nội ngôn của Thiên Chúa luôn tràn ứ trong tim mỗi người với tất cả yêu thương.[69]
Rahner cho biết
kinh nghiệm về một Thiên Chúa như là một kinh nghiệm ban đầu (a priori), một yếu
tố chưa phản tỉnh của kinh nghiệm, một chiều kích siêu việt vẫn hiện diện đó
như nền tảng uyên nguyên và rốt ráo trong mỗi kinh nghiệm sống của con người, mỗi
động thái của con người, mỗi điểm gặp gỡ hay nét chung của mọi người. Chính
kinh nghiệm này làm thành hố sâu khôn dò, cái bản chất căn cơ của mọi kinh nghiệm
tâm linh và cá vị.[70] Hơn nữa, chúng ta nhận thấy rằng hạn từ “biết” của Kinh
Thánh hàm ý rộng hơn là “sở đắc một kiến thức nào đó.” “Biết” Đạo Kitô là sự nhận
hiểu sâu thẳm trong tương quan giữa người-và-người, giữa anh-và-tôi, và giữa
tôi-và-Đức Kitô. cái “biết” này là cái biết toang mở tối đa của bản thân tôi
cho một tương quan mật thiết và hữu tình. Cái biết này sẽ đối diện và hoà nhập
mọi chiều kích hiện sinh và thân phận hạn giới của con người. Ngôi Lời nhập thể
nhập thế, có nghĩa Siêu Nhiên giới đã đi vào cái “biết” thẳm sâu này để chung
chia và tan hòa vào hữu hạn giới một cách thực sự và cụ thể. Vì thế, Thiên Chúa
chẳng phải là cái biết của tri thức hay lý niệm, nhưng là một sự đồng thể [71]
của sự hội thông, của trực cảm và của nội thị.[72]
Từ đó, giáo điều
hay kiến thức về Đạo Kitô sẽ trở thành nặng nề và xiềng xích cho các tín đồ nếu
tất cả điều ấy không được dưỡng nuôi bởi kinh nghiệm sống của mỗi một người
trong họ. Để thấy được Đạo Kitô, tín hữu sau đó cũng cần vượt lên trên “trái
núi” lý niệm ấy hầu đi vào lãnh giới hội thông sâu thẳm bởi kinh nghiệm và linh
nghiệm cái huyền nhiệm có trong Đạo. Chính kinh nghiệm sống động nhưng sâu lắng
của mỗi một người sẽ dưỡng nuôi và triển nở đời sống tâm linh đạo Kitô cho
mình. Về điểm này, Lonergan đã mạnh dạn cho biết rằng, khai thể (openness) là
điều kiện cần cho bất kỳ kinh nghiệm nào, nhất là kinh nghiệm về Đạo. Lonergan
đã đề cập đến ba bình diện của khai thể này: đó là, khai thể như dữ kiện, khai
thể như sự đạt thành, và khai thể như là quà tặng. Khai thể như dữ kiện là khai
mở nội ngã (inner self), tức là mở toang cái tôi-đích-thật của tôi, là cái thâm
tâm độc nhất vô nhị của riêng tôi trong tương hệ cùng vạn thể hữu sinh. Chính nội
ngã này cần rộng lượng đón nhận tất cả nhưng chi đời tao tặng và gửi đến. Nội
ngã này cũng là nền tảng của những ước mơ, khao khát, tình yêu. Khai thể như sự
đạt thành là nội ngã trong tự hội (self-appropriation) và tự thức
(self-realization), có nghĩa là tôi nhận hiểu cái tôi-đích-thật của tôi, tôi
chân nhận được giá trị của thân tâm tôi giữa giòng đời dường như thể quá ư là
nghịch lý. Khai thể như là quà tặng là ngã đang đi vào tương hệ cá biệt giữa
mình và Thiên Chúa, là thấy mình hòa tan vào Đấng Siêu Việt, là nghe thấy và
đáp lại lời mời gọi vào đồng bàn trong Bữa Tiệc Yêu Thương cùng với Đấng Chân
Thiên Mỹ.[73] Ba khai thể này có tương quan mật thiết với nhau. Cả ba phương diện
khai thể này làm hài hòa và nên một giữa nhiên giới và siêu nhiên giới. Chúng
ta có thể đọc thấy những bổ túc của Karl Rahner như sau:
Cốt lõi của Đạo Kitô là sự tự trao hiến chính mình của Thiên Chúa như dấu chỉ gần gũi của một tình yêu đầy bao dung, tình yêu này đã có sẵn trong thâm tâm của mỗi người và biểu mình trong lịch sử một cách vô cùng rõ nét nơi Con Người Giêsu.[74]
Vì vậy, Đạo
Kitô cần phải chứng nghiệm và trở nên sống động ngay trong lòng đời “thật sự” của
mỗi cá nhân. Mọi giáo điều hay thần học cần phù hợp với cái “sống” của con người
thời đại, để từ đó có thể trình bày rõ nét và sống động cho mọi tín hữu đi trên
con đường tìm Đạo. Kết nối giữa hai bình diện ấy, Karl Rahner cho biết:
Huyền nhiệm tuyệt đối phủ kín đời người và thẩm thấu tận sâu thẳm trong lòng của toàn thể hiện sinh... phải được mang vào trong những tri thức có tính cách thuyết lý và sự cảm nhận cuộc sống có tính cách hiện sinh, lúc đó con người mới có thể nói được là: Đây chính là điều tôi ngụ ý khi tôi nói về Thiên Chúa.[75]
Con người Kitô
không ngừng được nghe tiếng mời gọi yêu thương để bước vào cõi Vĩnh Hằng cho dù
đã và đang có bị thương tích trầy sát. Đạo Kitô là Đạo cho kẻ mọn hèn, cho nông
dân chất phát ngu ngơ, cho bé thơ vui đùa bên hang bò cạp. Đạo Kitô là Đạo dân
gian của những bà mẹ tay bồng tay bế, của những ông bố hì hục ngoài đồng nắng
mưa, rất ư là thực tế và rất là người vậy. Có thể nói được rằng, Đạo Kitô là Đạo
rất chi là tầm thường, và là một tầm thường siêu thường! Phải chi nếu việc rao
giảng Đạo được hiểu một cách sống động và cụ thể thì hẳn con người Đông phương,
hay cụ thể hơn là dân tộc da vàng, đã và đang không có ác cảm hay hiểu lầm Đạo
của Đức Kitô. Đức Giêsu đã bỏ địa vị tối cao của Thiên Chúa để trở thành bạn hữu
với con người, Người “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10),
Người mang Tin Vui cho những con người hèn kém nghèo khổ, đem niềm hy vọng cho
những kẻ thất vọng lạc hướng. Đúng ra, Đạo Kitô dễ dàng đến với dân tộc da vàng
hơn là Đạo Phật, vốn quá cao siêu và đòi hỏi cá nhân triệt để trên con đường chứng
ngộ, thế nhưng thực tế lại ngược lại. Âu cũng vì sự yếu đuối và giới hạn của
con người chưa đạt Đạo mà ngày nay chúng ta được học hỏi và nghiệm ra rất nhiều
điều thật huyền nhiệm và quí báu lắm! Cũng thế, Giáo hội hoàn vũ nói chung và
Giáo hội Việt Nam nói riêng cũng rút tỉa rất nhiều điều qua kinh nghiệm quá khứ
của lịch sử Giáo hội, vốn gây cho dân chúng một cảm giác xa lạ với Thượng Đế và
một tâm trạng sợ sệt trước một vị “Thiên Chúa” cứ tìm cách bắt chẹt con người
trên bình diện luân lý và lối hành đạo.
TẬN NGÔN
Phải nói được rằng
chúng ta bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tâm thức Tây phương, vốn không ngừng phân
tích và duy hiệu quả trên mọi bình diện của cuộc sống. Hầu hết các đạo lớn trên
thế giới đề phát xuất từ Đông phương, trong đó có Đạo Kitô của chúng ta, thế
nhưng đã qua bao thế kỷ mà chúng ta vẫn khó mà thoát ra khỏi ảnh hưởng của Tây
phương. Dù sao đi chăng nữa, Tây phương cũng mang lại nhiều giá trị không nhỏ
cho Đạo Kitô, nhất là trên phương diện nghiên cứu và góp phần vào sự phát triển
truyền Đạo trên khắp thế giới.
Thế nhưng chỉ
như thế sẽ không đủ, Đạo cần phải bao gồm toàn thể của mọi tinh tuý của nhân loại,
nhất là không thể thiếu đi chiều kích Đông phương, vốn là cái nôi của mọi Đạo lớn
trên thế giới. Vì thế, Tây phương và Đông phương luôn luôn hòa quyện vào nhau
như hai mặt của một đồng tiền vậy, hay sự hỗ tương và hòa hợp của Thái Cực đồ
Đông phương. Thiết nghĩ, đã đến lúc, nếu không muốn nói là đã trễ, chúng ta cần
phải chuyển hướng tiếp nhận những giá trị “Tin Mừng” trong quan niệm Đông
phương.
Đạo không phải
là sự thống trị của bất cứ trường phái nào. Đạo là tự nhiên, uyên nguyên và
tinh trong, cho nên không thể bị lèo lái bởi bất cứ thực tại trần gian nào. Đạo
là một tặng vật nhưng không và cao cả nhất cho hết thảy hạn sinh giới, trong đó
có chúng ta. Vì thế, chẳng làm gì khác hơn là cúi đầu đón nhận một cách tôn
kính và biết ơn. Đức Giêsu Kitô là một tặng vật cho hết thảy mọi người không loại
trừ một ai. Sự bình đẳng tâm linh này giữa vạn thể hiện tiền trong hoàn vũ được
Tagore biểu tỏ một cách sống động như sau: “Trong sảnh đường của thế giới, một
ngọn cỏ mong manh ngồi chung chiếu với vầng sáng mặt trời và vô hạn của những
sao đêm.”[76] Nói một cách khác, tất cả mọi vạn thể hiện tiền đều có mặt trong
một bức tranh của Nghệ Sĩ toàn năng toàn thiện. Từ đó, khi chân nhận và cảm
nghiệm được sự bao dung vô bờ của Đấng Hóa Công, con người sẽ vượt thắng được mọi
ảo tưởng ảo mộng và thoát khỏi tháp ngà kiên cố và cô độc bấy lâu nay hầu nhẹ
nhàng nhảy bổ vào Vô Tận giới, vốn thâu họp tất cả làm một. Để được như thế,
con người cần phải can đảm cắt đứt mọi ràng buộc xác thân và trí lự, sẽ không
còn bất cứ sự phân ngăn chia cách trong thân tâm nữa, không sống cũng không chết,
không biệt tách giữa thường trụ và tạm trú, giữa thiên đường và nơi khổ ải. Thiền
sư Nhật bản Dõgen Kigen Zenji [77] nói rằng:
Học Đạo là học về chính mình. Học về mình là quên mình. Quên mình là nhìn biết mình như vạn thể. Muốn chân nhận điều này phải vứt bỏ thân xác và tâm trí của mình cũng như của người.[78]
Khi hiến sinh
chính cuộc đời mình trong tình yêu và để tâm hồn chúng ta trở nên trống rỗng,
khi ấy chúng ta mới có thể đi vào trong cõi linh giới, nơi cội nguồn uyên
nguyên không tì vết của Logos hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Thực thế, cõi linh
giới luôn luôn ở trong cõi thăm thẳm của con người không phân biệt, chỉ có điều
là con người có muốn để cho tâm hồn ra rỗng hay không để cõi linh giới này có
thể được hiển hiện rõ nét, hay như nói theo kiểu của thánh Âu Tinh trong tác phẩm
Confession: “Ngài ở trong con còn sâu thẳm hơn là con ở trong con !”
Tận sâu thẳm
lòng người luôn luôn có ước muốn Vô Tận vô cùng mãnh liệt. Tâm hồn càng trở nên
ra không thì tâm hồn ấy càng da diết khát khao nhiều hơn, như tôn sư Eckhart đã
từng biểu tỏ: “Càng ăn Ngài vào thì càng khao khát dữ dội hơn.” Cũng vậy, trong
thư gửi toàn Dòng với lời tựa Lời Hứa Ban Sự Sống của cựu tổng quyền Timothy
Radcliffe thuộc dòng Đa Minh cho biết:
Con người cô đơn cho chúng ta thấy con người là khiếm khuyết, là trống rỗng tự chính trong bản chất của mình, … và sự thèm khát rượu bia hay bất cứ thứ gì đi nữa cũng chỉ là che dấu cơn khát Thượng Đế !.
Từ đó, chúng ta
có thể nghiệm ra được một điều rất huyền nhiệm này là: Tận cõi lòng thẳm sâu của
con người, chứa đựng Vô Tận (infinity). Đó là tận kỳ tính và cũng là Đạo vậy.
Có thể mượn cái nhìn của đạo Ấn, đó là Dharma, Dharma không ngừng đang tác động
trong và qua bản ngã của chúng ta, và là bản chất thâm sâu nhất, là căn để, và
là chân lý ẩn tàng trong vạn sự.[79] Dharma không thể được hiểu là tôn giáo
theo ngữ nghĩa của Tây phương. Dharma là cái mà liên kết hội tụ tất cả vạn hữu,
là nền móng của tất cả mọi sự, là căn cốt của mọi giá trị. Mọi vạn hữu đều tiềm
ẩn một chân lý, đó là Dharma, một khả thể viên thành thực hữu, một thiện đích thiện
toàn cùng tận mà vạn thể hữu sinh đều không ngừng rong ruổi kiếm tìm.
Con người bao gồm
trong mình hai thế giới: thế giới của cái tôi bày biện, và thế giới của cái tôi
đã được siêu thăng và vượt lên khỏi thế giới cái tôi bày biện. Thế giới trước
thì giới hạn, còn thế giới sau thì vô hạn vô tận. Thế giới của cái tôi trước bị
kẹt cứng trong tù ngục của đam mê chóng qua, thế giới sau đẩy con người đến cõi
Vô Tận, nơi mà cuộc sống của con người sẽ tìm thấy được sự tròn đầy viên mãn. Về
điểm này, Tagore biện giải rất rõ:
Chúng ta có thể quan sát cái tôi của chúng ta dưới hai dạng thức khác nhau: cái tôi bày ra như vậy, và cái tôi siêu vượt chính mình, và do đó nó bộc tỏ thực nghĩa của nó. Để tự biểu thị, cái tôi cố trương phình ra, cố đứng cao trên cái bệ của những gì tích tụ được, và cố giữ chặt mọi thứ cho bản thân mình. Để bộc tỏ chính mình, cái tôi phải bỏ đi những gì nó có, và cho nên sẽ trở thành hoàn hảo như một bông hoa nở trọn, từ đài hoa xinh đẹp tuôn chảy ra tất cả sự ngọt ngào.[80]
Và, Tagore diễn
tả tiếp trong Personality như sau:
Một phía của đời ta là hữu hạn, ở phía này, chúng ta kiệt lực trên mỗi bước chân của mình. Nhưng đời ta còn có phía bên kia, nơi những khát vọng, nỗi vui cùng hi hiến đều vô hạn. Phía vô hạn này của thân người phải có những biểu hiện mang mầm bất diệt. Nơi đó đương nhiên tìm thiện hảo. Vì vậy, nó khước từ mọi thứ hời hợt, yếu hèn, không thích hợp; và xây nên một thiên đường vĩnh tuyệt bằng những chất liệu siêu vượt trên cái-hay-chết của trái đất này.[81]
Cuộc đời của Đức
Giêsu không chỉ minh chứng căn tính của mình là Con Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng
còn bằng chính cuộc sống tràn đầy và dồi dào của Người nữa (Ga 10,10). Người đã
trải rộng tột mức lòng mẫn cảm và thân tâm Người cho nhân loại hầu cho họ khám phá
được ý nghĩa nơi bờ hữu hạn bên này và vô hạn bên kia trong cái Toàn Thể của phận
hữu sinh đối với mỗi cá nhân nói riêng và của vạn hữu sinh linh nói chung. Đức
Giêsu, vì thế, đã tỏ bày cho nhân loại thấy con đường khôn ngoan dẫn đến Cõi
Phúc Lạc Vô Tận qua sự hiến sinh phục vụ và hòa nhập đời mình cùng tiết nhịp của
giòng sinh, mà Người đã đi bước trước qua hành động yêu thương quá độ đến mức
Người mang vào mình tất cả sự ô trọc trong cõi nhân sinh này (Pl 2,6-8).
Đạo Kitô, trên
hết, là đạo làm người trọn vẹn. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói được rằng Đạo
và đời là một, không thể nào tách biệt phân ly, vì để có mầu nhiệm Phục Sinh
thì cần phải có mầu nhiệm Nhập Thể. Cho nên, suy cho đến cùng tận, tình yêu, nhập
thể và phục sinh là ba mầu nhiệm nhưng là một thực tại. Ba mầu nhiệm ấy đan quyện
với nhau, tan hòa trong nhau để hiển lộ nên một bức tranh toàn bích toàn mỹ mà
ngày hôm nay chúng ta có thể nghiệm thấy bởi đức tin và chứng kiến một cách rõ
ràng trong ngày mai hậu.
Vì vậy, con đường
tâm đạo của Kitô là con đường của mối tương hệ giữa người và người sao cho thật
là người, hay nói cách khác, là con đường mà qua đó ta làm cho cái ngã của ta
thành thực Ngã. Để trở thành Thực Ngã cần phải có một trực cảm huyền nhiệm nơi
cái Một giữa Con Người, Nhiên Giới và Thượng Đế. Cái Một hay sự hội thông này
thâm thiết đến độ con người có thể thốt lên lời: “tất cả là một” (Ga 17,21). Mối
tương giao trở nên mật thiết đến độ tan hòa trong nhau trở thành nhất nguyên
tính, thay vì là nhị nguyên tính phân ly tách biệt. Được như vậy, con người sẽ
có được một niềm vui, một Tin Mừng được thấm đượm trong con người ấy, và niềm
vui này không thể nào có thể tìm thấy trong những thoả mãn, lòng tham, nhưng là
bằng chính sự chứng nghiệm cái trọn vẹn trong độ lượng yêu thương, lúc con người
khước từ cái ngã bé nhỏ của mình để nhập vào Thực Ngã. Đây là một sự từ khước
mang lại cho con người niềm vui tinh trong và đặt để tự ngã của mình vào một với
Ngã Tối Thượng tuyệt hảo là Thiên Chúa. Từ đây, Thiên Chúa sẽ mạc khải cho con
người ấy qua chính trải nghiệm nội tâm của bản thân về sự hài hòa giữa cái hữu
hạn và cái vô tận, giữa vạn thể chóng qua và thực tại trường cửu. Con người
không thể chạm đến niềm vui này nếu như sống trong sự thu vén tích cóp, nhưng
là phải bằng sự vượt qua tất cả những thực tại mau qua bằng chính sự khát khao
tâm linh.
Niềm vui thẳm
sâu như biển cả, vô tận như trời xanh; niềm vui mặc lấy sự tuyệt vời của đêm
đen, và trong màn tối vô hạn của mình, mở ra những thế giới huy hoàng trong khiếp
hãi của bình an; đây chính là nỗi vui khôn dò trong đó tất cả khổ đau đều là một.[82]
Từ đó, ngay
trong kiếp trần hiện sinh này, con người tìm thấy sự lệ thuộc của chính bản
thân hoàn toàn hòa điệu với sự lệ thuộc của Người, như Tagore đã từng nguyện rằng:
Người tôi vô cùng yêu qúi ơi, Người lệ thuộc vào tôi quá đỗi, đến khi nào tôi mới lệ thuộc vào Người như vậy?
Có phải lúc nguyện cầu là lúc sự lê thuộc của tôi vào Người hoàn toàn hòa điệu với sự lệ thuộc của Người trên tôi?
Tới một mức nào đó, khi lòng tôi tự cao tự đại, hợm hĩnh và ỷ lại chính mình – tôi sẽ trở nên vô dụng và bị thảm bại ê chề.
Ôi Chúa Tể của tôi ơi, xin cho tôi được khiêm cung và biết nương tựa vào Người, và nhờ thế sự cứu rỗi của tôi được bảo đảm.[83]
Để tạm kết, người
viết xin được mượn câu chuyện trong cuốn The Path of Loving – Kindness của Pema
Chodron, để còn đọng lại một chút gì đó cho sự suy tư kế tiếp trên con đường
tâm linh Đạo Kitô của Đông phương và sẵn sàng can đảm khai mở con đường truy tầm
chân lý trong sự thành tâm, khiêm cung và cởi mở:
Có một vị Chúa Trời biết được con người thích tin vào sự vật và cho đó là chân lý, họ tạo ra những hội đoàn, những hệ thống chính trị và tôn giáo cùng với những người có cùng niềm tin với họ. Họ chỉ thích làm những điều vụn vặt và họ viết tên của các hội lên các biểu ngữ và biểu dương trên đường phố, giương biểu ngữ, la hét và hô hào chỉ để cho người khác tín ngưỡng đến với họ qua các biểu ngữ, các lời hô hào của họ. Vị Chúa Trời quyết định cải thiện hoàn cảnh con người để con người có thể cười được khi trông thấy những điều vô lý của mình – (nụ cười là cách tốt nhất để giết Phật). Ngài liền sáng tạo ra một chiếc mũ tơ, nửa bên trái được sơn màu xanh da trời và nửa bên phải màu đỏ thắm. Rồi Ngài đi đến một nơi có nhiều người đang làm việc trên những cánh đồng bên trái con đường và có nhiều người đang làm việc trên những cánh đồng bên phải con đường. Vị Chúa Trời dừng lại đó và biểu tỏ tất cả sự vĩ đại của mình: Không ai trông thấy Ngài. Ngài rất to lớn và oai nghiêm, đội mũ, đáp thẳng xuống con đường. Tất cả những người bên phải con đường vứt cuốc xẻng và ngửa mặt chiêm ngắm Đức Chúa.; tất cả những người bên trái con đường cũng làm như vậy. Mọi người rất ư là ngạc nhiên, và thế rồi, Ngài biến mất.
Ai cũng hô lên: “Tôi thấy Đức Chúa! Tôi thấy Đức Chúa Trời!” Họ tràn đầy hân hoan cho đến khi những người bên trái nói rằng: “Ngài trông thật oai nghiêm trong chiếc mũ màu xanh!” Và những người bên phải thì nói rằng: “Không, Ngài đội mũ màu đỏ.” Điều bất đồng này phát triển cho đến khi những người trên hai cánh đồng bên trái và bên phải con đường ném đá vào nhau. Rồi Đức Chúa lại xuất hiện. Lần này, Ngài đi ngược chiều so với lần trước đó, và rồi biến mất. Lúc đó tất cả mọi người nhìn vào nhau và những người bên phải con đường kêu lên: “Ồ, các bạn đúng rồi. Ngài đội chiếc mũ màu xanh, chúng tôi xin lỗi, chúng tôi thấy không đúng. Các bạn đúng và chúng tôi sai.” Những người bên trái thì lại bảo: “Ồ, không, các bạn mới đúng. Chúng tôi nhìn sai rồi.” Vào lúc này, họ không biết là nên hòa hoãn hay nên đánh nhau nữa.
Khi mọi người đang bối rối trong tình cảnh này, Đức Chúa lại xuất hiện trở lại, lần này Ngài đứng ở giữa đường, Ngài quay sang bên trái rồi quay sang bên phải, đúng lúc này thì tất cả đều cười rộ lên !!! [84]
Ồ! Cuối cùng
thì người viết mới nhận ra rằng, im lặng là tuyệt vời hơn tất cả, và hơn tất cả
những gì mà bần tăng đã đề cập ở trên. Thật xấu hổ và cũng thương cho phận hạn
giới của mình! Thư bất tận ngôn; ngôn bất tận ý. Đến đây, bần tăng mới thú nhận
rằng tư tưởng của Trang Tử quá ư là sâu thẳm và mênh mông vô cùng! Càng viết
càng thấy thiếu sót. Và không những thế, mà còn liều lĩnh lại đem Đức Giêsu và
Trang Tử ra so sánh và tìm hiểu về Đạo thì chợt chân nhận rằng mình thật là ngu
mê lầm lạc. Thật vậy, cái học của Trang Tử không thuộc về địa hạt của lý trí,
mà lại thuộc về địa hạt tâm linh trực giác. Thế nên khi trình bày tư tưởng bằng
ngôn từ của người Đông phương, chúng ta bao giờ cũng nhận thấy có cái gì đó hư
hư thực thực... không cương quyết như lối Tây phương hay lối Đông phương nhị
nguyên học. Trong Bách Gia Chư Tử Giản Thuật, Phạm Quýnh có cho biết: “Để miêu
tả được tư tưởng của Trang Tử, một linh hồn nổi bật của trời đất cổ kim, thực
là một việc hết sức khó khăn.”[85] Vậy, để lột tả trọn vẹn tư tưởng ông, chỉ có
cái là sống và chứng nghiệm những gì ông đã để lại mà thôi vậy !!!
Còn với Đức
Giêsu, thì bần tăng lại càng nhận thấy run rẩy khủng khiếp, vì cũng chợt thấy rằng,
khi đã đụng chạm vào con người Giêsu rồi thì chỉ có ... “toát mồ hôi máu” cho đến
tình trạng thoi thóp trong đơn độc ê chề...!!!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Assagioli, Roberto, Sự Phát Triển Siêu Cá Nhân, Dịch Giả: Huyền Giang, Hà Nội: nxb. Khoa Học Xã Hội, 1997.
- Cần, Nguyễn Duy, Thu Giang, Trang Tử Tinh Hoa: Đại Cương Triết Học Trung Quốc, nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, 1992.
- Durant, William James, Lịch Sử Văn Minh Trung Hoa, dịch giả: Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Hóa Thông Tin, 1996.
- Johnston, William, Mystical Theology: the Science of Love, New York: Maryknoll, Orbis Books, 1995.
- Koho, Chisan, Một Nét Đăc Sắc của Văn Hóa Phương Đông, dịch giả: Lý Kim Hoa, Việt Nam: nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001.
- Lão Tử, Đạo Đức Kinh, q. II, dịch giả: Hạo-nhiên Nghiêm Toản, Saigon: Khai Trí, tủ sách Đại Học, 1972.
- Lê Quang Phúc, Nơi Đâu Là Nhà Toronto: the National Library of Canada, 1998.
- Lê Quang Phúc, Trực Cảm Tâm Linh (luận đề Cao Học Triết), Toronto: the National Library of Canada, 1996.
- Leong, Kenneth S., The Zen Teachings of Jesus, New York: the Crossroad Publishing Company, 1999.
- Mello, Anthony de, Awareness, New York: Image Books – Doubleday, 1992.
- Nguyễn Xuân Việt (ghi lại), Nguyễn Gia Trí Nói về Sáng Tạo, Thành Phố Hồ Chí Minh: nxb. Văn Học, 1998.
- Nhan, Nguyễn Tôn (giới thiệu và dịch giải), Trang Tử: Nam Hoa Kinh, nxb. Thanh Niên, 1999.
- Osho, Và Hoa Đã Mưa Xuống, (Nguyên bản: And Flowers Showed: Discourses on Zen, bởi Osho International Foundation) dịch giả: Nhóm Phật Tử, Hà Nội, 2000.
- Osho, Con Đường Tôi: Con Đường của Mây Trắng (My Way: The Way of the White Clouds, Shaltesbury, Dorset – Rockpoll, Massachusetts, Brisbane, Queensland), dịch giả: Ngô Trung Việt.
- Peck, M. Scott, Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi: Tín Ngưỡng và Ân Sủng, American Press: Simon and Schuster Inc., 1995.
- Quýnh, Phạm, Bách Gia Chư Tử Giản Thuật, dịch giả: Nguyễn Quốc Thái, nxb. Văn Hóa Thông Tin, 2000.
- Spalding, Hành Trình về Phương Đông, dịch giả: Nguyên Phong, nxb. Người Việt, 1987.
- Suzuki, D. T., Erich Fromm, Richard de Martino, Thiền và Tâm Phân Học dịch giả: Như Hạnh, nxb. Kinh Thi, 1973
- Tagore, Rabindranath, Lời Dâng, dịch giả: Đỗ Khánh Hoan, Việt Nam: nxb. Đà Nẵng, 1996.
- Tagore, Rabindranath, Mảnh Trăng Non, dịch giả: Phạm Hồng Dung và Phạm Bích Thuỷ, Việt Nam: nxb. Đà Nẵng, 1997.
- Thiện Cẩm, Tiếng Hát Mỗi Dòng Sông, Việt Nam, 1999.
- Thục, Nguyễn Đăng, Lịch Sử Triết Học Đông Phương, tập I: Trung Hoa, Thời Kỳ Khởi Điểm của Triết Học, Duy nhất Xuất Bản, 1961.
- Tô Thị Ánh, Eastern and Western Cultural Values: Conflict or Hamony? California: La Jolla, 1994.
GHI CHÚ______
[1] Đạo gia
(Taoist School) khác với Đạo giáo (Taoism) nhưng chúng lại tương liên vô cùng mật
thiết với nhau. Đạo gia mang tính triết học của cổ đại Trung Hoa, còn Đạo giáo
là thuộc tôn giáo. Đạo là nguồn cội sau hết của thế giới, được sáng lập nên bởi
Lão tử (khoảng chừng VI – V tcn), và tác phẩm duy nhất của ngài là Đạo Đức
Kinh, gồm hai thiên, thiên trước bàn về đạo, và thiên sau bàn về đức. Tất cả gồm
tám mươi mốt chương, hơn năm ngàn chữ cả thảy.
[2] Sáu tác phẩm
nổi tiếng của Trung Quốc là: Nam Hoa Kinh của Trang Tử, Ly Tao của Khuất
Nguyên, Thơ của Đỗ Phủ, Tây Sương Ký của Vương Thực Phủ, Thuỷ Hử của Thi Nại
Am, và Sử Ký của Tư Mã Thiên. Tác phẩm Nam Hoa Kinh của Trang tử gồm 33 thiên,
được chia thành Nội Thiên, Ngoại Thiên, và Tạp Thiên.
[3] Xc. Lịch Sử
Văn Minh Trung Quốc của Durant, trong mục về Trang Tử.
[4] Xin dùng hạn
từ Đạo Kitô thay vì Kitô Giáo như đã thường dùng. Đạo dưới cái nhìn Đông phương
không phải chỉ là một mớ giáo điều hoặc kinh kệ dành cho các tín đồ, người viết
xin không dùng hạn từ giáo (-isme), vì rằng giáo mang tính chủ thuyết, chủ
nghĩa hay duy -, và vì đạo Đông phương xem ra như không bao giờ bó hẹp vào một
lãnh giới nào đó.
[5] Có thể tham
khảo thêm về Taoism, Taoist và Daoism trên website thuộc bộ Stanford
Encyclopedia of Philosophy:
http://plato.stanford.edu/entries/taoism/notes.html#
[6] Phạm Quỳnh,
Bách Gia Chư Tử Giản Thuật (dịch giả Nguyễn Quốc Thái, nxb. Văn Hóa Thông Tin,
2000), tr. 341.
[7] “Tri thiên
địa vi đề mề dã tri hào mạt chi vi khưu sơn dã, tắc sai số đổ hĩ”
[8] “Thực thì
không có tên, có tên thì không còn là thực thể nữa. Tên gọi chẳng qua là giả dối
được làm ra đấy thôi.” Đây là câu nói của Dương Chu về chủ nghĩa vô danh (Liệt
Tử), và cũng được Lão Tử mở đầu trong Đạo Đức Kinh: “Đạo khả đạo phi thường đạo,
danh khả danh phi thường danh” (ĐĐK, I).
[9] Trẻ thơ
(childlike) khác với trẻ con (childish).
[10] Xin xem:
Kenneth S. Leong, The Zen Teachings of Jesus (New York: The Crossroad Publishing
Company, 1999), tr. 12
[11] Trực Giác ở
đây không phải là một thứ giác quan thứ sáu như ta thường nghĩ, cũng chẳng phải
kiểu trực giác như tư tưởng gia Henri Bergson lý giải, vì trực giác của Bergson
chẳng qua cũng chỉ là một sự hoạt động trong dòng sắc tướng mà thôi. Trực giác ở
đây chính là trực giác của ĐạiTrí (Lão-Trang), và của Bát Nhã (nhà Phật), hay
trực giác của ánh sáng thông tuệ (Rabindranath Tagore).
[12] Xin xem
Roberto Assagioli, Sự Phát Triểu Siêu Cá Nhân (Hà Nội: nxb. Khoa Học Xã Hội,
1997), tr. 225.
[13] Xc. Trang
Tử Nam Hoa Kinh, do Nguyễn Tôn Nhan chú giải biên dịch (nxb. Thanh Niên, 1999),
tr. 41.
[14] Xc. câu
chuyện Sào Phủ Hứa Do: Kỳ bất dục kiến hiền của Lão, tức là không cần ai thấy
được cái tài hiền của bản thân mình. Vi nhi bất thị, công thành nhi bất xử, kỳ
bất dục kiến hiền (làm mà không khoa trương, công thành nhưng không ở lại, tài
hiền của mình không cần ai hay biết) (Nam Hoa Kinh).
[15] Trong St
17,17, Chúa chúc lành cho Saray, vợ của Áp-ra-ham, và Ngài đổi tên Saray trước
kia của bà thành Sa-ra. Tên của bà trước kia có nghĩa là công chúa, nhưng khi
được Thiên Chúa đổi tên, thì có nghĩa là mẹ của các vua. Xin tham khảo Kinh
Thánh Cựu Ước phần chú giải của bản dịch do lm. Nguyễn Thế Thuấn thực hiện, trg
37.
[16] Xin xem 1
Cr 1,27-28 và Mt 11,25.
[17] Nếu nói
theo ngôn ngữ nhà Phật, thì đây chính là Trí Huệ (tiếng Sanskit: Prajna, có
nghĩa là Wisdom trong Anh ngữ). Đây là trải nghiệm và nắm bắt được bản chất của
mọi sự vật. Nắm bắt ở đây không phải qua giác quan hay tâm trí con người, nhưng
mà là bằng sự trải nghiệm, bằng trực cảm tâm linh. Xin tham khảo Trực Cảm Tâm
Linh của tác giả Lê Quang Phúc luận bàn về hồn thơ Rabindranath Tagore (Canada,
Ottawa: the National Library of Canada, 1998).
[18] Đại phương
vô ngung, đại khí vãn thành, đại âm hy thanh, đại tượng vô hình, đạo ẩn vô danh
(Vuông lớn không có góc vuông, đồ dùng lớn lâu thành, âm nhạc lớn, tiếng thưa,
ít lặng yên, hình tượng lớn không có hình, đạo che nấp không tên) (Đạo Đức
Kinh, C. XLI).
[19] Xin xem Lc
23,35-38
[20] Xin được
hiểu tri năng (Trực Giác, theo như nghĩa trên) như là Prajna - trí huệ (Anh Ngữ:
Wisdom).
[21] Erich
Fromm, Thiền và Tâm Phân Học (New York: George Allen & Unwin), dịch giả Như
Hạnh, nxb. Kinh Thi, tr. 208-209.
[22] Không đắm
hay chẳng bám vào bất cứ sự gì, cũng như vô sở cầu, vô sở đắc của nhà Phật vậy.
[23] Xin xem:
Nikos Kazantzaki, Zorba – Tay Chơi Hy Lạp (bản tiếng Anh: Zorba The Greek, của
Carl Wildman, Ballantine Books, 1965) dịch giả: Dương Tường, Nxb. Văn nghệ, Tp.
Hồ Chí minh, 1999, tr. 456.
[24] Cái-gì hay
ai-đó được nói ở đây không phải là cái chi bên ngoài mà ta tìm kiếm, nhưng là nội
tại trong ta; và cao hơn, xa hơn phải được hiểu theo nghĩa siêu vượt
(transcendental) trên cả htời gian, không gian, đói no, đau khổ, và sự chết.
Xin đọc thêm: Trực Cảm Tâm Linh của Lê Quang Phúc, tr. 90-93.
[25] Du là rong
chơi, Tiêu Diêu là cõi thảnh thơi của mình, Tiêu Diêu Du là rong chơi thoả
thích trong cõi thảnh thơi, không vướng bận ngoại vật và cũng chẳng bắt chước
theo ai.
[26] Có nghĩa
là, diệt bỏ cái bụng thích đèo bồng, lòng ham muốn về cái phận ngoài mình, hay
là giải thoát khỏi cái ngã. Phận ở đây tức là tuỳ sở năng tự nhiên mà làm đến
chỗ cùng tận của sở năng ấy (theo chú giải của Quách Tượng), đây được coi như
là Ơn Gọi (vocation) của Thiên Chúa đối với mỗi một cá nhân độc nhất vô nhị vậy.
[27] Xc. chương
Đức Sung Phù trong Nội Thiên.
[28] Anthony de
Mello, Thức Tỉnh, Image Books, Doubleday, 1992, tr. 21.
[29] Sđd. tr.
21-22
[30] Kenneth S.
Leong, tr. 116
[31] Paul
Tillich, The Shaking of the Foundations (New York: Macmillan, 1948), tr. 109.
[32] Xin hiểu
đúng nghĩa chữ phận của Trang Tử.
[33] Trần Thái
Đỉnh, Khảo Luận về Triết Học Hiện Sinh, Thời Mới, tr. 108.
[34] Lòng muốn ở
đây không phải lòng muốn của dục theo như ta thường nghĩ.
[35] St 22,
1-19
[36] Trần Thái
Đỉnh, tr. 100
[37] Đạo Gia và
Văn Hóa, nxb. Văn hóa Thông Tin, Hà Nội, 2000, tr. 112.
[38] Xin xem
Soren Kierkegaard, Fear and Trembling (Kinh Hãi và Run Sợ), (New Yersey:
Princeton University Press, 1941).
[39] tr. 45
[40] Sđd. tr.
49
[41] Xin xem
thêm: Lê quang Phúc, Nơi Đâu Là Nhà, (Toronto: Thư Viện Quốc Gia Canada, 2000)
tr. 212.
[42] Xin tham
khảo thêm về ngẫu tượng trong 1 Cr 10, 14-22.
[43] Logos (ị),
theo Hy Lạp, có nghĩa là điều được nói ra (chẳng hạn như lời nói, sứ điệp, giáo
huấn, cuộc trò chuyện, cuộc trao đổi), nhưng theo Thánh Kinh cũng có nghĩa là
giá trị (xc. Cv 20,24), và theo Kitô học của Tin Mừng Gioan có nghĩa là Lời. Lời
đã có trước khi tạo thành đất trời vạn vật, và Lời đã đi vào thế gian để trở
nên xác phàm, sống giữa nhân sinh của hạn giới, hầu đưa hết thảy trở về với
cung lòng của Lời uyên nguyên và linh diệu, vốn mắt chưa hề thấy, và tai chẳng
hề nghe bao giờ (xc. Ga 1,1-14).
[44] Vô Quan
Môn
[45] Kenneth S.
Leong, tr. 121.
Chú thích: Quan
niệm Yin và Yang biểu tượng chứa đựng toàn bộ triết lý về con người trong vũ trụ
học Trung Hoa (vòng tròn với hai con cá quyện nhau). Yin là Âm và Yang là
Dương, trong âm có dương và ngược lại, như sắc sắc không không của Lão Tử. Yin
là cái gì đó mà kín ẩn và không thể thấy được bằng mắt, còn yang là cái gì biểu
hiện và thấy rõ. Yin là biểu tượng cho cái ẩn như đất, đêm, nước, trăng, nữ, tiếp
nhận, ngơi nghỉ, mỏng manh, mềm mại, đau đớn... Yang biểu tượng cho cái hiện
như trời, ngày, trời, nam, lửa, hành động, năng động, sức mạnh, niềm vui... Phần
trắng biểu trưng cho Yang và phần đen cho Yin, hai phần được tách biệt không phải
bằng đường thẳng, nhưng là đường cong hài hòa và mềm dẻo. Điều này có nghĩa rằng
giữa chúng không có biên giới rõ ràng. Chúng hỗ trợ nhau thay vì loại trừ nhau.
Chấm đen và chấm trắng cư ngụ trong nhau có nghĩa rằng chúng mang lấy dấu vết của
nhau. Từ đó, chúng ta nhận thấy rằng không có gì là đối lập cả, chẳng có gì là
tốt hay xấu hoàn toàn, cũng như đẹp hay xấu hoàn hoàn. Mọi tương quan giữa Yin và
Yang hàm chứa: đối nghịch nhưng cũng hài hòa, xen quyện vào nhau nhưng cũng bổ
túc cho nhau. Theo như Fung có cho biết: “bản chất của Âm là để bổ túc cho
Dương; cũng như vợ bổ túc cho chồng... Không một tạo vật nào mà không có gì để
bổ túc cho cái khác, cho nên tất cả mọi sự đều có Âm và có Dương.” (Yu Lan
Fung, The Spirit of Chinese Philosophy. Boston: Becon Press, 1967, tr. 124).
Để tham khảo
thêm, xin truy cập trong website: http://www.paralumun.com/fengyang.htm
- Biểu Tượng
Yin và Yang của triết lý Trung Hoa về Vũ Trụ học: [
[46] Bửu Ý, một
Nhạc Sĩ Thiên Tài, nxb. Trẻ, 2003, tr. 105.
[47] Xin xem:
Alan Watts, Beyond Theology (New York: Vintage Books, 1973), tr. 109.
[48] Chưgyam
Trungpa, The Myth of Freedom (Boston: Shambhala, 1976), tr. 5.
[49] Đến đây,
Thiền sư Ấn độ Vivekananda, người viết tác phẩm nổi tiếng là cuốn Tôn Giáo là
gì?, có nói: “Nous sommes le phus grand Dieu... Les Christs et les Bouddas ne
sont que des vagues sur L’Océan-Sans-Limites que je Suis.”
[50] Từ bỏ ở
đây cần phải hiểu một cách đứng đắn theo Tin Mừng của đạo Kitô. Trong đạo Kitô,
chúng ta không nên nhầm lẫn sự khổ hạnh với đời sống tâm linh. Để khai mở đời sống
tâm linh đạo Kitô nơi mỗi con người, chúng ta cần từ bỏ (= để qua một bên) mọi
nhu cầu sở hữu vật chất để đạt được Thiên Chúa, là căn nguyên và cùng đích
trong cuộc đời chúng ta. Vì thế, từ bỏ ở đây có nghĩa là không được mê đắm vào
bất cứ thực tại trần gian nào mà xem như là mục đích tối hậu ngoài Thiên Chúa.
[51] Tám mối
Phúc (Mt 5,3-12): Giá trị chóng qua và giá trị trường tồn.
[52] Từ bỏ (những
gì không phải là mục đích tối hậu) ngay cả tình máu mủ ruột thịt hay thân
thương như cha, mẹ, anh, chị, em, vợ, chồng, con cái với mục đích hướng đến
Thiên Chúa (Mt 10,37-39).
[53] J.
Krishnamurti, Think on These Things (New York: Harper & Row, 1970), tr. 19.
[54] Bửu Ý, Một
Nhạc Sĩ Thiên Tài, Thành Phố Hồ Chí Minh: nxb. Trẻ, 2003, tr. 117-18.
[55] “If you
love yourself, you love everybody else as you do yourself. As long as you love
another person less than you love yourself, you will not really succeed in
loving yourself. But if you love all alike, including yourself, you will love
them as one person and that person is both god and man. Thus, he is a just and
righteous person who, loving himself, loves all others equally.” Raymond
Blakney, Meister Eckhart (New York: Harper & Row, 1941), tr. 204.
[56] Chính vì
thế mà các nhà thần học Công Giáo cho biết rằng thần học trong Tin Mừng Gioan
là thần học vinh quang (Johannine theology of glory).
[57] Trời Bữa
Đó trong tác phẩm Mưa Nguồn của Bùi Giáng, tr. 145 (nxb. Hội Nhà Văn, 1993).
[58] Bài hát Xa
Dấu Mặt Trời của Trịnh Công Sơn
[59] Kenneth S.
Leong, tr. 16-17
[60] Ellen M.
Rosenberg, Southern Baptists: A Subculture in Transition (Knoxville: University
of Tennessee Press, 1989), tr. 134.
[61] Xin tham
khảo: (Sđd.) Bửu Ý trong bài viết nói về Ngôn Ngữ Trịnh Công Sơn, tr. 81-95.
[62] William
Johnston, Mystical Theology: The Science of Love (New York: Orbis Books,
Maryknoll, 1995) tr. 50.
[63] Kenneth S.
Leong, tr. 17
[64] Osho, Và
Hoa Đã Mưa Xuống: Bài Nói về Thiền (New York: Osho International Foundation) Dịch
Giả: Nhóm Phật Tử, Hà Nội, 2000.
[65] Thu Giang,
Nguyễn Duy Cần, Đại Cương Triết Học Trung Quốc: Trang Tử Tinh Hoa, nxb. thành
phố Hồ Chí Minh, 1992, tr. 177.
[66] R. Tagore,
Gitanjali XXIX
[67] Xin xem:
The Religion of the Forest, trong tác phẩm Creative Unity của R. Tagore.
[68] Dermot A.
Lane, The Experience of God: An Invitation to Do Theology (New York, Ramsey:
Paulist Press, 1981), tr. vi.
[69] Sđd. tr.
23.
[70] Karl
Rahner, The Experience of God Today, trong Theological Investigations, Volume
XI (London: DLT, 1974), tr. 154.
[71] Hay chúng
ta có thể hiểu, Thiên Chúa đã đồng phận người qua việc trở thành con người
Giêsu.
[72] Lê Quang
Phúc, Nơi Đâu là Nhà, tr.85.
[73] B.
Lonergan, Method in Theology (London: DLT, 1972), tr. 118-19; và The Lonergan
Reader, do Mark. D. Morelli và Elizabeth A. Morelli hiệu đính (Toronto:
University of Toronto Press, 1997), tr. 379
[74] J. Norman
King, The Experience of God in the Theology of Karl Rahner, trong tác phẩm
Thought, 53 (1978), tr. 75.
[75] Karl
Rahner, The Experience of God Today, tr. 157-58
[76] The
Gardener (người làm vườn) LXXIV
[77] Đây là chú
thích bằng Anh Ngữ bởi Hiệp Hội Phật Tử Thiền Tông Soto (Association of Soto
Zen Buddhists): Dõgen Kigen Zenji (1200-1253), the founder of Eiheiji was born
in 1200 A.D. When he was 24, he went to China and devoted himself to true Zen
practice under the strict guidance of Nyojozenji at Mt.Tendo. After having
"dropped off both body and mind", realizing the way of the Buddha, he
returned home in 1228. He lived at Kenninji temple for 3 years, then founded
his first temple, Kosho-Horinji in Uji, Kyoto. In 1244 Dogen zenji and his
followers visited Shii-no-Sho in Echizen (now Fukui Prefecuture) to build a
mountain temple. He was offerd land and other help for this by Yoshishige Hatano,
a samurai who was one of his most devoted lay followers. Dogen thus founded
Eiheiji , where he devoted himself to training his followers in the perfection
of Zen practice in every action of daily life. He died on September 29, 1253,
leaving a number of noted books including the Shobogenzo, Gakudo Yojinshu, and
Eihei Dai Shingi. Dogen zenji's authentic Zen has been scrupulously observed by
his successors. Even today, both priests and lay people devote themselves to
his practice of Shikantaza ("just sitting"). (tham khảo trên website:
http://www.tbsn.org/english/news/; và http://www.wwzc.org/translations/)
[78] Kosen
Nishiyama và John Stevens, Genjõkoan (Tokyo: Kawata Press, 1975) tr. 1.
[79]
Rabindranath Tagore, Sadhana – The Realisation of Life, New York: The McMillan
Company, 1916, tr. 70.
[80] Sđd. tr.
76
[81] R. Tagore,
Personality, New York: McMillan & Co., Ltd., 1917, tr.43-44.
[82] Xin xem:
R. Tagore, Creative Unity, trong mục The Creative Ideal, Calcutta: McMillan,
1962
[83] Saroj
Kumar Das, Tagore and the Perennial Problems of Philosophy (Calcutta: Rabindra
Bharati University Press, 1971) tr. 56-57.
[84] Được trích
lại trong báo Giác Ngộ số 19 (BỘ MỚI), vào 08-06-2000, với nhan đề: Sự Nguy Hiểm
Của VIệc Bám Víu Tín Điều, do Nguyên Hạnh chuyển ngữ.
[85] Bách Gia Chư Tử Giản Thuật, nxb. Văn Hóa Thông Tin, tr. 341.