Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

GIỚI THIỆU CON NGƯỜI VÀ TƯ TƯỞNG CỦA FR. TIMOTHY RADCLIFFE, O.P.

Thời sự Thần học – Số 3, tháng 8/2009, tr. 134-147

_Mân Côi_

1. Con người 
2. Tác phẩm
3. Cách làm Thần học
  3.1. Tính lịch sử
  3.2. Tính xã hội
  3.3. Tính truyền thống và Hiện đại
  3.4. Tính “Lời”
  3.5. Tính Hiện sinh - Hữu thể học
4. Trả lời cho những câu hỏi riêng tư hơn

1. Con người


Fr. Timothy Peter Joseph Radcliffe sinh tại Stanmore (Midlesex), Anh quốc, ngày 22.8.1945. Con thứ tư trong số 6 người con của ông bà Hugues và Marie-Theresa Pereira. Ngay từ bé, Timothy đã theo học tại các trường Worth và Downside của các Sơ Bénédictine.

Năm 20 tuổi (1965), Timothy lãnh áo dòng Anh Em Giảng Thuyết. Một năm sau thì khấn đơn. Ba năm sau (1968) khấn trọn. Chịu chức linh mục tại Oxford, ngày 02.10.1971. Timothy đã theo học ở Oxford và Paris. Học vị của Fr. Timothy là M.A. Thần học (Oxford).

Fr. Timothy đã là tuyên uý tại đại học Luân Ðôn hai năm (1974-1976) và là giáo sư môn Tân Ước, trước khi trở về Oxford, nơi Fr. Timothy dạy Kinh Thánh và Tín lý trong suốt 12 năm. Bên cạnh việc giảng và dạy, Fr. Timothy cổ võ Phong trào Hòa Bình (Peace Movement) và hăng hái phục vụ những người bị loại ra ngoài lề xã hội, nhất là những người mắc bệnh Sida. Hơn nữa, Fr. Timothy quan tâm nhiều đến mối tương quan giữa thần học với xã hội.

Fr. Timothy đã làm tu viện trưởng tu viện Blackfriars ở Oxford liền hai nhiệm kỳ (1982-1988). 12.4.1988 được bầu làm giám tỉnh Tỉnh dòng Anh quốc. 1989 dự Tổng hội Oakland, Hoa Kỳ. Trong Tổng hội bầu cử ở Mêhicô, Fr. Timothy được bầu làm Tổng quyền, 15.7.1992, là người thứ 85 kế vị thánh Ða Minh (1992-2001). Fr. Timothy từng là Chưởng ấn tại các Ðại học Angelicum, Rôma; Ðại học Santo Tomas, Manila; trường Kinh thánh Giêrusalem; và Trưởng Phân khoa Thần học tại Fribourg. Hiện tại, Fr. Timothy là nhà giảng thuyết lữ hành (đi đây đó nửa năm trong một năm), một giáo sư, đặt “căn cứ địa” tại tu viện Blackfriars, Oxford, Anh Quốc.

Fr. Timothy là thành viên danh dự của Đại học Saint John, Oxford; Tiến sĩ Thánh Khoa honoris causa tại Đại học Oxford và Đại học Giáo Hoàng St. Thomas (Angelicum) và là tiến sĩ Danh dự của nhiều Đại học, phân khoa khác nhau. Fr. Timothy là người sáng lập “Mạng lưới những nhà Lãnh đạo Trẻ Quốc tế” (International Young Leaders Network: IYLN). Đây là một tổ chức liên kết với “The Epiphany Trust”, Học viện Sapientia, Budapest và Phân khoa Khoa Học Xã hội Đại học St. Thomas (Angelicum), Rôma.

Ngày 15-5-2007, Fr. Timothy đạt giải “The Michael Ramsey”, với tác phẩm What Is the Point of Being A Christian?. Tác phẩm này được xem là một tác phẩm “nói thẳng về những khó khăn của niềm tin Kitô, có tính hài hước, thân thiện và khôn ngoan, trung thành với giáo huấn của Đức Giêsu, cắm rễ sâu trong truyền thống, đồng thời trả lời được những xáo trộn của thế giới hiện đại” (Lời giới thiệu sách)

Đây là cảm tưởng của Fr. Carlos Azoiroz Costa, Bề trên Tổng Quyền đương nhiệm, Dòng Đa Minh về Fr. Timothy: “Các tu sĩ, và nhất là Gia Đình Đa Minh, biết ơn Fr. Timothy vì đã cho chúng ta nghe và đọc những lời có tính cách sáng tạo, những lời duyên dáng (paroles de grâce) và sự thật. Đó là những lời được nói lên bằng một thứ ngôn ngữ mới, một ngôn ngữ cho thời đại mới, ai nấy đều hiểu được. Fr. Timothy cống hiến cho chúng ta khuôn mặt người, niềm vui tươi rạng rỡ của một giáo huấn giúp mở rộng tinh thần, mở rộng trái tim, mở rộng linh hồn!.

Suốt chín năm làm người kế vị thánh Đa Minh, Fr. Timothy đã cống hiến cho Dòng, cho Hội thánh, cho thế giới niềm vui của người loan báo Tin mừng, tình bằng hữu với Đức Giêsu, phẩm tính của đời sống huynh đệ, trực giác không mỏi mệt về sự thiện, khả năng hiểu việc quản trị như là một “nhân đức” (vertu), rút ra điều tốt nhất nơi mỗi một con nguời. Nhiều đề tài khác nhau trong các thư, các bài thuyết trình và giảng thuyết của Anh khiến cho chúng ta lại mơ mộng tìm lại một kho tàng cổ xưa, vinh cửu: đó là Lời! Qua những hoàn cảnh, những hình ảnh và những cách diễn tả cứ luôn luôn là mới mẻ.

Ði tới đâu, đến nước nào tôi cũng thấy các chị nữ tu và các anh em, cho dù có thuộc Dòng Ða Minh hay không vẫn hay hỏi tôi về Fr. Timothy: bây giờ đang ở đâu? Có khoẻ không? Thật khó mà trả lời những câu hỏi đại loại như thế, vì Fr. Timothy không ngừng đi chỗ này chỗ kia, luôn luôn bị lôi kéo bởi mệnh lệnh Ðức Giêsu đã truyền cho các Tông Ðồ. Nhưng mà nếu vẫn cứ được nghe, được đọc Fr. Timothy để rồi khám phá trong lời nói của Anh, lời nói của chúng ta, trong ơn gọi của Anh ơn gọi của chúng ta: ân sủng giảng thuyết, thì cũng là điều rất tốt !

Nơi Fr. Timothy, tôi học được nhiều điều! Trong số đó, đáng kể là niềm đam mê đối với điều chúng ta làm và điều chúng ta đang làm, thái độ kiên nhẫn và rất tế nhị của Fr. Timothy khi phải đương đầu với những vấn đề rất khác nhau, đặc biệt đối với vấn đề đi tìm người còn đang ở xa …” ( Louer, bénir, prêcher , Paroles de grâce et de vérité, Éd. du Cerf, Paris, 2004, pp. V-VI)

2. Tác phẩm

  1. Sing a new song: the Christian vocation, Templegate Publishers, 1999.
  2. “Je vous appelle amis, ” (tức là bản dịch Pháp ngữ cuốn “Sing a new song” có thêm phần phỏng vấn của Guillaume Goubert,), La Croix-Les Éditions du Cerf, Paris, 2000 (I call You Friends. – bản tiếng Anh – London, Continuum, 2001)
  3. Que votre joie soit parfaite: La mission, Lengagement chrétien, Chanter la louange. Cerf, 2001.
  4. Les dernières paroles du Christ, Cerf, 2004. (“Seven Last Words” bản tiếng Anh – Burns & Oates, 2004 )
  5. What is the Point of Being a Christian?. London and New York: Burns & Oates, 2005.
  6. Just One Year: Prayer and Worship through the Christian Year, edited by Todd for CAFOD and Christian Aid, 2006.
  7. Why Go to Church? The Drama of the Eucharist London: Continuum, 2008.
  8. Thuyết trình và giảng giải :
  • Ngài Thiên Chúa, Giảng cho Hội nghị các viện phụ dòng Biển Đức (Rôma).
  • Niềm vui và bình an, cho Dòng Anh Em Hèn Mọn.
  • Giảng thuyết, chia tay với sự nhàm chán, cho Hội nghị quốc tế Dòng Tên Chúa Giêsu về phụng vụ.
  • Anh Ladarô, hãy đi ra!, cho Hội nghị nam nữ tu sĩ ở Thuỵ Sĩ.
  • Vui buồn đời linh mục hôm nay, Vì một niềm vui được đặt ở phía trước, Tĩnh Tâm linh mục ở Hoa Kỳ, Hãy đi và làm cho các dân tộc thành những người môn đệ,
  • Nói chuyện với những người lạ, Tái xây dựng các cộng đồng nhân loại, cho Khoa nghiên cứu tôn giáo Đại học Yale.
  • Chúng ta (linh mục) có thể là những người mang Tin Mừng cho Hội Thánh toàn cầu như thế nào, Chúng ta (linh mục) có thể là những người mang Tin Mừng cho Hội Thánh địa phương như thế nào, nói chuyện với 250 linh mục tại Hội nghị Liên hiệp quốc gia các Hội đồng linh mục, ở Atlanta, Georgia hồi đầu năm 2004.
  • Lời Thiên Chúa trong một thế giới toàn cầu hoá. Rao giảng Vương Quốc hay Chủ nghĩa đế quốc tôn giáo? Nói chuyện với 200 khách mời nhân lần thứ tám Annual World Mission của Hiệp hội thần học công giáo, Hyde Park, Chicago, Hoa Kỳ.
  • Và v.v…

3. Cách làm Thần học


Fr. Timothy nói: “Nhiều loại thần học được xem là “gây mê” (buồn chán). Dường như chưa có được mối giao thoa giữa cách chúng ta nghĩ và nói. Muốn làm thần học hôm nay, bạn phải bắt đầu từ bộ phim mà dân chúng đã từng xem, cuốn sách họ từng đọc và những bài nhạc họ từng thưởng thức” ( Lời phát biểu trong buổi lễ nhận giải “The Michael Ramsey”, ngày 15-5-2007, tại National Christian Resources Exhibition., Anh Quốc)

3.1. Tính lịch sử


Cái nhìn của Fr. Timothy đối với mỗi vấn đề luôn luôn có tính cách lịch sử: mỗi một biến cố có ý nghĩa trong tổng thể, mỗi một giai đoạn có nghĩa riêng của nó trong một toàn cảnh, mỗi chặng đường có một ý nghĩa trong ý nghĩa tổng quát của cả con đường dài. Và tuy dài nhưng vẫn có điểm tới. Có đích chứ không phải là cứ đi tới vô định.

Chính với cái nhìn đó, Fr. Timothy kính trọng Truyền Thống (kể cả những vết ít đẹp cũng vẫn nổi lên trước con mắt của anh như là một câu chuyện có ý nghĩa làm nên chân lý về con người, về lịch sử). Chẳng hạn, anh rất thường trở về nhất là với nguồn Lời Thiên Chúa. Anh hay trích dẫn những tài liệu cổ của Dòng (những mẩu chuyện cổ trong Vitae fratrum, Kinh nguyện …) và cả của Dòng khác nữa khi có dịp nói chuyện với các anh em thuộc các Dòng đó. Chẳng hạn, ai ở trong Dòng Đa Minh lại không biết câu kết của bài thánh thi O Lumen, với câu kết là nos iunge beatis. Và thường ý nghĩ của người hát bài thánh thi ấy có tính cách đứt đoạn, chia cắt: beatis chỉ có thể là các thánh Dòng, những người anh em chị em đã làm thánh! Nhưng với cái nhìn của Fr. Timothy thì ngay những người anh chị em đang hát đó cũng được kể vào số những beatos này rồi, một cách nào đó. Ai đã ở trong Dòng mà lại không biết nghi thức khấn Dòng. Lại nữa, khi khấn, người ta xin lòng thương xót của Thiên Chúa và của anh/chị em, người ta đặt tay mình trong tay người bề trên, trên sách Hiến pháp, nhưng Fr. Timothy lại có công làm cho lời thưa, cử chỉ như thế thành xuyên suốt trong cả cuộc đời cụ thể của một người anh/chị em. Anh cũng nhìn các khuôn mặt lớn trong Dòng ở một góc nhìn khác: anh hay trích dẫn thánh Thomas Aquinô cả trong những chuyện đáng kể, cần được khai triển rộng như các lời khấn đều dẫn tới lòng mến, lòng mến là một tình bằng hữu nào đó với Thiên Chúa, lẫn trong những mẫu truyện chỉ là … tương truyền, như thánh Thomas khi rình sinh thì đòi ăn cá mòi tươi! (x. Những lời cuối cùng của Đức Kitô, trang 14). Anh cũng hay dẫn thánh Catarina.

3.2. Tính xã hội


Nhưng cứ lần theo những tựa đề sách được Fr. Timothy đọc và chú dẫn trong các bài của mình, ta cũng có thể thấy là Fr. Timothy quan tâm đến vấn đề xã hội, muốn có một cái nhìn thiện cảm để phân tích một cách có phê phán và có trách nhiệm đối với xã hội thời mình đang sống. Mối quan tâm ấy cùng với sự di chuyển nay đây may đó của Anh, cộng với chiêm nghiệm khiến cho Fr. Timothy thích thú với hình ảnh thế giới là “ngôi làng toàn cầu”, thế giới có thể bị “sa mạc hoá”, quả địa cầu nay là “cái chợ”, và tất cả những tương quan trong đó có thể trở thành tương quan mua-bán, tất cả trở thành hàng hoá. Làm thế nào khẳng định mình trong cái xã hội như thế (căn tính)!?. Những tấm bảng quảng cáo với những lời lẽ “chiêu dụ” khiến cho anh suy nghĩ nhiều về vai trò của “Lời” trong đời sống, nhất là của những người được gọi để có “duyên với Lời” (grâce de La Parole) …

Có thể thấy ở đây, ước mơ của Fr. Timothy: “Có một đề tài đã cuốn hút tôi và tôi đang định dựa theo đó viết một cuốn sách thì được gọi đến đây (Santa Sabina): mối tương quan giữa cách làm thần học với bối cảnh xã hội. Tại sao, đối với Đức Giêsu, cách tốt nhất để làm thần học là dùng dụ ngôn, trong khi đó, đối với thánh Phaolô, lại là viết thư? Tại sao vào một thời điểm nào đó trong lịch sử Giáo Hội, phải tìm một phương thức mới để làm thần học bằng cách viết ra các sách Tin Mừng? Tại sao vào lúc khác, người ta lại thôi không viết sách Tin Mừng nữa để bắt đầu tập hợp các bản văn ấy lại thành Tân Ước? Nghiên cứu xem thần học luôn bám chặt vào một bối cảnh văn hoá-xã hội đặc thù như thế nào chính là một vấn đề thú vị” (Thầy gọi anh em là bạn hữu, tr. 31).

3.3. Tính truyền thống và Hiện đại


Nét điệu nghệ, hơi lãng mạn, cái đẹp, sức lôi cuốn của những dòng chữ của anh: đó là anh nối kết được những yêu cầu từ truyền thống với những nét hiện đại. Anh khiến cho một nhà báo Anh đã gọi là sự phối hợp giữa “lòng khoan dung tiến bộ nhất với tính chính thống bảo thủ nhất” (x. Le Monde, 17.4.2001):

- Từ cái “chợ”, cái “sa mạc” – tức là thế giới đồng nhất – này (vd. Trong phim Jurassic Park phần lớn là tiếng động, tiếng gầm, tiếng rú của khủng long), Fr. Timothy thấy cần phải nhìn lại lời nói (Lời tha thứ, chữa lành, ban tặng trong Bữa Tiệc Ly), nhìn lại tiếng nói của những giới, những tầng lớp khác nhau (voix, voice), tựa như phải có những môi trường sống thích hợp cho mỗi chủng loại. Đặc biệt, trong cộng đoàn tu trì, tiếng nói (voix, voice, phiếu!) quen được gọi là “phiếu” trong những cuộc bầu cử cũng đáng được suy nghĩ lại.

Nicholas Lash đã viết: “Được sai đi với tư cách là những thừa tác viên của Lời cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta bị đòi hỏi, trong khi làm việc cũng như trong lúc nghỉ ngơi, trong giao tiếp cũng như trong học tập, phải thực hành và cổ võ thuật dụng ngữ, sử dụng từ ngữ cẩn thận, tỉ mỉ và có ý thức để cuộc chuyện trò có phẩm chất và ký ức có được tính chân thật, vì cách dùng lời nói “tà vạy, lôm côm” là nguyên nhân đầu tiên sinh ra tội lỗi. Cho nên Hội Thánh là, và phải là, một trường học dạy cho biết thuật dụng ngữ, là viện hàn lâm hướng dẫn cho biết sử dụng từ ngữ thế nào mới là cẩn trọng”. (Ministry of the Word or Comedy and Philology” trong “Explorations in Catholic Theology: papers from the Catholic Theological Association, éd. Geoffrey Turner – John Sullivan, Dublin, 1999, tr. 166). (Sứ vụ cho một thế giới đang trốn chạy).

- Từ tương quan mua-bán, giá cả, Fr. Timothy nêu bật tính cách “khoảng không” để Thiên Chúa lấp đầy, đến cái đẹp của một cuộc đời chẳng có gì để xác định là đáng kể (căn tính, thành phố trên núi, ngai Thiên Chúa). Từ khẳng định giá trị đến chỗ bỏ dần dần căn tính để cho sáng lên cái căn tính trọng đại nhất con người đón nhận từ Thiên Chúa: con người được Thiên Chúa kêu gọi để sống với người. Ơn gọi Kitô hữu và tu trì như là một quà tặng. Ơn gọi tu trì: từ bỏ những căn tính quen thuộc.

- Happening, story – “khoảnh khắc hưng phấn”, câu chuyện được diễn tả dài trong suốt niên lịch phụng vụ.

“Happening không thể tưởng được”, đó chính là sự Phục sinh. Nhưng sự Phục sinh là một happening thuộc một bình diện hoàn toàn khác. Biến cố này không phải là cách đáp ứng nỗi khát khao trốn chạy, đào thoát, nhưng đem lại một sự biến đổi. Biến cố ấy không mời chúng ta quên đi ngày mai, nhưng là tương lai đang được đổ ngập tràn trong hiện tại. Đứng trước nỗi lo âu khắc khoải của chúng ta trong cái thế giới đang trốn chạy, không biết mình đang đi về đâu này, chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta không thể ứng phó bằng hội chứng quên lãng hay bằng những tiên đoán lạc quan vô căn cứ về tương lai. Nhưng chúng ta phải cống hiến những dấu chỉ của sự Phục sinh đang thấp thoáng nơi những cử chỉ biến đổi và giải phóng. Những cuộc mừng lễ của chúng ta không phải là một cách trốn chạy, đào thoát, nhưng là một cách nếm trước tương lai. Những cuộc mừng lễ ấy không cống hiến thuốc phiện, như cụ Mác đã từng nghĩ, nhưng là trao ban một lời hứa” (Sứ vụ cho một thế giới đang trốn chạy).

3.4. Tính “Lời”


- Từ chỗ định giá cho tất cả, vì là một người anh em Đa Minh, Fr. Timothy thấy cần phải coi trọng Lời. Ngay trong xã hội, một lời chào [của một người rao hàng] cũng được coi là có giá, vì nó khiến cho hàng hoá bán được. Vậy trong đạo, trong đời tu, Lời phải là đẹp, là xây dựng, là chữa lành, là sự sống. Fr. Timothy rất hay nhắc lại lời trong trình thuật thiết lập Thánh Thể, “Đây là Mình Thầy … Đây là Máu Thầy … vì anh em”, nhiều bản văn đẹp được Fr. Timothy trích dẫn để chứng minh Lời là sức mạnh đáng quí trọng và thuyết phục: “Chúng ta đã mất cái ý thức sợ hãi mà thánh Augustinô nói đến: Ngôn từ, đó là những cái ly quí báu chứa đựng ý nghĩa ” (Công viên kỷ Jura và Bữa Tiệc Ly), “Trong ngôn từ, cũng giống như trong một phân tử vật lý, có vật thể và phản vật thể. Có xây dựng và hủy diệt. Cha mẹ và con cái, đàn ông và đàn bà, khi trao đổi ngôn từ với nhau, đều có sự rủi ro rất cao. Ngôn từ có thể làm tổn thương mối tương quan nhân bản, có thể hủy diệt niềm hy vọng. Lưỡi dao ngôn từ là lưỡi dao bén nhất. Thế nhưng, cũng những ngôn từ đó, cũng những câu đó, cũng những cấu trúc ngữ pháp đó, cũng những ý nghĩa đó lại là khí cụ của sự mặc khải, của trạng thái ngất ngây, của sự thông cảm diệu kỳ tức là sự hiệp thông” (Công viên kỷ Jura, trích dẫn tác phẩm Real Presences của George Steiner).

Trong một tập sách, Fr. Timothy cũng lại khai triển đề tài Lời nói: 
“Lời thề là gì nếu không phải là những ngôn từ chúng ta thưa với Thiên Chúa. Meg ạ, khi một người tuyên một lời thề, hắn cầm chính con người của hắn trong lòng bàn tay. Tựa như cầm nước vậy. Khi ấy, chỉ cần hé những ngón tay ra một cái là không còn hy vọng vớt lại được nữa” (Les dernières paroles …, trang 18).

3.5. Tính Hiện sinh - Hữu thể học


Trước một thế giới chợ búa, mọi sự trong thế giới được coi là hàng hoá, có giá cả, Fr. Timothy trình bày trước hết là tính cách nhưng không (gratuité) của ơn gọi Kitô hữu, nhất là ơn gọi sống đời tu: ơn gọi như là một quà tặng. Sau đó, ơn gọi đó không có tính cách chức năng (fonctionnement), tựa như là gọi để làm một công việc này công việc kia cụ thể, nhưng gọi để là (esse). “Vậy lúc cha quyết định, gần như bất ngờ, hướng về đời tu, cha có cảm thấy tiếng Chúa gọi không? Tôi sẽ không dùng thuật ngữ này. Tôi tin sâu sắc vào ý tưởng ơn gọi. Tôi tin rằng mỗi người đều được gọi để hiện hữu, đó là một chiều kích nội tại trong phẩm giá của con người. Ta thấy trong Kinh Thánh: chủ đề sáng tạo và kêu gọi liên kết chặt chẽ với nhau. Muôn vật hiện hữu bởi vì Thiên Chúa đã gọi chúng bằng đích danh của chúng. Khi Israen khám phá ra căn tính của mình, đặc biệt trong thời kỳ lưu đày lần hai ở Babylon, chính ở đó ta thấy những kiểu nói tuyệt diệu này của các ngôn sứ Isaia, Giêrêmia: “Ta gọi ngươi, Ta gọi ngươi hiện hữu”. Tôi tin vào ý tưởng của một ơn gọi. Thiên Chúa kêu gọi. Nhưng không giống như chuông điện thoại reo, bạn nhấc máy và thế là Thiên Chúa, ở đầu dây bên kia, nói với bạn rằng: “Đến đây nhé.” Chính theo cách vô cùng hữu thể học, chính trong sâu thẳm nhất của con người bạn, đó là khám phá ra điều anh được kêu gọi tới. Do đó, tôi đã không nghe thấy tiếng. Nhưng tôi cũng không hề tự nhủ: “Này, đây là công việc tôi thích thú.” Tôi đã khám phá ra điều tôi được gọi để là (Thầy gọi anh em là bạn hữu, tr. 21).

Ý nghĩ trên được thể hiện trong ý nghĩ của Fr. Timothy về hành trình ơn gọi của chính mình: “Khi mãn nhiệm thì cha sẽ làm gì? Câu hỏi thú vị! Cho tới lúc này, tôi cố không đặt ra cho tôi câu hỏi này, bởi vì, nếu như thế, tôi không thể sống khoảnh khắc hiện tại, không thể đối diện với vấn đề này vấn đề kia cần phải giải quyết trong ngày hôm nay, không thể trả lời cho yêu cầu của người anh em này anh em kia đang chờ câu trả lời ngay bây giờ. Nhưng dù có thế nào chăng nữa, tôi sẽ bắt đầu một thời gian Sa-bát. Hiện tại, tôi đang có một cuộc sống đam mê nhưng đã được sắp xếp hẳn hoi: tôi có thể nói với bạn khá chính xác những gì tôi sắp làm vào ngày này ngày nọ cho tới tháng 5 năm tới. Khi tôi đi thăm các Tỉnh dòng, tôi sử dụng thời gian đã được xác định từng giờ, đôi khi trong sáu tuần lễ liền. Nên tôi mong tìm lại, dù vắn vỏi thôi, sự tự do tuyệt vời này là được thức dậy vào buổi sáng và tự nhủ: thế hôm nay mình có thể làm cái gì nhỉ? Rồi gì nữa nhỉ? Tôi tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa quan phòng. Cho tới nay, cuộc đời tôi được phân nhịp theo chu kỳ khoảng 20 năm. Và tôi không bao giờ đoán trước giai đoạn tới sẽ là gì. Suốt 20 năm đầu của cuộc đời, không hề có lấy một sợi thần kinh nào trong đầu tôi cho tôi ý tưởng là tôi sẽ trở thành tu sĩ Đa Minh và linh mục. Rồi, trong 20 năm tiếp, tôi học và dạy, và cứ nghĩ rằng tất cả cuộc đời của mình là như thế. Mà như thế là hạnh phúc rồi. Ấy thế mà đang ngon trớn, đang dạy học, lại được bầu làm tu viện trưởng. Đấy chính là cái đánh dấu bước đầu của hai thập niên trong trách nhiệm quản trị Dòng. Bây giờ tôi đang ở cuối giai đoạn thứ ba này, nhưng lại không biết giai đoạn tiếp theo sẽ ra sao.

Tuy nhiên, có điều gì đó mách bảo tôi rằng ở tuổi tám mươi, ấy là nếu tôi vẫn còn sống trong chu kỳ 20 năm thứ tư, tôi sẽ là người coi cổng tu viện. Công tác này sẽ làm cho cái tính thích giao du và tò mò khôn nguôi của tôi gia tăng thêm!” (Thầy gọi anh em là bạn hữu, trang 95).

Và qua những nét - nhiều khi là lãng mạn - trong các thư của Fr. Timothy: Ngài Thiên Chúa, Thành phố trên đỉnh núi, chúng ta thấy những hình ảnh về một con người tu hành chân chất như ông đan sĩ vui tươi thích uống rượu; chị đan sĩ gẩy đàn, đang hát dưới chân cây nến phục sinh giữa đêm tối và giữa đoàn người đông đảo!

Hơn nữa, Anh đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau: căn tính, sứ vụ, đời sống Kitô hữu, xã hội… Nhưng xuyên suốt tất cả, Anh lấy Lời Thiên Chúa làm sợi chỉ đỏ để nối kết, lấy Lời Thiên Chúa làm nguồn ánh sáng soi lên thế giới hiện đại với những biến cố đang diễn ra trong đó … để cho tất cả toát lên sứ điệp của niềm vui và hy vọng.

Cách Anh nhìn vấn đề rất độc đáo nhưng Anh lại khiêm tốn:
“Những gì tôi viết chẳng có gì là mới mẻ cả. Phần lớn những năm vừa qua, tôi rong ruổi trên đường, lắng nghe các anh em và các chị em thường phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn và bạo lực, nghèo khó và chiến tranh. Tôi chỉ chia sẻ những gì tôi nhận được từ nơi các anh chị em đó. Dù vậy, tôi không bao giờ tin vào điều phi lý là người ta cứ phải có cái gì độc đáo (thì mới trao cho người khác được), cho nên tôi không ngần ngại gom góp mọi hiểu biết trong những chuyến du hành để rồi chia sẻ những hiểu biết ấy. Xét cho cùng, tôi chỉ là một người anh em hành khất mà thôi. Tính chất mới mẻ trong bài ca là sự tân kỳ không thể bóp nghẹt được của Thiên Chúa, chứ không phải của tôi” (Hát lên bài ca mới, Lời nói đầu, trang 11).

4. Trả lời cho những câu hỏi riêng tư hơn


Để kết luận, chúng ta trở lại cuộc phỏng vấn Fr. Timothy với những câu hỏi riêng tư hơn.

4.1.Trong thế giới ngày nay, đâu là những động lực quan trọng khiến cha hy vọng và những vấn đề nào là những vấn đề lớn khiến cha ưu tư?

 
Nhân loại đang trên đường tiến đến hay lìa xa sự hiệp thông hoàn hảo của Nước Trời? Chúng ta đang sống khoảnh khắc lịch sử trong đó những khả năng truyền thông giữa con người với nhau đang tăng lên một cách phi thường. Đó là niềm hy vọng của tôi. Nhưng cũng có những khuynh hướng rất mạnh đe doạ phá hủy cộng đoàn nhân loại. Đó là mối ưu tư của tôi.

Hãy xem những khả năng phi thường chúng ta đang có để truyền thông với toàn thế giới. Nhờ Internet, tôi có thể gởi đôi dòng tới một người anh em đang ở nửa bên kia quả địa cầu; chỉ trong vài giây, anh ấy sẽ đọc thấy trên màn hình máy tính những dòng chữ tôi gửi. Liệu ta có thể mơ ước một dụng cụ nào tốt hơn để hiệp nhất cộng đồng nhân loại? Tuy thế, phương tiện truyền thông tốt hơn không đương nhiên bao hàm sự hiệp thông lớn hơn. Trước tiên bởi vì rất nhiều người không có đường dẫn vào Internet, ngay cả điện thoại cũng không, như ở Phi châu chẳng hạn. Rồi bởi vì lang thang trên mạng Internet, gởi E-mail có thể là một cách để đánh lừa sự cô đơn của cuộc sống hiện đại. Những người mất nhiều thời giờ ngồi trước màn hình máy tính hay truyền hình thường là những người bị thiếu mất một khuôn mặt con người đối diện với mình. Trong thế giới phương Tây, ý nghĩa của cộng đồng địa phương đang yếu đi khủng khiếp. Chúng ta không biết ngay cả tên của người đang sống trên cùng tầng lầu với chúng ta và có thể chính người ấy lại cũng đang giam mình trong nỗi cô đơn.

Chúng ta sống trong một thời đại mà sự liên lập không ngừng gia tăng tại tất cả các miền trên thế giới. Chúng ta không ngừng trao đổi ngày một nhiều hơn các sản phẩm, phim ảnh, sách báo, tư tưởng. Xét về tiềm năng, đây là cơ hội to lớn để kiến tạo cộng đồng nhân loại của chúng ta. Nhưng, đồng thời, chúng ta cũng tham gia vào một sự xuống cấp kinh khủng. Bởi mẫu số chung của tất cả những trao đổi này đều quy về tiền. Tiền tệ hóa sự truyền thông của con người trong những thế kỷ vừa qua đã giản lược chúng ta vào những chức năng đơn thuần của thị trường. Nicholas Boyle, giáo sư đại học, người Anh, đã viết rằng chúng ta tất cả đều có căn tính kép: nhà sản xuất cho thị trường và người tiêu thụ của thị trường, sự trung gian giữa hai đối cực này được bảo đảm bằng tiền. Những đồng tiền mang hình César có nguy cơ chiến thắng nhân loại là hình ảnh Thiên Chúa.

Chúng ta đang sống trong một thế giới trong đó ước muốn loại trừ chiến tranh và xây dựng một nền hòa bình bền vững chưa bao giờ lại mãnh liệt như vậy. Chưa bao giờ nhân loại lại xác tín mạnh mẽ rằng bạo lực không giải quyết được gì cả. Chưa bao giờ nhân loại được huy động chống lại sự khốn khổ như hiện nay. Bất cứ thảm hoạ lớn nào cũng là dịp khơi lên tình liên đới quốc tế. Chúng ta thấy một ý thức phổ quát nổi lên. Tuy nhiên, chúng ta không rút được hết mọi hậu quả. Ở đây, trong thế giới Tây phương, chúng ta khó chấp nhận rằng nước chúng ta có trách nhiệm trong việc kéo dài các cuộc chiến tranh và sự khốn khổ, bởi việc buôn bán vũ khí, bởi các chính sách thương mại và tài chánh của chúng ta… Công luận cũng cảm thấy cái tiếng Anh gọi là lòng cảm thương mệt mỏi nghĩa là gì. Người ta không còn đủ kiên nhẫn nhìn thấy liên tục trên màn ảnh truyền hình những hình ảnh bạo lực và đau thương. Cám dỗ lớn diễn tả một hình thức cô lập mới, đó là tắt truyền hình… và quên đi.

Những sức mạnh sẽ chiến thắng là những sức mạnh nào? Đó là những sức mạnh tăng cường sự hiệp thông hay những sức mạnh làm xói mòn? Tôi không biết nữa. Về lâu về dài, chúng ta biết sự hiệp thông sẽ chiến thắng: “Chiến thắng là chắc chắn”. Còn ngắn hạn, tôi là người lạc quan. Nhưng đây là lạc quan vui tính hơn là một lập trường có suy nghĩ.

4.2. Cái gì làm cho đức tin của cha sống, cái gì nuôi dưỡng đức tin của cha ?

 
Tiên vàn đó là sống trong một cộng đoàn đang tin. Rất thường, có những lúc tôi cảm thấy khó khăn trong việc tin vào điểm giáo lý này điểm giáo lý kia, hoặc khó cảm thấy lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong những phút giây đó, chính các người anh em của tôi tin giúp tôi. Rồi đến những lúc khác, tới lượt tôi tin giúp các anh em. Vì thế chúng tôi có thể nói thật rằng: “Chúng tôi tin” chứ không phải “tôi tin”.

Có một điều khác nữa đáng kể trong đời sống cộng đoàn như thế, đó là nghe các người anh em của tôi giảng thuyết. Là một “người anh em thuyết giáo” không chỉ có nghĩa chúng tôi là những nhà giảng thuyết mà còn là chúng tôi đang sống trong các cộng đoàn những nhà giảng thuyết, là chúng tôi nghe nhau thuyết giảng Lời Thiên Chúa. Người nào đang yêu cũng đều cần nghe thấy người khác nói với mình rằng: “Anh yêu em.” Ai là nhà giảng thuyết cũng cần được nghe loan báo những chân lý đơn giản nhất, bắt đầu bằng chân lý này: “Thiên Chúa yêu bạn.” Khi tôi đi thăm các anh em khắp nơi trong Dòng, các cha Giám tỉnh thường muốn tôi giảng thuyết luôn. Tôi phải năn nỉ để các cha Giám tỉnh hiểu rằng tôi cần được nghe các anh em tôi giảng thuyết, tôi cần đón nhận Lời ban sự sống từ phía các anh em. Đó là một phần của tình huynh đệ giữa chúng tôi.

Còn cái nuôi dưỡng đức tin của tôi, đó là nhìn thấy niềm vui của các tín hữu, niềm vui của một số các anh em của tôi đã lớn tuổi, niềm vui của các nữ đan sĩ và các nữ tu. Lúc đó, người ta cảm thấy đức tin của chúng tôi không phải là nhà tù nhưng là sự giải phóng ở chỗ nào.

Tất nhiên, sống với Lời Thiên Chúa là điều trọng tâm. Suy niệm Tin Mừng gần như là bữa ăn hàng ngày, nơi ta nhai, ta tiêu hóa Lời Thiên Chúa. Điều phi thường là người ta có thể sống hơn ba mươi năm làm một tu sĩ Đa Minh mà vẫn còn cảm thấy những điều thật bất ngờ. Điều ấy đã xảy đến với tôi gần đây khi tôi đọc sách Gióp, một con người cảm thấy đến rất gần với những ranh giới của tuyệt vọng. Khi đó tôi mới cảm nhận ra tại sao trong Kinh Thánh không có chỗ dành cho sự nghi ngờ, không có chỗ dành cho sự cùng khốn.

4.3. Cha cầu nguyện thế nào? Cha nói chuyện với Chúa như thế nào?

 
Trong truyền thống Đa Minh, cầu nguyện thường được quan niệm là một hành vi của tình bằng hữu. Trong tình bạn không có những kỹ thuật, thì chúng ta thực sự cũng không có kỹ thuật cầu nguyện. Tôi phải thú nhận rằng tôi không cầu nguyện mạnh mẽ. Tôi rất dễ bị chia trí. Thường, tôi đến nhà nguyện, đúng ra là để ngồi và ở lại với Thiên Chúa, trong thinh lặng. Nhưng thường, lòng trí tôi quá nặng. Tôi bận rộn vì những vấn đề, những hồ sơ, quá lo đến bản thân. Một ngày nọ, nhà biên kịch người Anh, Noel Coward gặp một trong những người bạn của tôi trong một buổi diễn và nói với anh ấy: “Chúng ta không có thời gian để nói về cả hai. Nên chúng ta chỉ nói về mình.” Lời cầu nguyện của chúng ta thường bắt đầu na ná như thế. Chúng ta nói với Thiên Chúa những chuyện linh tinh về chính chúng ta, về những người khác, đang khi lại thắc mắc không biết trưa này ăn món gì. Nhưng nếu ta thư thả, thì khoảnh khắc thinh lặng để chúng ta ở với Thiên Chúa sẽ tới. Cầu nguyện, không phải là nghĩ đến Chúa. Simon Tugwell, anh bạn từ thời nhà tập của tôi bảo, khi chúng ta ở với bạn bè, chúng ta không nghĩ đến họ mà chúng ta ở với họ. Cầu nguyện là ở với Thiên Chúa.

Có khi, tôi lấy một câu Kinh Thánh. Tôi đọc, tôi suy và tôi để cho câu Kinh Thánh lang thang trong mình. Tôi lặp lại câu ấy cho đến khi câu ấy vượt qua khỏi hàng rào là tính qui ngã của tôi. Ngay lúc này là dòng Thánh vịnh 143: “Ngay từ buổi sớm mai, xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa”. Nếu chúng ta thoáng nhận ra tình thương này, dù chỉ là một chút, một tí xíu thôi, thì mọi sự sẽ thay đổi! Nhưng đồng thời, để cho tôi được tình thương này chiếm lấy có nghĩa là chấp nhận một sự biến đổi triệt để chính con người tôi. Nghĩa là bỏ đi bộ áo giáp phòng thủ, tính cứng cỏi của tôi và khởi sự một cuộc hành trình phá vỡ trái tim chai đá của tôi. Điều này cũng gây nên đôi chút sợ sệt, điều này là đau thương.

Thánh Âutinh từng thốt lên trong lời cầu nguyện:
“Lạy Chúa, xin làm cho con nên trong sạch. Nhưng không phải ngay tức thì.” Thỉnh thoảng tôi cũng hay cầu nguyện tương tự: Lạy Chúa xin làm cho con nên thánh, xin biến đổi con. Nhưng không phải ngay tức thì. Không phải trước khi con hoàn tất nhiệm kỳ của con. Không phải trước khi con thu xếp xong công việc này. Không phải trước mùa xuân … Tôi hy vọng một ngày kia, tôi sẽ không còn nói “Không phải ngay tức thì” nữa. Nhưng từ nay tới ngày đó, Thiên Chúa vẫn đang kiên nhẫn đợi chờ. Như một người bạn. (x. Thầy gọi anh em là bạn hữu, trang 92 … 99).