Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

“CÁI THIÊNG” VÀ VẤN ĐỀ HỘI NHẬP VĂN HOÁ VIỆT NAM

Thời sự Thần học – số 35, tháng 03/2004, tr. 95-117

_Trần Văn Việt, O.P._ 


Kitô giáo tại Việt Nam, nơi chịu ảnh hưởng của ba tôn giáo lớn (Phật, Khổng, Lão), thường bị phê phán là ngoại lai với dân tộc, vì ảnh hưởng của Kitô giáo đối với văn hóa Việt Nam còn rất hạn chế, và duy trì những hình thức văn hóa do các nhà truyền giáo đem lại. Khác với Tam giáo, Kitô giáo vẫn khư khư bảo lưu và phát triển những nét đặc thù văn hóa Tây phương, như những hình thức nghi lễ phụng tự, cơ cấu phẩm trật, ngôn từ trong giáo thuyết, ngay cả cấu trúc của nhà thờ, đền đài. 
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn ta sẽ thấy sự phức tạp của vấn đề. Trước hết là yếu tố thời gian: hai, ba trăm năm[1] tuy dài, nhưng so với lịch sử vẫn còn quá ngắn để một tôn giáo mới có thể đi sâu vào văn hóa dân tộc. Trong khi đó Phật giáo đặt chân vào đất Việt ngay từ thế kỷ thứ I; Nho giáo và Lão giáo có từ thời nhà Lý (1010 -1225)[2]. Ngoài ra, cái bất hạnh cho Kitô giáo là đã du nhập vào Đông Nam Á trong thời khủng hoảng của vùng đất này, làm cho người Á đông không còn khả năng đồng hóa và biến đổi sứ điệp Tin mừng thành xương thịt của mình. Hơn nữa, phải nhìn nhận rằng giai đoạn tiền và hậu công đồng Tridentino là giai đoạn bảo thủ khép kín và bất bao dung nhất về mặt đối thoại và hội nhập của Giáo hội[3]. Tuy ngay từ những ngày đầu, các nhà truyền giáo cũng đã cố gắng đem Tin mừng hội nhập vào trong văn hóa Việt Nam[4], nhưng nói chung, tiến trình hội nhập văn hóa đã dừng lại bên trong biên giới Âu châu, và Giáo hội Âu châu trong bao thế kỷ chỉ còn biết đến chính sách lệ thuộc hóa, bắt các dân tộc khác, khi đón nhận Tin mừng cũng phải chấp nhận nền văn hóa của người đem Tin mừng. Vô tình, họ biến Giáo hội thành một thứ đế quốc áp đặt cả mặt văn hóa cũng như tinh thần[5].

Phải đến thời Công đồng Vatican II, tuy không đề cập một cách trực tiếp, Giáo hội cũng đã đưa ra được một đường hướng nhằm đem Tin mừng thấm nhập vào trong các nền văn hóa[6] và ngày nay, vấn đề này đang trở nên đòi hỏi không thể thiếu được trong đời sống Giáo hội. Để có thể tìm được hướng đi cụ thể cho tiến trình hội nhập trong bối cảnh Việt Nam, chúng ta phải bắt được mạch sống nền tảng của văn hóa dân Việt, mà đặc trưng nhất là cảm thức về “cái thiêng” trong đời sống của dân tộc. Có thể nói, đây là cảm thức rất độc đáo vì trong tận sâu thẳm tâm hồn mỗi công dân đất Việt luôn có trực cảm nào đó về thực tại thiêng liêng nơi những sự vật xung quanh. Cây đa, bến nước, chiếc ao, mảnh vườn, ngay cả tình máu mủ, tình xóm làng, nghĩa quê hương… tất cả đều mang đến cho người Việt cảm nhận về một “thực tại thiêng liêng”. Cảm nhận đó là di sản quý báu của dân tộc, và là môi trường thuận lợi cho đạo lý Kitô giáo ươm trồng, đơm hoa kết trái, nếu Giáo hội biết sống, biết đồng cảm. Việc đào sâu tìm hiểu “cảm nhận cái thiêng” trong văn hóa Việt Nam là điều đáng quan tâm, vì từ đó có thể tìm ra được hướng đi cụ thể cho tiến trình hội nhập Tin mừng vào trong nền văn hóa đa dạng và phong phú này. Muốn vậy, chúng ta phải khởi đi từ những phạm trù căn bản, làm cơ sở xây dựng tiến trình đào sâu nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam.

1. Văn hóa và hội nhập văn hóa


1.1. Văn hóa


Xưa nay, danh từ văn hóa rất phức tạp, vì đây là một tổng thể của đời sống xã hội về tinh thần lẫn vật chất. Mỗi một học giả ở mỗi quốc gia, mỗi thời kỳ khác nhau đều có những cách lý giải không hoàn toàn giống nhau. Nhưng mọi người đều thừa nhận văn hóa là một hiện tượng xã hội và có phạm trù lịch sử nhất định.

Một trong những định nghĩa nổi tiếng là của Sir Edward Tylor: “Văn hóa là một tổng hợp phức tạp bao gồm tri thức, lòng tin, nghệ thuật, luân lý, luật lệ, phong tục và bất cứ khả năng hay tập quán nào được con người thủ đắc trong tư cách là thành viên xã hội”[7]. Bên cạnh đó còn nhiều định nghĩa khác cũng nói lên những đặc trưng căn bản của văn hóa : Văn hóa là hệ thống giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong hoạt động sản xuất, nếp suy nghĩ, cách sống, và sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội[8] ; Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử [9] ; Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình[10] ; Văn hóa là những cách thức hoặc mô hình của đời sống, có được qua việc học tập rèn luyện, chúng biểu thị đặc điểm của một nhóm người[11].

Chỉ bấy nhiêu khái niệm đã cho thấy văn hóa có nội hàm rất rộng lớn, bao trùm mọi lãnh vực liên quan đến cuộc sống xã hội con người. Nói chung, văn hóa là cái hay, cái đẹp, cái thiện thuộc cả phương diện vật chất lẫn tinh thần. Những thuộc tính đó tùy thuộc quan niệm của mỗi nơi, mỗi thời, và không phải là những giá trị cố định, nhưng linh động, uyển chuyển. Sở dĩ như vậy, vì văn hoá là thực tại luôn “khai mở”: mở để đón nhận những điều hay, điều mới làm cho con người sống là “người” hơn; mở để dám nhìn lại chính mình mà cọ xát và loại bỏ những bấp cập, chưa xứng hợp với con người; mở ra cũng để trao cho người khác những điều hay, cái đẹp của mình. Vì thế, không bao giờ ta có thể gói gọn thực tại văn hóa vào trong đôi ba câu định nghĩa, hay đôi ba công trình nghiên cứu hàn lâm.

Điều đương nhiên, văn hoá không phải là tất cả cuộc sống con người. Mặc dầu luôn phải sống trong một nền văn hoá đặc thù nào đó, nhưng con người không bao giờ bị xác định hoàn toàn bởi nền văn hoá ấy. Văn hoá chỉ có thể thông qua con người, nhờ con người và cho con người. Chính sự phát triển của các nền văn hoá cho thấy rằng có “điều gì đó” nơi con người vượt trên mọi nền văn hoá. "Điều gì đó" làm nên bản tính con người, trở thành thước đo của văn hoá, là điều kiện bảo đảm cho con người không bị giam hãm trong bất cứ nền văn hoá nào, nhưng giúp con người khẳng định phẩm giá riêng của mình bằng cách sống theo sự thật sâu xa của con người mình[12]. Sự thật đó, theo niềm tin Kitô giáo, phát xuất từ Thiên Chúa, vì Ngài là đường đi, là điểm hội tụ của tất cả chân thiện mỹ. Vì thế văn hoá là phương cách đặc thù mà mỗi người, mỗi dân tộc phải dựa vào để tổ chức các quan hệ của mình với thiên nhiên, với anh chị em đồng loại, với bản thân mình và nhất là với Thiên Chúa[13]. Trọng tâm của mọi nền văn hoá là đưa ra phương cách tiếp cận mầu nhiệm vĩ đại nhất, mầu nhiệm Thiên Chúa[14]. Đây chính là thách đố mang tính quyết định trong việc hội nhập niềm tin Kitô giáo vào trong văn hóa Việt Nam, vì chưng đức tin không thấm nhập được vào trong văn hoá là đức tin chưa được chấp nhận hoàn toàn, chưa được suy cho thấu và chưa được sống tới cùng.

1.2. Hội nhập văn hóa


Hội nhập văn hóa là việc đem Tin mừng vào các nền văn hóa, là tiến trình diễn tả đức tin Kitô giáo theo những hình dạng văn hóa của các dân tộc[15]. Hội nhập văn hóa không phải là công tác sao ghép niềm tin Kitô vào nền văn hoá, nhưng là làm cho sức sống của tinh thần Kitô giáo trở thành mạch sống bên trong bản sắc dân tộc. Chắc chắn ta không thể đồng hóa sứ điệp Tin mừng với văn hoá. Tuy nhiên, Nước Trời mà Tin mừng công bố lại được sống bởi những con người chịu ảnh hưởng sâu xa do một nền văn hóa nhất định, vì thế không thể xây dựng Nước Trời mà không vay mượn một số yếu tố của văn hoá hay các nền văn hoá. Độc lập với mọi nền văn hoá, nhưng không có nghĩa là không thể nào dung hợp với các nền văn hoá, đúng hơn Tin mừng thấm vào mọi nền văn hoá, chứ không nô lệ cho bất cứ nền văn hoá nào[16]. Việc nhập thể đời sống và sứ điệp Kitô giáo vào trong một bối cảnh văn hóa đặc thù là quá trình làm thế nào để kinh nghiệm này không chỉ là lối diễn tả qua những yếu tố riêng biệt của nền văn hóa trong cuộc, nhưng còn trở nên một nguyên lý làm sinh động, hướng dẫn và thống nhất nền văn hóa, chuyển biến nó và tái tạo nó trở thành “một tạo vật mới”[17]. Nói đơn giản hơn, hội nhập văn hóa là làm sao cho chính Đức Giêsu đang sống trong mỗi một cá nhân gần như tiếp tục cuộc nhập thể trong hình hài là nền văn hóa của con người ấy.

Vì thế, việc hội nhập Kitô giáo vào trong văn hóa Việt là một quá trình tương tác, đối thoại giữa “niềm tin” và “văn hóa”, là tương quan mang tính sáng tạo và năng động giữa sứ điệp Kitô giáo và nền văn hóa Việt Nam[18]. Đây không phải là thái độ rập khuôn, hay thích nghi cách nào đó những hình thức bên ngoài, nhưng đòi hỏi một quá trình thâm nhập, ăn sâu của niềm tin vào trong hồn sống của người dân Việt; tinh hoa Kitô giáo phải trở thành mạch sống trong lòng người tín hữu. Có như thế tín hữu Việt Nam mới có thể sống thực tại niềm tin Kitô giáo trong chính những nét văn hóa của mình.

Như vậy, dưới nhãn quan Kitô giáo, văn hóa và hội nhập văn hóa là những thực tại vừa trần thế vừa mầu nhiệm, chi phối toàn thể cuộc sống của con người, cá nhân cũng như tập thể, từ những bản năng thể lý cho đến những khát vọng của tâm hồn. Do đó công việc trước tiên trong sứ mạng hội nhập văn hoá phải là khám phá những nét tiêu biểu trong bản sắc văn hóa dân Việt.

2. “Cái thiêng” trong văn hóa Việt Nam


Nhìn lại dòng lịch sử, qua những thăng trầm của dân tộc, dường như luôn tồn tại một thực tại thần thiêng, linh thánh nào đó trong tâm thức, trong những lối ứng xử thường ngày của người dân Việt, nói cách khác có một “cảm thức về cái thiêng” trong nền văn hóa Việt Nam. Đây là thực tại được hình thành và được cưu mang trong hồn dân tộc, được thể hiện qua những biến chuyển của lịch sử, được ăn sâu trong tâm khảm, trong nếp sống, lối nghĩ của mỗi công dân đất Việt. Có thể nói, cảm thức này là nét đặc trưng, riêng biệt trong bản sắc văn hóa, phản ánh não trạng, tâm thức cơ bản của người Việt Nam.

2.1. “Cái thiêng” trong tín ngưỡng


Đã là người Việt Nam, ai cũng có một cảm nhận cách nào đó về thực tại linh thiêng trong cuộc sống, dù rất đơn sơ, mộc mạc: “Chạy Trời không khỏi nắng”; “Của Trời, Trời lại lấy đi. Giương hai con mắt, làm chi được Trời”, hay “Trời nào có phụ ai đâu ! Hay làm thì giàu, có chí thì nên”. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã từng cảm nhận nét thần thiêng như thế: “Người chết nối linh thiêng vào đời”. Đứng trước những vấn đề cốt lõi của con người, nhà thơ Chế Lan Viên bộc lộ nỗi lòng khắc khoải của một tâm hồn nhạy cảm với thực tại thiêng liêng trong bản thân mình:
Ta là ai – như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
Ta vì ai – khẽ xoay chiều gió bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh.

Thực tại “thiêng liêng” tồn tại rất thật trong cuộc sống, đi vào trong thơ ca, âm nhạc, tín ngưỡng, tôn giáo dân gian. Dân tộc Việt Nam có cảm thức về thiện ác trong đời sống luân lý thế nào thì cũng tồn tại một cảm thức về sự phàm tục và thánh thiêng trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo như vậy. Tín ngưỡng Việt Nam thực sự còn hay mất là do cảm thức thần thiêng này chứ không phải do nghi lễ cúng bái, cầu kinh, lễ chùa; cũng không phải do quan điểm hữu thần hay vô thần. Cảm thức về cái thiêng trở thành hồn sống và nền tảng cho mọi tín ngưỡng và mọi tôn giáo dân Việt. Ảnh hưởng của nó quan trọng đến độ, thiếu cảm thức này thì tôn giáo chỉ còn là một sự giả tạo kinh khủng, thần thánh hay Thiên Chúa chỉ còn là tượng đất, thánh kinh thành huyền thoại, và nghi lễ thành hát tuồng. Trái lại, có nó thì dù tổ quốc cũng thành thiêng liêng, và chủ nghĩa cũng nhuốm mùi tôn giáo[19].

Trong nếp sống thường ngày, với não trạng tín ngưỡng tâm linh, người Việt không tuyệt đối hóa sự đối lập giữa nghĩa vụ và quyền lợi, không quá đề cao hạnh phúc cá nhân, con người cá nhân, mà đặt trong tương quan với những người khác, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, họ tìm thấy chính mình trong bổn phận xã hội, tập thể, gia đình. Trong những tình huống nhất định, người Việt không sống bằng lý trí lạnh lùng chỉ với lẽ công bằng xã hội, hay chỉ với những đắn đo thường tình giữa nghĩa vụ và quyền lợi, mà vượt lên trên mọi kích thước của những khái niệm đạo đức thông thường, họ hành động bởi sự thôi thúc bên trong, bởi tâm thức về thực tại thiêng liêng. Điều ấy giải thích sức chịu đựng ghê gớm của những người vợ, người mẹ Việt Nam, những hy sinh lớn lao và nghị lực phi thường của những con người sống vì dân vì nước; giải thích sức mạnh của tình yêu đất nước, tình đồng bào, nghĩa vợ chồng thủy chung và tình làng nghĩa xóm. Và xa hơn, điều đó mới đủ khả năng phân giải được sức mạnh của một dân tộc nhỏ bé lại đủ sức đánh đuổi những đế quốc hùng mạnh manh nha xâm lược, chiếm đóng họ.

2.2. “Cái thiêng” trong lịch sử


Suốt gần 4000 năm dựng nước và giữ nước, lịch sử Việt Nam đã ghi lại những dấu ấn lạ lùng, mà có thể nói phát xuất từ một thực tại thánh thiêng trong tâm thức của mỗi người dân. Quốc gia dân tộc Việt Nam được khẳng định là một nước văn hiến lâu đời với những trang sử oanh liệt tranh đấu với Hán, Đường, Tống, Nguyên, “mỗi bên hùng cứ một phương, tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau nhưng hào kiệt thời nào cũng có”. Nếu không phải “từ trước vốn xưng nền văn hiến đã lâu” thì sao có thể chống lại nổi cái tử nạn Hán hóa, sao có thể làm cho Việt hóa thắng Hán hóa. Nếu không phải “hào kiệt đời nào cũng có” thì sao có thể đánh bại được kẻ xâm lược to lớn hơn mình hàng chục lần[20]. Những trang sử đó phát xuất từ đâu nếu không phải có nguồn cội từ cảm thức về cái thiêng trong bản sắc văn hoá dân Việt ?! Đất nước là thiêng liêng, dân tộc là linh thánh, vì thế truyền thống dân tộc đã bộc lộ tư tưởng yêu nước là yêu dân, cứu nước là cứu dân.

Một lần đánh bại Nam Hán, hai lần đánh thắng quân Tống, ba lần xua tan quân Mông Cổ, dân Việt hẳn phải huy động sức mạnh của toàn dân, toàn nước, chớ không thể chỉ dùng quân lực. Để nối kết muôn người một lòng, dốc sức toàn dân cho chí lớn dân tộc, “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”, hẳn không thể thuần túy chỉ dựa vào tài cán mưu lược của cá nhân, hay tập thể nào. Nhưng phải có một thực tại về ý thức dân tộc, về giá trị linh thiêng nằm sâu trong cảm thức của mỗi người dân Việt, cho dù họ không ý thức. Thực tại đó làm cho muôn người cùng chung nhịp đập của hồn thiêng sông núi, cùng sống nét hào hùng của dân tộc, cùng cưu mang “nỗi niềm” của đất nước trong những thời cuộc lâm nguy. Đó chính là cảm thức về “cái thiêng” trong văn hóa Việt Nam. Chính cảm thức về hồn thiêng dân tộc, hồn thiêng sông núi đã làm nên điều kỳ diệu, thiết lập được mối dây xuyên suốt nối kết muôn người một lòng, đồng tâm cứu nước. Cho nên tư tưởng yêu nước sở dĩ thắm thiết, mãnh liệt vì đó là một tư tưởng thiêng liêng, một thực tại linh thánh. Tư tưởng ấy không làm thành một triết thuyết, nhưng lại là nguồn gốc của một nhân sinh quan cao cả, giúp cho người dân Việt có được một quan niệm đúng đắn về ý nghĩa cuộc đời, về lẽ sống chết, về hạnh phúc và khổ đau.

2.3. “Cái thiêng” trong tương quan với thiên nhiên


Trước khi tiếp xúc với nền văn hóa Hán, người Việt đã có quan niệm về thần thiêng[21]. “Thiêng” là một từ thuần Việt. Trong tục ngữ có “rừng thiêng nước độc”, “sống khôn chết thiêng”. Trong văn học chữ Nôm của Nguyễn Trãi, có “bút thiêng”[22], trong Hồng Đức quốc âm thi tập có “Khí thiêng”[23]. Sự thiêng liêng ở đây trước hết là đặc tính của thế giới thiên nhiên bao quanh con người. Đó là sự thiêng liêng của ánh sáng mặt trời, của nguồn nước, của cây đa bến nước, của chiếc rìu hay cây lúa, nghĩa là những gì cụ thể và thiết thực bảo đảm cho sự sống của người dân lao động nông nghiệp. Non sông, đất nước của người Việt trước hết và cơ bản là những ngọn núi, những con sông, những vùng đất, nguồn nước nuôi sống, che chở cho họ, và cũng là kết quả mồ hôi nước mắt của họ dày công tạo nên. Những thực tại đó trở thành biểu tượng thiêng liêng đối với họ. Xu hướng cụ thể hóa này biểu hiện ở chỗ người Việt thờ cúng cây đa, bến nước, khe núi, mỏm đá ngay tại địa phận cư trú của mình. Thậm chí mỗi gia đình khấn vái ngay tại bờ ruộng, góc ao, trong sân vườn của họ, nghĩa là những hiện tượng, sự vật tự nhiên gắn bó, quan hệ mật thiết đến đời sống hằng ngày.

Người dân Việt không đi theo hướng nhận thức để đối phó, chế ngự, hay làm chủ thiên nhiên, nhưng tìm cách thích ứng, lựa chiều mà sống theo lối phải chăng, hài hòa, tôn trọng :
“Lạy Trời mưa xuống
lấy nước tôi uống,
lấy ruộng tôi cày,
lấy đầy bát cơm,
lấy rơm đun bếp.”

Lối sống đó tạo cho tương giao, con người – thiên nhiên, mang đậm nét sự linh thánh. Đó chính là cảm thức về “cái thiêng”, một trực cảm bắt nguồn từ những cảm xúc do thực tại bên ngoài, vừa là sản phẩm của phản ứng bản năng tự vệ, vừa là khát vọng hòa hợp với thiên nhiên vì một cuộc sống của con người tốt đẹp hơn[24]. Một quan niệm như vậy không đẩy cái thiêng thành phạm trù nhận thức trừu tượng, trái lại trở thành đối tượng của những ứng xử cụ thể trong cuộc sống hằng ngày đối với thiên nhiên, đối với con người với nhau mà cụ thể nhất trong phong tục nhân gian.

2.3. “Cái thiêng” trong phong tục thờ cúng tổ tiên


Cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau khi xác định việc thờ cúng tổ tiên chỉ là một tục lệ, một tín ngưỡng, hay một tôn giáo. Nhưng quan trọng hơn, phong tục đó thể hiện một đạo lý “rất” Việt Nam : đạo lý biết ơn, đạo lý về lòng hiếu thảo đối với các bậc tiền nhân. Hiếm có một dân tộc nào trong suốt mấy ngàn năm đã cùng hướng về một ông tổ chung, Vua Hùng:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ tổ mồng mười tháng ba
Muôn đời truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.”

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam thể hiện một tâm thức về thực tại linh thiêng trong tương quan con người với nhau. Thực tại đó không là những giá trị cao cả tuyệt đối nào, mà trước hết là hồn thiêng của những người đã mất, đặc biệt ông bà tổ tiên, cha mẹ, hồn thiêng của các bậc vĩ nhân anh hùng dân tộc, những người có công với dân với nước, ngay cả với ông tổ của các ngành nghề. Những vị đó đã có công sinh thành, dạy dỗ, hay đã hy sinh để xây dựng, giữ gìn quê hương, xóm làng. Để tỏ lòng biết ơn, dân chúng đã tôn các vị lên hàng thần thánh và tin rằng các vị vẫn còn tiếp tục phù hộ, độ trì cho con cháu, dân làng. Tình cảm linh thiêng ấy trở thành một tôn giáo, trở thành “Đạo” dân Việt, nghĩa là một đường lối xử sự bắt nguồn từ tâm tình yêu mến, ngưỡng mộ và biết ơn, là một cảm thức về cái tâm của người sống đối với người đã qua đời, là “đạo hiếu” được nối dài ngang qua cái chết, làm cho người chết trở thành bất tử. Có thể nói phong tục thờ cúng tổ tiên là hoạt động tâm linh cơ bản nhất của người Việt, vì nơi đó bộc lộ tình cảm thành kính của những người còn sống đối với bậc tiền nhân, đồng thời thể hiện niềm tin ở chính bản thân mình trong việc đền đáp công ơn tổ tiên. Thiếu đức tin đó thì chẳng khác nào một sự bội bạc, vô ơn, một sự phủ nhận cội nguồn của mình, một điều tối kỵ trong tâm linh người Việt[25].

Như vậy, cảm thức về “cái thiêng” hiện diện trong mọi tương quan đời sống con dân Việt Nam : tương quan với thế giới thiên nhiên, với bản thân mình, với những người xung quanh, còn sống hay đã khuất, và cùng đồng hành với chiều dài lịch sử của dân tộc. Cảm thức này có một vai trò rất quan trọng trong tâm thức, não trạng của từng cá nhân cũng như tập thể dân Việt. Đó là mạch chảy của hồn thiêng sông núi, là thước đo của giá trị đạo lý dân tộc. Vì thế, thực tại “cái thiêng” trong văn hóa Việt Nam chứng tỏ vị thế rất đáng được trân trọng trong sứ mạng rao giảng Tin mừng đến với đất nước bốn nghìn năm văn hiến này.

3. “Cái thiêng” và sứ mạng rao giảng Tin Mừng


Kitô giáo là tôn giáo giúp cho con người cảm nhận thực tại thần thiêng một cách rõ ràng và hữu lý nhất. Vì thực tại thần thiêng trong Kitô giáo không là những giáo thuyết cao siêu, những chân lý trừu tượng, hay những bí nhiệm từ trời cao, nhưng là một ngôi vị cụ thể, một Thiên Chúa siêu việt nhưng làm người ở giữa nhân loại, trở nên một con người hữu hình trong lịch sử, trong thời gian. Linh đạo Kitô giáo không chỉ dành cho những con người uyên thâm, tài năng, những nhà tu đức đạo hạnh, hay những học giả tư tưởng thời danh, nhưng còn là con đường nên thánh của người nghèo, của tầng lớp lao động chân chất, của thế giới bình dân đông đảo mà xã hội nào cũng có. Kitô giáo có khả năng đồng hành với mọi nỗi niềm của con người, cho dù họ là học giả cao siêu hay kẻ cùng đinh trong xã hội.

Niềm tin Kitô giáo có thể tháp nhập được vào trong nền văn hóa Việt Nam. Vì cảm thức “cái thiêng” của người dân Việt phù hợp với bản chất “dung dị” của Tin mừng. Cái thiêng ở đây rất cụ thể trong cuộc sống thường ngày dân Việt. Có gì cụ thể hơn cây đa, bến nước, bờ tre, mảnh vườn ; có gì thân thương hơn tình làng nghĩa nước, và thắm thiết hơn tương quan máu mủ, ruột thịt trong văn hóa Việt Nam. Cũng vậy, có gì rõ ràng hơn, thiết thực hơn hình ảnh một cánh huệ ngoài đồng, dáng chim sẻ đang bay, một mẻ cá lớn, những hạt giống gieo vãi trên đường mòn, giữa bụi gai, trên đá sỏi, mưa đổ, sông tràn, gió thổi... trong lời rao giảng của Đức Giêsu. Và có gì thắm thiết hơn một tình yêu cho đi cả mạng sống mình của Đức Giêsu.

Nếu trong Kitô giáo, bí tích Rửa tội là cửa ngõ đầu tiên của người tín hữu gia nhập vào cộng đoàn dân Chúa, thì nghi lễ Cáo gia tiên[26] trong văn hoá Việt Nam là cửa ngõ cho những thành viên mới gia nhập vào cộng đồng gia tộc, làng nước. Nếu trong Kitô giáo, một chút bánh, chút rượu và lời truyền phép của vị linh mục làm nên thực tại Thiên Chúa hiện diện nơi bí tích Thánh Thể, thì trong phong tục cúng bái Việt Nam, một nén hương, chén xôi, chút rượu trước hương án ông bà tổ tiên thiết lập được tương quan linh thiêng giữa cõi sống và người chết[27]. Qua bí tích Hôn nhân Kitô giáo, đôi nam nữ được chính thức công nhận là vợ chồng trước mặt Giáo hội và Thiên Chúa, thì qua những tục lệ cưới hỏi Việt Nam, họ cũng được gia tộc, xã hội, làng nước công nhận là đôi vợ chồng[28]. Có thể nói, chính nhờ cảm thức về “cái thiêng” mà văn hoá Việt Nam có những sự tương đồng rất gần gũi với những thực tại Kitô giáo.

Vì thế, “cái thiêng” trong văn hoá Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong vấn đề hội nhập văn hóa. Người rao giảng Tin mừng cần phải sống được cảm thức này. Giáo hội Việt Nam phải thấm đẫm hồn thiêng sông núi, phải bắt được mạch ngầm bên trong của nền văn hóa dân tộc. Nếu không, Tin mừng rao giảng chỉ là thứ thuốc chữa trị ngoài da, hoặc thứ học thuyết cho dù cao siêu, cũng chỉ là sản phẩm của phương trời Tây nào đó.

4. Cách thức hội nhập văn hóa


Hội nhập văn hóa phải là tiếp diễn cuộc hôn lễ qua dòng lịch sử, giữa nhân loại và Thiên Chúa[29]. Để Tin mừng có thể đi sâu vào trong tâm thức, thấm vào não trạng, kết duyên được với văn hóa dân tộc, Giáo hội Việt Nam phải bắt được mạch ngầm làm nên sức sống của cả chiều dài lịch sử dân tộc. Chúng ta thử nhìn lại cách thức mà Giáo hội Việt Nam đã thể hiện trong sứ mạng hội nhập văn hóa, để từ đó tìm ra hướng đi đúng đắn hơn.

4.1. Nhìn lại nỗ lực hội nhập


Có thể nói, chúng ta thường có xu hướng khách thể hóa, thậm chí đồ vật hóa văn hóa và đức tin cho dễ bề thao tác trong việc hội nhập theo cung cách pha trộn hai chất liệu nào đó với nhau. Xây nhà thờ có thêm những nét Á Đông rồi mặc cho nó những ý nghĩa sao cho phù hợp với văn hóa Việt Nam; tượng ảnh thờ phượng khoác thêm chiếc áo dài truyền thống cho ra vẻ mang sắc nét dân tộc; hay trong phụng vụ, chúng ta đưa thêm vào những tập tục cúng bái, lễ nghi mang bản sắc dân gian ... Tất cả những điều đó đều hay đều tốt, nhưng e rằng chưa đủ, chưa thể đạt đến được cái cùng kỳ lý của việc hội nhập Tin mừng. Vì những cử chỉ hành vi của một nền văn hóa, hay của một tổ chức tôn giáo chỉ là lớp vỏ bên ngoài, như cái xác không hồn. Cái thần của văn hóa, cái hồn của đức tin là nguồn sống siêu thời gian, vĩnh cửu, đòi hỏi phải được thể hiện dưới những hình hài phong phú đặc thù.

Nếu quá chú trọng đến xu hướng bề ngoài của văn hóa thì không khác nào hành vi tách sản phẩm hữu hình ra khỏi bản thân đời sống của chủ thể và chỉ nắm được những đồ vật là sản phẩm, chứ không nắm bắt được văn hóa. Chúng ta có thể diễn giải hết tất cả mầu nhiệm Kitô giáo, nắm bắt được giá trị của Thánh Kinh, và thể hiện những giá trị đó vào trong văn hóa dân tộc qua những nét đặc trưng trong cấu trúc xây dựng, trong những sinh hoạt tôn giáo. Nhưng nếu chính thực tại Giêsu Kitô chúng ta lại không cảm nhận được, chính hồn thiêng trong văn hóa dân tộc chúng ta không sống được, thì công cuộc hội nhập đó mới chỉ là lớp vỏ, lớp tráng men hời hợt bên ngoài, chưa đi sâu được vào trong cái hồn của Tin mừng, cái tinh túy của văn hoá dân tộc. Một sự hội nhập như thế còn thiếu nội dung bên trong.

Để có thể đem Tin mừng thấm nhập vào trong văn hoá đòi hỏi chúng ta phải có một trí tưởng tượng phong phú, một khả năng sáng tạo lớn lao. Việc hội nhập đòi hỏi Giáo hội Việt Nam phải trung thành với truyền thống Kitô giáo, nhưng đồng thời cũng phải sống hết mình với văn hoá của dân tộc, tức là dựa vào các di sản trong văn hoá mà cố gắng thấm nhuần cái hồn, cái thần của Tin mừng, và tự mình nối tiếp tinh thần đó dưới những hình hài hoàn toàn mới lạ, phù hợp với bản sắc của văn hóa Việt Nam[30]. Một tinh thần nghèo khó của Thánh Phanxicô Átxidi vào thời trung cổ được biểu hiện dưới hình thức ăn xin; nhưng ở thời đại công nghệ thị trường thì phải được thể hiện dưới hình thức đổ mồ hôi lao động, tham dự vào thân phận của giai cấp công nông. Nếu ở thế kỷ 21 mà cứ đi hành khất như thời Trung cổ thì có thể là trái với tinh thần của vị thánh Tổ phụ. Tái tạo lại nguyên si là phục chế chứ không phải sống theo tinh thần, theo ý nguyện của người khai sáng. Vì thế chúng ta cần tìm về với cốt lõi của việc hội nhập Tin mừng vào trong nền văn hoá Việt Nam, sao cho sứ mạng đó phù hợp với những chất liệu của con người đất Việt.

4.2. Cốt lõi của việc hội nhập


Đứng trước công trình văn hóa ngôi thánh đường Phát Diệm và bài thơ Ave Maria, ta đều công nhận cốt lõi của tinh thần hội nhập văn hóa không ở trong ngôi thánh đường, song ở trong con người của kiến trúc sư là linh mục Trần Lục, cũng như không nằm trong bài thơ của Hàn Mạc Tử đã được ghi chép bằng những mẫu tự La tinh trên giấy trắng, song ở trong chính tâm hồn của thi nhân. Để có thể nắm bắt được điều kỳ diệu của sự hòa nhập văn hóa và đức tin nơi ngôi thánh đường Phát Diệm, hay cảm nhận được tinh túy trong bài thơ Ave Maria đòi hỏi nơi người cảm nhận một trình độ văn hóa nào đó, một tiến trình chung nhịp nào đó với văn hóa, với Tin mừng. Cũng vậy, để việc hội nhập có hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực, Giáo hội Việt Nam không chỉ tái tạo lại những hình dáng bên ngoài, nhưng phải thấm nhuần cốt lõi của niềm tin Kitô giáo, và cảm được cái hồn của bản sắc văn hoá dân tộc.

Chúng ta thường đánh giá tài năng qua các kiệt tác thiên tài và tìm cách phỏng tác theo những tác phẩm đó vì cho rằng con đẻ của thiên tài chính là kiệt tác được tác giả tạo nên. Có lẽ quan niệm như thế chưa chính xác. Chỉ có thể hiểu được thiên tài và sống được cốt lõi tinh túy khi chúng ta cùng rung cảm với tác giả, trở nên như được tác giả nhập hồn. Có thể có những tác phẩm hoàn toàn khác, nhưng trong chính tâm hồn của mình tồn tại một mạch sống, một hệ quả tinh thần đồng nhất với tinh thần của người sáng tạo ban đầu, đó chính là cách thức đúng đắn nhất trong việc tiếp nối tinh thần của người khởi xướng, và cũng là thái độ hội nhập đúng nghĩa nhất. Sự nghiệp của thánh phụ Đaminh không phải là những tác phẩm được ghi chép vào các ấn bản, hay những thánh tích của một quá khứ hào hùng được lịch sử Giáo hội ghi nhận, mà là các tu sĩ nam nữ qua các thế hệ của Dòng Đaminh đang sống tinh thần của Cha thánh. Thành công của Đức Giêsu khi ở thế gian không phải là con số những lần làm phép lạ, con số các sách Tin mừng, hay con số của các bí tích, thậm chí con số tín hữu trên thế giới này, mà là cái hồn làm nên mạch ngầm đang tồn tại, hoạt động trong lòng Giáo hội, trong lòng mỗi tín hữu. Cũng vậy, tinh hoa của nền văn hóa dân Việt không nằm nơi kiểu dáng mái cong của đền chùa, không nằm nơi những tập tục phong hóa dân gian, nhưng là nguồn mạch làm nên những thực tại đó, là hồn thiêng sông núi, là khí khái anh hùng, là mạch ngầm của lòng nhân ái, là tấm lòng yêu thương hiếu thảo trong tâm thức của mỗi người dân Việt. Hội nhập văn hóa là phải đưa Tin mừng đụng chạm đến được tận cùng sâu xa đó, là kết duyên phu phụ với mạch ngầm làm nên nền văn hóa đó. Đây chính là nguyên tắc cốt lõi của vấn đề hội nhập: Giáo hội phải thật sự đi sâu vào trong cái hồn của văn hóa dân tộc để từ đó dùng men Tin mừng làm dậy men cho cả khối bột đời sống văn hóa Việt Nam. Có như thế chúng ta mới mong sứ điệp Tin mừng cắm sâu và đơm hoa kết trái. Nếu không nắm bắt được nguyên tắc cốt lõi này thì cứ hễ nói đến hội nhập văn hóa chúng ta chỉ nghĩ đến việc mô phỏng, bắt chước một cách máy móc những tác phẩm, nghi thức trong quá khứ, mà quên đi cái hồn, cái thần của đức tin, của văn hóa.

Một người công giáo Việt Nam nếu từ thuở bé không được mẹ ru ngủ bằng những câu ca dao đầy chất thơ, không cảm nhận được nét thanh tú khi thấy tà áo phụ nữ Việt Nam của bà, mẹ, chị đi chợ về thì làm sao sáng tác được những bài thánh nhạc phảng phất hồn thiêng của đất nước Việt Nam; và dù có điêu khắc tượng Đức Mẹ mặc quốc phục thì cũng khó lòng đạt đỉnh cao nghệ thuật. Nếu một tín hữu Việt Nam không sống được nét hào hùng của truyền thống lịch sử dân tộc, không cảm được cái hồn của những trang sử oanh liệt của cha anh, không sống được tâm thức cái thiêng nơi những phong hóa, lễ nghi dân tộc, cũng như không thấm được tình làng nghĩa xóm thì làm sao có thể mang sứ điệp Tin mừng đụng chạm đến được nền tảng cơ bản của nền văn hóa luôn tự hào 4000 năm văn hiến ?!

Cốt lõi của việc hội nhập văn hoá của Kitô giáo đó là Giáo hội không những phải hiểu được bản chất Tin mừng, mà còn phải hiểu bản sắc văn hoá của môi trường rao giảng. Giáo hội Việt Nam không những phải trở nên nhân chứng Tin mừng đích thực, mà còn phải sống được hồn thiêng đất Việt, phải hiểu và cảm nhận được trực cảm “cái thiêng” trong văn hoá Việt Nam.

5. Kết luận


Cảm thức về “cái thiêng” tiềm ẩn trong triết lý sống của người Việt, biểu hiện trong phương thức ứng xử của họ với thế giới thiên nhiên và thế giới con người. Cảm thức ấy là nguồn hứng khởi cho các nghệ sĩ dân gian sáng tạo nên những vị sư tổ ở chùa Tây Phương, một thánh Tản Viên trên đất Ba Vì, hay một Đài Liệt Sĩ Vô Danh trước Quảng trường Ba Đình lịch sử[31]. Cảm thức ấy gắn kết hàng triệu con người xa lạ trong đời thường xích lại gần nhau, đồng vai sát cánh vì nghĩa lớn trong những thời buổi đất nước lâm nguy, từ đó khai sinh biết bao hào kiệt anh hùng, làm nên những trang sử hào hùng dân tộc. Ngày nay, cảm thức ấy vẫn còn sống động trong sinh hoạt thường ngày của một đất nước bước vào giai đoạn phát triển, nối kết mỗi người dân Việt trong tiến trình xây dựng và ổn định.

Là tín hữu Việt Nam, sống trong cảm thức chung của dân tộc, điều đương nhiên là chúng ta không thể chỉ bằng lòng với những hiểu biết về đức tin, mà còn cần phải cảm nhận được môi trường văn hoá của quê cha đất tổ. Chúng ta cần hoà mình trong dòng chảy cảm thức thần thiêng nơi tâm thức dân Việt, vì "một trong những đặc điểm của con người là con người chỉ có thể thực hiện được nhân tính đích thực và trọn vẹn của mình nhờ văn hoá"[32]. Giáo hội Việt Nam cần ý thức điều đó, cần cỗ võ tín hữu nuôi dưỡng và khai sáng bản sắc văn hóa dân tộc mình. Người tín hữu trước hết phải sống đúng bản sắc của dân tộc mình, thể hiện được cái hồn văn hóa của cha ông trong chính cuộc sống thường ngày.

Phải thành thật nhìn nhận Kitô giáo tại Việt Nam chưa thể hiện đúng đắn sứ vụ truyền giáo của mình. Về mặt cơ cấu, Kitô giáo được địa phương hóa với việc thành lập hàng giáo phẩm bản xứ, một số cơ sở tôn giáo được kiến trúc theo kiểu Á đông, cũng như đã có những khảo luận với nỗ lực đem sứ điệp Tin mừng thâm nhập vào văn hóa Việt Nam, thậm chí có cả một số người Việt Nam được phong thánh. Nhưng xét về mặt văn hóa, vẫn chưa có một nền thần học có khả năng suy tư và diễn đạt niềm tin với những chất liệu và tâm tình của người Việt Nam. Tin mừng vẫn chưa thực sự “nhập thể” vào văn hóa Việt Nam. Nguyên nhân chính yếu có lẽ do Giáo hội Việt Nam chưa đặt nặng việc cỗ võ tín hữu sống hết mình với nền văn hóa của mình, chưa nhận thức được tầm quan trọng của bản sắc dân tộc, thậm chí chưa quan tâm đủ đến hồn thiêng sống núi Việt Nam. Trước khi là người Công giáo, người tín hữu Việt Nam phải là một công dân đất Việt chính danh, phải hiểu được nguồn cội Âu – Lạc của mình. Chỉ khi nào Giáo hội Việt Nam đem được tinh hoa Tin mừng Kitô giáo hòa chung dòng chảy cảm thức thiêng liêng trong văn Việt Nam, lúc đó sứ điệp Tin mừng mới ăn sâu vào trong tâm thức của người dân Việt nam, và trở thành di sản quí báu của dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Aylward Shorter, Tiến đến một nền thần học Hội nhập văn hóa, trong tập san Thời sự thần học, số 16, tháng 6 năm 1999.
  2. Bùi Xuân Mỹ, Bùi Thiết, Phạm Minh Thảo, Từ điển lễ tục Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội, 1996.
  3. Giáo lý Hội thánh Công giáo, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1997.
  4. Gs. Thế Tâm – Nguyễn Khắc Dương, Hội nhập văn hóa, vấn đề hay huyền nhiệm, trong tác phẩm Bốn mươi năm sau Vatican II nhìn lại, của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban giám mục về văn hóa, Tài liệu hội thảo mùa vọng, 2002, Lưu hành nội bộ.
  5. Hiến chế Gaudium et spes
  6. Hồ Liên, Đôi điều về Cái thiêng và văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2002.
  7. Hồng Y Paul Poupard, Thử tìm một hướng mục vụ cho vấn đề văn hóa, Bản tin Hiệp thông của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, Lm. Phêrô Đ.X.T. chuyển dịch.
  8. Hoành Sơn, Tín lý tinh yếu, Toà Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh, 1996.
  9. Lê Văn Quán, Âm Dương Ngũ Hành, Nxb Văn hóa Dân tộc,2002.
  10. Lm Jmt. Nguyễn Thế Thoại, Công giáo trên quê hương Việt Nam, quyển 1, 2001, lưu hành nội bộ.
  11. Lm. Nguyễn Hồng, Lịch sử Truyền giáo ở Việt Nam, quyển 1, Nxb Phước Sơn, 1959.
  12. Lm. Thiên Cẩm op, Cỏ Dại Ven Đường VI, 2001.
  13. Lm. Thiện Cẩm op, Siêu nhiên trong tự nhiên, Nxb Tôn Giáo, 2002.
  14. Lm. Thiên Cẩm, op, Tiếng hát mỗi dòng sông, 1999.
  15. Minh Chi, Khái niệm “Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam”, trong tác phẩm “Văn hóa Việt Nam, đặc trưng và cách tiếp cận”, Nxb Giáo dục, 2001.
  16. Nguyễn Phan Quang, Bản tính người Việt nhìn từ góc độ tâm linh, bài viết trong tác phẩm “Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ”, Trung tâm nghiên cứu tâm lý dân tộc, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2000.
  17. Nguyễn Thái, "Vấn đề hội nhập trước cơn lốc lịch sử," Thời sự thần học, số 13, tháng 9 năm 1998.
  18. Nicolas Standaert, S.J, Inculturation, The Gospel and Cultures, Saint Paul Publications, July 1994.
  19. Sơn Nam, Nói thêm về tâm linh trong liên hệ với văn hóa Việt Nam, Loạt bài trong tác phẩm “Văn hóa Việt Nam, đặc trưng và cách tiếp cận”, Nxb Giáo Dục, 2001.
  20. Thông điệp Fides et ratio.
  21. Thông điệp Pastores Dabo Vobis.
  22. Thông điệp Redemptoris Missio.
  23. Thông điệp Veritatis Splendor.
  24. Tôn Nữ Quỳnh Trân, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Trẻ, Hiệp hội du lịch thành phố, trường đào tạo nghiệp vụ do lịch Sài Gòn, 1997.
  25. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tp. Hồ Chí Minh, 1997.
  26. Trần Văn Giàu, Chủ nghĩa yêu nước – nét đậm đà trong văn hóa Việt Nam, Loạt bài trong tác phẩm “Văn hóa Việt Nam, đặc trưng và cách tiếp cận”, Nxb Giáo Dục, 2001.
  27. Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1998.
  28. Viet Catholic CD 2001, Hội đồng Giáo hoàng về văn hoá, “Thử tìm một hướng mục vụ cho vấn đề văn hóa”, Bản tin Hiệp Thông, số 5, ban hành ngày 23/05/1999.

GHI CHÚ___

[1] Cha Odorico Di Pordenone dòng Phansinh, và cha Phanxicô Xavier, dòng Tên đến truyền giáo tại Việt Nam trong khoảng thế kỷ XIV – XV (Xc. Lm Jmt. Nguyễn Thế Thoại, Công giáo trên quê hương Việt Nam, quyển 1, 2001, lưu hành nội bộ, trang 15).
[2] Phật giáo đặt chân lên đất Việt ngay từ thế kỷ thứ I qua dấu tích ngôi chùa Khai Quốc (nghĩa là mở nước) thờ Đức Phật Thích Ca. Đây là ngôi chùa đầu tiên trên dất Việt Nam, do Lý Nam Đế xây bên bờ sông Hồng năm 544. Ngôi chùa này đến nay vẫn còn, và được đổi tên là chùa Trấn Quốc. Nho giáo và Lão giáo xuất hiện vào thế kỷ XI, khi Lý Thánh Tông cho dựng Văn miếu thờ Khổng Tử, Chu Tử cùng 72 vị Tiền hiền, và mở Quốc tử giám để chọn nhân tài đất nước trong tầng lớp nho sĩ (Xc. Tôn Nữ Quỳnh Trân, Lịch sử Việt Nam, Nxb Trẻ, 1997, trang 45-77).
[3] Nguyễn Thái, Vấn đề hội nhập trước cơn lốc lịch sử, Thời sự thần học, số 13, tháng 9 năm 1998, tr. 106 - 112.
[4] Những tên tuổi như De Ricci, Alexandre de Rhodes chỉ là tiêu biểu trong số bao người khác mà phần lớn họ không được biết đến.
[5] Lm. Thiên Cẩm, op, Tiếng hát mỗi dòng sông, 1999, tr. 30.
[6] Gaudium et Spes, số 53-59.
[7] Aylward Shorter, Tiến đến một nền thần học Hội nhập văn hóa, trong tập san Thời sự thần học, số 16, tháng 6 năm 1999, tr. 77.
[8] Lê Văn Quán, Âm Dương Ngũ Hành, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2002, tr. 10.
[9] Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1998, tr. 1062.
[10] Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tp. Hồ Chí Minh, 1997, tr. 12.
[11] Nicolas Standaert, S.J, Inculturation, the Gospel and Cultures, Saint Paul Publications, July 1994, tr. 9.
[12] Veritatis splendor, số 53.
[13] Gaudium et spes, số 53.
[14] Hồng Y Paul Poupard, Thử tìm một hướng mục vụ cho vấn đề văn hóa, Bản tin Hiệp thông của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, Lm. Phêrô Đ.X.T. chuyển dịch.
[15] “Inculturation”, Thuật ngữ thần học Anh – Việt, Học viện Đa Minh, 2002, tr. 126.
[16] GLHTCG 854, 1204.
[17] Aylward Shorter, Tiến đến một nền thần học Hội nhập văn hóa, trong tập san Thời sự thần học, số 16, tháng 6 năm 1999, tr. 87.
[18] Viet Catholic CD 2001, Hội đồng Giáo hoàng về văn hoá, Thử tìm một hướng mục vụ cho vấn đề văn hóa”, Bản tin Hiệp Thông, số 5, ban hành ngày 23/05/1999.
[19] Hoành Sơn, Tín lý tinh yếu, Toà Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 59-60.
[20] Trần Văn Giàu, Chủ nghĩa yêu nước – nét đậm đà trong văn hóa Việt Nam, Loạt bài trong tác phẩm Văn hóa Việt Nam, đặc trưng và cách tiếp cận, Nxb Giáo Dục, 2001, tr. 41-42.
[21] Hồ Liên, Đôi điều về cái thiêng và văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông tây, 2002, tr. 49.
[22] Bút thiêng ma cật tay khôn mạc.
[23] Khí thiêng đã lại thu sơn nhạc.
[24] Hồ Liên, Đôi điều về cái thiêng và văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2002, tr. 51.
[25] Nguyễn Phan Quang, Bản tính người Việt nhìn từ góc độ tâm linh, bài viết trong tác phẩm Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ, Trung tâm nghiên cứu tâm lý dân tộc, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2000, tr. 150.
[26] Xc. Bùi Xuân Mỹ, Bùi Thiết, Phạm Minh Thảo, Từ điển lễ tục Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội, 1996, tr. 71-72.
[27] Sđd, tr. 184-192.
[28] Sđd, tr. 218-274.
[29] Gs. Thế Tâm – Nguyễn Khắc Dương, Hội nhập văn hóa, vấn đề hay huyền nhiệm, trong tác phẩm Bốn mươi năm sau Vatican II nhìn lại, của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban giám mục về văn hóa, Tài liệu hội thảo mùa vọng, 2002, Lưu hành nội bộ, tr. 285
[30] Sđd, tr. 284.
[31] Hồ Liên, Đôi điều về cái thiêng và văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2002, tr. 8.
[32] Gaudium et spes, số 53.